Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Truyện Ngắn Nguyễn Thừa Bình

Collapse
X

Truyện Ngắn Nguyễn Thừa Bình

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Truyện Ngắn Nguyễn Thừa Bình

    Những truyện ngắn khác của NT Nguyễn Thừa Bình đã đăng trong HQPD:


    Vì thấy tinh thần phục vụ của anh em trong Hội Quán Phi Dũng có mục đích cao cả Quốc Gia như tâm lòng của mình, tôi Nguyễn Thừa Bình lần đầu tiên xin được làm quen và gởi một chuyện ngắn NGƯỜI BẠN 101 đến để quý anh em đọc lúc một ngụm trà, một điếu thuốc, một ngụm cà phê mà nhớ thời chinh chiến, tù đầy và lưu lạc.... NGƯỜI BẠN 101 là một Ðại Úy của Ðơn Vị 101 trong ngành Quân Báo của Quân Lực VNCH. Xin kính chúc toàn thể anh em trong HỘI QUÁN PHI DŨNG được nhiều sức khỏe, mạnh cách bằng tung mây, lướt gió. Mến, Nguyễn Thừa Bình.
    Người bạn 101

    “Chạy đâu cho khỏi nắng”, ông bà mình ngày xưa nói đúng quá. Ðúng hay không đúng với ai thì tôi không biết, nhưng đúng với tôi tới một trăm phần trăm. Tôi bỏ Gia Nghĩa của Quảng Ðức chạy qua Lâm Ðồng. Bỏ Lâm Ðồng, tôi chạy xuống Nha Trang. Tôi bỏ Nha Trang theo tàu thủy vào Sài Gòn. Tới Bến Bạch Ðằng, lên tàu nghĩ lại “không lẻ đi một mình”, tôi xuống tàu ỏ lại Việt Nam.

    (hình trái: Tu nghiệp ở Okinawa )
    Ngày 27 tháng 6 năm 1975 tôi xách hành trang tình nguyện đi “học tập cải tạo” ở Nam, ở Bắc thiếu gần 2 tháng là đủ 9 năm ròng rã. Ðoạn đường dài ở tù của Việt Cộng, bạn bè tôi có ở Biên Hòa, ở Yên Bái, ở Lào Cai, ở Vĩnh Phú, ở Thanh Hóa và ở Hàm Tân trước khi được thả về nhiều kể không hết. Nhưng có một người bạn khi nói về đời tù, khi nói về tình nghĩa anh em bầu bạn thì không bao giờ tôi không nhắc đến. Người bạn, chúng tôi biết nhau mà không thân nhau năm đó 1976 cùng tuổi 34 ở Trại 6, Liên Trại 1 Ðoàn 776 ở Xã Việt Cường, Huyện Trấn Yên Tỉnh Yên Bái. Anh ta, lúc bấy giờ vẫn còn là một thanh niên tuấn tú, hùng dũng, vui vẻ, rất dễ mến và đặc biệt là nụ cười thường nở toe toét trên hai mội dầy…Người bạn tôi đó Nguyễn Minh Chánh, Ðại Úy Ðơn Vị 101 mà tôi muốn nói tới với một tâm tình quý mến tri kỷ.

    (Hình phải: Núi đồi Huyện Trấn Yên Tỉnh Yên Bái)
    Chắc là tháng 8 năm 1976, Chánh từ Trại Long Giao, Long Khánh và tôi từ Suối Máu, Biên Hòa xuống Tàu Sông Hương dơ dáy, chật ních ở Tân Cảng Sài Gòn để chuyển trại ra Bắc. Ði tàu thủy, đi ghe, đi xe lửa, đi phà, đi Molotova, chúng tôi tới trại vào một sáng mù mờ sương mai. Những ngày đầu ở đây, rừng núi, đồi hoang, trời đất cô liêu, u tịch…chúng tôi thấy trần truồng nỗi đau tột cùng. Mới ngày đầu đã có ngưòi chết vì chặt cây làm nhà. Mấy ngày sau, hằng chục người bị cấp cứu vì “sốt vàng da”. Chặt giang, chặt nứa, chặt cây làm “láng” ở, đốt rừng, “bứng gốc”, cắm tiêu, đào hố chè, “sụt bùn”, “lên luống” và đêm nào như đêm nấy phê bình, kiểm điểm đến hụt hơi sống. Nơi đó, Nguyễn Minh Chánh cao, to, linh hoạt, vui vẻ, cười những nụ cười bâng quơ, ngạo nghễ đã nổi bật lên “trong đám xuân xanh ấy” như một người ai ai cũng muốn giao du, muốn kết thân làm bạn. Tôi ở khác Ðội với Chánh, nhưng khuôn viên Trại 6 đã không lớn là bao mà còn bị mấy nhóc Bộ Ðội nhắc tới nhắc lui “ê anh kia đi đâu ra xa” nên chúng tôi gặp nhau thường nhưng chưa thân quen và chẳng chuyện trò, nhưng dĩ nhiên là biết nhau. Chánh đào hố chè là những rãnh sâu 6 tấc rộng 6 tấc và dài thì nhiều chục mét chạy quanh trôn ốc từ chân đồi lên đến đỉnh một cách mau lẹ nhưng không bao giờ chịu “vượt chỉ tiêu”, không bao giờ muốn hơn anh em bạn tù với mình để được là “người tốt, việc tốt”. Rồi tôi với Chánh lại cùng vô Trại 9 dưới Dốc Cây Ða mà ở trên có Trại 12 và trong kia có Trại 13, Trại 14 và xa xa là Hang Dơi, Núi Nả. Chúng tôi vẫn ở hai Ðội khác nhau, hằng ngày hoặc bị tụi Bộ Ðội lùa về trại cũ đào hố chè, phát hoang, đốt rừng, cuốc lỗ trồng “sắn” hoặc “tự giác” đi chặt giang, chặt nứa, chặt cây làm cột nhà cho Cốc. Cốc là Trại Trung Ương Sô 1 của Ðoàn 776 giam giữ Tướng, Tá của “Tù Học Tập Cải Tạo”. Làm cách nào làm, tới Trại chúng tôi mà quăng bó nứa, bó giang hay cây to làm cột nhà xuống đất thì trăm lần như một lại thấy người bạn của tôi đó đã thong dong ngồi hút hết một, hai điếu thuốc rồi. Chánh đã mạnh lại lanh và mưu lược nên bỏ lại đằng sau chúng tôi là đương nhiên. Khoảng một năm sau ngày ra Bắc, chúng tôi lại bị mấy nhóc con“Bộ Ðội Bác Hồ” lùa vào xe Molotova rồi tống vô xe lửa và bắt đi bộ lên Cổng Trời của Rặng Fansipan qua bên kia miền ngược Xã Dương Quỳ của Huyện Văn Bàn là “cõi chết nghìn trùng”. Láng trại ở đây là chuồng trâu, chuồng bò của Hợp Tác Xã Người Tầy để lại. Nơi đây, cái chết treo lủng lẳng trên đầu từng giờ vì con người dã man với con người đã đành mà trời đất còn làm ra rừng thiêng nước độc trùng trùng oan khiên hành hạ những người tù rồi đây sinh Nam tử Bắc!? Chánh đã to con lớn xác mà lao động thì vô cùng đời tù. Cơm thường lưng một “Chén Tàu” có khi là bo bo, có khi là bắp hầm, có khi là “sắn duôi” hay 2, 3 khúc khoai mì cụt ngủn hoặc một “bánh xe lảng tử” cỡ nắm tay…thì làm sao chịu nổi. Và không phải chỉ Chánh mà hết thảy những người tù từ Xuôi đưa lên Ngược nầy đều đói như sống chờ chết. Ngồi bên ăn với nhau, cái gì của trại phát thì “lủm một cái” là hết, Chánh có thêm một nón sắt “rau tập tàng” và tôi cũng “hổ lốn” ba thứ tàu bay, cải trời. Ăn tầm bậy mà không chết tầm bạ cũng may! “Có ai nghĩ ngày nào như hôm nay mình ra nông nỗi nầy”, ngậm ngùi, chúng tôi thường nói với nhau có khi ứa những giọi nước mắt sống! Ở đâu, các trại tù Việt Cộng, người tù cũng chun vô rừng giống nhau.

    Ở Văn Bàn, người tù hằng ngày cứ phải băng rừng, lội suối với Người Mèo, Người Mán mà chặt và khiêng về những cây vầu dài 10 mét trở lên và gốc to cả 2 gang tay người ta vòng lại và chung đụng với muỗi rừng, vắt đói, ruồi vàng, rắn độc… hăm he hút cho hết chút máu ít ỏi không còn bao nhiêu trong thân người xơ xác của mình. Khoảng giữa năm 1978, chúng tôi lại bị lùa lên lần nữa Cổng Trời cao 2000 mét trên ngọn Fansipan cao nhất Nước Việt Nam để qua Phà Âu Lâu cũ kỹ trên Sông Hồng mà về lại Liên Trại 1 Yên Bái như hồi trong Nam mới ra. Bây giờ, tôi với Chánh cùng ở chung một Ðội Nông Nghiệp và hai đứa ăn uống chung cùng với nhau những lúc “lao động là vinh quang” trong rừng hay trong lòng Trại 1 ở Cốc và bấy giờ, tình thân đã như thủ túc. Dù ít nói về mình, nhưng có nhiều năm gần gũi ngọt bùi, chúng tôi cũng biết nhau ít nhiều. Thân sinh của Chánh, Trung Úy Nhảy Dù mất năm 1954, thời Cao Văn Viên, Phan Trọng Chinh đóng lon Ðại Úy cùng binh chủng. Thân mẫu côi cút, một mẹ nuôi sáu trai, một gái đều lớn khôn và không đến nổi nào với người ta. Chắc như vậy nên nói tới mẹ, Chánh bao giờ cũng tỏ ra đứa con có hiếu, kính trọng, tôn thờ và nhiều khi rưng rưng nước mắt. Ai nói người lính không có nước mắt, không có tấm lòng?

    (Chánh với con rể)
    Là học sinh Trường Trung Học Pétrus Ký, đậu Tú Tài 2, không lên Ðại Học vì “ bầy em và mẹ già” hay vì “con ông không giống lông cũng giống cánh”? Chắc cả hai, Chánh vào Khóa 17 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức năm 1963, vừa tròn 21 tuổi. Các em của Chánh, một Ðại Úy Nhảy Dù, một Trung Sĩ Sư Ðoàn 23, một Trung Sĩ Thủy Quân Lục Chiến… cũng là giòng máu quân đội, lấy chiến trường làm thế sự, lấy anh em làm chiến hữu sống chết chí tình. Thật vậy, sống từ Văn Bàn thời Quân Quản đến Trại Trung Ương Số 1 Lào Cai và Tân Lập Vĩnh Phú thời Công An, chúng tôi đã chia nhau chỗ nằm, san sẻ cho nhau miếng đường, hột muối…đời “tứ hải giai huynh đệ”. Và những lúc tưởng như sắp chết, luôn luôn chúng tôi cứ một lòng giữ lấy lời “chúng ta còn đấng sinh thành, còn vợ, còn con, còn liêm sỉ của kẻ sĩ và dũng khí của một Sĩ Quan Việt Nam Cộng Hòa thì không bao giờ và mãi mãi không bao giờ để mất danh dự và ô uế thanh danh”. Giữ được như vậy trong Trại Tù Cộng Sản chết vì miếng ăn, chết vì lời nói và chết vì việc làm thì không phải dễ chút nào. Và chúng tôi đã giữ được lòng, với tôi gần 9 năm và Chánh 15 năm rưỡi đời tù “học tập cải tạo”. Ra trường năm 1964, Chuẩn Úy Chánh về Biệt Ðoàn 300 là đơn vị Tình Báo Chiến Trường mà Chỉ Huy Trưởng là Thiếu Tá Hồ Văn Kiệt lúc bấy giờ. Chánh tu nghiệp Khóa Tình Báo Sưu Tập 2 tháng tại Trường FOI USARPACINTS ở Okinawa, Nhật Bổn. FOI là chữ tắt của Field Operation Intelligence có nghĩa Tình Báo Sưu Tập Tin Tức Chiến Trường và USARPACINTS cũng là chữ tắt của United States Army Pacific Intelligence School là Trường Tình Báo Thái Bình Dương của Quân Ðội Hoa Kỳ. Chánh nhớ một ít kể lại; tôi nhớ một ít viết lại có thể không đủ, không nhiều chính xác. Và anh ta không khỏi ngậm ngùi nói với tôi hoài: “Ngành Tình Báo, như ông bạn cũng Ngành Tình Báo, dư biết chúng ta chiến đấu âm thầm mà chết cũng âm thầm; ai biết ai là bạn; ai biết ai thành bại mà chia chác vinh nhục”!? Biệt Ðoàn 300, hơn một năm sau đổi tên là Liên Ðoàn Yểm Trợ 924 và từ năm 1968 đổi ra là Ðơn Vị 101 cho tới 30 tháng 4 năm 1975 dưới quyền chỉ huy của Ðại Tá Lê Ðình Luân. Và Chánh từ Chuẩn Úy đến Ðại Úy cứ ở lì một chỗ và cứ Sĩ Quan Liên Lạc dù tên có đổi, chỗ có dời để cuối đời binh nghiệp thì dưới quyền của Trung Tá Lục Khương Ninh, Chỉ Huy Trưởng Ðoàn 69 Biệt Khu Thủ Ðô. Người ta, các khóa đàn em xa vời vợi sau nầy cũng là Ðại Úy, là Thiếu Tá, thậm chí có người như vì sao xẹt vụt lên Trung tá rồi nhưng “mầy sao khoái Ðại Úy Muôn Năm vậy Chánh”? Tôi có khi hỏi đùa với Chánh trong những ngày giờ hai đứa đói nhăn răng và lăn lóc nỗi đau đời mạt rệp trong tù.

    Nói vậy chớ, ở thành phố nhỏ Kansas City của tôi cũng có những ông Khóa 16, cả Khóa 13 nữa, cứ nằm lì cái lon Ðại Úy thì tại làm sao bây giờ? Chơi với nhau, tôi cũng hiểu một phần lý do tại làm sao. Tại Người Bạn 101 của tôi làm thì làm cũng dữ mà chơi thì chơi cũng dữ nhưng không dữ thói chạy chọt, bon chen, cầu cạnh và sẳn dàng “xẵng” với xếp. Ðơn giản và hết sức đơn giản là vậy mà không dễ mau lên lon. Có điều tôi đoan chắc, Chánh rất được lòng bạn bè vì tánh tình hết sức vui vẻ, cởi mở, trong sáng và tấm lòng tâm giao, tri kỷ. Với tôi và với những người bạn tù Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phú… đã đi qua với Chánh, đã thấy như vậy đó tận mắt, tận tai. Có một điều, có lẻ cũng là một điều cốt cách cho người hoạt động tình báo là Chánh rất cần cù, thông minh, kiên định, can đảm. Trong tù, thỉnh thoảng có anh em nào lỡ lời nói tốt, có thể là vô tình một tên cán bộ nào đó thì một trăm phần trăm Nguyễn Minh Chánh sẽ nặng lời mắng mỏ, sỉ vã và nếu cần “tao cho một đá bây giờ”. Thấy những người anh em được Trại cho làm Ban Trật Tự hay làm Ðội Trưởng quá sức hắc ám, hung hãn, Chánh tức lắm “để tao làm”. Nói thì nói vậy, “đâu dễ mậy”, tôi nói với Chánh. Sau khi tu nghiệp ở FOI USARPACINTS về, Chánh kết hôn với người bạn gái, nữ sinh Trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Bá Tòng, nhà gần với nhau trên Ðường Hồng Bàng Chợ Lớn vào năm 1965. Hai người lấy nhau được một trai, hai gái thì Chánh để ba con lại cho vợ nuôi không có một chút vốn liếng đồng tiền mà rảnh cẳng thênh thang con đường tù tội như nói ở trên lâu đến 15 năm rưỡi. Và tôi cũng không khác gì. Tôi đi, vợ mới 21 tuổi với ba con mà nhỏ nhất chưa tới một tuổi, tiền không có, nhà không có. Vợ con, nay “tạm trú” bên nhà chồng ở Phan Thiết, mai “tạm trú” với nhà mẹ ruột ở Sài Gòn. Một sự đổi đời thê lương, thê thảm…Chúng tôi biết vậy, dẫu có gì trong tù cũng không bao giờ hé môi một lời yêu cầu “thăm nuôi”, “quà cáp”. Chánh cứ nhắc hoài, “mình khổ một, vợ khổ cả trăm, cả ngàn”. “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, tôi bắt chước lời nói trong Truyện Xuân Tóc Ðỏ của Vũ Trong Phụng nói lại với Chánh mà trong lòng không khỏi xót xa. Chị Chánh, quả là một người đàn bà Việt Nam thuần túy, đích thực cao thượng theo truyền thống dân tộc. Với bàn tay trắng và bụi phong trần chưa quen gió cát, chị tảo tần nuôi con lớn khôn theo từng ngày và ngồi đếm thời gian tháng năm chồng đi, đi mãi không thấy về. Nghe Băng Tâm ca Bài Ca Cái Cò của Nguyệt Ánh “thương em dạ sắt lòng son, một thân đơn chiếc nuôi con, thăm chồng” mà nhớ lại cảnh người vợ của ông bạn tôi hồi đó sao mà truân chuyên quá sức.

    Cuối năm 1977, chúng tôi lại qua Sông Hồng lần thứ tư để “chuyển trại” lên núi rừng Vùng Việt Bắc tới Trại Trung Ương Số Lào Cai kế bênTrung Quốc. Ði đâu đi, chúng tôi bao giờ cũng bị “biên chế” vào những Ðội trời ơi đất hỡi. Hai đứa vào Ðội Gạch đạp đất, đóng gạch, đốt gạch, chất gạch “hộc gạch” luôn. Bấy giờ đã vào Mùa Ðông lạnh tím người, bụng luôn luôn trống trơn và công việc thì nặng như trời như đất. Cái chết mong manh hơn chỉ mành treo chuông. “Trời kêu ai nấy dạ” biết sao bây giờ! Một hôm, Chánh đưa tôi một khúc rễ cây mới đào lên và nói: “ăn cho đỡ đói”. “Ăn cho đỡ đói”, hai đứa cứ đào, cứ ăn và cây đã ngã đùng ra chết một cách tức tưởi, oan khiên. Ðời tù rồi cũng sẽ ra đi một cách âm thầm, cô quạnh nơi một góc rừng núi thăm thẳm âm u nào đó có ai biết là ở đâu. Bạn tôi, Người Bạn Ðơn Vị 101 nụ cười hình như đã mõi mòn; sức lực như bị trút dần theo bước chân tù và thân người chắc chắn ngày một nhỏ con lại mà Chánh Mập như tên gọi từ xa thật là xa vọng lại mới chợt nhớ ra là tên mình. Mỗi lần Giới, tên Cán Bộ Công An ngọng ngọng nghịu nghịu nói “học tập tốt, sớm về với gia đình” là y như rằng, Chánh cứ văng tục ra mà nhái theo giọng của cụ Trần Văn Hương lời nói của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu “đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”. Ở đây, lại thêm một cái Tết Mậu Ngọ 1978 mênh mông nỗi buồn nữa đi qua và lãng đãng cái chết không rời. Rồi tin Tàu sẽ đánh, dù cận kề Tết Kỷ Mùi 1979, chúng lại chuyển tù chúng tôi từ Lào Cai về K5 Tân Lập Vĩnh Phú. Ăn Tết chưa tới một tháng thì ngày 17 tháng 2 tụi Tàu đánh vào 6 tỉnh Miền Bắc Việt Nam thiệt. Trưởng Trại, tên Thiếu Tá Nguyễn Thùy, loại ngụy quân tử thường rêu rao “Lao động là vinh quang”, Chánh thường đáp lại “vinh quang cái đầu Bác mầy chớ vinh quang”. Ở đây, những người anh em tù của mình tên Bình, Hùng, Uyễn làm Ban Trật Tự với một tên tù hình sự Bích làm trưởng ban đã gây kinh hoàng, khíp vía biết mấy. Ma le, Chánh đóng kịch làm người bệnh hay hơn tài tử điện ảnh Hollywood và những tên tuổi gạo cội Broadway của Mỹ nên, ai đi đâu thì đi, Chánh cứ ngủ, cứ nghỉ và cứ nói: “ngu sao đi làm”. Vài tháng sau, ông ta làm thầy, dạy tôi đóng kịch, đóng vai người bệnh. Và tôi cũng được ở nhà với lý do đủ thứ bệnh. Ðội Nông Nghiệp, từ anh bạn Trần Trọng Thuyên Ðội Trưởng đến bác Cát Hội Ðồng Tỉnh Gò Công, ông Biện Lý Trần Huỳnh Mai ở Gia Ðịnh…ai mà không biết hai thằng trời đánh nầy “trây lười lao động chớ bệnh hoạn gì, bệnh giả đò thì có”. Ngặt một cái, hai thằng thiên lôi ngang ngược “đụng tới tụi nó chi cho rắc rối”.

    (hình: Vợ chồng trong tiệm phở của mình ở Houston).
    Vậy mà, Chánh được nghỉ ngơi cả 9 tháng trời và tôi cũng ăn ké được 6 tháng ở nhà đi vô đi ra không phải lao động lao điếc gì cả. Có điều, cái bọn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay bấy giờ là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tính toán và hành hạ người tù rất là chi li. Chúng cho chúng tôi ăn theo “chế độ” 13 kí lô rưỡi lương thực một tháng. Nếu ăn cháo thì được 2 chén cháo lỏng le một ngày. Nếu ăn khoai mì thì được một khúc rưỡi ngắn và nhỏ cho một bửa ăn. Chánh cứ nói: “ráng chịu đói mà sống còn hơn ăn không no mà lao động khổ sai là chết sớm”. Nhiều khi trên Trạm Xá, Ðại Úy Hiệp, một Sĩ Quan Quân Y Việt Nam Cộng Hòa cũng là Tù Học Tập Cải Tạo cho thuốc uống hay bắt chích thuốc, tôi ngại ngại, nhưng Chánh thì “không trị bệnh nầy cũng trị bệnh kia; không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, làm gì mà sợ”. Ở khoảng một năm, qua Tết Canh Thân năm 1980, chúng lại lùa chúng tôi lê lết qua Trại K1 cũng trong hệ thống Trại Tân Lập Vĩnh Phú. Tôi với Chánh trong một đội, Ðội Chè với các đàn anh hết thảy là Trung Tá. Trung Tá Thiện không nhớ họ làm Ðội Trưởng. Ngày ngày gánh nước tưới “chè” mới biết “nước sông công tù”. Một bạn tù đàn anh mệt thì mệt mà cứ “công đâu công uổng công thừa; công đâu gánh nưóc tuới dừa Tam Quan!”. Ðêm ngủ mấy chục người trong một cellule nhỏ chút xíu không đủ không khí mà thở và rệp thì bò khắp châu thân tìm ăn. Tôi với Chánh phải ngủ cùng trong một cái mùng nylon cá nhân của thời Việt Nam Cộng Hòa. Cũng vì sự thân thiện quá đáng của giòng họ ba đời rệp đói cứ tìm mình lân la mà đêm ngủ phải cột kín mít toàn thân con người lại như thây ma. Ngán thiệt đời tù Cộng Sản, ăn cũng khổ, làm cũng khổ mà ngủ cũng khổ. Tháng 12 năm 1980 chúng tôi không còn ở tù chung với nhau nữa nhưng vẫn hứa với nhau là anh em kết nghĩa không thằng nào làm anh và không thằng nào làm em, mầy tao mà thôi. Chánh ở lại và tôi vào Thanh Phong rồi Thanh Lâm thuộc Huyện Như Xuân của Tỉnh Thanh Hóa. Ðời tù, thằng nào thằng nấy lo.
    Vào cuối tháng 4 năm 1982, tôi lại “chuyển trại” về Z.30C Hàm Tân thuộc Tỉnh Thuận Hải. Dù có xa nhau nhưng tôi vẫn ngóng tin về người bạn của tôi, người bạn có vui có buồn, có đói có khổ, có sống có chết với nhau nhiều năm dãi dầu, oan nghiệt. Nghe bên kia ngọn đồi nhỏ có Z.30D cũng giam tù ngoài Bắc chuyển vào, tôi lò dò đi tìm. Nhưng được một đoạn trong rừng thì bị mấy ông bạn tù kéo về, “bộ mầy muốn trốn trại?” và mấy Công An “ê, anh kia đi đâu, đi lui?” Ngày 7 tháng 5 năm 1984 tôi ra tù dù Giấy Ra Trại ký ngày 23 tháng 4 năm 1984, tôi mới biết đích xác rằng Chánh còn trong tù ở Trại Z.30D Hàm Tân. Chị Chánh có khốn khổ bao nhiêu cũng ráng “thăm nuôi” chồng thường xuyên. Có như vậy, Chánh Mập mới hoàn hình Chánh Mập. Không như ngoài Bắc là “con bà sơ”, “tao phải ăn thịt tao” để Chánh bị đổi danh là Chánh Ròm. “Tao phải ăn thịt tao” lấy từ câu nói của anh bạn tù tên Dũng, Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến đanh đá trả lời với nhóc con Cán Bộ Dẫn Giải hăm he “bắn bỏ”. Rằng: “tao phải ăn thịt tao vì trước khi vào tù, tao 152 kí lô mà bây giờ cân đong đo đếm, tao không quá 35 kí lô”. Một ngày Mùa Thu năm 1985 tôi theo chị Quyền, người vợ thủy chung của Chánh vào Z.30D thăm Chánh đang còn ở tù. Anh em gặp nhau, vui cũng có vui mà buồn thì thiệt nhiều. Chánh vẫn nụ cười toe toét miệng, rổn rảng, sảng khoái, tôi thấy trong đó hình như không dấu hết được mênh mông nỗi buồn thúi ruột! Một đêm ngủ lại với bạn, anh em không khỏi không có những giọt nước mắt. Cuối năm 1990 tính ra cũng tròn 15 năm rưỡi ở Tù Học Tập Cải Tạo, Chánh mới về với gia đình…Thân mẫu không còn ưu phiền, sợ thằng con không biết nó sẽ bỏ xác nơi đâu. Vợ và con bây giờ một nhà đoàn tụ, hạnh phúc hiện tại và lo liệu tương lai. Những bạn tôi “Ngụy Quân Ngụy Quyền” đi tù về có việc gì mà làm? Làm nghề đạp xích lô, nghề bốc xếp, nghề bán giấy số…cũng không dễ mà làm. Tôi bày ra cơ sở làm nhang bỏ mối và cho vợ ngồi ở sạp trong Chợ Phan Thiết bán. Chánh lúc tù mới ra phụ thợ hồ kiếm chút cháo cơm khắp nơi và cho có công ăn việc mà tránh những con mắt cú Cộng An “một năm quản chế”. Là một người linh hoạt, vài tháng sau Chánh dụ vợ mở quán Bún Bò Huế nhỏ nhỏ. Tôi không biết ổng bả Người Nam chính gốc làm sao mà nấu cho được tô Bún Bò Huế rất Huế mà bán buôn với người ta nhỉ? Ổng cứ chỉ vào cái đầu tóc tai bù xù như người nghệ sĩ dính bụi giang hồ tứ chiếng và chỉ vào cái bụng đã bắt đầu có da có thịt mà nói: “cũng vì cái trí nghĩ ra và cái bụng đói phải bò”. Chúng tôi hai gia đình dù Phan Thiết với Sài Gòn nhưng thường gặp nhau nói chuyện đời nay, nói chuyện đời xưa. Chuyện đời xưa hai đứa kết nghĩa anh em, đòi con cháu “cho tụi nó lấy nhau”. “Ngôn dị hành nan”, người xưa nói đúng. Lấy nhau con khỉ khô. Tụi nó bây giờ lấy ai là tùy ý tụi nó. Mình làm cha mẹ “con đặt đâu, ngồi đó”, làm sao nói “cho tụi nó lấy nhau” được? Giữa tháng 11 năm 1992, hai vợ chồng tôi và 5 đứa con theo HO 14 qua Mỹ, định cư ở Thành Phố Kansas City cho đến nay cũng đã 20 năm thêm gần 1 tháng. Chánh qua Mỹ khoảng tháng 7 năm 1993 tức sau tôi chừng 8 tháng. Ban đầu bồng bế nhau định ở lâu nơi Tiểu Bang Washington giàu, đẹp. Sau “cũng vì cái trí nghĩ ra và cái bụng đói phải bò”, hai vợ chồng bỏ mấy đứa con đã lập gia đình ở lại, nắm tay nhau về xứ nóng chang chang Houston mở tiệm Phở sống đời ông bà chủ buôn bán “lấy công làm lời”. Tôi cũng chẳng lạ lùng gì cái tài xoay sở của ông bạn già của tôi khi hai đứa ở tù với nhau ngoài Bắc hồi đó. Ngày xưa trong Ðơn Vị 101, ổng đã nhờ khéo léo, mưu chước và kiên trì mà nhiều năm làm việc với những công việc kín, hở tưởng như không hoàn thành mà hoàn thành một cách xuất sắc, tốt đẹp là khác. Tiệm Phở không lấy tên những tên nổi tiếng như Phở Hòa, Phở Pasteur, Phở Tàu Bay…mà chỉ là The Vietnamse Noodle như thể không có tên gì cả. “Cũng có đồng vô đồng ra với người ta, không giàu nhưng khắc khoải được”, Chánh thường nói như vậy. Nhưng tôi nghĩ, có làm ăn phát đạt tới cỡ nào, trước sau gì vợ chồng Chánh cũng sẽ về lại Washington, nơi có đầy đủ một đứa con trai, hai đứa con gái và bây giờ thêm mấy đứa cháu ngoại. Ông Chánh, Bà Quyền sao mà đi xa, đi biền biệt không về cho được, không về cho đành.

    Và không sai chút nào, ông bà đã về lại Lynnwood, Tiểu bang Washington mà yên bề tuổi già bên con bên cháu những ngày cuối đời thong dong, hạnh phúc. Nhìn lại những tấm hình Chánh mới gởi cho, thấy người bạn mình già đi nhiều nhưng nét cười vẫn lạc quan tươi trẻ đọng trên đôi môi dầy như thuở nào ba, bốn chục năm qua. Già, dĩ nhiên mình còn trẻ gì đâu. Hai đứa cuộc đời đang mon men bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hi” một tuổi thêm rồi còn gì!
    Gần 9 năm trong đời “Tù Học Tập Cải Tạo” ở Biên Hòa, ở Yên Bái, ở Lào Cai, ở Vĩnh Phú; ở Thanh Hóa và ở Thuận Hải thiếu ăn thì có, thiếu mặc thì có nhưng không thiếu bạn bè tù. Bạn bè tù không giống bạn bè thời học sinh cắp sách đi học là đồng song, đồng môn; không giống bạn bè cùng xông ra trận sống chết với kẻ thù hồi nào Quốc-Cộng là chiến hữu, là đồng đội. Bạn bè thời học sinh cắp sách đi học không thấy bao nhiêu tinh thần bất khuất với khuất phục kẻ thù là Việt Cộng. Bạn bè cùng xông ra trận sống chết với kẻ thù ai ai cũng thấy một lòng với Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm. Nhưng bạn bè tù có lẻ bắt chước và làm theo câu nói học thuộc lòng ngày xưa học Pháp Văn, rằng “À Rome, fais comme les Romes” mà ông bà ta thuờng dạy “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” nên hãy coi chừng những bạn bè của ta “nói dzậy mà không phải dzậy” mình chết như chơi. Con người khi vào ngõ cụt dễ suy bì hơn thiệt và chỉ làm những gì có lợi cho mình mà thôi, bất kể là ai và ra sao thì ra. Cho nên trong tù, người ta quen biết nhau đông thiệt là đông hằng trăm, hằng ngàn nhưng bạn bè nhất là bạn bè tri kỷ thì hiếm hoi đếm trên đầu ngón tay. Không phải vì “Ami de plusieurs, ami de nul” như năm 1967, ông bạn Huỳnh Hồng Quang, Biên Tập Viên Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốv Gia của tôi thường nói “bạn bè nhiều quá thì không có bạn bè nào”. Tôi có người bạn Huỳnh Ngọc Thuận, Ðại Ðội Trưởng Cảnh Sát Dã Chiến giữ Ðài Truyền Hình trên Ðường Hồng Thập Tự “vì đói quá chịu không nổi” đã vắt hết sức lực mình ra để đổi lấy phần ăn 23 kí lô một tháng. Tôi có người bạn đồng hương, Ðại Úy Trần Ngọc Nhã, Trưởng Phòng 2 Tiểu Khu đói thì đói cũng ráng nhịn đến chết đi được, lấy phần ăn đổi áo, đổi quần “để khi về có mà mặc với người ta”. Nhưng với Chánh, người xưa nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” thì không trật môt chút nào. Chúng tôi trong tù, phản ứng trước nghịch cảnh, hai đứa gần như giống nhau hoàn toàn. Gần như giống nhau hoàn toàn có lẻ xuất phát tự đáy lòng lương thiện và tâm hồn sáng như trăng sao vằng vặc không cần phải khoe ra mà ai cũng đã thấy rồi. “Người ta có thể ghét mình vì bản tính nhưng không khinh mình vì bản chất”, hai đứa cứ nhắc nhở nhau mà giữ gìn. Và giữ gìn cho đến hôm nay, bạn bè ghét thì có nhưng chắc chắn bạn bè không có ai khinh. Và chúng tôi, tôi với Nguyễn Minh Chánh tình anh em bạn tri kỷ vẫn không bao giờ biến dạng, thay đổi, suy suyển…

    NGUYỄN THỪA BÌNH
    Cuối Thu Nhâm Thìn, Năm 2012

    Last edited by chimtroi; 12-27-2012, 10:58 AM.

