Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phi Đoàn 518 Phi Long

Collapse
X

Phi Đoàn 518 Phi Long

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phi Đoàn 518 Phi Long






    Lời cảm tạ: Với sự nhiệt tình đóng góp nhiều chi tiết của các Phi Long Nguyễn Đình Nam, Lê Quốc Hùng, Nguyễn Quốc Thành, Lê Phước Cung, Nguyễn Quan Vĩnh, Lê Văn Thặng, Trần Mạnh Khôi, Nguyễn Quí Chấn, Nguyễn Ngọc Lành, Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Văn Chín, những hình ảnh, dữ liệu đã thu lượm được trên các trang mạng ‘vnafmamn.com’ ‘google.com’ ‘wikipedia.org’ và tài liệu cá nhân, chúng tôi xin mạn phép được giới thiệu các nhân tài và anh hùng đã có lần đóng góp một phần xương máu mình cho Đất Nước VNCH dưới danh hiệu Phi Long. Biếm họa đầu trang do KQ CoHuong (Vũ Khải Cơ) trong vnafmamn.com.

    Bài viết chắc chắn không đầy đủ và có những thiếu sót, rất mong được các chiến hữu - nhất là các Phi Long bổ túc.


    ***

    Ai có ngờ đâu đơn vị qui tụ nhiều nhứt về nhân tài và anh hùng, còn sống sót sau cuộc chiến cũng như đã hy sinh cho Tổ Quốc, lại là Phi đoàn 518. Phi đoàn này cũng đã thay đổi cấp chỉ huy nhiều nhứt trong KLVNCH, trong vỏn vẹn chỉ có 11 năm tuổi thôi. Ngay từ buổi ban đầu khi thành lập ngày 1-1-1964, vị Chỉ huy trưởng đã là anh hùng KQ Phạm Phú Quốc rồi. Ông đã được giải thoát và phục hồi quân ngũ sau lần Đệ I Cộng Hòa sụp đổ. Tr/tá Tư lệnh KQ Nguyễn Cao Kỳ lúc bấy giờ đã chỉ định Đ/úy Quốc mới vừa được vinh thăng, đứng ra thành lập phi đoàn khu trục thứ 3 mà cũng là phi đoàn Skyraider thứ nhì của KQVN, phiên hiệu là Phi đoàn 518, danh hiệu là Phi Long.

    - Cố Đ/tá Phạm Phú Quốc, một cựu học sinh tốt nghiệp trung học Chasseloup Laubat Sài-Gòn, là thủ khoa của toán 13 người hoa tiêu khu trục VN đầu tiên, khi Không Quân Pháp chuyển giao Phi đoàn Khu trục và Trinh sát lại cho Không Quân Quốc Gia Việt Nam vào năm 1956.

    Phi đoàn được dự trù sẽ thi hành các nhiệm vụ đặc biệt ngoài vĩ tuyến 17, nên phân nửa quân số nằm ở Tân Sơn Nhứt, để hằng ngày tập luyện vượt tuyến bằng đường biển ở cao độ thấp (50 feet), cho đến vùng mục tiêu mới làm vòng tác xạ thường lệ.

    - Toán ở Tân Sơn Nhứt do Tr/úy Nguyễn Đình Nam đảm trách. Ông Nam là một cựu học sinh Lycée Yersin Đà-Lạt, cũng nằm trong toán 13 người đầu tiên với Quốc. Chức vụ cuối cùng của Ông là Tr/tá Phụ tá Yểm cứ/ Bộ Tư Lệnh Không Quân. Hiện tại hai Ông Bà đang làm chủ một căn nhà lưu động (mobile home) ở Fairfield, California .

    - Tr/úy Nguyễn Văn Long được biết đến dưới tên Long ‘con’ cùng với hai anh ruột là Nguyễn Tấn Trào và Nguyễn Tấn Thanh đều là hoa tiêu của KQVN. Long từ một đơn vị quan sát về phục vụ Phi đoàn 1 Khu trục, được thả bay Bearcat, rất hăng say theo sát chỉ huy trưởng tham dự nhiều trận, nổi bậc nhứt là Đồng Tháp, và được chọn đi toán đầu tiên xuyên huấn Skyraider.

    - Tr/úy Nguyễn Ngọc Biện cũng đã được chọn đi Mỹ xuyên huấn để tiếp nhận 6 chiếc AD-6 đầu tiên cho VN. Ông là người đã lập được nhiều chiến công cho đơn vị như Ấp Bắc, Mé Láng. Tại Ấp Bắc, Biện chỉ dùng súng mà bao vây trên ruộng để bộ binh bắt sống gần 80 địch quân. Ông còn là người đứng ra thành lập phi đoàn Skyraider thứ 3 PĐ520 Thần Báo, rồi chỉ huy Phi đội 615 B-57 Canberra, Phi đội Oanh tạc cơ duy nhứt của VNCH.

    - Th/úy Đặng Thành Danh xuất sắc về địa huấn trong lúc Th/úy Lê Xuân Lan xuất sắc về phi huấn của Khóa 58A Trần Duy Kỷ, là khóa duy nhứt đào tạo phi công khu trục tại nội địa. Dẫu là vậy nhưng ông Lan làm việc ở nước ngoài nhiều hơn trong nước: năm 1964 ông học phản lực T-33 tại Thái-Lan, 1965 học Oanh tạc (Bomber) phản lực B-57 ở Phi-Luật-Tân, 1966 xuyên huấn F-5 ở Williams AFB, AZ, 1967 xuyên huấn Khu trục Tiêm kích (Attack) A-37 ở England AFB, LA, rồi ở lại làm Sĩ quan Liên lạc luôn cả một năm trời. 1968 Ông trở sang Mỹ học khóa SOS Chỉ huy Tham mưu Trung cấp, rồi 1970 khóa Air Command and Staff tại Đại học USAF University ở Căn cứ Maxwell AFB, Montgomery, AL, là SQKQ duy nhứt có hai bằng chỉ huy trung cấp và cao cấp bên Mỹ. Về nước ông được bổ nhiệm làm Không đoàn phó KĐ41, rồi đi học khóa phi cơ bán phản lực cất cánh và đáp ngắn Turboprop STOL Fairchild AU-23A Peacemaker (version of the Pilatus PC-6 Porter for the USAF) trong Chương trình Credible Chase Programme và lại ở lại làm Sĩ quan Liên lạc cho khóa sau. Ông còn là hoa tiêu bay thử (test pilot) chiếc Thần Phong 01, là phi cơ đầu tiên mà Công xưởng KQVN chế tạo. Sau 30/4/75 trong các trại tù cải tạo CS, ông luôn bị biệt giam và ngược đãi hơn mấy anh em tù khác, chỉ vì cái tội viết thơ cho vợ con bằng tiếng Pháp (vợ ông là người Pháp). Hiện giờ Tr/tá Lê Xuân Lan đang sống ở Paris, Pháp.

    - Th/úy Võ Thành Quang, biệt danh “Thầy chùa”, thuộc toán SVSQ đầu tiên học lái AD-6 tại Corpus Christi, Texas. Ông đã hy sinh trong lúc đang biệt phái ở Bình Thủy, Cần Thơ vào đầu năm 1965.

    - Ch/úy Lê Phước Cung(B) đã nổi tiếng từ lúc là sinh viên sĩ quan lận cơ. Ông trong toán 9 người đầu tiên của Khóa 61A Vỡ lòng, nghĩa là Anh văn rất cừ khôi, được chọn đi Mỹ học lái khu trục. Ông đã hai lần thoát chết ở trường bay Hải quân Hoa Kỳ Corpus Christi: một lần trên T-28C với thầy LCDR Shea và một lần một mình với chiếc A-1H số 104 bị cháy máy, phải tắt máy đáp ép buộc. Cung đã từng thi hành các phi vụ đặc biệt yểm trợ cho các toán lực lượng đặc biệt ngoài biên giới, trước cả các chiến dịch Bắc Phạt nữa, được xem như đã vượt tuyến nhiều nhứt, từ lúc ông còn ở lại Biệt đoàn 83, cũng như ở Phi đoàn 516 ngoài Đà-Nẵng.
    Hiện ông cùng với vợ con ở Sacramento, CA.

