Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tay Trộm Vùng Thất Sơn

Collapse
X

Tay Trộm Vùng Thất Sơn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tay Trộm Vùng Thất Sơn

    TAY TRỘM VÙNG THẤT SƠN

    Vũ Phan


    Ngôi nhà nằm đơn độc giữa thung lũng cạn trên núi Cấm trong dãy Thất sơn bí ẩn nhô lên cao giữa các cánh đồng miền tây. Trong vùng đất bao bọc bởi rừng cây, cách xa xa có vài căn nhà nằm ven con đường mòn chạy len lỏi qua xóm núi. Theo đường mòn này lên trên cao, giữa khung cảnh hoang vắng có vài cái am và chùa nhỏ ẩn mình trong sự tĩnh mịch của thiên nhiên.

    Ở đây gần hai năm, khoảng một tuần hoặc mười ngày Mạnh trở về nhà dưới đồng bằng một lần. Có lúc không thích lội bộ lên xuống những đoạn đường dốc gập ghềnh, anh ở lại trên núi cả tháng. Một ngày của Mạnh đi qua bình lặng như những áng mây bay ngang đỉnh núi. Anh ở ngoài đồng từ sáng đến chiều. Hôm khác thì vào rừng bẫy thú hoặc hái rau, đào củ mang xuống chợ xã bán kiếm tiền.

    Hầu như quanh năm ít có người lạ xuất hiện ở cái xóm xa lắc này. Chỉ có người dưới xã, nơi gia đình Mạnh đang ở, lên núi mang hoa màu trồng trọt được đem về nhà. Còn chính quyền xã ấp dưới làng gồm những ông chỉ ưa ngồi bàn giấy bàn tán chuyện nhậu nhẹt nên cả năm họ lên đây một vài lần theo dỏi tình hình an ninh rồi thôi. Hàng xóm gần nhất là ông Chín Thâm, cũng là người quen với gia đình anh dưới chân núi. Ông ta lên đây khai phá đất đai từ lúc còn chiến tranh để trồng khoai bắp. Đi xa hơn chừng hai cây số qua cánh rừng lên một gò cao là am của ông Sáu Ngung. Ông ta là một thầy tu giỏi võ nghệ, trạc 50 – 55 tuổi, có gốc gác ở miệt biên giới Việt - Miên đến núi này đã lâu. Nhiều người trong vùng đồn ông ta từng là một tay giang hồ kiêm buôn lậu nổi tiếng ngầm dọc rừng núi miệt Thất sơn trong nhiều năm trời. Không biết vì lý do gì, sau khi bỏ nghề, ông ta bỏ luôn vợ con, lên đây sống cuộc đời thanh đạm. Từ lúc đến đây làm rẫy, Mạnh hay đến thăm hỏi ông Sáu. Thấy anh hiền lành, ông ta nhận làm đệ tử và truyền lại môn võ nghệ có nguồn gốc tận miền trung.

    Tháng trước ông Sáu kể cho Mạnh về những năm làm trùm một băng trộm, buôn lậu khét tiếng hoạt động dọc sông Hậu lan qua đất Miên và con kênh biên giới Châu đốc, Hà tiên. Ông tiết lộ hiện tại tuy đã bỏ nghề, nhưng thỉnh thoảng ban đêm ông xuống núi đột nhập vô nhà những cán bộ về hưu giàu có bất chính để giúp người nghèo. Nhìn Mạnh với đôi mắt trầm tĩnh, ông ta nói nếu anh muốn giúp người khác thì có thể tham gia. Đến am ông Sáu, anh được học võ mà không tốn kém đồng nào. Với người miền tây, như vậy cũng là ân nghĩa. Bây giờ cùng ông thầy đi trộm những đồng tiền bất nhân, bất nghĩa thì chẳng tội tình gì. Suy nghĩ kỹ một lúc, Mạnh gật đầu đồng ý.
    Từ ngay hôm đó, Mạnh bí mật xuống núi với ông Sáu tham gia hai vụ trộm ở xã kế bên. Hai nạn nhân là cán bộ phòng thuế ở huyện. Ngôi nhà của họ bên ngoài xây cất rất bình thường để che mắt người dân, nhưng nhiều người buôn bán ngoài chợ nói bên trong rất giàu. Những tin tức này được ông Sáu thỉnh thoảng đem rau trái xuống núi mua bán rồi nghe ngóng thâu lượm.

    Cả hai lần có mặt, Mạnh chứng kiến sức khỏe dẻo dai cùng tài nghệ của ông Sáu Ngung khi đột nhập vào nhà qua cửa sổ tầng trên trong bóng đêm. Hai ông cán bộ bị mất tiền bạc không dám trình báo với công an nên ở chợ không ai biết.

    Ba tuần sau, ông Sáu đưa anh gói tiền và dặn kín đáo đến hai ngôi chùa nhỏ ở Châu đốc xin biếu tặng để họ dùng nó nuôi trẻ em mồ côi và người già lang thang. Ông còn nói Mạnh xem trong làng có ai nghèo túng thì mua gạo giúp họ. Đừng cho tiền vì làm vậy dể bị hàng xóm để ý.

