Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyện nhà quê...

Collapse
X

Chuyện nhà quê...

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện nhà quê...

    Câu cua biển

    Bài nầy viết đề tặng riêng những người bạn gốc miền quê VN, có một thời tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng trước khi cất cánh bay cao. Một số từ ngữ được viết theo cách phát âm người dân quê địa phương nên có thể không đúng theo ngôn ngữ văn chương, mong được thông cảm và sửa sai.


    Câu cua biển, thú vui thời thượng!
    Với đồ nghề là chiếc cần câu không lưởi, hộp nhựa đựng vài con cá ươn, chiếc vợt lưới nhỏ và cái vỏ tre (hay lưới) đựng “chiến lợi phẩm” là có thể đi săn cua biển - một thú vui thời thượng hiện đang được nhiều người ưa thích… Vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ, Tết, ở những vùng cửa biển ngập mặn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long như: Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri (Bến Tre); Đại An, Long Toàn (Trà Vinh); Ngọc Hiển, Đầm Dơi (Cà Mau)…, có nhiều nhóm tổ chức đi câu cua biển. Thú vui này hiện đã trở thành mốt tiêu khiển của du khách thành thị, Việt kiều, đồng thời cũng là nghề mưu sinh của dân nghèo sở tại… (trích từ internet)

    Chuyện tôi kể không phải là những thú vui kiểu thời thượng nầy mà về những ký ức trẻ thơ miệt vườn, nơi tôi được sinh ra và lớn lên trong màu xanh của những vườn dừa cao ngất trĩu nặng chùm trái, những cánh đồng lúa mượt mà gợn sóng theo từng cơn gió chạy dài thẳng cánh cò bay, những bờ mương ngập nước với hàng dừa nước ngổn ngang bập dừa thường dùng làm củi đốt nấu nướng bất tận miệt đồng quê Việt Nam. Quê tôi với con kinh dài ngày hai lần nước lớn ròng ngầu đục lên xuống mỗi ngày, uốn lượn quanh co giữa những đám dừa nước lao xao, qua những cánh đồng mang biết bao phù sa về vun đầy mầu mỡ cho vườn tược và ruộng đồng, cùng với nguồn cá tôm phong phú quanh năm, nhất là cua biển chuyên sống vùng nước lợ, chịu cả nước mặn lẫn nước ngọt.


    Thuở ấy, khi đồng ruộng vẫn còn nguyên thủy là nguồn cung cấp lúa gạo cho nông dân miền ven biển với hai mùa nước mặn ngọt, lúa chỉ trồng được mùa nước ngọt khi nước sông Cửu Long dâng cao vào mùa mưa đẩy lùi khối nước mặn trở ra biển. Khi mực nước trên sông vào mùa khô giảm xuống, nước biển tràn vào là lúc ruộng đồng bỏ hoang, người dân tìm những phương kế khác sinh sống hay treo cẳng chờ mùa. Ngày nay ruộng đồng quê tôi không còn dùng để trồng lúa mà được khai thác nuôi tôm quanh năm với dòng nước mặn nầy, cuộc sống người dân có vẻ khá hơn xưa nhiều, tuy nhiên cũng không ít người phá sản vì việc nuôi tôm không thuận lợi. Tai họa lớn nhất là sự ô nhiễm môi sinh, đất đai trở nên cằn cỗi, nhiễm độc vì những thứ thuốc hóa học nuôi tôm. Ruộng đồng được cắt thành ô nhỏ, đào xới sạch sẽ và be bờ kỹ lưỡng, đi đâu cũng thấy thiết bị nuôi tôm. Có người nuôi tôm thua lỗ vì tôm chết, muốn quay lại nghề trồng lúa nhưng đất không còn lành như trước, viễn ảnh con đường canh tác không mang lợi và chỉ còn nợ nần chồng chất.

    ...trong khi con tôm sú “3 chìm, 7 nổi”, dịch bệnh tràn lan chưa khắc phục được, người nuôi tôm thiếu vốn và không khả năng đầu tư thả giống nuôi trở lại...
    Do tôm nuôi bị dịch bệnh chết tràn lan, nhiều hộ bị thua lỗ nặng không có lối thoát, nợ nần chồng chất, nên nhiều hộ phải chọn giải pháp chuyển diện tích nuôi tôm sang hình thức nuôi cua... (trích từ internet)
    Ngày xưa nước ruộng mênh mông, tôm cá đầy đồng. Bữa cơm người dân tuy đơn sơ nhưng không bao giờ thiếu thức ăn, chỉ cần rảo bước một vòng ruộng là có được bữa cơm với đầy đủ cá, tôm bằng các phương tiện đơn giản như đặt nò bắt tép, đặt "lờ", "lộp" bắt cá cua, hay giăng lưới, cấm câu..., ban đêm thì đốt đèn khí đá đi soi ếch, nhái, cá , ba khía... trong đó có phần câu cua mà tôi muốn giới thiệu với quý bạn trước tiên.

