Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Truyền Thống Dân Tộc Qua Biểu Tượng Tiên Rồng - Trần Danh Chương

Collapse
X

Truyền Thống Dân Tộc Qua Biểu Tượng Tiên Rồng - Trần Danh Chương

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Truyền Thống Dân Tộc Qua Biểu Tượng Tiên Rồng - Trần Danh Chương

    Truyền thống Dân Tộc
    qua biểu tượng Tiên Rồng

    1. Tiền Đề Suy Tưởng
    Theo Huyền Sử, Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh được bọc trăm trứng nở ra trăm con. Một hôm Long Quân nói với Âu Cơ: ” Ta là giòng dõi Rồng còn nàng giòng dõi Tiên ăn ở với nhau lâu không được. Nay nàng mang 50 con lên núi, còn ta đem 50 con đến Nam Hải”. Người con trưởng được Long Vương truyền ngôi, xưng Hùng Vương đặt Quốc-Hiệu là Văn-Lang, đóng đô tại Phong Châu.
    Đó là nguồn gốc gia phả của dân tộc Việt-Nam, một dân tộc anh hùng có gần 5000 năm lịch-sử truyền-thống dựng nước và giữ nước một cách kiên cường.
    Như con dân của tổ-quốc Việt-Nam, nhìn vào nguồn gốc đó chúng ta phải làm gì?

    2. Nhân Tính Căn Bản
    Nhân tính là yêu đẹp ghét xấu. Biết đẹp biết xấu là biết phân định. Đó là nguồn gốc của sự hãnh-diện tự hào. Hãnh diện là ngẩng đầu lên không thẹn với trời, cúi mặt xuống không hổ với đất và nhìn ngang không ngượng với đồng loại. Hổ thẹn, ngượng ngùng là biểu lộ của ý thức thua kém, của mặc cảm tự ti, phạm tội và đó cũng là những khởi điểm tâm lý dẫn đến suy nhược tinh thần, bi quan chủ bại.
    Trên thế giới, những dân tộc tạo ra được những Quốc-Gia hùng mạnh là những dân tộc biết hãnh diện, tự hào về giòng dõi hơn đời và khả năng tiềm ẩn hơn người của chính mình. Nhật-Bản với niềm tự hào là con cháu của Thái-Dương Thần-Nữ. Người Đức tự hào là một dân tộc siêu-nhân. Những tự hào này (không, phải nói là tự-tôn mới đúng) có một mối liên hệ mật thiết có tính cách quy luật với sự cường thịnh của quốc gia này.
    Nền tâm-lý ứng-dụng hiện-đại đã chứng minh được sự hữu-hiệu của lý-thuyết tự-hoàn-thành (self-fulfiling prophecy) nơi một cá-nhân khi cá-nhân này tự tin là mình sẽ hoàn tất tốt đẹp một công-trình hay sẽ trở nên một nhân-vật Lý Tưởng nào đó. Thiên tài chỉ là sự cố-gắng bền-bỉ. Sự cố-gắng bền-bỉ lại chỉ là mặt tích cực của lòng tự-tin. Khen ngợi và chê bai là những phương tiện hữu hiệu để nuôi dưỡng hay giết chết lòng tự tin nơi ta nơi người.

