Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cô Út

Collapse
X

Cô Út

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cô Út


    CÔ ÚT

    Hùng Chùa


    Có người hỏi tôi, hồi còn ở Việt Nam “có bao giờ dã từng đi ‘vượt biên’ chưa?” Cái này thì tôi có thể vươn ngực lên tự hào rằng có, cũng như hàng triệu người Việt Nam thường bảo nhau rằng, nếu mà cái cột đèn đường biết đi, nó cũng sẽ tìm đường đi vượt biên! Có bài hát rất vĩ đại về mặt tuyên truyền của Việt Cộng người ta đem sửa lời trau chuốt lại, chẳng cần phải cho hát trên “TiVi Radio” mà rồi dân gian ai cũng biết cũng thuộc : “Vượt biên sang Hoa Kỳ, em ơi đi theo anh chúng mình cùng sống cao sang, tầu anh đi an toàn, tầu anh đi không tốn vàng, mời nàng đi chung chuyến chớ ngại ngần làm chi, đêm nay tầu nhổ neo ba bốn ngày là tới Hoa kỳ…”

    Cái ông Đại Nhạc Sĩ Việt Cộng, soạn thành tâm dâng lên Đảng lời nhạc rất ăn khớp với nốt nhạc, thành một bài hát rất vui. Nhưng ông Đại Nhạc Sĩ chắc là đau gần chết, lời của ông chẳng ai thuộc, mà lời sửa của dân gian chắc đã đi vào lịch sử của cả một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến.

    Năm 82, tôi đã đi “vượt biên” một chuyến, đi có người dẫn dắt nữa, người dẫn dắt lại là một cô gái trẻ tuổi xinh đẹp. Mặc dù cô không mặc đồ đẹp và trang điểm, nhưng bên trong những cái hóa trang, tôi quả quyết Thương Đế đã ban cho cô những gì “super” nhất. Vả lại đi “vượt biên” sửa soạn làm gì, cho mấy anh “nhà quê” hay mấy thằng “cán ngố” để ý hay sao? “Nhà chủ” chỉ cô gái dặn tôi từ lúc đến “chồng vàng” để đi, là bữa đó sẽ gặp cô ở bến xe Phú Lậm Đừng có hỏi han nói chuyện gì hết, cô đi đâu tôi cứ theo đó. Giữ khoảng cách chừng năm sáu bước chân . Tôi nham nhở hỏi “nhà chủ”
    - Lỡ Cô ấy dzô buồng, tôi cũng theo dzô hay sao?
    - Đúng như vậy đó, nhưng không có chuyện đó đâu ông nội.
    Tôi theo người đẹp sát nút. Lên xe ngồi sát ép kề bên, nóng cả người lên. Nhưng lạ thiệt! Có một ông mà lên xe cũng ngồi ép sát phía “bên”. Cô gái làm như cũng theo sát nút anh ta vậy.

    Từ bến Ninh Kiều, Cần Thơ tôi theo cô xuống một cái “giỏ” không biết là “dê” dưới hay “dê” trên. Cái giỏ dời bến Ninh Kiều như biết bao cái giỏ khác đang đưa dón khách ở đây. Rồi cứ thế nó chạy phăng phăng xuyên qua hết con kinh này đến con kinh khác. Đi đâu nào tôi có biết, cho đến khi cái anh ngồi phía bên kia cô gái lên tiếng nho nhỏ như chỉ vừa đủ cho cô nghe được.

    - Đây là Chương Thiện, tôi có đến đây nhiều lần rồi.

    Tôi để ý anh ta từ khi lên xe đò ngồi phía “bển”, vẻ mặt bần thần không kiềm xúc được tự nhiên, nhưng cũng có một cái gì đó làm tôi thấy quen quen, nhưng chắc môt điều anh đi cùng chuyến hay cùng “phe ta” khi thấy anh nói chuyện với cô gái.

