Những Địa Danh Trên Đất Kampuchia 1971: SNOUL - CHUP - DAMBE
Cuộc Rút Quân Bi Dũng & Giải Vây Đồi 46 - Căn Cứ ALPHA (KRÊK)
Cuộc Rút Quân Bi Dũng & Giải Vây Đồi 46 - Căn Cứ ALPHA (KRÊK)
CUỘC RÚT QUÂN DAMBE BI DŨNG (KAMPUCHIA 1971)
Năm 1971 sau những cuộc hành quân Toàn Thắng của Quân Khu III do Trung Tướng Đỗ Cao Trí phát động, dự định đổ quân lên Kratié (một quận lỵ của nước Cambodia) để tiêu diệt Cục R, bản doanh đầu não của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đồng thời là căn cứ hậu cần của quân Cộng Sản xâm nhập vào miền Nam lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.
Nhưng không may, Trung Tướng Đỗ Cao Trí phải đền xong nợ nước vì lý do chiếc trực thăng chở ông bị nổ tung khi vừa mới cất cánh tại Tây Ninh, đến bây giờ cũng không ai biết đích xác về nguyên nhân gây ra tai nạn này. Trung Tướng Nguyễn Văn Minh được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ định thay thế người tiền nhiệm tài ba và đầy lòng yêu nước đó.
Trong cái thế chẳng đặng đừng, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh buộc lòng phải có quyết định.
Trung Tướng Minh có rất nhiều chọn lựa:
Chọn lựa dễ nhất là tiếp tục kế hoạch của Cố Đại Tướng Trí
Nghĩa là cho một Sư Đoàn cơ hữu của QĐ III trực thăng vận vào Katié, xong điều động Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III và hai Chiến Đoàn 5 và 333 BĐQ tấn công vào Katié. Xong theo Qquốc lộ 7 rút về Snoul đang có Chiến Đoàn 8 BB/SD5 BB đang nằm tại đó tiếp trợ.
Theo Đại Tá Trần Quang Khôi đây là một tuyệt tác phẩm của Đại Tướng Trí. Nó hay ở chỗ rất giản dị nhưng đầy tính sáng tạo tận dụng tối đa sức mạnh và tính di động nhanh của Lữ Đoàn 3 KB làm lực lượng xung kích. Tất cả các Tư Lệnh chiến đoàn đều hiểu cặn kẽ kế hoạch và đã thực hiện hoàn hảo kế hoạch trong giai đoạn đầu. Những Chiến Đoàn Trưởng chưa ai là tướng vậy thì Tướng Minh bắt buộc hiểu kế hoạch hành quân của Tướng Trí. Điều cần làm là Tướng Minh phải tới ngay trận địa, họp với những Chiến Đoàn Trưởng để hiểu tình hình địch, bạn và những nhu cầu cần thiết cho cuộc hành quân, để phát họa hoặc thay đổi kế hoạch (nếu muốn). Tướng Minh không làm thế. Gần 1 tuần lễ án binh bất động không họp hành, không lệnh lạc đã là nguyên nhân tạo ra những khó khăn sau nầy. Một tuần lễ chết người. Các đơn vị dậm chân tại chỗ. Một tuần lễ chờ đợi trong nổi lo âu tột cùng của các Chiến Đoàn Trưởng. Không lệnh lạc, không kế hoạch. Chỉ với thời gian đó Bộ Chỉ Huy Cộng Sản xâm lược (CS) phục hồi, tổ chức lại và điều động hai Công Trường 7 và 9 CS bao vây 3 Chiến Đoàn đang ngơ ngác lạc lõng.
Tướng Minh hoàn toàn im lặng. Cái im lặng đáng sợ. Im lặng vì tiến thoái lưỡng nan? Vì không hiểu kế hoạch? Vì nỗi sợ hãi hay vì mặc cảm thiếu khả năng? Dù là gì đi nữa một tuần lễ trôi qua đã là nguyên nhân cho bao điều bi đát. Cuối cùng Tướng Minh ra lệnh rút lui. Trong binh pháp hành quân rút lui hay danh từ thời đó gọi là di tản chiến thuật là một cuộc hành quân khó khăn nhất. Trong lịch sử lui quân của các quân đội trên thế giới rất ít cuộc lui quân thành công.
