Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mạc Ngôn, giải Nobel văn chương 2012

Collapse
X

Mạc Ngôn, giải Nobel văn chương 2012

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mạc Ngôn, giải Nobel văn chương 2012


    Mạc Ngôn, giải Nobel văn chương 2012

    Nguyễn Mạnh Trinh



    Tác giả Trung Hoa Mo Yan (phiên âm Mạc Ngôn), người đã phải rời khỏi trường lớp để đi lao động từ tuổi 12, đã bắt đầu là một công dân Trung Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel về văn học và được Hàn lâm viện Thụy Điển vinh danh là các tác phẩm của ông được sáng tác theo một phong cách độc đáo, kết hợp chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với các câu chuyện dân gian, lịch sử và văn học đương đại. (Nhà văn Cao Hành Kiện cũng là người Trung Quốc nhưng lưu vong và mang quốc tịch Pháp đoạt giải Nobel văn chương).

    Hội đồng giám khảo nhận xét: ”Từ công việc pha lẫn giữa ảo tưởng và hiện thực, lịch sử và tương lai, tác giả Mạc Ngôn đã tạo ra riêng một thế giới mà người đọc liên tưởng và gợi nhớ đến sự phức tạp của cuộc sống đã được thể hiện sống động trong các tác phẩm của tiểu thuyết gia Hoa Kỳ Williams Faulkner (đoạt giải Nobel văn chương năm 1949) và nhà văn xứ Colombia Grabriel Garcia Marquez (giải Nobel văn chương năm1982)”.


    Nhận định về nhà văn nhận giải Nobel văn chương năm nay, ông Peter Englund thư ký thường trực ban giám khảo phát biểu: ”Sự nghiệp văn chương của Mạc Ngôn có được là do gốc gác nông dân. Ông viết về nông dân, về cuộc sống ở nông thôn, về những người đấu tranh để tồn tại, đấu tranh cho phẩm giá của họ, đôi khi chiến thắng nhưng đánh mất gần hết thời gian của cuộc đời.

    Nền tảng cho các tác phẩm đã được đặt ra khi Mạc Ngôn còn nhỏ, được nghe kể các chuyện dân gian mô tả chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Nhưng nếu chỉ suy nghĩ đơn giản như vậy thì hơi coi thường ông. Đây không phải là thứ ông học từ Gabriel Garcia Marquez, mà là một thứ gì đó của riêng ông. Rất biết cách đem đặt những yếu tố siêu nhiên vào những thứ thông thường ông là một người bẩm sinh đã có nghệ thuật kể chuyện độc đáo…”

    Phản ứng của báo chí quốc tế không đồng nhất. Tờ Global Times trích lời phát biểu của nhà văn Nhật Bản Kenzaburo Oe, người đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1994, nghĩ rằng Mạc Ngôn là một ứng cử viên sáng giá trong danh sách dự tuyển có khả năng nhất để tranh giải Nobel trong thời điểm hiện nay.

    Còn New York Times nhận định rằng Mạc Ngôn là một trong ba nhà văn đương đại được giới phê bình văn học quốc tế chú ý và góp phần làm giảm ưu thế đang nghiêng hẳn về các nhà văn Âu Châu trong thời điểm gần đây.

    Nhưng trên báo Guardian thì lại cho rằng chọn lựa của Hàn Lâm Viện Thụy Điển là một chọn lựa mang đậm chất chính trị. Có thể là một đền bù những va chạm chính trị với nhà cầm quyền Trung Quốc sau khi trao giải Nobel Hòa Bình cho nhà tranh đấu cho nhân quyền Lưu Hiểu Ba.

    Báo Pháp L’Humanité mệnh danh ông là “một Rabelais Trung Quốc”. Tờ Liberation thì cho rằng sự kiện Mạc Ngôn đoạt giải Nobel văn chương là ”một giải Nobel đáng ghi nhớ”. Tất cả đều nhắc đến sự kiện gây tranh cãi khi Cao Hành Kiện đoạt giải năm 2000 và gây sự khó chịu cho chế độ Trung Quốc.