  • #2
    Non Nước... Nước Non - Nguyễn Thừa Bình

    Comment


    • #3
      Hồi ký

      CHẬP CHÙNG TỦI NHỤC


      Từ ngày, cái gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rải xác chết từ Bắc vào Nam, đem khoe cái tiền tích u ám ngất trời hồn ma bóng quế của cái thời Cải Cách Ruộng Ðất, của cái thời Quỳnh Lưu, Nhân Văn- Giai Phẩm… của cái thuyết vô nhân không tưởng Chủ Nghĩa Marxist-Leninist dã man, trí trá, nghèo xác nghèo xơ gọi là “Giải Phóng?”. Giải phóng, ngày 30 tháng 4 năm 1975 cũng là ngày người dân Nước Việt Nam Cộng Hòa từ Vĩ Tuyến 17 Quảng Trị vào tận Cà Mau, Côn Sơn, Phú Quốc bị “đổi đời” một cách kỳ quái. Người người hoảng loạn, tứ tán. Ðời sống văn minh lùi về lạc hậu. Cuộc sống an cư lạc nghiệp hóa ra chết chóc, đói khát, tan nát. Người người đứt cả ruột gan! Ðất trời tang thương! Ngày 30 tháng 4 năm 1975 mới là Ngày Giải Phóng cho những kẻ cầm quyền đến ngu dân Miền Bắc khố rách áo ôm, sống đời “đốt đuốc soi rừng” mở mắt mọi rợ choáng ngộp trước ánh sáng phồn hoa thị thành tự do, hạnh phúc… của người Miền Nam. Lòng tham lam của họ được giải phóng ra, đi cướp cạn vàng bạc, tiền của, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, vợ con người ta…

      Cuộc chiến đã đi qua rồi. Kẻ tiếm xưng người chiến thắng một cách vô ý thức đắc chí, hoang tưởng trở nên kiêu binh, đôc tài, đôc địa. Người bắt bị thua trận buộc phải “quăng súng” bỏ cuộc, tức tưởi, uất hận biết bao giờ nguôi! Rõ ràng ràng, ai thắng ai? Người Miền Nam đòi “Bắc Tiến”, ai cho “tiến Bắc” để thống nhất sơn hà? Cuối cùng, “Người Miền Nam đòi Bắc Tiến” kia bị giết chết đi để dâng không cho bọn đầu trâu mặt ngựa Bắc Bộ Phủ!? “Bộ Ðội” của cái tên quỷ quái Hồ Chí Minh thắng ai qua hai mươi mốt năm đánh nhau, ngoài phơi xác chết “sinh Bắc tử Nam”? Cả một nước Tàu vĩ đại; cả một đế quốc Liên Sô siêu cường; cả một hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa rộng lớn cực đoan cùng toa rập với nhau, tuồn vũ khí giết người đủ loại cho cầm và mớm thức ăn tanh tưởi cho ăn mà ra lệnh cho Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Võ Nguyên Giáp và bè lũ mang huyết thống di truyền nô lệ của giòng họ mình ra hết lòng bành trướng cho được cái chủ thuyết Cộng Sản vô thần. Chúng nó xúm lại đánh một mình Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa nhỏ bé, cô độc, nghèo khó mà còn bị cột tay cột chân đủ bề. Kêu Trời, Trời cũng bó tay. Kêu Phật, Phật cũng bó tay. Kêu Chúa, Chúa cũng bó tay. Nói gì, kêu Người Miền Nam Việt Nam dù kiên cường, dù anh dũng đến chừng nào đi nữa cũng đành mất nước là đương nhiên. Chê trách ai!? Có ông thần nào, có ông thánh nào trên trời rơi xuống, dưới đất chun lên hô phong hoán vũ mà cứu được!? Ai cứ ra rả “Bại binh chi tướng, bất khả ngôn dũng. Vong quốc chi đại phu, bất khả ngôn trí” trong trường hợp nầy là những kẻ không biết gì, thiếu công bằng, không có nhận xét, thô lậu nếu không muốn nói rằng u mê, ngu muội!? Bây giờ, bọn Cộng Sản Việt Nam ở trong nước mới đáng chỉ vào mặt mà chi “đồ quân bán nước”. Ai đời quê hương mình đó mà đem bán đi. Ðất nước mình đó để người ta chiếm dần chiếm mòn. Dân mình yêu nước thì cấm, thì bắt bỏ tù, thì đánh đập! Cái nầy mới đáng Trời “tru di cửu tộc” chứ không phải “tam tộc” bọn chúng mới thỏa ý tiền nhân. Thời kỳ chiến tranh, “đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào” chỉ là mánh khóe, thủ đoạn họ tuyên truyền không vì tổ quốc, giang sơn Việt Nam mà vì lợi ích cho đàn anh Nga, Tàu mà họ tình nguyện làm tôi mọi, bưng bô cho những “đồng chí vĩ đại” Stalin, Malenkov, Khrushchev, Brezhnev hay Mao Trạch Ðông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu… toàn là thứ Hồng Vệ Binh Tàu, Ðế Quốc Ma Quỷ “Evil Empire” Nga.

      Sau 30 tháng 4 năm 1975, dân, cán bộ, đảng viên ngoài Bắc ùn ùn chạy vào Nam hôi của. Ðời họ từ sau 1954 cái gì cũng không có. Ðời sống quá nghèo đói, nên lòng tham của họ thì vô cùng, đáng sợ. Năm 1976, tôi bị đầy biệt xứ ra ngoài Yên Bái, thấy tận mắt một đất nước sao mà lạc hậu, khốn cùng đến thế! Người người không đủ cái ăn, thiếu thốn cái mặc. Họ cứ đổ thừa rằng “tại chiến tranh”. Vậy thì, từ Sông Bến Hải vào Côn Sơn, Phú Quốc không phải “tại chiến tranh” và “trong lòng chiến tranh” hay sao mà đời sống người ta trong Nam phú quý, sang giàu biết chừng nào? Họ là những con thú hoang đói ăn vào được trong Nam rồi coi như đời được giải phóng, bất cứ thứ gì cũng quý báu vô cùng đối với họ là những con người sống đời tăm tối dưới chế độ bần cùng. Họ hiếp đáp người Miền Nam không còn bút mực nào tả cho hết nỗi đoạn trường! Chị Chín gần nhà “nhất định không ra khỏi nhà, các ông có bắn chết thì tôi chết trong nhà tôi”, chị trả lời một cách dứt khoát với một tên đeo lon Trung tá với cả bầy lính tráng súng ống rổn rảng, rộn ràng uy hiếp chị mà chiếm nhà chị. “Giải Phóng, đồ thứ ăn cướp”, người ta thì thầm với nhau. Quê tôi, những nhà giàu triệu phú sống nghề làm nước mắm gọi là “hầm hộ” bị tụi nó bỏ tài liệu, vũ khí vào nhà rồi vu oan giá họa “chống phá cách mạng” mà bắt bỏ tù và chiếm đoạt hết gia tài của người ta. Những thương gia lớn nhỏ đều bị “đánh tư sản mại bản” và “đi vùng kinh tế mới” cho cùng kiệt, khốn khổ, chết chóc. Ga xe lửa Mương Mán ngày đêm xình xịch xình xịch chở ra ngoài Bắc cho cái xứ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bần cố nông mấy chục năm tháng nầy qua tháng nọ những thứ ăn cướp được của dân trong Nam. Quốc Lộ 1 ngày đêm nườm nượp những Molotova, Jin, các loại “xe hộp”, “ô tô con”, Dodge 4x4, GMC của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa chở đầy báu vật gia bảo của người Miền Nam mới vừa chôm, chỉa được bằng súng đạn đem ra quê quán Thanh, Nghệ, Tĩnh… làm gia tài ba đời vô sản trên răng dưới dái giòng họ của mình.

      “Ðánh Tư Sản Mại Bản”, nghe hết hồn. Nhà ông bà già vợ tôi ở Phan Thiết bị hơn hai chục mạng: “quân đội nhân dân” có, “công an nhân dân” có, “quản lý thị trường” có… ăn dầm nằm dề cả hai tháng trời trong nhà. Họ ra lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Họ khảo “vàng, bạc, tiền của… để đâu?” Họ tịch thu gần như hết đồ đạt trong nhà. Họ đào xới chỗ nầy, bới móc chỗ kia. Họ lặn xuống cái giếng sâu lút đầu người. Họ cào, cuốc trong cả cầu tiêu người ta đi ĩa, đi đái. Họ đòi đập sập cái vách tường coi “hàng chục ký vàng lá dấu ở đâu”. Một người cần kiếp ra khỏi nhà thì bị hạch hỏi, lục lọi khắp châu thân. Nhà có mấy căn thì một căn tịch thu cho cán bộ ở. Một căn bắt phải bán rẻ như cho, “nếu không thì các con chết với quý ông đấy các con ạ”. Một căn lớn hơn thì lấy làm công sở cho Phường. Cho một căn chỉ một mình vợ tôi ở được ở lại. Nhà, tất cả cha, mẹ, anh, chị, em, con, cháu trên 20 người “đi kinh tế mới” hết trơn. Việt Cộng một phần muốn “bần cùng hóa” người dân Nam Việt Nam, một phần tạo lỗ hổng để khuyến khích cho đàn con, đàn cháu mất dạy của Hồ Chí Minh mất nết ngoài Bắc vào Nam ăn cướp.

      Ngày 22 tháng 9 năm 1975, khi tôi đang “học tập cải tạo?” ở Trại An Dưỡng Biên Hòa thì có lệnh đổi tiền. Ðổi tiền, nghe thật giản dị và đương nhiên. Giản dị vì đem tiền cũ đổi lấy tiến mới thôi, có gì!? Ðương nhiên, vì “giải phóng” rồi thì có Tiền Giải Phóng chớ? Cái ác, cái gian manh, cái trí trá là sự đổi tiền đó được giữ hết sức bí mật tới giờ phút chót và diễn ra chỉ trong vòng một ngày. Năm trăm đồng tiền Việt Nam Cộng Hòa chỉ đổi được 1 đồng Ngân Hàng Nhà Nước để xài cho toàn cõi Miền Nam. Người ta có bao nhiêu thì bao, chỉ cho đổi có 200 đồng mà thôi. Còn lại từng đống từng đống tiền thì y như là “thí cô hồn” cho từng đàn, từng đàn quỷ sứ đói ăn ngoài Bắc mới vào Nam. Bọn “cháu ngoan bác Hồ” ôm hết tiền đó của người ta mà “úm ba la” hợp thức hóa ra tiền của mình mà giàu to. Rồi lần đổi tiền kế tiếp vào ngày 2 tháng 5 năm 1978, khi tôi còn trong tù ở Trại Trung Ương Số I Lào Cai ngoài Bắc, bọn chúng lại nói là để thống nhất tiền tệ toàn quốc. Một đồng tiền mới nầy tính ngang bằng một đồng tiền cũ như tờ giấy lộn ngoài Bắc và ngang bằng 0,80 đồng tiền ở trong Nam mới đổi ngày 22 tháng 9 năm 1975, cách đó gần 3 năm. Sau đó vài tháng, tôi nhận được thư vợ, bả viết rằng: “nhờ ơn Cách Mạng, em làm ăn cũng khá giả như chị Hai Hốt xóm mình. Các con của mình có thua gì các con của chỉ đâu!” Ðọc thư, tôi buồn đứt ruột, nát gan. Trời ơi, chị Hai Hốt chỉ nghèo biết chừng nào. Các con của chỉ không có được một cái áo lành lặn, cái quần lành lặn mà mặc. Gia đình nghèo quá sức, tụi nó không có gì để ăn cho có một bữa no bụng! Khoảng bảy năm sau, vào ngày 14 tháng 9 năm 1985, tôi đã ra tù và đang ở Phan Thiết thì được lệnh đổi tiền một lần nữa. Nhà Nước “ăn cướp” thêm của dân ngu khu đen, bắt dân bỏ ra 10 đồng Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam mới đổi năm 1978 đổi lấy 1 đồng Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam bây giờ. Việc đổi tiền là một “âm mưu ăn cướp” được phủ lớp màu lòe bịp là quốc sách của bọn vô thần để vơ vét máu xương đồng bào và cũng là cơ hội cho cha con, cháu, chắt, chít của cái gọi là đảng viên, cán bộ, viên chức ngụy quyền Việt Cộng nghèo đói ba đời ngoài Bắc vào Nam bốc, hốt thêm, làm giàu thêm mà thôi. Bọn man rợ bần cùng, chúng giải phóng ai? Ai cần bọn chúng giải phóng!? Nỗi đau của người mất nước là mất tất cả. Nỗi nhục của kẻ thắng trận là bọn cường khấu giết người, cướp của.

      Tôi vào tù ngày 27 tháng 6 năm 1975, khởi đi từ địa điểm trình diện ở Trường Trung Học Pétrus Ký, lần lượt các trại giam Tân Hiệp, An Dưỡng Biên Hòa, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, Lào Cai, Vĩnh Phú, Thanh Hóa, Hàm Tân. Năm đầu ở Biên Hòa, trời sao lạnh dữ! Trong những căn nhà tôle tiền chế Mỹ làm để lại, ai cũng lạnh mà ngủ không được. Những bữa ăn, ăn cơm “gạo trường sơn” mối mọt, rệu nát không được một chén với canh nước muối nấu vài cọng cải. Trong vòng chưa tới hai tháng, người người “tù cải tạo” đi thục thịch thục thịch không muốn nổi. Ai ai cũng bị thủng, tay chưn mập ra, căng bóng như chừng sắp nứt nẻ. Ngày “lao động là vinh quang” phá rừng, cuốc đất đuối sức, hụt hơi. Ðêm về, ngồi viết lý lịch trích ngang, tọa đàm, họp tổ, phê bình kiểm điểm, nghe đọc báo “bọn ngụy, dã thú phải được nhốt lại, nhốt thật kỷ, nhốt thật kín, nhốt thật lâu…” Chừng hơn một tháng đã có nhiều anh em chết, bị thương vì mìn, lựu đạn, lao động. Anh Vĩnh Mỹ tức Nhạc sĩ Minh Kỳ mới hôm qua tập bài hát “Bác cùng chúng cháu hành quân” cho các bạn tù đó thì ngày mai đã ra người thiên cổ. Ông bạn Giàu của tôi đó cũng đâu còn đủ 2 chưn như hồi nào Ðại Úy Chiến Tranh Chính Trị đi đứng hiên ngang! “Bọn ngụy, dã thú phải được nhốt lại, nhốt thật kỷ, nhốt thật kín, nhốt thật lâu…” Một năm sau, sau ngày Linh Mục Nguyên Thanh vượt ngục với người bạn tù của tôi tên Nguyễn Văn Thanh, em đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận bị bắt ngày 19 tháng 6 năm 1976, tôi bị đưa ra ngoài Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa nơi Xã Việt Hồng, Huyện Trấn Yên, Tỉnh Yên Bái. Một anh Thiếu Úy cụt tay làm “Cán Bộ Giáo Dục” chỉ vào mặt hàng hàng lớp lớp “Sĩ Quan Ngụy” mà rằng: “các anh chẳng là tù binh, chẳng là cải tạo viên. Các anh chính là những tù nhân có tội với đảng, với tổ quốc, với nhân dân. Các anh, các anh chính là những kẻ “Ngụy” ôm chân Ðế Quốc Mỹ làm tay sai đem nước đi bán. Tội các anh “trời không dung, đất không tha, người người đều oán hận”. Trong tù, nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần quyện thật là chặt, bện lại với nhau thật là chắc làm ngưòi tù ngất ngư chết dần chết mòn. Ở đây, heo hút tháng ngày với rừng thiêng nước độc, sơn lâm chướng khí, người tù âm âm u u băng rừng, lội suối đốn cây, chặt giang, chặt nứa…làm “láng”, làm nhà; lên đồi trọc nắng thì nắng cháy da thịt và lạnh thì lạnh tới xương tủy mà đào xới đất trồng trà, trồng khoai mì. Những bữa ăn, có khi là lưng chừng chén nhỏ “bo bo” còn vỏ cứng; có khi là 2, 3 khúc khoai mì hay vài củ khoai lang; có khi là nửa chén nhỏ xíu “sắn duôi” hay cơm trắng nấu gạo rẻ tiền; có khi là 2 chén cháo lỏng le vì gạo không đủ nấu cơm…Những người tù nhìn nhau chua xót, đau nỗi đau thân tàn lực kiệt và nỗi buồn biết chừng nào cố hương, cha mẹ, vợ con xa lắc xa lơ trong Nam mà không biết ngày nào mình nằm xuống; nỗi nhục từng giờ từng ngày bị sỉ vả nặng lời miệt khinh. Vì không quen rừng rú, thời khí khắc nghiệt, lao động quá sức lại trong đầu đầy cứng những vết thương tinh thần, nhiều anh em đã ngã quỵ giữa đường. Họ nằm xuống mà mắt cứ mở trừng trừng như nuối tiếc, như chờ mong, như trông ngóng một thiêng liêng vô biên, vời vợi nào đó hun hút, hắt hiu…Và tôi thấy, những giọt nước mắt vẫn còn đó chưa khô trên đôi mắt chưa nhắm lại của Châu, Ðức, Lộc…ngày tôi khiêng xác đi chôn trong rừng rú hoang sơ, cô liêu! Rồi lại một năm nữa của năm 1977, những tên “Bộ Ðội” Bắc Việt lùa chúng tôi trở lại sông Hồng, qua Bến Phà Âu Lâu, lên Cổng Trời, qua bên kia Rặng Fansipan đến một nơi hoang sơ hang cùng ngỏ cụt núi với rừng Xã Việt Hồng, Huyện Văn Bàn, Tỉnh Hoàng Liên Sơn. Chúng định dùng tù lưu đầy chúng tôi làm “lực lượng tiền phương” mở đường chiến lược qua Lào. Một vùng rừng gìà nguyên sinh âm u, mịt mùng trùng trùng, đèo heo hút gió làm sao có cái ăn cho người tù cầm hơi! Vài bóng dáng người Tày, Mèo, Mán e dè thấp thoáng ẩn hiện “không được quan hệ”. Khoai mì, bắp, đậu, “bo bo” bữa có bữa không. Rừng là rừng già sâu thẩm, hun hút, âm u, mịt mùng. Ðêm nằm nghe rất gần tiếng cọp rống từng hồi, tiếng hưu nai tác liền liền, tiếng của đàn khỉ la hét lao xao một góc trại tù. Có lẻ như vậy chăng mà những tên cai tù bản chất vốn đã thú tánh mới dậy lên đùng đùng tâm địa dã man, gian ác kinh người. Những người bạn tù tôi đó: Võ Văn Sơn, Huỳnh Ngọc Thuận, Dung Judo…bị từng đám lính của bác và đảng đem ra đánh chơi “cho chúng bây biết lính cụ Hồ đánh giặc cũng hay mà đánh tù cũng giỏi”. Anh Huệ, anh Châu…thèm một, hai miếng thịt trâu già mà chết, bây giờ thân xác chắc đã hóa ra cát bụi bón tươi mấy cây sim rừng tím màu tím nhạt nhạt hắt hiu gió thổi hồi các anh nằm xuống!? Chứ nơi đây rừng thiêng nước độc tít trời mù khơi, ai biết các anh nằm đâu mà rước xác về!? Ở đây, ai lại không nhớ những ngày mưa, nắng, nóng, lạnh… vẫn cứ bương vào rừng chặt, khiêng, kéo về những cây vầu to, dài, nặng chình chịch, mệt ngất ngư. Cây Vầu là một loại tre to như bắp vế người ta và dài thì dài nhiều chục thước. Những con ruồi vàng, vàng sáng, bóng loáng, rất đẹp nhưng ác thì quái ác. Nó chích một cái là đau nhảy dựng và để lại vết thẹo là cục máu bầm dưới da. Những lời nói thoảng qua như lời nhắn nhủ thê lương rằng cũng sẽ tới phiên mình bỏ thây nơi đây mà thôi: “thêm một người nữa mới chết tối qua”, “lại thêm một người nữa mới chết tối qua”…của những anh em các trại khác đi ngang qua từng ngày, từng ngày. Một đêm vào khuya hãi hùng! Ông bạn Hà Tiến Nhất la thất thanh và cả “láng” la thất thanh làm cả trại la thất thanh! Tôi nằm cùng dẫy giường với các anh Nhất, Trâm, Hùng, Hết… cũng la, la to một cách vô tình, truyền khiến, không ý thức. Chắc trong đầu óc chúng tôi kín mít những tin tưởng rằng trước sau gì rồi cũng sẽ bị chôn xác ở đây, nơi tụi nó quyết đưa những thằng tù chúng tôi đến đây là cho vào cõi chết biệt tăm, biệt tích? May, không biết tại làm sao, chúng chuyển trại, “cuốn chiếu” về Trại Trung Ương Số 1 Lào Cai. Từ đây, tù tập trung cải mấy thằng tôi trong Ðoàn 776 của Bộ Ðội Bắc Việt “quản lý” được chuyển giao cho Công An Nhân Dân. Tù do Công An Nhân Dân giam giữ có nhà tù. Tù do Quân Ðội Nhân Dân cai trị là những láng trại giữa rừng. Tù do bộ phận nào của cái gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng mang chất dã man, bạo tàn, ác độc như nhau hết thảy. Ở đâu cũng vậy thôi. Trại Trung Ương Số 1 Lào Cai trên đỉnh Hoàng Liên Sơn đêm dài bụng đói quá đói không ngủ được, tai nghe tiếng còi xe lửa Phố Lưu kế cận biên giới Trung Quốc hú từng hồi dài mà não nuột cả lòng. Ông bạn Hùng - Hùng Già - , một Ðại Úy Lực Lượng Ðặc Biệt đói quá, lạnh quá, làm việc nhiều quá chết ngay hiện trường lao động trong một ngày Ðông đào ao nuôi cá trắm cỏ. Ðời tù đã sức cùng lực kiệt, mòn mỏi…trong lòng dậy lên ao ước “phải chi lính Mao Trạch Ðông sát biên giới đây đến giải phóng”. Tốt hay xấu không biết? Có điều, ra khỏi nơi đây chốn địa ngục trần gian vẫn hơn, ai ai cũng nghĩ như vậy. Không trách, trong cùng cực nỗi đau chết người và mạng sống le lói như ngọn đèn trước gió, con người phải tìm cách thoát ly. Bạn bè tôi cũng vì tìm cách thoát ly mà mang tội “trốn trại” phải chết một cách oan khiên. Những tràng đạn bắn tới bắn lui cho nát thây. Những báng súng đánh đập không ngừng cho bầm dập cơ thể. Những tru tréo lời chữi rủa ma quái cõi âm ty địa ngục… “Ai nói chết là hết. Ðồ ngu”, những người tù “học tập cải tạo” đều nói với nhau một lời như vậy mãi mãi nói với nhau một lời như vậy. Không thấy sao, chết rồi tụi nó cũng bắn, “bắn cho nát thay”. Chết rồi, tụi nó cứ dộng báng súng, cứ quăng gạch đá và cứ đánh gậy gộc và cứ chữi rủa một cách man rợ!? Cuối tháng 1 năm 1979, chúng di chuyển tù chúng tôi về phân trại K5 Tân Lập, Tỉnh Vĩnh Phú do Thiếu Tá Nguyễn Thùy làm Trại Trưởng. Ở đây, tôi trong “đội bệnh hoạn” phải chứng kiến vài ngày một người bạn tù chết. Các anh Vân, Phước, Thạc, Khánh, Minh, Hùng, … chết vì khô héo, chết vì kiệt sức bên trái tôi, bên phải tôi đang nằm. Họ chỉ còn một chút sức cùng, lực kiệt trối trăn “con chết ba mẹ ơi”, “anh chết em ơi”, “cha chết các con ơi”. Chết, xác có khi bỏ vào hòm, có khi cuộn trong chiếu nằm, có khi để trần trên “ki” khiêng đất. Thôi! sống đã không bằng con chó thì chết có là rác rưởi cũng là thường. Tiếc là, bên vách, ban văn nghệ nhà tù là những cựu Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Cựu Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia cứ xập xình xập xình đàn hát những bài hát “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. “Bác cùng chúng cháu hành quân”. “tiếng chày trên sóc Bom Bo” vô tình, vô tư một cách thoải mái! Ông bạn Sơn, Võ Văn Sơn đã cõng tôi đi tới đi lui khám bệnh “giả” để “chay lười lao động” dưới Trạm Xá của Hiệp Ðại Úy, Hường Campuchia. Võ Văn Sơn, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Quận Hoài Nhơn ngoài Bình Ðịnh không chết vì bị “bề hội đồng” của mấy tặc con “bộ đội” ở Văn Bàn mà nghe nói đã chết ở Texas mới đây. Sơn, thôi gì cũng một đời. Tiếc là chúng ta chưa gặp lại ôm nhau mà khóc. Khóc mầy đói quá mà ngồi tróc vỏ lúa ăn mấy hột gạo bên trong không được là bao. Khóc mầy đói quá, ngâm muối những vỏ khoai mì ăn, mấy lần tưởng chết là chắc. Khóc mầy chỉ tay vào mặt những anh em ta trong ban văn nghệ mà chữi: “thứ tụi mầy, mấy thằng mang tiếng sĩ quan, thứ sỉ quan không có liêm sỉ, cúi đầu xin làm văn công cho giặc”…

      Tháng 2 năm 1979, đàn anh Trung Quốc cho đứa em nhỏ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam một bài học. Những người tù được cán bột trại “nhồi sọ” bắt chữi độc, chữi không biết mắc cở, chữi không biết mệt, chữi ra rả suốt ngày nầy qua ngày khác cái bọn bành trướng Bắc Kinh, cái bọn Ðại Hán, cái bọn Thiên Triều.. . Nếu trể một tháng nữa thôi, bọn tù chúng tôi có thể là lao công, là tù binh, là Việt Kiều trên đất nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc mà cũng có thể đã bị chết thiêu giữa hai lằn đạn đều là kẻ thù không đội trời chung của Việt Nam Cộng Hòa ở Lào Cai rồi. Lào Cai và Yên Bái cùng trong một tỉnh Hoàng Liên Sơn thời bấy giờ. Hơn một năm ở đây K5, một số chúng tôi được “biên chế” qua K1, cũng trong hệ thống Trại Tù Tân Lập. K1, lao động chính là tưới trà, cuốc đất trồng khoai lang, khoai mì, bí đỏ…Một ngày mùa Hè nóng thật là nóng của miền Bắc cá chết dưới ruộng, trên sông, những người tù hùng hục làm đường ra Bến Ngọc, Ấm Thượng, Vài người đã ra người thiên cổ: bác Ngọc, anh Ngọc, anh Dũng, anh Minh…Anh Minh, nghe nói là Thiếu tá lái máy bay trực thăng cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu? Anh Ngọc “mơ có một bữa ăn no chết cũng đành” bữa nay nằm xuống thì ngày mai có cả mẹ, cả vợ, cả hai đứa con ở Sài Gòn ra thăm, đem theo nhiều “quà thăm nuôi”! K1, tôi trong “Ðội Chè” với toàn các tiền bối Trung Tá và lóc chóc mấy đứa nhỏ Ðại Úy chúng tôi là tôi, là Bùi Hữu Bằng - em Chuẩn Tướng Bùi Dinh - , là Nguyễn Minh Chánh - Ðơn Vị101 -. Ðội Chè chuyên gánh nước tưới đồi trà, làm cỏ mấy gốc trà và hái lá trà non. Ðội nằm “xà lim”, tiếng Pháp gọi là cellule đầu của dãy đầu tiên bên phải của trại, sát “nhà bếp tù”. Ở đây, còn lại hai người trong ký ức tôi đến ngày hôm nay còn nhớ. Một là, một ngưòi trọng tuổi, cao, ốm, thong dong, hiền hòa anh em nói là Trung Tá, Phó Giám Ðốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo, Thượng Tọa Thích Thanh Long. Một là, một người ngang tuổi tôi, thường dựa tường, cô đơn, ít chuyện trò, mắt buồn hiu hắt, bạn bè nói là Phan Tấn Ngưu, Thiếu Tá Trưởng F. Ðặc Biệt, “anh ta buồn vì vợ cũng ở tù”. Tháng 12 năm 1980, chúng tôi bị lùa vào Thanh Hóa ở Thanh Phong thuộc Huyện Nông Cống, rồi Thanh Lâm thuộc Huyện Như Xuân ở với núi đá vôi, rừng gổ lim, người Thái Trắng, người Thái Ðen… Người ta đưa ông Trung Tướng Có, ông Ðại Tá Khải…làm Ban Giám Ðốc và chúng tôi làm “công nhân tù” cho một kế hoạch đồn điền trà như thể Ðồn Ðiền Cao Su Ðất Ðỏ “Plantation Terre Rouge” thời Pháp thuộc trong Nam. Nơi nầy, tù Z chúng tôi là loại tù chính trị, tù binh, tù “học tập cải tạo” còn có tù hình sự và tù Biệt Kích. Tù hình sự là những người đủ lứa tuổi bị chế độ kết tội hình mà chịu tù một cách thảm thương như đang chịu hình dưới âm ty địa ngục chuyển kiếp ngạ quỷ, súc sanh trên dương gian, trần thế. Tù Biệt Kích là những người lính biệt kích của Việt Nam Cộng Hòa và của Trung Hoa Dân Quốc sống ở đây cũng được chục năm rồi. Tôi nhớ, Ðại Úy Tôn Thất Lảnh, một người tù Z đẹp trai, thông minh, linh hoạt, hòa nhả…cứ mỗi lần tắm suối là mon men theo mấy anh tù Biệt Kích Trung Hoa Dân Quốc của Ðài Loan mà học tiếng Quan Thoại. Không lâu, anh ta đã nói chuyện được với mấy anh chàng Biệt Kích Ðài Loan nầy một cách trơn tru, lưu loát. Cuối tháng 4 năm 1982, tụi nó chuyển chúng tôi về K2 thuộc Trại Z30C Hàm Tân. Hàm Tân ngày xưa thuộc Tỉnh Bình Tuy sau nhập với Bình Thuận thành Thuận Hải. Hàm Tân sát quê tôi Phan Thiết có Khu Rừng Lá mà những năm chiến tranh là ổ phục kích, đắp mô, chôn mìn, chận xe đò thu thuế của Việt Cộng giả dạng là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Những lần chun vô rừng chặt lá buông, nhìn ngọn Núi Mây Tào lòng không khỏi lao xao nỗi buồn thênh thang, mênh mông! Những đụn cát khô khan, những con dông rượt nhau giữa trưa, những cụm mây bạc bay trên trời cao xanh biếc…như thể Phan Thiết tôi đây. “Ôi! Phan Thiết là Phan Thiết”, tôi nói ra nho nhỏ lời than của Hàn Mặc Tử khóc Mộng Cầm và.. và mắt tôi có khi cũng chảy những giọt nước mắt buồn hết sức! Khóc nỗi nhớ thương cha mẹ, vợ con, anh em đang sống ra sao, chắc khổ biết chừng nào không xa nơi nầy bao nhiêu. Tôi trong Ðội Nông Nghiệp chuyên trồng mía, khoai mì, đậu phọng, lúa nương…kết quả không đáng kể nhưng thành công là hành hạ được tụi “tù cải tạo” cải tạo hoài cải tạo mãi “tụi nó phản động cứ là phản động, không bao giờ tin Cách Mạng”. Dẫu sao, K2 của Z30C Hàm Tân cũng không đọa đầy, rách nát “khố rách áo ôm” như thời “cải tạo” trên Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa nơi Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, Lào Cai, Vĩnh Phú, Thanh Hóa. Nghĩ lại tôi nghiệp cho những người mang tội hình sự ở những nơi đó. Thiếu gì họ là những người vô tội ở cái xã hội mà Công An, Bộ Ðội, Nhà Cầm Quyền muốn bắt ai là bắt, bỏ tù ai là bỏ tù. Một khi đã vào vòng lao lý rồi, họ bị đối xử một cách dã man không bằng một con vật. Ngoài Thanh Lâm, tù hình sự nhốt cách chúng tôi một hàng rào kẽm gai cao. Những tên đội trưởng, tổ trưởng là những hung thần “đầu gấu”, “đại bàng” được trao quyền sinh sát. Tụi nó thường cho phạm nhân nầy ăn và bỏ đói phạm nhân kia cho đến chết. Tụi nó tùy tiện hành hạ gọi là “trị” phạm nhân bằng búa sắt đánh vào khuỷu chân, mắt cá, cùi chỏ…và dây kẽm gai quất cho rách nát da thịt những người bạn tù cũng tù như mình. Ngoài “hiện trường lao động”, bọn Công An được “tù cải tạo” đặt cho một cái tên là Bò Vàng xuất thân từ giòng giống tá điền phản trắc, “đấu tố” địa chủ một cách ác nhân, độc địa thời cải cách ruộng đất di truyền cho, nên vốn đã thụ hưởng máu không có tính người lại được nhồi sọ dưới chế độ Cộng Sản cuồng tín, chúng trở thành yêu tinh, quỷ sứ của loài ma quái. Năm, ba thằng tụm lại bắt họ đứng yên mà lấy đá, lấy gạch, lấy cây gổ... quăng cho bầm tím cả thịt da hay máu chảy từng giọt, từng giọt rồi rủ nhau cười ngặt ngoẽo. Hết thằng nầy rồi tới thằng kia thay nhau dùng báng súng đánh, nện vào thân xác chết đói gầy gò của họ, bắt họ “cấm la”, có khi lắp cả lưỡi lê vào mà lụi đại, bất kể trúng đâu đâu “cho lũ mầy chết đi”. Người ta đang dang nắng Gió Lào nóng cháy da thịt mà “lao động là vinh quang” cứ “đưa ông cây lửa châm thuốc”. Châm thuốc rồi, dí đầu cây củi đang cháy vào nách, vào bụng, vào đùi người ta “cho biết tay Công An Nhân Dân”. Con người, không đâu xa, Con Người Xã Hội Chủ Nghĩa không bao giờ và không đời nào ai nói là văn minh đưọc. Có văn minh là văn minh cái bản chất không còn tính người… đối với người thì có.

