Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Buổi sáng Thứ Tư

Collapse
X

Buổi sáng Thứ Tư

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Buổi sáng Thứ Tư


    Bắt đầu là một buổi sáng Thứ Tư nắng ráo, đẹp trời, Trinh theo ông Bếp Nhơn đến nơi làm việc, đó là ngôi biệt thự to nằm lưng chừng một ngọn đồi trông hơi bí mật, u ám với loài cây leo xanh thẩm, rậm rạp che lấp màu đá xám xịt của những bức tường. Bỗng dưng Trinh cảm thấy một nổi sợ sệt không tên ùa ập trong ý nghĩ, cô khẽ rùng mình, bước chân trở nên nặng nề trên con dốc. Con đường mòn đi lên với những bụi cỏ tranh cao vướng víu ống chân, có một lối đi khác dành cho xe hơi phía bên kia, ông Bếp Nhơn thì muốn chọn con đường mòn cho gần.
    “Cứ tìm những nẻo đoạn trường mà đi”
    Một câu thơ nào đó bỗng thấp thoáng trong ý nghĩ làm Trinh cười thành tiếng.
    - Cười gì đấy?
    - Tại sao phải chọn lối đi này, đi trên đường nhựa phía kia có phải dễ dàng hơn không?
    - Lối kia xa hơn, gấp hai lần!
    - Con biết rồi, nhưng sớm hơn vài ba phút để làm gì cơ chứ, ông Nhơn?
    Ông bếp Nhơn “hừ” lên một tiếng ra vẻ không đồng ý. Trinh tiếp lời:
    - Ngôi nhà này trông u ám quá, ông Nhơn có thấy vậy không?
    - Nhà cổ thì phải u ám chứ, nó xây từ thời người Pháp mới đến đây lận!
    Trinh thở ra thật mạnh rồi nói:
    - Con sợ quá!
    - Sợ gì? Con nhỏ này thật vớ vẩn, ta làm ở đây đã mười năm rồi, chẳng có gì đáng sợ cả!
    Rồi ông cao giọng:
    - Con phải rán đi làm mà giúp cho mẹ, bà ấy già rồi. Còn con gái mầy nữa, nó cần tiền để đi học, hơn nữa công việc đâu có gì nặng nhọc. Con ở nhà cũng phải làm như vậy thôi, việc nội trợ mà.
    Trinh lo lắng hỏi tiếp:
    - Không biết bà chủ có nhận con không?
    - Nhận là cái chắc, ta đã nói qua với bà ta rồi! Con còn nhớ vài câu tiếng Pháp thông thường không Trinh? Họ thích những người biết tiếng Tây. Ta thì chỉ nói được tiếng bồi, nói bậy bạ chủ cũng hiểu, con chắc chắn khá hơn.
    Trinh phân trần:
    - Học lâu rồi con đâu còn nhớ bao nhiêu, với lại con lấy chồng sớm nên học hành chẳng đến nơi đến chốn, mà chuyện chồng con cũng chẳng ra chi ông Nhơn ơi!
    - Mỗi người có một cái số “chạy trời không khỏi nắng” đâu con ạ!
    Cả hai im lặng cho đến khi con đường mòn chấm dứt, một khoảng sân gạch rộng bao bọc xung quanh ngôi nhà đồ sộ có những khung cửa sổ hình cánh cung. Nhìn gần ngôi nhà bớt âm u hơn, Trinh thở ra thật mạnh và thấy tâm hồn bình an đôi chút.
    Ông Bếp Nhơn dẫn Trinh đến căn nhà nhỏ ở phía cuối sân, đó là giang sơn của ông với nhà bếp, kho thức phẩm và một căn phòng để ông nghỉ ngơi hay ngủ lại trong những dịp đặt biệt. Thường thì ông về nhà buổi tối, nhiệm vụ của ông là nấu ăn, đi chợ. Nhà bếp được tiếp nối với ngôi nhà chính bằng một lối đi rộng có mái che phía trên. Trinh theo ông vào phòng của ngôi nhà chính, phía cuối phòng là cầu thang dẫn lên lầu.
    Ông Nhơn bấm chiếc nút điện trên tường, tiếng chuông vang lên và có giọng đàn bà trả lời từ trên lầu, rồi tiếng chân chạy sầm sập xuống. Người đàn bà người Pháp khá đứng tuổi vịn cầu thang cúi đầu nhìn Trinh chăm chú, ông bếp Nhơn giới thiệu Trinh với bà chủ:
    - Thưa bà đây là cô Trinh, con gái của người bạn mà tôi đã nói với bà hôm trước, xin bà nhận cô Trinh vì cô ấy nghèo, chồng chết, con dại. Ba cô là bạn thân của tôi cũng đã qua đời, cô ở với mẹ, bà ta hay đau yếu lắm, xin bà chủ giúp cô ấy.
    Ông Nhơn kể lể dài dòng bằng loại tiếng Pháp nặng nề âm sắc mà ông học được sau nhiều năm làm với người Tây, bà chủ gật gù như đã hiểu ông hoàn toàn. Giọng ông to và sang sảng, ông là một người tốt bụng ưa giúp đỡ người khác tuy đôi lúc hơi khó tánh một chút nhưng cũng chẳng có chi là quá đáng.
    Bà chủ nhà có dáng người cao ốm, đôi mắt sâu xanh biếc với lối nhìn dữ dội như cuốn xoáy vào tâm hồn kẻ đối diện, khuôn mặt nhỏ, da nhăn nheo dù nhìn từ xa. Nét mặt bà nghiêm khắc, khó chịu vì thiếu vắng nụ cười nhưng mang vẻ mau mắn, nhanh nhẹn theo nhận xét của Trinh. Bà bước xuống cầu thang, đối diện Trinh bắt tay cô và nói:
    - Tốt lắm, tôi tên là Denise còn cô tên là gì?
