Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đoạn đường ai biết?

Collapse
X

Đoạn đường ai biết?

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đoạn đường ai biết?

    Tháng Ba Trên Tỉnh Lộ 7B
    Nguyễn thị Thanh Dương
    (Cảm tác theo hình ảnh và bài viết của Phi Loan - Hoàng Thị Cỏ May)


    Tháng Ba trên Tỉnh Lộ 7B
    Đoàn người chạy loạn dài lê thê,
    Người mẹ tất tả đôi quang gánh,
    Gia tài là những đứa con kia.

    Thằng anh túm áo mẹ bước theo,
    Thằng em ngồi trong thúng thơ ngây,
    Chắc nó tưởng trò chơi chốc lát,
    Mẹ gánh về nhà như mọi ngày.

    Theo dòng người mẹ nó bước mau,
    Cha nó còn cố thủ dãi dầu?
    Người lính tan hàng không đơn vị,
    Những ngày cuối cùng anh ở đâu ?

    Người ta di tản từ Pleiku,
    Phố núi cao, phố núi sương mù,
    Hoa Dã Quỳ vẫn vàng đâu đó,
    Nước vẫn trong xanh nước Biển Hồ.

    Người ta di tản từ Kontum,
    Đạn bom xé nát rừng Cao Nguyên,
    Người dân ngơ ngác rời thành phố,
    Nỗi buồn cao như đỉnh Ngọc Linh. *

    Người ta gọi nhau trong hãi hùng,
    Kẻ ngược người xuôi, đường mịt mùng ,
    Về Tuy Hòa hay đi Phú Bổn?
    Có nơi nào bình yên hơn không?

    Tiếng khóc, tiếng súng, tiếng còi xe,
    Rợn người như từ ác mộng về,
    Bên đường đồ đạc nằm vương vãi,
    Người bên người mà vẫn phân ly.

    Bao Quân, Dân, Cán, Chính miền Nam,
    Trên Tỉnh Lộ này đã hy sinh,
    Quân Đoàn 2 rút quân, triệt thoái,
    16 tháng Ba năm 75.

    Đường Liên Tỉnh Lộ 7B ơi,
    Bao tháng Ba qua, bao ngậm ngùi,
    Bốn phương tám hướng đời dâu bể,
    Ai có thể quên kỷ niệm này.

    March 20, 2013
    Nguyễn Thị Thanh Dương

    * Ngọc Linh là một núi cao ở Kontum

    ****************

    Đoạn đường ai biết?
    Đồi Bắc






    Chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa tiểu đoàn Hoàng sẽ di chuyển từ KonTum xuống Pleiku. Đời lính Biệt Động, đi hành quân chẳng có gì lạ, nhiều khi thật bất ngờ, chẳng hạn định. Có nhiều lần đơn vị mới về sau một cuộc hành quân xa, dài ngày, lính vừa ra khỏi trại, súng vừa lau sạch, người có gia đình, đi chợ mua chút thức ăn cho một bữa cơm gia đình, người khác đi hớt tóc, vì mấy chục ngày hành quân tóc phủ ngang tai, những sĩ quan độc thân, ngồi chật trên chiếc xe, ra phố, tắm nước nóng, uống một ly cà phê, một vài ly bia, nói chuyện với mấy cô ngồi két, phút giây hạnh phúc, câu chuyện đang hào hứng, lại có lệnh hành quân ngay Ai cũng than thở rằng chưa được nghỉ một ngày. Nhưng nói thì nói, than thì than, không ai bảo ai, đành dứng dậy trả tiền. Mấy người còn chưa kịp hớt tóc, thôi đành hẹn hớt tóc lần sau.

    Tiểu đoàn Hoàng đang đóng trên tiền đồn 4 thì Hoàng nhận lệnh xuống núi từ hôm qua. Trước khi đi, Trân, tiểu đoàn trưởng cũng là bạn cùng khóa, nói:
    - Tôi gởi Alpha xuống trước một đêm. Nhớ nghe ngóng tình hình. Luôn tiện Alpha hỏi niên trưởng San và anh Năm Nhí xem có chuyện gì lạ? Báo cho tôi liền khi có tin.

    Trân biết Hoàng chỉ loanh quanh tại KonTum, thể nào cũng vào quán cà phê của cô chủ quán Dung, còn ở lứa tuổi học trò. Gọi là quán cũng đúng, mà gọi là nhà cũng phần nào đúng, vì Dung và cô em gái gần bằng tuổi nhau, dùng cái phòng lớn, trang hoàng tươm tất, bán cà phê. Ba Dung đang làm việc tại tiểu khu, má Dung buôn bán lặt vặt ngoài chợ. Những quán loại này ở đâu cũng có, nhất là chỗ nào nhiều lính từ xa tới như vùng này, hay vùng Tân Cảnh, một thành phố địa đầu. Chiến tranh làm những cô gái mới lớn như Dung, tuổi còn mơ ước được vào trường, phải tạm nghỉ học, lo toan cuộc sống. Nhiều lần Hoàng được Dung tâm sự,
    - Em muốn được học tiếp lên đại học, nhưng thành phố này chưa có tới lớp đệ nhất. Pleiku cũng chưa có, chỉ hứa hẹn sẽ có, nếu xin được tiền mở thêm lớp. Em muốn học nơi tốt hơn như Dalat, Huế hay SaiGon, thì ba má em không có tiền. Tính đi tính lại, muốn xuống Qui Nhơn học sư phạm, nhưng cũng không dễ gì, vì đâu đâu cũng đổ về Qui Nhơn, lớp học có hạn, chỉ ai học giỏi lắm, mới hy vọng.

    Hoàng thông cảm, nhìn Dung ái ngại,
    - Thôi người ta nói phi thương bất phú. Em thấy người Tàu, ở đâu cũng chỉ buôn bán, nhỏ lớn cũng chỉ có một nghề, mà có thấy ai nghèo đâu. Anh thấy quán em đông khách, chẳng lẽ thu hoạch không bằng lương giáo viên ư? Theo anh nhìn, lương em hơn cả lương anh nữa.

    Dung cười,
    - Nếu tính tới tiền thì anh nói đúng. Nhưng dậy học, người ta nhìn khác, người ta kêu khác, đứng bán cà phê, người ta nhìn cách khác, người ta kêu khác. Mà là sĩ quan thì lại càng khác.

    Hoàng cười,
    - Quan quyền gì. Anh cả tháng nằm ẹp trên núi, xuống dưới thành phố huy hoàng vài bữa là xong, lại mong lên núi.
    - Thật anh mong lên núi không? Em không tin rồi. Dung hỏi.

    - Nói là một chuyện mà thực tế thì cũng khác chút chứ. Biết Dung đánh ngay yếu điểm của mình, Hoàng chỉ cười.

    Khách đã vắng, Dung châm bình trà nóng cho Hoàng, vừa kéo ghế ngồi cạnh Hoàng,
    - Mấy ngày nay, ba em đi làm về, lúc nào cũng bồn chồn lo lắng, cả nhà lo theo. Đài phát thanh thì ngày nào cũng loan báo tin di tản, nhất là ngoài Huế, Quảng Trị, Đông Hà. Anh có bao giờ đi hành quân mấy vùng đó, không anh?

    Hoàng hơi ngạc nhiên, sao Dung có vẻ quan tâm tới tình hình như vậy. Thật tình sau khi họp hành quân tại Liên Đoàn, Hoàng nói chuyện với Trân trên tiền đồn 4, tả tỉ mỉ những điều mình nhận lệnh, và ngay cả những gì mình nhận xét khi nhìn dân chúng đang sôn sao. Thấy vậy mà dân chúng cũng đánh hơi được nhiều điều, vì họ đã quen rồi. Dấu sao thì dấu, một chút thay đổi, một vài chuyến xe GMC chạy, dân cũng bắt được tin vì nhà nào cũng có người thân đi lính. Từ hơn nửa tháng nay, dân chúng ai cũng mở đài VOA, đài BBC nghe tin chiến sự. Dung nhìn Hoàng tư lự, hơi lo,

    - Anh suy nghĩ gì? Anh biết gì thì đừng dấu em nghe.
    - Anh cũng không hơn em một chút nào. Hoàng cười.

