BUỒN VUI ĐỜI LÍNH... VĂN PHÒNG
Đoản thiên hồi ký
Nguyễn Hữu Thiện
Đoản thiên hồi ký
Nguyễn Hữu Thiện
LỜI NÓI ĐẦU:
Cái tôi là cái đáng ghét, viết về cái tôi là việc chẳng đặng đừng, viết để ca tụng cái tôi là điều tối kỵ, cho dù viết dưới một bút hiệu khác để người đọc không biết tác giả ấy chính là mình.
Một trong những tác giả viết để ca tụng cái tôi trắng trợn nhất xưa nay phải là Hồ Chí Minh. Ngày ấy, cho rằng đám văn nô miền Bắc ca tụng mình như thế là chưa đủ, họ Hồ đã viết một cuốn sách theo thể loại “Dế mèn phiêu lưu ký” mang tựa đề “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch” ký tên tác giả Trần Dân Tiên. Dĩ nhiên, không cần biết “những mẩu chuyện” ấy có thật hay không, đám bồi bút đã ra sức viết bài ca tụng “tác giả Trần Dân Tiên” (mà sau này toàn dân VN được biết chính là “bác”).
Không dừng lại ở đó, họ Hồ còn viết những bài ca tụng “bác” trên báo của Đảng (Cộng Sản, Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân...) ký tên CB, viết tắt của hai chữ “của bác”, mà các thành phần “phản động” thường xuyên tạc, chế nhạo là ”củ bựa” hoặc “con b…”)
* * *
Đoản thiên hồi ký của tôi có thể không hấp dẫn, ly kỳ rùng rợn bằng “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch” nhưng là những chuyện có thật, những buồn vui trong binh nghiệp của một tay lính văn phòng điếc không sợ súng, với hơn 2 năm ở phi trường Cù Hanh và gần 3 năm ở xứ bưởi, dưới trướng hai ông đơn vị trưởng nổi tiếng réc-lô bậc nhất trong Không Quân, nhưng lại dẫn đưa tới những cái kết rất... có hậu và thật ấm lòng!
Tất cả mọi nhân vật và tình tiết trong hồi ký này đều có thật 100%, tuy nhiên tên tuổi một số nhân vật sẽ được viết tắt vì những nguyên nhân tế nhị.
I- Pleiku đi dễ khó về...
Khoảng cuối năm 1969, tôi là một trong số 19 tân Chuẩn úy tốt nghiệp Khóa 3/69 Thủ Đức được tuyển về ngành Chiến Tranh Chính Trị Không Quân. Khi bốc thăm đi đơn vị, tôi bốc trúng cái thăm duy nhất về Sóc Trăng, trong khi anh bạn Be gốc miệt dưới lại bốc phải cái thăm duy nhất đi Pleiku.
Sau khi bốc thăm, chúng tôi có 24 tiếng đồng hồ để đổi thăm cho nhau (nếu muốn) và tôi đã đổi cái thăm Sóc Trăng lấy cái thăm Pleiku.
Căn cứ không quân Pleiku, ngày ấy còn mang danh xưng Căn Cứ 92 Không Quân, thời nào cũng bị xem là nơi chốn lưu đày của Không Quân, nhưng với một người có máu giang hồ như tôi, địa danh Pleiku lại có sức thu hút.
Chưa kể lúc đó tôi có người cậu đang làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị đóng ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, chắc chắn sẽ không sợ đói!
* * *
Ngay sau khi đặt chân tới Pleiku, tôi đã cảm thấy an tâm, phấn khởi khi được phục vụ dưới quyền một vị sĩ quan văn võ song toàn: Thiếu tá Lê Bá Định, Trưởng Phòng Chiến Tranh Chính Trị, Căn Cứ 92 Không Quân.
Sau này tôi mới biết nguyên nhân Bộ tư lệnh KQ đưa một hoa tiêu khu trục kỳ cựu, xuất thân Khóa 58A Trần Duy Kỷ, từng giữ chức vụ Chỉ huy phó Phi Đoàn 1 Khu Trục (tiền thân của Phi Đoàn 514 Phượng Hoàng), rồi Liên đoàn trưởng Liên Đoàn 62 Tác Chiến (Nha Trang) lên Pleiku coi dăm ba mạng lính văn phòng là để chuẩn bị thành lập một đơn vị tác chiến để đáp ứng nhu cầu chiến trường Tây Nguyên: Không Đoàn 72 Chiến Thuật.