    Trinh cố cất giọng to:
    - Tôi tên là Trinh.
    Bà lập lại:
    - Jane hay Cheng …
    Rồi bà cười, nụ cười đầu tiên trong cuộc hội kiến làm khuôn mặt bà dịu dàng một chút, ông Bếp Nhơn cũng cười to:
    - Tên cô ta là Trinh nhưng bà gọi sao cũng được, như tôi đã nói với bà: cô ta có biết tiếng Pháp.
    Trinh tiếp lời ông Nhơn:
    - Tôi chỉ biết chút ít thôi, hồi còn đi học.
    Bà chủ gật gù:
    - Tốt lắm, từ nay tôi gọi cô là Jane cho dễ dàng. Ông Bếp có nói về nhiệm vụ cô ở đây rồi phải không?
    - Dạ, tôi có nghe đại khái.
    Bà mở rộng hai tay trong một cử chỉ giải thích:
    - Như thế này, nhiệm vụ của cô mỗi buổi sáng lo bữa điểm tâm, thu xếp phòng ngủ của tôi và Monique con gái tôi. Sau đó giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, ông bếp lo thức ăn, cô chỉ phụ trách bày biện, lau chùi, giúp đỡ khi chúng tôi cần. Cũng cần cho cô biết chúng tôi thường có khách cuối tuần, bạn trai của Monique là người Mỹ phục vụ ở đây, anh ta có nhiều bạn, nhà chúng tôi rộng nên thỉnh thoảng mời họ ở lại!
    Bà Denise nhún vai nói tiếp:
    - Đánh bài, khiêu vũ, đàn hát. Đôi lúc hơi khuya đến hai, ba giờ sáng! Tuy nhiên cô không có gì phải ngại, con gái tôi là đứa ồn ào nhưng tốt bụng, còn cô là người làm của tôi, tôi có nhiệm vụ bảo vệ cô. Tôi cũng khuyên cô một điều là đừng tò mò vào những câu chuyện của họ chỉ trừ trường hợp họ nhờ cô pha café, làm nước chanh, nước trà. Thường thì cô sẽ có tiền thưởng trong những dịp này như Lily là người hầu cũ của tôi vậy.
    Bà Denise thở dài:
    - Lily cũng quá tệ, giúp cho tôi cả hai năm rồi ra đi không một tiếng giã từ. Cô ta không bao giờ trở lại từ buổi sáng Thứ Tư tuần trước!
    Trinh có một cảm giác thật lạ lùng, khó hiểu khi nghe bà Denise nói đến buổi sáng Thứ Tư, bất giác cô lập lại lời bà:
    - Buổi sáng Thứ Tư.
    Bà Denise vỗ tay mạnh vào trán như nhớ ra một điều gì thật quan trọng:
    - A, tí nữa thì quên mất một điều rất quan trọng này. Mỗi tuần lễ của chúng ta sẽ bắt đầu vào buổi sáng Thứ Tư cô Jane nhé!
    - Thưa bà nghĩa là sao ạ!
    - Cô sẽ về nhà sáng Thứ Ba, sau đó cô tiếp tục vào mỗi sáng Thứ Tư.
    - Có nghĩa là mỗi tuần tôi được về nhà một lần từ Thứ Ba cho đến sáng hôm sau.
    Bà Denise gật đầu:
    - Đúng vậy.
    Rồi bà giải thích thêm:
    - Bạn bè hay đến cuối tuần nên chúng tôi cần cô ngày Thứ Hai để thu xếp, dọn dẹp vì tụi nó bày biện đủ thứ. Dĩ nhiên tôi sẽ trả tiền cho cô bảy ngày một tuần, nếu cô ở đây lâu, làm việc tốt chúng ta sẽ nói đến tiền lương trong những dịp chúng tôi đi nghĩ hè!
    Rồi bà quay qua ông Bếp Nhơn:
    - Này ông Bếp, xin hướng dẫn cô ấy vào phòng cất đồ đạt rồi gặp tôi trên lầu hai nhé!
    Ông Bếp Nhơn nhanh nhẩu trả lời:
    - Vâng, thưa bà! Xin cảm ơn bà!
    Trinh cũng nói lời cảm ơn,bà Denise vội vã chạy lên lầu.
    Trinh theo ông Bếp vào một căn phòng nhỏ nằm gần cầu thang, phòng sáng vì có cửa sổ mở ra phía sau nhà. Chiếc giường nhỏ trải drap trắng sạch sẽ, cái tủ thấp với ngọn đèn ngủ. Trinh ngồi xuống giường nói:
    - Con có đem theo một ít áo quần như ông dặn.
    Ông Bếp Nhơn cười vui vẻ:
    - Ừ, con bỏ tất cả vào tủ rồi theo ta lên gặp bà chủ để bắt đầu cho công việc.
    Trinh chợt thấy một xâu chuổi với chiếc thánh giá nhỏ treo trên đầu giường, chắc là của cô Lily bỏ quên lại. Bỗng dưng cô tò mò muốn biết về một người đã từng ở trong căn phòng này trước cô:
    - Này ông Nhơn Lily là ai vậy, tại sao cô ta lại không làm ở đây nữa?
    Ông Bếp Nhơn nhún vai:
    - Chỉ có trời biết tại sao cô ta lại bỏ ngang như vậy. Tên cổ là Lý còn độc thân, sống với cha mẹ, Thứ Ba tuần trước, cô ta về nhà rồi không bao giờ trở lại. Chẳng ai biết nhà cửa ở đâu mà nhắn vì ông tài xế cũ giới thiệu cô Lý vào làm đây, nhưng ổng nghĩ việc rồi.