    Cái “giỏ” băng băng lướt nước, vừa chạy vừa châm thêm “xăng”. Một cơn mưa rào bỗng đổ xuống, tia nắng mặt trời vẫn chói lòa. Người cầm lái chiếc giỏ lúc tăng ga máy lúc giảm, rồi ở một lúc tôi không ngờ anh tăng ga tiến nhanh đến một chiếc ghe chèo nhỏ đậu bên bờ. Mũi chiếc giỏ leo gác hẳn lên bờ cỏ bên sông. Tôi chẳng hiểu gì cho đến khi thấy một người trên chiếc ghe chèo, ngoắc mọi người nhanh bước sang. Tôi thấy cô gái nhổm lên phóng sang ghe bên lẹ như chớp mắt, nhưng bỏ quên lại đôi dép cao su đi đường. Tôi quơ đại ném sang ghe bên cho cô, cửa hầm được mở ra dồn mọi người xuống bên dưới. Trong ghe đã chật ních người, đàn ông, đàn bà, con nít. Cửa hầm được đóng lại, tôi ngồi chấn ngay cửa. Kinh nghiệm của mỗi lần chuyển trại hồi ở trong tù, chỉ có nơi đó là có thể nhìn ra ngoài và có không khí để hít thở. Mọi người thì thầm rồi lao nhao hỏi nhau, người bên ngoài nói vào là phải giữ im lặng, để những ghe đi bên sông không nghe thấy. Trời vào lúc ba giờ trưa, không khí trong hầm ngột ngạt khó thở, cửa hầm thì đóng làm tôi chịu hết nổi, muốn cởi bỏ áo cho bớt nóng nhưng lại một lần nữa tôi lại ngồi kề sát bên cạnh cô gái nên chần chừ chẳng dám cởi. Đám con nít thì được các bà mẹ cởi áo cho mặc quần “xà lỏn” mà vẫn cứ ấm ức khóc, đứa nào khóc lớn bị la ngay, con nít còn bế ẵm thì mẹ vạch vú nhét vào lúc lắc ru ngủ.

    - Anh thứ mấy, đi có một mình sao
    - Tôi thứ ba đi một mình, là người Bắc tôi không thích gọi bằng thứ.
    - Bây giờ mà còn bầy đặt Bắc Nam làm gì nữa, mình đã đi chung chuyến để dễ nói chuyện tui gọi anh là anh Ba và anh gọi tui là Út hay “Út Hường” thì cũng được, anh bên này là anh Tư bà con lối xóm với tụi. Thật tội nghiệp, ảnh đi “cải tạo” về thì vợ con đi “vượt biên” mất rồi, nay chưa bắt liên lạc lại được. Má tui bàn với má ảnh, kêu ảnh cùng đi một chuyến không chừng “ảnh” giúp được tui nhiều chuyện. Mà tui thấy anh Ba không chừng ngày xưa là Không Quân có phải hông?
    - Í bậy nà, tôi ngày xưa đi dậy học, bây giờ “mất dậy", lương không đủ sống, nên tìm đường đi mà thôi. Rồi thầm nghĩ, chết thật mình không mặc đồ lính mà tai hại như vầy, lỡ có chuyện thì chỉ có chết.
    - Cô Út nói chuyện nhiều quá, người ta đã nói là không được nói chuyện mà.
    Ông Tư nãy giờ ngồi im lặng bây giờ mới lên tiếng nạt. Mặt ông vẫn lộ vẻ bồn chồn. Bên ngoài măt trời đã lặn, người tôi ướt nhẹp mồ hôi, có tiếng chèo ghe mỗi lúc tới gần hơn rồi có tiếng vọng tới.

    - Bảy! Chừng nào mày về dưới.
    - Chú Chín về trước đi, mai tui đi “lòi” mấy công mía rồi chở một chuyến theo về dưới. Rồi có tiếng hai người ở ngoài nói nhỏ với nhau.
    - Cái ghe mình bị khẳm qúa không biết “ổng" có để ý tới không?
    Màn đêm tối đen phủ trùm tất cả, cái ghe động đậy như có người “chống”. Tiếng chân bước nặng nề bên trên sàn, rồi tiếng mái chèo bắt đầu chầm chậm nhưng chắc và đều.
    Không khí dưới hầm mất dần nóng bức và ngột ngạt, chẳng ai thấy ai, nếu muốn nói chuyện lúc này chỉ nói đổng lên sẽ có người nào đó trả lời. Bên tai tôi có tiếng thì thầm của cô Út.

    - Anh “mò” tui hả anh Ba không có được làm vậy nhe.

    Thôi chết rồi thằng cha Tư chứ không ai, quít làm mà cam chịu, biết nói sao đây. Đang lo muốn chết mà nó còn động lòng tà, thằng coi vậy mà bá đạo. Tiếng chèo vẫn đều đặn, cái ghe vẫn di động bởi tiếng nước vỗ bên thành ghe.