    - Ch/úy Trịnh Bửu Quang cùng toán với Cung, sau này là Phi đoàn trưởng F-5 PĐ542 Kim Ưng. Hai ông bà đang ở San Jose, CA.

    - Ch/úy Nguyễn Đức Chương(B) là người mà khó có ai thắng nổi đường cơ của ông trên bàn billard franc. Chừng ấy thôi cũng đủ nói lên ông là người rất khéo tay và có tầm nhận xét rất chính xác, đặc tính cần có cho người phi công giỏi. ông là người đầu tiên ra trường bay của Hải quân Hoa Kỳ, mặc dù Ông vào lớp 44 sau lớp đầu tiên tới 7 lớp. Sau cùng Th/tá Chương làm Trưởng Phòng Huấn luyện KĐ63CT F-5 đang ở OC, California.

    - Ch/úy Nguyễn Đình Quý(B), Ch/úy Trần Văn Việt(B) và Ch/úy Nguyễn Thế Tế(B) đã theo học Trường Phi hành Hải quân Hoa Kỳ Pensacola. Tế đã hy sinh trong phi vụ Bắc Phạt. Quý tử nạn lúc hạ cánh ở Đà-Nẵng. Việt thì ở OC, CA.

    - Ch/úy Nguyễn Quí Chấn(B) đã là giáo sư Pháp văn trước khi gia nhập Không quân. Ông nằm trong toán 5 người đầu tiên của khóa 62C được chọn đi Mỹ học. Chấn có nhiều điểm trùng hợp với người hùng Phạm Phú Quốc như là cựu học sinh Lycée Yersin và Chasseloup Laubat, thủ khoa lớp 64C có 13 SVSQ Việt Nam, là khóa đầu tiên của Trường Phi hành Undergraduate Pilot Training khi Trường Moody, GA dời về Randolph, TX. Chấn bay rất cừ, là người đầu tiên trong toán đã được thả 1st solo. Chấn đã được Đ/úy Long đặc biệt lái T-28 từ Tân-Sơn-Nhứt lên Biên-Hòa đón về đơn vị ngay ngày mãn khóa 34th TAC. Hình toán ông đi Bắc Phạt được trưng bày ở Bùng binh Chợ Bến Thành trong thời kỳ có Chiến dịch Bắc phạt. Hiện giờ ông đang ở Milpitas, CA.

    Phù hiệu Phi đoàn 518 là hình bán thân con rồng màu vàng nổi lên từ giữa chữ S màu xanh nước biển tượng trưng cho nước Việt Nam, tay (chân trước) trái bấu lấy ngôi sao đỏ bị nứt đôi, nằm ở phần trên chữ S, tượng trưng cho cộng sản miền Bắc, miệng rồng màu đỏ khạc lên ngôi sao này một làn sấm sét trắng có mũi tên ở đầu; tất cả nằm trên nền xanh da trời, viền tròn màu đen, số 518 viết thẳng đứng từ trên xuống.

    Phi đoàn 518 chia nhau với Phi đoàn 514 trụ sở Bộ Chỉ Huy cũ ở Biên Hòa. Phòng Chỉ Huy Trưởng nằm ở dãy chiều ngang. Trên bàn viết đặt ở giữa phòng có một miếng gỗ lăng trụ tam giác, phía trước có gắn ba bông mai vàng sáng chói và hai hàng chữ, ở trên là Đ/úy Phạm Phú Quốc, ở dưới là Chỉ Huy Trưởng. Phi cơ thì được đánh số đuôi từ KA đến KZ với K nhỏ phía trước cho A-1H. A-1G thì còn thêm W ở giữa như KWA.

    - Người hùng Nguyễn Văn Cử(B) từ khi ở Cam-Bốt về, tối ngày cứ tới lui hết Tân-Sơn-Nhứt đến Biên-Hòa trong bộ quân phục kaki vàng, cầu vai với hai mai
    vàng sáng chói. Khi Quốc lên Không đoàn thì ông ra Nha-Trang làm Yểm cứ. Cuối cùng thì Th/tá Cử ra làm Dân biểu Quốc hội Đệ nhị Cộng hòa, đơn vị Khánh-Hòa.

    Nhóm hoa tiêu ở Biên Hòa gồm có:

    - Tr/úy Trần Công Chấn cùng khóa Marrakech với Biện . Cố Th/tá Chấn đã hy sinh trong trận Long Toàn đầu năm 1965, lúc đang làm Chỉ Huy Trưởng.

    - Th/úy Nguyễn Quốc Thành(B) biệt danh Thành "cóc", cùng Khóa 59 SVSQ Không Quân với Quang “Thầy Chùa”, sau đó đã về với toán Tân Sơn Nhứt và ở lại với Biệt đoàn 83 thi hành các phi vụ đặc biệt ngoại biên. Sau cùng Tr/tá Thành làm Trưởng Phòng Kế hoạch Hành quân/ SĐ3KQ, đang sống tại tiểu bang Utah.

    - Th/úy Phan Văn Tỷ là cựu Phi Hổ PĐ516, sau đó đã theo Phi đội Oanh tạc B-57 Canberra, rồi về với Phi đoàn Hỏa Long. Tỷ chơi ghi-ta rất hay, đã từng trình diễn trên Đài Phát Thanh Pháp-Á (Radio France-Asie) hồi M. René Laporte làm giám đốc. Ông tử nạn lúc lái một chiếc C-47 chở đội bóng rổ Trường Đại học Indiana, cất cánh trong trời tuyết từ Phi trường Indianapolis, vào cuối năm 1976.

    - Tr/úy Bùi Văn Trạch là người tình của nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết, luôn mặc đồ bay đỏ, đeo hai khẩu ru-lô như Django trong phim cao-bồi, đã trốn sang Cam-Bốt, bỏ lại số hai là Ch/úy Nguyễn Nhật Quang(B) vừa mới được xác định hành quân, bơ vơ trên vùng trời Tịnh Biên. Sau đó ông gia nhập Không quân Pháp và được sung vào Phi đoàn Phản lực Mystère IV, rồi qua lái cho hảng hàng không Air France. Có người gặp lại ông ở OC, California.

    - Nếu Vùng I có Nguyễn Du, Vùng II có Định "lắc", Vùng IV có Duyên thì Vùng III có Mười "lung", Ch/úy Nguyễn Văn Mười thuộc con nhà võ với anh Kim Tây làm Đ/tá Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Vùng III Chiến thuật và hai anh Tám ‘bois’(gỗ), Đ/tá Chín chùa đều là phi công quân sự. Bất chấp mọi hiểm nguy, lúc nào Mười cũng có mặt trên nhiều mặt trận lúc bấy giờ, cuối cùng là Tr/tá Không đoàn phó KĐ72CT. Hiện giờ ông đang cùng với gia đình sống lân cận vùng Houston, TX.

    - Ch/úy Lê Văn Lâm, còn gọi là Lâm đen, cũng đã hy sinh cùng một chuyến trực thăng với Quang thầy chùa. Đêm 1-11-64, trong lúc Sài-Gòn ăn mừng tưng bừng đệ nhất chu niên Cách Mạng lật đổ Đệ Nhất Cộng Hòa, lần đầu tiên địch pháo kích bằng cối 82 ly vào phi trường Biên Hòa. Phi tuần trực đêm, rồi Hùng, Trương, cất cánh về Tân Sơn Nhứt, Lâm nhanh nhẹn lấy một chiếc di chuyển ra sân vỉ sắt, nhưng không may, bị sụp hố, vừa kịp tắt máy, phóng vào Liên Đoàn Tác Chiến, thì hú hồn! chiếc phi cơ bị pháo trúng, bốc cháy và nổ tung làm sáng cả một vùng trời.

