Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tình như sương khói

Collapse
X

Tình như sương khói

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tình như sương khói


    Tình như sương khói

    Mến tặng cô em San Diego – người nữ sinh viên viên Chính trị Kinh doanh Viện Đại học Đà Lạt năm xưa
    ChuKim Long

    Những vạt nắng đầu mùa có màu vàng nhạt giống như lớp luạ mỏng phất phơ trong làn gió hiu hiu làm cho những ngày vào Thu thêm sinh động. Cảnh vật mùa Thu tĩnh lặng và ẩn nấp những nét đẹp thanh thoát trong chu kỳ bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông.
    Mùa Thu California chớm về, khí trời se se lạnh với những làn gió nhẹ làm cho Hoàng cảm thấy sinh hoạt của gia đình ngày cuối tuần thật an bình, hạnh phúc. Cái lạnh đầu mùa khiến Hoàng nhớ đến khí hậu Đà Lạt với những kỷ niệm một thời, khó quên. Hoàng nghĩ đến những ngày tháng đi công tác trên miền Cao nguyên, thành phố sương mù với những con dốc, những đồi thông, thác nước, những khu vườn chạy dài trong thung lũng sâu dưới chân đồi với những sắc hoa vừa chớm nở, những trái Dâu, trái Mận, trái Đào tươi màu như má đỏ môi hồng của người con gái xuân thì xứ hoa Đào trên đỉnh Lâm Viên, và những buổi chiều cuối tuần bên hồ nước nhà Thủy tạ, dong chơi trong khu phố chợ Hòa Bình với những ly cà phê, những chén cơm Thố và một thực đơn đặc sản của xứ thông reo bốn mùa với các bạn bè và thân hữu.............Đã xa rồi Những ngày xưa thân ái – Hoàng nhủ thầm.
    Để ly cà phê sữa nóng thơm ngon xuống bàn, tay phải di chuyển con chuột tới lui, Hoàng vừa đọc tin cuối tuần trên các trang mạng vừa nghe nhạc và suy nghĩ vu vơ về cuộc đời. Lời ca và tiếng đàn bản tình ca “Tôi với trời bơ vơ” chấm dứt, thì như một phản xạ tự nhiên Hoàng hát nho nhỏ: “ Đêm hiu hắt lạnh lùng, sâu thêm mắt muộn phiền, soi bóng đời mình, bên giòng sông cũ, tôi với trời bơ vơ....”
    Cách bàn máy điện toán Hoàng đang ngồi vài ba bước chân, Tâm – bà xã Hoàng đang sửa soạn bữa cơm trưa, nghe tiếng chồng hát, nàng ngạc nhiên hỏi:
    - Sao vậy anh? Anh thường nói với em là trong đau khổ có hạnh phúc và trong hạnh phúc có đau khổ, cả hai ẩn tàng, thâm nhập vào nhau, và là bản chất của tâm sinh lý. Sao giờ này anh lại than tôi với trời bơ vơ? Đời là thế – C’est la vie! Anh không nghe thiên hạ nói vậy sao? Thôi quẵng gánh lo đi mà vui sống anh à. Nghe anh hát, mùa Thu sầu héo mất. Tâm nheo mắt, cười, sau câu nói chọc quê chồng.
    - Ái chà, cô em tôi hôm nay lại xổ nho, khoe chữ rồi, em là dân Tây hồi nào vậy? Hoàng nói đùa với Tâm.
    - Em là bà xã dân Tây mà. Anh đã nói với em là sau năm 1975, anh có bằng tiến sĩ kinh tế mới, với gần sáu năm du học khổ công khổ sai gì đó tại vùng núi rừng Tây Ninh mà. Như vậy, anh đã là dân Tây một thời rồi đó. Vì thế, em mới thêm mắm thêm muối một chút cho đậm đà. Vợ dân Tây, đầm An nam mít mà lại định cư trên xứ Sao sọc Cờ hoa. Nên em chọc cười anh một chút đó mà.