    - Đâu mày đưa cái đèn “bấm” cho tao coi Bảy, cái đèn nhấp nháy đằng kia là đúng mật mã rồi. Nó đó, để tao nháy đèn báo hiệu lại là mình đang tới.
    Tiếng chèo ngưng trong chốc lát, sau đó là nhiều tiếng súng AK vang lại, tôi nghe có cả tiếng súng phóng lựu M-79.
    - TUM…xè xè…oành.
    - Thôi bể rồi, chèo lui đi mày Bảy.
    Được một đổi khá lâu, tôi có cảm giác cái mũi ghe đâm thẳng dô bờ truồi trên cỏ và đất bùn, rồi tiếng chân người từ phía sau chạy qua nắp hầm rồi phóng lên bờ, rồi tiếng phụ nữ con nít la khóc rầm sàn. Lập tức tôi la lớn lên “chạy” rồi tông cửa hầm phóng ra, chân tôi đạp nhầm bắp vế cô Út làm cô la lên

    - Ui dza chết tôi.

    Ngoài trời tối đen, tôi không nhìn thấy đâu là bờ đất, chân tôi đạp thành ghe phóng tới phía trước bất kể ra sao thì ra. Hết đà phóng hai chân rơi xuống trước và lún sâu ngập trong bùn cái bụp, như thúc đẩy của sự sợ hãi, tôi rút chân lên thật nhanh bỏ lại đôi dép dưới bùn rồi cứ hướng trước mặt tôi phóng tới, bất kể trời trăng mây đất gì. Tiếng chó sủa vang từ những căn nhà tôi chạy băng qua trong đêm tối làm tôi không dám dừng lại. Chạy miết ra tới giữa đồng không còn nghe tiếng chó sủa gần mình nữa mới dừng lại để thở.
    Bây giờ tôi mới nhận ra một thằng bé ở trạc tuổi mười hai, nó đeo sát theo tôi từ hồi ở bến xe Phú Lâm mà tuyệt nhiên không nói một tiếng nào kể cả bây giờ. Tôi dừng lại nó cũng dừng lại rồi ngó sững, thấy tôi nhìn nó mới lên tiếng.

    - Chú ơi! Chú chạy đâu cho con theo với.
    - Thằng nhỏ bây có sợ không.
    - Dạ không, con bị lần này như vậy không biết là lần thứ mấy rồi, má con chỉ chú nói là chú đi đâu là con theo nấy hồi ở dưới Sàigon, nên con chạy theo chú mà thôi
    - Thôi bây giờ kiếm chỗ nghỉ, rồi ngủ một chút mai sáng rồi tính.
    Thấy một khoảnh đất nhỏ bên cạnh bờ ruộng cỏ mọc cao, tôi nói với thằng bé rồi dung chân đạp cho cỏ nằm xuống, đẻ lỡ có rắn rết nó chạy đi. Một cách làm an toàn cho mình khi phải ngủ bờ ngủ bụi như vậy. Tôi nằm xuống rồi mệt quá ngủ quên đi. Rồi như con gà có sẵn cái đồng hồ thiên nhiên trong tim, tôi bật dậy khi tiếng gà gáy canh ba từ xa vọng lại. Thằng bé rúc vào tôi, như một đứa trẻ rúc vào lòng mẹ và còn đang say sưa ngủ. Nhưng khi tôi ngửng đầu lên để nghe động tĩnh nó mở mắt dậy rồi hỏi liền

    - Mình đi chưa chú?
    - Chưa, trời chưa sáng đâu có thấy đường mà đi.
    - Cháu có ngủ được không?
    - Dạ được, mà chú ngủ trước, con ngủ sau.
    Khi tôi mò ra tới ngoài lộ, mặt trời vẫn chưa lên. Thấy có quán bên đường, tôi vào mong tìm được ly cà phê sáng, bà già chủ quán nhìn sững tôi, rồi tay thì ngoắc miệng thì nói:

    - Đi, đi ra sau cầu giặt hai cái ống quần đi, mau đi
    Bây giờ nhìn xuống hai cái ống quần bùn dính che cả vải tôi đi ngay ra sau lấy tay giặt vội . Khi tôi và thằng bé đi lên bà già chẳng bán gì cho tôi mà một hai đẩy chúng tôi đi ngay.

    - Cứ trên con lộ này mà đi về hướng mặt trời, trời đứng bóng mười hai giờ là tới Chương Thiện rồi tìm đò mà đi.

    Chẳng nói chẳng rằng tôi đi ngay. Tôi đi trước thằng bé lẽo đẽo theo sau, cách chừng hai bước chân.
    Cái số tôi thầy bói nói không có đi “vượt biên” được, đi thì không chết trên biển cũng dzô trại tù. Đi đã cả chục cây số rồi, mà đi ngang ngay cửa thằng Phó Công An Huyện, nó đang sắp đi ra lô.

