Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Quân sử Không Quân

Collapse
X

Quân sử Không Quân

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Quân sử Không Quân

    TỔ CHỨC KHÔNG-QUÂN (51-56)
    CỦA QUÂN LỰC VIỆT-NAM CỘNG HÒA

    Gman

    Đây là một đề tài khô khan, lại đưa ra nhiều tranh luận, nhưng rất cần cho nhu cầu quân sử. Nó cũng giúp cho nhiều anh em trong KQVN giải quyết được nhiều thắc mắc. Vì vậy, người viết bài này cố gắng sưu tầm tài liệu, hỏi han nhiều người nay đã ẩn dật, và nhất là tìm nhớ lại trong ký ức của mình. Chắc chắn còn nhiều khuyết điểm và cần đến sự bổ túc của nhiều người. Vì sự bao la của đề tài nên chỉ bằng lòng với cách "nhớ đến đâu, viết đến đó". Và như vậy, không bảo đảm rằng một bài có thể nói lên hết được những gì cần nói về lịch sử quân chủng của chúng ta.

    Tại Sao Phải Thành Lập Quân Đội Quốc Gia?

    Sự trao trả độc lập cho các thuộc địa cũ là một nhu cầu chiến lược khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt.
    Thế Chiến Thứ Hai đã nhằm mục đích tiêu diệt Phát Xít Đức, Phát Xít Ý và Phát Xít Nhật. Trong Thế Chiến Thứ Hai, Liên Sô là Đồng Minh của Mỹ, Anh, Pháp và Trung Hoa. Đồng Minh vì sự sống còn của các nước này trước sự đe dọa của phe phát xít mà còn được gọi là phe Trục. Muốn tiêu diệt Đức Quốc Xã phải có sự tham gia của Liên Sô từ lúc đầu. Trung Hoa là nước bị Nhật xăm chiếm đầu tiên, vì Nhật thời ấy đã làm chủ tại Triều Tiên và Mãn Châu và gọi là mượn đường Trung Hoa để đánh róc xuống tới Nam Dương. Khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) thì Mỹ bắt buộc tuyên chiến với Nhật, trong khi đó, Mỹ đã phải giúp Anh Pháp giữ nguyên trạng tại Âu Châu là vì quyền lợi của Mỹ tại đây không chấp nhận để nhà độc tài Hitler thống nhất Âu Châu dưới sực chuyên quyền của dân Đức. Giải quyết được Phát Xít rồi thì cuộc chiến khác lại nẩy mầm. Đó là sự tranh chấp ý thức hệ giữa hai khối Tư Bản và Cộng Sản, là cuộc chiến tranh lạnh kéo dài từ 1945 cho đến 1989. Khi giải quyết Thế Chiến Thứ Hai, người ta thấy rõ rằng Liên Sô nhân cơ hội bành trướng ảnh hưởng của mình, xua quân chiếm nhiều lãnh thổ của các nước bị chà qua sát lại trong Thế Chiến Thứ Hai như các nước Đông Âu. Về hướng Đông của Liên Sô, chỉ vào phút chót khi thấy Mỹ sắp sửa thắng Nhật thì Liên Sô cũng tuyên chiến với Nhật để giành lấy một số đất đai phía Bắc Trung Hoa và các hải đảo của Nhật. Phải nói là không ai bằng Liên Sô nhân cơ hội cướp lấy nhiều chiến tích mà phần lớn đều do công của Mỹ. Ảnh hưởng của Liên Sô từ Đông sang Tây chiếm đến 12 múi giờ, giống như trước kia Hoàng Gia Anh tự hào "Mặt Trời không bao giờ lặn trên lãnh thổ Hoàng Gia". Lẽ dĩ nhiên, bọn cộng sản không khi nào dừng chân ở đó, và thế lực bành trướng gia tăng theo chiêu bài "vô sản các nước, đoàn kết lại" của bọn Đế Quốc Đỏ.
    Những nước kế tiếp, mồi ngon của chủ nghĩa cộng sản, là các cựu thuộc địa, vừa nghèo, vừa có trình độ văn hóa thấp kém, vừa có nhu cầu dành độc lập, đánh đũi thực dân ra khỏi bờ cõi quê hương mình. Và họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ qua phong trào "nghĩa vụ quốc tế" của họ. Vì vậy, Mỹ thôi thúc Anh và Pháp là hai nước có nhiều thuộc địa nhất phải thành lập quân đội cho các thuộc địa cũ trước khi trao trả độc lập cho họ. Nói cách khác, một quân đội không có đối tượng quốc phòng mà chỉ là một biểu tượng cho một nước có độc lập tự chủ. Tuy vậy, vì đã trả tự do cho các thuộc địa cũ, các nước đó vẫn duy trì được mối quan hệ chính trị và kinh tế mật thiết với các nước đô hộ cũ, còn hơn là để các nước đó rơi vào sự kềm kẹp không thể nào rứt ra được của cộng sản. Để làm gương, Mỹ đã trả độc lập cho Phi Luật Tân, đã cho dân chúng Phi Luật Tân chọn lựa, hoặc là độc lập, hoặc là trở thành một tiểu bang của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, và dân chúng Phi Luật Tân đã trưng cầu dân ý để trở thành một quốc gia độc lập từ sau Thế Chiến Thứ Hai. Anh cũng đã trả độc lập cho Ấn Độ, Mã Lai Á,...và nhiều nước khác ở Phi Châu và Nam Mỹ. Hòa Lan cũng trả độc lập cho Nam Dương...Chỉ có Pháp là chậm trễ trong việc thi hành kế sách này.

    Pháp Thành Lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam :
    Trong Thế Chiến Thứ Hai, Pháp là một nước bại trận, bị Đức Quốc Xã xăm chiếm, đất nước bị tàn phá nhiều vì chà qua sát lại, nên chi sự tái thiết hậu chiến tương đối cam go. Phần lớn tài sản của Pháp trong nước đều đã bị cướp phá. Chỉ còn tài nguyên thiên nhiên phong phú của các thuộc địa, nên thật là không đành khi bảo Pháp trả độc lập, nhất là Đông Dương là nơi trù phú nhất. Đồng bạc Đông Dương lúc đó là đồng "Piastre" có giá trị bằng 17 quan Pháp gọi là "Franc". Vì thế, Pháp đã theo gót quân đội Anh sang giải giới quân Nhật ở Việt Nam để đưa quân tái chiếm vùng đất này từ ngã sông Tiền Giang (Mekong) và từ đó bành trướng ra khắp nơi một cách nhanh chóng vào năm 1945. Trung Hoa giải giới Nhật ở Bắc vĩ tuyến 17 , sau đó rút quân về phương Bắc, trả lại vùng đất cho Pháp. Ở Việt Nam, Mặt Trận Việt Minh(Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội) gồm nhiều đảng phái chính trị đứng lên dành độc lập cho Việt Nam, trong đó có Đảng Lao Động do Hồ Chí Minh lãnh đạo mà Pháp cũng biết rõ, vì Hồ Chí Minh đã gia nhập đảng cộng sản Pháp. Các đảng phái không cộng sản đều bị Hồ Chí Minh mượn tay Pháp thủ tiêu dần dần. Và Pháp phải tốn nhiều nhân lực và tài lực để chiến đấu xa xôi với một sự tiếp vận càng ngày càng suy yếu vì chiến tranh du kích là một cuộc chiến bắt đầu làm tiêu hao lực lượng đối phương để đi dần đến vận động chiến khi đã có đủ thực lực. Dù Pháp được Mỹ yểm trợ về vũ khí đạn dược, nhưng cuộc chiến trở thành lỗ vốn với thời gian nên Pháp đành phải ký Hiệp Định Genève 1954, chia đôi Việt Nam thành hai mãnh trên dưới vĩ tuyến 17.
    Người viết bài này không nghĩ rằng Pháp đã muốn thành lập quân đội quốc gia cho Việt Nam, nhưng vì thiếu quân nên phải sử dụng lính Việt Nam thay vào chỗ lính Lê Dương, Maroc, Senegal vì vấn đề chuyển vận từ Phi Châu và Pháp sang rất khó khăn. Do đó, các tiểu đoàn bộ binh Việt Nam từ từ được thành lập từ những năm đầu thập niên 50. Người Việt bị bắt lính từ Nam ra Bắc. Trong Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp thì không có sự chọn lựa nào cả, bắt buộc phải đi lính. Bắc phần và Trung phần thuộc Bảo Hộ Pháp. Lực lượng Việt Nam các nơi đó được gọi là Bảo Chính Đoàn ở Bắc phần, Việt Binh Đoàn ở Trung phần, và Vệ Binh Đoàn ở Nam phần. Thường là gia nhập các lực lượng đó, hai là trốn vào chiến khu theo Việt Minh. Tùy lập trường từng người, và tùy có biết được là Cộng Sản đứng sau lưng bình phong của Việt Minh hay không, nên có số người theo Việt Minh. Những người gia nhập vào Quân Đội Quốc Gia thường là những người ở các thành thị, những người có gia đình hoặc là tư sản hoặc là địa chủ, hoặc có chút học thức (trí thức) nên không thể sống chung với cộng sản được, và cũng không thể tránh né chế độ động viên (draftees). Thành phần gia nhập Quân Đội Quốc Gia là thành phần không chấp nhận sống theo chế độ cộng sản. Song song với sự thành lập đơn vị Lục Quân, Không Quân cũng có Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang là một trong các đơn vị đầu tiên. Tuy vậy, các đơn vị Việt Nam trước được chỉ huy bằng một nhóm nòng cốt cán bộ Pháp rồi lần lượt trao quyền chỉ huy sau, và còn giữ lại một số cố vấn quân sự mãi cho đến tháng 6-1957. Do đó, khó mà nói được rằng Không Quân Việt Nam được thành lập từ năm nào. Tại sao lại có người được huấn luyện trước khi KQVN được thành lập? Sở dĩ cho huấn luyện các đơn vị Việt Nam là vì để lợi dụng giúp Pháp giải quyết vấn đề nhân lực cho chiến tranh phục hồi ách thống trị của Pháp, và cũng phần nào lấy cớ phải huấn luyện lâu dài mới thành lập quân đội được. Cái cớ thứ hai là vì Việt Minh có nhiều thành phần Cộng Sản, nên không thể trả độc lập để Việt Nam lọt vào phe cộng. Mâu thuẫn giữa Mỹ và Pháp rất gây go. Mỹ bỏ tiền giúp đỡ Pháp hoàn thành công cuộc xây dựng quân đội quốc gia Việt Nam bằng cách trả tiền cho Pháp để huấn luyện chuyên viên Không Quân, và ta đã thấy có nhiều khóa huấn luyện tại Maroc và tại Pháp. Trong bài viết về "Các Khóa Học Trường Pháp" có liệt kê tất cả khoảng 60 người được gửi sang Marrakech(Maroc) để học lái máy bay và 60 người được gửi sang Salon (Pháp) để học các ngành sĩ quan phi hành và không phi hành khác. Ngoài ra, rất nhiều người theo học tại Rochefort, Auxerre, Chamberry, Fez về các chuyên môn cơ khí, điện tử, truyền tin...trên đất Pháp và Maroc, gồm hằng ngàn khóa sinh. Những khóa lẻ tẻ như khóa ở Aulnat và Bordeaux của Phạm Phú Quốc học cũng lên đến 50 người tuy chỉ có 13 người tốt nghiệp ngành lái. Tại TTHLKQ/Nha Trang cũng đào tạo được vài khóa hoa tiêu và quan sát viên, và một số chuyên viên kỹ thuật. Trong thời gian này, Trung Tướng Nguyên Văn Hinh là vị Tham Mưu Trưởng Liên Quân của Quân Đội Việt Nam, tuy ai cũng biết rằng ông là công dân Pháp. Như thế, nhìn mặt ngoài thì cũng có tổ chức một quân đội quốc gia, nhưng tình thật thì do Pháp chỉ huy tổng quát và hành quân đánh Việt Minh là một mặt trận cộng sản.
    Mãi cho đến khi Hiệp Định Genève ký kết, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm về nước vào năm 1954, cho đến 1956 mới thành lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa, bầu cử Tổng Thống, và từ đó(năm 1956), mới có thể nói là có quy chế quân đội quốc gia hẳn hoi, với phù hiệu và cấp hiệu sĩ quan riêng biệt của mình. Và vị Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là Tướng Lê Văn Tỵ. Từ 20-7-1954, quân số miền Nam là 250,000 người. Vào năm 1956, đáng lý ra, theo Hiệp Định Genève, có tổ chức bâøu cử để thống nhất đất nước. Nhưng vì nhiều lý do riêng, hai miền đã đổ lỗi cho nhau để hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý này. Cũng từ đó, Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam tỏ thiện chí hòa bình với miền Bắc, giảm quân số xuống còn 150,000, do đó có một số người trừ bị đã được giải ngũ (100,000 quân). Quân số Không Quân trước khi chính thức thành lập có thể lên đến gần 3,000 người, kể cả thành phần còn đang thụ huấn bên Pháp.

    Tóm lại, cũng như quân đội quốc gia, Không Quân được thành lập dưới thời thuộc địa theo nhu cầu thành lập một biểu tượng quốc gia độc lập để chóng cộng, theo sự khuyến cáo của Hoa Kỳ và sự thực hiện nửa vời của chánh phủ Pháp. Trong thời gian từ 1950 đến 1954, những cánh chim đầu tiên Việt Nam bay hành quân dưới sự chỉ huy của quân đội Pháp, và hầu hết đều do Pháp chỉ huy. Sau Hiệp Định Genève, từ 1954 đến 1956, Không Quân Việt Nam toàn quyền chỉ huy các đơn vị mà Pháp bàn giao, dưới sự cố vấn quân sự Pháp cho đến 1-6-1957. Người viết bài này không thể xác định được ai là những vị chỉ huy đầu tiên của các đơn vị KQVN và chi tiết về các đơn vị này. Theo cựu Đại Tá Huỳnh Minh Quang, người đã có mặt trong tổ chức Phòng Không Quân (Département Air) thuộc Bộ Tham Mưu Liên Quân do Tướng Nguyễn Văn Hinh làm Tham Mưu Trưởng Liên Quân, chính ông Nguyễn Khánh là người đầu tiên được Tướng Nguyễn Văn Hinh bổ nhiệm vào chức Trưởng Phòng Không Quân. Ông Nguyễn Khánh tốt nghiệp Trường Võ Bị Lục Quân Pháp Saint Cyr. Có người cho rằng KQVN được chính thức thành lập vào ngày 1-7-1956 và vị Phụ Tá Không Quân đầu tiên là Trung Tá Trần Văn Hổ (Paul).
    Trên đây là bối cảnh chính trị của đất nước khi KQVN của QLVNCH được thành lập. Sau đây là thành phần tổ chức khi KQVN vừa được thành lập:
    TỔ CHỨC KQVN 51-56

    Quan Niệm:
    KQVN được tổ chức theo mẫu mực của Pháp để lại. Theo Pháp, phối trí các căn cứ trợ lực làm đầu cầu tiếp vận tiếp đón các đơn vị chiến đấu từ khắp nơi biệt phái đến theo nhu cầu chiến trường. Các đơn vị chiến đấu có khả năng hoạt động, xuất phát từ hậu cứ hoặc biệt phái bổ sung tùy nhu cầu chiến trường đến một căn cứ khác. Cấp bảo trì và tiếp liệu tùy thuộc từng đơn vị, đoàn, liên đoàn, không đoàn hay sư đoàn. Tại chiến trường Việt Nam từ 1945 đến 1954, Pháp chỉ tổ chức đơn vị chiến đấu cấp đoàn hay liên đoàn. Các đơn vị chiến đấu được điều động qua một hệ thống chỉ huy hành quân của GATAC nơi mình đồn trú. Nói cách khác, GATAC (Groupe Aérienne Tactique) là đơn vị chỉ huy chiến thuật vùng, như GATAC Nord thuộc Vùng Bắc, và GATAC Sud thộc Vùng Nam, và GATAC có quyền điều động các đơn vị chiến đấu và ban hành chỉ thị tiếp vận cần thiết cho các CCTLKQ.

    Căn Cứ Trợ Lực Không Quân(CCTLKQ):
    Pháp gọi loại đơn vị này là "Base aérienne de support".
    Nhiệm vụ là bảo đảm mọi yểm trợ về tiếp vận cho các đơn vị chiến đấu đồn trú trong căn cứ, như
    - Cung cấp một cơ sở an toàn và vững chắc cho hoạt động hàng không quân sự: phi đạo, sân đậu, cứu hỏa, cứu thương, cấp cứu, tổ chức không lưu/khí tượng (gồm cả các thiết bị yểm trợ không hành như ăng-ten radio-compas, các đài Radio-Range, Gonio vv...)và duy trì hoạt động hữu hiệu để tiếp đón bất cứ phi cơ quân sự nào lên xuống tại phi trường liên hệ, ngày cũng như đêm.
    - Dự trữ và cung cấp xăng nhớt, bom đạn với mức độ tồn trữ ấn định. Bảo trì kho trong tình trạng tốt.
    - Cung cấp và bảo trì tốt cơ sở, doanh trại, từ chỗ chứa máy bay cho đến nhà cửa cho nhân viên trực thuộc và nhân viên các đơn vị đồn trú.
    - Cung cấp phương tiện truyền tin trong nội vi căn cứ và tiếp nối đến các cơ quan địa phương, cũng như viễn liên khắp nước cho các đơn vị.
    - Tổ chức an ninh và phòng thủ trong vòng rào căn cứ.
    - Gìn giữ kỷ luật, trật tự lưu thông đường phố.
    - Tổ chức và kiểm soát các nhà thầu ẩm thực, quán ăn để bảo vệ an ninh và sức khỏe nhân viên.
    - Bảo đảm nuôi ăn cho tất cả nhân viên trực thuộc và nhân viên các đơn vị đồn trú.
    - Bảo đảm trả lương cho toàn thể nhân viên trực thuộc và cho tất cả nhân viên đơn vị đồn trú, kể cả phụ cấp vãng phãn.
    - Cung cấp phương tiện quân y, cấp cứu, chữa trị và khám bệnh.
    - Tổ chức sinh hoạt văn nghệ và thể thao, và duy trì đời sống tâm linh cho mọi người. Trong thời buổi chiến tranh chống cộng, còn có hoạt động thông tin tuyên truyền phù hợp với đường lối trung ương về chiến tranh tâm lý, lúc đó gọi là "Tố cộng".
    Các Căn Cứ Trợ Lực Không Quân gồm có:
    - Căn Cứ 1 Trợ Lực Không Quân ở Nha Trang.
    - Căn Cứ 2 Trợ Lực Không Quân ở Biên Hòa.
    - Căn Cứ 3 Trợ Lực Không Quân ở Tân Sơn Nhứt.
    - Cứ 4 Trợ Lực Không Quân ở Đà Nẳng.
    (Theo thiển ý thì các căn cứ trợ lực không quân được đánh số theo thứ tự thành lập.)
    Ngoài các căn cứ trợ lực không quân nêu trên, có hai phi trường được sử dụng biệt phái hành quân là phi trường Cù Hanh(Pleiku), và phi trường Sóc Trăng. Tại các phi trường này, có thể đáp máy bay C-47 và AD-6. Các phi trường bằng đất nện thì có nhiều ở các đồn điền của Pháp làm chủ, và KQVN cũng có thể lên xuống các máy bay C-47 hoặc MS-500 hay L-19A sau này.
    Ghi chú:
    - Các căn cứ trợ lực không quân như đã trình bày ở trên có trách nhiệm và quyền hạn về lãnh thổ, đối nội (với các đơn vị Không Quân khác đồn trú trong căn cứ) và đối ngoại (với các cơ quan quân dân sự trong vùng liên hệ).
    - Trái lại, căn cứ trợ lực không quân không có quyền điều khiển các đơn vị đồn trú trong lãnh thổ của mình về phương diện hành quân và cũng không được xen vào hệ thống chỉ huy của các đơn vị này. Ví dụ, bắt đơn vị cung cấp phi cơ để thi hành một phi vụ do cơ quan quân hay dân sự ở địa phương yêu cầu. Mọi đơn xin không trợ đều phải qua hệ thống chỉ huy hành quân trung ương. Trái lại, vì nhu cầu phòng thủ phi trường, chỉ huy trưởng căn cứ có thể phối hợp hành động của mình với cấp chỉ huy lãnh thổ liên hệ trong vùng trách nhiệm để xin không trợ, sẽ được ưu tiên chấp thuận, vì nếu căn cứ không bảo đảm được an ninh thì làm sao cung cấp không trợ cho các nơi khác.
    - Trong tổ chức của Pháp còn có "căn cứ chiến thuật". Chỉ huy trưởng một căn cứ chiến thuật còn có quyền điều động các đơn vị đồn trú, đại diện cho Không Quân tại căn cứ liên hệ, khi thỏa mãn nhu cầu yểm trợ của mọi đơn vị Hải Lục Không Quân khác. Mô thức tổ chức này cho ta một sự thống nhất chỉ huy giũa đơn vị yểm trợ và đơn vị chiến đấu, nhưng thẩm quyền chỉ huy hành quân thời Pháp vẫn thuộc GATAC (và sau này thì thuộc Trung Tâm Kiểm Soát Không Chiến ở Tân Sơn Nhứt.)
    - Một đặc điểm khác của Việt Nam là trong suốt thời gian xây dựng nền cộng hòa, chúng ta đều phải đối phó với một cuộc chiến tranh không quy ước (unconventional warfare). Chiến tranh không có chiến tuyến(bơmb line). Không phải nước ta đánh với một nước khác từ bên ngoài biên giới đánh vào(frontier). Điều đó cho thấy không có chỗ nào tuyệt đối an toàn, vì có an toàn mới đặt căn cứ ở đó để yểm trợ nơi khác. Nói như vậy cho thấy rằng, nếu Pleiku chỉ là một căn cứ trợ lực và xung quanh phi trường Pleiku không bảo đảm được an ninh, không biết mất vào lúc nào, thì các đơn vị chiến thuật đồn trú tại căn cứ Pleiku phải được rời về nơi khác ngay lập tức để bảo tồn lực lượng. Đúng ra, phi trường Pleiku chỉ tốt dùng làm một phi trường vãng lai mà thôi (staging). Phi cơ có thể đáp xuống đó để tiếp tế xăng nhớt, bom đạn rồi bay lại yểm trợ trong vùng, chứ đặt nơi đó làm nơi đồn trú vĩnh viễn cho một đơn vị phi cơ chiến thuật là không bảo đảm an toàn, và rất khó khăn về tiếp vận.


    Đơn Vị Chiến Đấu:
    Có thể chia làm hai giai đoạn:
    - Giai đoạn tiếp thu từ các đơn vị Pháp để lại;
    - Giai đoạn bổ sung bằng phi cơ mới từ Mỹ.
    Các đơn vị được tổ chức từng phi đoàn (escadron hay squadron) hoặc từng liên phi đoàn (groupe hay group). Mỗi đơn vị gồm có ba thành phần tổ chức chính yếu là phòng hành quân, phòng vật liệu và phòng hành chánh.
    *Phòng Hành Quân với các phần hành như sau:
    - Sắp lệnh bay và thống kê hoạt động đơn vị;
    - An Phi;
    - Quân báo;
    - Huấn luyện đơn vị;
    - Tác xạ (nếu có);
    *Phòng Vật Liệu với các phần hành như sau:
    - Bảo Trì cấp phi đạo và kiểm kỳ;
    - Vũ Khí (nếu có);
    - Vô Tuyến phi cơ;
    -Tiếp liệu.
    *Phòng Hành Chánh:
    - Văn Thư;
    - Hồ Sơ nhân viên trực thuộc.
    Các đơn vị Không Quân Đầu Tiên:
    - Phi Đoàn 1 Quan Sát: sử dụng phi cơ Morane Saulnier MS-500 đồn trú tại Đà Nẳng do quân đội Pháp chuyển giao từ 1ier GAO (Groupe Aérienne d’Observation).
    - Phi Đoàn 2 Quan Sát: sử dụng phi cơ MS-500 do 2ème GAO chuyển giao , đồn trú tại Nha Trang.
    - Phi Đoàn Khu Trục và Liên Lạc, do Pháp chuyển giao từ đơn vị GCL (Groupe de Chasse et Liaison) tại Nha Trang, sử dụng phi cơ Marcel Dassault MD-315, hai động cơ, có trang bị đại liên và dàn thả bom.
    - Phi Đoàn 1 Khu Trục và Trinh Sát, sử dụng máy bay Bearcat F-8F do Không Quân Pháp chuyển giao tại Vũng Tàu, sau rời về Biên Hòa.
    - Liên Phi Đoàn Vận Tải, sử dụng phi cơ C-47 do Pháp chuyển giao tại Tân Sơn Nhứt.
    Sau đó, Mỹ đã viện trợ quân sự cho VNCH và thay thế các phi cơ MS-500 bằng L-19A, giải tán đơn vị MD-315. Ngành trực thăng cấp cứu và tản thương lúc đầu chỉ có vài chiếc H-19. Ngành radar, chúng ta có một đài tại Biên Hòa thuộc loại "điền khuyết" (Gap Filler).

    Tóm lại, khi KQVN được thành lập, chỉ có các đơn vị như vừa kể trên.

    Tổ chức KQVN còn có các đơn vị trung ương như sau:
    -Bộ Tư Lệnh Không Quân, tại Tân Sơn Nhứt.
    -Trung Tâm Quản Trị Không Quân, phụ trách kế toán lương bổng cho cả KQ, đặt tại Tân Sơn Nhứt.
    -Nha Kỹ Thuật Không Quân, thuộc Bộ Quốc Phòng, đảm trách mua máy bay và những tiếp liệu cần thiết cho Không Quân.
    -Trung Tâm Kiểm Soát Không Chiến, tại Tân Sơn Nhứt, để điều hành hành quân Không Quân.
    -Trung Tâm Giám Định Y Khoa, tại Tân Sơn Nhứt, để khám sức khỏe tuyểm mộ và định kỳ cho nhân viên phi hành.
    -Công Xưởng Không Quân, để trùng tu máy bay và tiếp liệu cho tất cả các đơn vị Không Quân, đồn trú tại Biên Hòa.
    -Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân, huấn luyện quân sự, kỹ thuật và phi hành, sử dụng máy bay MS-500, hoặc L-19A, đặt tại Nha Trang.
    So với các nước quanh vùng Đông Nam Á thì VNCH đã có một lực lượng Không Quân tương đối hùng hậu. Ví như Phi Luật Tân vào đầu thập niên 60, Không Quân chỉ có 1,000 người trong một quân đội chỉ 30,000 người.
    (còn tiếp)

  • #2
    Quân sử Không Quân

    KQVN 1956-1963
    Gman

    Thử viết lại theo trí nhớ những gì xảy ra trong thời gian này là một việc làm khó khăn trong tuổi 70, nên xin các bạn bổ túc những thiếu sót nếu cần. Sở dĩ chọn cái khung thời gian này vì dựa trên nền tảng lịch sử của nền Đệ Nhất Cộng Hòa của miền Nam tự do, chứ không dựa trên những chương trình phát triển KQVN của Phái Bộ Cố Vấn Hoa Kỳ mà người viết không hề biết. Việc này có thể sưu tầm thêm trên các web site VNAF, nhưng các dữ kiện trên web site có thể chỉ đúng về phần tiếp liệu chiến cụ mà thôi, chứ về tổ chức thì người soạn web site cũng đoán lờ mờ, có nhiều điểm sai mà họ cũng chẳng biết do đâu mà ra.