    Sau câu nói đùa vô thưởng vô phạt của vợ, bốn con mắt nháy nhó nhau cùng với nụ cười thân thương nở trên môi của cặp vợ chồng vừa qua tuổi trung niên, căn nhà như tràn đầy bầu không khí hạnh phúc của buổi sáng đầu mùa Thu. Hoàng đứng dậy tắt máy nhạc và trở lại bàn máy điện toán. Tay Hoàng nhấp con chuột, đầu hướng về phía bếp, nói : Em lo nấu nướng đi, anh ngồi viết ba điều bốn chuyện một chút rồi mình ăn cơm. Âm hưởng của bản nhạc làm anh nhớ tới câu chuyện tình của người bạn đã kể cho anh nghe năm xưa. Anh viết lại câu chuyện cho em đọc nhé.
    - Có lãng mạn như Hồn Bướm mơ Tiên hay bi tráng như Huyền Trân công chúa không ? – Tâm hỏi Hoàng.
    - Không lãng mạn và bi hùng như vậy. Nhưng cái đau khổ của cảnh biệt ly bất thường đã xảy ra, như một đợt sóng thần trong trận động đất làm cho tình yêu chia xa và đứt đoạn – Hoàng nói.
    Tâm đi đến cái bàn Hoàng đang ngồi, đứng sau lưng chồng, hai bàn tay nàng bóp nhẹ hai vai chồng như những động tác của một chuyên viên nghành Therapy làm thư giãn các cơ năng. Mười ngón tay nàng bóp nhẹ hai vai Hoàng như một người nữ điều dưỡng viên chỉnh hình chuyên nghiệp đang phục vụ thân chủ một cách vui vẻ và tận tình.
    - Vậy anh viết cho em đọc đi. Mong sao câu chuyện có hậu và đừng làm cho ai khóc vì cuộc tình đó nghe anh – Tâm nói.
    - Chuyện tình đẹp, buồn và cao thượng. Còn rơi lệ hay không cũng tùy theo người đọc. Mau nước mắt, đa sầu đa cảm như em thì anh không dám bảo đảm một chút nào– Hoàng nói.
    Tâm ngừng tay thoa bóp hai vai, nhéo nhẹ tai chồng, cười mỉm rồi nói: Thôi, anh viết đi. Anh nghĩ em còn trẻ lắm hay sao mà hơi một chút là khóc nhè. Khóc hay cười cũng kệ người ta, nước mắt của người phụ nữ đôi khi làm cho đời thêm thi vị. Anh cứ viết đi, để em đọc xem câu chuyện tình đó có đẹp như trăng như sao hay không.
    - Trong hạnh phúc có đau khổ mà. Người đẹp, tình nồng, nhưng hợp rồi tan như sương như khói trước giông tố - Hoàng nói trong lúc di chuyển con chuột và gõ nhẹ trên bàn phím.

    Tiết trời vừa chớm Thu, làn gió Thu nhè nhẹ, màu nắng vàng nhạt như những sợi tơ duyên làm tăng thêm sinh lực và hạnh phúc của gia đình Hoàng trong ngày cuối tuần. Ngồi trước bàn phím, bàn tay phải của Hoàng di chuyển tới lui con chuột trên trang giấy Microsoft word với những ngón tay gõ đều trên từng con chữ. Có lẽ niềm vui trong hạnh phúc gia đình đang tràn ngập trong tâm trí, cộng với dư âm lời ca của bản nhạc “Tôi với trời bơ vơ” khiến Hoàng ngồi thinh lặng, tâm tư lãng đãng như hồn bướm mơ tiên, Hoàng đang nhớ về câu chuyện tình buồn và đẹp của người bạn tù cùng tổ, cùng đội năm xưa. Dưới bóng mát của tàn cây trong khu rừng già Tây Ninh, Nam đã kể cho Hoàng nghe về mối tình chín muồi trong tầm tay, rồi rơi rụng bất chợt khi Hoàng hỏi Nam tại sao là sĩ quan Hải quân thuộc Vùng 4 Duyên hải mà không theo đơn vị nhỗ neo rời bến.
