50 năm sau Sổ tay viết lại: Thời Gian Hấp Hối ...

Collapse
X

50 năm sau Sổ tay viết lại: Thời Gian Hấp Hối ...

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts
  • dnchau
    Super Member

    • Feb 2009
    • 1814

    50 năm sau Sổ tay viết lại: Thời Gian Hấp Hối ...

    50 năm sau Sổ tay viết lại: Thời Gian Hấp Hối của Việt Nam Cộng Hòa (kỳ 1)

    Đinh Từ Thức

    Báo Chính Luận, số đề ngày Thứ Tư, 19-3, 1975, phát hành chiều 18-3.
    Điều đáng chú ý trong hình trên đây: Tuy quân dân Kontum-Pleiku đã bi thảm ra đi từ đêm 16 tháng 3, đến sáng ngày 18-3, phát ngôn viên quân sự vẫn tuyên bố tại Saigon: VNCH không bỏ Kontum-Pleiku.


    Lời dẫn: Trước tháng Tư 1975, người viết phụ trách mục Sổ tay, xuất hiện hàng ngày trên nhật báo Chính Luận, Sài Gòn; lúc đầu ở trang 3, với bút hiệu Sức Mấy. Về sau, mục này được chuyển lên trang 1, vẫn gọi là Sổ tay, bút hiệu đổi thành Cự Môn. Sổ tay ghi lại đủ thứ chuyện lớn nhỏ xảy ra hàng ngày, thuộc mọi lãnh vực, từ chuyện đứng đắn tới tào lao, chuyện khóc, chuyện cười, cả những chuyện cười ra nước mắt. Kèm theo các sự việc thường có lời bình của người viết.

    Nửa thế kỷ đã trôi qua. Một thời gian khá dài, nhiều người trưởng thành sống vào thời đó nay đã ra đi, ai còn lại quên nhiều hơn nhớ. Trong mùa kỷ niệm một biến cố lịch sử làm thay đổi cục diện cuả cả một dân tộc, người viết muốn viết lại mấy kỳ Sổ tay từ 50 năm trước. Không phải chép lại những gì đã viết, mà ôn lại những gì đáng nhớ, đã xảy ra từ nửa thế kỷ, vào giai đoạn cuối cùng của VNCH. Và đôi khi, cũng ghi lại cả những gì đang xảy ra 50 năm sau ở Mỹ. Có những điều Sổ tay hồi đó không ghi, mà bây giờ nên nhớ. Có những điều diễn ra bây giờ, mà quen thuộc như chuyện năm xưa.

    Xin cảm ơn rất nhiều bạn Võ Phi Hùng, cựu học sinh Petrus Ký (67-74), người đã bỏ công scan lại những tờ báo thời VNCH từ microfilm của Đại Học Cornell, đem tặng Kho Sách Xưa Quán Ven Đường của Chủ Quán Huỳnh Chiếu Đẳng. Nhờ những công lao bất vụ lợi quý hiếm này mà người viết đã có chất liệu cần thiết cho Sổ tay viết lại. Cũng đặc biệt cảm ơn hai nhân vật vô cùng quan trọng, tuy không còn nữa, nhưng công lao của họ sẽ còn lại mãi với lịch sử những ngày cuối cùng của VNCH. Đó là nhà báo dân sự Nguyễn Tú, và nhà báo quân đội Phạm Huấn.

    Nguyễn Tú đã hoạt động chính trị với các lãnh tụ đảng Đại Việt trước khi làm báo. Bác sĩ Đặng Văn Sung, chủ báo Chính Luận, cũng xuất thân từ Đại Việt nên Nguyễn Tú có một vị thế đặc biệt, không giống các nhà báo thường. Nguyễn Tú muốn đi đâu thì đi, muốn viết gì thì viết, theo cái nhìn và lương tâm của mình; không theo phân công của bộ biên tập, không bắt buộc bao lâu phải viết một bài. Ông không thích ra trận với cấp chỉ huy, mà thích đi hành quân với lính và trà trộn với dân để biết rõ sự tình.

    Phạm Huấn là sĩ quan cấp Tá, xuất thân từ các trường võ bị Việt và Mỹ, luôn cận kề với các tướng lãnh cao cấp, nhưng không chiến đấu bằng vũ khí, mà bằng ngòi bút. Cuối năm 1974, đang là thành phần của Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên và 2 Bên; một cơ cấu ra đời từ Hiệp Định Hoà Bình (giả) Paris 1973, ông được Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II, chọn làm phụ tá báo chí. Phạm Huấn đã ghi lại được mọi quyết định quan trọng của vị Tư Lệnh Chiến Trường Vùng II, không những từng ngày, mà từng giờ, từng phút, cho đến khi ông Tướng Quân Đoàn thành tướng không quân.

    Đọc Nguyễn Tú biết được niềm hy vọng, nỗi băn khoăn và sự cực khổ, tìm sống trong cõi chết của lính, của dân. Đọc Phạm Huấn biết được ai ra lệnh, ai thi hành, và vì đâu nên nỗi. Nếu đọc một nguời, chỉ biết được nửa sự thật. Cần đọc cả hai để biết được toàn cảnh thời gian hấp hối của VNCH nửa thế kỷ trước. Sổ tay viết lại làm công việc nối kết những bài viết của Nguyễn Tú về Kontum-Pleiku bi thảm ra đi trên Chính Luận cuối tháng 3, 1975, và những gì Phạm Huấn ghi lại trong cuốn Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên xuất bản năm 1987, và đã tái bản nhiều lần.


    ***

    Bắt đầu từ đâu? Đã định lấy vụ Cộng quân đánh Ban Mê Thuột ngày 10 tháng 3, 1975, làm mốc thời gian khởi sự những ngày cuối cùng của VNCH. Nhưng số phận của thành phố này đã không rõ ràng trong một tuần. Chính Luận, số báo đề ngày Thứ Ba, 11 tháng 3, 1975, chạy tin quan trọng nhất, 5 cột: Ban Mê Thuột bị vây – Phi trường bị chiếm. Báo chí Sài Gòn hồi đó phát hành vào buổi chiều, đề ngày hôm sau. Báo đề ngày 11, phát hành từ chiều ngày 10. Phần mở đầu bản tin cho biết như sau:
    SAIGON, 10-3.- Thị xã Ban Mê Thuột, tỉnh lỵ tỉnh Darlac đã bị Cộng Quân bao vây bốn mặt từ đêm qua. Bản báo đặc phái viên hiện có mặt tại Quân Khu II điện về cho biết tin trên và nói thêm “Ban Mê Thuột bị bao vây 4 mặt, các tiền đồn phòng thủ vòng ngoài bị địch tấn công và pháo kích ác liệt”. Bản báo phái viên cũng báo tin “đã có xe tăng địch bị phát hiện tại vòng đai thị xã”.


    Đã có xe tăng địch bị phát hiện, là chi tiết quan trọng. Bản tin quân sự sáng ngày 10 tháng 3 cho biết: “Kể từ 03g00 sáng hôm nay, các lực lượng CSBV đã pháo kích 400 quả đạn đủ loại vào khu vực tỉnh lỵ Ban Mê Thuột, đồng thời chúng cũng đã tấn công phi trường dành cho phi cơ L19 tại tỉnh lỵ, Chi Khu Ban Mê Thuột ở kế cận, kho đạn tại 5cs Tây Ban Mê Thuột và ĐPQ ở gần đấy cùng phi trường Phụng Dực tại 7cs Đông tỉnh lỵ Ban Mê Thuột. Hiện khu vực phía Nam thị xã đang bị Cộng quân bao vây. Một số chiến xa của địch cũng đã được ghi nhận”.

    Cùng ngày 10 tháng 3, ngoài tin xấu về Ban Mê Thuột, còn mấy tin đáng quan tâm. Một là 37 Dân Biểu Mỹ gửi thư cho Tổng Thống Ford chống quân viện bổ túc cho VNCH và Cao Miên. Hai là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lên tiếng khẩn thiết kêu gọi các nước Nga, Tầu và Mỹ chấm dứt quân viện cho các phe đối chiến tại Nam VN.

    Sáng 12 tháng 3, phát ngôn viên quân sự của Chính Phủ VNCH bác bỏ nguồn tin BMT đã thất thủ. Hôm 13-3, Pháp Tấn Xã (AFP) loan tin theo lời chứng của một linh mục thoát ra từ BMT, nói rằng lực lượng tấn công là do tổ chức Fulro của người Thượng và Cộng Sản địa phương nổi dậy, không do Cộng Sản Bắc Việt chủ động. Hôm sau, 14-3, Sở Ngoại Kiều thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia đã mời ký giả Paul Leandri của AFP tới hỏi về nguồn tin này, đưa đến cãi cọ giữa đôi bên, và ông Leandri đã bị bắn chết. Vụ này đã gây căng thẳng giữa Pháp và VNCH, gây ra dư luận xấu từ khắp nơi đối với Sài Gòn, giữa lúc nơi đây đang cần ủng hộ về cả vật chất lẫn tinh thần.

    Phải đợi đến đêm Chủ Nhật 16 tháng 3, khi Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II từ Pleiku đột ngột rời về Nha Trang, dân chúng hoảng loạn liều chết tháo chạy, thực sự mở đầu giai đoạn chót của VNCH.

