Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những kỷ niệm khó quên

Collapse
X

Những kỷ niệm khó quên

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những kỷ niệm khó quên

    NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN


    Thường thường những kỷ niệm đau buồn chúng ta khó quên, nó đeo đuổi ta đến cuối cuộc đời, làm cho đời sống bi thảm, đôi khi làm cuộc sống ngắn lại, những kỷ niệm đẹp ảnh hưởng vào tâm hồn ta một cách khác, những kỷ niệm đẹp không hằn sâu vào tiềm thức nhưng nó nâng giá trị con người, khiến đời sống trở nên đáng sống và thi vị hơn.

    Năm 1976 sau khi có công việc vững chắc tôi quyết định mua xe mới. Vào thời điểm này tôi chưa biết tí gì về việc mua bán tại dealer xe. Rủ ông anh rể đi chung cho đỡ lo lắng vấn đề trả giá. Vào dealer xe buổi trưa, buổi chiều lái xe mới ra khỏi hãng xe rồi, chẳng biết trả giá tôi mua chiếc Chevrolet Nova 76 ,6 cylinders, 2 cửa, với giá 4500 đô la. Có lẽ nếu biết trả giá tôi có thể mua chiếc xe này với giá 4100 hoặc 4200 đô la thôi.

    Sự bất tiện của xe hai cửa là mỗi lần người ngồi băng ghế sau ra hoặc vào người lái xe phải xuống xe để người ngồi sau lách ra bằng cách đẩy chỗ dựa của ghế về phía trước. Chính điểm bất tiện này, một lần tôi ra khỏi xe để người bạn ngồi phía sau chui ra ,tôi vô ý đánh rơi cái ví xuống mặt đường.Về nhà mấy ngày sau biết mình mất ví, tôi không biết mình bị mất lúc nào, trong trường hợp nào. Trong ví có tất cả mọi thứ giấy tờ cần thiết như bằng lái xe, bằng lái máy bay, thẻ tín dung cộng thêm trên 2 trăm đô la cùng các giấy tờ khác.
    Trong những ngày này, tôi ăn ngủ chẳng yên tâm, một mặt điện thoại báo cáo các cơ quan, một mặt cố moi óc các nơi mình đến để hy vọng tìm lại được cái ví.
    Một hôm tiếng điện thoại trên bàn reo. Đầu giây bên kia hỏi tôi tên tuổi cùng địa chỉ, sau khi kiểm chứng, đầu giây điện thoại bên kia cho tôi biết có một bà làm việc trong hãng này nhặt được cái ví , hiện tại trong văn phòng đang giữ ,yêu cầu tôi đến lấy.

    Tôi cám ơn nhân viên văn phòng. Tôi rất ngạc nhiên tất cả giấy tờ còn nguyên vẹn kể cả hơn hai trăm đô la. Người đàn bà nhặt được không xuất hiện, tôi không hề biết mặt bà.
    Cách hành xử của người đàn bà trong câu chuyên tôi vừa kể đúng là làm thi vị cuộc sống , nó theo tôi tới ngày hôm nay.
    Ở phần đầu tôi có nhắc đến việc mua chiếc xe mới, chiếc Chevrolet Nova 76, là vì nó liên quan đến câu chuyện thứ hai.


