Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Anh Thượng Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Collapse
X

Anh Thượng Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Anh Thượng Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

    Anh Thượng Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
    Mimosa


    Buổi lễ kỷ niệm ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 tháng 6 được tổ chức trong hội trường một nhà thờ trong thành phố tôi đang trú ngụ. Một thành phố tương đối ít người Việt cho nên trong những cuộc hội hè, họp mặt chúng tôi gần như đã biết mặt nhau gần hết. Những buổi lễ, Tết, đám cưới … là những dịp cho bạn bè gặp lại nhau tay bắt, mặt mừng vì thường ngày ai cũng tất bật cho cuộc sống riêng tư, cho sinh kế nên rất ít khi gặp mặt.

    Những khuôn mặt quen thuộc bắt đầu xuất hiện trong hội trường với những bộ quân phục của mọi binh chuẩn trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ở đây, tôi cũng thấy vài anh trong trang phục sinh viên Trường Vỏ Bị Quốc Gia Dalat, trường Bộ Binh Thủ Đức, Chiến Tranh Chính Trị. Ngoài ra nhiều người trong quân phục và huy hiệu Pháo Binh, Nhảy Dù, không Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Hải Quân …và có nhiều thanh niên thuộc thế hệ trẻ, chưa bao giờ tham gia cuộc chiến của mấy chục năm về trước nhưng họ cũng rất hiên ngang và hãnh diện trong quân phục của những đơn vị tác chiến Việt Nam Cộng Hòa. Với tôi, đó là những hình ảnh đẹp làm tôi ưa thích, những người trẻ tuổi đó - đa số là con em của những người lính Việt Nam Cộng Hòa - vẫn còn biết rằng cha, anh họ là ai. Họ đến để tham dự ngày kỷ niệm của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trong khi có những vị chỉ huy cao cấp khác ở trong thành phố này chưa bao giờ xuất hiện trong những buổi lễ tương tự từ hơn 20 năm nay. Mọi người đều mong ước một ngày nào đó họ cũng sẽ đến với anh em, chiến hữu trong những đêm như đêm nay. Biết đâu …

    Ôi những đêm kỷ niệm ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hình như càng ngày càng vắng vì sự ra đi bằng nhiều cách khác nhau của bao khuôn mặt quen thuộc. Những người kiên nhẩn, tận tụy còn ở lại mỗi năm tóc lại bạc nhiều hơn, da nhăn nheo nhiều hơn nhưng dù sao họ vẫn còn ở đó như một sự thách thức thời gian, như một ước nguyện mong tiếp nối đến tương lai cho một đại nghĩa đang dở dang mấy mươi năm trước. Nhạc vẫn trỗi lên hào hùng, những tiếng nói cười, chào hỏi vẫn nỗ rang như tiếng súng trong những cuộc chiến ngày xưa. Hình như mọi người đang tìm lại được phút giây ngang tàng của thời tuổi trẻ.

    Tôi ngồi ở một góc phòng với vài chị phụ nữ, chúng tôi bán vé số để gây quỹ cứu trợ các anh em Thương Phế Binh đang sống khốn khổ tại quê nhà. Những giải trúng là những món quà tặng từ hãng Williams Sonoma, một công ty khá lớn và có tên tuổi trên nước Mỹ. Mỗi năm họ đều tặng nhiều món quà có giá trị để Hội Cựu Chiến Sĩ của thành phố tổ chức bán vé số gây quỹ. Với số tiền thu được hội đã cứu hàng trăm Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa. Con số khá khiêm nhượng đối với những chương trình cứu trợ quy mô ở các Tiểu Bang có đông người Việt, nhưng đối với một thành phố thưa thớt đồng hương như ở đây, thì đó cũng là một thành quả đáng kể.

    Tôi đang khá bận rộn với công việc thu tiền và chào hỏi những người quen biết. Không khí hội trường ồn ào, náo nhiệt khi quan khách đến đông dần dần. Bỗng tôi chú ý đến một người đàn ông khá xa lạ tiến đến trước mặt mình. Anh nhìn tôi cười vui vẻ, có chìu thân mật dù tôi tin chắc rằng mình chưa bao giờ gặp mặt anh một lần nào cả. Người đàn ông không có gì đặt biệt ngoài nụ cười gây thiện cảm cho người đối diện, anh có vẻ khá xuề xoà với chiếc chemise ngắn tay và quần tây màu xẫm. Tôi nghĩ rằng anh ta lớn hơn tôi vài ba tuổi. Một vị quan khách mới của đêm kỷ niệm ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà năm nay. Tôi đon đả chào hỏi:

    - Xin chào anh, hân hạnh được tiếp đón anh.