      Vào K2, Z30C Hàm Tân trong Nam, ngồi tính ra đi tù cũng trên 5 năm mình nghĩ mình u mê, đã chun vào “học tập cải tạo”. Nhưng suy đi tính lại, không chun vào “học tập cải tạo” thì chun vào đâu lúc bấy giờ? Nghe phong phanh không căn cứ rằng anh em Việt Nam Cộng Hòa của mình lập chiến khu chỗ nầy, mật khu chỗ kia nhưng chẳng manh mối đâu với đâu. Bấy giờ, mình chông chênh quá tình trạng “Ngụy Quân”, “Ngụy Quyền” như Thúy Kiều “nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn. Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?” Lao lý, ai cũng phải nghĩ tới khổ ải, đọa đày, nhưng mấy ai nghĩ tới khổ ải, đọa đày của “Bọn Mỹ Ngụy” dưới gông cùm cực kỳ khắc nghiệt, dã man của bọn thú rừng man rợ mang tên Cách Mạng, Giải Phóng! Vì thế giới nhìn trừng trừng, nhìn chăm chăm sự thể “tắm máu” diễn ra, bọn trí trá Việt Cộng không thể giết cho chết hết như Tố Hữu “giết, giết nữa bàn tay không phút nghĩ. Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong…” Chúng cho ăn đói, bắt làm việc nặng, chữi bới nhục mạ…“cho chúng nó chết dần chết mòn”. Và, bạn bè tôi từng ngày từng ngày càng đông rủ nhau về bên kia thế giới không kịp lời từ giả thân nhân. Họ chết ngay những ngày tháng đầu vô Biên Hòa và rải xác từng nơi bước chân tôi đi khắp vùng núi rừng Việt Bắc, Thanh Hóa và đến bây giờ ở Hàm Tân! Chưa nói, những anh em bị lôi ra bắn bất kỳ lúc nào vì tội nầy, tội kia gán cho. Tôi cũng đã bị hụt hơi rất nhiều lần tưởng đã về với ông bà ông vải những năm ở Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, Lào Cai, Vĩnh Phú, Thanh Hóa. Bọn đầu sỏ Bộ Chính Trị vốn đánh hơi giỏi hơn chó, biết đang bị thế giới văn minh lên án nên mượn tay thân nhân người tù nuôi người tù sống năm nầy qua năm kia lại còn làm ra của cải, đâu tốn một đồng xu. Từ năm 1979 trở về sau, cha mẹ, vợ con, bà con lối xóm, thân thích, người tình, bè bạn…lặn lội thăm “Tù Cải Tạo” ở bất cứ nơi nào đèo heo hút gió, rừng thiêng nước độc, sơn lâm chướng khí. Anh em tù chúng tôi nhờ đó khá ra. Khá ăn, khá mặc, khá tốt tướng trở lại. Trong tù không còn tranh nhau cái ăn từng ly từng tý. Bấy giờ có ai trách ai sự sống là lằn ranh giữa cái bao tử trống trơn chờ chết và cái bụng còn lỏng bỏng ít thức ăn cầm hơi sống!? Lúc nầy, trong các trại tủ “học tập cải tạo” hay “trại tập trung cải tạo” đẻ ra hai lớp người. Một là, Nhà giàu, những người được “thăm nuôi” đều đều, dài dài. Một là, Nhà nghèo “con bà sơ” chưa từng nghe đọc tên ai là người “thăm nuôi” mình. Và nhà nghèo làm công cho nhà giàu là tự nhiên trong một tập thể người sống với người dù đang trong tù. Khi ở Thanh Lâm, Huyện Như Xuân, Tỉnh Thanh Hóa, tôi “con bà sơ” vì vợ đi lấy chồng khác. May về Hàm Tân gần nhà Phan Thiết, bà vợ tôi bây giờ nuôi ăn hằng tháng nên cũng “đủ ăn, đủ mặc” với người ta. “Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay” nỗi đớn đau biết chừng nào người tù không có ai “thăm nuôi”! Ðói! Buồn! Tủi! Và người đời là những bạn tù xung quanh cũng coi thường! Tôi nhớ anh bạn Thiếu Tá Quận Trưởng Quận Ðức Tu họ Bùi tình nguyện mỗi sáng đi gánh cứt để được ở nhà thong dong hơn. Cũng khó quên, cô cán bộ Công An Nhân Dân đeo nhiều ngôi sao lụi của Trại “xi” cho con ĩa, xong kêu chó lại cho nó ăn và đưa đít thằng nhỏ cho nó lím sạch cứt.

      Ngày 24 tháng 4 năm 1984, tôi được thả ra với “Giấy Ra Trại” do Ðại Úy Trịnh Ðức Tý ký. Không ai “Tù Cải Tạo” chúng tôi được “lệnh tha” mà không bị cầm chưn ở lại “làm công quả” cho trại mười ngày, nửa tháng. Ðau cho người bạn tôi, Ðại Úy Lê Thành Nhiên bị bắt ở lại trại “làm công quả” mà phải chôn xác nơi Trại Tù Thanh Lâm heo hút, hắt hiu. Một sáng, lẻ ra được trả tự do như anh em mà về quê Bến Tre trong Nam, anh đã nằm chết im lìm trên chiếc võng, mặt buồn thiệt là buồn và mắt chưa kịp nhắm…Tôi một tay cầm tay Nhiên, một tay vuốt mặt Nhiên nói nhỏ “thác là thể phách, còn là tinh anh. Thôi, mày về lại cố hương, về lại gia đình”. Tôi vừa bước ra sân tập họp “đi lao động” vừa nghĩ đến Nhiên đêm 30 Tết, đầu năm 1981 ở Trại Thanh Phong. Nhiên hát Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa, hát “Nhạc Vàng” của Miền Nam Việt Nam từ chiều cho đến sáng hôm sau một cách say sưa, nhiệt tình, “ồn ào” hơn ai hết. Những người tù “láng” tôi từ K1 Tân Lập Vĩnh phú mới chuyển tới, được một đêm hát ca thả giàn rồi ngày mai khàn cổ không ai nói ra được một tiếng nào và rủ nhau lên “làm việc” với Ban Trật Tự, Ban Giáo Dục và Trại Trưởng, Ðại Úy Trương Bảy.

      Tôi về Sài Gòn trên chiếc xe đò cũ kỷ chạy ì ạch bằng than củi, người ngồi chật cứng và đồ đạt đủ thứ chất đầy. Ðồng quê vắng tanh! Phố phường nghèo nàn! Bị “quản chế” một năm, hằng tuần phải trình diện và báo cáo nơi Phường 3, Quận 10 và Công An Khu Vực ở sát bên nhà cứ dòm dòm ngó ngó. Tôi chỉ quanh quẩn rộng lắm cũng trong Thành Phố Hồ Chí Minh mới cướp danh từ Thủ Ðô Sài Gòn của Việt Nam Cộng Hòa, của Ðồng Bào Miền Nam Việt Nam. Mọi thứ đều đổi thay một cách khắc nghiệt, khô cằn, héo mòn, rách tươm. Xã hội được định phần thụ hưởng theo “chế độ”, theo “tem phiếu”, theo “phân phối”, theo kinh tế “quốc doanh” theo Xã Hội Chủ Nghĩa…đất nước tàn mạt. Một đám cưới phải có giấy chứng nhận của Ủy Ban Nhân Dân Phường mới mua được 1 lít nước mắm loại thường, 2 kí lô thịt theo heo ba rọi , 1 cây thuốc Mai xé banh, nửa kí lô đường cát vàng…và thêm nữa, có thể mua được 1 cái mùng vải thô nhỏ cho hai vợ chồng mới cưới. Nhưng cái việc nầy không phải “tiêu chuẩn” ai cũng có và ở đâu cũng như nhau. Trong xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa thời bấy giờ, “lệ làng” hơn “phép vua” thì đừng nói công bằng, lẻ phải. Bạn bè tôi, những Người Tù Học Tập Cải Tạo ra trại, tay trắng biết làm gì và ai cho làm gì!? Họ bán giấy số, khuân vác, bán cà rem, bán kẹo kéo, thổi bong bóng, làm mướn, đánh xe bò, đạp xích lô, đi kinh tế mới, mánh mung lặt vặt… mà yên phận hẩm hiu qua ngày. Ông bạn Ðại Ðội Trưỏng Chiến Tranh Chính Trị của Tiểu Khu Bình Thuận, Ðại Úy Vĩnh Vu buồn biết chừng nào mà than thở rằng: “mấy đứa con bị đuổi học hết trơn”. Tôi biết, sấp nhỏ con ảnh học giỏi lắm, giỏi lắm như con cái của bạn bè tôi, nhưng “cha các trò là Ngụy Quân, Ngụy Quyền” đành nghỉ học mà khóc lóc ngày nầy qua ngày khác. Những anh em chúng tôi ngày xưa cùng học Trường Phan Bội Châu hay các Trường Tiến Ðức, Bồ Ðề, Chính Tâm ở Phan Thiết đi lính lên lon Trung Úy, Ðại Úy, Thiếu Tá…phải còng lưng làm công nhân Sở Muối, lương phạn không đáng kể, cực thì hết sức cực mà phải năn nỉ, xin xỏ vào “để tụi nó bớt dòm ngó”. Người bạn Nguyễn Ngọc Nhã ( ? ), Ðại Uý Trưởng Phòng 2 Tiểu Khu Phú Bổn vợ bỏ sớm, về Kim Ngọc lấy vợ mới. Hai vợ chồng làm nghề “lái heo” Long Khánh ra Phan Thiết. Chẳng hơn hai năm, “nó chết vì bệnh lao”. Tôi, Nhã rất thân nhau ở trại tù Lào Cai. Thân nhau vì người cùng quê mà cũng thân nhau vì “ghét Việt Cộng, ghét cay ghét đắng”, nó thường nói như vậy. Hai ông Ðại Úy Nguyễn Văn Trắng và Dư Ngọc Huân cùng học Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia và Thủ Ðức với tôi ngày ngày còng lưng kiếm ăn bằng hai chưn đạp xích lô khắp phố khắp phường Sài Gòn. Tôi, vợ bỏ ra một ít vốn xoay sở làm ăn. Nói làm ăn cho có vẻ “ngon cơm” một chút, thật ra, cha con một nhà hùa vào nhau chịu khó chịu khổ làm các loại nhang bỏ mối Chợ Phan Thiết mà thôi!? “Ngon Cơm” là tiếng nói dễ nhớ, khó quên thường nơi cửa miệng của anh bạn Thiếu Tá Bùi Văn Lớn tù cùng “láng”, cùng trại từ Thanh Lâm ngoài Thanh Hóa vào Z.30C Hàm Tân trong Nam. Kế Ngả Tư Lê Văn Duyệt và Phan Ðình Phùng, nơi Thượng Toạ Thích Quảng Ðức tự thiêu thuở nào, anh bạn Ðại Úy Trịnh Truyện Kiều, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Quận Ðức Lập hồi đó cũng bị người vợ sợ làm hôn thê một người Lính Ngụy còn gì nữa đâu, bây giờ kê một cái bàn xập xịu, ngồi bán mấy tấm giấy số, đếm tiền Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam in hình quỷ sứ Hồ Chí Minh. “Tang điền, thương hải” đổi đời một cách éo le, cay nghiệt, chua xót…Nhờ những năm tháng huấn nhục nơi quân trường; nhờ thời gian đời lính cơ cầu đánh giặc; nhờ cuộc sống đối diện từng ngày với kẻ thù…họ quen “mưu sinh thoát hiểm” mà lạng, mà lách mới sống được đến ngày hôm nay. Trong trại tù từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam, xét cho cùng, những anh em công chức, đảng phái, dân sự…dễ “bứt”, dễ “đứt” hơn những anh em Quân Nhân, Cảnh Sát Quốc Gia, Xây Dựng Nông Thôn.

      Có người nói người thành thị nầy sang giàu hơn, sung sướng hơn dân nhà quê kia nghèo đói, lầm than. Tôi dám đoan quyết rằng, đó chỉ là một ý nghĩ phiến diện, trừu tượng, chung chung. Bởi vì, trong “người thành thị nầy sang giàu hơn, sung sướng hơn” cũng có những người nghèo không có đủ miếng cơm, manh áo. Trong “dân nhà quê kia nghèo đói, lầm than” thiếu gì kẻ giàu nứt vách đổ tường. Nhưng có ai bảo rằng, vào cái thời Cộng Sản Bắc Việt chiếm Miền Nam Việt Nam thì hết thảy những người mang tên “Ngụy Quân”, “Ngụy Quyền” đều sống đời sống vô cùng khổ, vô cùng nhục, sống như chết đi rồi…như nhau, tôi cho là “y chang”, chí lý, trăm phần trăm không sai, không có biệt lệ. Tất cả họ, không chừa một ai, hoặc bị thủ tiêu một cách bí mật hay công khai; hoặc bị bắt đi tù khổ sai “học tập cải tạo”; hoặc nhà của họ đó, bị đuổi ra và bị lấy mất; hoặc họ phải dắt dìu vợ con đi vùng kinh tế mới heo hút nơi rừng sâu núi thẳm. Họ bị “quản chế”, bị theo dõi, bị áp bức và bị không cho có công ăn việc làm. Họ sống như bóng ma trơi trên chính quê hương mình. Họ muốn chết đi rồi mà không chết đi được. Tưởng chết là hết! Tưởng chết là dễ! Nếu là hết, là dễ thì những anh em bạn của tôi và chính tôi đây đã không còn trên trần đời ô trược nầy nữa từ lâu thiệt là lâu lắm rồi. Ngồi đây nghĩ lại những năm dài đi qua trong đời, dẫu gì, mình vẫn thấy mình còn ân phước bề trên ban cho mới còn sống và sống bình yên đến ngày hôm nay nơi nầy. Ngồi đây viết lại những vụn vặt kỷ niệm mà không khỏi bùi ngùi, cảm hoài thế sự đã chun vào quá khứ. Quá khứ có chôn vùi nhưng không khuất tất hết tất cả ký ức một thời đáng nhớ, không nói tới đáng thương hay đáng ghét. Có những cái còn lại là nỗi buồn mất mát thời học sinh quần xanh áo trắng; những mối tình học trò thoáng qua, đi mất. Cũng có những cái còn lại là nỗi đau trăm năm đời người sống đời tục lụy mà “nước mắt chúng sinh trong ba ngàn thế giới dồn lại còn hơn nước trong bốn bể” như lời Phật dạy. Con người, người ta tin là “có số” và nương theo “số” mà sống dù chập chùng tủi nhục. Tôi không tin. Tôi cứ lầm lủi sống, sống phấn đấu, sống không an phận thủ thường. Và tôi nghĩ, những anh em bạn bè tôi là những người bạn học, những chiến hữu, những bạn “Tù Học Tập Cải Tạo” cũng nghĩ như vậy. Sống là chiến đấu. Nếu không, mà ủy mị chờ thời, đợi số thì đã gục chết trong tù giam tận cùng dã man của bọn Cộng Sản Việt Nam ở những nơi nầy, nơi kia Bắc, Trung, Nam hết trơn rồi.


      Ðêm 31 tháng 8 năm 2012
      NGUYỄN THỪA BÌNH
      Last edited by chimtroi; 01-24-2013, 09:09 AM.

      Comment


      • #4
        MƯU SINH THOÁT HIỂM
        NGUYỄN THỪA BÌNH

        Lâu gần nửa đời người ở quân trường hồi đó, bài học mưu sinh thoát hiểm đã dạy người chiến binh phải biết đường tìm sống trong tử sinh mong manh vì đói khát, địch thù, thú dữ, bẫy giăng, rừng thiêng nước độc…Chinh chiến đã tàn, người chiến binh thua trận bị cầm tù bỏ đói có chết chẳng ai màng. Họ phải tự tìm lối thoát vì bản năng sinh tồn của một con người có suy nghĩ mà cũng vì phải sống cho một lý tưởng thiêng liêng chưa từ bỏ. Danh từ mưu sinh thoát hiểm của một người tù mang danh “học tập cải tạo” trong chế độ bạo ngược Cộng Sản Việt Nam được gom trọn mấy chữ đầy nhẹ hều là “cải thiện linh tinh”. Chữ cải của mấy anh, mấy chị “đốt đuốt soi rừng” có người tìm không ra một chữ học hành nên lạ đời, tréo ngoe. Ai đời, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa biết gì kinh tế mà làm cuộc cải tạo công thương nghiệp cho công thương nghiệp đang phát triển của Miền Nam Việt Nam tàn tạ, tan tành theo mây khói một sớm một chiều! Ủy Ban Quân Quản bắt “Ngụy Quân, Ngụy Quyền” Sài Gòn đi cải tạo là tẩy não để tuân phục, nhưng năm năm, mười năm, mười lăm năm hay lâu hơn nữa ai cải tạo được ai mà thù hận thì càng chất ngất!? Trong tù ở Trại An Dưỡng Biên Hòa, những miếng ván lượm mót ghép lại trên bốn bánh xe là bốn khúc gỗ cao su mới cưa ra thì gọi là xe cải tiến. Nhìn lại cải cách ruộng đất ở Bắc giữa các năm 1953 đến năm 1956 chết vài chục ngàn người và đi tù vài trăm ngàn người mà ruộng đồng xơ xác, nông dân nghèo tận mạng! Tôi đọc những truyện sách kể về đời những “Ngụy Quân, Ngụy Quyền” Sài Sòn đi tù Việt Cộng bị đối xử phi nhân, vô đạo như thế nào nhưng ít được nghe kể nhiều về nỗi “đoạn trường” mưu sinh thoát hiểm đầy nỗi xót xa, thê thảm biết chừng nào của họ. Mưu sinh thoát hiểm ở đây xin được hiểu theo nghĩa là người ta đói không chịu nổi phải đi tìm một thứ gì đó ăn vào bao tử để nuôi sự sống mỏi mòn không biết ngày nào chết.

        Tôi từ Trại Tù Tân Hiệp Biên Hòa đến Trại Tù An Dưỡng cũng trong Biên Hòa vào một đêm tối trời cuối tháng 7 năm 1975. Ở đây gồm những nhà vòm tiền chế mái lợp tôle của Quân Ðội Hoa Kỳ nằm ngoài vòng đai Phi Trường Biên Hòa, có khu ướp xác chết lính Mỹ. Gọi là Trại Tù An Dưỡng Biên Hòa nghe nói là vì nơi đây đã chăm sóc sức khỏe, “an dưỡng” những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa được Bắc Việt trao trả năm 1973 trước khi họ trở về nhà đoàn tụ với gia đình. Mới một tháng xa nhà chịu đựng những sỉ nhục, “lao đông là vinh quang” và đói ăn từng ngày mà thân xác đã thấy mỏi mòn từng thớ thịt. Bữa ăn ít xỉn như cách hành hạ cho ăn đó để sống mà chết đói dần dần, ai cũng thấy mình đi những bước đi nhẹ tênh, thất thểu. Những bao Gạo Trường Sơn dấu kín trong rừng lâu nhiều năm đã bị mục, nát, mọt, mối… cho tù ăn, làm ai ai cũng bị phù thũng đi muốn không nổi. Các anh bạn có sức vóc lực sĩ là Thanh, Hy, Lượng, Dũng thường xách “cuối” và cuốc đi bắt chuột. Một hôm nhóm “Tứ Hùng” nầy xông khói, đào xới… bắt được ba con chuột cống nhum to lớn. Một bữa cơm thịnh soạn, các anh ăn ngon lành trước mắt thèm thuồng cũng có mà ngao ngán cũng có của nhiều người bạn tù ôm cái bụng lỏng le đi tới đi lui. Vào tù dẫu chưa được bao lâu, nhưng ai ai cũng đói meo và nghĩ rằng “cái gì nhúc nhích” đều ăn được để có “calorie” mà sống và cho khỏi cồn cào ruột gan. Suy nghĩ nầy không phải chỉ những người vu vơ y khoa như chúng tôi đâu có học y dược ngày nào mà ngay những người anh em bạn tù của tôi là những Bác Sĩ Quân Y, Bác Sĩ Cảnh Sát Quốc Gia, Bác Sĩ Bộ Y Tế hay Bác Sĩ dân sự... Tôi nhớ anh Phạm Ngọc Jean, anh của thằng bạn học tôi Phạm Ngọc Phi nói “con gì ăn cũng được, nhớ bỏ ruột gan và nấu chín”. Anh Jean , Ðại Úy Quân Y nay không còn vì vượt biên đường biển đã ra người thiên cổ từ lâu! Việc anh em hiếm hoi bắt được mấy con chuột là may, là mừng! Còn hơn bác Nhờ một đêm ngồi rình chuột nơi hố rác tối om om đã không đánh được một con nhắt nào mà còn một chút nữa bị hai người bạn trẻ sớn sác đái lên đầu.

        Một sáng đi loanh quanh ngoài đám cỏ tìm hà thủ ô đào, tôi bắt được một con thỏ rừng bị lọt dưới một hố nhỏ. Người ta nói sướng như “chó táp nhằm ruồi” và khoái như “buồn ngủ gặp chiếu manh”, nhưng chắc không vui mừng như tôi lúc bấy giờ. Cầm thiệt chắc hai chân sau và thiệt chặt hai tai dài của nó còn sợ bị sẫy, tôi ôm cứng con thỏ vào bụng đi nhanh về “láng”. Những người bạn xúm lại coi có vẻ ao ước, có người tiếc mà rằng: “ tao ra ngoải hoài, không gặp”. Anh Hy làm thịt con thỏ hồi đó, bây giờ có ăn có mặc nghĩ lại, mình con người sao dã man quá vậy cà! Ảnh lột da, kéo tới đâu con thỏ la hét tới đó và máu me chảy ròng ròng. Và “hóng nắng để cho da thịt nó săng cứng lại”, Hy nói như vậy. Con thỏ, trời ơi đau đớn biết chừng nào, có ai lúc hồi đó xót xa!? Nhưng “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, lúc bấy giờ ai ai cũng đói xác đói xơ có ai tội với nghiệp một con vật như con thỏ rừng vô phước đó đâu? Dù thịt được nấu với một cục đường tán vuông, một muỗng nhỏ chút xíu muối, vài trái ớt tươi, nước…nấu món gì nhỉ mà mấy anh em ăn ai cũng khen “tuyệt”. Ở đây, những ngày quanh quẩn dưới khu rừng nhỏ phía Nam của Phi Trường Biên Hòa đào ao nuôi cá, tôi bắt đầu biết rau tàu bay anh em chỉ cho và bảo “ăn không sao đâu”. “Ăn không sao đâu” mà độn cho no bụng thì “tao đâu có ngán”. Mấy đứa bạn tôi tù ở đây, đứa nào lại không hái rau tàu bay làm món rau sống, món rau luộc, món canh với nước muối, ngay cả món kho với vài con nhái bầu? Rau tàu bay, một loại thảo mộc nơi vùng hoang địa nầy ăn cũng không đến nỗi nào. Mùi thơm thơm theo tôi, nhưng có người chê là khó chịu. Nghe anh em bảo với nhau rằng “ăn nhiều sẽ bị mất máu và sốt rét”. Mấy tên Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trẻ con mang “đôi dép râu dẫm nát đời trai trẻ” và đội “nón tai bèo che khuất nẻo tương lai” cũng xía vô mấy lời “thời chống Mỹ cứu nước, trong rừng chúng tôi cũng sống nhờ những rau tàu bay nầy”. Dĩ nhiên ngoài rau tàu bay ra, anh em mưu sinh thoát hiểm còn tìm tòi ra những loại rau rừng khác nữa. Một loại dây leo mà tôi biết từ hồi nhỏ là cây chùm bao. Hồi đó, chúng tôi mấy đứa nhỏ cầm nạn thun đi bắn chim thường tìm trái chín vàng của nó mà ăn. Bây giờ, bạn bè tôi đây hái đọt non luôc ăn và bứt cả dây, lá về phơi khô làm thuốc uống. Cây chùm bao có người gọi là cây lạc tiên, là cây nhãn lồng. “Chim quyên ăn trái nhãn lổng. Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi” có dính dáng gì không cây chùm bao? Những loại cây cỏ anh em bứt ăn có thứ tôi biết được mà cũng có thứ lần đầu tiên mới nghe tên. Cây bùm bụp mà chúng tôi hồi nhỏ ở Phan Thiết thường gọi là cây lồng đèn hay cây thù lù thường ăn những trái chín màu đỏ hay màu đen treo tòn teng trên cành bên bờ ruộng hay trong vườn tược, nhưng chưa bao giờ đụng tới thân và lá của nó. Có mấy anh em tỏ ra hiểu biết về Ðông Y nói là nó tốt cho lợi tiểu, tiêu đàm và đau nhức. Cây me đất “chua như me” mảnh khảnh có lá hình ba trái tim xanh xanh chụm lại, có nhiều bông vàng năm cánh, mọc quanh bờ mương bấy giờ mới biết và chưa từng ăn. Cây rau trai lá thuông dài, có lông tơ, cọng mềm nhiều nước và bông màu tím tím nhạt tôi biết được từ thời ở nhà quê vùng Hàm Thuận, Bình Thuận. Tôi thường nghe ba má tôi nói, nó giải nhiệt được, kháng viêm được. Nghe thì nghe vậy nhưng chưa bao giờ ăn thử, nói gì ăn thiệt. Chưa nói những loại như rau dền không có gai mọc hoang từng đám nơi nầy, nơi kia ven rừng, ven ao nước ngay chỗ hằng ngày chúng tôi “lao động là vinh quang”. Những loại rau sam có cọng mềm màu đỏ, lá màu xanh và bông màu vàng, ăn hơi chua chua, nhớt nhớt cũng không thiếu mọc quanh con suối chúng tôi tắm mỗi chiều. Nhà tôi hồi đó ở thôn quê thường ăn hoăc rau dền hoặc rau sam nầy bằng cách luôc chín chấm với nước mắm ruốc bình dân, không phải Mắm Ruốc Bà Giáo Thảo trộn với một chút đường và nhiều ớt thật cay. Cây rau dừa nước có lá xanh xanh đậm mọc so le, hơi giống rau sam có điều nhiều rễ hơn và nổi lềnh bềnh trên mặt nước, ăn có vị nhạt nhạt ngọt. Người Miền Nam Sông Nước ai lại không biết, không quen, không một lần ăn ngọn rau dừa nước dân dã nầy? Một loại cây mà hồi nhỏ chúng tôi thường hái trái còn xanh hay đã chín đỏ chia phe quăng nhau là cây bát bát. Cây bát bát hồi đó chúng tôi có thấy ai ăn lá và trái của nó bao giờ. Bây giờ vào đây đất trời tù đầy, tôi mới thấy anh em tranh nhau hái lá và trái mà ăn ngon lành còn nói nó là vị thuốc nầy vị thuốc nọ nữa. Nói gì những thứ như rau má, lá khoai lang, đọt khoai mì… chạy đâu cho khỏi hai con mắt tìm tòi, lục lọi ăn thêm vào cái bụng lúc nào cũng cảm thấy không có thứ gì ở trỏng. Việc đi hái những rau trời cải đất đối với người tù đâu được tự do, thường bị những cai tù là kẻ thắng cuộc cấm cản, bảo rằng như vậy là “cải thiện linh tinh” không được phép, có khi còn lên đạn hăm he đòi bắn bỏ; chưa nói bị cỏ may đan đầy áo quần châm vào người chịu không nỗi hay bị xước bởi những cây gai rừng, nhiều nhứt vẫn là những cây mắc cỡ đau biết chừng nào!? Ông bà mình nói đúng “muốn ăn thì lăn vô bếp” hay “khi đói đầu gối phải bò, cái chân hay chạy, cái giò hay đi” là vậy.

        Sắp sửa ngày 2 tháng 9 thì anh bạn Nhạc Sĩ Minh Kỳ với anh Lê tôi quên họ của ảnh là gì bị quăng lựu đạn chết với ông anh bạn cùng quê của tôi cụt một giò. Những người tù từ Ka Tum chuyển về cứ nghe mìn nổ và cứ nghe bị chết, bị thương hoài! Thời gian đã mấy tháng qua trong tù, đói thì đã quá đói và áo quần cứ rách chỗ nầy lại rách chỗ kia nát tươm! May ở đây là vòng đai an ninh của Phi Trường Biên Hòa ngày xưa còn để lại nhiều “tàn dư của Mỹ Ngụy” mà anh em moi móc ra nhiều hầm hố chôn đầy bao cát còn mới. Có bao cát, những người tù khổ hạnh “sáng tạo”, “cải tiến” ra những cái áo đủ kiểu, những cái quần đủ mốt, nếu không, lấy gì đâu mà che thân? Rồi còn phải làm ra những cái khăn lau mồ hôi, lau mặt những ngày lao động dưới trời nắng nóng như thiu như đốt da thịt. Và đây đã gần Tết Nguyên Ðáng Bính Thìn 1976, anh em phải làm ra những cái mền đắp Mùa Ðông năm đó sao lạnh dữ. Và nơi nầy vùng đất hoang dã anh em còn phải làm ra những cái mùng chống những con muỗi rừng đói ăn, hút máu một cách tham lam táo tợn. Và còn phải nghĩ tới mà làm ra những tấm chắn hay những mái che trời mưa trời nắng và gió bụi thốc từng cơn từng cơn làm thân còm cõi người tù chịu không thấu.

        Năm sau, những người tù chúng tôi ở đây được chuyển ra Xã Việt Hồng thâm sơn cùng cốc bên kia Sông Hồng trùng trùng núi rừng đèo heo chướng khí của Huyện Trấn Yên, Tỉnh Yên Bái. Chúng tôi tất cả đồng cấp Ðại Úy bị lùa vào hai dẫy nhà dài tranh nứa ọp ẹp mới cất thô sơ nói là Trại 6 của Liên Trại 1 thuộc Ðoàn 776. Trong Nam dù gì thì dù cũng quen phong thổ, trời đất và nhất là con người. Ở đây, tất cả sao lạ hoắc lạ huơ. Ðàn bà nào cũng chỉ cái quần dài màu đen phơn phớt đỏ vì cũ, cái áo cụt màu nâu sồng sờn vai rách gấu và trên đầu cứ vải cuốn tròn mấy lọn tóc như con rắn gọi nhau là khăn mỏ quạ. Ðàn ông nào cũng chỉ một bộ đồ tây màu olive bạc thếch vải Kaki Nam Ðịnh may vụng về, chân đi trần và đầu đội nón cối bung viền, rách vải. Tứ bề trông nghèo đói, rách nát, xơ xác…Ðói người ngoài đời xã hội làm sao no người trong tù “học tập cải tạo” và có trách gì đất đai, sông suối có gì, còn gì mà “cải thiện linh tinh”? Mới được thả đi chặt nứa ngày đầu, một anh to con lớn xác đã vác về một buồng chuối rừng nhiều nải, trái no tròn đầy đặn, ai thấy cũng thèm thuồng. Ảnh treo lên chờ chín. Anh em theo dõi chờ xem. Nhưng mấy ngày, chuối rừng là chuối rừng không ăn được, ảnh là Ðại Úy Tuyên Úy Phật Giáo của Thủy Quân Lục Chiến phải mất công “đem quăng đi cho rồi”. Anh bạn Huỳnh Ngọc Thuận của tôi từ Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, từ Trường Bộ Binh Thủ Ðức cũng ra đây, một hôm cây dừa bên hông “láng” của tôi được một cán bộ trại bảo “phải đào gốc bỏ đi”, Thuận đã cuốc, bới và lấy được một củ hủ to bằng vành tròn miệng “cái chén tàu”. Bửa, chẻ thân cây dừa ra, Thuận cười hì hì và la to “có một con đuông to tổ bố”. Con đuông, Thuận vừa bốc ra vừa nói “nó chính là con của con kiến dương, ăn đã ngon lại còn béo còn bổ nữa các bạn ạ”. Tôi cũng như Thiện nhìn thấy anh ta hí hững cũng vui lây, nhưng dòm con đuông hình thù như một con sâu to lớn lại sợ thì nói gì ăn uống, huống gì chỉ có một con chớ mấy mà ba miệng ăn thì còn gì cho Thuận “ùm một miếng ngon lành”. Thuận, người Bình Ðiền Chợ Ðệm nhà trồng nhiều dừa, việc rành tàu hủ dừa và đuông dừa là nghề của chàng nhà quê, chúng tôi người thành thị Phan Thiết thì xin chịu thua những cái gì nơi đồng áng, miệt vườn…Ở đây, chúng tôi không có gì, thôi thì cứ bẻ một, hai đọt non tre, giang, nứa…những thứ có ai ăn bao giờ đâu, rồi xắt dọc xắt ngang kho với nước mắm tôi cắc ca cắc củm bưng từ Biên Hòa ra. Nước mắm nầy chúng tôi cứ gọi là nước mắm cho có tên tuổi một chút, thực ra là hỗn hợp của mang cá ngừ, ruột cá ngừ, máu cá ngừ nhà bếp quăng đi, tôi lượm lại trộn trong muối, đậy kín lâu cũng cả hai tháng rồi. Loại nước mắm nầy chỉ có trong tù “học tập cải tạo” của tôi mà thôi, ăn mặn là cái chắc nhưng cũng có chút mùi nước mắm thum thũm. Chắc dân ở đây quá cơ cực nên cái gì ăn được trời đất ban cho người trần gian thì tìm rát con mắt may ra còn sót lại mà thấy. Ðã mấy tháng ở đây rồi, có cái gì để “mưu sinh thoát hiểm”, để “cải thiện linh tinh”? Hương đồng cỏ nội, trời ơi? Rau tàu bay, rau dền, rau sam, rau dừa, rau má, dây bát bát, dây chùm bao, lá me đất, rau chua lẻ, rau trai…không thấy đâu. Những con chim, con cá, con rắn, con ếch, con cóc, con nhái, con cua đồng, con ốc bu, con ốc leng,…không tìm ra bóng dáng!

