Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ngày Lại Ngày.....

Collapse
X

Ngày Lại Ngày.....

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngày Lại Ngày.....

    Trong tuần qua, các báo nước ngoài đồng loạt đưa tin về số tài sản khổng lồ bất ngờ của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (71) sau khi tờ New York Times cho công bố bản tin điều tra riêng về tài sản của ông ta lên đến khoảng 2,7 tỷ đô la.
    Ôn Gia Bảo thường tỏ ra rất khiêm tốn, luôn nói rằng ông ta xuất thân từ một gia đình rất nghèo, tuy nhiên từ khi được đề cữ làm Phó thủ tướng năm 1998 đến nay, ông và giòng họ đã tom góp được một "chút ít" tài sản trị giá 2,7 tỷ đô la (khoảng 2,1 tỷ Euro), trong đó chỉ riêng bà mẹ già 90 tuổi của ông cũng có sơ sơ một cổ phần trị giá hơn trăm triệu đô trong công ty bảo hiểm "Ping An".
    Hôm nay, bản tin trên đài BBC cho hay, sự việc xem ra đang nổ lớn, và những kẻ đứng sau các vụ phanh phui nầy chừng như đã bắt đầu ra tay (xem bản tin BBC bên dưới).
    Trong khi đó, theo gương đàn anh, thủ tướng VN cộng sản Nguyễn tấn Dũng và tập đoàn thống trị cũng chẳng thua kém bao nhiêu, "tiền trên rừng, bạc ở biển" cứ lấy bán đi là hốt, người mua thì có sẵn bên cạnh.

    Xem ra, các nhân vật lãnh đạo quốc gia trên thế giới nên noi gương VN và Trung Quốc, chứ lương ba cọc ba đồng như bản thống kê dưới đây thì bao giờ mới giàu nổi ???

    1. Lee Hsien-Loong (60 tuổi, Thủ tướng Singapore) : 1,3 triệu Euro/năm.
    2. Leung Chun-Ying (58, Thống Đốc Hongkong): 420000 Euro.
    3. Julia Gillard (51, nữ Thủ Tướng Úc) : 415000 Euro.
    4. Eveline Widmer-Schlumpf (56, Nữ Tổng Thống Thụy Sĩ): 400000 Euro.
    5. Raila Odinga (67, Thủ Tướng Kenia): 350000 Euro.
    6. Barack Obama (51, Tổng Thống Mỹ): 325000 Euro.
    7. Angela Merkel (58, nữ Thủ Tướng Đức): 290000 Euro.
    8. Jean-Claude Juncker (57, Thủ Tướng Luxenburg): 211000 Euro.
    9. David Cameron (46, Thủ Tướng Anh) : 183000 Euro).
    10. Francois Hollande (58, Tổng Thống Pháp): 150000 Euro.
    11. Antonis Samaras (61, Thủ tướng Hy Lạp):113000 Euro.
    (theo tin báo Âu Châu)

    Số lương trên đây nếu so với một giám đốc nhà băng trung bình hay một quản lý doanh nghiệp của quốc gia sở tại vẫn còn thua xa nhiều.

    Dù sao "Lành cho sạch, Rách cho thơm" vẫn có khác, ít ra cũng về số lượng.

    Tin BBC:
    Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành điều tra cáo buộc về tài sản của gia đình thủ tướng Ôn Gia Bảo theo yêu cầu của chính ông.

    AFP trích tin đăng ngày 5/11 của tờ nhật báo Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong cho biết ông Ôn đã viết thư cho Ban thường vụ Bộ chính trị, mà ông cũng là một thành viên, để yêu cầu một cuộc điều tra chính thức.

    Các bài liên quanGia đình ông Ôn Gia Bảo bác bỏ cáo buộcChặn báo Mỹ vì bài về tiền nhà Ôn Gia BảoChủ đề liên quanTrung Quốc, Kinh tếĐộng thái này xảy ra sau khi kết quả điều tra của tờ New York Times cho thấy gia đình ông Ôn đã tích lũy khối tài sản tổng cộng 2,7 tỷ đôla từ các lĩnh vực khác nhau, dựa theo kết quả phân tích từ các hồ sơ và giấy tờ thủ tục pháp lý công ty thời điểm 1992-2012.

    AFP bình luận rằng báo cáo về lá thư của thủ tướng Ôn Gia Bảo là khá 'bất thường' vì thông thường, Đảng Cộng sản luôn bảo mật các vấn đề nội bộ.

    Cũng theo AFP, cáo buộc tài chính này là một điều đáng xấu hổ đối với ông Ôn, người dự kiến rời chức thủ tướng tháng 3/2013 vì chính ông có tiếng là đi đầu trong cải cách của Đảng và luôn vận động chống tham nhũng ở Trung Quốc.

    Bài trên New York Times được đăng tải chỉ vài ngày trước thềm Đại hội Đảng 18, dịp chuyển giao quyền lực của xảy ra một lần mỗi thập niên của giới lãnh đạo nước này.

    Tờ SCMP dẫn một số nguồn riêng nói các thành viên kỳ cựu có đường lối bảo thủ trong Đảng "vốn không thích đường lối cởi mở hơn của thủ tướng" và đã "thúc giục ông cung cấp lời giải thích cụ thể cho những cáo buộc nghiêm trọng" trên tờ báo Mỹ.

    Bác bỏ cáo buộcNgoài các chi tiết khác, tờ New York Times cho biết người mẹ 90 tuổi của ông Ôn Gia Bảo hiện đang sở hữu cổ phần trị giá 120 triệu đôla (tính vào thời điểm năm 2007) ở Bình An, công ty bảo hiểm khổng lồ của Trung Quốc.

    Báo chí chính thống Trung Quốc trước đây từng gọi bà cụ này là người 'thuộc nhóm rất nghèo'.

    Tuần trước, tờ SCMP đã dẫn lời các luật sư của gia quyến ông Ôn bác bỏ cáo buộc trên.

    "Cái gọi là 'tài sản ngầm' của thân nhân ông Ôn Gia Bảo trong báo cáo của tờ New York Times là không tồn tại," nhóm luật sư này nói.

    Các luật sư cũng cho biết sẽ tiếp tục "làm sáng tỏ những tin tức thất thiệt" từ tờ báo và có quyền bắt New York Times phải "chịu trách nhiệm pháp lý".

    Họ cũng khẳng định ông Ôn "chưa bao giờ có một vai trò nào trong hoạt động kinh doanh của người thân trong gia đình" và chưa bao giờ cho phép các hoạt động đó ảnh hưởng các chính sách của mình.

    Bài trên New York Times nói họ không tìm thấy dấu hiệu ông Ôn đã can thiệp giúp người thân và nói không có bằng chứng cho thấy đích thân ông đã tích lũy khối tài sản nói trên.

    Bài báo này cũng không cáo buộc các hoạt động kinh doanh của người nhà ông Ôn là bất hợp pháp.

    Tờ New York Times cũng đã đăng tải thông cáo trên trang web của mình, cho biết sẽ giữ nguyên lập trường đối với phóng sự điều tra trên
    (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worl...tigation.shtml)
    Last edited by Ninhgia; 11-16-2012, 10:04 AM.