“Lui quân để bảo toàn lực lượng”
Lui binh vào lúc đã bị hai Công Trường và một trung đoàn đặc công CS bao vây thì kết quả đã thấy trước mắt là từ chết tới bị thương.
Đúng như thế khi ban lệnh lui binh ngày đầu tiên Tướng Minh cho rút Chiến Đoàn 5 Biệt Động Quân (CĐ5BĐQ) do Đại Tá Nguyễn Văn Đương chỉ huy từ Chlong về Bắc Dambe. CĐ5BĐQ bị chận đánh may nhờ Đại Tá Khôi cho Chiến đoàn 315 KB (CĐ315KB) do Trung Tá KB Nguyễn Văn Đồng chỉ huy tiếp cứu nên CĐ5BĐQ thoát hiểm về tới Dambe. Sau đó Quân CS bao vây CĐ5BĐQ và LLXKQĐIII cùng lúc phục binh đầy dẫy cắt đứt trục rút quân của QĐ III tại phía Nam Dambe và như thế CS đã tách rời chiến đoàn 333 BĐQ (CĐ333BĐQ) do Đại Tá Phạm Văn Phúc chỉ huy và LLXKQĐIII bằng chiến thuật bao vây chia cắt nên các đơn vị QĐIII đã không thể yểm trợ hỗ tương lẫn nhau.
Vài ngày sau Tướng Minh từ trực thăng điều động cuộc rút lui. Từ Bắc Dambe CĐ5BĐQ và LLXKQĐIII rút về Nam Dambe. Trong khi đó CĐ333BĐQ từ Nam Dambe làm lực lượng tiếp trợ các đơn vị triệt thoái. Vì không có lệnh của QĐIII cho nên khi CĐ5BDQ bị chặn đánh thì LLXKQĐIII không biết phải làm gì để tiếp cứu. Cuối cùng hai chiến đoàn 5 và 333 BĐQ bị tổn thất nặng nề mà không thoát ra được. Đành co cụm lại dùng đèn pin để tải thương.
Lệnh rút lần nữa. Nhưng lần nầy có 2 box B52 lúc 6:00 và 8:00 sáng. Sau đó rút ra theo đường xưa lối cũ và bị thiệt hại nặng nề mà vẫn không thoát ra được. Lần nầy Đại Tá Khôi đã phá bỏ nguyên tắc ban đêm cho M113 mở đèn bung đi tìm các thương binh tử sĩ BĐQ để tải thương suốt đêm. Tướng Minh điều động cuộc rút lui trên trực thăng bay thật cao chưa lần nào đáp xuống để tìm hiểu tình hình địch, bạn như thế nào. Điều quan trọng là Tướng Minh không biết điều động liên binh, hợp đồng binh chủng nói ngắn gọn là nhị thức BB/TG cho nên khi CĐ5BĐQ bị vây hãm mà không có lệnh lạc hay kế hoạch để LLXKQĐIII tiếp ứng.
Lần thứ ba kế hoạch cũng với hai Box B52 rồi các đơn vị được lệnh Tướng Minh rút ra như hai lần trước. Lần nầy Đại Tá Khôi đánh điện xin Tướng Minh trao toàn quyền cho Tướng Khôi điều động chỉ huy rút lui. Không còn cách nào khác Tướng Minh chấp thuận với ý nghĩ nếu thành công thì Tướng Minh hưởng, thất bại Đại Tá Khôi là vật tế thần. Đại Tá Khôi biết thế nhưng vì tính mạng binh sĩ và sự an nguy của các đơn vị ông can đảm nhận trách nhiệm.