    Nam và Hoàng tuy cùng một cấp bậc. Nhưng Nam là sĩ quan hiện dịch Hải quân, đơn vị cuối cùng đóng tại vùng 4 Duyên hải, miền Tây. Còn Hoàng là sĩ quan trừ bị, nhập ngũ theo lệnh tổng động viên năm Mậu Thân 1968. Sự thăng trầm của vận nước đã đưa đẩy Nam và Hoàng sống cùng một đội trong các trại tù và là tổ viên của đội Cơ động, một đội lao động khổ sai mà tổ viên cũng như đội trưởng, đội phó, tổ trưởng tổ phó đều là các anh em tù “ca cóng linh tinh, phát biểu bừa bãi, lao động tiêu cực”, nên tình đồng tù đồng sàng giữa Nam và Hoàng gắn bó hơn. Hai người thường kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn của những ngày xưa thân ái dưới các tàn cây của khu rừng già, trong những lúc ngồi nghỉ giải lao hoặc ăn trưa khi đi lao động. Hoàng nhớ đến giọng trầm buồn của Nam lúc kể lại chuyện tình của Nam cho Hoàng nghe khi cả hai chống cuốc, ngồi dưới bóng cây trong khu rừng già giáp biên giới Việt Nam và Capuchia, vùng núi rừng thuộc tỉnh Tây Ninh, chờ các bạn cùng tổ cùng đội hoàn tất chỉ tiêu để về lại trại.
    Để thời gian không làm Hoàng quên đi một chuyện tình đẹp và buồn trong một thời dâu bể. Hoàng gõ từng con chữ lên trang Microsoft word khi viết lại câu chuyện tình một thời của người bạn tù theo trí nhớ. Hoàng nhớ rõ nét mặt đăm chiêu, hằn lên sự đau khổ khi Nam nói:
    “Tình hình chiến sự diễn biến mỗi ngày một xấu hơn, đơn vị đã cấm trại cả tháng và đặt trong tình trạng ứng chiến. Ngày 28 tháng 4, Chỉ huy trưởng gọi tôi lên văn phòng lấy giấy phép đặc biệt về Sài gòn đón gia đình xuống Cần Thơ. Ông là khóa đàn anh, rất thương binh sĩ cũng như các khóa đàn em dưới quyền, ông biết rõ gia cảnh tôi cũng như người yêu tôi vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Lạt đang chờ nhận nhiệm sở và ngày khai giảng cho năm học mới. Từ Vùng 4 Duyên hải, tôi vượt qua những nút chặn và những lần qúa giang quân xa, nhẩy chuyến các xe hàng. Tôi về đến Sài Gòn sáng ngày 29, và khi chiếc xe Honda ôm đưa tôi tới cửa nhà nàng thì ông hàng xóm cho tôi biết gia đình nàng đã bỏ đi Ý sáng ngày hôm qua rồi, ông hàng xóm cũng làm cho Italy Commercial Bank và ở cùng cư xá của ngân hàng với bố mẹ nàng. Tôi bàng hoàng, thất vọng, dù đã được nàng cho biết qua cái điện tín cuối cùng tôi nhận được là nàng muốn tôi về đón nàng ngay. Tôi đã về để đón nàng, nhưng không kịp, cuộc tình tan vỡ không ngờ, tay trắng tay như cuộc đời tôi lâu nay, nàng đã xa tôi, và tôi thật sự mất nàng! Đứng thẫn thờ trước cửa nhà nàng một lúc, tôi trở về nhà bác Hai đã nuôi tôi từ nhỏ để hôm sau trở lại đơn vị. Nhưng không kịp nữa, sáng ngày 30 tháng tư, Dương Văn Minh đầu hàng, tôi đi tù và hôm nay tôi đang ở đây. Đã gần năm năm rồi, đời là vạn ngày sầu!”
    Nam thở dài, nói nhỏ, sau khi kể lại cho Hoàng nghe lý do là sĩ quan Hải quân, có tàu thả neo tại căn cứ mà lại đi tù.
    - Nam vừa nói bác Hai nuôi Nam từ nhỏ? Ủa! Vậy còn ông bà già Nam – Hoàng hỏi Nam và bỏ lửng câu hỏi vì tế nhị.
