Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Yên Bái Hoàng Liên Sơn

Collapse
X

Yên Bái Hoàng Liên Sơn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Yên Bái Hoàng Liên Sơn


    YÊN BÁI HOÀNG LIÊN SƠN

    Cựu Tù


    Trại Suối Máu, Biên Hòa, vào tháng 9-1976, đã hơn một năm gọi là "học tập cải tạo", mù tịt, không biết tương lai ra sao cả. Hằng ngày chỉ lo miếng ăn, và càng ngày ăn uống càng thiếu thốn, nhưng tuyệt đối không có chương trình lao động. Rồi một hôm, các anh đi lãnh gạo về nấu cơm có bắt được một tin. Dường như có người từ miền Bắc vừa vào, vì các bộ đội trong này hỏi họ: "Ngoài đó có nóng lắm không?" Vào Thu, ngoài đó mà nóng thì vì gió Lào thổi qua.
    Rồi một hôm, vào khoảng 10 giờ tối, lại có lệnh tập trung ra sân. Một danh sách được đọc lên, và những người đó phải lấy hành trang tập trung lại sân. Những người khác trở về láng ngủ như thường. Sáng sớm hôm sau, khi thức dậy thì số người hôm qua đã đi rồi… đi rồi, không biết đi đâu… Gần chỗ nằm của tôi có anh biết bói, anh bói cho một quẻ, thấy số người hôm qua rời trại Suối Máu, di chuyển về sân bay Tân Sơn Nhất, rồi từ đó biến mất. Vài ngày sau, một đợt nữa được gọi, mà chỉ gọi các quan Đại Thần mà thôi, rồi cũng đi cùng hướng, rồi biến mất ở Tân Sơn Nhất. Lúc đó, cấp Đại Tá kể cả những người đã giải ngũ gồm có 375 người.
    Ông Hà Trọng Tín được chỉ định làm đội trưởng đầu tiên của chúng tôi, còn ông Phạm Văn Thường làm Đội Phó đầu tiên. Riêng Không Quân chúng ta có tất cả 15 đại tá ở trại này vào lúc đó (sau này, ra Bắc rồi, gặp thêm anh Báu bị bắt ở Đà Nẳng là 16 người, đến năm 1982 về trại Xuân Lộc lại gặp thêm anh Sửu nữa là 17 người, cho đến sau cùng, chết mất anh Lê Minh Luân tại Yên Bái, còn lại 16 người được tha về), đó là một tỷ lệ khá lớn. Số đại tá giải ngũ cũng nhiều, nhưng con số không nhớ rõ. Các ông giải ngũ rồi và các ông bác sĩ cấp đại tá đều không được gọi ra sân trong mấy đợt này, và sau này được biết họ được giữ lại trong Nam, hoặc cho về nhà sớm vì họ đã quá già.
    Người viết bài này đi vào đợt cuối cùng. Vào TSN bằng xe Molotova, chạy theo đường Biên Hòa - Thủ Đức - Cầu Bình Lợi - Đường Chi Lăng - Đường vào sân golf hay vào Nhà Thương Cộng Hòa, rồi rẻ vào TSN qua khu Hàng Không Dân Sự. Xong chạy theo đường bay Bắc Nam trước kia, rồi ghé vào các ụ chứa máy bay ở phía Bắc phi trường. Bỏ chúng tôi tập trung vào một ụ lớn. Các lính canh đứng trên bờ ụ, cầm AK-47 chỉ xuống chúng tôi. Trời gần sáng, chúng tôi được xếp lên từng chiếc C-130, một tay bị còng vào tay của một người khác luôn luôn theo mình, đi tiêu tiểu gì cũng đi chung.
    Lúc đầu, máy bay bay về hướng mặt trời mọc, làm nhiều người phấn khởi ra mặt, nhưng sau đó, mặt trời đổi hướng về bên phải, và cứ thế mà bay. Mọi người bí xị, và thấy thời gian dài hơn bao giờ hết. Sau khoảng 4 giờ bay, đáp xuống phi trường Yên Bái. Khi xuống máy bay, xung quanh rừng núi chập chùng, những người chăm sóc phi đạo lấy vải ngụy trang che phi đạo sau khi đáp. Có một số tướng lãnh VC sáp lại gần và bảo với chúng tôi: "Đây là Bắc Bó, quê hương của Cách Mạng".
    Chúng tôi được đưa lên xe Molotova chở về trại. Trên đường đi, quan sát thấy hangar chứa Mig-19 và Mig-21 đều được cất bằng tre, sát tường núi, rất khó mà nhận ra từ phi cơ bay nhanh, nhưng rất dễ nếu có dò tìm infra-red, vì đường di chuyển bằng concrete đi từ chỗ chứa máy bay ra phi đạo. Hồi ở Biên Hòa, đã từng thấy F-5 và Mig-21 cùng bay tập với nhau. Ra Yên Bái, chỉ thấy toàn Mig-21, thỉnh thoảng có Mig-17 hay Mig-19 mà thôi.
    Khi xe đến thị xã Yên Bái, chờ qua phà, như phà Chợ Gạo hồi năm 1957 vậy, nghĩa là dùng sức kéo của người, truyền qua dây cable to dăng ngang qua sông. Nhưng rồi cũng từ từ qua được. Xe Molotova tiếp tục theo những con đường đất đỏ, không có lót gì cả, chỗ bằng phẳng, chỗ có ổ gà, chỗ rộng, chỗ hẹp. Chúng tôi được chở đến Liên Trại 1, và tập trung lại ở Trại 2, nhà có lợp ngói đỏ. Còn xung quanh đó, không thấy bóng một nhà lợp ngói nào cả. Sau này, khi đã đi lao động bên ngoài, chúng tôi thấy một nhà nhỏ khác, đó là trường tiểu học của xã. Các tướng lãnh của ta, trong đó có hai tướng KQ, được ở một nhà tre khu gần chúng tôi.

