Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mỗi tuần đọc Một bài thơ

Collapse
X

Mỗi tuần đọc Một bài thơ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #31
    Ðêm mơ gặp Tố Như

    Ðoạn trường vút nẻo mờ khuya
    Trăng soi gối chiếc mây lìa cành non
    Thu về đậm nhạt tấm son
    Ðàn vương mộng cũ lối mòn về đâu

    Ðoạn trường nửa gánh qua cầu
    Vần xoay núi biếc vẫn mầu thủy chung
    Cảo thơm còn lẻ kiếm cung
    Ðàn say tóc trắng mịt mùng âu lo

    Cúc vàng thu gọi hư vô
    Trăng bên giường bệnh đoạn trường là đâu
    Mấy thu kinh khuyết tình sâu
    Mấy trăng cổ độ vương hầu loạn ly

    Tiếng đàn cong vút làn mi
    Long Thành cầm giả hay vì Tầm Dương
    Bâng khuâng ảo giác phố phường
    Hương thề quanh quất đoạn trường héo hon

    Ðoạn trường gói chặt tấm son
    Một thiên bạc mệnh chưa mòn tuyết băng
    Bóng ai lãng đãng cầm trăng
    Gió thu hồng biếc một vầng quan san

    Lửa hương một nắm tro tàn
    Hồng Lam trăm mối đoạn trường về đâu
    Đường đời còn mải phân vân
    Thì xin ước hẹn vô vàn mai sau

    Thì xin tát cạn nguồn sầu
    Nghìn thu tuyệt bút điểm màu vấn vương
    Phấn hương thừa nhặt nẻo đường
    Nòi tình ai cũng đoạn trường với ai

    Đêm thu mộng triệu khơi miền
    Đoạn trường bướm trắng ưu phiền gió trăng
    Gặp Người ta lại cố nhân
    Bất tri tam bách... một vần cảm thông.

    Trần Hồng Châu




    *** tưởng nhớ giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch (1921-2003)
    nhân ngày giỗ 7, tháng mười hai.

    Comment


    • #32
      Mùa đông ơi mùa đông

      mùa đông dài trước mặt
      sông nước chảy về đời
      (Kim Tuấn)


      Cây khô cành đứng ngóng
      ngọn gió chiều không qua
      chiều mau trời tối xuống
      rừng thưa và bóng người

      rừng thưa chim trốn rét
      tiếng kêu buồn trong sương
      nhà ai đèn lên sớm
      giăng đèn đón Giáng Sinh

      xóm ngày đêm im vắng
      mùa đông ơi mùa đông
      bông tuyết bay nhẹ hẩng
      cánh đồng trắng mênh mông

      cánh đồng Pasternak
      tuyết trắng đất trắng trời*
      màu trắng làm sao vẽ
      ngồi im chiều chơi vơi …

      Đinh Cường

      (Virginia, Dec. 2011)

      *câu thơ của Boris Pasternak:
      Bão tuyết mịt mùng trắng đất trắng trời
      (Đức Dương dịch)

      Comment


      • #33
        Mới đó

        Mới đó nửa đời quên pháo Tết
        Hoa mùa Xuân thay lá mùa Đông
        Cánh hạc vàng vút trời xanh biếc
        Mặt nhân gian rám nắng mai hồng

        Mới đó Xuân tàn hoa rụng hết
        Trước sân hôm trước chẳng còn mai
        Tâm xa thiền ngữ chim không hót
        Nên ngày qua dấu cũ tàn phai

        Mới đó hoàng mai thành cổ mộc
        Chú thiên đường kinh ảo vọng hoàn không
        Ta lặng lẽ quay về Tu Bụi tĩnh
        Em kiêu sa khóc suốt một dòng sông

        Mới đó mà trăng tàn nguyệt xế
        Mắt huyền mơ lạnh bóng sương mờ
        Chân em bước tương lai thành dĩ vãng
        Chuyện một thời thành chuyện kể ngày xưa

        Mới đó hôm qua là kiếp trước
        Men thời gian rượu xế nghiêng bầu
        Này bằng hữu vội vàng chi uống cạn
        Đâu dễ gì gặp lại kiếp mai sau

        Mới đó ta về trong rỗng lặng
        Ba mươi năm bão nổi ly hương
        Lòng ta là gió trên đồng vắng
        Tan loãng mơ hồ với cỏ sương

        Trần Kiêm Đoàn

        (Sacramento, sớm uống trà đầu năm 2014)

        Comment


        • #34
          Riêng Một Mùa Xuân Chẳng Thấy Sang

          Rắn ngóc đầu đi, ngựa chạy về
          Giật mình, xuân nở trắng cành lê
          Mười năm oán hận, ai người tỉnh
          Một kiếp tôi đòi, mấy kẻ mê
          Đã trót phong trần nên lỗi hẹn
          Chưa tròn sự nghiệp vội quên thề
          Nửa đêm ngồi đếm xuân trên tóc
          Nghe súng giao thừa sực nhớ quê

          Quê mẹ phương nao khói ngút ngàn
          Sông dài núi thẳm ngậm ngùi than
          Xuân về duyên dáng làn môi thắm
          Tết đến phôi pha giấc mộng vàng
          Thương nữ cười nghiêng nâng chén rượu
          Vong nô hồn lạc lắng cung đàn
          A ha xuân đến, à xuân đến
          Riêng một mùa xuân chẳng thấy sang

          Tạ Ký

          (1954)




          Bài Thơ Xuân Được Giải Nhất Cuộc Thi Thơ
          Của Đài Phát Thanh Pháp Á Sài Gòn

          Đó là bài thơ của Tạ Ký, nhan đề "Riêng Một Mùa Xuân Chẳng Thấy Sang", Tết Giáp Ngọ đầu năm 1954.
          Tết năm ấy, tôi từ Nha Trang về nhà bà chị ở Ba Ngòi (sau này là Thị Xã Cam Ranh) ăn Tết, tối tất niên mở đài Pháp Á nghe chương trình đón Giao thừa thì được nghe công bố kết quả cuộc thi thơ xuân với giải nhất là bài thơ của Tạ Ký. Lúcđó anh Ký đang là học sinh trường Trung Học Khải Định (Quốc Học) Huế.
          Năm 1952, Tạ Ký từ làng Trung Phước, Quảng Nam, thuộc vùng Việt Minh Cộng Sản kiểm soát, trốn về vùng Quốc Gia, ra Huế học ban Tú Tài. Chiến tranh đang giai đoạn quyết liệt, anh mang tâm trạng u buồn, không thấy bên nào đáng tin tưởng; một bên là chính quyền Quốc Gia với Quốc Trưởng Bảo Đại ở trong thế phải thân Pháp, một bên là Cộng Sản với đường lối khắc nghiệt, cuồng tín một chủ nghĩa ngoại lai sai lầm và lệ thuộc Liên Xô, Trung Cộng.
          Không nhớ giọng nào đã diễn ngâm bài thơ đêm Giao thừa năm ấy, nhưng sau đó ra Nha Trang, tôi nhận được bài thơ do Tạ Ký gởi vào, và vẫn còn thuộc lòng cho đến nay:
          (xem trích đăng bên trên)
          Kèm với bài thơ là một bưu phiếu. Nhờ nhận được giải thưởng, anh gởi tiền nhờ tôi trả nợ anh Bùi Luận (anh ruột Bùi Giáng), và biếu tôi một số tiền. Khi tôi trao tiền cho anh Luận, lúc ấy là giáo sư trường Võ Tánh Nha Trang, anh cười ha hả "trước đây gởi tiền cho Tạ Ký là định biếu cho Ký đó chớ".
          Sáu mươi năm, với bao lần dâu bể, đã nhanh chóng trôi qua.
          Đầu thập niên 1970, Tạ Ký còn được giải nhất về thơ, giải Văn Nghệ Tổng Thống Việt Nam, Đệ Nhị Cộng Hòa, với tập thơ Sầu Ở Lại; giải này lớn hơn giải thơ xuân nhiều.
          Tập thơ Sầu Ở Lại còn đó, bài thơ xuân còn đây, nhưng Tạ Ký đã ra người thiên cổ.
          Hồi ở Saigon, thỉnh thoảng gặp Bùi Giáng và Tạ Ký, nghe hai người đều thích câu thơVũ Hoàng Chương:
          Ta còn để lại gì không
          Kìa non đá lở này sông cát bồi
          Bây giờ hai người đã nằm gần nhau trong một nghĩa trang gần Sài Gòn.
          Và hai người đều có để lại văn thơ.
          Trần Huỳnh Châu
          California tháng chạp 2013
          Last edited by Hoanghac; 03-12-2014, 12:59 AM.