    Giai đoạn từ năm 1956 đến năm 1963
    KQVN tăng quân số từ khoảng trên dưới 3,000 người lên đến con số vào khoảng 7,000 người vào năm 1960, và lên đến khoảng 16,000 người vào cuối năm 1963.
    Cấu trúc lực lượng không có gì thay đỗi, so với tổ chức do Pháp để lại, nghĩa là theo lối Căn Cứ Trợ Lực Không Quân và Phi Đoàn hay Liên Phi Đoàn chiến đấu. Các cơ sở trung ương cũng không thay đổi mấy. Điều khác biệt chính yếu là Mỹ đã manh nha đưa quân vào Việt Nam để thực hiện công cuộc ngăn chận sự bành trướng của khối cộng, mà phía cộng sản thường gọi là “be bờ”(containment). Do đó, Mỹ đã đưa vào Việt Nam một số đơn vị huấn luyện chiến đấu cho VNCH, như 34 th Air Force Group ở phi trường Biên Hòa với máy bay B-26 và T-28. Lục Quân Không Binh Hoa Kỳ cũng có H-21 để tập hành quân trực thăng vận và tải thương ở khắp các vùng chiến thuật. Mỹ đặt tại Tân Sơn Nhất các loại vận tải cơ C-123 để thả dù tiếp tế và xịt thuốc khai quang và một số ít C-47 để dùng liên lạc nội địa Việt Nam. Lục Quân Không Binh cũng có các loại vận tải cơ như Caribou có thể tiếp tế đáp được trên các phi trường đất nện của các đồn điền của người Pháp. Để điều hành hành quân trên không một cách tổng quát, hệ thống điều kiểm chiến thuật (TACS=Tactical Air Control System) cũng được mở mang, như thành lập Trung Tâm Hành Quân Không Quân ở TSN (TACC=Tactical Air Control Center) thay thế Trung Tâm Kiểm Soát Không Chiến, và các Trung Tâm Hành Quân Không Trợ (ASOC=Air Support Operation Center, sau này đổi lại thành DASC=Direct Air Support Center) nằm cạnh các Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn ở Đà Nẳng, Pleiku, Biên Hòa và Cần Thơ. Riêng TTHQKT3 ở Biên Hòa được thành lập sau các nơi khác vì trước đó nhiệm vụ này do TTHQKQ tại TSN phụ trách. Các phi trường được sửa lại hay xây cất phi trường mới. Phi trường Tân Sơn Nhứt có hai phi đạo 24 song song nhau và dài 10,000 bộ (tức 3,000m), còn phi đạo cũ Bắc Nam vẫn duy trì nhưng ít hoạt động khi hoàn tất hai phi đạo 24. Phi đạo Đông Tây ở Biên Hòa cũng được làm mới hoàn toàn, nằm ở đầu phi đạo 33 vỉ sắt cũ về phía Bắc. Trong lúc các phi trường này được nới dài hoặc xây cất mới thì hoạt động hành quân các nơi đó phải được dời nơi khác. Phi trường Cù Hanh ở Pleiku cũng được xây mới, thay thế phi trường đất đỏ lót vỉ sắt đen của Pháp để lại. Các phi trường Nha Trang và Đà Nẳng cũng được mở rộng và nới dài để sau này đón nhận phản lực cơ. Song song với việc xây dựng phi trường, một số bộ chỉ huy đơn vị cũng được xây cất mới. Và công tác của hãng thầu xây cất kéo dài qua thời kỳ thứ ba, sau 1963, như các nhà sở của Bộ Tư Lệnh Không Quân sau này, các Bộ Tư Lệnh của 2 nd ADVON (Second Air Division) mà sau này nhường chỗ cho 7 th Air Force, và sau cùng chúng ta đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân ở đó, thêm Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Trung Cấp Không Quân. Các đài radar trong hệ thống điều kiểm chiến thuật của Mỹ đều giao cho KQVN điều hành song song với một lực lượng cố vấn hùng hậu, coi như Không Quân Hoa Kỳ có đủ nhân vật lực để hoạt động song song với KQVN. Có tất cả năm đài cố định đặt tại Đà Nẵng, Pleiku, Ban Me Thuot, Tân Sơn Nhất và Cần Thơ. Nhiệm vụ các đài này là điều kiểm chiến thuật chứ không chính xác dùng vào việc phòng không. (So với miền Bắc Việt Nam lúc đánh nhau nhiều, miền Bắc có đến 600 đài GCI [Ground Control Intercept] phối trí khắp nơi và có tính cách di động hoàn toàn.) Nhờ vậy, hệ thống truyền tin tinh vi của Hoa Kỳ đã giúp KQVN hoạt động suôn sẻ và nhanh chóng hơn hệ thống chỉ huy hành quân của Lục Quân Việt Nam, nhờ các đường dây nóng (hot line), cứ dở lên là nói thẳng với nơi mình muốn, chứ không còn dùng truyền tin dã chiến hét la ồn ào như trước kia. Những đóng góp của Hoa Kỳ trong thời gian này thật là vĩ đại, đầu tư rất nhiều tiền, vì họ đã chuẩn bị sẵn sàng đưa đại quân vào Việt Nam. Sau này, chúng ta thấy rõ những chuyển biến quan trọng hơn khi Hoa Kỳ tham chiến thật sự, và KQVN cũng nhờ vậy mà học hỏi thêm nhiều để trưởng thành nhanh chóng.
    Trong khi đó thì KQVN phải chịu đựng quay cuồng trong chiến tranh một ngày một gia tăng. Lại phải gánh vác nhọc nhằn huấn luyện chuyển tiếp trên nhiều loại phi cơ như từ F-8F qua A-1H, từ H-19 qua H-34. Phải gửi người du học Mỹ về lái máy bay, về kỹ thuật và tiếp liệu, về chỉ huy & tham mưu, nên có thể nói là con người phải chia năm xẻ bảy mới hoàn tất được trách nhiệm của mình.

    Trong ngành khu trục, Phi Đoàn 1 Khu Trục và Trinh Sát có một lúc ba loại máy bay dưới sự điều hành kỹ thuật của các anh như Dương Xuân Nhơn, Bùi Quang Đài, Bồ Đại Kỳ, Nguyễn Minh Tiên, Quảng Đức Phết, Phan Đàm Liệu. Rất là khó khăn cho quân số chung của Phi Đoàn vào khoảng 450 người mà cấp chỉ huy kỹ thuật & tiếp vận chỉ có Trung Úy mà thôi. Thật là một cố gắng vượt bực để có thể duy trì một hoạt động bay không nguy hiểm cho hoa tiêu, chứ đừng nói gì tiêu chuẩn này nọ. Tuy vậy, thành tích hoạt động bảo trì và tiếp liệu rất tốt. Các phi cơ F-8F tuy gặp nhiều tai nạn hiểm nghèo cho người bay, nhưng rất ít do lỗi kỹ thuật mà chỉ vì máy bay quá cũ không còn chịu sức kéo mạnh cần thiết khi hành quân. Vì thế, anh Lưu Văn Đức đã tử nạn trên chiến trường.
    Ngoài số Bearcat khoảng 20 chiếc, Phi Đoàn còn có 9 chiếc T-6G đưa từ Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang về để dạy các khóa sinh tốt nghiệp trên L-19A trở thành hoa tiêu khu trục.
    Bắt đầu năm 1960, Phi Đoàn tiếp nhận thêm mỗi đợt 6 chiếc A-1H cho đủ số 25 theo cấp số phi cơ. Do đó, số sĩ quan lưu lại Phi Đoàn này để huấn luyện từ 1960 trở về sau lên rất cao, làm tổng số sĩ quan lên gần 50 người mà số hoa tiêu hành quân được chỉ có 20 người, kể cả cấp chỉ huy đơn vị. Chỉ huy trưởng phi đoàn lúc ấy, trước tiên là NT Huỳnh Hữu Hiền cho đến 1958, sau đó, NT Hà Xuân Vịnh một thời gian ngắn, sau đó là anh Lưu Văn Đức từ 1958 đến 1960. Sau năm 1960 thì người viết bài này thay thế anh Lưu Văn Đức chỉ huy phi đoàn đổi tên thành Phi Đoàn 514 cho đến cuối năm 1963 là thuyền chuyển về Trung Tâm Hành Quân Không Quân trực thuộc BTLKQ.

    Khi thay Đại Úy Đức, chúng tôi chỉ mang cấp bậc Trung Úy, được thăng Đại Úy giả định, sau đó lên dần Đại Úy Nhiệm Chức, rồi Đại Úy Tạm Thời, rồi Đại Úy Thực Thụ, và thăng Thiếu Tá sau khi đảo chính ngày 1-1-1963. Thiếu Tá Võ Xuân Lành từ Trung Tâm Huấn Luyện về thay chúng tôi kể từ 1-1-1964.
    Trong ba năm ngắn ngủi phục vụ tại Phi Đoàn 514, Phi Đoàn có cơ hội hành quân khắp nơi, có thể nói là một mình một chợ, có khi biệt phái một lượt hai nơi như vừa ở Pleiku, vừa ở Đà Nẵng, hoặc Đà Nẵng và Sóc Trăng. Anh em chuyên viên không còn tiền để ăn mà cũng không có thêm phụ cấp di chuyển hành quân tương xứng cho những người “một cảnh hai quê”. Họ bám víu vào các sĩ quan để vay một ít tiền ăn “cơm tay cầm” mà chỉ có bánh mì và nước tương mà thôi. Đến lúc sau cùng thì sĩ quan hoa tiêu hay chuyên viên cơ khí gì cũng rách túi, nhưng họ vẫn hành quân cực nhọc và thương lẫn nhau, chia cơm sẻ áo. Những món nợ đó không khi nào được trả, vì phi đoàn cũng chẳng có một quỹ nào gọi là “quỹ đen” cả.

    Sau này, vào năm 1962 thì Phi Đoàn 516 ra đời tại Nha Trang dưới sự chỉ huy đầu tiên là Đại Úy Phạm Long Sửu. Phi Đoàn 516 gánh vác số phi vụ hành quân tại hai quân khu 1 và 2 từ Phan Thiết trở ra, nên Phi Đoàn 514 cũng nhẹ nhõm phần nào. Tuy vậy, trong hai vùng chiến thuật 3 và 4 thì mức độ hành quân gia tăng nhiều, nhất là nhu cầu giải vây đồn bót ban đêm. Do đó Phi Đoàn 514 đã phải bay từ sớm đến tối và còn trực đêm hai phi tuần nhẹ. Khả năng bay đêm của Phi Đoàn 514 có thể nói vượt trội các đơn vị, kể cả Mỹ, vì Mỹ không thể hành quân khi không có Điều Không Tiền Tuyến (FAC=Forward Air Control).

    Một phi đoàn T-28 khác được thành lập tại Tân Sơn Nhứt do Đại Úy Hà Xuân Vịnh chỉ huy, dường như đã đặt tên Phi Đoàn 716 vì đơn vị này có khả năng không ảnh. Phi đoàn này đã tham gia tích cực trong cuộc đảo chính ngày 1-11-1963.

    Đến lúc tôi rời Phi Đoàn 514 thì hoa tiêu của PĐ 514 đều có khả năng tác chiến cao, và ba năm liên tiếp đều nhận Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu, do đó cả đơn vị đã mang biểu chương màu ADBT(vàng).

    Đầu năm 1964 thì anh Phạm Phú Quốc ra khỏi nhà giam, về lại Biên Hòa chỉ huy Phi Đoàn 518. Phạm Phú Quốc là Trưởng Phòng Hành Quân của PĐ 514 đã dẫn anh Nguyễn Văn Cử từ Nha Trang về chưa đầy một tháng đi thả bom Dinh Độc Lập trọng tháng 2 năm 1962. Có thể vì sự kiện chính trị này mà vị Tư Lênh Không Quân của chúng ta là Đại Tá Nguyễn Xuân Vinh đã từ chức cùng lúc với Bộ Trưởng Quốc Phòng là ông Trần Trung Dung. Sự kiện xảy ra vào tháng 2-1962, trong khi TLKQ Nguyễn Xuân Vinh đang công du tại Nhật Bản, và từ đó Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền thay thế TLKQ cho đến 1-11-1963.

    Đại Tá Hiền giải ngũ sau đó và được bay trên máy bay hàng không dân sự. (Trong quân đội Pháp, không được có hành vi chính trị, trong khi đó, Mỹ chủ trương nuôi dưỡng các quân đội các nước nhược tiểu để dùng quân nhân làm áp lực chính trị đối với chính phủ của họ).

    Song song, các phi đoàn trực thăng đầu tiên cũng được thành lập như Phi Đoàn 211 và Phi Đoàn 213, sử dụng máy bay H-34, đặt tại TSN.
    Một số L-19A cũng được bổ sung cho Phi Đoàn 1 và 2 Quan Sát đổi tên là Phi Đoàn 110 ở Đà Nẵng và Phi Đoàn 112 ở TSN. Sau cùng trong giai đoạn này còn thành lập thêm Phi Đoàn 114 (L-19A)tại Nha Trang và Phi Đoàn 116 (U-17A) tại Cần Thơ.
    Lực lượng vận tải chưa có gì thay đổi, nhưng có thêm nhiệm vụ soi sáng ban đêm cho hai vùng chiến thuật 3 và 4.

    Nói về các hoạt động hành chánh trong thời gian này, phải kể nổi bật nhất là thành lập hệ thống văn kiện lập quy(VKLQ), là quy củ trong các văn thư quân đội mà chỉ có trong KQVN mà thôi. Như các kế hoạch nhân viên cho ra cách sắp xếp các đơn vị cũng có quy củ hơn. Các CCTLKQ đều được đánh số theo thời gian thành lập, như CC1TLKQ ở Nha Trang là đơn vị đầu tiên của KQVN với TTHLKQ. CC2TLKQ tại Biên Hòa, CC3TLKQ tại TSN, CC4TLKQ tại Đà Nẵng.
    Các đơn vị chiến đấu có số đầu là loại nhiệm vụ của đơn vị, như số 1 cho ngành quan sát, số 2 cho ngành trực thăng, số 3 cho ngành liên lạc, số 4 cho ngành vận tải, số 5 cho ngành khu trục. Và trong giai đoạn kế tiếp, ta thấy có số 6 cho ngành oanh tạc, số 7 cho ngành không thám.
    Thường, các đơn vị có số lẻ ở đầu thì hai số sau là số chẵn từ 10 trở lên, trái lại, nếu số đầu là số chẵn thì hai số sau là số lẻ từ 11 trở lên. Do đó ta thấy:

    Quan Sát có PĐ 110, PĐ 112, PĐ 114, PĐ 116 vv...
    Trực Thăng có PĐ 211, PĐ 213, PĐ 217 (không hiểu lúc thành lập PĐ 217 ông chỉ huy trưởng có xích mích gì với Nhân Viên của BTLKQ mà họ nhảy số 215 là 8 nút thành 217 là số bù).
    Liên Lạc có PĐ 312 Vận Tải có PĐ 413 và PĐ 415
    Khu Trục có các PĐ 514 , PĐ 516, PĐ 518
    Không Thám có PĐ 716
    Nói là nói như vậy thôi chứ coi bộ sự đánh số cũng tùy hứng của BTLKQ/NV chứ không theo một quy củ đã định, cứ nhảy số lung tung. Người viết bài này có tham khảo với một Trung Tá KQ làm ở Phòng Kế Hoạch Nhân Viên từ đầu và sau đó làm tại Phòng Tổ Chức & Nhân Lực thuộc Văn Phòng Tham Mưu Phó Hành Quân của BTLKQ, nhưng ông ta cũng không nhớ được lý do tại sao lại nhảy số như trên.

    NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA GIAI ĐOẠN:


    Thứ nhất, có thể đề cập đến cơ hội thăng quan tiến chức của các đàn anh kỳ cựu của KQVN trong thời kỳ mới thành lập. Ai mà được thượng cấp quan tâm tới là nhanh như chớp, có chức vụ và có cấp bậc. Điển hình nhất là các ông từ trước đã có cấp bậc sĩ quan, tốt nghiệp từ các trường Bộ Binh Thủ Đức hay Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, sau được chuyển sang KQ. Trường lớp lúc đó chỉ kéo dài 6 tháng tại Thủ Đức và một năm tại Trường Võ Bị Đà Lạt. Mang cấp Thiếu Úy hai năm thì thăng Trung Úy đương nhiên. Khi có chức vụ tùy cao thấp sẽ tăng thêm từ một đến hai cấp.
    Nhưng đừng nghe thế mà tưởng bở. Lên nhanh mà chầu rìa cũng nhanh. Như vị TLKQ đầu tiên mà trong nhiều bài đã nói rõ, từ Đại Úy lên Trung Tá, và chẳng bao lâu sau, thăng Đại Tá. Không cần biết thành quả hoạt động như thế nào, phải được lòng thượng cấp, và rất khó mà biết được thượng cấp muốn gì. Từ đâu thượng cấp đánh giá về mình. Thật là vì lúc đó chúng tôi chỉ là tép riu nên không rõ lắm, nhưng thấy cũng kỳ. Chỉ tội là mình phải chào như điên, vì anh nào cũng chỉ lớn hơn mình vài ba tuổi mà cấp bậc của họ xa mình quá cỡ thợ mộc. Nhưng biết làm sao bây giờ, họ phải mang lon cho xứng với chức vụ, để còn giao dịch với bên ngoài. Chắc để cho ta đảm nhận chức tước như họ(điều đó chẳng khi nào có), thì ta cũng thấy nên có cấp tương xứng.
    Nói tới đây, tôi mới nhớ một dịp ngồi trên máy bay Pan Am từ Mỹ về Saigon, cô chiêu đãi viên hàng không hỏi tôi, tại sao ba ông lại quá trẻ mà mang cấp hiệu giống y như ba ông ngồi ở hàng ghế sau, có thể nói như cha con vậy, thế là thế nào? Nhìn ra phía sau thì là ba Đại Tá của Không Quân Tưởng Giới Thạch, họ mang đúng ba mai vàng y chang. Thế mới biết là khi ta làm cấp hiệu quân đội, cần nên nghiên cứu xem trong vùng chúng ta, và có thể trên khắp thế giới, có chỗ nào trùng dụng với chúng ta không?
    Trên đây nói về cơ hội đã đến với một số ít người, ngay lúc đầu đã có cơ may thăng cấp nhanh, và chính sau này họ vẫn khó bị vượt qua được. Nhưng có một số đông khác thì do một sự chuyển đổi không ai ngờ.
    Đó là số hạ sĩ quan hoa tiêu tốt nghiệp từ các trường Pháp như Marrakech và Aulnat. Có người về còn chưa có cấp bậc trung sĩ như khóa sinh Pháp, mà chỉ mang Hạ Sĩ Nhất hay Hạ sĩ mà thôi, vì số điểm tốt nghiệp của họ quá kém. Khi Mỹ bao thầu cho VNCH về viện trợ quân sự thì theo quy chế của Mỹ, hoa tiêu phải là sĩ quan, thành thử họ trả lương sĩ quan. Vậy thì mọi hoa tiêu trước dù là hàng binh đi nữa cũng thăng một mạch lên Chuẩn Úy mà không cần phải qua trường lớp nào để điều chỉnh cả. Số này trên dưới 50 người từ các trường Marrakech và Aulnat. Một số người khác như NT Phan Văn Mạnh (tự Le Fort), và nhiều người nữa mà tôi không nhớ tên lại giữ cấp Thượng Sĩ rất lâu sau đó, vì tốt nghiệp trong nước, tại TTHLKQ/Nha Trang. Trong khi đó, các hoa tiêu tốt nghiệp từ Mỹ về cũng đều mang Chuẩn Úy nếu họ đã nhập ngũ thẳng vào KQ; nếu đã qua các trường Võ Bị Đà Lạt hay Bộ Binh Thủ Đức thì họ có cấp bậc tối thiểu Trung Úy. Trường hợp đi Mỹ để học lái nhưng bị loại thì họ được chuyển sang một ngành phụ dưới đất, như weapons controller, maintenance officer, supply officer, training officer,...Nên biết là phần đông sĩ quan Mỹ đều có Bachelor Degree, nên khi họ hỏng bay thì làm việc dưới đất, kiến thức căn bản và văn hóa, ta khó sánh kịp. Có nhiều sĩ quan phi hành lại giữ chức vụ bảo trì, tiếp liệu, hay quân báo, an ninh. Những ngành họ đang hành nghề là chỉ số phụ (second skill), chứ không có ý gì khác. Do đó, khó mà so sánh với Mỹ, là một nước giàu tiềm năng, kể cả học thức. Các sĩ quan lên cấp tá, họ đều qua những trường gọi là post graduate, để lấy bằng Command & Staff, hay War College, và luận văn kết khóa của họ có giá trị tương đương với Master Degree. Còn chúng ta thì cũng có Master nhưng là Master Jump, đây là bằng dành riêng cho các chiến sĩ mũ đỏ của chúng ta.
    Nói đến thăng cấp nhanh thì cũng nói đến có người bị quên lãng như NT Nguyễn Đức Khánh, phải giữ cấp bậc Chuẩn Úy 6 năm sau khi tốt nghiệp Trường Võ Bị Không Quân Pháp vào tháng 10 năm 1957. Mãi cho đến sau khi đảo chính ông Diệm, Khánh mới lên được Thiếu Úy.
    Về huy chương trong thời buổi này thật hiếm hoi. Chỉ có bốn loại huy chương:
    - Bảo Quốc Huân Chương (mà KQVN chỉ hưởng lần đầu tiên vào 26 tháng 10 năm 1963)
    - Quân Công Bội Tinh
    -Anh Dũng Bội Tinh
    - Chiến Thương Bội Tinh.
    Do đó, các nhân viên không phi hành không có gì để tưởng thưởng họ. Có một điều ta không nên phủ nhận là tiền lương trong thời kỳ này rất tốt vì đồng bạc có giá.
    Tôi nhớ khi chưa lãnh được tiền bay, gọi là Không Quân Vụ số 1, tôi chỉ lãnh 4,800 đồng bạc Việt Nam với cấp Trung Úy. Nhưng chỉ tiêu xài có 1,800 đồng một cách phủ phê, còn để dành được 3,000 đồng, lúc đó là giá của một lạng vàng. Khi lãnh được tiền bay trễ mất một năm rưỡi, nghĩa là 18 tháng, tôi lănh một số tiền khổng lồ lúc c̣n mang trung úy, đủ để mua một chiếc Lambretta 150cc, một máy may cho bà xã, và còn cho cô em 10,000 đồng để làm lễ cưới. Cái gì cũng bết, chỉ có lương, đối với tôi, là rất tốt trong suốt đời binh nghiệp.
    Ấy vậy mà nếu cứ đi xa nhà biệt phái hoài hoài thì có lắm kẻ thiếu tiền xài, vì ra ngoài thì KQ vốn lả lướt từ khuya, chi cho các em rất ngọt. Dù sao, các bậc tiền bối của chúng ta chắc đã phải vất vả khi nắm chức vụ chỉ huy. Đúng là đứng mũi chịu sào, như Mệ có trình bày nhiều phen, phải đấu với các ông bên Lục Quân, cứ lấy thịt đè người.
    Phương tiện lại eo hẹp. Tôi nhớ có lần ra Đà Nẵng biệt phái hành quân, ngủ ngoài sân mái hiên của câu lạc bộ sĩ quan. Xe thì cấp cho đơn vị chỉ có thứ chuyên chở nhẹ (Dodge 4) có tài xế của quân xa lái. Ai lái bậy bị củ. Còn kỳ xuống Sóc Trăng biệt phái hành quân yểm trợ cho chiến dịch Bình Tây vùng Năm Căn phía Nam U Minh, phải ở Bungalo, sĩ quan được nằm giường, một giường ngủ hai người, làm anh đại úy cố vấn của tôi phải cùng tôi ôm ấp cả mấy đêm liền. Còn bên ngoài thì anh em hạ sĩ quan binh sĩ nằm ở hành lang, chịu đựng mưa gió, bảo vô phòng cùng ngủ, các anh không nghe. Sáng lại, họ rên rằng, tối nào các thị mẹt cũng đến gạ gẫm, mà không thằng này thì thằng khác nhẹ dạ nghe theo, cả đêm không ngủ được. Anh “Long Chà” thì đạo hồi, mà đại táo của bộ chỉ huy chiến dịch toàn là thịt heo, nên đi bay anh mang theo một nải chuối. Chính anh Long Chà, tên thật là Ali, đã chạy ra khỏi vòng rào phi trường Sóc Trăng và cán chết một chị đang câu ngoài ruộng gần đó. Phi đạo chỉ có 1,000m, nhưng ở gần cuối phi đạo có một ổ gà, do đó chỉ hữu dụng 750m. Vì cố đáp thật ngắn nên anh chạm đất ờ ngoài phi đạo, chỗ đó có đất trơn nên anh không giữ được trục đáp. Sau này, anh Long Chà chết trên vùng chiến khu D trong một phi vụ hành quân.
    Một phi trường khác mà chúng tôi phải hành quân là Pleiku. Chỉ dài 750m, lót vỉ sắt trên đất nện màu đỏ. Do phi đạo có dốc, nên đáp thì lên dốc, cất cánh thì xuống dốc. Có lần dưới đất tôi nhìn xem, khi cất cánh, chạy qua một chỗ trũng sâu, sức nặng máy bay đè vỉ sắt xuống làm lòi lên cỡ hai tấc một cọc cày vĩ sắt, làm cho máy bay mất đà và mất trục cất cánh, chân đáp vướng vào hàng rào kẽm gai có trụ bê tông, anh mang cái của nợ đó lên cao cho đến khi vào chân đáp thì trụ bê tông rơi xuống đất. Thật là không có an phi chút nào. Máy bay biệt phái một tuần lễ ở phi trường Pleiku này phải mang về Biên Hòa để tấm rửa, vì đất đỏ bám vào thân máy bay trộn với dầu chảy từ máy ra, là máy bay càng nặng thêm và dễ bị rỉ sét. Chính cái ông Hà Xuân Vịnh đàn anh của chúng tôi thám sát phi trường này, khi anh về làm việc tại BTLKQ. Đúng như anh nói, vùng cao nguyên chỉ có phi trường này là miễn cưỡng dùng được cho khu trục. May là bay A-1H chứ nếu còn bay F-8F thì 100% toi mạng. Những cái vớ vẩn thời đó, có ai mà hiểu được.
    Có ngày chúng tôi biệt phái ra Nha Trang để tập tác xạ không/không. Ra Nha Trang rồi mới biết chẳng có anh nào rành cái việc này cả. Cả đám vừa làm vừa học. May cho chúng tôi, vì lúc đó mình là nhóc con, chắc sẽ bị chỉ định làm mồi cho người ta bắn, Tây gọi là plastron, nghĩa là kéo bia ra ngoài khơi trên Bearcat để các đàn anh bắn vào bia. Nếu lỡ mà các anh mê tít, vào ở sáu giờ của tôi mà thổi thì chết chắc. Thế mà may, không anh nào bắn trúng tôi cả, vì đàn anh chưa ai cho cái bia lên trời được thì đời nào đến tôi. Nhưng cũng hú vía vì cái anh đài kiểm soát không lưu Nha Trang. Chưa biết điều hành khu trục cơ mà chỉ quen với máy bay bà già của Mệ, nên anh ta thấy chiếc sau chạy tới nhanh mà chiếc trước chưa rời đường bay kịp, anh la hoảng “roulez, roulez, roulez” mà không chỉ cho tôi rẻ chỗ nào, nên tôi phải ra cát chúi mũi làm trò hề “ngựa go” cho thiên hạ. Nói chung là lúc không biết nhiều về an phi là gì cả. Tây gọi là “sécurité de vol” và Mỹ thì các anh biết rồi “flying safety”. Chính cái ngành này làm hại nhiều anh khi đi tù. VC chúng nó nghe chữ An cứ tưởng là an ninh mà Tây gọi là “Sureté Militaire”. Thế mới chết. An phi gì đâu mà không có một hướng dẫn nào.
    Các biện pháp cấp cứu cũng sơ sài qua loa. Tôi nghe Lưu Văn Đức nhảy dù ở Dầu Tiếng trên Bearcat, tôi không ngại, vì anh đã học nhảy dù. Khi gặp anh ta, anh nói tao “trim noze down maxi, rồi khi đang gở nịch ra thì tay trái không thuận nên chuyển tay lái vào tay trái để dùng tay phải mở dây nịch, đúng lúc đang chuyển tay và giật được khóa dây nịt thì máy bay chúi mũi nhanh đến độ bắn tao ra ngoài”. Còn các anh cá nhau ăn phở để đáp xuống bụng ở các phi trường như Trảng Bom, hay đáp xuống sông Nhà Bè như anh Nguyễn Thế Long để tử nạn. Đây cũng là những chuyện mà sau này không thể xảy ra. Nhưng có chuyện lại tái diễn. Như anh Xuân rớt bên khu vực Sư Đoàn 5 Bộ Binh ở Biên Hòa, anh còn sống và phi cơ chưa phát hỏa. Nhưng xe cứu hỏa chạy tới hàng rào bên nay phi trường, rồi đứng đó không qua bên kia rào được, vì có hàng rào và đường mương ngăn chận lại. Chỉ một lúc sau, số lượng xăng chảy ra nhiều đã bốc hơi khi máy còn nóng nên phát hỏa. Anh Xuân chết cháy trong máy bay, vì nhân viên cứu hỏa còn thấy anh ngoắc nhiều lần. Vì vậy, khi papa Sửu lật úp trên phi đạo 33 tại Biên Hòa, anh hô to “Đừng cha nội nào hút thuốc nghe không!” Tôi hỏi nhanh,”anh kiểm tắt hết contact chưa?” Anh la vang, “rồi, các cha giúp dỡ máy bay lên cho tôi ra chứ”. “Cần trục tới rồi, anh đừng lo”. Anh Sửu được cứu kịp thời. Nhưng sau này, một vụ tương tự lại xảy ra cũng tại Biên Hòa làm chết anh Nguyễn Văn Long và anh Nguyễn Thế Anh. Chỉ vì máy bay hỏng thắng, rời phi đạo, rồi lật úp trên một vũng nước. Khi cần trục đến nơi thì bị lún khi nâng máy bay lên, do đó hai người đã chết ngộp dưới nước. Thật không có thầy bói nào biết trước như vậy.
    Những khó khăn lúc ban đầu thật vô số kể. Chúng ta phải phục những vị đã đứng mũi chịu sào cho KQVN chúng ta mạnh tiến sau này. Đừng vội chỉ trích những người đi trước. Bạn cứ hồi tưởng lại hồi bạn còn ở cấp thấp hơn sau này, lúc chưa kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nghề và kinh nghiệm chỉ huy, bạn thấy có phải tại sao lúc trước mình dại thế không. Vì vậy cho nên, chưa qua cầu thì chưa biết đá biết vàng. Phê phán cấp trên cũng giống như vậy. Nếu ta đã làm TLKQ một lần thì mới có ý kiến về vị TLKQ của mình. Nhất là nói xấu cấp trên với những người kém lon lá hơn mình càng mang tội lớn, là chính ta khuyến khích đàn em nói xấu ta vậy. Dù KQVN không còn nữa nhưng con người của KQVN vẫn còn đây, và chúng ta luôn hãnh diện về những gì những bậc lão thành đã vun đấp cơ sở cho chúng ta bay nhảy sau đó. Mộng bay như vẫn còn đâu đây.
    Gman
    (còn tiếp)