    Trại ngói của chúng tôi quá hẹp so với số lượng tù vừa chở ra. Không lẽ họ đã nghĩ chắc là số đại tá không nhiều lắm. Do đó, chúng tôi chỉ nằm ở trong một phần, ngoài hành lang một phần, và một phần khác ở dưới một mái tre gần trại ngói, mà cũng là nơi làm bếp. Ở đó, cái nền mới đắp, còn ướt, nên nằm phải lót một tấm nylon, nếu không sau này sẽ bị phong thấp. Như vậy là không cửa nẻo gì cả. Tối trời hay sáng trăng, có thấy bộ đội canh gác hay không, mỗi khi di chuyển thì hô lên: "Báo cáo bộ đội, tôi đi ra" hay sau khi tiểu tiện thì: "Báo cáo bộ đội tôi đi vào". Tất nhiên, đã có anh hô to: "Báo cáo bộ đội, tôi đi ỉa."
    Tôi tự hỏi, chắc nó bắt mình làm như vậy để mình cứ tưởng có người để mắt theo dõi, chứ hơi sức nào, vì một lần đi ra hay đi vào có cả 10 người hay hơn. Nên tôi muốn thử cho đến độ nào thì bảo hòa. Lúc cao điểm, tôi đi ra mà không báo cáo gì cả. Đi ngang qua bộ đội đứng im trong bóng tối, đùng một cái phóng ra chận đầu tôi, lấy tấn, chỉ mũi súng vào tôi và bảo: "Sao không báo cáo". Tôi ấp úng: "Chưa tỉnh ngủ mà báo cáo cái gì?" Hắn bảo: "Rút kinh nghiệm, lần sau nhớ báo cáo rồi mới đi".

    Trại ở Yên Bái do Bộ Đội quản lý. Ít hôm sau, chúng tôi gặp một số mặc đồ tù loại sọc, vải do Trung Quốc dệt, xem rất ngộ nghỉnh, đó là vải mà tù binh Mỹ mặc trước kia, bằng loại vải ấm và bền hơn vải ta mà Nam Định dệt và họ cấp phát cho chúng tôi sau này. Tạm thời thì chúng tôi dùng quần áo lính cũ của miền Nam mà chúng tôi lấy từ trại đầu tiên là Trung Tâm Huấn Luyện Địa Phương Quân của Sư Đoàn 18 cất trên đường Xuyên Mộc - Bình Giả. Tại Yên Bái, chúng tôi phải qua ba trại khác nhau. Trước hết là trại nhà ngói vừa kể, sau đó là trại 2 trong cốc, và sau cùng là trại 3 sâu trong cốc hơn nữa.