[Khóa 58A là khóa khu trục duy nhất được huấn luyện tại Việt Nam, với bốn người đậu đầu là các Chuẩn úy Chế Văn Nghĩa (thủ khoa), Lê Xuân Lan, Đặng Thành Danh, và Lê Bá Định. Trong ngành khu trục đã có câu vè để ca tụng: nhất Nghĩa, nhì Lan, tam Danh, tứ Định]
Ngoài tài bay bổng ông Định còn là một nhà văn Không Quân (nổi tiếng với truyện ngắn Bay trên đất Bắc) cho nên đã trở thành thần tượng của tôi, vốn tập tành cầm bút từ những năm trung học.
Trung tá Lê Bá Định, Không đoàn trưởng KĐ72CT (1972)
Bên cạnh đó, ông Định còn là “siêu” đàn anh của tôi ở trường Luật; ông đã có Cử nhân Luật và đang chuẩn bị lấy Cao học Quốc tế Công pháp thì “thầy” của ông là Giáo sư Nguyễn Văn Bông bị Việt Cộng ám sát.
* * *
Vị Chỉ huy trưởng căn cứ lúc đó là Trung tá Đỗ Trang Phúc.
Trước khi viết về Trung tá Phúc cũng xin có đôi dòng về giang sơn của ông: Căn Cứ 92 Không Quân.
Vào thời người Pháp còn ở VN, phi trường Pleiku chỉ là một phi trường vãng lai nho nhỏ. Tới đầu năm 1959, một phi trường hạng trung, phi cơ DC-3, DC-6 của Hàng Không Việt Nam có thể đáp, được Tổng thống Ngô Đình Diệm khánh thành và đặt tên là Phi trường Cù Hanh (các tài liệu để lại không đề cập tới nguồn gốc của tên gọi “Cù Hanh”).
Lực lượng đầu tiên của KQVN đồn trú tại đây là một Biệt Đội T-28 của Phi Đoàn 2 Khu Trục, tới từ Nha Trang.
Nguyên Phi Đoàn 2 khu trục, danh hiệu Phi Hổ, được thành lập tại Nha Trang vào đầu năm 1962, Chỉ huy trưởng: Đại úy Phạm Long Sửu (thủ khoa Khóa 1 HTQS Nha Trang). Sau khi làm lễ xuất quân vào giữa năm 1962, một biệt đội 8 chiếc T-28 được biệt phái ra căn cứ không quân Đà Nẵng để yểm trợ Vùng 1 Chiến Thuật; tới cuối năm một biệt đội khác được biệt phái lên Pleiku để yểm trợ vùng Cao Nguyên.
Năm 1964, Phi Đoàn 2 khu trục – lúc này đã mang phiên hiệu 516 – di chuyển ra Đà Nẵng để trở thành lực lượng tác chiến nòng cốt của Không Đoàn 41 Chiến Thuật vừa được thành lập tại đây, và tới tháng 5 năm đó, toàn bộ phi cơ T-28 của phi đoàn đã được thay thế bằng A-1 Skyraider.
* * *
Cũng xin có đôi dòng về việc thành lập các Không Đoàn Chiến Thuật của KQVN. Cho tới cuối năm 1963, về tổ chức và hệ thống chỉ huy, KQVN vẫn còn theo khuôn mẫu của Không Lực Pháp tại Đông Dương trước đây, các phi đoàn là những đơn vị độc lập, có con dấu và KBC riêng, nhận chỉ thị trực tiếp từ BTL/KQ ở Tân Sơn Nhứt, chỉ lệ thuộc vào căn cứ không quân nơi đồn trú về mặt lãnh thổ và yểm trợ.
Tới đầu năm 1964, khi số đơn vị phi hành đã gia tăng gần gấp bốn lần lúc ban đầu, để tiện việc chỉ huy, điều động, các phi đoàn riêng lẻ cùng với các đơn vị bảo trì, kỹ thuật, tiếp vận, yểm cứ, phòng thủ... đã lần lượt được kết hợp thành những Không Đoàn Chiến Thuật (Tactical Wing), tương tự như trong Không Lực Hoa Kỳ.
Tháng 1/1964, Không Đoàn 41 được thành lập tại Đà Nẵng, tư lệnh: Thiếu tá Phạm Long Sửu; cùng thời gian Không Đoàn 33 được thành lập tại Tân Sơn Nhứt, tư lệnh: Trung tá Hà Xuân Vịnh.