    Comment


    • #3
      Quân sử Không Quân

      KQVN 1964-1968
      Gman



      Bối Cảnh Chính Trị
      Đây là thời kỳ có bối cảnh chính trị phức tạp. Sau khi đão chính cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào ngày 1-11-1963, Đại Tá tân thăng Đỗ Khắc Mai đang ở chức vụ Tham Mưu Truởng Không Quân lên thay Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền làm Tư Lệnh Không Quân. Trong vòng vài tháng, Đại Tá Đỗ Khắc Mai sang Đức để làm Tùy Viên Quân Sự cho VNCH tại Bonn. Đại Tá Nguyễn Cao Kỳ thay thế Đại Tá Mai trong chức vụ TLKQ. Thăng cấp Chuẩn Tướng và đồng thời giữ chức Thủ Tướng chính phủ nên rất bận rộn ngoài phủ Thủ Tướng, nhất là khi phải lo việc bầu cử Tổng Thống sau khi Hiến Pháp Đệ Nhị Cộng Hòa ra đời vào năm 1967. Trung Tá Nguyễn Ngọc Loan làm Phụ Tá Tham Mưu Trưởng Không Quân ngay sau khi đão chính mà không có tham mưu trưởng. Có lúc lại có Đại Tá Phạm Long Sửu giữ chức vự Tham Mưu Trưởng Không Quân, nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn. Hai vị vừa nêu trên đã phải góp sức mình với Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ, và sau đó là Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ trong các ngành như An Ninh Quân Đội, Cảnh Sát Quốc Gia, và Hãng Hàng Không Air Việt Nam. Tuy vậy, tuyệt đối không có sĩ quan nào tham gia chính quyền cấp cơ sở, như quận trưởng, hay tỉnh trưởng, hay trưởng ty cảnh sát các quận ở đô thành như bên Lục Quân.

      Tổ Chức KQVN:
      KQVN trong thời kỳ này có nhiều thay đổi quan trọng. Thứ nhất là bành trướng từ quân số trên dưới 16,000 người lên khỏang 34,000 người. Các đại đơn vị như Không Đoàn được thành lập. Và sau cùng là tiếp nhận phản lực cơ cho ngành khu trục. Đúng là một bước nhảy vọt quan trọng. Chương trình gia tăng quân số có thể nói là hơn gấp đôi, nhưng hồi đó chỉ có Không Quân tăng cường lực lượng, nên vấn đề tuyển mộ không mấy khó khăn. Các việc huấn luyện chuyển tiếp đều được gửi sang Mỹ nên hoạt động các đơn vị cũ không bị xáo trộn mà chỉ lo hành quân thường nhật, trừ phải lấy đi một số người ưu tú sang ngành phản lực.
      Tổ chức lại các đơn vị gặp một ít khó khăn lúc đầu khi thành lập Không Đoàn.

      Đúng ra việc thành lập không đoàn chỉ là một sự thống nhất chỉ huy từng địa phương các căn cứ mà thôi. Từ trước, các đơn vị tác chiến biệt lập với CCTLKQ thì nay được đặt dưới quyền chỉ huy duy nhất là Tư Lệnh Không Đoàn. Ngoài bộ tham mưu nhỏ của không đoàn, TLKĐ chỉ huy trực tiếp ba liên đoàn hay hơn. Đó là:
      - Liên Đoàn Yểm Cứ (là CCTLKQ trước kia)
      - Liên Đoàn Tác Chiến (gồm các phi đoàn tác chiến của không đoàn, trừ thành phần kỹ thuật)
      - Liên Đoàn Bảo Trì & Tiếp Liệu (là tập họp các phòng vật liệu của từng phi đoàn trước kia).
      Đây là một tổ chức hoàn toàn mới mẻ, chưa từng thấy trong các Không Quân Pháp hay Mỹ, vì thuộc loại không đoàn hỗn hợp (composite wing). KQVN có nhiều loại phi cơ khác nhau trong một không đoàn, trừ Không Đoàn 33 chỉ có một loại phi cơ C-47.
      Nhưng các không đoàn khác thì có tối thiểu ba ngành: khu trục, trực thăng và quan sát. Và loại phi cơ thì rất nhiều trong cùng một không đoàn, như Không Đoàn 23 chẳng hạn có A-1H, F-5A, O-1A, H-34. Vấn đề quản lý một đơn vị như vậy thật phức tạp cho những chuyên viên bảo trì và tiếp liệu, vì số lượng phụ tùng và bộ phận rời mà họ phải quản xuyến quá cao. Mỗi loại máy bay cần khoảng 50,000 món hàng trong danh sách tiếp liệu của họ, mà có tất cả bốn loại máy bay thì cứ thế mà nhân lên. Được tập trung lại nhân viên kỹ thuật & tiếp liệu thì ngành tiếp vận dễ chỉ huy trực tiếp từ cấp cao đến hạ tầng cơ sở về chuyên môn, đó là ưu điểm.

      Riêng những người chỉ huy các phi đoàn tác chiến là những người trong tương lai sẽ là tư lệnh Không Quân, thì họ không biết gì về ngành kỹ thuật & tiếp vận, mãi cho đến khi lên đến cấp TLKĐ. Đây là một bất lợi về phương diện giáo dục chỉ huy sau này. Thống nhất chỉ huy khó trọn vẹn được. Như khi biệt phái hành quân phải có một cấp chỉ huy toàn thể biệt đội, đồng thời chỉ huy về tác chiến và một cấp chỉ huy về bảo trì nơi xa đơn vị. Hy vọng rằng trong cách sắp xếp theo không đoàn hỗn hợp thì tránh phải biệt phái hành quân, vì từng vùng chiến thuật đều có đầy đủ loại máy bay phối trí sẵn mà các quân đoàn thường coi như cơ hữu. Nhưng riêng Không Quân chúng ta thì lúc nào cũng giữ linh động tính và di động tính, vì có thế mới tạo được nhanh chóng sự bất ngờ tập trung lực lượng nhanh ở một nơi nhất định nào.

      Vì các điều vừa nêu trên nên thấy tổ chức không đoàn hỗn hợp không mấy lợi cho di động tính. Lẽ tất nhiên là KQVN rất thích, nằm đâu cứ nằm một chỗ, khỏi phải biệt phái hoài như trong thời kỳ trước đây. Nhưng biệt phái hành quân đánh Bắc là ví dụ cụ thể trong thời gian cuối năm 1964 và năm 1965, các đơn vị khu trục luân phiên ra Đà Nẵng để hành quân ngắn hạn.

      Nói đến thống nhất chỉ huy thì cũng nên nghĩ đến một phạm vi nào đó mà thôi. Hệ thống chỉ huy đơn vị (command line) không dính dáng gì đến chỉ huy hành quân (operation command) vì điều này nằm trong trách vụ của cơ quan điều kiểm chiến thuật (TACS) gồm Trung Tâm Hành Quân Không Quân (TACC) và các Trung Tâm Hành Quân Không Trợ (ASOC hay DASC) cùng hệ thống kiểm báo (các đài và trung tâm kiểm báo).
      Trong KQVN chưa thực hiện thống nhất chỉ huy trong hệ thống này. Và sau này, cho đến 1975, hệ thống kiểm báo lại nằm trong một tổ chức riêng là Bộ Chỉ Huy Kiểm Báo, giống như các không đoàn tác chiến chỉ chịu hệ thống điều kiểm chiến thuật chỉ huy hành quân mà thôi.

      Thành Lập Các Không Đoàn:

      Không Đoàn 62 tại Pleiku
      Đầu tiên được thành lập vào cuối năm 1964, do Trung Tá Trần Văn Minh làm TLKĐ. Chẳng bao lâu sau, KĐ 62 dời về Nha Trang vì tại Pleiku khó tiếp tế.
      Không Đoàn 41 tại Đà Nẵng
      Do Trung Tá Phạm Long Sửu làm TLKĐ.
      Biệt Đội 615 tại Đà Nẳng
      Sử dụng máy bay oanh tạc nhẹ loại Canberra do Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Biện chỉ huy nhưng phi cơ mượn của Mỹ chứ không nằm trong bản cấp số của KQVN.
      Không Đoàn 23 tại Biên Hòa
      Do Trung Tá Võ Xuân Lành, và sau đó là Trung Tá Phạm Phú Quốc.
      Không Đoàn 33 tại Tân Sơn Nhất
      Biệt Đoàn 83 tại TSN Gồm 8 A-1H/G.
      Không Đoàn 74 tại Bình Thủy
      Do Trung Tá Huỳnh Bá Tính chỉ huy.

      Trông vào tổ chức các không đoàn, ta thấy số đầu là số của CCTLKQ trước kia, và số sau là số của Vùng Chiến Thuật liên hệ. Các đơn vị tác chiến có tăng nhiều, nhưng quan trọng nhất là KQVN tiếp nhận phản lực cơ F-5A tại Biên Hòa một phi đoàn, và tại các VCT 1, 2, và 4 đều có mỗi nơi một phi đoàn A-37. Số đơn vị khu trục A-1H/G vẫn giữ nguyên như cũ. Số đơn vị trực thăng cũng tăng nhiều, để mỗi VCT đều có một phi đoàn H-34. Số đơn vị quan sát chỉ tăng thêm Phi Đoàn 116 tại VCT 4, nhưng số lượng máy bay của từng đơn vị tăng tùy theo vùng trách nhiệm của mình, nhất là ở VCT 2 và 4, số phi cơ lên quá 30 chiếc mỗi phi đoàn vì phải biệt phái tận các tiểu khu, mỗi nơi một chiếc thường trực, đúng theo chương trình phối trí theo lãnh thổ của các toán Sĩ Quan Điều Không Tiền Tuyến. (Theo Mỹ thì họ phối trí đến cấp tiểu đoàn bộ binh). Trong thời kỳ này, các cấp chỉ huy thay đổi nhiều nên khó nắm vững ai chỉ huy lúc nào. Như NT Dương Thiệu Hùng có lúc chỉ huy KĐ 41, NT Vũ Văn Ước và cố Chuẩn Tướng Nguyễn Huy Ánh có lúc đã chỉ huy KĐ 62 tại Nha Trang, Trung Tá Lưu Kim Cương trước khi tử trận đã chỉ huy KĐ 33, và Trung Tá Phạm Phú Quốc đã chỉ huy KĐ 23 trước khi chết ngoài Bắc.

      ĐẶC ĐIỂM CỦA THỜI KỲ NÀY:

      Cởi mở về mọi mặt.
      Vì qua một giai đoạn kỷ luật nghiêm khắc dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, nên sau này các phòng trà, ca vũ, hợp đêm mọc lên như nấm, nhảy nhót tưng bừng. Có khi cũng có tiếng súng vang lên từ các nơi giải trí khi chiến sĩ nổi hứng. Trong các câu lạc bộ Không Quân cũng trăm hoa đua nở. Thêm vào đó có quân đội Mỹ tham chiến, và các nước khác, như Đại Hàn mang qua hai sư đoàn bộ binh với các tiểu đoàn pháo binh riêng của họ. Vì thế nên các nơi giải trí thật náo nhiệt và làm giàu cho giới kinh doanh.

      Hành quân ra Bắc vĩ tuyến 17
      Từ cuối năm 1964 đến trọn năm 1965 mở màn cho nhiều cuộc tấn công sau này của Mỹ trên đất Bắc. Khi đó KQVN chỉ có máy bay A-1H/G. Cũng trong các cuộc hành quân này, KQVN đã mất đi Phạm Phú Quốc, Nguyễn Hữu Chẩn, Vũ Khắc Huề là nhưng phi công kỳ cựu của ngành khu trục.

      Tình hình chiến sự miền Nam cũng tăng thêm nhanh chóng. Bộ Đội chính quy miền Bắc được chuyển vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh một cách công khai. Hàng rào điện tử Mc Namara không mấy hữu hiệu, chỉ để lại cho chúng ta những bài hát hùng dũng nhưng bi thảm về “Charlie”. Trận Tết Mậu Thân đặc biệt làm chấn động dư luận Mỹ ngay trong lúc nước Mỹ đang chuẩn bị tranh cử tổng thống. Ứng cử viên nào cũng tìm các thuyết phục dân chúng Mỹ là họ sẽ có cách rút quân Mỹ khỏi Việt Nam. Phong trào phản chiến ở Mỹ càng tăng cao, với sự tiếp tay của báo chí, và các đài truyền thanh truyền hình đưa về Mỹ toàn những tin tức bất lợi cho VNCH. Cũng trong kỳ Tết Mậu Thân này mà Trung Tá Lưu Kim Cương tử trận ngay trên vòng rào của căn cứ TSN, và Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan phải mất một chân trên vùng ra cầu xa lộ Biên Hòa. Các đơn vị KQVN thi nhau lập thành tích diệt cộng, đặc biệt nhất là Phi Đoàn 514 liên tiếp lãnh mỗi năm 1964, 1965 và 1966 một anh dũng bội tinh nhành dương liễu, để mang dây biểu chương màu đỏ Bảo Quốc Huân Chương, chỉ sau Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù mà thôi. Sau đó, Phi Đoàn 514 còn lãnh huy chương đơn vị cao quí nhất của tổng thống Hoa Kỳ là Presidential Unit Citation.

      Thăng cấp nhanh dường như là cách ban thưởng duy nhất thực tế, vì sẽ được tăng lương. Thậm chí có người đều thăng cấp mỗi kỳ đề nghị, và trong một năm đề nghị bốn lần. Đối với những người bị trù dập trong chế độ trước, lúc này được thăng nhanh như diều gặp gió. Số loại huy chương cũng tăng để giải quyết cho nhân viên không phi hành của KQVN, trước kia vì không trực tiếp chiến đấu nên không thể nào được ban thưởng xứng đáng. Các huy chương còn được tính điểm để thăng cấp.

      Lương bổng cũng tăng nhanh theo đà lạm phát phi mã của tiền tệ Việt Nam lúc bấy giờ. Nói chung thì giai đoạn bành trướng KQVN trong thời kỳ này, Mỹ cũng hy vọng rằng chiến tranh sớm kết thúc. Sau Tết Mậu Thân, Mỹ hoàn toàn thay đổi chính sách, nên chi , bắt đầu cuối năm 1968, Tổng Thống Đắc Cử Richard Nixon đưa ra chương trình Việt Hóa Chiến Tranh, là giai đoạn cuối cùng của KQVN.

      Gman
      (còn tiếp)
      Last edited by Nguyen Huu Thien; 07-02-2018, 11:36 PM.

      Comment


      • #4
        Quân sử Không Quân

        KQVN 1969-1975
        Gman

        Lời Mở Đầu.
        Trong thời gian những người bỏ công viết Quân Sử Không Quân phải hoàn tất công việc khó khăn của họ, chúng tôi mong rằng sẽ đóng góp kịp thời những dữ liệu cần thiết để viết về giai đoạn cuối cùng này. Các chi tiết về số lượng đơn vị, danh tánh và nơi đồn trú đều có thể tìm thấy trong các web site của các Hội Ái Hữu Không Quân các nơi, và có thể bổ sung bằng các web site của người Mỹ có nhiều chi tiết chính xác về tiếp vận cho KQVN(VNAF), để biết lúc nào giao cho VNCH những loại và số lượng chiến cụ gì. Đây cũng là quan điểm cá nhân về chính trị cũng như về quân sự, không nhằm phê phán chế độ nào để hướng dẫn dư luận nhằm một mục tiêu gì khác. Quan điểm chủ quan, lẽ tất nhiên, không để làm vừa lòng tất cả mọi người, mà chỉ nêu lên để củng cố lập luận của mình mà thôi. Xin bạn đọc thông cảm. Gman.

        Bối Cảnh:
        Người Mỹ chủ trương Việt Hóa Chiến Tranh ngay từ lúc vận động bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ trong năm 1968. Mục đích rõ rệt của Mỹ là rút quân sĩ Mỹ khỏi Việt Nam. Không cần biết dân chúng Mỹ hiểu sao về cuộc chiến tại Việt Nam, kết quả thực tiễn là quá nhiều hệ quả bất lợi cho Mỹ về kinh tế, xã hội, và tâm lý quần chúng tổn thương trầm trọng. Dùng từ Việt Hóa Chiến Tranh lại mang đến cho chúng ta một sự xúc phạm chua sót. Vì bấy lâu chúng ta đã hy sinh gắp mười lần lính Mỹ, chúng ta cũng đã hy sinh một chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa để cho phép Mỹ tham chiến tại Việt Nam, và chính cuộc tham chiến này đã Mỹ Hóa Chiến Tranh và làm cho VNCH mất đi chính nghĩa chóng cộng. Chủ thuyết Nixon chỉ là một lời tuyên bố “giao banh lại cho VNCH” sau khi đã quyết định “xù”. Trên trang nhà này cũng đã có bài viết về “Những Bất Lợi Cho VNCH Trong Cuộc Chiến Tại Việt Nam”, cũng đã đề cập chi tiết về Việt Hóa Chiến Tranh, nên không cần lập lại ở đây. Điều mà chúng ta cần nói rõ là những phần vụ mà Mỹ đã phụ trách khi tham chiến tại Việt Nam sắp sửa được bàn giao cho KQVN chúng ta, đặt chúng ta trong những điều kiện vô cùng phức tạp để KQVN có thể trọn vẹn trách nhiệm của mình. Khi Mỹ tham chiến, không những chỉ có Không Quân Hoa Kỳ mà còn có Hải Quân Hoa Kỳ, Lục Quân Không Binh và Thủy Quân Lục Chiến Không Binh nữa. Ngoài các căn cứ quân sự như Đà Nẵng, Phù Cát, Nha Trang, Phan Rang, Biên Hòa và Tân Sơn Nhất thường trực có máy bay thuộc Không Quân Hoa Kỳ trú đống, còn có lực lượng hùng hậu của máy bay trực thăng, quan sát, vận tải nhẹ của Lục Quân Không Binh và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ khắp bốn vùng chiến thuật. Điều mà KQVN chưa khi nào có được là hệ thống phòng không với hỏa tiễn Hawk do Thủy Quân Lục Chiến Mỹ điều hành trong Vùng 1 Chiến Thuật. Hệ thống radar của Mỹ không chỉ có 6 đài cố định ở Đông Hà, Đà Nẵng, Pleiku, Ban Mê Thuột, Tân Sơn Nhứt và Bình Thủy, mà còn có cả hệ thống phòng không của Hải Quân Mỹ ngoài khơi Thái Bình Dương do Hạm Đội 7 phụ trách. Những thứ đó, chúng ta không thay thế Mỹ được. Về phía địch, quân đội chính quy Bắc Việt di chuyển vào Nam ồ ạt và công khai. Khi Hiệp Định Paris được ký kết, Mỹ không còn là hiểm họa cho Bắc Việt trước kia từng bị oanh kích thường xuyên. Do đó, tất cả phương tiện phòng không của Bắc Việt và các pháo lớn đã di chuyển vào Nam. Điểm này quan trọng đối với hoạt động KQVN. Chúng ta không giữ được quyền bá chủ không phận nữa, không phải vì có phi cơ địch khuấy rối chúng ta, vì Bắc Việt không có lực lượng Không Quân chiến thuật để tấn công các mục tiêu dưới đất, và họ cũng chẳng cần làm như vậy để giữ được cái thế mà họ thường rêu rao, “Miền Nam tự giải phóng mình, miền Bắc chỉ hỗ trợ chứ không phải xâm lược miền Nam”. Nhưng khi súng phòng không cỡ lớn (37ly) và hỏa tiễn địa/không SA-7 vào miền Nam, thì giống như họ mang cọc đi cấm ranh mà họ chiếm đóng. KQVN mất đi sự ngang tàng hùng dũng trước kia. Nhưng địch xua quân vào Nam cũng đã trả một giá rất đắt. Từ năm 1972, họ đã phải đưa vào Nam những người lính chỉ lên 16 tuổi, vì nguồn nhân lực quân sự (military pool) trong xã hội miền Bắc đã cạn. Nếu Hoa Kỳ đã cố gắng kiên trì giúp đỡ miền Nam thêm vài năm nữa, thì biết đâu kết quả sẽ ngược lại. Sáu tháng sau khi Hiệp Định Paris được ký kết, toàn thể quân đội Mỹ rút khỏi chiến trường Việt Nam, nhưng để lại một bộ phận tùy viên quân sự hùng hậu, được biết dưới tên Defense Attache Office (DAO) nằm trong cơ sở MAAGV cũ. Bộ phận này chú trọng đến việc tiếp vận cho QLVNCH chứ không đá động gì đến chiến cuộc. Chính DAO đã giao cho VNCH những chiến cụ cần thiết theo một bản cấp số quân dụng thiết lập trước khi ký Hiệp Định Paris năm 1972. Và KQVN đã phát triển theo chương trình này từ quân số trên dưới 30,000 người lên đến con số 64,500 người, trong khi toàn thể QLVNCH tiến lên từ quân số 650,000 người (trong số đó có đến 150,000 người bất khiển dụng vì đang trong tình trạng bêïnh hoạn không thể tác chiến được=mẫu số 8) lên đến con số một triệu người.

        Tổ Chức Các Đại Đơn Vị Không Quân:
        Sư Đoàn Không Quân.
        Sư Đoàn Không Quân chỉ là một tổ chức Không Đoàn trước kia mở rộng. Mỗi sư đoàn KQ có một hay hai không đoàn tác chiến trực thuộc, không đoàn bảo trì và tiếp liệu, và không đoàn yểm cứ. Một bộ tham mưu khá lớn cho mỗi sư đoàn Không Quân, không thua gì bộ tư lệnh KQ trước kia. Có thể liệt kê như sau:

        • Sư Đoàn 1 Không Quân, tại Đà Nẵng.
        • Sư Đoàn 6 Không Quân với hai căn cứ Pleiku và Phù Cát.
        • Sư Đoàn 2 Không Quân tại Nha Trang và Phan Rang.
        • Sư Đoàn 3 Không Quân tại Biên Hòa.
        • Sư Đoàn 5 Không Quân tại Tân Sơn Nhứt.
        • Sư Đoàn 4 Không Quân tại Bình Thủy.
        Các chi tiết về đơn vị trực thuộc các sư đoàn Không Quân rất nhiều mà bạn đọc có thể tìm đọc trên các web site các HAH/KQ khắp nơi và trong web site VNAF do một quân nhân Hoa Kỳ phụ trách.