    Cái cảm giác đầu tiên ở trong vùng núi Hoàng Liên Sơn là mình cảm thấy cái gì cũng quá to lớn, trùng trùng điệp điệp, từ núi nầy sang núi nọ, không thấy chân trời là đâu cả. Con người của Hoàng Liên Sơn có cái gì khác lạ. Họ có phải là người Việt không? Dường như không giống! Họ có cái nhìn vừa tò mò, nhút nhát, đôi khi lại có vẻ thù hận. Chính tù với nhau cũng không còn gì để nói, ai ai cũng sống với suy nghĩ riêng tư của mình, mà cái buồn thấm thía nhất là có lẽ sẽ không còn gặp lại gia đình, cha mẹ, vợ con nữa. Ra đây rồi, có lẽ sẽ bỏ xác nơi đây. Một vài dấu tích của sinh hoạt tù binh Mỹ trước kia, như cây gậy đánh base ball, và bộ đội cũng có nói với chúng tôi rằng: "Mỹ khỏe như trâu, nhưng ăn cũng dữ lắm". Nhưng Mỹ thì còn có luật tù binh, có hiệp định là chúng đã được tự do. Còn chúng tôi thì chỉ biết "mút mùa …" là "mọt gông..." Sau nầy, về nhà nghe vợ con nói lại thì họ cũng dự trù nhốt chúng tôi cho đến ngày tàn.
    Mỗi người sống với suy nghĩ riêng của mình, ít nói ít cười. Tôi rất tò mò với nhóm nhỏ của anh Báu, những người đã ra đây trước chúng tôi, và là những người chuẩn bị rất nhiều để tiếp đón chúng tôi. Đó là những anh biệt kích ra Bắc đã bị bắt, những người đã bị bắt trong trận Lam Sơn 719, những người đã bị bắt khi mất Đà Nẳng… Có người họ còn cho nói chuyện và gặp gỡ, nhưng cũng có người họ tuyệt đối giữ bí mật, như anh Nguyễn Văn Thọ, cựu Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Nhảy Dù tham dự Lam Sơn 719.
    Mới đầu, họ bảo đã thả anh Thọ rồi, vài tháng sau đi lao động lại gặp anh Thọ. Họ dấu anh Thọ suốt thời gian chúng tôi ở Yên Bái, mãi đến khi chúng tôi di chuyển xuống đồng bằng giao cho Công An quản lý, chừng đó, anh Thọ mới cùng chúng tôi xuống Nam Hà.
    Phần chúng tôi, người ta "biên chế" thành đội, có người chỉ được làm vệ sinh láng trại (tuyệt đối không được xuất trại, thường là thành phần họ đặc biệt chăm sóc, không để bị thất thoát, như cấp Tướng, như trong ngành tình báo, an ninh…) có người chỉ làm công việc nhẹ vì đã quá già và nhiều bệnh tật, chắc họ cũng đã có Mẫu số 8 nhưng muốn nán lại trong quân đội để hưởng lương, những người này cũng làm việc trong láng như đan lát, bệnh giây thừng.v.v… Những người khỏe hơn một chút, tuy cũng xem như thiếu sức khỏe để lao động nặng, thì vào các đội trồng rau, nuôi lợn. Còn lại là lao động nặng, đi rừng lấy củi hằng ngày để có củi nấu nướng, lấy gỗ xây cất nhà cửa, làm cột đèn cho xã hay Liên Trại theo nghĩa vụ với cấp cao hơn trong vùng, làm ruộng, phát nương, thu hoạch gổ để làm giấy… toàn việc nặng. Nói chung chung thì giữa hai việc trồng rau và đi rừng thì đi rừng giống như đi bay trực thăng hay khu trục, không biết chết ngày nào, nhưng cũng có cái sướng của nó. Còn trồng rau thì nhàn hạ hơn, nhưng phải chịu cảnh hôi thối, vì chỉ có phân tươi 100% mới bảo đảm chỉ tiêu 50kg/mỗi người/một tháng. Ngày ngày dành dựt nhau lấy nước tiểu, lấy phân, thậm chí có người ngồi chờ cho phân rớt ngay xuống xẻng của mình chứ không giám bỏ chỗ. Những người có kinh nghiệm trồng rau, sau này về sinh hoạt với gia đình, nếu phải sống ở vùng kinh tế mới, thì họ sẽ mang kinh nghiệm ra giúp cho cuộc sống dễ dàng hơn, vì mục tiêu cải tạo là giúp cho đối tượng sống một cuộc sống tự lực cánh sinh khi được tha. Những người trong đội lao động nặng là những người phải dự trù sống mãi trong tù, là những thành phần phải được triệt để khai trừ khỏi xã hội vì họ còn sức lực, trong tương lai có thể làm bậy, lãnh đạo chống đối chánh quyền. Vì vậy, họ phải được giao cho việc thật nặng để có muốn trốn trại cũng không còn sức để trốn, để họ sớm trở thành như các cụ già nằm trong láng kia mà ngâm thơ trách đời… trách cấp trên.