Tháng 3/1964, Không Đoàn 62 được thành lập tại Pleiku, tư lệnh: Trung tá Trần Văn Minh.
Tháng 6/1964, Không Đoàn 23 được thành lập tại Biên Hòa, tư lệnh: Trung tá Võ Xuân Lành.
Riêng tại Vùng 4 Chiến Thuật, trong thời gian phi trường Bình Thủy (Trà Nóc) đang được xây dựng, Biệt Đoàn 74 được thành lập tại Cần Thơ vào tháng 4/1964 do Thiếu tá Lưu Kim Cương làm Chỉ huy trưởng.
Tới đầu năm 1965, Trung tá Trần Văn Minh, Tư lệnh Không Đoàn 62 ở Pleiku được BTL/KQ điều về Cần Thơ tiếp nhận Biệt Đoàn 74 để thành lập Không Đoàn 74, Thiếu tá Lưu Kim Cương trở về Tân Sơn Nhứt làm Chỉ huy trưởng Biệt Đoàn Thần Phong.
[Sau khi Trung tá Trần Văn Minh vinh thăng Đại tá về Tân Sơn Nhứt giữ chức Tư lệnh phó KQ, Trung tá Huỳnh Bá Tính lên thay; năm sau, Trung tá Nguyễn Huy Ánh, Tư lệnh Không Đoàn 62 ngoài Nha Trang về làm Tư lệnh Không Đoàn 74 thay Trung tá Huỳnh Bá Tính]
Trở lại với Không Đoàn 62 Chiến Thuật được thành lập tháng 3/1964 tại Pleiku, biệt hiệu “Không Đoàn Biên Trấn”, sau khi bước vào hoạt động đã gặp những khó khăn do vị trí hiểm trở, diện tích chật hẹp, phương tiện thiếu thốn của phi trường Cù Hanh, cũng như thời tiết khắc nghiệt quanh năm của vùng cao nguyên, cho nên qua năm 1965 đã di chuyển về Căn Cứ 12 Không Quân ở Nha Trang.
Căn Cứ 12 lúc đó gồm Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân và các đơn vị phi hành, kỹ thuật, yểm cứ, sau khi Không Đoàn 62 di chuyển về, TTHLKQ được tách rời, các đơn vị này được sát nhập vào Không Đoàn 62.
Từ đây, căn cứ không quân Nha Trang lại trở thành hai đơn vị biệt lập như thuở ban đầu, danh xưng “Căn Cứ 12” chìm vào quên lãng (sau này, kể cả một số KQ cựu trào nhưng không ở Nha Trang, không mấy người biết trong Không Quân VNCH đã từng có “Căn Cứ 12”).
* * *
Sau khi Không Đoàn 62 di chuyển về Nha Trang, một đơn vị mới được thành lập tại phi trường Cù Hanh với nhiệm vụ yểm trợ các biệt đội trực thăng, quan sát, khu trục từ các nơi biệt phái tới, và Đài kiểm báo 921 (Peacock) cũng như Trung Tâm Hành Quân Không Trợ 2. Đơn vị mới này mang danh xưng Căn Cứ 92 Không Quân. (Chú thích 1)
Vị chỉ huy trưởng đầu tiên của căn cứ là Trung tá Phùng Ngọc Ẩn; cấp bậc, chức vụ sau cùng là Đại tá Trưởng Phòng Hành Quân Chiến Cuộc BTL/KQ. Ông là một cấp chỉ huy rất được thuộc cấp yêu mến và cũng là một nhà văn tên tuổi trong Không Quân.
NT Phùng Ngọc Ẩn (hình trong tuyển tập Những mảnh trời khác biệt)
Ông là dân Mỹ Tho, xuất thân Khóa 4 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, sau đó thuyên chuyển sang Không Quân và trở thành phi công.
Tôi không được biết về khóa bay cũng như đường binh nghiệp của Trung tá Phùng Ngọc Ẩn trước khi trở thành Chỉ huy trưởng Căn Cứ 92 Không Quân, chỉ biết ông là bạn thân (xưng hô mày tao) của cố Thiếu tá Nguyễn Ngọc Biện, Chỉ huy trưởng Biệt Đội 615 (oanh tạc cơ B-57 Canberra), người đã tử nạn tại phi trường Cù Hanh vào đầu năm 1966.
