Thông báo

Collapse
No announcement yet.

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 6)

Collapse
X

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 6)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 6)



    CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 6)



    Hồi ký
    NGUYỄN HỮU THIỆN


    (tiếp theo kỳ 5)


    Rồi ngày thăm nuôi cũng tới, tôi nhớ vào khoảng giữa năm 1977. Lần này chỉ có vợ tôi lên thăm, dắt theo hai đứa con, 4 và 3 tuổi.

    Mỗi khi có đợt thăm nuôi, phương tiện vận chuyển từ Trảng Bàng, Tây Ninh đi vào các trại cải tạo ở hai huyện Tân Biên và Tân Châu được tăng cường thêm nhiều xe đò, xe tải chạy than hoặc chạy bằng xăng hay dầu cặn. Bà vợ, bà mẹ cải tạo nào may mắn kiếm được một chỗ ngồi, chỗ đứng trên các xe chạy xăng hay dầu cặn thì còn đỡ, bà nào phải đi xe than thì vào tới nơi sẽ thành “Công chúa lọ lem” (Cinderella) theo nghĩa đen, nghĩa là mặt mũi áo quần đóng một lớp bụi than đen gớm ghiếc!

    Cũng may, nhà thăm nuôi của T2 chúng tôi ở gần cái giếng nước của ban chỉ huy trại, cho nên các bà các cô có thể rửa mặt trước khi vào nhà thăm nuôi chờ người thân.

    Trước ngày thăm nuôi, tôi đã dự định sẽ bàn với vợ tôi về việc trốn trại về Sài Gòn, nhưng tới khi gặp nhau, nghe vợ tôi tả oán về cuộc sống khó khăn, tôi quyết định dẹp bỏ ý tưởng trốn trại.

    Nguyên vợ tôi cũng chẳng đảm đang gì! Không phải tôi nói xấu vợ mà sự thực nó là như thế. Nàng vốn xuất thân dân trung lưu, cho dù gia cảnh có sa sút sau khi ông bố mất sớm, cái máu tiểu thư ít nhiều vẫn còn, bản tính lại không mấy chăm chỉ (tôi không dám viết là lười), thêm cái hậu đậu vụng về bẩm sinh nên dứt khoát không thể gọi là một người vợ đảm đang!

    Đảm đang gì nổi khi mà ít lâu sau đám cưới, tôi về Sài Gòn đón nàng ra Pleiku, lúc ấy nàng mới tìm mua cuốn sách dạy cách nấu những món ăn căn bản của bà Quốc Việt!... Nhưng tôi chấp nhận tất cả chỉ vì thích lấy... vợ đẹp - ít nhất cũng là đẹp dưới mắt tôi.

    Vậy mà sau năm 1975, nàng đã trở thành một “bà Tú Xương” – nuôi đủ hai con với một chồng!

    Trước hết, nàng buôn bán đủ thứ tinh tinh ở cái chợ trời mới mọc lên cạnh đường rầy gần cổng xe lửa số 6. Sau khi chợ trời bị công an phường dẹp, nàng gửi con cho bà ngoại của tôi rồi cùng một cô bạn có chồng Đại úy mất tích ở Pleiku đi buôn trà ở Bảo Lộc. Buôn trà không có ăn, hai nàng chyển sang buôn cá khô, dĩ nhiên là buôn lậu, từ Sông Mao, Phan Thiết về Sài Gòn!

    Vợ tôi có tật say xe, say máy bay. Còn nhớ ngày ở Pleiku, hai vợ chồng được ông sếp lớn cho theo trực thăng đi chơi Đà Lạt, nàng ói tới mật xanh mật vàng khiến mọi người mất vui, vậy mà giờ này đi xe đò Sài Gòn – Phan Thiết như cơm bữa, chưa kể còn phải biết mánh mung qua mặt công an.

    Nàng nói với tôi:

    - Giá mà mình có chút vốn như con X, buôn thuốc tây vừa nhàn vừa có ăn lại không phải gửi con!

    X là vợ một tay trung úy quen biết nhà ở Bùi Phát cũng bị đi cải tạo, nhờ nhà chồng cho mượn vốn, thêm chút lanh lợi nên chỉ cần đạp xe lui tới khu buôn bán thuốc tây lậu ở đường Nguyễn Thông mà có cuộc sống tương đối đầy đủ, thăm nuôi chồng thoải mái.

    “Giá mà mình có chút vốn”! Tôi tin rằng vợ tôi thốt lên câu ấy một cách vô tình, nhưng tôi vẫn cảm thấy nhột. Nhớ lại từ ngày lấy vợ cho tới khi xảy ra cuộc đổi đời, có lẽ tôi chỉ đưa tiền lương cho vợ trong mấy tháng nàng ra Pleiku, còn lại thì giao vợ con cho bà nội bà ngoại, tiền lương không gửi về một xu, thì sau năm 1975 lấy đâu ra “vốn”?!

    Thời gian này – năm 1977 – ngoài những chuyến đi “bán chính thức” của người Việt gốc Hoa, chưa có phong trào vượt biên ồ ạt cho nên nếu tôi trốn trại về để rồi phải trốn chui trốn nhủi thì chỉ thêm nặng gánh cho vợ. Vì thế, tôi quyết định dẹp bỏ ý tưởng trốn trại, chỉ biết cầu mong sao cho sớm được thả về để phụ vợ nuôi con, cho dù chưa biết sẽ phụ bằng cách nào?!

    * * *

    Sau đợt thăm nuôi, T2 của chúng tôi vốn trước kia vốn đã dễ thở hơn các T khác, nay có quà của gia đình mang lên càng thêm giống... ngày tết! Cho dù không “sáng sâm-banh tối sữa bò” ít ra cũng sáng cà-phê tối nồi chè.

    Dĩ nhiên, không thể thiếu những buổi văn nghệ bỏ túi do “ban nhạc nhẹ” của T2 Đồng Ban trình diễn quanh đống lửa hồng. Tuy sống trong cảnh cá chậu chim lồng, ban nhạc nhẹ của chúng tôi cũng khá đầy đủ: lead guitar (Hiếu đờn), bass guitar (Hoàng sử dụng “cây đàn Tobia” của tôi), rythm guitar (tôi, hoặc một người khác), mandoline (một anh bạn trung úy bộ binh tên C). Lực lượng ca sĩ khá hùng hậu và đa dạng, trong đó được ái mộ nhất là những anh chàng hát thể loại nhạc “bình dân”, tức nhạc “lính”, nhạc “sến” - những ca khúc được tầng lớp khán giả bình dân ở miền Nam trước năm 1975 yêu chuộng.

    Nguyên nhân của sự “thoái hóa thưởng ngoạn” này (tạm gọi như thế) là ở trong trại cải tạo, mọi nhu cầu của con người, từ vật chất đến tinh thần, trở nên đơn giản tới mức tối đa; bên cạnh đó không thể không nói tới sức thu hút của nhạc “lính”, nhạc “sến” – loại nhạc dễ hiểu, dễ nghe mà chỉ vào trong trại cải tạo những người khó tính mới có thời giờ, cơ hội thưởng thức.

    Ngay bản thân tôi vốn là một người thích nghe nhạc cổ điển, nhạc pop, nhạc rock tây phương, mà nay khi đệm đàn cho “ca sĩ” hát nhạc lính, nhạc sến vẫn cảm thấy hứng thú hơn là đệm cho những người hát nhạc Văn Cao, Phạm Duy, Cung Tiến, Từ Công Phụng , Ngô Thụy Miên...

    [Cho nên cũng là một điều dễ hiểu khi trong những năm gần đây (2010-2020), sau bốn thập niên bị chế độ CSVN ra sức xóa bỏ, nền nhạc nhạc lính, nhạc sến trước năm 1975 chẳng những đã không chết mà còn trở nên phổ biến, được yêu chuộng trên khắp mọi miền đất nước, từ trung ương tới địa phương, nơi đâu cũng tổ chức các cuộc thi hát nhạc vàng, đặc biệt Bolero]

    Nhạc ngoại quốc thì có “cậu” Trân, đẹp trai con nhà giàu học... không giỏi nhưng hát những ca khúc Pháp của Christophe thật tuyệt vời, nhất là bản Maman, cậu lá-la-là-la-lá... khúc “intro” và “coda” y hệt thần tượng. Hiếu đờn thì được bản “cầu chứng” Unchained Melody của Rightous Brothers, và Hoàng bass cũng chỉ được một bản Reflections of My Life của ban Marmalade trong đó có đoạn “solo” của bass guitar để hắn show-off.

    Vậy mà bên T3, anh em cải tạo còn tổ chức những buổi “văn nghệ” quy mô, xôm tụ hơn nhiều. Nguyên nhân chính, theo một số anh em T2 chui rào sang tham dự về kể lại, bên đó có nam ca sĩ Lê Xuân của Không Quân.

    Tưởng ai hóa ra là ông bạn già của tôi, người cùng học Khóa 8 Căn Bản Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt năm 1970, cùng ở Pleiku từ năm 1969 tới năm 1972, và sau đó cùng phục vụ tại phi trường Biên Hòa cho tới ngày mất nước!

    Anh tên thật là Lê Trung Xuân, dân Huế trung lưu, đi khóa hạ sĩ quan kỹ thuật Rochefort ở Pháp vào giữa thập niên 1950; sau khi về nước, anh không chịu đi học các khóa sĩ quan Không Quân ở Trung Tâm Huấn Luyện KQ Nha Trang cho nên tới năm 1975 mới chỉ bò lên tới cấp trung úy.