          Comment


          • #35
            Mưa Bao Dung

            Có vui mới biết đời buồn
            Thật thà mới biết cái khuôn sáo này
            Một lần rút ruột chia tay
            Đau bao nhiêu biết đường dài bấy nhiêu!


            Trời có mưa đêm nay
            Hay một ngày nào đó
            Tôi không tin mưa cản được lối em về
            Không tin mưa làm em rét mướt
            Bếp vẫn hồng rực lửa trái tim kia

            Tôi nằm đây. Một mình
            Chia với tôi đất trời cũng thành con số lẻ
            Đêm rất buồn thương nhánh sông xa
            Mỗi con sông phải có đôi bờ
            Làm nên một dòng nước chảy
            Em có một ngày về
            Nuôi bằng cả trăm năm tôi đợi

            Mưa không rơi đêm nay
            Mà hồn tôi ướt sũng
            Mưa không rơi đêm nay
            Hồn tôi chiếc lá mỏng
            Gió không về cũng rụng xuống tim em

            Tôi chối từ làm bướm
            Cỏ hoa vàng theo cánh lượn bay đi
            Mưa bao dung không lấp lối về
            Giăng ra suốt trăm năm tôi đợi

            Cao Thoại Châu

            (2-3-2014)

            Comment


            • #36
              Ta Về

              Tiếng biển lời rừng nao nức giục
              Ta về cho kịp độ xuân sang


              Ta về - một bóng trên đường lớn
              Thơ chẳng ai đề vạt áo phai...
              Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ?
              Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay

              Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
              Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
              Mười năm, mặt xạm soi khe nước
              Ta hóa thân thành vượn cổ sơ

              Ta về qua những truông cùng phá
              Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
              Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
              Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

              Chỉ có thế. Trời câm đất nín
              Đời im lìm đóng váng xanh xao
              Mười năm, thế giới già trông thấy
              Đất bạc màu đi, đất bạc màu...

              Ta về như bóng chim qua trễ
              Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
              Ai đứng trông vời mây nước đó
              Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

              Một đời được mấy điều mong ước?
              Núi lở sông bồi đã lắm khi...
              Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
              Mười năm, cổ lục đã ai ghi?

              Ta về cúi mái đầu sương điểm
              Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
              Cảm ơn hoa đã vì ta nở
              Thế giới vui từ mỗi lẻ loi

              Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
              Làng ta, ngựa đá đã qua sông
              Người đi như cá theo con nước
              Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

              Ta về như lá rơi về cội
              Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
              Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống
              Giải oan cho cuộc biển dâu này

              Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
              Ruột mềm như đá dưới chân ta
              Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
              Người thức nghe buồn tận cõi xa

              Ta về như hạt sương trên cỏ
              Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
              Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
              Tội tình chi lắm nữa, người ơi!

              Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ
              Mười năm, người tỏ mặt nhau đây
              Nước non ngàn dặm, bèo mây hỡi
              Đành uống lưng thôi bát nước mời

              Ta về như sợi tơ trời trắng
              Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
              Ai gọi ai đi ngoài quãng vắng?
              Phải, ôi vàng đá nhắn quan san?

              Lời thề truyền kiếp còn mang nặng
              Nên mắc tình đời cởi chẳng ra
              Ta nhớ người xa ngoài nổi nhớ
              Mười năm, ta vẫn cứ là ta

              Ta về như tứ thơ xiêu tán
              Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
              Nhà cũ, mừng còn nguyên mái, vách
              Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

              Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
              Nhà thương khó quá, sống thờ ơ
              Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
              Khách cũ không còn, khách mới thưa...

              Ta về khai giải bùa thiêng yểm
              Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi!
              Hãy kể lại mười năm mộng dữ
              Một lần kể lại để rồi thôi

              Chiều nay, ta sẽ đi thơ thẩn
              Thăm hỏi từng cây những nỗi nhà
              Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
              Mười năm, cây có nhớ người xa?

              Ta về như đứa con phung phá
              Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
              Mười năm, con đã già như vậy
              Huống mẹ cha, đèn sắp cạn dầu...

              Con gẫm lại đời con thất bát
              Hứa trăm điều, một chẳng làm nên
              Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
              Hạt lệ sương thầm khóc biến thiên

              Ta về như tiếng kêu đồng vọng
              Rau mác lên bờ đã trổ bông
              Cho dẫu ngàn năm, em vẫn đứng
              Chờ anh như biển vẫn chờ sông

              Ta gọi thời gian sau cánh cửa
              Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu
              Ta nghe như máu ân tình chảy
              Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

              Ta về dẫu phải đi chân đất
              Khắp thế gian này để gặp em
              Đau khổ riêng gì nơi gió cát...
              Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm

              Cây bưởi xưa còn nhớ trắng hoa
              Đêm chưa khuya lắm, hỡi trăng tà!
              Tình xưa như tuổi già không ngủ
              Bước chạm khua từng nỗi xót xa

              Ta về như giấc mơ thần bí
              Tuổi nhỏ đi tìm những tối vui
              Trăng sáng lưu hồn ta vết phỏng
              Trọn đời, nỗi nhớ sáng không nguôi

              Bé ơi, này những vui buồn cũ
              Hãy sống, đương đầu với lãng quên
              Con dế vẫn là con dế ấy
              Hát rong bờ cỏ, giọng thân quen

              Ta về như nước tào khê chảy
              Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
              Thân thích những ai giờ đã khuất?
              Cõi đời nghe trống trải hơn xưa

              Người chết đưa ta cùng xuống mộ
              Đêm buồn, ai nữa đứng bờ ao
              Khóc người, ta khóc ta rơi rụng
              Tuổi hạc, ôi ngày một một hao

              Ta về như bóng ma hờn tủi
              Lục lại thời gian, kiếm chính mình
              Ta nhặt mà thương từng phế liệu
              Như từng hài cốt sắp vô danh

              Ngồi đây, nền cũ nhà hương hỏa
              Đọc lại bài thơ buổi thiếu thời
              Ai đó trong hồn ta thổn thức?
              Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

              Ta về như hạc vàng thương nhớ
              Một thuở trần gian bay lướt qua
              Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
              Đành không trải hết được lòng ta

              Tô Thùy Yên

              7-1985
              (Tô Thùy Yên, Thơ tuyển, Minnesota, 1995)
              Last edited by chieutim; 11-02-2018, 02:00 PM.