    Anh cười thật tươi, anh nói giọng Bắc khá nhỏ nhẹ:

    - Chào chị, chà các chị lu bu quá hả!
    - Dạ, một năm chỉ có một lần, chúng tôi cũng cố gắng để hoàn tất công việc của mình.
    - Như vậy rất là tốt, rất may là cộng đồng chúng ta cũng còn những người như các anh, các chị.

    Tôi xua tay:

    - Có chi đâu anh, thật ra thì mỗi người góp một tay chứ bản thân tôi thì cũng chẳng có tài cán gì.

    Anh mở ví lấy một tờ 20 dollars chìa cho tôi. Tôi mau mắn hỏi:

    - Anh mua bao nhiêu vé số ạ, giá mỗi ticket là 5 dollars. Mua số để giúp các anh em Thương Phế Binh bên nhà, họ tội nghiệp lắm.

    Và tôi chỉ tay về phía đống quà cáp đã được gói trong những tờ giấy màu xinh xắn và nói leo lẽo:

    - Những lô trúng đều là món có giá trị do hãng Williams Sonoma tặng cho hàng năm đó anh ạ. Mua vé số, trước là làm một nghĩa cử đẹp giúp các anh em Thương Phế Binh của mình, sau là mua lấy sự may mắn.

    Câu này tôi đã nói hàng trăm, hàng ngàn lần trong 5, 6 năm nay, trong những dịp bán vé số gây quỹ, cho nên giọng tôi trơn lu như mấy anh chàng bán hàng quảng cáo ngoài chợ. Nhưng giống ai cũng được, miễn là có tiền giúp cho các anh thương phế binh ở quê nhà là tôi vui rồi. Hình ảnh các anh gởi qua trông thật thảm não: kẻ cụt hai tay, người cụt hai chân, người mù mắt, kẻ cháy nám mặt mày…. Khi hình ảnh và giấy tờ được đưa ra Hội Cựu Chiến sĩ để cứu xét và cứu trợ xong, chúng tôi lưu giữ lại. Tôi thường không có can đảm xem lại lần thứ nhì. Có một cái gì cay đắng, đau đớn đè nặng trong trái tim mình vì tôi là một người rất là nhậy cảm.

    Có một lần chúng tôi nhận được hồ sơ một anh Thương Phế Binh gởi từ Ban Mê Thuộc với đầy dủ giấy tờ chứng minh giải ngũ. Anh cụt hai tay, cụt hai chân, tuy nhiên lá thư anh gởi với nét chữ thật là đẹp đẽ và trang nhã. Xem hình xong, tôi thấy ngực mình nặng trĩu và khó thở làm sao, để trấn áp bớt nổi xúc động nghẹn ngào đang dâng lên trong lòng, tôi nhìn lá thư và phán một câu:

    - Quá tội nghiệp, nhưng công nhận anh này viết chữ đẹp quá phải không?

    Mọi người im lặng, một anh trong hội bỗng nói:

    - Còn tay đâu mà viết, anh ta nhờ ai viết thư giùm đó cô ơi.

    Lòng tôi chùng xuống với một cảm giác khó diễn tả trong tiếng cười gượng gạo của mọi người. Có lần tôi nhận được hồ sơ của một người bạn trai học cùng trường, anh này trước kia là một anh chàng đẹp trai có hạng từng làm rung động bao trái tim nữ sinh trong trường ( trong số đó không có tôi vì hồi đó tôi là một nữ sinh bé nhỏ và xấu xí nên không dám mơ đến chàng Hoàng Tử đẹp trai kia). Bây giờ anh chỉ còn là một người đàn ông già nua, còm cõi với một chân đã cụt, anh nói đang sống với người con và mấy đứa cháu nghèo nàn ở vùng Định An – Lâm Đồng. Không nghe anh nói gì đến người vợ. Bức hình ngày anh còn trong quân đội là một chàng Thiếu Úy đẹp trai và hào hoa. Thế đấy, ôi cuộc đời bãi bể, nương dâu.

    Trong khi tôi đang thao thao trong công tác bán vé số cho các anh Thương Phế Binh đồng nghiệp của tôi ( các anh Thương Phế Binh ở quê nhà phần đông cũng đang bán vé số để nuôi thân), thì người đàn ông trước mặt tôi chỉ cười một cách hiền lành. Chờ đến lúc tôi im tiếng, với một giọng Bắc thật nhỏ nhẹ, dịu dàng anh nói:

    - Tôi giúp hội 20 dollars chứ không lấy vé số đâu chị ạ.