    Ở miền Nam có 2 loại cua: cua đồng và cua biển. Cua đồng sống trên những cánh đồng nước ngọt, sinh sản nhiều vào mùa mưa, nhỏ con, ít thịt nên ít ai ăn. Thường cua đồng được dùng làm thực phẩm nuôi vịt. Người ta bắt cua đồng về dùng chày quết nhỏ, trộn với lúa cho vịt ăn mau lớn, đẻ sai trứng. Cua biển thì khác, có thể làm nhiều món ăn hợp khẩu hoặc đem bán.

    Câu cua biển đối với tụi trẻ chúng tôi có phần đơn giản nhưng mang nhiều kích thích hơn những thứ khác. Cuối tuần nghỉ học, cùng vài thằng bạn rủ nhau vào ruộng câu cua là một cái thú. Đi săn những con cua biển xanh điểm màu nâu xậm trên 2 càng chắc nịch mà mỗi lần bị chúng kẹp vào đau thấu trời xanh thường là niềm vui cuối tuần khó cưỡng lại. Sáng sớm thức dậy, điểm tâm bằng cục xôi nếp mẹ nấu sẵn, mang theo một gói dành ăn trưa, uống ngụm nước mưa trong lu trước hiên nhà, thế là đủ một ngày "C-ration". Một chút tưởng tượng thêm: "nếu" ngày ấy là bây giờ, có lẽ tôi sẽ mang theo bình cà phê nóng hay vài lon coke, khúc bánh mì thịt, một quyển sách ưa thích, máy ipod hoặc iphone với các bộ truyện đọc hấp dẫn mp3 "chôm" trên HQPD hay nghe nhạc.... Nói chung là còn nhiều thứ "ăn chơi" thời đại mà tuổi thơ ngày nay có thể có được để vừa câu cua vừa thư giản (tôi nghĩ câu cua chưa hẳn thuần là giải trí vì luôn bận rộn và căng thẳng với những chú cua). Đây chỉ là một chút so sánh để hình dung một cách biệt xã hội nửa thế kỷ trước. Ngày ấy, sáng sớm ra đi với chiếc quần cụt, đầu trần, chân đất, một bó cần câu trên vai, bên hông lủng lẳng chiếc giỏ đựng đồ ăn cũng dùng để đựng cua khi câu được (nước uống không cần vì có thể ghé cách chòi vịt trên đồng uống ké, nước mưa lúc nào cũng dự trữ đầy lu), thế là quá đầy đủ.

    Chuẩn bị.
    Trước tiên là chuẩn bị đồ nghề. Một "bộ" cần câu trung bình khoảng 20 cây, có khi 30 cây tùy thích, được tạo từ những nhánh cây tầm vông lớn cở bằng ngón tay, dài khoảng 1,5m-2m (phải là cây đòn dông, dẻo nhưng chắc chắn, không bị gãy khi gặp phải những con cua lớn kéo). Dây câu là một sợi nhợ đan lưới cở trung bình (vừa rẻ vừa chắc, còn dư dùng để đan vợt câu cua) dài khoảng 3m, một đầu được buộc chặt vào một sợi dây kẽm nhỏ dùng để buộc cục gạch hay đất nung to bằng quả trứng giữ cục mồi nằm yên sâu dưới nền ao, ruộng hay bên bờ kinh (có công dụng như cục chì trên cần câu cá), dây kẽm được làm dư ra một đoạn khoảng 20 cm dùng để cột mồi câu cua sau đó.
    Mồi câu cua cũng là một chuẩn bị cần thiết, thường chúng tôi phải đi bắt những con cóc vào ban đêm (cóc dễ bắt nhất và thường xuất hiện ở những nơi ẩm thấp quanh nhà, lại chậm chạp, thịt cóc lại dai ít bị cua kéo mất), cắt đôi cóc ra làm hai, cột chặt vào đoạn kẽm thay cho lưỡi câu trên mỗi cần câu. Sau đó cuộn dây vào cần câu, tất cả gom lại thành một bó khoảng 20 cây, nặng vừa sức cho lứa tuổi 10, 13 chúng tôi. Cũng có khi mồi câu cua được lấy từ những con "chình" (một loại lươn nhỏ cỡ ngón tay) được chặt khúc khoảng 5 cm hay những loại cá biển thịt dai như cá đuối..., nếu dùng những loại cá thường thì chỉ sau một vài cú cắn hay kẹp của cua, mồi sẽ bị rã ra hay bị tha đi mất.
    Như vậy là xong phần cần câu, một dụng cụ không thể thiếu tiếp theo là vợt lưới dùng để vớt cua khi kéo lên đến mặt nước, đường kính khoảng 40 cm như thường thấy ở những người đi câu cá, thường thì do chúng tôi tự đan lấy và chế biến. Một nhúm dây cột cua thường làm từ bập dừa khá chắc chắn và một giỏ tre dùng để đựng cua. Thế là xong một ngày hứa hẹn nhiều thú vị.