    Chúng tôi được biên chế vào đội lao động nặng, cùng với các anh đã từng làm Trung Đoàn Trưởng, Chỉ Huy Trưởng hay Phó các Biệt Khu, các Tỉnh Trưởng, toàn là các anh hùng tứ xứ, nay mới gặp nhau ở nơi này. Khu rừng mà chúng tôi thường vào khai thác từ trại này chỉ cách trại từ 3 đến 5 km, nhưng phải qua một ngọn đồi khá giốc. Mỗi ngày mỗi người hai bó "chổm", là một loại tre, kính cở 5 cm, dài độ 4,50m. Họ dùng chổm để làm mái thay ngói, để làm vách tô bùn, để làm rui lợp nhà, để đan rổ rá… Nói cách khác, rất cần, và ngày nào cũng đi. Lúc đầu, đi vào một khu vực mà có tới 5 đội. Phải dành nhau mà đốn cho kịp, ai chậm chạp phải đi tìm xa hơn. Đốn đủ chỉ tiêu hai bó, mỗi bó 10 cây, tập trung về một điểm rồi cùng nhau vác về. Sau này, chúng tôi được cùng một anh bạn tù khác được chỉ định kết tất cả các bó chổm thành một cái bè, rồi chống bè về sau. Ra đến đập nước thì sẽ có các toán khác từ trại ra để vác về. Chính trong lúc đốn chổm này, anh Quế nhà ta đã trốn trại và bị dân bắt lại 6 ngày sau.
    Mỗi ngày về quá mệt mõi, chỉ muốn đi tắm giặt, ăn xong rồi ngủ. Chủ Nhật mới có thì giờ nói chuyện với các bạn ở đội khác, như các đội làm rau, làm ruộng. Một hôm, có người nói: "Tôi biết ‘bò thất’ ở đâu rồi" - Cái gì? - "Bò thất là các ông tướng của mình đó". Té ra là các anh lấy bài domino để chỉ lon lá. Thiếu Úy là ‘bò nhất’, nhưng ‘bò thất’ thì ngoại lệ rồi. Chúng tôi là ‘bò lục’. Dân thì gọi chúng tôi là ‘ngụy’. Còn chúng tôi gọi nhau bằng ‘bò’, gọi VC là ‘cối’ hay là ‘chèo’. Có nhiều từ không biết từ đâu mà có, nói mãi cũng quen. Cối thì không thích chúng tôi nói chuyện với nhau. Trong khu vực, rất nhiều đội, nhưng họ làm kế hoạch hành quân khá tốt, không khi nào để cho hai trại có dịp thông tin cho nhau trong những lúc đi lao động (để tránh kết hợp nhau mà trốn trại hay làm loạn). Một hôm, có đội làm ruộng về kể một chuyện nực cười. Anh dắt trâu của hợp tác xã xuống ruộng cày ruộng. Khi đang cày dỡ lỡ một luống, có kẻng nghỉ giải lao, tức khắc con trâu leo lên bờ đê ăn cỏ, anh kéo xuống, nhất định không xuống. Con trâu cũng biết tranh thủ, là quyền lợi của nó, trong lúc đó, tác phong của ta là làm hết việc, không làm hết giờ, cũng là một tác phong cần sửa đỗi trong xã hội XHCN.