              Comment


              • #37
                Hành phương đông

                Hỡi ơi trời đất vô cùng rộng
                Nào biết tìm đâu một mái nhà
                (Nguyễn Bính)


                bạn ta, áo ngươi sao bạc thếch
                chiều nay còn một ngươi với ta
                ngươi nhớ gì dưới trời mây trắng
                ta nhớ màu hoàng hôn năm xưa

                ngươi phong trần ta cũng giang hồ
                vó ngựa qua nhịp khua lóc cóc
                buổi ra đi đâu mơ ngày về
                nhưng chiều nay ngươi ơi ta muốn khóc

                ngươi ba mươi ta cũng ba mươi
                kể cũng đã mười năm rồi, xa lắc
                thì vui đi cho hết một đời
                rằng ta kẻ trời cho sống sót

                đôi khi ta mơ một căn nhà trống
                dù thu sang hay lồng lộng buổi mưa về
                gõ trên quãng đời xưa mà hát
                rằng ngàn năm mây trắng đời ta

                bạn ta, còn đây lưng chén rượu
                ta mời ngươi cạn nốt cùng ta
                dẫu lòng ta bạc hay ngươi bạc
                cũng cầm bằng như bóng mây qua

                cũng như là những giọt máu hồng
                đã nhỏ xuống trong mùa xương máu
                bên trời kia, ngươi nghe gì không
                tiếng ai vọng đau mấy chiều cố xứ

                trong lòng ta có một dòng sông
                dòng sông xưa đục mù bến nước
                lau lách khuya sương lạnh hàng hàng
                bạn ta hỡi, làm sao quên được

                ta chợt thấy trong đôi mắt ngươi
                có điều gì ngươi chưa thể nói
                mây vẫn còn giăng trắng một trời
                hồn ta cũng giăng đầy sương khói

                có nỗi buồn nào đang len trong từng mạch máu
                có mũi nhọn nào đâm trong tim ta từng cơn
                cạn chén rượu thấy trời đất sụp
                ta cũng như ngươi, có vui gì hơn

                bạn ta, ngươi sống có bao năm
                mà sương gió đầy trên mái tóc
                ta cùng ngươi đi giữa phương đông
                đất rộng quá nên ngàn năm còn cô độc

                mây trắng quá và chiều tê tái lắm
                biết về đâu giữa lúc hoàng hôn phai
                ta cùng ngươi những bóng đời lếch thếch
                chiều tan mau rồi vẫn bóng đêm dài

                sống nửa đời chẳng có một quê nhà
                buổi lận đận thân gửi nhờ đất khách
                chẳng lẽ ta ôm lòng mà chờ
                chờ một thuở huy hoàng trên mặt đất

                chẳng lẽ ta bắt chước người xưa
                ôm chí lớn đi cùng trời đất
                trăm năm rồi như bóng mây qua
                chí đã cùn nên thiên thu đành chôn chặt

                chẳng lẽ ta học người thất thế
                mượn dăm chén rượu lãng quên đời
                hay ngửa mặt ngâm câu khí khái
                giữa chợ đời lê gót rong chơi

                bạn ta, vui chi mà cười ngất
                buồn chi đập chén vỡ tan tành
                mây phương nam có khi mù phương bắc
                có khi là mây chia cắt ngàn năm

                ta có khi đứng bên tuyệt lộ
                thấy một màu nắng úa dưới nhân gian
                lớp lớp những mồ xanh bóng cỏ
                huyệt sâu kia ta đã có phần

                thời xuân thu chẳng thấy ngọn ngô đồng
                chim phượng bay dưới trời tan tác
                thời hoàng kim của mưa đổ máu hồng
                kẻ thất chí nhìn trời rơi nước mắt

                ta với ngươi đứng giữa vực tử sinh
                vẫn thấy bay một trời mây trắng
                nghe quanh đây trời đất quá điêu tàn
                không còn ai giữa chiều thoi thóp nắng

                trong mắt ngươi có bóng đời ta tan vỡ
                có mùa đông quê cũ rét mưa phùn
                có đầu thu rụng đầy bông khế
                có bông cúc vàng nở rộ chớm sang xuân

                có chuyến tàu đi trong chiều sương lạnh
                nhả khói buồn tan với hoàng hôn
                có chiếc khăn tay vẫy ngang mắt lệ
                bánh sắt lăn như nghiến nát cả lòng

                chiều nay đèn nhà ai thắp sáng
                nghe rộn ràng bên lớp khói đùn quanh
                mười năm, ta hay ngươi người viễn khách
                rét về chưa mà hồn lạnh căm căm

                ta cùng ngươi đi giữa phương đông
                giày đã rách nhưng chân chưa thấy mỏi
                vỗ trên lưng ngày tháng mà ca rằng
                giữa trần gian ta như hạt bụi

                bụi dẫu có ngàn năm chờ đợi
                cũng ngậm ngùi tan với hư không
                ngươi dẫu cạn bao nhiêu hồ rựou
                cũng dễ chi đã ấm được lòng

                cũng không bằng một sớm mùa đông
                quàng khăn rét ngồi bên cửa sổ
                hay co ro bên bếp lửa hồng
                ấm đời nhau dăm câu chuyện kể

                thời bây giờ ta như chim bị đạn
                kêu đau thương nay đã suốt bao chiều
                bay lảo đảo dưới trời hiu quạnh
                đợi tan tành cùng mặt đất buồn thiu

                thời bây giờ, của những giọt nước mắt
                ướt đẫm khăn hồng người con gái năm xưa
                thời của những khăn tang chít vội
                thời ruột đau như cắt nỗi chia lìa

                thời huy hoàng của những bầy quạ đen
                bay phơi phới giữa phương đông hực lửa
                thời của những người đã đánh mất trái tim
                chỉ còn bóng hận thù vây mọi phía

                cắn trong răng một trái bồ hòn
                không thể nói những điều muốn nói
                ta cùng ngươi những bóng đời thầm
                nhìn mây trắng lòng đau vời vợi

                đã bao năm dòng máu ta sắp cạn
                mà nơi đây không một bóng ai về
                rụng tan tác những mùa hoa rụng
                mà mây thì mây trắng lê thê

                ta cùng ngươi vẽ bóng mà chờ
                cùng mặt đất quay theo thời chiến quốc
                chiều nay còn một ngươi với ta
                bước khập khiểng dưới trời cô độc

                có tiếng tù và vang vang trong gió
                âm thanh buồn xé vỡ không gian
                cũng là lúc nụ cười ta héo hắt
                chiều thê lương trời đất quá điêu tàn

                có tiếng ai vọng từ muôn kiếp trước
                bông hồng nào vừa rụng giữa lòng ta
                trong mắt ngươi có chút gì u uất
                soi long lanh bóng dáng một quê nhà

                kể cũng đã mười năm rồi ngươi hỡi
                ngửa nghiêng cùng lịch sử thăng trầm
                vui có khi cười ra nước mắt
                có khi là rượu say khướt hoàng hôn

                ruột có khi tưởng lìa chín khúc
                máu có khi ứ giữa buồng tim
                cũng đành sống cho qua thời mạt kiếp
                dù tháng ngày chụp xuống những oan khiên

                bạn ta, bên kia sông là núi
                núi của ngàn năm đá vọng bóng người đi
                núi tiếp sông và sông tiếp biển
                sông tiễn người qua bến phân ly

                sông ngậm ngùi vỗ sóng thiên thu
                mùa bão tới gầm lên hồi bi thiết
                gờn gợn trên sóng bạc những căm thù
                bởi máu đã nhuộm hồng sông nước

                bấc đã lụn nên đèn leo lét
                gót ai qua rờm rợp khắp non sông
                trên mặt đất người người rơi nước mắt
                và nơi đây ta ngậm nỗi căm hờn

                ta cùng ngươi đi giữa phương đông
                thương vườn ai đìu hiu dăm xác lá
                mái rêu phong cửa khép im lìm
                nhà ai đó giống quê nhà ta quá

                giậu ai đó đỏ hàng dâm bụt
                ngỡ như màu mực tím thuở mười ba
                nghe thoang thoảng mùi hương sách mới
                có chút gì nghèn nghẹn giữa tim ta

                bóng chim nào lạc cánh cuối trời xa
                đất rộng quá biết đâu là cố lý
                và nơi đây hiu hắt những đời người
                dài râu tóc ngồi mơ thời thịnh trị

                lúc tuổi trẻ đã tan rồi chí khí
                sống nửa đời ta chẳng thấy quê hương
                nhìn lên cao mây còn bay lớp lớp
                ta cùng ngươi quay với bóng tang thương

                Phạm Cao Hoàng

                (1971)
                Last edited by chieutim; 11-02-2018, 01:58 PM.