    - Ch/úy Dan Hoài Bữu ở San Jose, CA. Ch/úy Hồ Kim Giàu ở Las Vegas, NV. Ch/úy Đào Công Trực ở Westminster, CA, Ch/úy Nguyễn Việt Tước(B), cùng với Chương và Lâm thuộc khóa đầu tiên Hải quân Hoa Kỳ, cũng có tên trong danh sách những hoa tiêu đầu tiên của phi đoàn.
    - Ch/úy Nguyễn Việt Tước trên đường đến trình diện đơn vị thì bị tử nạn trên xa-lộ Sài Gòn-Biên Hòa.

    Chưa được nửa năm, khoảng đầu tháng 6-1964 thì Không Đoàn 23 được thành lập. Mấy phi đoàn dời qua khu hai dãy nhà đối diện nhau của Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật &Tiếp Vận: một dãy dành cho PĐ514 và PĐ112, dãy bên kia dành cho PĐ518 và PĐ520. Trụ sở cũ nhường lại cho Liên đoàn 23 Tác chiến. Th/tá Quốc qua làm phó cho Tr/tá Phạm Long Sửu Tư lệnh Không đoàn 23, bàn giao phi đoàn lại cho Đ/úy Chấn. Đ/úy Nam về Đoàn Kiến Tạo. Cuối cùng Tr/tá Quốc Tư Lệnh KĐ23 đã hy sinh trong đợt phi vụ Bắc Phạt Rolling Thunder bắt đầu từ tháng 3-1965.
    "Huyền Sử Ca một người mang tên Quốc" được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác và ca sĩ Duy Khánh trình bày đầu tiên để tưởng nhớ ông.

    Cùng một lúc VA-152 và 34th TAC mãn khóa lớp xuyên huấn A-1 Skyraider đầu tiên của họ.

    Về Phi đoàn có Khóa 61:

    - Th/úy Phan Khôi, một cựu học sinh Yersin Đà-Lạt, tử nạn lúc phi diễn mừng Biệt Đoàn 83 thành lập với Đoàn Thiếu Nhi Thần Phong cắm trại. Thần Phong là danh hiệu của Biệt Đoàn, tiếng Nhựt là Kamikaze. Phù hiệu Biệt Đoàn được vẻ ở 2 bên hông và chữ “Cửu Xừng” ở 2 bên má (cowlings) phi cơ.
    - Tr/úy Vũ Mạnh Đạt(B), bị địch sát hại tại cư xá trong Căn cứ Pleiku hôm Tết Mậu Thân.
    - Th/úy Nguyễn Quang Khóa hy sinh trong lúc hành quân.
    - Th/úy Dương Minh Cảnh hy sinh trong một phi vụ hành quân.



    Khóa 62B:
    - Th/tá Trần Tuệ Anh, đi A-37, đang ở Garden Grove, CA
    - Th/tá Hoàng Mạnh Cường(B) “Gà-ri Cọp”, đi A-37, đang ở Nevada
    - Th/úy Nguyễn Tấn Định, hy sinh trong phi vụ hành quân gần Vũng Tàu.
    - Th/tá Nguyễn Hải(B ) “Gorille”, đi F-5, đang ở Montreal, Canada
    - Th/úy Hoàng Văn Kim(B), hy sinh trong một phi vụ hành quân.
    - Th/tá Trần Văn Lân(B) “Xì”, đi A-37, đang ở North Carolina
    - Th/úy Nguyễn Nhật Quang(B) đã hy sinh trong cuộc chiến.

    Khóa 62C:
    - Tr/tá Lại Quốc Ấn(B) phòng TMPHQ/BTLKQ đang ở OC, Cali
    - Tr/tá Trần Mạnh Khôi(B) “con” Ó Đen 01ở San Jose, CA
    - Th/tá Lê Văn Thặng(B) Thiên sứ 02 về OC, Cali
    - Tr/tá Lê Văn Thành “le” phòng TMPHL/BTLKQ ở với vợ con tại Seattle, WA
    - Tr/tá Lê Tuấn Đạt(B) Gấu Đen 01, hiện đang ở OC, CA
    - Th/tá Nguyễn Quang Vinh, đi F-5, ở Grantville, MI
    - Th/tá Đinh Quốc Trực(B) đã qua đời ở Houston,TX
    - Th/tá Nguyễn Trọng Hiền(B) “suyễn” đang ở OC, CA
    - Đ/úy Võ Anh Tài “trống” hy sinh trên F-5 hành quân gần Vũng Tàu
    - Th/úy Nguyễn Văn Châu “già” đã hy sinh cùng trong một chuyến trực thăng với Quang “thầy chùa” và Lâm “đen”
    - Tr/úy Lâm Văn Phận đã hy sinh trong Tết Mậu Thân
    - Tr/úy Mai Nguyên Hưng là “Kùi” duy nhứt Khóa 16 Võ Bị Quốc Gia Đà-Lạt được chuyển qua KQVN theo học bay lớp 64 Air Force cùng với Khóa 62C SVSQ KQVN. Sau lần Bắc Phạt, trên đường về ngang Bà-Rá, Phước Long thì phi cơ bị trục trặc, ông đã tử nạn trong lúc làm vòng đáp ép buộc.

    Th/tá Long ‘con’ và Đ/úy Danh ’heo’ về nắm PĐ518 chẳng được bao lâu, thì ông Long về làm với Th/tá Vũ Thượng Văn ở Trung Tâm Hành Quân Không Quân. Th/tá Long tử nạn cùng với Th/tá Nguyễn Thế Anh trong một phi vụ bay thử hệ thống thủy điều trên một chiếc AD-5. Còn Đ/úy Danh thì về Biệt đội Oanh tạc B-57 Canberra với Th/tá Biện, rồi đi học F-5 trong đợt nhì, sau cùng làm Tr/tá Không đoàn phó KĐ63CT, Không đoàn F-5. Hiện giờ ông đang ở Las Vegas, NV.

    - Đại úy Lê Văn Thảo là vị Chỉ huy trưởng thứ 4, lúc phi đoàn mới vừa tròn một năm tuổi. Ông thuộc khóa phi công đầu tiên được đào tạo tại Hoa Kỳ năm 1957, một cựu Phi Hổ 516 và Trưởng phòng Hành quân của PĐ514 Phượng Hoàng. Vì phi đoàn lúc bấy giờ đã có quá nhiều phi công ra đi, nên ông muốn chỉnh đốn lại hàng ngũ với Chỉ huy phó lấy từ phi đoàn quan sát PĐ112. Đ/úy Đinh Văn Chương(B) bí danh ‘Chương thợ mộc’, thuộc khóa 58A Trần Duy Kỷ và Sĩ quan An Phi lấy từ PĐ514. Th/úy Phạm Đình Anh(B) ‘gàn’, thuộc khóa Navy Pensacola.

    Để lấy lại tinh thần hăng say chiến đấu của hoa tiêu, Thảo “nâu” lập tức bày ra một chiến dịch thi đua giữa Phi Long và Phượng Hoàng; trong vòng 6 tháng, phi đoàn nào đạt được nhiều giờ bay nhứt, mà không gây tai nạn nào thì thắng cuộc. Nhơn dịp này, tháng nào hoa tiêu cũng kiếm được trên dưới 100 giờ bay mỗi người. Sau mỗi phi vụ hành quân, thì phi tuần tiếp tục bay huấn luyện cho đủ 2 tiếng, rồi mới bắt đầu về đáp.

    Nhưng rồi vận số đen vẫn còn đeo đuổi các Phi Long: Vài tháng sau đó, Chương tử nạn trong một phi vụ liên lạc, phi cơ đâm thẳng sâu xuống đáy biển Phan Thiết.

