Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Khóc Bạn Già Không Quân

Collapse
X

Khóc Bạn Già Không Quân

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Khóc Bạn Già Không Quân

    Khóc Bạn Già Không Quân

    Để tưởng niệm Đại Tá Không Quân Nguyễn Quang Tri



    Sáng sớm ngày lễ Tạ Ơn, KQ Trần Dật gọi điện hỏi tôi, có gì lạ không, trả lời không, lại hỏi có biết gì không, lại trả lời không! Ông Dật Dờ rào trước đón sau, dặn dò nầy nọ, rôi ông yêu cầu tôi phải giữ lời hứa là không được tiết lộ, không được phổ biến khi nghe ông báo tin động trời, là Niên Trưởng (NT) Nguyễn Quang Tri, bút hiệu Gman, Tarin, ông già Ba Tri..., đã vút bay vào hư vô không kèn không trống!

    Vì chữ tín, tôi giữ kín tin buồn nầy.

    Mới hôm qua, KQ Trần Ninh, trong Ban chủ biên Lý Tưởng Úc châu, email cho tôi để hỏi thăm về tin buồn: “Vừa qua, tôi nghe được tin NT Đại Tá Nguyễn Quang Tri hiện sống ở Lakewood Nam Cali đã qua đời, không biết anh có biết hoặc có tin tức gì không, xin cho Lý tưởng Úc châu biết với.”

    Và tôi cũng trả lời như những gì mà KQ Trần Dật đã căn dặn.

    Một ngày sau, KQ Ninh gởi cho tôi bài viết của NT Bồ Đại Kỳ nhắc đến những kỷ niệm của hai anh thời du học bên Pháp. Bài viết đã gián tiếp báo cho tôi biết về sự ra đi của NT Tarin là đúng sự thật và KQ Trần Ninh cũng yêu cầu tôi không nên phổ biến cho đến khi Đặc San KQ Bắc Cali phát hành (và có thể cũng y chang như yêu cầu của Lý Tưởng Úc Châu). Tôi đọc bài viết một mạch và gọi ngay KQ Nguyễn Quí Chấn, đương kim Chủ Bút Đặc San KQ Bắc Cali để hỏi thăm là Đặc San có cần thêm bài viết để tưởng niệm NT Nguyễn Quang Tri không, thì được trả lời là rất nên vì NT Nguyễn Quang Tri là một trong những phi công khu trục tài ba của KLVNCH...

    Suốt trên 10 năm phục vụ trong Ngành Quan Sát chỉ đồn trú trong 3 căn cứ không quân Đà Nẵng, Nha Trang và Pleiku, nên tôi không biết nhiều phương danh các niên trưởng và các chiến hữu khác ngành và khác căn cứ. Nếu không đi tù, và nếu không ở chung trại Hà Tây (Bắc) và Xuân Lộc (Nam) thì tôi không thể biết ông “bò lục” KQ Nguyễn Quang Tri. (Bò lục, quân cờ domino. Tiếng trong tù, bò lục để chỉ quý NT mang cấp Đại Tá, bò ngũ Trung Tá v.v...). Trại Hà Tây giam các NT bò lục riêng. Giữa các khu đều bị cấm “quan hệ linh tinh” nên khó gặp nhau. Ngày lễ ngày nghỉ thì mới hy vọng gặp.

    Tôi biết cấp bực của anh Tri là Đại Tá vì anh ở khu bò lục. Chỉ biết đại khái trước 1975, anh làm việc tại Bộ Tư Lệnh, Khối Phòng không! Chỉ có thế. Sau nầy, khi qua Mỹ, đọc những bài viết của anh đó đây, tôi mới vỡ lẽ anh là một hoa tiêu khu trục tài năng và nhiệt huyết, từng đào tạo nhiều hoa tiêu giỏi cho quân chủng (như KQ Lê Bá Định) và từng chỉ huy Đệ nhất Phi Đoàn Khu Trục 514 Phượng Hoàng gồm những phi công tài ba của ngành Khu Trục KLVNCH.

    Thời ở trại Hà Tây và trại Xuân Lộc, dáng anh Tri đen và gầy tong. Anh ít nói và hay cười. Anh nói giọng miền Nam nhỏ nhẹ và điềm đạm nên gọi anh là “chị Ba Tri” có vẻ thích hợp hơn là “ông già Ba Tri”!

    Chúng tôi cùng ra trại vào năm 1988 thì phải. Tôi không biết anh đi chương trình HO năm nào. Năm 1992, tôi định cư bên Saint Louis bang Missouri thì mới biết anh đang ở Cali qua các bài viết của anh trên các Đặc San Không Quân.

    Vào khoảng năm 2000, sau khi về hưu, anh tìm tòi học hỏi về vi tính và đùng một cái, anh cho ra đời trang nhà mang tên “Bạn Già Không Quân”, với chủ trương thắt chặt tình quân chủng, giữ vững lập trường và cùng học hỏi giải trí những điều bổ ích ở tuổi cuối đời. Bạn Già Không Quân nhanh chóng trở thành một Tổ Ấm và là Nơi Gặp Gỡ hằng ngày cho hầu hết các canh chim tự do xa xứ. Đại đa số KQ có tuổi đều vào xem và viết bài tô điểm cho trang nhà nầy, mà theo tôi thì nhà văn KQ Mệ, tức niên trưởng Đại tá Trần Phước và niên trưởng Đằng Vân (Đại tá Đặng Văn Hậu)..., là hai trong những nhân vật cột trụ của BGKQ. Hình như cái tên bình dị thân thương của trang nhà là do Mệ gợi ý đặt tên cho đó!

    Cũng có người hiểu lầm “Bạn Già Không Quân” chỉ dành cho mấy ông già KQ lẩm cẩm. Không, không phải thế! “Bạn Già” mà theo mấy niên trưởng từng du học bên Pháp thì chữ nầy dịch từ chữ Phú Lảng Sa là “Mon Vieux”. Mon vieux là loại bạn thân nhất, tri kỷ nhất và thủy chung nhất. Trong thời chiến, không quân yểm trợ hỏa lực cho Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù, Biệt Động..., những chiến hữu nầy trước sau cũng vẫn là những “bạn già” của KQ!.

    Một điều đặc biệt là, niên trưởng Nguyễn Quang Tri tự bỏ tiền ra mua đất cất nhà và trang bị máy móc để trở thành trang chủ. Anh cho tôi biết là anh không muốn bị ràng buộc (hoặc phụ thuộc) vào các tổ chức hay hội đoàn nào. Vì là một trang nhà private, anh chỉ post những bài viết hoặc tài liệu thể hiện đúng quan điểm và lập trường và sở thích của anh. Nói cho cùng, quan điểm, lập trường và sở thích của anh cũng là của đại đa số anh em không quân chúng tôi.

    Vào khoảng 2005, 2006 gì đó, trang nhà BGKQ gặp trắc trở sao không rõ mà có tin đồn rằng, cá nhân tôi sẽ được trao “ấn kiếm” để tiếp tục điều hành trang nhà BGKQ ! Tội giật nẫy mình như bị chạm điện! Tự xét mình không sao có đủ khả năng chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm về quân chủng như anh Nguyễn Quang Tri thì làm sao mà handle nỗi một trang nhà với nhiều tính kỹ thuật và nhiều áp lực từ mọi phía? Sau cuộc điện đàm, tôi giới thiệu với anh Tri Queenbee Đặng Quỳnh vẫn thường thấy xuất hiện trên các trang điện tử KQ, là ngườii có khả năng và có lập trường Quốc gia Dân tộc, nếu được thì sẽ thay anh điều hành trang nhà BGKQ. Anh Tri OK.

