Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Paris đến rồi đi

Collapse
X

Paris đến rồi đi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Paris đến rồi đi

    Paris đến rồi đi
    Trần Lý Lê




    1. Dế Mèn ra khỏi trạm Metro, leo lên đến mặt đất rồi nhìn quanh để định vị trí của mình, quán cà phê Au Va et Vient đỏ đèn bên kia đường. Phe ta biết mình đang ở một góc của Place Felix Eboue. Trước mặt là bùng binh với những con sư tử đang phun nước mù trời.

    Ðúng quá, Paris hôm nào, Dế Mèn đến rồi đi, và hôm nay trở lại vào tháng Chín mùa Thu vừa sang. Mưa lất phất bụi sương. Người Paris đi bộ lầm lũi những bước vội vã trên đường phố. Trời chưa buốt giá như những ngày Thu bàng bạc trong thơ Cung Trầm Tưởng, và Dế Mèn dù chẳng hẹn hò gì trong quán nhỏ nhưng cũng bắt gặp mình mong chờ.

    Thành phố này lần nào cũng cho Dế Mèn một cảm giác ấm áp, quen thuộc, quen nhưng mà lạ vì biết rằng mình chỉ đến và rồi sẽ đi. Không biết chủ quán nghĩ ngợi những gì khi đặt tên hàng quán như thế? Sân ga đón những con tàu đến rồi đi? Khách viếng thăm đến đây, tụ rồi tan? Sân ga ở lại, quán hàng đứng đó, những ngọn đèn cháy đỏ chờ mong?

    Dế Mèn đến đây vào ngày đầu tuần, lại được anh chị B. đón tận phi trường. Trời đất Paris lạnh se. Phe ta ngầy ngật vì thay đổi giờ giấc liên tục, từ Stockholm về nhà chỉ đủ thời giờ để tưới mấy chậu cây và đổi quần áo, Dế Mèn lại cắp gói ra đi, đầu óc lảng vãng mấy câu nói thầm về những mối tâm cảm không bén rễ:

    Paris đến, nhưng biết rằng sẽ đi
    Con đường dài từ Ðông sang Tây
    vòng Nam rẽ Bắc
    Biết rằng sẽ đi
    thôi, ta kỷ niệm vướng chân.

    Ta thu tơ vương tám ngả
    vào túi áo
    Ðường đi về
    dệt lụa chờ mong

    Paris những con đường đèn vàng hiu hắt
    thành phố không ngủ
    chờ ta tiếng gọi…


    Dế Mèn đến khá nhiều thành phố lạ, và nhiều lần như thế. Lúc ra khỏi cửa Quan Thuế là dáo dác tìm kiếm cái bảng đề tên mình. Người đi đón lần nào cũng là một khuôn mặt lạ hoắc, lần này bên kia cánh cửa là một khuôn mặt quen thuộc, và ý nghĩ ấy khiến Dế Mèn ấm lòng. Ở thành phố lạ có khuôn mặt quen, nhất là sau một đêm thiếp ngủ những giấc ngủ ngắn vụn trên máy bay, đầu óc ngầy ngật không tỉnh táo. Gặp được khuôn mặt thân quen gần gũi là cả một gánh nặng trên lưng như được cất khỏi vai. Hầu như các bắp thịt trên vai trên cổ đều dãn ra, nhẹ nhõm. Khi người ta nói rằng áp lực “cứng” trên vai thì đó là một câu nói khá chính xác, đúng theo nghĩa cơ thể học và sinh lý học.


    Quán cà phê Au Va et Vient





    Dế Mèn được anh chị B. đi đón và đưa về tận quán trọ. Buổi sớm mai thành phố còn ngái ngủ, phòng chưa sẵn sàng nên phe ta kéo nhau qua bên đường uống cà phê. Ly cà phê đầu ngày khiến Dế Mèn tỉnh táo đôi chút. Ði đã đến nơi chỉ còn chờ lúc về xem có đến chốn không. Ngày đầu tuần âm u lạnh lẽo. Hy vọng mặt trời sẽ lên để ta có chút nắng ấm. Dế Mèn ngủ được một giấc ngắn, chiều xuống ngoài cửa sổ xanh xám. Ở đây mây mù nên đất trời u ám quá. Phe ta ra phố đi quanh xem vị trí của quán trọ. Gần đó là cửa hàng bán trái cây nhập cảng từ Á Châu, Dế Mèn mua một gói chôm chôm, một gói hồng xiêm và mấy chai nước suối rinh về phòng trọ, rồi gọi điện thoại nói cho bà thư ký biết đã đến nơi bằng an. Phe ta học được thói quen đi thưa về trình thế này vì mỗi lần “lặn” sâu, Kelly kiếm không được là bà ta mếu máo trách móc, sao đi đâu mà không nói một lời, để tui đi kiếm đỏ mắt. Dế Mèn không biết tại sao bà ta an tâm vui vẻ hơn khi biết giờ giấc, nơi chốn đi đến của Dế Mèn? Cái chi khiến bà ấy lo âu? Ai biết đâu, nhưng chỉ có một chút xíu (hơi khó chịu vì phải khai báo) như thế để duy trì mối tương thân thì ta cũng nên nhắm mắt lại mà bằng lòng cho xong?!

    Chiều đến anh chị B. trở lại đón Dế Mèn đi ăn cơm tối. Thứ Hai nên hàng quán hầu như đóng kín, họ mở cửa suốt tuần lễ nên nghỉ bù lấy sức. Cả khu phố chỉ một vài cửa hàng hiu hắt ánh đèn điện vàng ệch. Ði vòng quanh một lúc thì phe ta đến khu buôn bán của người mình trong quận 13. Tìm được một nơi mở cửa ngày thứ Hai, quả là Lê Lai cứu…chúa (!), anh chị B. chọn quán ăn này và biểu rằng thức ăn ở đây khá ngon, mà ngon miệng thiệt. Thổ công có khác. Lâu lắm rồi Dế Mèn mới được ăn cơm Việt Nam nấu vừa miệng, muỗng canh chua tôm ngọt vị, mảnh dọc mùng còn giòn giữa hai hàm răng. Miếng cá chiên vừa chín tới nên không khô, không bở, rưới nước mắm gừng pha ngọt ngọt ăn chung rất đậm đà. Mực còn tươi vị ngọt mềm xào sả và ớt, không có mùi tanh. Thịt tôm kho tộ ăn với cơm trắng. Dế Mèn ăn hết nguyên một chén cơm vì ngon miệng và đang đói.

    Ðêm đầu ở Paris có người thân quen, lại được ăn uống vừa miệng, cơm ngon mà có bạn hiền nên vừa ý hơn chăng? Buổi tối đi qua nhẹ nhàng, hạnh phúc quả là bình dị khi giấc ngủ đến êm ả, Dế Mèn mơ màng đặt lưng chút xíu rồi ngủ quên, quên cả tắt máy điện toán ở trên bàn cho đến ngày hôm sau.

