Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đọc truyện Lữ Quỳnh

Collapse
X

Đọc truyện Lữ Quỳnh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đọc truyện Lữ Quỳnh

    Lữ Quỳnh là bút hiệu của Phan Ngô, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên-Huế.
    Học sinh Quốc Học-Huế năm 1959-1962. Dạy học, trường Bán công Vinh Lộc 1962-1963.
    Cựu Sĩ Quan VNCH (Khóa 19 Trường Bộ Binh Thủ Đức, ngành HC Quân Y), đơn vị phục vụ:
    *Tổng Y Viện Duy Tân - Đà Nẳng năm 1965-66.
    *Tiểu đoàn 22 Quân Y (SĐ22BB) - Bình Định, năm 1967-70,
    *Quân Y Viện Quy Nhơn, năm 1971-75.
    Sau 1975, “học tập cải tạo” ở trại Cồn Tiên, Ái Tử (Quảng Trị).
    Đến Hoa Kỳ năm 2000, Hiện định cư cùng gia đình ở San Jose, California.
    Là một trong ba sáng lập viên (gồm Ngy Hữu, Lữ Kiều) đầu tiên của tạp chí Ý Thức, đến năm 1970 trở thành Tạp chí Bán nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật.
    Từng cộng tác : Tạp chí Mai (1961), Phổ Thông (1960), Bách Khoa (1962), Khởi Hành, Thời Tập (1972), Ý Thức (1970), Nhật báo Công Dân-Huế (1960-61) và Văn Học, Hợp Lưu, Khởi Hành, Tân Văn…(ở hải ngoại, từ 2001).






    Bão Đêm
    Lữ Quỳnh



    Lúc mở mắt, hình ảnh ghi nhận đầu tiên trong căn phòng lờ mờ ánh sáng là ngọn đèn ngủ trên mặt bàn. Bóng đèn tròn đục, vàng ửng như một trái chanh chín nằm dưới cái chụp đèn không lớn quá một bàn tay. Anh lắng nghe tiếng gió hú bên ngoài cửa kính. Tiếng một cánh cửa mà ai đó quên gài, thỉnh thoảng đánh ầm vào tường từ xa nghe thật rõ. Ngoài khung cửa kính trước mặt, vẫn từ chỗ nằm, anh có thể nhìn thấy hành lang bệnh viện chạy dài dưới ánh đèn mờ và, xa hơn một chút, những thân dương liễu như những vệt thẫm oằn mình trong bóng tối. Chợt anh buột miệng: Đêm nay trời bão chăng?

    Không thể dỗ lại giấc ngủ, anh mở mắt thao láo nhìn trần nhà, tai lắng nghe và cố ý phân biệt các tiếng động đang có. Lúc đầu anh còn cảm thấy khó chịu với tiếng dương liễu vi vút từ xa, tiếng reo tưởng như không ngừng lại, không thay đổi cường độ, làm có lúc anh đã so sánh nó với tiếng hú kinh hoàng của gió trên mái ngói. Tiếng cánh cửa đập vào tường khô và chát, anh có thể tưởng tượng ra được hình ảnh cánh cửa xanh bật ra đập vào ở một trại ngoại thương nào đó. Rồi gần hơn nữa, tiếng rên nho nhỏ từ phòng trước vọng vào. Tiếng rên nhắc anh nhớ tới những người thương binh vừa được trực thăng chở về lúc sáu giờ chiều. Những người lính áo quần trận rách bươm im lặng nằm trên băng ca với vũng máu dưới đùi hay dưới lưng. Những người lính với ánh mắt đờ đẫn khi biết mình đã về được quân y viện, chỉ thều thào hỏi một câu duy nhất: Em có nặng lắm không? Và anh trả lời họ, những người bị nhẹ, cả những người bị nặng một câu không mấy khi thay đổi: Nhẹ mà, chịu khó đau một chút nhé... Trong khi bàn tay anh vẫn nhanh nhẹn rửa hoặc may kín vết thương của họ.