    Nhưng sau đó, không biết lý do sao, câu chuyện bàn giao BGKQ không thấy đề cập đến, và BGKQ lặng lẽ bay vào hư vô tháng 7 năm 2007 thì phài!

    Khi hay tin buồn nầy, tôi nhớ có ghi một vài súc cảm nói lên lòng biết ơn về đóng góp và sự đột tử của BGKQ qua tựa đề “Khóc Bạn Già Không Quân” và gởi cho anh Tri. Bài thơ nầy tôi không tìm thấy lưu trong máy computer của tôi nữa. Quý niên trưởng hoặc quý chiến hữu nào con lưu trữ thì xin vui lòng phổ biến để cùng tưởng niệm một cánh chim từng “Sắt son một dạ với Không Gian” (thơ KQ Lê Bá Định) như NT Nguyễn Quang Tri .

    Nhắc tới KQ Lê Bá Định, nguyên Không Đoàn Trưởng KD72CT, từng bị phao tin đồn là đã...quy tiên! Khi đọc mẩu tin không vui, anh Tri liên lạc với tôi lúc đó còn bên Saint Louis, là làm sao tìm cách liên lạc với mấy anh em KQ bên quê nhà để nhờ xác định thực hư chuyện KQ Định như thế nào. Qua lo lắng của anh, các không quân bên nhà đã gặp mặt KQ Định và gửi qua Mỹ một tín hiệu vui. Hú hồn! Qua việc nầy, tôi biết anh Tri rất thương người đàn em tài hoa mà cũng ngang tàng như...anh! (Nếu không ngang tàng, thì làm sao một phi công khu trục đầy khả năng nhiệt huyết, được đào tạo kỹ càng mà không được thi thố tài năng trên chiến trường mà cho làm việc tại Bộ Tư Lệnh với chức vụ Trưởng Khối Phòng Không?!!)

    Tháng 10 năm 2007, “Cánh Chim Tự Do”, hậu thân của trang nhà BGKQ ra đời, nhưng trên một diện tích nhỏ hơn. Cái tên CCTT là do chúng tôi gợi ý, không ngờ lại được bà xã của anh Tri tâm đắc, và anh chọn cái tên “Cánh Chim Tự Do” trong nỗi hân hoan. Trong thư mở đầu, trang chủ CCTD bày tỏ chủ trương tóm gọn như sau: “Hướng đi của CCTD nhằm gợi lại một số nhu cầu cải tạo lại đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta. Đất nước chúng ta bây giờ đã rơi vào hố thẳm của trụy lạc, của nghèo đói...”

    Ngoài ra, CCTD còn chủ trương nâng cao kiến thức qua học hỏi lẫn nhau, qua những bài vở bổ ích để xây dựng cuộc sống của tuổi về già, giúp chúng ta có thêm phương tiện để tìm cho mình một cuộc sống có ý nghĩa hơn...

    Dù nhiều dù ít, BGKQ và CCTD đã giúp kết nối lại với nhau những chiến hữu KLVNCH trên toàn thế giới và ngay cả tại Việt Nam. Rồi cũng như BGKQ, tôi cũng không hiểu vì lý do gì mà trang nhà CCTD lại biến mất để đến khi hay tin ngày sắp hạ huyệt cố Đại Tá KQ Phạm Long Sửu, anh Tri lại gởi cho tôi bài viết “Phản Lực cơ J20 của Trung cộng” và nhờ post gấp lên Hội Quan Phi Dũng hay Cánh Thép để tặng hương hồn phi công khu trục Phạm Long Sửu. Tôi hì hục post hoài mà chẳng được, sau cùng mới biết là trang chủ HQPD đã giúp thực hiện việc nầy rồi. Nhắc lại điều nầy để thấy cái “tinh thần học hỏi” của các phi công khu trục là cần thiết vô cùng, dù sinh hay tử.

    Viết đến đây, tôi chợt bồi hồi. Một con người dung dị thủy chung và can trường, một con người có tấm lòng rộng rãi như anh, được nhiều anh em quý mến mà sao tới lúc bịnh hoạn anh lại không cho anh em chúng tôi biết để thăm gặp hoặc giả để nói lời vĩnh biệt?

    Nay anh đã âm thầm ra đi, không lễ nghi quân cách, không vòng hoa điếu văn, không cả tiễn chào vĩnh biệt. Tôi không nghĩ anh đã chọn được một cõi trời riêng biệt cho mình, với anh, cõi trời nào cũng chỉ có một Tổ Quốc Việt Nam. Tôi trộm nghĩ, có thể vì anh thương những “bạn già”, bị giới hạn đủ các cái, nên anh không muốn bạn già suy sụp tinh thần một khi ghé thăm anh. Tôi mong điều tôi nghĩ phù hợp với cái nhìn vô biên, cái tâm vô lưọng của một Phượng Hoàng!

    Và tôi thầm cầu chúc hương linh Đại Tá Nguyễn Quang Tri, Cánh chim Tự Do, phi công của Đất Nước, sớm an nghĩ đời đời bên Bạn Già Không Quân ỡ chốn Vĩnh Hằng!


    KQ Võ Ý

    tháng 11/2012
    Last edited by khongquan2; 12-16-2012, 12:16 AM.

