Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Một góc trời Pleiku trong thơ Võ Ý

Collapse
X

Một góc trời Pleiku trong thơ Võ Ý

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một góc trời Pleiku trong thơ Võ Ý

    Một góc trời Pleiku trong thơ Võ Ý

    KQ Nguyễn Hữu Thiện


    Trên Lý Tưởng - Úc Châu số ra mắt (Xuân Canh Ngọ 1990), tôi đã được hân hạnh góp mặt với bài "Phi Vân - mây xám lưng trời", viết để hoài niệm hơn một ngàn ngày sống ở Căn Cứ Không Quân Pleiku.

    Ba năm sau cùng của đời quân ngũ, tôi sống an nhàn - sáng đi chiều về, cơm nhà quà vợ - ở Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân (Biên Hoà), được ông Chỉ huy trưởng (Chuẩn tướng) Từ Văn Bê "cưng chiều", dù bộ râu mép chỉ vài sợi lơ thơ tơ liễu buông mành, cũng đuợc ông ưu ái cấp cho cái giấy phép để râu đầu tiên trong đơn vị. Nhưng tôi không bao giờ quên được Pleiku, nơi tôi đã tình nguyện tới và bị bắt buộc rời xa, nơi tôi đã sống những tháng ngày đẹp nhất đời quân ngũ, được hưởng chung niềm vui, chia sẻ nỗi buồn với những người Không Quân Biên Trấn - những người đã sống xứng đáng, đã chết anh hung để góp phần đem lại niềm tự hào chung cho quân chủng.

    Trong số những người đã hy sinh, tôi viết nhiều về cố Trung tá Phạm Văn Thặng; trong số những người còn sống, tôi có nhắc đến các niên trưởng Phùng Ngọc Ẩn, Ðỗ Trang Phúc, Nguyễn Văn Bá, các đàn anh Lê Bá Ðịnh, Lưu Ðức Thanh, Võ Ý....

    Hôm nay, tôi cầm bút viết về Pleiku một lần nữa là vì anh Võ Ý (tôi gọi bằng "anh" với lòng trân quý), hay nói cho chính xác hơn là vì những bài thơ của anh Võ Ý làm ở Pleiku.

    Ông cựu Phi đoàn trưởng 118 Bắc Ðẩu hào hoa phong nhã này ngoài tài chỉ huy, bay bổng còn là một nhà thơ tài tử, điều đó trong Không Quân ai cũng biết (tôi nhấn mạnh hai chữ "tài tử" vì trong quân chủng Không Quân không thiếu những nhà thơ chuyên nghiệp và có thể còn nổi tiếng hơn Võ Ý). Nói về thơ Võ Ý, theo tôi, những bài hay nhất của anh có lẽ là những bài làm trong thời gian sống ở Pleiku. Có thể vì Pleiku vừa là chốn "lưu đày quan bất mãn, lính ba gai" (lời ông CHT Ðỗ Trang Phúc) - thê lương như cái tên Cù Hanh của phi trường, vừa là nơi tung hoành của các chàng không quân có máu giang hồ phiêu bạt - thơ mộng như hai chữ Phi Vân trên cổng ra vào căn cứ, nên đã gợi hứng cho người, đem hồn vào thơ.

    Gần đây, được tin anh Võ Ý tới Cali, tôi viết một lá thư sang "trình diện", nội dung thăm hỏi thì ít mà nhắc đến chuyện Pleiku thì nhiều - một cái tật của tôi khi "vớ" được dân Pleiku!... Trong thư hồi âm, anh Võ Ý cho biết anh rất xúc động khi tôi nhắc tới Pleiku. Tôi tin rằng khi viết như thế, anh cũng đoán biết tôi sẽ xúc động như thế nào khi được đọc những dòng chữ của một người anh cũ, cùng sống với nhau ở Pleiku hơn 26 năm về trước.

    Xin mạn phép trích đăng một đoạn trong lá thư "cá nhân" ấy:

    Anh Thiện thân mến,
    ...Tôi vô cùng xúc động, bất ngờ khi nhận được thư anh. Tôi đã đọc thư nhiều lần và một trời Pleiku sống rộn ràng trong trí nhớ của tôi.

    Mỗi người ở Pleiku và yêu Pleiku theo cảm nhận riêng. Tôi cũng yêu Pleiku theo cách cảm nhận riêng của tôi. Pleiku là chốn tôi đã tình nguyện đến. Pleiku là nơi thách đố bổn phận và trách nhiệm của một quân nhân. Pleiku đối với tôi còn là một địa danh để tôi có thể thể hiện cung cách phục vụ quân chủng thân yêu của mình.

    Ở đâu đó bàng bạc trong bức thư của anh, tôi thấy tấm lòng của anh hòa chung một nhịp với tôi: "Tôi nhớ tới một ngàn ngày đói rách ở Pleiku hơn là ba năm phây phả ở Biên Hòa".