    Báo La Croix cũng đề cập đến những ngày tuổi thơ cơ cực của Mạc Ngôn gắn liền với mảnh đất mà ông sinh trưởng là huyện Cao Mật tỉnh Sơn Đông. Ở địa danh này ông trải qua một cuộc Cách Mạng Văn Hóa, bị đói khổ và bị đuổi khỏi trường lớp vì lý lịch gia đình. Năm vừa 20 tuổi, lúc Mao Trạch Đông vừa chết, ông gia nhập Hồng Quân Trung Hoa, học văn chương và bắt đầu sáng tác. Đến thập niên 80, ông mới bắt đầu nổi tiếng và có vị trí đáng kể trên văn đàn Trung Quốc. Theo như nhận định của dịch giả Sylvie Gentil đã dịch nhiều tác phẩm của ông thì điểm mạnh nhất của Mạc Ngôn là ” thấm nhuần và làm chủ được văn học ngoại quốc như của Nga và Nhật để từ đó tạo ra một ngôn ngữ riêng biệt”. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo La Croix năm 2009, Mạc Ngôn đã thổ lộ: ”Tôi nghiện viết như người ta nghiện ruơụ, càng viết lại càng say sưa”. Chính vì thế nên báo La Ceoix cho rằng ”Thế giới hư cấu của Mạc Ngôn thắm đẫm lịch sử xã hội và nhân văn Trung Quốc”.

    Từ một thập niên, sau khi nhà văn lưu vong Trung Quốc sống ở Pháp Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel văn chương năm 2000, tới nay, nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc lại đoạt giải văn học này. Nhưng lần này khác lần trước, Mạc Ngôn được sự tôn vinh của dư luận Trung Quốc khác với sự lãnh đạm ở trường hợp Cao Hành Kiện. Khi Mạc Ngôn được liệt kê vào danh sách sau cùng những nhà văn có thể đoạt giải thì ngay trong dư luận TrungQuốc cũng có nhiều phản ứng.

    Nhiều người khen tặng ngưỡng mộ cho là xứng đáng như nhà thơ nữ Triệu Lệ Hoa trong trang web China Daily: ”Các tác phẩm văn học của Mạc Ngôn đầy sức sống, mầu sắc và nói lên cảm xúc bị bỏ rơi. Truyện có chiều sâu, trí tưởng tượng và sức phản ánh sắc bén lịch sử và hiện thực của Trung Quốc”.

    Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng Mạc Ngôn là một nhà văn có khuynh hướng đi gần với chế độ hiện tại và là Phó Chủ tịch của Hội Nhà Văn Trung Quốc, là một quan chức đảng viên nên khó có thể thành người đoạt giải. Lúc Mạc Ngôn đoạt giải thưởng văn chương Mao Thuẫn của Trung Quốc thì một nhà văn khác, Dã Phu, nhận định: ”Giải Nobel văn chương không thể nào lọt vào tay một nhà văn hát những bài tụng ca ngợi khen chế độ độc đoán.”

    Một nhà văn trẻ khác thuộc thế hệ 8X, Trương Nhất Nhất thì: ”Tôi cho rằng Mạc Ngôn đoạt giải Nobel chỉ là một hình thức tu từ. Nếu Mạc Ngôn giành Nobel văn học năm nay tôi sẽ cởi quần áo chạy quanh Tương Giang hoặc Trường Thành”.

    Nhà văn Mạc Ngôn khi nhận được tin mình đoạt giải đã rất ngạc nhiên và vui mừng vì theo ông có biết bao nhà văn xuất sắc trên thế giới đang xếp hàng cho giải này và không nghĩ rằng một nhà văn tương đối mới và trẻ như ông lại đoạt giải. Tiếp xúc với văn hóa dân gian từ lúc còn bé dại, khi cầm bút viết văn, một điều tự nhiên không thể nào tránh được là đã mang những chi tiết của yếu tố dân gian vào tiểu thuyết của mình và chính điều ấy đã quyết định phong cách nghệ thuật cho các tác phẩm của ông. Mạc Ngôn nói: ”tôi nghĩ mình đoạt giải Nobel với nguyên nhân quan yếu nhất là nhờ vào các nhân vật trong tác phẩm. Tất nhiên tôi bày tỏ quan niệm riêng của mình về xã hội, cuộc sống và các vấn đề khác qua các tác phẩm đó.

