Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cánh Thép F5: Trần Văn Lương

Collapse
X

Cánh Thép F5: Trần Văn Lương

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cánh Thép F5: Trần Văn Lương


    Cánh Thép F5: Trần Văn Lương

    “Như nước Đại Việt ta,
    dẫu mạnh yếu có lúc khác nhau.
    Song hào kiệt đời nào cũng có…”

    Nguyễn Trãi – Bình Ngô Đại Cáo


    Cao Hoa biết anh Lương từ thuở còn là học trò vì gia đình hai người ở gần nhau. Lương sinh năm 1944. Anh say mê bay bổng, thích mạo hiểm. Anh tình nguyện vào Không Quân năm 1969 rồi trở thành Pilot phản lực cơ A 37. Năm 1971, anh chuyển sang lái F5. Năm1972, anh thành hôn với người yêu, khi đó Cao Hoa mới 20 tuổi, và đang đi dạy học. Ngày 14 tháng 6 năm 1974, hai người có đứa con trai đầu lòng, Lương đăt tên con là Trần Thanh Vũ.

    Chiều Seattle một ngày lộng gió, bầu trời vần vũ báo hiệu sắp mưa. Ánh hoàng hôn xuyên qua tấm cửa kính, rọi trên khuôn mặt thanh thoát không một nét nhăn của người thiếu phụ ngồi đối diện với tôi: Chị Cao Hoa tức bà quả phụ Trung Úy Trần Văn Lương, phi công phản lực F5, thuộc Phi Đoàn 544, Không Đoàn 63 Chiến Thuật, Sư Đoàn 3 Không Quân.Chị Cao Hoa chỉ tách nước trước mặt tôi mời uống, và câu chuyện bắt đầu.
    (Để tặng những người yêu Không Quân, thích bay bổng.)

    *****


    Ngày 9 tháng 7 năm 1974, một phi tuần 3 phản lực cơ chiến đấu F5, trong đó có phi công Trần Văn Lương thực hiện phi vụ oanh kích quân CS để yểm trợ lực lượng bộ binh tại mặt trận Tây Ninh. Chiếc F5 của Lương đã bị trúng đạn phòng không của địch bắn rớt. Sau đó, vào ngày 15/ 7/1974, chị nhận được thư báo của BTL/SĐ3 Không Quân do Chuẩn Tướng Huỳnh Bá Tính ký cho biết: "… Trong một phi vụ hành quân, Trung Úy Trần Văn Lương đã mất tích tại tọa độ XT 140 745, vào ngày 9/7/1974 lúc 12 giờ 15…"
    Khi Lương mất tích, con trai của Anh mới được 20 ngày, và người vợ trẻ chỉ mới vừa tròn 22 tuổi. Từ đó, theo vận nước nổi trôi, chị Hoa ôm nỗi đau buồn bất tận, thương con, ngóng chồng mòn mỏi…
    Đột nhiên vào cuối năm 1976, qua bưu điện, chị nhận được thư của Lương cho biết Anh hiện đang bị CS giam ở trại giam Yên Bái, Bắc Việt. Chị tức tốc cố gắng dò hỏi để xin phép được đi thăm chồng nhưng CS không cho phép, mãi đến đầu năm 1979, chị Hoa mới được họ chấp thuận. Lúc này Lương đã chuyển về trại giam Đô Lương, Hà Tĩnh.

    Mùa Xuân năm 1979, chị Hoa dẫn theo con trai là Trần Thanh Vũ, 5 tuổi, đi thăm chồng, và thăm cha.
    Gặp chồng tại trại tù Đô Lương, chị ngạc nhiên khi thấy sức khỏe của chồng đã quá yếu! Anh không đi nổi, phải có cán binh CS của trại tù cõng Anh ra nơi thăm nuôi. Thân hình anh gầy tọp, mắt bên phải của Anh băng kín, mặt Anh bị sưng, và biến đổi khác thường. Anh cho biết Anh bị bệnh viêm mũi nặng, phát tác trên mắt và bệnh hành khiến Anh bị nhức đầu triền miên.
    Vì quá xúc cảm nên trong gần một giờ thăm viếng, chị không nói được một lời nào mà chỉ biết khóc. Phút cuối của cuộc thăm nuôi, Lương ôm chặt hai mẹ con chị vào lòng và an ủi:
    - Em giữ gìn sức khỏe và cố gắng nuôi con!
    Chị Hoa trở về Sàigòn tìm kiếm mua thuốc trụ sinh, hai tháng sau Chị trở lại Hà Tĩnh thăm và đưa thuốc cho chồng. Kỳ thăm nuôi lần thứ hai theo Chị Hoa thì tình trạng sức khỏe của Lương còn tệ hơn kỳ trước.