  • #2
    Chứng nhân thời đại

    Thế hệ ta đời từ thập niên 50 chúng ta được may mắn sống trong một giai đoạn tiến bộ cực đỉnh của thế giới ngày nay, đồng thời đã có cơ hội chứng kiến những sự kiện lịch sử có tính cách thay đổi thế giới trực tiếp qua những phương tiện truyền thông mà trước đây nhân loại đã không thể có được. Nếu kể từ mốc 1950, bỏ đi 15 năm tuổi teen chỉ lo học hành và vui chơi, kể từ giữa thập niên 60 đến nay, lớp tuổi nầy đã là chứng nhân của biết bao thay đổi lớn lao của thời đại. Một số sự kiện có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người:

    - Là một lớp người lớn lên và sống giữa chiến tranh, chúng ta đã chứng kiến sự kết thúc chiến tranh Việt Nam. Để qua những đau thương và tuyệt vọng chất chồng về phía người chiến bại do kẻ chiến thắng gây nên, đây là giai đoạn mở đầu cho một cuộc di tản vĩ đại của người Việt đến năm châu. Sự thành công của người Việt khắp nơi trên thế giới đã mở ra một kỷ nguyên mới của Việt Nam, sẽ có ảnh hưởng đời đời cho sự thăng hoa của đất nước Việt Nam hậu cộng sản, vốn là một lực cản chính yếu cho sự phát triển hiện tại.

    - Sự phát triển hệ thống internet và kỹ thuật computer ngày một hoàn thiện và tinh vi đã mang đến cho nhân loại một phương tiện liên lạc, kết nối không thể thiếu trong mỗi gia đình . Ngày nay người ta, nhất là giới trẻ, hầu như không thể tưởng tượng nổi nếu cuộc sống thiếu internet sẽ ra sao.

    - Sự sụp đổ của chế độ cộng sản Liên sô và Đông Âu được trực tiếp truyền hình đến từng người, từng nhà trên thế giới, nhân loại một lần nữa khẳng định những giá trị căn bản của con người không thể bị tước bỏ hay nếu có cũng chỉ là tạm thời, đó là sự Tự Do, Dân Chủ. Chỉ riêng Trung quốc và những chư hầu cật ruột như VN, Bắc hàn... thi cố ém nhẹm hay bị rò rỉ vì không thể dấu diếm được. Sự độc lập của một số quốc gia Đông Âu, sự thống nhất đất nước Đúc mà không trải qua một cuộc chiến là điều kỳ diệu mà con người có thể đạt được trong thời đại tiến bộ (ngoại trừ những cuộc chiến cục bộ trong mỗi quốc gia hậu cộng sản ở Nam Tư tranh giành lãnh thổ và vẽ lại bản đồ).

    - Rũ áo bước qua cái mốc thiên niên kỷ 2000 là chuyện ngàn năm mới có. Trước đây khi cón trẻ, ta thường hay nghe bài hát "năm 2000 năm" hay những lời "tiên tri" về sự tận thế. Một số người lo xa đã chuẩn bị sẵn một kho lương thực dự trữ trong nhà đề phòng ngày tận thế vào năm 2000.

    - Sự kiện 9/11, một cú sốc thời đại với sự sụp đổ hai tòa tháp biểu tượng của nước Mỹ. Sự kiện đã làm đảo lộn cả thế giới Ả Rập, cuộc chiến tại Afganistan và Iraq mang nhiều hệ lụy cho cả một lớp người đương đại. Một cuộc chiến tranh kiểu mới với những phương tiện kỹ thuật tối tân nhất chưa từng thấy đã được xử dụng. Điều đáng chú ý là trong cuộc chiến nầy, đã có người Việt thế hệ thứ hai tham dự, một số là những sĩ quan cao cấp của quân đội Mỹ.

    - Cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng được trực tiếp truyền hình cũng là một sự kiện lớn mà từ xưa chúng ta chưa có dịp theo dõi. Nhìn những sợi khói bay trên nóc nhà tòa thánh đánh dấu việc chọn Giáo Hoàng đã xong quả là một hình ảnh nửa thiêng nửa trần đầy sự kích động và thú vị.

    - Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đã mang đến tai họa không biết bao nhiêu gia đình, đã và đang còn kéo dài, nhất là ngành xe hơi và phụ tùng.

    - Sóng thần xảy ra ở Nam Dương và Thái Lan đã kéo theo hàng trăm ngày sinh mạng. Gần đây nhất là vụ sóng thần tại Nhật Bản với sự thiệt hại của con người và môi sinh mà một phần do nhà máy điện nguyên tử hư hại gây nên. Hậu quả là một số quốc gia đã xét lại chính sách năng lượng của mình và từ từ rời bỏ nguồn điện từ máy điện nguyên tử.

    - Cuộc cách mạng mùa Xuân ngoạn mục lan rộng trong thế giới Ả Rập đã cuốn đi nhiều lãnh tụ độc tài mà không lâu trước đó vẫn là những người cầm quyền với quyền lực vô biên và một thế lực sắt thép bao quanh. Một thế giới mà người dân làm chủ sẽ như cơn hồng thủy hay sóng thần cuốn đi tất cả những thứ dơ bẩn của một chế độc tài, tàn bạo.

    ninhgia
    Last edited by Phòng Trực; 12-03-2012, 08:48 PM.

    Comment


    • #3
      Một bài viết hay đọc được trên mạng nhưng không thấy đề tên tác giả (sorry), phản ảnh hiện thực xã hội qua góc nhìn của một người Hà Nội trẻ về sự cách biệt giửa giàu nghèo, tri thức và thời trang (ng)

      "...Khi xung quanh là tấp nập những đôi tình nhân xúng xính nói cười, khi tay cô nào cũng là hoa là quà thì tôi lặng lẽ một mình ngồi đây với ly latte nóng trong cái tiết trời rét căm của Hà Nội. Vạn vật xung quanh vẫn là vậy, vẫn góc ngồi quen thuộc nơi vỉa hè khách sạn Metropole, tôi ngồi nghe tôi.