    Cuộc họp Cam Ranh: Bỏ Pleiku-Kontum

    Theo Phạm Huấn ghi nhận, do Tướng Phú cho biết, quyết định rút Pleiku-Kontum là lệnh từ Tổng Thống Thiệu tại cuộc họp tối mật ở Cam Ranh vào trưa 14 tháng 3, 1975. Cuộc họp này, phía Mỹ cũng không biết, chỉ có năm tướng Việt: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu; Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm; Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH, Đại Tướng Cao Văn Viên; Phụ Tá An Ninh Quân Sự của Tổng Thống, Trung Tướng Đặng Văn Quang; và Tư Lệnh Quân Đoàn II, kiêm Tư Lệnh chiến trường Cao Nguyên, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú.

    Cuộc họp định mệnh bắt đầu lúc 11giờ 32, chấm dứt lúc 13 giờ 29 phút. Sau khi nghe Tướng Phú báo cáo tình hình khó khăn về mặt trận Ban Mê Thuột và Cao Nguyên nói chung, Tổng Thống Thiệu cho biết vào lúc 12 giờ 57 phút:

    – Sau Hiệp Định Paris 1973, quân viện Mỹ cho Việt Nam giảm 50%; từ 2 tỷ xuống 1 tỷ MK cho 1975. Trong khi đó, viện trợ Nga dành cho Bắc Việt tăng gấp đôi.

    – Cao Nguyên Vùng II có 4 sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt hiện diện. Tại Quân Khu I, có tới 6 đến 7 sư đoàn Cộng quân.

    – Cam kết của Nixon sử dụng B52 nếu Cộng Sản vi phạm Hiệp Định Paris không còn giá trị.

    – Nguồn tin Mỹ có ngân khoản lớn yểm trợ không quân cho chiến trường VN là sai.

    Tổng Thống Thiệu quyết định: Tái phối trí các lực lượng chính quy VNCH để chống lại các lực lượng Cộng Sản tại Quân Khu 1 và 2.

    Tổng Thống Thiệu hỏi Tướng Phú sẽ làm gì để đối phó với Cộng Sản, và với hoàn cảnh hiện tại, sẽ cầm cự được bao nhiêu ngày? Tướng Phú trả lời ông xin tử thủ ở Pleiku, và sẽ chiến đấu được từ 40 đến 60 ngày. Ông nói chết ở Cao Nguyên bây giờ, cũng như chết ở Sài Gòn năm tới.

    Tổng Thống Thiệu nói:

    – Tôi ra lệnh cho anh, mang chủ lực quân, chiến xa, đại bác, máy bay về phòng thủ miền Duyên Hải, và tổ chức hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột.

    – Lệnh này từ cấp tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng trở xưống không được biết.

    – Có nghĩa là các lực lượng Địa Phương Quân vẫn ở lại chiến đấu. Các cơ sở hành chánh ba tỉnh Pleiku, Kontum, Phú Bổn vẫn tiếp tục làm việc cùng với tỉnh trưởng, quận trưng như thường lệ.

    Trong khi phòng họp im lặng, không phản ứng, Tướng Phú hỏi:

    – Thưa Tổng Thống, nếu Chủ lực quân, Thiết giáp, Pháo binh rút đi, làm sao Địa phương quân chống đỡ nổi khi Cộng Sản đánh? Hơn 100 ngàn dân hai tỉnh Pleiku, Kontum và gia đình anh em binh sĩ?

    Thì cho “thằng” Cộng Sản số dân đó! (nhấn mạnh của người viết) Với tình hình nặng nề hiện tại, mình phải lo phòng thủ, giữ được những vùng dân cư đông đúc, mầu mỡ, hơn là bị kẹt quá nhiều quân trên vùng Cao Nguyên.

    16-3-1975: Pleiku, quân dân di tản trong hỗn loạn

    Trong khi Tổng Thống và Hội Đồng Tướng Lãnh đã quyết định “cho thằng Cộng Sản” hàng trăm ngàn dân chúng, từ tỉnh trưởng trở xuống, gồm cả đại diện dân cử, công chức, Địa Phương Quân và gia đình binh sĩ, thì thành phần này chưa được biết gì về số phận của mình. Tuy nhiên, nghe tin đồn, họ đã tự bảo nhau sửa soạn ra đi, mặc dù chưa biết đi đâu, và bao giờ khởi hành. Dưới đây là lời kể tại chỗ của Nguyễn Tú.

    Chính Luận, số báo đề ngày Thứ Tư, 19 tháng 3, 1975 (phát hành chiều Thứ Ba 18 tháng 3) đăng bài của đặc phái viên Nguyễn Tú, nhà báo duy nhất trong làng báo quốc tế và quốc nội có mặt trong cuộc di tản lịch sử này. Sau đây là nguyên văn bài tường thuật:

    Chưa bị tấn công nhưng tự liệu không thể chống giữ

    8 GIỜ ĐÊM CHỦ NHẬT, KONTUM-PLEIKU BI THẢM RA ĐI
    BỎ LẠI PHÍA SAU NHỮNG CỘT KHÓI, NHỮNG VÙNG LỬA


    Bản tin này đã được đọc xen lẫn những tiếng khóc nức nở của bản báo ĐPV Nguyễn Tú.

    SAIGON, 18-3.- Sáng nay bản báo phái viên Nguyễn Tú, tại một địa đểm dừng chân trên đường rút lui của Quân Dân hai tỉnh Kontum-Pleiku báo tin qua điện thoại quang cảnh di tản bi thảm của đồng bào. Dưới đây là nguyên văn ghi lại lời bạn Nguyễn Tú đọc qua điện thoại:

    Tất cả lên đường

    Pleiku, 16-3.- Tối nay, Pleiku đã thực sự hỗn loạn. Tất cả dân chúng Pleiku, thêm vào đó dân chúng ven tỉnh, dân chúng thuộc vài quận gần thị xã Pleiku, và cả dân chúng Kontum đã đổ xô nhau chạy về thị xã Pleiku đều xuống đường và tổ chức một “đêm không ngủ”. Không phải để biểu tình chống ai, mà để vội vàng trong hốt hoảng, để tiếp tục chất các hàng hoá, bàn ghế, tủ giường, cùng những vật dụng riêng lên đủ thứ xe: xe lam 3 bánh, xe vận tải hạng nặng, xe Jeep, xe đốt rác, xe GMC nhà binh, xe Honda. Thậm chí xe be, xe cần trục, xe máy kéo, trắc tơ, xe hốt rác, cả xe chữa lửa cũng được dùng để chất đồ và chở người. Xe nào chất xong đồ, là người leo lên ngồi sẵn. Xe nào đôi nhíp cũng gần như thăng bằng, vì chất quá nặng. Từ trưa, các lực lượng an ninh trong thị xã Pleiku như Quân Cảnh, Cảnh Sát đã bỏ tất cả nhiệm sở, không còn thấy bóng một ai, mà hôm qua Thứ Bảy 15 tháng 3 còn canh phòng rất gay gắt, các ngả ra vào thị xã Pleiku.

    Mọi đường phố không còn một nhân viên công lực nào giữ trật tự nữa. Tất cả mọi người đều về nhà lo việc di tản cho mình và gia đình mình. Liên lạc vô tuyến của hệ thống quân đội không còn được nhanh chóng, điều hoà và hữu hiệu như trước nữa, tuy vẫn chưa hẳn gián đoạn. Lý do là các nhân viên truyền tin cũng thay phiên nhau về nhà để lo việc di tản gia đình. Sự kiểm soát an ninh trật tự coi như đã tuột khỏi tầm tay chính quyền địa phương Pleiku. Tại tư dinh Đại Tá Tỉnh Trưởng Pleiku, các nghị viên, các Ty, Sở Trưởng hấp tấp ra vào liên miên.

    Chưa bao giờ các đại diện dân cử, kể cả đối lập và chính quyền đã sát cánh với nhau như thế. Chưa bao giờ lập pháp, hành pháp, tư pháp đều đồng một lòng, một dạ như thế. Đồng một lòng một dạ trong một câu hỏi duy nhất: “bao giờ thì di tản”, và hồi mấy giờ thì di tản? Trên thực tế thì Pleiku đã sống giờ thứ 25 từ hôm qua, thứ Bảy 15- 3.

    Hôm nay Chủ Nhật 16 tháng 3, lúc 19 giờ đã có điện trở lại trong toàn thị xã. Đèn ngoài đường và trong các tư gia cũng được thắp sáng. Có lẽ là một hội hoa đăng cuối cùng. Khắp các đường phố, dân chúng đi lại hết sức nhộn nhịp, tất tưởi. Ngay từ xế trưa hôm nay 16 tháng 3, các xe nào đã chất xong đồ vật đều chuyển bánh trên Quốc Lộ 14 đi về Phú Bổn thành một đoàn dài. Nhưng phải kể từ 20 giờ ngày hôm nay Chủ Nhật 16 tháng 3, sự di chuyển toàn diện của dân chúng mới thực sự bắt đầu, đoàn xe ước chừng đến hàng ngàn chiếc, bật đèn pha nối đuôi nhau trên hàng chục cây số trông như một cuộc “trở về nhà sau cuộc nghỉ cuối tuần.”