  • #2
    NGÀY LỄ KHÔNG -QUÂN
    TƯNG BỪNG NHẤT

    Gman



    Trong đời binh nghiệp dài 22 năm, thật sự tôi chỉ tham gia hoạt động cho KQVN chỉ có 17 năm, vì thời gian còn lại là đi học. Trong 17 năm, phải nói là hoạt động tích cực, dù đôi khi tôi nghe cấp trên của tôi bảo:"làm để thăng cấp hay sao mà làm dữ vậy". Ông ta có ý nói, dù có làm đến chết cũng sẽ không được thăng cấp. Nhưng điều mà tôi quan tâm, không phải được thăng cấp, được ngồi trên mà ra lệnh, tôi không có tham vọng đó. Tôi muốn làm vì nhận thấy mình làm chưa đủ, và KQVN còn quá nhiều điều phải sửa sai. Mỗi năm, vào dịp lễ Không Quân , ngày 1 tháng 7, tôi thường nhìn lại một năm qua mình đã làm được gì cho KQVN, và mình đã làm được gì cho gia đình. Và nhờ thế, tôi nhớ rất kỹ, ngày lễ kỷ niệm thành lập Không Quân nào là ưng ý nhất, vì ít nhiều bản thân tôi có đóng góp vào đó, coi đó là một phần của binh nghiệp mình ưa thích. Có ngày lễ Không Quân nhỏ xíu, làm nhờ một đơn vị nào đó để cổ vũ cho đơn vị đó. Tôi nhớ lần đầu tiên tổ chức lễ Không Quân tại Biên Hòa, là home base của Phi Đoàn 514, khi Phi Đoàn 514 thành lập ngày 1 tháng 6, thì vì ăn theo nên ngày lễ Không Quân cũng trùng ngày ấy, nghĩa là sớm một tháng. Hôm đó, Tổng Thống cũng đến dự, dù chỉ che dù ngồi ngoài sân đậu phi cơ nhìn về hướng Đông rất chói mắt, phía sau là hangar của Công Xưởng. Các quan khách đều mặc kaki. Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng cũng mặc kaki. Hôm đó ,Phi Đoàn 514 biểu diển cho khán giả một đường bay lả lướt, biểu diển bay chậm, gồm hợp đoàn L-19 dẫn đầu, hai chiếc A-1H bay hai bên, và một chiếc T-6 bay đàng đuôi. Vổ tay nhiều nhất là ngoại giao đoàn, các ông tùy viên quân sự có vẻ thông cảm với phương tiện nghèo nàn của chúng tôi! Đến khi phát huy chương, tôi được chính ông Tổng Trưởng Quốc Phòng gắn cho một Anh Dũng Bội Tinh cấp Sư Đoàn, và vì ông là nhà văn chứ không phải là nhà võ, nên ông ghiêm kim huy chương vào áo tôi không được, liền dở nấp túi rồi máng huy chương vào đó. Còn nhiều chuyện buồn cười nữa, nhưng bao nhiêu đó cũng đủ cho thấy sự nghèo nàn của đất nước. Ấy thế mà, chỉ một năm sau thôi, tôi lại được dự một buổi lễ Không Quân huy hoàng nhất, tôi nghĩ, vì tôi cũng được nở mặt nở mày.

    Kỳ nầy lễ Không Quân tổ chức đúng ngày 1 tháng 7, và làm tại Saigon. Các bửa tiên rất náo nhiệt và do Không Quân Đồng Minh đống góp. USAF ẹ nhất cũng mang được 2 chiếc F-102 từ Clark AFB, Philippines sang. Pháp thì đang trong chương trình quảng cáo Super Mystère(tương đương với F-100 Super Sabre của Mỹ) cho vùng Á Châu, ghé ngang Saigon theo lời mời của vị Tư Lệnh Không Quân. Đài Loan là nước nhỏ nhưng đoàn Lôi Hổ chuyên biểu diển nhào lộn hợp đoàn rất ư là ngoạn mục mười mấy chiếc F-86 Sabre, luôn luôn cất cánh hay đáp hợp đoàn để đỡ choáng nhiều thì giờ trên phi đạo nghèo nàn của Phi Trường TSN. Còn Không Quân Việt Nam thì biểu diển tại sân bắn Quang Trung về mọi hoạt động của KQVN, như yểm trợ hỏa lực, cưú thương, tiếp tế, nhảy dù,vv…

    Tôi đã từng xem các cuộc lễ Không Quân tại Manila, Philippines, coi các cuộc trình diển máy bay như Bob Hoover biểu diển F-86, nhưng phải nói là lễ Không Quân kỳ đó tập trung được nhiều yếu tố thành công. Thứ nhất là phổ biến rộng rãi trên đài phát thanh (lúc đó chưa có truyền hình:TV) về chương trình buổi lễ. Thứ nhì là có chương trình bửa tiền và bửa chánh. Thứ ba là có Tổng Thống đích thân tham dự.

    Một chương trình như vậy không thể để cho thất bại, và mỗi người tham gia đều phải ra sức tận lực vì màu cờ sắc áo của mình. Tất nhiên, người chủ trương một chương trình quy mô như vậy phải là Tư Lệnh Không Quân, có can đảm và có khả năng tổ chức. Tôi nhớ hai nhân vật nổi bật khác là anh Vũ Đức Vinh lo về đối ngoại, truyền thanh, báo chí, các tòa lãnh sự và tùy viên quân lực, Phái Bộ Cố Vấn và 2nd ADVON (Second Air Division của USAF), và anh Vũ Văn Ước phụ trách xướng ngôn trong buổi lễ bằng hai thứ tiếng Việt và Anh. Theo sự hiểu biết của tôi, hai người họ Vũ nầy đã giúp cho KQVN trở thành những chiến sĩ hào hùng thật sự, trong lòng mọi người dân Saigon, nhất là các cô nữ sinh Việt Nam và người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn.


    Sáng ngày 30 tháng 6, các máy bay F-102 mở màn bay sát đất trên sông Saigon, và trên các cao ốc kế cận, và khi qua ngang các chỗ đông người xem tụ tập ngoài mé sông hay bến cảng thì các chàng phi công F-102 cho nổ một cái …nhờ vào afterburner. Đó là những người phi công vô cùng kỷ luật, không giám làm bất cứ cái gì mà cấp trên không cho phép trước. Mà dù muốn vượt tường âm thanh đi nữa thì cũng chẳng dễ đâu, vì tôi có ngồi trên một chiếc F-102 hai chỗ ngồi để xem người ta qua tường âm thanh bằng nhìn vào Machmeter, thấy nó qua khỏi Mach 1 thật đấy, nhưng máy bay rất êm. Nhưng bà con đứng dưới đất hoan hô Mỹ, vì máy bay to quá mà bay mau thật, thoáng cái đã biến mất, lại còn đánh dấm một cái nữa, nghe toàn mùi xăng phản lực.


    Màn kế tiếp là Super Mystère của Pháp, trong số bốn người lái có một anh bạn đồng khóa với người viết bài nầy là anh Đại Úy Gueguen, sau nầy anh lên đến cấp Tướng. Gueguen là một chàng háo thắng, người thấp nhỏ, luôn đội calot lệch một bên, bất chấp luật lệ, cố tình làm cho đơn vị biểu diễn của mình gậy được tiếng vang. Anh bay xuống theo đường Tự Do và gây nên tiếng nổ long trời lỡ đất vì đã vượt tường âm thanh. Anh bảo "que ca sonne", và anh đã làm vỡ kiếng của Hãng Pan Am trên đường Tư Do. Một tiếng nỗ do sức ép không khí thì nghe tức tối và âm vang(compression), còn một tiếng nổ do afterburner là do sự giản nở sau khi đốt(détente). Đúng là Tây con! Hại Tòa Đại Sứ Pháp phải bỏ tiền ra đền cho Pan Am và chắc họ cũng vui lòng làm việc ấy. Anh đã nói với tôi, khi qua Ấn Độ, anh đã có dịp bay đuổi bắt với máy bay F-101 mà Mỹ lúc đó tự hào không máy bay nào bay nhanh hơn, và anh đã chụp F-101 vào Gun Camera của anh cho tôi xem. Thật là một cơ hội thi đua chưa từng thấy. Chính tổ chức lễ đã tạo điều kiện cho Pháp và Mỹ thi đua với nhau trên bầu trời Việt Nam. Và dường như trong năm đó, Pháp cho các khóa sinh Trường Võ Bị Không Quân Pháp đi du hành quan sát sang Việt Nam, ghé qua Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc để cho KQVN tiếp đón trọng thể.