    Thành phố thức giấc lúc 5 giờ sáng, mặt trời chưa lên, các chuyến xe dọn rửa đường phố đã ồn ào qua lại, tiếng động cơ rì rầm khuấy vỡ buổi mai im vắng. Dế Mèn kéo màn cửa nhìn xuống phố xá, những ngọn cây đứng im hai bên đường, vỉa hè vắng tanh vắng ngắt, ánh đèn vàng vọt héo hắt. Ôi chao mùa Thu về đâu chưa thấy, chỉ thấy ở đây một khung cảnh buồn rầu quạnh quẽ.

    Ông nhà thơ Cung Trầm Tưởng đã khiến Paris bất tử trong thi ca Việt. Dế Mèn khi khôn lớn được nghe những bài hát để đời, mỗi ca sĩ nói lên một bản sắc của mùa Thu Paris. Bà Thái Thanh tha thiết nhưng phải nghe Sĩ Phú thì thầm mới thấm thía nỗi đưa tiễn kẻ đi người ở. Chỉ có một mùa hè, trăm ngày xa cách, mà day dứt như thế, nếu chia ly một đời như Ngưu Lang Chức Nữ kia thì nhà thơ mới làm sao?

    Dế Mèn mở máy điện toán nghe bản nhạc. Buổi mai chưa thức giấc, âm thanh đã chan hòa một điệu cô đơn quạnh quẽ thế này thì nản lòng chiến sĩ quá xá. Làm sao mà lấy lại sự phấn chấn để đọc cho hết cái hồ sơ gần 100 trang kia? Vừa đọc vừa bôi đỏ lè nữa chứ? Nghĩ đến đây thì phe ta hết mơ mộng, gấp gấp nhảy vào phòng tắm, tắm ào ào rồi thay quần áo đi kiếm cà phê. Phòng ăn chưa mở cửa nên phe ta sẽ phải nói khó với nhân viên khách sạn pha giùm một ly cà phê ở quầy rượu của họ. Thôi kệ, ta cần thì cứ hỏi, biết đâu có người chịu giúp?

    Trời sáng rõ, phe ta bắt đầu công việc của mình, bắt đầu từ chuyến Metro 6 trạm. Ôi những con tàu, mở ra những cánh cửa, kẻ đi người đến…

    Con tàu đời lỡ chuyến
    Làm sao ta chờ nhau?


    Ðầu tuần lễ làm việc ở Paris, Dế Mèn bước vào một thế giới mới, từ ngôn ngữ đã có sự không thuần nhất, có nhiều danh từ lạ tai, âm thanh quen tai nhưng ý nghĩa hoàn toàn xa lạ. Phe ta bắt đầu làm quen với những xa lạ kia, từ khái niệm đến cách suy diễn. Và Dế Mèn hiểu được rằng khó mà tin khi không quen thuộc, không hiểu nghĩa những điều xa lạ kia. Và bệnh nhân cũng vậy, họ theo đuổi những điều quen thuộc và trốn tránh những thứ xa lạ khó hiểu. Rồi Dế Mèn loay hoay với ý nghĩa của riêng mình, nhưng ta sẽ phải bắt đầu từ đâu? Từ các lớp tiểu học, trung học, qua các môi trường truyền thông và hy vọng rằng người ta sẽ đọc báo, nghe radio và chiêm nghiệm những điều đúng sai giữa một rừng quảng cáo ồn ào trăm lần hấp dẫn hơn?

    Làm việc trong môi trường khảo cứu, và làm việc với những người có chung mục đích dù ngành chuyên môn có phần khác biệt, Dế Mèn dần dần quen thuộc với thế giới ấy. Thế giới của luận lý, nghĩa là bắt đầu từ lý thuyết, rồi chứng minh, kiểm nghiệm trước khi đi đến kết luận. Ở môi trường này, những con kiến cần cù tiếp tục một truyền thống khá khuôn mẫu. Những con kiến to nhỏ, khác màu sắc tha mồi về tổ, và những con kiến chúa ít khi xuất hiện. Kiến chúa chỉ là kiến chúa trong tổ của nó, nhưng khi bước ra ngoài thế giới mênh mông, nó cũng chỉ là một trong những con kiến, và cũng phải chăm chỉ mà đi theo con đường luận lý kia, nói không có “credit” là bà con cười cười bỏ nhỏ, kiến hết thời nên nói năng nhảm nhí quá.


    Bên ngoài nhà ga Lyon với tháp đồng hồ. nguồn: wikimedia.org





    Dế Mèn nhớ đến Carol Fisher, một thời là giáo sư hướng dẫn của Dế Mèn. Trên tường văn phòng của bà ấy là những tấm bảng tên mỗi khi đi diễn thuyết về thành quả của phòng thí nghiệm nhà. Ba bức tường kín những bảng tên. Hướng dẫn như thế chứ lúc nào bà ấy cũng quý trọng những bác sĩ trẻ tuổi nghề hơn, xem như đồng nghiệp. Có lần Carol nói thẳng với Dế Mèn, tụi mình là đồng nghiệp, tui chỉ là người đến trước, tui ở trong hiện tại, em mới là người của tương lai. Muốn xây dựng thì cần nhắm đến tương lai, đừng ỷ y vào hiện tại… Ngày Dế Mèn quyết định rời phòng thí nghiệm của trường Ðại Học, Carol cản không được nên bà ấy buồn nản mấy ngày. Mỗi lần trở lại trường cũ, Carol vẫn dành thời giờ riêng cho Dế Mèn, phe ta mua bánh mì từ cafeteria ra ngồi dưới gốc cây vừa ăn vừa nói chuyện như ngày trước. Có lần Carol hỏi Dế Mèn là có tiếc gì không, con dế mèn lang thang nhìn vào mắt cô giáo cũ bùi ngùi, em không biết… Con đường đang đi có những phần thưởng và cũng có những hệ lụy riêng của nó?!

    Ngày đầu tuần mệt mỏi vì cơ thể chưa quen giờ giấc. Dế Mèn về đến quán trọ, đường đã lên đèn. Phe ta ăn uống qua quýt rồi đọc điện thư. Bây giờ thì cái Blackberry và cả điện thoại đều ngất ngư không làm việc. Lạ quá, tự thủa nào, đi đến xó xỉnh nào mấy cái món vật dụng kia đều hoạt động, thường là cả hai, hoặc ít ra một món như ở Việt Nam, chỉ có điện thoại làm việc còn Blackberry thì tê liệt luôn mấy tuần lễ, và nhóm IT của công ty bảo rằng do tường lửa địa phương.

    Những ngày kế tiếp có vẻ suông sẻ hơn, hẳn vì con mắt ta mở lớn hơn và đôi tai bớt chọn lọc? Lắng nghe tất cả mọi âm thanh, thu nhặt hết mọi hình ảnh rồi từ đó mà gạn lọc sau? Tạp âm, tạp sắc… sẽ khiến giác quan của ta giàu có hơn hay hỗn loạn tạp nhạp hơn?

