Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sợi Dây Định Mệnh 

Collapse
X

Sợi Dây Định Mệnh 

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sợi Dây Định Mệnh 

    Sợi Dây Định Mệnh
    Nguyễn Tấn Hưng





    Trong khi tất cả bạn cùng khóa đang say sưa với giấc mộng hải hồ, thì tôi bị gởi về trường Cây Mai để tiếp tục… học tập. Trường Cây Mai, mới nghe ai cũng mường tượng đây là một trường tiểu học với đàn trẻ nhỏ trong lứa tuổi ngậm ô mai, chớ đâu ai ngờ đây là trường Tình Báo của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Một trung tâm đào tạo những nhân viên nòng cốt cho CIA Việt Nam.

    Nói là bị hoàn toàn thì cũng không đúng lắm, phải nói là nửa bị nửa được thì hợp lý hơn. Nửa bị là vì tôi cũng như bạn bè đang còn yêu nếp sống hải hồ. Hơn một năm đi tàu và sáu tháng Duyên Đoàn thì đã thấm vào đâu. Lính tàu mà không đủ thời gian đi tàu, không có Hải Vụ Bội Tinh thì đâu phải là lính tàu. Vả lại cái nghề hải quân vẫn thấy hay, thấy đẹp hơn cái nghề tình báo nhiều. Còn nửa được là vì tôi cũng như bạn bè đều muốn ca bài… về miền thành đô yêu dấu…, đều muốn được đi phép dài hạn ở Sàigòn.

    Đi phép dài hạn ở Sàigòn thì có, nhưng dạo phố Sàigòn dài hạn thì hình như không. Tại vì tất cả các sĩ quan khóa sinh đều bị đặt trong tình trạng nội trú, đều bị bắt buộc phải ăn cơm nấu bằng chảo đụng, giống y hệt như tất cả mọi quân trường. Không có trường hợp ngoại lệ, kể cả cái trường Cây Mai nằm trong Chợ Lớn này. Thuở đời nay, ngay giữa kinh đô ánh sáng mà cũng còn cái cảnh vợ con thăm nuôi.

    Cũng như tất cả các sĩ quan bạn, tôi cứ nghĩ sau khi mãn khóa mình sẽ trở thành Z.28. Nhưng Z.28 làm sao sống nổi với lương lính ở Việt Nam, cho nên rốt cuộc rồi tôi cũng chỉ kéo dài thêm những năm tiền lính, tính liền chứ chẳng có gì thay đổi lớn. Thật ra, nghề tình báo, nói tổng quát, là nghề nghiên cứu về địch, về kẻ thù. Thế thôi. Dân thường, lính thường, quan thường đâu dám công khai bàn bạc về “Bác” và Đảng, về Trung Uơng Cục, về Trường Chinh, về Võ Nguyên Giáp, về ngay cả cái tin báo … Nguyễn Chí Thanh đã chết trên đường mòn Hồ Chí Minh vì ăn bom B.52… Công khai bàn bạc như vậy thì khỏi cần chụp mũ cũng bị đi tù. Dân mình mà, nói động tới Tổng Thống một chút thì cũng đã vô khám rồi nói chi đến vấn đề tìm hiểu “Bác”, làm quen “Bác” dù chỉ qua tài liệu tin tức.

    Nghiên cứu về địch muốn có hiệu nghiệm chắc phải theo đúng binh thư Tôn Võ Tử cho nên mới đẻ ra cái vòng lẩn quẩn chu kỳ tình báo. Tin báo đưa về, mình ra công phối kiểm, nhận định, đúc kết, rồi phổ biến ra thành tin tức. Tin tức của mình trở thành tin báo của người khác. Tình báo mà, đâu ai tin ai. Lại ra công phối kiểm, nhận định, đúc kết, rồi phổ biến thành tin tức. Tin báo có cái sốt dẻo của nó, như cơm nóng. Và tin tức có cái nguội lạnh của nó, như cơm nguội. Nóng và nguội. Nóng chưa chắc đã ngon mà nguội chưa chắc đã dở. Ậy! Mà tin báo, tin tức ở đâu ra? Từ nguồn tin! Vậy nguồn tin là gì? Là mật báo viên, là cơ quan bạn, là tù binh, là không ảnh, là báo chí, là truyền hình, là bạn bè, là vợ con, là Mỹ… v.v. Nhưng, nguồn tin nào là nguồn tin thật và nguồn tin nào là nguồn tin giả? Cái đó mới là điều đáng quan tâm, cái đó mới là điều đáng nói. Đấy, trên đây là tất cả những gì cần nói của chứng chỉ Tình Báo Đại Cương.

    Tôi tốt nghiệp một lần nữa, lần này quan trọng không phải là ưu, bình, thứ, mà quan trọng là ở lời phê bình của hội đồng giám khảo. Có khả năng về thẩm vấn, mấy chữ vắn tắt như vậy có thể thay đổi cả cuộc đời. Nhưng, đối với tôi thì khác, trước sau gì cũng là sĩ quan Hải Quân, nghề tình báo như nghề tay trái. Hơn nữa học tình báo là một chuyện mà làm tình báo lại là một chuyện khác, ai chả biết chuyện trong trường và chuyện ngoài đời khác nhau một trời một vực.

