Chuẩn Tướng NGUYỄN VĂN LƯỢNG (1931–2024)
Vì sao cuối cùng đã tắt
Vì sao cuối cùng đã tắt
Như một sự trùng hợp vô tình, vào đầu tháng 12/2024, khi đang viết hồi ký “Buồn Vui Đời Lính Văn Phòng” tới đoạn nói về Thập Lục Tướng Quân, tôi có nhắc tới cựu Chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng, nguyên Tư lệnh SĐ2KQ, vị tướng cuối cùng của Không Quân Việt Nam còn tại thế, và tự hỏi không biết tình hình sức khỏe của ông hiện nay ra sao, thì cũng là khoảng thời gian ông vĩnh viễn ra đi (ngày mồng 2 tháng 12) mà nay tôi mới được biết qua bản tin của KQ Trần Đình Phước.
Còn nhớ vào đầu tháng 12 năm 2020, sau khi Chuẩn tướng Đặng Đình Linh, nguyên Tham mưu phó Tiếp Vận BTL/KQ qua đời, tôi đã giật mình nhận ra rằng Thập Lục Tướng Quân - tức 16 vị tướng được gắn sao khi đang tại vị - của KQVN giờ đây chỉ còn lại một mình Chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng và nhờ anh em KQ ở California dò hỏi tin tức, thì được cho biết từ mấy năm qua NT Nguyễn Văn Lượng sống khép kín, không muốn liên lạc với ai, mình nên tôn trọng.
* * *
Trước năm 1975, tôi chỉ được gặp NT Nguyễn Văn Lượng hai lần. Lần thứ nhất vào đầu năm 1972, khi NT với tư cách Sư đoàn trưởng SĐ2KQ từ Nha Trang lên Pleiku chủ tọa lễ bàn giao chức vụ Không đoàn trưởng KĐ72CT giữa Đại tá Nguyễn Văn Bá và Trung tá Lê Bá Định. Tôi được tham dự buổi lễ với tư cách Sĩ quan Báo chí Pleiku.
CCKQ Pleiku 1972. Đại tá Nguyễn Văn Bá (trái) và Đại tá Nguyễn Văn Lượng
Cũng nên biết, trước khi SĐ6KQ được chính thức thành lập tại Pleiku vào cuối năm 1972, Không Đoàn 72 Chiến Thuật và Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku tạm thời trực thuộc SĐ2KQ ở Nha Trang, ít nhất cũng là trên giấy tờ.
(Hiện nay trên Internet có phổ biến một video về buổi lễ nói trên nhưng trên màn hình lại ghi sai thời gian là năm 1970. Nên biết, tới cuối năm 1970, KĐ72CT mới được thành lập và khi ấy cả hai ông Nguyễn Văn Bá, Lê Bá Định còn mang cấp bậc Thiếu tá)
Lần thứ hai tôi được gặp NT Nguyễn Văn Lượng (lúc đó đã mang một sao) là trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Không Lực năm 1973 tại CCKQ Tân Sơn Nhứt, khi tôi tháp tùng Đại tá Từ Văn Bê, Chỉ huy trưởng BCH/KTTV/KQ, về tham dự.
Vì trong buổi lễ này sau phần tuyên dương 9 đại đơn vị (6 Sư Đoàn, TTHLKQ, BCH/HQKQ, và BCH/KTTV/KQ), Trung tướng Tư lệnh KQ sẽ gắn huy chương 9 ông đơn vị trưởng cho nên tất cả 9 ông phải về tham dự.
Trước khi gắn huy chương, 9 ông đơn vị trưởng rời khán đài, xếp thành một hàng dọc đi tới đứng trước hiệu kỳ của đơn vị mình, đối diện với khán đài. Vì thế trước đó mấy ngày, các đơn vị phải cử người về TSN tập dợt, sau đó về đơn vị dợt lại cho các sếp lớn; tôi thủ vai ông Từ Văn Bê, riêng Chuẩn tướng Phan Phụng Tiên, Tư lệnh SĐ5KQ, với tư cách chủ nhà có nhiệm vụ chào đón, hướng dẫn Trung tướng Tư lệnh KQ duyệt hàng quân, đã đích thân tới tập dợt!