    Lê Trung Xuân có trình độ nhạc lý cao và một giọng tenor rất giống Tino Rossi, cho nên từ ngày còn phục vụ ở Bộ tư lệnh Không Quân, đã được tặng biệt hiệu “Tino Xuân”, rất được các đàn anh Không Quân thuộc thế hệ thứ nhất, trong đó có Trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh Không Quân, ái mộ.

    Khi hát tại các vũ trường ở Sài Gòn, Lê Trung Xuân lấy nghệ danh “Lê Xuân”.

    Thực ra với khách nhảy đầm, Lê Xuân chỉ là một ca sĩ hạng B, hát cho một vũ trường nhất định chứ không được mời “chạy show” như các ca sĩ nổi tiếng. Tại vũ trường của mình, anh là người bao dàn trong lúc chờ các ca sĩ xịn tới, hoặc hát thế nếu có người không tới, vì thế anh phải thuộc lòng nhiều ca khúc của nhiều thể điệu khác nhau để sẵn sàng “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa”!

    Cũng nhờ đó mà trong các buổi “văn nghệ” ở T3, anh em được nghe Lê Xuân hát mệt nghỉ. Sau này tôi nghe nói người bạn đời của anh Xuân đã mất trong thời gian anh ở Đồng Ban; không biết đó có phải là nguyên nhân khiến anh thêm say sưa hát để quên đi nỗi buồn, đồng thời đám cán bộ quản giáo trên “khung” cũng thông cảm, làm lơ cho anh hát thoải mái hay không? (khi anh hát những ca khúc mang âm hưởng opera, tiếng hát của anh vang đi khá xa).

    Lê Trung Xuân là một trong những trung úy ngành Chiến Tranh Chính Trị hiếm hoi của quân chủng Không Quân, trong đó có tôi, không bị đưa ra miền Bắc; rất có thể vì anh chỉ khai cái gốc kỹ thuật Rochefort chứ không khai đã chuyển sang ngành Chiến Tranh Chính Trị.

    Cái chết của Nguyễn Nhật Hiểu


    Qua các buổi thăm nuôi, tù cải tạo không chỉ được gia đình tiếp tế thực phẩm, thuốc men mà còn cả tiền bạc để mua bán khi có cơ hội. Nhàn cư vi... cờ bạc; một số anh em mê đen đỏ trong đó Cường (đội trưởng) thường tụ tập binh xập xám vào cuối tuần, hoặc những buổi chiều rảnh rỗi. Tôi không biết thân phận “nhà nghèo” cũng nhào vô, chẳng bao lâu thì cháy túi.

    Trên đây là giải trí không lành mạnh, còn giải trí lành mạnh thì đầu tiên phải nói tới đá gà.

    Đá gà, ngoài Bắc gọi là chọi gà, là một trò chơi dân gian phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, riêng tại Việt Nam đã xuất hiện từ thời nhà Lý, do những quân sĩ của danh tướng Lý Thường Kiệt đem về nước sau những chuyến chinh phạt Chiêm Thành. Cả ba miền Trung Nam Bắc đều nuôi gà đá (gà chọi, gà nòi) nhưng nổi tiếng nhất là gà Bình Định ở miền Trung, gà Bến Tre, Cao Lãnh, Châu Đốc, và Bà Điểm ở trong Nam.

    Tại Việt Nam, có hai trường phái đá gà: đá đòn và đá cựa. Đá đòn thiên về “võ nghệ” còn đá cựa thiên về sát phạt. Từ đầu thế kỷ thứ 20, ở miền Nam đa số là đá gà cựa.

    Đá gà cựa là một hình thức so tài một mất một còn. Người ta thường gắn cựa sắt sắc như dao vào chân gà, hoặc mài chuốt cựa gà cho thật bén, biến nó thành một thứ vũ khí giết... gà. Sau một độ đá cựa, chú gà chiến bại, dù bỏ mạng nơi đấu trường hay bị trọng thương, cũng bị đem nấu cà-ri; đôi khi cả chú gà thắng độ nhưng mang quá nhiều thương tích, cũng cùng số phận.

    Những ai chưa có dịp thưởng thức cà-ri gà nòi có thể sẽ nghĩ rằng thịt nó dai và hôi. Trên thực tế, cà-ri gà nòi (thường nấu với khai lang) là một món độc đáo của miền Nam mà không phải nơi đâu, lúc nào cũng có.

    Năm 1968, trước khi nhập ngũ, tôi theo một tay bạn thân quê Châu Đốc đi giang hồ gần một tháng ở Sa Đéc và Châu Đốc. Hắn là cháu của chủ nhà máy chà cho nên tôi cũng được tiếp đãi như dân “cậu”. Thường thường, cứ khoảng 10, 11 giờ sáng ra trước nhà máy chà ven sông nhậu lai rai, chiều chiều xem đá gà, tối tối ăn cà-ri gà nòi nấu khoai lang.

    Cho tới giờ này tôi vẫn còn nhớ mùi vị thơm ngon tuyệt vời của món cà-ri gà nòi cay nồng cùng với những miếng khoai lang ngọt bùi, mà không một món cà-ri nào khác có thể đem lại.

    Sau năm 1975, ít nhất cũng là trong những năm đầu, trò chơi đá gà bị chế độ mới cấm ngặt, các “lò” gà nòi bị đóng cửa, thì những “chiến kê” vang bóng một thời đã bị đem bán để giết thịt.

    Biết cải tạo sau khi thăm nuôi có tiền, lâu lâu tay cán bộ hậu cần của T2 nhân dịp ra chợ Tây Ninh hay Trảng Bàng lại mua thêm mấy con gà về bán lại cho cải tạo kiếm lời. Trong số gà này, đôi khi có cả những chú gà nòi nói trên.

    Trong số tù cải tạo gốc Nam kỳ ở T2, có những anh em khá rành về đá gà, đã bỏ tiền mua những cựu “chiến kê” ấy để trước mua vui, sau... mần thịt!

    Thế là ở T2 thỉnh thoảng buổi chiều lại có một trận so cựa sôi nổi, hấp dẫn. Đa số những con gà nòi này gốc Bà Điểm (Hốc Môn), một trong những địa danh nổi tiếng với những lò gà nòi đá cựa “chiến” nhất, sau một thời gian dài không thượng đài, nay chỉ cần vài lần so cựa là nhớ lại bài bản cũ.


    Vì cả trại chỉ có mấy con gà nòi để anh em giải trí, cho nên dù là đá cựa, các “chủ gà” cũng chỉ cho đá để phân thắng bại chứ không đá tới một mất một còn, vì thế cũng không có vụ “đá bắt xác” như trước năm 1975.

    Trong số khán giả của các trận đá gà ở T2 có cả một vài anh em từ T3 lén chui rào sang dự khán (giữa T2 và T3 không có vọng gác của vệ binh); để rồi sau đó bên T3 cũng bắt chước nuôi gà nòi để chúng đá nhau coi cho đỡ buồn.

    Cuối cùng, đã có những trận đá gà cấp liên trại: anh em T3 lén đem gà sang T2 đá. Tuy nhiên thời gian này tôi cũng không còn hứng thú theo dõi các trận đá gà nữa.

    Vào một buổi chiều nọ, tôi được nghe anh em kể lại trận đá “đẫm máu” vừa diễn ra giữa con gà chiến nhất của T2 và con gà lỳ nhất của T3. Con của T3 bị trúng đòn trước, cổ máu me đầm đìa nhưng vẫn nhào vào trả đòn. Sau khi bị địch thủ móc một mắt, nó vẫn tiếp tục tấn công một cách điên cuồng cho tới khi ngã gục... Con của T2 cũng bị thương khá nặng.

    Hoàng (đờn bass) khi kể lại đã lắc đầu:

    - ĐM ghê quá, từ nay tui hết dám coi đá gà!

    Tối hôm đó, T2 có họp đội. Khoảng 7 giờ rưỡi, chúng tôi đang ngồi họp trong các dẫy nhà thì bỗng nghe một tràng AK nổ từ hướng T1.

    Theo lệnh của ban chỉ huy trại từ khi mới tới Đồng Ban, khi “có biến”, tù cải tạo không được náo loạn, phải ngồi yên tại chỗ cho tới khi có lệnh của cán bộ; người nào chạy ra khỏi nhà vệ binh sẽ nổ súng!

    Sau khi nghe tràng AK, chúng tôi vừa ngưng họp, đang nhìn nhau hoang mang, thì bỗng có thêm mấy phát súng nổ.

    Sau đó có tiếng chó sủa lẫn tiếng người ở phía T1. Khoảng 10 phút sau, đích thân Chuẩn úy Đạt, chính trị viên T2, dẫn một toán vệ binh xuống, ra lệnh tất cả mọi người không được ra khỏi nhà, rồi cho vệ binh đứng gác phía trước.

    Tới khoảng 9 giờ đêm, Chuẩn úy Đạt trở lại, tới từng đội lớn tiếng tuyên bố: một tù cải tạo chui rào trốn trại, bị vệ binh phát giác, ngoan cố không chịu đứng lại cho nên đã bị bắn chết.

    Nghe tay chính trị viên nói như thế, chúng tôi thấy ngay có điều gì đó không ổn. Bởi nếu muốn trốn trại, tù cải tạo ở Đồng Ban thiếu gì cách trốn, thiếu gì lúc trốn, có bị bắt thì cũng phải sau khi đã ra khỏi trại; ai ngu dại tới mức chui rào ngay trước mắt vệ binh để bị bắn?!