    Màn hấp dẫn nhất là cuộc biểu diễn nhào lộn ngoạn mục của đoàn Lôi Hổ. Họ kết hợp biểu diễn bằng hai phi tuần rời ra để thay phiên nhau giữ liên tục chương trình. Một hợp đoàn 9 chiếc F-86F làm những hình liên tục, biến chế từ vòng đứng (loop) và lăn ngang (roll) thành những hình như loop, cuban eight, aileron roll, và nhất là khi họ tỏa ra chín hướng rồi trở lại ở cao độ thấp từ 9 hướng khác nhau. Rất ngoạn mục! Khi hợp đoàn chín chiếc lấy cao độ hay tập họp lại ở một vị trí khác để biểu diễn thì có bốn chiếc khác thay vào chỗ trống, họ bay một hợp đoàn ba chiếc đang làm loop thì có một chiếc thứ tư roll ngay giữa trung tâm của vòng tròn. Cái hay của họ là làm hình gì đều ra hình đó rất đẹp và còn timing thật chính xác, như khi vòng đứng loop vừa hòan tất thì chiếc làm roll xỏ ngay vào giữa. Lôi Hổ biểu diễn ở Saigon trước, xong lết dần vào trong Cho Lon làm một mách nữa rồi mới về đáp , một dãy xếp hàng sát cánh bên trái, tách và đáp rất trật tự. Không có một sơ hở nào, đừng nói chi là có một biến cố nguy hiễm nào trong lúc biểu diễn. Mọi việc đều diễn biến tuần tự, ngăn nắp, đúng đắn, không có chỗ nào chê được, theo mắt nhìn của tôi. Sau nầy, có dịp sang Đài Loan vào năm 1967, tôi gặp lại họ, nhưng đã chuyển sang F-5A, nên không phát huy được như hồi lái F-86F. Nghe đâu, chiều hôm đó, các chàng phi công Đài Loan được đồng bào người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn cho hưỡng một đêm "Nhất Dạ Đế Vương"…

    Ngày hôm sau, ngày chánh của Lễ tổ chức tại sân bắn Quang Trung, có Tổng Thống Ngô Đình Diệm chủ lễ. Các bạn có biết là từ sáng sớm, con đường từ Saigon lên Tây Ninh, không thể nào nhúc nhích được vì kẹt xe. Người đi bộ, xe hơi, xe gắn máy, đủ thứ người, đàn bà con nít cũng có, gái trai đều nô nức đi dự hội Không Quân. Khi Tổng Thống lên đường thì không cách nào đoàn xe của ông qua lọt, vì người tung hô ông cũng hiếu kỳ sáp lại gần, đến nỗi Không Quân phải dùng trực thăng vớt ông đi. Tại địa điểm hành lễ và biểu diễn, phải nói người đóng vai Master of Ceremony (MC) ở đây mới là quan trọng. Tôi không dám xưng biệt hiệu của ông, và đó cũng là một thiếu xót của bài nầy. Ông liên tục sử dụng tiếng Việt và tiếng Anh để điều khiển chương trình. Trước hết là 5 chiếc A-1H của Phi Đoàn 514 thả khói màu cờ Vàng ba sọc Đỏ. Sau đó là một phi tuần biểu diễn thả bom Napalm trên mục tiêu thật, thả bom nổ và bắn súng trên mục tiêu thật. Tất cả đều do Phi Đoàn 514 phụ trách. Đây mới biết công lao của ngành vũ khí của Phi Đoàn 514 do anh Phan Đàm Liệu phụ trách. Chúng tôi dùng khói màu để đánh dấu mục tiêu mà gắn lại trong một óng, rồi dùng kim hỏa để phát hành khi muốn khói tung ra. Tất cả do anh Liệu sáng chế. Còn nói về tài năng của hoa tiêu khu trục thời bấy giờ, trên những mục tiêu chết cứng như vậy thì nhắm mắt cũng tiêu diệt 100%, ban ngày như ban đêm. Sau khu trục mở màn, vận tải biểu diễn thả dù người, thả dù tiếp tế, thả tiếp tế không dù ở cao độ thấp, trực thăng tản thương…mục nào xem cũng hấp dẫn như nhau, làm quan khách và đồng bào rất thích và tin tưởng ở Không Quân chúng ta.

    Chiều hôm đó, tức nhiên có tiệc ở Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc, nhưng không được nhảy, đó là quy luật thời bấy giờ, muôn dân chịu cực khổ để chống cộng, không ai được xa xí. Tôi nhớ chúng tôi từ Biên Hòa lấy L-19 xuống TSN để dự tiệc, anh Phạm Phú Quốc lái chở chúng tôi 5 người một chuyến, và đáp theo kiểu lăng ba vi bộ, thật là vui.
    Cho đến bây giờ, đã lâu lắm rồi, tôi vẫn còn nhớ đến ngày lễ Không Quân mà tôi cho là tưng bừng nhất, thành công nhất. Vì nó kết hợp được việc đánh bóng Không Quân mình, còn mượn thế Không Quân bạn để nâng cao tinh thần chống cộng của mình, làm cho Không Quân bạn có dịp thi đua lẫn nhau để giúp đỡ mình. Từ trong nội bộ Không Quân cho đến các cơ quan của chánh phủ, đâu đâu cũng tỏ ra hợp tác chặt chẽ. Có điều lâu lắm rồi, tôi không còn nhớ, lúc ấy là năm nào, vị tư lệnh Không Quân là ai, và ngưới xướng ngôn viên trong buổi trình diễn tại sân bắn Quang Trung có biệt hiệu gì? Ba câu hỏi đó vẫn còn làm cho tôi nghĩ không suốt để có một cái vui trọn vẹn khi nhớ đến ngày lễ kỷ niệm thành lập Không Quân năm ấy, thời đã xa lắm rồi.

    Gman






    Last edited by khongquan2; 12-10-2012, 11:15 AM.

    Comment


    • #3
      Thân kính gởi Quý niên trưởng & Quý chiến hữu độc giả của HQPD
      Xin quý vị vào Google đánh Tarin65 hoặc Gman (là bút hiệu của NT Nguyễn Quang Tri), sẽ đọc rất nhiều bài viết giá trị về KQVNCH của Đại tá NQT.
      voy
      Last edited by Cù Hanh; 12-10-2012, 06:58 PM.

      Comment


      • #4

        Comment


        • #5
          Xin mạn phép đăng lại chút tâm tình của cố Đại Tá Nguyễn Quang Tri,
          người phụ trách Cánh Chim Tự Do ngày nào.
          __________________