    Không biết cái đơn xin phục vụ gần nguyên quán của tôi với lý do cha mẹ già, anh tử trận có được cứu xét hay không mà Trung Tá Trần Văn Hớn, Trường phòng Nhì bộ Tư lệnh Hải Quân, kêu tôi vào văn phong trình diện:

    – Anh được chỉ định làm “Nai-lô” Trà Cú, bắt đầu vào đầu tháng tới.
    – Dạ.

    – Anh có gì hỏi không?
    – Dạ không.

    Nilo đọc là Nai-lô, chữ viết tắt của chữ Naval Intelligence Liaision Officer, sĩ quan liên lạc tình báo hải quân. Khác xa với đề-lô bên pháo binh mặc dù “lô” nào cũng đi tiên phong, cũng sống ở ngoài field. Đi Nai-lô thì dễ hiểu rồi nhưng Trà Cú thì tôi chưa rõ là nơi nào. Tôi nhớ mang máng là một địa danh ở miệt Trà Vinh, Sóc Trăng, miệt có nhiều người Việt gốc Miên. Một thắc mắc lớn như vậy mà tại sao lúc đó mình không đặt vấn đề với trưởng phòng? Nhưng Trà Cú không thể ở miền Trung, tôi dám chắc như bắp. Dầu gì cũng ở miền Nam, chẳng xa đường đi mà lại gần nhân nghĩa, tôi hay nghĩ như vậy.

    Nhưng rốt cuộc đường đi thì có gần, nhưng nhân nghĩa thì xa. Đường đi gần vì Trà Cú này là Trà Cú ở vùng Mỏ Vẹt. Gần là gần đường chim bay thôi, chớ muốn tới Trà Cú cũng phải mất cả ngày đường. Mà nói là cả ngày đường cho dễ nghe chớ thật ra đường xe lửa không có mà đường lộ đá cũng không có luôn. Độc đạo chỉ còn thủy vận. Không vận thì sang quá cho thân phận Nai-lô, tôi không dám nghĩ tới. Xuống Bến Lức theo tàu tuần ngược dòng Vàm Cỏ Đông, ngủ một giấc thì sẽ đến nơi. Còn nhân nghĩa thì xa là vì trong vùng Mỏ Vẹt làm gì có dân chúng, nhà cửa. Chỉ có một căn cứ trơ trọi giữa cái bao la của ruộng đồng, tiếp nối với đồng Tháp Mười quanh năm phèn chua nước đọng.

    Chiều trên Phá Tam Giang…, không hiểu chiều trên Phá Tam Giang đẹp như thế nào, nhưng chiều trên Vàm Cỏ Đông thì thật là thơm tho, muôn hình vạn trạng. Thơm tho vì hai bên bờ sông là rẫy thơm, rẫy khóm. Những luống thơm, luống khóm song song chạy dài xa tít vào trong bờ, ngay hàng thẳng lối không khác gì ở đồn điền cao su. Cả một bầu trời ngào ngạt mùi thơm! Muôn hình vạn trạng thì chỉ dành riêng cho những người như tôi mà thôi, những người lính thủy đánh đồng Tháp Mười, không giống lính thủy đánh thủy, không giống lính thủy đánh bộ chút nào hết. Lính thủy đánh đồng Tháp Mười ngoài ca-nô hai trăm năm chục mã lực làm phương tiện đi về thành phố còn phải xài nhiều loại tàu đặc biệt hơn nữa: tàu mủ phản lực, tàu bay có chong chóng sau đuôi, tàu cao su phình lên xẹp xuống như bong bóng…, tàu gì chỉ biết lướt cỏ mà không có chân vịt. Bởi vậy chiều trên Vàm Cỏ Đông cũng thay đổi theo từng loại tàu, chân trời có lúc như nhô lên cao, có lúc như tụt xuống thấp.


    Căn cứ Hải Quân Trà Cú

    Căn cứ Trà Cú nằm trên kinh Trà Cú gần ngã ba chảy ra sông Vàm Cỏ Đông. Một giang đoàn Hải quân Mỹ, một đại đội Thủy quân lục chiến Mỹ đang hành quân phối hợp, cộng thêm một trung đội Tác Chiến Điện Tử của Hải quân Việt Nam. Nai-lô mặc dù một mình, đúng y chang là quan không lính, cũng được coi là một đơn vị. Đóng chung thì đóng nhưng hoạt động riêng biệt một mình một cõi. Đồng thuyền với tôi là thằng Nai-lô Mỹ, counterpart, nhưng tôi không làm chung với nó được vì tánh thằng này như Tào Tháo. Ai mà thèm rớ đến tiền mật phí của Nai-lô làm chi cho mệt, phải mất công thành lập lưới báo cáo lưới, vậy mà tối ngày nó cứ thăm tới thăm lui cái ngăn kéo có chứa nửa triệu tiền mặt. Bực. Cho nên từ căn nhà xi-măng cốt sắt, tôi dọn luôn xuống khu Việt Nam ở chung với đám lính cho có bạn, đạn pháo kích chắc cũng còn… con mắt.

