Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Người Hành Khất Mù Và Bài Ca Yêu Nước

Collapse
X

Người Hành Khất Mù Và Bài Ca Yêu Nước

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Người Hành Khất Mù Và Bài Ca Yêu Nước

    Người Hành Khất Mù Và Bài Ca Yêu Nước
    Topa



    Nắng Sàigòn buổi chiều tháng tư thật nóng. Sàigòn với những ngày vui với những nụ cười và náo nhiệt đã đi vào quá khứ. Sàigòn của tình yêu đôi lứa, Sàigòn của tình thương yêu giữa con người với con người... từ ba năm nay đã không còn nữa. Thay vào đó là những tang thương của chia ly, những ruồng bố về ban đêm, những đọa đày bởi hận thù. Khu cư xá Thanh-Đa chiều nay vắng lặng không một bóng người. Chiều nay khu cư xá sao vắng vẻ quá,vắng đến nỗi tiếng rao hàng quen thuộc của những người bán hàng rong với những gánh chè, gánh nem nướng, gánh bánh bèo, gánh bì cuốn gỏi cuốn... nàng cũng không còn nghe mà mấy năm trước khi ba nàng còn ở nhà thì thường chiều nào nàng cũng được ăn. Ăn hàng vặt vốn cũng là sở thích của nàng và của tất cả các cô gái... của các phụ nữ không phân biệt tuổi tác; mặc dù có những hôm nàng không thấy đói nhưng vẫn muốn ăn như đó là nhu cầu không thể thiếu vào mỗi buổi chiều.

    Nàng đang còn ngơ ngác và buồn tủi thì một tiếng nói gắt gỏng từ sau một cột xi-măng trong hành lang cư xá, cách chỗ nàng đang đứng chỉ đôi ba thước vang lên làm cho nàng sợ đến trái tim đập liên hồi như muốn bung ra khỏi lồng ngực.
    - Tiên sư cha mày, con đĩ.Tao biết ngay là mày lại đi kiếm trai mà.

    Một người đàn bà còn trẻ nhìn người đàn ông vừa chửi với gương mặt ngượng ngùng và tái xanh:
    - Anh đừng ghen quá vô lý như vậy.Nếu anh nghĩ vậy sao anh không đợi người đàn ông nào đó xuất hiện và đến với tôi thì rồi anh sẽ biết vì sao tôi đang ở đây. Đàn ông gì mà lỗ mãng...
    - A,mày gan nhỉ, mày dám chửi lại tao và còn thách đố tao nữa đấy à.
    Liền sau câu nói là những cú đấm cú đá liên tục lên thân thể người đàn bà làm cho bà ta phải co rúm người lại vì đau đớn.Người đàn ông tay nắm tóc người đàn bà nhưng miệng thì vẫn chửi:
    - Nếu mày đã làm đĩ thì tiền đâu? Hay mày lại đem tiền đi nuôi thằng chó chết nào rồi chứ gì?

    Người đàn bà nhìn ngay mặt người đàn ông với ánh mắt căm hờn, uất nghẹn, nhưng lại không nói lời nào.Thời gian này mọi người trong khu cư xá Thanh-Đa đều sống trong sợ hãi nên khi xảy ra chuyện thì cũng không một ai trông mong có người nào đó đến cứu giúp. Người đàn ông quắc cặp mắt đỏ như có máu nhìn người đàn bà và nói tiếp:
    - Mày chưa chịu về còn ngồi đấy ăn vạ à?

    Lẳng lặng và nhẫn nhục,người đàn bà nhìn thoáng qua nàng rồi cúi đầu nhìn xuống chân và từ từ bước đi với những bước nặng nề về hướng cuối dãy cư xá.
    Từ ba năm nay,kể từ ngày đất nước và quân đội không còn nữa,khu cư xá Thanh-Đa mà nàng đã sống qua mười hai năm kể từ khi ra chào đời cho đến ngày hôm nay, đã có quá nhiều những con người thô lỗ và cộc cằn theo đoàn người gọi là “giải phóng” đến cư ngụ trong khu cư xá này. Mười hai tuổi nhưng nàng đã được chứng kiến quá nhiều những hình ảnh kinh hoàng, những đối xử thật dã man thật thảm khốc giữa con người với con người.

    oOo

    Buổi lễ chiều cuối tuần vào một ngày giữa tháng tư tại Thánh đường Fatima đã tan từ lâu và người cuối cùng cũng đã ra về nhưng,nàng thì vẫn còn quỳ cầu nguyện. Nàng vừa cầu nguyện và vừa khóc. Thỉnh thoảng nàng lại lấy khăn tay chậm những giọt nước mắt vẫn liên tục rớt xuống gương mặt xinh xắn và buồn. Đang khi tâm hồn của nàng hướng về Chúa thì một giọng nói thật nhẹ nhàng vang lên bên tai nàng:

    - Tan lễ lâu rồi, sao con không về?
    Nàng giật mình ngước mặt lên và thấy vị Linh mục nhìn nàng vẻ lo lắng nên nàng vội đứng lên và thưa:
    - Kính thưa Cha, xin Cha cho con đọc thêm một ít kinh nữa rồi con về.