Ông Nguyễn Ngọc Biện xuất thân Khóa 2 HTQS Nha Trang, tức là cùng khóa với các NT Võ Xuân Lành, Nguyễn Văn Lượng, Vũ Thượng Văn, Trần Đình Hòe... Sau khi tốt nghiệp Khóa 2 HTQS, ông và người bạn cùng khóa là Võ Văn Hội được chọn sang Pháp học bay khu trục, trở về phục vụ tại Phi Đoàn 1 Khu Trục (tiền thân của 514).
Năm 1960, ông là một trong sáu hoa tiêu khu trục đầu tiên của KQVN (trong đó có Phạm Phú Quốc) được tuyển chọn sang Hoa Kỳ xuyên huấn A-1 Skyraider. Ông được cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ đánh giá là một trong những phi công tài giỏi nhất của KQVN.
Xuyên huấn A-1 tại Hoa Kỳ: NT Nguyễn Ngọc Biện (thứ ba từ trái), NT Phạm Phú Quốc (thứ ba từ phải)
Hầu hết chi tiết liên quan tới cái chết bi thảm của Thiếu tá Nguyễn Ngọc Biện được tôi ghi lại trong bài “Khóa 2 Hoa Tiêu Quan Sát” (Hội Quán Phi Dũng) đều lấy từ các bài viết của NT Phùng Ngọc Ẩn.
Nay nhân nhắc tới Căn Cứ 92 Không Quân và NT Phùng Ngọc Ẩn, tôi xin được viết lại một lần nữa về tai nạn đáng tiếc ấy, để những ai chưa biết được biết diễn tiến sự việc, và những ai biết dưới hình thức tam sao thất bổn được biết chính xác qua những gì NT Phùng Ngọc Ẩn kể lại.
* * *
Sau thời gian lần lượt phục vụ tại hai Phi Đoàn 514 Phượng Hoàng, 518 Phi Long, tới tháng 7/1964, Đại úy Nguyễn Ngọc Biện đứng ra thành lập Phi Đoàn 520 Thần Báo tại CCKQ Biên Hòa, đợi tới khi phi trường Bình Thủy hoàn tất, sẽ đưa về Vùng 4 để trở thành cơ hữu của Không Đoàn 74 Chiến Thuật.
Tuy nhiên trước đó mấy tháng, trong khi chờ đợi Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ chấp thuận chương trình chuyển giao oanh tạc cơ phản lực tầm xa B-57 Canberra cho KQVN, Không Lực Hoa Kỳ đã giàn xếp với chính phủ Phi-luật-tân cho phép một số hoa tiêu VN được tới CCKQ Clark (ở Phi-luật-tân) để được huấn luyện trên B-57. Toán đầu tiên gồm ba Đại úy hoa tiêu khu trục xuất sắc Nguyễn Ngọc Biện (trưởng toán), Nguyễn Văn Tường (mực) và Nguyễn Văn Long.
Vì thế, sau khi chương trình B-57 được Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ chấp thuận, vào đầu năm 1965 Thiếu tá (tân thăng) Nguyễn Ngọc Biện đã bàn giao Phi Đoàn 520 cho Đại úy Võ Văn Hội để ra Đà Nẵng thành lập Biệt Đội oanh tạc 615, trực thuộc Không Đoàn 41 Chiến Thuật. Để rồi chỉ một năm sau (tháng 2/1966), bỏ mình trong một tai nạn thảm khốc do chính chiếc B-57 của ông gây ra...
Hôm đó, chiếc B-57 do Thiếu tá Nguyễn Ngọc Biện ngồi ghế phi công, trong một phi vụ oanh tạc tại Vùng 1 Chiến Thuật đã gặp phải thời tiết rất xấu. Không thể đáp xuống Đà Nẵng vì lý do thời tiết, và vì còn bom trên phi cơ, Thiếu tá Biện đã quyết định đổi hướng để đáp xuống phi trường Cù Hanh, Pleiku.
Oanh tạc cơ B-57 Canberra của Biệt Đội 615
Nhưng sau khi phi cơ đáp xuống an toàn và tháo gỡ hết bom, các nhân viên phi đạo đã không thể tái khởi động động cơ của loại phản lực mà họ chưa từng học qua; cuối cùng họ quyết định dùng sức người để đẩy phi cơ (đang choán chỗ trên phi đạo), Thiếu tá Biện ngồi trên phòng lái để điều khiển bánh lái và thắng. Nhưng trong lúc lực thủy điều đã bị mất và độ dốc của phi đạo Pleiku khiến phi cơ lăn bánh càng lúc càng nhanh, Thiếu tá Biện không thể điều khiển phi cơ theo ý muốn. Thế rồi trong lúc bối rối khi thấy chiếc B-57 đâm đầu ra khỏi phi đạo, Thiếu tá Biện đã nhảy xuống và tử nạn khi bị bánh đáp bên trái của chiếc phi cơ nặng 25 tấn cán lên người.