    - “Bác Hai là anh ruột bố tôi, theo bác kể lại thì mấy tỉnh vùng cực Bắc miền Trung trước năm 1954 thuộc Liên khu 5, nên nhiều nơi bị Việt Minh khống chế và kiểm soát. Năm 1954 bố mẹ tôi đã tập kết ra Bắc đem theo anh trai tôi, còn gởi tôi lại cho bác Hai. Bác tôi không ưa Viêt Minh – một tên gọi trá hình của Cộng sản hiện nay, nên đã di chuyển vào Sài Gòn sinh sống, nuôi tôi ăn học từ tuổi ấu thơ, hai bác tôi thương yêu, lo cho tôi như con ruột vậy”.
    - Ồ, ông bà ấy thật tử tế, Nam cũng có phước mới có được người bác tốt như vậy. Còn người yêu của Nam quê ở Nha Trang nên hai người quen biết nhau khi Nam còn là sinh viên sĩ quan Hải quân à? – Hoàng tò mò hỏi Nam.
    - “Không phải vậy. Nàng sinh ra và lớn lên từ thành phố Đà Lạt, còn bố mẹ và anh em nàng đã di chuyển vào Sài Gòn vì công việc của cha nàng. Những ngày nghỉ học trong niên khóa, nàng thường về Sài Gòn thăm bố mẹ. Sau khi tôi bước chân lên ngưỡng cửa đại học, trong một dịp tình cờ vui chơi với bạn bè, tôi quen nàng và hai chúng tôi thương nhau từ khi nàng còn là sinh viên năm đầu của Đại học Sư phạm Đà Lạt, và tôi là sinh viên SPCN - Lý Hóa Vạn Vật của viện Đại học Sài Gòn, với mơ ước sẽ có cơ hội vào Y, Nha, hoặc Dược. Nhưng thời cuộc đã đẩy đưa tôi thành sĩ quan Hải quân” – Nam kể lại với những tiếng thở dài thật nhỏ như tiếc nuối cuộc tình đã bị đứt đoạn bất ngờ.
    - Vậy từ đó đến nay nàng có biết Nam rời đơn vị về đón nàng hụt, và đang ở tù không ? Hoàng hỏi.
    - “Có chứ, ngay lần thăm nuôi đầu tiên, hai bác tôi đã cho tôi đọc lén lá thư nàng viết thăm hỏi hai bác tôi, xin lỗi vì sự ra đi đường đột và gởi lời thăm hỏi tôi, cũng như vẫn tìm cách gởi tiền qua người chị họ nàng ở Sài gòn cho hai bác thăm nuôi tôi bao lâu nay” – Nam kể lại với giọng thật nhỏ, ngậm ngùi.
    - Đã gần năm năm rồi, sống trên đất Ý, đời sống nàng chắc có đổi thay? Hoàng hỏi Nam.
    - “Lẽ dĩ nhiên. Sau khi hai bác tôi cho tôi coi lén lá thư nàng gởi về thăm hỏi trong chuyến thăm nuôi tôi đầu tiên. Tôi đã viết một lá thư cho bố mẹ nàng và nàng, đưa lén để bác tôi đem về trong kỳ thăm nuôi tôi lần thứ hai, và tìm cách gởi cho gia đình nàng. Trong thư, tôi cám ơn bố mẹ nàng và nàng đã thương yêu thăm hỏi tôi, phụ giúp hai bác tôi nuôi dưỡng tôi trong giai đoạn thăng trầm của đời tôi. Tôi cũng xin lỗi nàng và cha mẹ nàng là tôi đã không về kịp, nên đã tạo ra những nỗi buồn day dứt làm khổ cho nàng và gia đình. Tôi cũng viết rõ là cuộc đời tôi vô định, không biết ngày về, mà tuổi xuân nàng chỉ có một lần trong đời. Vì vậy tôi xin cha mẹ nàng và nàng, nếu thương yêu tôi thì xin bỏ đi tất cả những gì của qúa khứ có liên hệ với tôi, vì không còn những ước mơ cũng như lý do gì để có thể chờ đợi nhau được nữa, tôi ước mong và cầu chúc nàng sẽ vui sống trong một gia đình hạnh phúc với một người chồng thật đáng yêu, và đừng lo lắng về chuyện trợ giúp tôi, vì hai bác tôi và tôi cũng có thể tự túc được. Qua địa chỉ của bác tôi - thư qua, thư lại nhiều lần với những buồn thương lẫn dỗi hờn của nàng, và thực sự tôi cũng rất đau khổ khi rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng. Nhưng tôi không thể ích kỷ khi nghĩ đến tuổi xuân của nàng và tương lai vô vọng cũng như đen tối của tôi. Vài ba năm sau, với sự khuyên nhủ của bố mẹ và gia đình nàng, lời yêu cầu của tôi đã được nàng, cha mẹ nàng chấp nhận với điều kiện tôi phải đồng ý là nghĩa tử của ông bà và là anh kết nghĩa của nàng, cũng như để gia đình nàng được tiếp tục liên hệ với hai bác tôi”.
