Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Khung Cửa Sổ - Gấu Đen Lê Văn Phúc

Collapse
X

Khung Cửa Sổ - Gấu Đen Lê Văn Phúc

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Khung Cửa Sổ - Gấu Đen Lê Văn Phúc

    Chiều xuống dần. Những tia nắng gay gắt của ngày hè còn sót lại vẫn còn đủ sức thiêu đốt mọi cảnh vật chung quanh. Bên cửa sổ, tôi thẩn thờ nhìn chiếc lá vàng rơi trong cơn gió nhẹ. Trên cây mít sau nhà, một vài chú bướm vàng vô tư bay lượn từ cành nầy sang cành khác. Và trên cao, đám mây trắng lững lờ. Tôi miên man thả hồn về những ngày xưa cũ. Một nổi buồn dâng cao, thật cao. Tôi nhớ mẹ thât nhiều.

    Cũng chính nơi đây ngày xưa hai mẹ con tôi thường ngồi nắn bánh lúc giữa khuya. Tiếng hò mẹ văng vẳng trong màn đêm tỉnh mịch. Nữa như oán trách, nữa như than van.

    “ À ơi…………..ơi ơi….Thương chi cho uổng công trình,
    bậu về….ơi….ơi…ơi….bậu về xứ bậu, bậu bỏ mình bơ vơ…”.


    Vâng, cha tôi đã vĩnh viễn ra đi sau một thời gian dài lâm trọng bệnh, bỏ lại mẹ con chúng tôi bơ vơ nơi chốn dương trần. Là kết quả của những tháng năm dài cật lực trong hầm mỏ ở Tam Kỳ, Bồng Sơn. Một vùng xa xôi hiểm trở trong tưởng tượng của tôi thời đó. Mẹ tôi bảo tôi, cha mất vì bênh thương hàn. Ngày quan tài cha tôi được đưa về nơi an nghỉ sau cùng, hình như tôi đã khóc. Giọt nước mắt vô tư hay lệ thâm tình? Tôi chạy theo đoàn người đưa tiển nhưng mợ Viêm đã kéo tôi lại và dỗ dành tôi bằng một nắm xôi. Tôi chỉ biết thế.

    Gia tài cha để lại là một mái nhà tranh xơ xác, vài luống rau và một mình mẹ với ba đứa con còn khờ dại, mà tôi là đứa con sau cùng khi vừa hơn một tuổi. Tiếng hò chan chứa niềm u uất, một nổi cô đơn vời vợi. Mẹ một đời cặm cụi buôn tảo bán tần, chắt chiu từng ngon rau, trái ớt, từng củ sắn củ khoai để nuôi bầy con khôn lớn.Đôi lúc, mẹ một mình lặn lội đến những làng bên, Tài Lương, An Trú, Đạo Đầu, mua cả một bó bẹ * to lớn đem về. Chiếc vai bé nhỏ của mẹ oằn một sức nặng ba bốn chục kilo, đôi lúc còn nặng hơn thế nữa. Mẹ vẫn cười kiên nhẫn. Nhìn mẹ lận đận, trong chiếc áo vá vai, tuy còn nhỏ nhưng đôi lúc nước mắt tôi cũng tuôn trào. Tôi giúp mẹ chặt bẹ thành những khúc bằng nhau, lột vỏ, đan thành liếp. Sau đó mẹ đốt lửa, nướng bẹ, đem phơi, tháo bẹ bó thành từng bó nhỏ đem ra chợ bán. Hoăc giả, mua vài ba thúng sắn đem về cạo vỏ và tôi là người giúp mẹ mài sắn. Bàn tay tôi đôi khi rướm máu khi vô tình chạm tay xuống bàn mài sắc bén. Sau khi sắn mài xong, đến giai đoạn đổ nước vào để lượt, phần bã sắn được dùng nấu trộn với cơm, bột sắn lắng xuống, đem ủ cho ráo nước để làm bánh bột lọc, đem ra chợ bán. Hằng ngày, tôi thức giấc từ lúc bốn năm giờ sáng, giúp mẹ nhồi bột, nắn bánh trước khi đi học. Cuộc sống cứ như thế tần tảo tháng ngày, hai bữa đói no. Năm 1967, tôi đi vào cuộc chiến. Ngày xa Quảng Trị không kẻ tiển đưa. Tôi đã cố tình dấu diếm tất cả mọi người, nhất là mẹ, để khỏi phải nhìn thấy những giọt nước mắt thương yêu, những cảm xúc xót xa kinh hoàng trước phút chia ly. 1972 là lần cuối cùng tôi nhìn thấy mẹ. Bom đạn đã tàn nhẫn chôn vùi thân xác mẹ tôi trên đường di tản. Giờ thì hết, hết thật rồi. Mẹ tôi đã vĩnh viễn ra đi. Tôi không còn cơ hội nghe lại tiếng hò xót xa của mẹ.