    -Thằng đó, mày đứng lại, mày đi đâu qua đây?
    - Tôi đi kinh tế Kinh Năm. Tôi trả lời như “nhà chủ” đã dặn.
    - Mày biết Kinh Năm ở đâu khổng
    - Dạ ở gần đây người ta chỉ tôi vậy.
    - Ông nội mày ở gần đây, chứ Kinh Năm nào ở đây. Để tao bắt mày về đồn Công An, rồi chỉ đường cho mày về kinh tế Kinh Năm
    Tôi bị trói bằng dây lạt dừa ngâm nước, cổ tay tôi với cổ tay thằng bé, tay phải với tay phải, trước mấy họng súng của mấy thằng du kích. Dây lạt dừa khi ngâm nước thì dãn mềm, khi nắng khô thi co cứng lại. Lội bộ đi ngược lại đường mình đã đi qua gần hai chục cây số đường lộ trải đá không cán bằng, chân đi đất, dây lạt dừa co cứng lại tay tôi và tay thằng bé đỏ phồng lên. Tôi đã nhường thằng bé bằng cách nhả tay mình vòng qua nó, cho nó bớt đau. Thằng bé chẳng sợ gì như tôi đang sợ vừa đi vừa chửi.

    - Ôi đau quá, sao mấy người ác quá vậy, đồ tàn ác.
    - Mày nói thằng nhỏ câm đi không tao bắn bỏ cả hai đứa đó nhen
    - Nó đâu phải con tôi, tôi đâu có la nó được.
    - Ê nhỏ, mày không câm tao dọng cho bá súng chết bỏ đó nhen. Thằng Công An xoay bá súng AK nhử nhử. Nhìn thằng Công An mà sau này biết nó la Phó Công An Huyện, vẻ mặt gian ác và tham nhũng lộ ra mặt. Tôi sợ nó đánh bậy, đành bảo thằng bé.

    - Thôi cháu đừng có la, không im họ đánh thì tội nghiệp.
    - Trời ơi đau quá, không cho la thì sao mà chịu được, tôi dìa tôi mách má tôi, mấy người công an sao mà tàn ác với tôi đó nhe .
    Đi ngang qua cái quán bên đường, bà già hồi nãy chỉ đường cho tôi đi Chương Thiện không dám nhìn tôi, nhưng trên ánh mắt bà đầy những ái ngại thương cho một số phận con người. Tới Quận tôi nhìn thấy đám người ngồi cùng trên ghe được giải về tới, tôi thấy cô Út và cả ông Tư cùng đi trong đám. Thằng bé thì được nhập ngay vào cái đám đó, còn tôi bị dẫn vào phòng điều tra.

    Phải trần truồng trước mặt thằng Phó Công An Huyện và có cả con vợ nó cũng là Công An. Sau khi lần hết bọc đồ tôi mang theo, các gấu quần áo, ngoại trừ cái quần lót “Made in USA” nhưng quá hôi khai dơ dáy bởi mấy ngày đi đường. Con vợ nó nhìn không bỏ sót một phần nào trên cơ thể tôi để xét đoán, rồi lên tiếng:

    - Mày có vàng dấu đâu không khai ra. Tao mà tìm thấy bị “uốn” đừng có nói là “oan” đó nhe.
    - Tôi ở thành phố, hồi trước đi dậy học, lương không đủ sống. Bây giờ đạp xích lô kiếm sống qua ngày, đâu có tiền vàng gì đâu. Bà chị tôi ở bên Pháp nhắn với người ta là cho tôi đi rồi qua “bến” chị tôi trả lại tiền cho họ.
    - Tướng mày không phải là tướng đạp xích lô nhen, tướng mày là “Thầy” tao bảo đảm đó.
    Một lần nữa trong một chuyến đi, tôi lại giật mình kinh sợ. "Nhà chủ” đã dặn kỹ tôi từng điểm, nếu lỡ có bị bể gặp ai cũng nói là ở Sàigòn tôi đi đạp xích lô là tôi có bà con ở bên Pháp. Không được nói là ở bên Mỹ, nói đi Mỹ là nó đì cho chết. Khi nào đi thoát rồi bà con mới trả tiền. Rồi bị hỏi đi đâu thì nói là đi kinh tế Kinh Năm. Dặn tôi như thế nào, tôi trả lời bây giờ y chang như vậy. Có điều tôi khâu dấu hai chỉ vàng vào giữa hai lần vải của cái quần lót “Made in USA” và tính từ trước cái chỗ sẽ bị dơ nhất khâu áp vô nên không bị mất bởi không có khai ra.
    Sau khi chắc chắn cho là không còn tìm thấy vàng, họ cho tôi xuống trại giam. Người đầu tiên sáp lại gần là cô Út, gặp tôi cô ào ào liền.