Theo suy đoán của NT Phùng Ngọc Ẩn, khi nhảy ra khỏi buồng lái có lẽ Thiếu tá Biện đã phản ứng tự nhiên theo những gì đã được học khi lái khu trục: trong trường hợp phải nhảy xuống từ cockpit, lăn ba vòng về phía bên trái để thoát hiểm. Nào ngờ “ba vòng về phía bên trái” lại chính là vị trí bánh đáp bên trái của chiếc B-57!
Điều thương tâm và bi thảm là Thiếu tá Biện không tắt thở ngay mà vẫn tỉnh táo. Tại Quân y viện Pleiku, các bác sĩ cho NT Phùng Ngọc Ẩn biết ông Biện bị nội thương trầm trọng, bàng quang bị bể, chắc chắn không qua khỏi.
Tất cả những gì ông Phùng Ngọc Ẩn có thể làm là khi thấy ông Biện tỏ ra đau đớn cùng cực, đốt một điếu thuốc gắn vào miệng bạn...
Tới khuya, vị Chỉ huy trưởng Biệt Đội 615 – đơn vị oanh tạc cơ đầu tiên và duy nhất của KQVN – tắt thở trước sự chứng kiến của vị Chỉ huy trưởng Căn Cứ 92 Không Quân (Chú thích 2)
* * *
Khi tôi ra Pleiku vào cuối năm 1969, đa số những quân nhân phục vụ vào thời ông Phùng Ngọc Ẩn đều đã thuyên chuyển đi nơi khác, một số nhỏ còn lại nếu có nhắc tới ông thì cũng chỉ kể lại giai thoại ông cho Đoàn Phòng Thủ của căn cứ đem xe V-100 Commando (xe bọc thép bánh cao-su) ra uy hiếp Đồn Quân Cảnh Pleiku, đòi họ trao trả mấy quân nhân Không Quân bị họ giam giữ trái phép!
Tới đây viết về Trung tá Đỗ Trang Phúc, vị chỉ huy đời thứ hai của Căn Cứ 92 Không Quân.
Ông Đỗ Trang Phúc xuất thân Khóa 2 Quan Sát Viên tại TTHLKQ Nha Trang năm 1953. Khóa này gồm sáu khóa sinh trong đó có ông Trần Văn Minh (Trung tướng Tư lệnh KQ sau này). Vì nhu cầu hoa tiêu quan sát, về sau một số quan sát viên đã được đào tạo thành hoa tiêu, trong đó có hai ông Trần Văn Minh và Đỗ Trang Phúc.
Ông Trần Văn Minh gốc Khóa 1 SQTB Thủ Đức - tức là cùng khóa với các ông Huỳnh Hữu Hiền, Huỳnh Bá Tính, Võ Xuân Lành, Phạm Ngọc Sang... - sau khi ra trường phục vụ trong binh chủng Pháo binh một thời gian rồi mới gia nhập Không Quân; còn ông Đỗ Trang Phúc tôi không biết ông xuất thân quân trường nào, khóa mấy, chỉ nghe một vài người nói ông gốc gác Nhảy Dù cho nên rất “đuya” (tiếng Pháp “dure”: cứng rắn).
Ông Đỗ Trang Phúc không bác bỏ nhận xét đó và thường nói nửa đừa nửa thật:
- Pleiku là chỗ lưu đày quan bất mãn, lính ba gai, không réc-lô làm sao trị các cậu được!
Nhưng một người mới chân ướt chân ráo tới phi trường Cù Hanh như tôi thì làm sao biết được điều đó, cho nên chỉ hai tháng sau ngày nhận đơn vị, khi được phép đặc biệt về Sài Gòn dự đám tang người cậu út ở SĐ9BB đền nợ nước, tôi đã tự “gia hạn” thêm 4 ngày nữa!
Khi trở ra Pleiku, ông Lê Bá Định cho tôi biết chiều nào ông Phúc cũng “hỏi thăm” và nói khi nào tôi về tới nơi là phải lên trình diện Chỉ huy trưởng ngay!