        Các Đơn Vị Trung Ương:
        • Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân, tại TSN thay thế Trung Tâm Hành Quân Không Quân trước kia.
        • Bộ Chỉ Huy Huấn Luyện Không Quân tại Nha Trang, thay thế TTHLKQ.
        • Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận, tại Biên Hòa, thay thế Không Đoàn Kỹ Thuật & Tiếp Vận trước kia.
        • Bộ Chỉ Huy Kiểm Báo, tại TSN, trực tiếp chỉ huy các đài và Trung Tâm Kiểm Báo, ngoài chỉ huy hành quân do Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân điều khiển.
        • Trung Tâm Y Khoa Không Quân, tại TSN, ngoài nhiệm vụ giám định y khoa còn có khả năng như một bệnh viện Không Quân.
        • Trung Tâm Quản Trị Không Quân, tại TSN.

        NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA THỜI KỲ 1969-1975:
        Cấp Số KQVN:
        Về quân số lên đến quân số lý thuyết là 64,500 người, và số lượng phi cơ đủ loại lên đến trên dưới 3,000 chiếc. Nếu có người đem so sánh với các Không Quân khác trên thế giới, đúng là ta đã đứng vào hàng thứ ba hay thứ tư gì đó. Nhưng ở các nước hàng đầu kia thì chính họ đã bỏ tiền công quỹ ra để thành lập một Không Quân lớn mạnh, còn riêng VNCH chúng ta thì lệ thuộc hẳn vào Hoa Kỳ mới có được. Ngân sách quốc gia Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1972 chỉ có thể trả lương cho 40% quân số vừa kể, nói chi đến tổn phí điều hành các đơn vị Không Quân.
        Bản Cấp Số Nhân Viên Rất Rộng Rãi Về Cấp Bậc:
        • Tư Lệnh Sư Đoàn Không Quân có cấp Thiếu Tướng.
        • Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Không Quân có cấp Chuẩn Tướng.
        • Các Không Đoàn Trưởng Chiến Thuật có cấp Chuẩn Tướng.
        • Các đại đơn vị như Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân, Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân, Bộ Chỉ Huy Huấn Luyện Không Quân đều có cấp tướng chỉ huy.

        Cũng nhờ cấp bậc trên bản cấp số được nâng cao nên có nhiều cơ hội để những ai giữ chức vụ cao được thăng cấp nhanh chóng sau này, nhất là ở các đơn vị tác chiến.

        Có Rất Nhiều Nhân Viên Các Cấp Trong Các Ban Tham Mưu của Sư Đoàn Không Quân hay các Đại Đơn Vị Không Quân.
        Đây là một vấn đề lớn trong công cuộc điều hành các đơn vị trong giai đoạn chuyển tiếp, vì lẽ phải lấy người đang chiến đấu thật sự có khả năng chỉ huy và tham mưu lên nhận những chức vụ chỉ huy và tham mưu, nên các đơn vị tác chiến thiếu người để duy trì hoạt động hành quân hữu hiệu như trước đó. Số lớn sĩ quan tham chiến thường nhật chỉ còn từ cấp Đại Úy trở xuống, mà chính họ cũng vừa được thăng cấp nhanh chóng, chưa có nhiều kinh nghiệm hành quân. Nói thế không phải những người ở chức vụ chỉ huy và tham mưu cao trong sư đoàn không còn tham gia bay bổng nữa, nhưng thời gian chỉ huy và tham mưu của họ cũng chiếm nhiều, nên công tác bay bổng chỉ còn là khi tối cần thiết mà thôi. Do đó, cái đôi giày mà Mỹ tặng cho KQVN quá to để có thể đi đứng dễ dàng trong thời gian đầu, và đó cũng là nguyên nhân khách quan làm cho tiềm lực chiến đấu giảm nhiều trong khi toàn thể lực lượng lại to lớn hơn trước đây.

        Bộ Chỉ Huy Huấn Luyện Không Quân Được Mở Rộng Về Đơn Vị Huấn Luyện Và Giáo Dục.
        Có thêm nhiều trường huấn luyện phi hành như Trường Phi Hành T-41 tại Nha Trang, Trường Phi Hành T-37 tại Phan Rang, các Trường Kỷ Thuật tại Biên Hòa và tại Tân Sơn Nhứt tăng cường cho Trường Kỷ Thuật tại Nha Trang. Đặc biệt có Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Trung Cấp Không Quân lúc đầu đặt tại Nha Trang, sau dời về Tân Sơn Nhất để tăng thêm phẩm chất sĩ quan trong nhiệm vụ càng lúc càng to lớn của họ.

        Khả Năng Chiến Đấu Của Các Ngành Cũng Gia Tăng.


        Ngành vận tải: Có thêm nhiều loại phi cơ như C-119, C-123, C-130 làm tăng sức không vận cho cả QLVNCH. Còn thêm các phi cơ AC-47, AC-119 tăng thêm hỏa lực yểm trợ hành quân đêm, vừa soi sáng vừa yểm trợ hỏa lực, và EC-47 có khả năng định chuẩn các vô tuyến đăng, U-6 ngoài khả năng rải truyền đơn trước kia, còn thêm khả năng dò tìm các đài phát sống của địch trên chiến trường.

        Ngành Khu Trục: Có thêm một số lớn F-5A/B còn có F-5E có trang bị hỏa tiễn Không/Không để nghênh cản nếu cần, dù khả năng thật của F-5E không thể so với MIG-21 của Bắc Việt được. Tuy vậy, số lượng F-5A chỉ hoạt động giới hạn vì rất thiếu bộ phận rời.
        Ngành Trực Thăng: Chẳng những tiếp nhận thêm UH-1H để hành quân đổ bộ mà còn có CH-47 có khả năng chuyển quân qui mô và nâng được các súng pháo binh to lớn. Vì nhu cầu hành quân đặc biệt nên một số H-34 còn giữ lại phục vụ các đơn vị của Lực Lượng Đặc Biệt. Riêng về ngành trực thăng có vấn đề đào tạo rất lớn ở Hoa Kỳ, vì các trường dạy lái ở Hoa Kỳ không làm sao kham nổi số lượng khóa sinh nhiều như vậy. Có lúc Hoa Kỳ chỉ cho KQVN có cấp số hoa tiêu theo tỷ lệ là 1/1, nghĩa là chỉ có một hoa tiêu cho một phi cơ của đơn vị.
        Thật là vô lý, vì muốn bay một chiếc trực thăng phải có tối thiểu hai hoa tiêu, một chính và một phụ. Rồi họ còn phải nghỉ ngơi, chứ không lẽ ngày qua ngày, họ phải hành quân theo bộ binh ngoài đơn vị gốc hay sao. Thường một ghế hoa tiêu phải có nhân lực là 1.25, nghĩa là tỷ lệ mỗi phi cơ phải có 2.5 hoa tiêu mới phải. Tỷ lệ này chỉ tính trong sự thiệt hại bình thường chứ không trong thời gian chiến đấu nhiều như ở Việt Nam.
        Đáng lý ra, trong thời chiến, phải có tỷ lệ 3.0 hoa tiêu cho mỗi phi cơ trực thăng. Những trở ngại vừa nêu, Mỹ Việt đều biết rõ. Một số lớn SVSQ đang học ở Hoa Kỳ đã phải đưa về nước trước khi họ tốt nghiệp, hay giải ngũ tại chỗ khi VC cưỡng chiếm miền Nam.

        Ngành quan sát: Ngoài việc tăng thêm số lượng O-1A còn nhận thêm loại O-2 có hai động cơ hoạt động trong Vùng 2 Chiến Thuật.

        Khả Năng Của Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật Và Tiếp Vận Cũng Nâng Lên: Đó là khả năng chế tạo, thêm vào và gia tăng khả năng bảo trì và tiếp liệu cấp cao như đại tu. Đơn vị này còn có một bộ phận chuyên viên “định chuẩn các máy đo tinh vi” (PMEL) tại Biên Hòa và tại Đà Nẵng, có một không hai trong vùng Đông Nam Á Châu.

        Kết Luận Thật đáng tiếc cho chúng ta đã nhận số viện trợ to lớn này không đúng lúc. Phải chi trước kia, hồi thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Mỹ đã chịu giúp đỡ quân viện cho chúng ta ngần ấy thì quân Mỹ khỏi cần tham chiến ở Việt Nam để nhận lấy những khó khăn về tâm lý chính trị sau này.

        Gman

        Comment


        • #5
          Quân sử Không Quân

          Ngành Quan Sát Không Lực VNCH.
          (yêu thương gởi đàn chim Tự Do tiếp nối)
          Bắc Đẩu Võ Ý

          Lời tòa soạn: Tiếp theo bài Ngành Trực Thăng của KQ Ðỗ Văn Hiếu, Lý Tưởng-Úc Châu đã nhận được bài Ngành Quan Sát của KQ Võ Ý. Bài viết có hai mục đích: giới thiệu một ngành phi hành trong quân chủng Không Quân VNCH, và đóng góp vào việc biên soạn cuốn Lịch Sử Không Quân VNCH, hiện đang được Liên Hội Ái Hữu Không Quân QLVNCH-Úc Châu tiến hành.

          LT-UC xin chân thành cảm ơn KQ Võ Ý và hân hạnh giới thiệu bài viết tới độc giả, đồng thời mong sẽ nhận được những ý kiến đóng góp, bổ túc các chi tiết trong bài viết.

          Ðồng thời , Ban biên soạn LSKQ/VNCH cũng ước mong quý Niên Trưởng và quý chiến hữu Không Quân thuộc các ngành khác như: Khu Trục, Vận Tải, Kỹ Thuật, Yểm Cứ, Tham Mưu, v.v... bỏ công viết bài, hoặc cung cấp kiến thức, tài liệu, hình ảnh liên quan tới ngành của mình, để góp thêm phần phong phú và chính xác của cuốn lịch sử quân chủng. LT-UC.

          I. Khởi Thủy

          Vì là xứ thuộc địa của Pháp, nên Quân Lực Việt Nam nói chung, Không Lực Việt Nam nói riêng, do Pháp đào tạo và chỉ huy.

          Năm 1949, Không Quân Pháp thành hình ở Nha Trang.
          Ngày 01/06/1951, Pháp thành lập CIA (Centre d'Instruction Aerienne, tức Trung Tâm Huyấn Luyện Không Quân) để huấn luyện các chuyên viên KQVN trong các môn bảo trì, vô tuyến và kỹ thuật để cấp thời bảo trì các phi cơ Criquets (tức máy bay bà già Morane Saulnier 500) không mấy phức tạp.
          Chính những phi cơ nầy sau đó đã được Pháp chuyển giao cho Việt Nam vào giữa năm 1951 và trở thành lực lượng đầu tiên của Không Quân VNCH .

          Ðầu năm 1952, Pháp khai giảng Trường Phi Hành và Trường Cơ Khí.
          Tháng 10 năm 1952, Pháp khai giảng Trường Quan Sát Viên. Trước khi mở trường nầy, các sĩ quan thuộc Lực lượng Dù hoặc Pháo binh được xử dụng làm Quan Sát viên bay trên MS.500 (Gman, Quan Sát Viên trong KQVNCH, BGKQ)
          Ðây là ba Trường Không Quân đầu tiên ở Nha Trang đào tạo không quân VN.
          Từ nhừng dữ kiện trên, có thể xác định một điều là:

          Phi cơ khởi thủy của KQVN là phi cơ bà già
          Nhân viên phi hành và chuyên viên kỹ thuật khởi thủy của KQVN thuộc Ngành Quan Sát.


          II.Phi Ðoàn Quan Sát đầu tiên

          Ngày 01/03/1953, thành lập Phi Ðoàn 1er GAOAC (Group Aerien d'Observation et d'Accompagnement au Combat, gọi tắt là GAO. (Theo Flying Dragons, GAO nguyên chữ là Group, Artillery Observation, là sai, Ch/Tg Võ Dinh), được dịch là Phi Ðoàn 1 Quan Sát và Trợ Chiến, đồn trú Sài Gòn, sau đó chuyển ra Huế. Phi đoàn trưởng, Ðại Úy Cottet.

          Cũng trong năm 1953, (vài tháng sau, theo NT Võ Dinh và Mệ), thành lập Phi Ðoàn 2me GAO, đồn trú Nha Trang, sau đó chuyển về Biên Hòa. Phi Ðoàn Trưởng : Ðại Úy Granger.

          Ðại Úy Nguyễn Ngọc Oánh sau đó tiếp nhận 1er GAO và Ðại Úy Võ Dinh tiếp nhận 2me GAO.
          Từ dữ kiện nầy, thì nhị vị Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Oánh và Võ Dinh là hai trong những Phi Ðoàn Trưởng khởi thủy của KQVN (bao gồm các Phi đoàn Quan Sát, Liên Lạc, Liên Phi Ðoàn Vận Tải, Phi Ðoàn Khu Trục) và cũng là Phi Ðoàn Trưởng khởi thủy của Ngành Quan Sát.

          Ngày 1 tháng 7 năm 1955, Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân (CIA) tại Nha Trang được bàn giao cho Ðại Úy Nguyễn Ngọc Oánh, đánh dấu việc chuyển giao quyền chỉ huy Không Quân từ tay người Pháp cho các sĩ quan Việt Nam. Từ đó ngày 1 tháng 7 hàng năm trở thành Ngày Không Lực VNCH.

          Ngày 1 tháng 7 năm 1957, các 1er GAO và 2me GAO trở thành Phi Ðoàn 1 và Phi Ðoàn 2 Quan Sát.
          Lúc khởi thủy, mỗi Phi Ðoàn được trang bị trên dưới 15 phi cơ MS.500. Quân số mỗi Phi Ðoàn lên đến cả hàng trăm người, bao gồm nhân viên phi hành, chuyên viên bảo trì kỹ thuật phòng thủ và hành chánh tài chánh. Phi Ðoàn là một đại đơn vị biệt lập, có KBC riêng.

          Trong trường hợp Phi Ðoàn đồn trú trong Căn cứ Không Quân, thì Căn cứ đảm trách an ninh và lương bổng.


          III. Bành Trướng

          Tháng 12 năm 1960, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, công cụ của Cộng Sản Bắc Việt ra đời. Chính phủ Miền Nam đặt đất nước trong tình trạng khẩn trương. Toàn quân toàn dân dồn công sức bảo vệ nền Cộng Hòa non trẻ.
          Quân Ðội Cộng Hòa được bành trướng về quân số cũng như trang bị khí cụ để thích nghi với tình hình.
          Miền Nam Việt Nam trở thành tiền đồn của Thế Giới Tự Do ngăn chặn hiểm họa Cộng Sản ở Ðông Nam Á.
          Và Mỹ, nhân danh Thế Giới Tự Do, đã thay thế Pháp, viện trợ quân sự cho Quân Lực Cộng Hòa, trong đó có Quân Chủng Không Quân nói chung và Ngành Quan Sát nói riêng.

          Giai đoạn bành trướng kéo dài hơn chục năm, từ năm 1960 đến 1972. Do ảnh hưởng của Mỹ ngày càng gia tăng, một Trường Sinh Ngữ Quân Ðội được thiết lập ở Sài Gòn và Trường Anh Văn KQ được khai giảng ở Trung Tâm HLKQ Nha Trang.

          Các Không Ðoàn Chiến Thuật, Yểm Cứ, Bảo Trì Tiếp Vận rồi Sư Ðoàn Không Quân được hình thành tại mỗi Quân Khu.

          Các phi cơ tân tiến được viện trợ, trong đó có phi cơ L.19 Bird Dogs thay thế máy bay Bà già MS.500 (hay còn gọi là Criquets Châu chấu), các phi cơ Cessna 185 U.17A Skywagon sáu chỗ ngồi, thay thế phi cơ L.20 U 6 A Beaver, phi cơ huấn luyện T.41D Mescalero bốn chỗ ngồi và sau cùng là phi cơ quan sát loại mới O.2 Skymaster hai động cơ .
          Từ khi thành lập Không Ðoàn, các Phi Ðoàn Quan Sát chỉ lo phụ tránh phần Hành quân, mọi vấn đề khác như bảo trì tiếp vận phòng thủ lương bổng v.v.. thì do các KÐ liên hệ đảm nhận.

          Từ khởi thủy 1952, chỉ có hai Phi Ðoàn Quan Sát, đã tăng lên tám Phi Ðoàn vào năm 1972.
          Danh số của Phi Ðoàn Quan Sát được ấn định bằng số 1. Danh số càng nhỏ nói lên tính càng kỳ cựu của nó.
          Tám Phi Ðoàn từ kỳ cựu đến tân lập đó là:

          1-Phi Ðoàn 110 Quan Sát (PÐ 110 QS), thuộc Sư Ðoàn I Không Quân (SÐ 1 KQ), đồn trú Ðà Nẵng, trách nhiệm Quân Khu I (QK I)
          (1er GAO thành lập ngày 01 tháng 10 năm 1952 tại Nha Trang, về TSN năm 1953, di chuyển ra Huế năm 1954, về lại TSN năm 1955, di chuyển ra Ðà Nẵng tháng 11 năm 1956, trở thành Phi Ðoàn 110 Quan Sát vào tháng 01 năm 1963. (Flying Dragon, page 214). Theo Mệ, thì 1er GAO không về Sai Gòn)


          Các Phi Ðoàn Trưởng:
          Nguyễn Ngọc Oánh, Trần Phước, Nguyễn Trọng Ðệ, Ngô Tấn Diêu, Phan Văn Mạnh, Võ Trung Nhơn, Lê Sĩ Thắng, Nguyễn Tài Hiệp (Xử Lý Thường Vụ).

          2-PÐ 112 QS. Thuộc SÐ 3 KQ, tránh nhiệm QK III
          (2nd GAO thành lập tháng 01 năm 1952 tại Nha Trang, chuyển về TSN tháng 10 năm 1959, trở thành PÐ112 QS vào tháng 01 năm 1963, di chuyển về Biên Hòa tháng 06 năm 1964.)


          Các Phi Ðoàn Trưởng:
          Võ Dinh, Nguyễn Văn Lượng, Nguyễn Hữu Tần, Nguyễn Ngọc Loan, Võ Công Thống, Huỳnh Bá Tính, Ðặng Hữu Hiệp, Võ Văn Ân, Hà Ngọc Hạnh, Lý Thành Ba.

          3-PÐ 114 QS. Thuộc SÐ 2 KQ, tránh nhiệm một phần QK II
          (Phi Ðoàn 3 Quan Sát thành lập tháng 12 năm 1961 tại Ðà Nẵng, đổi thành Phi Ðoàn 114 tháng 01 năm 1963, di chuyển lên Pleiku cuối năm 1963, rồi trở về Nha Trang tháng 01 năm 1965.)


          Các Phi Ðoàn Trưởng:
          Phan Quang Phúc (Phúc Phan), Ðặng Văn Hậu (Ðằng Vân), Lưu Ðức Thanh (Thanh Mắt Trừu), Lê Ngọc Ấn (Ấn Cọp), Võ Văn Ân (Ân Què), Nguyền Xuân Tám (Tám Ðĩ), Võ Văn Oanh (XLTV)

          4-PÐ 116 QS. Thuộc SÐ 4 KQ, trách nhiệm QK IV.
          (Thành lập tháng 06 năm 1964 tại Nha Trang. Di chuyển về Bình Thủy, Cần Thơ tháng 07 năm 1965.)


          Các Phi Ðoàn Trưởng:
          Nguyễn Phúc Tửng, Bùi Quang Kinh, Nguyễn Ðức Gia, Bùi Thanh Sử (XLTV)

          5-PÐ 118 QS. thuộc SÐ 6 KQ, trách nhiệm một phần QK II.
          (Thành lập tháng 04 năm 1971 tại Pleiku.)


          Các Phi Ðoàn Trưởng:
          Võ Công Minh (Michel), Võ Ý, Nguyễn Văn Ðược (XLTV)

          6-PÐ 120 QS. huộc SÐ 1 KQ, tránh nhiệm QÐ I
          (Thành lập tháng 05 năm 1971 tại Ðà Nẵng.)


          Phi Ðoàn Trưởng: Lê Công Thình

          7-PÐ 122 QS. Thuộc SÐ 4 KQ, trách nhiệm QK IV.
          (Thành lập ngày 01 tháng 08 năm 1972 tại Bình Thủy, Cần Thơ.)


          Phi Ðoàn Trưởng: Trần Trọng Khương.

          8-PÐ 124 QS*. Thuộc SÐ 3 KQ, tránh nhiệm QK III.
          (Thành lập cuối năm 1971 tại Biên Hòa.)


          Phi Ðoàn Trưởng: Võ Trung Nhơn.

          * Vài ghi nhận về Phi Ðoàn 124 Quan Sát:
          Khỏang đầu năm 1970, Bộ Tư Lệnh KQ và Cố vấn Mỹ định thành lập Biệt Ðoàn (Task Force) Phòng Vệ Tam Biên, phi cơ dự trù sẽ trang bị đại liên .50, có thể mang 2000 lb bom, cất cánh và đáp ngắn (Light assaut aircraft with STOL). 22 phi công (trong đó có Trung Tá Võ Trung Nhơn, Phi Ðoàn Trưởng) và 25 chuyên viên kỹ thuật được gởi sang Main Eglin AFB, Florida để xuyên huấn và thực tập với Green Berets Mỹ và Lôi Hổ Việt Nam, trên hai loại phi cơ cùng đặc tính là AU-23 Peace Maker (Pilatus PC-6 Turbo Porter) và AU-24 Stallion (IIcllio), được gọi tắt là Porter.

          Nhiệm vụ của Biệt Ðoàn cũng là nhiệm vụ của Ngành Quan Sát, đặc biệt là thường xuyên vũ trang canh phòng biên giới, tiêu diệt những toán, hoặc đoàn xe xâm nhập, các trại của địch bằng hỏa lực cơ hữu hoặc gọi phi pháo yểm trợ.
          Biệt Ðoàn dự trù thành lập tại Pleiku vào cuối năm 1971 hay đầu năm 1972.

          Rất tiếc, khi đoàn du học về nước cuối năm 1971 thì Mỹ đã cắt giảm 50% viện trơ, nên kế hoạch không thành. Ðoàn du học Porter STOL chuyển về Biên Hòa và thành lập Phi Ðoàn 124, là PÐ Quan Sát cuối cùng của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Một điều đặt biệt, là Trung Tá Võ Trung Nhơn (mà anh em thương mến gọi là Nhơn Nhọn) là vị Phi Ðoàn Trưởng Phi Ðoàn cuối cùng, lại cũng là một trong những vị Phi Ðoàn Trưởng Phi Ðoàn đầu tiên, đó là PÐ 110 QS.

          IV. Phi Cơ Trang Bị

          Hai Phi Ðoàn khởi thủy và Trung Tâm Huấn Luyện KQ do Pháp chuyển giao cho KQViệt Nam, được trang bị phi cơ Morane Saulnier 500 Criquets. Từ 1956 đến 1972, Mỹ bắt đầu viện trợ các phi cơ đời mới cho KQVN.
          Sau đây là bảng tóm lược đặc tính khả năng của từng loại phi cơ quan sát.

          • MS.500: Có khả năng cất cánh và đáp sân ngắn (STOL, short take-off and landing). Hảng sản xuất : Morane-Saulnier.


          Ðộng cơ Argus As 10c, 8 xilanh, 240 mã lực (horse power). Sải cánh 46 ft 9 in, chiều dài 32 ft 6 in, chiều cao 9 ft 10 in (2.99 m). Tốc độ 95 knots (175 km/h; 109 mph). Bay cao 15,090 ft (4600 m). Tầm hoạt động 236 mi (380 km). Trọng tải 3 người. Trọng lượng tối đa lúc cất cánh 2910 lb (1320 kg).

          Ðặc biệt hai cánh nằm phía trên thân phi cơ và lợp bằng vải, hai chân đáp thật dài, có thể mở máy (start) bằng điện và bằng tay. Theo Ð DZ (Lý Tưởng số tháng 01/2003), thì MS.500 là loại Bà Già Gân và từ từ biến mất vào các năm 1955-1956...


          Giai đoạn Không Quân bành trướng, thì các Phi Ðoàn Quan Sát đều được trang bị phi cơ O.1 (còn gọi L.19), phi cơ U.6A (còn gọi là L20), phi cơ U.17 (còn gọi là Cessna).

          Riêng phi cơ O.2 thì chỉ trang bị cho hai Phi Ðoàn 118 ở Pleiku và 110 ở Ðà Nẵng.
          Phi cơ U.6A (L20) có mặt trên chiến trường Việt Nam từ năm 1958. Vào khoảng đầu năm 1965, phi cơ U.6A (L20) hình như được thu hồi để trang bị cho hai Phi Ðoàn Trinh Sát 716 và 718 (Reconnaissance Squadron) và hai Phi Ðoàn Liên Lạc 312 và 314 ở TSN, (Các Phi Ðoàn 312, 314 được Mỹ gọi là Special Missions Squadron, hay còn gọi là Phi Ðoàn VIP).

          U.6A (L20): Vừa liên lạc vừa có thể cải biến để phóng thanh và raiõ truyền đơn chiêu hồi, gọi chung là nhiệm vụ Tâm lý chiến, (Psychological Warfare, Spywar).


          U-6A Beaver

          Ðặc biệt, L20 hay U.6A (và U.17) còn đảm trách nhiệm vụ trắc giác. Ðây là nhiệm vụ khó khăn và rất mật (secret), do chính Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu chỉ huy. Trắc giác là làm sao tìm vị trí của các đài phát sóng của địch để tiêu diệt chúng. Ðây là một nhiệm vụ "tình báo điện tử". Phi cơ EC-47 thuộc SÐ 5 KQ trước kia, được dùng để điều chỉnh các beacon (vô tuyến đăng) như radio compass chẳng hạn, nhiệm vụ đó tuy cũng khó khăn nhưng không mật như trắc giác. (Tarin, thư bổ túc)


          Cessna U-17

          Hảng sản xuất : de Havilland Aircraf of Canada Ltd. Ðộng cơ Pratt & Whitney R-985-AN, 450 hp. Sải cánh 48 ft (14.63m), chiều dài 30 ft 4 in (9.24m), chiều cao 10 ft 5in (3.17 m). Tốc độ 156 knots (288 km/h; 180 mph). Bay cao 20,000 ft (6096 m). Tầm hoạt động 600 mi (965 km). Trọng tải 7 người hay 1000 lb (453 kg). Trọng lượng tối đa lúc catá cánh 4820 lb (2186 kg)

          • O.1 (L19): Xuất hiện 1954. Một động cơ, fixed wing. Hảng sản xuất Cessna Aircraft Co. Ðộng cơ Continental IO-470 6 cylinder, 213 hp. Sải cánh 36 ft (10.97 m), chiều dài 25 ft 10 in (7.87 m), chiều cao 7 ft 4in (2.23 m). Tốc độ 92 knots (168 km/h). Bay cao 18,500 ft (5638 m). Tầm hoạt động 530 mi (853 km). Trang bị 4 rockets khói hai bên cánh, (O1 của US Army còn trang bị đại liên .50 ly). Trọng lượng tối đa lúc cất cánh 2400 lb (1088 kg).


          Cessna L-19/O-1 Bird Dog

          • O.2 (Skymaster): Xuất hiện trên chiến trường QKI từ năm 1967, do KQ Mỹ xử dụng. 35 chiếc được chuyển giao cho KQVN (PÐ 110 & PÐ 118) trong kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, vào đầu năm 1973.
          Trang bi hai động cơ, một trước một sau, fixed wing và nằm trên, hai thân, hai bình ỗn đứng, bánh mủi và hai bánh đáp có thể co duổi.


