Thông báo

Collapse
No announcement yet.

POW&MIA, You Are Not Forgotten...

Collapse
X

POW&MIA, You Are Not Forgotten...

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • POW&MIA, You Are Not Forgotten...


    POW&MIA, You Are Not Forgotten...

    Lâu rồi từ hơn 30 năm qua
    Tôi xin được Cảm Ơn Người

    Lưu Văn Giỏi
    (nguyên Phóng viên Chiến trường)



    LTS: Tác giả là một cựu quân nhân trong quân chủng Không Quân. truớc đây đã được giải “Phóng sự Chiến trường Toàn Quốc” của Tổng Thống VNCH, vào mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, ở cái thời điểm mà cường độ chiến tranh Việt Nam lên cao nhất.

    Nhưng lúc bấy giờ, thể lệ cuộc thi viết phóng sự chiến trường chỉ nói về tinh thần chiến đấu của quân, dân Nam Việt Nam, mà không nói về những chiến sĩ của các quốc gia đồng minh tham chiến.

    Hôm nay, sau 30 năm, người cựu phóng viên này nói lên cảm nghĩ của mình đối với người bạn đồng minh trong cuộc chiến Việt Nam, sau khi được dịp đi thăm BỨC TƯỜNG TƯỞNG NIỆM (mộ bia tập thể) của 58 ngàn Chiến sĩ Đồng minh Hoa Kỳ đã thực sự nằm xuống cho Nam Việt Nam, trước năm 1975...
    Kính mời quý bạn đọc thưởng thức một phần trích dẫn trong bài viết này của tác giả Lưu Văn Giỏi. LTUC


    ***

    Tình cờ đọc được một bản tin của Hội CQN/QLVNCH vùng Ontario – Canada, mời gọi đồng hương tham dự buổi lễ tưởng niệm cho gần 60 ngàn Chiến sĩ Đồng minh, đã vì Hòa Bình của Thế Giới và Tự Do cho Nhân Loại mà hy sinh tại Nam Việt Nam trước năm 1975.

    Được biết ĐÀI TƯỞNG NIỆM (mộ bia tập thể) này di chuyển từ Hoa Kỳ sang, và đặt tại một công viên thuộc thành phố Hamilton từ ngày 07-08-1993 đến hết ngày hôm sau... Bản tin kêu gọi được đăng trên một vài tờ báo phát hành bằng Việt ngữ tại Toronto trước đó vài hôm, và thời gian khởi hành là 9 giờ 30 sáng ngày 08-08-1993...

    Đọc xong bản tin này, tự nhiên tôi nghe bùi ngùi trong dạ, vì suốt thời gian hơn 20 năm trong Quân Đội, tôi đã nhiều lần chiến đấu bên cạnh người bạn đồng minh Hoa Kỳ, mà tình chiến hữu ngoài mặt trận chúng tôi đã coi như ‘... chị ngã, em nâng...’

    Một khi lâm trận, vì lý tưởng Tự Do, “HỌ” cũng quyết tử sinh, một mất một còn với địch; tóm lại, khi giao tranh, họ cũng dùng sinh mạng để đổi lấy từng tất đất, dùng xương máu để bảo vệ từng hố cá nhân, từng giao thông hào, từng công sự chiến đấu. Họ bảo vệ những người chiến đấu bên cạnh họ, dù đó là người Mỹ hay người Việt, và cho dù kẻ đó là...kẻ lạ hay người quen.

    Họ đã đem xương máu của chính bản thân để giành giật lại từng tất đất của miền Nam Việt Nam, như chính người Chiến sĩ Việt Nam đã ra công bảo vệ quê hương của mình (ở phần này, tôi chỉ xin được nói về những Chiến sĩ Đồng Minh khi xung trận, mà không luận đến những toan tính và quyết định của các nhân vật quan trọng trong tòa Bạch Cung tại Hoa Thịnh Đốn lúc bấy giờ).

    Khi giao tranh, gặp lúc thế yếu sức cô, người Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa có 3 con đường để chọn: Một là phải giết giặc; Hai là... chấp nhận để cho giặc giết; và con đường thứ ba của người lính Việt Nam là... có thể thay thường phục, trà trộn vào dân chúng để chờ ‘...cơ may’! Nhưng đối với người chiến sĩ đồng minh Hoa Kỳ thì họ không thể có được cái ‘cơ may’ thứ ba đó, mà họ chỉ được có một quyết định dứt khoát là... phải giết giặc, hoặc chấp nhận để cho giặc giết mà thôi!...

    Bởi vậy mà sau khi tôi đọc bản tin nói trên, tôi đã quyết định sẽ đến đó để được dịp nghiêng mình trước vong linh của ‘HỌ’, hay nói cách khác là... nghiêng mình trước ‘BẢNG TÊN trên MỘ BIA TẬP THỂ của HỌ’, những Chiến Sĩ của Thế Giới Tự Do đã thật sự hy sinh cho miền Nam Việt Nam.

    Để chứng minh cái ‘cơ may thứ ba’ của người lính Việt Nam mà người bạn Hoa Kỳ không thể nào có được trong cuộc chiến này, tôi xin kể lại một câu chuyện của cách đây hơn 40 năm, đã xảy ra tại cuộc chiến Việt Nam:

    CHIẾC TRỰC THĂNG ‘ĐỒ CHƠI’
    ĐÁP KHẨN CẤP TRONG VÙNG ‘XÔI ĐẬU’

    Vào tháng 8, năm 1957, trong một phi vụ tại vùng Đức Hòa, Đức Huệ. Trên một chiếc H-19 , là loại trực thăng cổ điển, quá cũ kỹ do người Pháp để lại...