    Cua biển sống trên vùng nước lợ đã quen cả hai mùa nước mặn ngọt, chúng sinh sản đầy trên những thửa ruộng ngập nước hay những ao đìa vào mùa Xuân. Những con cua "nhé" (cỡ 300 gr trở xuống) thì thịt không nhiều, người ta thích bắt chúng trong hang khi đang lột vỏ hơn, ngoài ra cua to hơn thì thời gian lột cũng ít đi nên ít khi gặp. Vào hai ngày mồng 9, mồng 10 và ngày 24, 25 hàng tháng từ khoảng tháng 2-5 âm lịch, khi mực nước sông xuống thấp nhất, nước trên ruộng rút đi gần hết để lại những bờ ruộng trơ trọi với vô số hang lỗ do cua cá tạo nên. Tìm bắt cua lột cũng là một nghệ thuật. Hang cua thường thì to, ngoằn ngoèo và sâu, người ta cần một cây móc cua lôi chúng từ trong hang ra tốn rất nhiều công sức vì chúng chống cự rất dữ, thọt tay vô chỉ có nước lảnh đủ. Hang cua lột thì ngược lại, thường cạn và được chú cua nằm bên trong bịt kín lại bằng lớp bùn trước miệng hang (gọi là cua "đùn mà") để đề phòng những tên cua mất dại bò vào ăn thịt khi chúng "nằm cữ" tức đang lột (mềm như cua lột). Tuy nhiên với dân bắt cua lột, lớp đất nầy cho biết cua đang, sắp hay đã lột trong những ngày trên. Màu đất mới tức chưa lột, khô quá thì đã muộn, vừa ráo thì đúng cử. Chắc ăn hơn, mở lớp đất nầy ra, nhìn màu nước trong hang thì biết vua đã lột hay chưa. Nếu nước trong thì một là cua sắp lột (cua hai vỏ) hay đã lột xong trước một vài ngày rồi. Cua hai vỏ (cua cốm) thì đầy thịt nhưng không bằng cua lột, cua đã lột xong chừng một vài ngày là loại "cua ốp" không còn thịt thà, vỏ đã cứng và không còn giá trị ăn uống vì không có thịt. Ngược lại, nước đục trong hang tố cáo cua vừa lột xong, cứ thò tay vào rinh nguyên con ra, cua mềm nhuốc, ăn cả con nguyên con thật béo bổ. Chỉ ít ngày sau là nước sông lên cao nhất trong tháng (ngày rằm và 30), nếu còn sống sót sau đợt ruồng bắt của con người, cua đã cứng vỏ và tự mở cửa hang bò ra ngoài với kính thước mới và hòa vào dòng nước ruộng mênh mông.


    Bọn trẻ chúng tôi không tranh nổi với các anh bắt cua chuyên nghiệp nên cứ đi săn những chú cua đói trên ruộng, trong mương rãnh, ao hồ hay ngoài kinh là chắc ăn. Câu cua trên ruộng thường vào khoảng tháng 10 lúc lúa trổ bông, mực nước ruộng sâu khoảng 5-7 tấc, lúc nầy những con cua cái mang đầy gạch son để từ từ chuyển thành chùm trứng to dưới bụng, đang lên ruộng lúa sống và chuẩn bị đẻ. Câu cua trong trong mương rạch hay ao đìa mở (cửa ao mở cho cá cua từ sông ra vào tự nhiên, hoặc có người chủ đặt những cái "hom" một chiều ở miệng đìa, cá cua chỉ có vào nhưng không ra được) thì chắc ăn hơn. Ở đây mực nước sâu, có thể câu cả ngày và thường bắt gặp các chú cua "kình" tức cua thuộc hạng sư phụ, to và chắc thịt, tuy nhiên thường thì phải hỏi xin phép chủ nhân ao đìa xem có được phép câu hay không. Hôm nào gặp lúc kẹt con nước kinh (nước ròng), tôi thường vào các ao đìa của ông tôi câu, lúc nào cũng có cua dự trữ sẵn.
    Câu trên kinh rạch tùy thuộc vào con nước lớn ròng nhưng tự do và thoải mái hơn, vừa câu vừa có thể tắm sông bằng thích. Khi nước kinh rạch vừa "nhửng" lớn, tức dòng nước dưới kinh bắt đầu ngừng chảy ra (nước ròng) và đồi chiều để chảy vào (nước lớn), mực nước kinh từ từ dâng lên. Lúc nầy mấy chú cua cá lẫn trốn trong hang bắt đầu thò ra kiếm ăn. Chúng tôi chọn một khúc kinh nhiều cây cối hay dừa nước, những nơi cua cá thường làm hang trú ẩn, thả dàn cần câu cua xuống, mỗi cần cách nhau năm mười mét, có khi vài chục mét tùy theo địa hình bờ sông. Bung nhợ ra gần bờ kinh, cần câu cắm chặt vào nền đất. Thả xong giàn câu cũng mất gần giờ, trở lại từ đầu kiểm soát, có khi cần câu bị cua lôi mất.
    Mỗi đứa làm chủ một khúc bờ kinh gần vài trăm thước. Thú nhìn cua cắn mồi cũng là một niềm vui. Sợi dây nhợ căng thẳng, cần câu oằn lên xuống từng đợt theo sức kéo của chú cua, mạnh nhẹ tùy thuộc vào sức vóc của từng chú. Cua có sức mạnh và thêm tật mê mồi, nhất là mồi có mùi hôi càng dễ lôi cuốn, hai càng chú ghì rất chặt miếng mồi trước miệng, khi kéo chú cua lên cũng khá vất vả.
    Vì cần câu cua không có lưỡi câu nên cần nhiều khéo léo và kiên nhẫn, tôi cho là cả một nghệ thuật. Làm sao để dẫn dụ con cua từ dưới đáy kinh rạch hay ao hồ đang mê cắn mồi lên đến mặt nước không bị hoảng sợ nhả mồi giữa chừng đòi hỏi nhiều nhẫn nại, tuổi thơ tôi học được chữ nhẫn có lẽ một phần cũng từ những ngày tháng hồn nhiên nầy. Có khi gặp phải chú cua cứng đầu, bám chặt vào một gốc cây nào bên dưới, phải trì kéo cho đến khi chú chiụ buông gốc ra và theo mồi lên mặt nước, tạo nên một khoảnh nước cuồn cuộn đầy kích thích. Khi đến gần mặt nước, vừa thấy bóng hay càng chú cua bên dưới và lẹ tay vớt liền, chậm chút chú thấy bóng mặt trời chói mặt là buông ngay, vớt theo chỉ có chút bọt chú cua để lại. Rồi, một chú cua vàng hực đang dẫy dụa, hai càng mở rộng như đe dọa trong vợt lưới, bao mệt nhọc đều tan biến. Đem được lên bờ, đè ngay chú xuống đất, trói thúc hai càng lại theo phép bằng loại dây bập dừa dẻo và chắc, chú cua đành nằm ngoan ngoãn trong chiếc giỏ tre đang ngâm dưới nước.