Ông thay đổi cách tổ chức sáp nhập CĐ5BĐQ vào LLXKQĐIII. Sau 2 Box B52 chấm dứt lúc 8:00 sáng. Lập tức Đại Tá Khôi cho Chiến Đoàn 318 KB (CĐ318) do Trung Tá KB Thái Minh Sơn chỉ huy theo đường cũ thoát đi và CĐ333BĐQ dụ địch tại miếu thổ thần ở hướng Nam Dambe. Quân CS cứ tưởng như hai lần đầu nên tập trung tất cả hỏa lực pháo binh 130 ly, 122 ly, 107 ly quyết ngăn chận không cho đoàn quân QĐIII rút lui.
Ngay lập tức Đại Tá Khôi điều động Chi Đoàn 1/15 CX M41 mở đường mới về hướng Đông. Bằng tất cả sức mạnh và tốc độ tối đa mở một con đường máu xuyên rừng. Với quyết tâm và ý chí CĐ1/15 CX đã như con mãnh hổ gầm thét trong rừng không một sức mạnh nào cản nổi. Chiến Đoàn 315 KB mang BĐQ tùng thiết trên lưng theo sát. Khi CĐ315KB đã thoát đi thì CĐ318KB cũng mang BĐQ trên lưng quay đầu theo dấu xích của CĐ315KB bén gót. Đến 2:00 giờ trưa thì CĐ315KB đã tiếp cận với CĐ333BĐQ đang cầm chân CS tại miếu thổ thần. Đại Tá Khôi ra lệnh cho CĐ315KB tấn công vào quân CSBV. Hai bên đánh cận chiến dữ dội. Đại đội vận tải võ trang Hoa Kỳ yểm trợ thật hữu hiệu. Từng loạt hỏa tiễn đã đổ lên đầu quân CS xâm lược. Sau bao nhiêu ngày bị bao vây thiệt hại trầm trọng. Giờ đây các chiến sĩ thuộc LLXKQĐIII đã tác chiến dũng mãnh. Chỉ có mỗi con đường là phải chiến thắng để trở về quê hương trong vinh quang hay là tan hàng bỏ xác nơi xứ Miên. Thiết xa chỉ huy M113 của Đại Tá Khôi bị trúng đạn SKZ 75 nhưng ĐT Khôi vô sự tiếp tục chỉ huy cuộc chiến đấu. Đến 4:00 thì quân CS tan hàng bỏ chạy tán loạn trước hỏa lực hùng hậu của LLXKQĐIII.
Bắt tay với CĐ333BĐQ đang nằm tại phía Nam miếu thổ thần. Trước mắt không còn chướng ngại LLXKQĐIII và Chiến Đoàn 333 BĐQ đã rút về nước trong vinh quang bằng trận chiến đẩm máu. Mang theo tất cả chiến cụ cùng các thương binh tử sĩ. Chấm dứt ý đồ bao vây tiêu diệt LLQĐIII của 2 Công Trường 7 và 9 CS xâm lược.
Bây giờ thử bàn xem tại sao Tướng Minh thất bại trong việc điều động rút lui. Tướng Minh không hề đáp xuống chiến trường để họp cùng các chiến đoàn trưởng. Không nắm vững tình hình địch, bạn. Thiếu khả năng điều động hợp đồng binh chủng cho nên các chiến đoàn không hổ tương yểm trợ lẫn nhau. Và 1 tuần lễ chần chờ quá tai hại. Đặc biệt là kế hoạch rút lui không có NGHI BINH. Quá đơn giản như những bài học rút lui trong quân trường.
Tướng Minh chỉ có khả năng chỉ huy cấp Sư Đoàn (SĐ) mà SĐ ở Quân Đoàn IV nơi những trận chiến ít khi điều động cấp Sư Đoàn.