    Với loại phi cơ này, mặc dù được trang bị 10 chỗ ngồi, nhưng chỉ cần ngồi 5 người thì phi cơ không thể nào bốc lên được, bởi quá nặng, cho dù hoa tiêu có đưa ‘rpm’ lên đến maximum. Loại phi cơ này thì cứ hư hỏng liên miên, vì vậy mà dạo đó, đơn vị trực thăng này cứ vào mỗi ngày rằm tháng Bảy thì phải “cúng CÔ HỒN” cho phi cơ. Nói là ‘cúng cô hồn’, nhưng là cúng cho... lũ chuột; vì không biết bằng cách nào mà lũ chuột lại...sinh sôi nảy nở trong mỗi chiếc trực thăng cũ kỹ đó một cách rất an toàn và rất là... tăng gia ‘dân số’. Chúng cắn phá các mạch giây điện của vô tuyến, của động cơ, của các đồng hồ,v.v... báo hại thợ máy, dù tài giỏi đến đâu, dù có đi du học ở Pháp, ở Hoa Kỳ về, vẫn không thể nào tìm ra ‘căn bệnh’ mà sửa chữa. Có chiếc ‘nằm ụ’ cả tháng trời, và khi tìm ra nguyên nhân thì chỉ là... đứt có một mạch điện nhỏ phát hành máy! Cúng thì cúng, mà tàu hư thì vẫn cứ hư! Do đó chúng tôi đặt tên cho loại phi cơ trực thăng này là “HÒM BAY”, vì một khi người hoa tiêu ngồi trên ghế lái của loại phi cơ này thì... được coi như là họ đã chấp nhận ngồi vào một...chiếc hòm biết bay! Bởi ‘nó’ có thể hư hỏng bất cứ lúc nào và có thể... rớt bất cứ lúc nào... không cần phải nói trước! Bởi làm sao mà đề phòng cho được, dù cho sĩ quan kỹ thuật là... Thánh sống cũng phải bó tay! Vì khi mình đang bay ngon lành, một chú chuột nào đó... giật mình thức giấc, bực tức vì loài người phá giấc ngủ của mình và cảm thấy ... ngứa răng, bèn cắn đứt đi một mạch điện!

    Và mang tiếng là ‘Phi Đoàn’ nhưng thật sự chỉ có vài chiếc máy bay đó mà thôi. Và lúc bấy giờ KQVN chưa có H-21, cũng chưa có H-34, chứ đừng nói chi đến loại võ trang UH.

    Hôm đó, phi hành đoàn chúng tôi gồm có 3 người: Trung úy Nguyễn Đình Thập; Chuẩn úy Ông Lợi Hồng; và tôi (người viết bài này, Hạ sĩ Cơ phi). Phi vụ này chúng tôi ‘bay phi cụ’, nghĩa là nhìn vào những đồng hồ trên bảng phi cụ mà bay chứ không nhìn ra ngoài trời. Vì chung quanh cửa kính của phòng lái được che kín mít lại bằng một loại kính đặc biệt, không thể nhìn thấy trời mây non nước gì bên ngoài được.

    Mới sau hơn nửa giò bay thì phi cơ...'trục trặc'! Khói từ động cơ xông vào đen nghịt cả phòng hành khách. Cũng cần biết thêm là loại phi cơ này từ phòng hành khách muốn lên phòng lái (phòng hoa tiêu) thì phải... leo ra ngoài mới lên được, chứ không như các loại trực thăng khác!

    Khói mỗi lúc một nhiều, mùi khét càng lúc càng nồng nặc. Tôi ngồi ờ phòng khách phía dưới, không thể liên lạc được với hoa tiêu vì không có hệ thống vô tuyến. Tôi thầm nghĩ: 'Hai thằng chả đang bay, đang “dán” 4 con mắt vào những con số trên bảng phi cụ chứ có biết gì... khói lửa đang mù mịt dưới này..' và tôi cũng thầm đoán chắc là một chiếc ‘đồng hồ báo’ nào đó trên bảng phi cụ bị hư (không báo). Tôi nghĩ: “Không lẽ cứ ngồi ‘yên’ trong chiếc ‘hòm bay’ này mà...chờ chết?!” Tôi quyết định... leo ra ngoài, nhưng vừa leo ra thì bị gió quật quá mạnh, suýt tí nữa là... hốt xương! Tôi lại phải nhắm mắt, nín thở, mò mẫm leo trở vào và ngồi nghỉ chốc lát để... lấy lại bình tĩnh. Vài con chuột nhắt, trốn trong các hốc hẻm của phi cơ, giờ này không chịu nổi mùi khói, chạy ra lung tung, có con... phóng đại ra ngoài như... Superman! Tôi chợt nghĩ... chính chúng nó là thủ phạm.

    Bấy giờ, tôi quyết định cởi bỏ chiếc áo bay để khỏi bị tác động của gió. Chiếc phi cơ vẫn vô tình bay trong không gian... Tôi, với mình trần, quần đùi, bám sát vào thân phi cơ... cứ đụng vào vật gì là... bám vào vật đó, 'nhức' tim lắm và cũng khó khăn lắm mới 'mò' lên được gần cử phòng lái. Nhìn xuống đất, những giòng sông, những thửa ruộng, những làng mạc cứ y như là... trên bàn đồ (vì là bay 'phi cụ', nên bay rất cao). Tôi cố gắng ngoi đầu và với tay lên, giật mạnh chốt cửa phòng lái của người pilot. Cánh cửa bật tung, bay... tự do trong không trung. Tôi nhìn theo, thật là... hú vía: May quá! 'NÓ' không đập vào chong chóng đuôi. Vì cánh cửa mà đập vào cái chong chóng này thì... cả ba người phải hốt xương!
    Gió lùa mạnh vào phòng lái, hai hoa tiêu thấy tôi 'toòng teeng' ngoài thân phi cơ, biết là có chuyện chẳng lành, liền đáp vội và thật nhanh với độ rớt của 'G', như... cục đá rơi thẳng!

    ... Sau khi đáp được an toàn, coi lại thì phi cơ đang nằm trên một thửa ruộng sình lầy, cả 4 bánh bị lút ngập đến bụng. Thấy có nhiều nông dân bu quanh, cả ba chúng tôi lo sợ. Tôi đề nghị mở máy lại, nếu được thì cố 'lết' đến một nơi nào không có dân chúng may ra an toàn hơn. Vì với số dân chúng này thì... biết ai là VC?! Nhưng khi start thì nó chỉ 'ho' lên khục khặc vài tiếng rồi... 'trút luôn hơi thở sau cùng', nhất định không chịu 'thức dậy'!