    Suốt tuần lễ phe ta mò ra quận 13 để ăn cơm Việt. Bánh cuốn ở quán Phở 14, quán ăn đông người, không hiểu tại sao? Miếng bánh mềm nhũn ướt nhẹp. Bánh Canh ở một nơi khác, quán ăn này cũng chật người chờ đợi… Tô bánh đục nước lõng bõng những viên thịt băm vị lạ lạ, có lẽ họ nấu theo khẩu vị Lào? Dế Mèn vào quán rồi mới biết đây là một quán ăn… Ðông Dương, thực đơn kê khai đủ món Lào Việt và Thái, chỉ thiếu có Cam Bốt là đủ bộ bình tích. Có cái chi ở những nơi này để thu hút khách hàng như thế? Hay là đến lúc người ta ăn nên làm ra nên mới buôn may bán đắt như thế?

    Cuối tuần, Dế Mèn về quán trọ lúc mặt trời đã lặn. Những chuyến tàu đi ngang sông Seine. Mỗi khúc sông hình như là một quãng đời; khúc sôi nổi hàng quán như Bờ Trái (Rive Gauche) tên một loại nước hoa có mùi trầm hắc hắc của Yves St Laurent, khúc thầm lặng với những quầy sách cũ hai bên bờ và cũng có khúc sông buồn tẻ nhạt nhẽo như khúc sông con tàu đưa Dế Mèn đi qua mấy hôm nay?

    Thế là hết một tuần, nhanh quá, thời gian không chờ đợi ai, ta đến, ta đi, ta tiêu xài ngày tháng thế nào cũng mặc, một ngày cũng chỉ có bấy nhiêu giây phút. Buổi tối ăn qua quýt vì không thấy đói, Dế Mèn đứng ở cửa sổ nhìn xuống đường phố. Paris âm u quá. Dế Mèn nghĩ đến hình ảnh ga Lyon đèn vàng… nên khăn áo xuống metro đi tìm ánh đèn héo úa của nhà thơ một thời. Ga Lyon đèn vàng, cầm tay em muốn khóc, Nói chi cũng muộn màng…

    Quả như lời anh B., ga Lyon bây giờ đèn Halogen sáng trưng nên hình ảnh của những con tàu rời bến trong buổi chiều ảm đạm tối xám không còn nữa. Cái ánh đèn vàng vọt héo hắt trong thơ đưa tiễn năm xưa đã mất dấu. Cái buồn rầu thơ mộng của Cung Trầm Tưởng cũng theo bước chân người tóc vàng sợi nhỏ theo thời gian mà biền biệt xa mù? Dế Mèn tẩn mẩn hỏi thầm nếu ngày ấy ánh đèn chói sáng rực rỡ như hôm nay thì cõi thơ ta hẳn có một bài Tiễn Em rất khác? Khúc tiễn đưa hẳn vẫn có tiếng hôn nhưng không còn vẻ âm u rét mướt não nùng?

    Dế Mèn nhìn quanh, cũng có những người đưa tiễn nhưng dường như hình ảnh đôi tình nhân quấn quýt chỉ còn bàng bạc trong trời thơ cũ. Cũng chia ly, cũng vẫy tay, cũng gửi nụ hôn gió… nhưng Dế Mèn chẳng cảm thấy xót xa chút nào!

    Mùa Thu Paris, trời buốt ra đi, bây giờ thì Dế Mèn leo metro trở về quán trọ, và bỗng dưng nhớ, nhớ quá xá, nhớ ray rứt quay quắt mảnh trăng thượng tuần leo lét bên kia bờ đại dương.

    Sân ga chiều Thu tới
    Mưa rơi như lệ rơi
    Nụ hôn đầu khóc mãi
    Mưa mùa Ngâu không ngơi


    Bây giờ mới là tháng Chín, sân ga, ta không đưa người nhưng ta đưa ta?

    Sân ga phi trường mang đến hình ảnh của chia ly, ra đi và ở lại. Ði hai mình ta bỏ lại một thành phố, đi một mình thì đằng sau nhiều thứ khác lỉnh kỉnh. Con dế mèn lang thang nên tơ giăng khắp lối phiêu lưu, có nơi là tơ nhền nhện, có nơi là tơ trời mỏng manh. Tơ nào cũng là tơ duyên vương mang ít nhiều hệ lụy.

    Paris một thời, Dế Mèn đến đây và ở lại một thời gian. Thủa ấy, con tàu Paris – Bâle mòn mấy đôi giày ta qua lại, thêm những chuyến bay đi về qua Ðại Tây Dương, ngẫm nghĩ mãi Dế Mèn cũng chưa giải thích được tại sao mình làm như thế. Cái nhìn từ 10 năm sau ngoảnh lại quả là khác xa với những năm xưa, ta trưởng thành hơn hay tâm hồn đã trầm lắng hơn? Ta không còn cần những cái không cần thiết như ngày trước?

    Ðường về đến quán trọ phố vắng tanh, Dế Mèn nghe bước chân mình dội trên vỉa hè đều đều. Phe ta đếm được gần 1, 000 bước từ trạm Metro đến quán trọ, và bận rộn như thế nên không thấy sợ hãi bóng tối. Bóng tối chỉ đáng sợ khi ta một mình quạnh quẽ?

    Cho em một đốm lửa
    Soi rõ trái tim anh
    Sợi tơ hồng mất dấu
    Như tình yêu mỏng manh...


    Ðêm cuối tuần mênh mông, Dế Mèn cố gắng thế nào cũng không ngủ được. Và khi không ngủ thì đầu óc lan man đủ mọi thứ chuyện trên đời, chuyện mới chuyện cũ, chuyện ngắn chuyện dài.

    ________



    2. Sáng Thứ Bảy Paris nắng vàng tươi, đi qua những con đường trong thành phố, hàng quán còn kín cửa chưa thức giấc, chỉ có mấy quán cà phê góc đường soi đèn đón khách. Paris bắt đầu quen thuộc hơn, và trí nhớ bắt đầu thức giấc.
    Con đường nào ta đi





    Không biết có cái chi mà người ta đứng xếp hàng ở Pantheon sáng nay? Không lẽ thân xác một con người vĩ đại nào đó được rinh về đây? Dế Mèn nhớ ngày nọ khi xác bà Marie Curie được đem về đây đặt cạnh ông chồng, đã hỏi Marie Laurence, thế rồi người ta có sửa cái bảng trước cửa đề “grand homme” hay không? Hay quý bà cũng được gom vào một chữ “l’homme” kia? Và Marie Laurence trả lời rằng, mình đang ở bên Tây, em cưng, đừng đòi hỏi nhiều như thế chứ… Ôi chao đằng sau những cử chỉ có vẻ nâng niu kia là cả một nỗi ngạo nghễ! Bây giờ ý nghĩ kia lại loáng thoáng trở về khiến Dế Mèn khó chịu. Phe ta yêu chuộng sự thẳng thắn chứ không chấp nhận những cử chỉ đầy hình thức bề ngoài, những hành động “cho có” nhưng không thật, cái “giả” mà cả người nhận lẫn người cho đều hoan hỷ chấp nhận. Con dế mèn lội ngược dòng, yêu chuộng cái “chân”, không có thì thôi chứ không mấy ham thích bề ngoài nên nếu phải sống như thế thì chắc khổ sở lắm! Lúc nào cũng phải khoác áo, đội mũ đeo râu vẽ mặt thì chẳng mấy lúc hồn nhập vai tuồng, và ta trở thành một hình nộm thì còn chi là đời?