    ***

    Cuối tháng hai đang vô mùa khô, buổi sáng thời tiết trên vùng núi cao thoáng mát dễ chịu hơn dưới đồng bằng. Ngoài cánh đồng, Mạnh dùng cuốc khơi sâu cái rãnh dẫn nước từ con suối chảy vào giữa vườn tưới cho đậu bắp. Trên đỉnh ngọn núi Cấm một lớp sương mù trắng bay mờ mờ trên những ngọn cây rừng xanh thẫm. Từ xa ông Chín Thâm theo lối mòn đi xuyên qua những luống khoai, đậu đến gần. Anh dừng tay hỏi
    -Đi đâu sớm chú Chín ?
    -Mày còn gạo cho tao mượn ít lon, ngày mốt xuống xã tao mua trả lại
    -Dạ còn, chừng nào trả lại cũng được
    Ông ta nhìn cánh đồng nói
    -Rẫy bắp quá, năm rồi bên này có bị chim trên núi xuống phá hông … Bên đó tao phải canh chừng đám két rừng cả ngày
    Mạnh gật nói
    -Bên cháu cũng vậy
    Cả hai đi về căn nhà dưới hàng tre. Mạnh vào xúc vài lon gạo đổ vào cái thùng nhựa nhỏ đưa cho ông hàng xóm
    -Gạo đây chú Chín
    -Ngày mốt tao về nhà, có muốn nhắn nhờ ở dưới mua gì không ?
    Anh đáp
    -Dạ khỏi … Tuần sau cháu về nhà
    Đứng trước hiên nhà nhìn lên khu rừng nơi có cái am hỏi
    -Lúc này chiều tối mày còn lên học võ với ông Sáu hông ?
    Mạnh đáp
    -Dạ còn … ban ngày ổng cũng cuốc đất làm rẫy, chiều tối mơi rảnh
    Ông Chín nói
    -Dạo này thấy ổng ít xuống đây
    -Ông Sáu khỏe mà
    -Ờ thôi tao về. Con chó có chạy qua đây mày cho nó ăn chút nghe
    -Dạ

    Ông hàng xóm xách cái xô quay bước rẽ trái theo đường mòn đi khuất. Mạnh trở ra cánh đồng làm việc cạnh dòng suối. Buổi sáng thung lũng thật yên tĩnh, thỉnh thoảng tiếng chim kêu từ các vòm cây cao tan nhanh vào không gian mênh mông của núi rừng.

    Chiều xuống, sau bữa cơm tối anh lội bộ lên am. Thầy Sáu đang quét lá cây trên khúc sân nhỏ vây quanh bởi các tảng đá. Từ đây Mạnh nhìn xuống chân núi còn thấy lờ mờ nhà cửa, đồng ruộng bất động dưới bóng hoàng hôn đang tràn đến. Ông thầy võ là người ít nói. Xong công việc quét sân, ông trở vào am và thắp lên ngọn đèn dầu nhỏ.
    Ngoài này Mạnh cứ tập luyện một mình như mọi khi. Bí quyết rèn luyện hai cánh tay và đôi chân cứng như thép được ông Sáu truyền lại là tập di chuyển lên xuống các lối mòn trên sườn núi quanh đây. Sau đó mới đến các thế võ khá kỳ lạ, chủ yếu là tránh né các cú đánh của đối phương. Ông Sáu luôn căn dặn anh không được đánh nhau, chỉ dùng võ thuật để tự vệ khi sinh mạng bị đe dọa hoặc bảo vệ kẻ yếu. Buổi tối, anh theo ông Sáu vào trộm cửa hàng hợp tác xã thương nghiệp của huyện ở dưới xã lấy được một số tiền còn cất trong tủ.

    Hôm sau, buổi xế trưa Mạnh xuống làng ngồi uống cà phê nghe nhiều người trong quán nói buổi sáng công an đến điều tra vụ trộm tối qua.
    Hai ngày sau, anh đang cuốc đất trong rẫy khoai, ông Chín mang gạo qua trả và nói

    -Ở dưới cửa hàng thương nghiệp huyện bị trộm vô lấy hết tiền trong tủ, trên huyện cử đội điều tra xuống mà chưa biết thủ phạm
    -Vậy hả chú Chín
    -Mày chưa nghỉ hả, tao trả lại gạo mượn hôm rồi nè
    Anh buông cuốc rồi cầm lấy xô từ tay ông hàng xóm
    -Chú đưa đây … Cũng sắp nghỉ, thấy chiều xuống cháu ráng cuốc thêm chút rồi vô nấu cơm
    -Thằng Thời từ trên Saigon về chơi hỏi mày khỏe không
    Mạnh cười
    -Nghe nói nó xin được làm bảo vệ hả chú ?
    -Nó nhờ người quen trên đó dẫn vô làm, chớ nó nói ở đây làm ruộng hoài không khá. Tạm vậy thôi, nó tính công việc yên ổn rồi thì học nghề sửa xe hay tài xế. Nó nói lần sau về lâu hơn sẽ lên trên này thăm mày

