Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Lá cờ

Collapse
X

Lá cờ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lá cờ

    Lá Cờ




    Nét sắc đường thanh tô vẻ đẹp
    Nền vàng sọc đỏ sáng hồn thơ
    Em ơi tổ quốc nhờ em đó,
    Mau lớn khôn lên giữ cõi bờ.
    Nguyễn Thái Bình

    Tôi chăm chú theo dõi đứa bé...

    Em bé ấy chỉ chừng 13, 14 tuổi gì đó với đôi mắt sáng và một khuôn mặt thông minh. Tôi bắt đầu chú ý tới em đó khi tôi phát giác ra là em đang chen lấn vào trong đám người đến tham dự buổi chợ tết hôm nay để nhặt những lá cờ rơi trên sàn của khu phố thượng mại này, nơi chợ tết mọi năm vẫn thường được tổ chức.

    Những khi tay em đã có đầy những lá cờ thì em đưa lại cho một người đàn bà mà tôi đoán có lẽ là mẹ của em. Rồi em lại cứ tiếp tục công việc ấy. Thỉnh thoảng tôi lại thấy em dừng công việc nhặt cờ và đứng trầm ngâm nhìn một tấm ảnh nào đó trên những tấm bảng được dùng để triển lãm tranh ảnh của QLVNCH trước năm 1975. Rồi em lại tiếp tục.

    Sau một hồi lâu tôi không dằn được sự hiếu kỳ và cho đến lúc em bé ấy đứng lại nhìn bức hình một lần nữa thì tôi bước đến hỏi em:

    - Em thích bức hình này lắm phải không?

    Em giật mình ngó lên và một hồi sau em trả lời:

    - Dạ, con thích tấm hình này lắm.

    - Tại sao em lại thích bức hình này?

    - Dạ, tại hình này có ba con trong đó.

    - Ba em là lính phải không?

    - Dạ, ba con là lính xe tăng.

    Lính xe tăng. Lính của sư đoàn thiết kỵ lừng lẫy chiến công qua những địa danh oai hùng. Tôi bế em lên và hỏi:

    - Em tên gì?

    - Dạ, con tên Trần Hoài Việt.

    - Thế Việt chỉ hình ba cho chú coi đi.

    Việt đưa tay chỉ vào một người lính sĩ quan đứng chung với một số bạn đồng ngũ với một nụ cười kiêu hãnh. Và em nói:

    - Ba con đó.

    Em thốt lên ba chữ đó với một niềm kiêu hãnh mà có lẽ chính tôi, một trong những người trong binh nghiệp đã quên mất từ lâu rồi. Tôi thả bé Việt xuống và hỏi tiếp:

    - Ba Việt đâu? Việt dẫn chú lại gặp ba được không?

    - Dạ, ba con chết rồi. Mẹ con nói ba con đi đánh giặc bị chết rồi.

    Tôi bàng hoàng với câu trả lời của Việt. Tôi hỏi tiếp:

    - Thế Việt dẫn chú lại gặp mẹ Việt được không?

    Việt gật đầu và nắm tay tôi dẫn về phía một người đàn bà đang ngồi trước một chiếc bàn nhỏ xếp lại những lá cờ mà Việt đã nhặt được. Việt lay nhẹ vai người đàn bà đó và nói:

    - Mẹ ơi, chú này muốn gặp mẹ.

    Tôi chợt mĩm cười với lời giới thiệu ngộ nghĩnh của Việt. Người đàn bà, không, người thiếu phụ, ngước lên nhìn tôi mĩm cười gật đầu chào và nói:

    - Tôi là mẹ của bé Việt. Chắc là Việt làm phiền ông phải không?

    Tôi lắc đầu trả lời:

    - Thưa không. Tôi mới làm quen với Việt cách đây không lâu. Tôi muốn được hân hạnh tiếp chuyện với bà. Tôi tên là Trường.

    - Tôi tên là Trân. Xin ông đừng gọi tôi là bà, có vẻ xa lạ quá. Cho phép tôi gọi anh là anh Trường nhé.

    - Vâng, xin bà... à không, xin chị cứ tự nhiên cho.

    Tôi đưa mắt nhìn bé Việt và nói tiếp:

    - Tôi muốn gặp chị để được nói với chị đôi lời cảm phục chân thành của mình.