    Trường Y khoa Paris ở một góc đường, năm xưa Marie Laurence học ở đây và bà ấy đưa Dế Mèn về thăm trường cũ. Phe ta hỏi lẩn thẩn rằng có nhớ trường xưa không, người tóc vàng sợi nhỏ ngẩn người một lúc rồi phì cười, tui ở ngay đây muốn dòm lúc nào chả được mà thương nhớ cái nỗi gì? Thì ra chỉ có sự xa cách mới khiến ta thương nhớ khắc khoải? Ta chỉ trân quý những gì không có trong tay? Người yêu dấu mà ở gần xịt một bên thì cũng chẳng quý hóa chi? Có thể nào đốm lửa kia đỏ hoài, ấm áp hoài?

    Dế Mèn chụp mấy tấm ảnh về chưng ở đây, một buổi sáng thứ Bảy trời sang mùa. Paris, không có gì lạ, con dế mèn lang thang bắt gặp một mảnh đời đã cũ của mình. Dế Mèn không tiễn ai nhưng bắt gặp nỗi tiếc nhớ xao xuyến trong lòng…

    Dế Mèn vui chân, vui mắt nên mua bán sắm sửa. Mấy năm gần đây, phe ta mua quần áo vì nhu cầu cần thiết, chứ không mấy ham chuộng “shopping”. Dáng người thay đổi một phần, thời trang cũng có phần khác biệt; vào văn phòng hay ra ngoài làm việc mà luộm thuộm, nhếch nhác quá coi cũng không đặng nên đành mua quần sắm áo, giày dép, và mùa nào thức ấy, xuân hạ thu đông. Ôi chao cái bề ngoài, không có cũng không xong, thôi thì còn chung sống với xã hội chung quanh ngày nào thì ta theo thời ngày ấy chứ cứ bơi ngược dòng từ cái quần tấm áo, lập dị khác người quá bà con lại biểu là gặp… thiên tai điên loạn thì hỏng hết!
    Place Eboue





    Zara bày bán những bộ áo mùa Thu và cả những tấm áo lạnh mùa Đông. Dế Mèn chọn một cái áo ấm ngắn, cắt theo kiểu bây giờ, kiểu cắt trở lại 40 năm về trước, lưng ngắn và xòe rộng. Kiểu áo mà mấy tay vẽ kiểu Hoa Kỳ gọi là “swing jacket”. Áo bằng len khá dày nhưng không nặng tay. Màu áo nhã nhặn, nền màu xám nhạt, sọc hồng đỏ và đen ngang dọc nên dễ mặc với nhiều màu áo khác nhau. Phe ta chọn thêm được một cái khoác đen trắng, áo có thể mặc suốt mùa Thu 3 tháng. Thế là áo thu đã chọn xong, chỉ chờ thu thay áo và cây thay lá. Lá ở đây bắt đầu vàng, nhưng chưa úa. Dế Mèn nhớ những ngọn cây phong lá đỏ rực rỡ, cả một rừng cây ứa máu trước khi tàn lụi của mùa Thu Bắc Mỹ. Năm nay đi xa, lỡ mùa lá đỏ thì đành đứng nơi này mà gọi câu thương nhớ… Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san…

    Chủ Nhật trời xanh, Dế Mèn đang đọc tài liệu thì nghe tiếng kèn trống vọng đến, có một cuộc diễn hành dưới đường. Phe ta ba chân bốn cẳng xuống thang lầu để dòm. Người ta đang phản đối Hoa Lục đàn áp tôn giáo, bách hại những người theo Pháp Luân Công. Hai bên đường dân thành phố đứng ngó, có người của đoàn biểu tình dúi vào tay Dế Mèn mấy tấm truyền đơn. Ðây là lần thứ nhì, Dế Mèn gặp buổi biểu tình của nhóm Pháp Luân Công, lần trước ở Vancouver vào tháng Bảy vừa qua, lần này ở đây. Hai thành phố, hai lục địa nên cách phản đối của họ cũng khác nhau xa như thế? Ở Vancouver thì thầm lặng thê lương, chỉ có chục người nhưng gây ấn tượng tù đày bắt bớ thảm sát mạnh mẽ. Sang Paris thì ồn ào hơn, họ có cả ban nhạc đập trống thổi kèn theo điệu quân hành, cả mấy nhóm đồng phục, nhóm phụ nữ áo hồng múa quạt để thu hút người qua đường, nhóm áo vàng đập trống khua chiêng gây tiếng động rủ rê, nhóm áo xanh quần trắng thổi kèn, và những tấm biểu ngữ giăng trên đường, có cả cảnh sát công lộ chạy theo mở đường …

    Phe ta vui chân đi lang thang trên đường, sáng Chủ Nhật người ta họp chợ trên phố, khá nhiều mặt hàng từ hàng thịt, hàng cá đến trái cây, bánh và cả quần áo, vật gia dụng hầm bà lằng. Ðiều lạ ở đây là thức ăn chín như paté, xúc xích, fromage được để sát bên cạnh những miếng thịt sống, không biết những miếng thịt còn đỏ máu kia đã tạp nhiễm với những khúc xúc xích nhiều hay ít, và người ta ăn thịt chín lẫn với máu tươi như thế kia thì có đau ốm chi không? Người Paris đi chợ sớm, mỗi người lôi một cái giỏ có gắn bánh xe.

    Cửa hàng thịt gà có bán những chiếc chân gà và cả những con gà lôi nhỏ híu đã bị vặn cổ chết toi tự lúc nào. Họ bỏ chung trong một cái rổ nhựa thiệt bự. Ngó mấy con gà ngoẹo cổ trợn tròng chất đống, Dế Mèn bỗng dưng ơn ớn, ghê quá. Không biết người nào trong mấy người đang la lối rao hàng kia đã vặn cổ mấy con vật này? Họ bán riêng cả những khúc chân gà, không biết để làm gì, chắc “phụng trảo” như quán ăn Tàu?
    Luxembourg




    Dế Mèn định mua một khúc bánh mì và một ít paté mà cứ ngó mấy miếng thịt sống đỏ máu bên cạnh là lắc đầu ngán ngẩm. Cuối cùng, phe ta mua một kí lô cam đem về quán trọ, cam dày vỏ và không ngọt, có mấy trái mà ăn cả tuần không hết!

    Chiều Chủ Nhật, Marie Laurence ghé qua quán trọ rủ Dế Mèn đi uống cà phê. Phe ta mò ra đường Rivoli. Vườn Tuileries đầy những chiếc lều vải trắng, người ta có hội họp triển lãm chi đó. Nắng chan hòa trên đường. Quán cà phê ngó ra đường phố, thấy cả một phần của công trường Concord bận rộn. Xe chạy quanh cái bùng binh này như mắc cửi.