Tại sao Đại Tá Khôi lại thành công? Đại Tá Khôi đã biểu lộ một tinh thần trách nhiệm cùng sống chết với ba quân tướng sĩ. ĐT Khôi đã từ chối bước lên trực thăng của Đại Đội Vận Tải HK đế thoát ra khỏi mặt trận. Khi thiết xa M113 chỉ huy bị SKZ 75 ly bắn trúng. Đại Tá Khôi không hề sợ hãi để bỏ đoàn quân rút lui. Trái lại ông rất bình tĩnh ở lại chiến đấu cùng LLXKQĐIII. Đại Tá Khôi đã sáp nhập CĐ5BĐQ vào LLXKQĐIII dùng NGHI BINH cho CĐ318KB giả bộ rút quân đường cũ để thu hút hỏa lực của địch và CĐ333BĐQ nhử địch tại phía Nam để cầm chân toàn bộ 7 Trung Đoàn CS xâm lược. Cho CĐ315KB mang hết BĐQ trên lưng dùng tốc độ để xuyên thủng rừng mở đường máu tấn công dũng mãnh vào đơn vị CS đang chận bít đường về và bắt tay cùng CĐ333BĐQ. Kế hoạch hành quân rất đơn giản. Dùng Nghi Binh cầm chân quân địch để CĐ315KB thoát đi sau đó điều động nhị thức BB và TG để đánh tan 7 trung đoàn CS . Tướng Minh đã mắc phải sai lầm. Nếu Tướng Minh theo đúng kế hoạch của ĐT Trí là điều động SĐ18BB hay SĐ25BB trực thăng vận lên Kratié cùng lúc cho LLXKQĐIII và 2 CĐ 5 và 333 BĐQ từ Chlong đánh lên Kratié phối hợp cùng SĐ BB đã được trực thăng vận. Sau đó rút theo QL 7 về Snoul đang có Chiến Đoàn 8 BB đang chờ tiếp trợ. Còn nếu Tướng Minh muốn rút lui thì vẫn cho LLXKQĐIII và 2 CĐ 5 và 333 BĐQ tiến lên Kratié và rút về Snoul. Địch quân đã bị tán loạn trong giai đoạn 1 cho nên cuộc rút quân rất nhiều hy vọng thành công.
Nếu muốn rút lui theo đường của ông thì Tướng Minh phải đáp xuống mặt trận họp cùng các chiến đoàn trưởng nâng cao tinh thần của binh sĩ. Giao hẳn cho Đại Tá Khôi, người có nhiều kinh nghiệm về hợp đồng binh chủng, chỉ huy LLXKQĐIII và CĐ5BĐQ. Dùng nghi binh để rút lui và như thế đã tiết kiệm được xương máu của rất nhiều chiến sĩ phải bỏ mạng vì những sai lầm hết sức căn bản mà một Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn không được phép mắc phải !
Giải Vây Đồi 46: CĂN CỨ ALPHA (Krêk – Kampuchia)
Đồi 46 căn cứ Alpha hay còn gọi là ngọn đồi máu có lẽ vẫn còn ghi đậm trong tâm khảm của các chiến sĩ hai Liên Đoàn 3 và Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân, hay nói đúng hơn là với Tiểu đoàn 30 BĐQ dưới sự chỉ huy của Thiếu Tá Võ Mộng Thúy, và tiểu đoàn 52 BĐQ dưới sự chỉ huy của Thiếu Tá Lê Quý Dậu.
Đồi 46 nằm cách ngã ba Krêk khoảng hơn 3 cây số về hướng đồn điền cao su Mimôt, trên lãnh thổ Kampuchia, vùng này do Sư đoàn 25 Bộ Binh chịu trách nhiệm. Từ sau trận chiến tại thung lũng Dambe, gần bờ sông Mêkông thuộc tỉnh Kampongcham, giữa hai Liên Đoàn 3 và 5 BĐQ, cùng với Lữ đoàn 3 Kỵ binh tử chiến với 3 công trường trừ 5, 7, 9 của quân CS vào những tháng 3 và 4 năm 1971. Sau khi rút ra từ Dambe, hai Liên đoàn 3 và 5 BĐQ được tăng cường cho Sư Đoàn 25 BB, Liên đoàn 3 trải quân dọc theo QL7 về hướng Kampongcham, từ căn cứ Lò than đến căn cứ Anh Đào. Liên đoàn 5 trải dọc từ ngã 3 Krêk về đồn điền Mimôt. Tiểu đoàn 30 BĐQ trấn giữ căn cứ Alpha nằm trên ngọn đồi 46 vị trí cuối cùng về phía đông của Liên đoàn 5.