    Gió mỗi lúc càng tăng cường độ bên ngoài. Anh nghe thật rõ tiếng gió đập ào ào vào cửa kính và thổi hút từng cơn trên mái tưởng có thể làm trốc bay những lớp ngói. Anh cũng nghe thật rõ từ ngoài kia tiếng răng rắc của một thân dương sắp gãy. Cùng nỗi ái ngại về cơn bão đêm đã đến, anh cảm thấy lạnh len vào cơ thể, vội đưa tay kéo chiếc chăn từ dưới chân giường, tung ra phủ kín người tận cổ. Anh cảm thấy dễ chịu nhưng cảm giác ấy không đậu lâu trong anh, khi cái cảnh hiu hắt buồn bã của phòng cấp cứu phía trước hiện ra trong trí. Dưới ánh đèn vàng võ, những người thương binh giờ này đang thiêm thiếp ngủ. Có lẽ họ ngủ được nhờ những viên thuốc an thần hoặc những ống morphine buổi chiều. Những chai nước biển trong vắt treo ở mỗi đầu giường nhỏ giọt, từng tăm nước sủi lên đều đặn. Những khuôn mặt xanh xám bất động trên dãy băng ca màu cứt ngựa càng làm tăng thêm sự yên tĩnh của đêm.

    Không thể chợp mắt được nữa, anh tung chăn bước xuống giường đi lại cửa sổ, dán mũi vào ô kính. Bên ngoài trời tối đen, chỉ có chút ánh sáng hiu hắt ở dãy hành lang trước mặt và, xa hơn, vô tình anh bắt gặp một ngọn hoả châu bay vun vút trong gió, trông chẳng khác gì nhánh củi mục đang trôi phăng trên dòng nước lũ. Ánh sáng ngọn hoả châu soi thật nhanh sườn đồi trọc với rất nhiều tảng đá xám. Anh nghĩ giữa một đêm bão như thế này vẫn có những người lính ở đầu ngọn núi kia còn thức để thỉnh thoảng bắn lên trái hoả châu soi vùng kiểm soát, vẫn có những toán lính đội mưa ngồi co ro dưới một giường ruộng hay bên bờ đất tròn xoe mắt chờ đợi... Trên những vùng đất bình yên hơn thì những người đàn bà nằm thao thức giữa đám con trong giấc ngủ buồn bã đầy mộng mị héo úa đã làm nhan sắc họ tàn phai nhanh như cánh đồng lúa mơn mởn bỗng cháy xám sau một ngày nhận thuốc khai quang. Đêm nay, đêm trên quê hương Việt Nam...

    Tự nhiên anh nhớ Huế, quê hương anh. Nhớ đậm đà Huế của những ngày mưa dầm và lạnh cóng. Mưa lê thê, mưa như kéo dính những cuộc đời lại. Mưa ướt đẫm con đường dẫn xuống cầu Trường Tiền. Mưa làm tê cóng những ngón tay vuốt lên thành cầu sắt. Mưa làm buồn những con đò cắm sát bờ sông và làm thấp những hàng cây trước trường Đồng Khánh. Huế trong ký ức anh là một Huế mưa dầm dề, một Huế mịt mùng hơi nước. Kỷ niệm về Huế của anh, một kỷ niệm ướt sũng mùa đông thật buồn. Nhưng nỗi buồn đó bây giờ anh mới nhận ra. Nó chỉ có trong những ngày đất nước thanh bình hay tạm yên ổn. Nhớ về những mùa đông đêm nay là nhớ về những ngày thanh bình cũ. Những ngày bây giờ không thể nào có được.

    Mưa bây giờ làm nhạt nhoà thêm đôi mắt thiếu phụ, làm trở ngại con đường nhặt tìm xác chết mỗi ngày, làm gợi nhớ những khổ đau tan nát của cuộc đời. Và gần gũi nhất bên anh lúc này là những thương binh đang đau đớn vì vết thương, đang khắc khoải khi nghĩ đến ngày mai của họ.