    Trước năm 1975, trên đặc san Lý Tưởng của Bộ Tư Lệnh KQ, một cây viết kỳ cựu trong quân chủng - niên trưởng Nhân Hậu, nếu tôi nhớ không lầm - đã viết bài "Ðà Lạt - góc tường ký ức". Những ai đã từng ở Ðà Lạt một thời gian đủ dài cho một khóa học, đọc bài này đều thấm thía. Bởi mỗi lần trở lại Ðà Lạt, dù tình cờ hay có chủ đích, dù còn trai trẻ hay tóc đã điểm sương, người ta chỉ cần nghe tiếng thông reo, nhìn con dốc đá là bỗng nhớ dấu chân xưa, thương hình bóng cũ.

    Với Không Quân, "góc tường ký ức" ấy là Pleiku. Muốn cho chính xác phải gọi là "góc trời". Ngược dòng thời gian, góc trời ấy được đặt tên Căn Cứ 62 vào tháng 12 năm 1962. Những chàng không quân VNCH đầu tiên đặt chân đến phi trường Cù Hanh đèo heo hút gió này là các chàng phi công của phi đoàn quan sát 114 từ Ðà Nẵng vào (đầu năm 1963), kế tiếp là biệt đội khu trục A-1 từ Biên Hoà ra. Mùa Xuân 1964, căn cứ trở thành Không Ðoàn 62 Chiến Thuật - biệt danh Không Ðoàn Biên Trấn - mà vị tư lệnh đầu tiên chính là ông Minh Cồ.

    Ðầu năm 1965, Không Ðoàn 62 dời về Nha Trang, Pleiku thu mình thành Căn Cứ Không Quân 92 bé nhỏ, có nhiệm vụ đón tiếp các biệt đội từ Sài Gòn, Biên Hòa ra, Nha Trang lên, Ðà Nẵng vào... Ngoài ra, phi trường Cù Hanh - trên cao 2500 bộ - còn là tiêu điểm của các phi vụ huấn luyện. Từ xa xa, thấy núi Hàm Rồng là biết sắp đáp Pleiku. Gọi là núi Hàm Rồng có lẽ vì đứng dưới đất mà nhìn thì trông giống như cái hàm của con rồng (?), nhưng ở trên trời nhìn xuống, nó giống hệt cái "mu rùa" khổng lồ, lại còn thêm một đường trũng sâu nằm ngay chính giữa, trông giống như "thung lũng tình yêu" của ai đó đang tênh hênh mời gọi, nên đã được các chàng không quân đa tình và giàu óc tưởng tượng đặt cho một cái tên khác - rất đáng yêu, hơi khó nghe nhưng dễ nhớ.

    Chắc hẳn ngày ấy Võ Ý đã nhiều lần thấy núi Hàm Rồng, đáp xuống Cù Hanh, và để lại nửa hồn nơi phố Pleiku có người em "má đỏ môi hồng", nên anh viết:

    Xưa trên đó
    Xưa trên đó sương nhòa hơi thở đượm
    Dốc cũng vừa ta bước xuống vô biên
    Mê cho lắm cho tay dài với mộng
    Mặt trời lên chiếu rạng tới ưu phiền

    Mưa thì sình bụi mù thay nắng gió
    Gặp là vui cam khổ cũng cam đành
    Vui cho quên đâu bằng xưa trên đó
    Áo bay bay mờ ảo dấu phượng hoàng

    Quên được thì quên nhớ thì ai nhớ
    Quên cho rồi quyên gọi quốc từ đây
    Nhớ đâu đâu lạ lùng trăng đêm đó
    Tượng đá thần linh sao ta tỉnh say

    Một dạo bay qua nhìn xưa trên đó
    Ðồi như vương cây như vấn chân nàng
    Phố cũng xưa và tim thì đau nhói
    Quạt nồng đâu qua đó để cơ hàn

    Biển rộng có hồ, sông dài có ngọn
    Ðã hẹn bên bờ đến ngọn hòa minh
    Nhưng sông có khúc tình người vô hạn
    Ðã hẹn thì chờ dâu biển chờ xem

    Tôi đây vẫn đứng bên bờ giao ước đó
    Ðợi chờ em từ cõi sắc không kia
    Mây cứ bay bay hoài hương phấn cũ
    Tôi còn đây em có dễ như xưa
    Pleiku - 1967


    Năm 1970, Căn Cứ Không Quân 92 trở thành Không Ðoàn Yểm Cứ Pleiku, kế tiếp Không Ðoàn 72 Chiến Thuật được thành lập, trực thuộc Sư Ðoàn 2 KQ cho tới khi trở thành SÐ6KQ vào năm 1972.

    Trong số 4 phi đoàn của Liên Ðoàn 72 Tác Chiến - 530 khu trục, 118 quan sát, 229 và 235 trực thăng - tôi thân thiết với phi đoàn 530 của ông Lê Bá Ðịnh hơn cả vì là ông sếp cũ của tôi (Trưởng Phòng CTCT - CCKQ92), nhưng "thần tượng" của tôi lại là vị phi đoàn trưởng (đời thứ hai) của PÐ 118 Bắc Đẩu: Thiếu tá Võ Ý. Trời sinh anh ra với nhiều ưu đãi - đẹp trai, lắm tài, hào hoa phong nhã nên cũng bắt phải chịu một thiệt thòi: nghèo. Nghèo như cái tên "Võ Ý" của anh, cái tên chỉ có 3 mẫu tự, cái tên ngắn nhất nhì trong lịch sử dân tộc từ thuở Vua Hùng dựng nước. Không hiểu Võ Ý nghèo từ 3 đời hay mới nghèo gần đây thôi vì cái tật hào phóng kinh niên, mà chỉ biết anh là một trong những vị phi đoàn trưởng "đói" nhất mà tôi được biết. "Ðói" nhưng không "rách". Vì thế lại càng "đói"!

