Print this page

LÁ CỜ VÀNG - Trương kim Báu

By November 28, 2018 2830

Lâu lắm rồi mới có một ngày chủ nhật được ở nhà, nhân viên ngân hàng như chúng tôi đi công tác liên miên. Mới đầu thì tập trung 10 ngày học tập cải tạo, sau đó đánh tư sản, đổi tiền, tranh thủ làm thêm, đi lao động vì ... lao động là vinh quang v.v.
Vòm trời xé biệt cho chồng tôi học tập cải tạo tận miền Bắc xa xôi, vợ ở lại miền Nam đi làm và công tác. Các con tôi là chim non chưa đủ lông đủ cánh, thiếu hơi ấm của mẹ cha nên ngơ ngác, rụt rè.
Sáng sớm hôm nay hai con chạy ào vào phòng gối đầu lên tay mẹ. Ôm con, tôi chỉ biết truyền hết tình thương và sức sống cho con. Mới ngày nào mỗi tinh sương chủ nhật, hai con cũng ùa vào nằm giữa cha mẹ để thưởng thức trọn vẹn nguồn hạnh phúc vô biên được thương yêu chìu chuộng.
Qua cửa kính, bầu trời vẫn trong xanh với mây bềnh bồng trôi dạt, chợt lòng đau nhói vì nhớ đến chồng. 


Lửng lơ mây.... xé trời nghiêng cánh sắt
Anh tung hoành ngang dọc giữa không gian.
(Hoàng Nhật Thơ)

Anh là một loài chim quí đôi cánh đã bị cắt mất rồi, loài chim thiêng đã mất luôn cả bầu trời muôn màu tinh tú, giờ này anh đang làm gì? Nơi anh bị giam là Hoàng Liên Sơn núi rừng trùng điệp, nhớ nhiều nhưng không thể nói vì ngại hai con nhớ cha cũng nức nở ngậm ngùi. Những chuyện tầm thường của ngày xưa nay như giấc mơ còn ngập tiềm thức thân thương. 
Đang ôm hai con chợt nghe tiếng đập cổng rầm rầm. Giây phút riêng tư không còn, hai con lộ nét sợ hãi nên càng ôm cứng mẹ. 
Chị chồng tôi vừa chạy vừa la to: 
- Tôi ra mở cổng liền đây. Cán bộ! Tôi ra liền! Tôi ra liền! 


Đời chật chội khiến lòng ta...sống hẹp
Đường quanh co nên nhân thế quanh co ?
Ngày nắng hạ biến ta thành sa mạc
Ngó đau thương...hồn vô cảm, thờ ơ ?
( Như Nhiên)