    Nhìn con tàu lâm nạn đang nằm bất động trên vũng sình, chúng tôi ngao ngán và vô cùng hồi hộp. Ba chúng tôi, ngoài hai cây Colt-45 ra, là hết! mà loại phi cơ 'đồ chơi' mày chẳng bao giờ có trang bị hỏa lực... Đang căng thẳng, đang lo âu thì từ đàng xa và thật là cao, một chiếc C-47 đang lù lù bay tới. Chúng tôi không có 'trái khói', mà cũng chẳng có súng 'flare'; mà dù có 2 thứ này thì cũng khó lòng có kết quả, vì nhìn độ cao của chiếc C-47 cả mấy ngàn bộ, thì họa chăng có 'mắt thần' mới nhìn thấy được chúng tôi, hai hoa tiêu vội mở máy liên lạc để cầu may, nhưng vô tuyến bị hư, chẳng biết có phải vì cú đáp vừa rồi quá đột ngột, bị 'sốc' quá mạnh, hay vì lũ chuột bị... điên vì khói lúc nảy mà cắn đứt những mạch điện để... trả thù loài người chăng?! Tôi vội xé chiếc áo bay thành nhiều mảnh, nhúng vào bình xăng, đem ra để ở ngoài với mục đích là đốt lên cho chiếc C-47 nhìn thấy chúng tôi, nhưng khi tìm ra được cái bật lửa thì... chiếc C-47 kia đã mất hút ở cuối chân trời! Tôi đề nghị với hai hoa tiêu, là họ ở lại để giữ tàu, còn tôi thì... mình trần, quần đùi, trà trộn vào làng hỏi thăm dân chúng đường ra lộ để đón xe đò về Tân Sơn Nhất. Trong lúc nguy cơ này mà thiếu đi một người, thì hai người ở lại cũng thấy 'teo' lắm, nhưng nhất định cả hai anh hoa tiêu đều... không thể đi được. Vì hai 'tay' này mặt mũi trông chẳng giống nông dân chút nào. Nhưng tôi thì lại khác, mặt mũi, tay chân và tướng tá của tôi y chang là... dân ruộng.

    Về đến nơi, tôi theo phi cơ lên Biên Hòa, rồi từ Biên Hòa cùng thợ máy bay thẳng đến chỗ tàu hư. Sau hơn nửa giờ sửa chữa, tàu trở lại tình trạng... tạm khả dụng, và thật vất vả mới 'nhổ' được bốn bánh lên khỏi vũng sình...

    Câu chuyện đại khái như thế. Mà nếu là người bạn đồng minh Hoa Kỳ thì làm sao có được cái việc 'mình trần, quần đùi' trà trộn với người Việt Nam? Cái cơ may thứ ba của người lính Việt Nam là ở những trường hợp đó. Cũng cần biết thêm là khi về đến đơn vị thì những tin tức của tình báo cho biết, nơi mà phi cơ chúng tôi lâm nạn là một vùng 'xôi đậu', và có những lúc... 'đậu' còn nhiều hơn 'xôi'! Thật là hú vía!

    Sau đó, cả Phi đoàn đặt cho tôi cái tên là 'Lơ Máy Bay', vì những tay lơ xe đò thì khi xe đang chạy, họ có thể leo ra ngoài, bám bên hông, leo lên mui hoặc cũng đôi khi chuyền từ xe này sang xe khác dể dàng.v..v...

    Câu chuyện 'Lơ Máy Bay' đã được đăng trên báo của KQVN ngày đó và hai hoa tiêu nói trên hiện đang có mặt tại Hoa Kỳ. Nếu ngày nay hai vị đó có đọc được bài này, thì coi như là để nhắc lại một kỹ niệm khó quên trong đời quân ngũ, ở cái thuở mà KQVN của mình còn quá phôi thai, quá thô sơ vậy thôi...

    HAI TRỰC THĂNG VÀ TÁM NGƯỜI SỐNG
    ĐỔI LẤY MỘT NGƯỜI CHẾT

    Cuối năm 1971, tôi được biệt phái theo 3 chiến sĩ của một đơn vị tác chiến, nhảy vào một thung lũng ở Chou-Prong (thuộc vùng 'Tam Giác Sắt' Quân Khu II). Mới trong ngày đầu thì một trong 4 chúng tôi bị thương vì dẩm phải hầm chông. Đang không biết phải giải quyết bằng cách nào, thời may lúc bấy giờ có tiếng trực thăng từ xa bay đến. Vùng đồi núi ở Chou-Prong âm u, không bóng mặt trời, nên không thể dùng gương phản chiếu để làm hiệu cấp cứu, chúng tôi lại không có tầng số liên lạc với trực thăng đang bay...