    Điều quan trọng hơn cả là các tác phẩm của tôi miêu tả con người khi đối mặt với cuộc sống. Viết từ góc nhìn của con người chính là lý do quan trọng nhất khiến tôi đoạt giải này”.

    Sự kiện nhà văn Mạc Ngôn đoạt giải thưởng Nobel năm nay cũng gây ra nhiều dư luận. Lãnh đạo ngành tuyên truyền của chế độ Cộng Sản Bắc Kinh là ông Lý Trường Xuân đã chúc mừng và cho đó là ”phản ánh sự thăng hoa của văn học Trung Quốc”. Nhưng một số các nhà trí thức Trung Quốc phê bình Mạc Ngôn vì đã tham gia đợt chép lại một diễn văn năm 1942 của Mao Trạch Đông mục đích tuyên truyền cho chế độ. Nhà nghệ sĩ bất đồng chính kiến Ngãi Vị Vị thì lên tiếng gọi ông Mạc Ngôn là “người luôn đứng về phía quyền lực” và gọi quyết định về giải Nobel là “đáng hổ thẹn” bởi vì ông Mạc Ngôn họp tác với chế độ Trung Quốc mà ông Ngải Vị Vị cho rằng đang ”liên tục đầu độc người dân của mình”.

    Mạc Ngôn trong những lời tự bạch của ông có viết : ”Khi tôi viết tiểu thuyết đầu tiên là xuất phát từ số phận và tính cách con người…Là nhà văn, không được phép viết văn để “dạy” người khác. Nhà văn là gì mà đòi đứng trên người khác? Anh phải đứng thấp hơn người công dân để nói những vấn đề mà anh quan tâm. Người ta đồng tình với anh thì tác phẩm anh còn, người ta không đồng tình thì họ bỏ qua tác phẩm cũng là điều tự nhiên...”

    Trong khi có nhiều người phê bình bênh vực ông thì cho rằng tiểu thuyết của Mạc Ngôn luôn luôn đứng về phía những người cùng khổ và nói lên tiếng nói của những người này. Lịch sử và xã hội Trung Hoa từ nhiều năm nay dẫy đầy những bất công những bức bách và có những điều mà nhà văn sống trong chế độ Cộng sản phải tế nhị né tránh khi cầm bút. Mạc Ngôn tuy có đụng chạm vào một vài vấn đề gai góc nhưng hiểu được chỗ đứng của mình một cách phải đạo nên văn chương của ông không tạo ra phiền nhiễu gì cho ông mà trái lại còn tạo ra một vị thế đáng kể trong văn học.

    Chính Mạc Ngôn cũng tự hiểu những giới hạn của mình khi cầm bút. Ông phát biểu rằng khó có thể viết một cách tự do về lịch sử Trung Quốc: ”Khi viết về lịch sử, chẳng hạn như cuộc chiến Quốc Cộng thì bạn thử nghĩ có bao nhiêu tự do cho nhà văn ở Trung Quốc? Chẳng có bao nhiêu. Hay có tự do để viết về chiến tranh kháng Nhật? Thật sự là không!”

    Có lần Mạc Ngôn phát biểu: ”Nhà văn cần phê phán và khơi gợi sự căm phẫn đối với những mặt trái đen tối của xã hội cũng như sự xấu xa của bản chất con người. Một số người muốn hét vang trên đường phố nhưng chúng ta cần phải thông cảm với những người giấu mình trong phòng và xử dụng văn chương để bày tỏ thái độ của họ”.

