Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Năm Tỵ nói chuyện rắn .

Collapse
X

Năm Tỵ nói chuyện rắn .

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Năm Tỵ nói chuyện rắn .

    Năm Tỵ Nói Chuyện Rắn

    Phạm Thành Châu


    Năm ngoái, tôi viết về con rồng, văn chương bay bướm, kiến thức bao trùm thiên hạ, ai đọc cũng phục lăn. Vì sao? Vì con rồng chẳng hề có trên thế gian, chẳng ai thấy, nên cứ viết tào lao thiên địa, không ai bắt bẻ được. Giống như chuyện ma. Có hàng triệu chuyện ma mà chẳng ai thấy ma bao giờ. Năm nay, tôi viết về năm Tỵ, là năm cầm tinh con rắn, thì văn chương đành tịt ngòi! Con rắn. Ai cũng thấy rồi. Viết bậy bạ, lòi cái dốt ra, thiên hạ chửi cho! Chính bạn, người đọc bài nầy, có thể nói về “Rắn” hàng giờ với bao kiến thức, kỷ niệm về con vật không chân đó. Thế nên, tôi chả dại mà “múa rìu qua mắt thợ”. Phét lác không được, tôi đành phải lôi sách vở, báo chí ra chép lại cho quí vị đọc chơi, đỡ buồn trong mấy ngày “Xuân Tha Hương”.

    Không có con rắn thì không có nhân loại. Tôi biết, bạn sẽ lắc đầu bảo “Tổ tiên loài người là ông Adam và bà Eva”. Đúng vậy, nhưng nếu không có con rắn trong vụ nầy thì làm gì có bạn và tôi đang ngồi nhìn cái màn hình computer?

    Con rắn đầu tiên mà loài người tiếp xúc là con rắn đã xúi “cô” Eva ăn trái táo. Không biết trong trái táo có chất gì mà mới cắn một miếng, “cô” Eva chịu hết nổi, lính quính chạy tìm “anh” Adam, rồi hướng dẫn anh ta “Làm như vầy... Không phải! Như vầy nè! Đúng rồi. Giỏi lắm!” Ngay sau đó, “cô Eva” thành “bà Eva”. Hai anh chị khoái tò tí với nhau lắm. Hễ ăn xong là rủ “oánh tù tì” (Oánh tù tì anh ra cái gì, em ra cái nầy) rồi nhào vô, ôm nhau vật lộn. Say sưa chiến đấu mà quên coi chừng chung quanh đến nỗi Chúa, đi công chuyện, (trên đường) bắt gặp.

    Chúa đứng nhìn cả buổi và ngạc nhiên, không hiểu vì sao hai đứa nó thù ghét nhau đến độ vật lộn cả giờ đồng hồ mà không chịu buông ra. Thật là mất đoàn kết! Chúa giận quá, đạp cho một đạp, hai đứa rơi tõm xuống trần gian. Trước đó, họ ở trên thiên đàng sướng quá. Không biết “lao động là vinh quang” là gì. Nay xuống dưới nầy, phải làm bở hơi tai mới có cái ăn, nên anh chị giận con rắn, đã xúi họ làm chuyện bậy bạ mà bị sa vào bể khổ, nên thấy rắn đâu là chàng Adam lấy cái chày vồ đập, khiến từ đó, đầu rắn dẹp lép. Con rắn biết lỗi, lại sợ bị đập tiếp nên lúc nào cũng bò sát đất, không dám ngóc đầu lên. Nhưng các bà lại suýt soa “Bà Eva không có bà già chồng thì sống ở đâu cũng đều là thiên đàng cả”.

    Hai anh chị cũng giống như chúng ta bây giờ, chỉ khác mấy điểm. Nàng Eva chẳng bao giờ bận tâm đến thời trang. Lá đa nầy khô héo thì bứt lá khác gắn vô. Gắn đại khái thôi, vì có lá đa hay không, “anh” cũng đã biết tỏng “đường đi lối về” của em rồi. Thời đó cũng không có cảnh sát để phạt cô nàng tội “công xúc tu sỉ” (công khai phạm thuần phong mỹ tục). Thứ hai không người nào ngoại tình vì chỉ có hai người trên trần thế. Nhiều lần, “ăn cơm” hoài, ngán quá, chàng Adam lang thang trên khắp các nẻo đường đất nước, mong tìm được em nào để rủ “ăn phở” nhưng làm gì có! Chàng đành quay về chốn xưa, hát bài “Come Back To Sorento” dịch ra tiếng Việt là “Cơm nhà quà vợ”. Anh ta là người duy nhất trên thế gian chỉ “biết một mà không biết hai!”. Không như bây giờ, bà nào cũng phàn nàn về chồng mình “

