Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những ngày như lá, Tháng như mây...

Collapse
X

Những ngày như lá, Tháng như mây...

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những ngày như lá, Tháng như mây...

    Những ngày như lá, Tháng như mây...


    Phạm Công Luận.


    Khi tôi đưa bài viết về đoạn đường Lò Đúc trên đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển). Đối với cư dân Phú Nhuận một thời, những địa danh như chợ Lò Đúc, xóm Mả Đỏ, xóm Mô, rạp Văn Cầm, nhà thuốc Ông Tiên, hẻm Đội Có... trở nên thân thương vì đã ấp ủ tuổi thơ của rất nhiều người.

    Cuộc sống thuở ấu thơ khi nhớ lại luôn đẹp lung linh dù chỉ là những ký ức vụn vặt. Có người nhắc về những buổi tối cha đi làm về thường mua làm quà cho các con những chiếc bánh tiêu, bánh mè dòn thơm. Người khác nhớ những lần được mẹ dắt ra chợ, cho uống ly nước mía ngọt mát hoặc ly đậu đỏ bánh lọt thơm ngon. Họ nhớ ly nước mía ở cái xe góc đường Võ Di Nguy - Nguyễn Minh Chiếu, nhớ tô mì nóng, nhớ cả chuyện mỗi tháng một lần mẹ đi chợ Phú Nhuận mua cả thùng sữa đặc để cho em nhỏ uống và ba pha cà phê sữa. Nhớ mỗi dịp Xuân về ở ngã tư Phú Nhuận, nhà may Bảo Toàn và tiệm đồng hồ Alfana Watch thi nhau đốt pháo suốt mấy ngày Tết từ mùng 1 đến mùng 3 và không năm nào nhà Bảo Toàn thắng được tiệm Alfana. Bọn trẻ thành lệ Tết nào cũng đợi ngưng giữa các đợt pháo nổ để nhào vô lượm pháo lép.

    Một bác từng ở Phú Nhuận kể rằng mới hôm qua, bác đi uống cà phê với người con trai út nay đã ba mươi tuổi. Bác kể cho con trai nghe về những cái ghế xếp chân sắt mặt gỗ đặc trưng ở các xe hủ tíu mì của người Hoa ngày xưa nhưng hiện nay đã mất dần, nhường chỗ cho những cái ghế nhựa đủ màu. Những cái xe hủ tíu mì có gắn những bức tranh tráng thủy xanh đỏ vẽ những trận chiến cổ, đa số trích từ truyện Tam Quốc Chí rất bắt mắt mấy đứa con nít. Những cái xe của ngày xưa ấy dần rệu rã và trở thành hiếm có trên các vỉa hè. Không biết bác còn nhớ hồi xưa gần ngã tư Phú Nhuận có quán cà phê vớ ở đầu hẻm, tầm năm giờ sáng đã có mấy ông lớn tuổi, người đi làm hoặc đã nghỉ hưu ra nhâm nhi cà phê, rầm rì tán chuyện thời sự không ?

    Con đường Nguyễn Minh Chiếu do nằm trong chủ đề bài viết nên được nhắc nhiều. Tiệm mì Quảng Huê Viên là tiệm ăn duy nhất còn lại ở ngã ba Nguyễn Minh Chiếu – Võ Di Nguy (Nguyễn Trọng Tuyển – Phan Đình Phùng) từ trước 1975. Gần tiệm mì này có nhiều hàng quán và tiệm tạp hóa. Tiệm Huê Xương hồi đó là tiệm chạp phô bán đường, đậu, bán cả vài thứ đồ chơi con nít rất thích mua là mấy tấm bìa in hình màu các con thú, các loại khủng long, các loại côn trùng để vào trường chơi vích hình. Bên cạnh là tiệm Quảng Tín Xương cũng bán chạp phô. Đối diện Huê Xương là tiệm bán cà phê xay Trinh Ký nằm sát bên tiệm phở Phúc Ký. Tiệm Phúc Ký chuyên bán Phở Bắc, giá một tô phở là 5 đồng, con nít có thể kêu tô nhỏ giá 3 đồng. Một độc giả trên bảy mươi kể khi còn bé anh thấy ở đó luôn có một ông khách trung thành, sáng nào cũng chỉ ăn ở tiệm đó, nếu tới sớm thì đứng đợi mở cửa chứ không bỏ đi đâu. Cách Huê Xương vài căn là tiệm Tân Dân cho mướn sách. Những ngày của thời thơ ấu, niềm hạnh phúc lớn của một cô từng ở Phú Nhuận là vào những buổi trưa nắng vắng lặng, trốn ngủ lôi chiếc xe đạp ra, đến tiệm này để thuê truyện Tin Tin, Lucky Luke. Sau năm 1975, Tân Dân và một tiệm cho thuê sách khác là Toàn Hiệp bị dẹp. Tiệm Huê Xương biến thành một tổ hợp thêu và các tiệm khác dần thay đổi chủ, nhất là sau năm 1978, nhiều người Hoa ra đi.