          Cánh Chim Tự Do
          Tarin65

          Trang nhà CÁNH CHIM TỰ DO xin được tái xuất giang hồ, có lời chào cùng toàn thế quý vị.
          Ở cuối đời người, thật khó nói thế nào là vui, thế nào là buồn, thế nào là khỏe mạnh...Đang sống bình yên, đi đứng có vẽ như thường đó, rồi đùng một cái ngả lăn ra, làm cho anh em bạn bè, và nhất là gia đình hốt hoảng.
          Thì cái trang nhà nhỏ bé này cũng vậy thôi. Vì nó do một người ở cuối đời điều khiển. Sức khỏe tinh thần và thể chất của nó gắn bó chặt chẽ với trang chủ. Thì nó cũng vui đó rồi buồn đó, rồi có khi cũng bị đưa lên bàn mổ và cam chịu đau đớn...nhưng cũng hy vọng có ngày hồi phục. Khi nó vui và khỏe mạnh thì bạn bè cũng an tâm, mỗi ngày lên đọc xem có gì mới. Nó mà vắng bóng thì cũng chỉ có mấy người buồn ... năm phút, vì không thấy đâu nên cảm thấy tiếc tiếc mà thôi. Thời buổi này, biết bao nhiêu chổ trên mạng để xem. Vắng em thì chợ vẫn đông....
          Từ nay thì Cánh Chim Tự Do gắng gượng tung cánh lại.
          Cánh Chim Tự Do.
          Là những cánh chim có ước vọng mang Tự Do đi khắp nơi, làm cho Tự Do có cánh mà bay. Chúng ta đã tìm được Tự Do cho chính mình chưa? Chắc là chẳng khi nào hoàn toàn được. Về cuộc sống chúng ta ở hải ngoại, trong một xã hội văn minh có bước tiến thần tốc về mọi mặt, chúng ta cảm thấy cái Tự Do mang mác xung quanh ta đã lôi cuốn ta như gió lốc. Nhưng càng lúc ta vẫn thấy dường như thiếu cái gì đó...hay bị cái gì đó nó làm cho ta mất Tự Do. Chúng ta cảm thấy bị ràng buộc vào một khuôn khổ nào đó mà đôi khi ta muốn cưỡng lại và thoát ly...Và ta cũng cần có Cánh Chim Tự Do giúp đỡ để thoát khỏi cái ràng buộc khó chịu đó.
          Chúng tôi tha thiết cầu mong quý vị đều không có nhu cầu thoát ly, đều luôn luôn thấy thoải mái trong cuộc sống hằng ngày, được khỏe mạnh cả tinh thần lẫn vật chất.
          Chúng tôi hy vọng chúng ta đều chen vai đâu cật với nhau để còn trở thành những Cánh Chim có khả năng mang Tự Do về cho bà con ruột thịt của chúng ta đang sống dưới chế độ kiềm kẹp bất nhân của cộng sản. Và chúng ta nên dành sức mọn còn lại để làm việc đó hơn là phí sức để cãi nhau vì những chuyện không đâu.
          Về trang nhà CCTD thì nay đã dọn đi nơi khác rồi.
          Địa chỉ mới của chúng tôi là
          http://cctd.110mb.com
          Như các bạn thấy, bây giờ yếu sức nên chỉ gói ghém mình trong giới hạn 110mb mà thôi, nghĩa là chỉ còn khả năng 1/10 so với trước kia. Vì thế, công việc quản lý càng thêm phức tạp. Phải thường xuyện mang cái cũ xuống để dành chỗ đưa cái mới lên. Và những gì cần sức chứa lớn, như hình ảnh và nhạc thì sẽ giải quyết bằng cách mượn chỗ nơi khác khỏi mất tiền. Vì vậy, chúng tôi xin lỗi trước, để chúng ta liệu cơm gắp mấm cho qua ngày.
          Chúng tôi vẫn tha thiết cầu mong có sự thăm viếng của các bạn, vì đó là lẻ sống của CCTD. Và khi rảnh rổi thì viết bài biếu cho CCTD thêm phong phú.
          Chủ trương tự lập và tự quản của CCTD vẫn được duy trì. Và lòng cảm kích của chúng tôi đối với bạn bè từng quan tâm với CCTD thực sự không sao nói lên lời.
          Hãy nhìn Cánh Chim Tự Do bay lượn trên bầu trời Tự Do của ta khi các bạn sáng dậy mở máy xe đi làm việc. Và nhớ rằng, nay còn Tự Do thì phải biết quý Tự Do. Đừng tự trói buộc mình dưới sự kiềm kẹp của cộng sản.
          Thân mến,
          CCTD
          8-10-2007

          Comment


          • #6
            Tarin65

            TARIN65
            Bồ Đại Kỳ


            Sáng thứ Năm 15 tháng 11 qua, cũng như thông lệ mỗi thứ Năm, tôi đang ngồi uống cà-phê và đấu láo cùng mấy ông bạn cùng học Trung Học ngày xưa, thì có tiếng điện thoại di động “réo”. Vừa nhìn thấy tên của người gọi, tim tôi đã đập nhanh vì dự đoán được một phần điều không hay sẽ xảy ra:
            - Bác Kỳ ơi, cháu đây. Ba cháu mệt nhiều. Nếu Bác muốn gặp Ba cháu lần chót, thì mời Bác lên.
            Tôi vừa đóng điện thoại, thì các ông bạn già có lẽ nhìn thấy bộ mặt “khó coi” của tôi hỏi ngay “Có chuyện gì rắc rối hả?”. Tôi chỉ trả lời vắn tắt “Có người bạn đồng môn rất thân đang hấp hối, tao phải đi ngay. Xin lỗi! Tụi bay cứ tiếp tục đi!”, rồi tôi về định đón vợ tôi cùng đi lên “Nursing Home” thăm anh, nhưng không may, vợ tôi đi khỏi, nên phải chờ bà ấy về để cùng đi. Đến khi nhà tôi về, hai đứa chúng tôi lên, thì anh đã “đi” rồi. Tôi không ngờ anh đi nhanh đến thế. Thế là tôi không nhìn được anh lần cuối. Định mệnh chăng? Hay là hết duyên?