    Đóng ở Trà Cú cũng giống như đi ngoại quốc vì Hải Quân Mỹ bao ăn bao ở luôn cho đám nhân viên Việt Nam. Mình làm thân ăn nhờ ở đậu, như dân tộc thiểu số, ngay trên đất nước mình. Nhưng, ăn cơm Mỹ cao lắm vài tuần thì anh em bắt đầu đào ngũ. Rồi không ăn mà cũng đi lấy. Mỗi buổi sáng hai trứng hột gà, chất đầy nón sắt. Buồn, đem ra đánh bài, đứa nào gom sòng lúc về Sàigòn sẽ chở nguyên một cần xé. Đồ ăn trưa và chiều thì cũng lấy rồi đem ra khu gia binh của tiểu đoàn Lực Lượng Đặc Biệt ngoài đầu kinh để đổi rau cải, gia vị, cá khô, và thực phẩm khô. Mấy bà chị chịu quá; ham, bacon, chicken, hamburger, hotdog… v.v… chê làm sao được. Chỉ có thứ sáu ăn tôm hùm là phe ta làm láng, không đổi chác gì hết. Sau đó, mua bếp điện bắt đầu nấu luôn ở trong trại. Thỉnh thoảng lấy ca-nô đi hai ba tiếng đường sông tới Hiệp Hòa, lò đường Hiệp Hòa và chi khu Đức Huệ, để đi chợ.

    Ở giữa đồng làm gì có nguồn tin tốt, và làm sao mà tuyển mộ mật báo viên? Tin báo qua các công điện Mỹ, công điện Việt của các đơn vị bạn thì chỉ lai rai. Thỉnh thoảng tụi Mỹ mới bắt một vài người tình nghi đem về cho tôi thẩm vấn. Hầu hết đều là dân đi làm rẫy, vớt cá. Nhưng, lần đó là một bà già tuổi trạc sáu mươi. Không biết có phải là mẹ chiến sĩ hay không mà bà ta khăng khăng không chịu hợp tác, cứ trả lời nhát gừng những câu hỏi của tôi. Rồi bỗng nhiên lớn tiếng chửi, cả tôi lẫn Mỹ. Tự ái vùng lên, tôi ký giấy đưa bà ta về trung tâm thẩm vấn chi khu và không biết số phần của bà ta ra sao. Mấy ngày sau đi phép về nhà, tôi gặp má tôi cũng chạng tuổi đó đang lom khom bên luống rau, sực nhớ đến bà già tình nghi, lòng chợt thấy băn khoăn lương tâm cắn rứt. Chẳng lẽ mình cũng ác đến độ giết người không cần gươm giáo? Bả dám rục xương trong tù. Rồi thấy ân hận sao mình vẫn dễ mềm lòng xúc động, vẫn còn biết rơi nước mắt. Tôi biết, ba tháng huấn nhục chết sống ngoài quân trường Nha Trang rồi như cũng chưa đủ để làm trái tim mình trở thành sắt, đá.

    Nằm trại đọc công điện hoài cũng chán, nên ngoài công tác tình báo tôi tham gia các hoạt động của toán Tác Chiến Điện Tử cho đỡ buồn. Những cuộc hành quân đặt máy, những cuộc hành quân kiểm soát kết quả làm thì giờ qua mau. Máy báo động, sensors, thu hết âm thanh trong vùng và chuyển về căn cứ, được đặt ngang dọc trong những khu vực có nhiều đường xâm nhập người và vũ khí từ khu Mỏ Vẹt về thủ đô. Cọng ăn-ten nhú lên cao, hòa hợp với đám cỏ đồng. Ban nhạc đêm giữa chốn đồng sâu nghe rõ mồn một trên máy nhận. Dế gáy, chuột chạy, vạc sành kêu, bù tọt rống, ễnh ương tru… và đôi khi có tiếng người … mới nghe đã nổi da gà. Việt cộng, Việt cộng về. Kêu pháo binh dập. Dập liền tức khắc, dập không còn một mống, không còn tiếng động mới thôi. Sáng ngày cả bọn hân hoan lội nước phối kiểm. Việt Cộng chết đã đành, ai dè cả bầy, trâu bò mà đi ăn đêm, lộn cổ cỏ mềm nằm chết ngổn ngang… Chiến lợi phẩm còn có thêm mấy con đỉa trâu mang tật thèm thuốc thèm vôi, lần nào cũng cố tình đeo bắp chân bắp đùi theo mình về trại.