    3. Ý Nghĩa của Biểu Tượng
    Dân tộc Việt-Nam có một biểu tượng tuyệt vời: Tiên Rồng.
    Tiên biểu hiệu của Thanh-Cao và Tự-Do.
    Rồng là biểu-tượng của Uy-Quyền và Tài-Năng.
    Đó là phẩm tính có tính cách truyền-thống mà tổ-tiên đã để lại như một lý tưởng sống mà cháu con đời đời phải thực hiện. Những phẩm-tính truyền-thống này đã là những yếu-tố tạo nên tinh thần quật-cường, bất-khuất của dân tộc đủ sức chống lại mọi kẻ thù. Một ngàn năm bị Trung-Hoa đô hộ mà dân tộc Việt-Nam – chỉ riêng dân tộc Việt-Nam – không bị đồng hóa. Đó là một sự kiện đáng suy nghĩ. Mông Mãn là những chủng tộc hùng mạnh đã vào chiếm Trung-Hoa để cuồi cùng bị đồng hóa ngược bởi chính những người bị mình đô hộ đến độ mất cả đất, mất cả văn-hóa. Khả năng đồng hóa siêu đẳng của người Trung Hoa, cộng thêm uy thế của bạo lực và những thủ đoạn chính trị thâm độc được thực hiện trên đất nước Việt-Nam, cũng đã không tiêu diệt được tiềm năng đấu tranh của một giống nòi quật cường trừ việc tạo ra được một thiểu số trí-thức nông nổi, bạc nhược, mất niềm tin và lòng tự hào dân tộc .
    Tiên còn là biểu tượng của một đời sống tinh thần phóng khoáng, thanh cao ưa nhàn tản và suy tưởng. Đời người được định giới bởi những hạn mốc của không gian và thời gian. Trên cái nhìn tuyệt đối, hạn mốc của không gian và thời gian chính là những cản trở ràng buộc của tương đối cần cởi bỏ để đi vào cõi vô cùng, bầu bạn tiêu dao với Đất Trời. Người vẫn được coi là một trong Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân. Nhưng làm sao có thể sánh cùng Thiên Địa nếu không thể trở thành CHÂN NHÂN. Một con người đã sống trọn vẹn trong việc thực hiện lý tưởng sống đến độ bất tử và bất tử chỉ là một tên gọi Tuyệt Đối. Tiên được ghép bởi hai chữ Nhân và Sơn, vì Tiên vẫn thường tu luyện trên núi cao như trong câu "Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh". “Người ta sinh ra Là Người nhưng người ta còn phải Làm Người”. Tiên chính là lý tưởng sống làm người mà tổ tiên đã di chúc lại cho cháu con đời đời thực hiện. Sống một cuộc sống tự do hướng thượng. Sống với một tâm hồn đôn hậu bao dung. Vì Tiên cũng là một người có tấm lòng độ lượng nhân ái, như trong câu "Nhân giả ái sơn", kẻ nhân ái thích núi. Thành ngữ "Tiên phong đạo cốt" đã cực tả được cái phong thái ung dung điềm đạm của một nhân vật hơn đời đã dầy công hàm dưỡng, tu luyện: Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý và trung tri nhân sự.
    Rồng còn là biểu tượng của một đời sống thế tục với những qui luật và phép tắc biểu lộ ra bằng uy vũ, quyền lực. Rồng đứng đầu trong các loài thú vì vậy Vua vẫn thường dùng tượng Rồng để tỏ quyền uy trên trăm họ, và tỏ sự tôn quý cá nhân bằng cách đồng hoá với Rồng như mặt Rồng, bệ Rồng... Rồng phun mây và làm mưa, đó là tạo ơn mưa móc cho trăm họ của một xã hội nông nghiệp mà nước là một yếu tố tiên quyết để sống còn. Rồng thường dấu mình ở dưới nước như trong câu "Thủy bất tại thâm hữu long tắc linh". Bản chất của Rồng là đại trí vì kẻ trí cũng thích nước như trong câu "Trí giả hiếu thủy". Vua là người đứng đầu một nước đặt định ra chính sách đường lối đem lại hạnh phúc cho trăm họ, không hoàn tất được trách nhiệm này tất phải mang tội. Câu "Hôn quân vô đạo" là một lời kết án nặng nề nhất, vì trí óc u tối thì làm sao nhìn ra đường lối làm cho dân giầu nước mạnh, làm sao có thể hoàn tất vai trò lãnh đạo, dẫn đường. Kẻ đại trí tất phải cơ mưu quyền biến, đầy đủ văn mô và vũ lược để kẻ đối đầu không sao lượng nổi, vì vậy Rồng thiêng không bao giờ lộ nguyên hình, lúc nào cũng mờ mờ ảo ảo trong mây khói, chợt hiện chợt biến.