    Vị Linh mục mỉm nhẹ nụ cười như yên lòng và gật đầu đồng thời ông cũng quay đầu nhìn quanh để biết chắc là không còn ai ngoài người thiếu nữ này. Thỉnh thoảng vị Linh mục vẫn gặp có những người ở nán lại để đọc kinh với một mục đích duy nhất để rồi sau đó đã tìm đến với vị Linh mục. Có lẽ người thiếu nữ này cũng có cùng một mục đích đó chăng? Nghĩ vậy nên vị Linh mục đến ngồi trên băng ghế gần sát với phòng giải tội và chờ đợi.

    Đúng như vị Linh mục đã nghĩ, sau khi cầu nguyện,người thiếu nữ đứng lên làm dấu rồi bước đến trước mặt vị Linh mục và ngập ngừng thưa:
    - Thưa Cha...
    Vị Linh mục đứng lên nhìn người thiếu nữ với ánh mắt như khuyến khích:
    - Con muốn gì cứ nói đi.
    - Thưa Cha... đêm mai con sẽ rời bỏ đây để ra đi mà con không biết trên đường đi có bị trắc trở gì không nên con xin Cha hãy cầu nguyện cho con.
    - Con đi cùng với gia đình chứ?
    - Thưa Cha, con đi chỉ một mình thôi. Mẹ con phải ở lại để chờ ngày ba con được thả về. Con chờ đợi ba con đã tám năm nay và bây giờ đã đến lúc con phải ra đi; con đã mười bảy tuổi rồi và mẹ con không muốn con phải tiếp tục bị khổ cực với công việc nặng nhọc đào đất đào mương dẫn nước về ruộng đồng mà người ta gọi là làm thủy lợi. Mẹ con không muốn con phải lấy những người... Xin Cha hãy cầu nguyện cho con.

    Vị Linh mục đặt cả hai bàn tay lên đầu người thiếu nữ như ban phép lành và nói:
    - Chúa sẽ ở cùng với con. Cha sẽ luôn cầu nguyện cho con. Chúc con đi đường bình an.
    Nàng cúi đầu cảm tạ vị Linh mục rồi quay lưng đi thẳng ra cửa với hai con mắt đầy nước mắt.

    Mười bảy tuổi, nàng phải rời xa khỏi cái xư xá một thời vui nhộn với bạn bè cùng với tình thương yêu của gia đình và một thời buồn tẻ, quanh năm sống trong lo âu hồi hộp và không một tiếng cười với những ngày đầy những giọt mồ hôi và nước mắt. Đêm mai nàng phải rời xa khỏi sự thương yêu của người mẹ với hy vọng nhỏ nhoi là đến được một nơi nào đó có tình thương yêu của con người và có tự do. Hành trang nàng mang theo trong chuyến ra đi chỉ vỏn vẹn một túi xách tay nhỏ với những hình ảnh thương yêu của gia đình và quê hương.

    oOo

    Nắng Sàigòn buổi chiều tháng tư thật nóng. Sàigòn nhộn nhịp người và xe cộ. Khí hậu oi bức làm cho nàng cảm thấy ngột ngạt khó thở. Khu cư xá Thanh-Đa bây giờ quá đông người và cũng có quá nhiều hàng quán bán thức ăn cùng những khu vui chơi giải trí nổi tiếng. Nàng đã trở lại, nàng muốn trở lại thành phố vào cái tháng tư tang thương của dân tộc để được nhìn thấy những đổi thay. Nàng đứng nhìn khu nhà xưa,nhìn căn nhà quen thuộc sau hai mươi chín năm bỏ ra đi. Vẫn ngôi nhà đó nhưng người chủ mới đã sơn phết lại nên trông đỡ hơn những căn nhà gần bên. Nàng nhìn con đường nơi nàng đang đứng,con đường mà nàng từng bước những bước chân đầu đời chập chững tập đi cho đến năm nàng trưởng thành... tất cả đã không còn như ngày xưa nữa. Cái sân cỏ phía trước nhà mà ngày xưa nàng thường ra đây chơi đùa với chúng bạn thì nay vẫn còn đó nhưng đã bị hoa dại mọc lấn lướt. Nàng nhìn lại căn nhà và nhớ lại điều làm cho nàng kinh hãi nhất, ám ảnh nàng mãi cho đến bây giờ đó là mỗi sáng khi thức dậy nàng không thấy ba mà chỉ thấy hai củ khoai lang luộc nhỏ bằng cổ tay nàng mà mẹ đã để sẵn trên bàn cho nàng. Chẳng phải mẹ bắt nàng phải ăn khoai. Nàng có thể nhịn. Nhưng,cuối cùng thì nàng vẫn phải ăn khoai lang luộc vì mẹ và nàng không có tiền để ăn món khác. Nàng không ngờ quê hương bị mất chỉ mới vài năm mà thân thể nàng như trở thành bộ xương khô. Mỗi khi nàng cầm củ khoai lên và đưa đến miệng, nàng đọc được sự xót xa trong đôi con mắt của mẹ nhìn nàng như muốn nói: “Ăn cho đỡ đói nghe con gái của mẹ.” Cũng may là chuyến vượt biển đầu tiên đã thành công để ngày hôm nay nàng mới có mặt tại chỗ này.