Khi tôi vào trình diện, ông Phúc không thèm hỏi tôi về nguyên trễ phép mà đi thẳng vào đề:
- Cậu trễ phép mấy ngày?
- Thưa Trung tá 4 ngày!
- Cậu có biết “cái giá” của tôi không?
- ...
- Cậu trễ phép bao nhiêu ngày thì cứ nhân đôi lên thành số ngày trọng cấm rồi ra quân trấn mà nằm!
Có nghĩa là tôi sẽ lãnh 8 ngày trọng cấm và ở tù 8 ngày ngoài Quân Trấn Pleiku. Phải đưa ra quân trấn bởi vì ngày ấy Căn Cứ 92 KQ nhỏ như cái lỗ mũi, phòng làm việc còn không đủ lấy đâu ra chỗ làm “cải hối thất” để nhốt lính!
Tôi có 30 phút để chuẩn bị trước khi Chuẩn úy Hải, thằng bạn cùng khóa Thủ Đức về làm Quân Cảnh KQ, chạy xe jeep tới tận cư xá sĩ quan độc thân chở tôi ra quân trấn.
Tuy mang tiếng “ở tù” nhưng các sĩ quan bị đưa ra Đồn quân cảnh của Quân trấn Pleiku không bị nhốt trong phòng mà được thoải mái đi lại ngoài sân, ngồi dưới gốc cây đọc sách báo, hoặc thả hồn theo tiếng thông reo... Trừ tôi ra!
Số là ngay sau khi tôi được đưa tới nơi, ông hạ sĩ quan trực đồn quân cảnh đã căn dặn:
- Trừ khi đi vệ sinh, tắm rửa, ăn uống, những lúc khác xin Chuẩn úy ở trong phòng dùm, bởi vì ông Trung tá Phúc lái xe ngang qua đây mà thấy Chuẩn úy lang thang ngoài sân, ổng méc Quân trấn trưởng là tụi tui lại bị khiền đó!
Chiều hôm sau, ông Lê Bá Định khi ra phố trên đường về ghé thăm, đưa cho tôi một ổ bánh mì thịt, một tờ báo, cũng cho tôi biết tuy ông với vị Đại úy Trưởng đồn Quân cảnh là chỗ quen thân vì cùng ở trong giới cầm bút với nhau nhưng ông không muốn làm phiền vì ông biết tính ông Đỗ Trang Phúc!
Tôi ở tù được 5 ngày thì ông Phúc cho xe quân cảnh KQ ra lãnh về. Không hiểu vì ông cho rằng bấy nhiêu đã đủ để răn đe đám sĩ quan trẻ hay vì dư luận trong căn cứ xôn xao bất mãn trước việc một sĩ quan KQ bị đem ra quân trấn nhốt chỉ vì tội trễ phép?! (tôi... hân hạnh là sĩ quan KQ đầu tiên và duy nhất ở Pleiku bị “gửi” ra quân trấn vì sau khi Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku được thành lập và tiếp nhận các cơ sở của Hoa Kỳ, trong phi trường Cù Hanh đã có một cải hối thất đầy đủ tiện nghi).
Riêng tôi, tôi biết lỗi của mình nên không bao giờ đem lòng oán hận ông Phúc, phần ông cũng không vì 8 ngày trọng cấm ghi hồ sơ ấy mà xem tôi như một con cừu đen. Bằng cớ là chỉ mấy tháng sau ông đã ưu ái chọn tôi trong đám sĩ quan trẻ để gửi đi học khóa “Trưởng quầy hàng Quân tiếp vụ”, bởi vì cho tới lúc ấy không quân Pleiku vẫn còn phải mua ké quân tiếp vụ bên quầy hàng của C2 Lực Lượng Đặc Biệt ở gần đó.
Rất tiếc ngày ấy đầu tôi chưa có “sạn”, không thấy được sức hấp dẫn của chức vụ béo bở Trưởng quầy hàng Quân tiếp vụ nên đã dứt khoát từ chối, viện lý do tôi đang chờ BTL/KQ gửi đi học Khóa Căn Bản Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị ở Đà Lạt.
Ông Phúc ra sức thuyết phục tôi, nói rằng tôi chỉ cần học xong khóa cái khóa mấy tuần lễ rồi về thiết lập Quầy hàng Quân tiếp vụ cho đơn vị, sau đó nếu muốn đi học CTCT thì cứ việc đi.