    TẤM LÒNG VÀNG

    Thành phố Bỉmingham, Alabama, là thành phố nhiều núi đồi, những năm đầu sau khi ra khỏi trại tị nạn một số người từ các trại tị nạn ở Florida hoặc Fort Chaffe đổ về đây không ít. Tôi có 3 bà chị cùng gia đinh về đây những năm đầu. Sau khi ra khỏi trại tỵ nạn Camp Pendleton, CA tôi đi Dallas TX, ở đây được một năm tôi quyết định di chuyển về Bỉmingham, Al sống chung cùng các chị tôi.
    Tôi đi làm rất xa, mỗi lần lái xe 6,7 giờ. Thời gian này, cuối năm 1977 chiếc xe Nova đồng hồ cây số đã lên tới 30 ngàn miles, một hôm trên đường lái về nhà, xe đang chạy nhanh trên xa lộ 59 bỗng xe khựng lại, chỉ chạy được khoảng 40 miles một giờ, xe không chạy nhanh được mặc dầu tôi cố đạp chân ga để tăng tốc độ. Sau khi cố lết ra khỏi xa lộ, tôi ngừng lại một hãng sửa xe của Chevrolet để sửa. Xe bị hư một bộ phận trong hộp số. Tôi không hiểu sao GM không chịu trả tiền sửa mặc dầu xe chưa được 2 năm và mới khoảng 30,000 miles. Checking của tôi không đủ tiền để trả, hãng sửa xe không cho tôi lái xe ra.
    Tôi đi bộ vòng trở ra xa lộ xin quá giang cố gắng trở về Bỉmingham.

    Một chiếc xe pick up truck ngừng lại cho tôi lên. Sau khi nghe câu chuyện tôi kể, người đàn ông trung niên vòng xe trở lại hãng sửa xe tình nguyện trả hộ tôi số tiền sửa. Tôi ký một check trả lại ông ta với lời dặn một tuần sau hãy cash check này.
    Tôi đã may mắn gặp được người có tấm lòng vàng, một Samourai thời đại.
    Không quen biết có mấy ai làm được chuyện này, chính những người này làm cho đời đáng sống, tươi đẹp hơn lên.

    tdt

    TÌNH CHIẾN HỮU


    Khoảng đầu năm 1975 tình hình chiến sự cực kỳ nghiêm trọng, Bắc Việt tung các sư đoàn chủ lực vào các mặt trận miền Trung, tin quốc hội Mỹ cắt viện trợ càng làm hoang mang miền Nam.
    Ngày 12/3/75 Quân đoàn 4 tăng phái đơn vị tôi, phi đoàn 225, từ Cần Thơ lên Pleiku phụ giúp các phi đoàn trục thăng của Pleiku và Nha Trang trong việc bảo vệ Ban Mê Thuột. Ngay đêm đầu tiên tại Pleiku khoảng 3:00 AM phi trường nếm pháo kích của BV. Trước áp lực tấn công của các sư đoàn Bắc Việt, ngày 13/3/75 Ban mê Thuột thất thủ.

    Sáng 14/3/75 tất cả lực lượng trực thăng của sư đoàn 6 không quân, sư đoàn 2 không quân cùng phi đoàn 225 tăng phái từ Cần Thơ được điều động chuyển quân của sư đoàn 23 từ Hàm Rồng vào Phước An cách Ban mê Thuột chừng 15 cây số Buổi trưa một chiếc Chinook bị rơi, một trực thăng võ trang của phi đoàn 219 bi hỏa tiễn SA 7 bắn nổ tan.
    Chiều 14/3/75 lệnh rút quân đoàn 2 khỏi Pleiku.

    Kontum, Pleiku, Phú Bổn dân quân theo đuôi đoàn triệt thoái về Tuy Hòa theo quốc lộ 14. Suốt chặng đường 300 cây số với 400,000 dân chạy theo.
    12,000 quân xa khi về tới Tuy Hòa chỉ còn 300 chiếc.
    60,000 chủ lực chỉ còn 20,000 quân.
    5 liên đoàn Biệt động Quân khoảng 7000 chỉ còn 900.
    Lữ đoàn 2 thiết kỵ hơn 100 xe tăng M48 chỉ còn 13 chiếc.

    Tôi là chứng nhân lịch sử của cuộc triệt thoái oan nghiệt, bi thương đầy nước mắt này.
    Phi đoàn 225 ban ngày làm việc trên quốc lộ 14 hoặc bốc các toán quân chạy thoát ra từ Ban mê Thuột, chiều chúng tôi về căn cứ Nha Trang.
    Tin tức triệt thoái vùng cao nguyên loan nhanh về Nha Trang, thành phố thơ mộng hiền hòa bắt đầu giao động. Quân đoàn một triệt thoái, các tin tức bất lợi dồn dập. Lữ đoàn dù chắn giữ đèo Khánh Dương bảo vệ Nha Trang bị địch tràn ngập. Nha Trang bị đe dọa. Tôi có người em trai, chuẩn úy mới ra trường đóng tại Quảng Đức.

