Thông báo

Collapse
No announcement yet.

HQ-403 Ninh Giang: Hồi Ký 30 Tháng Tư Đen

Collapse
X

HQ-403 Ninh Giang: Hồi Ký 30 Tháng Tư Đen

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • HQ-403 Ninh Giang: Hồi Ký 30 Tháng Tư Đen

    HQ-403 Ninh Giang: Hồi Ký 30 Tháng Tư Đen

    Thủy Thủ Già Nguyễn Thành Danh, Hạm Trưởng cuối cùng HQ 403



    Posted on March 19, 2023 by dongsongcu

    Thủy Thủ Già Nguyễn Thành Danh
    (Hạm Trưởng cuối cùng HQ 403)


    Ghi chú: Được tự do trích đăng và phổ biến rộng rãi trên báo chí & các diễn đàn điện tử – Cám ơn.
    Vui lòng cho biết những sai sót để chúng tôi tu chỉnh. Email liên lạc với tác giả:
    Email: ngudanh2844@yahoo.com

    Lời Nói Đầu: Giòng Xưa Bến Cũ hân hạnh nhận được hồi ký rất chi tiết và xúc động về những ngày cuối trên Biển Đông của Hải Vận Hạm Ninh Giang HQ 403 HQ/VNCH do chính Hạm Trưởng Nguyễn Thành Danh kể lại mới đây. Sau khi liên lạc, vì tuyệt đối tôn trọng ý muốn, quyền tự do ngôn luận và trách nhiệm của tác giả, chúng tôi giữ đúng nguyên văn từng chữ từng câu cũng như nội dung và bố cục của bài viết. Riêng về kỹ thuật trình bày trên mạng Web, chúng tôi chỉ kèm thêm một số hình ảnh để quí độc giả dễ theo dõi và đã được Hạm Trường Danh đồng ý trước khi phổ biến. Thành thật cám ơn.
    Cũng ngày này, bốn mươi bảy năm trước tôi đang cùng đoàn chiến hạm của HQVNCH tiến dần đến đảo Côn Sơn với thuỷ thủ đoàn thì ít mà với các anh em quân nhân cùng gia đình thân nhân. Hôm nay ngồi đây viết lại những gì đã trãi qua kể từ tháng Ba năm một chín bảy lăm cho tới ngày cùng nhau ra khơi và được gọi tên là “Chuyến Hải Hành Cuối Cùng”.

    THÁNG TƯ ĐEN



    Hằng năm cứ đến tháng tư là gần như mọi người ViệtNam đang lấy xứ sở xa lạ để đón nhận là quê hương của mình, là quê hương thứ hai đó, đang thổn thức, đang quay về nguồn, đang hờn căm, đang nguyền rủa và đang tức tưởi. Mọi người đều không nói mà tên của tháng tư như dính chặt vào ba chữ “Tháng Tư Đen”, nhưng riêng tôi thì đó là tháng Đẫm Máu, tháng chia ly chia lìa, tháng mất người thân thương đau đớn tâm hồn thể xác đày đọa. Có lúc có người nói rằng “Mất Nước”, mất Sài gòn, mất Huế, mất Nha trang, nhưng thưa không, Nước Việt ta vẫn còn đó, không chìm không mất đi đâu cả. Sài Gòn bị đổi tên nhưng cũng không có một cái tên gọi nào khác thay cho hai chữ Sài Gòn, và như chúng ta đều thấy đó,”hữu xạ tự nhiên hương”, Sài Gòn đã trở về trên môi mọi người.
    Và như đã viết ở trên, với tôi đó là tháng đẫm máu, KHỞI ĐẦU là kể từ ngày hai mươi bốn tháng ba năm một chín bảy lăm.



    Hải Hành Hành Quân Di Tản.