        “Chó táp nhầm ruồi”, một hôm Thuận chụp đâu được một con ễnh ương mén đem về mà Thiện bảo là con ếch, nhưng một cán bộ già tên Tuấn nhìn thấy, nói là con chẫu chuộc. “Chẫu chuộc”, cái tên lạ lùng tôi mới nghe lần đầu. Lửa đang cháy, Thuận bỏ con ễnh ương vào nướng. Lấy ra, móc ruột bỏ, phủi tro bụi, thổi phì phà cho nguội một chút rồi bỏ cả con ễnh ương chín đen vào miệng “ùm một miếng ngon lành” và cười hả hê! Trong “mưu sinh thoát hiểm” ở đây, ngoài “cải thiện linh tinh” anh em bạn tù còn giao tiếp bí mật với dân làng để mua bán, đổi chác mà bọn cai tù là Quân Ðội Nhân Dân của cái gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thời bấy giờ thêm mắm thêm muối cho ra mấy chữ “quan hệ linh tinh” mà cấm đoán những người tù khổ sai biệt xứ. Dân Xã Việt Cường nầy nghe nói thời Cải Cách Ruộng Ðất, Nhân Văn Giai Phẩm…bị tống khứ lên đây mà đong đưa ngày tháng đói nghèo đến bây giờ. Họ thiếu ăn lại thiếu mặc nên thèm thuồng biết chừng nào “quần xi”, “áo lon” của người tù Miền Nam đem ra. “Quần xi”, “áo lon” là thứ quần áo anh em Người Miền Nam mặc thường ngày từ Vĩ Tuyến 17 trở vào, có gì đâu lạ. Một cái quần tây dài với một cái áo chemise dài tay đổi một con gà mái luộc, xôi nấu hai, ba cân gạo nếp với muối vừng và một bidon rượu. Ðói, cái mạng còn đổi được huống gì áo với quần, anh em ai không đổi!? Thỉnh thoảng bạn bè tôi mất cả chai lẫn chì vì đang lén lút bày gà ra, bày xôi ra, bày rượu ra chuẩn bị hưởng thụ thì bị mấy “bộ đội” là thứ cháu ngoan lưu manh của Bác Hồ quỷ quái nhào vô chụp ăn. Chạy thoát là may nói gì kiện cáo ai! Chỉ tội mấy anh tù đói mất quần áo, mất cái ăn thì không gì buồn hơn!? Mấy tháng sau, chúng tôi “chuyển trại” tới Trại 9 nằm cạnh bên Dốc Bá Thở, dưới Cây Ða, đường vào Trại 12 và các Trại 13, Trại 14 phía bên trong. Bây giờ, đã có khoai mì, khoai lang của trại trồng và của hợp tác xã. Ðói quá, anh em liều “mưu sinh thoát hiểm” là lén ăn cắp từng phen mà luộc ăn, mà nướng ăn, mà cũng có thể ăn sống cho êm cái bụng cồn cào có chịu nổi đâu. Chia từng bộ phận “cảnh giác”, “quan sát”, “nhiên liệu”, “hành động”, “báo động”,… nhưng cứ bị “bể ổ” hoài bởi mấy thằng nhóc bộ đội, mấy xã viên hợp tác xã, có khi còn một chút nữa là bị bắt tại trận là toi mạng sống. Toi mạng sống ở đây là, nếu bị bắt sẽ bị “đấu tố” mà bị đánh cho tới chết một cách dã man như cầm thú. Nghĩ cho cùng, con người có khi không hơn một con vật. Tôi có một lần làm gan tham gia với bảy, tám anh em trên đồi “sắn” nằm sát Trại 9, “phi vụ” trót lọt, chúng tôi được một bữa ăn phủ phê. Ðêm đó, tôi với anh bạn Hùng, Ðại Úy An Ninh Quân Ðội bị “say sắn”, đau bụng quá trời. Hai đứa phải đi đại tiện mỗi đứa một đống to như của mấy con voi ngay trong “láng” anh em đang ngủ làm họ phải thức suốt đêm tránh sao không cằn nhằn cẳng nhẳng! Một buổi sáng, có ba, bốn anh em cũng tù với nhau vừa đi vừa la ơi ơí. Tôi nhìn thấy người đi trước hai tay cầm hai chân một con vật giống như một con chuột đã bị đánh chết, nhưng lớn gấp ba bốn lần con chuột cống nhum trong Nam. Mấy đứa nhỏ “quân đội nhân dân” của Bác và Ðảng nói là con cúi. “Con cúi” thì biết là con cúi vậy thôi, ai biết “con cúi” là con gì? Tới gần, tôi xem “con cúi” như thế nào, thì thấy nó có khác về kích thước, nhưng giống giống như con bọ, con chuột, con heo con. Hèn gì ở đây, trên những đồi hoang còn để lại nhiều hố hầm người ta đào bắt “con cúi”. Gì gì, mấy anh em bắt được “con cúi” nặng cũng có ba, bốn ký lô trưa đó cùng nhau đã có một bữa có thịt ăn với mấy khúc khoai mì là “sắn” của trại phát cho!

        Năm 1977, một số tù ở đây bị chuyển lên một nơi còn “thâm sơn cùng cốc” hơn Huyện Trấn Yên của Tỉnh Yên Bái nữa. Chúng tôi tới Xã Dương Quỳ, Huyện Văn Bàn, Tỉnh Lào Cai một chiều Hè, mưa rừng xối xả không thấy đất trời mà không có được một mái lều, một nóc nhà để đụt, anh em ai nấy ướt như chuột lội nước. Tôi không còn nhớ một vài anh bạn nào đó ngay ngày hôm sau đã vác về mỗi người một mụt măng “đấy là măng vầu”, theo Người Tày ở đây nói cho biết, đắng quá không ăn được dù có tiếc cũng đành phải bỏ đi. Vầu, một loại tre, nứa nhưng rất cao, rất to và dầy ruột hơn cho nên măng của nó có những mụt to như cái bắp vế của một người đàn ông mập mạp. Văn Bàn, Trấn Yên, Lào Cai hay Yên Bái cũng là đất của cái gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì giống nhau là “có gì đâu mà cải thiện”. Trại tôi đang bị giam giữ chắc là Phân Trại 4 nằm kế Trụ Sở Xã Văn Bàn có cây cầu treo bắc qua bên kia Làng Người Mán ở lưng chừng núi và phía dưới cầu nước chảy là con Suối Nậm Chăn? Ở đây, mình đã đói khổ, đã nhức nhối nỗi đau buồn phiền biết chừng nào mà cứ phải nghe thánh thót đâu đó tiếng con chim rõ ràng ràng như tiếng người kêu la “bắt cô trói cột”, “bắt cô trói cột”. Cứ như vậy, người tù thì “hết khoai tới bột”, “hết bột tới bo bo” mà nhìn trời hiu quạnh với núi rừng đìu hiu trùng trùng! Cái đói của người tù “học tập cải tạo” là cái đói triền miên ngày sáu khắc, đêm năm canh. Tìm cái ăn là tìm bất cứ “con gì nhúc nhích” và cây trái gì hoang dã rừng rú…để nhét vào cái bao tử réo gọi từng tích tắc kim đồng hồ rằng “chắc chết đói quá” và thân xác tàn tạ như bóng ma trơi vất vưởng chờ ngày về với ông bà ông vải! May cho tôi một lần chặt nứa, bắt gặp được một cây Vả Rừng có vài trái chín đỏ tươm mật ngọt. Tôi hái và ăn một trái ngay tại chỗ, còn lại hai, ba trái dấu kín mang về trại. Vả chín ngon ngọt biết chừng nào, có điều ăn cỡ hai trái là bỏ bữa ăn luôn một ngày, chắc vì chất đường trái cây fructose của nó chăng? Ông bạn Ðại Úy Tiên của tôi cũng ăn trái cây rừng nhưng không phải trái vả rừng to như miệng cái chén mà là trái vải rừng nhỏ như ngón chưn người ta. Còn một chút nữa là ảnh đã về âm ty địa phủ mà ngàn năm vĩnh biệt trần gian.

        Vài tháng sau không biết vì lẻ gì, chúng tôi lại một lần nữa lên Cổng Trời trên Rặng Hoàng Liên Sơn về lại Liên Trại 1 ở Xã Việt Hồng của Huyện Trấn Yên, Tỉnh Yên Bái của năm ngoái 1976 mới ra Bắc. Chúng tôi ở Trại 13 gần Hang Dơi, bên kia là Trại 14 thường gọi là Trại Hạ Sĩ Quan nhốt những Xã Trưởng, Hạ Sĩ Quan Quân Ðội, Hạ Sĩ Quan Cảnh Sát…Chính sách của cái gọi là Ðảng Cộng Sản Việt Nam đến giờ phút nầy vẫn chưa cho “thăm nuôi” nên cái đói đã vắt khô sự sống mõi mòn của người tù “học tập cải tạo” cùng kiệt đến mức nào! Ăn thì tới lui cũng mấy củ khoai lang, mấy khúc sắn, một cục bột mì, một chén bo bo, thỉnh thoảng lưng nửa chén cơm gạo rẻ tiền với vài cọng rau nấu canh nước muối và hai, ba con vịt hay gà bệnh ốm tong teo cho cả trại gần một ngàn người ăn. Ăn lúc nào cũng như chưa ăn. Cái bụng bao giờ cũng trống trơn. Thần thánh cũng phải kêu la đói, cũng có thể chết bất cứ lúc nào, nói gì “ngụy quân, ngụy quyền” chưa bao giờ trải qua cảnh đời “xuống chó” bi thảm cùng khốn đến như vậy! Một hôm đi chặt cây nhỏ về ủ làm “phân xanh”, vào rừng tôi gặp anh bạn Huỳnh Văn Thiện đang lom khom trong rẫy dong riềng đi ra với dáng vẻ vui tươi, hăng hái. Thiện nói: “tao ăn một bửa ăn dong riềng no nê. No nê cho nên tao vo, tao vọc, tao vung tứ tung như một tiềm thức trổi dậy xúc xiểm tao hành động một cách ác cảm vu vơ có ý thức sai khiến”.

        Cuối năm 1977, chúng tôi bị còng tay hai người lại một lên xe molotova chở lên Trại Trung Ương Số 1 Lào Cai ở Phố Lu trong Huyện Bảo Thắng nằm phía Bắc của Yên Bái và giáp ranh với Tàu. Từ đây, chúng tôi không còn “đi diện rộng” như ở những “láng trại” do bộ đội “quản lý” nữa mà sự giam giữ nghiêm ngặt hơn do cái gọi là Công An Nhân Dân “bò vàng” làm cai tù đảm nhiệm toàn bộ. Nơi đây, anh em giang hồ tứ chiếng đời tù bốn phương gặp nhau. Họ tù từ những Trại Cần Thơ, Long Giao, An Dưỡng, từ Cốc đến Thác Bà, từ Nghĩa Lộ qua Việt Hồng…gặp nhau đây biết kẻ còn người mất rồi lại tiếp tục “lao động là vinh quang”, “học tập tốt, lao động tốt sớm đoàn tụ với gia đình” mà cái chết đã cận kề giũa mòn, trù ẻo sự sống hắt hiu. Ở đây chẳng có vết chân người lai vãng ngoài cô liêu mây rừng gió núi vi vu với người tù “học tập cải tạo”. Ði một vòng xa ngàn dặm từ Việt Cường, Trấn Yên, Yên Bái đến Dương Quỳ, Văn Bàn, Lào Cai rồi Phố Lu, Bảo Thắng, Lào Cai, anh em tù thì thầm “sinh Nam tử Bắc” là cái chắc. Cũng như những trại đã đi qua, ở đây “có gì đâu” mà “cải thiện linh tinh”, “có gì đâu” mà mưu sinh thoát hiểm!? Một màu trời âm u, xám xịt! Mùa “thu hoạch” bắp đầu tiên ở đây, anh em bảo nhau “ăn bắp sống vừa ngon lại vừa bổ”, thật ra chỉ là bất đắc dĩ. Ai cũng ăn thử và ăn thiệt no một bao tử đói thức ăn bên trong. Ðã ăn cành hông anh em còn khuyến khích nhau dấu đem về buồng. Chắc đói, ăn cái gì không chết là ăn hết và ăn ngon vô cùng. “Ăn bắp sống vừa ngon lại vừa bổ” thật, ngày mai ngủ dậy khỏe re, có ai bị gì đâu? Tết Mậu Ngọ năm 1978 ở đây, trại phát cho mỗi tù “học tập cải tạo” một gói Thuốc Lá Ðiện Biên. Có người để lại phì phà với Xuân, nhưng đa số nhứt định “quan hệ linh tinh” với tù hình sự bên kia hàng rào “đổi chác” lấy cái bánh chưng tết hay vài lon gạo hay vài “bò lạc” để sống bớt cơ cầu. Tôi mau chưn lấy được cái bánh chưng còn nóng hổi. Bạn bè tôi người thì có vài “bò lạc” là vài lon sữa bò đậu phụng; người thì có một bọc gạo chừng một, hai ký lô. “Phi vụ” mần ăn với mấy tay tổ gian manh hình sự, thật thà dễ bị trắng tay tay trắng là thường. Mấy anh bạn tôi, có anh nhận gạo là một bịch sạn, cát, vữa của thợ hồ; có anh nhận bịch đậu phụng toàn là vỏ trộn trạo với gạch, đá vụn; có anh bị “bò vàng” bắt tại trận đang “quan hệ” thì mất hết đã đành còn bị “giũa” nặng lời và bị “ăn tiêu chuẩn 13 kí lô gam” trong một tháng trời. Tôi trong Ðội Gạch chuyên đạp đất, đóng gạch, nấu gạch…với các ông bạn Ðại Úy Chánh 101, Cảnh An Ninh Quân Ðội, Nhả Phòng 2, Thuận Cảnh Sát Dã Chiến, Ðiển Quân Pháp, vân..vân… rủ nhau ăn từ ngày nầy qua ngày kia, ăn hết rể lớn tới rể nhỏ của một cây rừng không biết tên là gì cho tới một ngày nó ngã đổ xuống giòng suối trôi đi. Mùa Ðông rừng núi Vùng Việt Bắc lạnh thấu xương tủy, chúng tôi đốt lửa ngồi cho ấm, ông bạn Ðiển với ông bạn Sơn nướng hai con trùn đất ăn. Có gì con trùn đất ngoài cái miệng của hai ông dính toàn tro than đen thui với bùn đất dơ dấy! Ðói, con gì, cái gì người ta cũng có thể ăn!

        Cuối tháng 12 năm 1978 chúng lại “chuyển trại”, đưa chúng tôi về K5, Trại Tân Lập Vĩnh Phú. Hai tháng sau, ngày 27 tháng 2 năm 1979, bọn Tàu đánh 6 tỉnh Miền Bắc nói là “dạy Việt Nam một bài học”. Năm đó Mùng Một Tết Kỷ Mùi nhằm ngày 28 tháng 1 năm 1979 trời không Xuân chút nào mà lạnh quá lạnh làm trâu, bò, dê, ngựa chết nhiều và tù “học tập cải tạo” cũng chết không thua gì vì đói rét, vì bệnh hoạn và vì nỗi đau moi ruột moi gan! Một buổi sáng mưa dầm gió Bấc, “Chánh 101” là người bạn tù thân thiết với tôi bắt đâu được một con cóc vàng rất to, bảo “thịt cóc ăn bổ lắm mầy, ăn mát lắm mầy”. Tôi ừ hữ! Chánh lột da, móc bỏ ruột gan, con cóc trắng phêu thịt như con ếch. Vậy là lần đầu tiên trong đời, tôi ăn lưng lưng một chén nhỏ nhỏ cháo cóc, cảm thấy ngon chi lạ. Mấy hôm sau, anh Lê Văn Rự là một Nghị Viên Hội Ðồng Tỉnh cũng chộp được một con cóc tía cái nhỏ hơn. Ảnh chỉ bỏ mỗi cái túi mật, còn hết thẩy da, gan, trứng, phèo phổi…nướng hết mà ăn, cũng chẳng chết thằng Tây nào. Một đêm gần sáng có nhiều tiếng cải lộn cách chỗ tôi nằm khoảng bốn, năm người. Thì ra, anh Khánh chỉ tay qua phía anh Dũng nói “nó ăn cắp đồ ăn của tôi”. Anh Dũng đưa hai tay ra phân trần “trời ơi, mình đói thấy mẹ, nửa đêm ổng cứ nhai nhai, nuốt nuốt làm sao mình chịu nỗi”. Anh em chê ông Khánh “ăn kín kín chút cha” và trách ông Dũng “đói ráng chịu ông nội”. Con người cũng là một động vật có bản năng sinh tồn nên việc mưu sinh là tất nhiên nhưng có suy nghĩ trước khi hành động. “Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay” thì sự trách móc, chê bai cũng xin châm chước cho. Ai đời tháng nầy qua tháng kia cái bụng lúc nào thấy cũng trống trơn như không có một thứ gì ở trỏng thì sự liêm sỉ có người cũng khó giữ. Thức ăn phân phát cho tù “học tập cải tạo” họa chăng chỉ đủ cho sống để chờ chết đói. Sự chi li “cân, đong, đo, đếm” đối với anh em là mẫu số chung cho sự công bằng không ai phiền hà ai. Người ta làm ra những cái cân tiểu ly sơ sài để “cân” đồ ăn cho không ai bị thiệt hơn ai. Người ta làm ra một hột tào cáo, có người cãi là hột xí ngầu, có người nói là hột xúc xắc để “đổ” ra “nhứt, nhì, tam, tứ, ngũ, lục” đố ai làm sao cho mình thủ lợi được. Người ta làm ra những cái “thẻ xin xăm” lắc tới lắc lui ra một con số cho công bằng không ai nhiều hơn ai mà cũng không ai ai ít hơn ai. Người ta “xin số” từ ai đó cho không để tự mình chọn cho mình phần to nhất, nhiều nhất, ngon nhất”…Tại K5 Tân Lập Vĩnh Phú trước những tháng giữa năm 1979 được thân nhân trong Nam ra “thăm nuôi”, những người tù “học tập cải tạo” đã sức cùng lực kiệt thèm ăn từng cục kẹo, miếng đường, muỗng bột, củ khoai, khúc sắn, con ếch, con nhái, con rắn, con rít, con chuột, con cào cào, con châu chấu…bất cứ cái gì, vật gì, con gì ăn được! Một hôm “thu hoạch” khoai lang, dĩ nhiên chẳng thằng tù nào lại chẳng vừa phủi bụi cát lại chẳng vừa kín đáo cắn rào rào những củ khoai lang sống còn nóng đất mới đào lên. Tôi và vài người bạn đào gặp những con sùng đất to bằng ngón tay cái, anh em bảo nhau: “ăn không chết đâu mà sợ”, còn “béo, bổ lắm đó”. Nghe lời, ngắt bỏ khúc đuôi đen đen, chùi sạch sẻ đất đai, tôi nhắm mắt bỏ vào miệng nhai mau mau mà “ực” một cái xuống cuống họng. Ớn thiệt! Ðằng kia Lắm, Dũng, Keng, Hưng cũng đang nhai sống ngon lành mấy con châu chấu, cào cào vừa mới chộp được.
        Tháng 12 năm 1980, chúng tôi bị lùa vào Thanh Phong rồi Thanh Lâm thuộc Huyện Như Xuân của Tỉnh Thanh Hóa. Thời gian ngắn ở Thanh Phong, Ðại Úy Anh, Trưởng Cuộc Cảnh Sát Quốc Gia đơn thương độc mã, một mình mở màn “phi vụ” mưu sinh thoát hiểm đầu tiên ở đây. Ảnh đi xa quá xa vùng đất mới lạ để tìm rẫy khoai lang mà đào, tộn cho đầy “túi ba gang”, nhưng về thì không biết đường đâu mà mò. Quẫn trí, ảnh quỳ mọp xuống đất vừa dáo dác vừa van vái “Lạy Bà Chúa Rừng chỉ đường cho con về. Con thề không dám làm một lần nữa”. Và “linh thiêng thật mậy, con đường trước mắt chớ đâu”, Anh nửa buồn nửa vui kể lại. “Con thề không dám làm một lần nữa”, ảnh đã không giữ lời thề với Bà Chúa Rừng mà cứ phi vụ nầy tới phi vụ khác. Rồi tôi đi, không biết ảnh ở lại có bị “bắn rơi” lần nào không? Bọn Việt Cộng cố ý “chỉ định cư trú” tù “học tập cải tạo” chúng tôi tại Thanh Lâm để trở thành những “công nhân tù” cho hết một đời “ngụy quân ngụy quyền”? Ở đây, rừng gỗ lim, núi đá vôi, dã thú, hoang vu, cô liêu, mịt mù sương khói hờm sẳn, chờ chôn người tù sa cơ lạc bước. Tù “học tập cải tạo” đi đâu gần như có những công việc như nhau là chặt cây, phá rừng, trồng ngô, sắn, khoai lang, rau cải, làm rẫy, trồng lúa nương, làm gạch, đập đá, xây dựng nhà cửa… nặng nề, khốn khổ hơn trâu. Và ăn thì đâu đâu cũng ít có cơm mà ăn, thường quanh đi quẩn lại chỉ khoai mì, khoai lang, “sắn dui”, “bo bo”, bột… cũng không bao giờ lưng được cái bụng. May, bây giờ một số anh em có vợ con, cha mẹ, thân nhân “thăm nuôi” cũng kha khá miếng ăn nên không đến nỗi tàn tạ chờ chết như trước nữa. Những anh em “con bà sơ” thì đói meo vẫn đói meo nhìn anh em được “thăm nuôi” mà thèm khát, mà buồn tủi thân phận bơ vơ lạc loài.

        Một hôm tôi bẫy được một con chim mỏ nhác lớn gần bằng con gà ri. Mừng quá, chúng tôi những Ðặng Vân Anh, Bùi Hữu Bằng, Trần Nhật Sô, Lê Mậu Minh và tôi “chấm mút”với nhau một hai miếng thịt chim trong tù với hai khúc sắn gần một gang tay mà hả hê nụ cười. Xã Thanh Lâm từ Xã Bãi Trành trên Ðường Mòn Hồ Chí Minh đi vào là vùng rừng sâu núi thẩm tứ bề không thấy ánh sáng tương lai đường về. Ai ai cũng bảo nhau chắc mình bỏ xác nơi đây rồi mà bi quan lời than thở “cũng đành nhắm mắt đưa chân, thử xem con Tạo xoay vần đến đâu”? Một vài con rít rừng to lớn màu vàng long lánh, chưn cẳng râu ria tùm lum thấy mà sợ, nhưng không, “đó là con ngô công, bách túc trùng, thiên long, bách cước… là thuốc quý “tức phong chỉ kinh”, “thông lạc chỉ thống” đó mấy ngài” một anh bạn làm thầy thuốc Bắc nói. “Là thuốc quý” hay không là thuốc quý, đã năm, sáu năm tù rồi, anh em đố ai mà bỏ con rít to lớn quá như vậy bao giờ? Gặp nó là cứ đập, cứ bỏ vào lửa, cứ bỏ vô miệng nhóp nhép ngon lành. Một hôm đang cuốc đất lên luống khoai lang, một con “ếch bà” vô phước nhảy vào vòng tử địa của những người tù đói khát. Một tiếng hô “ếch bà” thì đồng loạt năm người rồi mười người và có đến cả hai chục người nhảy vào chụp. Con ếch bị xé mủn xé mụn ra và người chụp ếch, có kẻ chảy máu tay, có kẻ u cái đầu, nặng nhứt có người vẹo chưn đi không được cả tháng trời, than trời thở đất “ếch ơi là ếch”. Một hôm dọn kho gạo nhà tù Trại Thanh Lâm, chúng tôi nhiều người mà bây giờ chỉ nhớ có một mình Thiện chắc giống tên họ với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện? Nhiều con chuột cha, chuột mẹ, chuột con ăn gạo nhà kho mập thù lù bị mấy anh tù “học tập cải tạo” vây bắt gần hết. Thiện người miệt dưới Cà Mau, việc bắt chuột là “nghề của chàng” nên anh ta “chốp” được nhiều, tôi chỉ vài con. Vài con, tôi giao cho Thiện làm thịt và nấu nướng thiệt là ngon. Chúng tôi sáu người ba con chuột nướng chia nhau mỗi người một nửa con. Lần đầu tiên trong đời, tôi ăn thịt chuột cũng như thịt cóc, thịt ễnh ương, thịt sùng đất, thịt rít…và các loại rau rừng hoang dã.

        Hè năm 1982 chúng tôi rời Thanh Lâm tưởng chừng chôn xác nơi đây mà xuôi Nam theo xe lửa “Tàu Thống Nhất 3” về Gia Ray rồi molotova vào Z.30C Hàm Tân, gần Căn Cứ 6 ngày xưa thời Việt Nam Cộng Hòa. Ðây cách quê tôi Phan Thiết độ chừng vài chục cây số. Ngày xưa con đường Quốc Lộ 1, khu nầy rừng lá là ổ phục kích, đào đường, đắp mô, gài mìn của mấy tên du kích Việt Cộng. Ở đây trong Nam, anh em được thân nhân “thăm nuôi” nhiều hơn, đều đặn hơn nên ai nấy nhìn có vẻ “phương phi” một chút. Nếu không có gia đình nuôi sống từ lâu thì những người tù đã “ra đi” từ những năm 1979, 1980, đâu còn phải “ăn báo cô” đến bấy giờ! Ở đây có nhiều thứ “cải thiện linh tinh” hơn ngoài Bắc đâu có gì. Núi Mây Tào ở đây nhiều rắn, cá, chim, chuột, lươn, ếch,…nhưng có một loại đặc sản chỉ có nhiều ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy là con dong. Dong dễ bắt, dễ làm thịt và ăn ngon. Nhưng thật tình, tôi chưa bao giờ ăn thịt con dong nầy một lần, ngay trong thời gian ở tù hai năm nơi đây, có lẻ lúc đó đã được bà vợ sắp cưới của tôi “thăm nuôi” đều đặn mỗi hai tháng một lần. Nếu không thì mấy con dong nầy chạy đâu cho khỏi tay tôi lột da, chặt đầu, moi ruột gan mà nướng ăn ngon lành. Một hôm anh em đang làm cỏ ruộng lúa nương bìa rừng, một con nưa dài gần hai thước trườn qua. Ai nấy sợ hãi! Tên Thiếu Úy Công An Nhân Dân là Tuấn làm “Cán Bộ Giáo Dục” của Ðội Trồng Trọt thậm thò thậm thụt rút súng lục ra bắn mấy phát, nưa cứ từ từ bò, trườn như thường. Tôi lấy cây cuốc, búa một “cuốc” xuống, con nưa bị thương nặng, giãy giụa. Vài anh bạn dùng những thanh cây to tiếp theo “phạng” mạnh vào đầu, vào mình làm con nưa không còn con đường sống. Chiều phải mất hai người cột vào cây khiêng về. Mấy anh em nấu cháo mỗi người được một tô với một khúc thịt thân con nưa bằng một phần tư gang tay. Ngày xưa nghe ba má tôi nói ăn thịt con nưa có bảy lỗ mũi sẽ chết, nên tôi đã ngần ngừ, chờ anh em ăn sao đã rồi tôi mới ăn. Một số anh em ở đây làm bẫy bắt thỏ rừng, chim quành quạch, bìm bịp, cu, sáo, cưởng, le le, vịt trời…thỉnh thoảng cũng bắt được con nầy, con kia. Cũng như những con dong, những con chuột đồng hay ngay cả những con rắn nhiều loại anh em bắt được vì đã có gia vị nên nướng, xào, chiêng hay cả nấu canh, nấu cháo…thấy cũng ngon vô cùng. Thỉnh thoảng tôi cũng bắt được những con rắn mối to trong những đống rơm rạ, hốc cây, bụi chuối hay một, hai con cắc kè da sần sùi màu xanh đỏ trong bọng cây, khe đá…nướng ăn, thịt vừa thơm lại vừa dai như thịt “gà đi bộ”. Tôi cố bắt cho được hai loại con nầy vì nghe nói thịt của chúng trị được bệnh hen suyễn của tôi. Rắn ở đây cũng nhiều, anh em bắt được nay thứ nầy mai thứ khác: rắn lục, rắn chàm quạp, rắn nước, rắn bông súng, rắn ri cá, rắn hổ hành, rắn hổ đất, rắn lục, rắn roi, rắn rồng, rắn mai gầm… đều lột da bằm nấu cháo hay để nguyên con nướng hoặc cắt khúc chiêng, xào, kho, nấu canh…không chừa thứ nào, chưa nói lấy cái mật xanh đắng nghét nuốt sống với chút nước nóng “là thuốc đại bổ đó nghen”, anh em thường cười cười nói nói với nhau như vậy và thêm rằng “rắn, thức ăn cao cấp”, thì có bao giờ bỏ lỡ cơ hội mà khen chê rắn nầy rắn kia ngon dỡ, độc hiền! Tháng 4 năm 1984 chúng tôi đưọc lệnh thả ra, nhưng phải ở lại trại đến nửa tháng trời để “trả nợ cô hồn, quỷ thần”. Vài anh em rủ nhau xuống suối câu cá, bắt tôm hay vào rừng tìm tổ ong, bẫy chim. Tôi khoái “cải thiện linh tinh” nên cũng xuống bờ suối mò bắt hến. “Hến ở đây vỏ đen rất to, thịt nhiều, ngon ngọt”, chúng tôi làm món bông so đũa xào tép mỡ với mấy con hến mới bắt được, ăn lạ miệng thấy cũng ngon ngon. Cây so đũa ở K.2 của Z30C Hàm Tân tôi đang ở, từ thời nào trước khi tôi về, người ta đã trồng chung quanh trại rất nhiều, tới mùa bông nở màu trắng phếu mà mỗi sáng, thấy lấp lánh những giọt sương mai và thoang thoảng hương thơm dìu dịu trong đêm trường tịch mịch núi rừng.
        Vậy là sáu năm tù ngoài Bắc và gần ba năm tù trong Nam, tính ra mất hết tám năm, chín tháng, hai mươi bảy ngày cộng thêm năm tiếng đồng hồ tập trung “học tập cải tạo”, tôi may mắn sống sót được trở về gặp cha mẹ già còn sống đợi con với ba đứa con dại bây giờ mới biết ba là ai; được từ giả núi rừng âm u trùng trùng lầm lũi mà đi, không còn tháng ngày chênh vênh nơi đất khách quê người đói khát, lạnh lẽo, sầu đau! Nhưng còn sống với Việt Cộng ngày nào trong tù hay ngoài tù có khác nhau cảnh khổ nhưng giống nhau cái oan nghiệt, cảnh bần cùng, đời khốn nạn.

        Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đánh chiếm Miền Nam Việt Nam bắt người dân gọi là Ngày Giải Phóng, bọn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rồi Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã làm băng hoại truyền thống gia đình và xã hội tốt đẹp của dân tộc. Họ đã gieo rắc tai ương kinh hoàng lên đầu lên cổ đồng bào. Họ đã làm cho lảnh thổ tan hoang đất cũng mất, biển cũng mất, đảo cũng mất và thụt lùi tiến bộ hằng nhiều chục năm. Họ bám trụ giai cấp lãnh đạo để hút máu, hút mủ của người dân đến tận cùng xương tủy. Họ gieo máu lửa hận thù vào lòng người anh em đồng tộc Con Rồng Cháu Tiên với nhau. Họ mang giòng máu loài quỷ sứ, yêu tinh dưới Âm Ty, Ðịa Ngục u u minh minh lên trần gian Nước Việt Nam của chúng ta mà gây bể dâu khốn cùng! Mượn lời Bình Ngô Ðại Cáo của Ðại Thần Nguyễn Trãi mà nói lên nỗi thống thiết: “Bọn gian tà bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn. Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ. Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế. Gây thù oán trải mấy mươi năm. Bại nhân nghĩa nát cả đất trời”. Tội vạ đó hiển nhiên: “Ðộc ác thay, Trúc Nam Sơn không ghi hết tội. Dơ bẩn thay, Nước Ðông Hải không rửa sạch mùi. Lòng người đều căm giận. Trời đất chẳng dung tha”. Trời đất bao la; thiên địa đổi dời; vạn vật chuyển dịch “cùng tắc biến, biến tắc thông” thì thói phi nhân, nghịch thiên lý của hết thảy bọn người mang quái thai kỳ quái, tanh tưởi Chủ Nghĩa Xã Hội hay Chủ Nghĩa Cộng Sản không tưởng sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn trong Xã Hội Loài Người. Bây giờ ngồi đây tính đi tính lại, chỉ còn hơn hai tuần lễ nữa là thêm một cái Tết sống tha huơng! Ngoài trời tuyết đang rơi, rơi nhiều hơn và trong lòng không khỏi ngậm ngùi nỗi buồn mơ hồ, mang mang, chơi vơi… ./.




        Kansas City, 22/ 1/ 2013
        ( 11/12/ Nhâm Thìn )
        Last edited by chimtroi; 01-23-2013, 08:21 PM.

        Comment


        • #5
          30 tháng 4! TÔI CHƯA MỘT LẦN SINH NHẬT

          30 tháng 4!
          TÔI CHƯA MỘT LẦN SINH NHẬT


          Sáng nay, tôi tới tiệm hớt tóc Tấn’s trên đường Independent Ave, đối diện chợ Apple Market nhờ “hớt cao tóc chú lên một chút”. Hôm nay thứ Bảy, người tới hớt tóc đông quá, phải ngồi chờ. Không biết làm gì, tôi lấy tờ Việt Báo KC lên đọc, nhưng không có gì lại bỏ xuống. Mấy người ngồi chờ, già có, trẻ có không biết làm gì, họ xoay qua nói chuyện nầy, chuyện nọ với nhau, dù không muốn nghe, tôi cũng phải nghe. Nghe câu chuyện của một thanh niên lạ lạ, trạc 30 tuổi nói như kể chuyện về mình. Anh ta tới hớt tóc “để chiều nay đi “birthday” đứa con trai cầu tự của thằng bạn rất thân mà năm nào vợ chồng nó cũng mời về tham dự cho vợ chồng nó vui. Ðến năm nay, ráng lắm tôi mới về tham dự lần đầu. Ðứa con trai cưng, độc nhứt của vợ chồng nó, nó tổ chức hết sức rườm rà, to lớn, vui vẻ, làm cho mình đôi khi cũng không biết ăn làm sao, nói làm sao”. Một người cỡ tuổi với anh ta, thắc mắc hỏi: “Có gì mà không biết ăn làm sao, nói làm sao dữ vậy”? Một người chắc ngang tuổi tôi, khoảng 70 lại nói thêm vào: “Tụi tui ở Việt Nam, từ hồi còn nhỏ cho đến già năm, sáu chục tuổi trước khi qua Mỹ có biết gì sinh nhật với sinh nhiếc đâu. Qua đây, mấy đứa nhỏ mới bày ra “sinh nhật, mừng tuổi cho ba, cho má”, mình mới biết mình già thêm một tuổi đời”.