    Trinh lại hỏi về Monique:
    - Còn cô Monique thì sao?
    - Nó khoảng hăm ba, hăm bốn hơi ồn ào nhưng tốt bụng lắm, nó làm sở Mỹ và có bạn trai là thằng Wilson. Cuối tuần con sẽ gặp thằng Wilson, thằng Mark và mấy đứa bạn của nó.
    Trinh lên lầu hai gặp bà chủ, đó là phòng khách thật rộng bày biện sang trọng bằng những loại đồ gỗ cổ đắt tiền. Nhiều bức tranh có khung chạm trổ cầu kỳ màu vàng óng hay màu bạc. Những bức vẽ chân dung, cảnh trí tây phương treo dầy đặc trên mặt tường màu hồng ấm áp với bề mặt lồi lõm một cách khá nghệ thuật và lạ mắt. Phòng khách mở ra khung cửa chính to với những ô kính màu sắc lấp lánh, những tấm màn treo màu nhung đỏ. Tất cả toát ra vẻ sang trọng, cổ kính nhuốm một chút bí mật nào đó mà Trinh chỉ cảm thấy nhưng không sao giải thích được, người ta hay nói những cảm tưởng đầu tiên được ghi nhận bằng giác quan thứ sáu thường thì rất chính xác hơn những điều người ta nghĩ ngợi và phân tích sau đó.
    Trinh bỗng có cảm tưởng như đang bị theo dõi bởi một người nào, cô quay lại một góc phòng và suýt la lên trong kinh hãi vì đôi mắt đang hướng về cô. Đó là một bức chân dung lớn của một người đàn ông có hai con mắt sâu đen, lạ lùng mà vừa nhìn vào Trinh đã thấy một cơn ớn lạnh chạy dài theo xương sống. Hai con mắt như đe dọa, cảnh cáo, như muốn nói lên một điều gì đó, một điều gì rất khủng khiếp làm tay chân cô bủn rủn, khiến cô muốn ngã khụy xuống. Lần đầu tiên cô cảm thấy hối hận khi đã theo ông Bếp Nhơn đến đây, đến ngôi biệt thự sang trọng nhưng âm u này, với khung cảnh xung quanh lạ hoắt không có chút gì dính dấp đến mái nhà ấm cúng, nhỏ bé của cô với đứa con gái mười bốn tuổi mặc áo dài trắng đến trường mỗi ngày. Con gái Trinh, Thúy Quỳnh là hình ảnh của cô ngày xưa với những mộng tưởng, hoài bảo của tuổi học trò. Có những ước mơ rất nhỏ bé, đơn sơ mà suốt đời con người không bao giờ đạt được và bây giờ cô hiện diện nơi này với công việc của một người bồi phòng cho một người ngoại quốc đang cư ngụ trên xứ sở mình. Có đôi lúc người ta bị dẫn dắt đi bởi một định mệnh mà mình không thể nào cưỡng lại được hay tại mình mềm yếu, lười biếng và chịu đầu hàng số phận.
    Lấy chồng năm hai mươi tuổi, mối tình bắt đầu từ thời Trung Học, trong hoàn cảnh nóng bỏng, khắc nghiệt của đất nước. Khoa khoát chiến y, chàng đổi về miền Trung được hai năm trong lòng lúc nào cùng lo sợ mất Trinh nên họ quyết định đi đến hôn nhân. Khi Thuý Quỳnh lên bảy tuổi thì Khoa tử thương trong một trận đụng độ với địch, Trinh trở về Dalat sống với cha mẹ. Cha Trinh là một công chức và Trinh phụ mẹ làm mứt bánh bán cho những cửa hàng trong thành phố, đời sống đang bình an thì cha qua đời, mẹ đau yếu, cảnh nhà bắt đầu sa sút với hai người góa phụ và một đứa con gái nhỏ. Trinh cũng không hiểu sao cô chưa bao giờ có ý định đi thêm bước nữa dù Thúy Quỳnh đã khá lớn. Rồi ông Bếp Nhơn đã khuyên cô nên vào giúp việc cho bà Denise, theo ông đây là công việc khá nhàn hạ, hơn nữa bà chủ người Pháp rất hào hiệp, rộng rãi đối với kẻ ăn, người làm. Và Trinh đã có mặt ở đây trong buổi sáng Thứ Tư với những cảm giác hỗn loạn, lo âu khi theo bà chủ lên lầu hai, rồi lầu ba của ngôi biệt thự màu đá xám với loài dây leo xanh xao, lạ lùng nằm chênh vênh, cô đơn trên lưng chừng ngọn đồi cách xa những ngôi nhà khác.

    Monique là một cô gái xinh đẹp với mái tóc vàng hoe, cô không giống mẹ nhiều lắm. Cô có nụ cười thân thiện, ấm áp, dáng người không cao, khô như bà Denise mà toát ra vẻ gợi cảm, quyến rũ. Monique ưa nói cười, luôn miệng nhại giọng nói tiếng Pháp bằng âm điệu Việt Nam của ông Bếp Nhơn. Monique lộ cảm tình đặc biệt khi gặp Trinh, cô la lên:
    - A, tôi sẽ cho cô nhiều áo quần đẹp của tôi vì chúng chật cả rồi! Rồi cô chạy lên lầu lôi xuống mấy cái valise đưa cho Trinh.
    Bà Denise lắc đầu cười:
    - Monique lúc nào cũng lăng xăng như con rối cô Jane ạ! Thật khác hẳn với thằng Wilson bạn trai nó, tuy thế con gái tôi rất tốt bụng, thương người.