    Dung vẫn không tin, nhưng không muốn hỏi thêm. Cô gái rất tinh ý, nhưng không tiện hỏi thêm. Dung rót ly nước đưa Hoàng,
    - Uống chút nước nóng đi anh, trà thơm lắm. Em mới mua loại này. Trà xanh lại ướp lài nên thơm lừng.

    Dung đứng dậy tiếp người khách mới vào. Cô bé hơi nhăn mặt, khi người khách chọc cô như mọi khi. Dung ít khi làm khách bực mình, nhưng hôm nay, Dung có cử chỉ hơi khác. Đây là lần đầu tiên cô bé nhăn mặt, không bằng lòng. Hoàng vẫn thầm khen cách buôn bán cuả Dung. Dung chiều khách hết mực, do đó khách khó tính mấy cũng không phật lòng. Hoàng hiểu, Dung lo lắng về tương lai. Mà cũng đúng thôi, làm ăn đang yên ổn, mà nghe tin tức nơi này chạy, nơi nọ rút quân, ai mà không lo lắng, nhất là những vùng như KonTum, người dân đã có kinh nghiệm. Mùa hè đỏ lửa, dân chúng phải bỏ nhà bỏ cửa, để thoát thân, để tránh đạn, khi về lại nhà, nhiều người trắng tay. Nhiều người thiếu may mắn, nhà bị cháy rụi, họ phải bắt đầu lại. Mới chỉ hai năm, vết thương cũ chưa lành thì dấu hiệu của mất mát, của chia lìa đã hiện ra, qua những tin tức hàng ngày. Ai chẳng não lòng.

    Lệnh bỏ Kontum về Pleiku, làm Hoàng buồn. Khác với mọi lần trước, lần này tình hình các chiến trường đều sôi xục, nhất là vùng địa đầu giới tuyến. Hằng ngày, càng có nhiều tin xấu, nơi này bỏ, nơi kia rút quân. Mỹ vẫn im lìm, trong khi miền Nam cần được tiếp tế thêm vũ khí, đạn dược. Miền Nam cần thêm tài chánh thì quốc hội Mỹ nghỉ hè. Trong khi chiến trường cần nhiều đạn dược, thì Mỹ gởi nón sắt, những vật dụng không cần thiết tới phi trường Tân Sơn Nhất. Nhiều nguồn tin từ đài nước ngoài cho biết Mỹ đang chuẩn bị di tản, rút nhân viên tòa đại sứ, chỉ còn giữ rất ít, đủ để điều hành và khi có lệnh chỉ cần vài chuyến trực thăng, người Mỹ đã ra hạm đôi 7, ngoài khơi.

    Khi đi họp khi nhận lệnh, Hoàng nghe nói lệnh trực tiếp từ Tổng Thống và Tư Lệnh Quân Đoàn yêu cầu toàn bộ Ban tham mưu Quân Đoàn II sẽ xuống Nha Trang lập bộ chỉ huy nhẹ. Trong khi đơn vị Hoàng bỏ căn cứ 4 xuống núi, quân đoàn lại điều đơn vị địa phương quân lên trám chỗ. Hoàng chép miệng, “Lệnh gì kỳ quặc thật. Như vậy là quân đoàn muốn thí quân, mang con bỏ chợ.” Hoàng đau khổ, mang chung nỗi buồn, nỗi buồn cho thân phận lính, “Lính nào, cuối cùng cũng là con người. Chỉ huy sao kỳ lạ thật, mang một mạng người đi, bỏ một mạng người khác thế, bằng một lệnh mập mờ.”

    Lúc họp hành quân, Hoàng là cấp thấp nên không được góp ý kiến. Nhưng Liên Đoàn cũng chẳng khá gì hơn, cũng hoang mang, cũng chỉ theo lệnh, chẳng ai có quyền hỏi, và hỏi ai bây giờ? Ai khôn khéo, ai suy luận hơn một chút, ai nghe đài ngoại quốc hơn một chút thì hiểu rõ tình thế hơn một chút. Đây chính là những lúc đơn vị bảo nhau, mỗi đơn vị làm sai một chút để tự bảo vệ mình. Thay vì mang nhiều đạn, lại mang nhiều cơm sấy, nhiều xăng dầu. Thay vì mang thêm vũ khí nặng, đơn vị lại bỏ bớt một vài cây súng cối, bỏ bớt một vài khẩu 57 ly không giật. Thành thử, không ai dám chống lệnh, nhưng chẳng đơn vị nào thi hành đúng lệnh.

    Chiến tranh chỉ là một cớ, nhưng chính cách chỉ huy cứng nhắc, sợ trách nhiệm, thiếu tình cảm đã làm cho các đơn vị như đơn vị Hoàng càng ngày càng xuống tinh thần. Việc thiếu tin tức, gây hoang mang, làm mất niềm tin của lính rất nhiều. Các đơn vị lưu động như Liên Đoàn 6 BĐQ của Hoàng, liên đoàn trừ bị của phòng 3 Tổng Tham Mưu, chỉ nhận lệnh hành quân một lần, từ Long Bình đi Bình Định, mà hơn 3 năm nay, chẳng bao giờ về lại hậu cứ. Nhiều người lính khi đi vợ mang bầu, giờ này con chập chững đi, chưa thấy mặt cha. Vợ thì ở xa. Nhiều người ráng dành giụm, ra đơn vị thăm chồng, may lắm được một lần, rồi phải về lại hậu cứ.

    Không có người lính nào được nghỉ phép, trong khi sĩ quan cũng không khá gì hơn, cùng lắm được xuống phố một hai ngày. Hoàng buồn bã, cuộc chiến tranh không lối thoát của cả hai phe. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa như vậy, còn quân Việt Cộng càng khốn khổ hơn, đói khát hơn. Những chữ “giải phóng”, những chữ “sinh bắc tử nam”, chỉ là khẩu hiệu để đánh lừa những cán binh Cộng Sản, để đẩy những tên lính 14, 15 tuổi, mình trần, tấn công vào những đơn vị phòng thủ thiện chiến của miền Nam, để chết với người rách bươm, chết không toàn thân. Hoàng đang mải suy nghĩ, Dung kéo ghế ngồi cạnh, hỏi nhỏ, - Em biết anh có gì bận tâm lắm, có gì làm anh suy nghĩ nhiều lắm phải không?

    Nhìn đôi mắt lo lắng, hơi buồn của Dung, chút xíu nữa Hoàng đã nói cho Dung những gì mình biết, những gì mình đã nhận lệnh từ trên, nhưng Hoàng chợt ngưng lại, trách khéo để che đậy chút bối rối,

    - Em chỉ đoán non, đoán già. Anh có bao giờ nói dối em đâu. Em thấy có bao giờ anh nói dối không? Trái lại, em hơi khác hơn mọi ngày. Lúc nãy, ông khách nào hơi xui, bị em nhăn mặt, chau mày.
    - Em đang lo nhiều chuyện, mà ông khách cứ đòi nhạc này, nhạc kia. Dung bật cười. Nhưng nếu chỉ có vậy, em ráng nhịn. Đằng này, ông ta kéo tay em, làm như thân tình lắm, chỉ về phía anh, hỏi em, “Dung biết ông lính đó không?” Em quên ông ấy là khách, trả lời, “Ông tới mà hỏi.” Cũng tội ông khách, mặt tiu nghỉu, buồn thiu. Khi mang cà phê lại cho khách, em cũng ân hận, cười giả lả, nói “Em xin lỗi anh nghe. Đáng lẽ, em không nên nói thế.” Rồi em làm bộ hỏi tiếp “Lúc nãy, anh muốn bản nhạc nào? Em tới mở nghe.” Ông khách tươi tỉnh, “Thôi, Dung để nhạc nào cũng được.”

