Thông báo

Collapse
No announcement yet.

40 năm sau một cuộc phản bội

Collapse
X

40 năm sau một cuộc phản bội

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • 40 năm sau một cuộc phản bội

    40 năm sau một cuộc phản bội
    Tác giả: Nguyễn Ngọc Bích


    Hôm rồi, anh Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khang gọi cho tôi từ Na uy để hỏi về Hiệp định Paris “kết thúc chiến tranh Việt nam” cách đây gần 40 năm. Sở dĩ anh muốn hỏi tôi vì lúc đó anh còn nhỏ quá, không nhớ bao nhiêu tuy anh biết đó là một quả lừa, một cú phản bội nhân dân VN, nhất là đối với Việt nam Cộng hoà.

    Tôi bảo, muốn biết rõ hơn, có lẽ anh nên gọi cho cụ Bùi Diễm, bởi cụ là một chứng nhân, người có trực tiếp dự cả hai hội nghị về chiến tranh Việt Nam, Hội nghị Đình chiến Genève 1954 chia đôi đất nước VN ở vĩ tuyến 17 và Hoà đàm Ba lê (Paris Peace Talks) từ năm 1968 đến lúc kết thúc vào ngày 27/1/1973.

    Tuy nhiên, về những nét chính thì tôi cũng có thể cung cấp được một số tin tức và nhận định mà tôi mong là có cơ sở cho anh. Xong tôi hỏi lại anh:
    “Tại sao anh lại quan tâm?” Anh cho tôi biết, ở Na-uy người ta vẫn thắc mắc về Hiệp định Hoà bình Ba lê bởi năm đó, Giải Nobel Hoà bình đã được trao cho hai người thương thuyết chính ở Hoà đàm Ba lê, ông Kissinger về phía Mỹ và ông Lê Đức Thọ về phía CS Hà Nội. Tuy Giải Nobel Hoà bình là tiền của Thụy điển nhưng ban tuyển chọn, để cho được khách quan và (may ra) công bằng lại được quyết định bởi một ủy ban Na uy chọn lựa. Vì thế mà khi giải được “trao nhầm cho tướng cướp” thì Na Uy cũng cảm thấy mình có trách nhiệm, một trách nhiệm mà đến giờ họ vẫn chưa rửa hết vết nhục là đã chọn sai.
    Vì thế nên tôi cho trở lại xét về Hoà đàm Paris và hiệp định kết thúc nó không phải là một việc làm vô ích.

    Cùng một suy nghĩ.
    Không chỉ một mình tôi nghĩ thế mà nhiều người khác cũng có cùng một ý tưởng với tôi. Sớm sủa nhất có lẽ là một bài của ông Nguyễn Quốc Khải gởi cho Đài RFA (Á Châu Tự Do) vào ngày 17/12/2012 mang tên “Sự thật phũ phàng về Hiệp định Paris 1973,” theo đó ông cho rằng Mỹ đã hy sinh quyền lợi của VNCH từ những năm 1971-72 khi ông Nixon muốn “đi đêm” với TrungCộng để đánh Nga (tức Liên-Xô). Dựa vào những trao đổi giữa ông Kissinger và ông Nixon với hai ông Mao và Chu Ân-lai mà sau này được bạch-hoá, ông Khải cho rằng Mỹ đã dụng tâm bỏ miền Nam ngay từ những ngày đó.

    Bỏ ra ngoài những “còm” (“comments”) khá nặng nề mà người ta đã dành cho ông, từ cả trong nước lẫn ngoài này, tôi đã tìm cách phản-bác luận-cứ của ông dựa vào một số sự thật khó phủ-nhận, đó là:

    1/ Cần phân biệt giữa ông Kissinger và ông Nixon. Ông K là người gốc Do-thái, có khá nhiều định kiến và ác cảm đối với VNCH (đặc biệt với ông Thiệu và Hoàng Đức Nhã) nên sẵn sàng coi nhẹ quyền lợi của quân dân miền Nam khi đặt lên bàn cân với quyền lợi sống còn của Israel, một đồng minh cốt yếu của Mỹ ở Trung Đông.
    Ông Nixon, trái lại, không có quan niệm miệt thị đối với VNCH nên ông tin tưởng (một cách khá thành thật) là chính sách “Việt Nam hoá” chiến tranh của ông sẽ thành công hay ít ra cũng “mua” được hoà bình cho Mỹ (đem hết lính Mỹ về) và để lại cho VNCH một cơ hội sống còn.