    Sáng ra, anh em ở dãy nhà phía trước kể lại đêm hôm qua sau khi súng nổ khoảng một tiếng đồng hồ, họ nghe nhiều tiếng chân người đi lại từ T1 tới T3, sau đó dòm qua khe cửa họ thấy mấy bóng người khiêng cái đó trên một cái võng đi về hướng T3.

    Như vậy, người tù cải tạo bị bắn chết thuộc T3. Chi tiết này khiến tấn bi kịch càng trở nên khó hiểu: tại sao một tù cải tạo thuộc T3 lại băng qua T2 để tới T1 rồi bị bắn chết?

    Ngay trong buổi sáng hôm đó, xác người tù cải tạo xấu số được lệnh đem chôn, và tới chiều thì ở T2 chúng tôi đã biết tên tuổi người bị bắn, cũng như nguyên nhân, chi tiết, diễn tiến cái chết của anh.

    Đó là cựu Trung úy Nguyễn Nhật Hiểu, ngành Hành chánh Quân y, trước năm 1975 phục vụ tại Phòng Nhận Bệnh, Tổng Y Viện Cộng Hòa (trong hồi ức của mình, một tác giả khác ghi tên anh là “Nguyễn Hiểu”).

    Hiểu chính là người đã đem con gà lỳ lợm của mình từ T3 sang T2 đá và bị vong mạng trong trận đấu vào chiều hôm trước. Sau khi đem xác gà về, Hiểu nấu một nồi cháo gà rồi chui rào băng qua T2 để sang T1 kêu người anh sang ăn chung cho vui (tôi không được biết rõ là anh ruột hay anh bà con).

    Khi Hiểu vừa chui vào T1 thì bị tên vệ binh trên chòi canh phát giác, bắn một tràng AK. Hiểu chỉ bị thương, sau đó tên vệ binh tiến tới bồi thêm mấy viên nữa vào ngực!

    Chi tiết này được một tù cải tạo T3 là một Thiếu úy Quân cảnh Tư pháp khẳng định.

    Nguyên sáng hôm sau, khi cán bộ T3 lấy mấy tù cải tạo khiêng xác Hiểu đi chôn, anh Thiếu úy Quân cảnh Tư pháp tuy không thân với Hiểu nhưng đã tình nguyện với mục đích tìm hiểu về cái chết của người bạn tù.

    Với con mắt của dân trong nghề, chỉ cần nhìn thoáng qua, anh biết ngay ngoài tràng đạn bắn từ xa, Hiểu còn bị lãnh mấy viên đạn bắn thật gần, vì vết khói ám còn trên ngực áo.

    [Muốn biết một người bị bắn từ khoảng cách nào, các chuyên viên điều tra sẽ căn cứ vào loại đạn, vết đạn đi vào thân thể và trổ ra (nếu có). Tuy nhiên, trong trường hợp bị bắn thật gần (close range) chỉ cần nhìn vết khói ám trên quần áo, trên thân thể do bụi thuốc súng gây ra]

    Sự khám phá vết khói ám trên ngực Hiểu đã giải thích tại sao có thêm mấy phát súng nổ sau tràng AK.

    Một số anh em T2 ở dãy nhà gần hàng rào còn cho biết sau tràng AK họ nghe thấy tiếng la của Hiểu, tiếp theo mới là những “phát súng ân huệ”!

    Thực ra, nếu Hiểu bị thương nặng thì trong hoàn cảnh thiếu thốn thuốc men, phương tiện cấp cứu của một trại tù cải tạo, những phát súng bồi thêm của tên vệ binh đúng là một “ân huệ”, nhưng ở đây khi anh em khiêng xác Hiểu về, cái đồng hồ trên tay anh đã biến mất!

    Từ đó chúng tôi có quyền suy ra, chính cái đồng hồ Seiko 5 “hai cửa sổ không người lái” đã khiến tên vệ binh T1 nổi lòng tham và kết liễu mạng anh!...

    Lẽ dĩ nhiên, sau cái chết của Nguyễn Nhật Hiểu, anh em tù cải tạo ở Đồng Ban cũng hết hứng thú đá gà!

    Về phần Trung úy Vầy, người quản giáo hiền lành tốt bụng tôi đã nhắc tới ở một phần trước, không thường xuyên xuống đội của chúng tôi uống cà-phê nữa, có lẽ bầu không khí ngột ngạt sau vụ Nguyễn Nhật Hiểu bị bắn không còn thích hợp cho những buổi trò truyện thân mật giữa đôi bên. Chỉ tới trước khi đi phép về thăm gia đình ngoài Bắc, anh Vầy mới xuống chơi để báo cho chúng tôi biết. Đây là lần thứ hai kể từ ngày vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, anh được về thăm nhà.

    Cũng xin bổ túc một chi tiết về gia cảnh của anh Vầy: cuối năm 1975, anh được đi phép lần đầu, về tới nơi mới biết vợ anh đã bỏ đi chung sống với một người đàn ông khác, để lại đứa con trai 6 tuổi cho bố mẹ anh nuôi. Thành thử sau khi ra ủy ban nhân dân xã ký giấy tờ ly dị, anh trở vào miền Nam ngay, trong lòng thề sẽ không bao giờ trở lại quê cũ!

    Nhưng rồi nghĩ lại, thương bố mẹ già, thương đứa con có cha có mẹ mà như mồ côi, nay anh phải về.

    Trước khi từ giã, anh Vầy có nói riêng với Cường rằng rất có thể khi anh trở lại trong Nam sẽ không gặp chúng tôi nữa, vì anh nghe phong phanh sắp có chuyển trại.

    Nhà nhà trốn trại...


    Trong khi ở T2 chúng tôi chỉ rỉ tai nhau tin “sắp chuyển trại” thì ở T3, không hiểu do nghe từ đâu, anh em tù cải tạo không chỉ đồn ầm lên sắp có chuyển trại mà còn nói rõ lần này sẽ bị đưa lên vùng cao nguyên để khai phá rừng Trường Sơn!

    Tin đồn này đã khiến những anh em sẵn có ý định trốn trại tìm cách trốn càng sớm càng tốt.

    Vài tuần lễ sau cái chết của Nguyễn Nhật Hiểu, ở T3 xảy ra cuộc trốn trại đầu tiên, rồi cuộc trốn trại thứ hai...

    Chúng tôi còn được nghe kể (không biết có thật hay không) anh em ở T3 bàn chuyện trốn trại một cách công khai, thậm chí một số anh em thuộc binh chủng nọ còn nấu một nồi chè, họp mặt để từ giã nhau!

    Một ngày nọ, sau bữa cơm chiều, Hùng sùi kéo tôi ra một góc sân, nói nhỏ:

    - Anh Sáu, đêm nay tôi zulu!

    Nghe Hùng tiết lộ, tôi không ngạc nhiên một chút nào bởi từ lâu tôi biết sớm muộn Hùng cũng sẽ trốn trại sang Căm-bốt. Tôi chỉ hỏi lại:

    - Đi với ai?

    - Anh Hạng!

    Hạng là một trung úy hải quân khá chững chạc, ít nói nhưng rất có uy tín với anh em. Riêng tôi, qua những lần nói chuyện với Hạng, tôi được biết anh căm thù cộng sản tới tận xương tủy. Trước đó, anh và Hùng sùi thuộc hai nhóm (dự định trốn trại) khác nhau, nay có lẽ vì nhiều người rút lui, nhóm Hùng sùi xin nhập chung vào nhóm của anh.

    Tôi ngập ngừng, tính nắm lấy tay Hùng nhưng rồi chỉ vỗ nhẹ lên vai, nói cụt ngủn:

    - Thôi... đi bình an!

    Trong số những anh em thiếu úy trẻ ở cùng đội, tôi thương Hùng sùi nhất. Năm 1972, vừa thi đậu Tú Tài 1, Hùng đã tình nguyện vào Thủ Đức, rồi tình nguyện về Nhảy Dù. Tới ngày trình diện học tập cải tạo, Hùng cũng chưa có một người yêu để đưa tiễn.

    Hùng sùi cao ráo, không đẹp trai lắm nhưng có nét đàn ông, thêm da mặt sần sùi nên trông già dặn hơn người anh ruột cũng ở T2 nhưng khác đội: T, một Thiếu úy Không Quân lái C-130, mặt mũi trắng trẻo, trông hết sức nhà lành.

    Trong khi Hùng sùi “phản động” ra mặt thì T rất an phận, rất có thể vì T đã có vợ. Hai anh em ra vẻ không thuận thảo với nhau vì tôi thấy hầu như hai người không bao giờ trò truyện. Kể cả khi được gia đình thăm nuôi, Hùng cũng ngồi với bố ở một góc nhà, T ngồi với vợ ở xa xa...

    Sáng hôm sau, ban chỉ huy trại được chính thức báo cáo có năm tù cải tạo ở T2, tức nhóm của Hạng, Hùng sùi, đã trốn trại trong đêm....

    * * *

    Khoảng hai tuần sau, trong một lần đi chặt le về, thấy tay đội phó Sơn lồ đã... biến mất, chúng tôi đoán tới 99% hắn đã trốn trại bằng cách giả dạng thường dân đón xe ra Tây Ninh.