      Công nhận Hà Nội nhiều xe đẹp. Hết Rolls-Royce, Bentley, Porsche…hàng chục chiếc cứ tấp nập qua lại. Chiếc nào cũng bóng đẹp, nom thật hoành tráng. Công nhận phụ nữ bây giờ xài sang. Hermes, Chanel, Louis Vuitton…quý cô nào cũng có. Các anh thì so đo đồng hồ chiếc nào nhiều kim cương hơn; ‘dân chơi’ bây giờ thú tiêu khiển ‘sành điệu’ nhất là gì…

      Người giàu HN thì nhiều, mà người sang thì hiếm. Người có tiền thì không thiếu, mà văn hoá chơi thì nông cạn. Cô này mua cái túi Hermes vì nó là da cá sấu, rất đắt tiền, rất hiếm, thế mới là đẳng cấp. Anh kia mua Rolls Royce vì xe này mới sang, mới xịn vì nó gần như là đắt nhất. Họ cho rằng đồ vật họ sử dụng khẳng định giá trị, chỗ đứng và đẳng cấp của họ. Đó là một sai lầm của tầng lớp có tiền mà thiếu trí thức, thiếu văn hoá cảm nhận nghệ thuật. Tiền kiếm được là chộp giật, thời cơ. Khi còn chưa hiểu tiền là công cụ hay mục đích thì tiền đã đến với họ chớp nhoáng. Họ chẳng có thời gian để bồi bổ kiến thức. Họ không nghiên cứu văn hoá đồ hiệu, cái mà xuất phát điểm là từ những tầng lớp quý tộc Châu Âu. Rất ít người biết cái tên Birkin là cảm hứng từ một cái túi bị mở toang làm cho đồ dùng bên trong rơi tung toé ra ngoài khi ngài giám đốc Hermes ngồi cạnh chủ nhân của nó trong một chuyến bay. Rất ít người biết về sự tỉ mỉ trong từng nét chỉ của những đường may trên chiếc vali Louis Vuitton mà vua Louis khó tính đòi hỏi. Cũng rất ít người cảm nhận được độ đầm trong những vòng lái của chiếc xe Merc S550, và sự thoát khỏi bộn bề cơm áo gạo tiền khi chỉ còn ta với chiếc vô lăng trên đường cao tốc vi vút… Những nhà tư bản nước ngoài họ sinh ra đã đầy đủ vậy việc duy nhất họ lo để lớn lên cùng là tri thức. Tiền không có cái quyền cho họ cái mác họ là ai. Còn thông cảm cho chúng ta sinh ra phần đông từ sự nghèo khó và thiếu thốn, có thực mới vực được đạo, tiền với số đông là mục đích, đôi khi là tất cả. Vì sao mà chúng ta có tầng lớp có tiền, nhưng không có tầng lớp quý tộc.

      Tôi cho rằng Đàm Vĩnh Hưng là một hiện tượng của âm nhạc thị trường cực kì thành công. Thành công không phải vì chất giọng, vì chiều sâu âm nhạc hay vì cá tính anh ta, mà thành công bởi đó là một êkip đã nắm bắt được tâm lý người giàu mới nổi do thế thời ở VN rất thành công. Tạo dựng được một hình ảnh PR gắn liền với sự ‘giàu sang’ và ‘đẳng cấp’ (ở đây tôi dùng hai từ này với sự nghi ngờ về ý nghĩa thật) – đó là mấu chốt của thành công của Mr. Đàm. Xin mạn phép được xin lỗi cho tính chủ quan trong nhận thức của tôi, nhưng với tôi, nghệ thuật đích thực không nằm trong nhạc Đàm. Bố tôi là một người say mê âm thanh hi-end từ những năm xã hội còn rất lạc hậu. Khi bé tôi không hiểu lắm về những thú vui của ông, càng lớn càng đi đó đây và được tiếp cận với nhiều nền văn hoá thế giới, tôi càng thấy kho tàng kiến thức và văn hoá sống của ông càng phong phú và hợp thời cuộc. Có những đêm ông say mê nói chuyện với người phiên dịch để hiểu những tài liệu từ Mỹ chuyển về cho một chiếc giắc cắm trị giá tới 2 ngàn đô. Phòng nhạc được ốp với những chất liệu dán tường đặc biệt để làm sâu nét nhạc. Thì ra không phải cứ có nhiều tiền và mua được những chiếc loa đắt là ‘sành điệu’. Có những người mua dàn âm thanh của bố tôi thời đó vì nó đắt, hay vì ông kia cũng có nên tôi phải có. Người tâm giao với bố tôi để hiểu cái đẹp của những báu vật âm thanh như vậy, không phải không có, nhưng thật sự hiếm.

      Người giàu ở Hà Nội rất nhiều, đất cát khắp nơi, chung cư lớn biệt thự bé. Nhưng hầu như họ đang tồn tại, chứ không sống. Chẳng hiểu sao tôi và bố có những cảm nhận về đời sống và cái thi vị của Hà Nội…rất sâu. Bây giờ người ta cứ quy ra hiệu quả kinh tế, quận Hai Bà Trưng giờ công nghiệp hoá, hiện đại hoá hết cả. Cứ cái gì có lời người ta đập đi xây cao lên. Bê tông cao tầng nhan nhản. Mỗi lần tới gần những góc phố nhỏ của những Hồ Xuân Hương, Hàng Chuối…tim tôi lại rộn ràng như đứa trẻ mới biết yêu. Sao nó đẹp và thân thương đến thế! Cái nét sang trọng, có gì đó hơi quý tộc kiêu chảnh phảng phất đâu đây đấy nhé… Này mà cái cảm nhận ấy không phải ai cũng có được. ‘Cứ nhà mặt đường phố trung tâm’ là ‘giàu’, là ‘đẳng cấp’, vì họ quy ra ích lợi kinh doanh mà. Cùng là hai ông có tiền, khi tiền đối với họ chỉ là công cụ thực hiện những ước mơ, thì cái tinh tế trong văn hoá tiêu tiền, nó chính là thước đo của đẳng cấp.Giá trị kinh tế của một biệt thự cổ phố Hàng Chuối và một biệt thự phố Hàng Hòm là như nhau, nhưng hơi thở của hai con đường khác nhau, vì nét đẹp văn hoá của nó lớn lên với lịch sử kinh tế, chính trị và những tầng lớp sinh sống trên mảnh đất đó khác nhau. Tầng lớp con buôn lớn lên từ phố Hàng Hòm. Tầng lớp tri thức lớn lên từ phố Hàng Chuối. Và cả hai có thể đều rất giàu bạn ạ.

      Tôi muốn nói tới một luồng suy nghĩ không liên quan lắm, nhưng bỗng dưng nó đến trong tôi buổi tối hôm nay. Với tôi, cảm giác thoả mãn nhất (ít nhất cho tới giờ phút này dù mới đi được 20 năm tuổi đời) là cảm giác bản thân làm chủ được tình hình trong bất cứ lãnh vực gì. Trở về với cái tiềm thức phần đông người Việt Nam nghĩ vạn vật xung quanh tạo ra cho họ định nghĩa họ là ai. Với tôi, lí do duy nhất tôi dùng chiếc túi Chanel là vì chất lượng của nó tuyệt hảo, da túi mềm nhưng bền và có lẽ sẽ có giá trị lịch sử tới hàng chục năm. Không phải như nhiều người, có thể chỉ vì nó là Chanel và nó đắt, nó thời thượng. Tôi lấy một ví dụ khác mà tôi suy ra từ đời sống con người để hiểu thêm về sự đa dạng trong cách nhìn nhận nhiều vấn đề. Coco Chanel là thần tượng thời trang của tôi. Bà nổi tiếng với bức tranh đen trắng, tay châm điếu thuốc trầm ngâm và sang trọng. Nào, ở Việt Nam, người ta quan niệm hình ảnh người phụ nữ hút thuốc là rẻ tiền, là hư. Định kiến đó khó thay đổi. Vậy một thiên tài như Coco Chanel cũng sẽ bị quy chụp như vậy sao? Với bà, giây phút thả hồn theo khói thuốc giúp bà có sự sáng tạo vì nghệ thuật. Vậy việc hút thuốc, cá nhân nó là 'hư' hay 'ngoan'? Tôi để các bạn tự suy ngẫm về câu hỏi này. Với tôi nó rất thú vị, và với tôi, vạn vật tốt hay xấu là do tư duy, cảm nhận và văn hoá chơi của bản thân mình. Cá nhân một cái gì đó không tốt, không xấu. Con người nghĩ, điều khiển và sử dụng nó như thế nào để ra mục đích gì, đó mới là thước đo của tốt xấu. Suy lại, con người làm ra tất cả, và định nghĩa tất cả.