    - Anh thấy em không được vui như mọi ngày, khuôn mặt lo âu, mắt thì quầng, như mất ngủ mấy đêm liền vậy. Hoàng hỏi Dung.

    Hoàng đánh đúng tâm lý cuả phụ nữ. Nói gì chứ đụng tới sắc đẹp, là họ có phản ứng ngay. Dung hỏi lại,
    - Em coi tệ lắm ư?

    Hoàng biết, nhiều khi chỉ cần một câu hỏi đúng lúc, là có thể biết nhiều chuyện. Hoàng biết Dung đã sẵn sàng kể lể, sẵn sàng nói hết cả những nỗi lo lắng của mình, nhất là nói với người mình tin tưởng. Hơn lúc nào hết, lúc này Dung cần được nói, Hoàng hỏi nhỏ,

    - Mấy bữa nay, khi ba em đi làm về, có nói gì, có chuẩn bị gì không? Hoàng vừa hỏi vừa rót ly nước đưa cho Dung. Uống chút đi, cho bớt mệt. Nước trà nhiều khi giúp người ta trấn tĩnh được nỗi lo lắng em à.
    - Sao không bao giờ em thấy anh lo lắng? Từ nãy tới giờ, tuy bận bịu tiếp khách, em vẫn để ý nhìn anh. Em biết chắc, anh đang suy nghĩ điều gì quan trọng lắm. Dung nắm tay Hoàng, và bắt đầu kể. Đêm hôm kia, cả nhà ăn cơm, ba em nói với em và em Hằng rằng ba em muốn hai đứa đi Plei Ku. Ba em nói, “Hai chị em xuống nhà chú Thìn, ở đó. Nếu tình hình chiến sự xấu đi như mùa hè năm 1972, ba má sẽ xuống với hai đứa. Rồi cả nhà sẽ kiếm đường đi Qui Nhơn hay đi đâu cũng được miễn là giữ được mạng sống.” Chú Thìn, tuy chỉ làm thượng sĩ, nhưng chú làm trong ban chuyển vận Không Quân tại phi trường Cù hanh. Mọi việc đều trong tay chú, vì mấy sĩ quan giao chú lo hết. Mấy lần ba đi công tác, xuống gặp chú là chú gởi đi ngay. Mùa hè 72, nhà mình đi C130 xuống Qui Nhơn, chẳng phải chờ đợi gì cả.

    Má em hỏi tại sao ba em buồn bã, “Có phải KonTum lại bị bỏ như mùa hè 72? Anh nghe sao, nói hết đi, rồi mình cùng tính.” Ba em chậm rãi, “Trong tiểu khu, cả tuần nay, chẳng ai làm việc gì hết. Người này nói một chút, người kia nói một chút, ai cũng nói chắc kỳ này nặng hơn năm 72 nữa.” Má em lại hỏi, “Thế ông thiếu tá trưởng phòng có nói gì với anh không?” Ba em lắc đầu, “Ổng cũng không hơn gì mình. Nhưng ông ta cũng nói với tôi một cách thân tình. Ông dặn tôi giữ chiếc xe dodge, lúc nào cũng phải lái, đừng bỏ xe cho ai. Ông ta còn giặn tiếp tôi ráng kiếm thêm mấy can xăng sơ cua, nếu có gì, là nhà mình và nhà ông ta lên chiếc xe, chạy thẳng xuống Pleiku. Ông thiếu tá lập đi lập lại bắt anh phải kín miệng, đừng bô bô ra, sau này, không có gì, đi tù cả đám. Ông nói nhà mình 4 người, nhà ông ta cũng 4 người, còn dư chỗ, thêm một vài người nữa. Khi nào, không còn hy vọng gì nữa, ông ta cho mình biết, là đi ngay.”

    Em hỏi, “Như vậy mình đóng cửa quán, không bán hàng ư?” Ba em nói, “Nếu con và con Hằng không đi PleiKu liền thì cứ bán, được đồng nào thì được. Nhưng đừng mua thêm hàng, nhất là sữa, nặng nề, lỡ đi cũng phải bỏ lại.” Em tiếc, phàn nàn với cả nhà, “Quán làm ăn đang được, mà phải đóng cửa.” Mẹ em xen vào, “Ai cũng vậy chứ con. Người ta nói, nhà tan cửa nát. Mình buôn bán nhỏ còn đỡ, mấy tiệm buôn bán lớn thì chết luôn. Nói chung ai cũng khổ cả, nghèo khổ theo nghèo, giàu khổ theo giàu. Miễn là còn sống, thì còn gây dựng lại được.”

    Hoàng lắng nghe chuyện, thầm nghĩ, “Như vậy, ai cũng biết, ai cũng chuẩn bị.”. Nhưng Hoàng muốn biết cuối cùng, ba má Dung quyết định thế nào. Dung buồn bã, - Mà quên, biết em quen anh, ba em có hỏi, “Dung, con có nghe ông Biệt Động Quân con nói gì? Đi hay ở gì không?” Nói tới đây, Dung khẽ liếc mắt nhìn Hoàng. Em hỏi lại, “Ý ba muốn hỏi anh Hoàng, phải không? Bán quán mà ba hỏi ông lính này, lính kia. Con ai cũng quen, như khách bình thường.” Ba em cười, “Mày muốn lấy vải thưa che mắt thánh. Ba từng qua tuổi con rồi, nhìn vài cử chỉ, ba cũng biết khách nào thường, khách nào thân. Nội thấy con lúng ta, lúng túng khi ông biệt động đó tới quán là ba và mẹ mày biết ngay rồi.” Tiện thể, ba em còn răn, “Coi chừng con ạ, mấy lính từ xa tới, chẳng biết người ta ra sao. Đừng thấy hợp nhãn là đa vào. Vào thì dễ, mà ra thì khó lắm con à. Thường thì các đơn vị từ xa tới, nếu họ đi là có chuyện, vì thường họ tới khi thành phố mình bị nguy hiểm, nhưng tự nhiên đùng đùng bỏ đi, là mệt rồi. Ba nhớ mùa hè 72, mọi đơn vị của nhẩy dù bỏ đi hết trơn, mang mấy đơn vị địa phương quân về thay thế. Chỉ hơn tuần sau, thành phố bỏ hoang, tan tành.

    Em nghe ba em vặn đi vặn lại, em không biết trả lời sao, chỉ nói, “Chỉ có nước ba cậy miệng thì may mới biết tin đơn vị anh ấy. Giờ này, con cũng chẳng biết anh ấy thuộc đơn vị nào, tiểu đoàn nào. Sở dĩ con biết anh ấy là BĐQ là nhờ con cọp nhe răng, anh may bên vai trái áo.” Nghe Dung nói, Hoàng véo nhẹ tai Dung,

    - Cọp cười đẹp như vầy mà gọi là cọp nhe răng, em hay thật.
    - Em kêu vậy là thương lắm đấy. Bữa con bạn em tới, miệng giòn tan, “Dung, cọp đói của mày đâu rồi? Sao tao không thấy.” Em phải chặn lại, “Mày giữ mồm, giữ miệng giùm tao chút được không?” Dung lại chọc Hoàng tiếp, nhéo vào tay Hoàng. Cọp này thì cười đẹp, em công nhận từ khuya rồi.