Nhưng tôi vẫn dứt khoát từ chối. Khi tôi trở về Phòng CTCT kể cho ông Lê Bá Định nghe thì chính ông Định mặc dù thường chỏi nhau với ông Phúc cũng tỏ ra không vui và có ý trách tôi tại sao được ông Phúc ưu ái chiếu cố mà lại để ông phải thất vọng!
Về sau, khi quân số ở CCKQ Pleiku đã lên tới hàng ngàn, vị Thượng sĩ ngày ấy được ông Thiếu tá Liên đoàn trưởng Liên Đoàn Trợ Lực “tiến cử” đi học khóa Trưởng quầy hàng Quân tiếp vụ thay tôi đã trở thành một trong hai tay chơi duy nhất ở Pleiku chạy xế Ford Mustang. Phần tôi cứ tới cuối tháng phải ra phố Pleiku mua thuốc Ruby "quân tiếp vụ" (vì thuốc của quầy hàng Quân tiếp vụ trong căn cứ bán cho không đủ hút)!
(Còn tiếp)
CHÚ THÍCH:
(1) Ý nghĩa những con số trong danh xưng đơn vị KQ.
Vào thuở ban đầu của KQVN, con số trong tên gọi các căn cứ, các không đoàn chiến thuật được đặt theo một nguyên tắc khá đơn giản: thứ tự tiếp nhận từ tay người Pháp và vùng chiến thuật.
Trước hết viết về thứ tự tiếp nhận. Nha Trang được tiếp nhận trước tiên, được mang danh xưng Căn Cứ Trợ Lực Không Quân số 1, kế tiếp là Biên Hòa số 2, Tân Sơn Nhứt số 3, và Đà Nẵng số 4. (trong nội bộ Không Quân, các căn cứ thường được gọi ngắn gọi Căn Cứ 1, Căn cứ 2...)
Năm 1961, sau khi các Vùng Chiến Thuật được thành lập, theo chỉ thị của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, phiên hiệu trong danh xưng các Căn Cứ phải thêm số của vùng chiến thuật vào phía sau, thế là 1 thành 12, 2 thành 23, 3 thành 33, 4 thành 41.
Tuy nhiên, trừ ở Nha Trang, nơi danh xưng “Căn Cứ 12” được sử dụng một cách chính thức, trên giấy tờ cũng như khi nói chuyện, ở các căn cứ còn lại, dân Không Quân vẫn tiếp tục gọi là Căn Cứ 2, 3, 4 cho tới khi các Không Đoàn 23, 33, 41 Chiến Thuật được thành lập vào năm 1964.
Tới đây mới bắt đầu... nhức đầu: tại sao sau Không Đoàn 41 Chiến Thuật ở Vùng 1 Chiến Thuật, khi không đoàn chiến thuật kế tiếp được thành lập tại Pleiku, Vùng 2 Chiến Thuật, không mang phiên hiệu 52 mà lại là 62: Không Đoàn 62 Chiến Thuật.
Trước năm 1975, tôi không có cơ hội tiếp xúc với các vị hữu trách ở VP/TMP Chương Trình & Kế Hoạch ở BTL/KQ để tìm hiểu, chỉ sau khi ra hải ngoại trong thời gian tham gia biên soạn cuốn Quân Sử Không Quân, mới được NT Trần Phước Hội, người được tặng biệt hiệu “Cái tủ thuốc bắc của Không Quân”, giải thích đại khái như sau:
Trước kia số 5 đã được dự trù dành cho phi trường Phú Bài (Huế), khi tiếp nhận sẽ trở thành Căn Cứ Trợ Lực Không Quân số 5.
Cũng nên biết, từ thời Pháp phi trường Phú Bài đã được xem là một căn cứ không quân quan trọng, nơi có một phi đội khu trục và một biệt đội quan sát đồn trú, vì thế sau khi tiếp nhận các căn cứ Nha Trang (1), Biên Hòa (2), Tân Sơn Nhứt (3), Đà Nẵng (4), KQVN đã chuẩn bị tiếp nhận căn cứ Phú Bài (5). Tuy nhiên một thời gian sau khi tiếp nhận Đài kiểm soát không lưu, KQVN vẫn không có nhân lực để tiếp nhận cả căn cứ, cuối cùng Phú Bài đã được giao cho Nha Hàng Không Dân Sự; khi ấy ở Pleiku, Không Đoàn 62 Chiến Thuật đã được thành lập. Vì thế mà khuyết số 5 trong phiên hiệu các đơn vị.