    Concord với tháp Obelisk quà tặng của Ai Cập từ thế kỷ thứ XIX. Dế Mèn nghe nói cái cột khổng lồ bằng đá granite kia có số tuổi trên ba ngàn năm, và đã hiện diện tại Temple of Ramses, Luxor ngày nay. Cũng nơi này, dân Tây xử tử vua Louis XVI, bà hoàng Marie Antoinette của họ, và sau đó là những người cầm đầu cuộc cách mạng như ông Danton và Robespierre. Làm vua và làm giặc coi bộ không mấy an toàn?

    Uống cà phê chán rồi phe ta đi bộ quanh thành phố. Paris là một thành phố đi bộ, chừng bốn tiếng là ta có thể nhìn ngắm hầu hết các di tích chính.

    Magdalena hay nhà thờ Magdeleine xây theo kiểu Hy Lạp, cũng những cột Corynthian, 52 cái cả thảy. Trông từ xa, giống giống như một ngôi đền tại Hy Lạp. Magdeleine lớn quá, nhộn nhịp quá nên Dế Mèn đến đó chỉ tò mò nhìn ngắm chứ không mở lòng nói chuyện với khung cảnh quạnh quẽ chung quanh.

    Phe ta lang thang ra Opera rồi dừng chân ở quán bên đường. Opera là toà hý viện đầu tiên của thế giới, những nhà hát ở các thành phố khác đều ít nhiều mang dáng vẻ của tòa nhà này.

    Quán bên đường nằm trên đại lộ Capucines. Marie Laurence nhấm nháp một ly Sancerre trắng, Dế Mèn không hiểu sao người tóc vàng sợi nhỏ thủy chung với loại rượu này, lần nào cũng một ly rượu vang nhỏ. Tò mò nhưng chưa bao giờ Dế Mèn hỏi bạn. Dế Mèn gọi một ly cà phê, ngồi ngắm cà phê nhỏ giọt trong cái tách trắng; uống cà phê mà cứ sợ đêm về trằn trọc chờ sáng như ta bây giờ ngồi chờ thời gian chảy những hạt lệ đen đậm đặc sánh. Gió xao xác trên những tàn cây trên đường.
    Chopin




    Phe ta ngồi nhìn ông đi qua bà đi lại. Nói những mẩu chuyện bâng quơ, chuyện công việc làm, chuyện đời sống hàng ngày, chuyện du lịch. Marie Laurence cho Dế Mèn xem hình đứa cháu ngoại mới keng và bảo rằng đấy là nguồn vui mỗi ngày. Dế Mèn nhớ đến lần ghé Champagne nên hỏi thăm về vườn nho ép rượu năm xưa. Gia đình bên ngoại của bà ấy có một công ty sản xuất Champagne nhỏ nhỏ, chỉ cất rượu để bán trong nội địa, và người mua phải đặt mua trước cả năm, trước khi rượu được đóng chai đem bán. Dế Mèn đến đó chơi một lần, thử đủ loại champagne, đâu 3-4 ly chi đó thì lăn ra ngủ vì say mê mệt. Giấc ngủ Champagne để lại cơn nhức đầu khủng khiếp, lúc thức giấc, chỉ muốn chặt phứt cái đầu cho xong! Marie Laurence kể chuyện bán lại cổ phần cho thân tộc và nhắc chuyện say rượu nằm thẳng cẳng của Dế Mèn ngày trước rồi cười cười biểu Dế Mèn dễ …nuôi, uống không đòi rượu ngon, ăn thì sao cũng đặng. Bạn ta ơi, vậy mà nuôi không dễ chút nào, dễ thương như thế mà thương có dễ không vậy?! Ý nghĩ lộn xộn kia khiến phe ta phì cười mà không cách chi giải thích cho Marie Laurence hiểu.

    Paris chiều cuối tuần, Dế Mèn ngồi quán uống cà phê với bạn bè, ta uống không khí của thành phố lúc chiều rơi, uống hình ảnh của những người qua lại trên hè phố và nhìn lá rụng từ mảng cây già nua trước mặt. Mùa thu Paris, nhưng rượu không rưng rưng ly đỏ tràn trề như câu chuyện của người thơ năm xưa, hôm nay Dế Mèn chỉ có những giọt cà phê đen sánh, và hình như giọt nước nào cũng giống nhau?

    Phe ta đi lòng vòng thêm một lúc nữa, Dế Mèn chụp một ít hình ảnh đem về để nhớ kỷ niệm. Từ Opera, Dế Mèn đi quanh, quành về khu Mont Thabor và Rivoli vì Dế Mèn nhớ nhà thờ St Roch. Có lần phe ta đến đó nghe nhạc hòa tấu trong buổi chiều mùa hè và có lần phe ta mò vào nhà thờ, ngó những bức tượng trầm ngâm u uẩn và mấy hàng nến ứa lệ chập chờn, rồi sự phiền muộn cũng tan theo ngày nắng tàn như nến khô lệ rồi tắt. St Roch với Dế Mèn có khá nhiều điều để thủ thỉ vì ở gần quán trọ nên dễ vui chân.

    Ðường phố Paris có những chiếc xe đạp cho mướn, và du khách đi lạng quạng giữa những dòng xe cộ dập dìu. Gì chứ té xe đạp trẹo cẳng ở đây thì Dế Mèn không ham, phe ta kinh nghiệm xương máu với cái cổ chân không tử tế một lần nên nhất định là không thử thời vận lần nữa, và bất cứ ở đâu.

    Người ta không đi xe đạp nhiều như bên Amsterdam nên Dế Mèn không có cảm giác thong thả an toàn. Những chiếc xe hơi len lỏi trong dòng người bận rộn, bây giờ thêm những chiếc xe đạp nữa, làm sao người ta tránh không đụng đầu nhau nháng lửa?

    Phe ta ăn tối xong thì ngày vừa tàn. Thả Dế Mèn về quán trọ, Marie Laurence chào từ giã, không biết khi nào gặp lại người bạn tài hoa bặt thiệp kia? Ðàn bà con gái mà tài hoa xinh đẹp quá thì tinh hoa phát tiết hết ra ngoài, cuộc sống sóng gió không bình an? Ý tưởng này đeo đẳng Dế Mèn hoài, đêm quán trọ mênh mông, Chiều Chủ Nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu của bài hát ngày trước ra làm sao thì Dế Mèn không biết nhưng đêm Paris đèn vàng èo uột, và Dế Mèn vừa chia tay với người bạn khá thân thiết nên lòng nặng một nỗi bi hoan, vui buồn lẫn lộn. Gặp nhau giây lát, chuyện 10 năm gom lại trong một buổi chiều phôi pha, giữ được bấy nhiêu cũng là quý lắm rồi phải không bạn?

    (còn tiếp)
    Last edited by KiwiTeTua; 11-09-2022, 08:24 AM.

  • #2
    3. Paris đến rồi đi
    Tuần lễ thứ nhì ở Paris bắt đầu, ngày tháng trôi đi không có gì để ghi chép. Một ngày như mọi ngày, bình yên, dù chợ tài chánh đang lao đao sóng gió, cổ phần như những chuyến xe bay của gánh xiệc… Dế Mèn nhắm mắt bịt tai không nghe bàn chuyện tài chánh khi H. hỏi chuyện qua điện thoại. H đang ở Thượng Hải, bên Tàu vẫn sôi sục chuyện thức ăn trộn tạp chất, những bà mẹ trẻ vẫn tiếp tục mang con đến nhà thương để thử nghiệm. Trong cái xã hội mới dư ăn kia người ta tranh nhau làm giàu bất kể đến sinh mạng kẻ khác, chỉ vì cái bề ngoài sung túc khiến họ quay quắt?