    Monique làm Trinh tạm quên đi những cảm giác khó chịu ban đầu và bức chân dung người đàn ông với hai con mắt quái đản đã làm cho cô thật sự hoảng hốt khi vừa bắt gặp. Trinh bắt đầu những công việc trong nhà theo sự chỉ dẫn của ông Bếp Nhơn, bà Denise và Monique, thật ra cũng chẳng có gì là khó khăn và với số vốn liếng Pháp văn hồi còn đi học của Trinh cũng làm cho bà Denise khá hài lòng.
    Đến chiều Thứ Bảy thì Trinh được giới thiệu với Wilson và hai người bạn của anh ta. Wilson khá bảnh trai với mái tóc và màu mắt nâu, bề ngoài hơi điềm đạm, dịu dàng anh ta nói tiếng Pháp lơ lớ với Trinh:
    - Này cô Jane, cô có quen cô Lily chứ? Người hầu gái trước cô đó.
    Trinh lắc đầu:
    - Tôi không biết cô Lily chỉ nghe tên qua ông Bếp Nhơn thôi, ông ấy giới thiệu tôi làm ở đây vì cô Lily bỏ việc.
    Wilson gật gù rồi quay ra hỏi Monique bằng tiếng Anh:
    - Cô ta biết tiếng Anh không?
    Monique nhìn Trinh rồi nói:
    - Không biết nữa! Ông Bếp nói cô ta có đi học hồi xưa đó.
    Trinh không nói gì cả vì cô nhớ lời ông Bếp và bà chủ dặn: đừng tò mò chuyện của họ.
    Buổi tối, gia đình bà Denise đánh bài với Wilson cùng mấy người bạn. Một nhóm khác ngồi trò chuyện trong một phòng nhỏ sát bên phòng khách, Monique nhờ cô đem bánh ngọt và nước uống cho họ, khi vào đó Trinh phải đi qua bức chân dung người đàn ông có đôi mắt quái dị đăm đăm nhìn cô. Tim đập mạnh trong lồng ngực nhưng Trinh cố gắng lấy bình tĩnh cho bước chân được bình thường, mọi người im lặng khi thấy cô bước vào. Monique nối gót Trinh và nói to với họ bằng tiếng Anh:
    - Cô Jane là người hầu phòng mới của chúng tôi.
    Trinh cúi đầu chào mọi người, có tiếng hỏi:
    - Cô ta biết tiếng Anh không?
    Monique nhìn Trinh và cô phản ứng bằng sự im lặng như mình chẳng hiểu họ nói gì cả. Một người nào đó nói:
    - Như vậy rất tốt cho chúng ta phải không các bạn?
    Trinh không hiểu tại sao họ nói như vậy và cô lặng lẽ lui ra ngoài.

    Bà Denise nói đúng, mỗi cuối tuần Trinh được rất nhiều tiền thưởng từ khách khứa và Wilson khi cô hầu trà nước cho họ. Mọi người đều tử tế, lịch sự đối với cô nhất là Wilson và Mark (bạn của Wilson). Monique mến Trinh, Wilson muốn lấy lòng người yêu nên cũng dành nhiều ưu ái cho Trinh. Ngày Thứ Hai cô khá bận rộn vì phải thu dọn nhà cửa cho ngăn nắp lại, ngày Thứ Ba là ngày hạnh phúc nhất của Trinh vì cô được lãnh lương, chỉ làm việc chút ít và được về thăm nhà. Một tuần lễ bận rộn khá dài với những nhớ thương cô dành cho mẹ và đứa con gái yêu dấu.
    Cô thấy lòng rộn ràng, thơi thới mỗi sáng Thứ Ba khi băng xuống con đường dốc nhựa để rời xa ngôi biệt thự đá xám, cô không bao giờ dùng con đường mòn chằng chịt cỏ lau trong lần đầu tiên theo ông Bếp Nhơn đến đây. Cô luôn luôn lẩm nhẩm mấy câu thơ:
    “Cứ tìm những nẻo đoạn trường mà đi” khi nghĩ đến ông Bếp Nhơn rồi cười một mình.
    Xuống hết con dốc Trinh theo đường cái đi về nhà, con đường rộng và sạch sẽ với những ngôi biệt thự sang trọng, đẹp đẽ. Được lo cho mẹ và con là hạnh phúc tuyệt vời đối với một kẻ bình dị, hiền lành như Trinh, với số lương cùng tiền thưởng hậu hĩ kiếm được từ gia đình bà Denise đã giúp cho gia đình cô thoát khỏi những khó khăn, lúng túng trong thời gian trước. Bà Denise với bề ngoài khó chịu lại là một người đàn bà rất tốt, bà nóng tính nhưng mau quên và xử dụng tiền bạc rất rộng rãi, đó là lý do khiến ông Bếp Nhơn đã tiếp tục công việc với bà từ hơn mười năm nay.
    Người đàn ông xa lạ lại xuất hiện khi Trinh băng ra đường chính. Trinh không nhớ từ bao giờ mình đã chú ý đến anh ta, một người đàn ông cao gầy khoảng ngoài ba mươi tuổi, quần áo giản dị nhưng sạch sẽ hay qua lại quãng đường này. Gặp nhau nhiều lần nên thỉnh thoảng anh ta cúi đầu chào Trinh và cô cũng đáp lễ, anh ta có hai con mắt nhuốm đầy vẻ suy tư đôi lúc ánh lên một tia nhìn sáng quắc, đôi môi mỏng hay mím chặt, nụ cười hiếm hoi không xóa được nét đăm chiêu trên khuôn mặt. Có lần Trinh thấy anh ta đi xe đạp, chiếc xe đua cũng cao lêu khêu như chủ của nó, lần đó anh mời Trinh giọng khá lịch sự:
    - Nếu cô không ngại tôi có thể cho cô quá giang một đoạn.