    Trên nền trời, 3 chiếc UH nối đuôi nhau và không biết là vô tình hay cố ý mà ại đang hướng về phía chúng tôi. Biết rằng nếu dùng trái khói để làm hiệu thì không sao tránh khỏi bị lộ, tôi lắp ống hãm thanh vào và bắn lên một viên 'flare'. Quả nhiên, chỉ trong chốc lát, một chiếc sà nhanh xuống, và hai chiếc còn lại thì bay vòng phía trên gần đó. Cả ba chúng tôi nghe lòng mừng khấp khởi, vì coi như đã có phương tiện đưa người thương binh về hậu cứ để chúng tôi rảnh tay trong công tác. Chúng tôi định kéo người thương binh ra khỏi hầm thì bất ngờ, hỏa lực địch từ đâu tới tấp bắn vào chiếc trực thăng sắp đáp... Chỉ trong chớp nhoáng, chiếc trực thăng trúng đạn và bốc cháy, toàn bộ phi hành đoàn không một ai kịp thoát khỏi phi cơ. Tôi nghe hối hận, nhưng hối hận thì ít mà ngạc nhiên thì nhiều... Ngạc nhiên vì trên mỗi trực thăng, ngoài rockets ra, còn có 2 miniguns là loại súng tự động 6 nòng, bắn bằng hệ thống điện tử vô cùng lợi hại; loại vũ khí này khi khai hỏa thì cả 6 nòng súng xoay tròn để rãi đạn đều tứ phía với nhịp tác xạ thần tốc 4,000 viên trong một phút. Vậy thì tại sao phi công không dùng rockets và xạ thủ không dùng miniguns để 'dọn bãi' trước khi đáp, lại cũng không thấy bắn trả khi bị tấn công?! Tôi vừa ngạc nhiên vừa tức giận, vì trong suốt thời gian đi làm cái nghề viết phóng sự chiến trường này, tôi đã nhiều lần ngồi trên các loại khu trục, chiến đấu cơ, hoặc trên các loại trực thăng võ trang, khi vào 'trục' ở những lần gặp địch, tôi chưa hề thấy một hoa tiêu hay xạ thủ phi hành nào mà lại... đạo đức và nhân nhượng, 'không nở' khai hỏa vào địch quân như hợp đoàn này. Bộ... 'đứt giây' rồi hay sao? Từ dưới nhìn lên, rõ ràng là hai bên cửa của mỗi trực thăng, hai khẩu đại liên còn ló nòng ra đó thì... việc gì mà không tự vệ?! Phi đoàn nào đây mà lại có những nhân viên phi hành 'cữ sát sanh' đến thế? Còn nếu nói là vũ khí bị trở ngại... cũng khó lắm. Hơn nữa, có lý nào mà cả 6 cây đại liên trên 3 chiếc đều... trở ngại cùng lúc?!

    Mấy chiến hữu nằm cạnh hỏi tôi:

    - Sao thế anh Giỏi? Anh là 'dân' Không Quân anh cho chúng tôi biết việc gì đã xảy ra vậy?

    Tôi ngao ngán lắc đầu và trả lời:

    - Chắc hợp đoàn này họ... đi tu gần thành chánh quả rồi đó mấy anh. Và bây giờ họ đang đi tìm chỗ để... đầu thai; vì gần 20 năm trong Không Quân tôi chưa hề gặp trường hợp này.

    Tôi đặt câu hỏi để rồi không tìm được câu trả lời cho thỏa đáng. Nằm trong hầm trú ẩn, nghe thấy hỏa lực địch quá 'dầy', chiếc trực thăng lâm nạn còn nằm đó và đang bốc cháy, cách chúng tôi khoảng hơn trăm thước... hai chiếc còn lại bốc bổng lên cao và ra khỏi 'trục'. Nghĩ rằng họ bay đi, tôi nghe mừng thầm trong bụng, vì nếu còn tiếp tục đáp xuống và còn 'lòng dạ từ bi cữ, sát sanh' thì chắc chắn phải 'rụng' thôi, bởi chúng tôi đang sức yếu thế cô, với vũ khí cá nhân, của chỉ có 3 người, không thể nào 'cover' bải đáp cho họ, vậy cứ bay đi là hơn...

    Tôi đang... nửa mừng nửa lo. Mừng vì họ bay đi để khỏi phải chết thêm vô ích. Còn lo là vì chúng tôi đang rất 'kín', mà nay vì sự hiện diện của chiếc trực thăng thì trước sau gì cũng bị 'hở'!

    Tôi nhìn theo hai chấm đen trên cao mà nói thầm: '... đúng đó, hãy bay đi. Các bạn đã hy sinh 4 người và một trực thăng rồi. Hãy bỏ mặc chúng tôi và hãy liên lạc với khu trục nhanh lên, hỏa lực của bọn nó quá mạnh, các bạn chỉ còn hai chiếc, không làm gì được đâu...'

    Nhưng thật bất ngờ, từ xa và trên cao, cả hai cùng sà xuống với tốc độ thật nhanh và hầu như không còn nghe tiếng nổ của động cơ, mà nếu không phải là 'trong nghề' thì khi nhìn độ 'rơi' này, cứ tưởng chừng như bị 'rụng'! Biết rằng họ không bỏ cuộc, quyết định 'bốc' chúng tôi; nên bằng những hành động chớp nhoáng, cả ba chúng tôi vội dìu người bạn bị thương rời nơi trú ẩn, mở đường máu trực chỉ về phía họ... Hỏa lực của địch lại tuông xối xả vào hai chiếc trực thăng. Tôi lại càng ngạc nhiên và... cành hông tức giận, vì đây được coi như là lần 'quyết định sau cùng' vậy mà cả hai chiếc trực thăng cũng... không bắn trả! Nếu biết trước họ như thế này thì thà rằng chúng tôi cứ ở trong hầm may ra còn an toàn hơn là vác xác chạy ra đây, có triễn vọng ăn đạn AK lắm!

    Từ xa, hai xạ thủ phi hành chạy về phía chúng tôi để giúp chúng tôi lên phi cơ nhanh hơn, tôi khoát tay ra dấu cho họ trở lại trực thăng với mục đích dùng miniguns trên tàu mà 'cover' cho chúng tôi và bảo vệ phi cơ, nhưng họ vẫn cứ cắm đầu nhào đến trong khi tất cả hỏa lực của địch dồn về phía hai chiếc trực thăng. Trong lúc... thập tử nhất sinh này, tôi cầm chắc cái chết trong tay; khẩu Colt-45 hết đạn của tôi còn giắt trong áo, cây M-16 của người bạn còn đong đưa trên vai theo nhịp chạy (vì cả hai chúng tôi, mỗi người phải dìu một thương binh, bởi trong lúc cố gắng di chuyển ra phi cơ, chúng tôi lại bị thương thêm một người nữa). Hơn nữa, với khẩu Colt hết đạn và một cây M-16 thì... có 'ăn nhậu' gì với tiểu liên AK và B-40?!