          Cessna O-2 Skymaster

          Hảng sản xuất: Cessna Aircraft Co, động cơ 2 Continental IO-360-D 6 cylinder, 210 hp mỗi máy. Sải cánh 38 ft (11.58m), chiều dài 29 ft 9 in (9.06 m), chiều cao 9 ft 4 in (2.84 m). Tốc độ 156 knots (288km/h). Bay cao 20,500 ft (6248m). Tầm hoạt động 1000 mi (1610km). Trang bị: mỗi cánh hai pod, mỗi pod mang 7 rocket khói. Trọng tải 3 người. Trọng lượng tối đa lúc cất cánh 4300 lb (1,950kg).

          • U.17A và B (Skywagon): Một động cơ, cánh nằm trên, bánh đuôi. Xuất hiện ở Việt Nam vào cuối năm 1962. Là loại phi cơ nhẹ, đa dụng, có thể liên lạc, trinh sát, hành quân, trắc giác, spywar và huấn luyện ...


          Cessna U-17A Skywagon

          Hảng sản xuất: Cessna Aircraft Co. Ðộng cơ U.17A Continental IO-470-F 6 cylindre, 260 hp. Ðộng cơ U17B IO-520-D, 300hp. Sải cánh 36 ft 2 in (11.02m), chiều dài 25 ft 9in (7.84m), chiều cao 7 ft 9 in (2.36m). Tốc độ 147 knots (170mph, 272 km/h). Bay cao 17,500 ft (5334m). Tầm hoạt động 850 mi (1367km). Trọng tải 5 người. Trọng lượng tối đa lúc cất cánh 3200lb (1451 kg)

          • T.41D (Mescalero): Một động cơ, fixed wing, bánh mũi và hai bánh đáp cố định, Trung Tâm Huấn Luyện KQ, Trường Phi Hành đã nhận 22 chiếc T.41D vào năm ? (có thể 1966?) dùng để huấn luyện.


          Cessna T-41 Mescalero

          Loại phi cơ nầy không trang bị cho các Phi Ðoàn Quan Sát, nhưng các hoa tiêu quan sát đã tốt nghiệp trên loại phi cơ nầy và được bổ nhiệm đến các Phi Ðoàn. Vì lẽ đó, nên chúng tôi xem T.41D như là một loại phi cơ quan sát vậy.

          Hảng sản xuất: Cessna Aircraft Co. Ðộng cơ Continental IO-360-D 6 cylinder, 210 hp. Sải cánh 36 ft 2 in (11.02m), dài 26 ft 6 in (8.07 m), cao 8 ft 11 in (2.72m). Tốc độ 114 knots (210 km/h; 135 mph). Bay cao 13,000 ft (3962 m). Tầm hoạt động 720 mi (1158km). Trọng tải 3 người. Trọng lượng tối đa lúc cất cánh 2300 lb (1043kg)

          V. Cấp số Nhân viên & Phi cơ cho mỗi PÐ

          Mỗi Phi Ðoàn Quan Sát thường được chia thành 4 đến 5 Phi Ðội, tuỳ theo nhu cầu. Nhu cầu lệ thuộc vào tình hình chiến sự và diện tích của khu vực trách nhiệm. Mỗi Phi Ðội tròm trèm từ 10 đến 16 nhân viên phi hành (NVPH). Như vậy, quân số mỗi Phi Ðoàn ước chừng từ 50 đến 70 NVPH, phân nửa là hoa tiêu, phân nửa là quan sát viên.

          Cả 8 phi đoàn , tính đến ngày 30 tháng 09 năm 1974, đều được trang bị O.1 và U.17. Số phi cơ nầy được ghi nhận như sau: (Flying Dragons của Robert C Mikesh, trang 138, bản in 1988, USA)
          - O.1A : tiếp nhận 01/73 239 chiếc, khả dụng 188 chiếc.
          - O.2 : tiếp nhận 01/73 35 chiếc, khả dụng 32 chiếc
          - U.17 : tiếp nhận 01/73 85 chiếc, khả dụng 84 chiếc.

          Từ những con số nầy, chia đều cho 8, thì mỗi PÐ được trang bị chừng 20 O.1 (L19) và 08 U.17 (Cessna).
          Riêng hai PÐ 110 và 118 được trang bị thêm mỗi PÐ 14 O.2 vào năm 1973, nên số phi cơ O.1 tại hai đơn vị nầy có thể ít hơn, so với 6 PÐ còn lại.
          Những con số nêu trên có thể sút giảm trên thực tế vì những hư hỏng hoặc những thất thóat khác.

          VI. Ðào Tạo, Huấn Luyện

          Ðầu năm 1952, Pháp thành lập CIA (Centre d'Instruction Aerienne) với ba Trường riêng biệt. Trường Phi Hành và Trường Kỹ Thuật khai giảng đầu năm, Trường Quan Sát viên khai giảng tháng 10 sau đó.
          Ðây là ba Trường KQ đầu tiên do KQ Pháp huấn luyện KQ Việt Nam thuộc Ngành Quan Sát.
          Các khóa huấn luyện Hoa Tiêu và Quan Sát Viên được khai giảng sau đó.

          Theo Mệ (trong "Ðiểm Danh Bạn Già", LT 2002&2003) và theo tài liệu do các NT Ðặng Văn Hậu và Nguyễn Anh Ven cung cấp, thì các khóa 1, đến 3 hoa tiêu và quan sát viên khai giảng từ đầu năm 1952 cho đến cuối năm 1953, vói đầy đủ tên các vị KQ tiền bối. (Xem Phụ Lục)

          Sau 1954, KQ Việt Nam tiếp tục đào tạo quan sát viên theo nhu cầu thành lập và bổ sung. Bổ sung vì tổn thất thì ít, mà vì các quan sát viên có nhiều giờ bay hành quân đã được xuyên huấn thành hoa tiêu, điễn hình là "Mệ" (Ðại Tá Trần Phước) và "Gman" (Ðại Tá Ðỗ Trang Phúc).

          Tháng 7 năm 1957, cờ Việt Nam Cộng Hòa được sơn trên thân phi cơ.
          Cũng theo Gman (Trang Web Nhà "Bạn Già KQ"), khóa Trần Duy Kỹ 1958, các khoá sinh Khóa 58B/QSV đã học chung phần Ðịa Huấn với Khoá 58A Hoa Tiêu. Thời đó, Ðại Úy Dương Thiệu Hùng phụ trách Trường Phi Hành.

          Các huấn luyện viên phụ trách dạy phần Quan Sát là nhửng sĩ quan có hai chỉ số (hoa tiêu và quan sát viên). Còn các phần khác, như không hành, thì do các huấn luyện viên hoa tiêu thường đảm trách.

          Khóa 58A HT: Ðặng Thành Danh, Lê Bá Ðịnh, Lê Xuân Lan, Chế Văn Nghĩa. Khóa 58B QSV: Nguyễn Văn Chín, Trần Duy Nguyên.

          Năm 1963, một toán huấn luyện lưu động Mỹ (Mobile Team) gồm các huấn luyện viên hoa tiêu và kỹ thuật, đã đến Nha Trang mở các Khoá L 1, L 2, L 3 để huấn luyện hoa tiêu quan sát và chuyên viên sửa chữa bảo trì trên phi cơ U.17, cũng do Mỹ chở qua.

          Một số hoa tiêu kỳ cựu được tuyển chọn để huấn luyện thành huấn luyện viên hoa tiêu, để thay thế Mỹ huấn luyện các khoá L kế tiếp.

          Sau đây là danh sách các Huấn Luyện Viên hoa tiêu U17 đó : 1-Hồ Xuân Ðệ, 2- Hà Ngọc Hạnh, 3- Lê Cảnh Lợi, 4- Ðặng Thiện Ngươn, 5- Trần Tử Quảng, 6- Tống Ðình Thu, 7- Nguyễn Văn Vechai.

          Một số HLV/HT phục vụ tại Trung Tâm Huấn Luyện KQ Nha Trang, trước 1964:
          Quý NT Nguyễn Văn Bá, Trần Tấn Nhất, Ôn Văn Tài, Nguyễn Hồng Tuyền, Phan Văn Mạnh, Ðào Ðức Trân, Phạm Quốc Anh, Nguyễn Văn Cử, Huỳnh Minh Ðường, Nguyễn Thanh Hài...(Trích "NDNC", Nguyễn Văn Vechai)

          Huấn Luyện Victor FAC:
          Vào năm 1971, không lực Mỹ từ các căn cứ trong nước, và ngoài xứ (như Guam, Thái Lan v.v..) bay đến oanh kích các mục tiêu của địch quân do yêu cầu của ta, vấn đề hướng dẫn oanh kích (FAC) khu trục Mỹ bằng tiếng Mỹ đã được đặt ra. Và vấn đề huấn luyện Victor FAC (Victor = Việt Nam) cho các Quan Sát Viên Việt Nam đã được các cố vấn tại các phi đoàn đảm nhận.

          Sau khoảng 8 giờ (?) huấn luyện, các Victor FAC tốt nghiệp sẽ được cấp phát một Chứng Chỉ Tốt Nghiệp với Danh Số riêng, do Phi Ðoàn Tưởng và vị Cố Vấn liên hệ ký nhận.

          Kể từ khi được xác định là Victor Fac, người QSV sẽ làm việc với khu trục Mỹ bằng Danh Số riêng của mình (giống như SSN vậy). Ví dụ: -"Hello! Fantom, this is Victor Fac # 05, do you hear me well?"

          ***

          Phụ Lục 1- Các Khóa Huấn Luyện:

          Khóa I Hoa Tiêu Quan Sát:
          Khai giảng từ đầu năm, có 15 khóa sinh gồm 4 Thiếu Úy tốt nghiệp Trường Võ Bị Ðà Lạt, và 11 dân sự.
          Danh sánh 15 vị nầy như sau :
          1- Nguyễn Thế Anh, 2- Nguyễn Mạnh Bổng, 3- Bùi Quang Các, 4- Từ Bộ Cam, 5- Võ Dinh, 6- Nguyễn Tâm Ðăng, 7- Mai Văn Hạnh, 8- Dương Thiệu Hùng, 9- Nguyễn Kim Khánh, 10- Nguyễn Ngọc Oánh, 11- Võ Phước, 12- Trần Bá Quy, 13- Phạm Long Sửu, 14- Nguyễn Thanh Tòng, 15- Vũ Văn Ước. (Mệ, "Ðiểm Danh Bạn Già")

          Khóa II Hoa Tiêu Quan Sát:
          Danh sách quý vị Sĩ quan Khóa sinh (Thiếu Úy) như sau:
          1- Trần Ðình Hòe, 2- Võ Xuân Lành, 3- Nguyễn Văn Lượng, 4- Nguyễn Khắc Ngọc, 5- Nguyễn Bá Thọ, 6- Vũ Thượng Văn (Ðằng Vân), 7- Nguyễn Văn Tuấn, 8- Nguyễn Ngọc Thu..

          Và các khoá sinh dân chính:
          1- Nguyễn Ngọc Biện, 2- Nguyễn Văn Cơ, 3- Nguyễn Văn Cư, 4- Võ Văn Hội, 5- Nguyễn Ðình Nhân, 6- Nghiêm Văn Phong (Tr/Sĩ, từ Thủ Ðức sang), 7- Nguyễn Văn Vechai. (Trích "Ngày Ðầu, Ngày Cuối", Nguyễn Văn Vechai)

          Khóa III Hoa tiêu Quan Sát:
          Khóa 3 hoa tiêu tại Nha Trang, gồm 4 Thiếu Úy:
          1- Nguyễn Văn Ba, 2- Nguyễn Trọng Ðệ, 3- Ngô tấn Diêu, 4- Nguyễn Ðình Thập.
          Các khóa sinh dân sự:

          Nguyễn Kim Bông, Mai Văn Hải, Phan Văn Mạnh, Bạch Thái Minh, Nguyễn Ðức Lộc Sơn, Lê Văn Thảo, Ðào Ðức Trân, Nguyễn Hữu Trí, Vũ Quang Triệu, Nguyễn Văn Vechai (Trích "NÐNC", Nguyễn Văn Vechai)

          Khóa I Quan Sát Viên:
          Khai giảng đầu tháng 10 năm 1952. Khóa học kéo dài 6 tháng.
          Danh sách 6 sĩ quan học viên như sau:
          1- Phùng Văn Chiêu, 2- Nguyễn Ðình Giao, 3- Lê Minh Luân, 4- Ðỗ khắc Mai, 5- Ðinh Thạch On, 6- Trần Phước. (Mệ, "ÐDBG")

          Khóa II Quan Sát Viên:
          Danh sánh quý vị như sau:
          1- Hoàng Ngọc Bào, 2- Nguyển Ngọc Minh, 3- Trần Văn Minh, 4- Ðỗ Trang Phúc, 5- Lại Như Sơn, 6- Huỳnh Thiên Tài. (Ðằng Vân)

          Khoá III Quan Sát Viên:
          Khai giảng tháng 12 năm 1953, mãn khóa tháng 4 năm 1954. Giám Ðốc là Trung Úy Desbordes, huấn luyện viên là Trung Úy Trần Văn Minh.

          Danh sách 16 khóa sinh:
          1- Ðặng Văn Hậu, 2- Trương Hiệp, 3- Nguyễn Hữu Khánh, 4- Chu Bá Liêm, 5- Nguyễn My, 6- Nguyễn Văn Duy Ninh, 7- Vũ Bình Phương, 8- Nguyễn Nhật Tân, 9- Lê Văn Các (tự Tích), 10- Nguyễn Quang Toại, 11- Nguyễn Văn Thọ, 12- Nguyễn Tấn Trào, 13- Nguyễn Văn Trương, 14- Nguyễn Xuân Trường, 15- Ðinh Thế Truyền, 16- Nguyễn Anh Ven. ( Ðằng Vân)

          Chương trình huấn luyện QSV tương tự như chương trình huấn luyện Hoa Tiêu, rất đầy đủ về môn địa huấn (Ground School) cộng thêm những chuyên môn của QSV, như: khí tượng, không hành, đọc bản đồ, chấm tọa độ (vùng đồng bằng, vùng núi), chụp hình, hộ tống (đoàn xe, train, tàu thủy...), điều chỉnh pháo binh, hướng dẫn khu trục,... (Mệ & Nguyễn Anh Ven & Võ Trung Nhơn)

          Qua phần Phụ Lục nầy, qúy vị nào muốn tìm hiểu cặn kẽ thêm vấn đề huấn luyện và đào tạo Ngành Quan Sát của KQVN, thì xin liên lạc trực tiếp với Quý Lão Tiền Bối nêu trên.

          Phụ Lục 2- Phi Trường.

          Ngoài những phi trường bê tông cốt thép hạng tiêu chuẩn quốc tế, phi cơ quan sát có thể đáp trên các loại phi trường bằng đất nện, bằng vĩ sắt PSP (Pierced Steel Plank) .
          - Phi trường dài nhất: 10,000 ft (3048 m): Ðà Nãng, Chu Lai, Cam Ranh, Biên Hoà, Tân Sơn Nhất.
          - Phi trường ngắn nhất: 800-900 ft (244-274 m): Bình Khê (II), Vĩnh Châu (IV), Tuy An (II), ..

          Tổng số phi trường lớn nhỏ toàn Miền Nam được ghi nhận như sau: (Flying Dragons)
          - Quân Khu I: 53 phi trưởng
          - Quân Khu II: 100 phi trường
          - Quân Khu III: 71 phi trường
          - Quân Khu IV: 45 phi trường.

          Con số Biệt Ðội Quan Sát phối trí ở các Tiểu Khu cũng lệ thuộc một phần vào số lượng phi trường hiện hữu ở vùng trách nhiệm. Theo KQ Tarin thì, QK II và QK IV là hai vùng rộng lớn nên có nhiều Biệt Ðội Quan Sát hơn các QK khác.

          Phụ Lục 3- Chỉ Số.

          Khỏang năm 1960, mọi ngành trong KQ đều có chỉ số riêng, hoa tiêu quan sát mang chỉ số 230, quan sát viên mang chỉ số 400. Thời đó, KQ Trần Văn Minh (cố Trung Tướng Tư Lệnh KQ), hay đến Câu Lạc Bộ Phi Ðoàn 112 Tân Sơn Nhứt (?) để ăn sáng. Trên áo bay ông thêu hai số 230 và 400, đã được KQ Hoàng Ngọc Bào cố tình diễn giải sai lệch như sau: "Ði làm từ 2 giờ 30 đến 4 giờ thôi!" (Ðặng Văn Hậu)

          Phụ Lục 4- L19 đáp Hàng Không Mẫu Hạm


          Sử sách sẽ thẩm xét về biến cố 30/04/75. Ngày 30/04/75, Ngành Quan Sát ghi được một kỳ tích có một không hai trong lịch sử không quân thế giới, đó là L19 thuộc PÐ 114, chở một phụ nữ và 5 con của bà, đáp an toàn trên Hàng Không Mẫu Hạm Midway của Hải Quân Hoa Kỳ. Hoa tiêu là Thiếu Tá Lý Bửng, Trưởng Phòng Hành Quân PÐ 114, đã thả "công điện" xuống mẫu hạm để xin đáp khẩn cấp, vì vô tuyến hỏng và gần hết xăng:

          "Can you move these helicopters to the other side. I can land on your runway, I can fly 1 hour more. We have enough time to move. Please, rescue me!
          Major Bung, wife and five children". (Flying Dragons)



          KQ Lý Bửng đáp an toàn trên mẩu hạm, gây sững sờ và vui mừng mọi người trên tàu. Anh và gia đình được di tản qua Mỹ, thàng phố Orlando. Riêng chiếc L19 của anh đã được Hải Quân Mỹ lưu giữ trong Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam, của US Navy, ở Florida (Mệ, LT 01/2003)

          VII. Chiến Công và Xương Máu
          Những chiến công lẫy lừng của Quân Ðội Cộng Hoà như Bình Long Anh Dũng, Kontum Kiêu Hùng, Trị Thiên Vùng Dậy, hoặc giải tỏa Pleime, tử thủ An Lộc, tái chiếm Quảng Trị, giải tỏa trận Mậu Thân v.v... là do đóng góp xương máu của toàn quân, trong đó có KQ, trong đó có Ngành Quan Sát.
          Xin trích dẫn một vài chiến công tiêu biểu (trong khi mong chờ tài liệu từ những KQ trực tiếp tham dự và tạo được những chiến công bổ túc)
          - Năm 1968, Phi Ðoàn 114 Sao Mai phát hiện hai tàu hàng chở vũ khí của địch tại cửa khẩu Vũng Rô thuộc Tuy Hòa.
          - Năm 1972, Phi Ðoàn 118 Bắc Ðẩu đã yểm trợ SÐ Dù, SÐ 22 BB, SÐ 23 BB, Liên Ðòan 2 BÐQ, B-15..., chận đứng các cuộc tổng công kích khắp Tây Nguyên trong Mùa Hè Ðỏ Lửa 72. Cùng Chiến Ðoàn 2 Xung Kích B-50 đánh phá đường ống dẫn dầu của địch, phía Tây Bắc Quận Tiêu Ata (?), Ban Mê Thuột.
          - Năm 1974, Phi Ðoàn 114 Sao Mai yểm trợ SÐ 22 BB, tái chiếm ngọn đồi 82 thuộc Quận Ðề Ðức, Quy Nhơn do SÐ 3 Sao Vàng của VC chiếm giữ trên 6 tháng.
          - Năm 1974, Phi Ðoàn 116 Sơn Ca yểm trợ SÐ 7 BB, đập tan đợt xâm nhập của Công Trường 3 Việt Cộng tại Tiểu Khu Kiến Tường, kéo dài sang Long Khốt lãnh thổ Cam Bốt. Yểm trợ Lực Lượng Tiểu Khu Kiến Hòa, đánh tan Trung Ðoàn Chủ Lực Miền Ðồng Tháp tại đây.
          - Năm 1974, Phi Ðoàn 118 và Phòng 2 Quân Ðoàn II phát hiện và hướng dẫn khu trục tiêu diệt đoàn xe trên 500 chiếc Molotova của địch trên đoạn đèo trong mật khu An Lão kéo dài từ lãnh thổ QKI sang QK II. (PHD)
          - vân vân và vân vân...

          Chiến công nào cũng phải trả giá. Cái giá của Ngành Quan Sát so với các Ngành khác thì không thấm thía gì, nhưng không phải là không có.

          Phi hành đoàn Quan Sát thường có mặt trên mục tiêu phút đầu cuộc chiến và rời mục tiêu sau cùng. Vì là tai mắt của chiến trường, địch quân e ngại bị lộ nên không dám cựa quậy trong suốt thời gian có L19 trên vùng. Ðây là suy luận chủ quan. VC vẫn xử dụng đại liên phòng không và SA7 (hỏa tiễn tầm nhiệt, Surface To Air) nhắm vào tất cả các loại phi cơ của KQCH. Tỷ lệ hy sinh của Ngành Quan Sát vào khoảng 10%, được chia ra như sau: 4% do thời tiết, khả năng chuyên môn và kỹ thuật, 6% do chiến trận. (KQ Phạm Hữu Dương)

          VIII. Phần Kết

          "Các cố vấn Mỹ làm việc tại các Ðơn vị Việt Nam, thường là phi công khu trục phản lực. Sau sáu tháng tham chiến trên phản lực cơ, họ sẽ qua một khóa huấn luyện ngắn hạn để biết về nhiệm vụ và vai trò của FAC, và được cheked out trên O-1 hoặc O-2. Sau khoá học nầy, họ được chỉ định về làm việc với các đơn vị Bộ Binh Việt Nam. Vì đã quen thuộc với cách thức không trợ tiếp cận, khi làm việc dưới đất, họ sẽ thông thạo về không yểm và có những quan hệ tốt, khả dĩ gây tin tưởng cho vị chỉ huy diện địa". ("Air Power in Three Wars", General William W. Momyer)

          Trên đây là cái nhìn của một Tướng hồi hưu Mỹ về vai trò của FAC, hay nôm na là của một Sĩ Quan Ngành Quan Sát.

          Còn cái nhìn của một fighter Việt Nam đối với một Quan Sát Viên thì sao?

          "Nếu nói về nhu cầu đào tạo thì đáng lẽ ra người đó phải có ba đầu sáu tay. Người đó phải biết hành quân dưới đất như một Ðại Ðội Trưởng. Người đó phải rành về Pháo Binh như một DLO, vì nhiệm vụ hướng dẫn pháo binh còn quan trọng bằng mấy lần hướng dẫn khu trục. Người đó lại phải hiểu về bom đạn của khu trục cơ đang sử dụng, thời gian trên vùng đòi hỏi và nhất là mức độ chính xác và an toàn của họ. Ðó là những kiến thức đòi hỏi ở một Quan Sát Viên". (Gman, "Quan Sát Viên Trong KQVN", Web BGKQ)

          Trên thực tế, Ngành Quan Sát vẫn là ngành nhỏ, nhẹ, tà tà. (kích thước phi cơ nhỏ, nhẹ kí, bay chậm). Chính cái nhỏ nhẹ tà tà mà người không quân mang chỉ số quan sát cũng không thể nào ngang tàng dũng mãnh hơn được, nhất là lúc ở trên trời. Có chăng, thì chỉ có mấy phút ngắn ngủi trong lúc FAC mà thôi, như nhận xét của tướng KQ Mỹ hồi hưu Momyer:

          "Trong suốt thời gian hướng dẫn oanh kích, FAC là người có quyền quyết định ngưng hay tiếp tục. Chính Quan Sát Viên, trên thực tế, là cấp Chỉ Huy cuộc hành quân không yểm và quyền hạn của ông ta đã được thừa nhận bởi vị Chỉ huy diện địa cũng như vị Phi tuần trưởng." ("At all times, the FAC was the final air authority on whether or not the strike would continue. He was, in fact, the local air commander for the conduct of air operation, and his authority was recognized by the ground force commander and flight leader alike.")

          Ngành Quan Sát xin ghi nhận và đa tạ nhận xét thiện cảm nầy.

          Sau 28 năm rã ngũ, QLVNCH nói chung, Quân chủng KQ nói riêng, vẫn âm ỉ trong lòng mình ngọn lửa Tổ Quốc Không Gian, vẫn cháy sáng trong sâu thẳm hồn mình Lý Tưởng Tự Do Dân Chủ.

          Từ hai Phi Ðoàn lúc khởi thủy, đã tăng lên trên 60 Phi Ðoàn, trong đó có 8 Phi Ðoàn Quan sát. Từ vài ngàn quân lúc khởi thủy, đã tăng lên trên sáu mươi bốn ngàn chiến hữu đệ huynh (T.V.Minh). Từ vài chục phi cơ cũ kỹ MS.500 lúc khởi thủy, đã tăng lên trên 1500 phi cơ tân tiến đủ loại. Từ một Không Lực mới thoát vòng đô hộ lúc khởi thủy, đã vươn vai Phù Ðổng thành một Không Lực độc lập có chủ quyền, có Tổ Quốc, có Không Gian, đứng hàng thứ ba trên thế giới.
          Một Không Lực trưởng thành qua dạn dày đấu tranh vì Lý Tưởng Quốc Gia Dân Tộc.
          Ðó là Không Lực Việt Nam Cộng Hòa.

          Không Lực đó đã bị bức tử tháng 4 năm 1975 và đang đi dần vào Quên Lãng...
          Bài viết nầy, không nhất thiết tìm cho Ngành Quan Sát một chỗ đứng trong Yếu Sử Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, mà chỉ mong sao, qua bài viết nầy, các thế hệ con cháu chúng ta ngày sau nhận thức minh bạch một điều cốt lõi, là cha ông của họ phục vụ trong Quân Lực VNCH trong đó có Không Lực Cộng Hòa, đã thật sự hy sinh, đã thực sự chiến đấu vì Lý Tưởng Quốc Gia Dân Tộc, chứ không phải chiến đầu vì một Ðảng hay một chủ thuyết ngoại bang.

          Và cũng mong sao đàn cháu chắt ngày sau, tiếp nối chí nguyện của tiền nhân, xây dựng một Không Lực Việt Nam Tự Do hùng mạnh trong quyết tâm bảo vệ đồng bào, bảo vệ bờ cõi, tung cánh bay rợp trời đất Tổ quê Cha, từ Ải Nam Quan cho đến tận mủi Cà Mâu...

          Lịch Sử, Tiền Nhân, Hồn Thiêng Sông Núi và Cả Giống Nòi Rồng Tiên, hằng mong như thế!