    Xe cộ công cộng ở Phú Nhuận, thuận tiện nhất để ra trung tâm Sài Gòn vẫn là đến đón xe buýt vàng ở bến cuối bên vách tường hông nhà thờ Nam đầu đường Võ Tánh - đường Trương Tấn Bửu (nay là Hoàng Văn Thụ và Trần Huy Liệu). Ở đó cũng là bến xe taxi. Bến xe này khai mùi nước tiểu, đứng trong sân nhà thờ chỗ hồ nước hình bản đồ Việt Nam vẫn cảm thấy thoang thoảng mùi khai.

    Để giải trí, ngoài vài tiệm cho thuê truyện, còn có các sạp báo rải rác trên đường Võ Di Nguy. Đặc biệt, đối diện lối vào trường tiểu học Võ Tánh có hai vợ chồng già bán nhạc tờ có in ảnh nghệ sĩ nổi tiếng. Ngày cận Tết họ bán rất chạy vì gần Tết ai nấy nhàn nhã, mua về tập hát hay tập đệm đàn. Thỉnh thoảng ngày lễ chạp có hát Đình ở đình Phú Nhuận trên đường Lê Tự Tài (nay là Mai Văn Ngọc). Tuy nhiên, thú xem xi nên vẫn hấp dẫn nhất theo lời một cựu cư dân Phú Nhuận hơn bảy mươi tuổi. Ông kể trên đường Võ Di Nguy có hai rạp hát nhưng rạp Cẩm Vân không duy trì lâu, không quen thuộc như rạp Văn Cầm mé ngã ba Nguyễn Huỳnh Đức – Võ Di Nguy (Huỳnh Văn Bánh – Phan Đình Phùng). Rạp Cẩm Vân chuyên chiếu phim Ấn Độ, rạp Văn Cầm chỉ chiếu phim Hồng Kông.

    Mỗi rạp thường chiếu hai phim khác nhau cùng lúc, giá rất rẻ vì dùng toàn phim cũ đã được chiếu hết ở các nơi rồi mới về đó. Xem phim ở Văn Cầm là nguồn hạnh phúc của thiếu nhi và tuổi mới lớn thời ấy, cũng đang trong thời điểm vàng son của Hollywood với những phim cao bồi miền viễn tây và sử thi La Mã. Phim được thông dįch sang tiếng Việt, như phim Étoile brisée (kể chuyện ông Shériff bị cướp bắn, may trúng cái ngôi sao đeo trên ngực, ngôi sao bể nhưng ông thoát chết ) được dịch là Ngôi sao tan vỡ. Phim Coup de fouet en retour (cái roi quất của tụi cao bồi ) dịch là Ngọn roi phũ phàng. Phim “L'étranger dans la ville” dịch là “Kẻ lạ tới thành”, Phim “Le Roi et moi” dịch là “Vua Xiêm và thiếp”. Mùng Một Tết Nguyên Đán bọn con nít Phú Nhuận rủ nhau đi xem phim Cao-bồi “L'homme qui n'a pas d'étoile” (dịch là Kẻ xấu số ) với diễn viên Kirk Douglas, về nhà bị ba mẹ biết chuyện rầy cho là sẽ bị xui cả năm vì cái tựa phim nghe thảm quá.

    Đối với người khác, kỷ niệm về rạp hát này là trong buổi đi học đến trường Võ Tánh từ xóm Đội Có phải đi tắt qua hẻm nhỏ bên hông rạp hát, có khi dừng lại coi cọp qua lỗ mọt của cửa sắt có rèm xem bên trong những phim kiếm hiệp đang chiếu. Có bạn còn nhớ rõ mình đã coi phim "Ngũ hổ tướng" có năm tài tử đóng là Khương Đại Vệ, Địch Long, Trần Quang Thái, Vương Chung và Lý Tu Hiền. Nhiều người lại nhắc Văn Cầm qua ký ức có mùi… nước tiểu giữa các hàng ghế gỗ. Dù vậy, thời phim Hồng Kông đang thịnh, khán giả mua vé phải đứng xếp hàng tới tận đường Cô Bắc hay Cô Giang.

    Ở Phú Nhuận có một đoạn đường mà có bạn ví như “một thị trấn châu Âu”. Đó là khúc đường Trương Tấn Bửu nối dài, đi qua chợ Ga và gần giáp với đường rầy. Ở đó, có các nhà chuyên đắp tượng chúa Giê-su, các vị thánh, Đức mẹ Maria… Những bức tượng đúc từ khuôn mẫu khá đẹp, cân đối không kém các bức tượng trong ảnh bên Tòa thánh La Mã, cao bằng người thật hoặc hơn, đặt hai bên đường với những cái nhìn sâu thẳm nhìn xuống người đi qua lại. Ngày Noel, đi qua con đường đó nghe nhạc Giáng sinh vừa thấy rộn rã vừa man mác của một thời đang thòi chiến: “Lại một Noel nữa, mấy mùa giáng sinh rồi, anh ở đồn biên giới, mong về một khung trời…”.