    Có dư luận cho rằng Mạc Ngôn được trao giải vì các tác phẩm đôi khi có cách nhìn chế giễu cay độc vào những cái mà ông gọi là ”sự ngu xuẩn của xã hội” trong các câu chuyện đượm màu sắc chính trị. Nhưng, nhiều người đã đồng ý ở một điểm là ông bắt mạch được những điều mà ông có thể nói và được viết, một hạn chế để không đụng chạm đến những vấn đề mà chế độ cho rằng nhạy cảm và ngăn cấm. Chính cái chiến thuật xử dụng ẩn dụ, sáng tạo ra những thế giới lẫn lộn hiện thực và huyền ảo đã được ông thể hiện trong văn chương như một cách tránh né chính trị.

    Thí dụ như tiểu thuyết ”Ếch” của ông đã nhắm phê phán về chính sách mỗi gia đình chỉ có một con của Trung Quốc. Ông nhằm vào đối tượng là các quan chức địa phương đã thi hành và khai triển chính sách này một cách nhẫn tâm như buộc người ta phải phá thai hay triệt sản. Cuốn sách xoay quanh cuộc đời và công việc của một nhân vật chính là bác sĩ sản phụ khoa chuyên đỡ đẻ ở khắp các vùng nông thôn huyện Cao Mật vì chính sách này mà phải chuyển sang nghề nạo, phá thai cho phụ nữ và cắt ống dẫn tinh cho nam giới. Đề tài này có vẻ đặc biệt nhưng lại là một thời sự gần gũi của xã hội Trung Quốc phản ánh được bức tranh hiện thực xã hội sâu sắc của chính sách kế hoạch hóa gia đình đã kéo dài từ hơn ba chục năm nay.

    Đề tài này xem ra có chủ đề khá…hiền lành so với những chủ trương đòi đa nguyên đa đảng hay đòi dân chủ hóa của các nhà văn nhà thơ đấu tranh khác. Dù rằng, theo Mạc Ngôn đó cũng là đề cập đến chính trị. Ông đã nói: ”Bởi nhà văn sống trong một xã hội, cuộc sống mà ông ấy mô tả phải bao gồm chính trị và nhiều vấn đề xã hội… Vì thế một nhà văn quan tâm tới xã hội, một nhà văn quan tâm tới sự thống khổ của người dân sẽ phê phán một cách tự nhiên. Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa phê bình là một chức năng quan trọng của hoạt động văn chương. Hiển nhiên là sự thật, cái tốt và vẻ đẹp cũng phải được ca tụng.”

    Thế nhưng, trước đây vào năm 2004 và 2009, trong hai lần trả lời báo L’Humanité, Mạc Ngôn đã khẳng định ông viết văn không phải để phê phán chế độ hay xã hội và đó không phải là mục đích mà ông nhắm tới bởi lẽ cá nhân ông không đại diện một ai hết. Lần sau, ông nhắc lại ”Trong tác phẩm, tôi nghiêm khắc với guồng máy hành chính quan liêu nhưng tôi chỉ phê bình với tư cách của một người viết văn. Những phê bình đó chỉ phản ánh qua những gì tôi viết hay kể lại trong sách. Tôi không phải là một nhà văn muốn can thiệp trực tiếp vào các hoạt động chính trị. Làm như thế không có ích…”

    Đọc để nhận xét về lối viết đa diện nhiều sắc thái, có lúc ông đã vạch trần thái độ vô nhân, tính hèn nhát của những cán bộ cộng sản Trung Quốc hay những thủ đoạn và sự kiện tàn bạo của guồng máy cai trị độc đảng nhưng ở bên cạnh những sự kiện ấy thì mỗi nhân vật của ông đều rất hiền lành, giàu lòng nhân ái và rộng lượng với cái ác. Có người đã nhận xét đó là một cách vừa đấm vừa xoa của những người khuất phục trước sức mạnh của chế độ hiện hữu. Thái độ thân với chính quyền ấy có khi lại được báo La Croix bênh vưc: ”ở cương vị một nhà văn, ông đã thành công ít nhất trên một điểm, đó là không đem văn học để phục vụ Đảng và Nhà nước. Mạc Ngôn là một nhân chứng của thời đại, và những tác phẩm của ông nói lên những thay đổi đột ngột mà xã hội Trung Quốc đã và đang trải qua…”