    Khi cả hai người bọn họ chạy đến gần, thì tôi vô cùng sửng sốt vì cả hai đều là người Mỹ. Tôi muốn có nhiều câu hỏi cho họ về việc không dọn bải; không bắn trả và nhất là bỏ súng trên phi cơ để chạy đến đón chúng tôi.v.v... Nhưng trong lúc mà mạng sống như... 'chỉ mành treo chuông' này không có thì giờ dư thừa đâu để hỏi những việc... đã rồi đó...

    Nhờ có họ, chúng tôi lên phi cơ được nhanh hơn; và khi cả hai chiếc vừa 'bốc' lên thì một chiếc bị trúng đạn, rớt xuống tại chỗ! Tất cả chúng tôi chỉ còn kịp ngoái đầu nhìn xuống... Không thấy một người nào thoát ra được khỏi tàu! Từ dưới đất, một cột khói vươn cao như muốn bay theo chúng tôi. Cái âm thanh của tiếng gió rít qua cửa phi cơ mà tôi ngỡ như những lời níu kéo... đừng bỏ họ ở lại... Tôi nghe nhiều xót xa, nhiều bàng hoàng thương tiếc. Người chiến hữu bị thương ở ngày đầu trong toán chúng tôi, đã bị trúng hêm một viên trên đường chạy ra phi cơ... đã chết tự lúc nào!

    Nhìn người chiến hữu đang nằm xuôi tay bất động trên sàn phi cơ, tôi nói thầm: '...lẽ ra thì bạn phải sống... cho dù 'sống hấp hối' thì cũng phải 'sống' cho 'họ' vui, để không uổng sự hy sinh quá lớn lao của họ. Vì lẽ đâu họ đem hai trực thăng và tám người còn sống để chỉ đổi lấy cái xác chết của bạn thôi sao?!

    Trên đường về, tôi thấy hai hoa tiêu thỉnh thoảng đưa tay lên mặt mà tôi biết họ đang khóc... hai xạ thủ phi hành ngồi gần tôi thì không nói với nhau một lời nào, đôi mắt của mỗi người như ơ hờ nhìn trời cao mây rộng... Họ hoàn toàn im lặng; sự im lặng đến ngột ngạt này của họ đã khiến tôi thêm nhiều áy náy và khó xử trong lòng. Tôi và người bạn Việt Nam chỉ thỉnh thoảng nhìn nhau mà tôi biết chắc rằng anh ta cũng đang có cùng một trạng thái ngại ngùng và áy náy như tôi bởi một cuộc 'đổi chác' quá chênh lệch... Trên sàn phi cơ, hai chiến hữu của tôi, một bị thương và một tử thương còn nằm đó mà máu me còn nhuộm bẩn cả quân phục trên người... Tôi muốn gợi chuyện với người xạ thủ ngồi gần nhưng không biết phải mở đầu bằng câu gì... Tôi nghe mình mang nhiều mặc cảm, nhiều ân hận trong lòng...
    Chiếc trực thăng lẻ bạn vẫn lầm lủi lướt tới, cái âm thanh của cơ chế động cơ vẫn đều đều, tiếng đập gió phành phạch của cánh quạt vẫn không hay đổi... Tôi nhìn ra ngoài, phía dưới là rừng núi cheo leo, um tùm kín mít... xa hơn là đồng ruộng của miền Tây Nguyên. Trước mặt tôi ba con cò trắng đang soải cánh bơi bơi... Còn ác nghiệt nào hơn, tại sao lại xuất hiện ba cánh cò trong lúc này?! Trong lúc tôi đang cầu mong cho họ quên đi cái hình ảnh của... 'Hợp đoàn 3 chiếc'!

    Với hình ảnh này, chắc chắn đang dày vò, cấu xé mảnh liệt trong họ, đồng thời cũng làm cho tôi nghe lương tâm mình thêm nhiều cắn rứt! Tôi nghe như trăm ngàn mũi nhọn vô hình đang chọc thẳng vào cơ thể tôi, tôi thấy mình càng lúc càng trọng tội mà thủ phạm không phải là những người bắn vào phi cơ - thủ phạm là tôi - tôi đã bắn viên 'flare' để 'KÊU' họ xuống!...

    Chung quanh tôi là ngoại cảnh đó, bên tai là âm thanh này; cái âm thanh nghe buồn buồn phát ra từ động cơ, mà ngần ấy thứ cơ hồ như tiếng kèn truy điệu tiễn đưa tám nhân viên phi hành về đến tận nơi an nghỉ sau cùng - nơi mà không có chiến tranh tàn phá và cũng là nơi không có chém giết hận thù!
    Dưới mắt tôi, hai bên là đồi núi, heo hút chập chùng. Xa hơn, trước mặt có bóng cờ vàng phất phơ trong gió, tôi nhận ra đó là đồn Ben-Hét (Bạch Hổ), nơi mà mới tháng trước đây tôi đã 'kẹt' ở đó hơn 10 ngày và may mắn thoát chết sau chiến thuật biển người của địch. Lần đó cũng nhờ trực thăng bốc về, nhưng là trực thăng thuộc KĐ72CT của KQVN. Phía bên kia là Căn Cứ Hỏa Lực 5 và 6. Cả hai căn cứ này tọa lạc trên một ngọn đồi cao, mà trên ngọn đồi này hầu như lúc nào cũng thường trực một đám mây khổng lồ đen nghịt, cứ đám mây này bay đi thì chỉ trong chốc lát, một 'núi' mây khác lớn hơn ùn ùn kéo đến ngự trị trên đỉnh đồi. Vì vậy mà trong những phi vụ tại đây đã gây nhiều trở ngại cho tầm hoạt động của Không Quân. Từ trên cao, bạn muốn nhào xuống để oanh kích ư? Không phải là chuyện dễ, vì mây... là đà che cách đỉnh đồi chỉ có ... vài chục bộ cao, lao xuống mà không 'múc' lên kịp là...đâm vào núi ngay! Những phi công tài giỏi nhất của Hoa Kỳ, đã từng là 'Top Gun' nhưng cũng phải 'lạnh cẳng' ở hai ngọn đồi này.