    Rời khỏi khu cư xá,nàng đi đến một vùng ngoại ô xa thành phố Sàigòn để tìm một chút yên tĩnh và gió mát. Người tài xế ngừng xe trước một vườn cây ăn trái mà thuở nhỏ nàng đã được ba mẹ cho đến đây vào những ngày cuối tuần. Nàng bước đi dưới tàn lá rậm rì của khu vườn dưới ánh nắng lấp lánh chiếu rọi qua kẽ lá. Buổi chiều tháng tư vùng ngoại ô nhờ có những cơn gió đưa đến làm cho nàng cảm thấy dễ chịu và dễ thở hơn. Nàng đến đứng dưới một cây sầu riêng và nhìn lên. Những trái sầu riêng còn xanh nhưng từ tháng sau là đã đến mùa sầu riêng rồi. Nàng đang nghĩ đến những múi sầu riêng béo, ngọt và bùi với cái mùi đặc biệt của nó thì thình lình nàng phát giác có nhiều cặp mắt đang nhìn lén nàng sau những cây sầu riêng. Nàng không làm điều gì để một ai đó phải theo dõi nàng. Đây chắc chắn là những kẻ gian chờ cơ hội để trấn lột để hãm hại nàng. Cả đất nước này giờ đây đầy rẫy bọn cướp của và giết người không gớm tay. Bọn chúng xem mạng sống của người khác chỉ là những cọng cỏ nên khi cần là bọn chúng sẵn sàng bứt đi. Nàng vội vàng quay trở ra xe và đi về lại khu Thanh-Đa.

    Giờ này nàng cảm thấy đói nên anh tài xế đưa nàng đến quán bánh canh Trảng-Bàng cũng nằm trong khu Thanh-Đa và cạnh dòng sông.
    - Thưa cô đi mấy người?
    - Hai.

    Người phụ bàn hướng dẫn nàng và anh tài xế đến ngồi ở một cái bàn cạnh bờ sông. Giờ này nắng chiều đã tắt và những ngọn đèn đường cũng đã được mở lên sáng choang. Thực đơn của quán gồm rất nhiều món nhưng nàng để ý thấy hai món mà bàn nào cũng có, đó là món thịt heo luộc cuốn với bánh tráng rau sống và bánh canh. Thực khách ngồi gần đầy kín các bàn nên tiếng nói, cười, xen lẫn với tiếng khui bia, rượu, ồn ào chẳng khác nào cái chợ buôn bán. Một người hành khất mù với cây đàn và cái micro nhỏ trước miệng bị những người phục vụ bàn xô đẩy để lấy lối đi. Cuối cùng thì người hành khất mù bị “trôi dạt” đến đứng dưới bức tranh có hình “bác”. Bức tranh khá lớn nên ai ai cũng có thể nhìn thấy. Cặp mắt của người hành khất toàn tròng trắng đang cố nhướng lên thật lớn như để chứng minh với mọi thực khách trong quán về sự kiện mà ông phải đi hành khất nhưng, thật vô tình cặp mắt toàn tròng trắng của ông lại nhìn ngay bức tranh “bác” mà có lẽ ông tưởng đang nhìn ngay những thực khách. Người hành khất dạo đàn rồi bắt đầu cất tiếng ca: “ Xin hỏi anh là ai? Sao bắt tôi,tôi làm điều gì sai? Xin hỏi anh là ai? Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay. Xin hỏi anh là ai? Không cho tôi xuống đường để tỏ bày. Tình yêu quê hương này, dân tộc này đã quá nhiều đắng cay! Xin hỏi anh ở đâu? Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm. Xin hỏi anh ở đâu? Sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi. Dân tộc anh ở đâu? Sao cam tâm làm tay sai cho Tàu, để ngàn sau ghi dấu bàn tay nào nhuộm máu đồng bào. Tôi không thể ngồi yên khi nước Việt Nam đang ngã nghiêng. Dân tộc tôi sắp phải đắm chìm một ngàn năm hay triền miên tăm tối. Tôi không thể ngồi yên để đời sau cháu con tôi làm người, cội nguồn ở đâu khi thế giới này đã không còn Việt Nam....”