    ***

    Mạnh tưởng cuộc sống ở nơi xa xôi hẻo lánh này mải mải quanh quẩn với ruộng đồng như các năm đã qua. Nhưng vài năm sau, vùng quê nghèo quanh chân núi Thất sơn dần dần thay đổi như đang được lột xác. Các tua du lịch đưa khách từ Saigon, Cần thơ, Mỹ tho và khắp đó đây lên viếng chùa chiền, danh thắng trên những ngọn núi nhấp nhô đượm màu huyền bí. Quán xá, khách sạn, nhà nghĩ mọc từ chân núi kéo dài lên đến các khu rừng, hồ nước trên cao. Đánh mùi tiền bạc giàu sang, giới con buôn kéo tới làm ăn mạnh bạo như những cơn lũ lụt hàng năm đổ về miền tây.

    Vài người đến tìm ông Sáu Ngung bày ra kế hoạch hợp tác xây dựng một khu miếu to lớn kèm theo nhiều hàng quán, nhà nghỉ để kinh doanh. Nhưng ông đạo sĩ từng là ngườì của giới võ lâm giang hồ từ chối thẳng thừng. Xóm núi của Mạnh cũng không thoát khỏi cơn sốt làm ăn theo thời cuộc đang hồi lên cao. Thấy thung lũng có phong cảnh đẹp, có người tới nhà kiếm Mạnh hỏi mua lại miếng đất để xây nhà nghỉ, quán ăn. Nhưng đất đai do công lao gia đình khai phá cực nhọc trong nhiều năm nên ba anh lắc đầu từ chối. Dù sau đó một số con buôn đề nghị mua miếng đất với số tiền lớn hơn nhiều.

    Bị cuốn vào làn sóng mới, nhiều thanh niên trong xã bỏ nghề nông rồi vay ít tiền sắm chiếc gắn máy làm xe ôm chở khách thập phương qua lại khắp nẻo đường vùng Thất sơn. Nghèo như Mạnh đành làm bốc vác khiêng hàng hóa từ chân núi lên các khu nhà nghỉ, điểm vui chơi ăn uống mọc lên trên núi Cấm những lúc rảnh rổi. Có hôm về nhà đã tối mịt, nấu cơm ăn uống xong, Mạnh lên am ngồi nói chuyện với thầy Sáu hoặc tập vài đường quyền cước. Vài năm luyện sức bền trên các triền đá dốc giúp anh nhẹ nhàng mang vác đồ đạc lên xuống các con đường núi gập ghềnh.

    Làm ăn buôn bán phát đạt lôi kéo những tay lường gạt bói toán, cho vay nặng lãi, các đám anh chị giang hồ rủ nhau về vùng Thất sơn. Ông Sáu vẫn sống yên ổn trong cái am riêng biệt trên cao. Một tháng đôi ba lần, ông gánh rau xuống chợ xã trao đổi hoặc mua những thứ cần thiết. Đôi lúc từ chợ về, giữa đường ông vô quán ngồi uống nước hoặc kêu chiếc xe ôm chở lên am vì quá trưa. Dưới con mắt những người khác, ông Sáu chỉ là ông thầy tu nghèo khổ hiền lành.

    Một lần đang ngồi trong một cái quán cất sơ sài ven đường, thấy cảnh bà chủ bị hai tay đàn ông đến đòi nợ hành hung, ông bất bình bước tới can thiệp thì bị xô ngã, nhưng ông Sáu từ tốn đứng dậy. Mạnh đi ngang nghe ồn ào liền dừng lại, đến chổ ông thầy dạy võ ngồi uống cà phê hỏi vài câu. Ông bình thản nói không sao, cũng không nhìn hai tay đàn ông cho vay nặng lãi vừa rời khỏi quán. Anh chào ông Sáu rồi xuống chân núi lo việc khiêng hàng hóa lên khu vui chơi.

    Tuần sau, căn nhà lớn có cửa nẻo chắc chắn của tay anh chị cho vay nặng lãi bị trộm đột nhập vào giữa đêm khuya lấy hết tiền bạc. Là người vai vế trong giới giang hồ, anh ta không ra đồn công an khai báo. Nhưng chuyện bị trộm viếng làm hắn tức điên lên. Ngày hôm sau liền sai đàn em dò la xem đám đạo chích nào dám ra tay làm mất mặt hắn ta. Giới buôn bán, xe ôm, khuân vác và giang hồ cười cợt đồn đại khắp núi Cấm. Nhưng bóng dáng, tên tuổi tên trộm thì biệt vô âm tín.