    Làm ăn với Mỹ một thời gian coi bộ chắc không khá, cho nên trung tá trưởng phòng Nhì có lệnh cho tôi đổi về căn cứ Củ Chi làm Nai-lô Sư Đoàn 25. Lại cũng bị chèn ép nữa, xưa nay Nai-lô phải nằm ở quận, Nai-lô chi khu, hoặc nằm ở tỉnh, Nai-lô tiểu khu, chớ ai hết làm Nai-lô giữa đồng lại nhảy vô làm Nai-lô sư đoàn. Nai-lô Vĩnh Long, Nai-lô Mỹ Tho, Nai-lô Tân Châu, Nai-lô Hà Tiên… nghe vừa hợp tai vừa có thớ một chút. Nhưng không sao, dầu gì từ Củ Chi vọt về Sàigòn cũng gần.

    Rồi chẳng bao lâu tôi lên trung úy, đúng ngày đúng tháng. Trung úy thì over qualified cho chức vụ Nai-lô, thành thử tôi bị triệu hồi về bộ tư lệnh Hải Quân. Mới đầu tôi được chỉ định làm sĩ quan khai thác tin tức quân khu 3, rồi sau đó, vì hơi to tiếng cho nên kiêm thêm chức vụ thuyết trình viên cho Đô đốc Tư lệnh Trần Văn Chơn. Bắt chước Hải Quân Mỹ, Hải Quân Việt Nam cũng gọi mấy ông sao của mình bằng Đô đốc, bốn sao, mặc dù cấp bậc ghi rõ ràng Phó Đề Đốc. Mỹ thì chỉ Good Morning với Admiral thôi, chứ đâu có kèm Rear, Vice gì gì cho admiral làm chi cho thêm dài dòng. Kính thưa Đô đốc Tư Lệnh Hải Quân…, nghe nó quan liêu làm sao. Phần thuyết trình bằng Anh ngữ cho Đô đốc Zumwalt thì do Trung úy Hoanh, khóa đàn anh, đảm nhiệm. Trung úy Hoanh thì khỏi chê, điểm thi ECL chưa bao giờ dưới 95, muốn đi Mỹ lúc nào cũng được.

    Vài tháng trước khi đi Guam lãnh tàu, Trung Tá Trưởng Phòng Nhì không hiểu vì lý do gì, đột nhiên có lệnh cho tôi thuyên chuyển xuống Bình Thủy, Cần Thơ. Như được gãi đúng chỗ ngứa vì tôi cũng định xin đổi đi chỗ khác. Đơn vị mới là Bộ tư lệnh Hải quân hành quân Sông. Coi một nửa Hải quân vì Hải quân Việt Nam lúc này chia thành hai lực lượng, lực lượng Sông và lực lượng Biển. Đô Đốc Đinh Mạnh Hùng làm Tư lệnh lực lượng Sông. Dưới tay có luôn cả ba Đô Đốc: Đô đốc Hoàng Cơ Minh, Tư lệnh lực lượng Thủy Bộ tức Lực lượng 111, Đô đốc Nghiêm Văn Phú, Tư lệnh lực lượng Tuần Thám tức Lực lượng 112, và Đô đốc Vũ Đình Đào, Tư lệnh lực lượng Trung Ương tức Lực lượng 114. Lực lượng Thủy Bộ trấn sông Năm Căn, sông Ông Đốc, sông Rạch Sỏi, kinh Xà No. Phần lớn lực lượng Tuần Thám trấn sông Cửu Long, hai sông Vàm Cỏ. Phần lớn lực lượng Trung Uơng trấn sông Đồng Nai, sông Lòng Tảo. Mỗi lực lượng có trung bình từ ba đến năm Liên giang đoàn gọi là bộ chỉ huy chấm, như 111.1, 111.2, 111.3 chẳng hạn. Mỗi chấm có trung bình từ ba đến năm chấm chấm tức bộ chỉ huy Giang đoàn, 111.1.1, 111.1.2 … Lực lượng Sông phối hợp hành quân cấp Quân đoàn với Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4. Còn lãnh thổ của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 thì bị chê vì không có sông?

    Cũng cái tội to tiếng cho nên mặc dù là sĩ quan đệ tam, sau Thiếu tá Nguyễn Phước Đức trưởng phòng và Trung úy Thiện phó trưởng phòng, tôi vẫn phải lãnh phần thuyết trình. Và có lẽ vì tôi trả lời các câu hỏi của Đô đốc Hùng và ban tham mưu có phần vững chắc mạch lạc, kinh nghiệm từ Sàigòn mà, cho nên lần lần Thiếu tá Đức thấy mình như thừa, bèn xin đi lãnh tàu như Trung tá Hớn. Thiếu tá Võ Văn An từ bộ Tư lệnh Hải Quân đổi xuống cũng không nắm vững được gì, lần lần rồi cũng rơi vào tình trạng có cũng như không.