    Khoảng tháng 10/1979, trong lúc Chị Hoa đang làm việc, có một người nào đó đã để lại tại nhà Chị một bức thư, trong đó ghi vắn tắt tin Anh Trần Văn Lương đã từ trần tại trại cải tạo AH 118 NT K2, Nghệ Tĩnh, Bắc Việt, vào hồi 17 giờ 15 phút ngày 15/08/1979, kèm theo một bản nhạc mang tên "Cung buồn cho một cánh chim", thơ Trần Văn Lương, nhạc Văn Thùy.

    Năm 1982, Chị Hoa và cháu Trần Thanh Vũ vượt biển tìm tự do. Chị đến Singapore, và sau đó được định cư tại Hoa Kỳ. Cháu Vũ đã có gia đình sau khi tốt nghiệp Cao Học Hóa Học và đang làm việc tại San José.
    Tôi hỏi Chị Hoa có thể cho tôi coi bản nhạc ấy được không? Chị đồng ý. Trở vào phòng riêng, khi ra, Chị cầm một bao thư lớn đựng giấy tờ, hình ảnh riêng của gia đình. Chị đưa cho tôi tờ giấy cỡ 8½ x 11 được gập làm 8, trong đó với những hàng chữ viết chì ghi lại bài "Cung buồn cho một cánh chim". Tôi không thấy ghi nhạc và lời sáng tác năm nào, nhưng có thể vào thời điểm trước khi Lượng vĩnh viễn từ giã các bạn tù tại trại giam ở Hà Tĩnh. Người phổ nhạc tức nhạc sĩ Văn Thùy chắc cũng là bạn tù của Trung Úy Lương.
    Tôi thấy Chị nâng niu bản nhạc như một di sản trân quý duy nhất của Lương để lại. Tôi đề nghị Chị Hoa hát cho tôi nghe. Bằng giọng trong vắt nhẹ nhàng và truyền cảm, không cần nhìn bản nhạc, Chị trình bày bản "Cung buồn cho một cánh chim, thơ Trần Văn Lương, nhạc Văn Thùy. Buồn, chầm chậm” với các lời:

    Người tìm vào đời đôi cánh chim bay
    Phi đạo hẹn hò mở lối tung bay
    Đường mây vút xa dâng đầy trong mắt ai
    Ngày vui vẫn hẹn đợi chờ hòa khúc hát tương lai.

    Người tình học trò đôi mắt như sao
    Mơ vùng trời hồng gửi giấc chiêm bao
    Ngày vui ái ân không dài như ước mơ
    Tình trong nét mực ngọc ngà, buồn khóe mắt ngây thơ.

    ĐK1. Rồi một chiều thu mây mờ che kín non xanh
    Người vợ hiền mơ bé thơ nào đâu thấy mặt anh
    Trời buồn lộng gió, gió âm thầm đưa lá xa cành
    Trời còn in mây, tình người còn đây, cớ sao người yên giấc mơ say.

    ĐK2. Người lặng tìm về hương khói mong manh
    Xin một lời buồn để hát cho anh
    Ngàn mây vẫn xanh như chờ mong dáng anh
    Và đôi mắt buồn học trò đậm vết long lanh
    Xếp đôi cánh bằng, ngàn thu an giấc cho anh.