    Ông Thảo rời Phi đoàn sau lần Bắc Phạt thứ ba, và sau này là Đ/tá Không đoàn trưởng KĐ92CT đóng tại Phan Rang, và hiện giờ đang sống ở tiểu bang Utah. Còn ông Anh thì đi F-5, sau này làm Phi Đoàn Trưởng phi đoàn nghênh cản F-5E PĐ538 Hồng Tiễn đóng tại Đà-Nẳng. Hiện giờ ông đang sống ở Fountain Valley, California.

    Ông Thảo thường hay nói đùa rằng: Ông là người Nam đầu tiên đã chỉ huy một đơn vị toàn người Bắc. Thật vậy, những tên có đính kèm (B) đằng sau, là dân “Bắc kỳ chính cống”, và nếu chúng ta thử đếm thì thấy có trên 20 người Bắc với một quân số chưa đến 30 người lúc bấy giờ. Một sự ngẫu nhiên thật là ngộ nghĩnh (!).

    - Tr/úy Lê Quốc Hùng, Tây lai, là Phượng Hoàng đen và Tr/úy Quách Thanh Dần là Phượng Hoàng Deoda có thể nói là những tay yểm trừ được vận số đen của phi đoàn lúc bấy giờ. Hùng có thân hình cao quá tầm, trên 1,8m (6ft) đối với người Việt. Ông là thủ môn nổi tiếng cho đội tuyển túc cầu Không Quân. Ông đã theo học nguyên khóa huấn luyện SVSQ-KQ Hoa Kỳ (Air Cadets) tại Graham AB, Marianna, FL. Sau 4 tháng huấn luyện về văn hóa (academic), thể lực (physical) và quân sự (military), ông được đưa qua Trường Phi hành học bay vỡ lòng trên phi cơ T-34 Mentor. Hết giai đoạn này, ông qua Moody, AFB, GA để học khóa căn bản phi hành UPT (Undergraduate Pilot Training) trên phi cơ T-28A Trojan. Tốt nghiệp được gắn cánh bay bạc của USAF, ông được chuyển qua Hải Quân Hoa Kỳ để học khóa cao đẳng phi hành (advanced training) trên phi cơ T-28B/C chong chóng có 3 cánh và AD-6 Skyraider ở VT-30, Corpus Christi, TX, rồi thực tập tác chiến với Phi đoàn VA-122 Flying Eagles ở Căn cứ Bay HQHK NAS Fallon, NV và NAS Moffett Field, CA.

    Năm 1964, Ông qua Thái-Lan học căn bản phản lực trên T-33, học lớp Chỉ huy Tham mưu SOS, tại Maxwell AFB, AL (1967), học lớp huấn luyện viên phi cụ IPIS tại Randolph AFB, TX (1970) và Khóa Chỉ huy Tham mưu Liên quân tại Căn cứ Long-Bình (1974). Hùng tham dự rất nhiều phi vụ hiểm nguy như Bắc Phạt (1965), đáp bụng (crash) ở Mimot (1971) vì phi cơ bị trúng đạn phòng không địch, bể thùng dầu tại Mặt trận Kreg bên Cam-Bốt, nhảy dù ở Mặt trận Quảng Trị (1972) cũng bị phòng không địch hạ. Ông được lên làm Liên đoàn trưởng LĐ23TC, rồi lên Tr/á Không đoàn phó KĐ23CT (1973). Ngoài ra, ngày 30-4-75, ông đã đưa vợ con lên một C-130 đi thoát nạn, còn ông thì kẹt ở lại, phải gánh chịu 13 năm tù “cải tạo” cộng sản ở Long Giao, Suối Máu, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Quang, Z-30A Xuân-Lộc.

    - Nhưng rồi Đ/úy Nguyễn Văn Lê về làm Chỉ huy trưởng, thì Hùng đi học khóa Chỉ huy Tham mưu SOS tại Maxwell AFB, AL, Hoa Kỳ (1967). Mãn khóa, Hùng về lại phi đoàn, làm phó cho Lê, còn Dần thì đi F-5 đợt hai. Cho đến đầu 1970 Th/tá Hùng mới chánh thức lên nắm phi đoàn, là vị chỉ huy trưởng thứ 6 lúc phi đoàn ăn mừng Sinh Nhựt thứ 6, có sự tham dự của ca sĩ Phương Dung đở đầu đơn vị. Ông Lê lên làm Tham Mưu Phó An Phi SĐ3KQ; và cuối cùng là Đ/tá Tham mưu phó Hành quân SĐ3KQ, qua đời ở Nam Cali.

    - Lâm Văn Phận đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch giải tỏa Thủ đô Sài-Gòn vào những ngày Tết Mậu Thân.
    Sau trận này thì phi đoàn được ân thưởng thêm một ADBT với Nhành Dương Liễu và đơn vị được đeo Dây Biểu Chương màu Anh Dũng (vàng với đốm đỏ).

    - Nguyễn Văn Phong tự “Phong say” là Phượng Hoàng 41, sau khi học Master of Safety Management ở University of South California, thì về với Phi Long. Sau cùng Th/tá Phong là Trưởng Phòng An Phi KĐ23CT, hiện đang sống ở Seattle, WA.

    - Đ/úy Phạm Đăng Cường, người anh hùng với bút hiệu “Người Nhạn Trắng” thuộc dòng dõi Đại Quốc Công Thần Phạm Đăng Hưng, về làm phó cho Hùng một thời gian ngắn, trước khi đi làm phụ tá Sĩ quan Liên lạc KQ tại Trường Sinh Ngữ Lackland AFB, Texas. Ông thuộc khóa Pensacola Navy đầu tiên, đã tiên phuông đi Bắc Phạt trong Chiến dịch Flaming Dart I. Đi F-5 đợt nhì, cuối cùng thì Tr/tá Cường biệt phái về Bộ Quốc Phòng, để nhận nhiệm vụ Sĩ Quan Tùy Viên Quân Sự của VNCH. Nếu tính từ ông Nam, thì Cường là vị CHP thứ 9 lúc phi đoàn mới vừa tròn có 6 tuổi thôi. Ông đã tử nạn ở Houston,TX.

    Khóa 63 mãn khóa 34th TAC, là khóa cuối cùng xuyên huấn A-1 tại VN, về PĐ518 có:
    - Th/tá Bùi Quang Minh(B) “Minh Bi Cuy” đi hành quân bằng A-37 bị địch bắn trọng thương bên mắt trái,
    - Th/úy Bùi Văn Sơn “Sơn Bi” thiếu sức khoẻ phi hành, về PHQCC/ KQ (War Room), hiện đang ở Texas,
    - Th/tá Nguyễn Quang Hiển “Hiển đầu bạc” là Hổ Cáp 01 trong lúc Tr/tá Hồ Viết Thanh đi học Long-Bình, hiện đang sống ở OC, CA
    - Th/tá Nguyễn Minh Tâm đi F-5, hiện đang ở Arizona,
    - Đ/úy Nguyễn Xuân Dũng (B) “Dũng mặt xanh” đi F-5, rồi qua Air Vietnam,
    - Th/tá Nguyễn Hữu Hiệp(B) “Hiệp què” bị thương không bay được đành phải đổi chỉ số,
    - Th/tá Nguyễn Văn Ninh(B) “de Gaulle” bị trúng SA-7 vào đầu 1973, nhảy dù ở Cai-Lậy, bị địch bắn theo tử thương. Ch/tướng Nguyễn Khoa Nam Tư lệnh SĐ7BB ra lệnh cho binh lính tìm lấy xác.
    - Th/úy Trần Thanh Long “Long TiTi” bị bắt làm tù binh 1970 khi Ông làm Đ/úy TPHQ PĐ530 Thái Dương. Th/tá Long hiện sống ở San Diego, CA
    - Th/tá Nghiêm Ngọc Ẩn là Phi Hổ 02, hiện đang sống ở Texas.
    - Tr/tá Dương Bá Trát qua làm Phi đoàn trưởng PĐ514
    - “ông già” Cẩm Văn Hoành (63F) sau cùng là Th/tá, hiện cùng gia đình sống ở Michigan.