      ......................................

      Lan man vài dòng suy nghĩ để trở về với thực tế mà xã hội ta đang sống. Tôi chẳng là ai để đánh giá hay thuyết trình, ấy chỉ là vài cảm nhận cá nhân để chia sẻ với các bạn mà thôi…Cũng chẳng từ ngữ hoa mỹ gì, tôi nói thật thà. Người ta có tiền và có tri thức nhưng sự cảm nhận về văn hoá và lối chơi vẫn còn nông lắm. Càng lớn lên càng thấy mình bé lại, càng trưởng thành càng thấy mình khờ dại, càng hiểu biết càng thấy tri thức nhân loại như biển mà kiến thức của ta chỉ như một giọt nước..."

      Comment


      • #4
        Lời cha dặn con

        Đây là một lá thư riêng của ông Tôn Vận Tuyền, Viện trưởng Viện Quốc gia Hành chánh, một chánh khách nổi tiếng, Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan gởi cho các con của ông lúc ông còn sống, bây giờ mới thấy lưu hành trên mạng internet, được nhiều phụ huynh đọc và cảm xúc sâu đậm. " KIẾP SAU, DÙ CÓ THƯƠNG HAY KHÔNG THƯƠNG, CŨNG KHÔNG CÒN DỊP GẶP LẠI NHAU ĐÂU ".... Tôn Vận Tuyền để lại những lời căn dặn như sau:


        Các con thân mến,

        Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu, có những việc cần nếu được nói ra sớm để hiểu thì hay hơn.

        Dưới đây là những điều nên ghi nhớ trong cuộc đời :

        1. Nếu có người đối xử với con không tốt, đừng thèm để tâm cho mất thời giờ, trong cuộc đời nầy, không ai có bổn phận phải đối xử tốt với con cả, ngoại trừ cha và mẹ của các con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc các con phải biết ơn, trân quý, các con cũng nên thận trọng một chút, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích của nó, chớ có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.

        2. Không có người nào mà không thể thay thế được cả; không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu, bám chặt lấy nó. Nếu hiểu rõ được nguyên lý nầy, thi sau nầy trong cuộc đời, lỡ người bạn đời không còn muốn cùng đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất trong đời con, thì cũng nên hiểu; đó cũng không phải là chuyện trời sập.

        3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phi thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi!. Cho nên, nếu ta càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm, thì ta được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng mình cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.

        4. Trên đời nầy chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Áí tình chỉ là một cảm xúc nhất thời, cảm giác nầy, tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. Nếu người yêu bất diệt rời bỏ con rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút, để thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư mình từ từ lắng động, cái đau khổ cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm áp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi lụy vì thất tình.

        5. Tuy có nhiều người trên thê giới nầy thành công, nổi tiếng mà chẳng có học hành nhiều, có bằng cấp cao, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là; không cần học hành nhiều sẽ thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, giáo dục là vũ khi trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tấc sắt. Nên nhớ kỹ điều nầy !

        6. Ba không yêu cầu các con phải phụng dưỡng ba trong nửa quãng đời còn lại của ba sau nầy, Ngược lại, ba cũng không thể bảo bọc nửa quãng đời sau nầy của các con, lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúc ba đã làm tròn thiên chức của ba. Sau nầy các con có đi xe Bus công cộng hay đi Auto nhà, các con ăn soup vi cá hay ăn mi gói, đều là trách nhiệm của các con.

        7. Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Các con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử tốt với mình. Mình đối xử người ta thế nào, không cò nghĩa là nguời ta sẽ đối xử lại mình như thế ấy, nếu không hiểu rõ được điều nầy, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình.

        8. Trong mười mấy, hai mươi năm nay, ba tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn nghèo trắng tay, điều nầy chứng tỏ muốn phát đạt, phải siêng năng làm ăn mới khá được. Trên thế gian nầy không có cái gì miễn phí cả.

        9. Sum hợp gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp nầy chúng ta sống chung với nhau được bao lâu, như thế nào, nên trân qúy khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau. Kiếp sau, dù ta có thuơng hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau đâu.
        Last edited by Ninhgia; 01-23-2013, 02:06 AM.

        Comment


        • #5
          Chuyện Phiếm Đầu Năm: Cửa Thiền Rộng Mở

          Đầu xuân, chùa làng nghi ngút hương trầm, thiện nam tín nữ chen chúc nhau vào chánh điện dâng hương bái Phật. Người ra kẻ vào ngược xuôi như bất tận, mặt ai nấy đều vui tươi phấn chấn, y rằng cuộc đời này không hề có đau khổ lo toan.. Nhưng rồi, mọi người phải cau mày nhíu mặt khi trông thấy một cô gái lạ lùng đang lảng vảng ngoài sân chùa, hệt như người từ hành tinh xa lạ mới xuống thăm trái đất.
          Cô gái lạ lùng vì nổi bật giữa đám đông do có một sắc đẹp mê hồn, phải công nhận là tuyệt thế giai nhân. Dáng cao hơn một thước bảy. Tóc đen óng ả phủ dài xuống lưng. Những vòng đo lý tưởng. Đầy đặn và trắng trẻo. Gương mặt khả ái, sáng sủa. Nếu không là hoa hậu hoa khôi, thì cũng là người mẫu tầm cỡ ngôi sao. Không ai có thể nhăn mặt bực mình trước cái Đẹp bao giờ. Có điều, chỉ vì cô gái đã tự chọn cho mình bộ trang phục quá độc đáo, quá quái gở.. Chiếc váy ngắn cũn cỡn, tưởng như không còn kiểu nào ngắn hơn, khoe cặp giò dài khêu gợi. Chiếc áo thun bó sát ôm lấy thân trên bốc lửa, thân áo trước và thân áo sau được liền lạc với nhau chỉ bằng hai sợi dây mỏng mảnh vắt qua hai bên bờ vai tròn trịa và đầy đặn. Đẹp không chê vào đâu được, nhưng nếu cô ta đang đứng trên sàn diễn, hoặc đi trên phố cờ hoa rực rỡ ngoài kia. Đằng này, cô ta lại xuất hiện ngay chốn già lam tôn nghiêm thanh tịnh mới gây nên những nỗi bất bình từ những người chung quanh. Sự phẩn nộ, ghê sợ hiện rõ trên gương mặt những ai nhìn thấy cô gái, nhưng chưa ai lên tiếng thẳng thắn góp ý với con người lạ lùng, chỉ mới nghe những lời chê trách đàm tiếu nho nhỏ phía sau lưng người đẹp.