    Câu cua ở kinh rạch thì thường bận rộn nhiều vào lúc nước mới lớn. Không ai đi câu lúc nước ròng vì cua cá thường trốn vào hang ổ. Nước vừa lớn là lúc cua cắn mồi nhiều nhất, khi nước đã đầy kinh rạch thì mấy chú cũng đi chơi xa theo dòng nước kinh vào ruộng hay ao hồ nên thường không còn nhiều. Một cơn nước từ lúc "nhửng lớn" cho tới khi "nhửng ròng" cũng mất gần nửa ngày, thời gian qua nhanh hay chậm tùy thuộc vào các chú cua nằm trong một góc nào đó dưới làn nước mênh mông. Xếp cần câu xong, chúng tôi lại có dịp nhảy xuống kinh bơi tắm thỏa thích. Trở về nhà thường với quần áo ướt sũng, mặt mài nhem nhuốc và làn da đen "mốc cới".

    Tuổi thơ qua nhanh như chiếc bóng đã ngã chiều của một ngày đầy thi vị. Giờ nhớ lại nhưng không ao ước sống lại, bởi có những khoảng thời gian trong đời rạng rỡ hơn, ý nghĩa hơn. Chút ký ức để nhớ về quê hương, cội nguồn và nhất là mẹ tôi, người luôn lo lắng trong từng bước con đi, từ lúc tập tễnh bước những bước đầu tiên trong đời cho đến khi đã cất cánh bay cao vời vợi, để lại Người một mình với nỗi nhớ thương con khôn cùng, với cảnh cũ thật im lìm cô quạnh, với những cây cần câu cua trên vách mà khi nhìn lại chắc là phải đau lòng đến rơi lệ. Mắt tôi cũng đang nhòa đi khi viết đến những dòng nầy....

    Ninhgia
    Last edited by chimtroi; 11-30-2012, 06:22 PM.

  • #2
    Chiếc Ná Thun Và Ông Thầy Pháp

    "... Số cô có mẹ có cha
    Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông
    Số cô có vợ có chồng
    Sinh con đầu lòng không gái thì trai..."
    (ca dao)


    Làng tôi là một xóm nhỏ miền quê xứ dừa hiền hòa, thơ mộng. Ngoài nỗi cơ cực hay cảnh ruộng đồng và người dân quanh năm cày sâu cuốc bẩm thì chẳng còn gì để kể nếu không có chuyện ông thầy bói kiêm pháp sư trong làng, thầy Gốc hay thầy Tư.

    Thầy Tư ngoài tài xem bói còn có khả năng trị bịnh tà ma nhờ lệnh Bà và các ông lục trên bàn thờ ngày đêm khói hương nghi ngút của ông. Tiếng tăm thầy vang dội chẳng những trong làng mà còn khắp đến những làng lân cận. Xin kể về một ít chuyện về tài bói toán và làm phép của thầy mà thuở bé thơ, lũ trẻ chúng tôi hàng ngày có dịp chứng kiến vì nhà thầy chỉ nằm cách một đám mả đất.