    - Vậy là cũng có lý có tình, thời thế thế thời phải thế. Tình buồn, tình lỡ, mà tâm hồn thật cao thượng. Hoàng nói bâng quơ, rồi lại hỏi Nam.
    - Thế còn người anh ruột của Nam theo bố mẹ tập kết ra miền Bắc năm xưa thì sao? Tình anh em lâu nay có thắm thiết không? Anh ấy có tìm và đến thăm hai bác Nam không?
    - “Ồ, người Cộng sản mà, tình ruột thịt không bằng tình đồng chí đồng niêu. Hơn nữa, tôi và anh tôi không sống và không gặp nhau bao giờ nên tình anh em nhợt nhạt lắm, lại còn Quốc và Cộng nữa. Nghe bác tôi nói, ông bà già tôi thì đã chết ở miền Bắc rồi, còn hai vợ chồng anh tôi đều là đảng viên, hai người quen biết nhau trong thời gian theo học ngành Khoáng sản ở Hungary, có đến thăm hai bác tôi và có viết cho tôi một lá thư khuyên tôi chịu khó học tập để được “cách mạng khoan hồng”, hai bác tôi đã đưa cho tôi đọc khi lên thăm nuôi tôi. Có vậy thôi, liên hệ với tôi không được lợi ích gì mà mất quyền lợi trong đảng. Người Cộng sản chủ trương duy vật, nên coi vật chất là sinh tử, là lẽ sống của đời người. Trong trại mình cũng có những trường hợp giống như gia cảnh của tôi. Những người Cộng sản họ như con ngựa hai mắt bị che khuất, chỉ nhìn được một hướng thôi, mà lại là những con ngựa đã được thuần tính, đầu óc bị nhuộm đỏ, sống theo bản năng sinh tồn. Thực tình, tôi cũng không quan tâm và không cần bảo lãnh bảo liếc gì. Tôi còn gì đâu mà cần bảo lãnh, phiền hà lẫn nhau, phải không? Đường còn dài, tôi cần giữ sức khoẻ để có thể chịu đựng được, tính tôi không quen xin xỏ, cầu cạnh bất cứ ai bao giờ” – Nam nói nhỏ vừa đủ cho Hoàng nghe. Nhưng nét mặt đanh lại trên khuôn mặt rám nắng như kìm hãm sự đau xót của vết thương trong tâm tư.