          Một anh huynh trưởng gia đình Phật tử bước lại bên cô gái bằng sự nổ lực phi thường, can đảm tột bực, đưa cho cô ta một chiếc áo tràng màu lam, giọng nhã nhặn:

          - Chào chị, chị vui lòng mặc chiếc áo này vào, nếu cần thì chị có thể mặc luôn về nhà, tôi rất lấy làm hân hạnh khi được tặng chị nhân ngày đầu năm mới!

          Cô gái tròn xoe đôi mắt, nhìn anh huynh trưởng, rồi nhìn chiếc áo tràng với vẻ kinh ngạc, thản nhiên lắc đầu…

          Anh huynh trưởng bực bội, giứ chiếc áo tràng tới, nói:

          - Chị làm ơn mặc vào giùm cho. Đừng để mọi người khó chịu, và đừng để chư tăng nhìn thấy được mà tổn đức đó!

          Cô gái nhíu cặp chân mày lá liễu, hỏi cộc lốc:

          - Vì sao?

          Anh huynh trưởng không còn tự chủ được, cáu gắt:

          - Chị còn chưa hiểu vì sao ư? Nơi đây là chốn tôn nghiêm, không phải chỗ chợ búa hay sân khấu kịch trường, cho nên trang phục trên người chị không phù hợp chút nào, rất chướng mắt mọi người. Chị thật tình không biết, hay giả bộ không biết?

          Cô gái phì cười, một nụ cười tươi tắn tuyệt đẹp, lắc đầu:

          - Biết làm gì để vướng? Ai thấy chướng thì đừng nhìn. Mấy người đi chùa lễ Phật bái tăng, hay là đến đây để nhìn ngắm nhau? Ai tu nấy chứng, hãy để cho tôi yên!

          Anh huynh trưởng cứng họng, không biết phải xử sao, trong lúc nhất thời đành đứng đực ra đó với chiếc áo tràng trên tay. Thời may, có một vị sư trẻ bước lại đứng trước cô gái, xá dài một cái, cất giọng từ tốn:

          - A Di Đà Phật! Cửa Từ Bi luôn rộng mở để phổ độ chúng sanh, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, trẻ già nữ nam… Nhưng, đừng vì vậy mà xem thường chốn thanh tịnh, tạo nên phiền toái. Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy, chị ăn mặc như vậy mà vào chùa, có khác nào báng bổ đạo giáo, xúc phạm Tam Bảo? Mong chị hoan hỷ mặc áo tràng vào cho…

          Cô gái cười duyên dáng, hỏi:

          - Thầy thấy tôi ăn mặc thế nào?

          Vị tăng trẻ lúng túng:

          - Ờ… thì… rất hở hang … không nghiêm túc kín đáo…và…

          Cô gái đưa tay vuốt mái tóc, ưỡn bộ ngực đầy sức sống, thản nhiên nói:

          - Thầy tu hành mà còn chấp quá! Tâm của thầy còn động lắm. Lục căn của thầy chưa được tinh tấn, vẫn còn vướng điều phàm tục. Tốt hơn hết, thầy nên đóng cửa nhập thất để khỏi nhìn thấy những điều bất thanh bất tịnh ở phụ nữ đàn bà!

          Vị tăng trẻ xanh mặt, cúi đầu, mắt nhìn chăm chăm xuống đất, bước đi lẫn vào đám đông Phật tử ngược xuôi ngoài sân… Cô gái cười nửa miệng, quay sang hỏi anh huynh trưởng:

          - Anh có vui lòng chỉ cho tôi tịnh thất của sư trụ trì không? Tôi đang rất muốn được vào vấn an ngài, và thỉnh giáo đôi điều…

          Anh huynh trưởng nhíu mày nghĩ ngợi, tặt lưỡi:

          - Dẫn chị vào tịnh thất của thầy trụ trì thì thật là không nên chút nào.. Nhưng, có lẽ phải làm điều dại dột này, vì chắc tình huống oái oăm khó xử như bây giờ, chỉ có thầy mới đủ đạo lực khai tâm điểm đạo cho chị thấy được phải trái!

          Nói rồi, anh ta mời cô gái đi theo mình, băng qua đám đông, vào phía dãy nhà sau chánh điện. Anh ta dừng lại trước cửa một căn phòng, quay sang nói với cô gái:

          - Chị vui lòng đứng chờ ở đây một lát, để tôi vào cáo bạch với thầy trước, khi nào thầy đồng ý tiếp khách, tôi sẽ ra mời chị vào. Được chứ?

          - Ô-kê!

          Anh huynh trưởng nhún vai ngán ngẫm, đưa tay gõ cửa ba cái. Bên trong có tiếng vọng ra: "Ai? Cần gì?". Anh huynh trưởng cao giọng:

          - Bạch thầy, con là Tâm Tịnh, huynh trưởng gia đình Phật tử, có việc rất hệ trọng cần cáo bạch với thầy ạ!

          Bên trong phòng vang lên giọng sang sảng:

          - Tâm Tịnh đó ư? Vào đi, cửa không khoá!

          Anh huynh trưởng mở cửa, bước nhanh vào trong và đóng lẹ cánh cửa lại. Cô gái đứng tủm tỉm cười, chờ đợi với vẻ háo hức.. Chừng mười phút sau, cửa mở, anh huynh trưởng bước ra, nói:

          - Chị được phép vào. Nhớ giữ ý giữ tứ một chút nhé!

          Cô gái cười khẩy, bước vào phòng. Một vị tăng tuổi độ lục tuần đang ngồi trên chiếc phản mun đen bóng trong tư thế kiết già, ánh mắt sáng rực rọi chiếu thẳng vào mặt vị khách mới vào. Cô gái chấp tay xá ba cái, thưa:

          - Bạch thầy, con có thắc mắc xin thầy điểm giáo…

          - Cứ hỏi. Đây nghe.

          - Bạch thầy, con ăn mặc như thế này, vào chùa lễ Phật bái tăng, lại bị mọi người chê trách chỉ trích, bị tăng phê bình bắt lỗi, xin hỏi thầy ai đúng ai sai?

          - Ai cũng đúng. Ai cũng sai.

          - Bạch thầy, người phàm cố chấp đã đành, nhưng người đã xuất gia tu hành mà vướng mắc những chuyện lễ nghi giáo điều để đi bắt bẻ con, xin hỏi thầy là đúng hay sai?

          - Vừa sai, vừa đúng!

          - Sao là sai? Sao là đúng?

          - Sai, vì tu hành mà chấp nhặt những điều nhỏ nhặt. Đúng, vì giữ gìn thanh tịnh cho chốn già lam tôn nghiêm, đó là bổn phận, là nhiệm vụ phụng sự Tam Bảo, hoằng dương Chánh Pháp!

          - Con từng nghe rằng, ngọn cờ phấp phới bay, thật ra cờ không bay mà gió bay, nhưng thật ra gió chẳng động mà do Tâm của con người đang động. Phải vậy chăng?

          - Thật hay! Thật hay!

          - Vậy, theo thầy thì con ăn mặc ra sao?

          - Bình thường.

          - Đáng trách hay đáng khen ạ?