    Có người phát biểu đọc Mạc Ngôn để liên tưởng tới Lỗ Tấn. Cả hai người, một ở đầu thế kỷ một ở cuối thế kỷ dường như có chung nhiều ý nghĩ về dân tộc và đất nước Trung Hoa của mình. Và văn chương đương đại trung Quốc đã có hai cột mốc để đánh dấu những thời kỳ văn học của suốt một thế kỷ sóng gió của lịch sử Trung Hoa.

    Mạc Ngôn vẫn kiên quyết cho rằng ông không bao giờ để nỗi sợ bị kiểm duyệt làm ảnh hưởng đến sự chọn đề tài và phong cách viết. ”Quốc gia nào cũng có những hạn chế nhất định đối với nhà văn. Ở một góc độ nào đó, nó có thể là yếu tố tích cực giúp nhà văn tập trung vào phương diện nghệ thuật của văn học… Một trong những hạn chế của văn học hiện nay là thiếu sự tinh tế. Nhà văn nên giấu kín thông điệp của mình để truyền tải nó vào các nhân vật trong tác phẩm. Dù vì lý do gì tôi cam đoan rằng tiểu thuyết của tôi cũng sẽ bám rễ vào mảnh đất Cao Mật quê hương. Cuốn tiểu thuyết sắp tới của tôi sẽ tập trung vào câu chuyện những năm 1930 của thành phố này khi mà cả đất nước Trung Hoa đang bị chiến tranh xé nát…”

    Mạc Ngôn đã biến Cao Mật với không gian địa lý thành không gian văn học riêng của văn chương mình. Nơi chốn ấy, có lúc hiện hữu có lúc trong ảo tưởng, là nơi mà một thế giới khác có nét giống với đời sống của xã hội Trung Hoa nhưng có lúc không phải là đời sống hàng ngày đã diễn ra. Cao Mật của Mạc Ngôn cũng giống như một địa danh ở Nam Mỹ Macondo trong tiểu thuyết của Grabriel Garcia Marquez hay địa danh Yoknapatawpha County của tiểu thuyết Williams Faulkner. Những không gian văn học này đã thành những nét đặc thù của văn chương tuyệt tác của các nhà văn này. Thực mà phi thực, những thế giới ảo mà không ảo đã tạo thành một không gian văn học có khí hậu riêng biệt của nghệ thuật cầm bút.

    Thế giới biết đến Mạc Ngôn qua tiểu thuyết Cao Lương Đỏ được đạo diễn Trương Nghệ Mưu quay thành phim ảnh và đoạt giải thưởng tại đại hội điện ảnh Cannes năm 1994. Tiểu thuyết này là hồi ức của một người xưng tôi kể về cuộc đời oai hùng và cuộc tình kỳ lạ của ông bà nội mình: Từ Chiếm Ngao và Đái Phượng Liên trong bối cảnh của Cao Mật tỉnh Sơn Đông vào những năm 1920-1930. Những nhân vật này là những lãnh tụ của du kích quân đầy khí phách, sống ngang tàng và mạnh mẽ như những ngọn cao lương trên bầu trời quê hương Cao Mật. Hình tượng này đã thành một nét đặc biệt của Mạc Ngôn. Những nhân vật này đã nhận cao lương là cuộc sống, là khí trời để thở, là tình yêu của trái tim, là tất cả đời sống họ. Và cũng chính nơi đây họ thành thổ phỉ, thành du kích quân cứu nước và là không gian để cho tình yêu cũng như sự chết. Đây là tác phẩm được gọi là dòng văn học ”phản tư” của Trung Quốc. Cùng với Châu Chấu Đỏ và Củ Cải Đỏ, Cao Lương Đỏ tạo thành bộ ba tiểu thuyết Mạc Ngôn Tam Hồng tạo nên một hiện tượng văn học Trung Quốc.