          Nhìn tới nhìn lui, chắc nghĩ tới phiên hớt tóc của mình còn lâu, người “thanh niên trạc 30 tuổi” vừa nhìn qua mọi người vừa từ từ nói:
          - Chuyện ngày xưa lâu lắm, có từ trước khi tôi sinh ra, được nghe kể lại. Ba tôi là một Ðại Úy, Tiểu Ðoàn Trưởng Ðịa Phương Quân của Tiểu Khu Khánh Hòa. Lúc mà Nha Trang không còn chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nữa, ngày 4 tháng Tư năm 1975 ba tôi dắt một số lính chạy giặc Việt Cộng. Nói thì chạy, nhưng thỉnh thoảng cũng đụng trận với mấy tên Việt Cộng nằm vùng địa phương. Lúc đầu, lính tráng còn đông, còn chỉ huy được, nhưng từ từ mỏn lần và cuối cùng thì mạnh ai tìm đường nấy mà đi. Ba tôi bỏ súng, bỏ áo quần lính mà đi tay không với bộ đồ người dân thường, tới đâu kiếm ăn đó. Nhiều khi đói, mệt, còn phải giành giựt đường đi với người ta, ba tôi tưởng như không sống nỗi. Khi thì đi bộ, khi đi ghe, khi thì quá giang xe đò, xe Honda… ba tôi đi tới đâu thì y như rằng chỗ đó đã bỏ ngõ. Tới Phan Rang ngày 16 tháng 5 thì Phan Rang đã không còn ai bóng dáng người lính Việt Nam Cộng Hòa, có chăng là vài ba mén du kích Việt Cộng bắn vài viên đạn AK lạc lỏng thị uy. Tới Cà Ná, Hòa Ða của Bình Thuận thì tình trạng như vào cơn hỗn loạn, không có Việt Cộng cũng không có Quốc Gia, mà có quá nhiều khủng khiếp, hãi hùng. Ngày 19 tháng 4 sắp vào Thị Xã Phan Thiết thì nghe “đã giải phóng?” rồi. Và cứ như vậy, ba tôi xuôi Nam vào Sài Gòn, về Củ Chi vào chạng vạng ngày 30 tháng Tư năm 1975, sau khi ông Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng. Trước đó gần một tháng, má lớn của tôi dù sắp tới ngày sinh đẻ anh tôi, cũng hớt ha hớt hãi chạy ra Long Khánh, ra Vũng Tàu tìm ba tôi bấy giờ đang ở đâu. Tôi gọi là “má lớn” vì tôi là đứa con của người vợ sau của ba tôi. Không biết làm sao, chưa tới một tiếng đồng hồ sau, thì mấy tên nhóc hàng con cháu ngày xưa ở cùng Xóm Chùa, bây giờ làm Xã Ðội Xã An Phú và Cộng An Xã An Phú đã vào nhà còng tay ba tôi dắt đi, lý do “thành phần nguy hiểm”. Bà nội tôi van lơn “Vợ nó sắp đẻ”; má lớn tôi van lơn “Hai con tôi còn nhỏ dại lắm”; hai anh lớn tôi năm tuổi, ba tuổi đứng nhìn, la, khóc thảm thiết. Ba tôi, mấy ngày không có một hột cơm và vẫn bộ đồ chạy loan tả tơi, nhìn mẹ, nhìn vợ, nhìn con mà nưóc mắt rưng rưng, uất nghẹn không nói được một lời! Ba tôi muốn rờ đầu hai con mà thương lần chót; muốn cầm tay nói với nội tôi vài lời; hun mẹ lớn tôi một cái từ biệt, nhưng phần vì hai tay đã bị còng rồi và hai đứa Cộng An đã kềm, kẹp, kéo, lôi ba tôi đi. Không biết có phải tới ngày sinh đẻ hay vì quá xúc động mà má lớn tôi lại đau bụng đẻ vào 9 giờ đêm ngày hôm đó, ngày 30 tháng 4. Lúc bấy giờ tìm không ra “cô mụ” để đỡ đẻ, má lớn tôi đau bụng quá, la khóc biết chừng nào, được mấy chị và em của má lớn tôi khiêng võng chạy tới chỗ nầy rồi chạy tới chỗ kia. Anh của tôi được đẻ ở dọc đường và cũng đã chết ở dọc đường. Má lớn của tôi, nghe nói ra máu nhiều quá, khiêng về tới nhà thì cũng qua đời luôn, lúc đó gần 12 giờ khuya.


          Sau nầy, dù đã già lắm rồi, mỗi lần kể lại những chuyện trên, bà nội tôi lại nức nở khóc và không bao giờ quên “chữi cha mấy thằng Việt Cộng ác đảng, 30 tháng 4 “giải phóng” gì, giải phóng cho người ta chết, ngưòi ta đi tù ”. Từ ngày bị bắt đi tù, ba tôi bị nhốt kín trong một phòng giam nhỏ đủ có một chỗ nằm dài trên một bục xi măng thấp có ánh đèn lờ mờ ngày đêm và thức ăn khi thì khoai lang, khoai mì; khi thì bo bo, cơm độn…ăn không đủ tráng men dạ dày, nói gì qua loa ngày hai bữa. Rồi bị “chuyển trại” nay chỗ nầy, mai chỗ kia, nhiều nơi không biết là đâu. Mấy tháng sau ổn định hơn, ba tôi mới biết mình về Cần Thơ rồi ra ngoài Bắc. Ở đâu ở, ba tôi nói cũng trong rừng sâu, núi thẩm, đói ăn, thiếu mặc hết trơn mà làm lụng thì cực lực. Mấy năm ở Yên Bái, ở Lào cai, ở Vĩnh Phú, ở Thanh Hóa…sống chết với sơn lâm chướng khí, tưởng không nhìn thấy lại mẹ và các con trong Nam. Những người bạn tù với ba tôi, đa số được “thăm nuôi” hay nhận được “quà” gởi, nhưng ba tôi thì không. Ba tôi biết, bà nội tôi nghèo lại già, việc nuôi dưỡng hai đứa cháu nội không cha, không mẹ đã là khổ lắm rồi, làm sao từ trong Nam lặn lội ra tới đất Bắc mà thăm con trong rừng, trong núi đèo heo!? Tháng 9 năm 1982, tức đã 7 năm gần 5 tháng, ba tôi được thả về từ Trại Thanh Lâm, Tỉnh Thanh Hóa, lúc hai anh của tôi, người đã 12 tuổi, người đã 10 tuổi rồi và tôi thì chưa biết đang ở đâu. Về lại cố hương “Thành Ðồng Vách Sắt?” ba tôi sống lại nghề ông bà là làm nông trong Ðội Sản Xuất Nông Nghiệp do một người bạn học của ba ngày xưa trốn lính làm đội trưởng. Bà nội tôi mua đi bán lại những thứ hoa màu miệt vườn như trái cây, rau cải, củ khoai, củ đậu. Hai anh tôi đã đi học lớp Tư và lớp Hai. Nhà cũng sống khó khăn, khốn khổ qua ngày đoạn tháng và nỗi buồn nhớ má lớn của tôi không làm sao mà nguôi ngoai cho được.


          Cuối năm, một cô giáo Tiểu Học từ Sài Gòn cách chừng 70 cây số, tình nguyện về Củ Chi dạy học. Hai anh tôi học ở đó vừa học giỏi lại vừa lễ phép, cô giáo mến thương. Một hôm thình lình, cô giáo tới nhà thăm hai đứa học trò của mình. Nhà, bà nội tôi đi bán ngoài chợ nhỏ chưa về; hai anh tôi ra ngoài ruộng bắt dế; chỉ có ba tôi đang ngồi trong bếp lụm cụm nấu cơm chiều. Không biết hai người ăn nói làm sao mà đầu năm 1983, cô giáo nhỏ hơn ba tôi tới 10 tuổi chịu về làm vợ ba tôi. Cô giáo theo chồng cày cấy, cuốc đất, làm vườn, sống đời cực nhọc nơi thôn dã, bỏ nghề dạy học, bỏ thời con gái thị thành. Ngày 30 tháng 4 năm sau, năm 1984, tôi sinh ra đời cùng ngày và cùng căn nhà má lớn tôi chết trước đó 9 năm. Vậy thì, tôi là con út của ba tôi và con đầu lòng cũng là con một của má tôi là cô giáo từ Sài Gòn lên. Không nói gì ba má tôi, bà nội tôi mà cả hai anh tôi nữa rất thương tôi “thằng nhỏ chút xíu mũm mĩm”. Năm 1986, hai anh tôi, người lớn mới 16 và người nhỏ mới 14 phải nghỉ học “vì ba các em là một Ðại Úy Ngụy Quân”. Cả nhà buồn vô cùng, nhìn nhau chết điếng! Ba tôi đau xót ruột gan “thôi rồi, các con không còn tương lai”! Bà nội tôi ôm hai anh tôi vào lòng không nói được một lời nào mà nước mắt cứ chảy dài, chảy dài. Hai anh tôi buồn nhiều, không muốn nói chuyện với ai và hình như có mặc cảm là con “ngụy quân, ngụy quyền”. Ðầu năm 1988, anh lớn tôi bị bắt đi “nghĩa vụ quân sự” ở Kampuchia, dù ba tôi đã trình bày nhiều lý do được miễn, trong đó có lý do đi HO. Chiến trường Kampuchia ác liệt nhất là những năm 1976-1977 và 1978-1979. Anh tôi qua một năm trước khi “Quân Ðội Nhân Dân” của Việt Cộng rút về năm 1989. Vài tháng sau, ở nhà nhận được tin một cách qua loa, ảnh đã chết vào ngày 30 tháng 4 năm 1988 tại Huyện Moung Ruessei, Tỉnh Battambang, không tìm ra thi hài. Tại sao cứ phải là ngày 30 tháng 4? Cả nhà, ai cũng thắc mắc: 30 tháng 4 mất nước; ba tôi bị bắt đi tù; má lớn tôi đi đẻ, chết; anh út của tôi mới sinh ra, chết; tôi ra đời và lớn lên; anh tôi đi lính chết mất xác ở Kampuchia…! Rõ ràng ràng, ngày 30 tháng 4 là ngày tang tóc, ảm đạm, đau buồn, đen tối biết chừng nào cho gia đình chúng tôi! Ngày không có nụ cười! Lớn lên, tôi dần dần thấm thía biết mấy nỗi đau của gia đình!
          Giữa năm 1993, gia đình tôi HO. 17 qua Mỹ vào một chiều Hè tại Phi trường Quốc Tế vùng Nam Cali nóng ấm là San Diego Airport thường được gọi là Linbergh Field, lúc tôi vừa tròn 11 tuổi. Những người bạn của ba tôi, tôi không biết từ đâu đến đón gia đình tôi thiệt là đông và nhiều xe hơi quá chừng, long trọng như thể nghênh đón một vị quan chức nào lớn lắm mà tôi vẫn thường thấy trên TV ở Việt Nam. Sau mới biết, đó là những người trong Hội Cựu Quân Nhân và mấy nguời bạn lính cũng như bạn tù của ba tôi. Bà nội tôi sau đó hai năm thì qua đời một cách êm ả, bình thản như người ngủ một giấc ngủ dài thật dài, nhưng hình như vẫn còn nét mặt buồn rười rượi! Ba tôi qua Mỹ lúc 51 tuổi, làm ngày làm đêm, bây giờ đã nghỉ hưu. Tưởng về hưu đi đây đi đó hay dưỡng già, nhưng ba tôi lại mệt, có lẻ còn hơn cả thời đi làm hảng xưởng. Ba tôi phải coi sóc mấy đứa cháu nội, con anh Ba tôi và ngay thằng con trai tôi mới hơn hai tuổi, “để ba má nó đi làm”.


          Má tôi mới hơn 60 tuổi, còn phải “cày” thêm vài năm nữa mới được “full retire”. Bà cụ cứ than hoài: “Tao thấy mệt lắm rồi. Hồi trẻ dạy tụi nhỏ một ngày mấy lớp; đi cày đi cấy nặng nhọc cách mấy cũng không đến nỗi nào “oải cả người” như bây giờ tuổi già, sức yếu”. Ở San Diego, ba tôi tích cực tham gia trong những sinh hoạt cộng đồng, hội đoàn Người Việt Quốc Gia như Hiệp Hội Người Việt San Diego, Lực Lượng Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa San Diego, Hội Người Việt Cao Niên San Diego…Không những không bao giờ bỏ qua một buổi lễ Kỷ Niệm Ngày Quốc Hận 30 tháng 4 năm 1975 nào, ba tôi còn bảo vợ, con “Tụi bây phải đi để nhớ ngày đen tối của đất nước và ngày đau thương của gia đình”. Ở nhà, hoặc chiều hoặc sáng ngày hôm đó, ba má tôi làm lễ giỗ cho má lớn và hai anh của tôi. Lễ giỗ, cúng đơn sơ những món ăn chay thanh đạm. “Cúng để tưởng nhớ người thân quá cô, không phải là dịp ăn uống, cười vui”, ba tôi thường nói như vậy. Ở Mỹ, tôi thấy người ta cứ cúng giỗ vào mấy ngày cuối tuần để có đông người tới lui ăn uống no say, ca hát, la hét ồn ào. Ba tôi thì nhất định, “Mất ngày nào là cúng đúng ngày đó, không bao giờ cúng trước hay cúng sau để mất đi ý nghĩa thiêng liêng và đạo lý gia tộc”. Tôi sinh ra ngày 30 tháng 4 năm 1984, bây giờ đã 29 tuổi đầu, chưa một lần được làm sinh nhật. Ở Việt Nam, tôi ở trong một xã thuộc huyện nhà quê ở Củ Chi, không nghe ai nói tới sinh nhật sinh nhiếc gì cả, không có thì không nói làm gì. Ở Mỹ, sinh nhật người ta coi trọng biết chừng nào. Trong nhiều hảng, xưởng không đông người lắm, ai cũng biết ngày nào là ngày “birthday” của ai để mua thiệp, mua quà, mời đi ăn, chúc mừng, ca hát “Happy birthday to you. Happy birthday to you…”.


          Mấy đứa nhỏ Việt Nam lớn lên ở Mỹ cũng quý ngày “birthday” của chúng nó vô cùng và cha mẹ cũng lo cho và vui với tụi nó. Tôi từ San Diago lên đây ngày hôm qua cũng vì sinh nhật đứa con thằng bạn thân nối khố ngày xưa cùng xóm cùng làng ở Việt Nam. Ðã mấy năm nay, hứa tới rồi hẹn lui, năm nay tôi mới đi được. Tôi ở San Diego bên Cali lên đây cũng xa tít mù mù trên hai ngàn cây số đường máy bay và cũng cả bốn tiếng đồng hồ, nhưng thấy trong lòng cũng vui vui và không mệt mỏi gì. Nhưng tôi, ở Việt Nam không nói làm gì, ở Mỹ từ 1993 đến nay cũng hai chục năm rồi, có thấy sinh nhật nào cho mình đâu!? Tôi không có sinh nhật, tại tôi sinh vào “ngày đen tối của đất nước và ngày đau thương của gia đình”, như ba tôi thường nói. “Vui gì ngày 30 táng 4 đó mà birthday, mà sinh nhật”, má tôi còn nói thêm. Riết rồi, tôi thấy ba tôi, má tôi nói cũng có lý, cũng chí tình và thấy, hình như có nỗi đau uẩn uất trong lòng của song thân mình, làm cho mình đôi khi cũng không biết ăn làm sao, nói làm sao. Và những ngày tháng đó, nếu có ai mời vui chơi đâu đó, tôi thường từ chối khéo. Ðặc biệt năm nay lên đây vì bất đắc dĩ và chắc chỉ một lần nầy thôi. Bạn bè tôi thường hỏi: “sao không thấy mầy có “birthday”? Cười khỏa lấp, tôi lập y khuôn lời nói của ba má tôi, rằng: “ Ngày mất nước, có vui vẻ gì mà làm sinh nhật”. Tôi không muốn nói thêm, ngày đó còn là ngày tang tóc của gia đình tao.


          Người thanh niên như còn trớn, định nói thêm điều gì nữa, nhưng Tấn nhìn về phía anh ta, nhẹ nhàng nói: “Tới phiên anh hớt”. Anh cuối đầu chào tôi và lên ghế ngồi hớt tóc “để chiều nay đi birthday đứa con trai cầu tự của thằng bạn rất thân”. Qua câu chuyện không mấy vui của anh ta và thực tế đã nhìn thấy qua mấy chục năm nay, tôi ngồi nghĩ, cái ngày mà Việt Cộng chiếm Miền Nam gọi là Ngày Giải Phóng, thật sự cả Miền Nam Việt Nam bắt đầu đổ nát, tang thương. Người Bắc được dịp làm giàu. Người Nam mất mát, chết chóc, cùng khổ! “Ngày Giải Phóng?”, tạo ra ghét nhau giữa hai miền, Bắc từ Vĩ Tuyến 17 trở ra và Nam từ Vĩ tuyến 17 trở vào, vì Bắc vào là cai trị, là ăn cướp, là hà hiếp mà Nam thì bị “đổi đời” không còn gì, ngay cả mạng sống. Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, giang sơn, đạo lý, truyền thống, mỹ tục của cha ông giữ gìn từ ngàn năm nầy qua ngàn năm khác đã bị tiêu tan bởi cái chủ nghĩa ngoại lai không tưởng Cộng Sản. Cộng Sản kiểu bán nước cho Tàu mà mất đất, mất đảo, mất biển. Cộng Sản kiểu ăn cướp tài sản của dân nghèo mà thành triệu phú, tỷ phú và dân nghèo thì phải đi làm đĩ khắp năm châu để kiếm ăn mà sống. Cộng sản kiểu người dân kinh hãi, thấy đâu đều tìm cách chạy trốn đến nỗi chết trôi sông, trôi biển, chết trong rừng sâu núi thẩm. Người bạn trẻ trong hoàn cảnh đất nước tan hoang lại đau nỗi đau gia đình oan khiên, vụn vỡ…thì niềm vui tìm đâu ra cho ngày sinh nhật của mình!? Thôi thì “30 tháng 4! Tôi chưa một lần sinh nhật” cũng phải. Xin chia buồn anh bạn trẻ sinh bất phùng thời. Mong đất nước một ngày không xa, bóng dáng Cộng Sản không còn trên đất nước thân yêu của chúng ta. Người Việt Nam chân chính đứng lên cầm nắm và xây dựng quê hương là một nước Việt Nam độc lập, phú cường, hạnh phúc…

          NGUYỄN THỪA BÌNH
          Ðể nhớ ngày 30 tháng 4 năm 1975

          Comment


          • #6
            Dân chơi cầu 4 cẳng

            Ông Huỳnh Văn Thiện một phần dưới con mắt tôi là một anh bạn thông minh, lì lợm, ngang tàng, "chịu chơi", và đặc điểm là chí tình, chí cốt với bạn với bè. Tôi sống đời tù với ổng 6 năm trời từ Biên Hòa năm 1975, ra Hoàng Liên Sơn ở Yên Bái, ở Văn Bàn, ở Lào Cai rồi Tân Lập Vĩnh Phú đến cuối năm 1980 sau khi vào Thanh Phong, Thanh Lâm ở Thanh Hóa mới thôi. Ông Huỳnh Văn Thiện một phần nữa, tôi nghe mấy anh em bạn đồng hương Thừa Thiên-Huế, đồng Khóa 2 Học Viện CSQG “mắc ơn” ổng rất nhiều, rất nhiều. Họ đã nói: “ổng đã nuôi gia đình tôi”, “ổng đã xây dựng việc làm cho cả nhà tôi”, “ổng đã cưu mang, và chạy chức chạy quyền cho tôi”…Tôi biết ổng. Người ta nói “Dân Chơi Cầu 3 Cẳng” ở Chợ Lớn để chỉ mấy tay anh chị “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Tôi thì tôi thấy ông Thiện, nói đúng hơn là ông Huỳnh Văn Thiện, hay nói rõ hơn là ông Phó Trưởng Ty CSQG Tỉnh Thừa Thiên, hoặc chi tiết hơn là Thiện Điếc, Thiện 8 ngón, Bát Chỉ Thần Cái, Thiện Huế, Ấm Thiện, Mệ Thiện…đáng là Dân Chơi Cầu 4 Cẳng, vì Cầu 3 Cẳng đã có tứ chiếng giang hồ cát cứ rồi.


            Huỳnh Văn Thiện 46 Năm K.2 Họp Mặt năm 2013

            Hôm nay, tôi viết tặng người bạn tôi một bài viết có tựa đề là Dân Chơi Cầu 4 Cẳng, mà nội dung có nhiều chữ ma, nhưng không phải là ma của người chết đội mồ dưới đất chun lên đâu. Xin bắt đầu dưới đây nhé:
            Cụ Phó Huỳnh Văn Thiện thiệt là ma mãnh, ma le, ma lanh ( tiếng Pháp là malin ) lắm, nhưng không phải ma cô ( tiếng Pháp là maqueau ), ma cạo, ma cà bông ( tiếng Pháp là vagabond ), hay dữ dằn, khiếp đởm như loài ma quái, ma quỷ, ma cà rồng ( tiếng pháp và tiếng Anh là vampire ), hay là mánh mung, thủ đoạn kiểu mafia, ma nớp ( tiếng Pháp và tiếng Anh là manœuvre ) ghê gớm chi mô. Nói thiệt, cụ Thiện nhà ta không ma lanh, ma mãnh…thì làm sao nhóc con mới ra trường nhảy tót lên bàn độc Phó Ty CSQG Thừa Thiên ngồi? Dẫu gì cụ cũng được ma măng là người mẹ ( tiếng Pháp là maman ), mà Thiện thường gọi là ma me có nghĩa là mẹ của tôi ( tiếng Pháp là ma mère ) không phải các ma sơ ( tiếng Pháp là ma sœur ) là chị của cụ chăm sóc kỷ quá đứa con cầu tự, nhất là những khi Thiện ma lách tức là bệnh ( tiếng Pháp gọi là malade, và tiếng Mỹ gọi là sick ) cho nên, cụ có ham chơi, có luông tuồng, có ngang tàng, có bị một ma lực, ma chước nào đó đi nữa cũng khó lọt vào vòng kim cô các thứ ma như ma túy, ma men, ma tình, ma ri sến ( từ tên Maria Schell, minh tinh Áo ) để ngâm nga câu thơ tương tư “đa tình tự cổ không dư hận, thử hận miên miên vô tuyệt kỳ”, những thứ mà dễ bị ma đưa lối quỷ đưa đường vào nẻo trời ma giáo hun hút, mà biết đâu trở nên tay ma đầu giáo chủ cũng nên!? Ổng chỉ nói còn một chút nữa là bị Ma Da "bắt" chết đuối ở sông Hương lúc còn nhỏ mà thôi. Nhớ thời ở tù Việt Cộng gọi là “học tập cải tạo”, trông Mệ Thiện nhà ta ma lem ma luốc như rứa, nhưng có ai biết gan to hơn mấy con ma mút thời tiền sử ( tiếng Pháp là mammouth, và tiếng Anh là mammoth ), dám ôm lựu đạn cứu người để thành Bát Chỉ Thần Cái hay Bát Chỉ Đại Vương?


            Mệ Thiện tại tư gia năm 2016

            Nên nhớ, cậu Ấm làm là vì tấm lòng với dân, không để VC giết oan đồng bào mình lúc giải trí trong rạp hát Tân Tân ngoài Huế, chứ không phải để “dợt le” đám Ma Nữ Đa Tình hắc ám trong giới ma đạo giang hồ đầy mưu ma chước quỷ đâu nhé; cũng để cho đồng bào thấy, Bạn Dân đâu chỉ biết xài ba cái thứ dùi cui ma trắc ( tiếng Pháp là matraque ) không đâu. Khi ở tù ra, không nghề cũng chẳng nghiệp, Bát Chỉ Đại Vương hay Bát Chỉ Thần Cái đi tìm việc đủ nơi, khi thì về lại Ma Lâm ở Bình Thuận, lúc thì xuống Ma Thiên Lãnh tận Tây Ninh, nhưng cũng không có việc gì mà làm. May có thằng lính ngày xưa của ổng làm tài xế chiếc xe đò cà tàng nhận vào làm “lơ”. Nghề lơ, mỗi sáng quây cái ma ni ven ( tiếng Pháp là manivelle, và tiếng Mỹ là cranking handle ) cậu Ấm mệt bỡ hơi tai, chiếc xe cũ rích chạy bằng dầu cặn ma dút ( tiếng Pháp là mazout, và tiếng Mỹ là mazut ) cũng không muốn nhúc nhích! Sống đời ma bùn ( tiếng Pháp là maboul ) cùng khổ, còn làm công dân hạng 2, cậu Ấm mộng vượt biên dù có trôi dạt qua Ma Ní là thủ đô Manila của Phi Luật Tân, hay xuống tận quần đảo Madagascar ở dưới châu Phi, hoặc may mắn hơn dạt vào thủ đô Madrid của Tây Ban Nha ở châu Âu, vẫn phải đi. Không đi được, Thiện “binh” đường gan góc, chông chênh ngục tù, mà cái chết như chỉ mành treo chuông. Anh làm nghề ma két tinh ( tiếng Pháp và tiếng Mỹ là marketing ) rất thịnh hành hồi đó là đi buôn, đi bán trầm hương, kỳ nam.


            Bát Chỉ Đại Vương phu nhân thời xuân sắc

            Bát Chỉ Thần Cái băng rừng lội suối vùng ma thiêng nước độc chạy ma ra tông ( tiếng Pháp và tiếng Mỹ là marathon ) khắp trong Nam, ngoài Bắc với mấy tên sĩ quan công an, bộ đội Việt Cộng “hẩu xực ”có khi còn tự nguyện làm “tà lọt” cho mình. “Dân Chơi Cầu 4 Cẳng” không hổ “danh bất hư truyền”, đếch có ngán thằng nào với thằng nào. Nhưng tôi hỏi to thiệt là to ông Thiện nhé, bởi bây giờ ông điếc nặng là Thiện Điếc mà: “ông có ngán con Ma Vú Dài ở khám Chí Hòa không? Không, ổng trả lời. Tôi hỏi tiếp: “ông có ngán con Ma Nhà Họ Hứa là Hứa Tiểu Lan nhà chú Hỏa không? Không, ổng trả lời cộc lốc nữa. Phải rồi, ổng là Ma vương còn sợ ai nữa? Quỷ bắt cũng phải tha, ma thấy cũng phải chạy mà! Lại nhớ thời ổng làm Chỉ Huy Trưởng CSQG Quận Hòa Đa, dù đã biết câu nói: "cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận", nhưng vẫn dám tới Ma Lâm ở Thiện Giáo, Bình Thuận, vùng xôi đậu tranh tối tranh sáng giữa 2 lằn đạn Quốc- Cộng chết như chơi, lại thêm nổi tiếng nhiều ma. Ở đây có Ma Lai, một loại ma mà ở Phan Thiết người ta gọi là Ó Ma Lai ai nghe tới cũng sợ; chưa kể, ban đêm người ta thấy bóng Ma Trơi chập chờn, và nghe tiếng Ma Gáo là những cái đầu lâu lăn lổn cổn lảng cảng. Thiện “đếch” có ngán thằng Tây nào, ngay cả ở đây còn có Ma Dú nữa, một loại ma chuyên bắt người đem “dú” là dấu kín trong các bụi cây rậm ri rậm rịt, và miệng thì đầy đất bùn. Ảnh cũng nói cho biết, khi lên Lâm Đồng chơi, có ghé vào Madagui, người ta kể chuyện đáng sợ về Ma Xó rằng thì là uống 1 ngụm nước, Ma Xó đếm 1, uống nước ngụm thứ 2 Ma Xó đếm 2... đâu có làm cho Bát Chỉ Đại Vương vốn là tay điếc không sợ súng thì “ma rốc cốc keng” đâu đáng sợ phải không?


            Cụ Phó Thiện với vợ ở Dubai năm 2017

            Vài người Mạ ở đây còn nhát Mệ rằng thì là còn có những con Ma Trành là loại ma dụ người đến cho cọp ăn thịt để được giải thoát; hay Ma Hời ở Bình Thuận chạy nạn lên đây bắt người đòi nợ.“Ô la la! Toàn là chuyện ma hoặc, ma ám”, Mệ cười sằng sặc, vung vãi cả nước “xuống chó” cụ Phó nhà ta đã qua Ma Cao, một tô giới của Bồ Đào Nha trên đất Tàu để “xả xui” mất chức, mất quyền ngoài Huế. Qua Ma cao, cụ ăn chơi thả giàn “trả thù dân tộc”. Người ta lo đủ thứ ma thuật làm mê hoặc mình thì có, đâu có ma nầy, ma kia tung hoành dọc ngang như ma trận trong toán học nhát người như ở Việt Nam mình. Cái lạ là Bắc Việt chúng ta có cả một dòng họ nhà Ma nổi tiếng của Ma Ngọc Bảo, Ma Văn Thực...ở Phú Thọ. Buồn nỗi buồn lênh đênh “ba chìm bảy nổi”, cậu Ấm Thiện thường vào Sài Gòn giải sầu trong khách sạn, nhà hàng Majsestic, họa hoằn có “ăn chay” cho phải đạo, cũng ăn Maggi seasoning gốc Switzerland của Pháp, của Đức chứ không nước tương Vị Trai Lá Bồ Đề của nhà Chùa bao giờ.


            Cậu Ấm Thiện đón vợ chồng tôi ở phi trường Los Angeles

            Là dân chơi - Dân Chơi Cầu 4 Cẳng- mà, Bát Chỉ Đại Vương có cái bụng cái dạ khoái “tang bồng hồ thỉ”. Nay cậu đi Ma-rốc ( tiếng Pháp là Maroc, và tiếng Mỹ là Morocco ) ở tận châu Phi. Mai cậu đến Hawaii lặn rạn san hô Maro ( tiếng Pháp là récif Maro, và tiếng Mỹ là Maro reef ) mò vàng rơi. Mốt cậu lại về California tắm biển Malibu ngắm tiên nữ trần thế. Biết rằng, Malibu, một bải biển dành cho con ông cháu cha nhà giàu Hollywood! “Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng; nhất trạo giang sơn tận địa duy” thiệt là cậu Ấm Thiện, Mệ Thiện, cụ Phó Thiện! Bây giờ tuổi đã quá “thất thập cổ lai hy”, ngồi nghĩ lại cuộc đời được kỳ cọ, ma sát đến tận xương thịt, tim gan, ông Phó nhóc con ngày nào mới ngộ ra rằng, đời nặng mùi tục lụy, lắm đắng cay, chung cuộc rồi cũng chẳng được gì, chi cho bằng sống thanh đạm nếp sống "ma chay" bên người vợ đã từng ngọt bùi, đắng cay vớí mình thì hơn. Mệ phán: “ma chay không phải là đám tiệc đám tùng gì cho người chết, mà ma chay với Bát Chỉ Đại Vương nầy là sống chân chất, đạm bạc, thuận hòa bên vợ, bên con lúc tuổi già bóng xế, để một mai mình có chết ra ma đi nữa thì hồn ma bóng quế của mình cũng không ân hận gì, có khi còn “phiêu diêu nơi miền cực lạc” cũng nên”. Bát Chỉ Đại Vương, Bát Chỉ Thần Cái đã cải tà quy chính thiệt sao? Nếu thiệt, xin chúc mừng, chúc mừng cái thuở “gươm đàn nửa gánh, non sông một một chèo” qua đi, qua đi dưới cầu; bay đi, bay đi trên trời cao đến đây là “un point final” phải không, phải khôn Mệ?
            Nguyễn Văn Sáu,
            Kansas City, 20/5/2017
            Last edited by Phòng Trực; 06-07-2017, 12:56 AM.

            Comment


            • #7
              CHO NGÀN SAU LƠ LỬNG VỚI NGÀN XƯA - Nguyễn Thừa Bình

              Sáng nay cùng với ba ông bạn đến Nguyen Pho & Grill ở 500 Grand Blvd, Kansas City, MO 64106 ăn sáng, uống cà phê, chuyện gẫu, và nghe Trần-thiện-Thanh đang hát “Thôi em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, để anh buồn như anh chàng làm thơ…”, tôi liên-tưởng đến hai câu thơ chót bài thơ “Ngập-ngừng” của thi sĩ Hồ-Dzếnh “Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ. Cho nghìn sau lơ-lửng với nghìn xưa”. Bởi vì có “nghìn sau lơ-lửng với nghìn xưa”, tôi mới chạnh nghĩ ra mình với bạn bè mình, với đất nước mình mấy chục năm nay có trước có sau gần một thế-kỷ. Nhớ thời sống ở nhà quê “Cây số 6 “ Phú-lâm, Hàm-thuận; thời nơi Đức-long, thị-xã Phan-thiết; thời “xếp bút-nghiên theo việc binh-đao” rày đây mai đó; thời nước Việt-nam Cộng-hòa mất vào tay Việt-cộng gọi là Giải-phóng, và thời bây giờ đây đang sống ở đây Kansas City của Missouri đã hai mươi lăm năm…


              Bia-đài Đức-long, Phan-thiết

              Trí nhớ mù-mờ, áng chừng năm 1949 gia đình tôi xa phố-phường Phan-thiết “bỏ phố lên rừng” sống đời thôn-dã ruộng vườn ngay cây số 6 đường vào Sài-gòn. Ở đây, vài ngày lính Pháp trông dữ-dằn trên đồn “Ngả-hai” lại đi “patrouille” một lần, ai cũng sợ. Chiều chiều mấy mén du-kích Việt-minh trông hiền khô lẻn về tuyên-truyền được cảm-tình bà con hơn. Mấy năm ở đây, cuộc đời lam-lũ đã đành đời gia-đình một nông-dân, nhưng không khổ bằng lúc thì Pháp lúc thì Việt-minh. Chừng tám, chín tuổi tôi đã chứng-kiến anh Dục, con trai của người bác Họ theo Việt-minh bị lính Pháp bắn chết bên nhà hàng xóm. Tôi cũng thấy chừng một tiểu-đội lính Việt-minh phục-kích trước nhà để giật mìn đoàn “convoy” Pháp ngay cây số 6 “cõng” đồng-đội bị thương chạy vào Cát. Sống đã cực-khổ mà không đủ ăn, lại phải chịu nghịch-cảnh giữa hai lằn đạn Pháp, Việt-minh gần 3 năm trời, gia-đình tôi năm 1951 trở về lại Phan-thiết. Có sống ở nhà quê, tôi mới nghiệm ra một điều, việc mà tiêu-diệt du-kích Việt-minh thì không dễ chút nào thời đó, và sau nầy chính quyền Việt-nam Cộng-hòa làm sao mà “lùng và diệt” cho hết bọn Việt-cộng!? Việt-nam Cộng-hòa bắt chính ngay Viêt-cộng mà còn phải xử tới xử lui theo luật, nhưng Việt-cộng muốn cắt cổ ai là cứ cắt để khủng bố. Việt-nam Công-hòa làm sao có đủ lính, đủ người, đủ của… để bảo-vệ an-ninh cho hết đồng-bào được ở những nơi thôn-dã xa xôi, là những nơi Việt-cộng dễ lộng-hành?
              Tôi về Đức-long, Phan-thiết thời mà đèn đường mấy năm sau mới có. Nơi đây lúc thì làng, lúc thì ấp, lúc thì hộ, lúc thì phường trừ “phố Năm căn” ra, lẹt đẹt chỉ có mấy căn nhà mái tranh, vách lá chung-chạ với mả mồ người Việt, người Hời chết từ thuở nào xa xửa xa xưa. Con đường Trần-quý-Cáp trọn-lỏn giữa sông và biển nằm trong lòng những đụn cát trắng đầy những đám xương rồng, cỏ dại, lang thang vài con chó hoang, mèo hoang ngẩn-ngơ! Con đường dẫn lên Bia-đài, đồn Chữ-y, Mả-lạn, Căn… đám-ma như cơm bữa từ tờ mờ sáng đến tối om. Chừng năm 1953-1954 có dãy nhà tôle 35 căn chính-phủ làm để cấp cho người nghèo, mà người nghèo cũng chê đến mấy năm sau vẫn chưa đủ người vào ở. Tôi đã 10 tuổi mới bắt đầu đi học lớp 5 năm 1952. Ở đây, tôi lớn lên theo từng cơn gió Bấc thổi về; theo từng dòng nước sông Cà-ty lúc lên lúc xuống; nghe sóng biển xóm Câu, xóm Ghẹ lúc động, lúc yên, và xóm làng thì luông-tuồng ngõ-ngách. Dù chỉ là một rẻo đất nhỏ giữa sông với biển tiếp đất Bình-tú và xa xa là mật-khu Ba-hòn, nhưng mấy mạng du-kích Việt-cộng đâu dám léng-phéng về tuyên-truyền như ở cây số 6 Phú-lâm. Cuộc sống bình-yên. Chỉ một lần, như chừng năm 1962, bác Quế, Công-an phường Đức-long bị Việt-cộng từ Ba-hòn ra ám-sát vào lúc 1 giờ đêm. Nhà bác Quế gần nhà tôi.