    - Trời đất ui! Anh Ba đạp tui một cái đau gần chết, anh chạy đi đâu mà bị bắt lại vậy hà. Tui cũng tính chạy theo anh Ba, mà anh chạy mau quá bất kể gì. Đang chần chừ thì anh Tư nói thôi đừng có chạy hổng có thoát đâu. Như vậy mà tui thấy có mấy người chạy thoát rồi đó.
    - Ông Tư, ổng đâu rồi?
    - Ảnh như con gà mắc đẻ ở trên phòng điều tra đó, tiền vàng gì mang theo người ta chưa hỏi mà đã khai ra hết trơn rồi
    - Cô Út có mất gì không?
    - Mấy con mẹ Công An bắt tôi lột đồ ra “hết trơn” rồi mò cùng khắp mà có thấy gì đâu
    - Có thằng Công An nào điều tra cô không?
    - Làm gì có thằng nào dzô đó, anh tầm bậy hết sức. Tôi ngồi sát kề bên anh dưới ghe, đang lo muốn chết, không thì tui sáng cho anh một cái bạt tai rồi đó nghe.
    - Hổng phải tôi à nhe! Đang lo muốn chết ai mà làm được như vậy cà. Bây giờ cô còn lo muốn chết nữa không?
    - Giờ thì còn lo gì nữa, hổng biết chừng mình bị giữ ở đây mất mấy tuần kìa.

    Ông Tư mặt vẫn còn xanh lét, đi xuống tới gần bên cô Út, ông ngồi kiểu “nước lụt” rồi ông nói đổng với cô Út mà để tôi nghe:

    - Tui đã nói có chạy đằng trời cũng không có thoát mà. Ý chừng ám chỉ tôi
    - Anh mà không níu lấy tui, thì “giá” gì tui cũng chạy. Ai biểu anh níu lấy tui làm thứ gì không biết.
    - Thì má Út nói với tui là phải trông chừng Út dùm má, có bề gì má nói má khổ lắm.
    - Thôi, có đi lần nữa tui nói má khỏi nhờ làm chi để phải khổ anh.

    Người con gái Sàigon này có lối nói chuyện không kiêng nể gì cả. Tôi là ông Tư mặt tôi chắc nóng lên bừng bừng rồi. Mặc dù không trang điểm và lối phục sức để lẫn lộn với người đi đường xa dưới thôn quê, cô vẫn có dáng dấp của một người trí thức sang trọng. Xã hội cộng sản đã thực sự không làm được cô thay đổi những gì đã có tự nhiên ở mình.


    Số người bị bắt giữ chuyến vượt biên đó khoảng 40 người. Con nít nhỏ được cho về khi có người lớn đến đón, người lớn còn lại được chia thành hai toán, đàn ông đi “vít đất”. Vít đất là dùng một cái dụng cụ gọi là “cái leeng” xúc đất liệng về một phía làm luống để trồng “thơm”, đàn bà đi theo làm cỏ, người nào có áo dài tay thì không bị gai cây thơm cắt đầy hai tay vì luồn dưới gốc cây thơm để nhổ cỏ.
    Cô Út và ông Tư đi chung một toán, tôi bị đi theo toán khác và làm cái “job” vít đất, ở “miệt” này đất “úng phèn” rất nhiều. Mấy trăm toán bị bắt tội “vượt biên” làm không khi nào hết đất. Làm “ói mật” mà khi “thả về” còn phải trả tiền gạo cho cái nhà nước ngu đần chỉ biết có tham nhũng hối lộ này.

    Trong một bữa cơm ở dưới bếp của tòa nhà “Thường Vụ Huyện Ủy”, nhà này ngày xưa chắc của Quận Trưởng Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi là vài người tù vượt biên sau hơn một tháng mấy “vít đất là vinh quang” được tụ về đây trước khi chuyển trả lại trại giam. Nấu chung với nhau bữa cơm mỗi ngày, đang ngồi ăn thì ông “Thường Vụ” đi xuống. Đi theo ông có tay “bí thư chi bộ” “Đoàn Thanh Niên”. Tay này theo ông Thường Vụ như “tà lọt”. Để chứng tỏ mình “bình dân giáo dục” ông Thường Vụ xuống ngồi ăn chung với mấy người tù vượt biên, báo hại mấy người ngồi ăn đứng dậy chào rồi đứng hết như để hầu quan lớn “sơi cơm”. Tôi có đứng dậy chào rồi ngồi xuống ăn tiếp, thằng “bí thư” nhìn tôi ngầm như đe dọa. Tôi giả như không thấy vẫn ngồi tiếp tục ăn. Đây là điều mà tôi cho là nó “đì” tôi sau này, giữ lại không cho về.
    Được hơn một tháng, người ta chuộc chúng tôi về mỗi đầu người hai chỉ vàng, tất cả mọi người được về, chỉ có tôi là bị giữ lại, không cho biết lý do, mà tôi có nói bậy nói bạ gì đâu, cái thân con cá đang nằm trên thớt mà gì.