    Trước đó, ngày 24 tháng 3 năm 1975, tôi còn nhận lệnh đi công tác Đà Nẵng. Nhận lệnh đi nhưng không hỏi lý do. Mười giờ đêm rời cầu tàu. Trên sông Sài gòn, ra sông Lòng Tảo, ra cửa biển, bọc vòng qua Vũng Tàu và thẳng hướng Bắc. Chưa biết tình hình nghiêm trọng là gì hết.
    Đến khoảng 1 giờ rưỡi sáng, tay lái điện của tàu bị hỏng và phải cố gắng vận chuyển vào ủi đỡ ở “Les Quatre Bras”, khoảng một tiếng đồng hồ sau anh em cơ khí cùng điện khí đã cố gắng và tàu lại tiếp tục chuyến hải hành về hướng Bắc.
    Đến Đà Nẵng, tôi chỉ báo cáo cho Soái Hạm và tôi không được lệnh vào cập cầu tàu, mà dù có vào được cũng không có cách nào cập bất cứ khoảng trống nào của cầu tàu. Vì vừa vào cửa Sông Hàn là đã thấy một cảnh tượng hãi hùng trên cầu tàu của Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải. Chúng tôi không vào gần hơn được để quan sát. Chúng tôi thấy gì? Không thấy người, không thấy cảnh vật như thường thấy mọi khi trước khi mỗi lần ra công tác ở Vùng 1 Duyên Hải, mà chỉ thấy được MỘT RỪNG TÓC ĐEN, từ trên tàu chúng tôi chỉ thấy có vậy mặc dù dùng ống dòm (binocular), tôi lạnh cả xương sống. Qúa đông người lo tháo chạy bỏ hết bỏ hết có gì làm lại sau.
    Tôi vẫn tới lui vùng này (Vùng 1 Duyên hải) và chờ lệnh, và rồi lệnh tới. Vào cho được bãi Tiên Sa để cứu Dân Quân. (Một bãi biển đẹp của Đà Nẵng)



    Từ từ tôi xem lại hải đồ và thấy rằng bãi Tiên Sa là một bãi “lài” (nghĩa là từ bãi biển ra cho tới ngoài chỉ một bãi xuống thấp dần dần không có một ngấn xuống sâu như các bãi biển thông thường khác và đây là điều hiếm khi cho một chiến hạm phải ủi vào bãi). Với lại HQ 403 mới trục vớt lại từ Hòn Bảy Miếu, hầm chứa nước (để xả khi chiến hạm uỉ bãi xong mà bị nước ròng thì xả nước trong hầm này ra để chiến hạm nổi lên và dễ rút ra khỏi bãi) đã bị hàn kín mít (vì lý do tai nạn). Vậy mà cầm lòng không đậu vì bao nhiêu là đàn bà, trẻ con và quân nhân đang mong mỏi chiến hạm uỉ vào để “vớt” cứu họ lên hạm, tôi chặc lưỡi và thầm nghĩ “thôi thì cứ vào rồi tính sau” và tôi cho chiến hạm ủi bãi sau khi chuẩn bị neo lái, chuẩn bị cửa đổ bộ. Taù từ từ tiến vào bãi chỉ với cái trớn chứ không chạy máy, vậy mà đã nghe tiếng ” sạt sạt” của lườn chiến hạm chạm cát rồi, dĩ nhiên tàu ngừng, (neo lái đã thả trưóc đó không nhớ bao nhiêu thước). Phòng máy lo cho mở cửa đổ bộ và hạ cửa “ramp”, dân quân vui mừng khôn xiết. Trung úy Nguyễn Hữu Từ và Trung úy Hạnh đặc trách lo cho người lên đứng ngay tại mép cửa đổ bộ. Phần phụ là hai bên hông chiến hạm đã thả (4 hay 6) thang giây cho dân quân leo lên, trên tàu mỗi thang giây đều có nhân viên đứng chờ sẵn để giúp họ và cũng tịch thu súng đạn của quân nhân phòng khi có biến. Phía cửa đổ bộ hai Trung úy tận tâm sốt sắng giúp người leo lên nhất là đàn bà và trẻ em. Đàn ông thì dễ dàng hơn.
    Tôi nhìn họ từ đài chỉ huy mà nước mắt cứ chảy không cầm được. Đã vậy trên bờ bãi có hai chiếc xe 10 bánh chạy tuôn tràn xuống bất kể đoàn người đang chạy bộ, lội bộ lật đật cho kịp. Tôi thấy vì muốn sống mà không cần biết đồng bào khác có cả trẻ con cũng đang lật đật vừa chạy vừa khóc la. Chỉ có cách ngăn cản họ là cầm súng bắn ngay đầu máy xe thì mới ngừng họ được, và tôi đích thân đã làm như thế.
    (Sau này Trung úy Từ có kể lại một chuyện hy sinh rất đau lòng: hai chị em và một bé – không nhớ bao nhiêu tháng vì còn bồng trên tay dùng thuyền thúng đến cửa đổ bộ, Trung úy Từ đã gíup người em bước lên, rồi người chị trao đứa nhỏ cho người em xong, chị đẩy chiếc thuyền thúng và nói vói theo: “Em lo cho cháu dùm chị”. – Trung úy Từ chỉnh lại nếu tôi nhớ sai – cám ơn. Hy sinh và ở lại có lẽ để chờ chồng?
    Chỉ khỏang 30 tới 45 phút, lòng chiến hạm đã chật ních người.
    Giờ phút này tôi ái ngại và lo lắng vô cùng.
    Ái ngại và lo lắng vô cùng vì chiến hạm đã khá đầy người mà trên bờ có tiếng súng cũng như có đạn rơi lẻ tẻ trên boong tàu. Không nghĩ là của họ cũng không nghĩ là của anh em chiến sĩ bên này.
    Đã đến lúc tôi phải rời bãi ủi, vì càng chờ cho ngươì lên thì có lẽ càng nguy hiểm vì trời cũng bắt đầu nhá nhem.
    Tôi cho gọi sĩ quan cơ khí lên đài chỉ huy để nói chuyện về cách kéo neo cùng cách cho máy chạy như thế nào, và biết rằng không làm cách nào để ngăn ngừa được người chết vì chân vịt. Tôi đã dùng loa tay kêu gọi những người đang còn bơi sau lái tàu và xung quanh lẫn đàng trước mũi tàu: “Xin mọi người hãy tránh xa chiến hạm, càng xa càng tốt, tôi sẽ vào lần nữa để qúy vị có thể có may mắn ra đi”. Nhưng không một ai nghe, cho dù có nghe rõ cũng không ai tuân thủ, chỉ muốn đạt được cái may mắn ra đi.
    Bây giờ phải làm sao? Có ai trả lời được ngoài tôi? Thôi thì vì chiến tranh không chết vì đạn thù mà chết vì cố gắng tìm tự do ở một bến bờ nào đó!