* * *
Nhưng dân KQ kỳ cựu nếu để ý sẽ thấy ngày ấy KQVN không chỉ khuyết số (5) mà còn khuyết cả số (8) trong phiên hiệu các đơn vị: sau Không Đoàn 74, lẽ ra căn cứ mới được thành lập ở Pleiku ở Vùng 2 Chiến Thuật phải mang số 82 nhưng tại sao lại mang số 92?!
Câu trả lời: trước đó con số (8) đã bị Biệt Đoàn Thần Phong của ông Nguyễn Cao Kỳ “xí” để làm phiên hiệu: Biệt Đoàn 83 (đơn vị thứ tám của KQ, nằm ở Vùng 3 Chiến Thuật).
Như nhiều người có thể biết, Biệt Đoàn Thần Phong được xem là lực lượng riêng của ông Nguyễn Cao Kỳ, không có trong sơ đồ tổ chức của Bộ tư lệnh KQ thì lẽ ra không nên "ngang nhiên" như thế. Nhưng một khi việc này xảy ra, ai dám "đặt vấn đề" với ông Tư lệnh Không Quân? Thôi thì lấy số 9 đặt cho Pleiku vậy.
Năm 1967, sau khi nền Đệ nhị Cộng hòa được thành lập, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh giải tán Biệt Đoàn Thần Phong. Con số 83 ở Tân Sơn Nhứt cũng chìm vào quên lãng, tương tự con số 12 ở Nha Trang trước đó.
* * *
Sau cùng, nhân nhắc tới Căn Cứ Không Quân 92 tôi cũng phải đề cập tới việc có ít nhất hai tác giả, một Mỹ một Việt, đã có sự lẫn lộn giữa phù hiệu của Căn Cứ Không Quân 92 ở Pleiku ngày trước và phù hiệu của Không Đoàn 92 Chiến Thuật được thành lập sau này tại Căn Cứ 20 Chiến Thuật ở Phan Rang.
Tác giả Mỹ không ai khác hơn là ông Robert C Mikesh, tác giả cuốn Flying Dragons, trong phụ bản phù hiệu các đơn vị trong KQVN, phía dưới phù hiệu Căn Cứ 92 Không Quân ông đã chú thích “92nd Tactical Wing” (Không Đoàn 92 Chiến Thuật). Vị tác giả VN có lẽ dựa theo cuốn Flying Dragons cho nên cũng chú thích sai tương tự.
Phù hiệu Căn Cứ 92 Không Quân (Pleiku, trước 1970)
Phù hiệu Không Đoàn 92 Chiến Thuật (Phan Rang, sau 1970)
(2) Sau năm 1975, Đại tá Phùng Ngọc Ẩn bị tù cải tạo 13 năm tại các trại Hà Tây và Xuân Lộc.
Ông qua đời ngày 15/06/2013, tại San Diego, CA, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 80 tuổi.
Trong bài “Bên dưới những đôi cánh sắt” (Hội Quán Phi Dũng) viết về các văn nghệ sĩ trong quân chủng Không Quân, tác giả Ngọc Tự viết về ông như sau:
Ông là một trong số rất đông các sĩ quan cao cấp KQ say mê văn chương chữ nghĩa. Có thời gian ông làm Chỉ Huy trưởng Căn cứ 92 KQ ở Pleiku. Ông viết truyện ngắn, truyện dài và cộng tác thường xuyên với báo Lý Tưởng. Các sáng tác của ông nói về cuộc sống và sự chiến đấu của người lính KQ, qua hình ảnh người phi công thời chiến, cũng không thiếu việc thẳng thắn bầy tỏ tâm trạng của những con người ấy, giữa khi tham dự vào cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, và đối diện với hiện tình xã hội. Trong quân ngũ, ông giao tình thân mật và gần gũi với các nhà văn KQ cấp bậc và chức vụ thấp hơn.
Các tác phẩm văn xuôi đã ấn hành:
. Bay Trong Hoàng Hôn 1968.
. Kẻ Lạc Ngũ 1972.
. Cánh Chim Ngoại Biên 1974.
. Ngoài Chân Mây (in chung với 6 tác giả khác).
. Những Mảnh Trời Khác Biệt (tuyển tập nhiều tác giả, nhà xuất bản Lý Tưởng 1971).
.Tập Thơ Truyện Không Quân Thời Chiến.
Comment