              Radio Ấp Chiến-lược

              Những năm cuối 1960, tôi còn nhớ như in cái radio ấp Chiến-lược với đôi song-ca Ngọc-Cẩm và Nguyễn-hữu-Thiết, mà bây giờ và mãi-mãi không còn nữa. Người ta bu quanh cái “ra-dô” đó nghe hai giọng ca thanh-thót, trầm-trầm giọng Huế nghịch nhau mà trau chuốt cho nhau: “Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm-trường mênh-mang…”, “Đêm nay bao con thuyền về đâu xuôi mái? Ai ca dưới trăng ngà gần xa vắn-dài…”, “Một chiều anh bước đi, em tiễn chân anh tận cuối đồi…”. Cuộc đời êm-ả trôi. Tôi lớn lên từng ngày. Nước chảy dưới cầu, mây bay trên trời cao, và ngày tháng đi vào cuộc chiến khốc-liệt. Lứa tuổi 20 chúng tôi đã bắt đầu vừa ôm súng đạn ra trận, vừa hẹn-hò tình-yêu trăng-sao. Cuối năm 1963, thằng bạn thân Nguyễn-văn-Hùng vừa đậu Tú-tài 1 bỏ hát “Từ biệt nhau đi giữa mùa trăng xẻ đôi, lúc tình mới thành lời…”, bỏ con bồ nhỏ Đức-long mới quen, bỏ dạo phố-phường Phan-thiết với bạn với bè, bỏ ngay người mẹ già nghèo-khổ đơn-chiếc nuôi nó lớn lên cho ăn cho học…để vào mật-khu theo Việt-cộng, và chết rục xương nơi rừng sâu, núi thẳm nào đó, lúc nào đó không biết! Tết năm 1964 một cô gái Bắc ở Sài-gòn ra, không biết ai mê-hoặc ai, mà hằng tuần cả hơn một năm trời, tôi và cô ta cứ nhận thư của nhau. Thư của tôi thì khô-khan, vụng-về của một thằng hình như chưa biết yêu, và chắc-chắn là không biết viết thư tình. Thư của “Cô em Bắc-kỳ nho nhỏ…tóc demi-garçon” thì như chìa đôi cánh tay nõn-nà trắng phau mong-manh những sợi lông tơ, và nụ cười lóng-lánh long-lanh trăng sao lãng-đãng dìu tôi vào cuộc tình mơ với mộng. Những giọt dầu thơm Rêve d’Or giọt vắn giọt dài vào tờ thơ pelure màu hồng, kèm theo đôi môi son hôn lên cuối trang thơ làm tôi ngất-ngây đến bây giờ nghĩ về, vẫn còn thẩn-thơ thẫn-thờ lưu-luyến. Sấp nhỏ bây-giờ chắc không có những bức thư tình mật-ngọt như chúng tôi hồi đó mấy chục năm trước vừa mộng-du lãng-mạn, vừa vỗ-về tình-ái thăng-hoa! Tôi ngân-nga câu thơ Hồ-Dzếnh “Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ, cho nghìn sau lơ-lửng với nghìn xưa”.


              Trường Trung-học CHU-VĂN-AN năm 1961

              Năm 1964 tôi vào Sài-gòn ở với gia-đình ông anh ruột nằm trong hẻm đường Đại-tá Trần-hoàng-Quân giữa 2 đường Trần-nhân-Tôn và Sư-vạn-Hạnh. Xa nhà luôn từ đó, tôi theo học Trung-học Chu-văn-An, Đại-học Văn-khoa Sài-gòn, và làm précepteur mấy đứa nhỏ dưới Tân-định. Vào thời điểm nầy, đây là một giai-đoạn chiến-tranh tương-tàn do Cộng-sản Bắc-việt gây-hấn một cuộc chiến-tranh ý-thức hệ giữa hai miền Nam, Bắc Việt-nam, mà tuổi trẻ chúng tôi phải “xếp bút nghiên theo việc đao cung” miệt-mài dấn-thân. Những bài hát hơi-hướm chiến-tranh lãng-đãng khắp nơi “Tôi lại gặp anh người trai nơi chiến-tuyến, súng trên vai bước về qua đường phố…”, “Anh còn gì cho tôi? Tôi còn gì cho em? Chỉ còn tay súng nhỏ giữa rừng sâu giết thù…”. Bạn bè tôi, những người con trai có người ra đi không trở về, có người thân-thể một phần bỏ lại ngoài mặt-trận; những người con gái ngày đêm vật-vả khóc tình-yêu dang-dở “Gọi anh giữa đêm, sầu-thương tay đứt ruột mềm. Gọi anh giữa đêm khổ-đau như xé con tim”…Các trường Võ-bị Đà-lạt, Hải-quân, Không-quân Nha-trang “chê” cái bằng Tú-tài 2 ban C, tôi loay-hoay thi đậu khóa 1 Chiến-tranh Chính-trị rồi bỏ; xin được Bộ Quốc-gia Giáo-dục cho dạy Anh-văn dưới Vĩnh-bình rồi cũng bỏ; sau cùng đậu và vào học khóa 2 Học-viện Cảnh-sát Quốc-gia trong Biệt-khu Thủ-đô.


              Chợ Cồn Đà-nẳng năm 1970

              Ra trường, tôi về Quảng-ngãi cuối năm 1967 đến đầu năm 1969 ra Đà-nẳng sống với người vợ mới cưới. Trong thời-gian ở hai nơi nầy sau tết Mậu-thân năm 1968, chiến-tranh như nỗi ám-ảnh ma-quái chực chờ giết người dã-man như giết thú-vật không biết lúc nào. Sông Trà-khúc ở Quảng-ngãi máu đỏ thành dòng, và người như lục-bình trôi từng đám. Đà-nẳng, con đường Trưng-nử-vương khu tôi ở kiệt Bảo-trác, con đường Duy-tân dẫn vào phi-trường, vào bệnh-viện, và chung quanh khu-vực chùa Tỉnh-hội Phật-giáo thường-xuyên đạn 122 ly trong rừng Việt-cộng bắn ra tìm đường phá tan nhà cửa, xé nát xương thịt con người. “Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng, trên nóc nhà thành-phố, trên những đường quanh co...”. Sống đó, chết đó từng giây, từng phút người ta lì ra, quen đi, thản-nhiên: “trời kêu ai nấy dạ”!
              Cuối năm 1969, tôi chuyển về Phan-thiết quê mình, thành-phố đổ nát sau cuộc tổng công-kích tết Mậu-thân của Việt-cộng tôi đã chứng-kiến trước đó trong mấy ngày phép đầu năm 1968. Anh Bảy chồng chị Phụng bán bánh “quai-vạc” sát bên nhà tôi bị bắn chết để lại vợ con, và tiếng khóc than thảm-thiết mấy tháng trời! Xác chết không còn nguyên vẹn để lại trên chiến-trường có những người là những anh em thân-thiết cùng xóm làng, cùng trường học! Cuối năm 1970, tôi vào Trung-tâm Huấn-luyện Quang-trung rồi trường Bộ-binh Thủ-đức theo học Khóa 6/70 Trừ-bị. Khoảng tháng 5 năm 1971, tôi gặp thằng bạn cùng xóm, cùng trường đang thụ-huấn khóa 5/70 Đặc-biệt. Nó không có Tú-tài I phải ra Đồng-đế học lấy lon Trung-sĩ năm 1965, và bấy-giờ năm 1971 vào Thủ-đức kiếm lon Chuẩn-úy. Ra trường chưa tới một tháng, nghe tin nó đã bị bị chết cháy không nhìn ra nó là ai trong trận đánh với Việt-cộng ở Hòa-tân, Gò-công. Ba má nó chỉ có 2 đứa con, mà nó là đứa con trai duy nhất làm sao không buồn-thúi-ruột cho được! Học trường Bộ-binh Thủ-đức, tôi may-mắn thoát chết trong đường tơ kẻ tóc trong một lần khám súng vào đúng 12 giờ trưa ngày 21 tháng 4 năm 1971. May, viên đạn thật không biết làm sao nằm trong súng M.16 của thằng bạn nằm giường dưới của tôi tên Sơn, tôi đặt bí-danh nó là Sơn-Rhadé bắn xẹt qua màng-tang của tôi cách chừng vài li. Đúng vào ngày giờ đó ở Phan-thiết, thằng con trai đầu lòng của tôi sinh ra. Có mối linh-thiêng nào đó dính-dáng vào?


              Phụ-tá Đặc-Biệt BCH/CSQG tỉnh Quảng-Đức

              Cuối năm 1971 Đại-úy, tôi lên Quảng-đức làm Phụ-tá Đặc-biệt Bộ-chỉ-huy Cảnh-sát Quốc-gia Tỉnh Quảng-đức, còn gọi là trưởng F. Đặc-biệt cho đến ngày 23 tháng 3 năm 1975 di-tản về Lâm-đồng rồi lần lượt Nha-trang, Sài-gòn. Ở đây hơn 3 năm, tôi làm việc dưới quyền Tỉnh-trưởng kiêm Tiểu-khu-trưởng của các ông Trung-tá Hoàng-công-Duân, Đại-tá Phan-đình-Niệm, Trung-tá Cao-văn-Chơn, Trung-tá Nguyễn-hữu-Thiên, và cuối cùng là Đại-tá Phạm-văn-Nghìn. Làm việc dưới quyền là vì mỗi sáng thứ Hai, tôi phải thuyết-trình tình-hình an-ninh lãnh-thổ trong tuần qua, và nhận-định tình-hình trong tuần tới trước các ông Tỉnh-trưởng, phó Tỉnh-trưởng, và các ông Ty, Sở trưởng nội, ngoại thuộc Tỉnh trong phòng họp tòa Hành-chánh Tỉnh; cũng như mỗi ngày trong phòng họp Tiểu-khu, chúng tôi là F. Đặc-biệt với các phòng của Tiểu-khu thuyết-trình về phần hành của mình trước Tiểu-khu trưởng, Tiểu-khu phó, Tham-mưu trưởng, Chỉ-huy trưởng CSQG, Trưởng-ty ANQĐ, Chi-khu trưởng quận Khiêm-đức và các Phòng, Ban của Tiểu-khu…


              Tòa Hành-chánh Tỉnh Quảng-đức

              Chính một trong các cuộc họp nầy dẫn đến cái chết oan-khiên của ông bạn già Nguyễn-văn-Tư, Trưởng phòng 2, và tôi cũng còn một chút nữa xuống Âm-phủ làm ma không còn con người nguyên vẹn. Nguyên-do là ông Trung-tá Cao-văn-Chơn thay Đại-tá Phan-đình-Niệm về làm Tư-lệnh Sư-đoàn 22 Bộ-binh là người gây ra cớ sự. Một cớ sự hồ-đồ, nông-nỗi không cần-thiết, và tai-hại. May, ông ta làm Tỉnh-trưởng chỉ đúng một tháng thì có Trung-tá Nguyễn-hữu-Thiên thay thế, không thì không biết còn chuyện gì nữa xảy ra? Trung-tá Thiên, tôi lại nhớ lệnh “anh ra giải quyết tụi Việt-cộng đang sinh-hoạt với đồng-bào ở Nghi-xuân, có cả thằng Thiện ở đó” vào đúng ngày Hiệp-định Ba-lê có hiệu-lực. Tới nơi, tôi thấy rõ ràng là Đại-úy Thiện, Chi-khu phó Chi-khu Khiêm-đức đang hết sức lúng-túng trong hoàn-cảnh bảy tên Việt-cộng có đầy đủ vũ-khí với đồng-bào, và chính cả lính của mình nữa đang đánh bài với nhau, cười vui với nhau. “Nguy rồi!”, tôi nghĩ như thế, và tìm cách “bắt” tụi nó. Cái khó là bắt tụi nó như thế nào, thì ai cũng sợ “vi-phạm Hiệp-định Ba-lê” mới vừa ký. Cuối cùng tôi cũng “bắt” được tụi nó một cách êm-ái, một cách tụi nó tình-nguyện. Có điều, khi về báo-cáo với Trung-tá Tỉnh-trưởng Nguyễn-hữu-Thiên thì Trung-tá “vắng” như là cố-ý; báo-cáo với Trung-tá Chỉ-huy Trưởng CSQG Cao-khánh-Sang thì Trung-tá hoảng lên “Trời ơi! Bắt về làm gì?”. Việc nầy, tôi đã nói tới nói lui rất chi-tiết mấy lần trước. May cho tôi, ngay đêm đó, Việt-cộng vi-phạm trắng-trợn Hiệp-định Ba-lê mới vừa ký chưa ráo mực đã đánh vào xã Đạo-nghĩa của Kiến-đức, tôi có được “Anh-dũng Bội-tinh” ngôi sao đồng của Trung-tá Tiểu-khu Trưởng Nguyễn-hữu-Thiên cấp cho, không thì không biết mình bị xử tội gì! Cái buồn cười ở đây là các ông ông Đại-úy Chi-khu phó Khiêm-đức của tôi đã không bị kỷ-luật là may, lại được “hưởng-sái” cũng như hai ông Trưởng-phòng Tổng quản-trị Tiểu-khu, Thiếu-tá Cẩn, tôi quên họ, và Chủ-sự phòng Quản-trị BCH/CSQG, Trung-úy Tống-kim-Lương “ngồi mát ăn bát vàng”.


              Tìm cách di-tản, không chịu sống với Việt-cộng

              Mấy chuyện nầy tôi đã nói chi-tiết và nhiều lần trong nhiều bài viết trước đây. Vào ngày 23 tháng 4 năm 1975 lúc 1 giờ 30 chiều, Thị-xã Gia-nghĩa của Quảng-đức di-tản. Di-tản là toàn thể quân, dân, cán, chính bỏ chạy khi chưa có tiếng súng giao-tranh, và Việt-cộng còn ở đâu đâu trong rừng sâu. Di-tản là lệnh của Trung-tá Tham-mưu Trưởng Tiểu-khu Quảng-đức bày chuyện báo-cáo láo về Sài-gòn rằng thì là “Việt-cộng tràn ngập” để chạy. Ông Đại-tá Phạm-văn-Nghìn là Tỉnh-trưởng bình thường thì oai-phong dữ, nhưng lúc dầu sôi lửa bỏng ổng đã “tẩu vi thượng-sách” từ hồi nào rồi. Chạy khỏi Quảng-đức, tôi về Bảo-lộc, Lâm-đồng ở nhà ông Đại-úy Hồ-Hối lúc bấy giờ là Đại-đội trưởng CSDC Lâm-đồng. Ở đây tứ bề yên ổn, nhưng cũng chộn rộn như Gia-nghĩa, Quảng-đức của tôi. Chừng năm ngày sau, được ông Hồ-Hối lo máy bay quân-sự về Nha-trang. Tôi tạm-trú ở nhà ông Đại-úy Võ-Thân, một quân-nhân biệt-phái cho đến chiều tối ngày 2 tháng 4 xuống cầu đá Nha-trang chạy tiếp vào Sài-gòn. Chạy tới chạy lui, rồi cũng chạy vào tù gọi là “học-tập cải-tạo” vào cuối tháng 6 năm đó. “Học-tập cải-tạo” trong Nam ra Bắc, rồi lại ngoài Bắc vào Nam 8 năm 10 tháng 25 ngày đời tù chết đi, sống lại mấy lần!
              Tù “học-tập cải-tạo” ra, đời một “ngụy-quân, ngụy-quyền” bị dồn vào tận cùng nghiệt-ngã bởi một nhà cầm-quyền man-rợ, ngu-dốt, thù-hận. Một xã-hội trân-tráo, ngọng-nghịu, đói nghèo, phi-nhân, bất-đạo chình-ình ra cái đuôi lạc-hậu của thế-kỷ trước phá nát bóng dáng văn-minh có từ khi tôi chưa sinh ra. Miền Nam Việt-nam của tôi không còn gì! Tôi, bạn-bè tôi, đồng-bào tôi như bóng ma-trơi sống như chết đi rồi từ thuở mất nước Việt-nam Cộng-hòa mệnh-danh Hòn Ngọc Viễn-Đông. HO. 14, hai vợ chồng tôi với 5 đứa con qua Mỹ cuối tháng 11 năm 1992, và sống ở thành-phố Kansas City, tiểu-bang Missouri nầy từ đó cho đến nay còn khoảng một tháng nữa là 25 năm rồi. Ở đây, dù thành-phố nhỏ, nghèo nhưng đúng như bạn tôi HO. 9 qua trước cũng tại thành phố nầy đã nói: “Một trăm năm nữa Việt-nam như chúng tôi đang sống lúc bấy giờ cũng không bằng được”. Bây giờ tuổi đời chồng-chất tháng năm hun-hút ngồi nghĩ lại, mình cũng có những cái may của một đời người không hơn ai, mà cũng chẳng thua ai bên đàn con, cháu…


              Tổng-thống George W. Bush

              Cái may là may “sấp nhỏ” không đến nỗi nào. Cái may là may sống trong một thể-chế chính-trị lưỡng-đảng, và một chế-độ văn-minh tôn-trọng con người sống với con người. Cái may là may được sống giữa 2 thế-kỷ 19 và 20 của năm 2000 “Y2K” để thấy người ta xôn-xao, người ta lo sợ đến mức nào! Cái may là may vào lúc 1 giờ 05 phút trưa Thứ hai, ngày 21 tháng 8 năm 2017 vừa qua được nhìn Nhựt-thực toàn-phần, mà 99 năm nó mới trở lại thành-phố nầy, làm Kansas City tối-tăm cả 2 phút dài. Dĩ-nhiên là còn biết bao nhiêu là cái may nữa được sống ở đây; chứ còn ở Việt-nam thì “không chết cũng bị thương” cả một đời “ngụy-quân, ngụy-quyền” dưới chế-độ lạc-hậu, mạn-rợ của Việt-nam Cộng-sản. Ở đây, còn một cái may nữa, mà tôi muốn nói nhất và cũng lấy làm sung sướng nhất là được đi bầu từ các chức-vụ nhỏ nhất ở thành-phố đến lớn nhất của đất nước Hoa-kỳ là tổng-thống một cách tự ý, tự quyền. Bầu-cử tổng-thống Hoa-kỳ lạ-lùng nhất, phức-tạp nhất thế-giới cứ xẩy ra vào thứ Ba đầu của tháng 11 trong năm bầu-cử. Người thắng, không thắng ở phiếu bầu phổ-thông popular vote, mà thắng ở phiếu bầu đại-biểu electoral vote trong cử-tri đoàn electoral college. Electoral college có 538 elector. Ứng-cử viên tổng-thống nào đạt được 270 electoral vote thì đắc-cử. Tôi đi bầu tổng-thống Mỹ lần đầu tiên trên đất Mỹ vào thứ Ba, ngày 7 tháng 11 năm 2000, thời liên-danh George W.Bush – Dick Cheney của đảng Cộng-hòa thắng 271 electoral vote so với 266 electoral vote của liên-danh Al Gore – Joe Lieberman thuộc đảng Dân-chủ để trở thành tổng-thống thứ 43 của Hoa-kỳ. Chỉ nhờ thắng 537 phiếu phổ-thông popular vote ở tiểu-bang Florida mà liên-danh Bush – Cheney cộng thêm 25 electoral vote có được để vào tòa nhà Bạch-ốc một cách gây-cấn, dù liên-danh Gore – Lieberman thắng trên toàn quốc nhiều hơn 543, 895 phiếu phổ-thông. Một cuộc bầu-cử gây nhiều tranh cãi kéo dài hơn 1 tháng, chỉ chấm-dứt sau ngày 12 tháng 12 năm 2000 tòa-án Tối-cao Pháp-viện Hoa-kỳ United States Suprem Court với tỷ số 5/4 tuyên-bố thắng cử cho liên-danh Bush – Cheney. Thời đó, với CNN mua mỗi tháng trả mấy chục đô-la, vợ chồng tôi theo-dõi một cách nhiệt-tình đầy kích-thích, mà hơn nửa đời người chưa từng được tham-gia, chưa từng được chứng-kiến. Bốn năm sau, thứ Ba ngày 2 tháng 11 năm 2004, Tổng-thống Bush tái đắc-cử với 286 electoral vote so với 251 electoral vote của liên-danh John Kerry – John Edwards, và cũng hơn liên-danh nầy trên 3 triệu phiếu bầu phổ-thông popular vote.


              Tổng-thống Barack Obama

              Đến năm 2008 cuộc tranh-tài giữa một người ít tên tuổi da đen Barack Obama của đảng Dân-chủ với một Thượng nghị-sĩ da trắng nổi tiếng John McCain của đảng Cộng-hòa gây nhiều ngạc-nhiên, hết sức bất-ngờ. Cái ngạc-nhiên, cái bất-ngờ trước hết là ngạc-nhiên, bất-ngờ ông Obama đã hạ “đo-ván” bà vợ Tổng-thống Bill Clinton nổi tiếng, đầy tham-vọng trong chính-giới Hoa-kỳ ngay trong đảng Dân-chủ của mình trong thời kỳ bầu cử sơ-bộ. Cái bất-ngờ hơn hết là cặp Barack OBama – Joe Biden đã thắng lớn cặp John McCain – Sarah Parin với 365 electoral vote so với 173 electoral vote, và với tỷ-số cử-tri bầu 52.93% cho liên-danh Obama, 45.65% cho liên-danh McCain trong ngày bầu-cử thứ Ba, ngày 4 tháng 11. Bốn năm sau, vào thứ Ba ngày 6 tháng 11 năm 2012, liên-danh Obama – Biden lại thắng liên-danh Mitt Romney – Paul Ryan của đảng Cộng-hòa, tái đắc-cử với 332 phiếu đại-biểu cử-tri electoral vote so với 206 electoral vote của liên-danh Romney – Ryan, và phiếu phổ-thông 65, 915,795 của phía Obama, so với 60, 933,504 của phía Romney.


              Tổng-thống Donald Trump

              Chỉ có một nước Mỹ tự-do, dân-chủ mới có một người da đen không tiếng-tăm trong chiến-trường chính-trị, không được biết tên biết tuổi nhiều như Barack Obama khi ra tranh-cử ai cũng cười xòa, thậm-chí chế-giễu mới thắng được chức tổng-thống Hoa-kỳ mà thôi. Và cũng chỉ có nước Mỹ mới có một người như nhà tỷ-phú Donald Trump chưa từng hoạt-động chính-trị lại lời ăn tiếng nói bộc-trực, tênh-hênh, thô-lỗ bị đánh tả-tơi tứ bề từ những tay tổ trong đảng, từ giới truyền-thông thiên-tả cực-đoan, từ ban vận-động của đối-thủ tiêu tiền bạc tỷ, từ uy-tín Đệ-nhất phu-nhân cộng với các chức-vụ Thượng Nghị-sĩ, Bộ Trưởng Ngoại-giao… mà thắng đậm bà Hillary Clinton một cách hiễn-nhiên, oanh-liệt để trở thành tổng-thống thứ 45 của Hoa-kỳ qua cuộc bầu-cử thứ Ba, ngày 18/11/2016 vừa qua. Liên-danh Donald Trump – Mike Pence thắng liên-danh Hillary Clinton – Tim Kate với 306 electoral vote so với 232 electoral vote trong số 538 electoral vote ( hay pledged elector ) qua các tiểu-bang lững-lờ ( swing state ) Florida, North Carolina, Ohio, Iowa, và ngay cả các tiểu-bang là thành đồng vách sắt ( blue wall ) của đảng Dân-chủ như Michigan, Pennsylvania, Wisconsin, dù thua gần 3 triệu phiếu bầu phổ thông ( popular vote ) từ của Tiểu-bang California. Cuối cùng, ngày 19/12, các pledged elector trong Cử-tri đoàn ( Electoral College ) có 2 pledged elector không bầu cho ông Trump, và 5 không bầu cho bà Hillary, mà bầu cho Colin Powell 3, và bầu cho các ông John Kasich, Ron Paul, Bernie Sanders, Faith Spotted Eagle mỗi người 1. Vậy là, Liên-danh Donald Trump – Mike Pence với 304 pledged elector thắng mặn-mà, thắng đậm-đà Liên-danh Hillary Clinton – Tim Kate chỉ có 227 pledged elector. Cuộc bầu-cử tổng-thống Mỹ lần nào, chúng tôi cũng theo-dõi một cách sôi-nổi đầy cảm-hứng, nhưng chắc chắn chưa lần nào bằng lần nầy. Bầu-cử lần nầy, giới truyền-thông Mỹ “đánh lận con đen” quá-quắc, làm cho vợ chồng tôi có ủng-hộ tích-cực Trump – Pence cách mấy cũng không nghĩ liên-danh nầy thắng nổi. Mười giờ đêm chúng tôi tắt TV, tắt đèn đi ngủ, “nhìn chi tội nghiệp ông Trump”, bà vợ tôi nói vậy. Vợ tôi ngủ, và cứ ngu ngon. Tôi cứ thao-thức, và thao-thức đến 12 giờ khuya, mắt nhắm mắt mở bật TV lên coi. Không thể tin được, và cũng không thể không cười ra nước mắt mừng nỗi mừng không bút mực nào diễn tả được. “Ông Trump thắng rồi”, tôi vừa lay bà xã dậy, vừa la to. Vợ chồng tôi từ đó thức cho tới sáng. Bà vợ tôi cũng người thích chuyện thời-cuộc chính-trị, gọi vào hãng xin nghĩ làm ngày thứ Tư sau đó.


              Nữ ca-sĩ Lâm-Thúy-Vân trong Video của SBTN

              Cái “tệ” của cái mà người ta tự xưng là truyền-thông “bênh” và “bỏ” một cách trắng-trợn, thiếu lương-tâm, vô-liêm-sỉ của Mỹ. Cái tệ xuyên-tạc, bóp-méo, có nói không, không nói có nầy đã làm mất nước Việt-nam Cộng-hòa của chúng ta. Và cái “tệ” nữa là cái tệ ngành truyền-thông “ăn-theo” như đĩa đói của người Việt-nam ở hai miền Bắc, Nam California có tri-thức “lượm mót”, nhưng không có trí-thức biện-luận! Đài truyền hình lớn của người Việt hải-ngoại là đài SBTN từ Đỗ-Phủ, Tường-Thắng đến Đỗ-Dzũng, Mai-Phi-Long ngày nào cũng như ngày nào cũng chỉ ra-rả cung-bậc âm-thanh nhàm-chán: chống, chê, sỉ-vã, lật-đỗ…ông Trump không biết mệt. Tê hơn nữa, đài SBTN nầy còn lì, còn lợm quây một video cho phường văn-nghệ chợ-cá Trần-Quốc-Toản giá-trị không bằng cọng long sợi tóc người ta mà a-dua một cánh ngu-muội ca-ngợi bà Clinton là trí-thức, là đứng-đắn, là thông-minh, là dân-chủ, là đầy quyền-lực, là bảo-vệ nhân-quyền…, mà chê-bai hết sức vô-học, vô ý-thức, vô liêm-sỉ rằng ông Trump thiếu kinh-nghiệm, ăn nói bừa-bãi, kỳ-thị chủng-tộc, khinh-thường người di-dân, khinh-thường người đàn-bà phụ-nữ, ngu-xuẩn, chống đối người tị-nạn, làm mất mặt đất nước…Phường chợ-búa hàng tôm, hàng cá đó là ai: là Trịnh-Hội, là Nguyễn-Cao Kỳ-Duyên, là Thái-Tài, là Đan-Nguyên, là Linda Trang-Đài, là Lâm-Thúy-Vân, là Phương-Hồng-Quế, là Ngọc- Đan-Thanh, là Trúc Lam – Trúc Linh, là hề rẻ tiền Hoài-Tâm, là hai đứa một trai, một gái nữa tôi không biết tên …Từ đó đến nay, chúng tôi đã không bao giờ nghe tin-tức trên đài SBTN nữa. Từ đó đến nay, bạn bè tôi ở khắp nơi Hoa-kỳ cũng đã bỏ đài SBTN không phải là ít. Dù cho ghét cay ghét đắng đến mức nào, chúng ta cũng phải công-nhận trí-tuệ, chí-khí, lòng can-đảm của ông Trump rất đáng khâm-phục, rất đáng nể, đáng sợ…, nào đâu “sè-sè nắm đất bên đường” mà khinh-miệt vô cùng lếu-láo, hỗn-xược đến như vậy!? Tôi thấy trước mắt, dĩ-nhiên là trước mắt, ai biết được chuyện khuất-tất? Một Obama để cho thằng Tàu tự-tung-tự-tác xây đão ở biển Đông, tung-hoành khắp bốn bể năm châu, và để cho mình phải đi cửa hậu máy bay và chẳng ai thèm ra đón rước; cúi cụp người xuống trước Nhật-hoàng Akihito, trước nhà vua Abdullah của Ả-rập Saudi; để cho Nga làm mưa gió ở Syria, chiếm bán đảo Crimea; tạo điều-kiện cho các tổ-chức Hồi-giáo phát-triển khủng-bố và lập ra quốc-gia; hối-lộ, vuốt-ve Iran là một tai-hoạ cho Mỹ trong tương-lai gần; để cho chú Kim Jong Un hù-dọa xin ăn hoài mà không biết phải làm sao; để cho các nước cổ lục-địa Âu-châu đã lợi-dụng, lạm-dụng mà còn coi-thường; với 8 năm cầm quyền đã tăng mức nợ công thêm 10 ngàn tỷ đô-la bằng mấy đời tổng-thống trước cộng lại; phân-hóa tính đoàn-kết quốc-gia, nhất là đen với trắng, giàu và nghèo; dung-túng di-dân bất hợp-pháp một cách vô-tôi-vạ để kiếm tiếng, kiếm phiếu…Tôi đã thấy, và tôi cứ nghĩ, những điều đó sẽ không xẩy ra trong thời Tổng-thống Donald Trump chưa nói 8 năm, nhưng ít nhất là 4 năm cầm quyền.


              Tổng-thống Obama với Nhật-hoàng Akihito

              “Cho ngàn sau lơ-lửng với nghìn xưa” nếu kể ra nữa thì kể làm sao cho hết chuyện một đời người cứ tiếp nối một đời người!? Ở đây tôi chỉ muốn nói một điều là tôi, những nguời bạn của tôi sống đồng thời ở miền Nam Việt-nam dẫu-gì cũng còn may-mắn, rất may-mắn nữa là khác. Chúng tôi được sống và chứng-kiến tận mắt cuộc sống của chính mình, khi thì lên voi, lúc thì xuống chó qua từng thời-cuộc vận nước nổi trôi, thế-sự thăng-trầm. Từ thời chiến-tranh Việt – Pháp nộ-lệ qua đi, tới thời chiến-tranh tương-tàn Quốc – Cộng; thời những người bỏ Bắc vào Nam, bỏ nước ra đi trốn lũ Việt-cộng; thời văn-minh Hòn Ngọc Viễn-Đông của Việt-Nam Cộng-Hòa bị cướp đi bởi những tên cuồng-nô mọi-rợ Marxist-Léninist; một đời tôi, sống cả hai thời lạc-hậu nhất ở nước Việt-nam Cộng-sản và văn-minh nhất hành-tinh con người ở nước Mỹ. Để thôi dài dòng thêm, tôi lại xin mượn hai câu thơ của nhà thơ hai dòng máu Việt-Tàu mở đầu ở trên để kết-thúc bài viết nầy:


              “Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
              Cho nghìn sau lơ-lửng với nghìn xưa”


              NGUYỄN-THỪA-BÌNH
              15/10/2017
              Last edited by Phòng Trực; 10-20-2017, 06:47 PM.