          - Hợp thời trang. Hiện đại. Gọn gàng. Tiết kiệm. Nếu người mặc không hề thấy ngượng nghịu, không chút gượng gạo, không phải âu lo, thong dong khứ đáo xuất nhập như rồng đạp mây, thì thật là đáng khen ngợi. Nếu mặc vào mà luôn thấy bị gò bó, thấy như bị mang của nợ, mang xích xiềng, không thoải mái đi đứng nằm ngồi thì thật là đáng thương, tội nghiệp, chứ không đáng trách!

          Cô gái cười khanh khách ra điều thích thú. Sư trụ trì bật cười ha hả, tiếng cười tự tại vang động như đã rung chuyển cả giàn ngói rong rêu của tịnh thất. Rồi im lặng như tờ. Cô gái cất tiếng:

          - Thầy thật cao thâm, vững như bàn thạch!

          - Có phải đó là mục đích chính của cô khi ghé thăm bổn tự?

          - …

          - Im lặng, tức đã thú nhận.

          - …
          - Cô mang một chút am hiểu giáo lý nhà Phật, một chút kiến thức cơ bản về sự Tĩnh Động, cố tâm cố ý vào chùa để thử thách cái Tâm Đạo của tăng ni giáo đồ. Sự cố ý làm cho người khác chao đảo tâm ý chính là ác tâm, chính là động rồi đó!

          - Bạch thầy, quả đúng là con động. Nhưng đâu phải thấy người động mà mình phải động theo, phải vậy không thầy?

          - Phải nhớ quanh cô đều là những chúng sanh đang tu, còn tu, chứ chưa có ai đắc đạo, chưa ai giải thoát được mình!

          - Chỉ có thầy là tĩnh thôi sao?

          - Vì đây là tịnh thất. Tâm người phải tĩnh, phải tịnh.

          - Thầy không trách con về chuyện ăn mặc này thật sao?

          - Không trách, mà còn khen. Áo quần chỉ là ngoại vật. Chúng vô tri vô giác, không tội tình gì. Chúng là vật ngoại thân, không là một bộ phận của thân thể con người…

          - Và thân thể con người cũng chỉ là giả tạm…

          - Chỉ là đất, nước, gió, lửa hội tụ tạo nên. Thân xác này còn là thứ bên ngoài, huống chi là quần với áo, xiêm với y?

          - Chỉ cái Tâm bên trong mới là quan trọng?

          - Tính động đều từ nơi ấy. Cho nên, nếu cô đã có gan ăn mặc hở hang thiếu thốn vải vóc để vào cửa thiền, thì hãy phát huy thêm bản lĩnh mà trút bỏ hết xiêm y giả tạm ra khỏi tấm thân giả tạm ngay nơi đây đi!

          - …

          - Trút bỏ hết đi!

          Sư trụ trì quát lên. Cô gái giật bắn mình, vội quỳ mọp xuống, đầu dập đất mấy cái. Sư lại quát:

          - Trút hết. Rồi đi ra ngoài, dạo một vòng vãn cảnh mau đi!

          - Bạch thầy… con không dám. Con không dám . Con xin dập đầu tạ tội. Đội ơn thầy đã khai tâm điểm đạo!

          … Anh huynh trưởng đứng chờ ngoài hành lang với ruột nóng gan sôi, cứ như đang đứng trên tổ kiến bồ nhọt.. Và rồi, cánh cửa tịnh thất đã mở toang. Cô gái lạ lùng đã bước ra ngoài với vẻ mặt rạng rỡ tươi vui. Lạ lùng hơn, trên người cô ta đang mặc một chiếc áo nhật bình của tăng chúng. Cô gái cười chào anh huynh trưởng, bước thoăn thoắt hướng về phía chánh điện. Anh huynh trưởng lè lưỡi, bước nhón chân lại khép
          cánh cửa tịnh thất thật nhẹ nhàng. Rồi anh chấp tay xá ba cái về phía bên trong cánh cửa vô tri, nói: - Quả đúng là chỉ có thầy mới trị được quỷ sứ ma vương! Anh ta thở phào nhẹ nhõm.

          (ngia sưu tầm).

          Comment


          • #6
            Chuyện Phương Uyên và báo Time...

            Chuyện hình Phương Quyên được in trên hình báo Time tưởng đã xưa rồi và ai cũng biết đó là xảo thuật Photoshop, chỉ riêng anh VT vẫn nhắc nhở sự việc trên trong bài viết mình như một sự kiện truyền thông Mỹ nằm trong ý đồ của Kerry và S&B. Tôi thật ngại ngùng khi phải nêu lên điều nầy nhưng nếu không nói ra thì sự việc sẽ còn lập lại mãi, tổn hại đến uy tín của HQPD. Sau đây là câu chuyện Bé Phương Uyên và báo Time.


            Trích từ một số bài viết mới của VT:
            ...như chuyện vừa qua tướng Tố Lâm dựng lên sự kiện Bé Phương Uyên với tang vật cờ VNCH và Bé được in hình bìa báo TIME rất dễ thương và tạo dựng theo mưu đồ “Truyền Thông Thông Tin”... (http://hoiquanphidung.com/showthread...7760#post27760 ngày 6.09.2013)

            ....Có một động thái khá đặc biệt là, khi Kerry ra lịnh thả Quân, Định tội “khủng bố” quá nặng so với em bé Phương Uyên, nhưng sao Kerry không can thiệp? Mục tiêu “Truyên Thông mass media” là Bé Uyên phải ngay thơ hiện lên hình bìa tờ báo TIME... (http://hoiquanphidung.com/showthread...BB%91ng/page18 , trong cả 2 bài 103 ngày 14.8.2013, 104 ngày 23.8.2013) ... )

            ....Có một động thái khá đặc biệt là, khi Kerry ra lịnh thả Quân, Định tội “khủng bố” quá nặng so với em bé Phương Uyên, nhưng sao Kerry không can thiệp? Mục tiêu “Truyên Thông mass media” là Bé Uyên phải ngay thơ hiện lên hình bìa tờ báo TIME.... (http://hoiquanphidung.com/showthread...7647#post27647 , 01.09.2013 )
            Giải thích xuất xứ một tấm hình trên Dân Luận để tránh ngộ nhận

            Các bạn thân mến, hiện nay tại một số trang mạng đang lưu truyền thông tin cho rằng tờ báo nổi tiếng TIME ca ngợi Nguyễn Phương Uyên kèm theo hình ảnh Nguyễn Phương Uyên xuất hiện trên trang bìa báo TIME số ra tháng 6/2013. Thông tin này đang được bàn tán, tranh cãi với nhiều phỏng đoán khác nhau vì vậy trang Dân Luận chúng tôi xin được xác nhận rằng, tấm hình Nguyễn Phương Uyên trên trang bìa của TIME là có xuất xứ từ trang Dân Luận và của thành viên Nam Giao tạo dựng, thiết kế với một ước muốn được ghi rõ kèm theo tấm hình không thể nhầm lẫn được mục đích như sau (Nguyên Văn):


            "Nếu hình ảnh của Phương Uyên lên trang bìa của TIME?