    ***

    Hàng ngày Mạnh vừa làm rẫy, vừa làm phu khuân vác hàng hóa lên xuống núi kiếm tiền giúp gia đình. Chiều xuống khi bóng tối phủ xuống thung lũng, anh lên am rồi ra về không theo giờ giấc nào. Buổi tối trước khi ngủ, anh hay nhớ lại đêm hai thầy trò đột nhập nhà tay anh chị cho vay nặng lãi gần chân núi. Căn nhà có hàng rào cao bao bọc, nằm giữa khu vườn um tùm và gần chuồng bò to cất phía sau. Đến sát hàng rào, ông Sáu thảy miếng thịt trâu tẩm thuốc vô cho con chó ăn. Đợi khoảng mười lăm phút, cả hai leo rào vô sân rồi di chuyển đến chổ chuồng bò kiên cố lợp tranh dầy. Ông Sáu đeo túi ngang vai rồi nói Mạnh đi về trước. Sau đó nhẹ nhàng leo lên ẩn vô đống rơm rạ dưới mái tranh. Chờ đến trưa hôm sau, chờ vợ chồng hắn ta và đứa con khép cửa và ngủ ở nhà dưới. Ông Sáu như cái bóng ma lẻn qua cửa sau lên gác ẩn mình trong tủ đồ cũ. Kiên nhẫn đợi đến tối khuya, ông thầy võ qua căn phòng của vợ chồng tay anh chị ở kế bên cạy tủ gom sạch tiền bạc, vòng vàng rồi ung dung xuống lầu ra về.

    Gần hai tháng sau, khi những cơn mưa đầu mùa lất phất làm khách thập phương đến núi Cấm vơi dần. Một đêm cuối tuần, ông Sáu Ngung và Mạnh đột nhập nhà chủ nhân một khách sạn nằm gần đỉnh núi. Tay nhà giàu này có thời gian làm cán bộ hải quan cửa khẩu, còn bà vợ làm trong ngành thương nghiệp ở Châu đốc. Sau khi về hưu, ông ta tung tiền ra mua đất rồi xây cất hàng quán, nhà nghỉ. Mùa vắng khách, khu nhà nghỉ rộng lớn tắt đèn sớm. Ông ta và bà vợ ngủ ở căn nhà xây hai tầng được bảo vệ bằng các lớp cửa sắt rất chắc chắn nắm riêng rẻ trong sân sau. Ông Sáu biết không thể phá các cửa kiên cố này nên trèo lên mái từ một cây cao mọc sau hè. Từ đó đột nhập vô bên trong qua lỗ thông gió ở tầng trên. Đợi chừng mười phút sau, cuộn dây thừng được thả xuống cho anh đu lên. Trong căn phòng tối, sau khi quen mắt, anh thấy vợ chồng chủ nhân của ngôi nhà ngủ say như chết. Ông Sáu dùng cây xà beng nhỏ cạy cửa tủ lấy tiền và những miếng vàng rồi im lặng rút lui.

    Mùa mưa Mạnh bận bịu công việc ngoài đồng. Vài ngày sau vụ đột nhập, anh được mướn vác hàng lên cho một quán ăn ở gần trên đỉnh. Giao hàng hóa xong, anh và hai thanh niên cùng xóm ngồi nghỉ chân gần ba ông xe ôm đang bàn tán vụ trộm nhà nghỉ. Công an lần này điều tra cặn kẽ hơn. Đối tượng bị nghi ngờ là giới chạy xe ôm và khuân vác hàng ngày theo đừờng chính lên xuống núi.

    ***

    Tết về như mọi năm, thời tiết trên núi Cấm trở nên mát dịu và khô ráo. Khách du lịch thập phương nô nức trẩy hội lên các ngọn núi xanh um vùng Thất sơn. Mạnh đóng cửa căn nhà trên núi về dưới xã vui chơi. Mùng hai anh gặp lại Thời từ Saigon về thăm gia đình. Lâu ngày mới gặp lại nhau, Thời rủ vô ngồi quán cà phê trên con đường lớn chạy lên núi nhìn thiên hạ và xe cộ ồn ào tới lui. Thằng bạn học ngày xưa bây giờ thay đổi lối ăn mặc, nói năng theo phong cách thành phố lớn. Thời gọi hai ly cà phê đá rồi vui vẻ hỏi