    19 tháng năm năm hai không hai mươi hai

    Sau khi lệnh kéo neo được ban ra, sân sau của chiến hạm, sĩ quan cùng nhân viên không ai dám cho máy kéo neo khởi động chỉ vì đông người còn bơi qua lại phía sau lái chiến hạm, tôi cũng biết vậy nhưng đành nói vào máy là cứ cho khởi động và khi xích neo nhúc nhích thì họ sẽ hiểu và tránh xa.
    Neo được kéo thì chiến hạm sẽ được lùi ra khỏi bãi không cần dùng máy, NHƯNG chiến hạm không nhúc nhích, lườn tàu nằm trên cát rồi. Thôi thì đành thấy người bỏ mạng vì chân vịt vậy.
    Hạm trưởng một máy liên lạc, sĩ quan Cơ khí trưởng một máy liên lạc. Một người trên đài chỉ huy, một người dưới hầm máy. Lệnh ra “hai máy lùi một”. Cơ khí trưởng đã biết khi khởi động hai máy lùi một thì kéo cần trả lại về “hai máy ngưng” tức thì. Và cũng đã nhắc mấy sĩ quan cùng đoàn viên đừng báo cáo sự việc có người bị nhận xuống nước và nước biển đã đổi màu, chỉ cần cho biết có cát khi chân vịt quậy lên. Tôi không dám nhìn ra phía lái chiến hạm, chỉ nhìn chăm chăm về phía trước (tức là nhìn vào bờ). Sau ba lần như vậy, tôi thấy được cột cờ nhỏ phía trước mũi chiến hạm xoay hướng có nghĩa là chiến hạm đang được thoát từ từ. Thế là xong, hai bàn tay tôi đang ướt đẫm mồ hôi vụt khô liền lúc đó. Cám ơn ơn trên đã cho tôi rút chiến hạm ra được.



    Dùng kỹ thuật lái tàu để vận chuyển HQ 403 ra khỏi bãi, như “tay lái hết bên tả”, “máy tả ngưng”, “máy hữu tiến một”, “tay lái số không”, “máy hữu ngưng”, “tay lái mười lăm độ bên phải”,v.v.. để đưa chiến hạm đi thẳng ra khơi. Lệnh liên tục và nhân viên phòng lái phải nhanh. (Trong lúc bối rối tôi xin lệnh cho một chiến hạm khác đến để kéo chiến hạm tôi ra, NHƯNG không ai muốn bị mắc cạn vì chiến hạm khác đều có lườn nhọn. Biết thân phận mình nên đã tự lo cho xong).
    Chạy tới lui sau khi báo cáo “action completed”, người người đầy chiến hạm có vẻ vui mừng nhưng thật sự nỗi lo âu hiện rõ trên từng khuôn mặt, anh em quân nhân cũng như đồng bào. Biết mọi người đói khát nhưng hạm trưởng này không giải quyết gì hơn được. Tôi cũng là người mà, “bốc” họ lên được trên chiến hạm của mình, nhưng vợ con của tôi ở Sài Gòn không liên lạc được chẳng biết ra sao?! Tưởng đâu sẽ đưa những người này về Vũng Tàu hay đâu đó thì mình nhờ nhân viên thân tín chạy về nhà lo dùm gia đình họ cũng như gia đình mình. Nhưng có được vậy đâu. Vài tiếng đồng hồ sau thì lệnh cho chuyển sang chiếc lớn hơn (hình như HQ 500), đành phải làm vậy, thấy họ sung sướng vì được lên chiến hạm lớn hơn và nhiều hy vọng về Sài Gòn. Tôi hoàn toàn không biết.
    (HQ 500 lớn và dài hơn HQ 403. HQ 500 dài 328 feets chở khoảng 20 xe tanks. HQ 403 dài 203.6 feets (chừng 62 mét). Vận tốc hồi mới:13 knots/giờ hoặc 15 MPH hoặc 24 km/giờ.Hỏa lực không là bao nhiêu cả) Xin vào hỏi ” ông Google”LST và LSM )