    Hắn như gậy thằng mù. Bước ra khỏi cửa là đụng đâu thọt đó!” Điểm khác biệt nữa là hễ đau bụng thì anh chị chịu thua. Chẳng ai có lỗ rốn để bôi dầu cù là vì không bà nào sinh ra họ (để có cuống rốn) mà bởi Chúa lấy đất sét nặn nên “cậu” Adam, rồi lấy xương sườn cậu ta, hóa phép thành “cô” Eva. Hai anh chị nầy là tổ tiên mấy nghìn đời của chúng ta. Mấy bà đanh đá, mấy bà đánh ghen, cứ lôi tên hai vị “cửu huyền thất tổ” nầy ra mà mạt sát. Phải “đào tận gốc”, chứ chửi khơi khơi “Tiên sư bố nhà mầy”, ăn thua chi! Rồi sao nữa? Rồi họ sinh con đẻ cái, chứ sao, trăng gì!

    Bây giờ nói chuyện đàng hoàng. Có bao nhiêu loài rắn? Khoảng hai nghìn năm trăm loài. Chúng ăn con trùng, ếch nhái và chuột bọ. Một con rắn mỗi năm ăn 265 con chuột. Việt Nam có 193 loài rắn, trong đó có 13 loài rắn biển (đẻn), 53 loài rắn độc, nguy hiểm chỉ có 7 loại. Trên thế giới chỉ duy nhất Việt Nam còn loại rắn Fea s Viper ở vùng Tam Đảo, là loại rắn độc, đầu màu vàng, thân màu xanh có khoanh vàng. Rắn sống được 25 đến 30 năm trong khi rùa và cá sấu có thể sống đến 300 năm. Rắn đẻ trứng nhưng rắn lục lại sinh con.

    Ở thôn quê người ta thường thấy, hễ rắn lục đẻ thì có con chim bìm bịp đứng chờ, rắn con vừa rời bụng rắn mẹ thì con bìm bịp mổ ăn. Người ta bắt bìm bịp ngâm rượu cho các bà không sinh nở uống để sớm có con (dĩ nhiên phải cần quí ông phụ một tay) Người dân thôn quê hễ thấy đầu rắn hình tam giác, sống lưng nhô lên (gọi là ba lá) thì biết là rắn hổ, rất nguy hiểm. Rắn hổ lửa màu đỏ rực, rắn hổ hành toát ra mùi hành, rắn hổ đất thường ở trong các đường cày kẻ nứt, rắn hổ mun đen bóng, hổ mây hay hổ gió phóng từ cành cây nầy sang cành kia như bay. Muốn trừ rắn hổ mây phải dùng rựa chặt, các loại khác bò dưới đất thì dùng roi dâu hoặc dùng gậy nhưng phải hạ tay thấp xuống đập mới hiệu quả. Người miền thượng du tin rằng có loại rắn thần. Rắn “ông” có mồng đỏ (có lẽ là rắn Copra de Capello) rắn “bà” có khoen vàng ở cổ. Cặp rắn thần thường ở trong các miếu thờ hoang vắng, chỉ phun nọc độc là đủ chết người, vì thế không ai héo lánh đến gần các am, miếu trên núi, trong rừng bao giờ. Rắn săn mồi ban đêm, nhìn rõ con mồi nhờ tế bào hình que trong con mắt. Hơn nữa mũi và lưỡi rắn có thần kinh nhạy cảm với nhiệt độ nên dễ tìm mồi ban đêm. Người ta bịt mắt rắn rồi đưa một bóng đèn sáng đến gần, rắn mổ ngay bóng đèn. Thấy rắn, chuột, “thuồng luồng!”...
    các bà ở thành thị sợ khiếp vía nhưng ở miền Tây, có bà cũng đi bắt rắn về bán cho mấy quán nhậu. Dụng cụ bắt rắn là cái thòng lọng nhỏ bằng ruột thắng xe đạp buộc vào một đầu gậy dài hơn một mét, dùng tròng vào đầu rắn, siết lại. Đôi khi dùng cái nạng gỗ hình chữ V, đè cổ rắn, bắt bỏ vào bao. Bán được giá nhất là rắn hổ chúa, giá từ một triệu đến triệu rưỡi đồng VN một kí lô. Bắt được một con hổ chú kiếm vài trăm đô. Các loại khác giá trên trăm rưỡi nghìn đồng. Người bắt rắn đi vào ban đêm là giờ rắn đi tìm mồi, thường dùng đèn pin để soi.