    Đám mả đất nầy là một khoảng đất trống nằm giữa hai dãy rọc (ruộng) với nhiều ngôi mộ vô danh từ lâu đời không thấy ai chăm sóc, đầy cỏ dại và hoa mắc cỡ. Thỉnh thoảng "mấy ổng" về tụ tập dân làng để "tiểu ri" (giảng thuyết, tiếng địa phương miệt quê hay dùng) bằng một chiếc loa tự chế bằng tôn được gò theo hình phễu, oang oang kết án Mỹ ngụy và những người gọi là ác ôn trong những đêm sâu nghe rờn rợn. Tuổi thơ tôi không hiểu gì nhiều, chỉ nhận biết có điều gì nghiêm trọng khiến cha mẹ tôi tỏ vẻ lo lắng mỗi khi nghe tiếng loa vang vang trong đêm tối và thường kéo tôi thức dậy giữa cơn say mộng để chui xuống hầm trú ẩn. Kinh nghiệm của người lớn từ lúc có lần lính ngoài dinh Quận không biết làm sao nghe được tiếng loa của "mấy ổng" liền trả lời cho mấy phát 105 ly, cả đám chạy tán loạn, tiếng chân rầm rập, cũng may dân làng chẳng ai bị gì bởi những trái đạn pháo binh bắn vu vơ rớt cả ngoài đồng ruộng.

    Điều thứ nhất làm chúng tôi "ngán" thầy Tư là ông dám xây nhà sát cạnh khu mả đất, một nơi mà ban đêm mỗi lần đi ngang qua, tôi luôn cảm thấy rờn rợn, phải nhanh chân chạy trối chết. Từ một làng xa xăm tuốt bên cù lao Xóm Dừa, thầy Tư dọn về đây sau khi lấy cô Tư là một người trong xóm tôi. Thuở đó, cô Tư còn trẻ, người mặn mà chất phác, bỗng dưng phát bệnh lãng trí, nói trước quên sau, thẩn thờ suốt ngày, gia đình lo lắng không biết lý do gì, chạy chữa mãi không hết. Nghe đồn bên cù lao Dừa có thầy Tư Gốc, người mang tật bẩm sinh ở chân, đi đứng không bình thường mà phài chống gậy, lúc đi hai chân khuỵu xuống gần sát đất và quẹt ngang quẹt dọc. Nghe đồn thầy Tư có tài bói toán tiên tri, lại chuyên trị bệnh tà ma và làm bùa rất giỏi, nhiều người các làng bên đến chữa trị và được thầy trục ma quỷ ra khỏi phần xác đã trở lại bình thường, gia đình cô Tư bèn đem cô đến nhờ thầy chữa bệnh. Thân chủ đến thăm hay trị bệnh nườm nượp và thường phải ngủ lại nhà thầy vì đường xá khó khăn, bệnh nhân lại đông và thầy cũng cần có thời gian để làm phép.

    Cô Tư cũng thế, sau một thời gian ở lại nhà thầy trị bệnh, cô trở về nhà gương mặt trông hồng hào, vui vẻ trở lại, cơn bệnh dường như đã qua. Một thời gian sau cô hạ sinh được một mụn gái đầu lòng, giống cô Tư như đúc được thầy Tư đặt tên Hồng vì đứa con sinh ra thật mủm mỉm dễ thương. Gia đình cô Tư sau đó mời thầy về quê cô sống, thầy bèn bỏ am và bà vợ lớn ở lại bên cù lao. Về chung đụng với gia đình cô Tư một thời gian, thầy quyết định ra riêng.

    Khu đất rọc ngập nước của ông Sáu Chánh bỏ hoang từ lâu được thầy Tư sang lại rồi mướn người đào ao làm cho một nền nhà sát cạnh đám mả đất, dựng nhà sống riêng với cô Tư và cũng để làm nơi tiếp khách, trị liệu cho thân chủ, đa phần là phụ nữ. Một căn nhà ba gian được thầy Tư ngăn ra làm ba, phía sau là nơi nghỉ của gia đình thầy, phía trước được ngăn đôi, một bên thầy kê một chiếc giường dài dành cho bệnh nhân nghỉ qua đêm, một bên dùng làm nơi thờ phượng với một bàn thờ tổ đồ sộ được che rèm vải kín đáo, bên trên đầy những hình tượng quái dị được quấn khăn đỏ mà thầy gọi là các ông Lục. Bên dưới bàn thờ la liệt những hũ đựng chao tròn, rỗng làm bằng sành, được bịt kín bằng miếng vải đỏ, trên có dán hàng chữ bùa đen. Đây là những hũ giam các hồn ma bóng quái mà thầy trục ra từ các bệnh nhân và chờ ngày đền tội.