    Tôi gặp lại cô Út trước ngày thả, cô đen thui cháy nắng, cổ tay xây xước vì gai cây thơm khi làm cỏ, chân lội nước phèn vàng khè, thật là tan nát cả một đời hoa.

    - Anh Ba tại sao họ giữ anh lại vậy hà?
    - Nếu tôi biết đường trả lời cô, thì còn nói làm gì.
    - Ừ há! Tội nghiệp anh Ba, mọi người được về hết còn anh bị giữ lại, anh có rầu lắm không?
    - Đời tôi ba chìm bảy nổi, tôi quen rồi.
    - Mai tui về, tui để lại cho anh cái “mùng” để anh ngủ khỏi muỗi chích, khi nào anh về tới Saigon đem trả lại tui còn ít bạc lẻ nữa tui để lại anh xài.
    - Sao cô tử tế quá vậy cô Út, tui lấy cái mùng còn tiền thì không lấy đâu, tôi còn tiền mà.
    Chẳng bao giờ tôi quên được ánh mắt ái ngại tội nghiệp cho tôi của cô Út khi cô xuống chiếc “giỏ” làm đò chở khách. Tôi đứng buồn bã trên cây cầu bắc qua con kinh nhỏ nối liền quận đường với khu họp chợ nhìn xuống.

    - Khi nào về nhớ đem tới trả tui cái mùng đó nhen. Vừa vẫy tay chào cô nói “với” qua tôi.

    Hơn một tháng sau nữa tôi mới được thả về, “nhà chủ” vượt biên nói với tôi rằng “họ” nghi tui là Ngụy Quân Ngụy Quyền nên giữ lại để điều tra. Báo hại phải chuộc tôi ra mất “năm chỉ”. Đi chuyến này tôi phải đóng tất cả là năm “lượng”. Vài ngày sau khi tôi bi bắt mẹ tôi được mời tới để trả lại tất cả .

    - Bà xem kỹ đi có đúng là vàng này của bà không ?

    Trong một Xã Hội, Xã Hội Chủ Nghĩa như thế mà vẫn còn có được những người biết giữ được uy tín trọn vẹn việc làm ăn của mình.
    Cô Út cho tôi mượn cái mùng và nói khi nào về mang trả lại cô. Có một điều cô không cho tôi cái địa chỉ để mang tới trả lại. Ngày về tôi cho lại cái mùng của cô cho Bảy, một thanh niên bị bắt giữ vì tội làm “taxi” đưa người vượt biên. Bảy khi được về sau đó mấy tháng, tìm về Sàigon gặp tôi để nói một câu ơn nghĩa.

    - Tui chịu anh Ba cái lối cư xử của anh, tui biết đường đi, nếu anh muốn tui đưa anh đi không có tốn tiền nhiều đâu.
    - Thôi mày Bảy mấy tháng lội mương bắt cá lóc với mày, con lớn, con nhỏ bắt ráo nạo hết. Tao mệt qúa rồi, khi nào hết mệt tao sẽ tìm tới mày
    Giang hồ một tiếng ơn nghĩa là trọng. Tôi thích những người Nam thực tế miền đồng ruộng như vậy, mở miệng ra chỉ nói chuyện bàn về Tam Quốc Chí về Đông Châu Liệt Quốc để chứng tỏ sự hiểu biết của mình.

    Về đến Sàigon mấy tháng sau tôi mới vô tình gặp lại cô Út. Khi tôi đang trả giá để mua mấy trái soài nơi lề đường trước ga xe lửa Sàigon, nơi mà bạn hàng đổ hàng “sọt” trái cây để bán lẻ.

    - Có phải anh Ba đó không?
    Tiếng nói từ sau lưng tôi của môt người thiếu nữ.
    Anh Ba thì có cả hàng triệu “anh Ba” trên cõi đời này, tôi không quen với tên gọi “anh Ba”, nhưng tôi thấy quen quen với cái giọng nói này nên quay lại. Gần sát trước mặt tôi bây giờ là một cô gái xinh đẹp, quần áo mầu sắc trang nhã, chứng tỏ rất là kiến thức.