    Hai tuần sau, vẫn không thấy Chuẩn úy Đạt, tay chính trị viên của T2, khoe “cách mạng” đã bắt được Sơn, chúng tôi tin rằng hắn đã thoát.

    Cũng nên biết, theo nguyên tắc của các trại tù cải tạo, tù của trại nào trốn mà bị bắt lại, sẽ được đưa về trại đó để cảnh cáo mọi người. Trừ những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn cướp vũ khí, tấn công, gây thương vong cho bộ đội, công an trên đường trốn trại, thì sẽ bị đưa về Bộ chỉ huy trung đoàn (L) để chờ bị xét xử - thường là xử bắn...

    Tới lúc ấy, Cường mới bật mí cho tôi biết Sơn có bà con ruột thịt ở Tây Ninh, cho nên một khi trốn trại chắc chắn hắn về đó tá túc, trước khi tính bước kế tiếp.

    * * *

    Sơn lồ trốn trại được hơn một tuần thì Trung úy Vầy trở lại T2. Anh đưa cho Cường một gói trà Thái Nguyên và một phong bánh đậu xanh Bảo Hiên Rồng Vàng nổi tiếng của Hải Dương, nói là quà cho anh em trong nhóm.

    Hôm đó, không có mặt tôi, chỉ nghe Cường kể lại khi được biết Sơn lồ đã trốn trại, anh Vầy buột miệng:

    - Sao anh ấy dại dột vậy. Sắp có đợt thả đầu tiên rồi, anh ấy có tên trong danh sách ban chỉ huy trại đề nghị!

    Theo những gì anh Vầy giải thích với Cường, chính sách cải tạo trong Nam hiện nay cũng giống như ở ngoài Bắc sau năm 1954, ngoại trừ những người nằm trong sổ bìa đen, tức thành phần bị xem là “kẻ thù nguy hiểm của chế độ”, sẽ không có ngày về, hoặc chỉ được thả về khi gần chết, còn những người bị bắt đi cải tạo chỉ vì trước kia ở trong hàng ngũ địch, hoặc cộng tác với địch, cứ mỗi 3 năm sẽ được cứu xét và một số sẽ được thả về.

    Lúc ấy, nghe Cường kể lại, tôi bán tín bán nghi, nhưng mấy tháng sau, khi chúng tôi đã được chuyển tới một trại khác, đợt thả tù đầu tiên đã diễn ra; khi ấy tôi mới biết anh Vầy nói thật.

    * * *

    Tới khoảng tháng 8 hay tháng 9 /1977, ở Đồng Ban có đợt chuyển trại, đúng như anh Vầy đã tiên đoán. Trên dưới 500 tù cải tạo của L2, tức là vào khoảng 1/3, được đưa tới Cây Cầy cách đó khoảng 15 cây số để “tăng gia sản xuất”.

    Căn cứ vào “quá trình hoạt động” và mức độ “ác ôn” của thành phần đi Cây Cầy, chúng tôi cũng chẳng hiểu nhà cầm quyền trại đã dựa trên tiêu chuẩn nào để chọn số người này. Bởi có cả cấp trung úy lẫn thiếu úy, cả già lẫn trẻ, cả “tiến bộ” lẫn “phản động”, cả “có thân nhân cách mạng” lẫn “con bà phước”...

    Trong số bạn bè hoặc người quen biết của tôi đi Cây Cầy, có Đức “cống”, Hiếu đờn, và hai Trung úy hoa tiêu trực thăng – 1 gunship, một Chinook.

    Thêm một chi tiết cũng cần ghi ra, đây lần chuyển trại đầu tiên mà tù cải tạo được cho biết trước nơi mình sắp được đưa tới. Chúng tôi cho đây là một sơ sót vô tình của ban chỉ huy trại hơn là có chủ ý, bởi nó đã gây xôn xao lo lắng cho không ít anh em còn ở lại. Xôn xao lo lắng vì tin rằng sẽ bị đưa đi xa hơn, rất có thể ra tận miền Trung để khai phá rừng Trường Sơn, như anh em ở T3 đã đồn!

    Vì thế, trong khi tôi và những anh em đã từng ra Phú Quốc không mấy quan tâm tới việc mình sẽ bị đưa đi đâu thì đám thiếu úy trẻ gốc Trảng Lớn xuống tinh thần ra mặt, và nhiều tay đã tính tới việc trốn trại. Dĩ nhiên là trốn vào rừng rồi đi sang Căm-bốt, bởi họ đâu có giấy tờ giả hay rành đường đi nước bước ở Tây Ninh như Sơn lồ để trốn về Sài Gòn!

    Một yếu tố nữa đã khiến mấy chàng thiếu úy trẻ hăm hở bàn tính chuyện trốn trại là tin đồn “hồ hởi phấn khởi” về chuyến vượt thoát của nhóm Hạng (Hải Quân) & Hùng sùi.

    Qua kinh nghiệm trong thời gian ở tù cộng sản và sau đó sống ở các trại tỵ nạn, tôi nhận thấy không nơi đâu có nhiều tin đồn thất thiệt bằng hai nơi này. Có khác nhau chăng là tin đồn ở các trại tỵ nạn may ra còn có thể kiểm chứng nhưng trong trại tù cải tạo thì vô phương.

    Nào là ông Nguyễn Cao Kỳ, tướng Ngô Quang Trưởng trở về lập chiến khu để... phục quốc, nào là Liên Hiệp Quốc đang can thiệp để buộc chế độ CSVN phải thả hết tù cải tạo, nào là tất cả sĩ quan sẽ được đưa sang Mỹ, mỗi người sẽ được phát mấy chục nghìn đô-la xài chơi...

    Nhưng trong khi những tin đồn thất thiệt nói trên được xem là vô hại thì tin đồn thất thiệt về thành công của những vụ trốn trại qua ngả Căm-bốt đã đem lại hậu quả vô cùng tai hại là tạo ảo tưởng cho những người muốn trốn trại bằng con đường này. Trong một kỳ tới tôi sẽ viết về những anh em trốn trại mà tôi biết chắc chắn đã bỏ mạng tại biên giới Việt – Miên.

    Trở lại trại cải tạo Đồng Ban, khoảng một tháng sau khi nhóm Hạng & Hùng sùi trốn trại, có tin đồn Hạng đã tới Thái Lan và báo tin về cho gia đình! Tin đồn nói rằng sở dĩ anh em biết được là do gia đình một anh em Hải Quân viết thư thông báo – dĩ nhiên dưới một hình thức ngụy trang nào đó.

    “Anh em Hải Quân” đó là ai, không một người nào biết đích xác, nhưng tin đồn thì ngày càng lan rộng, và ngày càng có thêm nhiều người trốn trại, trong đó có đám thiếu úy trẻ gốc Trảng Lớn ở T2 tôi đang đề cập tới.

    Một đêm nọ, ba tù cải tạo gồm Hùng “nhô” – một thiếu úy Khóa 4 Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt mới ra trường – cùng hai chú em mặt non choẹt khác, âm thầm trốn trại. Báo hại, sáng ra Cường đội trưởng phải thân chinh ban chỉ huy trại báo cáo sự việc.

    Viên thủ trưởng, Thượng úy Phùng Xuân Nghĩa, liền ra lệnh cho gôm tất cả tù cải tạo còn lại vào hai dãy nhà ở gần “khung” nhất, và chỉ thị lập danh sách trực gác ban đêm: sau kẻng ngủ, từng cặp phải thay phiên nhau thức để canh chừng, đề phòng có người trốn trại.

    Nhưng tới khoảng 2, 3 giờ chiều thì thấy... Hùng “nhô” và hai chú em thiếu úy mò về trại!

    Thì ra đêm qua, sau khi trốn khỏi trại, ba chàng vào rừng tới chỗ chôn dấu quần áo lương thực, vừa đào lên xong thì nghe tiếng toán tuần tiễu của vệ binh T1 dắt chó đi ngang qua gần đó. Ba chàng nằm chờ cả tiếng đồng hồ, đợi toán tuần tiễu quay về mới dám ra con đường mòn để đi. Từ lúc ấy cho tới trưa hôm sau, ba chàng đã “đụng” các toán tuần tiễu thêm ít nhất hai lần nữa, cũng may mà chạy kịp vào rừng!

    Cuối cùng, nhuệ khí lúc ban đầu đã biến mất. Ba chàng quyết định... quay về!

    Chờ cho Hùng “nhô” và hai anh bạn định thần, Cường dắt lên ban chỉ huy trại trình diện ông thủ trưởng.

    Theo lời kể lại của Cường, có lẽ Thượng úy Phùng Xuân Nghĩa cũng không thể ngờ ba tay cải tạo cả gan trốn trại lại mặt búng ra sữa như thế, ông không tỏ lộ một chút giận dữ, chỉ nói:

    - Thôi, trở về đội sinh hoạt bình thường với mọi người, từ nay đừng có dại dột nữa nhé!

    Cũng theo Cường, sở dĩ ba tay trốn trại được khoan hồng một phần cũng vì ông Nghĩa có muốn biệt giam cũng không có chỗ nhốt, không có người canh giữ, vì lúc đó trên “khung” ai cũng bận rộn chuẩn bị chuyển trại, hòm rương, đồ đạc, nồi niêu xoong chảo ngổn ngang...