    Phía sau nhà thầy là một hàng keo cây cao bóng lớn, đêm đêm bóng cây oằn oại trước cơn gió mạnh in xuống con đường đất vắng vẻ bên cạnh đám mả, phủ xuống cả nhà thầy những hình thù quái dị mà mỗi lần nhìn thấy bọn trẻ chúng tôi rởn tóc gáy. Phía bên kia hàng rào keo là nhà bác Chín Lượng, một người rất có cơ duyên với "cõi trên" nên được thầy tư chọn làm ông đồng. Bác chín cũng là người bạn duy nhất của thầy, thường sang ngồi uống trà và bàn chuyện với thầy rất tương đắc.

    Người đến xem bói thường chỉ phải cúng tổ chút ít tùy theo lòng thành và không ở lại lâu. Riêng bệnh nhân bị những chứng bệnh mà bác sĩ cũng thường phải bó tay vì không tìm ra căn nguyên, như những chứng rối loạn tâm thần, trầm cảm hay bị những đè nén tinh thần quá mức trước cuộc sống khó khăn bất hạnh trong gia đình, bị kích động trước những bi kịch ngoài cuộc đời... là đối tượng trị liệu của thầy, nói chung là bị "tà" nhập, ma hành. Phương pháp tâm lý trị liệu của thầy rất đơn giản, gắn cho bệnh nhân một chứng bệnh vô hình nào đó, thuyết phục bệnh nhân và gia đình người bệnh tin rằng có một thứ vô hình nào đó xô đẩy, đưa đường nên con bệnh không thể kềm chế mình được. Khi cắt được cái đuôi vô hình nầy là khỏi bệnh. Cũng có khi bệnh nhân rất ngoan ngoãn đóng trọn vai trò để sau khi được trị liệu thì trở thành một con người bình thường trở lại trước mặt người thân mà không bị mất mặt hay khó ăn nói. Thầy nắm chắc tâm lý từng trường hợp và giúp cho các "con bệnh" nầy đường hoàng trở lại trạng thái bình thường, cả con bệnh và người thân đều hài lòng.

    Để chuẩn bị công việc trị liệu trừ tà nầy, thầy cũng phải mất chút ít công sức dàn dựng, bàn tổ phải là một nơi linh thiêng rờn rợn, thầy lại khéo trình diễn và nhất là vai ông đồng của bác chín Lương phải thật "ăn rơ" với thầy. Và như thế, mỗi lần có bệnh nhân bị tà nhập đến nhờ thầy chữa bệnh là một dịp để bọn trẻ chúng tôi xem màn trình diễn trục ma trảm tà rất thích thú.

    Người bệnh được đặt nằm trên chiếc đi văng bên cạnh bàn thờ tổ. Trước bàn thờ, bác chín Lượng mặc bộ đồ nâu ngồi xếp bằng, đầu trùm một tấm khăn đỏ phủ kín xuống tới vai. Ngồi bên cạnh là thầy Tư một tay cầm chiếc roi dâu múa mấy đường quyền vun vút. Bỗng thầy ngưng tay, miệng râm râm đọc một tràng thần chú chữ Miên (hay thứ tiếng gì đó không ai nghe hiểu) rồi xoay qua nện cho bệnh nhân mấy roi khá mạnh, bệnh nhân rướn người lên một chút vì đường roi bất ngờ trúng vào người khá mạnh, nhưng sau đó nằm im trở lại gặm nhấm nỗi đau. Bác chín Lượng đang ngồi im chợt run người lên bần bật, đầu lắc lư gục gặc, hơi thở mạnh nghe rõ mồn một, sau đó người bác cuối xuống bật lên như vái lạy ai đó. Như vậy là hồn ma đã bị thầy tư trục ra khỏi bệnh nhân và đang nhập vào bác Chín. Thầy Tư hét lớn, gióc cho bác chín mấy roi sau lưng, người bác chín oằn oại như đau đớn tột cùng. Sau đó là màn điều tra:
    "- Nhà ngươi từ đâu tới, tại sao dám xâm nhập vào người nữ thí chủ nầy?"
    Bác Chín hít hít mấy cái dài như đang khóc, giọng nói ngắt quảng khó khăn như bị nghẹn trong cuống họng, từng chữ phun ra rời rạc nhưng vẫn nghe được:
    "- Thưa. lệnh.bà, con.thân.chết.oan.ức....không.nơi.siêu.thoát, gặp.lúc.cô (bà)...(tên bệnh nhân) ủ rũ, xuống cấp, định chọc ghẹo chút chơi..."
    Thầy được nước càng la to hơn:
    "- Nhà ngươi đúng là thứ cô hồn các đảng, dám mạo phạm người lành. Nay ta phải bắt nhốt ngươi lại để chờ trị tội."
    Bác Chín gập người xuống sát mặt đất như van lạy thầy. Thầy Tư hai tay bấm quẻ vẽ những chữ trên đầu bác Chín, miệng đọc thần chú, rồi từ từ đè đầu bác Chín xuống đất, nơi có một chiếc hũ chao trống đã để sẵn. Bác Chín như cố chống cự gượng lại một hồi lâu nhưng thầy Tư cao tay ấn hơn nên đành khuất phục, mặt bác cúi sát vào chiếu hũ gật gật mấy cái, đầu đập vào hũ, thầy Tư liền gỡ một lá bùa màu đỏ có viết sẵn mấy chữ nho màu đen trên bàn thờ xuống, úp trùm lên miệng hũ, tay khoán vội mầy chữ trên nắp và lấy sợi dây thun khoanh vòng lại. Xong, hồn ma đã bị nhốt vào trong hũ.