    Tôi cười cầu tài và cầm lấy tiền anh trao:

    - Xin cảm ơn anh lắm lắm. À, mà hình như anh là người mới, tôi chưa thấy anh đến đây lần nào.
    - Dạ, đúng vậy, đây là lần đầu tiên tôi đến đây.
    - Xin anh cho biết quý danh ạ.

    Anh vui vẻ trả lời:

    - Tôi là Toàn, Trần văn Toàn.
    - Chào anh Toàn, hân hạnh được biết tên anh. Trước lạ sau quen, chúng tôi mong sẽ có dịp gặp lại anh.

    Anh Toán hỏi tôi:

    - Chị có cần biết địa chỉ của tôi không?

    Chút xíu nữa tôi đã quên mất, may mà anh Toàn nhắc nhở tôi điều này. Các anh chị em trong hội luôn luôn nhắc nhở nhau phải hỏỉ địa chỉ của những anh chị em mới, để có thể gởi thơ mời trong những lần họp mặt sau. Tôi lấy quyển sổ, cầm bút chuẩn bị để ghi địa chỉ của anh Toán.

    Anh đằng hắng rồi nói từ từ:

    - Chị ghi đi: Trần văn Toàn, Tiểu Đội 32 Pháo Binh, cấp bâc Thượng Sĩ, Quân Đoàn 3.

    Giọng anh chững chạc. rõ ràng và chậm rãi. Tôi há hốc miệng, thảng thốt ngó anh nhưng tôi vội khựng lại khi bất gặp tia nhìn nghiêm trang của anh. Thật là sự một lạ lùng làm tôi choáng ngợp trong một cảm giác lao đao. Từ hồi bắt đầu gia nhập Hội đến nay, gần 20 năm rồi, tôi chưa bao giờ ghi địa chỉ các anh cựu quân nhân như thế này vì lẽ rằng chưa bao giờ có ai cho tôi biết địa chỉ hồi thời còn ở trong quân ngũ của họ. Tôi chỉ xin địa chỉ nơi họ đang sống trong thành phố hay trên nước Mỹ để có dịp gửi thơ mời mà thôi. Tuy nhiên giọng điệu trang trọng, nghiêm túc của anh Toàn khi nhắc đến đơn vị cũ làm tôi thấy xúc động bàng hoàng. Trong một thoáng tôi thấy mình cần phải trân trọng những lời nói của người cựu quân nhân đứng trước mặt mình, chứ không thể xem đó là một sự vớ vẩn, ngây ngô, buồn cười nào đó.

    Tôi trịnh trọng viết trong quyễn sổ:

    Thượng Sĩ Trần Văn Toàn
    Tiểu đội 32 Pháo Binh
    Quân Đoàn 3

    Tôi ngước mặt lên nhìn anh chăm chăm và những ý nghĩ ngổn ngang, hỗn loạn chợt đến với tôi một lúc. Nếu anh tự xưng là Trung Úy, Đại Úy, Thiếu Tá, Trung Tá hay Đại Tá chắc tôi sẽ không xúc động như khi anh tự xưng mình là Thượng Sĩ. Thượng Sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thái độ trang trọng, tín cẩn của anh khi nói đến cấp bậc của mình trong quân đội gây cho tâm hồn tôi một nổi xao xuyến, anh như truyền cho tôi một niềm tự hào mà hình như lâu lắm rồi đã trở thành lu mờ, nhạt nhòa trong lòng mọi người, trong cái giòng đời tất bật với nhiều thay đổi và lãng quên này. Tôi cứ lẩn quẩn mãi trong giòng tâm tưởng bâng quơ, trong những cảm giác bàng hoàng cho đến lúc anh Toán gật đầu chào và đi về phía cuối phòng.

    Tôi lại lu bu với những người khách mới đến, với những tấm vế số với những địa chỉ của những người khách lạ khác mà ý nghĩ vẫn vương vấn về anh Thượng Sĩ Pháo Binh. Khi mọi người đã lần lượt ngồi vào chỗ của họ vì buổi lễ sắp bắt đầu, tôi nói với Dũng, một cựu Sĩ Quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà:

    - Anh Dũng ơi, có một ông Thượng Sĩ pháo binh cho đia chỉ hồi thời tại ngũ trong sổ địa chỉ cuả chúng ta. Điều này đối với tôi có vẻ là lạ làm sao ấy, vì chưa thấy ai làm như vậy cả.

    Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy Dũng cũng có vẻ chú ý đến điều này, Dũng hỏi nhanh:

    - Ông ta đâu rồi?

    Tôi chỉ tay về phía cuối phòng:

    - Đằng kia kià.

    Dũng nhìn vào sổ rồi nói:

    - Cùng binh chủng với tôi rồi, tôi cũng ở Quân Đoàn 3. Tôi và chị ra gặp ông ta đi.

    Tôi và Dũng đi về phía cuối phòng, nhìn vào đám đông ở đó tôi không thấy khuôn mặt cuả Thượng Sĩ Toàn đâu cả. Dũng hỏi to:

    - Có ai tên là Toàn ở đây không ạ, Thượng Sĩ Trần Văn Toàn thuộc Quân Đoàn 3, Pháo Binh.

    Những câu trả lời là không và không. Một người nào đó nói:

    - Có lẽ ông ta đi về rồi!

    Tôi cải:

    - Anh ta mới đến chưa dự lễ sao lại đi về? Có lẽ anh ta đang ở đâu đó chăng.

    Tìm hoài không ra anh Toàn, tôi trở về chỗ cũ với nhiều thắc mắc trong đầu. Từ bao nhiêu năm nay, khi nói đến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hình như người ta chỉ nghĩ nhiều đến cấp bậc Sĩ Quan, họa hoằn lắm mới có người đề cập đến các anh em Hạ Sĩ Quan hay lính tráng. Điều đó cũng dễ giải thích, bởi vì khi cộng sản tràn vào miền Nam Việt Nam, hầu hết cấp Sĩ Quan là nạn nhân trực tiếp của Cộng Sản - họ tha hồ mà trù dập, trả thù một cách dã man, tàn bạo nhất. Nhưng đêm nay, trong buổi lễ Kỷ Niệm Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sự xuất hiện và nêu lên danh tánh, chức vị của một anh Thượng Sĩ làm lòng tôi dâng lên niềm ân hận. Bởi vì chính bản thân tôi cũng đã có những thiếu sót khi nhớ về một quân đội hào hùng thuở xưa. Niềm ân hận này tuy rất âm thầm nhỏ nhoi nhưng nó sẽ ở đó trong trái tim tôi. Trong trái tim cuả một người đã nuôi dưỡng và lớn lên ở miền Nam Việt Nam, dù rằng cũng có những khuyết điểm nào đó trong chế độ tôi đã sống nhưng so sánh với những khuyết điểm của chế độ Cộng sản hiện nay thì đúng là “một trời một vực”. Tôi luôn khẳng định với lòng mình rằng: tôi yêu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và tôi luôn biết ơn những người đã hy sinh để bảo vệ sự bình an cho tôi. Sư bình an đã từng bị đánh cắp trong những ngày tháng đọa đầy xưa. Cấp bậc Thượng Sĩ cuả anh Toàn làm tôi liên tưởng dến câu nói của một cựu Trung Tá mà tôi quen biết. Trung Tá Phú đi tù cải tạo gần mười năm, ông nói:

    - Thật sự giá trị con người đôi khi là ở từ tấm lòng cô ạ. Tôi biết có một ông Thượng Sĩ dưới quyền tôi đã tự sát khi Cộng Sản tràn vào Miền Nam Việt Nam. Cái chết của ông ta làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều. Đó chỉ là một Hạ Sĩ Quan, hưởng bổng lộc chẳng bao nhiêu vậy mà họ đã chọn cái chết để giữ tiết tháo. Mà cô nghĩ coi, với cấp bậc Thượng Sĩ thì ông ta đi tù cũng chỉ vài tuần chứ có nhiều nhỏi gì đâu ...