    Trinh lắc đầu từ chối:
    - Xin cảm ơn ông, tôi muốn tản bộ một chút vì không có gì vội vã cả.
    Người đàn ông xa lạ gợi chuyện:
    - Cô ở gần đây à?
    - Cách đây độ nửa giờ, tôi làm việc trên kia kìa.
    Người đàn ông không hỏi thêm gì nữa ngoài những chuyện mưa nắng bâng quơ. Đến con đường rẽ ra phố, anh ta chào Trinh rồi nhanh nhẹn nhảy lên xe đạp phóng đi mất. Nhiều tuần lễ sau, một sáng Thứ Ba Trinh lại gặp anh ta, có đôi ba tuần anh ta biệt dạng rồi lại xuất hiện. Cũng những lời thăm hỏi bình thường với âm điệu nhẹ nhàng, êm dịu, rồi người đàn ông lại đạp xe mất hút trên một khúc đường nào đó.

    Công việc của Trinh cũng lặng lờ êm trôi trong ngôi biệt thự đá xám, cô đã thuần thục với những hoạt động thường ngày và thông cảm tính khí cùng thói quen của những nhân vật ở đó. Bà Denise hay giận dữ to tiếng nhưng không bao giờ hờn dỗi ai đến quá nửa giờ, bà gọn gàng ngăn nắp và hay xếp đặt, tìm kiếm những vật dụng, thư từ, hình ảnh hay sách báo cũ. Bà là người hoài cổ như hầu hết những người phụ nữ già có một quá khứ huy hoàng, tuyệt vời, lộng lẫy nhan sắc (hay tại bà nghĩ thế). Bà khoe Trinh những quyển Album đầy hình ảnh trắng đen của bà trong những ngày xưa cũ, bà hãnh diện một cách dễ thương khi được Trinh khen tặng. Cô nghĩ rằng đâu có gì xấu xa khi mình mang lại hạnh phúc cho một người đàn bà đáng tuổi mẹ đang lấy quá khứ để làm niềm vui cho hiện tại. Chồng bà đã có vợ khác đang sống bên Pháp và bà luôn nói: ông chồng cũ là một người đàn ông tồi tệ nhất bà chưa bao giờ gặp trên thế giới này!
    Monique thì ồn ào, cười nói luôn mồm, cô không biết thế nào là ngăn nắp, thích uống bia rượu, thích làm vui lòng mọi người. Cô là người con gái rất dễ thương, đa cảm và hơi nông nổi, trái lại Wilson bạn trai cô thì ít nói, cẩn trọng và lịch sự quá mực dù là đối với kẻ ăn, người ở. Anh ta luôn nói lời cảm ơn, đôi lúc hơi nghiêm trang nhất là với những người bạn Mỹ thỉnh thoảng hay đến uống trà hay đàm đạo với nhau trong căn phòng nhỏ gần phòng khách. Bên ngoài những người khác say sưa khiêu vũ, chơi Domino hay uống rượu đến hai, ba giờ sáng.
    Thấm thoát đã gần tròn năm Trinh làm việc với gia đình bà Denise và một ngày kia bà báo tin là sẽ về Pháp độ một tháng cùng Monique, Wilson. Trong thời gian đó Trinh sẽ tạm nghĩ việc và bà hứa trả cho Trinh nửa tháng lương.
    Mối quan hệ giữa Trinh và Dũng- người đàn ông Trinh hay gặp trên con đường về nhà mỗi Thứ Ba - cũng trở nên thân mật hơn, thân mật trong giới hạn bạn bè bởi thật sự Trinh không biết nhiều về Dũng. Dũng chưa bao giờ nói với cô về hoàn cảnh gia đình, vợ con hay nghề nghiệp, còn về cô thì Dũng gần như đã biết rõ hết vì cô thấy chẳng có gì phải dấu diếm, cô không xấu hổ khi phải làm công việc hầu phòng để giúp đỡ gia đình dù rằng Trinh là người có học. Thực tế thì những người trong gia đình bà Denise đã đối xử với cô một cách khá đặt biệt vì sự khả ái và siêng năng của cô.
    Khi Trinh nói những suy nghĩ của mình về gia đình bà Denise, Dũng chỉ mỉm cười và hỏi:
    - Bộ Trinh định làm ở đây hoài sao?
    - Tại sao không, khi Trinh có cơ hội để giúp đỡ mẹ và lo cho con ăn học. Tại anh không biết những sự khó khăn của gia đình Trinh trước đây, nếu không có ông Bếp Nhơn giới thiệu việc làm này không hiểu gia đình Trinh sẽ ra sao nữa.
    Dũng cao giọng:
    - Xã hội dẫy đầy sự bất công, một người đàn bà đã từng đến trường như Trinh giờ phải đi làm một công việc không lấy gì làm cao trọng để nuôi thân cho nên xã hội này cần phải được cải tạo càng sớm càng tốt.
    Trinh cãi lại:
    - Chẳng có nghề nào là xấu cả nếu nó lương thiện. Vả lại chính Trinh chọn chứ có ai bắt buộc đâu mà gọi là sự bất công của xã hội, mà nói cho cạn cùng thì có ai hành hạ hay bạc đãi Trinh đâu mà than phiền, ta thán.
    Dũng nói một cách hằn hộc:
    - Trinh hãy cẩn trọng với thằng Wilson và lũ bạn bè của nó không thôi lại ân hận cả đời. Anh không ưa tụi Mỹ đâu!