          St Louis, 03/2003;
          Lập xuân Quý Mùi

          -o- -o- -o-

          Tài Liệu Tham Khảo:
          1. -"Air Power In Three Wars" (WWII, Korea, VietNam), by General William W. Momyer, USAF (Retired);
          2. -"Flying Dragons, The South Vietnamese Air Force", by Robert C. Mikesk;
          3. -"Lý Tưởng" tháng 09/2002, tháng 01/2003. (Mệ, "Ðiểm Danh Bạn Già Không Quân". Ð.DZ, "Huyền Thoại về Bà Già Morane 500");
          4. -Trang Web "Bạn Già Không Quân". (Gman, "Quan Sát Viên Trong KQVNCH");
          5. -Email cung cấp tin tức, của quý Niên Trưởng KQ Mệ, Ðặng Văn Hậu, Nguyễn Quang Tri, Nguyễn Anh Ven, quý Chiến hữu Võ Trung Nhơn, Kha Lăng Ða, Phạm Hữu Dương;
          6. -KQ Nguyễn Văn Vechai, gởi qua BÐ trích đoạn tài liệu "Ngày Ðầu, Ngày Cuối" vô cùng phong phú;
          7. -Liên lạc điện thoại, và đã được quý NT Võ Dinh, Trần Phước, Võ Công Thống, Ðặng Văn Hậu, Nguyễn Quang Tri, quý chiến hữu Lưu Huy Cảnh, Ðoàn Phan, Nguyễn Ðình Ðại, Nguyễn Ðức, Phạm Hữu Dương sốt sắng cung cấp tin tức;
          8. -Cung cấp ảnh (photo) các loại phi cơ quan sát : KQ Võ Trung Nhơn và nhà sưu tầm tài tử ảnh các loại phi cơ KQVNCH, KQ Phạm Quang Khiêm.

          Xin chân thành đa tạ những chỉ dẫn và những đóng góp quý báu của quý NT và quý chiến hữu.
          Last edited by khongquan2; 12-30-2012, 03:36 AM.

          Comment


          • #6
            Kính mong quý Niên trưởng tích cực đóng góp để hình thành trang Quân sử cho mọi người cùng đọc. Mong lắm thay! Tn07

            Comment


            • #7
              Quân sử Không Quân

              Trận Mậu Thân 1968 tại CCKQ Tân Sơn Nhứt
              và cái chết của cố Ch/Tướng Lưu Kim Cuơng

              Thiên Ân (viết theo lời kể của Ðại tá Phùng Văn Chiêu)


              LỜI NÓI ÐẦU:
              Khi viết về những chiến công của quân chủng Không Quân, người ta thường đề cao, ca tụng giới phi hành. Ðiều đó cũng không có gì lạ bởi vì phi hành là lực lượng chiến đấu, là sức mạnh chính của Không Quân. Nhưng nói như thế không có nghĩa là giới 'không phi hành' không góp phần công lao vào những chiến tích hào hùng của quân chủng. Những người lính kỹ thuật đã âm thầm đổ mồ hôi để bảo đảm an toàn cho người phi công, những chiến sĩ phòng thủ ngày đêm vững tay súng để bảo vệ vòng đai căn cứ, v.v...

              Trong Tết Mậu Thân 1968, hầu hết mọi căn cứ không quân trên lãnh thổ VNCH đều bị Việt Cộng tấn công, nhưng nặng nhất phải là căn cứ Tân Sơn Nhứt. Với lực lượng lên tới một trung đoàn, Việt Cộng tưởng sẽ tràn ngập căn cứ dễ như trở bàn tay, nhất là sau khi một tiểu đoàn gồm 300 tên đã lọt vào phi truờng. Nhưng trước sự chiến đấu quả cảm của những người lính 'không quân đánh bộ', Việt Cộng đã bị thảm bại, 187 tên bỏ xác tại trận, chưa kể một số khác được đồng bọn mang đi.

              Bài này được người viết đúc kết theo lời kể lại của Ðại tá Phùng Văn Chiêu - nguyên Chỉ huy trưởng Yếu Khu Tân Sơn Nhứt, không ngoài mục đích vinh danh những chiến sĩ phòng thủ anh hùng của quân chủng Không Quân 35 năm về trước.


              YẾU KHU TÂN SƠN NHỨT

              Năm 1955- 1956, Không Quân Việt Nam lần lượt tiếp nhận các căn cứ do Không Quân Pháp bàn giao lại. Tân Sơn Nhứt là căn cứ thứ ba (sau Nha Trang và Biên Hòa) nên được đặt trên Căn cứ 3 KQVN. Trên phương diện lãnh thổ, Căn cứ 3 thuộc Yếu khu Hạnh Thông Tây - Tân Sơn Nhứt. Yếu khu này gồm các yểu điểm sau đây:

              • Yếu điểm Hạnh Thông Tây
              • Yếu điểm TSN (Căn cứ 3 KQ)
              • Yếu điểm Trần Hưng Ðạo (tức Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH)

              Bộ chỉ huy Yếu khu đặt tại Tổng hành dinh Bộ TTM, Chỉ huy trưởng Tổng hành dinh kiêm Chỉ huy trưởng Yếu khu.

              Riêng Yếu điểm TSN gồm có:

              • Căn cứ 3 KQ
              • Căn cứ Hoàng Hoa Thám (Nhảy Dù)

              Bộ chỉ huy Yếu điểm đặt tại Bộ chỉ huy phòng thủ Căn cứ 3 KQ. Sĩ quan Phòng thủ Căn cứ kiêm nhiệm Chỉ huy trưởng Yếu điểm.

              Căn cứ 3 KQ có một vòng đai ngoài dài 21 cây số do Tiểu Ðoàn 2 Công Vụ (TÐ2CV), được Biệt khu Thủ đô biệt phái tới để bảo vệ phi trường. Vòng đai phía trong căn cứ do Ðoàn Phòng Vệ trách nhiệm, quân số vừa đủ để canh gác cổng ra vào và tạm thời đảm nhận nhiệm vụ của Quân Cảnh để đi tuần tiễu, chỉ còn lại chừng một tiểu đội để ứng chiến.

              Từ năm 1959-1960, địch quân bắt đầu gia tăng hoạt động trong Nam. Vì thế quân đội VNCH cũng được bành trướng để đối phó với tình hình mới. Tại TSN, Không Ðoàn 33 Chiến Thuật được thành lập (1965-66). Ðể làm giảm tiềm năng chiến đấu của KQ/VNCH, VC ra sức phá hoại căn cứ. Cùng với việc cho nội tuyến đặt bom phá hoại Phi cảng TSN, chúng pháo kích căn cứ quân sự bằng các loại súng cối 61, 82 ly, và cho đặc công lẻn vào phá hoại (năm 1966).

              Trước tình hình đó, Bộ TTM, Bộ Tư Lệnh KQ và các lực lượng Hoa Kỳ đồn trú trong Yếu khu nhận thấy cần phải cải tổ hệ thống phòng thủ lãnh thổ. Từ đó, Yếu khu Hạnh Thông Tây - Tân Sơn Nhứt bị giải tán để thành lập một yếu khu mới (Yếu khu TSN) và trao trách nhiệm cho KÐ33CT. Ban đầu, Trung tá Lưu Kim Cương từ chối vì công việc riêng của KÐ đã quá nặng rồi, không thể đảm trách thêm yếu khu.

              Tuy nhiên, Thiếu tá Phùng Văn Chiêu sau khi phân tách lợi hại, nhận thấy nếu KÐ33CT nắm yếu khu thì căn cứ TSN có thể được an toàn hơn trước vì KÐ trực tiếp điều khiển, toàn quyền sắp xếp mọi việc , sẽ an tâm hơn, nên đề nghị Trung tá Cương nhận trọng trách. Kết quả, KÐ33CT tiếp nhận Yếu khu TSN và đặt bộ chỉ huy tại Bộ chỉ huy Phòng thủ Căn cứ TSN.


              Chỉ huy trưởng Yếu khu: Trung tá Lưu Kim Cương; Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng: Thiếu tá Phùng Văn Chiêu. Ban tham mưu có các sĩ quan Ban 1, 2, 3 và Truyền tin do Biệt khu Thủ đô tăng phái.

              Các yếu điểm và chi khu quân sự trực thuộc Yếu khu mới này gồm có:

              1. Yếu điểm TSN, gồm có căn cứ KQ, căn cứ Nhảy dù (trại Hoàng Hoa Thám), khu vực dân sự và Phi cảng TSN.
              2. Yếu điểm Hạnh Thông Tây, có Trường Quân Cụ, các trại Cổ Loa (Pháo Binh), Phù Ðổng (Thiết Giáp), Cục Quân Y và Tổng y viện Cộng Hòa.
              3. Chi khu Gò Vấp.

              Vùng hoạt động được nới rộng, xa hơn tầm pháo kích 61 và 82 ly của VC:

              • Phía Bắc là Chi khu Gò Vấp đến đồng An Phú Ðông, cách căn cứ trên 4 cây số.
              • Phía Tây đến ranh Hốc Môn.
              • Phía Nam đến ranh Phú Lâm.
              • Phía Ðông là trại Trần Hưng Ðạo (Bộ TTM).

              Ngoài ra, còn có Tiểu đoàn 53 Ðịa phương quân được đặt dưới quyền sử dụng của Yếu khu để hành quân, và một Pháo đội 105 ly có trang bị hệ thống radar phản pháo, đặt ngay trong phi trường, cũng được đặt dưới sự điều động của Yếu khu.

              Từ khi có Yếu khu TSN, hoạt động trong căn cứ nhộn nhịp hơn vì có nhiều bộ tư lệnh và các đơn vị Không Quân, Lục Quân Việt - Mỹ đồn trú. Vì thế, Bộ chỉ huy Phòng thủ Căn cứ được phía Hoa Kỳ tăng phái một số sĩ quan và hạ sĩ quan đến phối hợp với phía VN, và trở thành Trung tâm Phòng thủ Hành quân Hỗn hợp (JDOC: Joint Defense Operation Center).

              Ngoài các cơ cấu nói trên, phía Hoa Kỳ còn yểm trợ ngân khoản để tuyển mộ 15 tình báo viên dân sự, tuyển từ hàng ngũ VC hồi chánh. Kể từ đó, lưới tình báo của yếu khu được phối trí rộng rãi, ra xa hơn để bao vùng. Lúc đó Ban 2 Yếu khu do Trung úy Nguyễn Hồng Phúc và tiếp theo là Ðại úy Huỳnh Khương An chỉ huy đã thu thập được nhiều tin tức chính xác, biết được ý định của địch từ bên ngoài để phá vỡ âm mưu của địch ở bên trong. Do đó các ổ nội tuyến trước kia từng phá hoại hai lần ở phi cảng, nay chuẩn bị tiếp tục phá hoại đều bị khám phá và bắt trọn ổ.

              Bên ngoài vòng đai, TÐ53ÐPQ cũng hoạt động tích cực, bao vùng, phục kích ở những khu vực mà VC có thể đặt súng cối để pháo kích. Kết quả đã bắt được một vài toán VC trong lúc chúng đang chuẩn bị pháo kích vào căn cứ TSN. Không thể hoạt động dễ dàng như trước, VC đổi chiến thuật, sử dụng hỏa tiễn 122 ly từ ngoài vòng kiểm soát của Yếu khu để bắn vào căn cứ.

              Mỗi buổi chiều, vào lúc 5 giờ, Thiếu tá Phùng Văn Chiêu, Chỉ huy phó Yếu khu, lại thay mặt Trung tá Lưu Kim Cương điều khiển phiên họp tại JDOC gồm tất cả các cấp chỉ huy và sĩ quan phòng thủ Việt - Mỹ để duyệt xét tình hình. Có thể nói JDOC này trung tâm hành quân độc đáo, kiên cố nhất thời đó, do Hoa Kỳ viện trợ xây cất và trang bị. Nóc và các bức tường dày 60 cm, hỏa tiễn 122 ly không thể xuyên qua nổi. Bên trong được trang bị những phương tiện truyền tin, liên lạc tối tân nhất.

              Có một lần Ðại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, hướng dẫn một phái đoàn tướng lãnh (Tr/tướng Vỹ, Th/tướng Nhơn, Th/tướng Phong) và nhiều sĩ quan cao cấp thuộc Phòng 3 Bộ TTM đến thăm viếng và quan sát hoạt động trong JDOC. Lúc đó Trung tá Lưu Kim Cương bận tháp tùng Ðại tá Võ Xuân Lành sang Hoa Kỳ viếng thăm các cơ sở của Không Lực HK nên Thiếu tá Phùng Văn Chiêu thay thế đón tiếp phái đoàn. Sau khi tham quan, Ðại tướng Viên quay lại hỏi Th/tướng Phong rằng "Bao giờ anh mới xây cất được một Trung tâm Hành quân kiên cố như thế này cho Bộ TTM?". Thiếu tướng Phong dè dặt trả lời rằng chưa có đủ tiền!

              KẾ HOẠCH PHÒNG THỦ

              Và mấy tháng cuối năm 1967 (thời gian trước Tết Mậu Thân), tin tình báo do Yếu khu TSN thu thập cho biết chắc chắn VC sẽ mở một cuộc tấn công đại quy mô vào Sài Gòn trong ba ngày ngưng bắn nhân dịp Tết nguyên đán. Theo đó, Căn cứ TSN và Bộ TTM sẽ là những mục tiêu địch sẽ đánh chiếm trước khi tiến vào đô thành Sài Gòn. Nhưng tin tức được Yếu khu báo cáo đã bị Phòng 2 Bộ TTM và Biệt khu Thủ đô đánh giá rất thấp. Các nơi này cho rằng VC không có khả năng to lớn như vậy mà chỉ có thể đánh khuấy rối để gây tiếng vang mà thôi!


              Dù vậy, Yếu khu TSN vẫn đề cao cảnh giác, chỉ thị cho các đơn vị phòng thủ Việt - Mỹ chuẩn bị sẵn sàng. Mỗi buổi chiều, sau phiên họp tại JDOC, Thiếu tá Phùng Văn Chiêu lại đi thị sát vòng đai phòng thủ, nhất là tại các tuyến tiếp cận với dân cư, nơi VC có thể len lỏi trà trộn dễ dàng. Mặc dù đã làm việc tại BTL/KQ phụ trách hồ sơ kế hoạch phòng thủ của các căn cứ KQ trong thời gian 7 năm trời, và sau đó là 3 năm phòng thủ Căn cứ 3 (KÐ33CT), Thiếu tá Chiêu chưa bao giờ phải đối đầu với một cuộc tấn công lớn của VC, cho nên ông rất lo ngại. Ông chỉ biết làm tất cả những gì có thể làm và phó thác cho... định mệnh.

              Chiều nào ông cũng về nhà ăn cơm tối và thăm bà mẹ già đau yếu đã lâu năm. Trước khi trở vào trại, ông thắp nhang trước các bàn thờ Phật Bà, Quan Công và người vợ đã qua đời của mình.

              Lúc đó Thiếu tá Phùng Văn Chiêu rất dị đoan, tin tưởng vào lời các thầy tướng số cho rằng ông được Quan Công độ mạng, cho nên đêm nào ông cũng cầu xin ngài phò hộ, giúp ông giữ được căn cứ trong trường hợp VC mở cuộc tấn công thật sự. Không hiểu do đấng thiêng liêng, người khuất mặt mách bảo hay do linh tính mà Thiếu tá Chiêu đã quyết định bổ túc lại kế hoạch phòng thủ hiện tại mà trong bao năm qua chưa hề thay đổi.

              Ước đoán VC sẽ thọc mũi dùi tấn công vào tuyến Tây Nam (dọc theo Quốc lộ 1 từ Bà Quẹo đến cổng trại Hoàng Hoa Thám), tại cổng ra vào có pháo đài 51 (OF 51). Tuyến này do các lực lượng của TÐ2CV trấn giữ. Ðể được an tâm hơn, Thiếu tá Chiêu đã nhờ phía Không Quân Hoa Kỳ cho một bán tiểu đội phòng vệ (AP) trang bị tối tân (có phương tiện quan sát ban đêm) tới thay thế TÐ2CV để trấn giữ pháo đài 51.

              Phía bên trong, giữa hàng rào phòng thủ và bãi đậu phi cơ C-47 của Liên Ðoàn 33 Kỹ Thuật, Thiếu tá Chiêu phối trí một tuyến phòng thủ thứ hai, gọi là tuyến B, để ngăn chặn VC trong trường hợp TÐ2CV không giữ được tuyến ngoài. Lực lượng phòng thủ tại tuyến B vào khoảng 60 người. Vì hầu như tất cả đều chưa có kinh nghiệm chiến đấu , để cho họ yên tâm, Thiếu tá Chiêu đã nhờ phía Hoa Kỳ tăng cường cho tuyến B một tiểu đội AP trang bị vũ khí tối tân, có cả súng phóng lựu M79. Ngoài ra còn 5 xe GMC trang bị đại bác 20 ly phòng không phối trí rải rác dọc theo đường đai để tăng cường cho TÐ2CV, với mục đích nhờ tầm bắn xa của đại bác có thể chặn địch từ xa trước khi chúng đến hàng rào phòng thủ.

              Sau khi bố trí kế hoạch mới, Thiếu tá Chiêu thường xuyên đi kiểm soát bất thần, và trắc nghiệm phản ứng của các lực lượng ứng chiến, tập đi tập lại cho tới khi đạt được phản ứng nhanh nhất...
              Thời gian đó, Căn cứ TSN là nơi tập trung nhiều quân nhân và nhân viên dân sự Mỹ nhất trên lãnh thổ miền Nam. Quân nhân Mỹ (Không Quân và Lục Quân) 18.000 người; ban ngày số nhân viên dân sự Việt - Mỹ vào căn cứ làm việc là 23.000 người; phía Việt Nam, kể cả gia đình binh sĩ khoảng 5000 người. Tổng cộng 46.000 người, sinh hoạt như một thành phố.

              Một đêm nọ, Trung tá Lưu Kim Cương yêu cầu Thiếu tá Phùng Văn Chiêu hướng dẫn một phái đoàn 3 nhân viên báo chí Hoa Kỳ đi tham quan hệ thống phòng thủ của Căn cứ TSN và chứng kiến phản ứng của các đơn vị ứng chiến khi có báo động. Sau đó, họ hỏi liệu Yếu khu có thể chống nổi cuộc tấn công của 7 tiểu đoàn VC không? Thiếu tá Chiêu chỉ cười và trả lời 'Ðến lúc đó các anh sẽ biết'. Tuy nói vậy, nhưng trong lòng ông rất lo.

              TỔNG CÔNG KÍCH ÐỢT I:

              Theo thông lệ, vào mỗi dịp đầu năm âm lịch, VNCH và VC thỏa thuận ngưng bắn 3 ngày để binh sĩ hai bên về ăn Tết với gia đình. Tuy nhiên năm nay (Mậu Thân 1968), có tin VC sẽ tấn công nên tại căn cứ TSN, các đơn vị cho binh sĩ thay phiên nhau đi phép 25% quân số. Bù lại, các lực lượng Hoa Kỳ tình nguyện cấm trại 100% để đắp vào chỗ trống.

              Theo tin tình báo, VC đã cho từng toán nhỏ len lỏi vào các khu dân cư xung quanh căn cứ TSN và yếu điểm Hạnh Thông Tây. Cũng theo tin tình báo, lực lượng của chúng tham gia cuộc tổng tấn công gồm có:

              • 9 Tiểu đoàn đánh vào Ðô thành Sài Gòn
              • 7 Tiểu đoàn đánh vào Căn cứ TSN và Bộ TTM
              • 1 Tiểu đoàn đặc công
              • 12 Ðại đội do Sư Ðoàn 3 VC tăng phái để yểm trợ tổng quát.


              Ðúng 9 giờ sáng mùng một Tết Mậu Thân (31-1-1968), JDOC báo cáo VC đã tấn công cố đô Huế vào đêm 30 rạng mùng một Tết, và đã tràn vào thành phố. Tức thời, Thiếu tá Phùng Văn Chiêu cho lệnh báo động cấm trại 100%. Tất cả các đơn vị Việt - Mỹ đồn trú đều ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Thiếu tá Chiêu có hỏi Trung tá Cương xem ông có quyết định gì để bổ túc kế hoạch phòng thủ không, Trung tá Cương trả lời ông hoàn toàn đặt tin tưởng vào kế hoạch của Thiếu tá Chiêu, đồng thời cũng nói ông Chiêu ráng lo bảo vệ căn cứ vì bản thân ông còn rất nhiều công việc khác phải lo.

              Sau khi được tin có nhiều toán nhỏ của VC lần lượt trà trộn vào các xóm nhà dân trong yếu điểm Hạnh Thông Tây (tuyến Ðông Bắc) và khu vực Bà Quẹo, Ngã Tư Bảy Hiền (dọc Quốc lộ 1) nên ngay trong đêm mùng một Tết, yếu điểm TSN đã tổ chức một cuộc hành quân phối hợp giữa lực lượng phòng vệ do Trung úy Nguyễn Hữu Hạnh chỉ huy, Chuẩn úy Lành phụ tá, cùng với Ty Cảnh sát Quốc gia để xét sổ gia đình. Khoảng 10 giờ đêm, lực lượng hành quân báo cáo đã bắt nhiều người cư ngụ bất hợp pháp, tình nghi là VC. Trong khi đó, TÐ53ÐPQ cũng báo cáo có tin nhiều toán nhỏ VC đang tiến về phía phi trường.

              Mười hai giờ đêm, Biệt khu Thủ đô cho biết VC đặt súng cối từ Thủ Thiêm bắn vào dinh Ðộc Lập. Thiếu tá Chiêu đoán có lẽ đó là dấu hiệu khởi đầu cho cuộc tổng tấn công, ông liền ra lệnh cho Trung úy Hạnh rút ngay lực lượng đang hành quân trở về căn cứ và trao những người tình nghi cho Trung đội Cảnh sát Phi Cảng thụ lý. Ðồng thời ông cho 2 Trung đội Phòng vệ cùng tiểu đội AP đế trấn tuyến phòng thủ B. Lực lượng Phòng vệ còn lại để bảo vệ JDOC và tiếp tế đạn dược. Các xe GMC phòng không trang bị đại bác 20 ly và chi đội 3 chiến xa được bố trí dọc theo phía tây vòng đai tăng cường cho TÐ2CV.


              Ðể nắm vững tình hình, Yếu khu (Ðại úy Huỳnh Khương An) phái Trung úy Ðặng Lê Bia (SQ tình báo) và phụ tá là Trung sĩ I Vũ Ðức Thọ đi thám thính tại Yếu điểm Hạnh Thông Tây và Chi khu Gò Vấp. Khi xe jeep đi qua Hạnh Thông Tây thì bị B-40 của VC bắn cháy, Trung úy Bia tử thương, Trung sĩ I Thọ bị chúng bắt làm tù binh.

              3 giờ sáng, VC bắt đầu tấn công Tòa đại sứ Hoa Kỳ và Ðài phát thanh Sài Gòn. Kế tiếp là cổng 2 Bộ TMM (hướng đường Võ Tánh, trục Phú Nhuận - Trung tâm Tiếp Huyết).

              3 giờ 20, Ðài kiểm soát báo cáo có nhiều tiếng súng nhỏ từ tuyến Ðông Bắc (Hạnh Thông Tây) bắn vào khu nhiên liệu C-130 của Hoa Kỳ (parking khu Ðông trong căn cứ TSN). Ðồng thời, VC từ phía ngoài cổng 10 (TT Tiếp Huyết) bắn vào bộ chỉ huy của TÐ2CV để yếm trợ cho TÐ2/MTGP của chúng đang phối hợp với TÐ10 Ðặc Công tiến vào bằng ngõ sân golf. Có lẽ ý định của chúng là đánh vào hông phía Tây của Bộ TTM (giáp ranh với cổng 2 của khu MACV annex) nhưng vì không am tường địa thế nên lại tiến thẳng vào khu MACV. Tại đây, VC tấn công rất mãnh liệt nhưng đã bị lực lượng Hoa Kỳ và TÐ2CV phản công tiêu diệt: chúng đã phải để lại trên 80 xác chết và vũ khí đủ loại. Số sống sót chạy qua phía Ðông (hàng rào Bộ TTM) phối hợp với lực lượng đang tấn công cửa sau Bộ TTM (phía đường Võ Di Nguy).


              Ở tuyến Tây Nam, khoảng 5 giờ sáng, VC bắt đầu dùng súng đủ loại, kể cả súng cối, bắn vào pháo đài 51 (OF 51), cùng lúc ở phía ngoài dọc theo quốc lộ 1, 4 tiểu đoàn VC giàn trận yểm trợ cho một đơn vị thuộc TÐ10 Ðặc Công phá bãi mìn, và chiếm được pháo đài 51 (do một tiểu đội AP Mỹ trấn giữ).
              Lập tức, TÐ2CV gửi một trung đội có trang bị đại bác không giật 75 ly cùng 2 cố vấn Mỹ tới phản công, thêm vào đó còn có 6 đại đội Nhảy Dù từ trại Hoàng Hoa Thám tới tăng cường. Nhưng cũng không thể ngăn chặn được lực lượng quá đông của địch. Kết quả, TÐ 267 của VC đã lọt được vào căn cứ. Trong lúc hai bên cận chiến, VC đã chiếm được khẩu đại bác 75 ly của TÐ2CV rồi bắn lại gây cho một cố vấn Mỹ tử thương. Cùng lúc đó, Không Quân Hoa Kỳ cũng gửi một lực lượng AP tới để tiếp tay tái chiếm pháo đài 51, nhưng VC từ phía trong bắn ra dữ dội, phải cầm cự, chờ tới lúc chiến xa đến bắn phá mới cứu được các thương binh AP đem ra.

              Trong lúc hai bên giao tranh ngoài vòng đai thì TÐ267 VC (quân số từ 300 tới 350 ) đã lọt được vào căn cứ, tiến về phía parking C-47 của LÐ33KT, nhưng đã bị lực lượng Phòng vệ chờ sẵn tại tuyến B chặn lại.

              Trước đó, Thiếu tá Chiêu đã điều động chi đội 3 chiến xa của lực lượng phòng thủ chạy ra tuyến B để yểm trợ. Tại đây, chiếc của Thiếu tá Chiêu trấn giữ cánh trái, Ðại úy Chi, chi đội trưởng trấn cánh phải, chiếc còn lại trấn ngay giữa. Có chiến xa đến tăng cường, các binh sĩ phòng thủ cảm thấy an tâm hơn.
              Khi địch quân tiến vào tầm tác xạ, đại bác 57 ly, đại liên 12 ly 7 trên chiến xa, súng trường, trung liên, M79 của AP dưới đất đồng loạt khai hỏa. Trước hỏa lực mãnh liệt của lực lượng phòng thủ, VC đã phải khựng lại để bố trí, một số lớn chạy vào ẩn núp trong một nghĩa trang cũ ở phía trước của tuyến B.
              Lực lượng phòng thủ, kể cả các xạ thủ trên chiến xa, chưa từng đụng địch, hoàn toàn thiếu kinh nghiệm chiến trường, nên trước đó Thiếu tá Chiêu rất lo ngại. Tuy nhiên sau đợt phản công đầu tiên khiến VC phải chùn bước, tinh thần binh sĩ đã lên rất cao, chiến đấu gan dạ như lính tác chiến chuyên nghiệp!
              Sau này các tù binh VC bị quân ta bắt đã kể lại rằng trước khi tấn công vào Căn cứ TSN, các cấp chỉ huy của họ nói: các anh chỉ cần vào được căn cứ thì Không Quân sẽ buông súng đầu hàng hết vì họ không biết đánh giặc... Vì thế họ không thể ngờ lính KQ lại có khí thế chiến đấu cao như vậy!
              Trong lúc giao tranh, chiến xa của Ðại úy Chi bị trúng B40 khiến anh bị thương một chân (sau này tàn tật vĩnh viễn). Khoảng 15 phút sau, xe của Thiếu tá Chiêu cũng bị trúng B40. Sức nổ mạnh đã làm ông và Trung sĩ I Huề, xạ thủ đại liên 12 ly 7, ngã lăn xuống đất. Anh Huề bị thương một chân vì miểng B40, còn ông Chiêu bị miểng trúng mí mắt, máu chảy lênh láng.