    Biết được yếu điểm này, địch quân thường tấn công hai ngọn đồi trên, vì vậy mà chiến sĩ của ta ở hai ngọn đồi này phải là những chiến sĩ chọn lọc, can trường và thiện chiến, dày dạn sự chịu đựng và nhiều hy sinh. Bởi đó là cao điểm, gánh chịu nhiều áp lực của địch nhất. Đôi khi họ phải... tự lực cánh sinh, tìm lấy phương cách sinh tồn trong một thời gian dài để chờ đám mây quái ác trên đỉnh đồi bay đi thì mới được KQ tiếp viện. Có những chuyến bay tiếp viện...cứ mang đi rồi lại mang về, hết uần này đến tuần khác, thức ăn với quân trang quân dụng thì đầy tàu, trong khi anh em trấn đóng 'trên đó' phải ăn...rau tàu bay, lá cải trời mà chiến đấu trong tình trạng tiết kiệm từng viên đạn.v.v...

    Thỉnh thoảng có một vài anh em trên đó 'hạ sơn' để vào Quân Y Viện hoặc nghỉ phép thì được đặt cho cái biệt danh là...'người về từ Tiên Giới'! Và có nghe những hoa tiêu nói chuyện với nhau về hai ngọn đồi này thì mới thấy cái đặc danh đó vô cùng thấm thía: ...'vào đó rồi là chung quanh mây, trước mặt mây và phía sau cũng là...mây. Mà vùng mây là vùng của...Tiên Giới!'

    CHÚNG TÔI CÓ ĐỦ LÝ DO ĐỂ KHỎI PHẢI
    THAM CHIẾN TẠI VIỆT NAM!

    Khi đáp xuống sân bay Cù Hanh (Pleiku), tôi mới biết rằng 'họ' thuộc một đơn vị phi hành của Không Lực Hoa Kỳ và khi họ đáp để cứu chúng tôi là...trên đường về sau khi hành quân, nên trên cả ba trực thăng đều không còn hỏa lực. Vì vậy mà lúc này tôi không còn ngạc nhiên là tại sao họ không 'dọn bải' trước khi đáp, và cũng không bắn trả khi bị tấn công. Mà lúc này tôi chỉ còn một ngạc nhiên, một câu hỏi lớn là nguyên nhân nào đã cho họ can đảm và nghị lực để với 'tay không' mà dám lao vào 'thung lũng chết' để 'kéo' chúng tôi ra khỏi lưỡi hái tử thần?!

    Tôi thầm nghĩ: '...sau phi vụ hành quân là được coi như tròn phận sự, không ai có quyền buộc họ phải đáp để bốc chúng tôi - kể cả vị Tư Lệnh Chiến Trường của nơi đó. Vậy mà họ đã tự ý đáp xuống cái thung lũng được coi như vùng tử địa, ở cái thung lũng mà được coi như lưỡi hái tử thần lúc nào cũng...chờn vờn vươn cao!'

    Thoạt đầu, một chiếc trong hợp đoàn bị lâm nạn cũng chỉ vì họ không còn hỏa lực để tự vệ. Như thế, hai chiếc còn lại có thừa lý do để...khỏi phải đáp, lại còn có thừa lý do để lương tâm không bị cắn rứt, do dù bên dưới lúc bấy giờ không phải là chúng tôi mà là...người Mỹ của họ. Vậy mà họ vẫn liều mạng nhào xuống để nhất định bốc cho được chúng tôi, là những người hoàn toàn xa lạ với họ. Họ và chúng tôi không đồng phong tục, tập quán, lại cũng không đồng ngôn ngữ, màu da..v.v...

    Nhưng có lẽ, một khi đã quyết định thì họ không coi những bất đồng đó là quan trọng, mà điều quan trọng tối cần đối với họ lúc bấy giờ là...cả chúng tôi và họ đang có đồng trách nhiệm, và nhất là đang có đồng một lý tưởng "Bảo Vệ Tự Do cho Nam Việt Nam". Những người có đồng lý tưởng này đang bị lâm nguy thì nhất định phải được cứu, chỉ có vậy thôi. Lúc này cho dù tôi có nói với họ triệu lời cám ơn thì cũng bằng thừa, vì lẽ nào họ đang có 12 người khỏe mạnh với ba chiếc trực thăng, rồi vì cứu chúng tôi mà họ phải mất đi hai chiếc và hy sinh 8 đồng đội để đổi lấy...một xác chết của chiến hữu tôi, để rồi bây giờ tôi chỉ nói suông với họ hai tiếng cám ơn vậy thôi sao?! Bất công và...thừa lắm! Chỉ tiếc là ngôn ngữ không có ngôn từ nào cao quý hơn, đủ nghĩa hơn và nhất là...giá trị hơn hai chữ cám ơn cho...trường hợp này!

    Tôi đưa mắt nhìn ra cửa sổ Câu Lạc Bộ trong phi trường và hướng về phía ngọn đồi Chou-Prong. Trong mắt tôi hình ảnh hai chiếc trực hăng đang bốc cháy rồi hình ảnh tám nhân viên phi hành chết không toàn thây như rõ ràng từng nét một và...ràn rụa trong tôi mà giờ này tất cả đã vĩnh viễn ở lại với núi rừng nơi đó!

    Có tiếng hát của người nữ ca sĩ quen thuộc vẵng ra từ chiếc máy cassette gần đó: '...như cánh chim bỏ rừng...như trái tim bỏ tình...Xin cho một người...vừa nằm xuống...thấy bóng Thiên Đường...cuối trời...thênh thang...' Tôi nói nhỏ một mình: '...8 người chứ không phải một đâu em ơi; mà đúng ra thì tới 9 người lận...'

    Bên ngoài có tiếng hỗn hợp của các loại động cơ nổ vang, tôi nhìn về hướng đó; ba chiếc khu trục cơ A1H, dưới cánh mang đầy hỏa lực đang nối đuôi nhau di chuyển ra taxi-way; phía bên kia một hợp đoàn trực thăng cũng vừa bốc khỏi mặt đất. Tôi thầm nghĩ: Có lẽ họ đi...Chou-Prong.