    2/ Ngay sau khi ông thắng nhiệm kỳ 2 vào Tòa Bạch Ốc (1969-1973), ông đã đem thực hiện tức thì chính sách “Việt nam hoá” của ông qua những giai đoạn:
    - Rút từng phần (một cách đáng kể) quân đội Mỹ về
    - Gặp ê-kíp hai ông Thiệu-Kỳ ở Midway (ngày 8/6/1969) để bàn về chuyện rút quân Mỹ và tăng cường tiềm-lực cho VNCH (cả về mặt quân sự lẫn dân sự)
    - Phản công Cộng sản sau khi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam gần như bị kiệt quệ sau các trận Mậu thân (Tết rồi tháng 5 và tháng 8/1968) và các cơ sở của Việt-cộng ở Miền Nam hầu như bị lộ tẩy toàn bộ, qua các chiến dịch như chiến dịch Phụng Hoàng.
    - Yểm-trợ cho VNCH thực hiện chương trình “Người cày có ruộng” (1970).
    - Để thử lửa khả năng của Quân đội VNCH, đồng ý cho quân ta đánh thần tốc sang Cao Miên (mà không có bộ binh Mỹ tham dự) vào năm 1970.
    - Tiếp nối là chiến dịch Lam sơn 719 sang Hạ Lào (tháng 2/1971, tuy không thành công và phải rút lui song nhờ đó chúng ta cũng đã khám phá được ra khả năng của đối phương về mặt chiến xa và hoả tiễn phòng không, nhờ vậy mà…)
    - Mùa Hè đỏ lửa đã kết thúc bằng cuộc chiến-đấu phi thường và anh dũng của Quân lực VNCH đánh bật CS ra khỏi An lộc (một trận được so sánh với trận Stalingrad chống chặn Hitler trong Thế-chiến II), đánh bại chúng ở Kontum và chiếm lại được Cổ-thành Quảng-trị vào tháng 9/1972.
    Dựa trên những chiến tích như vậy, Nixon có quyền tin là nếu Mỹ giữ lời hứa cung cấp đầy đủ súng ống và quân cụ cho VNCH thì Quân lực VN sẽ đủ sức bảo vệ được miền Nam.

    3/ Vấn-đề là vụ Watergate đã tê liệt hóa chính quyền Nixon và Quốc hội Mỹ dựa vào đó để bó tay ông qua những quyết định như:
    - Luật về Quyền Chiến tranh (War Powers Act, 3/11/1973) tuyệt đối cấm Mỹ trở lại chiến trường Đông dương, kể cả không được yểm trợ không lực cho VNCH
    - Cắt viện trợ cho VNCH “từ 2,2 tỷ Mỹ-kim cho tài-khoa 1973 [xuống] 1,1 tỷ Mỹ kim cho tài khóa 1974 và 700 triệu Mỹ kim cho tài khóa 1975″ (theo những con số do chính ông Khải cung cấp) trong khi Liên Xô và Trung Cộng thì tăng viện trợ của họ cho Hà-nội theo hướng ngược chiều.

    Tóm lại, chính Quốc hội Mỹ, dưới áp lực nặng nề của các thành phần phản chiến và của một nền báo chí nhất quyết chủ bại, đã âm thầm tiếp tay cho ông Kissinger thương thảo một hiệp định “hoà-bình” giả mạo (như cho phép quân xâm lược Bắc Việt để lại 150 nghìn quân ở miền Nam) và “đâm sau lưng” các chiến sĩ mà trên danh nghĩa là “đồng-minh” VNCH.