    -Mày khỏe không, lần trước về ít quá nên không kịp lên đó
    -Ừ bình thường. Có nghe ba mày có nói lại. Nghỉ tết về chơi lâu không ?
    Thời móc gói thuốc lá bỏ lên bàn rồi nhìn xe cộ, dòng người đi lại trên đường nói
    -Chừng mười bữa rồi lên Saigon lại. Tết này đông đúc hơn năm rồi
    Mạnh hỏi
    -Trên đó xin việc dễ không ?
    -Tao nhờ ông cậu xin vô làm bảo vệ cho một công ty. Tối về ở nhờ nhà ổng, tao đang học lái xe lúc rảnh. Sau này đổi nghề. Năm nay trồng bắp, đậu trúng không ?
    -Cũng trúng. Mấy ngày rảnh tao vác hàng lên núi kiếm thêm. Ngày mai theo tao lên núi chơi. Trên đó bây giờ quán xá nhiều lắm
    Thời cười
    -Quê mình nhiều người làm ăn kiếm tiền dữ quá. Mày còn lên am học võ với ông Sáu không ?
    Mạnh đáp
    -Còn. Trước tết ổng đi thăm người quen trên Sông bé có nhờ tao coi chừng nhà
    -Ba tao gặp ổng chống gậy đón xe ôm ra Châu đốc. Ổng tốt quá, xóm này ai cũng mến
    -Ừa, trước đó hai ba ngày ổng leo lên vồ đá hái thuốc, hái rau mang ra chợ bị trặt chân
    Dân trong xã nhiều người quên tết lo kiếm tiền khi dòng du khách khắp nơi về Thất sơn vui chơi. Vài người chạy xe ôm quen biết lướt qua trên chiếc gắn máy cà tàng. Một nguời đàn ông lái chiếc honda, phía sau chở một ông trung niên cụt chân ôm cây đàn dừng lại. Thời gọi
    -Chú Năm chở ông Hậu lên trên đó hả, vô uống cà phê chút rồi đi ?
    Ông ta hỏi
    -Mày với Mạnh uống cà phê lâu chưa ?
    -Nảy giờ, tết không nghỉ sau chú – Mạnh nói
    -Tết có nhiều khách, lên chùa hát kiếm ít tiền lẻ - ông Hậu cười đáp
    -Thôi tao với ổng đi lên đó
    -Dạ
    Chiếc xe chở họ chạy xa khuất giữa dòng người đi bộ tập nập. Mạnh hút gần hết điếu thuốc lúc hai cô gái trong xóm diện quần áo mới đi ngang qua nhìn thấy anh và Thời liền đứng lại kêu
    -Anh Mạnh với anh Thời uống cà phê hả, lên núi chơi không ?
    Thời nhìn anh cười với vẻ đồng ý. Mạnh nói
    -Ừ đi. Chờ trả tiền cà phê đã

    ***

    Đầu tháng tư, ông Chín Thăm về dưới xã hai ngày rồi trở lên xóm núi gặp Mạnh
    -Thằng Thời nó gọi điện thoại về nói có xin được cho mày làm bảo vệ công trường xây dựng gần nơi nó làm. Nếu mày chịu thì về dưới gọi lên Saigon cho nó
    -Dạ mai cháu về dưới. Thời còn nói gì nữa không chú ?
    Ông Chín đưa cho anh tờ giấy gấp làm tư đáp
    -Không. Số điện thoại của nó đây. Nó chỉ nói là mày lên đó, mấy đứa bạn nó có giới thiệu chổ dạy sửa xe honda. Mày về ở chung với nó bên quận tư cũng được
    Mạnh thấy yên tâm vì Thời tính toán thật chu đáo.

    Về dưới xã liên lạc với Thời xong, anh trở lên thung lũng đến am từ giã ông Sáu Ngung. Biết những thanh niên trẻ như Mạnh bị cuốc sống ở những thành phố lớn lôi cuốn, ông chúc ra đi thành công và khuyên giữ gìn sức khỏe rồi cho anh một gói tiền nhỏ làm lộ phí.

    Thành phố Saigon có cả triệu dân, ngoài đường lúc nào cũng đầy xe cộ ồn ào và đông đúc người qua lại. Mạnh làm bảo vệ cho một công trường ở khu trung tâm cũ kỹ đang được phá đi để xây mới. Cổng sau công trường đối diện với cửa hậu và tường rào ngôi cao ốc văn phòng nơi Thời làm bảo vệ. Anh chỉ cần băng ngang ngã tư của con đường ngắn hẹp có hai hàng cây cổ thụ rồi đi bộ vài phút là có thể đến đó.

    Buổi Thời dẫn Mạnh đến gặp ông đội trưởng, ông ta nói người bảo vệ cũ bị bệnh không phải nghỉ, công ty tuyển người mới lo việc canh gác công trường ban đêm. Thấy anh trẻ và có vẻ ngoài rắn chắc, ông ta hỏi thêm về nhà cửa và gia đình xem có thể tin tưởng giao nhiệm vụ này được không. Thời liền giới thiệu mình đang làm bảo vệ cao ốc bên kia và bảo đảm Mạnh là người cùng xóm ở dưới quê, đồng thời anh biết võ làm ông ta gật đầu đồng ý.

    Công việc ở đây không quá cực nhọc. Ban ngày Mạnh và một ông bảo vệ trung niên ngồi ở cổng chính không cho người lạ tự do ra vô, ghi bảng số xe tải chở vật liệu vào bên trong và những thứ được mang ra ngoài vào sổ trực. Cổng sau chỉ mở khi cần dọn xà bần, rác hoặc phía trước bị kẹt xe cộ.