    Vài tháng sau, chúng tôi dời vào cốc, một trại cất toàn chổm. Trong khu vực này, bị tre cắt đứt tay chân là chuyện thường, nhưng tuyệt đối không thấy một cây đinh. Vào trại này, đội lao động nặng chúng tôi tham gia một công trình lớn là đắp một đập nước, dài chừng 30m, rộng của đập khoảng 10m. Dự trù khi có nước trong đập thì sẽ nuôi cá trám cỏ, một giống cá ăn không ngon lắm vì thịt nhão, nhưng chỉ nuôi bằng rau cỏ, nghĩa là lấy công làm lời. Cá to cũng cả thước tây, nhưng chưa có cá là chúng tôi đã đi nơi khác. Công trình xây đập là gian khổ, nhọc nhằn, tuy không mấy nguy hiểm. Trái lại, vét ao nước động lâu ngày là một việc làm quá nguy hiểm, vì phân nửa những người tham gia đều đi nằm nhà thương vì bị sốt xuất huyết, trong đó có Võ Quế và Lê Minh Luân. Võ Quế may mắn khỏi bệnh, còn anh Luân bị chết vì trúng lạnh, sưng phổi sau khi vừa hồi phục bệnh sốt xuất huyết. Trước khi chết, anh Luân bảo: "Phải chi được một tách cà-phê thì sướng quá". Tại trại bệnh mà anh Luân chết, Không Quân cũng để ở đó Trưởng Phòng Thăng Thưởng và Huy Chương cũ, là Trung Tá (hồi hưu) Nguyễn Phước Kiêm.
    Nửa năm sau, trại chúng tôi lại tách làm hai, và chúng tôi theo các bạn vào trại 3 trong cốc, xích vô trong núi một tí nữa. Bình thường, công việc chỉ là đốn cây chổm, trồng khoai lan, khoai sắn (khoai mì). Nhưng có hai công tác làm tôi nhớ mãi là "Phát Nương" để trồng bắp, và thu hoạch cây bồ đề để làm giấy.
    Phát nương làm rẫy là việc người miền núi thường làm, nhưng qui mô ở đây là việc làm của 150 người. Dao phát là một loại dao đặc biệt, giống như cây Thanh Long Đao của Quan Vân Trường vậy. Vì mình tiến lên giốc, chặt gốc cây bằng cườm chân trở xuống, còn lại phải xử lý bằng riều. Một anh bạn khác dùng tay trái và tôi thủ riều bàng tay phải. Chúng tôi đốn cây to có khi lên tới hai ôm. Nguy hiễm nhất là có một lần gặp loại cây xoắn vào nhau khi mọc lên. Muốn đốn cây to bên trong thì phải đốn cây quấn bên ngoài trước. Khi đốn thì chúng tôi cùng đốn một lượt, một đứng bên này, một bên kia, nhưng khi gần đứt gốc thì chúng tôi ngồi nghỉ để nghĩ kế, vì cây sẽ tuông ra bên người nào thì người kia phải dứt một mình. Đúng là phần tôi phải dứt. Anh bạn ra ngồi cách gốc cây độ 5m, lấy thuốc ra hút. Còn tôi dọn dẹp kỹ lưỡng xung quanh gốc cây rồi cầm riều vào dứt cho đứt gốc. Khi vừa đứt, cây bung ra ngoài thật mạnh cách gốc cây mẹ chừng 2m và bắt đầu tuông như lò xo, quay hơn một vòng , xong còn trả ngược lại giống như nó tìm tôi trả thù. Tôi may mắn thoát được nhờ đã chuẩn bị chỗ trước để phóng ra ngoài nằm sát mặt đất mới tránh khỏi. Hai đứa chúng tôi hú hồn hú vía, dù đã đoán trước nó sẽ làm như vậy nhưng không ngờ nó nhanh quá. Một gốc gây cở 2 tấc bề kính mà tán vào đầu một cái thì chỉ có nước chầu Trời. Dọn nương xong, chờ cây khô thì đốt rồi lại dọn gốc cây nhỏ cho sát mặt đất. Sau đó sẽ gieo hột bắp, và đến khi thu hoạch thì dường như không được bằng phần bắp giống đã mua, vì khỉ và két ăn hết. Thú rừng ở đây theo dân mà sống. Dân sống chỗ nào thì có cây ăn trái, có bắp, có khoai, sắn, có cao lương. Trái lại, đi sâu vào hướng Tây và hướng Bắc thì rừng già không có gì ăn được.