    Trinh ngạc nhiên nhìn Dũng:
    - Wilson là một người đàn ông lịch sự chưa bao giờ có thái độ cợt nhã với Trinh, bạn gái Wilson lại là một cô gái trẻ trung xinh xắn, Trinh đâu còn trẻ dại gì mà anh lại nói vậy. Họ sắp về Pháp để làm đám hỏi hay đám cưới rồi.
    Dũng hỏi nhanh:
    - Chừng nào họ đi và đi bao lâu?
    - Chắc hai tuần nữa, nghe đâu cả tháng mới trở về Việt Nam lại!
    Dũng thắc mắc:
    - Đám cưới xong chưa chắc gì thằng Wilson sẽ ở nhà mẹ vợ đâu, bạn bè nó cũng chẳng đến đây thường nữa. Hình như nó làm giám đốc ở cơ quan gì đó mà?
    Trinh lắc đầu quầy quậy:
    - Trinh không biết đâu mà cũng chẳng cần thiết phải biết. Ông Bếp Nhơn, mẹ và chính bà Denise cũng khuyên Trinh đừng tò mò vào chuyện kẻ khác.
    Dũng lại hỏi:
    - Bà Denise cũng nói vậy à? Mà tò mò việc gì cơ chứ, bà chủ thật lẩn thẩn.
    Trinh cười:
    - Bà chỉ dặn phòng vậy thôi, Wilson luôn luôn hỏi Trinh có biết và hiểu tiếng Anh không, Trinh chỉ làm thinh thôi. Có lẽ họ không muốn mình nghe những câu chuyện của họ. Họ hay tập hợp để uống trà nói chuyện trong căn phòng nhỏ lắm!
    - Họ là ai?
    - Bạn của Wilson chứ ai, chắc làm cùng cơ quan với nhau.
    Dũng bổng mĩm cười:
    - Bạn của Wilson có thằng nào để ý đến Trinh không?
    Trinh đỏ mặt:
    - Thôi anh đừng nói vớ vẫn nữa, Trinh không thích nghe những lời đùa cợt như vậy đâu, chỉ muốn yên thân lo cho gia đình thôi và nhất là không thích xía vào chuyện của người khác.
    Tuy nói thế nhưng cô lại liên tưởng đến Mark, anh ta hay nhìn cô bằng hai con mắt xanh thẫm chan chứa tình cảm. Cô xua đuổi ngay ý nghĩ đó ra khỏi đầu khi nhớ đến người chồng vắn số của mình.
    Mặt Dũng chợt sa sầm xuống, đôi mắt nhìn trừng trừng vào khoảng không như đang theo đuổi một ý nghĩ nào đó. Một lát sau Dũng từ giã Trinh lên xe đạp phóng nhanh. Trinh hơi ngạc nhiên vì thái độ hằn hộc và những câu hỏi tò mò tọc mạch của Dũng đối với Wilson. Hay là Dũng hờn ghen với Wilson, Mark điều đó cũng có lý nhưng tại sao biết nhau cũng hơn nửa năm Dũng chưa bao giờ có ý định đến nhà Trinh chơi để thăm mẹ và con gái cô. Cũng có đôi lần Trinh nói về mối quan hệ giữa cô và Dũng thì mẹ cô đều khuyên rằng: phải thận trọng với những người đàn ông mà mình chưa biết nhà cửa cùng thân thế.
    Một sáng Thứ Ba, Monique chở ông Bếp Nhơn đi chợ về thì gặp Trinh đang đi với Dũng trên đường, Monique không dừng lại mà chỉ bấm còi inh ỏi rồi la lên:
    - Cô Jane có bạn trai ông Bếp ơi! Ông biết người đàn ông đó không?
    Ông Nhơn thành thật:
    - Tôi thấy quen quen, hình như đôi lúc anh ta quanh quẩn đâu đây.
    Mà gã đàn ông đó trông quen thật, ông cố đào óc ra để nghĩ mà không tài nào nhớ được. Điều ông vô cùng ngạc nhiên là sao gương mặt Trinh lúc ấy có vẻ giận dữ, khó chịu như đang cãi nhau với gã đàn ông. Trinh chưa bao giờ đề cập đến người bạn trai nào trong những lúc trò chuyện cùng ông. Với ông Bếp Nhơn, Trinh là một người con gái dịu dàng, thuỳ mị mà ông thương yêu như con ruột, ông có dự định ngày mai Thứ Tư sẽ hỏi cô về người này.
    Khi xe đậu trước sân, ông Bếp đang lúi húi khiêng đồ đạc thì Wilson từ trong nhà chạy ra, sự xuất hiện bất thường của anh ta làm Monique ngạc nhiên:
    - Ủa, sao anh có mặt giờ này?
    Wilson vừa ôm Monique vừa nói:
    - Anh đi họp nên tiện thể ghé thăm em một chút.
    Monique nắm tay Wilson kéo vào nhà:
    - Anh có thể dùng bữa trưa với mẹ và em nhé?
    - Nhưng cô Jane về nhà rồi, anh không muốn em bận rộn đâu.
    Monique vui vẻ nói:
    - Không có chi, mà Wilson ơi! Em vừa thấy cô Jane với người bạn trai trên đường đó.
    - Thật là một tin tức thú vị, tuy nhiên chồng chết đã lâu cô ấy có quyền làm lại cuộc đời chứ. Mark chắc buồn lắm, nó thích cô Jane mà không dám nói vì cô ta nghiêm trang quá!
    Monique chật lưỡi:
    - Tội nghiệp cho Mark ghê đi!