    *****************
    Sau đó không lâu, lệnh chuyển tới: “Danh chờ đó sẽ có tiểu đĩnh đưa Tướng Trưởng và một cố vấn ra và ông đưa Tướng Trưởng về Sài Gòn gấp để gặp Tổng thống.” Tôi vâng vâng dạ dạ một hồi khi Tư Lệnh Hạm Đội là Hải Quân Đại tá Nguyễn Xuân Sơn vừa dứt lời thì tôi thưa ngay: “Tư Lệnh ơi, chữ gấp ở đây là không được rồi, làm sao HQ 403 chạy được gấp, phải 3 ngày mới về tới nơi, Tư Lệnh nhờ Mỹ dùng trực thăng đưa ông Tướng đi”. Tư Lệnh Hạm Đội bảo: “Cảm ơn già, tui lu bu quá nên nhớ trước quên sau”. Đại Tá Sơn người Nam nên hay dùng danh từ “già”.

    *****************
    Sau đó tôi lại lang thang trên biển, gặp ghe dân nào thì vớt ghe đó. Thật tội nghiệp, họ thấy chiếc tàu to bự họ mừng lắm. Thang dây hai bên hông chiến hạm lúc nào cũng ở đó để chờ, tôi ngừng để chờ, và còn xoay chiến hạm về hướng cưỡi sóng để cho họ dễ bám thang hơn. Cửa sông Hàn là nơi lúc nào cũng có sóng ngang, mà ghe cặp vào thì chỉ có bị dập vào thành tàu nguy hiểm.
    Lệnh lại tới cho tôi có công tác cho bớt sự nhìn người hốt hoảng chạy mà không biết chạy đi đâu. “Già ở đó chờ, tàu nhỏ sẽ đưa Chuẩn Tướng Tất đến và đưa Chuẩn Tướng về Cam Ranh”. Tôi có hỏi lại “Thưa Tư Lệnh, là Chuẩn Tướng Tất”. Mới đặc cách đó, nhớ chớ có chào Chuẩn Tướng đó nghe. Tới giờ này cũng không biết họ của Ông. (mới hỏi anh Như Trần – là Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất)
    Không biết khi nào Chuẩn tướng mới ra tàu nên tôi dặn sĩ quan và nhân viên đi phiên (xem chú thích phiá dưới) là tôi phải xuống phòng tắm rửa nghỉ ngơi một chút, Chuẩn tướng đến nhớ gọi tôi. (48 tiếng đồng hồ tôi ăn uống cà phê trên đài chỉ huy. Mỗi lần lên đài chỉ huy, xuống lại phòng là leo ba cầu thang gần như thẳng đứng, mỗi cầu thang có 12 bậc). Tự nhiên cảm thấy sốt ruột, tôi ra khỏi phòng tắm và nhanh nhẹn mặc bộ quân phục để lên đài chỉ huy trở lại. Bộ quân phục đã có sẵn cấp bực và phù hiệu hạm trưởng nhưng tôi không đội mũ (không cần thiết vì đang ở và làm việc trên chiến hạm của mình). Leo lên gần hết bực thang cuối cùng thì thoáng thấy Chuẩn tướng Tất đang ngồi đó, tôi cảm thấy khó chịu vì không ai chạy xuống báo cho tôi rằng Chuẩn tướng đã đến. Dĩ nhiên tôi đến chào và xin lỗi. Ông bước xuống khỏi ghế và nói: “Tôi trao trả cái ghế lại cho anh “.