    Tôi ngồi chăm chú nghe Chị Hoa trình bày trọn bản nhạc. Lời ca thấm vào óc tôi tạo nên cảm giác vừa thương cảm vừa khâm phục tôn vinh mối tình giữa người chiến sĩ Trần Văn Lương và giai nhân Cao Hoa, theo tôi đó là một chuyện tình đẹp. Dẫu rằng định mệnh oan khiên đã bắt "nửa đường chim bằng gãy cánh", nhưng từ cổ kim những mối tình đẹp đã được thế gian truyền tụng không phải là những cặp uyên ương ăn ở đến khi đầu bạc răng long!
    Không muốn kéo dài cuộc nói chuyện vì sợ tạo thêm sự xúc động đến cho Chị Hoa, tôi xin tạm biệt để về hoàn tất bài viết “Cánh Thép F5: Trần Văn Lương”.
    Hôm nay ngồi viết những giòng này từ nơi xa xôi cách Việt Nam cả nhiều ngàn dậm, trong óc tôi hình dung đám tang của Người Anh Hùng Trần Văn Lương 28 năm về trước tại một góc rừng nào đó gần trại tù cải tạo Đô Lương thật giản dị: Không thân nhân, không bằng hữu, không lễ nghi quân cách, không tuyên dương, truy thăng, truy tặng, không hồi kèn vĩnh biệt, không tiếng súng tiễn đưa và không có cả hòm gỗ với quốc kỳ VNCH!

    Bài viết của tôi cũng như lời tri ân đối với tất cả những người đã hy sinh cho chúng ta, con cháu chúng ta được sống và cho miền Nam Việt Nam được tồn tại trên hai thập niên.


    Seattle, ngày 22 tháng 8 năm 2007
    PHẠM HUY SẢNH
    Last edited by khongquan2; 01-25-2013, 08:06 PM.

  • #2
    Trần Văn Lương

    Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Cựu thợ lái máy bay chuồn chuồn ở Căn Cứ KQ Phù Cát - Bình Định, cựu tù chính trị, đến Mỹ từ 1980, hiện an cư lạc nghiệp tại Garden City, Kansas. Ông đã góp một số bài đặc biệt và nhận giải thưởng Viết Về Nước Mỹ từ mấy năm trước. Bài sau đây được viết nhân Ngày Quân Lực VNCH 19 tháng Sáu, là một hồi ký về những đồng đội cũ.***