    Tôi cũng sợ rắn. Có một bữa trưa, (ở Mỹ) đi làm về, tôi thấy một con rắn đen thùi (rắn hổ mun?) thân to như cán cuốc, dài gần hai thước tây, nằm trên lối đi trước sân nhà. Có lẽ nó nằm rình đớp mấy con chim sẻ nhảy nhót gần đó. Tôi lấy cây cuốc chim đập ngang lưng nó, rồi đập dẹp đầu, đem xác bỏ thùng rác. Ông Mỹ già hàng xóm của tôi, có lần qua khoe “Tao thấy có con rắn dưới basement (tầng hầm), tao bắt nó, đem ra hàng rào bỏ cho nó đi” Nghe nói, ở Mỹ, thấy rắn phải gọi cảnh sát hay cơ quan nào đó đến bắt đi chứ không được giết. Luật lệ gì kỳ cục! Nhưng ở Mỹ, bị rắn độc cắn khó chết, vì chỉ cần gọi 911 là năm phút sau có người đến cấp cứu rồi chở đi bịnh viện.

    Ở Việt Nam, bị rắnđộc cắn thì có xe tang đến chở ra nghĩa địa. Mà cũng hiếm khi bị rắn cắn vì dân nhậu lùng sục khắp nơi bắt về ngâm rượu hoặc cắt cổ lấy huyết pha rượu uống, nấu cháo đậu xanh húp với nhau. Tai hại ở chỗ. Rắn bắt chuột mà bắt rắn về nhậu khiến chuột sinh sôi nẩy nở, cắn hại lúa. Thiệt hại vì bị chuột cắn phá chiếm trên 20% nông sản thu hoạch. Ở thôn quê cũng có thầy chữa rắn cắn. Chỉ chữa cầu âu. Vì mười con rắn mới có một con rắn độc, mười người bị rắn độc cắn thì chỉ một người chết vì nọc rắn. Ông thầy chữa rắn cắn thường để cục “đá hút nọc” hay hạt đậu đổ cộ, to cỡ lóng tay cái, tách làm hai, úp vào vết cắn để hút nọc độc ra. Sự thực, chẳng hút nọc độc gì cả. Nếu nọc độc không đủ liều giết được nạn nhân thì nạn nhân sống sót, vậy thôi. Khi bị rắn cắn thì làm ga-rô (cột phía trên vết cắn) để chận nọc độc theo mạch máu chạy lên tim rồi dùng miệng mút chỗ vết cắn cho nọc theo máu ra ngoài, chỉ cần lấy ra 1/10 lượng độc chết người thì có hi vọng sống sót. Nếu gặp con rắn cực độc hoặc rắn đói (chứa nhiều nọc độc trong răng) thì đành chịu chết.

    Độc nhất là rắn Mamba, nọc đủ giết một con voi. Rắn mang bành có khoang đen trắng cũng rất độc. Nó có thể phun nọc độc xa đến bốn mét. Ở thôn quê, thời kháng chiến chống Pháp và sau nầy, khi Việt Minh làm chủ miền bắc Việt Nam. Cộng Sản vô thần nên triệt hạ đình chùa miếu võ, cây đa, cây đề là những nơi hoang vắng, rậm rạp, rắn rết thường trú ngụ. Mấy cậu phá miếu, hạ cây cổ thụ thường bị rắn phun nọc độc (đụng vết da trầy) chết mà không biết, cứ cho rằng bị “ngài vật”. Nam Mỹ có loài rắn Naja (không phải Ninja), hình thù kỳ quái nên có tên là Copra de Capello (rắn có mào). Copra chúa ăn luôn các loài rắn khác. Độc nhất là rắn Taipan (không phải Taiwan) ở Úc Châu. Bị Taipan cắn, chết trong vài phút. Rắn Taipan có sọc màu vàng sậm dọc sống lưng. Cắn xong, nó chuồn rất nhanh (32 km một giờ). Hổ mang chúa, hổ mang bành, hổ mang lục Malaisia, lục xanh rất dữ, bị kích động, chúng tấn công ngay. Các loài rắn độc khác chỉ cắn khi bị tấn công hay dẫm phải. Hàng năm, số người bị rắn cắn chết như sau: Châu Á ba mươi nghìn (30.000) người, trong đó có hai mươi nghìn (20.000) người Ấn vì họ thờ rắn, không giết rắn dù bị rắn cắn. Nam Mỹ bốn nghìn (4.000) người. Châu Phi một nghìn (1.000) người, Bắc Mỹ ba trăm (300) người. Châu Âu năm mươi (50) người.