    Chiều tối chỉ còn lại mổi một mình, Mạnh đóng cánh cửa lớn và mở đèn lên, cả đêm phải thức dậy vài lần đi tuần dọc hàng rào tôn quanh công trường đề phòng bọn trôm cắp.

    Tuần đầu chưa quen, Mạnh cảm thấy khá mệt mỏi, anh chỉ đi loanh quanh nơi làm việc. Buổi chiều trước khi ra về, Thời hay ghé qua chơi. Cả hai ngồi hút thuốc lá và nói chuyện đến tối.

    Qua được chục ngày khi dần quen với công việc, chiều tối Mạnh khóa cổng theo Thời ra quán cà phê ngồi nhìn đường phố Saigon. Cuộc sống náo nhiệt ở đây khác với không khí yên tĩnh nhiều khi đến buồn tẻ ở miền quê. Nhiều thứ thật mới lạ làm anh bỡ ngỡ. Thời cho biết, cách công trường khoảng hơn cây số có một trường dạy nghề sữa xe gắn máy vào buổi tối, anh có thể đi bộ đến đó vì không xa lắm. Nhưng anh chưa sắp xếp được giờ giấc để đi học.

    Công nhân làm việc cật lực trong bốn tháng thì khu nhà cao lên đến tấng thứ sáu. Ngày anh mới vào làm, họ mới chỉ đổ xong bê-tông phần móng và xây lên được một tầng.
    Ở Saigon, anh biết được nhiều thứ mà lúc dưới quê nhiều người hay bàn tán trò chuyện ngoài quán. Sau gần chục năm có các công ty nước ngoài vào làm ăn, nhiều người trở nên rất giàu có. Các cửa hiệu sang trọng mở ra trên các đại lộ, nhà hàng khách sạn mọc lên quanh các quận trung tâm. Nhưng không khí ngoài đường thì dầy bụi bậm và rất nhiều gành hàng rong và hành khất sống quanh các vỉa hè. Giống miền quê vùng Thất sơn của anh, những người giàu lên nhanh chóng là giới công chức, cán bộ nhà nước có nhiều quyền lực. Ở Saigon họ dần quen với lối sống mới trong những ngôi nhà rộng lớn, những chiếc xe đắt tiền, những bữa ăn sang trọng có chai rượu ngoại với tên lạ hoắc …

    Những hôm Thời trực ca đêm, sau khi ăn tối xong anh đi bộ qua đó. Buổi tối văn phòng các công ty trong khu cao ốc không làm việc nên năm tầng lầu tối om. Đến lần thứ ba, anh chú ý một chiếc xe hơi đời mới màu cặn rượu đỏ sậm hay ra vào tầng hầm sau tám giờ. Ngồi sau tay lái là một cô gái ăn mặc sang trọng có khuôn mặt rất dễ coi. Một hôm lúc chiếc xe vừa chạy ra đường, anh thắc mắc hỏi
    -Khu nhà cao tầng này có người ở hả Thời ?
    Thời gật đầu
    -Ừ tầng trên cùng có nhà
    -Cô vừa lái xe ra ở trên đó hả ?
    Thằng bạn thân nói nhỏ
    -Ông chủ công ty này hùn vốn với một ông cán bộ lớn ở Đà nẳng xây cao ốc cho thuê. Cô đó nghe nói là bồ của ông cán bộ. Tối đến cô ta hay lái xe ra ngoài quán chơi tới khuya. Vài ba tháng lại đi du lịch với ông cán bộ có khi cả tuần mới về
    Mạnh khen
    -Cô đó có chiếc xe đẹp quá

    Tối đó anh lên tầng cao nhất của công trường nhìn qua sân thượng cao ốc bên kia đường. Tháng này các cơn mưa thường xuyên đổ xuống Saigon làm cây cối tươi tốt trở lại sau mùa khô đầy nắng. Những tàng lá của hai hàng cây cao mọc hai bên vỉa hè che bớt tầm nhìn, chỉ thấy mờ mờ những chậu cây cảnh và một góc mái ngói trong bóng tối.
    Hôm sau vào buổi chiều, sau khi những người công nhân cuối cùng ra về, Mạnh đóng hai cánh cửa ra vào rồi lên chổ cũ quan sát. Ngôi nhà chiếm gọn một góc của tầng thượng. Cô gái đang ở đó nên cửa lớn và cửa sổ đều mở toang về phía tây nơi có khu vườn nhỏ đầy cây cảnh và bông hoa. Phía đối diện với công trường có cánh cửa nhỏ đóng kín dẫn ra sân, anh đoán đó nơi lên xuống của cầu thang bộ. Giáp tường phía đông là một cao ốc bốn tầng cũ kỹ mà Thời nói là khu nhà tập thể của công nhân viên nhà nước. Sau nhiều lần chủ nhân của các căn hộ sang nhượng mua bán qua nhiều người, hiện nay ở đó có đủ thành phần nghề nghiệp kể cả sinh viên, giới làm ăn, những cô gái làm ở các quán bar về đêm.