            Tôi biết anh khi anh đã là sinh viên năm thứ ba, và trên vai đã có “một con đỉa vàng”, tức Thiếu Úy, trong khi tôi là lính mới tò te, năm đầu tiên. Tôi vừa trải qua thời gian 3 tháng huấn nhục (bahutage), nên tôi nhìn các ông sinh viên đàn anh với một con mắt không thiện cảm lắm. Nhất là anh lại có một bề ngoài khắc khổ đến lạnh lùng, nên tôi càng “né”. Một hôm, tôi đang sắp hàng tại thư viện của nhà trường để trả một quyển sách, thì nghe tiếng nói nhỏ phía sau “Eh, Poussin*! Les grands esprits se rencontrent eh? (Ê, Chim con! Chí lớn gặp nhau há!)”. Tôi quay lại thì anh cười rất tươi, và đưa quyển sách anh đang mang đi trả cho tôi xem, thì ra hai quyển sách chúng tôi mang đi trả giống nhau: đó là quyển “La Pitié Dangereuse” của Stéfan Sweig, một tác giả mà tôi mới đọc tác phẩm lần đầu tiên. Số là tôi có tật hay “chắp tay sau lưng”, nên anh nhìn thấy tên sách, và gợi chuyện với tôi. Sau khi trả sách, anh móc thuốc “Gauloise Caporal”, bao xanh ra hút, và mời tôi một điếu. Hai đứa đứng hút thuốc và nói chuyện khá lâu, sau đó, tôi mời anh lại một điếu thuốc “Gauloise Troupe” màu vàng, vừa khô hơn, và nặng hơn, nhưng đó là loại thuốc phát cho các sinh viên năm đầu tiên, vừa xin lỗi sợ anh hút thuốc nặng không quen, nhưng anh chỉ cười cười và hút ngon lành, sau đó, anh lại còn xin tôi thêm một điếu nữa. Cử chỉ khá tế nhị này đã làm cho “cảm tưởng đầu tiên” của tôi đối với anh khá thuận lợi. Trong khi trò chuyện, anh cho tôi biết là anh đã học xong ở đây, và sắp sửa sang Mecknes ở Maroc để học về khu trục. Tôi thật thà nói với anh là tôi rất tiếc không biết anh sớm hơn, và anh đã chỉ phòng của anh, nói khi rảnh rỗi, ghé chơi, vì bây giờ anh đả học xong, nên chỉ còn đi chơi lang thang để chờ ngày đi Maroc mà thôi. Trước khi đi Maroc, anh rủ tôi “Mùa hè năm nay ‘moi’ sẽ qua nghỉ trọn mùa Hè ở Nice. ‘Toi’ có muốn đi thì phải làm đơn dành chỗ, ở ‘Villa des Officiers’ ngay từ bây giờ đi, sợ để trễ không có chỗ”. Anh cho tôi biết là nhà vãng lai Sĩ Quan của Quân Lực Pháp nằm ngay trước mặt biển, chỉ băng qua con đường Promenades des Anglais là tới biển, và giá rất rẻ vì là bất động sản của chính phủ. Tôi nghe khoái lắm, nhưng chợt nhớ mình chỉ là “deuxième Cùi Bắp” tức lính trơn, nói một cách văn hoa là Binh Nhì thì làm sao xin ở Villa des Officiers được, thì anh giảng giải cho tôi biết là mặc dầu trên vai tôi không có tí lon-lá nào, nhưng khi mặc quân phục dạo phố, mình mặc quân phục Sĩ Quan, vì là Sinh Viên Sĩ Quan, nên có quyền ăn ở “Messe des Officiers (Câu Lạc Bộ SQ)”, và ở tại nhà vãng lai của Sĩ Quan, một khi ra khỏi phạm vi nhà trường lẽ dĩ nhiên. Vì ở trong khuôn viên nhà trường, cỡ như tôi mà lạng quạng vào CLB SQ thì “thịt nát xương tan” ngay. Nghe nói mừng quá, sau khi rời anh, thay vì về phòng, tôi xuống Etudes (phòng tự học cho ai muốn học bài hay làm bài trong yên lặng), làm ngay một tờ đơn, theo đúng các chi tiết anh đã “gà”, đúng theo lề lối mà môn học “Correspondence Miltaire (Văn Thư quân đội)” đã dạy, để ngày hôm sau gửi ngay.

            Và mùa Hè năm đó chúng tôi đã sống gần 3 tháng trời trong căn “nhà nghỉ mát” của quân đội Pháp, cùng với anh Trần Duy Kỷ, trên tôi một khóa (bỏ mình trong tai nạn khi thi hành Không Vụ vào năm 1958). Anh và tôi có nhiều điểm hợp nhau, nên từ lúc nào không biết, tôi đã thay lối xưng hô “anh” thành “Ba Tri”, vì tên anh là Nguyễn Quang Tri, Sinh Viên Sĩ Quan Phi Hành khóa Brunchswig của trường Võ Bị Không Quân Pháp (Ecole de l’Air de Salon de Provence), cùng khóa với anh Lưu Văn Đức, và cùng tốt nghiệp Phi Công Khu Trục tại trường Mecknes với các anh Lưu Văn Đức và Nguyễn Ngọc Loan. Sau đó, trường Mecknes cũng đào tạo cho Không Quân Việt Nam chúng ta thêm các anh Phạm Long Sửu, Vũ Thượng Văn, Trần Duy Kỷ, Nguyễn Đức Khánh và Nguyễn Thanh Tòng. Trong nhóm các anh, tôi thân nhất với các anh Tri, Sửu và Văn. Thành thực mà nói thì những tháng Hè tại Nice thật thần tiên. Ngày ngày chúng tôi ra bãi với nhau, và không hẹn mà nên, mấy người bạn mới quen người Pháp ngày nào cũng tụ họp với nhau ngay trước nhà vãng lai SQ của quân đội Pháp, và mặc dù mỗi người đều có bạn riêng, chúng tôi vẫn quấn quit vui đùa chung với nhau. Anh Tri rất thích chụp ảnh. Tôi nhớ lúc đó mà anh đã có một máy Rolleiflex (lâu quá, không biết viết có đúng chính tả không nữa), cỡ 6 phân trên 6 phân, và một máy Minox. Máy Minox chỉ lớn bằng ngón tay trỏ, chiều ngang cũng như chiều dài, và anh tri đã chụp được nhiều hình ảnh khá “ly-kỳ”. Còn Trần Duy Kỷ thì rất “háu ăn”. Không cần nhìn đồng hồ cũng biết sắp đến giờ cơm, khi nghe Trần Duy Kỷ, mặc dù ngồi giữa một đám Phú-Lang-Sa, cũng hướng về anh Tri và tôi nói lớn “Pan Bagna các Cha!”. Pan Bagna là một loại bánh mì kẹp thịt hình tròn của người Ý đại Lợi, như Hamburger của Mỹ, nhưng to hơn, và thịt bên trong là thịt nguội (cold cut), chứ không phải thịt bò nướng như Burger. Năm đó là năm đầu tiên Pan Bagna xuất hiện trên thị trường, vị cũng khá ngon, và giá cả phải chăng, lại tiện, và để thay đổi bánh mì Baguette au Jambon ăn mãi cũng chán, nên TDKỷ thích lắm. Thế là một lũ vài đứa trong nhóm đi mua cho cả bọn, vì một số phải ở lại giữ chỗ, kẻo đi mua thức ăn về lại mất chỗ thì cũng phiền, vì bãi biển Nice mùa Hè đông người lắm. Đàn bà con gái Pháp rất sòng phẳng, đứa nào ăn thì tự trả tiền, khác hẳn văn hóa Việt Nam chúng ta, vì theo VN, thì nếu cô nào có bạn trai đi mua thức ăn thì chắc chắn là chàng phải trả tiền mời các cô, chứ các cô thì còn lâu mới móc ví. Hôm nào ngán bánh mì quá thì rủ nhau đi các quán ăn bình dân “prix fixe (giá đồng hạng)”. Và mỗi khi như vậy tôi lại được nghe TDKỷ lầu bầu “Pan Bagna ơi! Ta phụ em rồi!”, một cách buồn ra mặt. Hết Hè, Tây cũng như Ta, mỗi đứa mỗi nơi, với nhiều cuộc tiễn đưa có nước mắt. Anh Tri thì trở lại Maroc, Trần Duy Kỷ và tôi trở lại trường.
            Sau đó, Tri và tôi vẫn thư từ cho nhau hàng tuần. Anh có nhiều chuyện kể cho tôi nghe hơn, vì Maroc là xứ lạ, trường khu trục cũng khác với trường Salon, đời sống của một Sĩ Quan Sinh Viên (Officier Elève) cũng khác hơn đời sống của một Sinh Viên Sĩ Quan…Và tôi biết là Indicatif Radio (Callsign) của anh tại Mecknes là “Tarin65”. Nhất là hình thì anh Tri gửi cho tôi nhiều lắm, vì anh là thành viên của hội Nhiếp Ảnh của trường, nên anh có thể tự rửa hình lấy, rẻ hơn thuê các tiệm hình rất nhiều. Hiện nay (năm 2012), anh vẫn còn giữ một số hình ảnh của chúng tôi ngày xưa trong tập ảnh gia đình của anh.