    Việt Nam không có thống kê nhưng chết vì rắn độc cắn không nhiều bằng nhậu rắn. Vì nhậu thì phải có rượu, trong rượu có thuốc rầy (uống mau phê) nên sưng gan chết rất nhanh. Năm 1895 viện Pasteur (Pháp) chế được huyết thanh kháng nọc rắn bằng cách chích những liều nọc rắn rất nhỏ vào ngựa để tạo miễn dịch cho ngựa. Một năm rưỡi sau, lấy huyết thanh ngựa làm thuốc chữa rắn cắn. Nhưng tại sao ngành y khoa có biểu tượng con rắn có lưỡi dài quấn quanh cây gậy bên cạnh cái li? Theo thần thoại Hi Lạp, Esculape là con của thần Apolon, là ông tổ nghề thuốc, có thể làm người chết sống lại. Thần Zeus sai thiên lôi đánh chết Esculape. Vào năm 290 trước công nguyên, La Mã có bịnh dịch, người ta dùng nọc rắn chữa bịnh dịch nên tượng thần y Esculape có thêm con rắn (để nhớ ơn) và cái li dâng rượu cúng thần. Việt Nam ta chả cần biết chuyện đó, cứ ba con rắn độc (tam xà: hổ mang Naja, cạp nong Jaseiatus, rắn ráo Korros) hoặc năm con rắn độc (ngũ xà: thêm rắn hổ trâu và rắn hổ mang trì) cho vào hủ rượu, ngâm với Ngũ gia bì, Hà thủ ô, Kê huyết đằng, Thiên niên kiện, để ít lâu, đem ra dùng. Tối, trước khi lên giường làm một li nhỏ, thì đau lưng, mỏi cổ, rêm mình... tất cả đều tiêu trừ mà sức khỏe thêm phương cương, gân cốt dẻo dai, “làm việc” bền lâu, bà xã hài lòng, gia đình hạnh phúc.

    Tôi biết bạn nghĩ, làm gì tôi cũng đem chuyện bên Tàu (Lưu Bang chém rắn hoặc Thanh xà, Bạch xà) hoặc chuyện Việt Nam như bài thơ “Rắn đầu biếng học” (Lê Quí Đôn) hoặc chuyện “Rắn báo thù” (Nguyễn Trãi) kể ra đây để cho có vẻ văn học nghệ thuật. Làm vậy, bạn sẽ lắc đầu “Xưa rồi!”. Vì thế tôi xin kể chuyện da rắn. Trong một truyện ngắn của Sơn Nam (?), có kể. Thời Pháp thuộc, ở vùng lục tỉnh, có mấy người Singapore tìm mua da rắn. Thời đó rắn bò lổn nhổn, người ta bắt về lột da, phơi khô, chờ người mua đến, bán rất được giá, nhất là những bộ da rắn lớn. Họ mua về làm bóp, nịt, giày... cho các bà quí phái. Nông dân mình có lòng tham và xảo trá, rắn bắt về, thổi hơi vào cho con rắn phình to ra, sau đó, lột da phơi khô, sẽ có được bộ da rắn lớn, bán nhiều tiền. Người Singapore mua về không chế biến được gì vì da quá mỏng, đụng đến là rách. Từ đó họ tẩy chay da rắn Việt Nam.

    Chuyện rắn mới nhất, xảy ra cách đây mấy tháng (cuối năm 2012) ở Việt Nam. Đó là chuyện rắn bò vào nhà. Chị Lý thị Phương ở thành phố Sóc Trăng, đang nấu ăn, bỗng con rắn lục rơi vào nồi cá kho, chị quăng đũa bỏ chạy. Chị nói “Mỗi tháng tôi đập chết ba, bốn con rắn lục, hổ ngựa bò vào nhà”. Chị Trịnh Lin Ca, nhà gần trường mầm non Sơn Ca, thành phố Sóc Trăng, thấy con rắn lục đuôi đỏ nằm trên càng xe gắn máy, đuổi nó đi thì nó chui vào hộp số trốn trong đó. Thợ sửa xe khè hơi nóng vào nó mới chịu chui ra, phóng đi.