Chúng tôi từ Nhatrang di tản vào ở nhờ nhà chị tôi, một villa lầu kín cổng cao tường thuộc quận I Sài Gòn, bên trong có vườn hoa, cây to bóng mát, hồ bơi. Nhưng gia đình chị tôi lại đi ngoại quốc vì có quốc tịch Pháp. Trước khi đi anh chị lo hộ khẩu và sang tên nhà nhờ tôi giữ hộ giùm. Tôi cũng mê nhà này vì đóng cổng lại là mình có một không gian riêng cho các con tôi chạy nhảy, đạp xe, bơi lội.
Nhưng biệt thự này làm khổ mẹ con tôi vì nhà lớn quá mà chỉ có 4 người trú ngụ, 3 mẹ con tôi và bà chị chồng. Chị thương mẹ con tôi bơ vơ quá nên đi theo để khổ lây lan. 
Họ không đuổi đi được nên họ cứ xét nhà và cách bấm chuông thật lạ, họ để tay vào chuông hoài và không lấy tay ra cho chuông kêu liên tục muốn điên đầu! Sau này có người dạy tôi cắt chuông, rồi đổ thừa là do cúp điện hoài nên chuông bị hư. Bây giờ thì đến màn đập cổng, từ trên lầu chạy nhanh xuống và ra đến cổng là hụt hơi, vậy mà mỗi đêm họ vẫn xét nhà 1 hoặc 2 lần.
Hôm nay họ đập cửa sáng sớm, kêu ngày mai phải treo cờ vì lễ cách mạng tháng 8. Đầu óc tôi tệ quá, không nhớ nổi những ngày lễ của chế độ mới này. Những ngày lễ của miền Nam như lễ Hai bà Trưng 6 tháng 2 âm lịch, lễ Phật Đản sanh 8 tháng 4 âm lịch, ngày lễ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà 19 tháng 6 dương lịch, Noel là 24 tháng 12 dương lịch, tết tây 1 tháng 1 dương lịch v.v. 
Cán bộ ra về rồi, cổng nhà đã đóng kỹ, bây giờ mới tìm cờ để treo. Nghe tiếng reo cười nắc nẻ của hai con, mỗi đứa vác một lá cờ từ sân thượng chạy xuống, thì ra nhà có kho trên đó và có sẵn cột cờ. 
Chị chồng tôi tái mặt khi nhìn hai con đang vác 2 lá cờ đang chạy, một lá cờ ba màu của Pháp và một cái lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa. 
- Cái này có phải cờ không me ?
Lâu lắm rồi không được nhìn lá cờ thân yêu, tim tôi đập mạnh, xúc động không nói nên lời, nước mắt như muốn trào ra. 
Chị chồng tôi lên tiếng: 
- Đây không phải cờ, hai cháu đi thay quần áo, theo cô ra chợ mua cờ.
Hai con đi rồi, chị đưa hai cây cờ cho tôi. 
- Sao em khờ quá, công an thường đến nhà và lúc nào cũng hỏi tụi nhỏ đủ điều, các cháu mà nói lỡ lời kể như mình chết đó, ở nhà em đốt hai lá cờ này, chị đưa hai cháu đi chợ. 
Còn lại một mình, tôi ôm lá cờ vào lòng và áp sát vào má mình. Ôi! Lá cờ của nước tôi! Ngày còn tiểu học, tôi và người bạn được chỉ định kéo cờ mỗi sáng thứ hai nên đã biết quý và thương lá cờ như linh hồn dân tộc. 
Lá cờ vàng này lại luôn nằm trên áo bay, bên trái tim của chồng tôi. Mỗi ngày ôm anh, môi, má tôi đều chạm vào nơi đó. Biết bao nhiêu người Miền Nam, bạn bè và người thân của tôi đã đổ máu và chết cho lá cờ vì lý tưởng tự do. 
Nước mắt cứ chảy đi cho vơi bao uất nghẹn, không thể tự tay đốt lá cờ được. Xin chị làm giùm tôi điều đó. 


Khóc là khi oan ức, buồn...giải tỏa
Lệ thành mây rồi vỗ cánh bay đi
Cười là khi biết khóc chẳng ích gì
Biết sự việc vốn là không thể khác
( Như Nhiên)