    Chú thích: Đi Phiên: Đoàn viên trên chiến hạm được chia làm 3 chi đội, mỗi chi đội có trách nhiệm cho một phiên. Một phiên có thể trách nhiệm cho một phiên 4 tiếng đồng hồ và một phiên đặc biệt chỉ có 2 tiếng.(Tôi có thể sai vì lâu qúa trí nhớ mòn mỏi rồi).

    Tôi lật đật mời ông ngồi lại trên ghế đó – ghế của Hạm Trưởng – và ông sang ghế dành cho Hạm Phó. Ông nói tôi không biết mà cũng chẳng ai giải thích cho đến lúc anh lên, chú em này giỏi – ông chỉ vào một anh Hạ sĩ – đã đến chào tôi đúng cách và mời tôi sang ghế này (ghế Hạm phó). Rồi Chuẩn tướng bắt đầu hỏi chuyện “quan liêu” của Hải Quân. Ông nói tôi nghe rất nhiều về bên Hải Quân nhưng chưa từng được biết, hôm nay thấy rồi đó. Vậy chứ Tư Lệnh Hải Quân xuống tàu thì sao? Thưa Chuẩn tướng vì đây là tục lệ của Hải Quân mà Tư Lệnh Hải Quân thì dĩ nhiên biết rồi nên không có vấn đề. Ông hỏi tiếp: “Về vấn đề ăn uống thì sao”? “Thưa Chuẩn tướng: thức ăn thì rất tầm thường nhưng phải có hai người “hầu” đứng hai bên, một lo cho hạm trưởng và một lo cho sĩ quan. Tất cả sĩ quan ( ngoại trừ sĩ quan đang đi phiên) đều phải ngồi vào bàn ăn chờ hạm trưởng, khi hạm trưởng vào phòng ăn các sĩ quan đứng lên, hạm trưởng mời ngồi mới được ngồi. Một sĩ quan kém thâm niên nhất phải đứng lên đọc thực đơn “Thưa HT và quý vị sĩ quan, thức ăn hôm nay gồm có… Và xin mời…”. Chuẩn tướng hỏi: “Lúc nào cũng vậy sao”? “Dạ cả tuần nay bận biụ quá nên sao cũng được”. Ông cười và nói: “Thật là quan liêu, chúng tôi ngủ bờ ngủ bụi, ăn theo tiếng súng nổ…” Tôi đành cười theo và chỉ nói được: “Dạ tập tục là vậy”. Rồi sau đó nói lan man đủ chuyện mà không đề cập đến chuyện ông đến Cam Ranh làm chi.
    Chiến hạm chạy rì rì đến khi tới Cam Ram thì quý quan đang họp, tôi mệt quá nên ra lệnh không kịp và đã đụng vào soái hạm hơi mạnh. Úi chao ơi, mấy ông Đại Tá đều chạy ra hỏi và tôi đang đứng trên đài chỉ huy đưa tay chào xong chạy xuống lo cho Chuẩn tướng sang tàu, mặc dầu hai chiến hạm cặp vào khá sát nhau nhưng vẫn phải chờ nhân viên bắc một cầu gỗ bề ngang chừng 5 tấc có tay vịn, gọi là Hạm Kiều, vì nhỡ đâu khi đặt chân từ chiến hạm này qua chiến kia, tàu dời ra rồi dập vào thì sao. Đúng ra khi bước chân lên hạm kiêù, mặt phải quay lại về hướng lái tàu và chào lá quốc kỳ và nếu là khách quan trọng thì hạm trưởng phải chào lại. Phần khác thì thuỷ thủ đứng gác hạm kiều sẽ chào lại. Khi Chuẩn tướng bước sang soái hạm thì chỉ có tôi chào tiễn đưa thôi. (Đại tá Tư Lệnh Hạm Đội hỏi: “Mệt lắm hả Danh?” nghe sao mà thấy hết mệt luôn!!

    Thứ bảy ngày 29 tháng ba năm 1975 coi như Đà Nẵng bỏ ngỏ, tôi không dùng chữ “MẤT”, Vì Đà Nẵng vẫn đó chỉ là không còn chim đầu đàn. Ông Tướng vùng I phải đi gặp Tổng Thống, ông Tỉnh trưởng cũng không có đó, trời ơi, tôi nghĩ bên trong chắc hỗn loạn vô bờ.