    Anh Minh kể, từng thấy một thanh niên đang chạy xe gắn máy phải vất xe giữa đường vì bỗng thấy con rắn lục thò đầu, lè lưỡi trên tay lái. Ông Nguyễn Văn Sử (Phước Long, Bạc Liêu) kể. Có năm, bảy hang rắn trên mé ao. Buổi tối rắn kéo nhau ngang trước cửa nhà ông đi săn mồi ban đêm, sáng theo lối cũ (trước nhà) về hang. Ông ta sợ nguy hiểm nhưng không dám đập chết vì sợ “bà con, dòng họ” chúng trả thù (như chuyện Nguyễn Trãi). Nhưng sao rắn lục bò lung tung mà người ta không bắt nhậu? Rắn lục chỉ có xương với da, to cỡ lóng tay, ăn cái gì trong đó? Còn bên Mỹ thì sao? Vừa rồi tôi đọc thấy, có rắn trong cầu tiêu. Người ta chụp hình con rắn hổ mang to tướng, dài hơn một thước, nằm trong bồn cầu. Cũng may là con rắn bự chứ rắn nhỏ cỡ lóng tay, không thấy được, ngồi xuống là bị nó mổ ngay. Rắn càng nhỏ càng độc. Thành thử, đến những phòng vệ sinh công cộng, nhất là chỗ nghỉ chân (rest area) thường nằm bìa rừng, nhiều rắn rết. Các bà, phải mở đèn, nhìn kỹ chung quanh, dưới đất, trong bồn cầu, thấy an toàn rồi hãy ngồi xuống.

    Nhân chuyện con rắn tôi nhớ đến trò chơi “Rồng Rắn” thời còn con nít, khoảng năm, mười tuổi. Tôi không nhớ chính xác, vả lại mỗi địa phương có cách chơi riêng. Đại khái, một đứa làm ông thầy thuốc, một đứa khác làm đầu con rắn, sau đầu rắn là những đứa làm thân rắn và đuôi rắn. Đứa đứng sau vòng tay ôm bụng đứa đứng trước cho thật chặt, thành một dãy dài, tượng trưng con rắn, chỉ cần một đứa tuột tay, con rắn bị đứt ra thì đầu không bảo vệ được thân và đuôi rắn. Trò chơi bắt đầu khi con rắn đến nhà ông thầy và hỏi “Có ông thầy trong nhà không?” Ông thầy trả lời “Có. Đi đâu đó?’ “Đi bổ thuốc cho con” “Con lên mấy?” “Con lên một” “Chưa ngon” “Con nên hai” “Chưa ngon” (cho đến) “Con lên muời” Thầy nói “Đà ngon. Xin khúc đầu” Rắn đáp “Đầu cứng” “Xin khúc giữa” “Giữa xương” “Xin khúc đuôi” “Đuôi mềm. Đố ông thầy bắt được thì ăn” Thế là ông thầy cố bắt cho được đứa làm đuôi rắn nhưng đứa làm đầu rắn tìm cách giang hai tay, ngăn chặn. Nếu một đứa mất cảnh giác, lỏng tay ra, con rắn bị đứt đoạn, đầu rắn không bảo vệ được thân và đuôi nên thầy “ăn” được đuôi rắn.

    Năm trước, tôi về Việt Nam, ra Bắc thăm người quen. Một buổi sáng, ngồi uống cà phê vỉa hè, nghe bàn bên cạnh kháo với nhau rằng: Ở thôn quê đang rộ lên trò chơi rồng rắn, đó là điềm báo trước, Tàu cộng sẽ đánh Việt Nam. Việt Nam có ba miền, Trung, Nam, Bắc, giống con rắn trong trò chơi rồng rắn. Mục tiêu trước hết của Tàu cộng (ông thầy của đảng ta) là chiếm miền Nam (cái đuôi màu mỡ). Chúng chờ trong nước chia rẽ, khi dân chúng biểu tình, công an, bộ đội tàn sát đồng bào (như Thiên An Môn) là từ “Bâu xít” tây nguyên, quân Tàu cộng (ngụy trang công nhân) đánh xuống, cắt đứt miền Trung, cô lập hai miền. Lúc đó thì dân lo truy lùng công an để trả thù, bộ đội không dân như cá không nước. Quân Tàu từ Cambuchia tràn qua, từ biển đổ vào, chiếm miền Nam. Chúng dùng Tàu Chợ Lớn lập chính quyền tự trị, rồi lập “Mặt Trận Giải Phóng Miền Bắc”. Quân Tàu cộng từ nam đánh ra bắc. “Ông thầy mười sáu chữ vàng, bốn tốt” từ biên giới đánh xuống. Lúc đó dân Việt chỉ còn biết hát bài “Việt Nam Tôi Đâu?” bằng tiếng Tàu.