    Ngồi đối diện với phi hành đoàn đã cứu chúng tôi, tất cả họ đều im lặng, không ai nói gì với ai. Tôi tôn trọng sự im lặng lúc này của họ, nhưng cũng chính sự im lặng này đã khiến tôi nghe nhiều ngột ngạt đè nặng trong hồn, đôi khi phải lẩn tránh cái nhìn của họ. Tôi thấy chân tay mình như thừa thãi. Tôi cởi chiếc áo giáp mắc vào thành ghế, lúc bấy giờ người hoa tiêu ngồi đối diện nhìn hàng chữ trên ngực áo của tôi 'Air Division Combat News' rồi nhìn quanh như có ý tìm kiếm vật gì. Anh hỏi:

    - Làm nghề này mà anh không mang theo máy ảnh sao?

    Tôi trả lời:

    - Đã bị thất lạc khi chạy ra phi cơ...

    Thấy họ gợi chuyện trước tôi hơi đỡ ngại ngùng. Trả lời xong câu hỏi trên, tôi đốt thêm điếu thuốc rồi hỏi anh ta một câu quá vô duyên và quá khách sáo:

    - Chắc các anh đã hối hận nhiều vì phải đổi một giá quá đắt để cứu chúng tôi?
    Người hoa tiêu thản nhiên lắc đầu:
    - Không, nếu hối hận thì chúng tôi đã không đáp. Tuy chúng tôi có hy sinh nhưng ngược lại cũng đã cứu được các anh, hơn nữa, lẽ sống chết trong chiến tranh là chuyện bình thường như luật tuần hoàn của cơ thể!

    Ngừng một chút nhai nốt mẫu bánh mì còn lại, anh tiếp:

    - Nếu hối hận hoặc sợ thì chúng tôi đã không từ Hoa Kỳ sang đây. Chắc anh cũng biết, Hoa Kỳ là một quốc gia tuyệt đối tự do và dân chủ. Cho dù có lệnh phải đi, nhưng nếu chúng tôi không muốn đi thì chúng tôi vẫn có đủ lý do để khỏi phải tham chiến ở một nơi mà không phải là quê hương của mình...

    Qua câu trả lời của người phi công Hoa Kỳ, tôi biết đó là câu trả lời rất thật. Vì ngay tại Việt Nam, mà những 'con ông cháu cha' còn có hàng triệu 'lý do chính đáng' để khỏi phải thi hành quân dịch hoặc khỏi phải đi hành quân. Đó là chưa nói đến những 'tai to mặt bự' có hàng đàn...lính ma, lính kiểng và cả đám gia nhân hầu cận trong nhà.v.v... Đấy, đất nước Việt Nam nhỏ bé nghèo nàn mà con người đã có thừa 'trí khôn' để tìm những nơi an thân, nhàn hạ, thì huống chi là Hoa Kỳ, một quốc gia văn minh và giàu mạnh vào bậc nhất thế giới. Tôi thầm nghĩ: ...nếu tệ trạng này mà được thanh lọc sạch sẻ thì Nam Việt Nam chỉ cần các quốc gia đồng minh cung cấp quân trang, quân dụng, như thế quân dân miền Nam cũng dư sức, thừa người để đuổi địch quân về bên kia chiến tuyến chứ không cần họ phải gửi quân sang tham chiến bằng xương, bằng máu như hiện tại.

    Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Bất cứ một quốc gia nào trên thế giới, cho dù văn minh giàu mạnh đến đâu thì trong thành phần nội các của quốc gia đó, hay trong thành phần tổ chức quân sự của họ cũng không sao tránh khỏi những 'sâu mọt' trong đó, thì huống chi là đất nước Việt Nam với chiến tranh triền miên dai dẳng, bị đô hộ bởi hết người Tàu rồi đến người Tây và sau đó thì...hàng ngày nội chiến! Nếu những quốc gia văn minh và giàu mạnh này mà vô phúc lâm vào tình trạng...mười mấy thế kỷ dài chỉ có phục vụ cho chiến tranh, thì chưa chắc họ đã bằng chúng ta ngày nay. Người dân Việt Nam không có lấy một phút giây thanh bình trọn vẹn! Thanh thiếu niên vừa rời ghế nhà trường thì phải cầm súng để đi giữ quê hương, vậy mà quê hương vẫn... rách tả tơi làm hai mảnh. Bao nhiêu năm trời, bao nhiêu mạng người và bao nhiêu bom đạn mà vẫn không vá lại được quê hương! Cứ hàng hàng lớp lớp này ngã xuống thì...hàng hàng lớp lớp khác lại nối tiếp đứng lên, cũng chỉ với một mục đích là... đi giữ quê hương! Người Việt của cả hai miền Nam Bắc không có thời gian để phục vụ cho hòa bình, mà vừa mới chào đời thì tai mắt đã nghe thấy chiến tranh! Truớc đây, trong một lần đi viết phóng sự cho một cuộc hành quân ở quận Giồng Trôm (Bến Tre), tôi đã chứng kiến một đứa bé chào đời dưới ánh sáng le lói của hỏa châu, trong khi cha của nó đã hy sinh trước đó vài giờ bên tuyến kẻm gai phòng thủ, và người mẹ cũng từ trần sau đó vì bị trúng đạn của... kẻ thù của cha nó! Thằng bé không có người đặt tên, và ngụm sữa đầu tiên chảy vào cơ thể nó không phải là giòng sữa từ khuôn ngực của mẹ hiền, mà là...'sữa đặc có đường' từ lon sữa bò Quân Tiếp Vụ do đồng đội của cha nó mớm cho! Như thế, thay vì sau khi chào đời tai của đứa bé phải được nghe tiếng hát ru hời của người mẹ, vậy mà bên tai nó lại phải nghe tiếng đạn nổ bom rơi! Mắt thơ của nó lẽ ra phải được nhìn thấy khuôn mặt của người mẹ hiền thì mắt nó lại bị chấp chới bởi...hỏa châu sáng chói!... Chứng kiến cảnh thương tâm này tôi đã viết mấy câu:

    Sinh nhật của em là bom, là đạn,
    Là súng, là gươm...ngun ngút hận thù
    Mảnh đất nhỏ này...lắm thù ít bạn;
    Nhưng nơi này...nơi cắt rốn chôn nhau...