    Thứ Năm trời mây âm u, mùa thu Paris, yêu người độ lượng… Dế Mèn yêu người nhưng không tìm thấy sự độ lượng của người thơ ngày trước, và vẫn… trong em tâm tưởng giam tù. Phe ta vẫn chưa thoát ra khỏi vòng hệ lụy lẩn quẩn. Từ quán trọ ra vườn Luxembourg qua hai chuyến tàu, Dế Mèn đi quanh tìm ghế đá. Không biết thủa trước nhà thơ Cung Trầm Tưởng ngồi quen ghế đá ở chỗ nào?

    Cây lá trong vườn còn xanh lác đác, chưa tàn héo hết nhưng buổi sáng mùa thu ảm đạm se sắt. Tòa nhà Senat nằm trong công viên đang được tu bổ. Paris là một thành phố xưa cũ nên người ta cứ phải sửa chữa liên miên, hết tòa nhà này sang tòa nhà khác để duy trì hình ảnh cổ xưa kia. Phe ta nhìn quanh nơi nào cũng thấy xe cần trục, thang sắt… ngang dọc.

    Ngày trong tuần nên công viên vắng người ngồi quen ghế đá, không em, ôi buốt giá từ tâm. Mùa thu nơi đâu, ở đó trời đã sang mùa như lòng ta đang úa? Dế Mèn không chờ mong chi nên chưa bắt gặp trái sầu chín đỏ của bài thơ năm cũ.

    Ðàn bồ câu no ăn đi đủng đỉnh trên sân cỏ, những con chim đuổi nhau, vừa bơi vừa lội, Dế Mèn cố đuổi hình ảnh chim xoải cánh trên mặt hồ nước kia mà máy ảnh quá chậm không bắt kịp. Trong tấm ảnh nào đôi cánh kia cũng đã khép lại, máy ảnh đời chậm lụt hay ta chậm lụt mà không theo nổi một cánh chim bay? Chim khép cánh thì tù túng quá, cái hình ảnh gò bó khiến Dế Mèn chùng lòng ái ngại.


    Pho tượng “The Prophet” trong công viên không biết do tác giả nào tạc, hai con mắt sống không mấy thân thiết

    Phe ta rời công viên, trời mưa lất phất. Gió lạnh se. Rồi trời chuyển mưa tầm tã, phe ta chạy lúp xúp từ sân ga ra bến xe buýt. Trời mưa thì mặc trời mưa... Về đến nơi, Dế Mèn ướt nhẹp nên lạnh run. Dế Mèn loay hoay sấy tóc khô cho ấm. Rồi phe ta xuống phố xem thương xá ngoại ô. Ðây là thương xá đầu tiên của Tây, xây theo kiểu các thương xá bên Mỹ. Hàng quán không có chi, thời giá đắt gấp rưỡi bên Mỹ, món chi cũng đắt hơn nên chẳng có lý do chi để Dế Mèn khuân vác. Hôm nọ đã mua sắm một ít quần áo, và đã cần đến một chiếc xách tay nữa để lôi quần áo mới về. Bây giờ mà đa mang nữa thì chắc không thể nào khiêng nổi?! Nhất là hai chuyến tàu nữa rồi mới trở lại Hoa Kỳ.

    Quán cà phê Starbucks bận rộn tìm mãi mới thấy chỗ trống, phe ta uống cà phê và nhìn quanh. Thứ Sáu trời mưa ào ạt từ sáng đến chiều. Dế Mèn làm xong một mớ công việc thì ngày cũng vừa tàn. Phe ta chọn quán X gần đó, vừa ăn vừa nói chuyện với bạn bè. Bà chủ quán như tên gọi, mặt mũi nhăn nhó khó khăn, không mấy thân thiện lại bất lịch sự quá xá. Họ dọn món ăn tới tấp, vừa buông đũa đã dọn bàn và đưa giấy tính tiền liền tay để đuổi khách. Mèn ơi, thức ăn không ra làm sao và còn vô lễ như thế thì làm ăn lâu dài sao đặng? Cái nhà hàng đó đâu có cái chi để bán? Chẳng lẽ Paris hết quán ăn rồi sao? Hôm nọ nhận được điện thư của J. hỏi rằng Paris có chi lạ, chàng sẽ qua đây vào tháng Mười Hai để dự một cuộc hội thảo. Dế Mèn gửi cho J. một danh sách những nơi đừng đến, và cái quán X (vừa chua vừa chát) lè này xếp hàng đầu. Hôm qua, J. gửi thư hỏi tiếp sao không đăng bài nhận xét trên mấy cái “Travelogue”, một loại mạng ảo của những người đi lang thang như Dế Mèn đây, nơi người ta phê bình phê lọ các khách sạn, quán ăn, chỗ để ngó… khắp nơi trên thế giới? Thỉnh thoảng Dế Mèn có dịp kiểm nghiệm thấy họ nhận xét khá chính xác nên từ đó tránh hẳn những nơi bị bà con lắc đầu chê bai.

    Đầu tượng bên ngoài nhà thờ

    Bị đuổi chỗ, phe ta kéo nhau qua quán cà phê Tây gần đó nói chuyện tiếp. Khung cảnh ấm cúng dễ chịu nên câu chuyện kéo dài đến 11 giờ khuya mới tàn.

    Thứ Bảy trời âm u, thỉnh thoảng mặt trời mới ló dạng rồi lại ẩn sau mây mù. Phe ta leo đồi Montmartre để ngó nhà thờ Thánh Tâm (Sacre Coeur). Hình như đây là ngọn đồi cao nhất của thành phố. Ngọn đồi (mont) của Thánh Tử Ðạo (martyr), nơi Thánh Denis bị xử tử năm 250 và huyền thoại kể rằng ông Thánh cụt đầu này đi một mạch từ nơi này đến thôn làng phía Bắc của thành phố, và vùng đất kia được đặt tên St Denis từ ngày ấy. Nhà thờ Thánh Tâm được xây cất từ năm 1873. Quanh tường có những bức tượng khá sống động. Dế Mèn thấy khuôn mặt của một người không mấy vui vẻ, mắt lộ hung quang, đôi môi chu lại như sửa soạn phóng ra những lời dao kiếm, nhưng trên đầu lại có con bồ câu hòa bình đậu lại làm bạn nên chụp hình đem về ngó.

    Cuối tuần nơi này không chỗ chen chân, bà con leo đồi, mỏi chân ngồi la liệt trên các bậc thang đá.

    Dế Mèn vào nhà thờ đốt một ngọn nến nhỏ rồi đi ra. Ðông người quá, ồn ào quá dù người ta đã giữ ý thì thào. Ðây không phải là lúc trầm lắng để thủ thỉ bất cứ điều gì, bạn à! Chuyện riêng tư anh ạ, nói khẽ mình ta nghe…Từ trên đồi Dế Mèn nhìn xuống, những hàng cây đứng thẳng bên những cột đèn, trời chưa chiều nên đèn chưa sáng. Thành phố trong buổi chiều cuối tuần âm u trông khá nên thơ.