    Bỏ qua chuyện nhức đầu đó, tôi xin hiến quí vị tuổi Tỵ ( con rắn ) một quẻ, xem năm nay tình hình ra sao? Tôi chỉ đoán điều tốt để quí vị hài lòng “Thầy tài thật. Nói đúng ngay chóc!”. Nếu có điều gì không hợp ý mình thì cứ bảo “Thầy nói ba láp!” cũng không sao. Người tuổi Tỵ được kính nể vì họ khôn ngoan, sáng trí và giàu nghị lực. Thường được vận may. Họ thích ăn mặc sang trọng, háo danh và có tính tiết kiệm (keo kiệt), nhưng gặp người khéo nói thì họ cũng giúp đỡ chút đỉnh. Đàn ông tuổi Tỵ đa cảm và “nồng nàn”. Đàn bà tuổi Tỵ mơ mộng nên dễ xiêu lòng. Tuổi Tỵ hợp với tuổi Dậu, tuổi Sửu. Xung khắc tuổi Hợi, tuổi Dần. Một vài tuổi Tỵ tiêu biểu. Tuổi Đinh Tỵ. Mạng Sa Trung Thổ: Mùa Xuân. Sức khỏe tốt nhưng coi chừng bị mất mát tài vật mà không hay biết “Tri nhân tri diện bất tri tâm”. Có những buổi họp mặt lý thú. Mùa hạ. Có tin vui về công việc nhưng tài lộc nhỏ. Nhiều cơ hội vuột khỏi tầm tay. Mùa thu. Có quí nhân phù trợ nhưng đừng phung phí. Tránh đi biển. Ra đường coi chừng bị cướp giật. Đề phòng bị tai tiếng. Mùa đông. Cẩn thận nếu phải đi xa vì công chuyện. Tiền bạc vào tay nầy, ra tay kia.

    Tuổi Ất Tỵ. Mạng Phú Đăng Hỏa: Mùa xuân. Tài lộc bình thường, tình cảm gia đình vui vẻ nhưng coi chừng tiểu nhơn ám hại, nếu sáng suốt, bình tĩnh sẽ thoát khỏi. Mùa hạ. Công việc làm ăn dậm chân tại chỗ, nên an phận dù có quí nhân hướng dẫn, gợi ý. Coi chừng khẩu thiệt. Mùa thu. Giao tiền bạc cho ai phải suy tính, có hao tài. Mùa thu. Tài lợi vào tuy ít. Có dịp đi xa. Mùa đông. Không nên tức tối, bình tĩnh giải quyết công việc. Thân quyến có người gặp khó khăn, cần giúp đỡ. Tuổi Quí Tỵ mạng Trường Lưu Thủy: Mùa xuân có tài lộc vào. Được mọi người lưu ý, có tin vui. Mùa hạ. Cẩn thận trong lời nói, sẽ gặp khẩu thiệt. Mùa thu. Coi chừng sức khỏe. Có thể phải di chuyển nhiều. Mùa đông. Bình tĩnh khi gặp rắc rối. Cuối năm có tài lộc. Gia đình yên vui. Tuổi Tân Tỵ. Mạng Bạch Lạp Kim: Mùa xuân. Không nên khuyếch trương kinh doanh. Có cuộc hội ngộ vui vẻ. Tài lộc ít nhưng tình cảm dồi dào. Mùa hạ. Cẩn thận trong di chuyển. Gặp được người mình mến mộ. Mùa thu. Coi chừng sức khỏe. Đề phòng bạn xấu vu cáo. Mùa đông. Nếu còn cô đơn, năm nay gặp may trong tình cảm nhưng cần kiên nhẫn. Các tuổi Tỵ khác, còn trẻ, đã Mỹ hóa, không tin tử vi, lý, số, có viết ra đây cũng chẳng ai đọc.