    4. Lý Tưởng Sống Hòa Hài và Cao Đẹp
    Nếu chỉ dùng biểu tượng Tiên với đức tính nhân ái thôi thì làm sao mà giữ được nước không bị nô dịch. Lấy ân báo oán hay tha thứ cho kẻ giết ta, giết cha mẹ vợ con ta là những việc làm chỉ có Chúa, có Phật mới có đủ tài sức để đảm đương. Từ Bi và Bác Ái là những lý tưởng tuyệt vời nhưng lạc lõng trong thế giới ngày nay. Nếu chỉ dùng biểu tượng Rồng với tài trí hơn người thì tránh sao được sự tàn ác, bất nhân, khi cần hạ thủ sẽ chẳng lưu tình để gây nên cảnh máu sông xương núi. Nhìn được vậy mới thấy sự kết hợp Tiên Rồng làm nên biểu tượng kép của tổ tiên chúng ta quả là cân xứng và điều hòa, không thái quá không bất cập. Đó là sự kết hợp giữa lòng nhân ái và tài trí, giữa tình và lý, giữa đạo đức và võ lực, giữa vật chất và tinh thần. Kết quả của sự phối hợp tình lý này là thái độ chiết-trung "Dĩ thực báo oán" lấy lòng ngay thẳng để báo oán, chứ không coi cá mè một lứa. Không phân biệt coi oán như ân, coi thù như bạn. Biểu tượng Tiên Rồng này chính là bản tóm lược triết lý hành động của dân tộc ta trong chính sách đối ngoại qua suốt các triều đại tự chủ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê...đối với Trung Hoa. Những người không am tường về dân tộc Việt Nam có thể sẽ thấy khó hiểu khi thấy kẻ chiến thắng lại đi cầu phong ở kẻ chiến bại, với những đồ triều cống như vàng bạc châu báu. Họ đâu có biết rằng Hòa Bình cũng quí như Tự Do đối với Việt Nam. Và khiêm tốn là sự khôn ngoan truyền thống nằm sâu trong ý nghĩa Tiên ẩn thân tại non cao và Rồng dấu mình tại vực sâu chờ thời "để kiến cơ nhi tác" làm đúng lúc và đúng cách bảo đảm sự vạn thắng. Núi là nơi của Tiên ở – Âu cơ mang 50 con lên núi – và sông biển là nơi của Rồng nằm – Long Quân đem 49 con xuống bể – vì vậy núi sông là quê cha là đất mẹ. Chữ Tổ Quốc có lẽ hơn đâu hết với Việt Nam mang một ý dạt dào tình cảm. Đó là đất của Tổ mà tổ tiên của ta là Tiên là Rồng. Nói đến đất nước là nói đến núi sông, là nghĩ đến Tiên Rồng. Sự liên hệ chặt chẽ này có thể nào là tình cờ chăng hay đúng là một sự cố nâng niu gìn giữ. Sự thống nhất và toàn vẹn của tổ quốc là một trong những nguyên tắc không thể vi phạm vì bất cứ một lý do gì.
    Trăm trứng trong một bọc nở trăm con thì tình là anh em mà nghĩa là đồng bào. Vậy sự đoàn kết đồng tâm nhất trí cũng là một nguyên tắc không thể vi phạm vì bất cứ một lý do gì. Anh em như tay chân làm sao có thể đang tâm chặt bỏ? "Máu chẩy tất ruột mềm", "Một giọt máu đào còn hơn ao nước lã". Không theo lời di huấn của tổ Tiên thì chẳng phải chỉ là bất hiếu mà còn là bất trí vì đó là mầm mống của sự tự hoại, diệt vong của cả một giòng giống, một dân tộc.
    Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chữ Hiếu, chữ Trung chỉ là một. Đó là Đại Vương Trần Hưng Đạo đã không theo loạn-mệnh của phụ thân trước khi chết trối lại phải trả thù nên đã hết lòng phò vua giúp nước. Nguyễn Trãi cũng đã lấy Trung thay Hiếu không đi Kim Lăng phụng dưỡng cha già mà chọn ở lại phục quốc báo hiếu. Những bậc đại nhân như Tiên, các bậc đại trí như Rồng tất không vướng mắc vào những tiểu tiết giáo điều như bọn hủ nho cố chấp đọc sách và nệ vào sách coi tình nhà hơn nợ nước.
    Ý niệm Tự Do Bình Quyền và Bình Sản là một lý tưởng mà loài người đang cố vươn tới cũng đã được gói ghém sâu kín trong biểu tượng Tiên Rồng. Con cái là tài sản tinh thần chung của vợ chồng. 50 con đã theo mẹ lên núi, 49 con đã theo cha xuống biển. Nhìn trên phương diện vật chất đó là bình sản, nhìn trên phương diện tinh thần đó là bình quyền giữa những người đồng đẳng. Với một xã hội thuần lý khoa-học, sự hiện thực lý tưởng Tự Do Bình Quyền và Bình Sản đã gập những khó khăn, những mâu thuẫn đến độ bế tắc. Lý tưởng Tự Do không thể đi đôi với lý tuởng Bình Quyền và Bình Sản.
    Nên kỳ thị vẫn đầy dẫy. Tự do trở thành tự do phá hoại bóc lột và hỗn loạn, Tự do được dùng như là một mặt nạ che dấu sự ích kỷ tham lam và độc ác. Bình Sản và Bình Quyền cũng đã được xử dụng như là một chiêu bài để biện minh cho tội ác cướp bóc. Thế giới đang tố cáo sự vong thân của con người khi theo đuổi những chủ thuyết hủy diệt nhân tính. Diều này lại càng làm cho chúng ta hãnh diện vì sự sáng suốt hơn đời của Tổ Tiên. Vấn đề chỉ có thể giải quyết bằng sự dung hòa tình lý, tâm vật. Tình cảm luôn luôn là yếu tố hệ trọng hàng đầu. "Thương nhau chín bỏ làm mười" và chỉ có bình đẳng khi đã có đồng đẳng và cũng chỉ có tình yêu mới làm cho con người cởi mở, rộng rãi đón nhận nhau, không kỳ thị, không phân biệt hẹp hòi như Long Quân là Rồng phối hợp với Âu Cơ là Tiên trong mối liên hệ vợ chồng thân thiết.