    Nhưng đây đâu phải là “đoàn xe thanh bình”?

    Sáng kiến vĩ đại

    Cuộc di tản đại quy mô của hai tỉnh gom lại là Kontum và Pleiku do sáng kiến tư nhân có thể coi như là “vĩ đại” ở chốn Tây Nguyên hẻo lánh nàỵ.

    “Mục tiêu đầu tiên là Phú Bổn. Sau đó sẽ tính.” Đó là lời một đồng bào di tản nói với Chính Luận. Nhưng ra khỏi thị xã, được vài cây số thì đoàn xe bị kẹt vì những chiếc xe nhỏ hơn như xe lam, xe ô tô nhỏ, xe Honda muốn vượt trước. Phải một giờ sau vụ kẹt xe này mới được giải tỏa.

    Dân chúng nghèo cũng ra đi bằng phương tiện thiên nhiên, trời đã phú cho họ là đôi chân của chính họ. Họ đây là gồm cả già, trẻ, lớn, bé, con nít còn bồng trên tay, đàn bà đang mang bầu, tay xách, nách mang một vài manh chiếu, một vài bọc quần áo, buồn tủi, lo âu, gia đình nọ nối tiếp gia đình kia đi hàng một sát bên lề đường để tránh đoàn xe. Đèn pha của đoàn xe lần lượt chiếu các bóng lưng còng xuống của người lớn, những bóng nhỏ hơn của các trẻ em tay níu vạt áo hoặc ống quần của người bố hay người mẹ. Họ lặng lẽ thất thểu bước nọ trước bước kia trong đêm tối của tâm hồn.

    Cuộc di tản này chắc chắn sẽ kéo dài tới ngày hôm sau. Thế là Kontum và Pleiku đã bỏ ngỏ, chính thức và không (được) chính thức. Không chính thức mà chính thức vào hồi 20 giờ đêm ngày Chủ Nhật 16 tháng 3-1975.

    Pleiku không còn gì để cho tôi săn tin thêm nữa.

    Ba lô vẫn cõng trên vai, hồi 22 giờ 30 tôi theo đoàn người di tản ra khỏi thị xã Pleiku. Bầu trời hôm nay đẹp quá, hàng ngàn vì sao lấp lánh như thiên thần nháy mắt với trần gian, hay đó là những ám hiệu dục dã: “Lẹ lên!”

    Nếu tôi có một người bạn đường đi bên tôi, tôi sẽ bảo: “Bạn ơi, trên trời có bao nhiêu vì sao thì lòng tôi đau xót còn hơn thế nữa.”

    Đốt, phá, bỏ rơi!

    Các kho súng, kho đạn tại tỉnh Pleiku đã được lệnh thiêu hủy, tiếng nổ lớn nối liền tiếng nổ nhỏ. Từng cột khói đen bốc lên trong lửa đỏ từ các bồn nhiên liệu cũng được lệnh phá hủy. Tất cả đều bùng cháy. Nhiều khu phố trong thị xã Pleiku đã bị toán người đập phá nhà cửa của các chủ nhân đã di tản, và đã bị phóng hỏa, ít nhất tôi cũng đếm được 14 đám cháy trong những khu phố khác nhau.

    Nhiều tiếng súng cũng đã nổ trong thị xã. Có tin Đại Tá Tỉnh Trưởng Pleiku đã hạ lệnh cho đốt kho giấy bạc trong Ty Ngân Khố, ước lượng khoảng 300 triệu và trong khi tưới xăng để đốt, ông Trưởng Ty Ngân Khố đã bị phỏng vào mức trung bình. Không còn một bác sĩ tư nào trong thành phố. Quân cũng như dân y viện không còn hoạt động. Có tin là ông Trưởng Ty Ngân Khố đã được di tản bằng đường bộ như các thường dân khác trên một chiếc xe nhưng không được hưởng một sự chăm sóc cần thiết đầu tiên. Một số bệnh nhân tại dân y viện cũng như một số thương binh tại quân y viện Pleiku đã bị bỏ rơi lại vì không còn ai lo cho họ nữa. Chính họ trong tình trạng bệnh hoạn chẳng tự mình làm được gì cho chính mình. Ngoài sự chịu chết đói dần mòn ngay trên giường bệnh.

    Một nguồn tin đáng tin cậy cho hay là Chuẩn tướng Tất, Tư Lệnh Mặt Trận Kontum – Pleiku đang chỉ huy cuộc triệt thoái lực lượng chính quy đi về hướng Nam trên quốc lộ 14. Cuộc triệt thoái được diễn ra trong vòng trật tự và có kế hoạch.

    Trên đường nóng bỏng

    Pleiku 17-3.- Sáng nay, cuộc di tản đang tiếp diễn dưới ánh mặt trời huy hoàng của một ngày đầu tuần. Hàng ngàn chiếc xe dân sự và quân sự vẫn nối tiếp nhau trên quốc lộ 19 đi về hướng Phú Bổn. Nhiều xe vì chở quá nặng không chạy nổi đã bỏ lại trên đường. Các quân nhân được lệnh triệt thoái dưới quyền tư lệnh của ướng Tất đã thi hành một cách rất trật tự và kỷ luật. Các đơn vị Biệt Động Quân đã được lệnh đi hai bên quốc lộ 14 ở những chỗ xung yếu để bảo vệ đoàn xe di tản dân sự và quân sự. Các đoàn người đi bộ thật là thảm thương, đàn bà, con trẻ đi bên lộ dưới ánh nắng nóng bỏng không giọt nước để uống. Dọc quốc lộ từ Pleiku đến Hậu Bổn là tỉnh lỵ của Phú Bổn, đoàn xe cứ nối dài. Đoàn người đi bộ, bị bỏ lại sau, nhưng họ vẫn cứ cố gắng lết đi trên đường nóng bỏng dưới ánh nắng của Pleiku. Chưa biết đêm nay họ có thể tới được Phú Bổn bằng đôi chân của chính họ hay không. Sẽ có nhiều người sẽ bị chết đói, chết khát dọc đường. Dọc Quốc lộ 14 đi về phía Phú Bổn các làng, các ấp, các buôn đều trống trơn không còn một ai. Cảnh hoang tàn dọc quốc lộ 14 tôi không làm sao mà còn có trí óc để nghĩ ra những danh từ tường trình với độc giả.

    Bi thảm quá đồng bào ơi!

    Hôm nay thay vì lá thư hàng tuần sự tường trình của tôi có thể ngắn ngủi và không mạch lạc. Mong quý vị độc giả phương xa ở tại cái Thủ Đô đầy ánh sáng hiểu cho. Cho tới nay vẫn không thể hiểu được lệnh bỏ ngỏ Kontum – Pleiku là ở đâu mà ra và tại sao lại có sự ra đi hấp tấp trong dân chúng trong khi các nhà cầm quyền quân sự đã trù liệu kế hoạch từ trước. Không có giải thích nào cho dân chúng. Không có tổ chức nào để di tản dân chúng trong trật tự và an ninh, không có một sự trợ giúp nào cho các dân nghèo không có phương tiện đi xe. Từ năm 1954 cho tới nay, chính tôi đã chứng kiến bao cuộc di tản. Cuộc di tản Kontum – Pleiku để lại cho tôi một nỗi chán chường mà những hy vọng mong manh từ 1954 đến năm 1975 tới nay tôi cảm thấy không còn đủ sức, đủ ý chí để bấu víu lấy cái chút hy vọng mong manh ấy nữa. Ngoảnh về phía Pleiku khói vẫn ngùn ngụt bốc lên vì những đám cháy đêm qua.

    Dọc lộ xe tăng, đại pháo dạt ra hai bên đường để bảo vệ những chỗ xung yếu để cho đoàn xe di tản dân sự và quân sự có thể đi chót lọt tới Hậu Bổn tức tỉnh lỵ Phú Bổn. Nhưng trên đoạn quốc lộ 14 từ Pleiku tới Hậu Bổn vẫn xảy ra nhiều đoạn đường kẹt xe, có thể kể hàng 5 đến 10 cây số chưa biết rằng đoàn xe có thể tới Hậu Bổn được không. Và từ Hậu Bổn sẽ đi đâu chưa ai rõ. Riêng tôi không còn có trí óc nào để nghĩ đến tương lai dù rằng tương lai chỉ là ở một giây, một phút sau đó.

    (còn tiếp)

    Source : https://damau.org/en/102645/50-nam-s...m-cong-ha-ky-1





  • dnchau
    Super Member

    • Feb 2009
    • 1814

    #2
    50 năm sau Sổ tay viết lại (kỳ 2): Con Đường Tử Thần

    Đinh Từ Thức
    Các quốc lộ chính tại Vùng II chiến thuật: 1, 14, 19, 21
    Liên Tỉnh Lộ 7, Đường Tử Thần nối Pleiku với Tuy Hoà
    (Bản đồ từ Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Phạm Huấn)




    Theo ghi nhận của Phạm Huấn, tại cuộc họp lịch sử ở Cam Ranh ngày 14-3-1975, hồi 13 giờ 03 phút, lệnh triệt thoái Cao Nguyên được coi như chính thức ban hành. Sau đó, Tướng Thiệu hỏi Tướng Viên liệu có thể dùng Quốc Lộ 19, hay 21 để rút quân?