    - Chẳng lẽ, ba em hỏi về đơn vị anh, chỉ có vậy thôi a. Hoàng muốn biết thêm chuyện, nên hỏi tiếp.
    - Ba em muốn nhờ em xin anh một hai can xăng. Dung không che dấu.

    Thật tình, từ nãy tới giờ Hoàng chỉ muốn hỏi về xe cộ, rồi sẽ ngỏ ý giúp Dung xăng, hoặc ít gạo, vì sau khi họp hành quân, Khi nói chuyện với Trân qua C25, Trân nhắc Hoàng những gì cần mang, thứ gì không mang, khi chuyển quân.

    Tiểu đoàn có một GMC, 5 chiếc dodge cho đại đội, 7 chiếc jeep, một xe hồng thập tự, tiếp liệu thì mới lãnh, chỗ nào cũng thưà gạo, xăng. Hoàng lúc đó, lắc đầu ngao ngán, vì lúc cần không có, lúc có thì không cần. Chiến tranh bao giờ cũng đầy bất ngờ, bây giờ mình có thì không mang được. Không chừng vài ngày nữa, kiếm không ra, giống hệt như đơn vị qua suối nước, lúc gần đóng quân chiều, ai cũng biết chỉ chút nữa, là cần nước nấu cơm, nấu trà, nhưng mỗi người chỉ mang được một bi đông, ráng xách thêm một nón sắt. Lên tới chỗ đóng quân đêm, đơn vị lại thiếu nước. Đời lính thật kỳ lạ nấu cơm mà chẳng bao giờ có nước để vo gạo. Suy nghĩ thật lung, Hoàng nói với tiếp liệu đại đội và tiểu đoàn rằng tiếc mấy cũng chỉ mang vừa đủ. Mang nhiều, nặng xe không di chuyển được, thì càng chết. Hoàng gọi máy bàn với Trân rằng tiểu đoàn không có cách gì mang tất cả, đành phải bỏ nhiều thứ lại, kể cả xăng dầu, súng đạn. Hoàng hỏi Dung,

    - Em có mấy can trống trong nhà không?
    - Em có 3 can, hai thùng đạn. Dung vào bếp.

    - Tiện không có khách. Em mang cho anh, anh nói tài xế đổ đầy cho. Hoàng nói.

    Trong khi Dung trợn mắt ngạc nhiên, Hoàng không nói thêm, xách hết can và thùng đạn mang ra xe jeep, nói nhỏ với người tài xế,
    - Anh chạy về tiền cứ đổ đầy mấy cái này, mình để lại cũng chẳng làm gì, mỡ treo, mèo nhịn,

    Người tài xế đi, Hoàng bước vào thì thấy Dung vẫn ngồi chỗ cũ,
    - Sao lính anh nhiều xăng vậy? Ba em muốn xin thùng đạn để chạy xe Honda mà còn khó. Anh cho xăng sao dễ dàng quá.

    Hoàng không trả lời, nghĩ thầm trong bụng, “Dung đâu biết, không chừng lần này là lần cuối. Lần cuối của mọi thứ, lần cuối nói chuyện, lần cuối được uống ly cà phê, lần cuối uống trà, của quán nhỏ tại thành phố này.” Chiếc xe jeep trở lại, Hoàng phụ mang xăng vào cho Dung, giặn hờ,
    - Từ giờ tới chiều, nếu anh chưa trở lại đơn vị, em cần xăng cứ nói. Nhưng đừng nói cho ai hết nghe, anh không cho ai đâu.

    Dung cảm động, nhìn Hoàng, không nói. Hoàng lại nghĩ khác, tránh tiếng thở dài. Có ai ngờ, ngày mai, ngày mốt, nhiều gia đình trong thành phố này, sẽ phải bỏ lại tất cả, bỏ mà không hề suy nghĩ, đắn đo, kể cả gia đình Dung. Giờ này thì xin từng lít xăng, ngày mai khác hẳn. Những gì họ gầy dựng cả cuộc đời, đành bỏ của chạy lấy người. Chiến tranh tàn nhẫn. Chiến tranh ở đâu cũng vậy, tàn phá mà không bao giờ xây dựng.

    Đã mấy lần tính nói cho Dung một phần câu chuyện Hoàng biết, nhưng suy nghĩ đắn đo, Hoàng vẫn im lặng. Hoàng cứ lập đi lập lại “Ba em nói vậy, em đã chuẩn bị gì chưa?” Hoàng nhắc khéo, “Quần áo, tiền bạc, chằng hạn.” Hoàng làm bộ kể những chuyện ngày xưa trong chiến tranh,

    - Ba má anh ngày xưa chạy tản cư, ông bà nói rằng không gì bằng vàng, dễ mang, dễ dấu, tiền mặt cũng vậy. Ông bà thường kể cho anh nghe, chạy tản cư, có chút vốn liếng, khi cần, bán một chỉ vàng, là yên chuyện. Vàng bán ở đâu cũng được. Tuy hai ông bà chỉ có anh, nhưng tiền bạc, vòng vàng cũng chia làm 3, mỗi người giữ một chút. Kinh nghiệm các cụ cho biết, khi chạy loạn, đã chắc gì cả gia đình lúc nào cũng gần nhau. Nhiều khi lạc nhau, lúc đó mới khổ, người ăn không hết, người lại đói, vì tiền dồn cho một người. Ba má anh luôn nhắc rằng đừng mang quần áo, gạo thóc nhiều, lỡ chạy xa thì cũng phải bỏ. Thời ba má anh còn trẻ, tản cư từ làng này, sang làng kia, nhiều khi cứ loanh quanh, hết chạy ngược, lại chạy xuôi.
    - Anh nói cũng có lý, em phải nói ba em chuẩn bị, mỗi người một chút. Dung chăm chú nghe, có vẻ suy nghĩ.

    - Đừng mang nhiều vàng quá, đi không nổi nghe. Hoàng chọc.
    - Vàng mà anh làm như đạn của anh. Anh đánh em 3 ngày cũng không ra được vài chỉ vàng cho đỏ tay. Dung cũng chọc Hoàng, Anh có vàng không, đưa em giữ giùm? Bảo đảm đưa bao nhiêu, lấy lại bao nhiêu, không thiếu một phân.

    - Như vậy anh gửi em một thùng đạn, hay một “mũ sắt” vậy.
    - Thôi, ai mà giữ của nợ đó. Dung hiểu, mặt cô bé đỏ gay.

    Hoàng biết gia đình Dung không nhiều thì ít cũng đã chuẩn bị. Hoàng cũng biết hướng đi của mọi người vùng địa đầu này. Nếu họ thuần túy là dân, không nhiều tài sản, họ chọn ở lại, còn gia đình nào như gia đình Dung, bằng mọi gíá, sẽ bỏ tất cả. Mỗi lần im lặng là một lần Dung ngờ vực,
    - Em biết anh vẫn còn giữ một tin tức gì cho riêng anh. Còn em, đã chia sẻ tất cả những gì em biết.

    Hoàng buồn bã, lắc đầu,
    - Những điều anh biết cũng như ba em biết, và chỉ có vậy. Khác một chút là ba em có thể bỏ đơn vị, cùng gia đình đi Pleku, ngược lại anh thì không được, vì anh là lính tác chiến. Ngay tại đây, anh không bận bịu gia đình, nhưng đơn vị anh, bạn bè, lính tráng chính là gia đình. Anh phải sống chết với họ. Họ đi, họ ở, anh cùng làm với họ, vì bọn anh cùng một định mạng mà. Nếu giả thử, chút nữa đây, anh rời khỏi chỗ này, ngày mai, không trở lại, hay đi thật xa, cầu chúc em và gia đình em luôn có nhau, ở đây hay ở mọi nơi.