    Tôi cảm thấy kính phục Trung Tá Phú khi ông đã nói ra điều ấy. Và khi tôi viết ra điều này tôi không có ý so sánh hay khen chê ai vì lẽ rằng tôi chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt, một nạn nhân trong hàng triệu nạn nhân của Miền Nam Việt Nam khi đất nước chợt rơi vào cơn biến loạn. Tôi cũng luôn nghĩ rằng khi một biến cố xảy ra mỗi người sẽ có một phản ứng khác nhau, mà xấu tốt đôi khi cũng khó mà phê bình, xác định. Chỉ trách cho những người đã từng đi qua, đã từng chứng kiến những nổi đau đớn, xót xa tràn đầy máu lệ của quê hương dân tộc mà vẫn mang tâm trạng mù loà, đui điếc. Họ đã cố tình quên đi tất cả hay tệ hại hơn còn muốn tân trang, sơn phết lại những xấu xa, bỉ ổi, tàn ác của cái quá khứ mà họ đã có thời vội vàng chạy trốn. Họ chạy về nhanh nhẹn như đã chạy đi. Họ lại bắt đầu cất tiếng ca hót, ngợi khen bằng tiếng hót của một loài chim dị kỳ, loài chim phản phúc. Loài chim này luôn mặc những màu áo kiêu xa, đẹp đẻ như: quê hương, dân tộc, vị tha bác ái, bao dung và nhất là: hãy quên đi quá khứ ...

    Còn Thượng Sĩ Toàn, sao mới đến mà anh ta lại đi về, Cũng có thể anh ngồi một nơi nào đó trong hội trường, giữa bạn bè của chúng ta mà tôi không thấy. Nhìn vào những giòng mình mình viết trên trang giấy tôi mới nhớ mình đã quên quá nhiều điều. Tôi quên xin địa chỉ hiện tại của anh để viết thơ mời tham dự ngày Lễ Kỷ Niệm Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà năm sau. Còn địa chỉ trong quân đội Thượng Sĩ Trần Văn Toàn hình như thiếu thiếu một điều gì quan trọng. À, phải rồi đó là K.B.C.

    Mấy chị em trong hội đùa với nhau:

    - Cho địa chỉ mà thiếu K.B.C. làm sao thơ đến được.

    Thượng Sĩ Toàn thân kính, chúng tôi vẫn còn giữ địa chỉ tại ngũ của anh trong quyển sổ lưu niệm, địa chỉ của một người lính Việt Nam Cộng Hòa. Anh chị em trong Hội Cựu Chiến Sĩ … mong gặp lại anh trong ngày kỷ niệm Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa năm 2011. Cũng không hiểu tại sao các anh chị em trong hội lại cùng xúc động khi anh cho địa chỉ ngày xưa cũ khi anh còn là một người lính Việt Nam Cộng Hòa thay vì địa chỉ nơi anh cư ngụ hiện nay trên đất Mỹ.


    MIMOSA
    Berryhill-TN

    (BachMa sưu tầm)
    Last edited by BachMa; 04-14-2013, 02:39 AM.

  • #2
    Xin cảm ơn Ngựa Trắng

    Thưa Ngựa Trắng,
    Vào trang Chọn Lọc của Hội Quán Phi Dũng, Mimosa Phương Vinh bất ngờ đọc được bài Anh Thượng Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa do Ngựa Trắng sưu tầm mà Mimosa đã viết cách đây mấy năm trong một chương trình gây quỹ giúp các anh Thương Phế Binh VNCH còn kẹt lại ở quê nhà.
    Từ đó đến nay Mimosa vẫn tiếp tục công việc này và luôn luôn tự nhủ mình rằng: không bao giờ có thể quên các anh Thương Phế Binh VNCH của chúng ta. Câu chuyện Anh Thượng Sĩ Quân Lực Việt nam Cộng Hòa là một nhân vật có thật và sự xúc động khi được diện kiến với anh đã giúp Mimosa hoàn thành câu chuyện ngay sau đêm tham dự buổi lễ Kỷ niệm ngày Quân Lực VNCH 19/6.
    Ngày trước Mimosa chỉ ghi bút hiệu sau mỗi câu truyện nhưng về sau thấy bút hiệu này trùng với nhiều tác giả khác, nên quyết định dùng tên thật tiếp theo để tránh sự trùng hợp và những ngộ nhận có thể xảy ra.
    Xin thành thật cảm ơn Ngựa Trắng một lần nữa và xin đa tạ Hội Quán Phi Dũng và các anh chị trong Ban Điều Hành đã giúp Mimosa có cơ hội để trang trải những ước mơ, hoài vọng và tâm sự của mình!
    Kính bút,
    Mimosa Phương vinh
    Beryhill- TN- U S A

    Comment


    • #3
      Râ1t cảm ơn bài viết của Cô, Con chỉ là kẻ hậu sinh .... nhưng đọc bài nào về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nước mắt con đều tuôn trào , tự hào cho những người lính đã chiến đấu cho tự do, bị BỨC TỬ ....

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X