    Anh bỏ khung kính, trở lại chân giường lấy chiếc áo lạnh khoác vào người rồi mở cửa bước ra khỏi phòng. Một làn gió thổi thốc vào hiên làm anh ngừng lại, đầu hơi cúi và một tay đưa lên mắt che hơi nước. Chờ cho đợt gió qua, anh bước nhanh khỏi thềm cửa, rồi rẽ về phía trái để vào dãy hành lang dài hun hút. Những bóng đèn vàng võ lác đác trong hơi nước. Những bóng đèn trước mỗi trại bệnh trông thật hiu quạnh. Anh dừng lại vén tay xem đồng hồ dưới chút ánh sáng đầu trại Tê Liệt chiếu hắt ra. Những bụi nước bám nhanh vào mặt kính, kim đồng hồ chỉ hai giờ kém năm. Giờ của nửa đêm về sáng. Giờ của những giấc ngủ nồng, những cơn mộng đẹp. Giờ của những thao thức không còn những xót xa không có. Giờ của ý thức ngủ yên. Giờ này trong giấc ngủ say có thể người thương binh đang mơ thấy mình là một cầu thủ đang giao banh thật đẹp trên sân cỏ, dìu người yêu đi dưới bóng cây, hay lái xe đưa tình nhân ra ngoại ô thành phố... Có thể họ đã có những giấc mơ như thế, nhưng anh không bao giờ muốn những giấc mơ đó còn lại với họ khi ngày bắt đầu. Vì họ thuộc cấp độ tàn phế cao. Họ không thể, không bao giờ còn có nữa trong đời sống hình ảnh trong các giấc mơ kia.

    Bão vẫn tiếp tục hoành hành trong đêm. Những đợt mưa lạnh buốt thổi dạt qua hàng hiên trắng xoá hắt vào anh tê cóng. Anh đưa tay kéo cao cổ áo và tần ngần dừng lại giữa hành lang. Một lúc, anh bước vào trại bệnh. Trước khi khuất vào cánh cửa anh còn kịp thấy những thân dương gãy đổ ngoài mặt đường, chỗ gãy phơi màu trắng nõn của ruột cây trong bóng tối. Anh bước qua chỗ người y tá trực ngủ thật nhẹ nhàng, cố giữ im lặng tuyệt đối. Khi đứng ở đầu phòng bệnh nhìn suốt hai dãy giường với những thương binh mặc áo quần xanh nằm bất động, anh yên tâm nghĩ tất cả họ đều ngủ yên. Anh đứng ngắm họ, giờ đây ngủ trong những thế nằm thật thoải mái, ngoan ngoãn như trẻ thơ. Sau những đôi mi khép kia, hẳn đang dàn trải một cảnh đời tươi đẹp mà hằng ngày dưới ánh sáng mặt trời họ cảm thấy thiếu thốn thèm khát. Sự thèm khát tưởng như bị ngâm trong nỗi thất vọng tột cùng. Nỗi thất vọng như dấm chua và sự thèm khát kia, dù ê răng vẫn không thể nào không có.

    Cụt một cánh tay, bị cưa mất đôi chân hay tê liệt cả thân người, anh thương binh nào cũng sống lặng lẽ trong những ngày đầu với đêm đêm ướt sũng nước mắt, với nỗi tuyệt vọng lịm hồn, chỉ vì bấy giờ họ còn gần gũi với ngày hôm qua quá. Ngày qua và hôm nay thật vô cùng khác biệt trong cuộc đời họ. Hôm qua với tháng ngày xanh mướt quá khứ, hôm qua với nguyên vẹn thân thể ngày chào đời. Nhưng từ bây giờ trở đi cho đến suốt cả tương lai ngun ngút của phần đời còn lại, họ sẽ sống với tấm thân dị hợm mà chiến tranh tạo nên với không một tình cờ thích thú, không một hy vọng đổi thay.