Vào tháng 8/71, một trung đoàn thuộc công trường 7 CS được tăng cường tiểu đoàn 429 đặc công, bao vây tấn công căn cứ Alpha. Vòng vây thu hẹp dần, sau hơn một tháng bị địch bao vây thắt chặt, hai đại đội của TĐ30 hoạt động bên ngoài căn cứ đã dần dần phải rút vào bên trong.
Trước tình hình nghiêm trọng, chi đoàn 2/18 Sao Bắc Đẩu do Trung úy Phi Điểu là Chi đoàn trưởng và Đại đội 3/52BĐQ do Trung úy Nguyễn Ngọc Tỉnh (K23TĐ) là Đại đội trưởng, được lệnh vào tăng cường hoạt động vòng ngoài, để giải tỏa áp lực đang đè nặng lên căn cứ Alpha.
Trước quân số quá đông và hỏa lực quá mạnh của các loại vũ khí nặng như 57 ly không giật, các loại chống chiến xa như B40, B41, khiến lực lượng tăng cường xoay sở chống đỡ rất khó khăn và di chuyển liên tục. Nhiều dàn phòng không 12ly7 đặt dọc theo bìa rừng cao su cách QL7 hơn năm trăm mét, khiến cho vấn đề tiếp tế và tải thương vô cùng khó khăn.
Sau hơn 3 ngày quần thảo, chi đoàn 2/18 và đại đội 3/52 đã phải triệt thoái ban đêm, trên đường rút lui chiếc xe M113 chỉ huy, cán trúng một trái bom chưa nồ khiến nó nổ tung, Trung úy Phi Điểu và một số binh sĩ hy sinh, đại đội 3/52 cũng thiệt hại nặng, gần 10 tử thương và một số bị thương, nhưng tất cả đều được mang ra khỏi trận địa.
Hai ngày sau, một cuộc hành quân giải tỏa căn cứ Alpha được thi hành với sự tham dự của 3 đại đội còn lại của TĐ52 BĐQ và Thiết Đoàn 18 Kỵ Binh. Chỉ huy cuộc hành quân là Thiếu tá Lộc,Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 18, Thiếu tá Lê Quý Dậu, Tiểu đoàn trưởng TĐ52 BĐQ là phụ tá.
Đây là một cuộc hành quân tấn công đúng nghĩa, một sự phát huy hiệu quả nhất, toàn hảo nhất của nhị thức Bộ Binh – Thiết Giáp.
Sáng sớm ngày N, lực lượng hành quân xuất phát lúc 5 giờ sáng, di chuyển đến ngã ba Krêk thì bắt đầu khai triển đội hình thành ba mũi tiến quân:
a. Mũi thứ nhất, bên cánh trái, là Chi đoàn 1/18 chiến xa với Đại đội 4/52 tùng thiết dưới sự chỉ huy của Đại úy Trương Thanh Minh, BĐQ đi dọc theo QL7 cách chừng hơn 300 thước.
b. Mũi thứ hai, đi giữa, gồm Chi đoàn 3/18 với Đại đội 1/52 do Trung úy Lê Văn Hiếu (K25TĐ) làm Đại đội trưởng, mũi này đươc chỉ huy bởi đại úy Đức (Đức Hòa) Chi đoàn trưởng Chi đoàn 3/18.
c. Mũi thứ ba, đi bên cánh phải, là Chi đoàn 2/18 với Đại đội 2/52 do Trung úy Lộc (K19TĐ) là Đại đội Trưởng, mũi này đươc chỉ huy bởi Thiếu Tá Hồng Khắc Trân (K19ĐL) Tiểu đoàn Phó TĐ52BĐQ.