    Ở trại này, chúng tôi còn đi khai thác gổ bồ đề để làm giấy. Công tác này giao cho hai trại 2 và 3, toàn ‘bò lục’. Chúng tôi chia làm ba bộ phận, một lo đốn cây và đoãn ra từng khúc 4 m, bề kính nhỏ nhất là 2 tấc. Một bộ phận di chuyển gỗ ra dàn phóng từ trên đồi xuống đường cái. Một bộ phận chừng 4 người ở dưới đường cái để coi chừng cho người qua lại trên đường, và dẹp các khúc gỗ xếp theo loại lớn nhỏ. Công tác đốn có nguy hiểm của nó. Khi có cây chóng chày, thì ngưng không đốn mà chờ chuyên viên lâm nghiệp đến giúp đỡ. Chóng chày là khi mình chặt gốc cho một cây ngả, cây đó lại không ngã hẳn xuống đất mà ngọn của nó lại vướng vào một cây gần đó rồi chóng đó. Khi ta đốn cây chóng (đứng thẳng) thì cây chày (nằm nghiêng) rớt xuống từ trên cao, không biết rớt vào đâu mà chạy. Đốn cây trên đồi cao, ngại nhất là gió dật. Ta xem chiều gió để định hướng cho cây đỗ. Nếu gió Bắc thí cho cây đỗ về Nam. Ta sẽ mở miệng phía Nam, và chặt gáy phía Bắc. Ta định là như vậy, còn Trời định là cái khác. Có lần tôi thấy mà phát sợ. Một nhóm đốn một cây bồ đề bỏ hoang trên đỉnh đồi. Cây to cở hai ôm. Khi mở miệng được chừng phân nửa thân cây thì có một luồng gió mạnh giật ngược ngọn cây lại (ngọn cây bật ngược về hướng đối nghịch với hướng mình dự trù cho ngã) làm thân cây xé ra từ chỗ mở miệng, phần gốc phóng nhanh về hướng mở miệng độ 10 m và bắn lên cao, xong đập mạnh xuống đất làm thân cây vỡ ra thành hai mảnh nữa. Tôi thấy cái nón cối mà anh đội trưởng dùng đã bị nát nghiến từng mảnh nhỏ. Chặt ra làm tư, đoãn ra từng 2m, mỗi khúc phải 4 người khiêng. Khiêng gổ cũng có cái nguy hiểm của nó. Tôi nhớ có lần hai anh khiêng, một người một đầu, bổng đàng trước làm rớt cây khỏi vai mà đàng sau không hay kịp để vất gỗ, nên đầu cây đánh vào sọ một cái, làm anh ấy bị té bất tỉnh, nằm nhà thương nhiều ngày, và dường như thị lực cũng giảm nhiều. Gian lao là thế. Tối chỉ chờ giờ ngủ để lấy sức ngày mai đi làm. Chúng tôi có tiêu chuẩn 6 lạng ngày về chất bột, quy ra thành sáng được bốn khúc khoai mì, trưa sáu khúc, chiều sáu khúc, có rau muống luột và nước muối. Lúc nào cũng thấy đói. Lúc đó, đã bắt đầu cho phép gia đình mỗi tháng được gửi ra một gói quà, không quá 5kg. Khi thiếu chất đạm (protein) thì mình lại thèm đường, nhưng thà thiếu ăn, tôi không để thiếu hút. Có khi tôi lấy nửa phần ăn sáng đỗi lấy nửa gói thuốc lá, hay nửa phần thuốc lào. Có khi tôi được 8 gói thuốc một tháng, và tháng đó phải nhịn đường luôn. Có người đi mua đường về bị say đường, khi người chủ bán đường họ cho vét hủ. Đường còn có công dụng chữa một thứ bệnh, là bệnh say sắn (khoai mì) vì trong chất của nó có độc khi ta ăn chưa quen, nhất là lấy đọt sắn luột mà ăn cho đỡ đói. Chỉ có đường mới trị bệnh say sắn, đừng khi nào dùng aspirine. Các cán bộ họ nói: "Các anh chưa rèn luyện bao tử. Khi chúng tôi di chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam, đi liên tục mà mỗi ngày chỉ có một vắt cơm mà thôi".