    - Đúng là anh Ba rồi, vừa cười cô vừa nói.
    - Dạ đúng là cô Út rồi, Út chờ tôi chút nhe.
    Tôi quay lại với người bán hàng, trả giá “bớt một thêm hai” cho bằng được để mua mấy trái soài đã lựa. Sau đó mới quay lại nói chuyện với cô Út.

    - Anh Ba hay thiệt đó nhen, tui hồi nào tới giờ mua không khi nào dám trả giá như anh đâu, sợ gặp đứa “dữ” nó chửi cho một mách chắc chết quá.
    - Khi nào cô đi mua gì cứ kiếm mấy người đàn ông như tôi đi cùng không có ai dám chửi cô đâu. Cái tánh tôi như vậy bỏ tiền ra mua thì phải mua được đồ tốt giá rẻ mới chịu.
    - Mấy người như anh Ba, dễ có được mấy ai.
    - Ôi thôi! thiếu gì người như tôi, có điều cô Út không muốn ưa thì thôi.
    - Nhà tôi gần kề đây, đường Lê Thánh Tôn, anh tới cho biết, để tui nói với má tui chắc má tui chịu nói chuyện với anh lắm đó.
    - Tới cho biết thì được, nhưng để đòi cái mùng thì tôi không có để trả lại đâu. Tôi thấy thằng Bảy thật tội nghiệp khi còn ở Gò Quao tôi với nó ngủ chung, khi về tôi cho lại nó rồi.
    - Bảy nào vậy hà, rồi tui nhớ ra rồi, Bảy ở Phong Điền Cần Thơ. Cái anh chạy cái ghe “taxi” phải không? Người đó thì được, rất là biết điều phải trái.

    Chỉ có vài bước chân tôi đã đối diện với một “bà già” hiền hậu người chính gốc miền Nam. Nhìn dáng điệu cách ăn nói thì ở cái thời của Bà, nhất định là bà rất đẹp rất sang. Cô Út thừa hưởng nước da trắng như “nước cốt dừa xứ”của mẹ. Bà như đang ngỡ ngàng không hiểu sao con gái vừa đi vừa nói chuyện với một người đàn ông mà bà chưa hề gặp. Cái lạ là sao con gái bà nói chuyện tự nhiên và có vẻ thân mật như vậy, tôi hiểu khi nhìn trong ánh mắt của bà.