    Không hiểu Dung có hiểu lới úp mở của Hoàng không? Nhìn khóe mắt Dung đỏ, những giọt nước mắt, lăn nhẹ trên gó má, Hoàng thấy đã tới lúc phải đi. Dung ngước mắt nhìn, nắm chặt bàn tay Hoàng như kéo lại, nói trong nước mắt,
    - Em cảm ơn anh, cảm ơn những ý nghĩ tốt về em. Mặc dù, chưa bao giờ anh nói những tiếng mà nhiều người hay nói cho nhau. Anh không nói thật hết lòng mình, nhưng chẳng bao giờ em trách. Anh có nhiệm vụ của anh, chính vì thế, em càng tôn trọng anh, quí mến anh. Ngày mai, nếu đơn vị anh còn ở đây, anh nhớ ra uống cà phê nghe.

    Hoàng tránh cặp mắt buồn và những giọt nước mắt của Dung, khẽ trả lời,

    - Nếu mai anh chưa lên núi, anh sẽ tới quán em. Nhớ mở cửa sớm nghe. Năm giờ sáng được không?
    - Ưà, anh tới quạt lửa, đun nước pha trà giùm em. Dung lau nước mắt vội vàng.

    Hoàng biết, sẽ không bao giờ có sáng mai tại chỗ này, ngày mai biết bao giờ trở lại. Hoàng bước ra khỏi quán, vừa ngoái cổ lại,
    - Nếu ba em cần thêm xăng, em chỉ ba em tới tiền cứ, chỗ em đã mấy lần tới với anh. Anh dặn lính rồi, muốn bao nhiêu cũng được.

    Có lẽ Dung đã hiểu, Hoàng sẽ đi xa. Đoạn đường đi PleiKu không dài. Đoàn xe của tiểu đoàn 34 chạy thật nhanh. Nếu ai rành về BĐQ, khi nhìn đội hình cuả đoàn xe cuả Tiểu Đoàn, gồm nhiều xe jeep, xe dodge của đơn vị đã nối đuôi, họ phải đoán là, tiểu đoàn không ở Kontum nưã, mà sẽ hành quân vùng khác.

    Tiểu đoàn tới Pleiku đã xế chiều, không đóng tại ngã ba thiết giáp, mà đóng ngay sân vận động. Hoàng chuẩn bị phòng thủ đêm. Nếu không có gì thay đổi, sáng sớm mai, chi đoàn Thiết Giáp, thuộc lữ đoàn II tại ngã ba Thiết Giáp sẽ tăng phái, và hành quân mở đường theo liên tỉnh lộ 7B. Theo tin tức tình báo Quân Đoàn, đoạn đường này an toàn, ngắn nhất, bất ngờ nhất. Quân đoàn không chọn quốc lộ 19, xuống Qui Nhơn vì đụng độ sư đoàn 3 Sao Vàng vẫn hoạt động từ lâu. Quân đoàn cho lệnh Liên Đoàn 6, với Tiểu Đoàn 34 là 2, hay cùng lắm là 3 ngày sẽ phải bắt tay được tiểu đoàn Công Binh của Tuy Hòa, Bình Định tại sông Ba, đơn vị có nhiệm vụ lập một cầu nổi tại đây. Chiếc cầu này là huyết mạch cho cuộc rút quân của quân đoàn II và toàn bộ lực lượng tại KonTum và Pleiku.

    Hoàng lái xe chạy quanh thành phố. Pleiku chộn rộn hơn Kontum nhiều. Hoàng lái trên đường Hoàng Diệu, chạy lên chợ mới, chạy qua những đường kỷ niệm, qua khu tòa án. Cũng chỗ này, khi đang xây dựng dở dang, Hoàng và Trâm mới quen nhau. Lúc đó, Trâm học đệ tam tại trung học Pleime. Hoàng và Trâm ngồi hàng giờ vào những đêm sáng trăng, nhất là những buổi mới hành quân về. Chỗ này có thể nhìn thấy toàn thành phố dưới chân, hơn nữa, lại gần nhà Trâm, ngay đường Phan đình Phùng. Hoàng ngậm ngùi, “Ngày ấy nay còn đâu. Mấy năm rồi còn gì, Trâm đã có chồng.” Mấy lần, Hoàng tính chạy ngang qua nhà Trâm nhưng lại thôi. Hoàng ghe nói chồng Trâm cũng là sĩ quan tại tiểu khu. Lần gần nhất, tình cờ Hoàng đi Phượng Hoàng, thì phòng ăn bên cạnh có buổi ra mắt thơ của Kim Tuấn. Hoàng vừa bước vào, tìm được một chỗ trống, vừa ngồi vào ghế, trong ánh nến mờ của phòng ra mắt tập thơ, Hoàng chợt thấy Trâm, ngồi cạnh một trung úy bộ binh, chắc là chồng Trâm. Trâm hơi cúi mặt không nhìn. Chút xíu khi chồng Trâm ra ngoài hút thuốc, Trâm khẽ chào Hoàng thì Hoàng chào lại. Cả hai không nói thêm lời nào. Cả buổi nghe bình thơ, đọc thơ, Hoàng chẳng nghe được gì, cứ vấn vương chuyện cũ, cuối cùng rời phòng bình thơ. Trâm nhìn Hoàng, khẽ thở dài, không nói.

    Hoàng nhớ lại, Trâm xa Hoàng vì Hoàng đi Mỹ, không trở lại Pleiku, mà về Dục Mỹ. Hai người mất liên lạc. Chẳng ai lỗi gì, chẳng nợ nần gì. Một mối tình học trò, nhiều kỷ niệm.

    Đêm nay, mấy lần lái xe gần nhà Trâm, Hoàng lại lái đi hướng khác, tự hỏi mình, “Gặp Trâm, mình có nói cho Trâm biết tin tức mình đã biết hay không? Hay cũng giống như ở KonTum. Mà tệ hại hơn nữa, nếu không nói thì gặp làm gì? Cố nhân vẫn chỉ là cố nhân.” Hoàng chợt nhớ, mấy thằng bạn hay nói,

    - “Mày tin tao đi, mấy cô ở Pleiku, ở Dalat, Di Linh hay ở đâu cũng vậy, khi cần có người rước đèn, đi dạo phố, chọn Biệt Động, Không Quân, nhưng khi tính nhận trầu cau, thì tính tới lính đeo chữ thọ, gần gũi họ. Mối tình con, tình lớn, tình nào họ cũng cho đội nón ra đi. Mấy ông Không Quân thì ở tận Nha Trang, sẵn máy bay, anh tung cánh sắt, biết đâu mà tìm. Có cô nào dại gì lấy quan Biệt Động, hành quân thăm thẳm, mạng sống như chỉ mành treo chuông. Có cô nào chịu cảnh ‘Góa phụ thơ ngây, hay cảnh ngày mai đi nhận xác chồng“.

    Thường sau khi nói triết lý của tình đời, tụi bạn hay chọc nhau, “Tình lớn hơn tình con, nhưng không tình nào còn nước mắt, vì nước mắt khóc mừng ngày cưới hết rồi.” Hoàng trở lại sân vận động nằm trên chiếc võng, Trân hỏi,

    - Alpha không đi thăm người cũ a?
    - Thôi đi. Giờ mà đi thì chẳng biết bắt đầu từ đoạn nào, chấm dứt ở đoạn nào. Giờ này mà chạy lên Phượng Hoàng, chắc không ra khỏi được mấy chuồng cu phía sau. Tôi ngủ sớm, mai đi sớm cho yên thân. Hoàng cười.

    - Alpha mà nói như vậy là PleiKu ế độ rồi. Xa PleiKu là đúng rồi. Trân cười.