    Đến Cố vấn Phi đoàn cũng là những nhân vật đặc biệt như hai vị cố vấn đầu tiên:
    - Maj. Greene khi hết nhiệm kỳ trở về Mỹ làm X.O.(Executive Officer) người số hai của Trường Phi Hành ở Hurlburt Field, FL.
    - Maj. Mike Miller khi về nước đã sung vào Đoàn Phi Diễn nổi tiếng “Thunderbirds” của Không Lực Hoa Kỳ.

    Phi đoàn lần lượt gởi người đi xuyên huấn A-37, F-5, rồi bổ sung quân số cho phi đoàn tân lập PĐ530 Thái Dương ở Pleiku.

    - Dương Bá Trát thuộc khóa 63A Navy, là người ở lại khắn khít với phi đoàn lâu hơn hết. Ông bò từ EE (élève équipier), EC (équipier confirmé), EMC (élève moniteur de chasse), MC (moniteur de chasse), ECP (élève chef de patrouille), lên tới CP (chef de patrouille) và từ Th/úy phi đội viên lên đến Th/tá Phi đoàn phó, tham gia mọi sinh hoạt, mọi cuộc hành quân của phi đoàn, đã từng vào sanh ra tử cùng với các Phi Long khác, đi biệt phái mọi nơi với phi đoàn, để rồi người anh hùng trầm lặng này qua nắm PĐ514 với cấp bậc cuối cùng là Tr/tá Phi đoàn trưởng. Hiện tại ông đang sống với vợ con tại Bothel, WA.

    Trường Phi hành Hurlburt ở Florida, với Phi đoàn Huấn luyện 4407th CCTS (Combat Crew Training Squadron), vào năm 1966 đã nhận lãnh trách nhiệm đào tạo phi công khu trục cánh quạt bay A-1 Skyraider cho cả USAF lẫn VNAF. Khóa đầu tiên dạy SVSQ-KQVN Khóa 64 vừa mới ra trường Randolph lớp 66G. Khóa này mãn vào đầu 1967. Về phi đoàn chỉ có 2 người:

    - Th/úy Võ Nhật Quang chỉ 6 tháng sau, thì đã hy sinh trong phi vụ hành quân tại vùng Đức Hòa-Đức Huệ.

    - Th/úy Nguyễn Gia Tập, thủ khoa lớp 66G Gold Class ở Randolph, TX và khóa I Khu trục tại Hurlburt Field, FL. Năm 1971 Đ/úy Tập đi Sĩ quan Liên lạc tại Keesler AFB, MS, là trường phi huấn căn bản UPT bay T-28. Mãn nhiệm kỳ, ông về làm ở Phòng Đặc trách/ TMPHQ/ KQ. Ngày 30-4-75 sau khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Th/tá đã anh dũng tử tiết trong Căn cứ KQ Tân Sơn Nhứt bằng khẩu Colt 45 của Ông.

    - Th/úy Dương Thiệu Chí về PĐ520, nhưng vào 1969, khi mấy người già đi A-37 thì Chí mang Tr/úy trở về với các Phi Long, rồi thì cũng đi A-37 với người ta. Cuối cùng Th/tá Chí đang sống với gia đình bên miền Đông Hoa Kỳ.

    Khóa 64 KQ có những anh đi Pensacola học quân sự và bay với Hải Quân Hoa Kỳ (Navy) và một số khác học Khóa Quan sát ở Nha-Trang nên qua Hurlburt sau, học chung với những đàn anh đã bay L-19 rồi và về đơn vị trễ hơn người ta.

    Khóa 64 SVSQ-KQ đi học Navy có:
    - Đỗ Tín tử nạn ngay trên phi đạo Biên-Hòa, khi lần đầu tiên sử dụng hệ thống Yankee-System, dù không bung (1967)
    - Th/tá Lê Văn Sang TPHQ, qua đời tại Pensacola, Florida
    - Th/tá Lê Hưng Long SQHL, qua đời tại VN sau 10 năm tù cải tạo CS.
    - Lê Thuận Lợi, sau cùng là Th/tá SQAP PĐ514, đang ở San Jose, CA
    - Cẩn Thanh Cát đã hy sinh trong một phi vụ hành quân ở Pleiku.
    - Th/tá Nguyễn Văn Xê làm ở Phòng An Phi Không Đoàn, qua Mỹ theo diện HO và đang ở San Diego, CA
    - Th/tá Nguyễn Ngọc Lành là Phi đội trưởng, đang sống ở Pensacola, Florida.

    Khóa 64 SVSQ-KQ đi học Air Force có:
    - Phạm Ngọc Hà được quen biết dưới bí danh “Hà Ali”, có một biệt tài mà không ai có thể học được. Ông rất lanh tay lẹ chân và còn có đai đen Nhu đạo nữa. Một mình tay không, Ông đã hạ được tên cướp có súng trong rừng cao su dọc Xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa. Th/tá Hà hiện tại đang sống cùng gia đình ở Oregon.
    - Th/tá Nguyễn Duy Bảng qua đời ở Florida.
    - Nguyễn Khoa Hoài, sau cùng là Th/tá Trưởng Khối Huấn luyện Trường Phi hành T-37 Phan Rang, đang sống ở Montbéliard, miền Trung-Đông Pháp.
    - Nguyễn Duy Vinh đã hy sinh tại chiến trường Cam Bốt năm 1971.
    - Nguyễn Văn Tùng “con” làm crash ở Mimot được FAC Từ Bá Đạt người bạn Thanh Xà (danh hiệu PĐ112) lúc trước, đáp xuống và pick up, chở ba về. Sau cùng ông là Th/tá Phi đội trưởng. Hiện tại Tùng bị tai biến mạch máu não hơn năm năm, sống ở Gretna, LA.

    Khóa 65 SVSQ-KQ đi học Air Force có:
    - Đ/úy Lê Văn Long “vọng cổ” năm 1990 qua Mỹ theo diện HO. Có người gặp Ông sống một mình ở miền Đông Hoa Kỳ.
    - Đ/úy Phan Công Định (65A) là wingman của anh hùng Trần Thế Vinh trong phi vụ cuối cùng. Th/tá ở lại VN sau khi đi tù cải tạo CS
    - Th/tá Võ Tống Linh “lào”(65A) đi A-37 ở Phù Cát, hiện đang ở San Jose, CA
    - Nguyễn Văn Chín tự “Chín đầu trâu” học cùng khóa và cùng thầy (Maj. Meyer) trên A-1 với anh hùng Trấn Thế Vinh, sau cùng là Th/tá Phi đội trưởng Phi đội I kiêm Sĩ quan Phi lệnh, đang sống ở Minnesota.
    - Đ/úy Phan Quang Tuấn tự “Tuấn khùng” đã hy sinh trong trận Quảng Trị, mùa Hè Đỏ Lửa 1972, một ngày trước Trần Thế Vinh. Thân phụ của ông là BS Phan Quang Đán xuất thân từ Học viện Harvard, làm Quốc Vụ Khanh rồi Phó Thủ tướng đặc trách Kế hoạch Hậu chiến trong nội các của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm.
    - Đ/úy Phạm Đình Phùng “gáo đờn” năm 1970, bổ sung cho phi đoàn tân lập qua đời ở Texas.
    Ba người trên đây thuộc khóa 65, về với PĐ514 năm 1967 sau khi ra trường Hurlburt, rồi bay quan sát với PĐ112, trước khi về PĐ518.