            Năm 1957, khi tôi trình diện tại Đệ Nhất Phi Đoàn Khu Trục, đơn vị đầu đời của binh nghiệp, thì tôi gặp lại các anh Đức, Tri, và Hà Xuân Vịnh. Nhưng đến năm 1958, khi Không Quân chúng ta có vị Tư Lệnh mới thì anh Tri được đổi ra Trung Tâm Huấn Luyện KQ ở Nha Trang để lo cho Khóa Trần Duy Kỷ. Sau khi Thiếu Tá Huỳnh Hữu Hiền rời Biên Hòa để về Bộ Tư Lệnh KQ, để Đại Úy Nguyễn Kim Khánh, rồi Đại Úy Dương Thiệu Hùng lên làm Xử Lý Thường Vụ Phi Đoàn, rồi sau Đại Úy Hà Xuân Vịnh lên Chỉ Huy Trưởng, đến Đại Úy Lưu Văn Đức thế Hà Xuân Vịnh thì anh Đức đã “vời” anh Tri về Phi Đoàn làm Chỉ Huy Phó cho anh Đức. Sau khi anh Lưu Văn Đức tử trận trong khi thi hành phi vụ hành quân trên phi cơ F8F Bearcat ngày 22 tháng 11 năm 1960 tại Đức Hòa, thì anh Tri lên thế anh Đức nắm Phi Đoàn. Lúc này tôi đã được thuyên chuyển về Phi Đoàn I Trực Thăng, tiền thân của PĐ 211. Rồi mỗi đứa mỗi việc, mỗi đứa mỗi nơi cho mãi đến năm 1967 khi tôi về Bộ Tư Lệnh Không Quân/ Khối Huấn Luyện, sau đã phục vụ tại một số các đơn vị, tôi mới gặp lại “Ba Tri”. Tuy làm việc chung tại BTLKQ, nhưng vì anh Tri là một người rất kỹ luật, và giữ chặt bản thân trong khuôn khổ của kỹ luật quân đội, nên chúng tôi không liên lạc với nhau trong giờ làm việc, còn sau giờ làm việc thì ngoài vợ con ra, tôi còn phải đi dạy học thêm để kiếm cơm, nên hai đứa chúng tôi “tuy trong gang tấc mà xa nghìn trùng”, cho đến ngày Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử. Sau đó, tôi nghe anh bị đi tù cộng sản, nhưng không tìm được địa chỉ của chị Tri, nên cũng không có liên lạc được cho đến khi anh cùng gia đình qua Mỹ theo diện HO.

            Hoàn cảnh lúc ban đầu của anh thật khó khăn, nhưng với tính cương quyết khắc phục mọi gian nan cố hữu, anh Tri đã từ Long Beach, “cởi xe Bus” mỗi ngày lên El Segundo làm việc, để các con anh đã lớn, thay vì đi làm kiếm sống ngay, cố gắng đi học lại, và đã thành công trong việc gia nhập vào dòng chính của xã hội Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm viếng Quận Cam lần cuối, anh Nguyễn Ngọc Loan có nhờ tôi “mày chịu khó bỏ ra một ngày đưa tao đi thăm bạn bè”, và tôi đã đưa anh đến thăm anh Tri tại Long Beach. Chúng tôi đã mang một ít đồ nhậu đến nhà anh Tri để nhậu nhẹt, rồi ra trước sân hút thuốc và đấu láo cho đến tối mịt mới về. Trên xe đưa anh về nhà Chị Tuyết là chị ruột của anh, anh Loan biết là bệnh tình của mình nặng, sợ khó qua khỏi, nên có nói với tôi “Tao cám ơn mày đã bỏ một ngày đi thăm thằng Tri với tao. Chắc đây là lần cuối cùng tao gặp tụi bay. Tội nghiệp thằng Tri quá! Mày xem có làm được cái gì cho nó thì mày làm”. Và tôi cũng đã tâm sự với anh “Anh biết tính Ba Tri khái lắm. Muốn giúp anh ta không phải là dễ, vì nếu anh ăn nói vụng về là chàng sẽ buồn ngay, có nhiều khi mất bạn là đàng khác”. Và anh Loan cũng phải đồng ý với tôi “Đúng! Chỉ có tao là nó còn nể nang. Rất tiếc là bây giờ tao không làm gì cho nó được cả. Đành chịu thôi. Mày thân với nó, liệu mà làm!”.