    Đâu là sự thật?
    Ông Khải viết sai sự thật chỉ vì ông muốn nhất quyết đả phá “ý tưởng phục hồi Hiệp định Paris” mà ông cho là “hoang tưởng nếu không muốn nói là bệnh hoạn”? Song sự thật có như thế không?

    Để thấu hiểu vấn đề, thiết tưởng ta không nên lỏng lẻo quá trong cách dùng và hiểu chữ nghĩa của ta. Ta nên nhớ giữa hai hiệp định về Việt Nam thì một, Hiệp-định Genève 1954, chỉ là “Hiệp-định đình chiến” (“Cease-fire Agreement”) còn Hiệp-định Paris 1973 trong tên đầy đủ của nó là “Hiệp-định Hoà-bình Paris” (“Paris Peace Agreement”). Ta không cần phải là nhà ngôn ngữ học cũng có thể trông ra đây là hai hiệp định (và hai quan niệm) rất khác nhau về trong căn bản.

    Mặc dầu sự khác biệt là rõ ràng như vậy, trong báo Hành chánh miền Đông, “tiếng nói của Hội Cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh miền Đông Hoa Kỳ,” số Xuân Quý Tỵ (năm 2013) vừa mới ra lò, một tác giả thường viết khá thận trọng, ông Trọng Đạt, vẫn mở đầu như sau: “Sau bốn năm đàm phán, Hiệp định ngưng bắn chấm dứt chiến tranh Việt Nam được ký kết ngày 27/1/1973 tại Paris” làm mất hẳn ý nghĩa của sự khác biệt căn-bản nói trên.

    Theo chính ông Trọng Đạt thì Hiệp định nói trên gồm 8 chương: “Chương I – Chủ quyền, thống nhất; Chương II – Chấm dứt chiến sự, rút quân; Chương III – Trao trả tù binh; Chương IV – Hội đồng hòa giải dân tộc; Chương V – Thống nhất đất nước hai miền, không bên nào được thôn tính bên nào; Chương VI – Ủy ban liên hợp quân sự; Chương VII – Đối với Miên, Lào; Chương VIII – Quan hệ VNDCCH và Mỹ.”

    Vẫn theo ông Trọng Đạt thì “trên thực tế chỉ có một số điểm chính hai bên đã thương thuyết như sau:
    “- Mỹ rút quân.
    “- Trao trả tù binh.
    “- Lật đổ chế độ Nguyễn Văn Thiệu [mà sau không thành.- NNB chú]
    “- Việc thành lập chính phủ Liên hiệp.
    “- Lập Hội đồng hòa giải dân tộc.
    “- Bắc Việt rút khỏi miền Nam.”

    Như vậy, dù theo những tên chính thức của các chương trong Hiệp định hay đi theo những điểm phân tích của ông Trọng Đạt thì vấn đề “ngưng bắn” chỉ chiếm có một phần tương-đối khiêm tốn trong Hiệp định mà thôi: Các chương II, III và VI, tức chỉ 3 trong 8 chương của Hiệp-định; và 2 trong 6 điểm theo cách phân-tích của ông Trọng Đạt.

    Nói thế để cho thấy là dù Mỹ và VNCH (bởi vì VNCH có ký vào Hiệp định Paris, khác với trường hợp của Hiệp định Genève) có “nhượng bộ để quân đội Bắc Việt được ở lại” miền Nam, chính Bắc Việt cũng đã xé bỏ hết những phần còn lại của Hiệp-định Hoà-bình này, một hiệp định mà chính tay họ ký với sự đảm bảo của quốc tế ít lâu sau đó với “Định ước quốc tế” bảo đảm việc thi hành Hiệp định Hoà bình Paris về Việt-nam (mà tên chính thức là “Act of the International Conference on Viet-Nam” ký ngày 1/3/1973 cũng ở Paris do 12 quốc gia với sự chứng kiến của ông Tổng thư ký Liên-hiệp-quốc).

    Do vậy nên ta mới có thể nói đến việc trở lại Hiệp định Paris 1973!