                Comment


                • #38
                  Im Lặng

                  Chiều xuân, buổi thừa hương,
                  Trên sân rêu còn giãi chút ánh vàng
                  Ngày tàn, người, vật, dáng êm ả
                  Gió chiều êm êm động từng lá
                  Xa xa dẫy đồi nét nhịp nhàng
                  Con sông trắng... lửa thuyền chài... thấp thoáng trong sương
                  Ta ngồi nhìn ra, lặng ngắt
                  Để cái đẹp bao la của trời đất
                  Thu vào đôi con mắt
                  Lòng ta thảnh thơi
                  Như không muốn gì, không thương ai
                  Không buồn, không nhớ, không mong
                  Có cái thú bình tĩnh hư không
                  Như hạt muối trắng
                  Tan trong bát nước trong

                  Nhất Linh





                  Người thừa trong làng thơ “THI SĨ” NHẤT LINH

                  Trong thập niên 30 của thế kỷ trước kể từ khi có phong trào thơ mới xuất hiện trên báo Phong Hóa với những tên tuổi lớn như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận... thì thân phụ tôi, nhà văn Nhất Linh, tự nhận mình là người thừa trong làng thơ. Thật ra Nhất Linh trước khi trở thành nhà báo, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ... đã là một thi sĩ. Ngay từ lúc còn rất nhỏ tuổi thân phụ tôi đã mê làm thơ và lòng mê thơ này đã theo ông cho đến tận những năm cuối đời, mặc dù ông tự nhận thơ mình không hay và mặc dù thơ ông không mấy được người đời biết tới.

                  Trong mấy trang hồi ký dang dở “Đời Thi Sĩ” viết năm 1959 Nhất Linh kể lại năm ông 10 tuổi ông phải rời bỏ Hà Nội để về huyện Cẩm Giàng. Cậu bé đâm ra nhớ Hà Nội và làm thơ. Thơ rằng:

                  Chung quanh cây cối rườm rà
                  Giữa hồ có một chùa ta đây này


                  Ông nội tôi biết ngay là thơ không xuôi nên đổi ra:

                  Giữa hồ có một chùa là Ngọc Sơn


                  Cậu bé tuy còn rất bé nhưng cũng phải thừa nhận là câu thơ của ông nội tôi hay hơn.
                  Cũng vào thời gian ấy cậu thi sĩ 10 tuổi làm thơ vịnh cảnh làng quê Cẩm Giàng:

                  Hai bên trắng nước chảy te te
                  Cầu ngang bắc lại tí tẻ te
                  Bầu giời ngõ trắng tròn xoe xoe
                  Chim kêu ríu rít cảnh buồn te


                  Cậu bé khi làm bài thơ đó không ngờ rằng mình là người làm “thơ mới” đầu tiên của nước Việt Nam. Phải đến gần hai mươi năm sau khi phong trào thơ mới ra đời, chàng thi sĩ Nhất Linh mới ý thức ra điều đó. Mới thì nhất định là mới rồi vì những chữ như hai bên trắng, cầu ngang, bầu giời ngõ trắng cũng bí hiểm như những bài thơ mới bí hiểm nhất. Còn hay thì đến tận bây giờ (nghĩa là thời điểm viết hồi ký) cha tôi cũng chưa thấy nó hay ở chỗ nào.

                  Được cái là làm thơ mới, ông nội tôi đành chịu không biết chữa thế nào, chỉ biết lắc đầu thở dài cho con mình là một thằng bé lẩn thẩn.

                  Ông nội tôi mất năm cha tôi 13 tuổi. Tiếc là ông nội tôi không còn sống để có được cái vui thấy con mình bốn năm sau có hai bài thơ đăng ở Trung Bắc Tân Văn. Thơ ấy vịnh cảnh đi thuyền chơi trăng trên Hồ Tây mà cha tôi chỉ nhớ được hai câu:

                  Con thuyền đè sóng tênh tênh vượt
                  Chiếc bóng sau người lướt thướt theo!


                  Ông nội tôi vốn hay làm thơ và thích thơ đúng niêm luật. Ví dụ như bài thơ sau đây ông làm khi rời huyện Chí Linh:

                  Lên ngựa chia tay luống ngại ngùng
                  Tình xưa bát ngát với non sông
                  Ai về nhắn nhủ giang sơn ấy?
                  Dạ tớ nghìn thu vẫn đỉnh chung


                  Vì thích làm thơ đúng niêm luật nên chắc là ông nội tôi phải hài lòng với bài thơ “Vịnh cảnh đi thuyền” của con mình, vừa đúng niêm luật lại vừa đối chọi chan chát. Hai bài thơ của cha tôi thật ra hay không hơn không kém gì mấy nghìn bài thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn hồi đó (1922) nhưng riêng đối với ông thì đây là một kỷ niệm rất êm đẹp vì tên tuổi của mình lần đầu tiên được nêu lên báo.

                  Sau này vào thời kỳ báo Phong Hóa bắt đầu cổ động cho thơ mới thì cha tôi cũng có viết ít bài, ví dụ như bài thơ mới “Cái vui ở đời” sáng tác vào năm 1932:

                  Một buổi sáng mùa hạ
                  Công việc đã xong
                  Người nhàn nhã
                  Ngoài vườn nắng
                  Giải sen hoa lốm đốm trắng
                  Mấy gốc hoàng lan hương đưa ngát
                  Trên con đường mát
                  Ánh nắng như thêu hoa
                  Tiếng chim khuyên như sinh ca
                  Nóc nhà gạch đỏ tươi
                  Hôm nay mới thấy có cái vui
                  Sống ở đời


                  Nhưng sau đó kể từ khi thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận xuất hiện nhiều trên thi đàn thì cha tôi tự thấy mình là người thừa trong làng thơ.

                  Bài thơ cuối cùng cha tôi làm trong đời làm báo là bài Dân Quê. Bài ấy làm cho báo Phong Hoá (đăng bài thơ ấy) suýt bị đóng cửa, cha tôi bị mời ra ty kiểm duyệt và báo bán tăng thêm được hai nghìn số.

                  Dân Quê

                  Cảnh thì cảnh bùn lầy và nước đọng
                  Dân thì nghèo vất vả làm quanh năm
                  Hết nắng thiêu lại gió rét căm căm
                  Vẫn nhem nhuốc vẫn thân trần như nhộng

                  Ngày ngày trên ruộng chân tay lấm
                  Đêm đêm về gian nhà tối tăm
                  Giường nan bẩn thỉu chiếu hôi hám
                  Bố cu, mẹ đĩ rúc vào nhau

                  Đàn trẻ trần truồng lăn ra đất
                  Đứa thì gầy còm, đứa bệnh tật
                  Cố sống cầm hơi chờ khi nhớn
                  Làm thân trâu cho trọn đời khốn nạn

                  Bọn đàn anh thời chúi đầu cắm cổ
                  Tranh nhau thủ lợn với phao câu
                  Theo lễ nghi quèn, nghĩ những chuyện đâu đâu
                  Riêng mình thú không biết rằng dân khổ

                  Từ đấy Nhất Linh không làm thơ nữa.