    Mỗi năm, vào khoảng trung tuần tháng chín, trên khắp tiểu bang California đã có những vạt nắng vàng nhạt trong ngày, chiều vào tối sớm hơn với những làn gió nhẹ se se lạnh, báo hiệu mùa Thu chớm về. Ánh nắng Thu của buổi sáng dịu dàng, chiếu chênh chếch vào chiếc bàn Hoàng đang ngồi. Liếc nhìn vào phía nhà bếp, Hoàng thấy bà xã vẫn đang xào nấu, và hương vị thơm ngon của các món ăn làm Hoàng cảm thấy hơi đói bụng. Tuy nhiên, Hoàng vẫn muốn ngồi gõ bàn phím cho xong câu chuyện đang hiện ra từ ký ức chàng, và để Tâm có thể đọc cũng như hiểu biết thêm về những chuyện tình buồn của thời ly loạn, cũng như sự khác biệt về quan niệm tình nghĩa giữa người Cộng Sản và người không Cộng Sản. Tiết trời mùa Thu và hạnh phúc gia đình làm cho tâm tư Hoàng cảm thấy xao xuyến, nhớ đến những buồn vui đã qua trong đời mình, những năm tháng trước ngày vượt biên, rồi vùi đầu vào sách vở, vừa đi làm vừa đi học sau ngày định cư tại Hoa Kỳ........

    Khí hậu tiểu bang California tương đối thuận hòa và lý tưởng nhất nhì Hoa kỳ, và miền Nam Califorrnia lại nổi danh trên thế giới với các khu thương mại của Little Sai Gòn và nhiều địa điểm du lịch, cộng với mật độ dân cư người Việt cao và sự thành công trên thương trường cũng như trong các lãnh vực khác như chính trị, xã hội, văn hóa và giáo dục. Nên, Little Sai Gòn đã trở thành một địa danh hấp dẫn du khách Việt Nam và ngoại quốc, trong đó có những anh em cựu tù năm xưa, nhớ nhau, tìm lại nhau trong những ngày nghỉ hè. Mùa Hè vừa qua, những người bạn đã kể lại cho Hoàng nghe về chuyến đi mùa Hè kỳ thú của gia đình với những tiết mục giải trí, sau những năm tháng bù đầu trong hãng xưởng, nhất là gặp lại các bạn cựu tù một cách bất ngờ. Một vài người bạn cũng như thân hữu đã kể lại và chuyển lời thăm của vợ chồng Nam tới Hoàng.
    Dù tới Hoa Kỳ trễ theo diện H.O, nhưng Nam đã vừa đi làm vừa đi học lại rồi lập gia đình, có một cháu và đang định cư tại Fall Church, Virginia. Bà xã Nam trước đây định cư tại Housto, tiểu bang Texas, là chị họ của người em gái kết nghĩa với Nam đang sống tại Ý, nàng và cha mẹ nàng đã giới thiệu cho Nam. Tất cả đều đang có một đời sống thật hạnh phúc và liên hệ với nhau rất thân thương, Nam là công chức của Bộ Giao Thông, còn bà xã là chuyên viên Họa đồ. Các bạn cũng cho Hoàng biết rằng Nam đã nhắc đến những ngày tháng sống chung với Hoàng trong các trại tù, và hy vọng một dịp nào đó sẽ gặp lại Hoàng. Khi nghe được tin gia đình Nam đang vui sống hạnh phúc, Hoàng cảm thấy vui và lại nhớ đến những chuyện ngày xưa ấy. Vì vậy, Hoàng muốn viết lại câu chuyện, như chụp một tấm hình đẹp làm kỷ niệm, để theo ngày tháng không bị phôi pha.
    - Sao? Ông Tây, ông Tây Ninh, ông gõ bàn phím mỏi tay chưa? Thôi, nghỉ một lát để ăn uống chứ anh – tiếng bà xã Hoàng nhắc chàng nghỉ tay để ăn trưa.
    - Ờ ờ, xong rồi, anh đang đọc lại xem có quên, có sai sót chấm phẩy gì không. Để anh tắt cái computer rồi vợ chồng mình ăn cơm. À, hôm nay thứ bảy con không đi dạy, mà sao sáng nay đi đâu sớm vậy? Hoàng nhớ đến con trai và hỏi Tâm.
    - Con trai bố đi sớm để lo hệ thống âm thanh cho trường. Hình như con mình đang giúp cho nhóm leadership, sẽ sinh hoạt vào cuối tuần tới. Hôm qua con trai bố vừa de xe ra khỏi garage vừa nói nên mẹ nghe không rõ.