    Một lát sau bà Denise cũng biết chuyện Trinh có bạn trai, bà nói ngày mai sẽ bảo Trinh giới thiệu người đàn ông cho cả nhà biết để chia vui với cô. Ngày mai là ngày Thứ Tư.
    Trinh về nhà nét mặt không được vui vẻ như thường lệ, người mẹ nhận thấy sự bất thường nơi con gái, bà hỏi về Dũng nhưng Trinh lộ vẻ không vui khi nghe đến cái tên này. Cả đêm cô trằn trọc không ngủ được chút nào và sáng hôm sau cô dậy thật sớm thắp nhang cho cha và đứng lặng người trước khung ảnh của người chồng quá cố.
    Hôm nay là sáng Thứ Tư, ngày bắt đầu cho tuần lễ làm việc của cô. Trinh chợt cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Cô không muốn đến nhà bà Denise nữa. Hình ảnh bức tường xám xịt với loài dây leo bám dầy đặc, bước chân dung người đàn ông có hai con mắt thâm đen quái đản gần căn phòng nhỏ làm Trinh có cảm giác phiền muộn khi liên tưởng đến. Có một điều gì đó đè nặng trên tâm tư, trí óc và những giác quan của cô, điều lạ lùng như một hố sâu thâm thẫm cuốn hút cô vào nổi tuyệt vọng cô đơn vô cùng tận, cô cảm thấy ngộp thở. Sự sợ hãi len lỏi trong từng ngõ ngách tế bào làm Trinh muốn khóc, muốn thoát ra một nổi ám ảnh ghê rợn nào đó và đồng thời cảm thấy sự vô vọng, bất lực với chính mình.
    Như từ một nơi xa xôi nào tiếng người mẹ vọng về:
    - Con sao vậy?
    - Con thấy quá mệt mỏi, chán chường và không muốn đến ngôi biệt thự đó nữa mẹ à! Con linh cảm có một điều gì thật gớm ghiếc, kinh tởm sẽ xảy ra.
    - Những người ngoại quốc hay người con quen giữa đường? Mẹ muốn con cẩn trọng với người đàn ông con hay gặp, cậu ta là ai?
    Cô thở dài:
    - Mẹ nói đúng, phải cẩn thận khi quen với một người mà mình không biết gì về thân thế của họ. Có lẽ sau khi bà Denise đi Pháp về con sẽ xin nghĩ luôn, rồi mình tìm một việc khác mà sống như thế tốt hơn mẹ ạ. Tuần sau bà chủ đi rồi, con có cảm tưởng mình là một con ruồi đang mắc vào cái lưới nhện không thể nào thoát ra được đâu!

    Cuối cùng thì Trinh cũng phải đi làm, chỉ một tuần lễ nữa thôi và sẽ không bao giờ còn một buổi sáng Thứ Tư như thế này nữa đâu. Cô bỗng giật mình khi liên tưởng đến cái tên Lily mà bà Denise hay Wilson hay nhắc đến. Cô chợt thấy như mình đã khám phá ra tất cả, bởi chính bây giờ cô đã biến thành Lily của ngày trước, Lily đã vội vã ra đi bỏ quên lại xâu chuổi và chiếc thánh giá dù cô ta là một người ngoan đạo. Và chắc chắn Dũng đã đề nghị với Lily những điều anh ta đã đề nghị với cô vào sáng hôm qua trên đường về nhà.
    Trinh định quay lại nhà nhiều lần nhưng nghĩ đến tuần tới bà Denise sẽ đi Pháp cô bỏ ý định đó. Có điều quan trọng về Dũng mà cô đang dấu mẹ và Thúy Quỳnh, cô không muốn họ lo sợ nhiều vì mình, dù sao Lily cũng có một người đàn ông để tâm sự: đó là cha cô ta. Trong những hoàn cảnh khó khăn người đàn ông bao giờ cũng có những quyết định sáng suốt, dứt khoát, cứng rắn vì họ sống nhiều bằng lý trí. Cô nghĩ đến gia đình mình và ứa nước mắt, không có ai giúp được cô trong lúc này. Đến khi cô biết Dũng là ai thì mọi việc đã muộn màng. Còn ông Bếp Nhơn, phải rồi chỉ còn ông ta có thể giúp cô mà thôi, Trinh bước đi thật nhanh nôn nóng gặp người đàn ông cô xem như cha ruột của mình.

    Khi ông Bếp Nhơn vô nhà chính thì tất cả im lặng như tờ, ông gõ cửa phòng Trinh không thấy ai trả lời nên đẩy nhẹ cánh cửa bước vào. Cái túi xách đặt trên giường nhưng chẳng thấy Trinh đâu cả, nghĩ rằng cô đang dọn dẹp trên lầu nên ông yên trí trở về nhà bếp. Không biết bao lâu ông nghe có tiếng chân ai chạy hối hả từ trên nhà xuống, chưa kịp quay lại ông đã giật mình vì tiếng kêu to:
    - Ông Bếp, ông Bếp, cô Jane đâu rồi!
    Ông chưng hửng khi trông thấy bà Denise xuất hiện trước khung cửa, ông ngạc nhiên nói to:
    - Tôi không biết, tôi tưởng cô ấy ở trên lầu với bà.
    Bà Denise nói bằng giọng điệu nghiêm trọng:
    - Không có, tôi tìm khắp nơi rồi hay cô ta lại bỏ việc như cô Lily chăng? Mà không phải, vì tôi thấy cái xách cô ta trong phòng.
    - Tôi cũng thấy như bà vậy.