    Thời thế tạo anh hùng, bỗng nhiên tôi được thăng cấp đặc cách nhiệm chức. Một năm bảy tháng kể từ ngày lên Trung úy, tôi là một trong bảy đứa của khóa lên Đại úy đầu tiên. Không hiểu phòng Nhì đề nghị ra sao, cấp số ra sao mà tôi dính. Tôi đương nhiên trở thành Phó Trưởng phòng, Trung úy Thiện bây giờ kém thâm niên hơn bị thuyên chuyển xuống bến Ninh Kiều. Rồi một buổi sáng đẹp trời Trung úy Lê Tâm Hiệp, bạn cùng khóa với tôi đang làm chánh văn phòng cho Đô đốc Hùng, gọi điện thoại thông báo:

    – Ê, chuyến này mày lại lên nữa rồi, như diều gặp gió…
    – Gì mà lên mậy.

    – Sửa soạn trình diện Tư lệnh.
    – Tao? Trình diện Tư lệnh giờ này? Giỡn chơi mậy?

    – Ừa. Cho mày 5 phút thôi đó.
    – Chuyện gì vậy mậy?

    – Chút nữa rồi biết, lẹ lên.

    Tôi nghĩ chắc chẳng có gì quan trọng, gặp mặt Đô đốc hằng ngày mà. Nhưng, phải áo mão chỉnh tề, trình diện khác xa với cần gặp.
    – Anh là sĩ quan thâm niên nhứt của phòng Nhì sau Thiếu tá An?

    Tư lệnh biết hết rồi còn làm bộ hỏi – tôi nói thầm trong bụng.

    – Dạ phải.
    – Anh thấy khả năng của anh có thể đảm nhiệm nổi phòng Nhì hay không?

    Hả? Coi luôn phòng Nhì? Câu hỏi này đến với tôi có hơi đột ngột. À, chắc Thiếu tá An cũng xin đi lãnh tàu. Tôi bình tĩnh trở lại, trả lời một cách dứt khoát:

    – Nếu Đô đốc tin tưởng ở tôi, tôi nguyện sẽ phục vụ hết sức mình.
    – Được rồi. Kể từ giờ phút này tôi chỉ định anh làm Quyền Trưởng phòng Nhì.

    – Tuân lệnh Đô đốc.

    Chào cái rụp bước ra khỏi phòng tôi gặp ngay Trung úy Hiệp ngoài cửa:

    – Sao? Đô đốc cho mày làm phải không? Cấp số Trung tá nghe mậy.
    – Ừa. Chuyện quan trọng như vậy sao mày không báo động tao gì hết vậy.

    – Phòng Nhì như mày thì dẹp mẹ nó cho rồi. Chớ mày chưa biết chuyện đêm hôm qua à?
    – Chuyện gì?

    – Còn chuyện gì nữa. Chuyện Thiếu tá An phòng Nhì của mày đó. Lem nhem ba cái đồ lặt vặt của Mỹ bàn giao. Đô đốc giận quá chừng, ổng ký công điện thuyên chuyển thằng chả về Sàigòn trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Mầy thấy Thiếu tá An có đi làm bữa nay không?

    Tôi như trên cung trăng rớt xuống. Đúng là trời bất dung nhơn đảng. Đúng là như diều gặp gió. Bây giờ phải chuẩn bị việc bàn giao thôi.

    Mới làm Quyền Trưởng Phòng mà cuộc đời bên ngoài đã thay đổi hẳn. Ngoài đường có xe jeep, có tài xế. Trong nhà có điện thoại dân chính, điện thoại nhà binh, điện thoại hot-line. Họp hành ngồi ngang hàng cấp tá. Thiếu tá Bảy tức Vũ Thất tác giả Đời Thủy Thủ, trưởng phòng 3. Thiếu tá Điệu trưởng phòng 6. Trung tá Lũy trưởng phòng 4… Nhưng bù lại, công việc cũng bắt đầu lu bu hơn. Họp tình báo hành quân Sông hàng tháng, họp của tư lệnh hành quân Sông mỗi tam cá nguyệt, và bay trực thăng, Cessna, đi thanh tra các đơn vị với Đô đốc Hùng như cơm bữa.

    Họp tình báo hành quân Sông gồm có đám Nai-lô thuộc hai Quân khu 3 và 4, hai trưởng toán Sưu Tập 3 và 4, hai trưởng phòng Nhì vùng Sông Ngòi 3 và 4, và ba trưởng phòng Nhì lực lượng Thủy Bộ, Tuần Thám, Trung Uơng. Năm sáu chục sĩ quan. Và mới ngày nào tôi còn làm Nai-lô, Nai-lô Trà Cú. Đám Nai-lô nhỏ lon hơn không nói làm gì, đám trưởng phòng, trưởng toán đều thâm niên hơn tôi mới kẹt. Đại úy Bang khóa 13, Đại úy Tống khóa 15, đại úy Ẩn thủ khoa khóa 16, tất cả đều là đàn anh sắp sửa lên thiếu tá hay ít ra cũng là đại úy thực thụ, còn tôi thì mới nhiệm chức. Thêm biệt đội trưởng Biệt Đội Sưu Tập, thiếu tá Chu Bá Yến, cũng về dự nữa thì tôi làm sao mà ngồi chủ tọa cho được. Phải biết tạo cái thế:

    – Đô đốc tư lệnh đến. Nghiêm. Mời quý vị an tọa.
    – Để khai mạc buổi họp ngày hôm nay tôi có đôi lời với các anh …, rằng thì là …, và tóm lại, rằng thì là … những gì trưởng phòng Nhì chỉ thị trong phiên họp này, được coi như là lệnh của tôi. Các anh nghiêm chỉnh thi hành…

    – Tất cả. Nghiêm.