    Quí ông bà tuổi Tỵ, từ 65 tuổi trở lên, đã hưu trí, thì chỉ có một con đường, một địa chỉ duy nhất phải đến. Cõi hư vô! Ai cũng đến đó, đâu cần thầy gieo quẻ. Tóm lại, người tuổi Tỵ gặp năm nay là “năm tuổi”, không được khá lắm Chuyện về rắn còn dài, nhưng viết nhiều tốn giấy mực của nhà báo chứ hay ho gì. Chúc bà con sang năm mới sức khỏe dồi dào, vạn sự như ý. Chúc quí ông bà lớn tuổi “lột da sống đời” như rắn.

    Phạm Thành Châu
    Last edited by khongquan2; 12-14-2012, 08:20 AM.

  • #2
    Năm Tỵ nói chuyện rắn .

    Sẳn chú Châu đã viết “ Năm TỴ nói chuyện rắn “ TT xin viết thêm đôi chút về con rắn cho vui .Trong dân gian khi nhắc đến rắn, xin được kể sơ qua một số sau đây :

    Mái gầm, chàm quạp, hổ lác, hổ hèo
    Ri cốc, liu điu, ri voi, hổ lửa
    Hổ hành, hổ ngựa, rắn ráo, rắn râu
    Quỷ khóc thần sầu: hổ mang, hổ sậy
    Thấy đà run rẩy: cạp nia, cạp nong
    Lặn lội dưới sông: là con rắn nước
    Rắn rồng, rắn lục, ri cá, rắn trung
    Nghe đến hãi hùng: hổ mây, hổ bướm
    Ớn đà! ớn quá ! … Không dám kể thêm .


    Dẫu nói là ớn nhưng khi rắn được vô tay các đầu bếp chuyên nghiệp , thì rắn trở thành món ăn đặc sản khoái khẩu của dân nhậu .

    Cần chi cá lóc, cá trê.
    Thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều .
    Ca dao

    Cách làm rắn

    Rắn có thể đem đi cắt cổ, lấy máu pha rượu, cũng có thể đập đầu cho rắn chết, kế đó người ta thường làm rắn bằng một trong các cách sau:

    Dùng than hoặc rơm rạ khô hơ nhẹ cho lớp vảy tróc ra, không để quá lâu, lửa sẽ làm thịt chín lúc ấy khó làm, và rắn cũng mất ngon.

    Hoặc trụn nước sôi: cũng làm tương tự như cách hơ lửa, chỉ có khác là nhúng rắn vào nồi nước nóng, hoặc đang sôi để dễ làm vảy.
    Cạo vảy xong, rửa sạch rồi mổ bụng, chú ý, phải lấy mật trước, sau đó mới lấy bộ đồ lòng. Gan, đặc biệt là mỡ rắn rất ngon và béo, nếu gặp rắn có trứng thì trứng rắn ngon hơn cả trứng gà, bởi nó vừa ngọt, vừa bùi. Mật rắn quý hiếm số một. Ai mà làm rắn, nhất là rắn mà làm bể mật coi như chưa phải là “cao thủ” trong “nghề ăn chơi!”

    Trong những bữa nhậu thịt rắn, người ta lấy mật rắn hòa với rượu đế, mỗi người uống một ít khi mở đầu tiệc nhậu. Không ai dám nuốt nguyên một cái mật rắn hổ cả, vì như thế rất nguy hiểm, mật rắn hổ là vị thuốc quý nhưng nếu uống quá liều lượng cũng dễ bị "hàn" (nguy hiểm đến tính mạng), mỗi người san sẽ một chút “thần dược” mà thôi!
    Khi làm thịt nó, trước hết người ta chặt bỏ cái đầu, lấy một cây que vót nhọn đâm vào và đem chôn ngay, không thì phải dùng dao bằm nát, hoặc bỏ vào lửa đốt đi. Tránh chuyện mãi mê lo làm rắn, quên cái đầu ấy (thực ra nọc độc vẫn còn, tay chân trầy xước, tróc da, vướng vào răng nó lúc ấy vẫn an nguy đến tính mạng như thường), rắn mối, rắn nước hay chó mèo, gà vịt tha đi sẽ rất nguy hiểm.Dân gian còn lưu truyền nhiều giai thoại về việc rắn trả thù, chúng tôi sẽ nói ở phần sau. Ngay cả khi ăn thịt rắn hổ phải chú ý tách xương ra, xương cũng phải chôn cẩn thận vì nếu ai đạp phải xương rắn hổ, chân sẽ bị làm độc, sưng nhức khó chịu.