    Hẻm là một đặc sản ở Phú Nhuận, giống như ở vài quận xưa là vùng ven Sài Gòn. Hầu như đường nào cũng có những con hẻm nhỏ luồn lách qua lại. Đó là di sản của một vùng đô thị tự phát từ trăm năm trước, đường phố hình thành từ các đường làng, nhà cửa mọc lên không phép tắc sau những đợt di cư, tỵ nạn chiến tranh. Đường Trương Tấn Bửu có nhiều hẻm lớn ngay hàng thẳng lối ở khu cư xá đối diện hông nhà thờ Nam. Hẻm có ca sĩ Thanh Phong ban tam ca Sao Băng ở thì gọi là hẻm Thanh Phong. Hẻm nhà ông Đội Có thì gọi là hẻm Đội Có. Hẻm gần nhà thuốc Ông Tiên là hẻm Ông Tiên. Hẻm có quán cà phê mang tên Hẹn Hò là hẻm Hẹn Hò. Hẻm là nơi con nít có thể chơi bắn bi, nhảy cò cò, tạt lon... an toàn hơn ngoài đường phố nên ký ức hẻm đậm đà hơn ký ức đường phố. Nhiều người nhớ hẻm đi tắt từ ngã ba vào trường Võ Tánh (Trung Nhất bây giờ) có nhà ông già người Tàu có tiệm trò chơi điện tử với mấy bàn pinball cực kỳ hấp dẫn bọn nhóc tì, so với những trò chơi banh bàn đơn điệu thì trò banh điện này đèn chớp, âm thanh rất lôi cuốn. Đường Cô Giang, thực chất là một con hẻm, có nhà nghệ sĩ hài Thanh Hoài, có đền thờ Võ Di Nguy, bên trong nữa có đền thờ vua Hùng của làng Vân Đồn tương tế. Hẻm Duy Tân (tức xóm Mả Đỏ) từng có nhà ca sĩ Elvis Phương, con hẻm trên đường Nguyễn Huỳnh Đức đâm ra hông Phú Nhuận từng có nhà của ca sĩ Chế Linh.

    Tiệm phở Bắc Huỳnh trên đường Võ Tánh (Hoàng Văn Thụ) ngày xưa thuộc hàng cao cấp, dân thường không vào nhiều vì giá cao. Phở Quyền rẻ hơn một chút tuy cũng khá mắc so với mức sống thời đó. Trước 75, những quân nhân đi làm trong trụ sở Tổng Tham Mưu gần sân bay thường ghé ăn sáng ở phở Quyền. Tiệm thực phẩm cao cấp Thái Bình có từ trước 1975, nghe nói chủ tiệm là người trong gia đình kịch sĩ Vân Hùng thường đóng cặp cùng nghệ sĩ Kim Cương. Những đứa nhỏ nhà khá giả ở Phú Nhuận thích được cha mẹ dẫn đến tiệm đó mua fromage hay beurre, có khi được cho ăn kem foremost. Tiệm tồn tại đến bốn mươi năm sau 1975 mới đóng cửa để xây lại, đến giờ vẫn là một công trường quây kín.

    Chú Nguyễn Cương Phú sống ở Phú Nhuận cách nay hơn bảy mươi năm như là một nhân chứng cho cuộc sống ở Phú Nhuận khoảng cuối thập niên 1940 đến đầu thập niên 1950. Thuở ấy, chú bé Phú cùng mẹ và anh em dọn từ Bà Chiểu sang Phú Nhuận. Mẹ Phú thuê căn nhà ở hẻm Mã Đỏ, là con hẻm nằm trên đường Lò Rèn (còn gọi là đường Chùa Phật, nay là đường Huỳnh Văn Bánh). Con hẻm này (nay là đường Duy Tân) khá rộng, là đường đất nên khi trời mưa đi xe đạp dính bùn không đạp nổi. Nhà Phú ở là căn nhà đầu tiên của hẻm, mái ngói, vách ván, không có hàng rào. Hẻm nhỏ này thông ra đường nhựa Mac Mahon có một bót lính kín chuyên lùng bắt Việt minh. Từ ngôi nhà thuê này, mẹ và em gái của Phú ngày ngày gánh cơm ra ngồi phía trước nhà lồng chợ Xã Tài (chợ Phú Nhuận ngày nay) bán cho giới bình dân, phu xích lô, phu xe kéo. Rồi Phú sang ở cùng một vị sư ở Cầu Bông để giúp việc tu hành, thỉnh thoảng về Phú Nhuận thăm mẹ.