    Mạnh xuống tầng trệt mở những ngọn đèn quanh công trường rồi vô căn phòng bảo vệ ngồi ước tính khoảng cách từ tầng năm ra đến nhánh cây ngoài vỉa hè, rồi tính toán khoảng cách giữa hai hàng cây trên con đường nhỏ. Anh trở lên quan sát lần nữa. Ánh đèn ngoài hiên chiếu sáng băng ghế nơi cô gái ngồi nhìn ra vườn cây cảnh. Cây cổ thụ bên kia đường mọc chờm ra gần đến lan can sắt của cao ốc. Mạnh tính toán một lúc và thấy có thể đột nhập vào căn nhà trên sân thượng bên kia nếu vượt qua được khoảng cách giữa hai cây cổ thụ mọc đối diện bên hè phố. Anh nhìn xuống, con đường nhỏ ban ngày vốn đã vắng, buổi tối cũng ít người qua lại. Lác đác vài kẻ bụi đời lang thang qua lại dưới ánh đèn vàng mờ đục rồi biến mất.

    Tối hôm sau nhìn đồng hồ trên vách chỉ mười hai giờ. Mạnh đi tuần xong một vòng, anh lên tầng năm lấy dây thừng của thợ hồ trong công trường cột vào móc sắt quăng lên nhánh cây cho nó bám chặt vào đó. Thử kéo mạnh vài lần thấy an toàn, anh cột cứng đầu còn lại vào trụ bê-tông rồi từ từ đu mình qua. Đến nơi, anh ngồi trên chạc ba cây nghỉ một lúc, sau đó cẩn thận đu trở về. Nhờ những lúc leo trèo trên các triền núi quanh am của ông thầy võ, Mạnh vượt qua khoảng cách này khá dễ dàng. Lần hai anh mang theo một sợi thừng khác rồi đu qua chạc cây và neo nó qua thân cây theo kỹ thuật của ông Sáu chỉ dẫn. Sau đó gở móc sắt, chậm chậm đu người trở về cao ốc, tay giật mạnh dây neo làm gút thắt bung ra và thâu hồi nó lại. Đêm đó anh nghĩ cách vượt qua khoảng rộng giữa hai cái cây cổ thụ. Nó là nơi khó khăn và nguy hiểm nhất trước khi qua được sân thượng bên kia.

    Cuối cùng sau nhiều đêm âm thầm tập luyện với tính liều lĩnh, Mạnh đã lên được sân thượng của cao ốc bên kia đường. Đã quá nữa đêm, quan sát xung quanh thấy yên tĩnh, anh nhẹ nhàng đi một vòng quanh căn nhà tắt đèn tối om xem xét các cửa nẻo rồi quay trở về. Lúc chuẩn bị đu người từ nhánh cây qua tầng năm của công trường, trời đột nhiên nổi gió ầm ầm khiến các tán lá rung lắc chao đảo dữ dội như sắp quăng anh xuống dưới vỉa hè. Sau đó cơn mưa như trút nước làm anh ướt sũng và lạnh cóng. Không thể chờ dứt mưa, Mạnh bám chặt sợi thừng đu người vượt qua cơn mưa và gió mạnh. Trở về an toàn, anh thở dốc nhìn sang màn tối trên sân thượng nơi có căn nhà chìm trong làn nước cuồn cuộn đổ xuống từ những đám mây.

    Đến tháng tám, thợ đã đổ xong tầng cuối. Nhà thầu bị đốc thúc hoàn thành sớm các công việc còn lại để khách hàng thuê. Ông đội trưởng thông báo công nhân có thể làm thêm ca tối. Cao ốc phải nhanh chóng bàn giao cho ngày khai trương vao giữa tháng chín hoặc sớm hơn càng tốt. Tin này làm Mạnh hơi lo vì đang chờ dịp cô gái đi khỏi thành phố vài ngày. Anh qua chổ Thời vào chiều tối vẫn thấy cô ta lái chiếc xe phóng ra đường dù trời mưa hay gió. Đêm đêm Mạnh hay đứng ở tầng năm nhìn sang ánh đèn trên sân thượng, đôi lúc nó được bật lên khi cô gái vừa trở về lúc giữa khuya. Dưới đường những bóng người không nhà vác túi rác trên vai lầm lũi bươi móc những thứ còn sót lại trong hai thùng nhựa lớn đặt gần cổng sau cao ốc chờ xe vệ sinh đến hốt dọn. Đã qua nửa đêm, nhiều khu phố vùng trung tâm đèn đuốc vẫn rực sáng chờ đợi bình minh một ngày khác sắp đến từ hướng đông.

    Đầu tháng chín cơ hội xuất hiện, dân thành phố được nghỉ hai ngày lễ lớn. Xe cộ dần vắng bóng trên đường, thành phố bớt ồn ào. Đêm đầu Mạnh lên tầng năm nhiều lần theo dỏi căn nhà tối đen trên sân thượng.