    Tướng Viên trả lời không thể dùng đường 21 nối Ban Mê Thuột với Nha Trang, vì đường 14 từ Kontum-Pleiku tới Ban Mê Thuột đã bị địch cắt, và có ba bốn Sư Đoàn Cộng Sản Bắc Việt tại chiến trường Ban Mê Thuột, không thể đi thoát qua ngả đó. Cũng khó thành công nếu dùng Quốc Lộ 19 nối Pleiku với Quy Nhơn; vì địch quân đóng chốt nhiều nơi.

    Tướng Thiệu hỏi ý kiến Tướng Phú, ông này đề nghị đường số 7, nối liền Pleiku-Phú Bổn-Phú Yên (qua các tỉnh lỵ Hậu Bổn/Phú Bổn, và Tuy Hoà/Phú Yên). Tướng Thiệu tỏ ý lo ngại vì đường số 7 đã bỏ hoang từ lâu, có nhiều mìn chưa nổ đặt từ hồi quân Đại Hàn, có nhiều cầu hư hỏng không lưu thông được, như cây cầu dài trên Sông Ba, cách Phú Yên khoảng 20 cây số. Tướng Phú thuyết phục Tướng Thiệu là Công Binh có thể sửa những cây cầu hư hỏng, và Tướng Viên thêm vào, sử dụng đường số 7 có ưu điểm là yếu tố bất ngờ.

    Tướng Thiệu hài lòng, ra lệnh:
    – Thiếu Tướng Phú, tôi cho anh toàn quyền tổ chức và quyết định về “cuộc hành quân” để mang tất cả chủ lực quân, chiến xa, Pháo Binh, máy bay của Quân Doàn II về phòng thủ Duyên Hải, và tái chiếm Ban Mê Thuột. Vì tính cách vô cùng quan trọng của “cuộc hành quân” này, và để giữ được yếu tố bất ngờ với địch: Anh chỉ cho các Tướng Lãnh, cấp chỉ huy dưới quyền biết… từng phần của lệnh này, và ra lệnh tuyệt đối giữ bí mật với dân chúng!!!


    Tuy lệnh ban ra là “tuyệt đối giữ bí mật với dân chúng,” nhưng theo Nguyễn Tú, dân chúng nghe tin đồn, đã tự động chuẩn bị từ ngày 15-3, và bắt đầu lên đường từ tối 16-3, trước cả chủ lực quân, tuy chưa biết rõ điểm tới cuối cùng là ở đâu. “Mục tiêu đầu tiên là Phú Bổn, sau đó sẽ tính.”

    17-3-75: Chính thức khởi hành

    Ngày ra đi của đại quân là 17-3, Phạm Huấn viết:
    Tin Quân Đoàn … “di tản” đã không còn là một tin “tối mật,” như các giới chức Quân Sự mong muốn. Từ hai ngày nay, mọi người dân Pleiku, mọi gia đình Quân Nhân, và chắc chắn … cả địch nữa đều biết.
    Hỗn loạn, cướp bóc, bắn phá xảy ra nhiều nơi, trong và ngoài thị xã.


    8 giờ 40. Đoàn xe di chuyển. Khoảng 4000 quân xa đủ loại, và các xe dân sự.

    Vẫn theo Phạm Huấn, chặng đầu của cuộc rút quân Pleiku-Phú Bổn sáng ngày 17-3-1975, diễn ra tốt đẹp. 13 giờ 40, từ Sài Gòn gọi ra, Tổng Thống, Nội Các, và các Tướng Lãnh khen ngợi về cuộc rút quân.
    Nhưng, đấy chỉ là chặng đầu tiên trên Liên Tỉnh Lộ 7. Con đường chôn vùi hàng nhiều ngàn xác đồng bào và trẻ thơ vô tội. Chôn vùi tên tuổi tất cả các Tướng lãnh đạo Đất Nước trong những năm sau cùng. Và cũng chính là con đường đưa đến sự sụp đổ mau chóng của Quân Lực VNCH, để rồi, mất nước sau đó!


    Buổi tối cùng ngày, có tin một nhóm lính Thượng đã nổi loạn, đốt nhà, ăn cướp…. Ngoài ra, vào hồi 17g30, du kích Cộng sản bắn súng cối, làm cháy một quân xa, và một xe dân sự.

    18-3-75: Hết bất ngờ, địch khởi sự tấn công

    9 giờ, tin tình báo từ Sài Gòn cho biết: Các đơn vị du kích Cộng quân đã tập trung một số súng cối ở phía Nam Hậu Bổn (tỉnh lỵ Phú Bổn), để pháo, cắt đứt đoàn xe thành nhiều đoạn, làm trì trệ cuộc rút lui, đợi chủ lực quân Bắc Việt tới tấn công. Đêm qua, Sư Đoàn 320 của Bắc Việt đã bỏ mặt trận Bắc Ban Mê Thuột, kéo theo đại bác 122 ly, do Sư Đoàn 23 Bộ Binh của VNCH bỏ lại, tiến về Phú Bổn. Tướng Phú vô cùng hốt hoảng khi biết tin này.

    Đang trong nỗ lực đối phó với địch, lại có rủi ro từ phía mình: Bom của Không Quân ta, đã đánh trúng, làm bốc cháy hai chiến xa M-41 của quân mình. Cùng lúc đó, một số lính Thượng bỏ chạy, nổi lửa đốt doanh trại. Tỉnh Trưởng bất lực, các cấp chỉ huy bó tay. “Khắp các ngả đường bên ngoài, và mọi nơi trong thị xã Phú Bổn, xe cộ và người… chật cứng”.

    15 giờ 05, Thủ Tướng Khiêm và phái đoàn Chính Phủ tới thăm Bộ Tư Lệnh QĐ II (mới chuyển từ Pleiku về Nha Trang). Tướng Khiêm khen ngợi và nhận định: “Đây là cuộc rút quân vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.”

    Đúng như tin tình báo buổi sáng cho biết, trong khi Tướng Phú đón tiếp phái đoàn Thủ Tướng thì trung đoàn tiền phong của Sư Đoàn 968 Cộng Sản Bắc Việt đã từ Ban Mê Thuột tới Phú Bổn, Phú Yên, phối hợp với các tiểu đoàn Việt Cộng, và đặc công Thượng tại địa phương, tăng cường lực lượng đánh phá đoàn xe di tản. Võ khí hạng nặng của ta như Đại Bác 122 ly do SĐ 23 bỏ lại, đã được Cộng quân sử dụng bắn vào quân dân ta. Theo Phạm Huấn:
    Từ 13 giờ trưa hôm qua, 17-3-1975, khi những chiếc xe Thiết Giáp đầu tiên vào Phú Bổn, ‘phố Quận’ này đã nhộn nhịp hẳn lên. Sau đó, đợt này qua đợt khác, xe và người chen chúc dồn vào như … nêm cối. Cả trăm ngàn người co rút trong cái thị xã nhỏ bé này. Vì bị làn sóng … người Kinh xâm nhập chớp nhoáng, quyền lợi bị đụng chạm. Một số lớn lính Thượng, dù không phải là Thượng Cộng, cũng đã nổi lừa đốt nhà, đốt doanh trại bỏ đi.

    Pháo của Bắc quân nã vào. Những đơn vị chiến xa, Pháo binh nặng… tập trung trong thị xã bây giờ kẹt cứng. Không nhúc nhích, không sử dụng được. Các trưởng xa, tài xế, pháo thủ cũng chịu chung số phận như những nguời khác. Tất cả trở thành mục tiêu cố định của những trận mưa pháo.

    Thật kinh hoàng, khủng khiếp. Biển người và biển máu. Đó cũng là giờ phút khởi đầu của đoàn quân, đoàn xe, đoàn người đi trên khúc quanh Tử Thần, của Tỉnh Lộ Máu số 7.


    19-3-75: Mang M.48 về bằng mọi giá

    01 giờ 15, Quận Phú Túc trên Tỉnh Lộ 7, sau Hậu Bổn, bị pháo rất nặng, rồi bị Cộng quân tràn ngập lúc 2 giờ sáng, cố chặn đầu đoàn xe. Biệt Động Quân tái chiếm sau một trận đánh đẫm máu, tuy địch vẫn cố bám sát quanh Phú Túc.

    8 giờ 45: Tổng Thống Thiệu gọi, ra lệnh, bằng mọi giá, phải mang chiến xa M.48, và đại pháo 175 ly về phòng thủ mặt trận Duyên Hải và Sài Gòn. Trong khi đó, Việt Cộng vẫn đóng chốt dầy đặc tại quãng đường hơn chục cây số trước khi tới Phú Yên. Và cũng chẳng ai biết rõ còn bao nhiêu chiến xa và đại pháo có thể xử dụng được.