    Tiểu Thuyết Phong Nhũ Phì Đồn (Vú to mông nẩy) của Mạc Ngôn được giải thưởng văn chương cao nhất của Trung Quốc khái quát cả một giai đoạn lịch sử hiện đại đầy bi tráng của đất nước Trung Hoa trong suốt thế kỷ 20 qua số phận các thế hệ của một gia đình. Nhân vật người mẹ Lỗ Toàn Nhi từ năm 16 tuổi lấy chồng là Thượng Quan Thọ Hỉ. Mẹ chồng thì muốn có con trai để nối dõi tông đường nhưng người chồng thì bất lực nên bà mẹ Lỗ Thị lấy giống đàn ông sinh ra một đàn 8 đứa con gái, một đứa con trai với đủ cả những loại người trong xã hội. Vú to mông nẩy là biểu tượng của người đàn bà mắn con, hình ảnh của Lỗ Thị trong một xã hội nhiễu nhương hủ tục và coi rẻ nữ giới. Những đứa con lớn lên, sinh ra trong một thời thế hỗn loạn nên từ những hoàn cảnh riêng chọn lựa cách sống và chính kiến riêng có khi yêu thương nhau nhưng cũng có khi thù ghét nhau nhưng đều có điểm tựa chung là người mẹ Lỗ Thị, một bà mẹ Trung Hoa được ca ngợi như một biểu tượng những bầu vú nuôi con khi nhân vật người con trai Kim Đồng nằm bên cạnh mộ của mẹ và suy ngẫm ”Báu vật trên trời là mặt trời, mặt trăng và những ngôi sao thì báu vật của đời là vú to mông nẩy”…

    Đàn Hương Hình là tiểu thuyết được giải văn học Mao Thuẫn của Mạc Ngôn. Tác phẩm gồm 3 phần, 18 chương mà mỗi chương đều là những lời tự thuật bắt nguồn từ hí kịch Miêu Xoang một loại âm nhạc dân gian rất thịnh hành ở Cao Mật. Cuốn sách kể về những sự kiện lịch sử xảy ra trên mảnh đất Cao Mật đời nhà Thanh từ sự xâm lược của các đế quốc bên ngoài đến sự bất tài tham những của quan lại triều đình. Chuyện kể lại cuộc đời của một người đẹp Tôn Mị Nương với người chồng Tiểu Giáp, người cha chồng Triệu Giáp, người cha ruột Tôn Bính và người tình quan huyện Tiền Đình. Nỗi oan nghiệt trớ trêu của Mị Nương là người cha ruột lại là phạm nhân bị chém bởi đao phủ là cha chồng của mình. Mạc Ngôn nêu lên sự tàn bạo của chế độ phong kiến. Hình phạt đàn hương hình có tính cách vô nhân là dùng một cây cọc bằng gỗ quý vót nhọn đâm xuyên từ hậu môn lên đầu để người chịu hình phạt chết mòn vì đau đớn....

    Một tác phẩm của Mạc Ngôn đã gây ra nhiều dư luận tranh cãi trong văn giới Việt Nam là Chiến Hữu Trùng Phùng dịch là Ma Chiến Hữu. Cuốn sách này đề cập đến thân phận của những người lính Trung Quốc tham dự cuộc chiến với Việt nam năm 1979. Họ đều là những thanh niên nông thôn thất học. Họ đi lính và tham dự cuộc chiến mà không hề biết lý do. Vào quân đội, họ được nuôi ăn đỡ miếng cơm ở nhà và nếu không may tử trận thì cũng được tiền tử tuất cho gia đình. Đến khi cuộc chiến chấm dứt thì dù kẻ còn người mất cũng đều có số phận tồi tệ giống nhau. Người trở về được gọi là may mắn nhưng đời sống vẫn tồi tệ, bị quên lãng thậm chí còn bị khó dễ của chính quyền sau chiến tranh. Trong truỵên có đoạn những hồn ma lính chiến tử sĩ Trung Quốc than khóc khi biết tin Việt nam và Trung Quốc lại giao hảo với nhau thành ra cái chết của họ thành ngu xuẩn và không nghĩa lý. Truyện này có phải là ngợi ca Hồng Quân Trung Quốc không? Hay là sự nhạo báng và thậm chí là lên án những người chủ trương gây ra cuộc chiến này.