    Hoàng đứng dậy, đẩy chiếc ghế vào dưới cái mặt bàn. Bất giác, Hoàng hát nghêu ngao: “ Giờ người đã xa vời, giờ người ở phương trời, còn gì trong đôi mắt sâu......tình người như sương khói.....”.
    - Thôi, đủ rồi anh, anh cứ ca với hát như thế thì mùa Thu của em tiêu tùng và tan theo sương khói mất.
    - Không sao, mới chớm Thu mà. Mùa Thu là mùa của những hoài niệm, nhắc nhớ về những vui buồn man mác xa xưa. Mùa Thu là mùa của kỷ niệm đó mà, nghe nhạc làm anh nghĩ đến những ngày xa xưa, những kỷ niệm khó quên - Hoàng nói, rồi bước tới bàn ăn đưa tay nhón một miếng gà hấp muối ăn, và nói nhỏ: Em có thể mở nhà hàng được rồi.
    – Anh chỉ khéo nịnh – Tâm nói, và cả hai cùng mỉm cười, Tâm nheo mắt làm điệu và tiến tới bàn ăn. Ngoài sân sau nhà Hoàng, nắng Thu đang trải những giải lụa vàng nhạt, và những làn gió Thu khẽ đưa những chiếc lá vàng nhẹ rơi.
    Hai vợ chồng Hoàng ngồi xuống bàn ăn, làm dấu thánh giá – tạ ơn và xin Chúa chúc lành cho của ăn cũng như gia đình. Hai người vừa ăn vừa nói chuyện vui như thuở vừa mới quen nhau. Trên các cành cây trong vườn sau nhà Hoàng, các chú chim nhỏ đang líu lo hót tựa như những tiếng sáo du dương, chuyền từ cành cây này qua cành cây khác như đang vui thú trước những giải lụa vàng óng trải khắp vườn. Những chiếc lá vàng vẫn nhẹ rơi, những làn gió Thu hiu hiu lạnh khiến đời sống thêm thi vị, làm Hoàng cảm thấy hình như hôm nay các món ăn bà xã chàng chế biến thơm ngon hơn ngày thường.
    - Hôm nay, bà xã trổ tài nữ công gia chánh hay sao mà các món ăn thơm ngon qúa – Hoàng khen vợ.
    - Ngon thì anh ăn thêm đi, đưa chén đây em bới thêm cơm cho. Chỉ khéo nịnh đầm – Tâm nói với Hoàng và cười mỉm chi.
    - Em sinh sau đẻ muộn ở miền Nam, mà biết pha chế và nấu món ăn miền Bắc thì không khen em cũng không được – Hoàng nói.
    - Không biết món nào thì học bạn học bè, chứ làm sao mình biết hết được. C’est la vie – đời là thế! Ông tiến sĩ kinh tế mới, ông Tây à. Tâm lập lại câu nàng đã nói dỡn với Hoàng, và cả hai cùng cười bên chiếc bàn ăn với các dĩa đồ ăn đã vơi dần. Ngoài trời, nắng Thu vẫn đẹp, hai vợ chồng Hoàng cùng cảm thấy mùa Thu thật đáng yêu, và đời vẫn còn những điều để thương, để nhớ. Dù trong cuộc đời, một đôi khi cũng đã trải qua những thương đau và nuối tiếc khôn nguôi.
    - Câu chuyện tình anh vừa viết lại để tặng em. Em đọc xong, nhớ cho anh biết cảm tưởng của em. Em là độc gỉa đầu tiên đấy – Hoàng nói với Tâm trong lúc Tâm đang rửa chén và Hoàng đang lau bàn ăn.
    Tâm cười mỉm, rồi nói nhỏ: Dạ, cám ơn ông tiến sĩ giấy, đất Tây Ninh, anh viết chắc là phải hay và lâm ly bi đát rồi. Nói xong, nàng bưng diã bánh Bông lan và hai tách trà nóng để trên bàn ăn, hai vợ chồng vừa ăn tráng miệng vừa rủ rì kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn trong cuộc đời dâu bể, sau ngày tàn của cuộc chiến và định cư trên đất lạ quê người.
    Last edited by Phòng Trực; 10-18-2020, 02:28 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X