    Nghe nói ngày trước, khi tuyển một khóa sinh Không Quân, ngoài phần khám y khoa, còn có mục khảo sát về thẩm mỹ ngoại hình. Chẳng biết tin này có thiệt hay không, nhưng năm 1969 không còn thấy áp dụng nữa.
    KQ lúc này không còn ròng rã là những đấng hào hoa đẹp trai, mà đã lẫn lộn vào đó là vài khuôn mặt không mấy rạng rỡ. Nhân cơ hội này, Tú, Lương và tôi đã trà trộn vào thành phần "Thượng lưu của quân đội".
    Diễn tả lại dung mạo của thằng Tú, không gì điển hình hơn là nhắc lại câu nói của niên trưởng ngày huấn nhục ở Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang:
    -Không hiểu ban tuyển mộ KQ mù cả hay sao mà ông lại lọt được vào đây!
    Thật ra thằng Tú không đến nỗi xấu, nó chỉ bị rỗ hoa, miệng lúc nào cũng toe ra cười như cái loa của Tổng Lãnh Thiên thần Mi ca e. Nó nhỏ con nhưng có đặc tính là hễ giận ai thì hay nói:
    -Ông vặn cổ mày bây giờ.
    Hỗn danh nó là thằng Hố Lai, tuy nhà nó ở Sài Gòn.
    Phần tôi không biết căn cứ vào sách tướng số nào, mà thằng Tú nói tôi là thằng lừa thầy phản bạn, tiểu nhân và ra đời đụng đâu thua đó.
    Thằng Lương thì ngược lại, nó to con, da ngăm đen và có gương mặt rất nông dân chân chính, nên bọn tôi gọi nó là Võ Tòng Sát Tẩu.
    Con gái nhìn thấy nó cứ phải len lén quay đi chỗ khác, vì sợ nó tán nhầm.
    Ba đứa chúng tôi thi nhau làm lung lay cái huyền thoại hào hoa của quân chủng. Nhập khóa 69A ở Nha Trang, Lương lớn nhất nên được tôn là sư huynh. Có một niên trưởng rất hắc ám tên là Thái hay phạt thậm vô lý nên Lương ra lệnh cho tụi tôi:
    -Tao đặt tên cho thằng Thái là Dúi, nhưng tụi mày chỉ nên kêu nó là Dúi thôi chứ kêu Thái Dúi, nó biết nó phạt cho thì toé khói.
    Tính Lương rất vui, một bữa kia nó thấy thằng Liên đang lau súng để gác đặc công gài chất nổ trong barrack (Chắc mọi người còn nhớ năm 1969 VC đã dùng plastic nổ doanh trại Trường HSQ Đồng đế làm chết rất nhiều khóa sinh) nó đến gần nhỏ nhẹ hỏi:
    -Ê Leng, ke đẹ leng béng nghe bèng bèng hỉ"
    (Ê Liên, cây đại liên bắn nghe bằng bằng hả)
    Liên gốc người Quảng Nam nên nổi tam bành, xách súng đuổi Lương chạy vòng vòng trong barrack, miệng liên tục chửi:
    -Tau béng xí mẹ thèng Béc Kỳ.
    (Hình như nó nói: Tao bắn thấy mẹ thằng Bắc Kỳ) làm náo loạn cả Phi đội.
    Mãn khóa quân sự trở về TSN, thi xếp lớp Anh ngữ, Lương học lớp 1100, tức lớp Anh ngữ vỡ lòng. Tôi rất ngạc nhiên vì trước khi sang KQ, Lương đã là Tr/s Thông Dịch Viên, nhưng nó tâm sự:
    -Làm Thông Dịch Viên dễ hơn là học Anh Văn để du học. Hồi tao đi theo toán Dân Sự Vụ vô làng nọ để khám bệnh, phát thuốc cho dân chúng, có một bà khai bị bịnh mất ngủ, tao không biết dịch thế nào, nghĩ mãi mới ra câu; "Xi nô xì líp. Xi nít áp bờ rin." Không biết thằng cha BS Mỹ có hiểu tao nói "She no sleep. She need apirin" không mà nó cũng phát cho bà ta một bốc thuốc.
    Thấm thoát mấy tháng ở trường Sinh ngữ cũng qua mau, cả ba thằng chúng tôi lại gặp nhau ở Lackland, San Antonio, TX. Không biết thằng Lương kiếm ở đâu ra mà nhiều "bùa" lắm. Hôm trước khi thi test, nó mò xuống phòng tôi rồi bảo:
    -Mày nhớ kỹ câu này "Có con chó cái cắn bạn đau chẳng ai đền. Bốn anh công an đi bên đường đỡ cho bạn".
    Tôi cũng chưa hiểu công dụng của lá bùa thì nó giải thích thêm:
    -Cứ theo mẫu tự câu bùa mà khoanh vào. Có con chó cái nghĩa là bốn câu đầu là c, c, c và c; cắn bạn đau chẳng ai đền là c,b,d, c, a và d.