    Vì trừ phi ta xem và có thể gọi được Hiệp định Paris 1973 và Định ước quốc tế kèm theo sau đó là một mớ giấy lộn, ta không thể nào phủ nhận được đây là những văn kiện ngoại giao có giá trị cam kết bởi các quốc gia có đại diện ký tên vào đó.

    Đâu là những cam kết của các nước?

    Thưa, ngay từ câu mở đầu (Preamble) “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” [NNB nhấn mạnh], ta đã thấy là Hiệp định có “mục đích chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp phần củng cố hòa bình ở châu Á và thế giới.”[NNB nhấn mạnh]

    Điều 1 nhắc lại: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận.” [NNB nhấn mạnh]

    Chương IV mang tên “Việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam” trong đó có ghi nơi Điều 9a: “Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng” và Điều 9b: “Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế.” [NNB nhấn mạnh]

    Điều 11 của cùng chương nói: “Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ:

    “- Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia;

    “- Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do họat động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.”



    Còn nhiều cam kết khác nữa trong phần còn lại của Hiệp định, tỷ như Chương V chủ trương trong việc “thống nhất đất nước hai miền, không bên nào được thôn tính bên nào,” nhưng ta chỉ cần hỏi: Hà-nội đã tôn trọng được bao nhiêu phần trong các điều cam-kết trên đây?

    Hà Nội đã tôn trọng “quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam… thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế” chưa?

    Hà-nội, qua các chính sách như lùa cả triệu người đi gọi là “học tập cải tạo” mà chính thật là tập trung tù tội, rồi đổi tiền, đánh tư sản, lùa hàng triệu dân ra biển v.v. thì có thể nói được là không “trả thù và phân biệt đối xử” được không?

    Còn nói về các thứ tự do dân chủ thì Hà Nội không thực hiện được tới một phần trăm, phần nghìn những tự do được nêu trên đây!

    Vậy thì hỏi tức là trả lời! (Tôi xin nhờ cả ông Nguyễn Quốc Khải trả lời giùm Hà Nội!)

    Chúng ta có chỗ để khiếu nại không?

    Thưa có, đó là giá trị của Định ước quốc tế nhằm đảm bảo “các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam cũng như quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.” (Câu này được nhắc lại trong cả Điều 4 và Điều 5 của Định ước quốc-tế 1/3/1973. NNB nhấn mạnh)

    Những đảm bảo này không phải là những đảm bảo tầm phào khi ta biết là Định ước ngày 1/3/1973 đã được ký bởi ngoại trưởng của các quốc gia sau đây, trong đó có đầy đủ ngũ cường “với sự hiện diện của ông Tổng thư ký Liên-hiệp-quốc” (“in the presence of the Secretary-General of the United Nations”):

    1/ Ngoại-trưởng William P. Rogers ký nhân danh Hoa-kỳ
    2/ Ngoại-trưởng Maurice Schumann ký nhân danh Cộng-hòa Pháp
    3/ Bà Nguyễn Thị Bình nhân danh Chính-phủ cách mạng lâm-thời Cộng-hòa Miền Nam VN
    4/ Ngoại-trưởng Janos Peter ký nhân danh Cộng-hòa Nhân-dân Hung-ga-ri
    5/ Ngoại-trưởng Adam Malik ký nhân danh Cộng-hòa In-đô-nê-xi
    6/ Ngoại-trưởng Stefan Olszowki ký nhân danh Cộng-hòa nhân-dân Ba-lan
    7/ Ngoại-trưởng Nguyễn Duy Trinh ký nhân danh Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa
    8/ Ngoại-trưởng Alec Douglas-Home ký nhân danh Anh-quốc và Bắc Ái-nhĩ-lan
    9/ Ngoại-trưởng Trần Văn Lắm ký nhân danh Việt-nam Cộng-hòa
    10/ Ngoại-trưởng Andrei A. Gromyko ký nhân danh Liên-Xô
    11/ Ngoại-trưởng Mitchell Sharp ký nhân danh Canada
    12/ Ngoại-trưởng Chi Peng-fei (Cơ Bằng-phi) nhân danh Cộng-hòa Nhân-dân Trung-quốc

    Và nếu những chữ ký này không phải là những chữ ký tầm phào, vô giá trị thì ta có quyền trở lại với các quốc gia này và hỏi: “Quý Vị đã làm gì khi đã có những vi phạm trắng trợn Hiệp định Hòa bình Paris 1973″ như đã liệt kê ở trên trong trường hợp Bắc Việt (giờ là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN)?