    “Thầy” Sáu Lèo và quả lắc cảm xạ

    Mấy ngày sau, thấy tay tài vụ của T2 đưa người vào tổ chăn nuôi để bán heo, chúng tôi biết ngày chuyển trại đã gần kề, anh em nào còn nuôi gà đều mang ra thịt hết, các bữa trưa bữa tối trở nên thịnh soạn hơn bao giờ hết, nhưng ăn ngon mà vẫn không vui vì nỗi lo trước mắt: sẽ bị đưa đi đâu?!

    Riêng cá nhân tôi vì đã dứt khoát không trốn trại cho nên cũng chẳng mấy quan tâm tới việc mình sẽ bị đưa đi đâu; chỉ có điều ưu tư là trường hợp bị đưa ra miền Trung thì tội nghiệp cho gia đình phải vất vả khi đi thăm nuôi; khi ấy rất có thể tôi sẽ nói vợ tôi khỏi thăm nuôi, để tiền lo cho các con.

    Không quan tâm nhưng thấy anh em quá lo lắng, tôi chợt nhớ tới vốn liếng cảm xạ học đã thọ giáo Thành “cận” hồi còn ở Thành Ông Năm, trong đó có mục tìm vị trí của một nơi chốn nào đó, thế là tôi quyết định... thí nghiệm!

    Xin được kể sơ lại, Thành “cận”, tức Trung úy Quân vận Khương Hữu Thành, tay tổ trưởng của tôi ở Thành Ông Năm, là một nhân vật độc đáo, có một kho kiến thức rất đáng nể phục, từ âm nhạc tới ẩm thực, tây y tới đông y, trên thiên văn dưới địa lý, từ khoa học thực nghiệm tới khoa học huyền bí...

    Khoa học huyền bí trong trường hợp của Khương Hữu Thành là Cảm xạ học (Radiesthesia) và Thông thiên học (Theosophia); anh là hội viên của Thông thiên học Việt Nam.

    Thông thiên học là một học thuyết siêu hình (đạo Cao Đài của Việt Nam có những tương quan với học thuyết này), tôi hoàn toàn mù tịt cho nên xin miễn bàn.

    Cảm xạ học thì hiện nay vẫn bị một số người xem là khoa học huyền bí, trong khi nhiều người khác cho là “một khoa học thực nghiệm chưa được chứng minh”, cho nên tôi cũng xin đứng vòng ngoài, và chỉ thuật lại với độc giả những gì tôi được Thành cận truyền thụ và kết quả ứng dụng.

    Ngày ấy, trong những lúc rảnh rỗi tới mức nhàm chán ở Thành Ông Năm, Thành cận đã “thuyết” về cảm xạ học, kể ra một số ứng dụng của quả lắc cảm xạ, và hỏi có ai muốn thọ giáo không.



    Quả lắc (kim loại) và các mẫu cảm xạ đồ

    Nghe sơ qua thấy cũng... ly kỳ, tôi và hai anh bạn cùng đội tình nguyện bái sư. Tuy nhiên sau hai buổi “test” bằng cách thử cho quả lắc quay vòng, hai người kia bị Thành cận loại, chỉ mình tôi được tiếp tục thọ giáo vì có “chỉ số năng lượng (Bovis) cao” – nguyên văn lời Thành cận. Sau đó, tôi được Thành chỉ dạy cách thức sử dụng quả lắc cảm xạ cho tới khi nhuần nhuyễn, và thường xuyên ôn luyện để duy trì “chỉ số năng lượng”.

    [Độc giả muốn tìm hiểu thêm về cảm xạ học, cách sử dụng và ứng dụng quả lắc cảm xạ, có thể lên Internet, có khá nhiều trang mạng tiếng Việt viết về đề tài này]

    Trở lại với T2, Đồng Ban. Trước hết tôi thực hiện một quả lắc cảm xạ hết sức đơn giản là một hòn sỏi nhỏ cỡ đốt ngón tay út, đầu to đầu nhỏ, cột vào một sợi dây dài khoảng 25 cm sao cho đầu nhỏ của hòn sỏi chỉ xuống đất, rồi lấy bốn trang giấy vở học trò ghép lại, vẽ một cảm xạ đồ hình tròn với bốn phương tám hướng, sau đó “test” để biết chắc quả lắc cảm xạ hoạt động chính xác.

    Sau một đêm ngủ để giải tỏa mọi buồn bực ưu phiền, ngày hôm sau, khoảng 10 giờ sáng, tôi bày “đồ nghề” ra trên sạp ngủ, yêu cầu anh em giữ khoảnh cách ít nhất 1m50, tin hay không tin cũng xin giữ im lặng, rồi ngồi thiền.

    “Thiền” với tôi không có gì cao siêu mà rất đơn giản. Nguyên từ thời trung học, theo học Nhu đạo (Judo) tại võ đường Quang Trung của Thượng tọa Thích Tâm Giác ở đường Phạm Đăng Hưng, Đakao, trước mỗi buổi học, tất cả các môn sinh, từ nhập môn cho tới huyền đai, đều phải lên phòng tập chính ngồi thiền trước khi trước về lớp của mình.


    Võ đường Quang Trung, Đakao

    Theo sự hướng dẫn của Thầy, chúng tôi tập trung tư tưởng để cố đạt tới vô thức, vận dụng năng lượng của bản thân để tiếp thu và phát huy những gì sẽ học hỏi. Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng rõ ràng là có hiệu quả...

    Thiền xong, tôi chuẩn bị tư thế của cánh tay, bàn tay, test lại quả lắc lần cuối cùng, rồi tập trung tư tưởng, vận dụng năng lựơng trong người truyền qua bàn tay, đi qua sợi dây nối để vào quả lắc, rồi đưa ra các câu hỏi có sẵn trong đầu.

    Tôi tiến hành công việc một cách từ tốn, chậm chạp, anh em rất sốt ruột nhưng không dám lên tiếng... Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, tôi cho anh em biết nếu tin vào quả lắc cảm xạ, nơi chúng tôi sẽ được đưa tới nằm về hướng đông đông bắc của Đồng Ban, khoảng cách từ 100 tới 150 cây số đường chim bay.

    Nghe tôi nói, anh em bán tín bán nghi. Thực ra lúc đầu hầu như không có ai tin tưởng cả, họ vây quanh quan sát tôi sử dụng quả lắc cảm xạ chỉ vì óc tò mò, nhưng tới khi thấy quả lắc (hòn sỏi) chạy vù vù thì họ bắt đầu tin tôi có một khả năng đặc biệt nào đó. Dĩ nhiên, cũng có một số người có định kiến, hoặc không chứng kiến tận mắt mọi diễn tiến, đã cho rằng mọi người bị tôi bịp.

    Cường đội trưởng cũng là một trong số những người bán tín bán nghi. Anh đề nghị tôi double-check bằng cách làm lại một lần nữa nhưng tôi từ chối. Tôi giải thích đại khái: tôi không nhận thấy bất cứ trục trặc nào trong lúc test cũng như trong tiến trình sử dụng quả lắc. Như vậy nếu kết quả không chính xác thì chỉ vì tôi đã không tập trung tư tưởng, không vận dụng năng lực đủ để truyền đạt các câu hỏi tới quả lắc.

    Mà một khi đó là nguyên nhân, tôi có làm lại lần thứ hai kết quả cũng sẽ không chính xác như lần thứ nhất mà thôi; chưa kể còn sai lạc nhiều hơn bởi cơ thể lẫn tinh thần đã mệt mỏi, thiếu sáng suốt, bình tĩnh.

    Nhưng tin hay không tin, một số anh em cũng đem những dữ kiện tôi cung cấp để tìm ra câu trả lời về địa điểm có thể sẽ bị đưa tới. Theo những anh em sĩ quan bộ binh quen thuộc với bản đồ của các tỉnh miền đông Nam Bộ và cao nguyên Trung Phần, với phương hướng và khoảng cách tôi đưa ra, chúng tôi sẽ bị đưa về một trong ba tỉnh Phước Long, Quảng Đức và Lâm Đồng.

    Trong số ba tỉnh nói trên, Lâm Đồng bị chúng tôi gạt bỏ ngay, bởi qua đọc các “báo Đảng” ai cũng biết những vùng đất chưa khai thác của tỉnh này đã được dành ưu tiên cho dân miền Bắc vào Nam lập nghiệp – nơi có những “vùng kinh tế mới” với nhà mái tôn, có máy phát điện để xem truyền hình!

    Còn lại hai tỉnh Phước Long và Quảng Đức, chúng tôi thiên về Phước Long (sau 1975 gọi là tỉnh Sông Bé ), bởi phần lớn diện tích của tỉnh đất đỏ màu mỡ này vẫn chưa được khai thác.

    Tha La Xóm Đạo

    Hai ngày sau, đoàn molotova chở chúng tôi rời Đồng Ban. Lần đầu tiên, xe không bị bít bùng. Dĩ nhiên, đoàn xe đi về hướng nam, bởi nếu đi lên hướng bắc sẽ là biên giới Việt - Miên.

    Qua thị xã Tây Ninh, tới chợ Trảng Bàng đoàn xe dừng lại khoảng nửa tiếng đồng hồ để đám cán bộ, vệ binh mua sắm.

    Chiếc xe chở tôi đi phía sau, đậu cách chợ vài trăm mét, ngay ngã ba Quốc lộ 1 và con đường đá đỏ đi vào họ đạo Tha La, nơi tôi đã sống những tháng ngày thần tiên của thời niên thiếu. Dĩ vãng bấy lâu tưởng đã nhạt nhòa bỗng hiện rõ trong tôi... (Chú thích 1)

    Còn nhớ vào đầu năm 1965 tại Sài Gòn, khi ca khúc Tha La Xóm Đạo của Dzũng Chinh được Hoàng Oanh thu đĩa, làm mưa gió qua làn sóng điện các đài phát thanh, tôi cho bạn bè biết 10 năm về trước tôi đã từng sống ở Tha La, không một người nào tin.