              Comment


              • #8
                TA VỀ - Nguyễn Thừa Bình

                “Ta gọi thời gian sau cánh cửa.
                Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu.
                Ta nghe như máu ân tinh cũ.
                Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau”


                của nhà thơ Tô Thùy Yên như nỗi bể dâu tồn động trong lòng. Vợ chồng tôi về Nam Cali hội ngộ với anh em Khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia sau 50 năm ra trường trong hai ngày 28 và 29 tháng 10 năm 2017. Năm mươi năm, nửa đời người sống thời đất nước chiến tranh không ngớt, và nghiệt ngã không ngừng! Ta còn đây, ta về với nhau tay bắt mặt mừng thì niềm vui nào tả cho hết, nhưng cũng ngùi ngùi nào nói cho cùng khi nhiều bạn bè đã ra người thiên cổ! Ai tôi không biết, cá nhân tôi tôi thấy thấy trong lòng bề bộn tâm sự. Cái tâm sự thương anh em hết sức, những ông già bệnh hoạn, yếu đuối nầy nay gặp, mai chắc còn!? Cái tâm sự thương anh em hết sức, “sức cùng lực kiệt” cũng luộm thuộm “ráng về với anh em một chuyến”! Cái tâm sự cảm phục quý chị vô cùng, đã cùng chồng dắt dìu nhau về với anh em trong cái lành lạnh buồn cuối Thu. Các chị đã làm cho ngày hội ngộ 50 năm của anh em chúng tôi thêm phần rạng rỡ, tươi mát, ý nghĩa, đáng làm kỷ niệm. Tự trong lòng, tôi và chính bà vợ tôi cũng vậy, rất cám ơn anh chị em mỗi người đã tự góp phần một cách tích cực làm cho Ngày Hội Ngộ 50 Khóa 2 Học Viện CSQG của chúng ta kết quả mỹ mãn ngoài mong đợi. Xin chúng ta vỗ tay thật to, thật dài ca ngợi chúng mình đã có ít nhất hai ngày vui hội ngộ đáng lưu dấu trong đời.


                Một phút mặc niệm

                Thiệt tình mà nói, tổ chức bất cứ một cuộc hội ngộ nào của mấy ông già như mình thì không dễ chút nào. Từ Ban Tổ Chức tới anh em tham dự phải có lòng với nhau, làm việc với nhau thì may ra, nếu không thì “trớt quớt” như chơi. Cũng may, ngày nay chúng ta có nhiều phương tiện để làm việc với nhau, gần gụi với nhau. Tuy nhiên, chúng ta thì đã cuối đời, mà các phương tiện đó lại quá muôn màng, nên không dễ ai cũng biết, ai cũng rành! Kỳ hội ngộ 50 năm năm nay, đếm trên đầu ngón tay có được mấy anh em trẻ nhất ở tuổi 70? Đa số chúng ta đã quá cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Anh Phạm Trọng Thân ở Seattle đã hơn 80 tuổi rưỡi rồi. Cho nên không lạ gì, tôi phải gởi gần một chục cái thơ đến những anh em không xài computer, ngay cả đến những anh có điện thoại nói với nhau, đâu phải ai cũng thông. Trách ai bây giờ!?


                Tại nhà hàng Seafood Place

                Tôi được Ban Tổ Chức cho trách nhiệm kêu gọi anh em trong và ngoài nước Mỹ về tham gia hội ngộ khóa mỗi khi có dịp. Trong trách nhiệm kêu gọi anh em tham gia càng đông càng hay, tôi mới nghiệm ra một điều, đa số anh em đều muốn “hội ngộ”, nhưng vì đủ thứ ràng rịt, mà sự ra đi không dễ chút nào. Chúng ta thông cảm, và thương bạn bè chúng ta ở đó. Đâu phải đơn giản muốn là được như hồi đệ thất, đệ lục chúng tôi thường ra rả: “vouloir c’est pouvoir”. Tưởng già là hưu trí, là nghỉ ngơi, là muốn đi đâu là đi, muốn làm gì thì làm!? “No way”! Hưu trí nầy là hưu trí còn phải coi nhà, giữ cháu cho con đi làm. Hưu trí nầy là hưu trí trên đất Mỹ ở tuổi 75, 76 vẫn cứ phải đi làm trả nợ nhà cửa, xe cộ. Hưu trí nầy là hưu trí đã già khú đế “muốn xụm bà chè” rồi thì làm sao muốn đi đâu là đi!? Hưu trí nầy là hưu trí qua Mỹ có khi chưa đi làm một ngày thì “tiền đâu” mà tham gia với tham dự? Và hưu trí nầy cũng là hưu trí của những ông già hơi khó tính “có nó là không có tao”, “có ổng thì không có moi”, chưa nói nhiều anh em kín cửa cao tường “mai danh ẩn tích”. Cho nên, sự gặp mặt của chúng ta với nhau gọi là hội ngộ như tôi đã nói ở trên thì không dễ chút nào, và thiệt là quý hoá, thiệt là cảm động, đôi khi làm chúng ta rưng rưng nước mắt, nhoi nhói trong lòng!


                Hội ngộ 27/5/2012 tại nhà ông bà Nguyễn Văn Lợi

                Thời gian càng về sau bao nhiêu thì sự hội ngộ của chúng ta càng mòn, càng mỏn bấy nhiêu! May, năm nay chúng ta vẫn còn đông, vẫn cứ vui, và vui hơn bao giờ hết. Phải chi hơn 40 anh chị em đừng “bỏ cuộc chơi” giờ phút chót vì lý do nầy, vì lý do nọ thì Hội Ngộ 50 Khóa 2 Học Viện CSQG của chúng ta như vàng mất đi tìm lại được; như thuở thư sinh “đã bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” nay đang trở về trong lòng. Ôi! Hạnh phúc biết chừng nào dẫu một lần rồi mãi mãi không còn. Ôi! Đáng làm kỷ niệm biết chừng nào, như vết tích cuộc đời dương gian ta ôm chặt, ôm chắc trong lòng vào cõi hư vô mịt mùng một mai ta ra đi, đi mãi, đi hoài không bao giờ trở lại. “Xa mặt cách lòng”, tôi nghĩ không sai chút nào. Mấy chục năm tôi ở Kansas City của Missouri đâu có dính dáng ông nào với ông nào Khóa 2 Học Viện CSQG. Đâu có dính dáng ông nào với ông nào, nên chẳng rung rinh xíu xiu nào cái bụng, cái đầu nghĩ về ai với ai! Để nhắc nhở cái tính vô cảm, cái tâm vô tình của mình, thình lình tôi nhận được cái thư của Tổng Hội CSQG mời tham dự Đại Hội Lần Thứ 6 vào ngày 26 tháng 5 năm 2012.


                Vợ chồng tôi lần đầu tiên đi Nam Cali. Đi Nam Cali mới gặp những ông bạn, già không nhìn ra, gặp ngày hôm sau ở nhà ông bà Nguyễn Văn Lợi ông Nguyễn Văn Hiền tóc bạc phơ ca những khúc “tù ca” buồn thúi ruột, gặp ông Trương Thuận Quang là Quang Bếp ngân nga mấy câu vọng cổ rồi “dzọt”, gặp ông Nguyễn Ngọc Thụy hát bài hát chửi chế độ Cộng Sản Việt Nam “Anh Là Ai”, và biết thêm được 2 ông Nguyễn Văn Lợi, Lê Sỹ Tài lèo lái con đò Khóa 2 bấy lâu nay ai mà biết…mà đâm ra quyến luyến thiệt nhiều mấy ông bạn “thất thập cổ lai hy”. Quyến luyến thiệt nhiều, mà từ đó vợ chồng tôi năm 2013 dự 46 Năm Khóa 2 Hội Ngộ; năm 2016 dự hội ngộ 49 năm, một ngày trước ngày Lễ Kỷ Niệm 50 Năm Ngày Thành Lập Học Viện CSQG; và 50 Năm Khóa 2 Học Viện CSQG vào 2 ngày 28 và 29 tháng 10 vừa qua. Giả như vợ chồng tôi âm âm u u không gặp anh em, thì chắc chắn chúng tôi chẳng có đi lần nào, chứ nói gì lần nữa, lần nữa…Cho nên, anh chị Nguyễn Thành Trung, anh chị Hồ Đắc Huấn, anh chị Phạm Thành Kính, anh chị Lê Văn Kiến, anh Hứa Tuấn Quang, anh Nguyễn Viết Phước…năm ngoái đi, bây giờ đi nữa là vậy. Và năm nay các anh chị Ngô Bình Ninh, Phạm Minh Mạnh, Nguyễn Võ…mới đi lần đầu, và hứa đi lần sau cũng là vậy. “Cám ơn hoa đã vì ta nở. Thế giới vui từ nỗi lẻ loi”. Cuộc đời dâu bể, bể dâu đời ta lênh đênh theo từng con sóng vỗ vận nước nổi trôi bây giờ đây anh em vẫn còn, và đến với nhau chí tình cbí cốt thì còn gì quý hơn!


                Trong Tip-Top kế bên Little Saigon Inn

                Vợ chồng tôi xuống phi trường LAX của Los Angeles đúng 1giờ 10 phút chiều Thứ Sáu, ngày 27 tháng 10 năm 2017. Ông bạn Hà Thức đi với vợ, ông Huỳnh Văn Thiện đi với đứa cháu nội 5 tuổi đã đứng chờ sẳn. Đói bụng, ông bà Hà Thức dắt chúng tôi đi ăn phở ở tiệm Phở Holic trên đường Bushard, thành phố Westminster. Có lẽ, đây là tiệm phở tôi ăn ngon nhất như chưa một lần ăn ở đâu ngon hơn. Ông Thức giành trả tiền. Bà vợ tôi không chịu, “để em trả” cộng với pour-bois. Thiện lái xe chở vợ chồng tôi về lữ quán Little Saigòn Inn. Hết sức bất bình thường, ở đây hết chỗ. Kẹt cho tôi đã hứa với anh em “Tất cả chúng ta về ở Little Saigon Inn cho vui” lại phải “tá túc” nhà ông bạn già Hà Thức. Thiệt là mất vui với anh em! Thiệt là điều tôi không muốn một chút nào. Ở Little Saigon Inn mới khoảng 5 giờ sáng anh em đã gõ cửa nhau “dậy uống cà phê chứ”, và qua Tip-Top kế bên “cà kê dê ngỗng” rào rào như pháo Tết vui đâu cho bằng. Ở nhà ông bà Hà Thức dù rất quý mến nhau, nhưng sao tránh khỏi những gò bó cho nhau, thì vui với vẻ tìm đâu cho ra!? Chiều, ông Huỳnh Văn Thiện là Bát Chỉ Đại Vương mời vợ chồng tôi, vợ chồng Thức đến ăn bánh cuốn, bánh bột lọc chắc mới mua ngoài tiệm về. Thiện, hồi xưa tính tình ngang tàng, bây giờ thấy như dịu dàng hơn, tế nhị ra, và tốt với bạn bè thì không hề suy suyển. Duy chỉ cái điếc sao mà điếc dữ quá chừng theo Thiện như đĩa đói làm Thiện thành Thiện Điếc luôn. Chừng 5 giờ sáng hôm sau, ngày Thứ Bảy, các ông Trần Văn Bảy, Phạm Thành Kính, Nguyễn Võ đã thay nhau thúc “dậy đi, dậy đi”. “Cả đêm rộn ràng có ngủ gì đâu mà dậy với không dậy”, tôi trả lời.
                Thức chở tôi đến Tip-Top. Mới bước vào, Trịnh Công Danh như sao xẹt, đã lấy 1 trong 3 ly cà phê sửa đã mua sẳn để trên bàn đưa cho, và “mời đại ca”. Ông Danh lúc nào cũng vui, cũng mau mắn, cũng “rộng rãi”. Ở đây đã có Huỳnh Văn Thanh, Trịnh Công Thanh, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Võ, Phạm Thành Kính, Trần Văn Bảy, Phạm Minh Mạnh, Phạm Trọng Thân, Bùi Xuân Hoan ngồi bên nay, với các bà cũng đông, cũng rộn rã nói năng vui vẻ ngồi bên kia. Nguyễn Võ, người tù “trây lười lao động” của Thanh Lâm, Thanh Hóa thuở nào ngoài Bắc, bây giờ ở Massachusetts dù đang phải mỗi tuần 3 lần lọc máu cũng đến với anh em. Chị Phạm Thành Kính ở Pennsylvania một lòng với chồng cũng trong trường hợp tương tự. Anh Phạm Trong Thân như nói ở trên dù tuổi gần 81 cũng không lần nào vắng mặt. Thiệt là quý hóa vô cùng tấm lòng anh Nguyễn Võ, chị Phạm Thành Kính, anh Phạm Trọng Thân đã vì anh em mà đến với với anh em. Còn gì hơn!? Chúng tôi tới nhà anh chị Trần Văn Tuất ở Santa Ana khoảng 8 giờ 30 sáng cũng vừa lúc các anh chị bước vào vang vang tiếng cười nói đi theo. Anh chị Tuất phải nói là hào phóng, khéo léo, và rất có tấm lòng.


                Anh Lê Sỹ Tài trao quà tặng đến anh Nguyễn Đình Chiểu

                Đã mấy lần Hội Ngộ Khóa 2 là mấy lần có ở nhà anh chị. Anh chị đã bỏ công, bỏ sức, bỏ cả đi làm nhiều ngày lo nhà mình là “Tụ Nghĩa Đường” cho anh em một ngày hội ngộ được kết quả mỹ mãn hơn mong đợi. Ai ai cũng “Hoan hô ông bà Trần Văn Tuất”. Riêng tôi, bà vợ nói hoài: “Tội nghiệp anh chị Tuất quá nhỉ”. “Ừ thì ai không thấy tội nghiệp ổng bả”, tôi thêm mắm thêm muối vào cho mặn mà cái tình, cái nghĩa anh chị Tuất luôn nghĩ về anh em. Tôi nhìn tới nhìn lui, nhìn qua nhìn lại không thấy các ông hứa “chắc như đinh đóng cột” đi nhất định đi Vưu Hùng Kiến, Lê Văn Thuận, Lê Thành, Đoàn Long Thể, Dương Văn Mười, Đỗ Văn Dẫu, Nguyễn Văn Lê, Phạm Hòa Phú, Cao Ngọc Toàn, Nguyễn Quang Tầm, Quách Thành Triệu, Phùng Quang Triệu, Nguyễn Một, Nguyễn Phi Hường, Phạm Hoàng Sanh, Lê Văn Minh, Nguyễn Bá Quảng, Lê Trung Hưng…


                Ăn “Bún Bò Mụ Thiện” tại nhà ông bà Huỳnh Văn Thiện

                Thôi thì, chắc các bạn vì lý do bất khả kháng nào đó đã không thể đến được thì làm sao bây giờ!? Tiếc là quý ông bà bạn ta đã bỏ qua một cơ hội chắc không còn một lần nào nữa thấy nhau nơi nầy đây bây giờ đông, vui, ý nhị, ý nghĩa, và lãng đãng trong lòng nỗi niềm, một nỗi niềm khi chia tay thì bịn rịn, thì lưu luyến, thì hẹn nhau ngày tái ngộ. Có một điều lạ thay, mấy chục năm nay “Vợ chồng là nghĩa phu thê. Tay ấp má kề sinh tử có nhau” sống với đàn con, đàn cháu mà hình như chưa từng một lần, anh em bây giờ mới có đây một lần lãng mạn tỏ tình với người vợ thân yêu của mình. Các anh tặng cánh hoa hồng đỏ với nụ hôn thắm thiết đến người vợ như một bày tỏ lời cám ơn, và tình nghĩa vợ chồng. Thiệt là đẹp quá sức, bút mực nào mà tả cho hết, cho cùng! Tôi thấy các chị xúc động! Tôi thấy các anh xúc động! Và tôi, tôi đang xúc động! Một việc cũng nên nói là nói đến cái gì của Khóa 2 Học Viện CSQG của chúng ta cũng có hơi huớm tình cảm thắm thiết, sâu đậm anh em với nhau, chắc chắn có hơn, chứ không có thua khóa nào của Học Viện CSQG. Việc anh Lê Sỹ Tài đại diện chúng ta tặng món quà tài chánh tuy không nặng số tiền, nhưng nặng biết bao nhiêu tình nghĩa anh em với nhau đến anh Nguyễn Đình Chiểu ai thấy cũng âm ấm trong lòng, và anh Nguyễn Đình Chiểu thì ngùi ngùi như muốn rơi nước mắt. Đúng là một ngày đẹp, đất trời thênh thang, mênh mang. Nhà văn Ngô viết Trọng của ta trông nhỏ con, yếu ớt, vậy mà ngâm bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác nghe sao hào sảng, hùng hồn, hừng hực chí “Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái” quá sức. Ông bạn Trương Đình Minh vốn làm thơ hay, ngâm thơ hay, nhưng “tổ trác”, mới 2 câu đã bể dĩa. Bà con rủ nhau vỗ tay cười xuề xòa mà vui. Ông Thiện, lại ông Huỳnh Văn Thiện cựu Phó Trưởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên, tôi nghĩ là nhỏ tuổi nhất lịch sử đất thần kinh mời đến ăn Bún Bò Mụ Thiện vợ ổng nấu. Đông trên 30 ông bà gần, xa tham dự ăn. Ai cũng khen “ngon đáo để”. Đã quá, tôi “đẫng” 2 tô ngon lành. Cám ơn chị Thiện đã bỏ một bữa làm nail mất mấy trăm bạc, còn phải bù đầu bếp núc “mồ hôi mồ kê”. Cám ơn anh Thiện lúc nào cũng nghĩ đến bạn đến bè. Sáng hôm sau, sau khi ồn ào như mưa giông gió bão ở cà phê Tip- Top gần Little Saigon Inn, anh em đến nhà hàng Seafood Place ở Garden Grove khoảng 10 giờ. Nhà hàng cửa đóng khoen cài cho đến nửa giờ sau mới tới mở cửa. Thiệt là một nhà hàng thiếu chuyên nghiệp và thiện chí. Dù ghét cách mấy, dù không thương cách mấy cũng phải khen mấy anh chị hát, múa đã cống hiến một chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” thiệt là hay, thiệt là tài tình. Thiệt là hay, thiệt là tài tình ở chỗ các chị từ bốn phương về là lên sân khấu trình diễn một cách suông sẻ, một cách giống như chuyên nghiệp ngay, đâu cần tập với tành gì. Có lẽ phải kể đến cái công của các chị Lợi, chị Thụy là nhứt, dĩ nhiên còn các chị Hoan, chị Tuân, chị Thức, chị Tiên, chị Nhẫn…và các ông Kính, ông Thụy, ông Pháp nữa. Một chương trình thoáng, nhẹ, tươi vui, điệu nghệ làm ai cũng trầm trồ, thú vị, khen ngợi.


                Nhà hàng Gà Bistro

                Chiều, bà vợ tôi theo người em bạn gái cùng quê Phan Thiết đi Phước Lộc Thọ mua sắm. Lạ gì cái tính chất muôn thuở muôn nơi của đàn bà con gái? Tôi thì khoái giao du, đến Tràm Chim Sea Food trên đường Bolsa, Westminster với chính chồng cô em bạn gái đó, và mời thêm Văn Minh Tịnh đến chung vui vài chai Heineken lai rai. Ông Tịnh ngày xưa hào hoa công tử, nay tu trong tu ngoài nên ít ăn ít nói, chỉ làm nửa chai lấy lệ “cho có” lòng bạn bè mà thôi. Chừng 10 giờ sáng hôm sau, thứ Hai ngày 30, khoảng 40 anh chị em kéo tới nhà ông bà Lê Sỹ Tài ăn sáng như tiệc chia tay. Tội cho chị Tài không phải người khỏe mạnh gì, lại phải đón số người đông hơn dự kiến. Chị mệt ai cũng thấy, nhưng vui thiệt là vui ai cũng biết. Nhiều anh chị em bấy giờ như thấy mình trẻ lại, vừa vui cười, vừa vói tay hái mấy trái nhản chín trên cây chia nhau ăn một cách ung dung, khoái chí mà không biết ông bà chủ nhà có ưu, có sầu gì không! Chắc không? Nhân tiện, ai vẫn còn ở lại Nam Cali, vợ chồng tôi mời đến nhà hàng Gà Bistro trên đường Brookhurst ở Garden Grove vào tối hôm đó. Tiếc là, có một số anh em không đến dự được vì đã nhận rồi lời mời của Đại Tá Trần Minh Công, cựu Viện Trưởng Học Viện CSQG. Tuy nhiên cũng đông gần 30 anh chị em đến chung vui, và “vui thiệt là vui” thiệt. Vui có ông Trần Văn Bảy hát tân nhạc, cổ nhạc, và chọc cười; vui có phu nhân ông Lợi rủ nhau “chúng ta hò khoan”; vui có các ca sĩ cả đời một lần hát như bà vợ của tui, của ông Trình, của ông Danh…Nơi đây cũng phải kể tới tấm lòng của ông bà Nguyễn Quang Tuyến, người xứ lạnh tình nồng Seattle bắt tôi phải “chia đôi” tiền trả cho bữa tiệc. Tấm lòng đó không phải nhất thời, mà tấm lòng đó, ông bà Tuyến nhắc tới nhắc lui: “ Kỳ sau nữa, sau nữa…chúng ta “chia đôi nữa nghen”. Thiệt là cái thủy, cái chung, cái tình, cái nghĩa. Luôn tiện, tôi mời sáng mai thứ Ba, tức ngày 31 tháng 10 anh chị em uống cà phê, ăn sáng ở Tip-Top không phải gần Little Saigon Inn ở Garden Grove, mà Tip-Top ở ngả tư Edinger và Brookhurst của Fountain Valley. Chừng 20 anh chị em đến chung vui ly cà phê sáng và ăn điểm tâm rồi chia tay. “Tống quân thiên lý, chung hữu nhất biệt” cũng phải đến là vậy . Ông bạn Nguyễn Văn Lợi lanh tay lẹ chân “Để tui trả tiền cà phê, ông trả ăn sáng”. “Ừ, thì sao cũng được”, tôi trả lời. Tội, Đại Tá Trần Minh Công lại tới, tới trể. Thiệt đáng là đàn anh. Tới đây coi như vợ chồng tôi chấm dứt “vui chơi” với quý anh chị em Khóa 2 Học Viện CSQG kéo dài từ chiều thứ Sáu ngày 27 tháng 10 lúc mới đến. Tối, và sáng mai hôm sau trước khi về, vợ chồng tôi còn phải gặp những anh chị em người Phan Thiết, mà đã 4 ngày qua Nam Cali chưa nói với ai một lời, chưa gặp bất cứ ai một lần, trừ ông bạn già cao ráo, tốt tướng Nguyễn Văn Vĩnh nằm trong Ban Tổ Chức ngày Hội Ngộ Khóa 2.


                Một sáng chia tay tại Tip-Top ở Fountain Valley

                Tôi, bây giờ ngồi nghĩ tới mấy ngày hội ngộ với anh chị em vừa qua, mà chạnh lòng vừa bùi ngùi, cảm động vừa xen lẫn niềm vui, nỗi buồn. Bùi ngùi vì anh chị em mình gặp nhau đây, mai còn gặp lại? Không cảm động làm sao được, khi những ông già, bà già quá sức già từ bốn phương, tám hướng ráng dắt dìu về gặp nhau. Vui niềm vui vô cùng những anh chị em còn đây tay bắt mặt mừng. Và cũng không làm sao dấu được nỗi buồn thiệt là buồn anh chị em mình ngày một ngày hai ra đi sao đông quá; và nhiều anh chị em mình bây giờ nằm một chỗ, ngồi một chỗ phải nhờ vợ, nhờ con chăm sóc, trông nom, lãng đãng nỗi chết bên mình! Có lẽ “Ta nghe như máu ân tình cũ. Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau” đang rộn rã trong các anh, trong các chị, trong vợ chồng tôi, trong chúng ta, cho nên tôi nghe rõ ràng ràng như in lời nói “hẹn tái ngộ năm sau, năm sau nữa…” Sao mà ân tình quá! Sao mà tha thiết quá! Tôi lại nhớ câu nói của một anh bạn khi tù học tập cải tạo chung ở Biên Hòa để kết thúc bài viết “Cái gì rồi cũng qua đi, tình bạn còn lại”, và tôi thêm, cái gì cũng bỏ qua đi, dẹp qua đi cho tình bạn còn mãi, còn mãi…

                NGUYỄN THỪA BÌNH
                9/10/2017
                Last edited by Phòng Trực; 11-13-2017, 08:35 PM.

                Comment


                • #9
                  Cũng chưa muộn màng

                  Sáng nào cũng vậy, nếu không cùng một vài ông bạn ra tiệm uống cà phê nói chuyện trên trời dưới đất thì ở nhà, tôi cũng“tự pha tự uống” cà phê một mình. Uống cà phê một mình vào trời cuối Thu lành lạnh, nhìn vài lá phong đỏ đỏ vàng vàng cuối cùng bay qua bay lại ngoài kia mù mờ sương mai qua khung cửa sổ cũng thú vị biết chừng nào!


                  Lá phong rơi cuối Thu sau nhà

                  Hôm nay thì không “nhìn trời hiu quạnh” nữa, mà tôi lại ngồi xem đến cả mấy tiếng đổng hồ 2 DVD về 50 Năm Khóa 2 Học Viện CSQG Hội Ngộ ông bạn Lê Sỹ Tài ở Cali mới gởi cho. 50 Năm Khóa 2 Học Viện CSQG Hội Ngộ được tổ chức trong 2 ngày 28 và 29 tháng 10 năm 2017 vừa qua tại Nam Cali, vợ chồng tôi có tham dự với chừng 150 anh chị em từ nhiều Tiểu bang Hoa Kỳ về. Chúng tôi từ Kansas City, Missouri qua Orange County lúc 1giờ 30 chiều trước đó 1 ngày, và về trưa ngày 1 tháng 11 năm 2017. Tròm trèm cho trọn là 6 ngày 5 đêm, nhưng chính là chỉ có 2 ngày 28 ở nhà anh chị Tuất và 29 ở nhà hàng mới là 50 Năm Khóa 2 Học Viện CSQG Hội Ngộ. Hai DVD nầy của anh Tài gởi cho là 2 DVD ghi lại hình ảnh sống động, hiện thực một cách tóm tắt 2 ngày hội ngộ đó, mà tôi đã coi và ghi lại cảm nghĩ dưới đây như nhắc nhở mình một kỷ niệm quý hóa tuy ngắn ngủi, nhưng khó quên kéo dài…cho đến cuối đời.

                  Theo như Ban Tổ Chức dự tính, ngày ở nhà anh chị Trần Văn Tuất chính là ngày anh em hội ngộ để nhìn nhau, để tay bắt mặt mừng, để hàn huyên, để tâm sự một cách tự nhiên, thoải mái… mà có nhiều anh em đã qua 50 năm rồi bây giờ mới gặp lại nhau. Niềm vui, nỗi xúc động nói không nên lời bút mực nào tả cho hết! Nghe đâu đâu cũng rộn ràng tiếng cười, cũng vang vang tiếng nói như hạnh phúc bập bùng đang bừng bừng nhảy múa trong cõi lòng từng anh chị em một. Tiếng nói đó, tiếng cười đó, những anh chị em đó đã được thu hình vào 2 dĩa DVD tôi mới vừa coi xong, và tôi muốn nói ra. Tôi muốn nói ra không phải như một tâm sự ôm ấp trong lòng đã được gói ghém lâu ngày bây giờ mới mở tung ra, mà tôi muốn nói ra là nói đến những chi tiết mới lượm lặt được trong đó những hình ảnh hay “lời ăn tiếng nói” của quý anh chị em mình đã làm tôi buồn cười hết sức, đã làm cho tôi vui vui vô cùng, đã làm cho tôi thấy hay hay chi lạ, và cũng đã làm cho tôi thấy ý nghĩa biết chừng nào! Ôi! Một cuộc hội ngộ sao mà đáng nhớ, đáng yêu đến thế!


                  Gặp Nguyễn Võ sau tù ở Thanh Lâm 1980-1982

                  Tôi nhìn ra ngay các anh chị Trần Văn Ba, Nguyễn Võ, Phạm Minh Mạnh, Nguyễn Đình Chiểu, Ngô Bình Ninh…dù đã 40 năm, 50 năm rồi có gặp mặt đâu? Có gặp chăng là gặp ông Nguyễn Võ cùng chung trại tù học tập cải tạo với tôi, với các ông Nguyễn Văn Tua, Lê Sỹ Tài, Nguyễn Văn Hoàng, Lê Văn Năm, Nguyễn Ngọc Thụy…trong trại tù Thanh Lâm ở Thanh Hóa từ những năm 1980 đến năm 1982, mà tôi đặt cho ổng một biệt danh là Võ Trây Lười Lao Động.Võ Trây Lười Lao Động vì cớ ổng cứ khai bệnh liên miên và cũng nghỉ bệnh liên miên. Tôi vì suyển hoài, cũng thường được miễn “lao động là vinh quang” mà lần nào được “ở nhà” là như lần nấy đều thấy ổng “cuộn mình trong chăn, như con sâu làm tổ trong trái vải cô đơn”. Tôi nhìn ra ngay mấy ổng là vì tôi sưu tập hình ảnh anh em Khóa 2 của mình để làm các Tập Hình Ảnh Cựu SVSQ Khóa 2 Học Viện CSQG và Tập Hình Ảnh Cựu SVSQ Khóa 2 Học Viện CSQG Và Quý Phu Nhân.
                  Ví như ông Nguyễn Đình Chiểu ở Massachusetts nhờ ông Linh Già cho số điện thoại, tôi đã được ổng cho 2 tấm hình.Người anh em bạn ta vì chuyện gia đình mà “mai danh ẩn tích” đố ai thấy mặt ổng ở đâu? Ví như ông Đỗ Vạn ở Oklahoma “chắc qua năm 1975” không thiết liên lạc ai với ai anh em Khóa 2 với ổng, mà chỉ cóông Phạm Minh Mạnh tới thăm và chụp cho tôi một tấm hình. Ví như ông Phạm Minh Mạnh nầy ở Oklahoma “Có biết ai Khóa 2 mà liên lạc” trước đây, nhờ anh chị Bùi Xuân Hoan, ổng đã gởi cho tôi một tấm hình chụp hai vợ chồng. Ví như ông Lê Văn Nam ở Florida lo trồng trọt đầu tắt mặt tối ở Florida City đâu biết nhiều về anh em.Nhờông Trầm Quốc Minh, tôi mới được ổng gởi cho một tấm hình ổng với bả và chụp được hình ổng vào trong Iphone của mình. Cũng ví như ông Ngô Bình Ninh ở Georgia có ai thấy ổng bao giờ, dù còn đó Trần Bửu Giao, Trần Văn Tuất, Nguyễn Văn Kiên, Trương Minh Quang…làm chung một chỗ với ổng ở Bộ Tư Lệnh CSQG cho tới ngày bể dĩa? Tôi nhờ 2 tấm hình ổng gởi cho, gặp là tôi “Chào ông bà Ninh” ngay. Nhìn chung, tôi thấy chộn rộn, tôi thấy ồn ào, tôi không thấy ông bà nào mếu máo, nhăn nhó, mà thấy ai ai cũng cười những nụ cười tươi như hoa hồng thắm, còn “Hẹn ngày tái ngộ”, và sang năm, sang năm nữa “Nếu có là đi”. Thiệt là thâm tình! “Hẹn ngày tái ngộ” là phải; sang năm, sang năm nữa “Nếu có là đi” là phải, bởi tuổi già chúng ta bây giờ ngó dzậy mà không phải không nhiều ưu phiền có khi mang theo xuống tuyền đài; ngó dzậy mà không phải ông bà nào không có bệnh nầy với bệnh kia trong người!? Vui một ngày, vui hai ngày, vui được lúc nào hay lúc đó. Đời đâu có nhiều nụ cười!? Và “ôi vui quá là vui” mà chị Bùi Xuân Hoan hát: “Nay dù xa bao nhiêu ngày qua, hồn ta vẫn luyến nơi xưa mỗi khi xuân về khai mùa…” bài Nhớ Về Đà Lạt của Hoàng Trọng hình như không làm cho ai im lặng được một chút để nghe MC nhắc nhở, chứ nói gì nghe với ngóng, thưởng với thức chị Hoan hát hay biết chừng nào!