Vì Đại tá Từ Văn Bê là người đi sau cùng, có bổn phận hô các khẩu lệnh như “trước bước, chào tay..., trái quay, trước bước...” cho nên trước khi buổi lễ khai mạc, tôi đã phải tới tận khán đài để “briefing” cho ông trên “thực tế chiến trường”, trong khi vị sĩ quan phụ trách chương trình buổi lễ hướng dẫn các ông đơn vị trưởng còn lại.
Thấy ông Từ Văn Bê lúng ta lúng túng (quên hết cơ bản thao diễn), các vị Chuẩn tướng, Đại tá lên tiếng chọc quê, cười đùa, tạo ra một bầu không khí vui vẻ trẻ trung hiếm thấy.
* * *
Trong số 9 ông đại đơn vị trưởng hiện diện lúc đó, Chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng và Đại tá Nguyễn Hữu Tần, Tư lệnh SĐ4KQ, là hai vị tương đối ít được nghe danh trong Không Quân có lẽ vì trước kia hai ông chưa từng nắm giữ chức Tư lệnh Không Đoàn (23, 33, 41, 62, 74).
Trước khi trở thành Sư đoàn trưởng (sau gọi là Tư lệnh) NT Nguyễn Hữu Tần giữ chức vụ Tham mưu phó Hành Quân BTL/KQ, còn NT Nguyễn Văn Lượng giữ chức vụ Chỉ huy phó TTHLKQ Nha Trang.
NT Nguyễn Văn Lượng sinh năm 1931 tại Kiến An (sau này thuộc Hải Phòng), động viên theo học Khóa 1 Sĩ quan Trừ Bị Nam Định, tức là cùng khóa với các NT Không Quân Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Ngọc Loan, Phan Phụng Tiên, Đặng Đình Linh, Nguyễn Hữu Tần, Vũ Thượng Văn, Trần Đình Hòe...
Ra trường giữa năm 1952 với cấp bậc Thiếu úy, ông phục vụ tại một đơn vị lục quân trước khi được tuyển về Không Quân vào cuối năm đó, theo học Khóa 2 Hoa Tiêu Quan Sát tại TTHLKQ Nha Trang, cùng với các bạn Khóa 1 Nam Định như Nguyễn Ngọc Loan, Vũ Thượng Văn, Trần Đình Hòe... và Võ Xuân Lành của Khóa 1 Thủ Đức.
Mãn khóa tháng 8 năm 1953, ông phục vụ tại Phi đoàn 2 Quan sát (tiền thân của PĐ112) đồn trú tại Nha Trang; cuối năm 1955, thăng cấp Trung úy và giữ chức Chỉ huy trưởng Phi đoàn thay thế Đại úy Võ Dinh.
Đầu năm 1959, ông được thăng cấp Đại úy. Tháng 11/1963, sau cuộc đảo chánh TT Ngô Đình Diệm ông được thăng cấp Thiếu tá và được cử đi làm Liên đoàn trưởng Liên Đoàn Khóa Sinh, TTHLKQ Nha Trang. Đầu năm 1967, ông được thăng cấp Trung tá, giữ chức vụ Chỉ huy phó Trung Tâm.
Tháng 7 năm 1970, ông được thăng cấp Đại tá và được bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng SĐ2KQ vừa được thành lập tại Nha Trang, và ở chức vụ này cho đến tháng 4 năm 1975.
Tháng 11/1972, ông được thăng cấp Chuẩn tướng, cùng đợt với các Chuẩn tướng Võ Dinh, Đặng Đình Linh, Phan Phụng Tiên, Nguyễn Ngọc Oánh, Huỳnh Bá Tính, Lê Trung Trực.
* * *
Về con người và đường lối chỉ huy của NT Nguyễn Văn Lượng, vì không có cơ hội phục vụ dưới quyền, tôi chỉ xin ghi lại nhận xét của hai cựu quân nhân Không Quân trên FB “Không Lực VNCH”:
Thinh Q Tran
Tướng KQ Nguyễn Văn Lượng, một nhân cách lớn, đức độ, tài ba, trong sạch, thưởng phạt nghiêm minh!