                  Mười năm sau (1945) ở hải ngoại về Hà Giang, Nhất Linh lại làm thơ nhưng làm thơ... chính trị. Hồi ấy Hà Giang bị Việt Minh bao vây nên Quốc dân phải mở chợ phiên lấy tiền giúp quân đội. Nhà thi sĩ mặc binh phục, đi giầy cao ống cầm kéo cắt giây chăng cửa trong khi một tràng súng liên thanh nổ vang cả tỉnh lỵ Hà Giang làm giao động cả mấy cô thiếu nữ dâng hoa. Nhà thi sĩ thích hoa nhưng sợ tiếng súng. Nhà chiến sĩ thì thích súng và sợ hoa. Nhất Linh lúc đó vừa thích vừa sợ lại vừa sợ vừa thích thật là phân vân khó tả. Nhưng biết làm thơ cũng có cái lợi. Chợ phiên bán một bức tranh vẽ bó hoa và người mua tranh cứ nhất định đòi phải có bài thơ của nhà thi sĩ kiêm chiến sĩ thì họ mới trả 2000 đồng (tương đương gần 20 ngàn bây giờ). Thế là cha tôi phải làm thơ. Thơ rằng:

                  Trăm đoá hoa tươi hợp sắc màu
                  Muôn nghìn người Việt dạ như nhau
                  Bó hoa biểu hiện tình đoàn kết
                  Của khắp nhân dân vạn kiếp sau


                  Nhà thi sĩ mơ mộng hão huyền: muôn nhìn người Việt dạ như nhau và đoàn kết! Trước sự thực, nhà thi sĩ thở dài.
                  Bài thơ tuy mơ mộng thật nhưng đúng là “hàng hàng châu ngọc” vì mỗi chữ đã bán được bẩy trăm đồng bạc bây giờ. Chưa bao giờ tiền nhuận bút của nhà thi sĩ lại nhiều đến thế, nhưng than ôi (ông cụ tôi than) tiền lại không vào túi mình!

                  Rồi năm sau (1946) khi Nhất Linh làm bộ trưởng bộ ngoại giao trong chính phủ liên hiệp và trưởng phái đoàn phái bộ ở Đà Lạt để đàm phán với Pháp thì ông lại có dịp làm thơ... khôi hài, và làm cả thơ Tây nữa. Cha tôi kể lại: “Những thơ ấy tôi cùng làm với ông bạn quen đã lâu, rất vui tính, ông Nguyễn Duy Thanh lúc đó là cố vấn chuyên môn của phái đoàn. Đoàn trưởng phái bộ Pháp là ông Max André (Mạc Ăng Đê). Sau gần một tháng hai bên thăm dò ý kiến nhau đủ thứ thì ông Max André phải về Pháp. Chúng tôi (ông Thanh và tôi chứ không phải cả phái đoàn) họp kín ở trong phòng tôi và hai người cùng nhỏ lụy làm thơ sầu ly biệt:

                  Ới Mạc quân, hỡi Mạc quân!
                  Tóc tơ ngắn ngủi có ngần ấy thôi
                  Anh đường anh, tôi đường tôi
                  Biết bao giờ lại nối lời nước non

                  Mấy câu thơ này không hay gì lắm, mà lại phải cái sáo nữa! Quả nhiên tôi và ông Mạc, ông đường ông, tôi đường tôi, không bao giờ gặp nhau cả. Mới gần đây, ông bạn tôi có dịp gặp ông Mạc. Ông có nhắc đến tôi. Xin cảm ơn ông nhưng trời đã định vậy, ông và tôi không bao giờ lại nối lời nước non nữa.

                  Bài thơ ấy chúng tôi có dịch ra tiếng Pháp và thơ dịch hay hơn nguyên văn nhiều:

                  Oh! Max André! Ah! Max André!
                  Cheveux noir si court que ca!
                  Toi, chemin toi, moi, chemin moi,
                  A quand se relieront les paroles d’Eau et
                  De Montagne, moi pas connaitre!

                  Thơ Tây đến thế thật là tuyệt và cảm động, đọc nghe vừa trúc trắc vừa êm du. Nhất là câu “si court que ca” điệu ngắn củn và bỏ thõng đã tả được ý nghĩa của câu thơ như cái tàu đương chạy nhanh thả hơi hãm phanh gấp. Thanh âm “que ca” tả thật đúng tiếng hơi phì hãm phanh. Câu sau cùng kéo dài lòng thòng (trái hẳn với câu thứ hai ngắn củn) cốt để tả rõ thời gian vô hạn cho đến lúc hai bên lại nối lời nước non. Trong đời thi sĩ của tôi có mấy câu thơ Tây trên đây là hay nhất!

                  Mấy câu thơ này trong đời chính trị khô khan của tôi đã làm tôi trở lại cái đời sống vui vẻ của nhà viết báo khôi hài. Nếu cái cười chữa được bệnh thì trận cười vì mấy câu thơ này chữa được cái bệnh nghiêm trang giả vờ của tôi trong lúc giữ việc ngoại giao”.


                  *

                  Bẩy năm sau (1953) Nhất Linh mới lại có dịp làm thơ. Làm thơ trong một hoàn cảnh khác, ở một không gian khác, thuộc một mảng đời khác.

                  Trong hương trầm của đêm giao thừa năm Quý Tỵ thân phụ tôi, mắt mờ đi vì thương cảm những người cũ đã khuất hoặc mất tích, đã viết những dòng sau đây kèm theo một bài thơ như một chúc thư gửi cho hậu thế:

                  “Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm công việc mình đã làm tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp, lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự Lực Văn Ðoàn và công việc sáng tác. Nhưng Tự Lực Văn Ðoàn không thể để ngừng lại ở một số người cũ và đứng yên; người qua nhưng đoàn phải mới và tiến mãi...”
                  “Đã bẩy năm nay tôi mới lại có dịp làm thơ và thơ tôi vốn không hay nhưng lòng và ý thành thực là đủ rồi:

                  TỰ LỰC, vườn văn mới trội lên
                  Bỗng dưng thời thế đảo huyên thiên
                  Thương dăm lá cũ vèo rơi xuống
                  Mừng mấy mầm tươi vụt nhú lên
                  Mạch cũ, nhựa non rồn rập chẩy
                  Vườn hoa xuân mới điểm tô thêm
                  NGƯỜI QUA, SÁCH HỌC, ĐỜI THAY ĐỔI
                  TỰ LỰC, DANH CHUNG, TIẾNG VẪN TRUYỀN
                  (2 giờ sáng, mồng 1 tết năm Quý Tỵ)


                  Bốn năm sau (1957) cha tôi mua một miếng đất tại ấp Fim-nôm, trên quốc lộ 20, phía Nam của thị xã Đà Lạt 27 cây số, miếng đất có dòng suối Đa-mê chẩy qua. Ông tự vẽ họa đồ và xây một căn nhà tranh bên bờ suối, đặt tên là Thanh Ngọc Đình, để thưởng cho một loài hoa mà ông cho là tiên cách nhất trong tất cả các loài hoa.

                  Nhất Linh ở Fim-nôm khoảng 2 năm, từ năm 1957 cho đến năm 1959 là năm mà Thanh Ngọc Đình xây chưa xong đã bị sụp đổ trong một đêm giông bão. Thời gian đó ông thường xuyên đáp xe đò Minh Trung qua lại trên quốc lộ 20 Sài Gòn - Đà Lạt. Sài Gòn là nơi cha tôi làm việc. Fim-nôm là nơi để ông nghỉ ngơi và... làm thơ.