    Các món ăn

    Rắn nướng trui

    Đây là món ăn nguyên thuỷ. Rắn không cần làm kỳ công. Đi ruộng, đắp bờ, dọn vườn bắt được rắn nước, rắn trun, hổ hành, ,người ta dung cây đập chết, rồi lấy trúc cặp gắp đem nướng bằng rơm, rạ, lá tranh khô, Tàn một, hai lượt rơm đem rắn ra cạo sạch tro, dùng tay xé, chấm ngay với rơm tro để ăn. Sang hơn, thì chấm muối ớt thì không thịt gì ngon ngọt bằng. Món này chủ yếu dùng để ăn chơi hoặc làm miếng mồi “dã chiến” để lai rai vài ba xị đế,

    Rắn hầm sả

    Rắn làm sạch chặt thành từng khúc, sả ớt băm nhuyễn, một số lá sả cuộn tròn, gia vị,
    Bắc nồi lên bếp cho nóng, phi ít mỡ heo với sả ớt đã băm nhuyễn cho thơm. Đổ thịt rắn vào đảo đều cho săn. Đổ nước săm sấp rồi bỏ lá sả, cọng sả xắt khúc vào, đậy nắp cho kín, chụm lửa cháy đều, vừa, cho nước hầm sôi đều đến khi thịt rắn mềm, là ăn được.

    Nêm nếm không quá mặn để dùng nước của món ăn này chan với cơm, làm canh vừa tiện vừa ngon. Nước chấm là nước mắm mặn, hoặc nước tương (làm bằng đậu nành, xương trâu, bò, )

    Rắn nấu cháo

    Hai loại rắn dùng chuyên cho nấu cháo là hổ hành và hổ đất. Độc chiêu là rắn hổ xé phay với cháo đậu xanh cà ăn rất mát, ngon hết ý.

    Rắn làm sạch, chặt ra làm hai hay làm ba bốn khúc nấu cháo với đậu xanh cà.Gạo nấu cháo phải chọn gạo nàng thơm mới, có nhiều nhựa càng tốt. Muốn nồi cháo rắn hổ thêm ngon, cần phải có thêm nước cốt dừa. Khi thịt rắn thật chín, người ta lấy rắn ra để nguội, dùng tay xé tách thịt để vào một cái dĩa to hoặc trong cái thố lớn, hành củ thái mỏng ngâm giấm có thêm một ít đường cát, để một lát cho thấm giấm, đem trộn với thịt rắn , rau răm xắt nhỏ rải lên cùng với đậu phọng rang đâm nhuyễn, rắc nhiều tiêu và hành, ngò rí. Muốn ăn nồi cháo rắn hổ cho ngon là phải ăn thật nóng, tiêu phải đủ cay. Cháo rắn hổ để nguội sẽ tanh và ăn không ngon. Nhâm nhi ly rượu đế với chén cháo rắn thì ngon miệng không gì bằng.


    . Rượu rắn hổ

    Có hai loại:
    Dễ làm nhất là khi làm thịt rắn hổ, người có kinh nghiệm sẽ dùng dao cắt cổ rắn lấy máu pha vào rượu để uống cùng với thịt rắn sau khi chúng được chế biến xong, như đã nói qua các món ăn ở trên.
    Hai là, rắn hổ còn sống bắt về thả vào keo, đổ rượu trắng nặng độ vào, cho ngập mình rắn. Rắn sẽ nhả nọc ra rồi chết. Rượu này để khoảng 3 tháng đem ra uống dù có mùi tanh, nhưng theo các các lão nông tri điền thì đây là phương thuốc trị mỏi gối đau lưng, thận hư, khí nhược. Cũng bằng cách ngâm rắn, nhưng có thêm rắn ráo, rắn cạp nong (mái gầm có khoang vàng và đen) ngâm chung được gọi là tam xà tửu, thêm rắn lục và cạp nia (cũng là mái gầm nhưng có khoang đen và trắng) vào gọi là ngũ xà tửu. Có điều là các loại rắn này thường được làm sạch, nướng vàng rồi mới cho vào ngâm chớ không để nguyên thuỷ ngâm sống như cách ngâm rắn hổ đất đã nêu trên. Tam xà, ngũ xà đều là rượu thuốc dùng để trị bệnh suy nhược cơ thể, ít người dùng rượu này uống đến say.

    Thủy Tiên ( ST )

    Năm hết tết đến, xin kính chúc tất cả các anh chị trong HQPD một mùa Giáng Sinh vui tươi phước hạnh, và một năm mới 2013 được an-khang thịnh-vượng .

    TT.
    Last edited by DnThuy; 12-16-2012, 03:39 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X