Trung đội 3 của Thượng sĩ Diệu đi cùng Chi đội của Thiếu úy Nhiều khóa 6/68. Người sĩ quan Thiết giáp gan dạ và phản ứng rất nhanh, đồng thời người tài xế cũng không kém.
Khi rời tuyến xuất phát, ba cánh quân tiến song song, khoảng một giờ sau thì chỉ còn cách căn cứ Alpha, do Tiểu đoàn 30 BĐQ trấn giữ khoảng ngót cây số, mũi thứ ba bên cánh phải chuyển hướng bọc xuống phía Nam của căn cứ, mũi thứ nhất và thứ hai chúng tôi ép trái về hướng đông bắc, để tiến về phía bắc căn cứ. Khi đến ngang căn cứ, cả hai cánh quân dàn hàng ngang để tiến về khu rừng cao su ở hướng Bắc khoảng cách chừng 800 thước. Khoảng cách thu hẹp dần, 700 rồi 600, rồi bất thình lình ngay trước đầu xe khoảng cách không đầy 50 thước, cộng quân đồng loạt nổ súng trên một trận tuyến hàng ngang đối diện với lực lượng VNCH.
Những cây B40 thi nhau gởi những “trái bắp chuối” cùng các loại vũ khí cá nhân nổ chát chúa. Xe Trung úy Lê Văn Hiếu bị trúng đạn bốc cháy. Mấy thầy trò ông văng ra khỏi xe, người tài xế tuy tử thương nhưng chiếc xe vẫn lao về phía trước mang theo viên Thiếu úy Chi đội Trưởng và Hạ sĩ Xuân BĐQ. Chiếc xe chỉ chịu dừng lại khi nó đụng vào môt gốc cao su và bốc cháy.
Cùng lúc đó một trái B40 vọt qua đầu , địch chỉ cách đầu xe không đầy 30 mét. Th/u Nhiều đã dùng gót giầy ấn vào gáy người tài xế. Nhận được mật hiệu, người tài xế nhấn ga cho chiếc xe chồm lên lao thẳng vào phòng tuyến đối phương, rồi bằng một động tác thật điêu luyện, anh kéo cái cần lái bên trái cho chiếc xe quay ngang để lọt lằn xích bên phải xuống dãy giao thông hào. Chiếc xe nghiêng sang bên phải, làm ba binh sĩ rơi vào trong thùng xe, một người văng xuống đất ngay trên phòng tuyến của cộng quân , nhưng anh đã nhanh chân chạy về phía sau. Còn tôi nhờ ngồi chung với anh xạ thủ cây 50, nên bám lại được. Chiếc xe chạy tới rồi lại chạy lui, day qua nghiến lại, những tiếng hét thất thanh chỉ vừa lọt qua miệng đã ngưng vì đã bị xích sắt nghiền nát. Chiếc xe rú lên chạy về phía trước mấy thước nữa rồi vọt lên khỏi giao thông hào trở về với đội hình hàng ngang của Chi đoàn, cũng phải ít nhất năm bảy tên bị “sinh Bắc tử Nam”.
Sự việc diễn ra chớp nhoáng, các trung đội bố trí hàng ngang xen kẽ với Thiết giáp. Chạy về phía Tr/úy Lê văn Hiếu, thấy ông may mắn chỉ bị tức.
Đại úy Đức, yêu cầu cho tác xạ yểm trợ tối đa để chúng không dám ngóc đầu lên. Anh em BĐQ bò dưới hỏa lực tiếp cận chúng để thanh toán chúng bằng lựu đạn, khi trái khói vàng ném ra thì hỏa lực thiết giáp sẽ chuyển hướng tác xạ để BĐQ xung phong chiếm mục tiêu , phòng tuyến địch, chỉ có giao thông hào chữ chi và hầm ếch.