    - Cảm phục tôi?

    - Vâng, tôi rất lấy làm khâm phục khi thấy chị đã dạy được cho một em bé biết tôn trọng lá cờ Việt Nam. Tôi xin được hỏi là làm sao chị dạy cho Việt được như thế.

    - Tôi nghĩ là tốt hơn hết anh nên hỏi bé Việt câu này thì đúng hơn.

    Rồi quay sang bé Việt, Trân nói tiếp:

    - Việt con trả lời cho chú Trường tại sao con thích lá cờ Việt nam đi con.

    Bé Việt nghe lời mẹ ngó qua tôi và nói:

    - Dạ, tại lúc ba con chết mẹ con nói người ta đã phủ lá cờ này lên người ba con. Mẹ con nói nếu con thương ba thì con phải biết thương lá cờ này.

    Trong khi tôi đang ngỡ ngàng vì câu trả lời chững chạc và chân thành đó, mẹ Việt lại tiếp lời:

    - Tôi đã suy nghĩ thật nhiều về cái chết của anh Duy, chồng tôi. Tôi nghĩ đến một ngày nào đó, nếu có ai hỏi cha Việt ở đâu hoặc tại sao cha Việt chết thì Việt biết câu trả lời và thấy tự hào về câu trả lời đó.

    Tôi bỗng thấy kính trọng người thiếu phụ, người mẹ hiền đang ngồi trước mặt tôi. Lúc đó bé Việt lại đưa xấp cờ giấy mà em vừa nhặt cho mẹ và nói:

    - Mẹ xếp dùm con nhé. Con đi nhặt nữa nhé mẹ.

    Tôi nắm lấy tay Việt và nói với Trân:

    - Xin phép chị tôi cùng đi với Việt để xem coi mình có làm bằng Việt không.

    Mẹ Việt gật đầu trong khi Việt nắm lấy tay tôi kéo đi.



    Chúng tôi đang thi đua xem coi ai nhặt được nhiều lá cờ hơn thì có một bàn tay lay nhẹ vai tôi. Tôi quay lại thì thấy Doãn, thằng bạn trong quân ngũ và cũng là bạn học khi xưa, hỏi tôi:

    - Mày làm gì đó Trường?

    - Tao đang nhặt những lá cờ này.

    - Ừ, tao cũng đang bực mình vì những lá cờ này. Mày thấy mà làm trước tao là hay đó.

    Tôi chỉ bé Việt và nói:

    - Tao có hay ho hơn mày cái gì đâu. Bé Việt là người đầu tiên đó. Làm tao mắc cỡ quá. Mình già cả đầu rồi mà không ý thức được gì cả, thật là đáng trách.

    Nhìn đôi mắt Doãn đang ngạc nhiên nhìn bé Việt trong sự thắc mắc, tôi bèn đem câu chuyện vừa rồi kể lại cho Doãn. Doãn nghe xong quay lại nhìn phía mẹ Việt một hồi lâu rồi nói:

    - Được rồi. Mày cứ tiếp tục đi, tao sẽ có giải pháp.

    Rồi Doãn bước đi với một nét mặt cương quyết mà tôi chưa bao giờ thấy từ ngày tôi và nó cùng bước xuống con tàu ra khơi.

    Mười phút sau...
    Trong khi tôi và bé Việt vẫn còn đang nhặt những lá cờ thì tôi chợt nghe giọng nói của Doãn phát ra từ những cái loa được đặt chung quanh nơi này:

    - Kính thưa quí vị, tôi xin được mạn phép tạm ngưng chương trình văn nghệ mừng xuân trong giây phút để được có đôi lời thưa cùng quí vị. Nếu quí vị nhìn về phía tay tôi chỉ thì quí vị sẽ thấy có một em bé đang nhặt những lá cờ. Thưa quí vị, em bé ấy tên là Việt và em nhặt những lá cờ đó vì cha em là một cựu chiến sĩ của QLVNCH đã bỏ mình cho lá cờ này. Cho nên em rất kính trọng lá cờ này mà không nỡ để cho nó nằm rải rác trên sân hoặc bị dẫm lên. Kính thưa quí vị, hẳn quí vị còn nhớ là ở phần đầu chương trình chúng ta đều đã mặc niệm trước lá cờ để tỏ lòng thương tiếc các chiến sĩ cũng như các đồng bào đã bỏ mình cho hai chữ tự do. Để rồi ngay sau đó ta lại vứt bỏ và thậm chí còn dẫm lên trên những lá cờ đó. Thật là mâu thuẫn phải không quí vị. Riêng tôi, với tư cách của một cựu quân nhân, chỉ biết nói lên đây sự hổ thẹn về những sơ ý của mình. Sau hết là tôi xin được tỏ lời khâm phục bé Việt và nhất là chị Trân, mẹ của em đã dạy dỗ nên một người con mà chúng ta ai ai đều có thể hãnh diện cho nhau.

    Nói xong Doãn đứng ngay người và đưa tay chào Trân theo lối quân đội.

    Rồi Doãn bước xuống từ sân khấu và bắt đầu nhặt những lá cờ gần nhất. Mọi người yên lặng trong giây phút rồi không ai bảo ai đều ngừng lại mọi hoạt động và cùng nhau nhặt lên những lá cờ chung quanh mình. Không biết ai đó bỗng xướng lên hát bài "Việt Nam, Việt Nam". Rồi mọi người cùng nhau đều hát lên. Thú thật, cả đời tôi đã hát bài ca đó không biết bao nhiêu lần rồi mà chưa lần nào tôi hát một cách say sưa như thế cả. và tôi đưa mắt nhìn chung quanh thì tôi đã lấy làm cảm động khi thấy có những người già, có những thành niên đã không cầm được giòng lệ nóng, Nhưng dù đang khóc, tay họ vẫn nhặt những lá cờ và họ vẫn hát, hát say sưa, hát nhiệt thành. Chưa bao giờ tôi thấy người Việt Nam gần nhau như thế. Tất cả chỉ vì một hành động nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa của một đứa bé. Đưa mắt nhìn lên bàn thờ tổ quốc nơi sân khấu, tôi thấy mình đang bước về trên những con đường quê hương. Và tôi thấy một niềm hãnh diện đang lên làm tôi nghẹn ngào.
    Và mắt tôi chợt ướt. Và môi tôi chợt mặn.

    Rồi buổi chợ tết đã chấm dứt...
    Sau khi dọn dẹp tất cả và những lá cờ còn sót đã được nhặt hết, tôi bước ra bãi đậu xe. Vừa đi tôi vừa nghĩ đến câu chuyện mà tôi và bé Việt đang dở dang trước khi Doãn gặp tôi. Lúc đó bé Việt hỏi tôi :

    - Mặc niệm là gì vậy chú?

    - Khi ta muốn tỏ lòng thương nhớ tới một người nào đã chết rồi thì thường yên lặng để nghĩ đến những người đó và cầu nguyện cho họ. Việt hiểu không?

    - Dạ hiểu. Thế con mặc niệm cho ba con được không chú?

    - Được chứ Việt.

    - Tại sao mọi khi mặc niệm người ta thường ngó về lá cờ vậy chú?

    - Là bởi vì lá cờ Việt Nam tượng trưng cho hai chữ tự do. Bởi vì nhiều người đã chết vì hai chữ đó Việt biết không. Những đồng bào vượt biển vì muốn được tự do, những người ngày xưa đã chiến đấu để bảo vệ tự do cho mọi người như cha Việt và bạn bè của chú. Cho nên người ta mới nhìn về hướng lá cờ để tỏ lòng biết ơn tất cả qua lá cờ đó Việt.

    - Thế sao người ta kính trọng lá cờ mà người ta còn vất nó đi vậy chú? Có người còn dẫm lên nữa vậy chú?

    Tôi đang ấp úng trước câu hỏi thì Doãn gọi tôi. Câu chuyện được dừng lại ngay lúc đó. Và giờ đây tôi nghĩ lại câu hỏi cuối cùng của Việt mà lòng thật phân vân vì thật ra, chính tôi cũng không biết tại sao nữa.

    npn


    Nguồn:http://batkhuat.net/bl-laco.htm
    Last edited by thien ly; 06-18-2013, 11:58 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X