    Còn trường hợp Trung Cộng thì với cuộc xâm lăng Hoàng Sa vào năm 1974 và Trường Sa vào năm 1988 thì rõ ràng là Trung Cộng đã không tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của VNCH (vi phạm Điều 1 của Hiệp-định Hòa-bình Paris ngày 27/1/1973 và Điều 4-Điều 5 của chính Định-ước quốc-tế mà ông Cơ Bằng-phi đã đặt bút cam-kết tôn trọng).

    Điều 7 Định ước quốc tế

    Điều 7 của Định ước quốc tế ngày 1/3/1973 ghi:

    “(a) Trong trường hợp xảy ra một sự vi phạm Hiệp định và các Nghị định thư, đe dọa hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lạnh thổ của nước Việt Nam, hoặc quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam, các bên ký kết Hiệp định và các Nghị định thư, mỗi bên sẽ tự mình hoặc bằng hành động thống nhất, trao đổi với các bên khác ký kết Định ước này, để xác định những biện pháp cần thiết để giải quyết.

    “(b) Hội nghị Quốc tế về Việt Nam sẽ được họp lại khi Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ thay mặt cho các bên ký kết Hiệp định (3) cùng yêu cầu, hoặc khi có sáu, hoặc hơn sáu bên ký kết Định ước này, yêu cầu.”

    Thế thì có phải rõ ràng là khi có những vi phạm Hiệp định Hòa bình Paris 1973 như ta đã thấy (1) trong vụ tấn công bằng vũ lực để xâm chiếm miền Nam (chiến-dịch Hồ Chí Minh), rồi (2) các hành động trả thù dã man, chưa kể là (3) từ 1975 đến nay không hề có tổng tuyển cử ở miền Nam “với quốc-tế giám-sát” để cho nhân-dân miền Nam được quyền tự-quyết chế-độ chính-trị của mình, và (4) không có một quyền tự do dân-chủ nào được tôn trọng ở miền Nam, thì ta đã có Điều 7b của Định ước quốc tế để tài phán về những vi phạm đó không?

    Trường hợp Trung Cộng vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của miền Nam như trong hai vụ đánh chiếm Hoàng sa 1974 và Trường sa 1988 cũng thế! Chính Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 7 năm 2011 cũng đã phải ra trước Quốc hội Việt Nam ở Ba Đình để nhắc lại tới ba lần Hoàng Sa Trường Sa là thuộc chủ quyền của “Việt-nam Cộng-hòa.”

    Vậy thì ta đợi gì mà không lôi Điều 7b của Định ước quốc tế ra mà tìm cách vận động tái nhóm Hòa đàm Ba lê để phân định xem ai phải trái trong các vấn đề này?

    Thiết tưởng các luật gia, trí thức, và các vị lãnh đạo cộng đồng người Việt tự do khắp thế giới nên dành thời giờ ra nghiên cứu cặn kẽ vấn đề này để rồi chúng ta có thể chung sức gây một phong trào toàn cầu đặt lại vấn đề trở về Hiệp định Paris 1973 và nêu Định ước quốc tế 1/3/1973 để đòi lại một tiếng nói chính đáng cho nhân dân miền Nam và lôi Hà Nội cũng như Bắc Kinh ra trước sự phán xét của nhân loại trong vấn đề Việt nam cũng như Biển Đông.

    Viết xong vào đêm 6/1/2013
    Đồng-xuân, Bang Trinh-nữ, Hoa-kỳ-quốc

    Nguyễn Ngọc Bích
    Last edited by Phòng Trực; 11-10-2013, 05:39 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X