    Tỉnh Quảng Đức nằm phía Tây Nam của Ban mê Thuột, phía Bắc của Lâm Đồng vẫn đứng vững sau 12 ngày cầm cự.
    Nha Trang bắt đầu không bình thường. Người dân vội vã lo sợ. Lòng tôi bối rối như tơ vò , tôi muốn bay vô Quảng Đức kéo em tôi ra trước khi bị tràn ngập. Tôi không thể tự động lấy máy bay làm việc này nhưng cũng không thể ngồi im để tin rằng mọi chuyện rồi sẽ yên. Đơn vị tôi ở Nha Trang hoàn toàn lạc lõng không ai biết, không ai điều động, chính những đơn vị tại đây cũng hoang mang bởi tin tức thay đổi hàng ngày hàng giờ.
    Sáng 22/3/75 tôi vào bộ chỉ huy phi đoàn 219 hỏi han tin tức. Tôi gặp Thiếu Tá Nguyễn văn Sâm trưởng phòng hành quân, người bạn cùng lớp tai CVA. Sâm không giúp gì được, một người bạn cũ ở chung phi đoàn 225 trước kia giới thiệu tôi một Trung Úy, anh có thể giúp tôi bằng cách chở tôi theo tầu vô Quảng Đức, thả tôi xuống tỉnh, anh bay lên chờ tôi trở ra cùng em tôi, xuống đáp đón tôi về lại Nha Trang. Sau một lúc vừa trình bày hoàn cảnh vừa thuyết phục, anh bằng lòng chở tôi vô Quảng Đức.

    Từ Nha Trang đi Quảng Đức mất hơn một giờ đường chim bay. Phi trình phải qua các dãy núi bao la bát ngát ngập phủ những rừng cây chi chít. Buổi sáng mù sương dày đặc cộng với cao độ của núi nếu không am tường địa thế rất dễ đâm vào núi. Trực thăng tới tỉnh Quảng Đức lúc gần trưa. Từ trên cao nhìn xuống, tỉnh lỵ vắng vẻ ,không thấy sinh hoạt. Tôi dặn phi công trước khi ra khỏi tầu:
    - Nhớ đón tôi với bất cứ giá nào nhé.
    Tôi chạy nhanh vào văn phòng tỉnh, chiếc trực thăng cũng vút lên cao làm vòng chờ. Người đầu tiên tôi gặp là vị Đại Úy. Tôi nói tôi muốn gặp Chuẩn Úy Thái. Câu trả lời khiến tôi nhẹ hẳn người.
    -Chuẩn Úy Thái đi phép 2 tuần trước rồi. Chúng tôi chuẩn bị rút khỏi tỉnh trong ngày nay.
    Tôi chạy nhanh ra bãi đáp cùng lúc chiếc trực thăng xà xuống đón tôi. Khi đã hoàn toàn trong tầu tôi ra dấu cho phi cơ cất cánh, tôi nói em tôi không có ở đây nữa, nó đang ở Sài Gòn. Tôi xin cám ơn tất cả phi hành đoàn. Chúng tôi về lại Nha Trang trong ngày.
    Tôi không nhớ tên Trung Uý trưởng phi cơ, cùng các anh em trong phi vụ này.

    Hôm nay vừa bước sang ngày đầu năm 2012, bây giờ là 12:18 AM đã gần 37 năm trôi qua tôi vẫn nghĩ đến các anh trong phi vụ thật nguy hiểm ở giờ thứ 25.
    Tôi không tin rằng các anh đọc được bài viết này nhưng trong tôi các anh thật xứng đáng anh hùng.

    tdt

    * Các con số chỉ sự tổn thất, mất mát dựa vào tài liệu trong sách "Cuộc triệt thoái Quân đoàn 2" của Phạm Huấn.
    Last edited by chimtroi; 02-08-2013, 04:38 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X