            Tôi chỉ sử dụng sự tưởng tượng của mình cho phần hình ảnh.

            Bài viết xin giành cho các bạn của Dân Luận.

            Nam Giao."

            Như vậy, những ai đã sử dụng tấm hình trên vào những mục đích khác với chủ ý của tác giả thì họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những thông tin không chính xác liên quan đến tấm hình mà họ đã và đang phổ biến.

            Trân trọng thông báo

            T/M BBT Dân Luận

            Hồ Gươm


            (https://danluan.org/tin-tuc/20130519...#comment-87880 ;
            http://nguoiviettudoutah.org/2011/?p=40566 )

            *******

            Chuyện hình bìa báo Time bị 'photoshop'
            Friday, May 31, 2013 253 PM


            Vũ Ánh


            Hình trang bìa của tuần báo Time số báo tuần đầu tiên Tháng Sáu là hình chụp lốc xoáy ở Oklahoma mới đây với nhan đề “16 minutes: That's how much time you have to save your life - The Story of the Oklahoma tornado,” bài và hình của David von Drehle & Jeffrey Kluger. Tờ Time còn kỹ đến mức ghi dưới bức hình giờ ghi hình và họ tính ra là 6 phút sau khi lốc xoáy giáng xuống thành phố Moore gần Oklahoma City vào ngày 20 Tháng Năm. Tuần báo Time là một tuần báo không những được lưu hành trên khắp nước Mỹ mà còn trên khắp thế giới, số đầu tiên được ấn hành vào ngày 23 Tháng Ba năm 1923 tính ra đến nay đã tồn tại được 90 năm.

            Nhưng cũng mới đây vào thời gian mà hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Ðinh Nguyên Kha ở Việt Nam bị bắt và bị tòa án tỉnh Long An khép án tù sáu năm và tám năm, thêm ba năm quản chế, vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước XHCN, theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự,” trong cộng đồng mạng lại thấy xuất hiện một hình bìa khác của tuần báo Time, số báo tuần đầu tiên Tháng Sáu hình chụp nữ sinh viên Phương Uyên trước vành móng ngựa.


            Thú thực, vốn là người không biết, không hiểu gì về photoshop cả và dù trước mặt có số báo Time tuần này đề ngày 3 Tháng Sáu 2013, nhưng tôi cũng giật mình: Người không bao giờ nhìn thấy hay biết về tờ tuần báo thời sự này sẽ không nhận ra thế nào là thật, thế nào là giả. Gọi đến mấy ông bạn thân rành về photoshop và nhiếp ảnh, họ mắng tôi ngay: “Thằng cả đẫn, đi lấy ngay một lớp photoshop cho chúng tao nhờ. Thế mày không nhận cái hàng chữ chủ đề cho trang bìa có cái font chữ và màu sắc mà tao chưa thấy tờ Time sử dụng bao giờ. Nó ‘mập’ hơn nhiều. Thằng làm hàng giả có lẽ chỉ lo săm soi bức hình Phương Uyên thôi, không để ý đến chi tiết này.”

            Nhưng dù muốn dù không, ngày nay kỹ thuật photoshop tiến bộ tới mức có khả năng khiến người ta lẫn lộn giữa giả và thật. Sau khi vụ này xảy ra, phản ứng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ làm cho nhiều người ngạc nhiên. Ðó là phần lớn những phản ứng trong cộng đồng mạng một phần có vẻ coi đây là một trò tinh nghịch, một phần coi đây là “chuyện nhỏ, chuyên lớn là chuyện chống Cộng và chống Trung Quốc,” phần còn lại của dư luận thì dường như không kiểm soát được mình khi viết khơi khơi trong cộng đồng mạng hay trong lúc forward các email: “Sao lại đả kích tác giả bức hình giả này. Nếu hàng giả mà lừa được bọn Cộng Sản thì tại sao lại không làm.”

            Thế nhưng trước khi đi sâu vào ảnh hưởng của “hàng giả” trong cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, tôi muốn nhắc lại vụ giả “Phó đề đốc thuộc Hải Quân Hoa Kỳ” của ông Nguyễn Võ Trung Quân, một người mà theo như tin tức được loan tải vào năm 2007, cư dân của Middletown, tiểu bang Delaware, chỉ là một cựu quân nhân, hạ sĩ quan E-4 cấp 3, tương đương với hạ sĩ. Ông đã phục vụ trên the USS Missouri, USS Constellation và Naval Air Station ở North Island San Diego. Ông ta ở trong Hải Quân bốn năm và giải ngũ trong danh dự, đã rời Hải Quân được 13 năm. Nhưng điều khôi hài nhất là câu chuyện lừa này lại xảy ra ở khu thương xá Eden, thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia, một địa danh được coi là một trong những trung tâm của người Việt tị nạn ở miền Ðông Hoa Kỳ đúng vào ngày cộng đồng này tổ chức ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu. Ông phó đề đốc Hải Quân Mỹ giả mạo vừa nói lại được ban tổ chức mời lên ngỏ lời trước hàng trăm ông cựu chiến binh trong Quân Lực VNCH vốn là những cựu sĩ quan trung cấp và cao cấp từng miệt mài trận mạc trên chiến trường Việt Nam huy chương tưởng thưởng cho chiến công của họ đầy mình nhưng không phải là thứ huy chương giả, huy chương “ăn giỗ” mà là huy chương từng thấm máu của họ. Những ai được xem những tấm hình chụp ông tướng hải quân giả mạo đeo kính đen đứng trên bục đọc diễn văn, hậu cảnh là một rừng cờ vàng ba sọc đỏ, quốc kỳ của VNCH chắc chắn sẽ không khỏi “lộn ruột” và chắc cũng phải có ý nghĩ sâu xa hơn về giả và thật trên cõi đời này.

            Một điều đáng ngạc nhiên khác là trong ban tổ chức ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu mời ông “Phó Ðề Ðốc” này đến ngỏ lời trong ngày Quân Lực, lại không ai rõ lai lịch đương sự. Một hải quân đại tá mà lên phó đề đốc phải được sự chuẩn thuận của Thượng Viện chứ không phải chỉ là quyết định của tổng tư lệnh quân đội, nhất là người được vinh thăng lại là một công dân Mỹ gốc Việt, tức gốc nhập cư và thiểu số thì phải được dư luận chú ý ghê lắm nhất là dư luận vùng Hoa Thịnh Ðốn. Hải quân Mỹ và Bộ Hải Quân thường có một phát ngôn viên, sao không ai chịu khó nhấc điện thoại để hỏi người phát ngôn cho Bộ Hải Quân cho ra môn ra khoai về ông “tướng” này trước khi mời ông ấy đến?