                  Trên một nền đất cao gần suối Đa Mê, cha tôi cho xây một căn nhà nhỏ, dùng làm chỗ ở tạm trong thời gian Thanh Ngọc Đình được xây cất. Nơi đó vào dịp Tết năm Kỷ Hợi tôi chứng kiến ba nhà thơ Nhất Linh, Bùi Khánh Đản và Nhất Anh (Lê Đình Gioãn) ngồi chụm đầu hai bên chiếc bàn có phủ những tờ giấy bản viết chi chít những Hán tự còn nguyên mùi mực tàu. Thi sĩ Bùi Khánh Đản đang làm thơ vịnh xuân. Trên vách có treo nhiều bức Hán tự của Bùi Khánh Đản và của cha tôi. Thời gian này ba thi sĩ đang nghiên cứu và tập viết chữ Hán. Tôi nghe cha tôi nói với thi sĩ Bùi Khánh Đản là ông rất thích nét bút của Tô Đông Pha. Một bức tranh của cha tôi vẽ suối Đa Mê cũng được treo trên vách. Dưới bức họa là hai câu thơ:

                  Người đi lâu chửa thấy về
                  Nhớ người lòng suối Đa Mê gợn buồn
                  (19-1-59)


                  Một bức tranh khác của cha tôi vẽ lan Thanh Ngọc với ba bài thơ của ba thi sĩ:

                  Thơ Vịnh Lan

                  Kết tụ tinh anh của gió sương
                  Muôn màu muôn vẻ lại muôn hương
                  (Bùi Khánh Ðản)

                  Thơ Vịnh Lan Thanh Ngọc

                  Dáng hoa như ẩn dáng người
                  Nụ hoa như ẩn nụ cười trong mơ
                  (Lê Ðình Gioãn)

                  Sắc trong Thanh Ngọc hương thơm mộng
                  Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần
                  (Nhất Linh)


                  Mùa hè năm 1958 cha tôi cho ra đời tờ nguyệt san Văn Hóa Ngày Nay. Nhiều bài thơ của cha tôi xuất hiện trên các số báo đó, ví dụ như bài thơ nhớ Hoàng Đạo của cha tôi đăng trên số báo Xuân Kỷ Hợi (1959):

                  Mắt mờ lệ nhớ người xưa
                  Mười năm thương nhớ bây giờ chưa nguôi
                  Trông hoa lại nhớ đến người,
                  Hoa xưa xuân cũ biết đời nào quên
                  Cảnh tiên còn gặp người tiên,
                  Đôi lòng muôn thuở còn nguyên vẹn lòng
                  (7-1-59)


                  Hoặc bài “Buồm giục viễn du”:

                  Mênh mang trời lẫn nước
                  Gió chiều nhẹ như ru
                  Biển dâng tình bát ngát
                  Buồm giục người viễn du
                  Trăng buồn mơ cát trắng
                  Lá rụng gợi sầu thu
                  Mộng hồn hòa mộng nước
                  Đèn ai thoảng trong mù
                  (Trên bãi biển, cuối thu 1940)


                  Một bài thơ khác không đề tựa nhưng thời điểm sáng tác bài thơ đó (1926) trùng hợp với năm thân phụ tôi vào Nam tham dự đám tang Phan Chu Trinh:

                  Đèo Hải Vân mây trời man mác
                  Bến Lăng Cô bãi cát trắng phau
                  Buồm ai phấp phới về đâu
                  Phiêu lưu hồ hải thêm sầu lòng ai
                  (3-1926)


                  và nhiều bài thơ khác của thân phụ tôi – kể cả các “thi thoại” trao đổi giữa hai nhà thơ Nhất Linh và Nhất Anh – mà tôi không thể liệt kê ra hết. Hai câu thơ cuối cùng của thân phụ tôi làm trong đời là hai câu ông viết trên trang đầu tập bản thảo cuốn truyện dài “Hai Con Mắt”:

                  Cùng nguyền giữ tấm lòng Nhân
                  Tình yêu Tổ Quốc, tình thân Bạn Bầy.
                  (Nhất Linh, 24-1-1961)


                  Hai Con Mắt là tác phẩm dang dở. Trong bản thảo cha tôi không viết được bao nhiêu nhưng ở mấy trang đầu đã cho thấy Thanh và Ngọc, câu truyện của các nhân vật trong Giòng Sông Thanh Thủy được tiếp tục. Tôi nhớ là hình như cha tôi có ý định đổi nhan truyện thành Giòng Sông Bến Hải khi ông hoàn tất tác phẩm này.
                  Hai câu thơ chót ấy làm năm 1961 tính đến năm nay 2011 là vừa chẵn nửa thế kỷ.

                  *

                  Cách đây ba năm vào dịp Tết Mậu Tý (2008) chúng tôi xuống nam California ăn Tết. Thời gian này ở quận Cam bao giờ cũng vui và có không khí Tết hơn bất cứ một nơi nào khác trên đất Mỹ.

                  Ngày đầu năm đến chơi nhà một người quen tôi bất ngờ nhận được một món quà quý. Bác sĩ Bạch Thế Thức, cháu ngoại của nhà thơ Nhất Anh Lê Đình Gioãn, trao tặng tôi một tờ giấy bạc Một Ðồng của Ngân-Hàng Quốc-Gia Việt-Nam và nói đùa đó là tiền “lì xì” đầu năm.

                  Trên tờ giấy bạc đó có viết hai câu thơ của thân phụ tôi:

                  Mua rừng có một đồng thôi
                  Còn tiền nợ nước trả đời nào xong
                  (Nhất Linh, 20-12-58)


                  Bác sĩ Thức cho tôi biết là khoảng mười mấy năm trước ông đã về Việt Nam và có ghé thăm căn nhà của ông ngoại mình (nhà thơ Nhất Anh xưa kia là chủ hãng sửa xe hơi Lê Đình Goãn) và tìm thấy trong đống giấy tờ cũ tờ giấy bạc này. Với tôi nó là đồng tiền lì xì quý giá và có ý nghĩa nhất mà tôi nhận được trong đời.

                  Hai câu thơ của Nhất Linh có ý nghĩa gì? Nó có báo hiệu trước điều gì không?

                  Thế nào là mua rừng và thế nào là tiền nợ nước?

                  Vào giữa thập niên 50 của thế kỷ trước nằm trong chương trình khuyến khích dân chúng khẩn hoang chính quyền sở tại tỉnh Lâm Đồng Việt Nam đã cấp phát theo đơn xin cho dân chúng một số lô đất thuộc thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thanh, huyện Đức Trọng với lệ phí rất tượng trưng: một đồng bạc.

                  Thân mẫu tôi, bà Phạm Thị Nguyên, đặt mua một miếng đất tại ấp Fim-nôm, bề ngang 30 thước, bề sâu nửa cây số tính từ quốc lộ 20 đến suối Đa-Mê. Chính ở trên mảnh đất mua rừng này mà thân phụ tôi đã cho xây Thanh Ngọc Đình.

                  Khi Thanh Ngọc Ðình sụp đổ làm tan hoang “giấc mộng Từ Lâm”, Nhất Linh bất thần giã từ tất cả – Đà Lạt, Fim-nôm, dòng Đa-Mê và cả trăm giỏ lan mà ông đã chăm sóc từ hai năm qua – để về ở hẳn Sài-gòn. Ông “xuống núi” lăn vào làm báo, dính líu vào vụ đảo chính thất bại, đi trốn, bị đưa ra tòa đưa đến cái chết của ông mấy năm sau.

                  Mua “rừng” chính là mua “đất”, ứng với đất nước trong câu thơ sau.

                  Đất thì rẻ mạt, có đồng bạc, trả ngay xong. Nhưng “nước” mới khó. Nợ nước thì cho đến đời nào mới trả xong?

                  Hai câu thơ trên viết cách đấy đúng 50 năm khiến tôi bâng khuâng tự hỏi: Phải chăng khi quyết định xuống núi ông cụ tôi đã gián tiếp trả lời hai câu thơ sau đây của thi sĩ Bùi Khánh Đản

                  Say sưa chi mấy tình vương giả
                  Mà để lòng quên nợ bốn phương?


                  Và phải chăng vì tiền nợ nước quá lớn nên ông đã phải lấy chính sinh mạng của mình để trả?

                  *

                  Hôm nay một buổi chiều thu của miền Tây Bắc nước Mỹ lần giở những trang báo cũ Văn Hoá Ngày Nay mà giấy đã ngả sang màu vàng úa, nhìn những hàng chữ viết tay đã nhạt màu mực của thân phụ tôi, mắt tôi cũng mờ đi vì thương cảm.