    Tháng sáu ngày bảy năm 2022

    Tôi ngồi đây moi lại trong ký ức những gì còn nhớ được, biết rằng có thiếu sót nhưng vẫn còn hơn giữ trong tâm để làm cái gì?
    Thế rồi tôi rời soái hạm để đi về hướng Bắc.
    Chiến hạm ra khỏi vịnh Cam Ranh, tôi vòng qua vịnh Nha Trang nơi Hòn Lớn để hy vọng anh chị và mấy cháu của tôi có chạy ra chạy vào Hòn Lớn thì mình cũng cấp cứu được, nhưng tuyệt nhiên. Tôi cũng có chận một số ghe đánh cá và hỏi họ chạy đi đâu vậy? Họ trả lời chạy về CỒN để chở gia đình. Thật thảm thương!! Một vài người bạn gọi máy cho tôi bảo: “Đừng vào Cầu Đá nghe, một chiếc giống chiếc của ông đang nghiêng ngay tại Cầu Đá đây này”. Họ nói dân quân tràn xuống tàu bất kể ra sao nên tàu bị nghiêng. Thôi thì tôi đi. Có con làm hạm trưởng con tàu to đùng mà không đón một ai được, lòng dạ nào yên.

    Ba mươi tháng Ba năm 1975

    Tôi còn phải lang thang ra Đà Nẵng nữa. Lòng lo sợ vô cùng. Đâu có chiến hạm nào với lực lượng súng mạnh để yểm trợ cho HQ 403 khi có biến đâu. Mặc dù biết những chiếc tàu nhỏ của phía bên kia chưa vào kịp. Lệnh bảo phải đón cho được một vị Đại tá và một đoàn quân đang về đến Đà Nẵng. Trời tối rồi mà phải vaò cửa biển Đà Nẵng, có thấy gì đâu. Ban đêm nhìn vào vách núi không thể nào ước tính được là xa bao nhiêu và là gần bao nhiêu. Đụng vào thì sao? Ở lại đấy chờ chúng vào? Có bao nhiêu đèn soi sáng cực mạnh phải dùng hết, rọi vào từng hỏm nhỏ và kêu gọi Đại tá ơi Đại tá hỡi, hãy đốt lửa lên cho chúng tôi thấy được. Và tuyệt nhiên những gì mình cầu mong không có được. Cứ như vậy qua hết đêm, không đón được ai, không biết họ sẽ phải đi theo quốc lộ bằng đường bộ cho đến khi nào.
    Cho đến sáng hôm sau, tôi vẫn lang thang ở đấy (cửa vịnh Đà Nẵng) , ghe nhỏ vẫn chạy ra, vẫn đầy người và vẫn cố gắng đến HQ 403, và cũng không làm sao leo lên được, vì sóng dập rất nguy hiểm, dĩ nhiên chúng tôi rất cố gắng nhưng ai cũng vị kỷ, họ đeo tòn ten ở thang dây để kéo giúp người, nhưng dân sợ không dám đứng lên từ chiếc ghe của họ, vừa đứng lên vói tay thì sóng dập họ lại té lại xuống ghe. Tôi dặn nhân viên chuyển lời cứ theo tàu tới một nơi yên ẳng hơn rồi sẽ lên tàu, nhưng họ nôn nả hối hả làm sao ấy, họ chạy đi và theo bờ cũng xuôi Nam. Trên một trong những chiếc ghe dân, có một chiếc có phu nhân của một sĩ quan của HQ 403, ông ấy cho tôi biết và tôi cho ngừng tàu, tôi nói: Trung úy leo xuống đầu thang dây, tôi cho tàu xoay về hướng sóng ngược rồi Trung úy cố gắng kéo bà xã lên, nhờ vài nhân viên đeo thang dây phụ giúp, và khổ nỗi ông nói ông sợ té. Thả thêm dây thừng xuống ghe nhưng không hiểu tại sao họ không cột ghe. Nhân viên cũng bảo ông như vậy, nhưng ông không làm. Nghiã gì??? Và cũng như những chiếc khác, họ quay vào chạy gần bờ.
    (Sau này ông ấy rất thù tôi và trên đường đoàn tàu đi Côn Sơn ông ấy toa rập với một sĩ quan khác đến kho súng để lấy súng để thanh toán tôi mang HQ 403 về giao cho chính phủ mới. (tôi viết chữ này không hoa). Dĩ nhiên nhân viên đưa súng nhưng thông báo ngay cho người Hạ sĩ chuyên lo chuyện cho tôi. Thằng em này rất tuyệt cú mèo: dàn ngay một số anh em khác ôm súng mỗi người một bậc thang rồi mới lên đài chỉ huy báo cáo.)
    Tôi không còn phận sự ở Đà Nẵng nữa và xuôi Nam.
    Những chiếc thương thuyền của các hãng ngoại quốc cũng đầy người, nhìn thấy tội nghiệp và thảm thương vô cùng. Đàn bà, trẻ em nhớn nhác lo âu. Đầu đội nắng, thân trên sắt (tất cả ngồi trên boong tàu). Tôi hoàn toàn không biết họ sẽ được đưa đến đâu. Đi xa qúa thì nước có thể đầy đủ nhưng ăn thì sao đây? Từ từ tôi cũng tạt qua Qui Nhơn vào ngày thứ Hai 31 tháng ba 1975, không vào cảng, người tản cư cũng đông như Đà Nẵng. Gọi thử vào phòng hành quân không ai trả lời máy. Thêm một tỉnh nữa không còn cấp chỉ huy.
    Máy liên lạc PRC 25 tôi cho lấy từ các chiếc ghe của dân quân lên được HQ 403, tôi cho nhân viên cố gắng dò tần số và để yên đó trên đài chỉ huy để theo dõi, cho nên đến đâu tôi đều biết được cấp chỉ huy còn đó hay đã ra đi. Anh em chiến hữu chửi trên máy vì tức giận mà dùng những từ thô lỗ. Có những nơi họ có ý như mấy ổng chạy hết rồi thì anh em mình tự đánh.