    Chỉ vài vòng dạo lại phố xưa, Hoàng đã thấy Pleiku, nói chung vẫn như cũ. Chỉ khác một chút, rất nhiều xe quân đội chạy lui tới trên đoạn đường từ bến xe lam vào phi trường Cù Hanh, phi trường chính nằm cạnh quân đoàn. Trên trời thì lại khác, rất nhiều máy bay C130, C123 lên xuống phi đạo. Hoàng thắc mắc, “Không biết sao lượng máy bay càng về khuya càng nhiều?” Hoàng tiếc, “Nếu gia đình Dung ở đây, chắc ra khỏi thành phố bằng những chuyến máy bay đáp lên, đáp xuống như vậy thật dễ dàng, vì chú Dung làm trong phi trường, lại làm ngay ban chuyển vận, sắp xếp người đi.”

    Hoàng bừng tỉnh khi trời hừng sáng, lính tráng đã nấu cơm cho ngày mới. Đây là cuộc hành quân tùng thiết, hỗn hợp cả thiết vận xa và thiết giáp T41. Đại úy Hội đã gặp Tiểu Đoàn Trưởng cuả Hoàng từ hôm qua. Mọi việc đã sắp xếp xong. Mọi người đã biết đơn vị nào, theo xe nào. Đúng giờ, lính bắt đầu lên những xe qui định, nằm rải rác gần sân vận động. Hoàng và Trân ngồi cùng xe jeep, vì lúc nào cũng vậy hai anh em khi đi xa, luôn ngồi chung. Tiểu đoàn khởi hành, chạy về hướng Phú Bổn. Tiếng thiết giáp và tiếng xe nổ làm những người dân chung quanh tò mò, nhưng họ đã quen nhìn cảnh hàng đoàn dài, xe đầy lính. Chẳng ai nghĩ đây là đoàn xe đầu tiên của cuộc di tản khỏi Plei Ku.

    Những vai chính như Trân, Hoàng, hay Hội không ngờ được, đây là chuyến hành quân cuối cùng của họ, của cả một quân đội họ đã từng phục vụ.

    Đoàn xe với hỏa lực thật mạnh của thiết giáp chạy nhanh. Hoàng không biết đằng sau lưng Hoàng, những đơn vị nào sẽ nối nối kế tiếp. Cuộc rút lui, nếu chỉ kể tới đơn vị Hoàng, và Liên Đoàn 6, thêm hai tiểu đoàn 35 và 51 BĐQ xuông sẻ, không có tiếng súng. Nhưng dọc đường, Hoàng gặp những đơn vị BĐQ khác cùng di chuyển nhưng không ai nhận lệnh gì cả. Xe chạy tới Phú Bổn, gặp Lạn, bạn cùng khóa, tiểu đoàn trưởng 11 BĐQ.

    - Tụi mày đi đâu đây? Lạn hỏi Hoàng và Trân.
    - Quân đoàn bỏ rồi, tiểu đoàn tao đi mở đường. Hoàng nói thật. Có lẽ sắp dừng lại để an ninh cho đoàn xe lớn của Quân Đoàn theo sau. Chậm lắm là ngày mai, mày sẽ thấy đầy xe cộ theo đường này.

    - Mày nói thật không? Bỏ PleiKu ư? Còn KonTum thì sao? Lạn không tin.
    - Kon Tum nào nữa? Giao cho Thượng hết rồi. Hoàng cười, vỗ vai Lạn.

    - Tao có nghe lệnh lạc gì đâu. Lạn trố mắt.

    Trân cũng xen vào câu chuyện. Hoàng và Trân đều nói,
    - Mày lo cho mày và đơn vị mày đi là vừa. Gọi về hậu cứ coi xem còn ai không? Không chừng họ đi trước khi nhận lệnh của mày. Trân và Hoàng cho đoàn xe chạy tiếp, quên cả hỏi thăm vợ con Lạn ra sao.

    Đoàn thiết vận của tiểu đoàn 34, nhận lệnh trải dài quân trên tuyến đường. Hoàng và chiếc xe, nằm sát cạnh đường, gần một căn cứ Địa Phương Quân. Từ chỗ đóng quân Hoàng có thể nhìn thấy từng đoàn xe nối đuôi vượt qua. Những đoàn xe, có cả những chiếc xe dân sự, cả những chiếc Honda, xe vespa nối đuôi vượt qua. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, cả đoạn đường dài, xe chạy liên tục, chạy cả đêm, không ngưng nghỉ. Nhìn nét mặt mọi người, ai cũng căng thẳng. Họ bàng hoàng cũng phải, ai có ngờ lịch sử tái diễn, phải bỏ tất cả sau lưng. Một ngày, rồi hai ngày, những đoàn xe vẫn tiếp tục chạy, cứ theo nhau, chẳng ai biết đoạn đường sẽ dẫn họ tới đâu.

    Hai ngày không tiếng súng, nếu đơn vị Hoàng không phải dừng giữ đường, chắc chắn đã xuống tới Tuy Hòa. Sở dĩ Hoàng luôn nằm trên gần tuyến đường, bên cạnh chiếc T41, để Hoàng thấy từng đoàn xe. Lúc đầu còn ít, càng lâu càng nhiều xe, chẳng biết đơn vị nào, xe GMC, xe dodge, xe du lịch. Trời nắng, nhiều chiếc bẻ cành cây cắm dọc thân xe, chở đầy người: lính có, dân có. Thôi thì đủ, áo xanh áo đỏ, nón che, nón đội, mọi người mệt mỏi, tả tơi. Nhiều người, thấy đơn vị Hoàng, thì dừng xe lại, ăn vội ăn vàng chút cơm trong chiếc nồi nhỏ. Có nhiều người chuẩn bị hơn, cắt mấy miếng cơm vắt, tay cầm mấy miếng thịt, nhai nhốn nháo, ăn xong, hai tay chùi trên quần, uống miếng nước vội vàng, tiếp tục nhập theo đoàn xe. Hoàng mỏi mắt cố tìm chiếc xe dodge cuả Dung. Hoàng nghĩ, “Dung sẽ theo đoàn xe, nếu không ra khỏi được Pleiku bằng máy bay, theo như gia đình Dung dự tính.” Hoàng hoang mang thật sự. Chắc gì mới hơn hai ngày, Dung đã ra khỏi được KonTum? Hay biết đâu, Dung đang ở Qui Nhơn, hay đang ngồi trên chiếc máy bay nào đó? Tuy nghĩ vậy, nhưng bất cứ thấy chiếc xe nào có bóng dáng dân thường, Hoàng đều ngó theo.

    Hơn hai ngày nằm tại chỗ, Hoàng gặp nhiều người quen, cả lính, cả dân. Hoàng gặp đại úy Cao, khóa 18 Võ Bị, quân cảnh Plei Ku. Anh Cao dừng ngay tại chỗ Hoàng, quần áo sốc xếch, than với Hoàng,

    - Đói quá, có gì ăn không?
    - Chỉ có một món duy nhất, cơm sấy, thịt ba lát. Hoàng cười.

    - Thịt ba lát, hai lát gì cũng được. Hai ngày rồi, bụng chỉ có chút nước uống thôi. Anh Cao cười theo.

    Hoàng nói người lính theo mình, làm cho gói cơm sấy, mở một hộp ba lát, mang mấy chiếc chén đưa cho mấy người cùng chuyến xe của anh Cao. Hoàng còn pha một ly cà phê, nói giỡn với anh Cao,

    - Ly cà phê này là ly cà phê tình nghĩa, trả ơn cho niên trưởng vì mấy lần không giam xe đàn em, chở đầy đào Phượng Hoàng.
    - Thôi như vậy anh cũng có lời rồi. Ly cà phê bây giờ bằng mấy ly cà phê ở Dinh Điền, Pleiku.