    Hôm nay họ thấy suốt cả tháng năm cuối cùng của cuộc đời. Họ buồn khổ vì sự bất hạnh đó nhưng sự bất hạnh rồi cũng theo thời gian mà trở nên quen cũ. Vừa nghĩ ngợi vừa bước đi giữa hai dãy giường kê sát bỗng anh dừng lại, ngạc nhiên nhìn sững một cánh tay buông thõng ngoài chân mùng. Anh tiến lại gần. Trước mặt, sau lớp vải mùng thưa người thương binh đang mở mắt thao láo nhìn ngọn đèn trên trần nhà. Có lẽ hắn không biết sự có mặt của anh nãy giờ trong phòng này. Khuôn mặt hắn trông xanh mướt dưới ánh sáng. Đôi mắt tròn mà tròng trắng chiếm phần lớn nhìn lên bất động. Anh biết người thương binh còn thức và rất tỉnh không phải chỉ nhờ vào đôi mắt ấy mà còn vì những cái nhíu mày khổ sở khi tiếng gió rít trên mái, mang theo hơi lạnh dạt qua các khe cửa sổ. Bão bên ngoài còn tiếp tục, anh thầm nghĩ và cúi nhìn hắn qua lớp mùng. Đôi mắt người thương binh hạ xuống khi nhận ra anh bên cạnh giường. Anh đưa tay đặt lên mu bàn tay hắn, bàn tay lạnh ngắt, bàn tay chỉ còn da bọc xương ấy lạnh ngắt. Anh hỏi:
    — Sao em không ngủ?
    Người thương binh tê liệt nhìn anh không trả lời. Hắn đưa lưỡi ra liếm mép trong khi anh cầm lấy bàn tay hắn, bàn tay mềm nhũn và lạnh. Hắn còn trẻ quá.
    — Sao em chưa ngủ?
    Anh thấy đôi mắt hắn long lanh. Trong ánh mắt vừa loé lên một tia sáng nhỏ nhưng anh chưa kịp nhận ra. Hắn tiếp tục cho lưỡi liếm vòng qua hai vành môi, một lúc sau mới thì thào:
    — Nhờ nhặt giùm em chiếc mền...
    Câu nói của hắn nhỏ và tắt nhanh như một hơi gió. Câu nói thốt ra từ đôi môi xanh mét đó, nghe rồi anh vẫn tưởng như không phải do nó thốt ra. Người thương binh đã không thể chợp mắt được vì lạnh quá, mà chiếc chăn lại quái ác rơi tuột khỏi giường. Anh xúc động đến lặng người khi nhận ra điều đó. Trời lạnh căm mà phải nhìn chiếc chăn trong tầm tay bất lực để thèm vô cùng một hơi ấm. Đó là sự xao xuyến trong đôi mắt buồn bã, nỗi nghẹn ngào trong câu nói thì thào như hơi gió kia cùng tâm trạng người thương binh suốt đầu đêm đến giờ. Hắn đã chịu đựng, sự chịu đựng có từ nguyên nhân hết sức vô nghĩa. Hắn như con ve sầu với đôi cánh bị dính chặt vào nhựa cây của đám trẻ nghịch ngợm nhìn vòm trời xanh mà tuyệt vọng. Anh đi vòng qua bên kia giường nhặt chiếc chăn lên đắp cho người thương binh. Anh nhìn xuống đôi mắt thiết tha bấy giờ đã có vẻ nồng ấm. Anh có cảm tưởng như mình vừa ủ rơm cho một con chim ướt. Không nén được thoáng vui lẫn với nỗi bùi ngùi trong lòng, anh cúi xuống đôi mắt đang reo vui kia, mỉm cười:
    — Nãy giờ không ngủ được vì lạnh quá phải không ?
    Hắn gật đầu. Anh nói tiếp:
    — Bây giờ thì ấm áp rồi đấy nhé, gắng ngủ đi.
    Người thương binh từ từ khép mắt. Anh chậm rãi bước ra khỏi phòng. Đến giữa hành lang, một làn mưa quất vào mặt lạnh cóng, nhưng cảm giác đó lại làm anh cảm thấy dễ chịu. Anh đi dọc theo dãy đèn vàng hiu hắt, cố giữ thăng bằng trên mỗi bước chân vì gió và thềm hành lang trơn ướt. Hình ảnh người thương binh vẫn chưa rời tâm trí anh. Hôm hắn được chở từ mặt trận về với mảnh đạn xuyên vào đốt xương sống phía sau gáy, anh đã không có chút lạc quan nào về vết thương hiểm hóc ấy cả. Mảnh đạn thật nhỏ, nhưng tác dụng thật lớn trên một đời người.