    Một tây tháng Tư/1975, Nha trang tản cư.

    Hai tây tháng Tư/1975, HQ 403 phải vào cặp cầu Cam Ranh để đón gia đình quân nhân, chỉ có dân chúng ở cầu tàu, có lẽ anh em Hải Quân đã cùng gia đình ra đi bằng cách nào đó. Bắt đầu tháo đây để ra khỏi vịnh Cam Ranh. Trong khi vận chuyển để ra khỏi vịnh thì: hai chiếc thương thuyền của ngoại quốc đang cặp “xà lan” (pontoon nổi). Thương thuyền hết hàng rồi nên nổi rất cao. Thang treo xéo 45 độ áp bên mạn tàu, trên xà lan, mọi người chen chúc và tranh giành để leo lên thương thuyền. Cảnh tượng thương tâm không kể xiết. Từ xà lan lên đến boong chính của thương thuyền cao chừng độ gần hai từng lầu hoặc hơn. Vợ cố gắng giành thang và leo lên đựơc, đưa tay vẫy người chồng đang đứng trên xà lan. Hai người vẫy tay ngoắc nhau bằng lòng lắm. Họ sắp sửa làm gì qúy vị thử tưởng tượng đi. Chẳng hạn ông chồng sẽ leo lên rồi gặp nhau trên thương thuyền, há. Không, không ai ngờ họ làm chuyện mà không ai nghĩ đến, giờ phút này mà tôi còn rùng mình và há hốc miệng để thấy sự hoảng hốt sợ hãi muốn ra đi bằng mọi giá mọi cách. Sóng đẩy đưa, xà lan dập vào thành tàu. Người chồng lấy hết sức thẩy (ném, tung tùy người dùng chữ nào) đứa con lên cho vợ chụp bắt….Rồi bây giờ tưởng tượng nữa đi. Cả ba người ra đi trong lòng biển vịnh Cam Ranh. Ném làm sao tới, vợ nhoài người chụp, rớt xuống, chồng nhòai người chụp em bé đang rớt xuống,… Không phải một người hành động như thế. Tôi nhắm mắt không dám nhìn nữa. Trong đầu bao nhiêu oán trách, bao nhiêu chửi bới mọi người, ta và thù. Tôi lẳng lặng cho HQ 403 đi ra khỏi vịnh. Thứ năm ngày 3 tháng 4/1975, thả trôi ngoài Vịnh Cam Ranh.
    Phần này trở về sau cũng chỉ là xuôi Nam từng tỉnh một, bốc quân dân đưa về Vũng Tàu rồi lại đi. Bà con dòng họ của hạm trưởng, của sĩ quan, của nhân viên, chúng tôi cũng nôn nả trong lòng không nói ra nhưng mọi người đều biết với nhau, cứ lo phận sự. Đi Phan rang, đến Bình Tuy, v.v… và cứ thế cho đến thứ Bảy 12 tháng Tư năm 1975, HQ 403 về đến Sài Gòn vào một buổi trưa để chứng kiến sự nôn nao, lo lắng và hối hả vô vọng của toàn dân.