    11 giờ 30, theo tường trình của Tướng Tất, chỉ huy tổng quát cuộc lui quân: Việc sửa cây cầu lớn gần Phú Túc vẫn chưa xong. Đường còn quá xa. Lúng túng, khó khăn, vì phải giữ chiến xa do lệnh thượng cấp. Lo sợ Sư Đoàn 320 Bắc Việt đuổi theo tấn công xả láng. Tinnh thần lính và vợ con đi theo bị sa sút nặng nề.

    12 giờ 25: Từ Sài Gòn gọi ra, lệnh của Tổng Thống Thiệu: Sử dụng Pháo Binh, Không Quân tối đa, “san bằng” Phú Túc để Đoàn quân di chuyển. Cầu gặp khó khăn, dùng vỉ sắt PSP của sân bay Cung Sơn thảy xuống làm đường cho chiến xa đi. Tướng Phú ra lệnh bắn vào nhóm Thượng nổi loạn để đoàn xe tiến về Sơn Hoà.

    15 giờ: Đoàn xe chính còn lại, trên khoảng Phú Túc – Cung Sơn, ước lượng 3000 xe. Lính Thượng vẫn nổi loạn giữa Hậu Bổn–Phú Túc. Đốt những xe kẹt lại phía sau.

    Tổng cộng chiến xa bị thiệt hại trong hai ngày 18 và 19 tháng 3 là 30 chiến xa. Theo Phạm Huấn, đó là theo báo cáo, sự thật nhiều hơn nữa!

    17 giờ 50: Ghi nhận Phú Bổn mất. Một số lớn chiến xa M48 và M41 bị kẹt lại Phú Bổn.

    Tổng số chiến xa đi được, vừa qua sông Phú Túc: 6 M48, 16 M 41, 13 thiết vận xa M113.

    18 giờ: Tướng Chức, Chỉ Huy Trưởng Công Binh cho biết, đoàn xe quân đội qua sông Phú Túc khoảng 1500 cái.

    Trong khi ấy, Không Quân được lệnh đánh bom các cơ sở quân sự quan trọng bị bỏ lại ở Pleiku, như kho đạn đại bác mới 14,000 tấn, kho xăng…

    20-3-75: Chiến Xa, Đại Bác và Những Xác Người

    8 giờ 05: Tướng Tất tường trình tình hình chung của đoàn quân. Những đơn vị Biệt Động Quân vừa di chuyển, vừa tác chiến, để bảo vệ phía sau đoàn xe. Những đơn vị này, vừa chịu những trận mưa pháo của địch, vừa chiến đấu với Bắc quân trong 3 ngày liền. Thiệt hại trung bình … một phần ba quân số. Trong phần kiểm điểm tình hình, trước khi đi tiếp, Phạm Huấn ghi nhận:
    Thành phố đất đỏ nhỏ bé miền núi Phú Bổn, sau những trận mưa pháo của Bắc quân, buổi trưa và đêm 18.3.1975, đã biến thành ‘một chợ trời…xác chết’. Khắp nơi nơi, chỗ nào cũng có xác người chồng lên nhau. Đau đớn nhất là những chiến hữu của họ trong cái chết oan khiên, tức tưởi. Những pháo thủ súng lớn nằm dài sõng sượt dưới chân Đại Bác, gối đầu lên nhau. Hai nòng súng cao ngất — loại Đại Bác 175 ly lớn nhất của QLVNCH—cũng … chụm đầu lại (?). Những trưởng xa, tài xế các loại xe M48, M41 ‘ngồi yên, bất động’ trong pháo tháp, trên đầu xe, với hình hài không còn nguyên vẹn. Một góc sân Trường Tiểu học, họ đếm được 4 xe M41 đậu dồn lại. Khu đất trống trước Toà Hành Chánh, 8 chiếc M48, M41 san sát bên nhau như để … triển lãm.
    Vây bọc chung quanh những khẩu Đại Bác 175 ly, những chiến xa, là những ‘hàng rào’ xác nguời, xe cháy, xe hư kéo dài ra tới ngoài thị xã…
    70% lực lượng chiến xa và Pháo Binh nặng của Quân Đoàn II được bố trí, dồn đống trong Phú Bổn. Một ‘phố quận’ mà mỗi chiều chưa tới một cây số!
    Tổng số chiến xa nặng và Đại Bác 175 ly ‘bỏ lại’ Phú Bổn:
    – 40 chiến xa M41 và M48.
    – 8 khẩu Đại Bác 175 ly.


    11 giờ 20: Các đơn vị Công Binh Liên Đoàn 6 vẫn dồn mọi nỗ lực ủi đường, sửa cầu, làm cầu trên Liên Tỉnh Lộ 7 để đoàn xe qua. Cứ một cây cầu vừa sắp sửa làm xong, dân chúng đã ồ ạt tràn tới. Hỗn loạn, vô trật tự, không có cách nào giải quyết được.

    11 giờ 30: Cùng với tình hình nóng bỏng của Tỉnh Lộ 7, tin từ nơi khác đổ về: Chiến xa và Bắc quân tràn ngập Quảng Trị đêm 19-3, và Huế bỏ ngỏ. Hai tỉnh Lâm Đồng, Quảng Đức bị đánh nặng. Tin Đà Lạt di tản. Dân chúng hoang mang, lo sợ, chạy đổ về Cam Ranh.

    ***

    Dưới đây là bài của Nguyễn Tú, ghi nhận từ phía dân sự về cuộc di tản, cùng ngày 20-3-75, đăng trên Chính Luận ,số báo đề ngày 22-3-75, trang 1:

    Từ Kontum-Pleiku và Phú Bổn kéo xuống

    ĐOÀN DI TẢN ĐÃ VÔ GẦN PHÚ YÊN

    Nhưng chưa qua được vùng giao tranh

    Nguyễn Tú

    SƠN HOÀ, 20-3.—Đoàn di tản Kontum-Pleiku-Phú Bổn đã về được tới địa phận của tỉnh Phú Yên. Nhưng tất cả xe cộ binh sĩ và dân chúng còn kẹt lại quận lỵ Sơn Hà? Chỉ mới có một nhóm khoảng 200 người được trực thăng đưa thẳng về Tuy Hoà.

    Tin của bản báo đặc phái viên Nguyễn Tú, điện về toà soạn đêm Thứ Năm (20-3) cho hay các chi tiết sau đây:
    Trận mở đường máu để thoát khỏi cuộc tấn công bất ngờ của Cộng quân và người Thượng phản loạn đã kéo dài từ chiều 18 qua sáng 19-3. Phần lớn đoạn đầu đã vượt qua lưới lửa, tiến về Đông. Phần còn lại ở phía sau phải băng rừng để vượt đi. Bản báo ĐPV Nguyễn Tú cùng chạy với đoạn hậu này. Và đây là thêm chi tiết về trận chiến ở Phú Bổn:

    Hoả lực của Địa Phương Quân Thượng phản loạn, gồm từ các loại súng của ta cho tới B41, AK47 của “địch”, bắn xối xả vào đoàn xe. Đạn đại pháo Cộng quân từ bốn phía cũng xối xả dội xuống. Nhiều chiếc xe trúng đạn bốc lửa biến thành những giàn hỏa nổ tung. Tất cả những người ngồi nêm chặt trên xe không xuống được, gồm cả binh sĩ lẫn dân sự, già trẻ lớn bé nam nữ cũng văng lên 4 phương 8 hướng với các mảnh vụn của xe.

    Đông đảo đồng bào không có xe để đi, ngồi dọc hai bên lộ hoặc mới nhảy từ xe xuống, bị những tràng liên thanh địch quạt ngang, gục ngã từng loạt. Máu đã xối xả tuân chảy trên mặt lộ như những giòng suối nhỏ. Tiếng rít của đại bác, tiếng nổ của đạn nhỏ, tiếng la hét của những người chưa chết, tiếng khóc của trẻ con, tạo thành một âm thanh … địa ngục. Cuộc chống trả của Biệt Động Quân kéo dài từ chiều 18 đến sáng 19, đoạn chót đoàn di tản mới thoát được vô rừng.


    Bạn Nguyễn Tú kể tiếp:
    Chạy miết một hồi, nhóm người chót còn lại khoảng 200 người leo được tới đỉnh đồi Chu dal. Khoảng cách từ thị xã Hậu Bổn tới đèo Chu dal chỉ lối 10 cây số nhưng phải băng qua toàn rừng rậm, suối sâu. Lối 11 giờ trong ngày, nhóm người sống sót bắt liên lạc vô tuyến được với trực thăng thám sát. Khoảng 3 giờ, một đoàn trực thăng phái tới cứu cấp.

    Nhưng đỉnh đồi cheo leo và hẹp, việc cứu cấp rất khó, số người ở dưới lại đông. Cuối cùng chỉ có một số được bốc đi vì trời cũng đã tối. Công cuộc cấp cứu lại được tiếp tục vào sáng hôm sau. Hiện số 200 đồng bào và binh sĩ ở Chu dal đã được đưa thẳng về Tuy Hoà.


