Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bài vọng cổ Xuân Đất Khách

Collapse
X

Bài vọng cổ Xuân Đất Khách

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bài vọng cổ Xuân Đất Khách


    Tuấn Thảo
    Dù mê hay không mê tài tử cải lương, thì người Việt xa quê vẫn ấm lòng khi được nghe mấy câu vọng cổ. Cứ vào dịp Tết nguyên đán, thì nhu cầu được sưởi ấm bằng điệu vọng cổ du dương của bà con lại trỗi dậy. Trong cái không khí ngày Tết ấy, bài được thích nhất có lẽ là bài “Xuân Đất Khách”, một bài ca hoài niệm cố hương, không ướt át bi lụy mà đủ đưa con tim người nghe vào trời thương biển nhớ.RFI tiengviet


    Xuân đất khách, một tuyệt phẩm của Viễn Châu

    Nếu phải xếp hạng trong gia tài hơn 2000 bài vọng cổ của Viễn Châu, thì Xuân đất khách quả thật phải được lọt vào « tốp ten ». Còn nếu nói về những bài vọng cổ viết về tâm sự người xa xứ, thì Xuân đất khách của Viễn Châu phải được xếp số 1, về tính văn học và tính súc tích của lời ca, về sức hấp dẫn đối với người nghe và về sức sống của nó trong thời đại.


    Xuân đất khách là một bài hát hay, nên có rất nhiều nữ nghệ sĩ bậc nhất của thế hệ vàng thể hiện, nhưng để đạt được độ mùi như Út Bạch Lan thì quả thật là chưa có ai. Bài Xuân đất khách, có thể nói rằng, đó là một trong những minh chứng cho ‘‘sự trị vì” của Út Bạch Lan trong vương quốc “Sầu nữ” của sân khấu cải lương. Hà Bửu Tân, tên tuổi bất tử cùng Xuân đất khách.

    Nhìn sang phía nam nghệ sĩ, ta thấy cũng có không ít người thể hiện bài Xuân đất khách. Thế nhưng, công tâm mà nói thì đến giờ phút này, người thể hiện thành công nhất có lẽ là cố nghệ sĩ Hà Bửu Tân. Đây là một nghệ sĩ khá đặt biệt của sân khấu cải lương, đặc biệt không chỉ vì tài ca vọng cổ mà còn vì số phận “tài hoa yểu mệnh” của anh.

    Khán giả ngày nay ít ai còn nhớ đến Hà Bửu Tân bởi anh đã giả biệt thế gian vào những năm 1970, ở cái tuổi ngoài hai mươi, vào lúc mà giọng ca và tài năng của anh đang hồi sung mãn nhất. Làn hơi của Hà Bửu Tân có nội lực rất mạnh, đài từ rõ ràng, ca đúng với chuẩn mực «tròn vành rõ chữ ». Anh ca không lạng bẻ mà ca rất tự nhiên, rất nhẹ nhàng, khiến người nghe không cảm thấy anh ráng hơi bởi thế cũng cảm thấy nhẹ nhàng.

    Đặc biệt hơn hết là cách nhã chữ rất riêng của anh, một cách nhã chữ nói chung là « rất Hà Bửu Tân”. Nếu bên nữ nghệ sĩ, Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga được xem là người có lối nhã chữ sang trọng, thì bên phía nam nghệ sĩ ta thấy có Hà Bửu Tân. Làn giọng của anh cũng rất sang trọng diễm tình. Vì thế, có thể nói, Hà Bửu Tân là nam nghệ sĩ cải lương có giọng ca và lối ca sang trọng và diễm tình “xưa nay hiếm”.

    Nói về kỹ thuật ca, Hà Bửu Tân được dân trong nghề cho là có bộ nhịp rất vững. Bởi thế anh mặc sức tung hoành trong bài ca với một sự điêu luyện thượng thừa. Ở tuổi của Hà Bửu Tân mà có được bộ nhịp thượng thừa như vậy thì cũng quả thật là “Xưa nay hiếm”. Đặc biệt là lối sắp chữ của anh, anh sắp chữ trong lòng câu, và xuống song lang « như để », nghe mà sướng lỗ tai.

    Nhịp nhàng điêu luyện, đài từ rõ ràng, giọng ca diễm tình và sang trọng… tất cả đã tạo cho sân khấu cải lương một Hà Bửu Tân có một không hai, một Hà Bửu Tân mà người nghe chỉ nghe một lần cũng đã thấy như là « đã mê tự lâu rồi », một giọng ca và một lối ca mang đến cho người nghe cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu, cho người nghe được thưởng thức nghệ thuật nhảy múa trên dây đàn của người nghệ sĩ.