            Ngày anh Loan mất là ngày tôi trình diện nhiệm sở mới trong tiểu bang New York, để làm việc cho đến năm 2003 khi tôi về hưu. Trở lại Quận Cam lần này, chúng tôi đều tương đối rảnh rỗi, nên gặp nhau nhiều hơn. Tình trạng gia đình của anh Tri cũng ổn định hơn. Các cháu đều có công ăn viêc làm tốt. Sức khỏe thể xác và tinh thần của anh cũng khả quan hơn trước rất nhiều. Cùng với Ngô Khắc Thuật, chúng tôi thường gặp nhau để đấu láo bên vài chai bia thật lạnh, và vài ba món thịt dê (anh Tri rất thích ‘thịt ông Thầy’), trong khi Thuật thì say sưa với ly “cà phê sữa đá, thật nhiều sữa”. Anh Phạm Long Sửu, ở tận Passadena, lúc đó còn lái xe được nên thỉnh thoảng cũng xuống chơi với chúng tôi, cho đến một hôm, vì anh lái xe sang số tay, nên lười trả về số một, chỉ chạy rề rề ở một ngả ba đường có bảng STOP gần nhà, nên bị tên cảnh sát ác ôn chận lại và thu bằng lái xe. Hắn còn báo trước cho anh là đừng đi thi lại mất công vì anh sẽ không bao giờ có được bằng lái xe khác. Đó là hậu quả của một vụ tai nạn chết nhiều người gây ra bởi một cụ ông 87 tuổi tại Santa Monica trong mấy năm trước, và thiên hạ đã trách DMV và cảnh sát không kiểm soát kỹ mấy cụ già lái xe nên mới xảy ra tai nạn, nên từ đó về sau, trong Quận Los Angeles, những ai trên 80 mà phạm “moving violation”, tức là vi phạm luật lệ trong khi xe đang chạy, đều bị rút bằng lái xe. Biến cố bị mất bằng một cách oan ức, vì một lỗi nhẹ đã khiến cho anh Sửu suy-sụp thấy rõ, vì một phi công khu trục đã từng lái phản lực cơ Ouragan mà bị cấm lái xe, đối với anh là một “sỉ nhục” nặng nề, Nên từ đó, ba đứa chúng tôi, về sau có thêm Phạm Quốc Anh mới từ Maryland về cư ngụ tại Quận Cam, thỉnh thoảng cùng nhau lên thăm anh Sửu trên chiếc xe Minivan của “Ba Tri” do tôi lái. Những lần đó, tôi đều mua món ăn Huế mềm vì các hàm răng của quý vị đều siêu vẹo, xệu xạo hết rồi, để nhậu với rượu vang Vin du Rhône mà anh Sửu rất thích và lúc nào cũng tích trữ sẵn trong nhà. Thật là vui như Tết.
            Anh Tri cũng chịu khó tham gia các cuộc hội họp với các cựu tù nhân cộng sản và các cuộc hội họp của anh em Không Quân như ngày họp mặt các bô lão và ngày họp mặt các anh em cựu sinh viên các trường cơ khí và truyền tin điện tử Pháp như Rochefort, Auxerre, Chambéry … một cách sung sướng, và chụp ảnh lia chia. Cách đây một năm, tôi bổng mất liên lạc với anh. Tất cả những cú điện thoại mà tôi gọi đều không được trả lời, các lời nhắn để lại, cũng như các điện thư tôi gửi cũng không được hồi ăm. Tôi nghĩ hay là trong khi nói chuyện vui quá, tôi có nói điều gì làm Ba Tri giận không, nên hỏi Ngô Khắc Thuật, thì được biết là Thuật cũng không liên lạc được với anh.
            Mãi về sau, vì quá sốt ruột nên tôi lên nhà thăm anh, thì mới biết là anh bị bệnh, mà các bác sĩ chẩn đoán là ung thư phổi, nhưng sau một thời gian thuốc thang thì không còn thấy vết tích gì của căn bệnh quái ác trên cả, và chúng tôi lại vui vẻ như cũ, tuy nhiên mỗi lần ngồi uống cà-phê tại nhà tôi, anh đều cho biết là “không biết tại sao ‘moi’ không lên cân được, mặc dù ăn cũng được lắm mà ngủ cũng tốt”. Tôi mới nói đùa là chắc “thiếu vấn đề kia. Mặc dù đã 80 rồi, nhưng cũng phải cố gắng ‘chút chút’, âm dương nó hòa hợp hoặc may khá hơn chăng”, thì anh mỉm cười rất có duyên, nụ cười anh thường nở ra trên môi khi anh làm việc gì thành công, trả lời “Bạn yên chí, cái gì chớ cái đó không cần phải cố gắng!”. Và anh còn rất khỏe, mỗi ngày “đánh Tennis trên Computeur” đến mấy giờ đồng hồ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại như đánh thật sự, nên tôi cũng không quan tâm về vụ anh sút cân nhiều.
            Cho đến cuối mùa Hè năm nay, thì một lần nữa, tình trạng “mất tín hiệu” lại xảy ra. Lần này tôi không đợi chờ lâu như lần trước, sau mấy tuần là vợ chồng tôi phóng lên nhà anh, thì biết là anh bổng cảm thấy yếu, hết đánh Tennis với Computeur nổi nữa, và thiếu hồng huyết cầu, nên vừa mới đi sang máu. Sau đó biết là anh phải nhập bệnh viện để các bác sĩ làm một lô thử nghiệm, nhưng anh nhất định không cho vào bệnh viện thăm. Anh đã ra lệnh cho vợ con là không cho ai biết anh nhập viện, còn ai biết rồi như tôi thì không cho biết bệnh viện cũng như số phòng. Tôi cảm giác được là tình hình đã trở nên nghiêm trọng. Nhưng vì quá sốt ruột nên một tuần tôi gọi ĐT về nhà anh vài ba lần, cũng chỉ nghe lời yêu cầu để lời nhắn mà thôi.
            Mãi đến cuối tháng 10, sau nhiều lần chị Tri “xin xỏ” giùm tôi, thì tôi được anh cho đến thăm. Khi vào thăm, anh cho biết là họ thử các thứ, vẫn không thấy sự hiện diện của các tế bào ung thư trong phổi, nhưng nhịp độ tiếp máu thường xuyên hơn, trước thì mười mấy ngày, bây giờ bảy tám ngày phải tiếp máu. Tôi sợ là anh bị bệnh hoại huyết (Leukemia), nhưng không nói. Đùng một cái, anh được làm “physical therapy”, để cho về nhà. Ngày thứ hai sau khi anh về nhà, vợ chồng chúng tôi lên thăm anh, với món bánh ước chả lụa, ăn với giá trụng, dưa leo và rau thơm, rồi dọn ra bàn cho cả gia đình cùng ăn, thì anh chỉ lấy một đĩa nhỏ. Khi ăn hết dĩa, anh đưa cho chị Tri lấy thêm. Nghĩ là anh ăn thêm chắc cũng như lần trước là cùng, chị lấy cỡ một đĩa nhỏ nữa, thì anh bảo lấy nhiều thêm, rút cục chị Tri tiếp anh một đĩa gấp đôi lần trước, và anh đã ăn hết một cách ngon lành. Điều này đã khiến cho gia đình anh và vợ chồng tôi rất mừng, vì thông thường “con bệnh mà ăn giả bữa” là một dấu hiệu sắp khỏi bệnh. Mừng hơn nữa là tôi hôm đó, khi về đến nhà, con dâu của anh ĐT cho nhà tôi hỏi chỗ mua bánh ước, vì “ba nói ngon, đòi ăn nữa”. Chúng tôi yên chí chờ đến ngày Chúa Nhật đi thăm anh, thì được biết anh đã vào nhà thương trở lại. Tôi hỏi cháu Tr. thì cháu có vẻ ấp úng, nên tôi không hỏi nữa. Lúc chúng tôi vào bệnh viện thăm anh, thì anh vẫn tươi tỉnh, chỉ có chân phải hơi bị sưng. Chúng tôi định thứ Bảy lên Nursing Home thăm anh, nhưng mới đến ngày thứ Năm 15 tháng 11 thì tôi nhận được cú ĐT của cháu Tr.

            Theo lời dặn dò của anh Tri, gia đình không có tổ chức “đám tang”, cũng không đăng Cáo Phó, không cho bất cứ một ai biết, ngoài gia đình của anh và vợ chồng một người em gái, còn bạn bè thì chỉ có vợ chồng tôi. Sau khi anh Tri mất, chuông điện thoại nhà tôi đổ liên hồi. Anh em, không biết làm sao biết được, dù gia đình đã giữ kín tối đa, đã gọi ĐT về hỏi thăm về tình trạng của anh Tri liên tục. Cả anh Thảo Nâu trên tận Salt Lake City, Utah cũng hỏi thăm. Tôi không thể trả lời một cách chi tiết cho tất cả anh em được, nên hẹn là sẽ “nói chuyện sau”. Và nay, tôi xin dùng bài viết này để trả lời các bằng hữu, xin quý vị tha lỗi cho.
            Thời điểm hỏa thiêu được định vào 9 giờ sáng ngày thứ Tư 21 tháng 11. Tôi được nhìn anh Tri, một người bạn rất thân của tôi lần cuối. Nét mặt của anh thật an bình, như một người nằm ngủ. Mà thật, nếu không có tiếng lò lửa phừng phừng bên cạnh, thì tôi vẫn ngỡ là anh đang nằm ngủ, vì các bạn của tôi như anh Sửu, anh Tri, như Đào Kim Quang, như Tô Minh Chánh, làm sao mà chết được?.
            Ba Tri ơi! Dù ở phương trời nào lúc nào cũng vẫn “LA CHASSE BORDEL” đấy nhá.

            Bồ Đại Kỳ

            * Danh từ “Poussin” là con gà con, được dùng để gọi các Sinh Viên Sĩ Quan năm đầu của trường đào tạo Sĩ Quan Không Quân Ecole de l’Air ở Salon de Provence của Pháp.

            Last edited by Tn07; 01-17-2013, 03:54 AM.

            Comment



            Hội Quán Phi Dũng ©
            Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




            website hit counter

            Working...
            X