    Có kỷ niệm khó quên thời đó là khi về nhà ăn Tết năm 1950. Phú may được một bộ đồ mới kiểu cách thời đó nên mừng lắm, mang bộ quần áo về để diện mấy ngày Tết với mẹ. Đêm Giao thừa, mẹ nấu bánh chưng trước cửa nhà, Phú nằm ngoài hiên trên chiếc chiếu mới, thấp thỏm không dám chơp mắt vì sợ ngủ quên. Đến đúng giao thừa, mẹ thắp nhang trước bàn thiên lạy trời đất rổi đốt phong pháo điển đón năm mới. Sáng mùng một Tết, Phú diện đồ mới chúc tết được mẹ lì xì cho tiền, liền phi ra cửa chợ Xã Tài chơi “bầu cua cá cọp”. Từ gánh cơm mà đứa em gái mười hai tuổi đầu ngày ngày theo mẹ ra ngồi bán, đến khi khấm khá lên một chút mẹ Phú sang luôn cái sạp ngay giữa chợ và gánh hàng cơm cũng chuyển đổi thành tiệm cơm. Quanh tiệm là dãy ghế liền nhau hình chữ U. Khách hàng kẻ ngồi xổm, người ngồi bệt trên ghế. Quán khá dần nên mẹ Phú thuê rồi mua đứt luôn căn nhà phố đối diện với chợ Xã Tài số 118 Louis Berland cạnh vài căn là tiệm thuốc Bắc. Phía sau lưng chợ hồi đó chưa có đường nhựa, dân lao động nghèo sống trong những căn nhà lá, vách lá dừa, hai dãy nhà cất đối diện nhau.

    Cuộc sống của người dân nghèo nhưng yên bình, nhiều nhà không có cửa, trong nhà chỉ có một cái chõng cho vợ chồng và một cái võng. Khách đến chơi, muốn ngủ thì cứ tự nhiên trải chiếu trên nền đất mà ngủ, có lạnh thì kéo chiếu lên đắp. Mọi người tắm rửa bằng nước rạch Nhiêu Lộc ngày nay, nước phông tên chỉ để ăn uống và phải gánh từ cổng chợ. Hàng xóm ở đó tuy nghèo nhưng Phú có thể đến lục cơm nguội bất cứ nhà nào để dằn cơn đói. Muốn ngủ lại thì lên võng ngủ. Phú nhớ có một gia đình mà chủ nhà là một anh phú-lít (cảnh sát), còn gọi là Mã Tà. Chồng đi làm, vợ ở nhà giữ con. Hôm nào không đi làm, viên phú lít này về nhà cởi đồ lính, mặc quần xà lỏn ôm đứa con nhỏ ngồi trên chiếc ghế bố (khung gỗ, mặt ghế bằng bao bố đựng gạo tháo chỉ đóng thành cái giường nho nhỏ). Chú gọi Phú ra ngồi chơi, kể chuyện làm cảnh sát ngoài đường cho Phú nghe rất hấp dẫn.

    Một chị là cư dân cũ ở đây, nay đã ở Tân Phú viết rằng ngày xưa sao mà bình yên hiền lành thân thiện từ con đường, mái nhà, góc phố. Chỗ chị ở bây giờ, giống như khu Phú Nhuận, cũng thay đổi rất nhiều, khi chị mới đến còn êm ả, có nhiều ruộng rau muống và mương thoát nước, hễ trời mưa là đám con nít chạy ra đường ngập nước để bắt cá rồi hè nhau đắp bờ tát mương vui ko kể xiết. Bây giờ nhà bê tông thay cho nhà ngói, hàng rào gỗ và những khoảng cây xanh thay bằng bê tông và sắt.

    Một anh bạn khác khi đọc những đoạn kể chuyện về Phú Nhuận ngày xưa, đã chân thành thốt lên: “Cám ơn đã cho tui trở về thời mặc .. xà lỏn. Trường Võ Tánh, Hoài An, Quốc Anh, Đạt Đức. Rạp Cẩm Vân, Văn Cầm, đường Lò Đúc với nhà cô giáo Bông. Nhà làm chả lụa, tiệm cho thuê sách có cái bao giấy dầu rất khó quên. Đường Thái Lập Thành với mấy cái chuồng nuôi ngựa và Quán Bích Câu Kỳ Ngộ”. Những cái tên anh kể có gì lạ đâu, mà với cư dân Phú Nhuận lâu đời, nghe như có tiếng chuông ngân, vang lên và reo trong niềm hoài nhớ về “Những ngày như lá, tháng như mây” (*) nhẹ tênh và xanh mướt thuở ấu thơ, ám ảnh ta mãi, một cách êm dịu đến tận sau này.


    Phạm Công Luận


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X