    Những trại bệnh nằm im lìm dưới mưa. Một sự im lìm chứ không phải im lặng. Bởi trong nó anh còn nhận ra được những âm sắc mơ hồ buồn bã gợn lên sự sống. Anh dừng lại ở cuối hành lang, từ đó có thể nhìn thấy thềm hiên của phòng Cấp Cứu. Ngọn đèn đầu mái chiếu sáng một khoảng sân. Những chiếc băng ca xếp gọn dựng thẳng thành dãy. Ở đó thường xuyên rộn rịp những trực thăng tản thương lên xuống mỗi khi có sự sôi động từ mặt trận ngoài thành phố. Đêm nay cảnh đó không có nhưng không phải từ nay cảnh đó không có.

    Gió có phần nhẹ hơn. Cơn bão tưởng như cũng sắp tàn. Tuy thế khi quay trở về căn phòng của mình, anh vẫn phải chú ý dưới mỗi bước chân và đưa tay kéo cao cổ áo. Anh nghĩ người thương binh tê liệt giờ này đã ngủ ngon. Chiếc chăn mang hơi ấm cùng những giấc mơ an lành đã đến với hắn. Anh mỉm cười trong bóng tối. Anh nhìn ra bãi cỏ nơi dùng làm sân trực thăng đang trắng mù hơi nước. Đêm nay không có thương binh về. Cơn bão hình như cũng đã dứt. Ai mà chẳng mong hai cảnh ấy đừng xảy ra. Lúc nhỏ anh sợ bão vô cùng, nhất là những trận bão đêm, cũng như bây giờ anh rất bồn chồn lo âu khi nhìn cảnh thương binh về tấp nập.
    Nhưng những cơn bão như đêm nay thế nào rồi cũng chấm dứt. Còn cảnh thương binh về, biết đến bao giờ?


    (trong tập truyện Cát Vàng, nxb Ý Thức, Sài Gòn 1971)
    Last edited by Hoanghac; 10-28-2012, 11:57 PM.

  • #2
    Bóng Tối Dưới Hầm


    Người đàn ông ngồi trên một chiếc ghế bằng gỗ tạp thấp, gã cúi người xuống tì trán lên mu bàn tay lồng vào nhau. Thanh niên ngồi xổm có vẻ đang chú ý nghe tiếng động trên nóc hầm, thỉnh thoảng hắn nhìn lên chút ánh sáng nơi lỗ thông hơi. Dưới ánh sáng lờ mờ, khuôn mặt hắn hốc hác và linh động nỗi bất an. Trong xó tối cạnh đó, một thiếu nữ nằm im. Nàng mặc một bộ đồ đen, mái tóc xõa tung bê bết mồ hôi trên trán. Ba người như không chú ý đến sự có mặt của nhau. Căn hầm hẹp, bề dài khoảng hơn hai thước và bề rộng một thước rưỡi. Những giọt nước từ thành đất rỉ ra, thỉnh thoảng nhỏ thành tiếng xuống mặt hầm. Sự im lặng hình như tăng thêm. Trời bên trên hẳn đã hoàng hôn. Chút ánh sáng nơi lỗ thông hơi nhạt nhòa không còn nhìn rõ. Thiếu nữ cựa mình trong bóng tối, cùng lúc người đàn ông ngồi thẳng dậy nhìn mà không thấy gì cả. Gã nuốt nước bọt, rồi nói bằng một giọng khô tưởng như sắp chết khát:
    - Ai đói ?
    Không ai trả lời gã hết. Có lẽ họ chưa chuẩn bị. Sự im lặng kéo dài suốt buổi, có khi cả ngày, làm họ tưởng mình câm. Thanh niên có lần định lên tiếng, chỉ để xem mình có còn nói được không nhưng hắn vẫn ngồi im lặng. Chỉ cố gắng đó thôi cũng thật khó. Bây giờ hắn nghe tiếng người đàn ông hỏi, hắn tự hỏi mình có đói không? Hắn không cảm thấy gì cả. Giọt nước cuối cùng đã hết từ buổi sáng. Nghĩ tới mấy thức ăn khô khan mà người đàn ông vừa gợi ra, cổ hắn như càng khô thêm đắng chát.
    - Ai đói không ?
    Người đàn ông lặp lại câu nói một cách khó khăn hơn. Thiếu nữ trả lời gọn:
    - Chú ăn đi.
    Thanh niên nói tiếp:
    - Khát, không đói.
    Người đàn ông :
    - Tôi cũng vậy.
    Cả ba người lại im lặng. Họ ở nguyên vị trí. Thiếu nữ nằm quay mặt vào thành đất. Nàng nghe trong đầu như có những mũi kim chích. Trong bóng tối dày đặc nàng nhắm mắt lại, hai bàn tay rịn mồ hôi lạnh toát. Bỗng nàng ngồi dậy, hốt hoảng gọi người đàn ông:
    - Chú Sửu, chú Sửu ....
    Người đàn ông chồm tới, nắm chặt cánh tay thiếu nữ dằn mạnh với nỗi tức giận:
    - Im ngay. Cô biết đang ở đâu không? Phải nhớ lệnh tôi, không được gây tiếng động. Sự chết đang ở trên đầu chúng ta.
    Người đàn ông chợt lo lắng, nhưng gã bình tĩnh ngay:
    - Cô không lo gì hết. Sự xảy ra, có tôi.