    Ngoài tin của Nguyễn Tú điện về, tin từ Tuy Hòa cho biết tất cả đoàn di tản Kontum-Pleiku-Phú Bổn đã vào được địa phận an toàn của Phú Yên. Tuy nhiên, tất cả xe cộ phải ngưng lại dọc sông Ba, vì liên tỉnh lộ số 7 vốn đã không được sử dụng từ nhiều năm nay vì lý do an ninh. Tin này cũng cho biết: Đoàn xe và người đen như kiến hiện bu quanh quận lỵ Sơn Hải chưa thể biết chắc bao giờ mới về được Tuy Hoà, vì đoạn đường chót 40 cây số đang là vùng giao tranh ác liệt giữa Biệt Động Quân, Bộ binh và quân chính quy Bắc Việt. Theo nguồn tin chính thức cho biết số dân Kontum, Pleiku di tản sẽ được tạm trú tại Nha Trang.

    ***

    Cùng trong số báo với bài của Nguyễn Tú trên đây, Chính Luận đăng nguyên văn lời hiệu triệu của Tổng Thống Thiệu cùng đồng bào, với tựa đề 2 cột trang 1: TỔNG THỐNG THIỆU LÊN TIẾNG “Chỉ bỏ Kontum Pleiku đồng bào cứ bình tĩnh”. Trong đó, có nói về Cao Nguyên, như sau:
    Riêng về Cao Nguyên, nơi mà chúng ta phải chiến đấu trong thế 1 chống lại 4, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa buộc phải tái phối trí để bảo toàn lực lượng và tạo điều kiện chiến đấu tự vệ hữu hiệu hơn trong giai đoạn này. Vì vậy Quân Lực ta đã không cố thủ hai thị xã Kontum và Pleiku.
    Tại các mặt trận khác, từ Trị Thiên qua vùng Duyên Hải QK2, đến QK3 và QK4, chúng ta nhất quyết bảo vệ lãnh thổ đến cùng.
    Những tin đồn bỏ Thừa Thiên, hay Đà Lạt, hoặc một vài nơi khác chỉ là những tin đồn nhằm tạo hoang mang trong quần chúng và hoàn toàn vô căn cứ.
    … Cho nên, tôi kêu gọi đồng bào hãy bình tĩnh và vững tin với một ý chí chống Cộng dứt khoát, với tình Quân Dân đoàn kết hy sinh trong chiến đấu, với sự sát cánh hậu phương tiền tuyến, chúng ta sẽ không bao giờ để cho Cộng Sản xâm lược thôn tính miền Nam Tự Do thân yêu này.


    Tổng Thống Thiệu đã nói quá đủ. Người viết xin miễn có lời bàn.

    (còn tiếp)

    Source : https://damau.org/en/102756/50-nam-s...-duong-tu-than




    Last edited by dnchau; 04-07-2025, 03:49 AM.

    Comment

    • dnchau
      Super Member

      • Feb 2009
      • 1814

      #3
      50 năm sau Sổ tay viết lại (kỳ 3): Người Việt tàn sát Người Việt

      Đinh Từ Thức

      Ký giả quân đội Phạm Huấn (Hình PH)

      Ký giả dân sự Nguyễn Tú (SBTN-DC)

      21-3-75: Thiệt hại về người và võ khí

      Theo ghi nhận của Phạm Huấn vào ngày thứ 5 của cuộc di tản trên Liên Tỉnh Lộ số 7:
      80% lực lượng chiến xa nặng M-48, M-41 và những khẩu đại bác khổng lồ 175 ly của Quân Đoàn II bị tiêu hủy. Hàng trăm ngàn tấn chiến cụ trở thành tro bụi. Đoàn quân tinh nhuệ mũ nâu Biệt Động Quân, với 7 Liên Đoàn, quân số khoảng 10 ngàn, bị thiệt hại gần một nửa. Đa số, nếu không muốn nói là hầu hết, không được chiến đấu trực diện với quân thù trong trận cuối cùng. Họ chết tức tưởi, oan nghiệt bởi những trận mưa pháo của Bắc quân!

      17 giờ 30:
      4 trái bom của Không Quân (VNCH) thả trúng vị trí phòng thủ của 2 Tiểu Đoàn BĐQ có chiến xa bảo vệ — 4 chiến xa M-48 bị cháy. BĐQ thiệt hại rất nặng.

      22-3-75: Mặt trận Khánh Dương bùng nổ

      Khánh Dương là một quận ở phía Đông Ban Mê Thuột, phía Nam Phú Yên, và Tây Bắc Nha Trang, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Kế hoạch của Tổng Thống Thiệu là rút từ Cao Nguyên Kontum-Pleiku ở phía Bắc xuống Duyên Hải, đánh chiếm lại Ban Mê Thuột, rồi cố giữ từ Tuy Hòa, xuống phía Nam. Lãnh thổ VNCH sẽ còn khoảng từ Vĩ Tuyến 12 tới Cà Mâu. Nhưng Bắc quân đã dốc toàn lực, mở mặt trận Khánh Dương, tiến thẳng xuống Nha Trang.

      Theo Phạm Huấn:
      22-3-75, ba Sư Đoàn chính quy Cộng Sản Bắc Việt kéo về Khánh Dương, với ý đồ tiến thẳng xuống miền Duyên Hải, và đánh chiếm Nha Trang. Nha Trang mất, đương nhiên Bình Định Phú Yên mất theo.
      Đúng 7 giờ 30 sáng, một “trận địa chấn” kinh hồn. Hàng ngàn trái đại bác của địch nã vào trên tuyến phòng thủ. Sau đó là chiến xa, và biển người.
      9 giờ 05, Cộng quân bắn đại bác 122 ly vào Chi Khu Khánh Dương. Có báo cáo 12 chiến xa Bắc Việt xuất hiện gần Khánh Dương. Địch không ngụy trang, tiếp tục tiến về Khánh Dương.


      10 giờ: Lực lượng Chi Khu Khánh Dương bỏ chạy.

      11 giờ 45: Nhẩy Dù yêu cầu Không Quân đánh một đoàn chiến xa BV, khoảng 20 chiếc, đang tiến về phía đèo M’Drak.

      14 giờ 00: Một phản lực cơ rớt tại mặt trận Khánh Dương.

      14 giờ 15: Thêm 7 chiến xa BV xuất hiện tại Bắc Khánh Dương.

      16 giờ 00: Tại mặt trận Khánh Dương, có rất nhiều chiến xa đủ loại của BV xuất hiện. Phía ta, chỉ có Thiết Vận Xa M-113 chở quân; không có chiến xa nào thuộc loại M-48, M-41.

      Ghi nhận vào cuối ngày:

      – Đoàn quân di chuyển về Phú Yên vẫn ngưng tại chỗ.

      – Địa Phương Quân Ninh Thuận và Khánh Hoà bị thiệt hại nặng.

      – Mặt trận Khánh Dương nặng nề. Chiến xa và những đoàn xe chở Cộng quân tiến tới từ khắp hướng: Bắc, Đông và Tây. Nhờ các phi công phản lực A-37 đã chặn được sức tiến quân vũ bão của địch.

      ***

      Cùng ngày 22 tháng 3, Nguyễn Tú ghi lại tình cảnh của hàng ngàn người dân khốn khổ, đi theo đoàn quân di tản từ Cao Nguyên xuống Duyên Hải. Qua bài báo 3 cột trang nhất, tựa đề Cả trăm ngàn người kẹt lại Cung Sơn đang đỏ mắt nhìn về phía biển, trên Chính Luận , số báo đề ngày 25-3-75, nguyên văn như sau:
      CUNG SƠN, 22-3.- Đoàn quân xa và dân xa di tản từ Kontum, Pleiku, Phú Bổn từ Chủ Nhật 16-3 đã tới địa phận Sơn Hòa thuộc tỉnh Phú Yên. Quận lỵ quận Sơn Hòa mang tên Cung Sơn, cách Tây tỉnh lỵ Tuy Hòa khoảng 60cây s. Hiện còn ba đoàn gồm hàng ngàn quân và dân xa đậu tại ba đoạn khác nhau trên Tỉnh Lộ 7, giữa khoảng Cung Sơn và Tuy Hòa.

      Đ dốc và chặt chốt

      Các đoàn xe đã phải đổ hai cái dốc trước khi tới bờ Sông Ba để qua sông sang Quận Hiếu Xương, cũng thuộc tỉnh Phú Yên. Hai cái dốc đó, một cái dốc tới 60 độ, một cái tới 45 độ, đã gây cho một vài chiếc quân xa và dân xa khi đổ dốc mất thăng bằng lâm nạn, do đó cảnh kẹt xe thêm trầm trọng. Nhưng rồi những chiếc xe lâm nạm đã tự gây thêm chết chóc đó cũng được kéo qua bên để các đoàn xe sau từ từ đổ hai dốc.

      Hiện Công Binh của ta đang trải những vỉ sắt trên khúc Sông Ba nơi nước tương đối cạn. May là mùa khô nước cạn, nếu gặp mùa mưa thì đoàn xe khó có lối thoát. Một số gia đình binh sĩ và các thương binh khoảng 500 người đã được trực thăng cấp cứu di tản về Tuy Hoà.