    Nhà thờ Sacre Coeur

    Ði một quãng ngắn, phe ta đến Place du Tertre, Dế Mèn không thấy nghệ sĩ lang thang đặt giá vẽ ở đây như những ngày trước, tại trời âm u hay vẽ vời trong khung cảnh hôm nay không còn thích hợp nữa? Và tự lúc nào thành phố có sự thay đổi ấy? Không biết, bạn ơi, không biết.

    Dế Mèn đi tìm hình ảnh của một ngày mùa thu năm xưa, có người nghệ sĩ già nua, tơi tả đứng vẽ nóc nhà thờ. Bức tranh đó Dế Mèn mua tặng N. làm quà sinh nhật. Lâu rồi Dế Mèn không liên lạc với N., không biết bạn xưa bây giờ ra sao? Nhiều lần, Dế Mèn mua tranh tặng người thân, bạn bè làm quà đám cưới, quà sinh nhật, mừng nhà mới… Chưa bao giờ phe ta dám hỏi thăm xem tranh còn ở với người hay không. Bạn bè có người còn đủ đôi, có người đã chia tay để đi một con đường riêng lẻ, không biết tranh theo ai và đi về đâu; có những cuộc chia tay mà ta cần gượng nhẹ để tránh đụng chạm đến nỗi đau sâu đậm… Mối thâm tình còn không lưu giữ được, hỏi thăm chi về một bức tranh, phải không bạn? Bây giờ thấy cảnh xưa, không còn người cũ và cả một quãng thời gian thân thiết với N. trở về như một đoạn phim cũ trong trí óc. Chao ôi, bạn bè khiến đời sống ta giàu có biết bao!

    Dế Mèn đi ngang ngôi nhà lẫy lừng Bateau Lavoir, 11 bis Place Emile Goudeau, là nơi những con người một thời vang bóng sinh sống, từ Kees Van Dongen, đến Amedeo Modigliani, và cả ông cụ Picasso khác người. Những mảnh đời không mấy hạnh phúc đã đi qua nơi này, và để lại dấu vết của họ qua những tác phẩm, từ tranh vẽ đến một tác phẩm văn chương. Người trần gian như Dế Mèn đây có chút cơ duyên nhìn qua cánh cửa tâm hồn hé mở kia mà đem lòng yêu quý tác phẩm. Cứ nghĩ đến Modigliani là Dế Mèn nghĩ đến những phụ nữ với cái cổ cao, đôi vai xuôi mềm mại thanh tú, đầy nữ tính. Phụ nữ trong con mắt của ông họa sĩ là con người đầy nét dịu dàng kia, làm sao mà không yêu cho được? Dĩ nhiên là ta yêu tác phẩm chứ không phải tác giả, tác giả, ai biết đâu?!


    Chopin nằm ở đây. Hàng xóm của cụ Chopin, Dế Mèn không đọc ra tên nhưng nhận ra những nét khắc có hình dạng Maya

    Phe ta theo metro ghé Père Lachaise, nghĩa trang nổi tiếng của Paris. Bạn bè nói nhiều lần về ngôi mộ của Jim Morrison. Dế Mèn không mấy ưa chuộng The Door nên bỏ qua, chỉ đi tìm xem Chopin gửi thân ở đâu, và hàng xóm láng giềng của ông cụ là những ai? Trong 800 ngàn người gửi nắm xương tàn, Dế Mèn đọc ra một số tên tuổi trong sách vở từ cụ Balzac, Molière, Apollinaire, Pissarro, Seurat… Dế Mèn đi tìm cụ Modigliani mà không thấy dù đã có cả tấm bản đồ của nghĩa trang. Những lô đất nằm lộn xộn, phe ta cứ đi lòng vòng mãi, rã hai cái cẳng mà vẫn không thấy. Hầu như cả một nền văn hóa nằm trong nơi an nghỉ cuối cùng của con người; cách chôn cất, trang hoàng mộ chí nói khá nhiều về cách sống của người đã chết và thân nhân.

    Sáng Chủ Nhật mưa ào ạt, những hạt mưa quất vào khung cửa rào rào như những ngọn roi. Có lúc Dế Mèn cứ tưởng khung cửa kính kia sẽ vỡ từng mảnh. Ðất trời giận dữ thế này thì chắc chẳng đi đâu được?! Nhưng trời khóc hết nước mắt rồi thì cũng phải tạnh mưa, có thế chứ, chẳng lẽ cứ sụt sùi lèng èng hoài?

    Phe ta khăn áo lướt thướt đi xem tượng của nhà điêu khắc Rodin. Viện bảo tàng nằm trong một khu vườn gần Les Invalides và viện bảo tàng Quân Ðội, chỉ cách một quãng đường ngắn.

    __________________________________________________ ______
    4. Phần kết

    Pho tượng lừng lẫy nhất đặt ngay lối vào vườn, Người Suy Tư cúi đầu ủ rũ, và hình như mọi khách thăm viếng đều dừng lại để chụp ảnh ở đây, Dế Mèn cũng không ngoại lệ.

    Ðang ngắm nghía mấy bức tượng, cụ Balzac đứng một mình vẻ mặt cười cười cái chi đó thì trời lại đổ mưa, thế là phe ta ù té chạy vào phòng triển lãm. Dế Mèn ngắm nghía từng bức tượng, ông cụ Rodin này quả là thiên tài, và trong cả trăm pho tượng trưng bày ở đó, Dế Mèn bị thu hút bởi những bàn tay. Những pho tượng bằng cẩm thạch trắng tạc hình bàn tay; không có hình ảnh đan tay hay nắm tay, chỉ có hai bàn tay cùng nắm giữ một vật thể nào đó. Hai bàn tay (cùng) phải thì khó lòng mà nắm lấy nhau, mà dung dăng dung dẻ?

    Nhìn ngắm từ nhiều góc cạnh, càng ngó càng tò mò say mê dù vẫn không hiểu nhà điêu khắc muốn bày tỏ những gì, nhưng hình dạng của mấy bàn tay kia thì đẹp quá xá chừng. Phó nhòm tay ngang Dế Mèn chụp đại mấy tấm hình.




    Dế Mèn không còn nhớ tựa đề là gì, nên đặt tên theo cảm nghĩ của mình, mong quý vị mở lòng hoan hỷ đừng la mắng cái tội ngông cuồng đặt tên cho những tác phẩm điêu khắc lẫy lừng của thế giới.

    Ngoài những bàn tay (phải) kia, dĩ nhiên là còn rất nhiều các pho tượng khác. Phần lớn những pho tượng toàn thân đều lõa thể và trong thế ân ái quấn quýt. Nhà điêu khắc luôn thêm một chút sóng biển chung quanh hai thân thể kia, hình ảnh của sóng gió bão tố?