    KẾT THÚC BÀI TỰ TRUYỆN CỦA TÔI ẤP Ủ 47 NĂM

    Tôi cũng như mọi người, chạy về nhà (cư xá Thanh Đa), hàng xóm cho biết đi đâu rồi, chỉ có tôi biết nên tôi chạy qua Nhà thờ Huyện sĩ thì mọi người đang tạm trú nơi đây, tôi mừng lắm và an ủi mọi người cứ ở yên đó tôi sẽ về đón nếu phải ra đi. (Chỉ gia đình bên bà xã chứ gia đình đông người của tôi vẫn còn ở Nha trang vì lý do….).
    Lúc 19:00 giờ ngày thứ Hai ngày 21 tháng Tư, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói chuyện trên đài, đến 21:00 giờ thì người tuyên bố TỪ CHỨC, vào trao quyền cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương.
    Chiều tối ngày 26 tháng TƯ/1975, trên đường đi về Sài Gòn, khi đi ngang Mũi Kỳ Vân thì cứ tưởng mình đang sắp đâm vào một hòn đảo nào đó, rất lớn và đen sì vượt qua mũi HQ 403 rồi thì chiến hạm lắc dữ dội, điều này cho biết là một chiến hạm nào đó vừa vượt qua, chuyển câu hỏi bằng đèn vói theo nhưng không được trả lời. HQ 403 đi sớm hơn chừng 2 phút thì có lẽ giờ này không có ai để viết lại cuộc Di Tản to lớn này. Ngồi đó nhịp tim đánh nhanh và suy nghĩ lại thì chỉ có Đồng minh mới có chiến hạm chạy nhanh như vây và xuất phát nơi không phải hải cảng lớn, và hình như hôm đó là ngày Đồng minh rút dân sự và quân sự về nước. Chỉ võ đoán thôi vì cho tới bây giờ tôi vẫn nhớ như in trong đầu về đêm ấy).
    Từ mũi Kỳ Vân về lại Sài Gòn ngày Chủ Nhật 27 tháng Tư/ 1975 lúc 11 giờ đêm.
    Hôm sau, 28 tháng Tư 1975, họp với Đại tá Tư Lệnh Hạm Đội về việc Di Tản Hải Quân, chiều họp lại và huỷ bỏ việc di tản.



    Ngày 29 tháng Tư/1975, họp với Đại Tá Phạm Mạnh Khuê về việc Hải Quân sẽ cùng nhau ra Côn Sơn….Gặp được Đại Tá Sơn, ông bảo vào mượn xe của Trung Tá Lê Thuần Phong đi đón gia đình đưa xuống tàuLái xe trên đường Lê Thánh Tôn mới biết, dân chúng bỏ hết, nhà cửa, tiệm phố…chỉ lấy ví dụ tiệm vàng Thế Tài bỏ ngõ mà lạ không thấy ai vào để “hốt”. Thế mới biết cộng sản dã man ác độc đến thế nào mà người sợ chúng như sợ quỷ ma!
    Và coi như xong, 20:30 giờ HQ 403 rời SàiGòn từ cầu – nhớ là gần dinh Thủ tướng Khiêm- nhưng có người nói không đúng, vậy thì tôi xin để quý vị sửa sai dùm. Đoàn chiến hạm HQVNCH theo sông Soài Rạp để ra biển lần cuối cùng va chiều tối thì đến Côn Sơn (22:00 giờ thứ Tư 30 tháng Tư năm Một Chín Bảy Mươi Lăm).
    Thưa qúy chiến hữu Hải Quân, từ Niên Trưởng già dặn nhất cho đến thuỷ thủ trẻ tuổi nhất kể từ 1975, tôi không phải người viết sách, viết truyện, có bao nhiêu ký ức còn lại đem viết ra đây cho mọi người bồi hồi xúc động tưởng nhớ. Cá nhân tôi hiện tại giờ phút này nước mắt đang chảy ròng ròng.
    Xin kính thân chúc tất cả luôn được khoẻ mạnh, hạnh phúc hiện tại có được với con cháu là qúy hóa vô cùng.
    Đặc biệt gửi đến Hải Quân Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn Tư Lệnh Hạm Đội với lòng kính mến vô vàn.
    Không được đi tạp dịch khi chiến hạm vào Ụ thì không cầm được HQ 403, mà không cầm được HQ 403 thì đâu biết được một sự di tản chưa từng có trong lich sử.
    Kính Thân Chào

    Thủy Thủ Già Nguyễn Thành Danh
    Hạm Trưởng cuối cùng HQ 403
    Texas ngày 19/07/2022


    Nguồn: http://camtran11.6te.net/hqtext/hq403d.html

    Source:https://dongsongcu.wordpress.com/202...i-cung-hq-403/
    Last edited by dnchau; 03-19-2023, 05:55 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X