    Đến trưa Monique đi làm về họ vẫn không thấy tăm dạng của Trinh đâu cả, Monique điện thoại cho Wilson và Mark. Họ kêu cảnh sát đến và cuối cùng thật là ghê rợn: họ tìm thấy xác chết của Trinh bị ném trong hồ chứa nước uống, cổ bị chặt nhiều nhát bằng chiếc búa tạ nằm sâu dưới đáy. Khi người ta kéo thân thể Trinh ra ngoài, bà Denise rú lên những tiếng rùng rợn rồi ngất xỉu. Monique khóc ngất và đi không nổi trong cánh tay của Wilson. Ông Bếp Nhơn lặng người vì cái chết khủng khiếp của Trinh, ông ói ra mật xanh, mật vàng khiến Mark phải đỡ ông nằm xuống giường. Mark khóc trong lặng lẽ, thẩn thờ nhìn thân thể ướt đẫm, loang máu của người thiếu phụ dịu dàng, hiền hậu mà bấy lâu này anh đã dành cho một tình cảm vô cùng trìu mến thân thương.
    Ai giết cô Trinh, câu hỏi rơi vào ngõ cụt. Một cái chết khủng khiếp đã xảy đến cho một người đàn bà hiền lành vô tội, bà Denise hóa ra điên loạn sau cái chết của người hầu gái, người ta đưa bà về Pháp với Monique, Wilson. Mark từ giã Việt Nam sau khi đã tìm đến nhà mẹ Trinh để biếu bà một món tiền lớn. Ngôi nhà bỏ hoang, những người Mỹ của năm xưa không còn nữa. Không ai biết thủ phạm trong vụ án mạng rùng rợn đó. Ông Bếp Nhơn và mẹ Trinh có nhắc đến người đàn ông lạ đã đi với Trinh trên con đường về nhà những buổi Thứ Ba và có một đứa bé chăn bò quả quyết rằng nó trông thấy Trinh đứng dưới con dốc và to tiếng với một người đàn ông cao cao vào buổi sáng sớm Thứ Tư trước khi cô chết. Người ta muốn tìm hiểu về anh ta nhưng đáng tiếc chẳng có dấu vết gì cả và bằng linh cảm của tình mẫu tử thiêng liêng mẹ Trinh luôn nghĩ rằng người đàn ông lạ đó là nguyên nhân đã mang đến cho con bà cái chết thảm khốc.
    Khi một người biết về người khác quá nhiều và không muốn cho ai biết về mình là một chiếc bẩy đã được giăng lên. Ngôi biệt thự đá xám ngày càng thêm âm u bởi loại dây leo chằng chịt dị kỳ, mọi người tránh xa nó như tránh xa một loài quái vật mà thật ra tường đá xám xịt, loài dây leo xanh xao, những khung cửa kính hình cánh cung chỉ là những vật vô tri, vô giác, vô tội. Tội lỗi là những sinh vật mang tên con người với những ý nghĩ, tư tưởng, hành động tàn ác. Loài sinh vật biết trang điểm, vẽ vời, trau chuốt cho chính mình từ thể xác đến tâm hồn, biết ngụy trang, tôn vinh, ẩn nấp. Loài sinh vật với lòng tự cao, tham vọng vô cùng tận, loài sinh vật luôn nở những nụ cười dịu dàng, nhân ái như mong ước đem hết yêu thương trao cho mọi người. Mà thật là loài sinh vật ấy đã vấy máu đồng loại, đã vấy máu một người đàn bà tay yếu chân mềm, không có phương tiện hay sức mạnh để tự bảo vệ mình.
    Ai đã giết cô Trinh?Câu hỏi không có tiếng trả lời, đó là buổi sáng Thứ Tư cuối cùng của một kiếp người bất hạnh. Người ta nói bà Denise nổi cơn khùng giết người hầu phòng, luật pháp không xử án một người điên. Người ta nói Wilson là một nhân vật quan trọng của cơ quan tình báo Mỹ với bề ngoài dịu dàng, trầm lặng là một bộ óc tinh tế, thông minh và nguy hiểm đáng sợ. Người ta cũng nói đến người đàn ông bí mật tên là Dũng đến và đi như một bóng ma không lưu lại dấu vết nào cả có thể là một nhân vật nằm vùng. Ông Bếp Nhơn thì quả quyết rằng đó là người ông đã từng gặp đâu đó nhưng với trí óc đã suy kém của một người già ông không nhớ ra được. Niềm bí ẩn được chôn vùi theo cái chết cô Trinh, cũng có thể một người nữa biết sự bí mật của cái chết trong ngôi nhà đá xám đó là cô Lily, người đã bỏ đi một cách vội vã, quên xâu chuổi có hình Chúa thọ hình trên cây thánh giá, người không bao giờ trở lại vào buổi sáng Thứ Tư hôm sau mà Wilson đã có lần nhắc tới. Cũng không ai biết rằng có mối quan hệ nào giữa cô Lý và Dũng không, người đàn ông hay nói đến sự cải tạo cái xã hội bất công này, người đàn ông lúc nào cũng lý luận, loại lý luận một chiều của người cộng sản. Còn Monique người con gái Pháp với vẽ quyến rũ, ngây thơ vô tội! Còn Mark người đàn ông có đôi mắt dịu dàng, đầm ấm. Còn những người Mỹ và căn phòng nhỏ gần bức chân dung đàn ông đã làm Trinh hoảng sợ muốn bỏ cuộc từ ngày Thứ Tư đầu tiên. Phải chăng cuộc đời vẫn có những tín hiệu báo trước mà con người đã không nhận thấy hay cố ý lờ đi vì lý do nào đó. Dưới ánh sáng mặt trời vẫn có những sự bí mật không bao giờ được khám phá.

    Mimosa Phương Vinh.
    Berryhill, TN - USA
    Last edited by chimtroi; 01-02-2013, 02:35 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X