      Cả trăm ngàn người, hàng ngàn quân xa và dân xa vẫn còn bị kẹt bên bờ Sông Ba, trong khi quân tỉnh đội Cộng Sản tại Phú Yên phục kích một quãng đường dài 10 cây số cách Tây Tuy Hoà khoảng 15 cây số. Thành phần Cộng Sản phục kích tại đoạn đường này gồm hai tiểu đoàn địa phương K13 và 96 thuộc lực lượng tỉnh đội Cộng Sản. Địa Phương Quân của ta tại Phú Yên được phi pháo yểm trợ đang gắng sức đánh bật các chốt phục kích này để mở đường cho đoàn quân và dân xa chạy được về Tuy Hoà. Cho tới hôm nay, các chốt của địch quân vẫn chưa thanh toán được hết. Trong khi đó, Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất đã tổ chức phòng tuyến ở đoạn hậu gồm có các chiến sĩ BĐQ và Thiết Kỵ để bảo vệ cho đoàn xe an toàn trong lức chờ khúc dưới được giải toả chốt của Cộng quân.

      Đoạn hậu

      Trục giao thông từ Cung Sơn tới bờ Sông Ba sang Quận Hiếu Xương đã được các chiến sĩ BĐQ và Thiết Kỵ giữ an ninh cho các đoàn xe và đồng bào vượt lên trước. Đoạn hậu của lực lượng BĐQ thuộc Liên Đoàn 22 đi bộ từ Kontum qua Pleiku, Phú Bổn, sau bảy ngày đi bộ băng rừng, thành phần tiền phong đã bắt tay được với một đơn vị BĐQ tại Sơn Hòa. Sư Đoàn 22 BĐQ đã băng rừng hơn 300 cây số dẫn dắt một số đồng bào đông đảo chưa thể ước lượng được là bao nhiêu. Trong khi đó, nhiều thành phần của SĐ 320 chính quy BV đang cố gắng từ Ban Mê Thuột thốc lên bôn tập đoạn hậu, quân của Tướng Tất có nhiệm vụ trì hoãn chiến với địch khi chúng xuất hiện. Đó là Liên Đoàn 22 BĐQ của ta như đã nói trên. Tính tới hôm nay, vào khoảng 50 chiến sĩ của LĐ này đã hy sinh khi chạm súng với địch quân trong cuộc băng rừng dài hơn 300 cây số và thi hài họ đã được chôn cất trong rừng. Khoảng 50 chiến sĩ khác bị thương. Liên lạc vô tuyến cho biết, tất cả 50 chiến sĩ bị thương này được các chiến hữu dìu, cõng, cáng, không bỏ lại một ai. Do đó cuộc Đông tiến của LĐ 22 BĐQ đi hậu tập để trì hoãn chiến với địch quân đang gặp khó khăn. Cuộc giải toả 10 cây số chót của Cộng quân gần thị xã Tuy Hoà phải gấp rút thanh toán trong một hai ngày, nếu không, ta e ngại có thể bị Cộng quân pháo kích vào các đoàn xe. Dù chỉ với cối nhẹ 60 hay 82 ly, cuộc pháo kích này, tới nay chưa xẩy ra, có thể gây hỗn loạn và chết thảm của đám đồng bào đã cố lết về được ranh giới miền “Tự do Dân chủ” là thị xã Tuy Hòa. Những người không có xe, đi bộ bằng phương tiện thiên nhiên là đôi chân của họ, vợ chồng bồng bế dắt diu con thơ cùng các ông già bô lão đã lội qua những chỗ khúc sông cạn nước tiếp tục thất thểu, ngác ngơ hy vọng lết được đến Tuy Hòa.

      ***

      23-3-75: Chặn Cộng quân bằng bom CBU

      10 giờ 30: Tướng Phú bay đến Phú Yên. “Đại Tá Tỉnh Trưởng vẫn quần áo đẹp, giầy ‘láng cng’ tường trình các ‘chốt’ gần Tuy Hoà…cực kỳ nan giải . Tiểu Đoàn Địa Phương Quân Phú Yên bị thiệt hại khá nặng. Tinh thần xuống dốc. Bi thảm!”

      12 giờ 15, Tướng Phú bay trên vùng Cung Sơn quan sát đoàn xe di tản. Trở ngại quan trọng cho cuộc rút quân, cây cầu dài 300 thước trên Sông Ba, hy vọng xong đêm nay.

      14 giờ 00, xe kéo pháo và chiến xa địch kéo về Tây Bắc Khánh Dương.

      14 giờ 30, Sư Đoàn 23 và Bộ Chỉ Huy các Tiểu Đoàn Địa Phương Quân rút khỏi mặt trận Khánh Dương, làm Tướng Phú nổi giận.

      16 giờ 05: 8 quả bom CBU (Cluster Bomb Unit – Đơn vị Bom Chùm) vừa được thả xuống các “chốt” quan trọng của Cộng quân, cách 5 phút một quả. Đây là loại bom mới, cực mạnh, đắt tiền, và “vô cùng … hữu hiệu”, giúp các lực lượng đánh chốt lên tinh thần.

      24-3-75: Qua cầu và phá Chốt 42

      9 giờ 30: Cây cầu dài nhất trên Liên Tỉnh Lộ 7 đã làm xong. Hy vọng đoàn xe về tới Phú Yên hôm nay.

      9 giờ 45: Thời tiết xấu. Phi tuần đánh bom CBU trước 10 giờ không thực hiện được. Chốt gai góc nhất còn lại, là “chốt 42”, Đồn Đại Hàn cũ, có giao thông hào và kiên cố “Đặc công Việt Cộng tới sát đoàn xe, ném lựu đạn và bắn súng nhỏ vào đồng bào. Thương vong gần 100 người.”

      13 giờ 30: Đích thân Tướng Phú gọi cho Đại Tá Thảo, Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Không Quân Phan Rang, khẩn thiết yêu cầu cho 10 phi tuần A.37 đánh Chốt 42, để đoàn xe có thể đi qua, trước khi Cộng quân kéo tới đánh phá.

      15 giờ 45: Tin vui, phi tuần CBU 55 chuẩn bị cất cánh tại Phan Rang. Sau đó là những phi tuần bom lửa (Napalm), dẹp chốt 42 để đoàn xe qua.

      16 giờ 03: Tin sét đánh! Đang đợi A-37, Tướng Cầm, Phụ Tá Tướng Phú thất thanh báo cáo: “Chiến xa Cộng Sản BV… bôn tập phía sau đoàn xe”!

      Điều lo sợ mà Nguyễn Tú viết ngày 22-3 là nó chưa xẩy ra, bây giờ, nó bắt đầu xẩy ra vào chiều 24-3.

      Lời Phạm Huấn:
      Bắc quân từ khắp ngả kéo tới, sau những trận pháo như mưa vào đoàn người, đoàn xe. Lực lượng địch hôm nay thật hùng hậu. Có ít nhất là hai Trung Đoàn của SĐ 320 Cộng Sản BV, và những đơn vị pháo, đã bám sát đoàn xe, từ ngày thứ ba của cuộc rút quân. Sự hiện diện của SĐ 320 tại Khánh Dương, chỉ là một phần của SĐ này; cùng với các SĐ F10 và 316 Cộng Sản BV.

      15 phút đầu của trận tấn công ban ngày này, Bắc quân cắt đoàn xe thành ba khúc. Bốn chiến xa M-41 còn lại bị bắn cháy, làm tắc nghẽn đường rút quân. Phía sau, và Bộ Chỉ Huy Hành Quân BĐQ bị đánh nặng nhất. Chỉ huy cuộc rút quân, Tướng Phạm Duy Tất, bây giờ là …Tiểu Đoàn Trưởng. Ông và Đại Tá Cao Văn Uỷ (Phụ Tá Tướng Tất), cùng chỉ huy một Tiểu Đoàn BĐQ và Bộ Tham Mưu vừa đánh, vừa chạy. Kinh hoàng và hỗn loạn. Tiếng kêu khóc, rên xiết, thảm thương…vang động một góc trời, tạo thành một thứ âm thanh ai oán, chết chóc.

      17 giờ 01: Tiếng phản lực cơ gầm thét. Hai cánh đại bàng xuất hiện. Cứu tinh tới!
      Những người dân khốn khổ, những quân nhân tài xế quân xa, và những người lính đi với gia đình, quên cả nguy hiểm, ngẩng đầu lên nhìn đoàn chim cánh thép. Lẫn trong tiếng than khóc kinh hoàng, còn có cả những tiếng hò hét, hô hoán, vang lừng…

      Mục tiêu chính là chốt 42, và phi tuần đầu là đánh CBU, nhưng qua máy truyền tin, hai phi công biết quân dân bạn đang gặp nạn phía dưới, đã áp dụng kỹ thuật “dương Đông kích Tây”, nhào lên lộn xuống nhiều lần, làm Bắc quân hoang mang. Lợi dụng tình thế, BĐQ chỉnh đốn lại hàng ngũ. Trước khi 8 trái CBU đánh thẳng vào mục tiêu chốt 42. Tiếp theo là những phi tuần bom thường và bom lửa, giúp các chiến sĩ BĐQ chặn được cuộc tàn sát tập hậu của Cộng quân. Nhưng một trái bom đã rơi trúng vị trí một Đại Đội quân bạn. Thương vong, đau đớn!