    Tiếng nói của người đàn ông nhỏ nhưng lạnh như thép. Thiếu nữ nghe lạnh sau gáy. Nàng nằm cong người lại, đưa hai bàn tay đẫm mồ hôi bấu vào mặt. Nước mắt chảy ra lặng lẽ. Thiếu nữ không nghĩ là mình đang khóc.
    Thanh niên ngồi bệt xuống đất, hai tay bó gối. Hắn hỏi trong đầu: Ông Sửu và cô Liên vẫn còn hơi để nói chuyện được, mình thì hết. Hắn dùng lưỡi rút nước bọt ra từ mấy chân răng, rồi nuốt xuống cổ.
    Tiếng người đàn ông lại vang lên:
    - Ai khát ?
    Thanh niên chồm tới, rồi ngừng lại ngồi xuống như cũ.
    - Tôi. Có nước hả ?
    Người đàn ông :
    - Không. Khát, ráng thức đừng ngủ quên. Thế nào trời cũng mưa. Ta hứng nước từ lỗ thông hơi…
    Thanh niên thở dài thoáng thất vọng, nhưng sau đó hắn cũng cảm thấy chút mát mẻ len qua tâm hồn. Hắn nói với người đàn ông :
    - Có lý. À, mà tại sao bà già biệt tăm thế ?
    Người đàn ông suy nghĩ một lúc:
    - Tôi nghi loạt súng nổ trên đầu mình đêm qua quá. Có lẽ nào thế nhỉ. Bà già bị lạc đạn… Có thể bị bắn thẳng, ban đêm ai mà biết bà già...
    Thanh niên :
    - Không đâu. Cứ hy vọng.
    Thiếu nữ có lẽ đã ngủ thiếp. Người đàn ông nhìn về phía nàng nhưng không thấy gì, gã ngẩng cổ cao về phía thanh niên.
    - Tâm à.
    - Tôi nghe.
    Im lặng một lúc:
    - Theo anh, khi cô Liên lên cơn thì chúng ta phải làm gì?
    Thanh niên suy nghĩ nhưng có lẽ không tìm ra cách giải quyết, hắn nói:
    - Ông tin cô Liên sẽ lên cơn thật à.
    Người đàn ông:
    - Mấy ngày ở dưới này cực khổ quá, Liên lại là con gái đau tim, thỉnh thoảng bị rối loạn thần kinh... Nước không có, thức ăn thiếu. Lại lạnh, hơi đất...