    Sau khi nghe tin Mạc Ngôn đoạt giải Nobel văn chương thì trong nước tuy ở tỉnh nhỏ (báo Văn hóa Nghệ An) có một bài viết như sau:

    “là một nhà văn quân đội chính thống, cơ hồ Mạc Ngôn không hề ca ngợi chế độ, không trở thành bồi bút mà đã nói lên được điều cốt lõi: số phận Trung Quốc tan tác qua những biến thiên lịch sử thời đại. Điểm này Huraki Murakami sướng hơn Mạc Ngôn. Tôi hay tưởng tượng Murakami vừa thảnh thơi vừa đi bộ vừa viết như một niềm yêu thích như một thú vui tao nhã. Còn Mạc Ngôn vừa viết vừa canh chừng trước sau rình rập giống như nghệ sĩ xiếc đi trên dây căng thẳng hồi hộp một là đến bờ vinh quang hai là tan xác.

    Với sự dũng cảm này, khi đưa Murakami và Mạc Ngôn lên bàn cân giải Nobel tôi nghĩ chọn Mạc Ngôn là đúng. Nhưng một nhà văn lớn của thời đại, một nhà văn xứng tầm Nobel danh giá nhất hành tinh theo tôi phải là một nhà văn nhân loại. Nghĩa là nhà văn đó phải thực sự vượt qua ranh giới quốc gia không chỉ theo nghĩa hẹp là sách được xuất bản khắp nơi mà còn là theo nghĩa rộng vượt qua những hiềm khích dân tộc, vượt qua hẹp hòi của dân tộc chủ nghĩa, nhất là một đất nước như Trung Quốc dân tộc tính chủ nghĩa Đại Hán vốn là thâm căn cố đế. Thì Mạc Ngôn chưa đạt đến mức nhân loại. Với Chiến Hữu Trùng Phùng viết về cuộc chiến tranh Trung Việt năm 1979 mà Mạc Ngôn gọi là cuộc chiến vệ quốc tuy bằng giọng văn ôn hòa không đến nỗi hiếu chiến nhưng rõ ràng Mạc Ngôn vẫn đứng trên lập trường nước mạnh, nước lớn cả vú lấp miệng em. Nếu muốn xứng tầm là một nhà văn đoạt giải Nobel rõ ràng Mạc Ngôn nợ Việt Nam một lời xin lỗi.”

    Trong cuộc họp báo đầu tiên ở Cao Mật quê hương mình Mạc Ngôn đã đòi quyền tự do cho một đồng hương được giải Nobel Hòa Bình năm 2010 ông Lưu Hiểu Ba: ”tôi hy vọng ông Lưu sẽ được tự do sớm nhất có thể”. Câu tuyên bố trên làm cả chế độ Trung Quốc ngỡ ngàng. Một đảng viên Cộng sản, phó chủ tịch Hội Nhà Văn, khôi nguyên Nobel văn chương đã đứng về phía những người tranh đấu cho tự do dân chủ. Hoàn cảnh chính trị của Trung Quốc và Việt Nam hiện giờ na ná giống nhau không hiểu có những vị thuộc hàng “khôi nguyên văn chương“ nào lên tiếng cho Điếu Cày hay Tạ Phong Tần hay Phan Thanh Hải và những người tranh đấu cho tự do dân chủ Việt Nam chưa? Hay là có những ứng cử viên giải Nobel “dởm” như Hoàng Quang Thuận để làm “đẹp mặt“ cho một nền văn chương phục vụ cho một chế độ chính trị tệ hại nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam…


    http://phusaonline.free.fr


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X