    Quả thật bùa của nó rất linh, hôm đó tôi được 20/20.
    Lương xuống BX (Base Exchange) mua sắm, nó muốn mua một bộ đồ ngủ để mặc buổi tối. Ông nông dân này muốn đóng vai phú hộ trưởng giả ngày xưa. Nó ôm về một bịch ni lông trên đó đề rõ ràng chữ Pijama, nhưng mở ra thì cái quần cụt ngang đầu gối và cái áo cổ trái tim!
    Lương mặc vô trông rất cũn cỡn, nó chữa thẹn bằng câu khen: "Hết xẩy" rồi uốn éo đi tới đi lui như một tên GAY chính hiệu.
    Đến nay hơn 30 năm đã trôi qua mà tôi vẫn còn hình dung được cái dung nhan Uất Trì Cung của nó rất tương phản với bộ đồ ngủ, mà tôi cứ ngờ ngợ là dành cho đàn bà.
    Lương ở khu GOẠP trong căn cứ (WAF: Woman Air Force) nhưng hầu như tuần nào nó cũng đón xe bus lên chỗ chúng tôi ở, những lúc này là lúc bạn bè tâm sự nhiều nhất, và cũng là lúc nó chọc thằng Tú nhiều nhất. Nó hỏi:
    -Ê Hố Lai (Hố Nai) nghe nói ông cố nội mày ở gần nhà bà hàng xóm ông thầy đồ phải không"
    Thằng Tú không hiểu nó muốn nói gì, nhưng cũng vặn lại:
    -Ừ rồi sao"
    -Vậy chắc mày rành điển tích lắm. Mày có biềt ông Lê Quý Đôn than rằng "Phi công nghèo lắm ai ơi. Áo thời thiếu nút quần thời thiếu lưng" không"
    -Xạo vừa vừa thôi bố, thời đó làm gì đã có máy bay.
    Lương gân cổ lên:
    -Thằng nhãi ranh, nói có sách mách có chứng đây này. Ông Lê Quý Đôn có nói: Phi trí bất hưng. Phi công bất phú. Phi nông bất ổn. Phi thương bất hoạt
    Phi công bất phú không phải lái máy bay nghèo mạt rệp là gì"
    Thời gian du học sung sướng trôi qua nhanh, chúng tôi đều tốt nghiệp rồi về nước nhưng mỗi đứa một nơi. Lương ra Nha Trang lái A37; Tú lái trực thăng ở Phù Cát còn tôi Biên Hòa.
    Hôm Lương về SG rủ tôi xuống xứ Bùi Thái thăm thằng Trinh, bạn cùng khóa 69A nhưng sau thiếu sức khoẻ phi hành nên đổi ra Bộ Binh. Lương nghe đồn là kế bên nhà Trinh có ông bán bánh mì bị ma bắt.
    Câu chuyện thật hoang đường nhưng sự kiện thì rất khó giải thích theo khoa học. Khi chúng tôi đến Bùi Thái thì ông bán bánh mì vẫn còn nằm trong buồng, đầu tóc rụng trọc lóc.
    Người nhà kể trước đây ông vẫn lên chợ Thủ Đức lúc ba bốn giờ sáng lấy bánh mì về bán rong. Hôm ấy như thường lệ ông chở một sọt đầy bánh mì đem về, khi chạy ngang Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa thì có người gọi lại mua cả sọt. Ông nhìn mặt quen quen nhưng không nhận ra là ai.
    Mừng vì hôm nay được nghỉ sớm, ông ngủ một giấc nữa rồi ngồi dậy móc tiền ra đếm thì hỡi ơi, toàn là tiền vàng mã, loại để cúng người chết.
    Lúc này ông mới sực nhớ lại khuôn mặt người mua bánh lúc sớm, đúng y như bức tượng Thương Tiếc mà ông vẫn thấy mỗi ngày khi chạy ngang qua nghĩa trang!
    Ông Bánh Mì hồn phi phách lạc, ông ốm luôn và mấy hôm sau thì tóc rụng sạch.
    Lương trầm ngâm nói:
    -Nghĩa Trang Quân Đội linh lắm. Nếu có chết, tao thích nằm ở đó hơn là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.
    Vài tuần sau trong lúc ngồi hớt tóc, tôi đọc báo thấy phân ưu kín cả trang cuối, đọc kỹ thì ra đó là thằng Tú, vừa gãy cánh ở Phù Mỹ, Qui Nhơn.
    Tôi lặng người, thương tiếc một đứa bạn thân vừa hy sinh cho dân tộc.
    Năm 1973 Lương đang bay A37 ở Nha Trang thì chuyển về phi đoàn F5 Biên Hòa. Nó tâm sự là tuổi mình cũng đã lớn, gia đình muốn nó "có nơi có chốn để gửi tấm thân", nên lập gia đình với một người mà Lương mô tả là hết xẩy.