    Tư lệnh rời phòng họp, bầu không khí trở thành nghiêm trọng. Đám Nai-lô có mấy khi được thấy sao, nên hơi giựt mình, chuyến này về họp thật chứ không phải về chơi. Ai nấy lo hồ sơ phúc trình. Nhưng, mấy quan to thì cũng chứng nào tật nấy:

    – Ê, họp một buổi còn một buổi đi xả hơi chớ mậy.
    – Đại ca muốn đi đâu thì đi, cần gì phải nhắn nhủ với đàn em làm chi. Chỉ sợ biên bản buổi họp, sĩ quan thư ký nó hay … thấy sao ghi vậy.

    Họp tình báo không mệt bằng họp tam cá nguyệt của tư lệnh hành quân Sông. Hầu hết mấy ông đô đốc của Hải Quân đều có mặt đầy đủ, thêm một đoàn tùy tùng lon lá tối thiểu cũng ba bốn bệt bự trên vai, mình ăn nói cũng phải lựa lời. Lên thuyết trình mà bị tư lệnh Hải Quân hỏi lên hỏi xuống là thấy mệt rồi, trả lời ấm ớ không thông suốt, bị quay tại chỗ thì còn mệt hơn nữa. Cũng may đô đốc Chơn còn nhớ mặt tôi hồi còn ở Sàigòn, ổng không chất vấn đã đành, đôi khi ổng còn đỡ đòn cho tôi nữa:

    – Người ta đã trình bày hồi nãy rồi, chắc anh ngủ gục anh không nghe hay sao mà anh hỏi tới hỏi lui.

    Tư lệnh Hải Quân dằn mặt như vậy thì ai mà dám hỏi thêm, bởi vậy những lần thuyết trình sau không còn ai dám hạch sách tôi một điều gì nữa. Mà nói cho ngay, phần thuyết trình của phòng Nhì hành quân Sông lúc đó khó mà có chỗ chê. Vì tôi bắt áp phe với thiếu tá Sắc, thiếu tá San… đàn em của đại tá Bình, trưởng phòng Nhì quân đoàn 4 vào thời thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, cho nên bản đồ tình hình, bản đồ trận liệt, bản đồ gì gì … đều là phim chụp, chứ đâu có còn vẽ slide theo kiểu cũ rích như ngay cả bộ tư lệnh Hải Quân ở Sàigòn.

    Trục trặc hay không là mấy phòng kia, nhất là phòng 4 của trung tá Lũy. Chỉ có mấy chiếc tàu chìm mà lần nào cũng bị quay, lần nào cũng không nắm vững chiếc nào đã vớt về thủy xưởng, chiếc nào còn kẹt dưới sông. Tàu chìm hay nằm trong vùng địch, mỗi lần vớt tàu là mỗi lần hành quân lớn để bảo vệ tàu trục và đám thợ lặn. Không hành quân lớn thì chiếc này vớt chưa xong chiếc kia lạng quạng cũng dám chìm theo. Bị quay quá rồi rốt cuộc chỉ có tôi và đại tá Đỗ Kiểm thuyết trình. Đại tá Kiểm mới đổi về thay trung tá Lưu Trọng Đa, trung tá Yellow Dragon tàu vải Tân Châu, làm Tham mưu trưởng hành quân Sông. Sau phần thuyết trình của tôi, Đại tá Kiểm thầu hết mấy phòng kia. Cũng vui.

    Đi Hải Quân mà tôi sắp sửa có Không Vụ Bội Tinh, tại vì giờ bay nhiều quá. Đô đốc Hùng đi thì tôi phải đi, quân sư mà. Trực thăng lúc đó ăn SA 7 hơi nhiều nên không dám bay bổng, bay sà sà mặt đất để rủi có ăn thì ăn AK thôi, cũng không đến nỗi. Đi Chương Thiện họp với Tư lệnh Sư Đoàn 21, Chuẩn tướng Chương Dzềnh Quay, cứ bay dọc theo kinh Xà No, thấy mình như chạy đua với ghe xuồng. Lúc gần đến Vị Thanh trực thăng mới vọt cao khỏi mấy lùm cây rồi đáp xuống tức khắc ở điểm thả khói màu. Đi Mỹ Tho thì vui hơn một chút, trực thăng bay dọc theo Quốc lộ 4 như chạy đua với xe hàng, xe đò, xe lô, xe Jeep, xe honda. Gần tới Đồng Tâm cũng vậy, trực thăng phóng một bước nhẹ nhàng như ếch nhảy bờ giếng. Chỉ khi nào đi Năm Căn, Cà Mau, nếu không có cessna, thì trực thăng mới chịu bay tuốt trên mây, cao thật cao, cao khỏi tầm hỏa tiễn.