    5. Ấn Tích Tác Quyền Văn Hóa
    Xưa và nay vẫn còn có người mang ý nghĩ Nho Giáo là của Trung Hoa và Việt Nam là học nhờ viết mướn. Hậu quả là hai thái độ vọng ngoại vì phục vì sợ người và bài ngoại rồi đã phá Nho Giáo một cách thiếu suy nghĩ. Xin hãy nhìn vào biểu tượng tổ. Căn bản siêu hình của Nho Giáo là dịch lý của Âm Dương tương thôi, hai yếu tố Âm Dương ảnh huởng lẫn nhau thì đã được kiểu thức hoá bằng Âu Cơ Tiên Nữ và Lạc Long Thần Quân. Dịch Lý là sự biến đổi không ngừng, miên man khi hợp khi tan của Tiên Rồng. Có sự kết hợp nào keo sơn hơn kết hợp ái ân gái trai, và có sự nào chia ly bi thảm hơn sự chia ly tình nghĩa vợ chồng cha con? Tình thì nên theo những lý chẳng có thể cưỡng. Biết được Lý là do Trí nên Long Quân là người quyết định chia tay đúng thời đúng lúc.
    Nho giáo đề cao tam cương, ba liên hệ căn bản của xã hội, vợ chồng, cha con, vua tôi, thì huyền sử Tiên Rồng cũng đã tóm lược rõ ràng, mở đầu bằng liên hệ vợ chồng: Tiên Rồng, đó là ý của câu "Phu thê, thiên địa chi đại đạo". Vợ chồng là đạo lớn trong trời đất. Rồi thì tình cha con, rồi thì tình nghĩa vua tôi mà Hùng Vương là biểu tượng.
    Nho giáo còn đề cao giá trị của đạo đức để phát huy và thăng hoa nhân tính như Đức Nhân-Ái Đức Trí-Dũng thì biểu tượng Tiên Rồng đã bao hàm đủ. Nói đến lễ nghĩa thì cũng không qua biểu tượng Tiên Rồng. Nếu lể nghĩa là những tiêu chuẩn để giúp ta tu dưỡng thì sự tu dưỡng đạt đến mức thần Tiên là tuyệt đối. Nếu lễ nghĩa là những hình thức để phân định trật tự trong mối liên hệ xã hội thì có uy lực, có quyền thế nắm rường mối quốc gia như Long Quân là hết mức. Đức khiêm tốn được đề cao như là dấu chỉ của sự thấm nhuần lễ nghĩa của người quân tử, "Quân Tử thiện tàng" người quân tử giỏi nép mình – thì sự ẩn thân của Tiên, sự dấu mình của Rồng đáng để ta suy nghĩ.
    Vậy thì biểu tượng Tiên Rồng đã gói ghém một cách sâu kín tất cả những nét cốt tủy đặc trưng của Nho Giáo nguyên thủy, được biểu hiệu như kết tinh của một nền văn hóa của đại dân tộc Bách Việt. Đó là bản di chúc của tổ Tiên để lại cho con cháu gồm những điều căn bản phải làm theo nếu muốn hùng cường thịnh vượng hãnh diện với người. Bản di chúc đó áp dụng vào việc trị nước an dân cũng tuyệt vời mà áp dụng vào việc tu dưỡng của cá nhân cũng toàn hảo. Hiểu thấu đáo biểu tượng tổ Tiên Rồng thì tất có thể nói là hiểu được truyền thống sống hòa hài của dân tộc, của một nòi tình được hướng dẫn bởi minh triết, bởi kinh nghiệm tích lũy của tổ tiên. Một nòi tình tất phải trọng tình cảm và nhân tình, không để lý lấn áp tình rồi trở thành lạnh lùng, bất nhân, độc ác. Điều này cũng có ghi trong huyền sử như một lời di huấn cho cháu con theo kiểu "ý ngoại ngôn tại" ý nằm ngoài lời. Đó là lý do tại sao Long Quân tượng trưng cho lý trí, pháp luật chỉ mang 49 con xuống biển để lại người con trưởng làm vua. Theo mẹ Tiên là theo tình tới 50 con, còn theo cha Rồng là theo lý chỉ có 49 con. Ý của Long Quân muốn dạy cháu con là không nên tận lý, hạ thủ phải lưu tình không nên cạn tàu ráo máng dù khả năng và uy thế có thừa. “Lưu tình” là vậy đó. Hùng Vương chính là điểm thăng bằng, "Chí trung hoà" của cán cân tình lý, thực hiện lý tưởng nội thánh ngoại vương. Người con trưởng xưng là Hùng Vương. Hùng đi với sức mạnh của vũ lực và luật pháp vì là theo cha là theo Lý. Tên nước đặt là Văn Lang, Văn đi với tình cảm nhu thuận. Kết hợp được tình lý, uy vũ và đức độ tất phải là bậc chân nhân, quân tử. Đức của người quân tử khi đã cùng cực rồi tất cảm hoá được người chung quanh thì nói gì dân chẳng nghe, khiến gì dân chẳng làm như gió thổi chiều nào cỏ rạt chiều đó. "Quân tử đức phong" – đức người quân tử ví như gió – và cũng vì vậy Hùng Vương mới đóng đô ở Phong Châu, vùng đất của gió vậy.