    Khoảng hơn năm sau, có đứa con trai đầu lòng nó khoe với tôi:
    -Tao đặt tên con là Vũ, chữ vũ là mạnh, là mưa, là... nhiều nghĩa lắm.
    Tôi chọc nó:
    -Ừ "Vũ ỷ mạnh, Vũ ra Vũ múa. Vũ gặp mưa Vũ ướt hết lông".
    Lần cuối cùng tôi gặp Lương ở quán cà phê của phi đoàn nó, hôm đó nó đang trực hành quân.Tôi hẹn hai ngày nữa gặp nhau ở nhà Lương ngoài Tân Mai nhậu chơi.
    Vài hôm sau, khoảng 5g chiều tôi từ SG lên Biên Hòa, vừa quẹo vào con hẻm nhỏ thì thấy chị của Lương. Tôi chưa kịp hỏi thì chị òa lên khóc:
    -Thằng Lương nó đi hai ngày rồi không về.
    Tôi tưởng nó biệt phái vùng khác nên nói:
    -Biệt phái ít ngày rồi về chứ có gì đâu mà khóc.
    -Không phải cậu ạ. Người ta nói nó nhảy dù khi máy bay bị bắn rớt.
    Đoán là đã có chuyện khẩn cấp nên tôi hỏi vài câu rồi vọt vô phi đoàn, thấy Phi vụ lệnh có chiếc sẽ đi rescue chiếc F5 bị rớt tôi tình nguyện đi liền.
    Khi chúng tôi đáp ở Bộ Tư Lệnh QĐ III để nhận tin tức của Quân Báo, thì vị Th/tá Trưởng phòng nói:
    -Thôi anh về đi. Tin nhận được là tụi Trung Đoàn 24 Chiến xa BV đã bắt được phi công rồi!
    Tôi trở về phi trường, lấy xe chạy ra nhà Lương thì chỉ gặp cô Mừng, cháu gái của Lương đang coi nhà. Tôi cũng không biết báo tin thế nào cho ổn nên xã giao vài câu rồi ra sạp báo đầu đường mua tờ Tuổi Ngọc, trở lại đưa cho cô bé, trong đó có kẹp tờ giấy ghi vài dòng: "Cậu Lương đã bị VC bắt. Báo cho ba má cháu biết".
    Hôm ấy đứa con trai của Lương mới được 20 ngày.
    Đời phi công, có lẽ khổ tâm nhất là lúc đi báo cho thân nhân biết bạn bè mình gẫy cánh. Có một lần tôi phải ra Biên Hòa báo tin là thi hài Đ/uy Hoài đã tìm thấy ở Hạ Lào. Tôi cứ đinh ninh rằng gia đình ông đã biết Đ/uy Hoài chết trước đó cả tuần lễ. Thực ra BTL/KQ chỉ báo là ông bị mất tích vì chưa lấy được xác. Khi tôi báo tin xong, cô em gái Hoài la lên:
    -Má ơi, anh Hoài chết thật rồi.
    Cô ngã ra bất tỉnh. Cả nhà vang tiếng khóc.
    Khi tôi đổi ra Phù Cát, nghe đồn là SĐ 25BB có thấy một xác chết lâu ngày ở trong rừng, còn mặc đồ bay, tôi cứ ngờ ngợ, không biết có phải là xác của Lương không.
    Năm 1978 sau khi đi tù về, tôi bị quản chế nên thường bị Công an gọi tập trung lên Huyện, gặp một người trông quen lắm, anh ta gọi tôi:
    -Ê Toàn, tao là Hà Diên Tuynh bạn học ngày xưa đây. Có phải mày quen thân với thằng Lương lái F5 không"
    Thì ra trước đây tôi cũng tưởng thằng Tuynh đi BB tử trận ở Bù Na gần Đồng Xoài.
    Tôi ngạc nhiên sao thằng này lại biết Lương (")
    Nó kéo tôi ra xa xa rồi kể:
    -Tao bị bắt làm tù binh rồi bị đưa ra Bắc, nhốt chung một chỗ với thằng Lương lâu lắm. Khi biết nó là pilot, tao mới hỏi nó có biết mày không, thì ra tụi mày là bạn cùng khóa. Thằng Lương gan cóc tía, mấy tay quản giáo đì nó lắm vì nó là "Lãnh tụ" trong tù của bọn tao đó. Cũng vì vậy mà hiện nay nó vẫn còn bị tù ngoài bắc đấy. Hôm tao về có ghé nhà nó đưa thư.
    Tôi mừng khi nhận được tin này, nhưng cũng buồn cho số phận hẩm hiu của Lương, sau bao nhiêu năm tù tội mà vẫn chưa được thả cho về.
    Tỵ nạn tại Mỹ, một lần trong giấc mơ tôi gặp lại Lương. Nó ôn chuyện cũ với tôi, về những lần đánh xe tăng vào Mùa Hè Đỏ lửa, về chuyện nó ốp thằng Trung (Nguyễn Thành Trung thả bom Dinh Đọc Lập) khi bắt gặp thằng này đi trượt patin ở Bình Triệu mà mặc đồ bay.