    Thanh niên:
    - Ông định làm gì ?
    Người đàn ông im lặng. Thanh niên cảm thấy bồn chồn trong lòng. Hắn mở mắt thật lớn cố nhìn người đàn ông nhưng không thể thấy gì ngoài màu tối thăm thẳm. Hắn hình dung ra khuôn mặt thường ngày của gã. Một khuôn mặt thật lạnh lùng rất ít khi xuất hiện giữa mọi người. Gã có những công tác thật bí mật. Những người chung quanh có một số kính nể, nhưng cũng có số người khác thật e ngại gã. Họ không tin vào cái mớ lý thuyết mà gã được nhồi nhét để biến gã thành một con người toàn diện, tượng trưng cho tình thương lòng vị tha và sự công bằng. Im lặng hay lạnh lùng, có lẽ là thái độ khôn ngoan nhất của những kẻ chưa có lập trường hay một lý thuyết vững chãi. Thanh niên tự hỏi, sự lạnh lùng của người đàn ông có nằm trong trường hợp đó không?

    Người đàn ông nhớ tới một bài hát. Bài Từ ngày chinh chiến mùa thu. Cái không khí bấy giờ thật cảm động. Đêm giã từ Mỹ Lộc. Người nhạc sĩ đứng bên ánh lửa bập bùng, một chân gác lên ghế đẩu thấp, gảy đàn ghi-ta. Từ ngày chinh chiến mùa thu. Giọng hát của người tình gã. Người tình, có phải là người tình không? Người con gái mặc áo nâu và quần đen bóng láng, tóc kẹp sau gáy chảy xuống nửa lưng. Đôi môi không phấn son mà mọng thắm. Nàng hát, những đầu ngón tay bối rối quấn vào nhau. Tiếng đàn người nhạc sĩ chậm rãi. Anh ngẩng mặt lên trời mà đàn. Đàn hững hờ, như không một chút bận tâm. Nhưng tiếng đàn, giọng hát đã làm những người ngồi vây quanh nhìn ánh lửa hồng mà chết ngất cõi lòng. Những đôi mắt ướt lấp lánh. Người con gái dứt bài hát với những giọt nước mắt lóng lánh quanh mi. Nàng bước về phía gã. Sao em lại khóc? Khi câu hỏi đó bung ra, gã mới thấy mình quả thật ngu ngốc, lẽ ra không nên hỏi như vậy. Người con gái đưa tay chặm nhẹ những giọt nước mắt, nói thật nhỏ nhẹ: Em nghĩ tới sự chia tay ngày mai... Gã cay đắng trong lòng. Nghĩ tới sự chia tay, hay chính bài hát tiếng đàn đã làm nàng cảm xúc? Nàng muốn dấu đi sự yếu mềm của mình. Ai cũng lựa chọn cho mình một cách trả lời cả. Lựa chọn. Ta phải lựa chọn trong ta một cái tôi và thường xuyên giữ gìn để cái tôi đó không phản trắc, không nhầm lẫn, không đi sai đường lối. Ta phải canh chừng cả những giấc mơ, gã nghĩ đó là sự lựa chọn đúng. Phải nghĩ tới tập thể, nghĩ tới những cứu cánh mà tập thể đang theo đuổi. Sự hãnh diện chỉ dành cho những người sống. Mọi người đều cảm thấy hãnh diện, không ai nghĩ mình sắp chết nhưng cũng không ai từ chối sự chết đến với mình cả.