    - Má đây là anh Ba, ảnh cùng đi vượt biên rồi cũng bi bắt kỳ rồi với con đó má.
    - Dạ thưa Bác!
    - Vậy sao! Thôi con đưa anh Ba dô nhà nơi phòng khách lấy nước cho ảnh uống mà nói chuyện. Má ngồi ngoài này bán hàng cho vui một chút rồi dô sau. Vào tới bên trong nơi phòng khách tôi thấy một vài vật cổ kính trang hoàng lẻ loi cũng không dấu được của một thời sang trọng.
    - Anh Ba ngồi nơi cái ghế dài đó đi, để tui lấy cái ghế xếp ra ngồi nói chuyện với anh. Ý quên, để tui qua bên kia đường mua cho anh ly nước mía ép anh uống nhe. Nói rồi cô liền đi ngay, vẫn giữ cái phong cách “làm khách” của người Bắc tôi nói chặn lại:
    - Thôi bày vẽ làm gì tôi không uống đâu.
    Nói thì nói cô vẫn đi và khi trở về mang theo hai ly nước mía, trong tay có dắt theo mấy trái tắc.
    - Để tui vắt cho anh hai trái uống cho nó đã nhe
    - Sao hồi dưới Gò Quao cô không bao giờ trổ tài khéo léo của cô cho tôi coi, bây giờ thì cô hay quá vậy.
    - Nói thiệt anh Ba nghe, từ nhỏ tới lớn không khi nào tui phải làm việc nặng nhọc. Ba má tui có mấy ngàn gốc dừa dưới Vĩnh Long mà tui không khi nào về dưới. Tui là học sinh trường Pháp, trường Marie Curie, có khi tui là những học sinh chương trình Pháp cuối cùng ở Việt Nam. Bây giờ thì “thất học”, mấy người anh chị tui đi du học ở bên Pháp rồi ở hết bên đó. Hồi “bảy lăm”, Ba tui thì cho đi, rồi Ba Má ở lại không đi. Nếu Má không giữ khịt tui lại thì tui đã ở bển rồi đâu có ngồi đây để nghe anh khen trổ tài khéo léo như vầy. Má nói là má làm cái gì tui học bắt chước theo má là đủ rồi, đâu cần phải đi đâu làm gì. Nói thiệt anh Ba nghe, Ba Má với tui đã có “pass-port” đi Pháp từ lâu rồi, chờ lâu quá mất tiền nhiều quá rồi nên tôi đi đại chuyến “dồi” làm má khóc hết nước mắt, thấy tui về Má mới cười lại đó.
    - Hồi mới xuống ghe, tôi sợ hết hồn khi cô Út hỏi tôi có phải Không Quân không, mà thiệt tôi là Không Quân nhưng đâu có cái chữ Không Quân trên mặt đâu mà cô Út nhận diện ra vậy.
    - Cần gì phải có chữ đó mới nhận ra, như anh Ba thà chết chứ không bỏ cái bộ râu trên mặt. Tui biết mà, cử chỉ thì ngang tàng không coi ai ra cái thứ gì hết. Tui nói vậy mà có trúng không anh Ba, Anh Tư ảnh cũng là Không Quân nghe nói bay cái thứ máy bay gì lớn lắm mà tui không thấy ảnh có cái dáng ngang tàng của anh chút nào kìa.
    - Chắc ổng là “tài xế” tàu bay hay ổng “lái phi công” mà ổng có ở gần đây không mời ổng qua nói chuyện cho vui.
    - Không được đâu, ảnh ở cách đây có mấy căn, cái lối của ảnh là không có liên hệ với ai hết, nếu anh Ba có duyên với ảnh sẽ có lúc gặp lại mà.
    - Không biết cô Út có học tiếng Việt Nam không người xưa nói là: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Cô nói một hai ở dưới Gò Quao là đem cái mùng về trả cho cô, mà cô không cho tôi cái địa chỉ để tìm tới trả. Cái mùng thì tôi đã cho mất rồi, nhưng chắc tôi với cô có nhiều duyên nên mới gặp lại như vầy. Còn ông Tư với tôi chắc là vô duyên nên ở kế cận đây mà chẳng có bao giờ gặp được nhau.
    - Mấy ông người Bắc cái miệng tía lia tía lịa, nói một thôi một hồi vậy đó.
    - Tôi tuổi con gà lúc nào gáy được là tìm cách gáy vang rần ngay, còn cô Út tuổi gì.
    - Tui tuổi con “ngựa chứng”, muốn là làm bất kể gì hết, má nói với tui vậy đó. Thôi không được rồi, người ta nói “Tý, Ngọ, Mão, Dậu” “tứ hành xung”. Tui với anh Ba ráp lại với nhau nhà cửa không còn thứ gì để mà “xài” nữa hết.
    - Sao cô Út học trường Pháp mà cái gì cũng biết hết vậy.
    - Từ đó tới giờ có hơn bảy tám năm rồi, có đi học trường Pháp nữa đâu, tui học ở má tui và cả ở trường đời, mà cái thứ Tử Vi Tướng Số ở đâu mà không có, chứ bộ ở bên Pháp không có hay sao mà anh Ba nói với tôi như vậy.
    - Nhưng cô quên không biết người ta nói “nam kỵ sung, nữ kỵ hạp” hay sao. Tôi kỵ cô Út, nhưng cô Út không có kỵ tôi đâu nha
    - Xí, mấy ông Bắc Kỳ cái miệng tía lia tía lịa. Được một điều bụng dạ thì không có nham hiểm là tốt rồi.
    Không biết người ta nghĩ sao với cô Út khi cô nói vậy, riêng tôi thì hoàn toàn đồng ý với cô một trăm phần trăm.

    Tôi có gặp lại cô Út sau đó nhiều lần nữa chỉ để bàn chuyện vượt biên. Cho đến năm 84 cô Út và Ba Má được đi bằng “tàu bay” đi Pháp. Kể từ sau lần gặp lại này tôi không thích gọi cô là “Cô Út” hay “Út Hường” mà chỉ quen gọi chỉ bằng một chữ “Út”, cũng như từ đó tôi thích được gọi bằng hai chữ “anh Ba”.

    Tôi đến Tân Sơn Nhất tiễn đưa “Út” ngày cô ra đi để nói với cô lời từ giã..
    - Út à! Trái đất tròn, “anh Ba” và “Út” sẽ có ngày gặp lại. Nhớ đó nghe “Hữu duyên thiên lý năng tương ngô…” tôi chưa nói hết câu thì.
    - “Vô duyên đối diện bất tương phùng”
    Nói rồi cô vẫy tay chào từ giã. Lần này tôi không có mượn cô một thứ gì để có cơ duyên gặp lại trả.

    Houston mùa Xuân 99
    Hùng Chùa
    Last edited by chieutim; 02-09-2013, 03:28 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X