                  Chụp hình lưu niệm trước nhàanh chị Tuất

                  Thiệt là, vui quá quên nghe người ta nói tới nói lui “Ra ngoài chụp hình lưu niệm”, “Các ông dắt ghế cho quý bà ngồi”. Mấy bà thì cứ ham chuyện chị chuyện em, mấy ông thì hình như chưa quen “Lady first”, mà chỉ nhớ dai “Phu xướng phụ tùy”, nên ngần ngừ “dắt ghế cho quý bà ngồi”. Quý bà chụp trước đã nói rồi, vậy mà cũng có mấy ông lảng vảng. xớ rớ muốn nhào dzô như là không muốn rời vợ một nửa bước. Vì vậy mà lâu ngoài trời nắng đang lên và nóng đang lau son phấn mấy bà, làm cho mấy bàai nấy cũng than trời thở đất: “Lâu quá”, “Lâu quá à”. Khi chụp chung, mấy ông mấy bà làm như xa vợ một chút, không gần chồng một chút thì đời như “lúa dzàng”, mà kêu nhau ơi ới “Anh, anh tới đây, tới đây đứng sau em”, “Em, em ngồi đó, anh tới”…Nghe sao mà tình mà nghĩa đến thế, và cũng đáng quý đáng yêu đến thế! Đúng là “Buông nhau làm sao cho nỡ….Thương được chừng nào hay chừng nấy. Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy…”như cụ Phan Khôi trong Tình Già. Ông bà Phạm Thành Kính, người về từ Pennsylvania mất hơn 7 giờ, qua 2 ngàn rưởi miles máy bay bay không ngừng, mà lái xe thì phải đến 41 tiếng đồng hồ qua trên 2 ngàn 7 trăm cây số mới vềđược với anh emở Cali, chưa nói tới chị Kính một tuần phải 3 lần lọc máu. Tiếc là ổng bả đã tới không kịp chỉ vì“anh Kính chờ chị Kính lọc máu”.Trời cũng khoái phụ lòng người ngay thế nhỉ? Cái chính ngày hôm nay ngoài việc để anh chị em vui vẻ càng nhiều càng tốt, còn việc anh chị em phải tự giới thiệu mình nữa.Tự giới thiệu mình là vì có những anh em đã 50 năm nay có thấy mặt thấy mày nhau đâu mà nhìn cho ra mày với tao, tao với mày. Tự giới thiệu mình cũng là dịp để cho mấy ổng “romantic” một chút có ít nhất một lần trong đời tặng cánh hồng đỏ đến người vợ đi cả cuộc đời ngọt bùi đắng cay với mình. Tự giới thiệu mình cũng là cơ hội cho mấy ổng hôn một nụ hôn lên má bà vợ như chưa từng hôn em một lần với lời tỏ tình ơn nghĩa…


                  Nụ hôn ân tình của Phạm Thành Kính

                  Nói ai cho xa, tôi nói tôi chỉ một lần duy nhất len lén hôn cô nữ sinh Đệ Tứ trường Văn Hiến ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi là đã nên vợ nên chồng. Và tôi biết chắc các ông bạn chúng ta, có ông chưa một lần hôn vợ. Tôi không nói tới các ông dư ăn dư để hằng trăm, thậm chí hằng ngàn, hằng ngàn nụ hôn thắm thiết lên má bên nầy, lên má bên kia của vợ mình không biết mệt! Dẫu không có hôn, có hôn một lần, hay hôn mệt nghỉ, chắc các ông tự ái, tôi dám cam đoan chưa một lần nói lời cám ơn má sấp nhỏ rằng thì là “Anh cám ơn em một đời vì chồng, vì con”. Và bây giờ, hôm nay, tại dây “ân đền, oán bỏ” chúng ta anh em với nhau, vợ chồng với nhau có cùng một nghĩa cử tốt đẹp, một lời thân ái trìu mến cho nhau lúc nầy và mãi về sau. Khi một anh chị nào lên, tiếng tôi nghe đầu tiên, rõ ràng ràng là “hôn, hôn”. Sao thích hôn vậy cà?Tôi không biết mấy ổng, mấy bả chắc khoái hôn lắm hay thiếu hôn dzữ? Bây giờ tôi mới thấy mấy ổng, ông nào ông nấy cũng giỏi “nịnh, bợ ” vợ y như như rằng thì là “một đời vì chồng vì con” và tự hứa với “bà nhà”của mình là “đi trọn cuộc tình”. Có ông,có phải mắc cỡ không, hay làm bộ làm tịch thay vì hôn vợ thì được vợ mau mắn hơn, nhón gót cao lên, cao lên nữa hôn chồng cho rồi?Có ông còn giữ lễ nghĩa “xuất giá tùng phu” của ông bà già mình ngày xưa ăn trầu đỏ, nhuộm răng đen ra lệnh vợ “Hôn một cái coi”. Tôi nói ra đây “trật tầm bậy, trúng tầm bạ” ông bà nào có thì ông bà đó nấy biết.Có điều, tôi nói ra là “Nói có sách, mách có chứng”, đừng nói tui đặt điều nghen. Có chị chắc cảm động quá lời chồng khen mình là “Con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng và bốn đứa con” mà hát mấy lời bài hát Nếu Anh Đừng Hẹn của Lê Dinh ngọt như mía lau lùi“Lỡ yêu rồi, làm sao quên được anh ơi”. Và một chị người Huế, vợ của ông cũng người Huế của chúng ta đã đọc “Chi lạ rứa, chiều nay em muốn khóc”, may bà Nguyễn Thị Hoàng đã mồ yên mả đẹp, không thì bả đội mồ dậy mà nầy nầy “Chi lạ rứa chiều ni tui muốn khóc” mới được nghe em! Hai hình ảnh có lẽ làm tôi nhớ nhất là ông Trịnh Công Danh ở West Palm Beach, Florida quỳ gối một chân, hai tay dâng cánh hồng đỏ thắm đến người vợ mà ổng nói “ Tôi lấy vợ tôi năm 16 tuổi, năm nay bả 70 tuổi”, không quên trước đó đã nhét cái Ipad trắng đằng sau lưng.


                  Ông Trịnh Công Danh tặng hoa cho vợ

                  Ổng quỳ gối tặng hoa hồng cho vợ, tôi lại nhớ đến ông Hà Thức quỳ gối tặng bông hồng năm xửa năm xưa năm 2013 Hội Ngộ 46 Năm Khóa 2.Vàông Ngô Bình Ninh đến từ Atlanta, Georgia.Tôi cócảm tưởng nhưổng bày tỏvớivợ những lời lẽ hết sức là chân tình, hết sức là tự nhiên kèm theo một nụ hôn tuy nhẹ nhàng, đơn sơ nhưng vô cùng nồng ấm, thắm thiết “Ởđây có một bông hồng xin tặng cho em, và hy vọng rằng chúng ta sẽ sống mãi mãi yêu nhau”. Cái tự nhiên, cái chân tình, cái nồng ấm, thắm thiếtđó ai cũng thấy, và nhất là chị Ninh chắc thấy trong lòng nỗi niềm rung cảm dạt dào. Nỗi niềm rung cảm dạt dào làm chị xúc động, làm chị muốn rưng rưng những giọt nước mắt hạnh phúc hiếm hoi cuộc đời, và chúng ta, ai ai cũng thấy chúng ta trong đó tình yêu thương chồng vợ mấy chục năm ngọt bùi, cay đắng vợ vợ chồng chồng…Ởđây cũng có chuyện đáng nói, và buồn cười thiệt, khi bốn anh chàng Trần Văn Bảy, Lê Hoàng Khôi, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Thạc cũng như cặp Lê Văn Năm với Phạm văn Cờ, Trần Thanh Huỳnhvới Trương Đình Minh bước lên nhận bông hồng Ban Tổ Chức trao là bị chộ “Gay, gay, gay”.


                  Quý vị phu nhân, một hình kỷ niệm

                  Tiếng chộ, tiếng chọc, tiếng ghẹo, tiếng trêu “Gay, gay, gay” đó, tôi nghe như lời chúng ta trao nhau những tiếng cười sống động, dạt dào ân tình vui thiệt là vui thời trai trẻ hồi nào đó, bây giờ hiếm hoi còn sót lại trong chúng ta những ông già trên tuổi “thất thập cổ lai hy”. Mà mấy ông đó, tôi trừông Bảy, ông Chiểu ra, còn sáu ông kia “độc thân tại chỗ” thì cũng đáng đời cho là“Gay” lắm. Ai biểu mấy ổng nhất định “nhốt” vợởnhà màđi một mình. Mấy khi chúng ta thấy mấy ông đó chịu khó “cột” vợđi theo với mình, mà cứ lấy cớ “Bả không chịu đi”. Nói thì nói vậy thôi, chứ mấy bả nói “Ông đi đi, tôi không đi” thì cũng chịu thôi.Ông Trần Thanh Huỳnh đòi đưa điện thoại cho tôi, bảo: “Ông mà nói bả chịu đi, tôi kêu ông làông thầy” thì làm sao mấy ông bà nầy “cặp bồ” màđi cặp kè với nhau cho được? Từđó, chúng ta cũng phải cám ơn quý chịhiện diện hôm nay đã khó nhọc, nhiều hy sinh theo chồng đến dự 50 Năm Khóa 2 Hội Ngộ nầy. Cám ơn! Cám ơn!


                  Ngày hôm qua chắc mệt dữ, nhưng có ai thấy quý chị nhà ta ủê, ủrũ, ủ dột gìđâu ngày hôm nay ở nhà hàng Seafood Place Chinese Restaurant ở Garden Grove? Các chị làm văn nghệ văn gừng kiểu cây nhà lá vườn có “rehearse”, “rehearsal” gìđâu mà vẫn cứ hăng, vẫn rất hay, vẫn phải làm mấy ông nhà ta khoái quá trời. Khoái quá trời cho nên mấy ổng cứ giành nhau lên tặng bông, tặng hoa miết. Tôi thấy bài 60 Năm Cuộc Đời của Y Vân, các chịdù có người đã trên 70 đâu có ai đứng yên. Các chị vừa hát, vừa nhún, vừa nhảy, vừa múa…yêu đời biết mấy! “Anh ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời? Khi xa anh rồi, em biết yêu thương ai! Nên khi yêu nhau thì yêu cho trọn đời. Anh ơi! Ta sống được bao”!? Lời vàđiệu bài hát như mấy dòng tâm sự bừng bừng sinh khínhắn nhủ của quý chị gởi đến quý anh em ngồi ở dưới. Quý lắm thay! Tình cảm biết mấy! Người mà hào hứng nhất, bình dân gọi là “quậy”, tôi cho là bà xã của ông Nguyễn Văn Lợi mặc cái jupette đen, hay còn gọi là mini-jupe đen đứng ở giữa và trước quý bà. Người mà tôi không biết là ai cũng đứng hàng đầu, và kế bên chị Hoan chắc lớn tuổi nhất trong quý bà là người không đứng yên một chút nào chắc là đểcho hợp với loại kích động nhạc chăng? Đến nhưbà vợ của ông Nguyễn Công Nhẫn đứng đằng sau chị Lệ Ngọccũng phải giựt giựt cánh tay trái bởi vì “Twist” mà, bởi vi “Rock and roll” mà?
                  Không tập, không dợt vậy mà bà LêĐức Tuân và bà Nguyễn Ngọc Thụy cũng nhịp nhàng, cũng ăn khớp, cũng hợp goût với nhau mà múa theo lời và theo điệu bài hát Hình Ảnh Người Em Không Đợi của Hoàng Thi Thơ “Ngày nào em đến, áo em màu trinh, áo xinh là xinh, áo em trong trời hồng. Là gió, là bướm, là hoa là mây chiều tà…” thấy hay hay chi lạ!Mới biết, “múa hay không bằng hay múa” là thế.Chị Bùi Xuân Hoan với bài Bóng Chiều Xưa điệu Tango của Dương Thiệu Tước hát thiệt không thua chút nào một ca sĩ chuyên nghiệp “Ngọt ngào sắc hương. Tay cầm tay luyến thương. Đôi mắt em nhìn càng say đắm mơ màng, nào thấy đâu sầu vương”. Anh Hoan hèn gì “mê” vợ quá trời là phải.Có khác gì, mỗi khi nghe chị Hoan hát, bà vợ tôi cứ khen “Chị Hoan hát hay quá”.Tôi thấy anh Hoan bước tới chụp hình và tặng hoa cho vợ với nhiều anh chị em nữa.Ông Nguyễn Ngọc Thụy giới thiệu phu nhân của ông Nguyễn Công Nhẫn, nghe một đoạn “Thu đến, Thu đi cho lá vàng lại bay. Em theo bước về nhà ai. Ân tình xưa đã lỡ. Thời gian nào bôi xóa.Kỷ niệm đầu ai đành lòng quên”, tôi mới biết là bài hát Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân của Song Ngọc, điệu Boléro. Không thấy ông Nhẫn lên tặng hoa khuyến khích tinh thần góp vui của vợ, tinh thần “hát hay không bằng hay hát”, mà chỉ thấy các ông Nguyễn Văn Tua, Nguyễn Văn Em, và Hoàng Văn Thành. Nói tôi quê mùa tôi chịu; nói tôi “biết một mà không biết hai” tôi chịu, là tôi chưa bao giờ thấy một cô sơn nữM’nông, K’ho, Mạ, Êđê, Stiêng, Bahnar… nàothời tôi làm ở Quảng Đức mặc khố, mặc váy, mặc xà rong, mặc quần áođỏchét, đỏ lòm, đỏ lóiđẹp quá như các bà vợ mấy ông Lợi, Tuân, Thụy, Tuất, Anh tức Lệ Ngọchát và múa bài Nỗi Buồn Châu Pha của Lê Dinh.


                  Điệu múa miền sơn cước Nỗi Buồn Châu Pha

                  Hai phu nhân Tuất và Anh thì chỉ có hát“Chiều mưa rơi rơi, nàng hay đứng âm thầm nhớ ai.Hỏi sao ngày vui đã mất.Hỏi sao lệ dâng khóe mắt. Châu Pha thương đau nỗi nuồn cúi mặt quây đi”, và múa thìchỉnhúc, chỉ nhích cho có lệ, cho có vẻ; còn ba vị phu nhân kia thì múa võ tự do theo ý mình miễn sao động tác nhịp nhàng theo điệu nhạc là ok rồi, đâu cần giống nhau như một? Phải nói, cái màn nầy trông cũng vui, cũng hay, cũng “bắt mắt”, cũng “ăn khách” cho nên mấy ông đông quá lên tặng hoa. “Ai đời tặng hoa cho người đương múa bao giờ”, nhiều ông bàở dưới nói dzậy.Và tôi từ sau khi cha mẹđẻ ra đến bấy giờ cũng chưa từng thấy. Lạ ghê! Ông Lợi, ông Thụy, ông Tuân, ông Tuất đi vòng vòng tìm cho ra cái gùi của bà xã mình mới bỏcành hồng vô. Cũng còn ích kỷ ghê, cá nhân ghê! ÔngTua, ông Lâm, ông Hàm…, thậm chíông Tua làm sao đểcho cành hồng rớt xuống sàn rồi cầm lên, các ông cứđứng xớ rớ tới xớ rớ lui “bỏđại” vào gùi ai cũng được. Ông Tôn Thất Anh là chồng Lệ Ngọc ngồi bàn tròn với tôi lấy máy hình ra, đứng dậy nói: “đi làm nhiệm vụ”. “Đi làm nhiệm vụ” là đến gần bà vợ của mình mà chụp một, hai tấm hình. Nếu không, chắc về bả “véo” cho chết cái mặt hiền khô của ổng “kêu trời không thấu”! Cũng không khác nào như mấy ông bạn “ta về ta tắm ao ta”, ông Hà Văn Tiên từ lúc mở màng cho đến khi bà Tiên hát, ổng không tặng hoa cho ai chi cho mệt, hình như chỉ để dành cho vợ mà thôi.Cho nên, khi bà Tiên mới hát “Tâm tư bâng khuâng ngày đôi ta đến đây.Cũng vườn xưa chốn nầy nhặt hoa tím rụng cài lên áo.Có ai đâu ngờ hoa tím cả người thương” của Thanh Sơn, bài Hoa Tím Người Xưa,ổng lên thật nhanh, chạy tới tặng hoa, ôm vợ, chụp hình.Một lần “nịnh vợ” chưa đủ, ổng còn rủông Nguyễn Ngọc Thụy lên thêm một lần nữa đứng chụp hình mới yên bụng yên dạ. Thiệt tình! Tôi thấy mà không biết tên bốn bà trẻ trẻ trong Ban Văn Nghệcũng lên tặng hoa cho bà chị.“Bà chị” vì tôi nghĩ bà Tiên lớn tuổi hơn.Một chuyện như “muôn thuở muôn nơi” hể chỗ nào cóông Huỳnh Văn Thanh làchỗđócóông Trịnh Công Thanh.Ông Huỳnh Văn Thanh dềnh dàng mới bước lên thì y như rằng,ông Trịnh Công Thanh cũng bước theo lên “tặng hoa”.


                  Ngọc Thụy – Phương Thảo song ca Sầu Tím Thiệp Hồng

                  Xin hỏi nhỏ “Haiông có vấn đề”?Đến cặp song ca Ngọc Thụy- Phương Thảo như lời giới thiệu của người điều hợp chương trình, tôi mới biết làông và bàNguyễn Ngọc Thụy.Ông bà Thụy đồng ca bài Sầu Tím Thiệp Hồng của hai tác giả Minh Kỳ và Hoài Linh.Bà Thụy “Từ lúc quen nhau chưa nói một lời gì tỏ tình ta mến nhau”, thìông Thụy tiếp “Nhiều đêm ngắm sao, mơước duyên tình bền lâu, suốt đời tình thắm sâu”. Hát hay hoặc không tôi chưa nói tới. Tôi nói đây là tôi nói lần đầu tiên tôi thấy hiện tượng lạ làmột cặp vợ chồng của Khóa 2 Học Viện CSQG song ca trên một sân khấu của Khóa. Bà Thụy người Huế hát không hát giọng Huế, mà hát trộn trạo giọng lơ lớ Nam Kỳ Quốc nghe sao là lạ, cái là lạ hay hay. Ông Thụy hát có vẻ chững chạc, tự nhiên, nghệ sĩ, lãng mạnđáng ca ngợi là “hay lắm”. Vì vậy, lạ gì sau khi ông Lê Hoàng Khôi “khai hỏa”, các ông Võ, Bảy, ông bà Thành lên “tặng hoa”, rồi tiếp theo các ông ở San Jose túa lên chật sân khấu là các ông Sang, Em, Thiện, ông bàTuân, ông bà Tua…Tôi chạy lên làm bộ ngăn cản vàđùa “Làm gì dữ dzậy”? Ông Tua nói: “Tụi tao ủng hộ người San Jose tụi tao mầy”. Thiệt là “dư trong nhà mới ra ngoài ngõ”, ông bà ta nói có sai đâu?Khi hai ông bà Thụy chấm dứt, tôi lại nghe các ông, chắc là cư dân San Jose quá, la to: “Bis, bis, bis”, “One more, one more”. Điệu nầy, có họp mặt Khóa 2 lần nào nữa, hai vợ chồng tôi chắc phải xin cho đưọc song ca một lần.Tới phiên ca sĩ phu nhân Hà Thức hát bài hát nhắc lại lời nói ngày hôm qua khi ổng tặng hoa ca ngợi mình “Lỡ yêu rồi, làm sao quên được anh ơi!?Bài Nếu Anh Đừng Hẹn của Dạ Cầm- Lê Dinh.Dạ Cầm- Lê Dinh cũng chỉ là một người trong nhóm Lê-Minh-Bằng “Lỡ yêu rồi, làm sao quên được anh ơi!?Những đêm buồn nhìn về dĩ vãng xa xôi.Đếm bao kỷ niệm là bao nhiêu tình, màđành quên sao, anh đành quên sao”? Bài đã buồn, mà bà Thức hát lại nhỏ nhẹ, nghe sao buồn tím cả ruột, cả gan! Có phải đồng cảm vậy không, mà nhiều bà hơn nhiều ông lên với bà ca sĩ?Tôi thấy có các bà Khang, Trình, Dĩnh, Sanh, Hoàng, Tua, Ninh, Phát, Chánh, Huấn, và mấy bà mấy chị nữa tôi không biết tên. Còn phía đàn ông, tôi thấy các ông Tua, Thụy, Huấn, và sau nữa có hai ông Thanh là Thanh Cổ Cò và Thanh Bốc Khói.Hai ông nầy thì ham vui nên lúc nào lại không có mặt. Đặc biệt, dù bàca sĩ HàThức có cạn tỏ tấm lòng “Tình ta sẽ không bạc màu như nắng hoa, vàđẹp nhưước mơ” vẫn không thấy ông Thức chạy lên “nịnh đầm” như các ông Hoan, ông Thụy, ông Tuất, ông Tuân,ông Tiên…?Không chừng, tối đó về thế nào bà Thức cũng làmông Thức một trận rằng thì là “Ông ngồi ởđâu, có nghe tui”?


                  Phạm Thành Kính hát vọng cổ “ Mừng Khóa 2 Họp Mặt”

                  Tiếp theo làông bạn Phạm Thành Kính. Kính được hát vọng cổlúc nầy là nhờ yêu cầu của đứa cháu ngoại “Con muốn nghe ông Ngoại hát trước khi về”. Ông bạn ta “tự biên tự diễn” bài “Mừng Ngày Khóa 2 Họp Mặt” và hát điệu Xuân Tình, lớp 1.Ảnh cho biết “hôm nay ngày vui phải hát Xuân Tình”. Cũng nên biết, Xuân Tình có 48 câu, mà lớp 1 có câu 1 tới câu 14. Vọng cổ có các điệu vui là Xuân Tình, Tây Thi, Phú Lục…, và các điệu buồn như Nam Ai,Phụng Hoàng,Văn Thiên Tường… “Năm mươi năm chỉ một lần họp mặt. Mong đồng môn sống lâu cùng bè bạn. Sức khỏe bền lâu, hạnh phúc tràn đầy, vững tin mai nầy sẽ về lại Việt Nam”.Ảnh hát với tất cả tấm lòng, tâm não như động tới tâm can các ônghơn mấy bà, nên anh em Khóa 2, bạn của ổng lên thiệt làđông, nhưng không thấy bà nào. Không thấy bà nào chắc vì các ổng dành chỗhết rồi, còn đâu chỗđứng cho mấy bà mà lên với xuống phải không!? Cái đáng nói ởđây làđứa cháu ngoại 7 tuổi của anh bạn Phạm Thành Kính thích thúđược chụp hình chung với ông ngoại và “rất vui, rất sung sướng”được nghe ông Ngoại hát, như Kính cho biết. Tôi cũng cầm một cành hồng như nhiều anh em khác lên tặng bạn mình, nhưng đâu nhớ ra rằng ổng một tay cầm micro, một tay cầm tờ giấy. Chúng tôi nhét vào túi áo vest của ổng, nhưng đâu được. Cuối cùng tặng ông Bảy cầm giùm. Vìđứng dậy ưỡn mình ưỡn mảy, và nhắm mắt một chút cho bớt mỏi mệt, mà qua đi phu nhâncủa anh bạn trẻ, được ông Lợi cho biết làTừ Tấn Bình hát bài hát Nếu Ai Có Hỏi của hai nhạc sĩ Anh Bằng và Lê Dinh. Chị hát giọng thiệt là tha thiết, thiệt là dịu dàng, vànhỏ nhẹbiết mấy như lời thỏ thẻ vớichồng “Dẫu cho núi lở, non mòn chúng mình còn thương.Chim khôn làm tổ vào mùa hoa lá dâng hương.Chớ nên nức nở ngày mai mình trong gian khổ.Ngày mai mình vui pháo nổ, đẹp đôi nhưý thắm mong chờ”. Các bàTôn Văn Pháp, Hà Văn Tiên, Nguyễn Doãn Hưng và cùng phu nhân cũng ông Lợi cho biết là củaĐỗSơn lên tặng hoa. Lạ, không thấy bóng đực rựa của một ông nào?“Kỳ thị” nghen.


                  Phương Mai-Lệ Ngọc- Phương Thảo tam ca Xóm Đêm

                  Sau ông Kính là 3 nữ ca sĩ Phương Mai, Lệ Ngọc và Phương Thảo tam ca bài Xóm Đêm của Phạm Đình Chương điệu Boléro chơi Rhumba cũng không sao. Phải nói 3 ca sĩ nầy hợp ca rất hay, rất ăný, điệu nghệ. Ta nghe “Ai chia tay ai đầu xóm vắng im lìm. Ai rung lên tia mắt ngàn câu êm đềm. Mong sao cho duyên nghèo mai nắng gieo thềm, đẹp kiếp sống thêm”.Ông Tuất phát lệnh “tặng hoa” bằng cầm tay 6 cành bông hồng. Ổng tặng cho mỗi ca sĩ nhà ta mỗi người 1, còn 3 ổng gởi nơi ông Trưởng Ban Nhạc mệt quá trời giữ giùm.Chưa đủ, trước khi đi xuống, ổng còn tới đứng bên ca sĩ Phương Mai duyên dáng làm như thương vợ quá chời! Bây giờ thì không thấy ông Tôn Thất Anh “đi làm nhiệm vụ” nữa?Một bà mới biết là chị Hồ Công Tú qua ông Nguyễn Văn Lợiđương từ từ bước lên tam cấp đến “tặng hoa” cả cho ba ca sĩ. Ông Lợi ngược lại, chỉ có 1 không biết tặng ai?Ổng đứng thậm thà thậm thụt giữa hai ca sĩ Lệ Ngọc và Phương Thảo. Cuối cùng dúi vào tay ca sĩ Phương Thảo. Muc kế tiếp làông ca sĩ già Tôn Văn Pháp ở El Monte California tự giới thiệu là “BTV/CSQG, Trung Đội 24…mời quý dị thưởng thức bản nhạc được mang tên là Hoa Chin Nữ”.Tôi không biết “Hoa Chin Nữ” là hoa gì?“Xưa thật là xưa, nhớ mấy cho vừa nhớ mẹ kểđêm mưa.Cóông vua trẻ xuất binh qua rừng dẹp quân xâm lấn. …Tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường…Tôi chỉ là người lính phong trần thấy hoa nhớ người yêu rất xa”. Giọng thô, rồ Baritone cộng thêm nhiệt tình vàcách trình bày hơi hơi “cải lương” của Pháp được hoan hô dữ. Tôi thấy ông Cựu Viện Trưởng Trần Minh Công ngồi ở dưới cũng vỗtay. Từ nhỏ đến nay 75 tuổi Tây rồi, tôi chưa từng thấy ca nhạc ởđâu đâu mà nhiều ông già, bà già “tặng hoa” cho ca sĩ quá trời nhưởđây. Từ cặp song ca Ngọc Thụy- Phương Thảo, đến đơn ca vọng cổ của ông Phạm Thành Kính, bây giờ là “người lính già xa quê hương” Tôn Văn Pháp có các ông Khôi, Thanh, Ba, Hoan, Tài, Phát, Tuất, Lợi và bà Nhẫn.Ông Lợi còn quỳ gối “tặng hoa” cho ca sĩ Pháp nhưông Trịnh Công Danh ngày hôm qua, hay ông Hà Thức hồi năm 2013 “tặng một bông hồng nầy cho em” vậy. Chưa đủ, ông Trần Văn Tuất còn tới định hôn chắc, nhưng thấy làm sao sao đó, nên chỉ má kề má nhưông Trần Văn Ba, Phạm Hoài Dĩnh ngày ở nhàông Tuấtvậy. Cái mà ca sĩ Pháp hạnh phúc nhất, là bà vợổng dấu nhiều năm trời ở nhà bây giờđương từ từ bước lên sân khấu tặng hoa cho ổng vàđứng gần bên ổng cười hả hê chụp hình?Chưa đủ, còn tôi là người cuối cùng lên “par corps” hay “corps à corps” với ổng rồi chụp hình làm kỷ niệm.


                  Tôn Văn Pháp với bài Hoa Trinh Nữ

                  Văn nghệ làm vui cho người, làm đẹp cho đời là vậy.Sân khấu càng về chiều, ca sĩ hát càng hay, càng thấm, càng đáng cho ta lấy đó làm một ngày kỷ niệm.Nghe giới thiệu ca sĩ Thiên Trang, tôi cứtưởng là ca sĩ Thiên Trang người Huế hát ở các Trung Tâm Asia, Thúy Nga.Nhưng không phải, mà tôi cũng chẳng biết là phu nhân của ông nào chắc chắn không phải là Khóa 2 rồi.Bài Mời Em Về của Việt Dzũng,Thiên Trang hát thiệt là buồn nỗi buồn 30 tháng 4 năm 1975 “Tôi muốn mời em về, nhưng chim đã gãy cánh, nhưng mây đã ngừng bay. Cho tôi còn lại nơi nầy”. Các bà Tú, Bình, Lợi, Chánh, và trong Ban Văn Nghệ, cùng ba ông Nguyễn Ngọc Thụy, Nguyễn Văn Lợi, Huỳnh Văn Thanh thiếu Trịnh Công Thanh lên mau mau tặng hoa. Ông Nguyễn Ngọc Tiến tôi biết tên, biết mặt lên sau cùng cũng tặng hoa, nhưng tôi đoán, chắc một công hai việc là vừa tặng hoa vừa cứu bồ.Ổng đã cầm giùm và cất đi những cành hoa hồng người ta đã tặng, chắc đểcho người đẹp rảnh rang và bớt nặng cái tay cầm. Vậy thì ca sĩ Thiên Trang đúng làphu nhân của ông Nguyễn Ngọc Tiến, Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 3 Học Viện CSQG chứ còn ai?Cuối cùng,theo yêu cầu của Ban Văn Nghệ cũng như Ban Tổ Chức, trên sân khấu có các bà Lợi, Tiên, Thụy, Anh, Tuất, Thức,…với các ông Tuất, Thụy, Tịnh, Tài, Lợi, Thiện, Điệp, Hàm cùng hát với bà con phía dưới khán đài bài hát Việt Nam Vẫn Mãi Là Quê Hương của Nhạc Sĩ Nguyễn Việt Nam cũng là Triệu Phổ viết năm 1983 “Dù anh băng qua bao đại dương, dù anh đi qua mấy dặm trường, dùÂu Châu, Úc Châu, Mỹ Quốc, quê hương ta vẫn mãi là Việt Nam”, mà chính tác giả hát có khác đi “Dù anh đi, đi qua bao đại dương, dù anh đi, đi qua mấy dặm trường, dù Canada, Úc Châu hay ở Mỹ, quê hương ta vẫn mãi là Việt Nam, quêhương ta vẫn mãi là Việt Nam”.


                  Đồng ca Việt Nam Vẫn Mãi Là Quê Hương

                  Ông Lê Sỹ Tài đại diện Ban Tổ Chức ngỏ lời cám ơn và chúc quý anh chị em Khóa 2 cũng như quý Thầy, quý huynh trưởng “trở về nhà bình an, hạnh phúc, vui vẻ”. Tôi định vừa đứng dậy vừa hát “Ò e Rô-be đánh đu, Tạc-dăng nhảy dù, Zo-rô bắn súng. Chết cha con ma nào đây thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi” thì mấy chị, mấy cô, mấy bà ca sĩtrong Ban Văn Nghệhình như hát vẫn còn thiếu thiếu, chưa được no, chưa được nê, nên tiếp Anh Về Với Em của Trần Thiện Thanh “Anh về với em như chim liền cánh, như cây liền cành, nhưđò với sông, như nước xuôi dòng vào lòng biển xanh...Anh về với em, mai ta lại cách xa nhau muôn trùng” tạo không khí “chợ chiều” tưng bừng lên, chộn rộn lên, vui kéo dài thêm vui, vàý nghĩa càng thêm ý nghĩa.
                  Cũng biết, cái gì rồi cũng có lúc kết thúc. Cái lúc kết thúc đó hoặc buồn hoặc vui tựu chung cũng làý nghĩa của cuộc đời mà thôi, nhưng tránh sao khỏi chạnh lòng người trong cuộc. Anh chị em mới đó 2 ngày đã qua mau như một giấc ngủ mơ mộng Nam Kha! Chúng ta, những ai đã tham dự 50 Năm Khóa 2 Học Viện CSQG Hội Ngộvừa qua khi chia tay không khỏi bịn rịn, lưu luyến? Bởi chúng ta đã vì nhau, đã với nhau thâm tình quá, vui vầy quá, và..và con người Khóa 2 tinh thần khắng khít 50 năm vẫn cứ mặn nồng tình đồng môn, tình đồng nghiệp, tình chiến hữu không hề suy suyển để ta sống không “hiu hắt đời nhau”. Bỏ ngoài những đóng góp tất nhiên vàrất quan trọng cho sự thành công hai ngày qua của quý anh em,quý chị em, nhất là mấy chị trong Ban Văn Nghệ, tôi muốn nói riêng một người, một ngườihết sức tích cực mặt nầy mặt kia, nhưng nhất vẫn là ngày văn nghệở nhà hàng Seafood Place Chinese Restaurant. Người đólà chị Thân Thị Ngọc Mai, là bà vợ cưng của ông Nguyễn Văn Lợi của chúng ta. Bà Lợi, “chỗ nào có bả chỗ nấy có vui” như mấy chị nói không sai chút nào. Tôi thấy bà Lợi nổi bật, linh hoạt, nhạy bén của một ca sĩ amateur, của một MC cảđời có làm bao giờđâu màvẫn rất hay, rấtđáng khen ngợi, rất đáng tuyên dương Văn Nghệ Bội Tinh.


                  Thân Thị Ngọc Mai, một MC duyên dáng

                  Xin quý anh chị, nhất là quý bàđừng nghĩ tui “bợđỡ” ông bà Lợi, mà liếc bằng nửa con mắt với tôi thì “ô hô, ai tai”! Tôi, tính ngang tàng nhưng chí tình, ngay thẳng, nên “có sao nói vậy người ơi”đâu biết “bợđỡ” ai bao giờ. Cũng mong quý anh chị em chúng ta hãy nhìn phu nhân ông Nguyễn văn Lợi Biên Hòa với một tấm lòng cảm phục, quý mến, vàhãy tha thứ, bỏ qua những sai sót nếu có hơn là dè bĩu, chê bai… Hình ảnh chắc ai cũng nhớ nhất là hình ảnh bà Lợi mặc cái mini jupe đen cụt ngủn, nhảy nhót giữa quý bàáo dài thướt tha, tha thướt đồng ca bài 60 Năm Cuộc Đời của Y Vân. Hình ảnh chắc ai cũng nhớ bà vợNgọc Maicủa ông Lợi làm MCđi vôđi ra sân khấu một cách tự tin, cũng có vụng về, cũng có khéo léo làđương nhiên. Tôi nhớ bà vợông Hà Văn Tiên khi hát xong bài Hoa Tím Người Xưa, MC Ngọc Maicủa Lợi nói: “Có người chờ chị sau cánh gà”. Trời ơi! Cánh gàđâu bà MC? Có thì mấy ổng đã lấy nhậu với Heineken rồi còn gì!? Sau khi ông Tôn Văn Pháp hát xong bài Hoa Trinh Nữ của Trần Thiện Thanh, bà MC của chúng ta nói mấy lời mà tui phải nhờ đến ông Lợi.Ông Lợi ơi! Nhờ nghe giùm “Quý vịơi!Đừng có nghe, đừng có tin.Tui đây nè, nghe nói được về làm hoàng hậu mà bây giờ làm osin nè.Đừng có tin”.Ông có gạt bả “về làm hoàng hậu” để bả “bây giờ làm osin”? Mèn đét ơi làơi đét mèn! Nói gì nói, lần nữa tôi ghi ra đây những lời cám ơn đến các chị, quý vị phu nhân của anh em chúng tôi đã vì chồng, vì con vui, khổ một đời người đàn bà…xem như mấy lời cuối cho bài viết hôm nay ngày “cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc…”, một ngày đúng 31 ngày sau ngày 50 Năm Khóa 2 Học Viện CSQG Hội Ngộở Nam Cali bế mạc vào xế chiều 29 tháng 10 năm 2017./.

                  NGUYỄN THỪA BÌNH
                  KC,MO 29/11/17
                  Last edited by Phòng Trực; 12-18-2017, 01:55 PM.

                  Comment



                  Hội Quán Phi Dũng ©
                  Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                  website hit counter

                  Working...
                  X