Sau khi lệnh được truyền ra đến từng xa đội, cũng như đến các trung đội, mọi binh sĩ đều sẵn sàng, Đại úy Đức ra hiệu lệnh tấn công. Những cây đại liên 50 nổ… kình… kình… kình… xen lẫn với tiếng đại liên 30 cạch... cạch... cạch… nổ phía sau lưng nghe thật chát chúa.
3 Trung đội căng hàng ngang bò lên, khi khoảng cách còn không đầy 15 mét, những tiếng ầm ầm của hết loạt lựu đạn này đến loạt lựu đạn khác được ném ra lọt xuống giao thông hào. Xen lẫn với những tiếng thét thất thanh, một vài tên sống sót bỏ phòng tuyến vùng chạy, nhưng lập tức bị đốn ngã bởi lưới đạn dầy đặc. Một trái khói ném về phía trước và lệnh xung phong khi hỏa lực thiết giáp chuyển hướng.
Những tiếng hô “Biệt Động Sát! Biệt Động Sát! Biệt Động Sát!,” vọng sâu vào trong rừng cao su rồi dội lại, đang cùng Đại đội lao mình về phía trước vừa xung phong vừa bắn xối xả để cướp tinh thần địch. Vượt khỏi dẫy giao thông hào hơn 30 mét… lệnh ngừng lại bố trí và các tổ khinh binh quay ngược lại lục soát mục tiêu.
Kết quả trận đánh thật không ngờ, 52 cán binh CS phơi xác tại trận, bắt sống 1, gần 40 cây súng gồm B40 và AK bị tịch thu.
QLVNCH cháy một xe M113, phía Thiết giáp 1 Th/u và 1 tài xế hy sinh, phía BĐQ Hạ sĩ Xuân tử thương trong xe, ngoài ra gần chục binh sĩ bị thương nhẹ.
Mũi thứ nhất do Chi đoàn chiến xa và Đại đội 4/52 cũng chạm địch, kết quả 14 cộng quân bỏ xác tại trận, bên ta bị thiệt hại nhẹ, trong số anh em bị thương có Đại úy Trương Thanh Minh, Đại đội Trưởng đại đội 4/52.
Mũi thứ ba ghi nhận không có chạm địch. Theo khai thác sơ khởi từ tên tù binh do đại đội bắt được, thì sau hơn một tháng bao vây tấn công, nhằm tiêu diệt Tiểu đoàn 30 Biệt Động Quân, nhưng không thành công, nên chúng đã ra lệnh rút. Đại đơn vị của chúng đã rời trận địa đêm qua và hai đại đội còn lại sẽ rút vào đêm nay, nhưng không may cho chúng đã bị tấn công ngày hôm nay nên trọn một đại đội của chúng đã phải đền tội.
Đây cũng quả là điều may mắn, vì nếu đại đơn vị của chúng còn bám quanh trận địa, thì chắc trận chiến cũng chẳng dễ dàng.
Tuy nhiên nếu gặp lại đoàn 429 đặc công thì cũng là điều kỳ thú, vì giữa TĐ52BĐQ và đoàn 429 đặc công của chúng có rất nhiều duyên nợ, từ chiến trường nội địa sang đến ngoại biên, mới tháng 7/70 chúng đã dùng 3 mũi đặc công để tấn công TĐ52BĐQ , nhưng với kinh nghiệm chống đặc công , nên ngót 30 tên không tên nào chạy thoát, báo hại đơn vị trợ chiến của chúng nằm chờ ở ngoài đợi lệnh để vào ăn có đã lãnh đạn pháo u đầu sứt trán, phải rút lui.
Buổi chiều, sau khi đóng quân xong, hai y tá tháp tùng xe Thiết Giáp quay lại nơi chiếc xe đang còn âm ỉ cháy, để thu hồi xác những anh em hy sinh. Hạ Sĩ Xuân vào hai lớp poncho, giao cho một tân binh vừa mới về đơn vị cũng tên Xuân, để sáng mai cho theo chuyến trực thăng về Tổng Y Viện Cộng Hòa.
Trên bãi chiến trường vẫn còn vương mùi khói súng...
onnguonsuviet.com