    Cuộc trục tà kéo dài chừng nửa tiếng đồng hồ. Bác Chín sau vài cú giật người, ngồi im trong chốc lát, rồi như người vừa tỉnh cơn mê, bác tung mảnh vải che mặt ra, người ướt đẩm mồ hôi.

    Thầy Tư rót ly trà phép đưa bác uống cho khỏe và để giải ám. Bác với tay nhặt chiếc hũ đựng hồn ma để vào dưới bàn tổ. Không biết số phận những con tà nầy sẽ ra sao, bọn tôi nghe nói hình như thầy Tư sau đó cho âm binh đem ra chém hết, lấy hũ cất lại để xài cho lần sau, nên càng ngán thầy Tư hơn.

    Bọn tôi với thầy Tư có nhiều kỷ niệm đẹp mà đến bây giờ vẫn chưa quên.

    Dù có ngán thầy Tư nhưng có lẽ tâm lý "bụt nhà không thiêng" nên tụi tôi cảm thấy thích chí khi có dịp chọc phá thầy, dù có bị hù dọa sẽ thả bọn tà ma nhốt trong hũ chao ra trừng trị bọn tôi. Thường nhất là mỗi lần đi ngang nhà thầy, gặp thầy đang ngồi hóng gió trước sân, có đứa gục gặc đầu và hít hít như người đang lên đồng, thầy nổi nóng chửi cho một chập, cả bọn chạy cười thích thú...

    Một lần chúng tôi bàn nhau định hù thầy một phen bằng "pháo bông".



    Hình minh họa internet

    Tuổi trẻ sống miền quê không ai là không biết thú bắn giàn (nạng, ná) thun. Một nhánh cây hình chữ Y (hoặc sừng trâu được người lớn đẽo gọt thành hình ná thun kiểu nầy rất đẹp), hai bên đầu là hai sợi dây thun được nối nhau với một miếng da ở giữa dùng để giữ và đẩy viên đạn đi. Thường chúng tôi tìm chọn từ rễ cây Bình Linh là loại cây mọc hoang trong vườn, rất dẽo dai thích hợp khi bị giằng kéo mạnh vẫn không gãy. Nạng thun dùng để bắn chim cò rất hiệu quả, tùy theo độ giản của giây thun có thể bắn viên đạn bi xa đến năm ba chục thước. Viên đạn là những viên đất sét hay bùn dẻo được vo tròn phơi khô. Vào những đêm trăng mờ mờ, chúng tôi thường "phục kích" đám cò trắng ngủ trên những cây mắm hay đám dừa nước, hạ rất nhiều chú cò với nạng thun tự chế loại nầy.

    Hôm ấy gần đến cuối tháng âm lịch, ban đêm trời tối đen như mực. Chúng tôi chế tạo một số "đạn lửa" tức những viên đạn vo tròn lớn hơn thường một chút, có gắn thêm mớ bùi nhùi dễ bắt lửa bằng vỏ dừa khô rồi đem phơi khô. Chờ cho trời tối xẩm, từ đám mả đất, một tên bật hộp quẹt đốt cháy nhúm bùi nhùi trên viên đạn, hai tên thi nhau bắn những viên đạn lửa bay vùn vụt lên những ngọn cây keo phía sau nhà thầy Tư, nhân lúc thầy đang uống trà với một vài bệnh nhân. Lửa từ nhúm vỏ dừa bốc cháy tỏa ra những vệt tàn sáng tung tóe theo đường bay trông rất ngoạn mục. Bệnh nhân nhà thầy tư kéo nhau ra xem, thầy cao hứng giải thích: "Lệnh Bà và âm binh đi chơi về", ai nấy đều trầm trồ thán phục. Nghĩ lại thấy buồn cười, bọn tôi định chọc thầy chơi nhưng chẳng ngờ lại giúp thầy có dịp tán dương pháp thuật.

    Thuở nhỏ có lần lúc trái gió trở trời tôi bị ấm đầu, mẹ tôi đến nhờ thầy Tư bốc thuốc, ông đưa bà một bịch bột "cao đơn hoàn tán" gì đó, tôi còn nhớ bà lấy ly xây chừng rót nửa ly nước trà, cho thuốc bột vào khuấy hơi loãng ra rồi bắt tôi uống. Ngửi mùi thuốc đã muốn ói rồi, lại còn bị bắt uống vô, tôi ói gần tới mật xanh, mồ hôi ra như tắm, hôm sau hết bệnh luôn. Đúng là thuốc tiên.