                  Tôi bắt gặp trong số báo một bài thơ của ông cụ mà tôi chưa từng đọc trước đây. Bài thơ này đăng trên số Xuân tập 9 báo Văn Hoá Ngày Nay mà tôi chắc là có nhiều độc gỉa còn nhớ, nhưng với riêng tôi, bài thơ này rất mới vì tôi đọc nó lần đầu tiên. Tôi chú ý ngay đến cái tựa đề của bài thơ mang tên “Im Lặng” và tôi lặng người:

                  Buổi sáng ngày 7 tháng 7 năm 1963 tôi hỏi thân phụ tôi là ông có sẽ thái độ ra sao trong buổi ra hầu tòa vào ngày hôm sau thì thân phụ tôi trả lời là ông sẽ chọn sự im lặng. Khi tôi hỏi ông cụ câu ấy tôi không thể ngờ rằng chỉ vài giờ sau đó ông cụ uống độc dược tự vẫn. Ông đã chọn sự im lặng theo cung cách riêng của mình, cung cách của một nghệ sĩ.

                  ...Như hạt muối trắng
                  Tan trong bát nước trong


                  Như hạt muối trắng tan trong bát nước trong nhà thơ Nhất Linh đã thật sự thả mình vào miền tĩnh lặng mênh mông của cõi vĩnh hằng.

                  Nguyễn Tường Thiết
                  Last edited by chieutim; 11-02-2018, 01:59 PM.

                  Comment


                  • #39
                    Có ai yêu tôi không?

                    Những lúc cô đơn,
                    Tôi hỏi:
                    — Có ai nhìn tôi không?
                    — Có, những ánh mắt buồn
                    — Có ai nghe tôi không?
                    — Có, vài âm thanh thoi thóp

                    Những lúc đớn đau,
                    Tôi lại hỏi:
                    — Có ai tựa vào tôi?
                    — Có, những bờ vai gầy
                    — Có lời nói bên tôi?
                    — Có, những tiếng chim vườn cũ

                    Còn khi tuyệt vọng,
                    Tôi hét vào câu hỏi:
                    — Có ai yêu tôi không?
                    — …
                    — Có ai yêu tôi không?
                    — …
                    — Có ai yêu tôi không?
                    — …

                    Tôi là ai?
                    Tôi là TỔ QUỐC.

                    Trà Đóa

                    12/2007

                    Comment


                    • #40
                      Lúc trở về

                      Thế nào thì rồi cũng phải trở về
                      Lúc trở về là phút huy hoàng hơn cả
                      Hay chính lúc linh hồn đòi chết
                      Ngày mai tôi sẽ trở về
                      Người ta quay lại một con đường
                      Những bước chân như nói chuyện cùng hàng gạch
                      Người ta nhìn lại vườn hoa
                      Kỷ niệm khơi lên trên từng bồn cỏ
                      Người trở lại mái nhà xưa
                      Những ngày ấu thơ vừa phảng phất
                      Người ta thấy chiếc gương cuối phòng
                      Lòng nghe buồn nằm ngủ
                      Cho tâm hồn bé lại
                      Cho cuộc phiêu lưu chấm dứt

                      Tôi khóc soi gương
                      Trán hằn sâu vết nhăn
                      Đôi mắt nhìn ngơ ngác
                      Méo mó nát môi cười
                      Lịch sử đi trên mình in thành dấu tích
                      Tôi giữ gìn như di vật ngàn đời
                      Lịch sử quay cuồng và chóng mặt
                      Tôi thành yên lặng muốn vô tri
                      Lịch sử chứa đầy bom những đạn
                      Tôi nghe thân thể nặng hơn chì

                      Tôi biết kể gì cho người sau đến hỏi
                      Chuyện ngày xưa, chuyện buổi lên đường
                      Tôi sẽ ngồi im mà chẳng nói
                      Bởi hồn tôi mệt lả khóc tang thương

                      Mai Trung Tĩnh

                      (Văn, số 42, tháng 12/1965)




                      Mai Trung Tĩnh tên thật Nguyễn Thiệu Hùng. Sinh năm 1937 tại Hà Nội.
                      Tốt nghiệp cử nhân văn khoa tại Sài gòn. Cựu Ðại Úy quân lực VNCH (khóa 16 Thủ Ðức).
                      Bẩy năm trong các trại cải tạo sau 1975. Ðến định cư tại Baltimore, Maryland, Hoa Kỳ, diện HO năm 1995.
                      Qua đời lúc 2 giờ 25 sáng ngày 20 tháng 02 năm 2002 tại Baltimore, Maryland.
                      Tác phẩm đã xuất bản :
                      . 40 Bài Thơ (cùng Vương Ðức Lệ - được giải thưởng Văn Học Toàn Quốc 1961)
                      . Ngoài Vườn Ðịa Ðàng (thơ, 1962)
                      . Những Bài Thơ Xuôi (1969)
                      . Thơ Mai Trung Tĩnh (2001 xb tại Hoa Kỳ)
                      (luanhoan.net)

                      Comment


                      • #41
                        Người Di Cư Mang Bốn Ngàn Năm Lịch Sử

                        phía trước tôi
                        con đường cứ lớn dần lên
                        lớn dần lên xa lạ
                        khi tôi đến
                        thời gian quá trễ
                        những con tàu về hướng tương lai
                        đã khởi hành từ bao năm trước

                        tôi là người khách cô đơn
                        lạc giữa thành phố lớn
                        hành trang tôi là tục ngữ ca dao
                        là tập quán từ ngàn xưa để lại
                        mang trong lòng hình ảnh cha ông
                        sống lặng lẽ như nhà hiền triết
                        đêm chiêm bao
                        còn thấy ngôi chùa cổ
                        ông sư già tiếng chuông khuya gọi hồn tỉnh thức
                        còn thấy con trâu cái cày thuở trước
                        cánh đồng mùa khô nứt nẻ
                        khu rừng chưa kịp hồi sinh
                        của một thời tàn phá
                        bàn chân tôi
                        chưa sạch mùi bùn
                        của những ao đầm kênh rạch
                        da tôi vàng sốt rét kinh niên
                        mang chứng tích một quê nhà thương khó

                        tôi bỏ lại đằng sau
                        bóng tối đêm dài trùng tu cửa mộ
                        những người chưa kịp sống hôm nay
                        đã muốn đầu thai kiếp khác
                        những bức tường mọc lên vội vã
                        che cái nghèo trong nỗi oan khiên
                        tôi bỏ lại đằng sau
                        lối quanh ngõ tắt đường mòn
                        xẻ dọc núi rừng ám chướng
                        quỷ thần đi bệnh dịch báo điềm
                        trăm họ kinh mang co mình run sợ
                        nghe thuyết giảng tín điều đổi mới
                        lấy khẩu hiệu làm kinh nhật tụng
                        ma đói kêu rên
                        người nằm trong đất không yên
                        phá mả tìm vàng
                        cạy nắp áo quan
                        huyệt sâu chấn động hồn thiên cổ
                        gỗ đá còn đau nhức thấu xương

                        tôi bỏ lại đằng sau
                        biết bao điều chưa nói
                        biết bao điều dân gian truyền khẩu
                        không sách sử nào ghi
                        tôi như nước bỏ nguồn tuôn ra biển lớn
                        không kịp ngoái nhìn
                        tôi đã mất tăm
                        giữa dòng cuồng lưu thế kỷ
                        phía trước tôi con đường cứ lớn dần lên
                        lớn dần lên xa lạ
                        những con tàu vũ trụ hôm nay
                        không có chỗ dành riêng
                        cho người khách mang theo bốn ngàn năm lịch sử
                        về đâu
                        tôi biết hội nhập về đâu
                        thế giới hoang mang đầy dị biệt

                        Lâm Chương

                        Comment


                        • #42
                          Quê Hương

                          Áo xưa giờ bạc
                          Nước cũ phương nao?
                          Gặp xuân đất khách
                          Mưa gieo nặng sầu.

                          Quê từ phong ba
                          Bạo Tần lửa dữ
                          Biển quỷ sông ma
                          Đã tràn lệ khổ.