    - Th/tá Lê Bình Liêu đi Pleiku, hiện đang ở Oklahoma City, OK
    - Trương Phùng thuộc khóa L-5 Quan Sát, được tuyển chọn đi khu trục ở Hurlburt, về nước bay quan sát với PĐ110 trước khi về PĐ518.
    - Nguyễn Văn Hai “còi” thuộc khóa 65D được đi Mỹ học bay khu trục như các bạn cùng khóa kể trên, nhưng khi về nước thì bị sung ngay vào PĐ112 Quan sát. Đến 1969, Tr/úy Hai được trả về PĐ514 thì bị đổi đi bổ sung quân số cho phi đoàn tân lập PĐ530 Thái Dương ở Pleiku. Sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 thì ông là người đầu tiên trong khóa được mang cấp bậc Thiếu tá, chứng tỏ là ông đã âm thầm lập được nhiều chiến công và được thăng cấp nhanh như thế. Sau cùng thì ông về với PĐ518 và hiện sống cùng với gia đình tại San Jose, CA.

    Khóa 65A SVSQ-KQ đi học Navy có:
    - Cố Đ/úy Huỳnh Văn Lài đã hy sinh trong một phi vụ hành quân ở Chiến khu C, Bắc Tây-Ninh năm 1970
    - Th/tá Nguyễn Công Phúc ‘Gandhi’ đang ở Virginia
    - Th/úy Phạm Công Thành tử nạn ở Biên Hòa
    - Cố Tr/úy Tăng Tấn Tài đã hy sinh trong phi vụ hành quân đầu tiên khi mới ra MC ở Mỹ Tho.

    Để tạo áp lực trên bàn Hội nghị Paris, Cộng Sản Bắc Việt ào ạt xua quân lấn chiếm Miền Nam qua ba ngõ: Quảng Trị, Bình Long và Kontum. Tại Đông Hà-Quảng Trị, vào ngày 29-3-1972, địch quân xung trận với nhiều chiến xa và cả đoàn công-voa Molotova nối đuôi nhau dài trên 3km, thừa cơ hội thời tiết mùa này, buổi sáng lúc nào cũng có sương mù dầy đặc, A-37 không thể nào chính xác diệt từng chiếc được.

    Th/tá Lê Quốc Hùng được lệnh điều động ngay một biệt đội (dispositif) gồm 12 phi cơ A-1, 20 phi công và chuyên viên kỹ thuật từ căn cứ Biên Hoà ra Đà Nẵng. Lập tức hôm sau Đ/úy Dương Bá Trát, phi đoàn phó, dẫn 3 phi tuần nặng đáp Đà-Nẵng, và được quân báo thuyết trình về tình hình trên mục tiêu. Ngày tiếp theo Th/tá phi đoàn trưởng cùng với 7 phi công còn lại và chuyên viên kỹ thuật ra bằng C-47.

    Ngay buổi trưa hôm đó trời bắt đầu sáng sủa dần, cứ mỗi lần 2 chiếc, cả 12 phi cơ biệt phái lần lượt lên trời và hướng về mục tiêu duy nhứt Đông Hà. Ngày đầu ra quân rất tốt đẹp, mười mấy tăng và rất nhiều xe Molotova của địch bị loại khỏi vòng chiến.

    Qua ngày thứ hai thì các phi tuần cất cánh vào sáng sớm. Phòng không địch bắt đầu bắn lên xối xả từ mọi phía. Th/tá Hùng oanh kích nhiều chiến xa ở 6 cây số về phía Tây Bắc Ðông Hà. Phi cơ của ông bị trúng đạn, ông cố lái ra khỏi mục tiêu, phi cơ mất dần cao độ và cuối cùng bốc cháy. Ông nhảy dù và lái chiếc dù về phía Nam Ðông Hà. Địch bắn theo chiếc dù nhưng ông may mắn được quân bạn tiếp cứu kịp thời. Th/tá Đàm Thượng Vũ, Phi đoàn trưởng F-5 bay ra rước ông về Thủ Đô để hôm sau ông lên Đài Truyền Hình VN tường thuật lại “Tình Hình Chiến Trường”.

    Qua ngày thứ ba Đ/úy Phan Quang Tuấn tiếp tục truy kích địch vào khu rừng phía Tây Đông Hà. Sau khi hạ được nhiều chiến xa trong mạng lưới phòng không địch thì ông bị mất liên lạc trên vô tuyến. Thời tiết bắt đầu xấu trở lại nên không có phi vụ nào cất cánh vào ngày sau đó. Tuấn bị mất tích (MIA) kể từ đó.

    Sáng 9-4-72 Đ/úy Nguyễn Ngọc Lành dẫn phi tuần cất cánh đầu tiên đi Đông Hà giải vây Căn cứ Phuợng Hoàng ở phía Tây Căn cứ Ái Tử của TQLC bạn. Theo sau là phi tuần của Đ/úy Nguyễn Văn Chín.

    Phi tuần thứ ba do Đ/úy Trần Thế Vinh dẫn. Thời tiết hôm nay quá tệ, trần mây chỉ vừa đủ để dự kích* ngòi nổ của bom (to arm the bomb fuze/ amorcer le détonateur). Sau khi thả hết bom Vinh còn cho phi tuần tiếp tục thanh toán mục tiêu bằng đại bác 20 ly. Phi cơ ông bị trúng đạn phòng không của địch, bốc cháy. Ông nhảy dù nhưng không thấy dù mở ra. “Anh Hùng Diệt Tăng Địch” đã đền nợ nước. Hình của ông được họa lớn ra và treo trong công viên trước mặt Toà Đô Chính Sài Gòn. Giọng ngâm bài thơ “Tưởng Niệm Đại Úy Không Quân Trần Thế Vinh” của ca nghệ sĩ Hồng Vân, Ban Tam Ca Đông phương và tiếng hát của ca sĩ Thanh Tuyền trong bài “Vòng Hoa Cho Trần Thế Vinh” đã làm nhiều người cảm thương rơi lệ. Rồi đến nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cũng đã ra bài “Vinh Thăng Cho Một Loài Chim” để tưởng nhớ ông.

    - Cố Thiếu tá Trần Thế Vinh thuộc khóa 65A SVSQ/ KQ, học lớp UPT (T-28 Air Force) Randolph cuối cùng trước khi trường dời về Keesler AFB, Miss. Ông là thủ khoa lớp 67 Hurlburt, xuất sắc cả ba môn văn hóa (academic), phi huấn (flying) và tác xạ (top gun). Thầy của ông là Maj. Meyer từng dạy không biết bao nhiêu học trò ở đủ thứ quốc gia, đã công nhận ông thật sự là một thiên tài của ngành bay (a talent for flying/ un as du ciel), lúc đó ông mới 19 tuổi. Ông về phi đoàn trong lúc tình hình chiến sự sôi động nhứt, tháng 5/67 Việt cộng lần đầu tiên pháo kích bằng hỏa tiển 122 ly, rồi đến Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 68-69, Chiến dịch ngoại biên Kampuchea70, Mùa Hè Đỏ Lửa 72.

    Chiến thắng này đã đem lại cho PĐ518 được thêm 1 ADBT Nhành Dương Liễu, nâng tổng số huy chương cho đơn vị là 4 cái, và cho phép mang Dây Biểu Chương màu Quân Công (xanh lục với đốm vàng). Th/tá Lê Quốc Hùng được lên làm Liên đoàn trưởng Tác chiến.

    Th/tá Nguyễn Quan Vĩnh từ PĐ514 qua làm phi đoàn trưởng. Vĩnh mới thật sự là người chỉ huy mát tay, vì từ khi ông bỏ các Phượng Hoàng để qua nhận lãnh trách nhiệm cao hơn, làm phi đoàn trưởng PĐ518 Phi Long, thì các cánh chim Phượng Hoàng lần lượt rụng như sung, còn Phi Long thì thoát được nhiều phen hiểm nghèo:
    - Lành đánh Napalm ở Bến Cát bị trúng SA-7, sử dụng Yankee-Syst và giựt dù còn đem D-ring về. Ông được Đ/tá Tường mực Sư đoàn phó, từ một trực thăng CNC đáp xuống cứu vớt ngay.
    - Chuyên lùn bay hành quân đêm trên Bình Long, nghe phi cơ loạng choạng, cũng giựt Yankee-Syst, nhưng hỏa tiễn không kích hỏa, ông cố đem tàu về đáp an toàn.
    - Th/tá Nguyễn Tấn Thọ sau lần làm Sĩ quan Liên lạc ở Hurlburt về làm SQHL PĐ518, rồi lên Huấn Luyện KĐ, rồi Huấn Luyện Sư đoàn. Hiện tại gia đình ông đang ở Atlantic City, New Jersey.