    Về đây, tôi chẵng bao giờ tìm lại được những dấu yêu xưa với những vuốt ve vỗ về đầy ắp yêu thương. Đã bao lần, một mình tôi đứng lặng im trước tượng Phật Địa Tạng Vương ở Diên Sanh, Quảng Trị, nơi an nghỉ của mẹ và bao nhiêu người vô tội khác, bỏ mình trên đường vào Huế, với cả cõi lòng tan nát. Chiều dần tàn, trong tiếng thông reo, tôi mơ hồ thấy bóng dáng mẹ phảng phất đâu đây, nhìn tôi bằng ánh mắt yêu thương qua màn lệ khi thấy đứa con yêu ngày nào giờ vẫn còn bơ vơ, côi cút, không định hướng cho cuộc đời mình. “ Mẹ ơi, tình mẹ quá bao la, con chưa lần đền đáp”. Thắp nén hương, tôi quỳ xuống trước tượng Phật uy nghiêm mà nước mắt chan hòa, trong nghẹn ngào, tôi cầu xin Phật độ trì cho mẹ được vảng sanh về miền cực lạc. Người ta thường bảo “Mất mẹ mất cả nguồn hạnh phúc. Không cha không cả một bầu trời”. Tôi chưa bao giờ có cái cảm nhận bầu trời to lớn của cha, vì tôi mất cha khi còn quá nhỏ. Nhưng có điều chắc chắn tuổi niên thiếu tôi, có lẻ, vì mất cha, tôi không có cuộc sống như những kẻ còn cha. Với tôi, bầu trời dù to, biển có rộng muôn trùng làm sao sánh bằng tình mẹ, Tôi mất mẹ là tôi mất không những hạnh phúc mà luôn cả bầu trời, luôn cả cuộc đời.

    Tôi còn nhớ cả tiếng sáo của chú Học, người bà con bên bà nội của tôi, Chú thường bảo đó là tiếng sáo Tô Kiều Ngân mà chú học được trong thời gian còn trong quân ngũ, thuộc đại đội phòng vệ Phủ Tổng Thống trong thời Đệ nhất Cộng Hòa. Tiếng sáo thảnh thót lúc bổng lúc trầm quyện vào hồn người nghe một nổi buồn man mác, như chất chứa tâm sự của một người trai thời loạn. Vào lúc khuya vắng âm thanh tiếng sáo nghe càng thê lương, áo não. Có thể nói rằng chú là một nhân tài âm nhạc chưa có cơ hội đem tài năng mình phục vụ người thưởng ngoạn. Tiếng sáo đưa tôi lạc vào một vùng thật lạ, thật xa, một cỏi thiên thai trong tưởng tượng, xuyên qua cửa sổ nhà tôi, vào tận tâm hồn tôi, đưa tuổi mơ mộng tôi lâng lâng bay vào cõi không gian vời vợi. Đôi ba lần, chú cháu nằm cạnh nhau, bên khung cửa sổ nầy, chú thổ lộ tâm sự với tôi về sự lựa chọn cho mình một hướng đi của người trai trong thời non sông đầy binh lửa, điều tôi chưa từng nghỉ tới. Bẳng đi một thời gian chú vắng mặt, hiểu ra chú đi theo lý tưởng của riêng mình.Sau đó khoảng vài ba năm trời , tôi được tin chú nằm xuống mang theo hoài bảo to lớn được nhìn thấy quê hương thanh bình, an lạc khi tuổi đời vừa quá ba mươi, để lại vợ và một con thơ. Tôi buồn, tiếc thương một tài năng mai một.