Hai con xuống bếp phụ me làm phần ăn sáng.
Tôi tránh không muốn nhìn thấy lá cờ đỏ treo lên trong ngôi nhà chúng tôi đang ở, lá cờ đó làm gia đình tôi chia lìa, vợ chồng cha con xa cách, cả một miền Nam tang tóc, nghèo đói, tù tội vì lá cờ đỏ sao vàng này. 
Con gái tôi biết vẽ và đờn Piano khá, nhưng nhất định không chịu học nữa vì công an phường đem những hình của gia đình họ đến, hình người già đầu đội khăn nhuộm răng đen, bắt đứa con gái nhỏ phải vẽ thật to (như những hình tài tử mà cháu đã vẽ và treo ở phòng khách), còn bắt đến phường đờn giúp vui văn nghệ. 
Chúng tôi phân giải, cháu còn nhỏ nên chỉ vẽ hình nào cháu thích và cháu chỉ biết đờn Piano thôi, nhưng cán bộ không muốn hiểu. 
- Đồng chí thiếu nhi đờn đàn Piano được, thì đờn các loại khác dễ thôi. Hay đồng chí thiếu nhi không muốn hợp tác cùng cách mạng. 
Ôi! Xã hội Việt Nam của tôi ngày nay đây sao? Một đứa bé cũng không tha. 
Cuối 1982, chồng tôi được ra tù và vượt biên cùng con trai, tháng 6 năm 1983 tôi vượt biên cùng con gái. 
Ngày đến được trại tị nạn Panatnicom Thailand. Nhìn lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, lá Quốc Kỳ của Việt Nam Cộng Hòa được vẽ to trên vách của hội trường, tôi để cho nước mắt được tự do chảy trong vui mừng, cảm động. 
Lá cờ đã thấm vào tim vào máu từ lúc nào tôi không hay, nó nhẹ nhàng và êm ái như tiếng Việt nước tôi. 
Tôi chỉ cho con gái và giảng ý nghĩa lá cờ, dạy cháu hát bài Chào cờ. Tội nghiệp con tôi đến 13 tuổi mới được thấy lá Quốc Kỳ và tập hát Quốc Ca của quê hương mình trên đất Thailand.
Tự nhiên tôi muốn có lá cờ, nó là cái gì linh thiêng đã đem cho tôi bình an, hạnh phúc.
Một chị dạy may ở Cao Ủy cho tôi vải đủ may một lá cờ nhỏ, dài 35cm ngang 45cm. Tôi, con gái và các chị đi cùng tàu đo cắt rồi may, tôi chăm chút từ mũi kim và để hết lòng vào, tôi sống lại thời học sinh giờ nữ công gia chánh của ngày xưa, cán cờ được một người gọt sẵn cho. 


Em vá cờ với tấm lòng chất phác
Mong bình yên trở lại trên quê hương
Lá cờ vàng hình ảnh của quê hương
Của chính nghĩa, của thiên đường nhân ái
(Tâm Bền)


Ai cũng mừng và khen vì Lá cờ đã xong với nhiều bàn tay góp sức. Một chị đề nghị cho con trai nhỏ chị mượn, vì mỗi sáng cháu cầm lá cờ thích thú, miệng gọi to, chạy đi kêu mọi người trong khu tàu vớt này tập thể dục, hoặc đi lãnh thức ăn đột xuất, đi chùa buổi chiều, đi học anh văn, đến tập trung ở hội trường v.v... 
Ngày đi định cư ở Úc gồm có 20 người, trong đó có cả người Miên và Lào. Người trai trẻ Việt được chỉ định hướng dẫn đoàn, em đến mượn tôi lá cờ và nhờ người thông dịch nói cùng các người Lào và Miên, hãy nhìn theo lá cờ mà đi theo để không bị lạc nhau. Lá cờ Việt Nam phấp phới trên cao đưa chúng tôi từ trại trị nạn Panatnicom đến city Thailand nơi chuyển tiếp, ở đó 2 ngày chờ khám sức khỏe rồi ra phi trường Thái đến Sydney của nước Úc. Xuống máy bay chúng tôi ngồi tụm lại cùng nhau dưới lá cờ, vì không ai ra đón. Người con trai trưởng đoàn cầm lá cờ phất phất, cảm giác lá cờ bao che chúng tôi, nên lòng được yên bình. 
- Em tìm các người thật dễ dàng, ai nghĩ ra cầm lá cờ Việt Nam như vậy, thật hay! 
Đó là lời khen của cô gái trẻ Việt Nam làm di trú khi đưa chúng tôi lên máy bay đến tiểu bang Victoria, thành phố Melbourne. 
Lá cờ đã được cắm ở phòng khách nhà tôi, bây giờ mỗi lần cộng đồng Việt Nam tổ chức những buổi tranh đấu về Nhân Quyền, Tự Do cho đồng bào ở quê nhà, tôi cầm lá cờ nhỏ đến góp cùng những lá cờ vàng to lớn, mong nước Việt Nam hết nạn cộng sản để dân mình thật sự tự do, cho Lá cờ vàng được tung bay trên bầu trời thế giới ở những nơi có đồng bào Việt Nam tị nạn. 

Rate this item
(0 votes)

Posted by AF Echo