    Vất vả ban ngày, tối lại nghe lên lớp, nhất là khi bữa nào cán bộ quản giáo được Đảng "mở mắt" cho. Nghĩa là anh ta vừa được học cái gì mới đó, về khoe lại với chúng tôi là mình biết. Khi có kẻng 9 giờ đêm, chúng tôi xếp hàng điểm danh trước khi đi ngủ, tập họp ngoài sân nếu trời không mưa. Có hôm, anh cán bộ lên lớp: "Các anh phải biết quí trọng tài sản của nhân dân. Như đốn cây làm giấy, không được phí phạm, đừng đốn xa gốc quá. Các anh có biết không, nước ta có một rừng cây rất quí. Liên Sô chỉ có mấy cây loại này, nó trong suốt như pha lê, lại có lõi đỏ như một chỉ hồng xuyên suốt. Liên Sô định đổi với ta rừng cây đó, và nếu được, họ sẽ mang trực thăng lại bứng cả rễ, họ đổi cây đó và cho Đông Dương một Trạm Thủy Điện ở thác Khon, có thể cấp điện cho ba nước Việt Miên Lào". Khi tan hàng, anh em cười khúc khích rồi đi ngủ. Hôm sau, cán bộ gặp antenne hỏi nhỏ: "Tại sao các anh cười?" - "Họ cho rằng cán bộ nói láo hay quá!" - "Nói láo sao được, sách của Đảng ghi rõ như vậy, không lẽ sách Đảng viết sai sao?"

    Chúng tôi ở Yên Bái gần hai năm dưới sự quản lý của Bộ Đội và…dân tộc Dao. Sau đó, chúng tôi về Hà Tây và Nam Hà để bắt đầu chịu sự quản lý tinh vi hơn của Công An. Vùng Yên Bái có cái độc mình phải đương đầu là chính mình. Đừng vì quá đói mà ăn bậy. Có anh lấy lá sâm trong rừng về vò ra, để đông đặc mà ăn. Một tuần sau, anh bị lạnh run cả tháng trời không dứt. Cứ thế mà đợi cho cơ thể tự giải quyết chứ không có chữa trị gì cả. Có lần tôi nghe có lệnh tập trung thuốc trụ sinh lại, tôi bèn dấu dưới sạp tre. Khi cần đến chỉ còn lại phần màu trắng ở trong, còn phần vỏ bộc bên ngoài đã bị dán ăn hết vì nó ngọt. Tới khi tôi bị cúm đường ruột , mỗi ngày đi tiêu 20 lần, thuốc Kiết, thuốc sulfamide, anh Tiên cho tôi uống hết thuốc của anh mà bệnh vẫn còn. Đến khi tôi liều mạng, lấy mấy viên tétracycline bọc đường bị dán ăn ra uống thì dứt ngay, và chỉ vài ngày sau là lên đường đi xuống núi. Kẻ thù độc nhất hằng ngày của chúng tôi khi đi rừng là con vắt. Nó nhỏ hơn con đĩa, hút máu người và thú đi ngang qua cành cây là bị nó bắn vào người, rồi chui vào chỗ kín, mãi cho đến khi về nhà cỡi quần ra thấy nó đã no máu và rớt xuống đất. Anh em ngạo nhau nói anh bạn mình đang có kinh kỳ. Những con cái thường để lại một vết thẹo lâu lành, cứ ngứa mà gải vào là tươm máu ra. Dường như khi con vắt hay đĩa hút máu thì chúng có một chất gì đó làm cho máu loảng ra. Đã nghèo lại mắc cái eo. Chúng tôi không biết là chúng tôi đã gầy đến đâu. Nhưng có hôm, tôi đứng trên đồi nhìn các bạn tôi tắm dưới giếng, thấy thật hởi ơi, người nào cũng chỉ còn bộ xương khô, thì mình chắc cũng thế thôi…

    Cựu Tù


    Last edited by Phòng Trực; 03-04-2013, 11:29 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X