    Đi bay thị sát mặt trận thì vui gấp bội, như đi xem ciné. Dạo đó chiến dịch Trần Hưng Đạo 18, trách nhiệm hộ tống đoàn công voa đi Nam Vang, được Việt Cộng chiếu cố nồng hậu. Có mười lăm chiếc tàu mà hai lần đi hai lần quành trở lại, thiệt hại mỗi bận hai chiếc trôi dạt tấp vô bờ sông. Bị pháo kích, pháo kích như mưa. Nhứt quá tam, đô đốc Hùng chuyến này quyết làm ăn lớn. Tập trung năm giang đoàn, 2 giang đoàn Tuần Thám, 2 giang đoàn Thủy Bộ, và một giang đoàn Ngăn Chận thuộc lực lượng Trung Uơng. Thêm chiếc giang pháo hạm HQ231. Có người bàn, đưa giang pháo hạm lên đó chỉ làm quà cho Việt Cộng, nhưng đô đốc Hùng cứ quyết cho lên. Tin tưởng vào khả năng trực xạ của mấy khẩu 76 ly 2, mấy khẩu bô-pho 40 ly, mấy khẩu o-e-li-cân 20 ly. Một phần như để thị oai, tàu lớn mà.


    Giang Tốc Đĩnh PBR

    Phối họp hành quân với Trung đoàn 31, Bộ Chỉ huy Tiền Phương đặt tại Hồng Ngự dự trù càn quét đội pháo của Việt cộng hay ẩn núp trên bờ sông trên. Bộ Chỉ huy Tiền Phương của Hải Quân vẫn nằm tại căn cứ Hải Quân Tân Châu. Phối hợp với Sư đoàn 4 Không Quân, oanh tạc từ tờ mờ sáng không biết bao nhiêu phi vụ phản lực F5, A37 và AI Skyraider, những cuộn khói đen bay ngập trời. Bộ binh liền được trực thăng vận, dập vô những điểm pháo.

    Đoàn công voa bắt đầu di chuyển, tàu hải quân bảo vệ chạy song song hai bên. Trên trực thăng nhìn xuống, chưa bao giờ tôi thấy nhiều tàu như vậy. Tàu như cá, chạy đặc sông. Chiếc thứ hai vừa qua khỏi vùng nguy hiểm, thì bỗng nhiên, tung… ầm, tung… ầm, tung… ầm, những làn khói cầu vòng in rõ trên không trung. Lại pháo. Đạn nổ trên tàu tóe lửa như pháo bông. Đạn nổ dưới nước, những cột nước dựng lên như sóng thần. Lần này đội pháo Việt Cộng không nằm trên bờ, mà liều chết ẩn núp trên mấy chiếc tàu chìm, hai tiểu đoàn bộ binh nhảy trên bờ như nhảy vào chốn vườn không nhà trống. Cay thiệt. Ầ… m… ầm… một tiếng nổ trầm, ngân dài, vang dội. Chiếc thứ tư kéo nguyên một xà lan đạn, xà lan đạn bị nổ tung. Cả dòng sông dậy sóng, lửa túa lên đỏ cả một vùng trời. Tàu kéo chặt dây xách xe không chạy tiếp. Tàu hải quân bao vây mấy chiếc tàu chìm, và đoàn công voa tiếp tục di chuyển. Bây giờ chiếc HQ231 mới có dịp thử súng, chùi bao nhiêu năm mới được bắn một giờ … Tàn cuộc, hai đại đội Việt Cộng chết phân nửa, bắt sống phân nửa. Tịch thu một lô vũ khí: súng cá nhân, súng cối, súng không giật, và nhiều hỏa tiễn điều khiển con cóc SA3 chưa kịp xài. Đã thiệt.

    Nhưng có làm lâu mới biết: đi với đô đốc Hùng ăn bánh mì tay cầm, đi với đô đốc Minh hút thuốc Bastos xanh, còn đi với trưởng phòng Nhì hành quân Sông thì chỉ có nước ăn giấy. Chán quá. Bởi vậy đủ hai năm, đúng tiêu chuẩn, tôi không xin đi lãnh tàu như mấy quan lớn phòng Nhì mà xin đổi ra Phú Quốc, bộ Tư lệnh Vùng 4 Duyên Hải. Hai năm trời, điều chỉnh thực thụ cũng không xong thì luyến tiếc làm chi.

    – Anh đang nắm tình báo tham mưu của một nửa Hải Quân, mà bây giờ xin đi coi một cái đảo là làm sao? Anh định đi hưởng nhàn hở?

    Đại Tá Nguyễn Đỗ Hải Trưởng phòng Nhì bộ Tư lệnh Hải Quân phàn nàn với tôi như vậy. Nhưng, tôi biết ổng nói cho có chuyện nói thôi, ổng cũng biết bấy giờ tôi có thớ lắm. Tôi muốn đi đâu như là… tùy ý tôi. Gớm chưa! Tôi biện bạch:

    – Thì tôi làm ở Sông lâu quá rồi, bây giờ Đại tá phải cho tôi ra Biển để tôi có dịp học hỏi thêm chớ.