    Họ nói dân giá sống thứ thiệt đây mà còn không biết Tha La xóm đạo ở đâu thì làm sao một tay Bắc Kỳ di cư như tôi lại có thể đã tới sống ở đó?!


    Nguyên vào đầu năm 1955, sau khi di cư vào Nam, tạm trú mấy tháng tại nhà một người cô của mẹ (chị ông ngoại tôi) vào Nam trước Đệ Nhị Thế Chiến nay ở Thị Nghè, gia đình tôi theo bà ngoại và mấy cậu, dì chưa lập gia đình tới họ đạo Tha La ở quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh để lập nghiệp.

    [Tới cuối thập niên 1950 hay đầu thập niên 1960, khi tỉnh Hậu Nghĩa được thành lập, Trảng Bàng thuộc tỉnh mới, sau 1975 trở lại thuộc Tây Ninh]

    Sau này có cơ hội tìm hiểu, tôi được biết trước kia, vào hai năm 1954, 1955, chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã đưa khoảng 40.000 đồng bào Công Giáo miền Bắc di cư tới Tây Ninh lập nghiệp, đa số tập trung ở quận Châu Thành (sau 1975 gọi là “huyện”), một số nhỏ ở Bời Lời thuộc quận Trảng Bàng, hoặc Đồng Ban và Bàu Cỏ thuộc quận Tân Châu.

    Tuy nhiên vì không có kế sinh nhai, chỉ sau một thời gian ngắn, những người ở Bời Lời, Đồng Ban, Bàu Cỏ, hoặc đi nơi khác lập nghiệp, hoặc về quận Châu Thành, hợp cùng đoàn người di cư ở đây thành lập giáo xứ Cao Xá, vẫn còn hiện hữu cho tới ngày nay.

    Những tài liệu trên không hề nhắc tới đoàn người lập nghiệp ở họ đạo Tha La có lẽ vì đây chỉ là một nhóm nhỏ, và về sau bỏ đi gần hết.

    [Theo một bài viết về Tha La, trước năm 1975, chỉ còn bốn gia đình người Bắc di cư ở lại họ đạo Tha La]

    Sở dĩ gia đình tôi lên Tha La là vì bà ngoại tôi rất thân với một vị linh mục uy tín đã trọng tuổi mà bà gọi một cách trân trọng là “Cha già cố Trực”. Khi biết ngài đang “tuyển mộ” dân Công Giáo di cư lên Trảng Bàng để lập xứ đạo, bà đưa hai người cậu, người dì út, và rủ bố mẹ tôi đi theo để ủng hộ tinh thần Cha.

    Thời gian này người dì giữa của tôi vừa lập gia đình, mua nhà trong hẻm 6 đường Trương Minh Giảng (nối dài), Phú Nhuận, khuyên bà tôi ở lại Sài Gòn mua lô đất trống gần đó, xây nhà cho các cậu và dì út của tôi ở.

    Bà ngoại tôi tuy góa chồng sớm (ông ngoại tôi làm Lý trưởng, hy sinh đầu năm 1954 khi bốt quốc gia bị Việt Minh tấn công) nhưng cũng còn chút của; tuy nhiên thay vì nghe lời khuyên của dì tôi, bà nhất định đi theo “Cha già cố Trực” lên Tha La. Để rồi chỉ nửa năm sau đã phải quay trở về hẻm 6 mua đất xây nhà!

    Nhưng riêng gia đình tôi thì nhất quyết nhận Tha La làm quê hương thứ hai.

    Lúc đó tôi mới 6, 7 tuổi, đang suốt ngày bị nhốt trên căn gác chật hẹp ở ven sông Thị Nghè bỗng được về sống ở một vùng quê rộng rãi thoải mái, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, xum xuê cây trái hoa lá, có ruộng vườn, sông suối, rừng cây, tha hồ bay nhảy, hỏi không thích sao được!

    Theo ký ức của tôi, đi theo Quốc lộ 1 hướng Sài Gòn – Tây Ninh, qua chợ Trảng Bàng vài trăm mét, quẹo trái vào con đường trải đá đỏ, cứ đi thẳng về hướng tây sẽ thấy nhà thờ Tha La nằm phía bên trái.

    Sau này lớn lên tôi mới biết Tha La là không chỉ là xứ đạo lâu đời và lớn nhất ở tỉnh Tây Ninh mà còn là một trong những xứ đạo nổi tiếng của miền đông Nam Bộ vào thời kháng chiến chống Pháp, được lưu danh trong văn học sử qua bài thơ Tha La Xóm Đạo của Vũ Anh Khanh. (Chú thích 2)

    Đi qua nhà thờ và trường học thì tới một con dốc thoai thoải, và cuối cùng những ruộng mía lau gần bờ sông.

    Cũng từ Trảng Bàng đi vào, trước khi tới nhà thờ, từ con đường đá đỏ rẽ mặt vào một con đường đất, lớn đủ để cho xe hơi chạy, sẽ tới khu định cư của người Công Giáo di cư, bề dài khoảng hơn một cây số, bề ngang vài trăm mét, được vây quanh bởi những lũy tầm vông lâu đời dày cả mấy mét.

    Khu đất này không bỏ trống mà trồng xoài từ đời nào, xen lẫn là khoảng 100 căn nhà tranh vách đất dành cho dân di cư, một ngôi nhà thờ nho nhỏ mái tôn vách tôn, với một vị linh mục người Bắc di cư gọi là “cha Mỹ” kiêm đủ mọi công việc đạo đời – vừa là cha xứ vừa đại diện chính quyền.

    Tôi không biết khu đất này là tài sản của họ đạo Tha La hay một đại điền chủ nào đó, chỉ biết chắc chắn không phải đất công, bởi vì vào mùa xoài, có người đưa xe bò và công nhân tới hái xoài chở đi.

    Tôi vẫn còn nhớ những luật lệ bất thành văn do cha xứ phổ biến cho giáo dân trong các buổi đọc kinh ở nhà thờ, chẳng hạn chỉ được thu lượm trái cây - mít, xoài, vú sữa, điều lộn hột... - đã rụng xuống đất chứ không được leo lên cây để hái, không được bẻ măng (tre, tầm vông), thơm khóm mọc ở bất cứ nơi nào, bởi tất cả đất đai ở đây đều có chủ, không phải đất hoang..., nhất nhất đều được giáo dân tuân giữ.

    Vì dân di cư ở Tha La không mấy người kiếm được công ăn việc làm, không có ruộng rẫy để canh tác, không có rừng để khai phá, khoảng nửa năm sau, khi đại diện chính phủ tới kêu gọi người tình nguyện đi Ban Mê Thuột lập “khu dinh điền”, khoảng 1/3 dân di cư đã theo mấy chiếc xe vận tải lên vùng cao nguyên.

    Số còn lại cũng bỏ đi dần, cho tới lúc chỉ còn lại khoảng 10 gia đình, cha Mỹ cũng gỡ tôn nhà thờ chở đi đâu mất (chắn hẳn phải có phép của Bề Trên) thì đám Bắc Kỳ di cư còn lại được nhập vào họ đạo Tha La của dân Nam Kỳ.

    Tôi được đi học ở trường tiểu học do các dì phước trông coi. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được cắp sách đến trường nhưng đã biết đọc biết viết, làm toán cộng toán trừ, nhờ được mẹ dạy ở nhà từ hồi còn ở ngoài Bắc, cho nên được học lớp Tư.

    Tôi học khá giỏi, trừ môn chính tả luôn luôn bị zéro (trên 10 lỗi), vì các dì phước người Nam đọc sao tôi cứ y như thế mà viết: dui dẻ, ra dô, dường tược, diếc mực, dăng minh, dâng chúng, cờ dàng...

    Đây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi có bạn đúng nghĩa. Cũng giống như người lớn ở Tha La, đám con trẻ con Nam Kỳ ở đây không hề kỳ thị “Bắc Kỳ ăn cá rô cây”, trái lại chúng rất thích chơi với tôi, có lẽ vì tôi tháo vát, lắm trò nghịch ngợm, và nói giọng Bắc nghe “thiệt ngộ”!

    Về phần tôi, nhờ theo các bạn Nam Kỳ, tôi mới có cơ hội khám phá hết vùng Tha La, với sinh hoạt đặc thù và phong cảnh độc đáo, vừa có ruộng vườn, sông suối vừa có những ngọn đồi thoai thoải, vừa có hoa màu nơi vườn tược vừa có những loài hoa dại trong rừng, nơi chúng tôi thường rủ nhau đi hái trái hồng quân (còn gọi là bồ quân, mùng quân), một loại trái chùm giống như trái nho thường mọc hoang ở miền Thượng du Bắc Việt, và Tha La, Thất Sơn (An Giang) trong Nam.


    Trái hồng quân

    Cũng ở Tha La, lần đầu tiên trong đời tôi có... girlfriend; hoặc nếu độc giả không tin một thằng nhóc mới 6, 7 tuổi đã biết yêu, tôi xin sửa lại cho nhẹ nhàng hơn: lần đầu tiên trong đời tôi thích một người khác phái, và được đáp lại!