              (Thiếu tá Chiêu và Ðại úy Chi cùng sử dụng loại máy Motorola cầm tay, mặt sau máy được xi bạc, có lẽ phản chiếu ánh đèn đường nên VC nhận ra vị trí chiến xa, và cũng có thể vì hai người đứng trên xe nên trở thành mục tiêu?!).

              Mặc dù hai chiến xa bị đạn nằm bất động nhưng vũ khí trên xe (đại bác 57 ly và đại liên 12 ly 7) còn sử dụng được nên hỏa lực vẫn tiếp tục ngăn chặn không cho địch vượt qua tuyến B để tiến vào các ụ C-47. Cũng may lúc đó trời đã tờ mờ sáng, Thiếu tá Chiêu liền gọi JDOC xin Phòng Hành quân Chiến cuộc KÐ33CT cho trực thăng võ trang lên xạ kích 3 tiểu đoàn VC đang giàn quân bên ngoài hàng rào (tuyến Quốc lộ 1) với mục đích trấn áp lực lượng của chúng để cho lực lượng phòng thủ bên trong tuyến B yên tâm phản công, đẩy lui TÐ 267 của VC.


              Khoảng 8 giờ sáng, đoàn chiến xa của một đơn vị kỵ binh Hoa Kỳ từ Củ Chi đến phối hợp với trực thăng võ trang tiếp tục truy kích 3 tiểu đoàn này và đơn vị yểm trợ là Tiểu đoàn 90 VC đóng tại hãng dệt Vinatexco có trang bị 12 súng cối đủ loại, ngoài ra còn có 7 phi công và 15 chuyên viên cơ khí của Không Quân Bắc Việt. Ý đồ của chúng là sau khi vào được TSN, sẽ chiếm dụng các phi cơ của KQ/VNCH để làm quân dân miền Nam thêm mất tinh thần!

              Cuối cùng TÐ267 của VC đã bị lực lượng phòng vệ đẩy lui, phải tháo chạy cùng với đám tàn quân của 3 tiểu đoàn yểm trợ phía bên ngoài.

              Trước đó, vào lúc khoảng 7 giờ sáng, Trung tá Lưu Kim Cương cùng toán cận vệ, hai Trung úy Chấn và Lộc thuộc Bộ tư lệnh KÐ, và thành phần còn lại của lực lượng phòng thủ như hai Trung úy Ðức, Ðạt, Chuẩn úy Thạch... ra tới nơi. Theo sau là một xe cứu thương để đưa Thiếu tá Chiêu, Ðại úy Chi, Trung sĩ I Huề vào Bệnh xá của KÐ để cấp cứu.

              Trung tá Cương thay thế Thiếu tá Chiêu chỉ huy cuộc phản công. Trong lúc giao tranh, ông bị một viên đạn súng trường của VC xuyên qua bắp đùi nhưng vẫn ở lại tiếp tục chỉ huy. Một điều đáng nói nữa là các sĩ quan như Trung úy Chấn, Lộc, Ðạt và Chuẩn úy Thạch... người thì leo lên xe thiết giáp, kẻ leo lên xe GMC sử dụng các loại vũ khí một cách thành thạo như các chiến sĩ thiện chiến để yểm trợ cho cuộc phản công.

              Phần Thiếu tá Chiêu, sau khi rời bệnh xá trở về JDOC thì được lệnh lên trình diện Thiếu tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh KQ, để trình bày các diễn tiến và báo cáo tình hình . Khi thấy Thiếu tá Chiêu bị băng đầu, máu còn dính trên mặt, Thiếu tướng đã ra lệnh giải tán ngay cuộc họp các Tham mưu phó và sĩ quan thuộc BTL để mọi người về lo đối phó với tình hình.

              Từ BTL trở về JDOC, Thiếu tá Chiêu nhận thấy cần phải xin lực lượng tiếp viện. Nhưng Biệt khu Thủ đô trả lời rằng hiện không còn lực lượng trừ bị nào khác, vì thế Yếu khu TSN phải tự túc. Cùng lúc đó JDOC được Yếu điểm Hạnh Thông Tây và Chi khu Gò Vấp báo cáo thành Cổ Loa (Pháo Binh) và thành Phù Ðổng (Thiết Giáp) đã bị VC đánh chiếm hết, và xin tiếp viện. Thiếu tá Chiêu lại cầu cứu BKTÐ lần nữa và được trả lời: chờ có chỗ nào áp lực địch giảm, sẽ rút quân để tới giải vây cho các nơi này.

              (Mãi cho đến 3, 4 ngày sau, các lực lượng TQLC và Nhảy Dù mới đến đánh giải vây. Trung sĩ I Vũ Ðức Thọ, người bị VC bắt sau khi Trung úy Bia bị tử thương, nay cũng được giải thoát).

              Sau khi sắp xếp mọi việc ở JDOC, Thiếu tá Chiêu trở ra mặt trận tuyến B. Vừa ra tới cửa JDOC thì gặp Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, Phó Tổng thống, đến. Sau khi được Thiếu tá Chiêu cho biết Yếu khu TSN không xin được tiếp viện, ông không nghĩ ngợi, đã chỉ thị Ðại đội Nhảy Dù đang ứng chiến cho Phó TT ra ngay tuyến B để tăng viện.

              Khoảng 9 giờ 30 sáng, Thiếu tá Chiêu trở ra tuyến B. Trung tá Lưu Kim Cương vẫn đang chỉ huy phản công. Thiếu tá Chiêu lên một GMC trấn cánh phải vì sợ VC từ phía Tây Nam (Bà Quẹo) đến tiếp viện. Về phần Ðại đội Dù mà Thiếu tướng Kỳ cho mượn, thay vì ra trận thì lại bố trí dọc theo hàng rào phòng thủ của căn cứ Hoàng Hoa Thám (tức cánh trái của mặt trận).

              Lúc đó tại tuyến B chỉ còn lực lượng phòng vệ, 3 chiến xa (2 đã bất động) và 3 GMC trang bị phòng không 20 ly, vì Tiểu đội AP của Hoa Kỳ tăng cường đã được lệnh rút đi công tác nơi khác ngay từ lúc đầu, khi xe thiết giáp của Thiếu tá Chiêu và Ðại úy Chi bị trúng B40.

              Mãi tới khi lực lượng phòng vệ đã đẩy lui VC gần đến hàng rào phòng thủ tuyến Tây Nam thì Ðại đội Dù mới chạy ra tiếp viện. Sau này, trong buổi tiệc mừng chiến thắng tại CLB Huỳnh Hữu Bạc, khi được Thiếu tá Chiêu hỏi tại sao không ra tiếp viện sớm hơn, vị Ðại đội trưởng Dù cho biết lần đầu tiên thấy lính không quân đánh "bộ chiến" rất khá, lại chiếm ưu thế nên quân Dù không ra vội! Một lý do khác là họ sợ lính KQ chưa đánh giặc bao giờ, khi lâm trận sẽ bắn loạn xạ, có thể trúng nhầm binh sĩ của họ.
              (Sau này được biết thêm là trong trận Mậu Thân đợt 1, toàn bộ lực lượng Dù đã bị tung đi các nơi trong mặt trận Ðô thành, chỉ còn lại một số rất nhỏ để bảo vệ căn cứ Hoàng Hoa Thám. Và vì căn cứ này nằm ở cánh trái của mặt trận nên sợ khi VC đánh bọc cánh trái tràn vào căn cứ sẽ mượn đường đánh qua căn cứ KQ, do đó mà quân Dù phải bảo vệ Căn cứ Hoàng Hoa Thám bằng mọi giá).

              Khoảng 12 giờ trưa, toán VC cuối cùng của TÐ267 rút ra khỏi căn cứ (tuyến Tây Nam)...

              Cuộc tổng công kích đợt 1 của VC vào Sài Gòn chấm dứt ngày 23-2-1968. Ðịch để lại 5520 xác chết.

              Tổn thất của chúng trong trận đánh vào Yếu khu TSN như sau:

              • 187 xác để lại trong căn cứ, do lực lượng phòng thủ tuyến B bắn chết.
              • 82 xác nằm gần hàng rào phía ngoài (khu sân golf), gần cổng số 10 (TT Tiếp Huyết), do lực lượng Hoa Kỳ ở MACV và TÐ2CV thanh toán.
              • 693 xác phía bên ngoài căn cứ, do Thiết giáp Hoa Kỳ từ Củ Chi đến và lực lượng phòng vệ từ trong phi trường bắn ra, xa hơn nữa là do TÐ53 ÐPQ tiêu diệt.
              Tổng cộng: 962 tên bỏ xác tại trận.

              Tổn thất về phía quân bạn như sau:

              • Tử thương: 55 (Không Quân HK: 4, Lục Quân HK: 19, KQVN: 5, Lục Quân VN: 27)
              • Bị thương: 147 (KQHK: 11, LQHK: 67, KQVN: 12, LQVN: 57).

              Thăng thưởng trong Yếu khu:

              • Không Quân: Thăng cấp Ðại tá: Trung tá Lưu Kim Cương - Thăng cấp Trung tá: Thiếu tá Phùng Văn Chiêu - Nhiều sĩ quan cấp úy, hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc lực lượng phòng thủ cũng được lên một cấp.
              • Lục Quân : Một số sĩ quan chỉ huy yếu điểm, chi khu, TÐ2CV, TÐ53ÐPQ và một số sĩ quan, HSQ, binh sĩ được lên một cấp.
              • Ðặc biệt, Ðại tá Cương và Trung tá Chiêu còn được Ðại tướng Tư lệnh Ðệ Thất Không Lực Hoa Kỳ trao tặng huy chương Anh dũng bội tinh Silver Star with V. Mười chiến sĩ KQ khác thuộc LÐ Phòng Thủ TSN được trao tặng Bronze Star with V.


              Cuộc phản công đẩy lui VC tại tuyến phòng thủ B trong căn cứ TSN phải được xem là một chiến thắng "vô tiền khoáng hậu" của các chiến sĩ phòng thủ. Ðịch bỏ lại 187 xác chết (chưa kể một số khác được đồng bọn mang đi) trong khi chỉ có 5 chiến sĩ KQVN hy sinh.

              Trong số này có những trường hợp đáng được đặc biệt đề cao là:

              • Trung sĩ I Huề , xạ thủ đại liên 12 ly 7 trên chiến xa , sau khi bị thương và được đưa vào Bệnh xá băng bó cầm máu, đã tình nguyện trở lại tuyến B để tiếp tục chiến đấu.
              • Một Hạ sĩ phòng vệ (không nhớ tên), nhà chỉ có một mẹ góa con côi, đang nghỉ phép ở nhà, khi nghe tin căn cứ TSN bị tấn công đã từ giã mẹ già trở về đơn vị để chiến đấu bên cạnh đồng đội.
              Cả hai chiến sĩ KQ nói trên đã anh dũng hy sinh tại tuyến phòng thủ B.

              • Trong số những chiến sĩ bị thương có Trung sĩ I Lữ Bá Phương thuộc Ban 2 Yếu khu TSN, đang đi công tác xa cũng chạy về tham chiến. Tinh thần của anh cũng rất đáng được đề cao.
              Ba chiến sĩ nói trên, cùng với những chiến sĩ KQ khác đã hy sinh hoặc bị thương trong trận này, xứng đáng được gọi là những anh hùng như bất cứ anh hùng phi hành nào trong quân chủng, nhưng trong suốt 35 năm qua lại chưa một lần được nhắc tên. Thật đáng buồn!

              TỔNG CÔNG KÍCH ÐƠT II:

              Mặc dù VC bị tổn thất nặng nề trong cuộc tổng công kích đợt 1, tới trung tuần tháng 4-1968 đã có tin cho biết chúng sẽ mở cuộc tấn công đợt 2. Tin tình báo còn cho biết Căn cứ TSN vẫn là một trong những mục tiêu hàng đầu của chúng.

              Theo sự ước đoán của Trung tá Phùng Văn Chiêu, nếu tấn công căn cứ lần nữa, VC sẽ không nhắm mũi dùi vào tuyến Tây Nam (pháo đài OF51) như lần trước, mà sẽ đánh vào các tuyến có nhiều dân cư sống bên ngoài hàng rào, như các tuyến Ðông Bắc (Hạnh Thông Tây), Ðông Nam (Ngã tư Bảy Hiền).
              Mặt Ðông Bắc, khu C-130 có kho nhiên liệu, do các lực lượng Hoa Kỳ và TÐ2CV trấn giữ, được tăng cường một đơn vị quân khuyển hàng đêm đi tuần dọc theo đường đai phòng thủ.

              Mặt Tây Nam tuy trống trải nhưng được quân ta tăng cường mạnh mẽ, và có một đơn vị Hoa Kỳ phối hợp với TÐ2CV giàn quân dọc đường đai nên VC cũng khó mà đánh vào tuyến này.

              Như vậy, nếu chúng muốn đánh vào căn cứ theo hướng Ðông Nam thì sẽ lợi dụng khoảng từ Ngã Tư Bảy Hiền tới trại Hoàng Hoa Thám. Do linh tính, Trung tá Chiêu đã đoán trước ý định của VC . Vì thế, chiều nào ông cũng điều động quân của TÐ2CV và 3 chiến xa chạy qua chạy lại trên tuyến Tây Nam, nhưng sau khi trời tối thì cho các GMC trang bị đại bác 20 ly ra thay thế, và rút thiết giáp vào trấn phía sau khu nhà dân ở Ngã Tư Bảy Hiền cùng với 2 Trung đội Phòng vệ. Trên nóc trường Quốc Gia Nghĩa Tử gần đó, một bán tiểu đội Quân Báo trang bị trung liên do Thiếu tá Huỳnh Khương An điều động.

              Sáng ngày 2-5-1968, khi trời còn tối, mọi người đang yên giấc thì có nhiều toán VC tập họp tại nghĩa trang Pháp thành một lực lượng khoảng một Ðại đội nhẹ. Bất ngờ, trung liên trên nóc trường QGNT, chiến xa và lực lượng phía bên trong rào đồng loạt nhả đạn, khiến chúng hoảng hốt, tiến thối lưỡng nan, đành nằm chịu trận, không dám đứng dậy hay chạy đi đâu cả. Tiếp theo, trực thăng võ trang do Phòng Hành quân Chiến cuộc KÐ33CT gửi đến tiếp ứng. Bị bốn mặt giáp công, toàn bộ lực lượng VC đã bị tiêu diệt.

              Trước đó, khoảng 7 giờ 30 sáng, Ðại tá Lưu Kim Cương đến JDOC thăm hỏi tình hình và hỏi Trung tá Chiêu xem ông có thể ra mặt trận được không. Trung tá Chiêu trả lời mục tiêu thanh toán gần xong rồi, nếu ông có ra thì cũng chỉ quan sát thôi, để cho lực lượng phòng thủ và thiết giáp giải quyết mục tiêu cũng đủ rồi. Vì thế Ðại tá Cương chỉ ra đứng trên đài quan sát gần cổng Phi Long đặt ống nhòm quan sát.

              Nhưng khi Trung úy Hạnh, chỉ huy lực Phòng vệ được lệnh JDOC cho xung phong thu dọn chiến trường, khi chạy ngang đài quan sát thấy Ðại tá Cương, một binh sĩ Phòng vệ đã la lớn 'Xung phong Ðại tá!'. Anh ta lập lại đến đôi ba lần. Tức thời Ðại tá Cương leo xuống đất. Rồi không biết vì muốn hòa mình, muốn làm gương cho binh sĩ, hoặc thấy trận chiến đã gần chấm dứt, ông hiên ngang chạy trước tiên, tay cầm súng lục bắn về phía nghĩa trang!

              Không may, có một tên VC thủ súng B40 vẫn còn sống. Y liền bắn một trái B40 trúng tấm mộ bia ngay bên cạnh Ðại tá Cương, sức nổ và miểng đạn đã chặt đứt một cánh tay của ông và gây thêm nhiều vết thương nặng khác, khiến ông tắt thở tại chỗ. Một phóng viên truyền hình Pháp chạy theo Ðại tá Cương cũng bị tử thương ngay bên cạnh ông.

              Trận đánh này, lực lượng ta chiến thắng một cách dễ dàng nhưng Ðại tá Tư Lệnh KÐ33CT lại hy sinh. Toàn thể quân nhân các cấp trong Yếu khu TSN vô cùng đau lòng, thương tiếc vị Chỉ huy trưởng anh hùng. Cố Ðại tá Lưu Kim Cương được vinh thăng Chuẩn tướng.

              Ðến nay dù đã 35 năm trôi qua, mỗi khi nghe lại bản Cho một người nằm xuống, mọi người vẫn còn bùi ngùi thương tiếc...

              Sau khi Chuẩn tướng Lưu Kim Cương qua đời, Trung tá Phùng Văn Chiêu trao quyền Liên đoàn trưởng 33 Phòng thủ cho Trung tá Lê Văn Triệu, còn ông thay thế Chuẩn tướng Cương trong 2 chức vụ Chỉ huy trưởng Yếu khu TSN và Khu quân sự TSN.

              Ðầu năm 1970, khi Trung tá Chiêu được lệnh đi nhận chức Không đoàn trưởng Yểm cứ Biên Hòa, hai chức vụ nói trên được trao lại cho Ðại tá Phan Phụng Tiên.

              NHỮNG UẨN KHÚC...
              Theo lời Ðại tá Phùng Văn Chiêu, sau này trong dư luận Không Quân không hiểu có người cố tình xuyên tạc hay vì một nguyên nhân nào khác, đã chỉ trích rằng: tại sao ngày đó Trung tá Chiêu không ra trận mà lại để cho Ðại tá Cương ra để rồi bị tử thương!

              Ðại tá Chiêu cho biết ông rất buồn trước dư luận này, nhưng trong suốt 35 năm qua, ông im lặng để mọi người muốn hiểu sao cũng được. Ðiều quan trọng đối với ông, chỉ cần vong hồn cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương biết là đủ rồi.

              Sau đó ít lâu, trong lễ tiễn đưa linh cữu cố Ðại tá Phó Quốc Trụ tại sân cờ BCH/TÐ2CV (Ðại tá Trụ tử thương vì bị trực thăng Mỹ bắn lầm tại Chợ Lớn), Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ (Phó tổng thống) đã nói với Trung tá Chiêu rằng cấp chỉ huy KQ chẳng còn bao nhiêu, đừng xung phong nữa, để cho các sĩ quan dưới quyền đảm trách, khi nào cần thiết lắm thì cấp chỉ huy mới phải ra tuyến đầu!

              Lời khuyên chân tình của một cấp lãnh đạo như Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đã khiến ông Chiêu được an ủi rất nhiều trước những lời chỉ trích trong dư luận...

              Ngoài ra còn một việc mà cho tới nay, Ðại tá Chiêu vẫn thắc mắc và không thể quên, là trong cuộc tấn công đợt 1 của VC, ngoài các sĩ quan có trách nhiệm phòng thủ, có một sĩ quan bên Liên Ðoàn 33 Kỹ Thuật là Thiếu tá Nguyễn Dương, trong suốt thời gian trận chiến diễn ra ở TSN (1 tuần lễ) đã luôn luôn hiện diện, hướng dẫn cho binh sĩ dưới quyền kỹ thuật tác chiến, phân công, đôn đốc trong việc bảo vệ các ụ C-47 cũng như đáp ứng nhu cầu hành quân cấp bách.

              Nếu ngày đó TÐ267 của VC vượt qua được tuyến phòng thủ B, thì chỉ còn 50m nữa là tới các ụ C-47 và khu kỹ thuật, chắc chắn Thiếu tá Nguyễn Dương và anh em binh sĩ kỹ thuật sẽ bị chúng tiêu diệt.
              Sau đó, Ðại tá Lưu Kim Cương đã đề nghị thăng cấp Trung tá đặc cách mặt trận cho Thiếu tá Nguyễn Dương. Nhưng rồi trong số những vị Thiếu tá tiến ra trước mặt Thiếu tướng Tư lệnh KQ Trần Văn Minh để được gắn cấp bậc Trung tá nhờ công trạng trong Tết Mậu Thân đã không hề có Thiếu tá Nguyễn Dương mà có vài sĩ quan khác không thuộc KÐ33CT, cũng không có công trạng, nhưng lại được thăng cấp.

              Chuyện xảy ra đã 35 năm, Ðại tá Phùng Văn Chiêu không bao giờ muốn nhắc lại, nhưng vì có lời yêu cầu của Ban Thực Hiện Quân Sử Không Quân, cũng là Ban Biên Tập đặc san Lý Tưởng - Úc Châu, ông mới kể lại đầy đủ - chuyện vui cũng như chuyện buồn.

              Dĩ nhiên, sau 35 năm, ký ức của một người đã ở vào tuổi 'cổ lai hi' có thể không được đầy đủ và chính xác 100%. Vì thế, người viết xin chuyển đạt lời tâm tình của Ðại tá: nếu có những thiếu sót, hoặc vô tình làm buồn lòng một vài cá nhân trong quân chủng, ông chân thành cầu mong một sự thông cảm, và miễn chấp.


              Thiên Ân
              Melbourne, Australia, tháng 5/2003
              Last edited by khongquan2; 01-06-2013, 08:42 AM.

              Comment


              • #8
                Đọc bài viết này trong lòng cứ bùi ngùi tưởng nhớ đến các anh hùng vị quốc vong thân trong cuộc chiến vừa qua.
                Last edited by phitrang; 12-28-2012, 01:47 AM.

                Comment


                • #9
                  Quân sử Không Quân

                  CÁI NÔI CỦA KHÔNG QUÂN VIỆT NAM CỘNG HÒA
                  TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN KHÔNG QUÂN NHA TRANG
                  Đằng Vân


                  Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1975 cho đến nay vẫn còn nhiều uẩn khúc tuy rằng nếu xét cho cùng thì vẫn còn nhiều yếu tố mà chúng ta không lường được, nhất là trong khi quân lực chỉ là một trong những công cụ nằm trong tay những người lãnh đạo dùng để đạt được mục tiêu quốc gia, những trang thiết bị chúng ta dùng đều do bạn Ðồng Minh viện trợ nên khi họ đã đạt được một thỏa thuận nào đó trên bàn cờ quốc tế thì họ bỏ đi, nhưng với trên 50,000 quân nhân Mỹ và trên một triệu quân nhân Việt Nam đã hi sinh cho một "chính nghĩa đã mất", nước Mỹ, một cường quốc chưa bao giờ thua trận, đã có một trách nhiệm tinh thần sau cuộc chiến tại Việt Nam, nên nhân dân Mỹ đã hào phóng tiếp đón chúng ta hầu đền đáp một phần nào những mất mát đau thương mà quân dân ta phải hứng chịu.

                  Nhưng riêng cho Không quân VNCH, ngày 30 tháng tư 1975 có thể nhìn dưới khía cạnh như một trang thanh niên đang ở lứa tuổi đôi mươi, lứa tuổi sung mãn nhất thì bị cố sát, đó là nhận xét của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, khi viết phần nhập đề cho cuôn sách "Flying Dragons, the South Vietnamese Air Force" tác giả là Robert C Mikesh, một Sĩ Quan Ðiều Không Tiền Tuyến (Forward Air Controller) tại Việt Nam trong nhửng năm 60.

                  Sự phát triển của KQVN gắn liền với những biến chuyển của thời cuộc, vào năm 1951 với 4 phi đoàn gồm những loại phi cơ quan sát bà già và vận tải cơ cánh quạt cũ kỹ thường dùng cho những phi vụ liên lạc, cho tới năm 1975 KQVN đã trưởng thành với hơn 60 phi đoàn phần lớn là phản lực cơ đủ loại hiện đại, đứng hàng thứ tư trên thế giới, sau Hoa Kỳ, Liên Sô và Trung Cộng, và từ quân số hơn 1,000 đã lên đến 70,000 người, từ cấp phi đoàn đã lên đến cấp sư đoàn KQ, với trên 2,000 phi cơ đủ loại.
                  Ngay từ khi Quân Ðội Việt Nam được thành lập vào năm 1950, một Trung tâm huấn luyện Không quân, dưới sự bảo trợ của Không Quân Pháp, đươc thiết lập tại Nha Trang vào năm 1951 để đào tạo một số chuyên viên về bảo trì, về vô tuyến và những ngành khác cho KQVN, chủ yếu là có khả năng bảo trì loại phi cơ đơn giản như phi cơ Morane Saulnier 500 mà KQ Pháp dự trù sẽ chuyển giao cho KQVN, phi cơ MS.500 có thể nói là cái "phôi" của Không Lực VNCH, tuy rằng nó xấu xí, chậm chạp, tôc lực khoảng 60 mph, bộ bánh đáp dài thoòng thiếu thẩm mỹ nhưng chịu đựng được những vụng về của khóa sinh khi hạ cánh, hoặc những lồi lõm của những sân bay hành quân, nhưng đó là những bước đi chập chững của một Không Lực hùng mạnh nhất Ðông Nam Á sau này, khiến nhiều quốc gia sau này trên đà tiến triển đã lấy đó làm gương mẫu để thành lập Không quân của mình.

                  Cùng thời gian này một số khóa sinh được tuyển chọn gởi đi du học tại các trường huấn luyện của Pháp như tại Salon de Provence (Học viện Không Quân Pháp), Avord (vận tải), Aulnat (bay vỡ lòng trên phi cơ Stamps), Rochefort và Chamberry (cơ khí), Auxerre(truyền tin) và tại Bắc Phi như Marrakech, Meknes, Khouribga, Blida và Fez (khu trục, oanh tạc, điều hành viên), sau này họ đều nắm những chức vụ quan trọng tiêu biểu như các niên trưởng Trần Văn Hổ, Nguyễn Xuân Vinh, Ðặng Đình Linh, Nguyễn Cao Kỳ, Huỳnh Hữu Hiền, Hà Xuân Vịnh, Nguyễn Ngọc Loan, Vũ Thượng Văn, Dương Thiệu Hùng ...

                  Căn cứ Không Quân Nha Trang là một căn cứ lâu đời nhất trong các căn cứ quân sự tại Việt Nam, với ưu điểm về địa thế có núi và biển, khí hậu ôn hòa thời tiết tốt lý tưởng cho việc huấn luyện phi hành nên vào tháng ba 1952, khóa hoa tiêu quan sát đầu tiên được khai giảng tại Nha trang do các huấn luyện viên người Pháp đảm nhận gồm 14 khóa sinh (4 sĩ quan và 10 dân sự), những sĩ quan khóa sinh, những người tiên phong có vinh dự đưa màu cờ của Không Quân Việt Nam vào không gian góp mặt với Không quân thế giới là niên trưởng Nguyễn Ngọc Oánh, Võ Dinh, Từ Bộ Cam, Phạm Long Sửu Nguyễn Thế Anh cùng những bạn của khóa 1 hoa tiêu năm 1952. Trong khóa học, một tai nạn đáng tiếc đã khiến khóa sinh Nguyễn Tam Ðăng tử nạn khi đơn phi, anh được truy thăng Thượng Sĩ, mặc nhiên trở thành người đầu tiên hi sinh cho KQVN. Khi mãn khóa vị khóa sinh thủ khoa, Th/úy Phạm Long Sửu mang văn bằng hoa tiêu quân sự số 1 của KQVN, các khóa sinh dân sự tùy theo thứ bực khi thi mãn khóa được mang cấp bậc từ thiếu úy tới thượng sĩ. Với những chuyên viên kỹ thuật và nhân viên phi hành tốt nghiệp, sau một thời gian thực tập trong những đơn vị KQ Pháp, tháng 10 năm 1953, một trong những đơn vị đầu tiên được bàn giao cho KQVN là Ðệ Nhất Phi Ðoàn Quan Sát và Trợ Chiến đồn trú tại Tân Sơn Nhất, Ðại Úy Nguyễn Ngọc Oánh là vị chỉ huy trưởng đầu tiên của phi đoàn này.