    Nói về độ mùi, giọng ca Hà Bửu Tân có độ thẩm thấu cao, thể hiện chất mùi của bài hát rất tuyệt, khiến người nghe bị buồn lây hồi nào mà không biết. Tuy nhiên, giọng ca Hà Bửu Tân đầy nam tính và đầy nội lực, trầm buồn nhưng không tạo cảm giác bi lụy. Đó là một lợi thế để anh tạo dấu ấn riêng trong bài Xuân đất khách. Nếu như nghe Út Bạch Lan ca Xuân đất khách mà người nghe phải sa nước mắt và muốn mọc ngay đôi cánh để bay về với quê hương, thì khi nghe Hà Bửu Tân ca bài này ta sẽ cảm thấy có một nỗi buồn man mác đang len lỏi vào tâm trí, nó không đến độ khiến cho nước mắt phải sa, nhưng đủ để nỗi buồn kia thấm khắp cùng thân thể, giúp tâm trí mọc thêm đôi cánh để bay vào thế giới suy tư và hồi tưởng. Đó là dấu ấn “vô tiền khoán hậu” của Hà Bửu Tân trong bài Xuân đất khách.

    Nói đến những điều « xưa nay hiếm » trên, ta lại càng thêm nuối tiếc vô cùng cho sân khấu cải lương Nam bộ, bởi vì sự ra đi của Hà Bửu Tân thật sự là một mất mát vô cùng to lớn cho sân khấu cải lương, và nhất là cho bài vọng cổ. Hà Bửu Tân mất sớm, nên hiện tại người ta cũng chỉ có thể nghe được giọng ca của anh trong trong vài đĩa cải lương, và hai bài vọng cổ là Xuân đất khách và Hạng Võ Sở Bá Vương, cả hai bài này đều do soạn giả Viễn Châu sáng tác. Tuy số lượng còn sót lại chỉ vỏn vẹn có hai bài vọng cổ như vậy, nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ để Hà Bửu Tân khẳng định được tài năng ca vọng cổ của mình. Đặc biệt là trong bài Xuân đất khách, Hà Bửu Tân đã thể hiện được cái tầm thượng thừa trong ca vọng cổ.

    Thời gian thắm thoát trôi qua, cái tên Hà Bửu Tân đã dần phai nhạt trong làng sân khấu cải lương, thế hệ trẻ mê cải lương ngày nay có lẽ cũng chẳng có nhiều người biết đến anh. Thế nhưng, nếu nhắc đến bài Xuân đất khách của soạn giả Viễn Châu, thì không thể không nhắc đến Hà Bửu Tân bên cánh nam nghệ sĩ, và Út Bạch Lan bên cánh nữ nghệ sĩ. Nói cách khác, Út bạch Lan-Hà Bửu Tân đã trở nên bất tử cùng với bài Xuân đất khách của soạn giả Viễn Châu.

    Khi Hà Bửu Tân chập những đi hát hồi đầu những năm 1970, thì Út Bạch Lan khi ấy đã tiếng tăm lừng lẫy. Thế nhưng, giữa bậc tiền bối Út Bạch Lan và người hậu bối Hà Bửu Tân đã cùng để đời với bài Xuân đất khách. Vì sao thế ? Câu trả lời có thể là : cả hai có những nét chung đưa đến sự thành công trong nghệ thuật ca vọng cổ. Những nét chung đó chính là : cả hai đều có giọng ca thiên phú rất mượt mà, cả hai đều là bậc thầy trong cách sắp chữ trong lòng bản, cả hai đều có nhịp nhàng điêu luyện, và đặc biệt là cả hai có một lối ca “hoa lá cành” trong cái chuẩn mực “chân phương hoa lá” của bài vọng cổ.

    Nói cách khác, Út Bạch Lan và Hà Bửu Tân đều ca lã lướt, lối luyến láy thần sầu, thế nhưng, họ lả lướt mà không quá điệu đà, luyến láy mà không quá trớn, tức là luyến láy vừa đủ để thể hiện bài ca chứ không phải để khoe giọng, để khoe tài năng hay để khẳng định đẳng cấp. Bên cạnh đó, Út Bạch Lan và Hà Bửu Tân lại ca rất “chân phương”, tức là ca như nói, có sao ca vậy, không bao giờ tạo ra cảm giác bị ráng hơi, hoặc chẳng khi nào cố tình lên gân khoe giọng.

    Với tất cả những điều trên, ta có thể khẳng định rằng, “chân phương hoa lá” vẫn là « cái chuẩn rất chuẩn » của bài vọng cổ. Nói « chân phương hoa lá » chỉ có hai vế bốn từ, nhưng để thể hiện được một trong hai vế bốn từ đó cho đúng, cho đủ, thì quả là không phải chuyện dễ dàng. Và Út Bạch Lan và Hà Bửu Tân đã thể hiện được tất cả những điều « không phải chuyện dễ dàng » đó trong bài Xuân đất khách.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X