            Nhắc lại chuyện cũ, tôi muốn cho độc giả thấy rằng hàng giả trong một bối cảnh một cộng đồng luôn luôn có người nói tới chính nghĩa quốc gia, nói tới chống Cộng thế nào cũng tạo ra những phản ứng lẫn lộn. Nhưng vào giai đoạn đó, người ta lại phàn nàn về người phóng viên đã tìm ra đâu là sự thật đằng sau ông Nguyễn Võ Trung Quân và khi tờ Washington Post ngày 9 Tháng Mười 2008 đăng tải tin Nguyễn Võ Trung Quân bị truy tố trước tòa án khu vực ở thành phố Alexandria, tiểu bang Virginia, vẫn còn có người chỉ trích với những luận cứ thiếu thuyết phục, nào là “vì quyền lợi chính trị của cộng đồng, sao lại làm lớn chuyện vụ này,” nào là “dù muốn dù không Nguyễn Võ Trung Quân cũng đã phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ,” nào là “báo Mỹ nó đăng thì đăng, dịch tin ấy ra làm chi chỉ làm xấu mặt cộng đồng”.
            Tuy nhiên, có một vấn đề cần đưa ra nhất mà nhiều người lại tránh không muốn thảo luận, đó là câu hỏi: Một cộng đồng tị nạn Cộng Sản gồm phần đông những người từng là nạn nhân Cộng Sản thì ra nông nỗi nào mà khiến họ lại cả tin đến như thế. Khắp trên nước Mỹ này, có biết bao nhiều gương thành công thứ thiệt mà không tìm kiếm để mời lên phát biểu mà phải mời những ông tướng Mỹ, những ông chính trị gia Mỹ, những ông tiến sĩ, những ông hoạt động cộng đồng mà đồng hương đã nhẵn mặt lên phát biểu trong những dịp lễ trọng. Tôi muốn nói đến gương thành công của những người vươn lên từ khó khăn hay thất bại. Một thanh niên thuộc thế hệ thứ hai của người Việt tị nạn sang Mỹ muộn hơn những người khác, gia đình nghèo nên quanh năm phải mì gói, nước lạnh mà tốt nghiệp được đại học, cao học là gương thành công. Một thanh niên nhập cư Hoa Kỳ sớm, gia đình có bát ăn bát để có điều kiện để con cái học hành, tốt nghiệp bác sĩ kỹ sư là chuyện đương nhiên. Chỉ nên coi đây là kết quả của một phương trình hội đủ các yếu tố và điều kiện cần và đủ để suy ra kết luận. So sánh trước mắt thôi: Barack Obama là con của một gia đình đen và trắng, bố mẹ ly dị, mẹ phải vất vả trong công việc để nuôi con ăn học trong bối cảnh kỳ thị sắc tộc ở Hoa Kỳ còn rất mạnh, nhưng rồi cậu thanh niên gốc Phi Châu tốt nghiệp một trường đại học nổi danh là trường luật Harvard, trở thành một thượng nghị sĩ tiếng tăm và trở thành người viết trang sử đầu tiên cho người da màu trong lịch sử Hoa Kỳ. Còn ông George W. Bush thì giàu từ trong trứng, bố lại là tổng thống, đủ điều kiện phải tiến xa hơn văn bằng cử nhân hay cao học mà vẫn không tạo được hình ảnh ấn tượng nào về một người vươn lên từ khó khăn hay ít nhất từ sự độc lập với kinh tế và điều kiện thuận lợi của gia đình mình.

            Tôi tin rằng trên nước Mỹ, nếu lần mò vào các cộng đồng người Mỹ gốc Việt, người ta có thể tìm thấy những gương thành công vươn lên từ sự nghèo khó và điều kiện bất thuận lợi về gia đình. Học vị, chức vụ chưa hẳn đã là mức quyết định về gương thành công. Vì thế có thể là do cái văn hóa sĩ diện còn sót lại trong đầu của một số cư dân Mỹ gốc Việt cho nên họ cứ thường vơ vào phía mình những tướng, những tá, những học vị này, những chức vụ kia mà không hề điều tra kỹ lưỡng, trong khi tại Mỹ nếu muốn mở một cuộc điều tra chỉ cần một cú điện thoại đến các bộ, sở, cơ quan hay quân đội Mỹ là họ có thể xác nhận cho chúng ta.

            Sau cú Nguyễn Võ Trung Quân, nay lại đến vụ hình bìa của báo Time tuần đầu của Tháng Sáu với hình chụp sinh viên Nguyễn Phương Uyên là bìa mạo hóa. Trước đây vào thời kỳ tranh cử giám sát viên Orange County, việc ghép hình một trong những ứng cử viên để làm sao cho ông này phải đứng gần được Thống Ðốc Arnold Schwarzenegger nhân dịp ông đến Westminster ban hành quyết định hành chánh công nhận cờ vàng đã từng xảy ra. Nhưng đến khi ông thống đốc gốc tài tử diện ảnh này xác nhận ngoại tình với bà quản gia có con thì không thấy ai trong cộng đồng này xin chụp hình chung với ông?

            Vụ hình bìa báo Time lớn hơn vì hình ảnh ghép lại liên quan đến một người trẻ đang tranh đấu chống lại chế độ độc tài ở Việt Nam và đang ngồi tù. Do được lưu hành trong thế giới ảo qua rất nhiều email chuyển đi cho nên khó có thể truy nguyên ra nguồn gốc tác giả món hàng giả này và nay đang tạo ra một cuộc tranh cãi với phần đông là những lời lẽ thiếu lịch sự. Không biết sinh viên Nguyễn Phương Uyên đang nằm trong tù ở Việt Nam có biết hình mình bị đăng trên một bìa báo “mạo danh báo Time” không, nhưng rõ ràng cuộc tranh đấu của cô, những cái giá mà cô và gia đình cô phải trả đã bị đem ra gán ghép vào một thứ hàng mạo danh. Cứ thử tưởng tượng một ngày nào đó, đám chấp pháp ở Việt Nam gọi cô lên “làm việc” và trưng cho cô xem một hình bìa báo Time thật, một hình bìa giả trên đó có hình của cô thì tôi không hiểu Phương Uyên sẽ thất vọng như thế nào và cảm tình của cô đối với cộng đồng này ra sao?

            Tác giả của “hình bìa báo Time giả” có thể ở Việt Nam, có thể ở trong các cộng đồng người Việt hải ngoại. Có khi hàng giả này là một trò đùa thiếu ý thức, có khi là một dụng ý, hậu ý, thật khó lòng biết được. Nhưng rõ ràng bức hình đã gây thêm tác hại cho uy tín của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Ðây không thể là chuyện nhỏ được khi uy tín và danh dự cộng đồng chống Cộng bị thử thách rất nghiêm trọng, vì có kẻ đã chơi hàng giả hoặc từ bên Việt Nam hàng giả truyền thông đã được đẩy sang cộng đồng mạng của người Việt hải ngoại. Hiện nay do sự phát triển của Internet và kỹ thuật photoshop khiến người ta chỉ có thể ngăn chặn được từng vụ, chứ không thể kết thúc hẳn các cuộc tấn công khi tính sĩ diện chỉ thích vơ vào gương thành công và nhất là khi cố tật “chỉ nhìn thấy nhà người khác có rác” vẫn còn được biểu lộ mạnh trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.


            (http://www.nguoi-viet.com/absolutenm...5#.Uipu5_nwC02)
            Last edited by Ninhgia; 09-07-2013, 12:26 AM.

            Comment



            Hội Quán Phi Dũng ©
            Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




            website hit counter

            Working...
            X