      Khi đoàn chim sắt đã bay đi, anh em BĐQ vẫn giao chiến với Bắc quân ở một làng phía Nam Cung Sơn.

      19 giờ 00: Đoàn xe mới sang sông khoảng 1.000 cái. Chưa biết rõ kết quả đánh chốt 42. Trời tối. Chuẩn bị chiến đấu tại chỗ.

      20 giờ 00: Tướng Phú than “Đau đớn, thất bại”. Đồng bào tràn đi …vô tổ chức, không giữ được trật tự, kỷ luật.

      24 giờ 00: Tướng Tất cho biết, hy vọng cả đêm sẽ sang sông được 2.000 xe.

      25-3-75: Tả tơi tới đích Tuy Hòa!

      Sáng 25-3, ngày thứ chín của cuộc di tản, vẫn chưa biết rõ kết quả vụ đánh bom chốt 42 hôm trước.

      10 giờ 00: Đại Tá Cao Văn Uỷ, Phụ Tá Tướng Tất tường trình: Hầu hết xe quân đội đã sang sông, khoảng 2.000 cái. Tướng Tất ra lệnh: “Mở đường máu” để tiến vào Phú Yên.

      11 giờ 00: Tất cả xe quân đội đã qua sông, chỉ còn xe dân sự.

      13 giờ 00: Lực lượng chiến xa dẫn đầu đoàn xe, đoàn quân về tới Tuy Hoà! Hò hét, reo mừng. Hân hoan lộ trên nét mặt mọi người.

      Tuy nhiên, đây mới chỉ là lực lượng chiến xa dẫn đầu đoàn xe về tới Tuy Hoà. Đoàn xe vẫn còn kẹt chốt ở Phú Thứ. Những chiếc đầu tiên chỉ về tới Tuy Hoà vào lúc 17:30. Rồi xe, quân và dân, tiếp tục tiến về suốt đêm, cho đến sáng hôm sau.

      – “Đại Lộ Kinh Hoàng” ngoài Huế: 2 ngày, 15 cây số.

      – “Liên Tỉnh Lộ Máu 7” Pleiku-Phú Yên: 9 ngày, 9 đêm, 300 cây số!

      Kiểm điểm thiệt hại về chiến xa, theo Phạm Huấn:

      Khi rút khỏi Pleiku sáng 17-3-75, Lữ Đoàn II Thiết Kỵ QĐ II có hơn 100 chiến xa đủ loại, với những chiến xa nặng tối tân, như M-48 và M-41. Trưa 25-3, về tới Phú Yên, chỉ còn 13 Thiết Vận Xa M-113.

      Về người, hàng trăm ngàn dân, tuy đã bị Chính Quyền Trung Ương định “cho ‘thằng’ Cộng Sản”, không biết chắc có bao nhiêu ngàn đã tự ý ra đi với đoàn quân, và bao nhiêu người đã thiệt mạng trong chín ngày đêm trên Tỉnh Lộ Máu và núi rừng lân cận.

      1-4-75: Quân Đoàn II… không còn nữa!

      Tuy đoàn di tản, sau bao cực khổ và chết chóc, cuối cùng đã về tới đích Tuy Hòa. Nhưng nơi đây không còn là đích an toàn như dự kiến. Khắp nơi, từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, đến Đà Lạt, Nha Trang, nơi nào cũng đã, hoặc đang bỏ chạy. Thành ra, di tản cũng như không!

      Suốt một tuần sau khi đoàn di tản về tới Tuy Hoà, theo Phạm Huấn, “Tướng Phú như một người bị… rối loạn!!!” Ông không biết làm gì, cư xử ra sao, cho đến chiều ngày 1 tháng 4, 1975.

      17giờ 50: Tướng Phú tới Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Không Quân, gần Phi Trường Nha Trang. Tuy có báo trước, nhưng không thấy ai chờ đợi hay đón tiếp như thường lệ. Vào văn phòng, Tướng Phú hất hàm hỏi:

      – Có chuyện gì xẩy ra?

      Tướng Nguyễn Văn Oánh, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang, đáp:

      – Tôi muốn thưa với Thiếu Tướng, tôi được chỉ định làm Tư Lệnh Mặt Trận Nha Trang, vì Quân Đoàn II… không còn nữa!

      Vẫn theo Phạm Huấn: Phần còn lại của Quân Đoàn II được sát nhập vào Quân Đoàn III trong một lễ bàn giao tại Phan Thiết, giữa Tướng Phú và Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III, vào sau 2 giờ trưa, ngày 2-4-75, kết thúc đời binh nghiệp của Tướng Phạm Văn Phú.

      Tướng Phú đã tự tử chết tại Sài Gòn, trưa 30-4-1975, sau khi nghe Trung Tướng Dương Văn Minh đầu hàng Cộng Sản.

      ***

      Trong bài gửi đi từ Quận Hiếu Xương ngày 25-3, đăng trên Chính Luận, với tựa lớn ba cột trang nhất 100 NGÀN NGƯỜI ĐÃ VỀ TUY HÒA, và đoạn cuối bài, với tựa nhỏ:

      Địch “thắng” lớn

      Nguyễn Tú viết:
      Trong khi chốt cuối cùng của địch bị tiêu diệt vào ngày 25 tháng 3, dù đã được khuyên “không nên mạo hiểm, phải chờ giải toả”, một số đồng bào khoảng 100 người, gồm già trẻ lớn bé, đi bộ hoặc đi xe 2 bánh, sau khi qua được cầu nổi để tới hữu ngạn Sông Ba, đã theo lộ 436 đi luôn. Tới núi Hương, tức cách ngã ba Quốc Lộ 1 và lộ 436 vài cây số, đoàn người đã bị đại liên địch của chốt chót này quạt liên hồi. Dường như tất cả đã bị tàn sát. Có lẽ không ai chạy thoát.

      ***

      Phạm Huấn và Nguyễn Tú

      Vào lúc 20 giờ ngày 21 tháng 3, 1975, là ngày thứ năm của cuộc di tản, Phạm Huấn viết về Nguyễn Tú:
      Những bài báo ký giả Nguyễn Tú viết về Đoàn Quân triệt thoái đăng trên báo Chính Luận, được Đài Phát Thanh Hà Nội và Đài Phát Thanh Giải Phóng đọc nguyên văn. Tướng Phú gọi tôi khiển trách: “Tôi bị phiền nhiều quá vì báo chí… các Anh!”

      Tôi yên lặng chịu trận, Ký giả lão thành Nguyễn Tú là người tôi rất kính trọng – Mùa Xuân vừa rồi, ông đã ăn Tết với anh em Biệt Động Quân cả … tuần lễ tại Mặt Trận Bắc Kontum –Khi đoàn quân tăng viện xuống Phứơc An, Ông yêu cầu được nhảy theo đơn vị đầu tiên.

      Hôm rời Pleiku, tôi “gởi” ông… bay theo Tướng Tất. Nhưng sau đó, ông đã xin đi theo đường bộ với Đoàn Xe, và những đơn vị Biệt Động Quân.

      Những bài báo ông viết rất có giá trị. Đó cũng chỉ là một phần của đau thương, kinh hoàng… đã xẩy ra trong cuộc rút quân, trên con đường của Tử Thần: Liên Tỉnh Lộ 7 !!!

      ***

      Tại sao Đài Hà Nội và Đài Giải Phóng cho đọc nguyên văn những bài của Nguyễn Tú?

      – Vì họ nghĩ rằng nội dung những bài đó có lợi cho họ.

      Lợi ở chỗ nào?

      – Nêu cao được chiến công của họ trong sứ mạng giải phóng Miền Nam.

      Chiến công gì?

      – Giết được nhiều quân dân địch. Đúng với chủ trương đường lối của Đảng:
      Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
      Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
      Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
      Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt


      – Tố Hữu

      ***

      Không phải Quân Nguyên, Quân Thanh đánh Quân Nam.

      Sau Hiệp Định Genève 1954, không còn Quân Pháp đánh Việt Minh.

      Sau Hiệp Định Paris 1973, không còn Quân Mỹ đánh Việt Cộng.

      Năm 1975, chỉ có người Việt giết người Việt.

      Chính xác hơn: Cộng Sản Việt giết dân Việt, từ cả hai phía,

      Bắc và Nam.

      Dân Bắc bị đẩy ra trận, giết dân Nam.

      Đảng là “Bên Thắng Cuộc”.

      Dân là bên thua cuộc, là “thế lực thù địch”.

      “Công An Nhân Dân chỉ biết còn Đảng còn mình”.

      1975: Bên thua cuộc, ai chưa chết, đi tù.

      2025: Tác giả “Bên Thắng Cuộc”, cũng ở tù!

      Hầu hết Tướng Bắc, Tướng Nam không còn nữa.

      Chỉ còn Đảng!

      50 năm, mỗi 30 tháng Tư,

      Kỷ niệm tưng bừng!
      Tôi bước đi
      Không thấy phố
      không thấy nhà
      Chỉ thấy mưa sa
      trên màu cờ đỏ.


      – Trần Dần (“Nhất Định Thắng”)



      Mầu máu!

      (còn tiếp)

      Source: https://damau.org/en/102844/50-nam-s...-st-nguoi-viet




      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...