    Ý nghĩa trọng tình cảm và nhân tính còn biểu lộ qua cách ghi lại bằng con số trong ngày tưởng nhớ tổ Tiên: Ngày 10 tháng 3 âm lịch. Việc định ngày này không phải là ngẫu nhiên, bâng quơ, không lý do và thiếu căn bản. Tháng ba tức là tháng Thìn, thìn tức Rồng trong mười hai con giáp, tháng ba là tháng bắt đầu có mưa nhiều ở vùng Á châu và đó là tháng nhà nông bắt đầu cầy bừa làm lúa vì Rồng là linh vật được tin là phun mây làm mưa ban ơn "mưa móc" cho trăm họ. Còn số mười được tượng trưng cho Tiên. Nếu viết theo chữ nho thì chữ THẬP, số 10 sẽ như một dấu cộng (+). Bản chất của Tiên là tự do phóng khoáng, không còn bị trói buộc bởi hạn giới của không gian và thời gian nên Tiên là bất tử, là tuyệt đối tức là không còn cái tâm phân biệt sống chết, xa gần. Đó là điểm triệt tiêu nằm giữa giao điểm của tung độ thời gian và hoành độ thời gian. Giao điểm này có thể là đại ngã như Phật Giáo, "Hài tử chi tâm" của Lảo Giáo, hay "Chỉ ư chí thiện" của nho giáo. Vậy kẻ có lòng nhân là rộng yêu, là bác ái không phân biệt, kỳ thị là thích núi vì núi tĩnh – Nhân giả ái sơn – kẻ nhân yêu núi và thể tĩnh là thể của trường tồn, bất tử tuyệt đối không còn đổi thay vậy.
    Đặt Tiên trước Rồng, đặt mẹ trước cha, đặt ngày trước tháng cũng là cách nói lên sự quan trọng, sự ưu thắng của tình trên lý, dù rằng trên thực tế, thì bên cha cũng lễ mà bên mẹ cũng bái, nghĩa là quí cả hai và chẳng thể bỏ ai được. Vì chỉ mất một thôi, cha lý hay mẹ tình thì chúng ta cũng sẽ đương nhiên trở thành "cô nhi" đứa con côi cút, sống vất vưởng lang thang trên đường đời.