    Tôi không phải văn sĩ hay chuyên gia tâm lý để có thể diễn tả, mổ xẻ, phân tích quan hệ tình cảm đặc biệt này, nhưng dứt khoát đây không chỉ là tình bạn học giữa hai đứa trẻ khác tính phái, bởi vì cùng với những nụ cười chúng tôi dành cho nhau, còn có cả ánh mắt... Người ta đã chẳng nói con mắt là cửa sổ của tâm hồn đó sao!

    Đôi mắt to tròn và mái tóc bắt đầu dài ấy là một phần không thể xóa bỏ mỗi khi tôi nhớ về chốn thiên đường hạnh phúc thời niên thiếu!

    Cùng khoảng thời gian, nhờ có chút vốn liếng chữ nghĩa, thường giúp mọi người viết đơn từ, và hay ra xã xin các tạp chí, bản tin, bích chương của chính phủ về nhà đọc và phổ biến cho mọi người, nay bố tôi được trao chức vụ Thư ký Hội đồng Xã.

    Sau khi khăn gói ra Long Hoa học một khóa hành chánh, ông bê về nhà một cái máy đánh chữ cổ lỗ sĩ to gần bằng nửa cái bàn, thì gia đình coi như an cư lạc nghiệp. Thỉnh thoảng có “quan lớn” trên quận đi xe díp màu xanh lá cây (công xa) về thăm, tôi lại được dịp lên mặt với đám bạn Nam Kỳ.

    Về phần mẹ tôi vốn tính tình cởi mở, dạn dĩ, đã trở nên thân thiết với các cô gái miền Nam gần nhà, được họ gọi là “chị Ba”, chiều chiều khi chuông nhà thờ đổ lại rủ nhau đi đọc kinh chiều... Từ những ngày ấy cho tới khi qua đời hơn 60 năm sau, mẹ tôi không bao giờ vấn tóc nữa, mà chỉ búi.

    Ngoài ra, gia đình tôi còn được bà Tám Hào, góa phụ của một chủ đất giàu có ở Tha La, nhận làm con cháu. Bà Tám khi ấy đã móm xọm nhưng còn khỏe mạnh và sống một mình. Khi chia đất cho các con, bà giữ lại thửa đất có căn nhà của vợ chồng bà. Thửa đất ấy trồng toàn vú sữa – loại trái cây nổi tiếng nhất của Tha La, và mấy cây mít gần nhà trong đó có một cây mít ướt dành riêng cho bà. Bà bắt chúng tôi kêu bằng “bà nội” (ông bà nội tôi đã mất ngoài Bắc), và thương “con Ba” (mẹ tôi) tới mức nhiều khi con cháu bà phải ganh tỵ.

    Bà Tám Hào chỉ có một “khuyết điểm” là đi lễ Chủ Nhật luôn luôn đứng bên ngoài chứ không chịu vào nhà thờ. Bà nói “Tao đứng ngoài để muốn dìa lúc nào thì dìa!”

    Có lẽ bà hạp mẹ tôi một phần là vì cả hai đều có máu “tomboy”!

    Có thể viết, nếu cuộc đời cứ thế trôi đi, tôi và thằng em trai sẽ trở thành hai chàng trai Tha La thứ thiệt.

    Nhưng có lẽ chúng tôi có duyên với Tha La mà không có nợ!

    Trong năm 1956, sau một loạt vi phạm Hiệp Định Genève 1954 của phía cộng sản, Tổng thống Ngô Đình Diệm chấm dứt các cuộc tiếp xúc giữa hai miền về việc tổng tuyển cử thống nhất đất nước, thì đám du kích bấy lâu nay trốn tránh bên kia bờ sông Vàm Cỏ, bắt đầu mò về hoạt động trở lại. Nghe bố tôi nói chuyện với người lớn, tuy không hiểu rõ tôi cũng đoán được đám du kích này đã ám sát một số viên chức chính phủ ở địa phương.

    Một đêm nọ, lực lượng Bảo An trên quận được mật báo, về Tha La vây bắt được hai tên du kích lén về thăm nhà. Cho tới sau này tôi cũng không biết đích xác về sự hăm dọa của đám Việt Cộng nằm vùng đối với các viên chức ở xã, cũng như tình trạng “xôi đậu” ở Tha La nói riêng, Trảng Bàng nói chung, chỉ biết bố tôi đã quyết định xin nghỉ việc để đưa gia đình trở lại Sài Gòn.

    Chính vì tuổi niên thiếu êm đẹp của mình bị chấm dứt một cách đột ngột, phũ phàng như thế, tôi không bao giờ quên được Tha La, cho dù thời gian sống ở đó chưa đầy hai năm...


    Nhà thờ Tha La trước năm 1975

    Đoàn molotova chuyển bánh, tôi nhìn lại con đường đá đỏ lần cuối, nhà thờ Tha La bị những tàng cây xanh che khuất, chỉ thấy một chiếc xe bò chở đầy me xanh ra chợ. Thì ra hàng me cổ thụ bên đường phía trước nhà thờ mà ngày ấy chúng tôi thường lén cha xứ leo lên nghịch phá, nay vẫn còn đó, và trở thành một nguồn lợi, dù nhỏ bé, cho người dân vùng đất “trái ngọt cây lành” sau cuộc đổi đời.

    Rồi tôi chợt bâng khuâng: không hiểu cô bé Tha La tóc dài có cặp mắt to tròn học lớp Tư ngày ấy, giờ này đã mấy con?!

    (Còn tiếp)


    CHÚ THÍCH:

    (1) Quốc lộ 1: Hiện nay, theo cách gọi của CSVN, Quốc lộ 1 từ Bắc vô Nam, tới Sài Gòn thì tiếp tục đi xuống miền Tây, tới tận Năm Căn, Cà Mau. Thực ra đây chỉ là một sự áp đặt mang mục đích tuyên truyền, xóa bỏ thực tế lịch sử.

    Nguyên Quốc lộ 1 được xây dựng từ thời Pháp thuộc, không chỉ là con đường nối liền ba miền bắc trung nam của Việt Nam mà còn nối với cả thủ đô Nam Vang (Phnom Penh) của Căm-bốt, từ Sài Gòn đi qua Ngã Tư Bảy Hiền, Hốc Môn, Củ Chi, Trảng Bàng tới thị trấn Gò Dầu thì quẹo trái để đi sang Căm-bốt.

    Còn con đường từ Sài Gòn đi miền Tây xuống tới Cà Mau được Việt Nam Cộng Hòa đặt tên Quốc lộ 4. Sau năm 1975, đoạn đường này cũng được chế độ mới gọi là Quốc lộ 1, còn con đường nối liền Sài Gòn với Căm-bốt, tức Quốc lộ 1 cũ, được gọi là Quốc lộ 22.

    (2) Tha La Xóm Đạo. Mời độc giả đọc nguyên văn bài viết của tác giả Lê Thương:

    Vũ Anh Khanh và Tha La Xóm Đạo

    Tha La, trước năm 1975, người dân Miền Nam đã nghe tên nầy qua các bản nhạc “Tha La Xóm Đạo”, “Hận Tha La”, “Vĩnh Biệt Tha La”.

    Tha La nằm trong vùng Trảng Bàng, nếu bắt đầu đi từ Sài-Gòn theo hướng Tây Bắc đến Hóc Môn rồi vượt Củ Chi và đến quận Trảng Bàng. Từ Trảng Bàng theo con đường đất đỏ mà hai bên đường là các thửa ruộng, rẫy chen lẫn với các nhà dân. Tha La chỉ là một xóm nhỏ với những mái nhà lợp tranh, lợp tôn nhưng thỉnh thoảng cũng có những nhà lợp ngói thấp thoáng sau những vườn cây ăn trái.

    Nguyên thủy Tha La tên gốc từ chữ Schla của người Khmer, có nghĩa là trại hoặc nơi nghỉ mát rồi không biết từ khi nào người Việt đọc Schla thành Tha La và địa danh nầy tồn tại cho tới ngày nay. Tha La thuộc ấp An Hội, Xã An Hòa nằm trong quận Trảng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh và là một Xứ Đạo Thiên Chúa. Từ thời vua Minh Mạng dân theo đạo trốn chạy lánh nạn vào đây rồi khai quang lập ấp, xây dựng cuộc sống để bảo tồn nền đạo cùng niềm tin Thiên Chúa. Trong Tha La, nơi nhộn nhịp, trù phú nhất là khu vực dân cư sống chung quanh họ đạo gần nơi thánh đường Thiên Chúa Giáo. Tuy nhiên, cũng có một số người theo đạo Phật, theo đạo Cao Đài hay thờ cúng tổ tiên sống ở Tha La.

    Tha La là một vùng đất lành, màu mỡ do con kinh Vàm Trảng dẫn nước từ sôngVàm Cỏ Đông về tưới mát đất đai, cây trái, vườn tược nhưng sao dân cư ở trong vùng vẫn mang vẻ u hoài, hiu quạnh hay Tha La tự nó vẫn buồn muôn thuở...?

    Trong công cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp, thanh niên nam nữ Tha La đã nhiệt tình tham gia phong trào kháng chiến, họ ra đi không hẹn ngày trở về và họ đã đền nợ nước trên các chiến trường lửa đạn khiến Tha La vắng bóng người, buồn cô quạnh... rồi nhà thơ Vũ Anh Khanh trong một lần lạc bước đến Tha La đã cảm xúc tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của nam thanh nữ tú Tha La nên sáng tác bài thơ “Tha La Xóm Đạo” vào năm 1950.