    Nhưng một khi "người quân tử ăn chẳng cầu no", thì người nghệ sĩ lại càng nên... đói để cho văn chương thanh thoát, hồn thơ dào dạt. Ðó cũng chính là trường hợp của nhà thơ tài tử Võ Ý. Sau đây là một bài thơ của anh trong tập "Một Góc Pleiku".

    Ở Pleiku
    Bây giờ ta ở Pleiku
    Thấy xanh núi đó thấy mù nầy sương
    Núi xanh còn ngỡ phố phường
    Mù sương ngán ngát dễ thường dễ khuây
    Bây giờ ta nấu nung đây
    Kêu thương con quốc đắng cay tấc lòng
    Bụi hồng gió cuốn thinh không
    Ta con chim nhỏ dám mong nỗi trời
    Pleiku-1972


    Trong việc phê bình sáng tác của người khác, đánh giá thơ có lẽ là việc khó khăn nhất. Bởi vì một bài thơ được xem là hay hoặc dở, được đón nhận hay hững hờ, ngoài trình độ thưởng thức tối thiểu, còn tùy thuộc một phần vào việc đối tượng đó có cùng cảm quan, rung động với người làm thơ hay không. Vì thế, tôi không dám tự tiện ca tụng thơ Võ Ý. Nhưng ít nhất tôi phải thán phục tài "xuất khẩu thành thơ" của anh.

    Người xưa "đi ba bước làm một bài thơ". Bài "Chào sáng" dưới đây, Võ Ý làm mà không bước.

    Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Tây Nguyên tơi bời khói lửa. Hết mất Dark Seang tới Tân Cảnh, hết bỏ Chư Pao tới Charlie... Căn cứ Không Quân Pleiku nhỏ hẹp bỗng trở thành nơi dừng chân của những toán quân đi, và nơi nhận xác người về trong quan tài bọc kẽm.

    Sáng sớm hôm ấy, các sĩ quan chỉ huy thuộc Liên Ðoàn 72 Tác Chiến trong đó có ông Lê Bá Ðịnh, anh Võ Ý đích thân ra trạm hàng không quân sự để đôn đốc, lo liệu phi vụ đưa xác các tử sĩ về quê nhà an nghỉ. Cảnh tượng thê lương đập vào mắt đã khiến Võ Ý lặng người. Anh đưa tay lên chào, mắt nhạt nhòa, rồi xuất khẩu thành thơ - bài thơ mà với tôi tuy rất ngắn đã đủ nói lên tâm hồn anh, dù ý thơ đơn sơ, lời thơ mộc mạc, không màu mè, chải chuốt:

    Chào sáng
    Chào anh buổi sáng Tây Nguyên
    Tay ngang tầm mắt đầu nghiêng cúi chào
    Quốc kỳ phủ xuống công lao
    Có bi-đông nước dựa vào xác thân
    Nghĩ anh đi cũng an phần
    Xum xuê có trẻ bâng khuâng đứng ngồi
    Chị thì rũ tóc máy môi
    Chào anh buổi sáng mắt tôi nhạt nhòa.
    Pleiku-1972


    Ðó là Pleiku của Võ Ý, của tôi, và cũng là của cánh chim đầu đàn đã lìa tổ Trần Văn Minh, của các niên trưởng Phùng Ngọc Ẩn, Ðỗ Trang Phúc, Nguyễn Văn Bá..., của những người hùng thiên cổ Thặng "Fulro", Kỳ 530, Tuấn 229...

    Xin cảm ơn anh Võ Ý. Xin cảm ơn tất cả những người Không Quân đã yêu và còn nhớ Pleiku - góc trời kỷ niệm.

    Nguyễn Hữu Thiện
    Melbourne - 11/1998


    Last edited by Nguyen Huu Thien; 07-12-2018, 10:21 AM.

  • #2
    Cảm ơn chú KQ Nguyễn Hữu Thiện về một bài viết thật hay mà qua đó cháu đã tìm thấy một sự đồng cảm dịu dàng về hai điều:
    - Pleiku, góc trời kỷ niệm, nơi mà gia đình cháu đã theo bố cháu (KQ Nguyễn Tiến Đức) đến nhận nhiệm vụ và sinh sống trong thời gian từ năm 70-72.
    - "Nhà thơ tài tử" Bắc Đẩu Võ Ý, một người bạn đồng môn Võ Bị Đà Lạt - Khoá 17 của bố cháu mà cháu vô cùng quý mến và ngưỡng mộ về tài văn bút.
    Kính chúc chú thật nhiều sức khoẻ!

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X