    6 Kết Luận
    Tóm lại chỉ cần suy nghĩ về biểu-tượng tổ "Tiên Rồng" không thôi chúng ta có đủ lý chứng để tin tưởng là tổ tiên chúng ta hơn đời. Để có thể hãnh diên bằng người và sẽ hơn người, ngoài một niềm tự tin, và tự trọng tất yếu, chúng ta còn phải cố gắng thể hiện những tài năng tiềm ẩn của dân tộc cho cả loài người thấy để khâm phục. Làm được điều đó hay không là ở chúng ta những người còn dám nhận là Việt Nam.
    Nhà có phúc là con phải hơn cha để làm rạng rỡ tông môn giòng họ, còn ít ra thì cũng cố gắng để "giấy rách giữ lấy lề". Muốn hơn được cha mẹ tổ tiên để làm vẻ vang cho dân tộc, vinh quang cho tổ quốc thì phải hiểu cái hay cái đẹp của tổ tiên để nối tiếp gìn giữ, phải thấy được cái nhầm cái yếu của cha ông để tránh, để sửa, nghĩa là phải nhìn ra được cái tính chất làm nên truyền thống của dân tộc trong suốt dọc dài lịch sử. “Vô thi bất mộ" vì không biết nên không yêu mến kính trọng. Người đời thường mù quáng coi rẻ khinh mẹ cha, tổ tiên như những "đồ hủ lậu dốt nát quê mùa". Ngành tâm lý học có nói đến thái độ nổi loạn vô ơn bạc bẽo (l'age ingrat) ờ cái tuổi dậy thì, tuổi khủng hoảng tâm sinh lý gây ra do những biến chuyển của cơ thể nơi người thiếu niên đang bước vào tuổi thành nhân. Đó là một cuộc khủng hoảng cơ cấu để trưởng thành.
    Chúng ta như những con dân của Việt Nam đang lầm than đói khổ cũng đã trải qua cái tuổi nổi loạn, phá hoại, vô ơn bạc bẽo đối với tổ tiên, đối với cha ông khi nông nỗi chỉ thấy cái kém của mình mà không thấy được cái tuyệt vời của giòng giống. Khi nông nỗi chỉ nhìn thấy cái hào nhoáng của người để rồi đem lòng bồng bột ra kính phục một cách mù quáng đến độ vọng ngoại. Giòng lịch sử đã đưa vận nước nổi trôi qua những bến những bờ của ê chề tủi nhục. Dân tộc Việt Nam đã bị lừa gạt và khinh khi. Đã đến lúc chúng ta phải phản tỉnh như người du lịch đi khắp thiên hạ đã trở về quê cũ sau khi cảm nhận thấy: "chẳng đâu đẹp bằng cố hương yêu dấu" như một bài tập đọc trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp đồng ấu của thập niên 30-40
    Xin hãy bình tâm suy nghĩ
    Làm người Việt Nam không phải dễ!

    TRẦN DANH CHƯƠNG


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X