    Nàng không thể ngờ những lời ca đó đã làm im ngay sự ồn ào trong quán đến nỗi không một tiếng nói, không một tiếng động nào phát ra. Tất cả thực khách và các nhân viên phục vụ đều hướng nhìn về phía người hành khất mù nhưng ông ta nào có biết nên ông cứ nhướng cặp mắt toàn tròng trắng nhìn vô bức tranh và hát say sưa như thể chính ông đang hỏi người trong bức tranh vậy. Nàng thoáng nhìn thấy có nhiều người lấy khăn tay ra chậm những giọt nước mắt và, khi tiếng ca của người hành khất chấm dứt thì hầu như tất cả thực khách trong quán đều đứng lên đi đến đặt vô tay ông những tờ tiền giấy. Có rất nhiều chàng thanh niên đã đem bia đến mời ông cùng uống... như là cách tỏ lòng cám ơn ông đã nói thay cho tất cả.

    Nàng xúc động nhìn người hành khất đang lộ vẻ vui mừng khi nhận được quá nhiều tiền cùng những lời cám ơn. Một hình ảnh quá đẹp mà nàng may mắn được nhìn thấy trong một buổi tối tại quê nhà. Bài hát này thì nàng cũng đã nghe qua và cũng đã biết là nhà cầm quyền cấm phổ biến và cấm hát sau khi bắt giam tác giả bài ca yêu nước. Từ sau ngày chiếm được miền Nam cho đến nay đã qua ba mươi bảy năm rồi nhưng nhà cầm quyền thì vẫn luôn đàn áp những ai nói, nghĩ và hành động khác với nhà cầm quyền; kể cả quyền được yêu quê hương và yêu dân tộc. Nhưng, với một người hành khất bị mù cả hai mắt thì có lẽ ông nghĩ ông không còn gì nữa để phải sợ nhà cầm quyền này.

    Cũng trong tối hôm nay nàng được nghe những thực khách bàn tán nhiều về người nhạc sĩ trẻ tên Việt- Khang cũng như đã hết lời khen anh nhạc sĩ Trúc-Hồ đã làm một việc thật ngoạn mục. Nàng nghĩ, cả hai anh nhạc sĩ này đều rất đáng được vinh danh và khen ngợi. Việc làm của anh nhạc sĩ Trúc-Hồ vừa qua rất đáng để mọi tổ chức của cộng đồng người Việt hải ngoại tiếp nối như, mỗi khi có một người thuộc ngành nghề nào đó ở trong nước bị đàn áp thì sẽ có người, có tổ chức cùng ngành ở hải ngoại sẽ đại diện để lên tiếng bênh vực thì chắc chắn nhà cầm quyền sẽ phải chùn tay lại trước khi định nhúng vào máu của đồng bào.
    Nàng gọi người phục vụ đến rồi chọn một chai rượu vang mắc nhất trong thực đơn trước sự ngạc nhiên của anh tài xế.

    - Tối nay tôi rất vui nên tôi muốn say một lần xem như thế nào.Tôi mời anh cùng uống với tôi ly rượu chung vui. Từ ba mươi bảy năm rồi hôm nay tôi mới được chứng kiến một hình ảnh tuyệt đẹp, một niềm vui thật sự tại Sàigòn và, cũng vào tháng tư. Sáng ngày mai anh đưa tôi đến Thánh đường Fatima ở Bình-Triệu rồi ngày mốt anh đưa tôi ra phi trường.

    Nàng đang nhớ đến vị Linh mục hôm nào đã đặt cả hai bàn tay lên đầu của nàng. Không biết bây giờ vị Linh mục còn hay đã mất. Lần trở lại Thánh đường lần này nàng muốn cầu nguyện thật nhiều cho người nhạc sĩ trẻ tuổi có tấm lòng vĩ đại dám hy sinh tất cả vì dân tộc và quê hương.

    Nàng đang rất xúc động khi nghĩ đến hai người. Vị Linh mục và nhạc sĩ Việt-Khang.

    Topa

    (BachMa sưu tầm)
    Last edited by BachMa; 04-14-2013, 02:59 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X