    Đang lan man suy nghĩ thì có tiếng người hoa tiêu hỏi tôi:

    - Anh đang suy nghĩ gì vậy? Thôi, đừng buồn và cũng đừng hối hận...Hãy quên hết đi.
    Câu nói đó của anh làm tôi giật mình, trở lại với hiện tại, Câu nói nghe êm ái, lịch sự và nhẹ nhàng đầy vị tha của một sĩ quan, một chiến hữu. Vậy mà không hiểu tại sao tôi lại có thể hỏi anh một câu thiếu suy nghĩ:

    - Xin hỏi thật, mong các anh không giận tôi. Hồi nảy, nếu biết chúng tôi là người Việt thì liệu các anh có đáp xuống không?

    Hỏi xong tôi nhìn thẳng vào anh để chờ câu trả lời. Tôi thấy anh dụi mạnh điếu thuốc vào cái gạt tàn, mặc dù điếu thuốc vừa mới được đốt. Qua câu hỏi đầy nghi ngờ của tôi và với cử chỉ đó của anh, tôi biết anh đang bất bình. Tôi chuẩn bị để đón nhận những câu hờn trách thậm tệ, nhưng hình như anh ta 'dằn' lại được, nên thong thả nói:

    - Qua câu hỏi của anh, tôi hiểu anh đang nghĩ gì về chúng tôi. Tuy nhiên, tôi cũng xin được giải đáp rất thật để may ra anh hiểu được chúng tôi phần nào...

    Anh ta ngừng lại ở đây, nhìn thẳng vào tôi và chậm rãi:

    - Khi thấy báo hiệu màu tím của 'flare' ở khu đó, chúng tôi không chắc rằng các anh là người Việt, vì trong quân đội của các anh có rất nhiều sắc dân thiểu số. Nhưng có điều chắc chắn chúng tôi biết rằng viên 'flare' báo hiệu đó không phải là người Mỹ, vì người Mỹ chúng tôi không nhảy xuống vùng đó vào thời gian này!

    Nghe xong câu trả lời đó tôi lấy làm xấu hổ vì đã lấy dạ tiểu nhân mà đo lòng quân tử...Tôi thấy mình lúng túng vụng về, chưa biết phải xoay xở đàng nào, thì anh ta thản nhiên đẩy một lon 'bia' khác về phía tôi và tiếp:

    - Tuy chúng ta có khác nhau về một vài phương diện, nhưng trong cuộc chiến này chúng ta...cần có nhau và điều quan trọng nhất là chúng ta giống nhau ở một điểm đó là trách nhiệm không để Việt Cộng tấn công Nam Việt Nam!

    Anh ngừng ở đây hớp một ngụm bia và tiếp:

    - Hơn nữa, trước đây tôi và ba người trong phi hành đoàn cũng đã được trực thăng của KQVN các anh bốc kịp thời, khi tàu chúng tôi bị rớt ở Kontum, mà lần đó, trên tàu của họ cũng không còn hỏa lực, vì cũng là sau phi vụ hành quân. Có điều là lần đó họ may mắn hơn chúng tôi lần này...

    Anh ngừng lại ở đây một chút rồi thở dài: '...chiến tranh mà...!'

    Những câu nói được gọi là danh ngôn và lời hay ý đẹp

    - Nếu hối hận hoặc sợ thì chúng tôi đã không từ Hoa Kỳ sang đây. Chắc anh cũng biết, Hoa Kỳ là một quốc gia tuyệt đối tự do và dân chủ. Cho dù có lệnh phải đi, nhưng nếu chúng tôi không muốn đi thì chúng tôi vẫn có đủ lý do để khỏi phải tham chiến ở một nơi mà không phải là quê hương của mình...
    - Tuy chúng ta có khác nhau về một vài phương diện, nhưng trong cuộc chiến này chúng ta...cần có nhau và điều quan trọng nhất là chúng ta giống nhau ở một điểm đó là trách nhiệm không để Việt Cộng tấn công Nam Việt Nam!


    Trước đây tôi thường được đọc những câu gọi là Danh Ngôn hoặc Lời Hay Ý Đẹp gì đó, và dưới mỗi câu đề tên tác giả. Tôi thầm nghĩ: Quý vị danh nhân nào đó, cho dù à danh nhân thật, thì khi nói ra những câu được gọi là...hay ho để đời.v.v... đều là trong những lúc vô cùng nhàn rỗi, ngồi trong phòng khách với đầy đủ tiện nghi và điều kiện dư thừa cùng với một tinh thần vô cùng thoải mái, rồi suy nghĩ nát óc, sửa đi sửa lại, và gọt dũa năm lần bảy lượt, sao cho câu nói được...trơn tru, trôi chảy, sau đó mới trịnh trọng đóng khung, đăng trên các sách báo; và câu nói đó...hay, dở...không cần, miễn sao bên trên có hai chữ Danh Ngôn thì đương nhiên tác giả trở thành Danh Nhân!...

    Còn như câu nói kia của người phi công Hoa Kỳ nào có phải là 'trong khi nhàn rỗi?' Nào có phải là 'đang lúc tinh thần thoải mái với điều kiện dư thừa?' Mà là câu nói của người vừa thoát khỏi lưởi hái tử thần, có thể ví đó là câu nói của một người...về từ cỏi chết! Câu nói của một người mà trong tâm trạng và đầu óc còn hoang mang, bàng hoàng xúc động bởi vừa chứng kiến tám đồng đội của mình bị cháy, chìm trong biển lửa...Như thế thì những danh nhân kia và người chiến sĩ Hoa Kỳ này, ai là Danh Nhân và ai là Nhân Danh?!


    Lưu Văn Giỏi
    Last edited by khongquan2; 01-22-2013, 08:54 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X