    Vào một đêm không trăng sao, chiếc ghe máy của cô tôi đậu trong ụ ngoài đầu xẽo bị tên trộm mắc dịch nào đó lẻn xuống tháo gỡ chiếc máy Nhật hiệu Yanmar mang đi mất. Khuya hôm đó thức dậy định lấy ghe đi công việc, ông dượng tôi phát giác ra máy bị mất, thất thần chạy kiếm tứ tung làm náo loạn cả xóm nhưng vẫn không tìm thấy. Bà cô tôi ngồi khóc bù lu bù loa, chửi cha cái thằng ăn trộm nào chơi một cú quá đẹp. Ba tôi nghe ồn ào chạy qua xem, tìm lời an ủi cô em nhưng cũng không làm vơi nỗi buồn mất của, bèn đề nghị cô: "Hay là bây ra ngoài xóm nhờ anh Tư xem một quẻ coi sao? Mới vừa mất chắc tụi nó chưa đem đi xa đâu, biết đâu mình còn theo kịp". Cô tôi như chợt tỉnh bèn kêu lên: "Vậy mà tui cũng không nhớ ra, ông ra ghe coi còn cái gì của tụi nó bỏ lại đem vào cho tui để mang ra nhờ anh Tư xem giùm coi tụi nó dấu ở đâu?" Dượng tôi lật đật chạy ra ghe lượm mấy con bù lon còn sót lại trong ghe đưa cho vợ. Vậy là vừa hừng sáng, cô tôi hối hả sang nhà thầy Tư. Là chỗ quen biết hàng xóm, nghe kể sơ câu chuyện và có chút lễ vật cúng trên bàn, thầy Tư đến trước bàn thờ tổ, trang nghiêm đốt nhang, miệng râm râm khấn vái, tay bấm quẻ. Một lúc sau, thầy Tư phán một câu chắc nịch: "Lệnh bà cho biết tên trộm vẫn chưa đi xa, vật và người còn đang ở hướng đông." Vậy là cả nhà cùng nhau lên chiếc xuồng tam bản bơi đổ ra hướng đông tức hướng của con kinh chảy ra sông cái lớn. Báo hại tôi cũng phải tháp tùng đoàn "truy kích" bơi xuồng muốn rã đôi tay ra đến tận cửa kinh. Cả nhóm leo lên núp vào một đám lá rậm để "phục kích" những người đi ghe qua lại xem có ai chở chiếc máy bị mất trên đó không. Trời sáng đầy sương mù, máy đâu chẳng thấy (vì có dám chận xuồng xét ghe ai đâu, chỉ đứng trên bờ ngó ông đi qua bà đi lại). Đám bù mắt và muỗi lá được một buổi đớp hít máu người thật no nê. Tôi phục thày ở chỗ, nếu người thường suy luận vẫn có thể đoán được kẻ trộm sau khi "chôm" chiếc máy chắn chắn sẽ bỏ lên ghe xuồng để theo đường thủy ra đầu sông rồi cao bay xa chạy vì không còn con đường nào khác, thế nhưng khi xem bói, thầy chỉ hướng đông là mọi người tin như người "cõi trên" phán lệnh và răm rắp tuân theo. Đó là cả một nghệ thuật.

    Sau năm 1975, công an xã vào nhà thầy yêu cầu đóng cửa am, ngưng việc đồng bóng, bói toán mê tín dị đoan để theo nếp sống mới của cánh mạng. Thầy không nghe, nhũn nhặn trả lời: "Tôi già yếu, tàn tật, mở nơi giúp người để kiếm chút cơm qua ngày nuôi vợ và mấy đứa con cũng có tật, nếu nghỉ thì lấy gì mà sống?" Sau vài lần khuyến cáo không có kết quả, một hôm mấy tên công an ào vào nhà, gom hết các hình ông lục và hình thờ của thầy Tư cho vào bao ny lon đem về huyện "giam" hết. Thầy tư nhìn theo bất lực. Có lẽ nhờ oai mấy ông lục của thầy Tư mà ban công an huyện sau đó ăn nên làm ra thấy rõ, ngày một giàu có, nhất là trong đợt thu vàng và chận bắt người vượt biên.

    Cũng từ đó, tôi đi "bán muối" rồi sau đó trở thành "khúc ruột ngàn dặm", chuyện Thầy Tư không còn nghe nói tới nữa. Đám con thầy giờ đã lớn, trừ cô Hồng là lành lặn hình hài, 3 đứa con sau của thầy đều có tật giống thầy. Dù "trời sanh voi sanh cỏ" nhưng trong một vùng quê không công ăn việc làm ngoài chuyện đồng áng, cuộc sống của người dân thường kiếm miếng ăn cái mặc đã khó, nói chi đến người có tật. Không biết rồi thầy Tư và các đứa con tật nguyền của thầy ra sao. Thật tội nghiệp.

    Ninh già
    Last edited by khongquan2; 10-21-2013, 04:09 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X