Gia Dai
Thinh Q Tran Mình học quân sự ở SĐ2KQ. Binh thực nằm đối diện Sư đoàn bộ. Nghe nói buổi trưa ông hay vào đây ăn cơm nên ở đây nhà ăn rất ngon và sạch sẽ. Xung quanh gắn lưới ruồi và có một nhân viên giữ cửa tay cầm vợt đập ruồi. Ăn cơm xong có trà đá uống và được mút đầy bình đong.
Đại tá Nguyễn Văn Lượng tại Nha Trang
Sau khi ra hải ngoại, trong thời gian giữ trách nhiệm biên soạn cuốn Quân Sử Không Quân VNCH (Liên Hội Ái Hữu Không Quân QLVNCH Úc Châu ấn hành năm 2005), sau khi chúng tôi nhờ NT Phùng Văn Chiêu làm trung gian chuyển lời mời ông viết tiểu sử, NT Nguyễn Văn Lượng đã hạ bút (viết tay) vài dòng đơn sơ nhưng không kém phần dí dỏm, đầy "chất không quân", nguyên văn như sau:
“Tốt nghiệp Khóa 1 Nam Định 1951. Gia nhập KQ 1952. Kỷ niệm đẹp nhất trong đời quân ngũ là thời gian làm bạn với em Morane 500. Em thuộc loại gái quê cổ lỗ sĩ, thân hình thô kệch, chân cẳng dài thoòng nhưng luôn luôn gắn bó chung thủy và chưa từng làm tôi thất vọng.
Sau này có dịp làm bạn với các em khác như Lan 19 trẻ trung thon thả, em C-47 lực lưỡng đô con, hoặc các chàng dũng sĩ lực điền AD6 hay nho nhã thư sinh A-37, chàng nào cũng võ công bí kíp cùng mình nhưng rồi càng không thể nào quên được những đêm cùng em “đầm già” của tôi tình tự dưới trăng trên đèo Mang Yang, những buổi vật lộn với gió dập mưa vùi ngang đèo M Drak, hoặc những buổi đẹp trời thảnh thơi lướt sóng rửa chân trên biển Nha Trang thần tiên thơ mộng.”
Nay, trong phi vụ cuối cùng, Niên trưởng cỡi hạc về chốn Bồng Lai.
Nghìn thu vĩnh biệt!
KQ Nguyễn Hữu Thiện
PHỤ CHÚ:
Danh sách 17 vị tướng Không Quân (tính cả Đại tá Lưu Kim Cương, được truy thăng Chuẩn tướng) và ngày qua đời:
1- Chuẩn tướng Lưu Kim Cương, 1968, hưởng dương 35 tuổi
2- Thiếu tướng Nguyễn Huy Ánh, 1972, hưởng dương 38 tuổi
3- Thiếu tướng Võ Xuân Lành, năm 1982, hưởng dương 51 tuổi
4- Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính, 1990, hưởng thọ 63 tuổi
5- Chuẩn tướng Phan Phụng Tiên, 1995, hưởng thọ 65 tuổi
6- Chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh, 1996, hưởng thọ 64 tuổi
7- Trung tướng Trần Văn Minh, 1997, hưởng thọ 65 tuổi
8- Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, 1998, hưởng thọ 68 tuổi
9- Chuẩn tướng Lê Trung Trực, 2002, hưởng thọ 75 tuổi
10- Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, 2002, hưởng thọ 72 tuổi
11- Chuẩn tướng Từ Văn Bê, 2008, hưởng thọ 77 tuổi
12- Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Tần, 2008, hưởng thọ 78 tuổi
13- Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Oánh, 2010, hưởng thọ 85 tuổi
14- Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, 2011, hưởng thọ 81 tuổi
15- Chuẩn tướng Võ Dinh, 2017, hưởng thọ 88 tuổi
16- Chuẩn tướng Đặng Đình Linh, 2020, hưởng thọ 92 tuổi
17- Chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng, 2024, hưởng thọ 94 tuổi.