    Đêm sau, giữa khuya anh đu dây qua và đột nhập vào dễ dàng vì chủ nhân ngôi nhà lơ là không chốt bên trong cửa sổ. Thời cho biết không ai có thể lên tầng này nếu trong tay không có chìa khóa mở cửa vào hành lang và cánh cửa thông ra sân. Còn cửa chính của căn nhà được bọc thép, lắp khóa thông minh chống trộm của Nhật. Mạnh bật đèn pin nhỏ soi xung quanh thấy mình đang ở giữa căn bếp sang trọng. Kế bên là phòng khách rộng rải được trang trí rất đẹp với nhiều món đồ gỗ đắt tiền. Trong cùng là phòng ngủ rất ấm cùng có cái giường thật rộng, trên vách treo các bức màn xanh nhạt. Căn nhà có nhiều tủ gỗ và chiếc tủ sắt nhỏ gọn. Lục lọi các tủ gỗ này, anh tìm thấy nhiều tiền mặt và đô-la trong các ngăn. Trong một tủ khác có các món trang sức bằng vàng cẩn đá quí. Anh lấy tất cả bỏ vào túi. Đang lúc khom người xem tủ sắt, có tiếng động trong bếp làm anh giật mình tưởng chủ nhân căn nhà bất thần trở về, Mạnh tắt đèn và nhanh chóng ẩn núp sau tấm màn ở góc phòng. Âm thanh từ căn bếp tối vọng lại lịch kịch làm anh bật cười và bước đến xem. Một con mèo trắng đốm đen đang ăn thứ gì đó trong cái tô, nó ngước nhìn anh keo meo meo vài tiếng nhỏ. Mạnh vuốt ve đầu con mèo rồi nhìn ra cửa sổ, có lẽ cô gái không đóng chặt cánh cửa vì đó là nơi nó ra vô. Anh trở lại phòng ngủ xem cái tủ sắt một lúc lâu rồi quyết định không đụng đến nó. Lục thêm hai tủ gổ trong căn bếp thấy không có món nào quí giá, Mạnh leo ra và khép cửa sổ lại như cũ. Ngoài khoảng sân tối, những chậu cây cảnh lắc nhẹ cành lá trong cơn gió dưới bầu trời đen mun. Nghĩ đến cơn mưa sắp đến, Mạnh ra phía lan can đu dây thừng về bên kia đường.

    Dấu tất cả những thứ vừa trộm vô một chổ bí mật trong tường, anh mang các cuộn dây trả về chổ cũ. Xuống khu nhà tắm, Mạnh bóc bỏ lớp băng keo dán trên mười đầu ngón tay cho xuống miệng cống và tắm rửa sạch sẽ trước khi đi vô giường.

    Vụ trộm được Thời kể lại hai ngày sau khi cả hai gặp nhau vào buổi chiều trong công trường. Chỉ có đội bảo vệ được ông quản lý cao ốc thông báo tin này. Họ dấu nhẹm vụ trộm với khách hàng đang thuê mướn để tránh làm mọi người lo lắng. Công an lên tầng thượng và vô nhà xem xét các dấu hiệu đột nhập. Sau đó họ tra hỏi ca trực trong hai ngày nghỉ lễ. Dường như mọi nghi ngờ dồn về hướng khu chung cư cũ bên cạnh.

    Đầu tháng mười việc xây dựng cao ốc hoàn thành và sắp sửa đến lúc đón những công ty đầu tiên vào hoạt động. Mạnh được ông đội trưởng kêu làm bảo vệ cho một công trình khác. Ông giám đốc khu cao ốc mới muốn tuyển anh làm bảo vệ. Đang lưỡng lự thì tin lũ lớn từ bên kia biên giới tràn qua Châu đốc xuống tận Kiên giang hiện diện hàng ngày trên báo chí. Mạnh gặp ông đội trưởng xin về An giang nửa tháng. Gặp lúc Thời cũng xin nghỉ phép. Cả hai ra bến mua vé lên xe đò về quê.

    Chiếc xe chạy qua cửa ngỏ phía tây dần xa ngoại ô Bình chánh. Đồng lúa xanh rì ngập nước dưới ánh bình minh trong trẻo hiện ra hai bên quốc lộ. Lúc xe vượt qua chiếc cầu dài bắc trên một nhánh sông Vàm cỏ, nhìn dòng nước nâu đục chứa đầy phù sa dâng cao cuồn cuộn bên dưới làm anh nhớ miền quê An giang những ngày nước tràn bờ vào tận chân dãy Thất sơn, và những ngọn núi nổi lên mờ mờ trong sương khói dưới những cơn mưa trắng xóa bầu trời. Mạnh hướng đôi mắt ra cánh đồng chạy xa tít mù về hướng tây nam tưởng tượng mình đang ở trên ngọn núi Cấm quen thuộc vươn cao bên dòng kênh đào chạy dài miên man theo biên giới ra biển.


    Vũ Phan


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X