                          Này tóc này da
                          Này dòng máu đỏ
                          Sông núi chẳng nhòa
                          Quê hương ta đó

                          Ta trả bằng ta
                          Ân tình ngày cũ
                          Ôi! Tóc sương pha
                          Nỗi niềm ly xứ.

                          Ta giữ trong ta
                          Cội thơm nguồn cũ
                          Thơ vẫn Thơ hoa
                          Lòng tươi nét chữ.

                          Ta đứng làm người
                          Quê hương mong đợi
                          Ta thét lên đòi
                          Trả ta sông núi.

                          Cao Tiêu

                          (http://saigontimesusa.com)

                          Comment


                          • #43
                            Kontum, bài thơ cũ

                            Lưng rượu đế đủ soi hồng khuôn mặt
                            Chiều đã rơi từ ngọn lá cuối đồi
                            Nghiêng cánh võng bỗng nghe trời rất chật
                            Đất trải dài muôn dặm thuở rong chơi

                            Bạn cây súng đi vào đời chém giết
                            Gót giày sô lầm lũi chốn không vui
                            Đã bao lần chào bạn bè vĩnh biệt
                            Đời đao binh ngắn ngủi thế mà thôi

                            Thừa mơ mộng lúc dập vùi nắng gió
                            Chuyện riêng tư vụn vặt đủ vài câu
                            Vào lửa khói trái tim mình rạn vỡ
                            Thế xuân thu tuồng diễn đã từ lâu

                            Vài ngụm đắng kệ trời quay đất chuyển
                            Súng cầm tay chờ giặc cứ lai rai
                            Cánh hoa dại nhắc muôn vàn kỉ niệm
                            Sao cay nồng chưa đủ ấm ngày mai

                            Giặc cứ pháo sá gì cơn bão giạt
                            Nón sắt che cho đỡ lạnh mái đầu
                            Đêm nến thắp ánh hỏa châu hiu hắt
                            Sinh nhật ai máu đỏ giữa canh thâu

                            Đường truông núi hai mươi năm chất ngất
                            Tuổi lang thang vào xương máu bàng hoàng
                            Mai về phố với hồn chai lạnh ngắt
                            Mua tình vui dồn trống chuỗi mênh mang

                            Khúc chinh chiến đã từ lâu quên hát
                            Vầng trăng treo mầu úa hướng mong chờ
                            Mai xuống núi tiếp một ngày phiêu bạt
                            Tìm lại mình đánh thức một cơn mơ.

                            Nguyễn Mạnh Trinh

                            Comment


                            • #44
                              Tôi nói với tôi

                              Người đã đến bên tôi
                              Sao như mây cuối trời
                              Sóng mù cơn biển động
                              Nước buồn màu bể khơi
                              Mắt buồn như chiều xuống
                              Ta buồn như cuộc đời
                              Dấu chân ai thầm đến
                              Gió mùa đi lãng du

                              Ta nhìn ta xa lạ
                              Ta nhìn ta mịt mù
                              Ta nhìn ta khốn khổ
                              Ta nhìn ta hận thù
                              Ta còn gì để nhớ
                              Ta còn gì đâu em
                              Nỗi sầu như trái chín
                              Đêm bóng tối còn đầy
                              Cõi nào ta đến đó
                              Núi xanh mờ bóng mây
                              Chim xa khu rừng cũ
                              Ta không vui trọn ngày
                              Ta không vui một phút
                              Xin ngủ tròn giấc say

                              Người đã đến bên tôi
                              Sao người không dừng lại
                              Mưa chưa kín đường dài
                              Mưa trên thềm đá cũ
                              Mưa giọt buồn sớm mai
                              Mưa như mưa nước mắt
                              Ta với ta lạc loài
                              Ta với ta tủi nhục

                              Người đã đến bên tôi
                              Sao người còn xa lạ
                              Sao chẳng nói một lời
                              Dù một lời nhỏ mọn
                              Có gì trong trái tim
                              Có gì sao chẳng nói
                              Đêm đêm tuổi đời trầm
                              Rêu xanh bờ dốc núi
                              Bóng cây già lặng câm
                              Với cành trơ lá đổ
                              Với em ta âm thầm
                              Với em nghe mùa gió
                              Ru giấc sầu vắng xa
                              Ru giấc sầu mới lớn
                              Thương ai bỗng lìa nhà
                              Thương đêm còn bốc lửa
                              Thương mười năm đã qua.

                              Kim Tuấn

                              (Văn, số 132 tháng 6, 1969)

                              Comment


                              • #45
                                Ba bài thơ của Nguyễn Xuân Hoàng những năm 60

                                Mang Mang

                                Từ xa phố chợ đến giờ
                                Chân quen bỏ lệ gõ bờ lộ quen
                                Hoang vu chín đến độ thèm
                                Lạnh tàn nhẫn rót vào đêm lên đường
                                Mù sương phố núi mù sương
                                Nhịp buồn hút gió hồn nương núi rừng
                                Chuyện linh hồn với bản thân
                                Bàn tay thượng đế mộ phần chiêm bao
                                Đồi thông xanh tóc nghẹn ngào
                                Ngập ngừng lạnh xuống từ bao lâu rồi
                                Và tôi còn chỉ mình tôi
                                Mây bay đầu núi kéo trời lên xa
                                Bàn tay thoáng nổi da gà
                                Thấm sâu lòng đất nhà ga luân hồi.


                                Bài giã biệt

                                Dalat mưa hoài nên Dalat buồn
                                Con đường thì dài nên con đường bị thương
                                Tôi ôm mối sầu hai vòng tay rỗng
                                Máu ở tâm hồn cũng xối xả tuôn
                                Tiếng trống trường đầy ly rượu đầy
                                Khói thuốc lên mờ đôi mắt cay
                                Em là thần tượng vừa sụp đổ
                                Bỏ lại lòng anh những dửng dưng
                                Thôi còn gì đâu cầm lấy tay tôi
                                Thôi còn gì đâu cầm lấy hồn tôi
                                Này đây những lời đau thương thứ nhất
                                Chia nhau mỗi người làm vốn sinh nhai


                                Niềm Yên Lặng Của Biển

                                Đừng nói gì với mặt trời
                                Nghe không?
                                Mặt trời cao mặt trời không nghe tới đâu
                                Đừng nói gì với núi non
                                Nghe không?
                                Núi non xa vời núi non không trông thấy đâu
                                Đừng nói gì với mây gió
                                Nghe không?
                                Mây gió cứ bay hoài mây gió nào biết đâu
                                Đừng nói gì với đất cát
                                Nghe không?
                                Đất cát cũng đau đớn như ta đất cát không trả lời đâu
                                Đừng nói gì với cỏ cây
                                Nghe không?
                                Cỏ cây cũng sống cũng lớn cũng chết cỏ cây không hiểu gì đâu
                                Đừng nói gì với ai hết
                                Nghe không?
                                Cũng đừng nói gì với chính mình nữa
                                Nghe không? Nghe không? Nghe không?
                                Hãy im lặng như biển
                                Biển có nói gì đâu
                                Nhưng biển nghe hết, thấy hết, hiểu hết, biết hết
                                Nghe không?
                                Nghe không?

                                Nguyễn Xuân Hoàng
                                (trong "Nguyễn Xuân Hoàng, trong và ngoài văn chương" - Da Màu, 2014)







                                @@@
                                Vô cùng thương tiếc nhà văn, nhà báo, nhà giáo Nguyễn Xuân Hoàng, sinh năm 1940, tại Nha Trang, Khánh Hòa,
                                vừa qua đời tại San José, California, USA vào lúc 10:50 sáng Thứ Bảy, 13 Tháng Chín, 2014.
                                Cầu chúc linh hồn người quá vãng an nghỉ chốn vĩnh hằng.
                                @@@

                                Last edited by Hoanghac; 05-02-2018, 05:06 PM.

                                Comment



                                Hội Quán Phi Dũng ©
                                Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                                website hit counter

                                Working...
                                X