    Cơm nước xong xuôi, anh Cao lật đật từ giã. Chiếc jeep quân cảnh ngày nào bóng láng, bây giờ đầy đất đỏ.

    Đơn vị Hoàng nhận lệnh mới, vượt qua đoàn xe đang chạy, xuống sát sông Ba nằm lại. Tiểu đoàn thêm một nhiệm vụ, giữ trật tự cho đoàn xe chạy theo thứ tự, không chen lấn hay băng đường, vì như vậy, đoàn xe của các đơn vị khác sẽ không chạy được. Lệnh thì đơn giản, thi hành chẳng dễ gì. Nhiều khi lính phải nổ súng để bắt những xe cố tình xé rào theo lại đoàn xe. Mỗi lần dừng xe, Hoàng lại gặp vài người quen. Hoàng thường đứng cạnh đường, trong thâm tâm, chỉ hy vọng thấy xe của Dung vượt qua. Hoàng có quyền chặn bất cứ xe nào lại, hoặc yêu cầu các xe chạy chạy xe theo thứ tự vì càng gần sông Ba, càng bị ối đọng. Chiếc cầu bằng vỉ sắt bắc tạm ngang đoạn sông ngắn, nhưng rất khó di chuyển, vì phía Phú Bổn thì rất cao, phía Tuy Hòa lại thấp. Hoàng phải chạy tới chạy lui, nhiều lần phải kêu chiếc T41, xẻ một đoạn đường để giữ trật tự. Hoàng chép miệng, “Cứ cảnh này, chắc khó cho đoàn xe qua sông an toàn.” Nhiều tràng súng của đơn vị Hoàng nổ giòn, rải rác để cảnh cáo ngăn chặn những lộn xộn. Rất đơn giản, ai cũng muốn vượt lên trước để ra khỏi vùng núi này. Họ biết nếu qua được sông, phía Tuy Hòa, xe họ sẽ chạy dễ dàng hơn.

    Hoàng đứng nhìn theo đoàn xe, nối đuôi, chầm chậm, nghe tiếng kêu tên mình, Hoàng nhận ra chủ tiệm may Hà Nội. Chiếc xe Madza trắng, đầy bụi đỏ, dừng sát đường, cuả Hồng, chủ tiệm may nổi tiếng, đối diện nhà thờ, gần tiệm bún thịt nướng và bàn billard, chở mấy đầu máy may, máy vắt sổ, dừng bên Hoàng..
    - Trời, ai ngờ gặp anh ở đây? Hồng xuống xe, mừng rỡ khi thấy Hoàng.

    Hồng, giống anh Cao, cũng than đói.

    - Chủ tiệm may mà đói. Hoàng vừa đùa vừa nói với Hồng. Hôm qua tôi gặp anh Cao, cũng đói. Nhưng đây chỉ có cơm sấy. Ăn không?
    - Có cơm là tốt rồi, sấy với sung gì chẳng được.

    Đổ nước sôi vào gói cơm sấy, Hoàng đưa cho Hồng,
    - Thôi, anh ăn tạm đi. Tôi đã ăn cơm này từ ngày ở KonTum xuống đây từ 5 ngày nay.

    Hoàng rót một nửa ca trà nóng, đưa Hồng.
    - Cảm ơn. Đúng là may, tôi tưởng nhịn đói tiếp. Tôi không dám dừng xe, vì dừng rồi, không làm sao vào theo đoàn được, mấy ông nhà binh ủi thì chết. Hồng ăn xong, vội vã. Thôi nhờ trời, ngày nào anh em mình gặp lại, tôi phải đãi anh một chầu huy hoàng,

    Hoàng sai người lính chặn một chiếc xe, cho xe Hồng trở lại đoàn xe. Trước khi đi, Hồng rớm nước mắt, bắt tay Hoàng. Có ai ngờ những người, Hoàng gặp hôm nay, ngày mai, trên đoạn đường không đầy hai trăm cây số, đều là lần cuối hết. Nếu biết những gì xảy ra vài tuần lễ sau ngày hôm nay, chắc không ai có nổi một nụ cười, một lời hứa, như lời Hồng hẹn hôm nay.

    Đơn vị Hoàng lại nhận lệnh vượt qua đoàn xe, băng ngang cầu, đóng quân ở phía bãi cát thoai thoải, bên bờ, phía Tuy Hòa. Đoàn xe theo lệnh của Trân, tiểu đoàn trưởng 34, đóng rải rác trong rừng, lập tuyến phòng thủ mới. Theo lệnh, đơn vị Hoàng sẽ ở lại rất lâu, cho tới khi toàn bộ quân đoàn và các đơn vị khác vượt qua. Giờ này, đứng nhìn toàn cảnh của đoạn sông Ba, Hoàng bực tức. Cả một tiểu đoàn Công Binh, cả tuần lễ, bắc được một chiếc cầu hơn 20 thước, chiều ngang chỉ lớn hơn chiếc GMC, nếu ai lái không khéo chắc không qua khỏi cầu. Tuy không học Công Binh, nhưng Hoàng đã nhiều lần chạy ngang qua những cầu bắc tạm của công binh Mỹ. Họ thiết kế cầu đơn giản, luôn có một đường phụ, để lỡ một đoạn hư, sẽ có đoạn khác cho xe chạy liền. Đó là chưa kể, mùa nước cạn, họ có thể ủi san bằng tả luy, dưới lót hàng chục ống cống lớn cho nước chảy qua. Với cách này, vượt sông, không còn gì trở ngại, vì cùng lúc, cầu có ba bốn đường xe chạy. Đằng này, cả đoàn xe, hàng ngàn chiếc chờ chen bánh vào cầu. Hoàng muốn khóc khi nhìn chiếc cầu, “Lạy trời đừng chiếc xe nào chết máy giữa cầu.” Chỉ cần một chiếc chết máy thôi, Hoàng nhắm mắt, không dám nghĩ xa hơn, không dám nhìn vào đoàn xe. Từng chiếc từng chiếc lăn bánh chậm chạp trên chiếc cầu, tròng trành vì quá tải. Tất cả thành bại trong cuộc rút lui này chỉ trông chờ vào chiếc cầu.

    Hoàng tìm liên lạc với đơn vị Công Binh làm cầu. Lạ thật, làm cầu xong, xe ủi, xe cẩu, xe cầy đâu chẳng thấy? Chẳng ai ở lại. Lỡ cầu hư, dù chỉ hư nhỏ, ai sửa? Hoàng bực tức, “Đúng là ăn hại.“ Công binh Mỹ làm cầu xong, tất cả xe cơ giới, tất cả đơn vị công binh phải ở lại giữ cầu, an ninh cầu. Họ điều khiển xe lưu thông qua cầu. Đơn vị như tiểu đoàn Hoàng chỉ nằm an ninh xa mà thôi. Đằng này đơn vị Hoàng làm tất cả. Nếu, một vài tên du kích lọt vào đây, ai đánh Việt Cộng? Ai giữ cầu? Càng nhìn chiếc cầu tạm ngang sông, càng nhìn đoàn xe, nối đuôi cả trăm chiếc chờ lên cầu, Hoàng càng cảm thấy đau khổ.

    Mỗi chiếc xe qua được cầu, chạy giạt ngang qua lại trên bãi cát lớn, bằng phẳng. Cảm thấy đã thoát nạn, mọi người trên xe cười nói, mạnh ai nấy nhẩy xuống sông. Nằm trên dòng nước nước trong ấm, già trẻ, gái trai cùng tắm, chẳng ai để ý ai. Kẻ thì ăn cơm, người nấu nước, đâu vào đó, lại lên xe, chạy theo con đường, mất hút bên rừng cây, về phía Tuy Hòa. Bãi cát phẳng lúc nhiều người, lúc ít người, tùy theo đoàn xe chờ đợi bên bờ sông, bên phía Phú Bổn. Bãi cát nhộn nhịp, khói lửa làm vui mọi người. Đoàn này đi, đoàn khác tới, ai cũng mừng như mình thoát nạn. Riêng Hoàng, vẫn ngóng đợi, vẫn buồn, và vẫn bực tức nhìn chiếc cầu. Hoàng di dọc theo bờ cát, hỏi chuyện những người đang nấu cơm, tắm giặt trên dòng nước ấm, trong vắt. Không ai trả lời họ chạy từ Kon Tum tới đây. Ai cũng từ Plei Ku. Hoàng thất vọng, như vậy là không có Dung.