    Vài tuần sau, một lần nữa, tôi lại phải về trình diện Đại tá Hải:

    – Tôi cho anh đi mà ông Tham mưu Trưởng không cho đi. Thủ bút của ông đây này, anh còn thắc mắc gì nữa không?

    Tôi cầm cái công điện đọc kỹ mấy dòng chữ viết tay xéo xéo: “Không thuận. Giữ đương sự tại Sàigòn. Đỗ Kiểm, ký tên“. Ai chớ Đại tá Kiểm thì dễ rồi, cựu Tham mưu Trưởng hành quân Sông của tôi mà. Tôi chỉ biết ổng mới đổi đi mà chẳng biết ổng đổi đi đâu. Bây giờ làm Tham mưu Trưởng Hải Quân? Ồng lên thì đương nhiên tôi cũng lên. Nhưng, cái ông này kỳ, không hiểu mình gì hết…

    – Đại Tá cho tôi mượn cái công điện để tôi đi bàn lại với ổng xem sao.

    Chánh văn phòng trịnh trọng mở cửa mời vào.

    – Commandant, cái này là tôi xin đi mà, commandant phê như vầy thì kẹt đàn em rồi. Commandant hồi trước ở ngoài đó commandant biết mà, dễ sống hơn ở đây.
    – Tôi tưởng anh bị đi đày nên tôi giữ anh lại, anh muốn đi thì tôi cho anh đi.

    Chạy đi chạy về, vác theo cái chữ to tổ bố: “Thuận”. Đại Tá Hải nhột bụng, dằn mặt tôi một câu:

    – Tôi cho anh đi không phải vì cái thủ bút của ông Tham mưu Trưởng đâu nghen … Anh ra đó đúng ngày đúng tháng là tôi sẽ kéo anh về.

    Rồi trưóc khi rời hành quân Sông, trước khi bàn giao cho Thiếu tá Nguyễn Ngọc Quyên, hạm trưởng tàu chìm HQ 225 dưới Năm Căn, tôi tự nhiên muốn được lênh đênh một lần nữa trên sông Vàm Cỏ Đông như thời mới vào nghề, mới làm Nai-lô. Thời đó, thời con diều của tôi mới thả, và bây giờ con diều đã gặp gió đã lên cao, thật cao … Công điện đánh đi chỉ mấy chữ gọn gàng: “Trưởng phòng Nhì hành quân Sông sẽ thám sát tình hình …, yêu cầu các nơi nhận chuẩn bị yểm trợ”. Mấy đơn vị nhỏ đâu biết trường phòng Nhì hành quân Sông là ai, tưởng là quan lớn lắm. Trung tá Giang, chỉ huy trưởng chấm 3 tại Bến Lức chuẩn bị cho tôi 4 chiếc BPR hộ tống và chỉ huy trưởng các giang đoàn nằm tại Trà Cú và Gò Dầu Hạ đang chuẩn bị đón tiếp, chuẩn bị hồ sơ thuyết trình tình hình. Cho tôi. Một lần nữa, tôi thấy con diều của mình thật sự đã lên. Nhưng lên cao nữa, lên mãi … hay rất tiếc con diều kia hình như vẫn còn kẹt bởi sợi dây? Chừng nào sợi dây bị đứt đi, con diều tôi mới đến được với mây trời mênh mông, mênh mông như trời đất của ruộng đồng Trà Cú này. Trà Cú, cái địa danh bất hủ đó và cái căn cứ bất hủ đó cũng đang mờ mờ hiện ra trước mắt tôi. Bỗng dưng tôi nói:

    – Mình vọt lên chạy trước đi.
    – Dẫn đầu hả Đại uy? OK.

    Anh Trung sĩ vận chuyển đẩy hai cần máy, tiến Full. Tàu bọc theo cua quẹo như honda ôm lề đường. Vừa khuất cái doi trước khi rẽ vô kinh để vào căn cứ, thì đột nhiên bùng… bùng, và tiếng súng nhỏ nổ như bắp rang. Tôi ra hiệu cho tàu quành trở lại. Chiếc BPR thứ hai ăn B40 trở thành ngọn lửa nổi, mấy thằng em đang lội bì bõm giữa dòng. Tình báo Việt Cộng cũng lẹ, mới đó mà đã biết chiếc nào có chở trưởng phòng Nhì hành quân Sông. Sanh nghề tử nghiệp, may mà tôi bảo thằng em chạy trước vào phút cuối. Chỉ trong đường tơ kẽ tóc? Chỉ là số trời? Mà tôi cũng đâu chịu rửa cẳng lên bàn thờ sớm như vậy. Ha ha… may là con gió lốc không mạnh lắm cho nên con diều của tôi vẫn còn mắc kẹt sợi dây… sợi dây định mệnh.

    (Trích đăng từ sách Một Đời Để Học của Nguyễn Tấn Hưng)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X