                  Về tổ chức KQVN chỉ được gọi là Phòng Không Quân trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu do Th/tướng KQ Pháp Cuffaut chỉ huy, sau Ðại Tá Sagon thay thế.
                  Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân là một đại đơn vị trực thuộc Phòng Không Quân và đồn trú trong căn cứ không quân Pháp mang tên Base Aérienne No. 194 Nhatrang, TTHLKQ được gọi tắt là CIAVN (Centre d'Instruction Aérienne du Viet Nam)

                  Căn cứ Không Quân Nha Trang còn có tên là căn cứ Colonna, bộ chỉ huy nằm tại địa điểm của TTHL sau này, còn TTHLKQ lúc đầu chỉ gồm trong khu U và mấy dẫy nhà bên cạnh phi cảng dân sự mà thôi. Vị chỉ huy trưởng Th/Tá Carret và hai sĩ quan phụ tá Ð/Úy Sai và Ð/Úy Nhiêu phụ trách Ðại đội Hành chánh và Khối Huấn luyện gồm ba trường: hoa tiêu, quan sát và cơ khí. Sân cờ và vừa là sân tập thao diễn cơ bản quân sự chỉ cách đường lộ có hàng rào kẽm gai nên những hành khách trên xe đò Nha Trang Cầu Ðá có thể nhìn thấy những sinh hoạt của TTHLKQ nhất là những buổi chào cờ vào sáng thứ hai mỗi tuần hoặc những buổi lễ mãn khóa.

                  Trường Hoa tiêu do Tr/Úy Fatio phụ trách và Trường Quan sát do Tr/Úy Desbordes cùng một số hạ sĩ quan huấn luyện viên như Th/Sĩ Vallière, Th/Sĩ Tocken..., sau này được bổ sung thêm những hoa tiêu mới như Th/Úy Dương thiệu Hùng, Mai Văn Hạnh, Trần Bá Quy, Nguyễn Văn Khánh...

                  Với những phương tiện huấn luyện cũ kỹ và có thể nói là thô sơ KQVN đã khắc phục được nhiều khó khăn lúc ban đầu, nhất là về mặt tinh thần khi các khóa sinh mới chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa của Không Quân đã phải chứng kiến và tham dự buổi đưa đám theo đúng lễ nghi quân cách của một bạn đồng đội mới tử nạn trong lúc đơn phi, máy truyền tin liên lạc giữa phi cơ và đài kiểm soát khi bay tập trong vòng phi đạo thường hay trục trặc nên khóa sinh phải dùng cờ hiệu xanh đỏ tại đầu phi đạo để báo cho biết là "được phép đáp" "clear to land" hoặc là "tống ga bay lại" "go around", sự việc trên đôi khi gây trở ngại cho những phi cơ khác khi đi và đến Nha Trang, nhất là phi cơ dùng cho huấn luyện lại không sơn màu vàng cho dễ nhận, khi phải thực tập đáp sân ngắn các khóa sinh phải bay xuống Trại Cá, một phi đạo nhỏ phía Tây thị xã Ba Ngòi, Cam Ranh, những ngày này thường được tổ chức như một buổi picnic, sáng sớm một số khóa sinh và các bạn cơ khí viên đi bằng đường bộ mang các dụng cụ cần thiêt để sửa chữa cùng với những y tá của bệnh xá với đồ ăn thức uống ...tuy vậy các khóa đào tạo hoa tiêu vẫn tiếp tục cho đến khi mãn khế ước với KQ Pháp và TTHL tiếp nhận loại Phi cơ Cessna L-19 vào năm 1956 sau khi các phi đoàn quan sát thay thế các phi cơ MS 500 bằng loại phi cơ mới này, về khía cạnh an phi TTHL đã có rất ít tai nạn trong khi huấn luyện, Th/Úy Trương Hiệp khóa sinh tử nạn năm 1955, Tr/Úy Nguyễn Đình Huệ huấn luyện viên và một khóa sinh tử nạn vào năm 67 khi vào cận tiến đường bay 30, phi cơ bị cuốn vào vòng gió xoáy của một chiếc vận tải cơ C-130's vừa mới cất cánh trước đó năm phút, nhưng thành phố Nha Trang lại phải chấp nhận những tai họa của những thành phố gần sân bay như vào tháng 8 năm 1965, một oanh tạc cơ B-57 Canberra của KQ Mỹ đã rớt vào ngay trung tâm thành phố trên đường Ðộc Lập gây tử thương cho hơn 12 thường dân, Phi hành đoàn đã nhảy dù vô sự, và cuối năm 1970, một chiến đấu cơ F-100's Super Sabre đáp khẩn cấp trên phi đạo 12 đã trườn qua tỉnh lộ Nha trang Cầu Ðá chém ngang một chiếc xe Lam không may vừa chạy tới khiến một số hành khách chết và trọng thương, một phi cơ của Hàng Không Việt Nam, hư thắng khi hạ cánh đường bay 30 phát hỏa khi đâm vào một xóm nhà trong khu Xóm Mới ...

                  Ðầu năm 1955 các hoa tiêu huấn luyện tại Pháp bắt đầu về nước, việc bàn giao quyền chỉ huy KQVN cho các sĩ- quan Việt Nam được diễn ra vào ngày 1 tháng Bảy 1955 tại Nha Trang sau một buổi duyệt binh, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã tuyển chọn Tr/Úy Trần Văn Hổ , đặc cách thăng cấp Th/Tá, giữ trách vụ chỉ huy KQVN, Phòng KQ trước kia nằm trong khuôn viên của Bộ Tổng Tham Mưu tại đường Trần Hưng Ðạo được chuyển về một khu biệt thự số 110 đường Testard, sau đổi tên là đường Trần Quý Cáp, rồi tới năm1957 được đổi danh xưng là Bộ Tư Lệnh KQVN và chuyển vào căn cứ Tân Sơn Nhất. Ngày 1 tháng Bảy là một ngày đầy ý nghĩa của KQVN, là ngày Không Quân VN trở thành một quân chủng riêng biệt tách rời khỏi Lục quân, là ngày KQVN tách rời khỏi KQ Pháp và quan trọng hơn cả, đó là ngày ra đời của KQVN.
                  Một tuần lễ sau , Th/Tá Nguyễn Ngọc Oánh tiếp thu toàn bộ căn cứ Nha Trang, mang tên Căn Cứ 12 (căn cứ đầu tiên của KQVN) và KQVN bắt đầu đi vào giai đoạn phát triển, hàng ngàn sinh viên, học sinh ưu tú đua nhau gia nhập Không Quân vì lý tưởng cao đẹp cũng như hào khí của sĩ phu thời chiến luôn được nêu cao trong cuốn Ðời Phi Công của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, cũng như những hình ảnh của "nghiệp bay" được thi vị hóa và mô tả như một bức tranh đẹp, "các anh sẽ cười vang trong khói súng và quay tròn trong mây biếc. Ánh lửa lòe bên cánh phải rực rỡ hơn màu hoa phượng và đồn địch nổ tung trời phải huy hoàng hơn vạn ánh nến liên hoan.."

                  TTHLKQ bắt đầu tiếp nhận những trang thiết bị tối tân hơn, những phi cơ North American T-6G được dùng cho việc nâng cấp sau khi các khóa sinh qua lớp vỡ lòng trên phi cơ L.19, sau đó là loại Cessna Skywagon với cái tên quen thuộc là U.17, cho đến khi các phi đoàn quan sát mới được thành lập sử dụng thêm loại U.17 thì TTHL lại tiếp nhận loại Cessna Skyhawk 172 được cải biến là T.41D và sau cùng để huấn luyện chuyển tiếp lên các loại phản lực cơ A-37 và F-5, đang được trang bị cho các phi đoàn khu trục của KQVN một số phản lực cơ huấn luyện T-37 và trực thăng UH-1 được chuyển giao cho TTHLKQ, đồn trú tại căn cứ Phan Rang, Phi đoàn 920 với phản lực cơ T-37 do Th/Tá Ðàm Thiện Ngươn Phi đoàn Trưởng, là ngưỡng cửa của các hoa tiêu bước vào giai đoạn phản lực.

                  Các trường khác được tuần tự thành lập theo đòi hỏi của nhu cầu như trường Anh ngữ chuẩn bị ngoại ngữ cho những khóa sinh sẽ đi du học và tu nghiệp tại Hoa Kỳ, trường Kỹ thuật, trường Truyền tin điện tử, trường Quân sự , truờng Quan sát, trường Mưu sinh và Thoát hiểm, nhiều lớp hoặc khóa học bổ túc được khai giảng tùy theo nhu cầu, trường Chỉ Huy và Tham Mưu Trung Cấp tiêu chuẩn hóa khả năng lãnh đạo các cấp Ðoàn trong Không Quân. Ngoài ra những hoạt động của Không Quân cũng gia tăng theo nhịp độ của chiến trường, nên TTHLKQ phải đưa các khóa sinh đi bay tập tại phi trường Dục Mỹ để dành phi đạo Nha Trang cho các đơn vị hành quân.

                  Với phương châm "Luyện Cần Huấn Cẩn", TTHLKQ từ thuở ban đầu với những trang bị có thể nói là của thời "đồ đá" đã dần dần trưởng thành, đã đào tạo được hàng chục ngàn chuyên viên cho đất nước, góp phần vào việc bảo vệ tổ quốc và bầu trời, từ cái "Flintstone Airforce" ấy "Vietnamese Airforce" đã giật được giải "Topgun" khi thi đua với các bạn Ðồng Minh tại xạ trường Okinawa vào đầu thập niên 70. Ðược như vậy, thiết tưởng cũng là nhờ sự lãnh đạo khéo léo của những niên trưởng tài ba đã đem những kinh nghiệm trên chiến trường áp dụng và cải tiến các chương trình huấn luyện cho phù hợp với đà lớn mạnh của Không Quân.

                  Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên của thời cuộc, niên trưởng Nguyễn Ngọc Oánh là vị Chỉ huy Trưởng đầu tiên và cũng là vị Chỉ huy Trưởng sau cùng của TTHLKQ Nha Trang.

                  Ðã gần ba chục năm qua, thời gian trôi qua mau, nhưng chưa đủ để chúng ta không khỏi cay đắng ngậm ngùi nuối tiếc một sự mất mát to lớn cùng với những hi sinh của nhiều bạn đồng đội, để những hi sinh những mất mát này không phải là vô ích và tàn theo thời gian, thiết tưởng anh em Không Quân chúng ta, những người sống sót của một thời khói lửa trong cuộc đấu tranh vì một lý tưởng cao đẹp, vì lý tưởng tự do, có bổn phận và nhiệm vụ duy trì tình đồng đội, gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của một quân chủng hào hùng, phảng phất đôi nét lãng mạn của những trang hiệp sĩ thời Trung cổ, đã không xá gì những hiểm nguy, xông pha nơi trận mạc, dẹp bất công và bạo tàn đem lại ấm no hạnh phúc cho toàn dân, để rồi tuy chúng ta chưa làm được gì cho đất nước thì con cháu chúng ta vẫn tự hào và hãnh diện vì cha ông chúng đã một thời đưa Tổ Quốc vào Không Gian.

                  Virginia, mùa Ðông năm 2003
                  Ðằng Vân

                  Comment


                  • #10
                    Quân sử Không Quân

                    CÁC GIÁM ĐỐC TRƯỜNG
                    Mệ

                    Trong biến cố mất nước tháng 4 năm 1975, tôi và gia đình may mắn thoát nạn được,như tôi đã có kể lại trong bài viết Ngày Ra Đi. Chúng tôi hiện đang sống tại xứ Hoa Ky từ đó đến nay trên 26 năm, mỗi lúc chuyện trò với bạn bè, nhắc lại chuyện ra đi, tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ tới các vị Giám Đốc Trường thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang, không những là bạn bè mà còn là những sĩ quan cao cấp cùng phục vụ sát cánh và lâu dài với tôi trong một đơn vị cho tới ngày mất nước.
                    Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân là một trong chín đại đơn vị của Không Quân, có 8 trường chính:
                    - Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Trung Cấp
                    - Trường Phi Hành T-37
                    - Trường Phi Hành T-41
                    - Trường Kỷ Thuật
                    - Trường Truyền Tin & Điện Tử
                    - Trường Mưu Sinh & Thoát Hiểm
                    - Trường Quân Sự
                    - Trường Anh Ngữ

                    Theo tổ chức, TTHLKQ trên là Chỉ Huy Trưởng, dưới có Trưởng Khối Huấn Luyện, vị này có nhiệm vụ phối hợp giữa các trường, nhưng chính các Giám Đốc Trường là những vị điều hành trực tiếp các quân trường kể trên. Nếu so sánh theo bản cấp số thì các vị Giám Đốc Trường này ngang hàng với các vị Không Đoàn Trưởng của dơn vị tác chiến của các Sư Đoàn Không Quân.

                    Hầu hết quân nhân Không Quân không ai không khỏi phải qua Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân một đôi lần để học quân sự hay chuyên môn nhứt là giai đoạn sau năm 1970, có chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh, các quân trường ở đây đã tổ chức những khóa học dây chuyền mới có thể đạt được chỉ tiêu do Bộ Tư Lệnh Không Quân đề ra, có lúc số khóa sinh lên trên năm ngàn(5,000) quân nhân. Trách vụ của các vị Giám Đốc Trường này cũng nặng nề không kém trách vụ của các vị chỉ huy đơn vị tác chiến. Nhưng ngày mất nước ra đi, có đến 7 trong 8 vị Giám Đốc Trường đã kẹt lại, chịu biết bao đọa đày của hỏa ngục trần gian. Cho dầu so sánh với các cấp chỉ huy cao cấp của các đại đơn vị Không Quân khác, như Sư Đoàn 6 Không Quân, thì đây là một trường hợp quá đau thương. Nay số phận của các vị Giám Đốc Trường này ra sao?
                    Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân có lệnh di tản, rời nơi đóng quân muôn thuở là thành phố Nha Trang ngày 1 tháng 4 năm 1975, về đồn trú trong Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt. Thời gian tạm trú ở đây đúng một tháng thì mất nước.

                    Từ ngày 22 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư Lệnh Không Quân đã cho di tản gia đình quân nhân ra khỏi nước, ưu tiên là gia đình của các vị Tướng, các Tham Mưu Phó, các sĩ quan cao cấp thuộc Bộ Tư Lệnh Không Quân, thứ đến là gia đình của các hoa tiêu khu trục, rồi mới đến gia đình các sĩ quan các đơn vị; ưu tiên theo cấp bậc và chức vụ. Tính đến ngày 28 tháng 4 năm 1975, một số lớn gia đình sĩ quan cấp úy của các đơn vị khác đã được cấp cho phi cơ rời Việt Nam, riêng Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân chỉ có gia đình duy nhất của Chuẩn Tướng Chỉ Huy Trưởng được chính thức đi mà thôi, ngoài ra không có một gia đình nào khác trong đó có cả gia đình của vị Chỉ Huy Phó. Nên nhớ, việc sắp xếp chỗ cho đi do Đại Tá Đỗ Văn Ri, Chánh Văn Phòng Tư Lệnh điều khiển, chứ không phải do Phòng Chuyển Vận thuộc Tham Mưu Phó Tiếp Vận trách nhiệm như thường tình. Không biết Văn Phòng Tư Lệnh này đã căn cứ vào ưu tiên nào; giả dụ rằng Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân, ưu tiên kém hơn các đơn vị tác chiến như các Sư Đoàn Không Quân, thì mọi người cũng có thể chấp nhận được, nhưng những gia đình của các vị Giám Đốc này không thể di tản sau các dân sự, đa số là những người Trung Hoa Chợ Lớn. Chuyện này tôi đã nói ra ở bài "Ngày Ra Đi".
                    Một điều hết sức khôi hài là Văn Phòng Tư Lệnh nắm quyền cấp phát cho máy bay di tản từ đầu cho đến ngày 28 tháng 4 năm 1975, lúc đó tình hình quá hỗn loạn, khi căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt bị thả bom, mới trao trả sự điều hành chuyển vận này lại cho Phòng Chuyển Vận thuộc Tham Mưu Phó Tiếp Vận cùng bản danh sách hành khách ứ đọng với chỉ thị rằng "hãy tìm cách đưa hết số gia đình này đi". Còn gì mỉa mai cho bằng. Đêm đó, rạng ngày 29 tháng 4 năm 1975, lúc 4 giờ sáng, Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt lại bị Việt Cộng pháo kích. Sáng ra Bộ Tư Lệnh Không Quân tan hàng, mạnh ai tự thoát thân, chỉ có mấy vị Tướng Không Quân được D.A.O. chấp nhận cho di tản bằng trực thăng ra Hạm Đội 7 Hoa Kỳ mà thôi. Một số sĩ quan thân tín trong đó có cả các vị Chánh Văn Phòng của mấy ông Tướng đi theo, đều bị chận lại ở cổng D.A.O.Và tới giờ phút nguy nan này mới thấy tình đời và quyền hạn. Dầu một vị Tướng quyền hành tột đỉnh cũng không thể bảo vệ được người Chánh Văn Phòng thân tín nhất, là cánh tay mặt của mình. Thật là quá nhục nhã. Có người nhanh chân chạy thoát được, cũng có những kẻ bị kẹt bị tù đày trên mười năm. Nhóm người này có ăn có chịu, chỉ tội nghiệp cho những sĩ quan cao cấp khác, ngày ngày chỉ trông ngóng tin từ trên đưa xuống để có thể đưa gia đình di tản, nhưng chẳng bao giờ tin lành đến với họ nên đành kẹt lại, trong số này có các vị Giám Đốc Trường sau đây:
                    - Đại Tá Đặng Văn Hậu, Giám Đốc Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Trung Cấp Không Quân, bị 13 năm tù. Đến Mỹ vào năm 1992 cùng với gia đình và hiện cư ngụ tại tiểu bang Virginia, vùng quanh Washington D.C.
                    - Trung Tá Đàm Thiện Nguơn, Giám Đốc Trường Phi Hành T-37 ở Phan Rang, bị tù trên mười năm, sang Mỹ vào năm 1991, cư trú tại Quận Cam, California, được ít năm thì từ trần vì bệnh phổi.
                    - Trung Tá Lê Bá Định, Giám Đốc Trường Phi Hành T-41, nếu có bị tù là ngoài ý muốn, vì anh ta không có ý định rời Việt Nam. Vì những ngày cuối tháng 4 năm 1975, tình hình nước nhà hết sức khẩn trương, ai cũng biết được, sắp mất nước đến nơi, nhưng anh Định đã bày tỏ ý kiến trong những buổi họp hằng ngày là, nếu có mất nước, anh ở lại vào bưng, tổ chức kháng chiến chống lại Việt Cộng. Bởi vậy, anh tỉnh bơ, trong lúc đa số các sĩ quan khác chạy đôn chạy đáo cố tìm cách cho gia đình di tản, nhưng đành bó tay. Tinh thần anh Định cao lắm làm mọi người thán phục và ngưỡng mộ. Không ai biết chắc chắn anh Định hiện thời ở đâu...Nhưng mọi người khen anh Định giỏi ngoại ngữ, nhất là Anh văn, đã từng làm thông dịch cho những buổi họp giữa các chính khách ngoại quốc và Việt Cộng nên đời sống anh được bảo đảm, khỏi bị chính quyền địa phương hăm dọa. Và nhờ dạy Anh văn nên anh có đời sống vật chất sung túc và giàu có nữa, nên càng không muốn rời Việt Nam. Nhưng cũng có nguồn tin cho rằng anh Định bị chính quyền Việt Cộng bắt buộc phải rời Việt Nam vì là thành phần tay sai cho gián điệp C.I.A. Cũng có thể đúng, vì đây là "chính sách vắt chanh bỏ vỏ" muôn thuở của người Cộng Sản. Trước đây, năm 1975, khi Việt Cộng mới chiếm miền Nam, rất ít người giỏi tiếng Anh nên mới dùng anh Định, nay sau hai mươi mấy năm, họ có người của họ nên không cần anh ta nữa, không có gì lạ.
                    - Trung Tá Nguyễn Văn Kiên, Giám Đốc Trường Kỷ Thuật, bị kẹt lại không chịu trình diện để đi tù, nên đã dấu tông tích, cải trang làm nghề bán củi độ thân. Sau đó cùng con trai vượt biên và bị mất tích. Hiện gia đình chị Kiên đang sống ở San Diego, California.
                    - Trung Tá Tạ Minh Đức, Giám Đốc Trường Truyền Tin & Điện Tử, bị tù trong một thời gian ngắn, nên không đủ tiêu chuẩn để sang Mỹ theo diện H.O (Humanitarian Operations). Ra tù, anh mưu sinh bằng nghề đóng guốc Dakao, hiện nay anh làm việc cho một tiệm thuốc Bắc. Nhìn trông anh, thấy hình dung anh khắc khổ lắm. Anh cho biết anh bị đau bao tử mấy năm nay, còn chị Đức thì đau chân, đi đứng rất khó khăn.
                    - Trung Tá Nguyễn Minh Công, Giám Đốc Trường Mưu Sinh & Thoát Hiểm, bị tù gần 10 năm. Khi ra tù, anh Công bị đau nặng chỉ trong mấy năm thì qua đời. Tôi và anh Công là anh em kết nghĩa, khi nghe tin anh Công ở quê nhà bị khốn khổ, tôi hết sức đau buồn và lo lắng, nhưng cũng không giúp được gì thiết thực, ngoài những lời an ủi và món quà khiêm tốn mà thôi. Sau đó, nghe chị Công cùng các con cái đến được Mỹ, tôi rất vui mừng, nhưng không biết rõ hiện giờ gia đình chị Công ở đâu.
                    - Trung Tá Nguyễn Văn Qui, Giám Đốc Trường Quân Sự, bị tù mười năm. Qua Mỹ giữa thập niên 90. Chúng tôi có liên lạc với nhau bằng điện thoại khi anh chị còn ở California. Sau đó anh rời đi sang Úc vì có con cái vượt biên và cư ngụ bên đó. Một điểm lạ là anh Qui đau bao tử kinh niên. Hồi trước anh chỉ ăn gạo lức và muối mè. Thế mà khi ở tù một thời gian dài dưới chế độ hà khắc cộng sản mà anh chịu đựng được, đúng là phép lạ.
                    Vị giám đốc độc nhất thoát nạn tù đày cộng sản là Trung Tá Lê Bá Toàn, Trường Anh Ngữ, nhờ anh có người con đầu lòng là công dân Mỹ chính cống, sanh đẻ tại Mỹ khi chị Toàn cùng theo chồng sang Mỹ thời gian anh Toàn làm Sĩ Quan Liên Lạc từ giữa thập niên 50. Nhờ vậy mà Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam đã lo lắng cho gia đình anh chị Toàn sang Mỹ một cách thuận lợi. Gia đình anh chị Toàn hiện ở Houston, Texas.
                    Nay nếu có ai bắt gặp tại Mỹ những gia đình sĩ quan thuộc TTHLKQ trước kia là chính họ vào phút chót đã tự động xoay xở lấy bằng đủ mọi phương tiện để thoát nạn, chứ gia đình họ không được BTLKQ cắp chỗ phi cơ cho đi như những gia đình của các sĩ quan khác.
                    Biến cố nào cũng có sự mất mát và thiệt hại về nhân mạng và tài vật. Biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 xảy ra tại New York thật thảm khốc và đau buồn, chết trên năm ngàn nhân mạng, thiệt hại hằng trăm tỷ đô la, đối với một nước giàu mạnh nhất thế giới với dân số trên 280 triệu người. Nhưng nếu so sánh về bách phân, thì sự thiệt hại của TTHLKQ quá to lớn, đến 7/8, trong biến cố mất nước tháng 4 năm 1975. Bảy trong số tám sĩ quan cao cấp, Giám Đốc Trường kẹt lại, bị tù đày trong hỏa ngục cộng sản. Ba trong bảy người này đã ra người thiên cổ. Bốn người còn tại thế ở ba lục địa khác nhau: Á, Mỹ, Úc với thân thể bệnh hoạn tiều tụy, và nhất là con cái học hành dở dang và lập gia đình muộn. Đáng buồn thay!

                    Ngày 24 tháng 10 năm 2001
                    Mệ

                    Comment


                    • #11
                      Quân Sử Không Quân



                      Niên trưởng Nguyễn Ngọc Oánh là vị Chỉ huy Trưởng đầu tiên và cũng là vị Chỉ huy Trưởng sau cùng của TTHLKQ Nha Trang.
                      Last edited by SVSQKQ; 12-29-2012, 04:00 PM.

                      Comment


                      • #12
                        Quân sử Không Quân

                        Xin cám ơn SVSQKQ và quý NT đã giúp "nhuận sắc" và đóng góp phần hình ảnh để trang QSKQ được phong phú và đep mắt.

                        Comment


                        • #13
                          Những Phi Vụ Bắc Phạt Của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa

                          Comment


                          • #14
                            Cám ơn Tn07 đã sưu tầm và post lại những bài viết của cố Đại tá Nguyễn Quang Tri, như một điếu văn tri ân và tưởng niệm một phi công của đất nước,
                            Cám ơn KQ2 đã sưu tầm những loại phi cơ của Ngành Quan Sát cũng như logo của các Phi Đoàn giúp ngưòi đọc dễ dàng nhận được nội dung bài viết.
                            Trân trọng,
                            KQ Voy

                            Comment


                            • #15
                              Xin chân thành cám ơn tất cả quý Niên trưởng đã đóng góp và tham gia diễn đàn. Với ước muốn nhỏ nhoi của Tn07 ngoài việc gợi lại thành tích của Tarnin 65 đóng góp cho Diễn Đàn Hải Ngoại; tâm ý của Tn07 còn muốn duy trì một nơi mà có thể con em chúng ta cần tìm hiểu một cách rõ ràng. Vì vậy, cá nhân Tn07 khẩn thiết yêu cầu tất cả quý vi...vả ngay cả ban Chủ biên HQPD mạnh dạn chọn lựa lại những bài thuộc về QS thống nhất thành một mối cho thế hệ sau dễ tìm thấy ("truy cập"). Nếu được sự đồng thuận của quý vị nhất là chủ biên của HQPD tôi nghỉ là viêc này không khó khăn lắm. Kính chuyển với tâm thành. Tn07

                              Comment



                              Hội Quán Phi Dũng ©
                              Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                              website hit counter

                              Working...
                              X