    “Tha La Xóm Đạo” là một bài thơ dài 97 câu, viết theo lối hợp thể, đoạn mở đầu là ngũ ngôn, rồi chuyển sang tám chữ, sau đó thành kịch thơ và kết thúc bằng hai câu thất ngôn. Lời thơ giản dị, chân thành. Nhịp điệu của bài thơ nhẹ nhàng như lời tâm tình đã làm rung động tâm hồn của nhiều độc giả. “Tha La Xóm Đạo” đã được nhạc sĩ Dũng Chinh, cũng người Phan Thiết phổ nhạc vào năm 1964. Sau đó một năm, nhạc sĩ Sơn Thảo phổ thành bài hát mang tên “Hận Tha La” và cũng trong năm này nhạc sĩ Anh Tuyền phổ thành ca khúc mang tên “Vĩnh Biệt Tha La”. Ngoài ra, soạn giả cải lương Viễn Châu cũng đã phỏng theo ý tưởng của Vũ Anh Khanh để viết ca khúc tân cổ giao duyên “Tha La Xóm Đạo”.

    Bài Thơ “Tha La Xóm Đạo”

    Đây Tha La xóm đạo
    Có trái ngọt cây lành
    Tôi về thăm một dạo
    Giữa mùa nắng vàng hanh.

    Ngậm ngùi Tha La bảo:
    - Đây rừng xanh rừng xanh,
    Bụi đùn quanh ngõ vắng,
    Khói đùn quanh nóc tranh.
    Gió đùn quanh mây trắng,
    Và lửa loạn xây thành.

    Viễn khách ơi!
    Hãy dừng chân cho hỏi,
    Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng,
    Đây Tha La một xóm đạo ven rừng,
    Có trái ngọt, cây lành in bóng lá.
    Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ.
    Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!
    Về chi đây? Khách hỡi? Có ai chờ?
    Ai đưa đón?

    - Xin thưa, tôi lạc bước!
    Không là duyên, không là bèo kiếp trước,
    Không có ai chờ, ai đón tôi đâu!

    Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu,
    Tìm hoa rụng lạc loài bên vệ cỏ,
    Nhìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió,
    Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.
    Nghìn cánh hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng.

    Tha La hỏi:
    Khách buồn nơi đây vắng?

    Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng!

    - Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?

    Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn,
    Gió vi vút, gió rợn rùng, gió rít.
    Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch.

    Thôi hết rồi còn chi nữa Tha La!
    Bao người đi thề chẳng trở lại nhà.
    Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!

    Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán,
    Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa,
    Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa,
    Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh.
    Khách rùng mình, lòng ngẩn ngơ hiu quạnh.

    - Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
    Đây mênh mông xóm đạo với rừng già.
    Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách.
    Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch,
    Gặp cụ già đang ngóng gió bâng khuâng.

    - Kính thưa cụ vì sao Tha La vắng?
    Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng,
    Nhẹ bảo chàng:
    “Em chẳng biết gì ư?
    Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù!
    Người nước Việt ra đi vì nước Việt,
    Tha La vắng vì Tha La đã biết,
    Thương giống nòi đau đất nước lầm than.”

    Trời xa xanh, mây trắng ngoẹn ngàn hàng.
    Ngày hiu quạnh. Ờ...ơ...hơ tiếng hát.
    Buồn như gió lướt lạnh dài đôi khúc nhạc.

    Tiếng hát rằng:
    Tha La giận mùa thu,
    Tha La hận quốc thù,
    Tha La hờn quốc biến,
    Tha La buồn tiếng kiếm,
    Não nùng chưa!
    Tha La nguyện hy sinh.

    Ơ...ơ...hờ... có một đám chiên lành.
    Qùy cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy.
    Quỳ cạnh Chúa, đám chiên lành run rẩy:

    Lạy Đức Thánh Cha!
    Lạy Đức Thánh Mẹ!
    Lạy Đức Thánh Thần!
    Chúng con xin về cõi tục để làm dân...
    Rồi... cởi trả áo tu.
    Rồi... xếp kinh cầu nguyện.
    Rồi... nhẹ bước trở về trần...

    Viễn khách ơi! Viễn khách ơi!
    Người hãy dừng chân.
    Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé!
    Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ.
    Trời Tha La vần vũ đám mây tan.
    Vui gì đâu mà tâm sự?
    Buồn làm chi mà bẽ bàng?

    Ơ...ơ...hơ, ờ...ơ...hơ... tiếng hát.
    Rung lành lạnh ngâm trầm đôi khúc nhac.
    Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!
    Tha La thương người viễn khách đi thôi!

    Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ,
    Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ.
    Lá rừng cao, vàng rụng lá rừng bay...
    Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này:

    - Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
    Hãy về thăm xóm đạo,
    Có trái ngọt cây lành.
    Tha La dâng ngàn hoa gạo,
    Và suối mát rừng xanh.

    Xem đám chiên lành thương áo trắng.
    Nghe mùa đổi gió nhớ quanh quanh.


    (Thơ Mùa Giải Phóng – 1950)


    Vũ Anh Khanh tên thật là Võ Văn Khanh, có người nói ông tên thật là Nguyễn Năm, sinh năm 1926 tại Mũi Né, quận Hải Long, tỉnh Bình Thuận. Vũ Anh Khanh là một cây bút chuyên viết chuyện ngắn và tiểu thuyết. Tác phẩm của ông gồm những chuyện dài như “Nửa Bồ Xương Khô”, “Bạc Xíu Lìn”, “Cây Ná Trắc” và các truyện ngắn như “Ngũ Tử Tư”, “Đầm Ô Rô”, “Sông Máu”, “Bên Kia Sông”, “Một Đêm Trăng”.

    Ngoài ra, ông cũng còn sáng tác thơ, nổi bật nhất là các bài “Chiến Sĩ Hành” và bài “Tha La Xóm Đạo”. Các tác phẩm của Vũ Anh Khanh rất có giá trị, tiêu biểu cho dòng văn chương thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Miền Nam. Tuy vậy, hầu như nhiều người chỉ nhớ đến Vũ Anh Khanh qua bài thơ “Tha La Xom Đạo” hay “Hận Tha La”.

    Trước năm 1945, ông vào Sài-Gòn làm báo và viết văn. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, ông cùng hoạt động với Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Thẩm Thệ Hà...trong nhóm Văn Học Yêu Nước ở Sài-Gòn. Năm 1950, ông bị chính quyền Sài-Gòn lùng bắt, ông trốn thoát ra chiến khu.

    Ngày 20-7-1954 Hiệp Định Genève được ký kết, chia cắt nước Việt Nam làm hai, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Khoảng một triệu người dân Miền Bắc ồ ạt di cư vào Miền Nam, đổi lại các cán bộ, binh sĩ của cộng sản ở Miền Nam tập kết ra Bắc, trong số nầy có Vũ Anh Khanh.

    Ông ra Bắc rồi được cử đi dự Hội Nghị Các Nhà Văn Á Châu ở Tân Đề Ly, Ấn Độ. Vũ Anh Khanh có mặt trong phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với nhà văn Miền Bắc Nguyễn Công Hoan (tác giả Bước Đường Cùng, Đống Rác Cũ...). Sau khi dự Hội Nghị về, Vũ Anh Khanh được cử đi công tác ở Vĩnh Yên, một tỉnh nằm về phía Bắc của Hà Nội và nhà thơ đã sửa Lệnh Công Tác từ Vĩnh Yên thành Vĩnh Linh, một địa danh gần Sông Bến Hải vì ông đã có ý định vượt tuyến về Miền Nam tìm Tự Do.

    Vũ Anh Khanh đã đến được Vĩnh Linh và thực hiện cuộc vượt tuyến bằng cách bơi qua sông Bến Hải nhưng ông bị công an gác ở sông Bến Hải phác giác, họ dùng nỏ và tên tẩm thuốc độc bắn chết trước khi ông đến được bờ phía Nam của Việt Nam Cộng Hòa. Sở dĩ công an Bắc Việt gác ở sông Bến Hải dùng nỏ và tên độc vì Hiệp Định Genève cấm dùng súng ở Khu Phi Quân Sự.

    Vũ Anh Khanh mất tại Bến Hải năm 1956, lúc đó ông mới 30 tuổi. Xác của người bạc mệnh được vớt lên và bị vùi dập đâu đó trong Khu Phi Quân Sự mà không để lại vết tích, mồ mả gì cả!

    Là một nhà văn, nhà thơ có tài lại có lòng yêu nước cao độ nhưng chính quyền Miền Bắc đã cố tình gạt bỏ tên ông trong văn học sử mà ngay cả chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam cũng đối xử tương tự với ông khi bỏ tên ông trong chương trình giáo dục phổ thông cùng cấm xuất bản và cấm lưu hành các sách của ông từ năm 1955-1975, họ xếp ông là văn, thi sĩ cộng sản!

    Cả hai chính quyền Nam Bắc đều đối xử bất công với một nhà văn, nhà thơ tài hoa của nền văn học nước nhà!

    Lê Thương
    Richmond - Virginia – USA


    * Độc giả cũng có thể đọc thêm bài “Tha La Xóm Đạo”, một bài khảo cứu công phu của tác giả Lâm Thanh theo từ khóa dưới đây:

    http://tayninhdonghuonghoi-usa.org/tha-la-xom-d%E1%BA%A1o


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X