    Mấy đơn vị trưởng khác không nghĩ ra, mà Vĩnh đã nhái theo PĐ514 lập ra Quyển Sổ Vàng để lưu niệm những lời khen của các vị khách quí khi họ đến viếng đơn vị. Nhờ Th/úy Trương Hòa Thành khóa 72 Hurlburt, là cựu sinh viên Đại học Kiến trúc, ra tay trang trí thật đẹp. Khi trình “Sổ Vàng Đơn Vị” lên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Tonton khen là Quốc Huy trong sổ vàng còn đẹp hơn cái để trên bàn viết của ông.

    Quốc Huy Việt Nam Cộng Hoà dưới thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và
    Trần Văn Hương. Tới khi ông Dương Văn Minh được bàn giao chức vụ, ông
    lập tức thay bằng hình bông lan.





    Vĩnh còn làm thêm một trận chót trước khi A-1 Skyraider bị đình động. Chiến thắng Rạch Bắp đã đem lại cho đơn vị cái Palme thứ năm, và ông được đặc cách mặt trận lên Trung tá thực thụ có kèm ADBT Nhành Dương Liễu.

    Trong lúc phi cơ bị đình động, các hoa tiêu trong phi đoàn được gởi đi xuyên huấn A-37 hoặc F-5. Ngoài ra trong tình thế nguy cấp về an ninh căn cứ, Ch/tướng Huỳnh Bá Tính Tư lệnh SĐ3KQ ra lệnh cho Tr/tá Vĩnh tiếp tay với Tr/tá Lý Thành Ba để tăng cường phòng thủ phi trường.

    Khóa 68 SVSQ-KQ:
    - Lân lên làm ở HQCC
    - Đ/úy Nguyễn Văn Nghĩa từ Pleiku về
    - Đ/úy Đoàn Công Quận đang ở Florida
    - Tr/úy Nguyễn Văn Đặng “Phi Long nhí” đi IP T-37 về, đổi ra Trường Phi hành Phan-Rang, hiện đang ở Minnesota

    Khóa 69 SVSQ-KQ:
    - Tr/úy Danh “mọi” qua đời ở Houston circa 80
    - Đ/úy Trần Văn Phúc, “Phúc ói” đang ở OC,CA
    - Tr/úy Phạm Minh Xuân, “Xuân mũi đỏ” đi Pleiku, hiện đang ở miền Đông Hoa Kỳ
    - Tr/úy Phạm Nam Sơn “ske” đang ở N. Carolina
    - Tr/úy Nguyễn Thành Bá
    - Tr/úy Lê Bính Tuất “ngủ” đi IP T-37 và đổi ra Trường Phi hành Phan-Rang

    - Th/úy Nguyễn Tài Cơ tờ mờ sáng 29-4-72 đã cất cánh cùng với Hai “còi” đi yểm trợ tiếp cận cho SĐ22BB tái chiếm ngọn đồi Chu Pao, khai thông QL-14.
    Khi xuống thấp để thả Napalm thì phòng không địch bắn trúng thùng đạn bên cánh trái. Đạn nổ xé rách cánh phi cơ làm mất điều khiển, Cơ phải nhảy dù. Hai trực thăng của PĐ229 Lạc Long vào tiếp cứu, chiếc số 1 của Tr/úy Tuấn “L” rớt, chiếc số 2 của Tr/úy Vinh “râu” bị hư hại nặng phải đáp ở Căn cứ Dù Võ Định. Cố vấn trưởng Vùng II John Paul Vann phải đích thân đáp chiếc OH-58 “Kiowa” trực thăng riêng của ông để xuống cứu vớt. Hiện tại Tr/úy Cơ cùng với gia đình đang ở Milpitas, CA.

    - Ngày 8-6-1972, trong một phi vụ yểm trợ tiếp cận ở Mặt trận Trảng Bàng, Th/úy Nguyễn Tứ Đức “sữa” thả Napalm theo sự chỉ dẫn của Bộ Binh dưới đất, đã bị Phóng viên Chiến trường của AP Nick Út chụp được và để lại bức ảnh lịch sử. Hiện giờ Tr/úy Đức đang cùng gia đình sống ở San Jose, CA.

    Khóa 70 SVSQ-KQ:
    - Tr/úy Phạm Văn Lượm “mực”
    - Tr/úy Trương Hòa Thành bị bắn rơi ở Gò Dầu Hạ khoảng tháng 3/73
    - Tr/úy Lê Văn Bé “bé bựa”
    - Tr/úy Nguyễn Ngọc Điệp, có người gặp ở Houston circa 1976
    - Th/u Nguyễn Quang Hùng (nhà ở đường Lê Văn Duyệt, Hòa Hưng) tử nạn khoảng tháng 6/72 khi đáp xuống Biên Hòa


    Lớp 72-4A là lớp cuối cùng của Trường Phi hành Hurlburt Field, Florida và nhận huấn luyện SVSQ-KQ Khóa 70:

    - Th/úy Đinh Văn Đức
    - Tr/úy Trần Văn Khiến “già”
    - Th/úy Nguyễn Văn Chuyên “lùn” đang sống ở Westminster, CA
    - Tr/úy Hoàng Ngọc Hữu
    - Tr/úy Phạm Đăng Toàn “cu-li” đang ở Oklahoma
    - Tr/úy Nguyễn Thanh Sơn “sịt” đang ở San Jose, CA
    - Th/úy Trần Văn Hiệp xong phi vụ hành quân ở Bình Long, trên đường về, nhảy dù ở phía Đông Lai Khê vì có khói trong phòng lái, bị bắt làm tù binh từ năm 1971. Hiện giờ Tr/úy Hiệp đang sống ở Atlanta.

    Đầu 1974, Phi đoàn lại một lần nữa dời trụ sở qua với PĐ514 ở tòa nhà hành chánh cũ của Bộ Chỉ huy Kỷ thuật Tiếp vận, nhường chỗ cho 2 phi đoàn quan sát PĐ112 và PĐ124. Bây giờ thì 2 phi đoàn khu trục có chung một phòng họp ở trên lầu và một phòng giải trí ở dưới tầng trệt, có quày giải khát, bàn billard và bàn đá banh.

    Đầu 4/1975, PĐ514 và PĐ518 tái hoạt động, biệt phái ra yểm trợ cho phòng tuyến Phan Rang vì CSBV đang tiến vào Nha Trang, sau đó rút về BH, TSN, rồi Cần Thơ, và tiếp tục chiến đấu đến trưa 30/4.