    Hoàng lại tự trách mình, biết tình hình ra nông nỗi này, Hoàng đã nói cho Dung biết hết, để chạy khỏi Kon Tum ngay trong buổi sáng, khi đưa mấy can xăng. Nhưng kỷ luật quân đội đã không cho phép Hoàng tiết lộ bí mật của cuộc hành quân. Giờ này, bí mật chẳng còn giữ được. Bí mật chẳng cần giữ nữa. Giờ này gia đình Dung ở nơi nào? Không thấy bóng dáng chiếc Dodge như Dung nói, Hoàng quay sang hy vọng, “Biết đâu chừng, Dung đã ra khỏi Pleiku trên những chiếc máy bay vần vũ, đêm ngày.” Theo Hoàng tính toán, nếu đừng có gì bất trắc xảy ra, nhất là chiếc cầu không hư, không gẫy, chỉ cần hơn một này nữa, hay cao tay hai ngày nữa, cả quân đoàn II, hay ít nhất những đơn vị quan trọng cũng qua khỏi dòng sông hiền hòa trong mát.

    Hoàng buồn bã nhìn những chiếc xe chạy ngang bãi cát lớn, đoàn người vẫn tiếp tục tới rồi đi, nhưng bỗng nhiên đoàn xe bị cắt đoạn, ùn lại. Hoàng giật mình, nhìn trên cầu. Một chiếc xe ben chở cây thật lớn, trật bánh nằm chặn ngay trên cầu. Người tài xế mở ga xe, hy vọng, de xe cho bánh trở lại đúng đường, nhưng thật khó, nếu không khéo, cả chiếc xe sẽ bay xuống dòng sông, cả chục người trên xe sẽ chết, hay bị thương nặng. Hoàng lắc đầu ngao ngán, ngay cả đơn vị Hoàng cũng còn mấy chiếc thiết giáp, giữ an ninh bên kia sông.

    Những gì Hoàng nghĩ đã xảy ra, không một chiếc xe nào vượt qua được chiếc cầu. Hoàng lật đật báo cáo cho Trân. Trân cũng ra xem cầu, nhưng làm gì được. Nếu đơn vị làm cầu còn tại đây, họ có thể dùng cẩu, giúp kéo xe, đưa bánh xe trở lại mặt cầu, hay các chỉ huy cuộc di tản, những mặt trời, mặt trăng chỉ cần một lệnh nhỏ phái một chiếc Chinook, kéo xe, thả xuống dòng sông là yên. Một chiếc xe ben bỗng nhiên phá cả một kế hoạch lớn chỉ cần hai ngày nữa là hoàn thành. Tiểu đoàn báo cáo Liên Đoàn. Thật sự Hoàng chẳng biết ai cao hơn Liên Đoàn nữa, nhưng Hoàng chắc chắn là còn nhiều nhiều lắm trên đầu liên đoàn, theo dây chuyền chỉ huy này. Đã học Bộ Binh Cao Cấp nên Hoàng hiểu rất rõ. Cuộc di tản này là cuộc di tản cấp Quân Đoàn. Giờ này biết hỏi lệnh ai?

    Dân chúng từ phía Phú Bổn, ngay sau chiếc xe ben không còn chờ đợi được thêm nữa, mất hy vọng nên tự động vượt qua. Nhiều người chửi rủa, chẳng kiêng dè ai. Thời gian trôi qua nhưng chẳng có lệnh lạc gì thêm. Thỉnh thoảng, một chiếc trực thăng CNC bay nghiêng qua, nghiêng lại rồi biến mất, mang theo tất cả hy vọng của đoàn xe dưới đất. Dân chúng chờ không nổi, bỏ xe, mang tất cả những gì họ có thể làm, trên đôi vai. Nước sông cạn, bãi cát trống càng ngày càng nhiều người. Hàng đoàn người vượt ngang dòng sông Ba vô trật tự. Cảnh hỗn loạn bắt đầu, mà không bao giờ Hoàng quên được. Mấy chiếc xe thiết giáp chạy dọc bờ sông, gặp đoạn hơi thấp, ủi đại băng sông. Nhưng đoàn xe bánh cao su không thể nào vượt sông nên bị dồn cục, chết máy vì hư hỏng hoặc hết xăng. Hoàng lắc đầu, đau đớn khi nhìn thấy cảnh này. Một câu hỏi đơn giản thoáng qua trong đầu Hoàng, “Giờ này, Công Binh làm cầu ở đâu?”

    Đơn vị Hoàng, các Tiểu Đoàn 34, 35, 51 và Liên đoàn 6 BĐQ, đã hoàn tất nhiệm vụ Quân Đoàn giao phó, từ Kon Tum, xuống Pleiku, tới khi bắt tay được công binh Tuy Hòa, hay nói đúng ra chỉ bắt tay được chiếc cầu định mệnh. Mấy ngày xuôi ngược bên giòng sông, Hoàng, Trân, và Hội thiết giáp chẳng bao giờ thấy bóng dáng đơn vị Công Binh, chẳng thấy được chiếc xe ủi đất hay xe cẩu. Họ đã phủi tay? Hay cấp trên nào đó, “mặt trời” hay “mặt trăng”, đã phủi tay? Hay nói theo những danh từ Hoàng đã học, đã “đào ngũ, không làm tròn nhiệm vụ.”

    (Đến nay, 37 năm sau cuộc chiến, tôi đã biết đơn vị Công Binh trách nhiệm lập cầu nổi, cũng như chúng tôi, đã thực hiện đúng nhiệm vụ được giao mà không biết gì hơn, không làm gì được hơn. Trách nhiệm làm trở ngại cuộc lui binh, gây tổn thất cho các đơn vị rút quân phải được quy trách nhiệm cho ai đó, rất cao, rất cao trong dây chuyền chỉ huy!)

    Hơn hai ngày sau, đoàn xe bên kia dòng sông Ba, chỉ còn là những đống sắt, chẳng có ai trên xe. Dân chúng đã bồng bế, gánh gồng băng sông, bắt đầu lại cuộc di tản, từ dòng sông trong vắt, ấm áp, hiền hòa chảy trong mùa nước cạn, nhưng vô tình, và ác độc.

    Đồi Bắc

    Thay đoạn kết:
    Đơn vị Hoàng nhận lệnh di chuyển về Tuy Hòa. Hoàng vẫn mỏi mắt trông chờ, và thất vọng. Mới mấy ngày trước đây, Dung tâm sự ”Em chỉ mong ước được học hành tới nơi tới chốn. Em chỉ mong được xuống Qui Nhơn, học Sư Phạm, làm cô giáo, một ước vọng thật đơn giản. Em chẳng thích mở quán cà phê”. Nhưng ước mong cuả Dung theo một đường, thành một nẻo khác. Có ai ngờ, giờ này, đoàn người đã vơi hẳn đi, đoàn xe không còn lăn bánh được. Tiếng súng Việt cộng đã bắt đầu nổ gần đoạn đường 7B. Hoàng vẫn không thấy bóng dáng Dung. Có lẽ Dung, vẫn còn ở lại Kontum, mong một ngày thanh bình trở lại!


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X