    Tôi mất liên lạc với gia đình Lương đã lâu, nhưng vẫn mường tượng bạn mình đã chết trong tù. Tôi mong mỏi có ngày nào đó được tin xác thực của Lương.
    Vào đầu tháng giêng năm 2004, Email của Khóa 69A có bản tin nói rằng ít tháng trước khi mất nước, tại núi Bà Đen Tây Ninh, có một phi công trực thăng thuộc khóa 69A đã cứu được Phan Huy Bách cùng khóa với mình (Bách là con của cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát) khi chiếc A37 bị bắn rơi và Bách kịp bung dù. Còn hai phi công nữa cũng lái A37 thì bị VC bắt, trong đó có Trần Văn Lương, tự Lương Răng Vàng.
    Tôi trả lời email trên là Lương Răng Vàng không rớt tại núi Bà Đen; Lương cũng không còn lái A37 nữa mà vào năm 74 nó đang lái F5 và rớt khi đang lái loại máy bay này, chứ không phải mãi đến năm 75 mới bị bắn rơi với chiếc A37.
    Ít lâu sau, Nguyễn Tài Cơ cho tin đích xác: Lương đã chết trong một trại tù miền bắc. Hoàng Gia Viễn bạn học cùng khóa T28 với Lương còn cho biết chị Lương đang sống ở Washington và cho số phone để anh em liên lạc.
    Cuối cùng tôi đã liên lạc được với chị Lương. Hiện nay chị đang sống với người em tại Seattle. Cháu Vũ đã học thành tài và đang làm việc ở California.
    Chị cho tôi biết kể từ khi Lương bị bắt, gia đình không được một tin tức gì, cho mãi đến sau ngày mất nước mới nhận được tin chồng còn sống và bị giam ở ngoài bắc. Qua bao nhiêu khổ ải chị mới tìm ra chỗ trại giam, lúc này Lương đã bị bịnh thật nặng, chỉ còn da bọc xương, bạn bè phải cõng ra chỗ thăm nuôi.
    Trở về SG, chị vội vã mua thuốc men để ra thăm lần nữa, nhưng không kịp nữa rồi, có người được thả về tới báo tin anh Lương đã nằm xuống vĩnh viễn ngay vào ngày kỷ niệm hôn nhật của hai người, tại một vùng đất có tên là trại Đô Lương, Nghệ Tĩnh, có ám số là AH 118 NT K2.
    Chị Lương đã nhiều lần cố gắng tìm hài cốt của chồng nhưng chưa kết quả. Chị hy vọng một ngày rất gần sẽ kiếm được mộ phần của chồng để di chuyển về miền Nam.
    Vậy là hơn 30 năm, chúng tôi đã nhận tin tức chính xác về Lương, đêm hôm đó tôi ngủ mơ gặp lại nó đang đứng cười, không nhận ra hai đứa đang ở đâu, nhưng cả hai đều vui vẻ lắm.
    Nơi cõi thiên thai nào đó có phải Lương đang hài lòng vì cuối cùng, toàn thể các bạn đồng khóa cũng đã biết số phận của Lương, tuy buồn thương nhưng cũng thật dũng cảm, một cánh đại bàng đã gãy cánh nơi chiến trường, sa vào tay địch, vẫn ngửng cao đầu lên đến ngày cuối của cuộc đời.
    Lương, anh hồn mày nơi vĩnh hằng xin về với chúng tao, cả khóa 69A họp mặt lần thứ 40 kể từ ngày bọn mình quen nhau, để tưởng nhớ đến mày, thằng Tú, thằng Toản, thằng Sương...và nhiều đứa bạn khác đã nằm xuống cho quê hương mình. Bọn tao đã liên lạc được với gia đình mày. Xin chúc mừng con mày, không hổ danh là con một phi công, cháu Vũ đã thành đạt nơi xứ người, tiếng Anh hẳn là lưu loát không còn phải nói "Xi nô xì líp" như mày ngày nọ. Vợ mày, chị Lương đã ở vậy thờ chồng nuôi con khôn lớn từ ngày mày nằm xuống, cho dù lúc ấy tuổi mới ngoài hai mươi.
    Hãy cùng chúng tao cầu nguyện cho quê hương mình mau quang phục, để chúng tao và những người thân của mày có dịp về lại Việt Nam, đón rước thi hài đại bàng gãy cánh trở về, cùng với hài cốt của những đồng đội đã bị tứ tán mọi nơi về an táng tại Nghĩa Trang Quân Đội, nơi mày từng ao ước được nằm bên cạnh những chiến hữu chung một màu cờ.
    Phương Toàn

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X