    Khoảng 5:30 sáng ngày 29-4-75, TACC điều động phi tuần A-1 túc trực cất cánh ngay (scramble), Th/tá Trương Phùng đã xông xáo tình nguyện thay thế Tr/úy Phạm Văn Lượm (đang trong tình trạng không được khỏe) đi bay cùng với Đ/úy Trần Văn Phúc. Hai Phi Long đã dũng cảm cất cánh dưới trận mưa pháo của địch. Sau 2 tiếng đồng hồ quần thảo, tiếng pháo giảm dần, nhưng chỉ có Đ/úy Phúc trở về đáp, còn Th/tá Phùng là Phi Long cuối cùng đã anh dũng đền nợ nước trong giờ thứ 25.

    phượnghoàng kimcương
    Với lòng mến mộ các cánh chim Phi Long


    Chú thích:
    *Dự kích là sẵn sàng kích hỏa. Bom có gắn ngòi nổ (fuze/ détonateur) ở trước đầu. Ngòi nổ có một chong chóng nhỏ phía trước. Khi bom được thả ra khỏi phi cơ thì chong chóng đó quay đến
    một số vòng đã set thì sẵn sàng kích hỏa. Đến khi bom (impact) chạm mạnh vào mục tiêu thì ngòi nổ kích hỏa và bom nổ. Chuyên viên vũ khí điều chỉnh ngòi nổ (set the fuze/ régler le détonateur) sao cho chong chóng quay tới một số vòng nhứt định nào đó thì ngòi nổ mới sẵn sàng kích hỏa. Như vậy, nếu như thời gian từ khi bom được thả ra khỏi phi cơ đến khi chạm mục tiêu mà quá ngắn, chong chóng quay chưa đủ số vòng đã ‘set’ thì ngòi nổ không kích hỏa, bom sẽ không nổ khi chạm mục tiêu. Đó là để giữ an toàn cho phi cơ và phi công, khi xuống quá thấp thả bom, thì bom không nổ, tránh được trường hợp bom nổ, miểng bom sẽ văng lên trúng và phá hủy phi cơ, nguy hiểm đến tánh mạng người phi công .

    Biếm họa ở hình bìa là do bàn tay khéo léo của Họa sĩ KQ Phi Hổ CoHuong Vũ họa ra, thường gặp trên mục VNAF Models của canhthep.com
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 05-20-2021, 02:12 AM.

  • #2
    Cám ơn khongquan2 đã tốn nhiều công sức để đưa lên mạng HQPD bài nói về PĐ518 Phi Long với nhiều hình ảnh quí giá tô điểm cho trang sử Không quân VNCH.
    phượnghoàng kimcương
    Last edited by phượnghoàngkimcương; 11-13-2015, 07:41 PM. Lý do: xin đính chánh

    Comment


    • #3
      xin đính chánh về Th/úy Nguyễn Quang Khóa

      Nguyên văn bởi phượnghoàngkimcương View Post
      Cám ơn khongquan2 đã tốn nhiều công sức để đưa lên mạng HQPD bài nói về PĐ518 Phi Long với nhiều hình ảnh quí giá tô điểm cho trang sử Không quân VNCH.
      phượnghoàng kimcương
      Hôm nay phkc nhận được tin của em ruột anh Nguyễn Quang Khóa tức Nguyễn Quang Thành, nên phkc xin đính chánh. Thay vì "Th/úy Nguyễn Quang Khóa hy sinh trong lúc hành quân", xin sửa lại là "Th/úy Nguyễn Quang Khóa sau này đã được đổi ra KQ41CT ở Đà-Nẳng. Sau 1975, với cấp bậc Tr/tá SQ Kế hoạch Hành quân SĐIKQ, anh Khóa đã bị bắt làm tù binh cộng sản tại trại Kỳ-Sơn, Tam-Kỳ, tỉnh Quảng-Nam và tử vong tại đó".

      Comment


      • #4
        cha đẻ của phù hiệu Phi Long.

        Có người hỏì, vậy chớ cha đẻ của phù hiệu Phi Long là ai, phượnghoàng kimcương xin thưa, đó là Phi Hổ Nguyễn Huy Cương, biệt danh là Cương khào

        Last edited by khongquan2; 07-09-2016, 06:43 AM.

        Comment


        • #5
          Xin bổ túc Phi Đoàn 518 Phi Long

          Khoá 67: Th/U Nguyễn Thanh Châu về PĐ 518 vào năm 1970. Sau tai nạn giao thông gần Trung Tâm Giám Định Y Khoa (củ) ở Tân Sơn Nhứt vào mùa hè năm 1971 anh qua LĐ TC KĐ 23 CT.
          Khoá 68:A &B Khoá 71-01 tại Hurlburt Field-Florida


          Hàng đứng từ bên trái:
          - Th/u Nguyễn Tiến Thuỵ về PĐ 514 vài tháng sau,cùng Thống (Võ), Hùng Đ, Độ, Châu, HùngN và Phúc đi Pleiku, ngày 29/4/1975 Đ/u Thuỵ cùng với Th/Tá Hồ Ngọc Ấn từ Cần Thơ hay lên để bảo vệ Sài-Gòn.
          - Th/u Đặng Ngoc Độ (K68A) về PĐ 514 rồi PĐ 530 trước khi về BTLKQ.
          - Th/u Phan Ngọc Hưỡng (K68A) về PĐ 514 rồi sang HQCC/KĐ 23 CT.
          - Th/u Đinh Bá Hùng về PĐ 514 rồi 530 và mất tích sau tháng 4/75.
          - Th/u Võ Thành Thống (K68A) về PĐ 514 rồi 530..
          - Đ/U Hồng Khắc San, SQLL ở Hurlburt, TPHQ của PĐ 530 trước khi về Phòng ĐTKT/BTLKQ.

          Hàng ngồi từ bên trái:
          -Th/u Lê Xuân Châu (K 68B) về PĐ 518 trước khi lên PĐ 530.
          - Th/u Trần Văn Phúc(K68A) về PĐ 514 đi Pleiku rồi trở lại PĐ 518 vào tháng 4 năm 74.
          - Th/u Nguyễn Văn Đặng K68A Thủ Khoa K70-08 ở Keesler, sau năm 73 làm HLV A-37 ở Phan Rang.
          - Th/u Lê Hoàng Thống (K68A) về PĐ 514.
          - Th/u Nguyễn Ngọc Hùng(K68A) tự Hùng Hynos về PĐ 518 rồi 530 và hy sinh vì Tổ Quốc trong phi vụ giải toả đỉnh Chu Pao ngày 21/5/72.
          Last edited by khongquan2; 10-02-2016, 12:32 AM.

          Comment


          • #6
            PHẠM PHÚ QUỐC bị mật vụ... rút móng!!!

            Trong một email gửi cho chúng tôi, cựu Trung tá Trần Mạnh Khôi, nguyên Phi đoàn trưởng Phi Đoàn 548 “Ó Đen”, vốn xuất thân là một Phi Long, đã kể lại “huyền thoại Phạm Phú Quốc bị rút móng” như sau:

            Sau khi bị bắt, Phạm Phú Quốc dù bị giam, nhưng được đối đãi tử tế; song đã có rất nhiều tin đồn, cộng thêm với một số tờ báo bất lương đã tuyên truyền rằng:

            “Phạm Phú Quốc đã bị hành hạ, tra tấn, đánh đập suốt cả ngày lẫn đêm, không cho ăn, không cho ngủ, đã bị mật vụ dùng kìm rút hết mười móng tay và mười móng chân…”


            Khi chúng tôi về nước vào tháng 7/1964, vào trình diện Trung Tá Quốc lúc này là Tư lệnh phó KĐ23CT, trình diện xong cứ ngần ngừ không muốn rời khỏi phòng thì ông đã bật cười và đưa hai bàn tay ra cho chúng tôi xem vì hồi đó có tin đồn là mấy ngón tay của ông bị chặt cụt!!!

            * * *

            Ngoài ra, NT Trần Mạnh Khôi còn gửi cho chúng tôi một tấm hình tuy hơi mờ nhưng rất hiếm quý, chụp 9 hoa tiêu khu trục của 518 vào cuối năm 1964.

            Hàng đứng, từ trái: các Thiếu úy Trần Manh Khôi, Lại Quốc Ấn, Nguyễn Đức Chương, Trịnh Bửu Quang,
            Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Hải, và Bùi Văn Sơn.
            Ngồi: Trung úy Nguyễn Quốc Thành (bên trái,
            người có nhiều giờ bay A1-H nhất tính đến năm 1975 ), và Thiếu úy Đào Công Trực.
            Last edited by Nguyen Huu Thien; 05-20-2021, 07:00 AM.

            Comment



            Hội Quán Phi Dũng ©
            Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




            website hit counter

            Working...
            X