    Riêng mấy pho tượng trẻ em bằng đồng đen, đứa nhỏ nào cũng có cái đầu to quá khổ, hiện thân của thần Eros. Trời tạnh mưa nên Dế Mèn chạy ra vườn xem tiếp. Khu vườn khá nên thơ, có hồ nước rộng và cây cối um tùm, và những pho tượng đặt rải rác khắp nơi. Ðông hay Tây người ta đều yêu chuộng hồ nước và cây cối, nhưng ở phương Ðông, ta trồng cây lẫn vào bóng núi, cây soi bóng bên hồ, nghĩa là có sự quấn quýt giữa những vật thể, nương nhau mà chung sống giữa đất trời. Ở phương Tây, cây cối đứng riêng một chỗ, nước nôi nằm ở một chỗ khác, thức nào ra thức ấy không có pha trộn. Vì thế cái đẹp của vườn tược phương Tây khác rất xa cái đẹp của vườn tược phương Ðông, bạn có nghĩ thế không?





    Đây là pho tượng Hand of God, vũ trụ đều nằm trong tay Tạo Hóa? (hình như bàn tay của phái nam, chứ tay phụ nữ mà trông thế này thì gân guốc,
    lực lưỡng quá chăng?) Hand of God: Mặt trước / mặt sau chụp từ gương phản chiếu


    Dế Mèn tiêu xài gần 3 tiếng ở viện bảo tàng Rodin. Ðến đây mới biết rằng mỗi Chủ Nhật đầu tháng thì viện bảo tàng không có tính tiền mua vé, nghĩa là ta có thể xem cho mãn nhãn mà không phải trả đồng keng nào. Không hiểu điều lệ này chỉ áp dụng tại đây hay cả những viện bảo tàng khác của Paris? Quả là một truyền thống dễ thương, những người túi không tiền cũng vẫn có thể thưởng thức nghệ thuật, món quà tặng của đất trời.

    Trước khi ra về phe ta còn cẩn thận ký tên vô sổ lưu niệm (Guess Book) để bà con còn nhớ tới… mình, lỡ có ai lang thang đến chốn này và là phe ta da vàng mũi tẹt, đọc ra tiếng Việt! Như bạn thấy, mỗi người để lại một chút nhân dáng riêng, từ các miền đất xa xôi trên địa cầu, chứ người thành phố thì không mấy ai ghi chép chi vì biết rằng mình sẽ ở lại? Chỉ có những người đến rồi đi mới muốn ghi dấu chân lang thang?

    Chiều về trời mưa, quán vắng, đèn mờ, cà phê có ngon đến đâu cũng nhạt hương vị? Ðất trời cảm mạo nên lúc mưa lúc tạnh, lâu lâu lại sụt sùi ướt át. Chẳng lẽ lại tiêu xài một ngày cuối tuần chôn chân chịu mưa bay? Mưa giữ chân ai thì giữ chứ con dế mèn lang thang nhất định là không chịu bị cầm chân, buộc cẳng. Ðã muốn đi thì cứ đi, mưa thì mặc mưa, ướt rồi lại khô chứ có mất mát chi đâu? Lý sự cùn như thế nên Dế Mèn leo metro đi tiếp. Phe ta đến Xóm Học ăn trưa rồi quành ra Notre Dame ngó ông đi qua bà đi lại. Cuối tuần nên du khách đông cứng, Dế Mèn chờ mãi mới đến phiên mình vô cửa. Chúa ở trên cao, mắt nhắm, nên không thấy Dế Mèn rón rén đốt một ngọn nến nhỏ rồi đi ra. Không khí bên ngoài cánh cửa nặng nề kia nhẹ hơn rất nhiều, dù gió mang theo hơi mưa ẩm ướt.


    Pho tượng Cathedral Hand khiến phe ta tức cảnh mà gọi tên “Tay giữ không gian”, tay không khép nên tình yêu vuột mất?


    Dế Mèn ngồi ở vườn hoa ngó lên nóc nhà thờ mà nhớ chàng lưng gù Quasimodo. Dế Mèn tìm con gà xoay theo hướng gió và bỗng nhớ chuyện phim năm xưa, không nhớ gì về khúc phim cũ vì thủa ấy còn mút cà rem cây, được dắt đi xem ciné để làm kiểng, nhưng câu chuyện của cô bé Cibel (đúng tên?) vẫn còn lãng đãng trong trí nhớ. Ở miền đất nào dường như cũng có những chuyện tình Trương Chi? Tình yêu là quà tặng quý giá của tạo vật, sự rung động, say mê khiến tâm hồn con người thăng hoa dù mối tình kia vô vọng?

    Rồi Dế Mèn ra bờ sông đứng ngó… Bên bờ sông Seine ta thành tượng đá … Nước sông lặng lờ chảy xuôi, mặt nước run rẩy sau mỗi gợn gió. Paris bỗng dưng lạnh buốt! Khi cơn lạnh kia thấm qua mấy lần áo thì phe ta leo taxi về quán trọ, chiều cũng vừa rơi. Dế Mèn có hẹn đi ăn tối và cũng cần sửa soạn để ngày mai lên đường xuôi Nam.

    Hai tuần ở Paris khá dài và cũng quá ngắn, thời gian hình như co dãn theo nhịp đập của trái tim cần thở.



    Pho tượng đôi bàn tay khác: “Tay không nắm” nên không cầm được hơi ấm … Tay chơ vơ, nên nỗi nhớ mỏi mòn? “Tay chờ, tay đợi”


    Sáng thứ Hai phe ta ra ga xe lửa, theo tàu xuôi Nam đi Provence. Trong ánh nắng tươi hồng, ga Lyon mang vẻ cũ kỹ, già nua mệt mỏi. Sân ga la liệt hành lý, hành khách tay xách nách mang, dựa lưng vào những tấm biển quảng cáo vì không có chỗ ngồi. Bao nhiêu con tàu mà chỉ có vài hàng ghế đợi. Ôi chao, dưới mặt trời rực rỡ, ga Lyon một thời thơ mộng của nhà thơ trông ủ ê tàn tạ quá thể. Tối hôm nọ, Dế Mèn mò ra đây đi tìm đèn vàng, trong bóng tối mờ nhạt héo hắt, có nhiều thứ ta không thể nhìn thấy dù đã dùng cả đèn xe Honda của Tâm An. Lúc trở về chỉ thắc mắc thầm tiếc ánh đèn vàng hiu quạnh của đêm chia ly mà mình (sẽ?) không bao giờ được tâm cảm để thấm thía nỗi buồn của thi sĩ qua những bài thơ xa cũ; mấy chục năm sau người đọc thơ là Dế Mèn vẫn nghe man mác tiếng người năm xưa thở dài …

    Ngày rời Paris, lúc đứng chờ xe lửa Dế Mèn chụp mấy tấm hình, cả tấm hình mấy người đứng quay lưng tưới nước vào bức tường loang lổ. Bây giờ ngó lại không đành chút tình thơ nên phe ta giấu quách!

    Ðêm cuối ở Paris bầu trời đầy sao lấp lánh. Không biết đêm đầy sao của van Gogh có sáng thế này không?

    Paris, lần này Dế Mèn cũng đến rồi đi…

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X