    Cuộc sống thiếu thốn không ngăn được tôi lớn khôn, không làm tôi nản lòng trong vấn đề học vấn. Tôi vẫn ngày ngày cắp sách đi học. Từ nhà, hơn ba cây số, tôi lội bộ đến Nguyễn Hoàng. Dưới cơn nắng như thiêu đốt của những tháng hè Quảng Trị, cơn nóng làm tàn rui cỏ cây, làm điêu đứng người dân bản xứ vốn có một đời sống khó khăn càng khó khăn hơn. Trên khuôn mặt lấm tấm những giọt mồ hôi và chiếc áo cũ trên mình tôi cũng ướt mèm chung số phận, tôi lầm lủi bước đi dưới ngọn gió Lào cay nghiệt. Cũng chính ngọn gió nầy đã mang hơi nóng xuyên qua cửa sổ nhà tôi, làm rát da rát thịt, làm mất ăn mất ngủ mọi người. Và tôi cũng thầm cám ơn cơn gió nồm dịu mát cho tôi giấc ngủ yên lành, một hạnh phúc vô biên.

    Mùa hè cay nghiệt thế, mùa đông lại càng cay nghiệt hơn vì đói cơm thiếu áo. Nhà tôi thưở đó chỉ là mái lá thô sơ. Vách nhà được xây dưng bằng rơm trộn đất. Tội nghiệp, hai thân tre bé nhỏ, hai cột chính chống đở cả căn nhà. Chỉ một cơn bảo nhẹ cũng đũ làm nhà tôi tốc mái. Bên trong cánh cửa sổ, một chiếc chõng tre , nơi tôi nằm ngủ. Chính nơi nầy, tôi đã sống qua những ngày buốt giá, cho tôi cảm giác khổ đau của người thiếu chăn, thiếu áo, nơi un đúc chí phấn đấu để sống còn và niềm tự hào trong cuộc sống. Đăc biệt tạo cho tôi một tâm hồn bao dung, biết thương người, biết nhỏ giọt nước mắt đau buồn trước cuộc đời đầy bất công gian dối. Biết chia xẻ những khổ đau của những mảnh đời bất hạnh hơn mình. Thuở ấy, gia đình tôi không may mắn có chăn mền, chỉ có chiếu mà thôi. Tôi đã từng nằm ở nơi nầy với chiếc chiếu quấn quanh mình trong cái lạnh buốt da. Mổi lần cơn gió heo may thổi qua cửa sổ là tôi thấy như thân thể mình run rẩy co quắp, tim như ngừng đập. Chiếc bao bố đựng gạo không đủ dày là bảo vật bảo vệ đôi chân nhỏ bé của tôi qua những ngày cơ hàn. Đoạn đường từ nhà đến trường cũng không kém phần gian khổ. Dưới cơn mưa phùn rả rich và cái lạnh của mùa đông, trong chiếc áo mỏng manh, đôi chân trần tím bầm tê cóng vì lạnh, miếng nylon không đủ chống đở cơn gió quần quật làm ướt cả thân mình. Bây giờ mổi lần nghỉ lại, tôi thấy thương mình chi lạ.

    Bên khung cửa sổ ngày xưa, tôi miên man đắm chìm vào quá khứ. Tôi nhân ra một điều, hạnh phúc thật xa nhưng cũng rất gần. ngay trong khung cửa sổ nhà tôi, là những gì thật giản dị, đơn sơ, không phải bôn ba kiếm tìm. Như cơn gió mát trong mùa nắng hạ, như một ánh mắt nhìn, như nổi vui mừng gặp lại người thân sau bao ngày xa cách…….Trên bước đường tha hương tìm cơm áo, tôi đã từng có một đời sống thật sung túc mà ngày xa xưa chưa bao giờ nghỉ tới. Nhưng sao trong tôi như luôn thiếu thốn thật nhiều. Thiếu thốn tình yêu thương của mẹ, thiếu sự che chở của chị của anh. Với tôi, cánh cửa sổ là cả hình ảnh đời mình. Tôi đã hoài công đi tìm bóng dáng hạnh phúc xa xôi và giờ đây tôi chẵng còn gì hơn ngoài kỷ niệm. Tôi trở lại quê xưa tìm lại dấu yêu đã mất. Chiến tranh đã cướp đi mãi mãi mẹ rồi. Trong xót xa, tôi mơ thấy bóng dáng gầy năm xưa của mẹ. Kỷ niệm về vây bủa quanh tôi. Và văng vẳng giửa không trung, tiếng chim con lạc bầy, tìm mẹ. Mắt tôi mờ đi trong màn lệ nhạt nhòa.

    Lê Văn Phúc


    *..Vỏ ăn trầu.
    Last edited by khongquan2; 02-12-2013, 05:21 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X