    Năm giờ sáng hôm sau những người tham dự lửa trại lên đường. Người nhạc sĩ và một số lớn ra bến đò chờ vượt sông. Gã, một mình đi đường bộ với gùi thức ăn và chiếc ba lô trên vai. Người con gái hát “Từ ngày chinh chiến mùa thu” ở lại. Lúc ra đi gã không gặp nàng. Gã mang cái cảm giác lênh đênh của một thứ tình yêu không bao giờ được tỏ. Lúc gã vượt được một phần đường, lúc mặt trời vừa xuất hiện với những tia nắng đầu tiên, gã chợt nghe tiếng máy bay gầm và tiếp theo nhiều tiếng nổ chát chúa của bom và súng liên thanh. Gã dừng lại, nhìn về phía bến đò. Những đám khói bốc lên. Những chiếc máy bay đang chao lượn trên vòm trời. Gã ngồi đợi cho đến lúc những chiếc máy bay đó nối đuôi nhau bay thẳng về cuối trời mới đứng dậy vội vã đi trở lại con đường cũ. Gã chạy thẳng ra bến đò. Gã thầm mong người nhạc sĩ và đoàn người đã vượt khỏi bên kia sông từ lúc trời còn tối. Nhưng gã thất vọng. Lúc gã đến nơi bến đò còn thưa thớt người. Đồng bào vẫn ngại máy bay có thể trở lui oanh tạc nữa. Những người y tá đang hớt hải di tản số người bị thương về trại cấp cứu. Những xác chết còn nằm nguyên chỗ. Gã thấy xác người nhạc sĩ hai chân chìm dưới nước, phần thân thể còn lại nằm sấp trên bờ. Gã gỡ ba lô gùi thức ăn trên vai xuống, bước tới kéo xác chết lên hẳn trên gò đất cao. Người nhạc sĩ chỉ nhắm một mắt. Con mắt còn lại mở lớn, tròng mắt lồi ra đến hãi hùng. Chiếc áo nâu của anh rách một mảng lớn, phơi màu da tái xám với một vết máu đã đông lại. Xác người nhạc sĩ tương đối lành lặn. Một viên đạn xuyên qua ngực. Cái chết trong những cuộc oanh tạc ồ ạt được như vậy, quả thật có nhẹ nhàng. Gã nhìn xác chết nhớ tới đêm lửa trại. Hình ảnh người nhạc sĩ vừa gảy đàn vừa ngước mắt nhìn trời cao. Tiếng đàn của anh như còn văng vẳng đâu đây, lời hát u buồn cũng còn đó. “Từ ngày chinh chiến mùa thu.” Bây giờ cũng mùa thu. Anh chết giữa một buổi sớm mùa thu. Gã nghĩ tới nhưng không dám tin, cái không khí buồn bã đêm qua với những ánh mắt rớm lệ là cái điềm báo trước sự cách ly vĩnh viễn bây giờ.

    Gã nhìn xác nhạc sĩ, nhìn những người chung quanh rồi lặng lẽ khoát ba lô lên vai. Vẫn một mình trở lại con đường cũ, gã lủi thủi đi và bấy giờ gã biết rằng nước mắt mình đang ràn rụa.

    Trong bóng tối của chiếc hầm chật hẹp, người đàn ông cố nhìn bàn tay mình mà vẫn không thấy nổi. Gã vừa nghĩ tới những kỷ niệm thật xa. Lúc này gã nhớ lại hình ảnh người nhạc sĩ nằm chết trên bến sông, gã đã khóc thật nhiều trên quãng đường công tác còn lại. Con tim bật máu làm trào nước mắt. Chính gã khóc chứ không phải cái tôi mà gã chọn lựa, cái tôi không bao giờ mềm yếu phản trắc lầm lẫn ấy khóc cả.

    Ngày đó dĩ nhiên gã chưa già như bây giờ. Đứa con lớn của gã tám tuổi. Gã chiến đấu hết mình với rất nhiều hoài bão. Gã nghĩ gần gũi nhất ít ra, gã cũng chiến đấu dù phải chết đi, cho đàn con gã sống. Gã hy sinh để nhìn lũ trẻ được sống tự do sau này, được trở thành những con người chứ không phải những tên nô lệ. Nhưng bao nhiêu năm qua, sự chiến đấu của đồng bào gã vẫn còn. Đứa con trai lớn của gã đã cầm súng tham dự và đã gục chết. Trọn đời với niềm tin vào sự thanh bình cuối cùng cho đất nước, nhưng niềm tin đó đã mỏi mòn. Gã cảm thấy ý chí đã lụt và sức khỏe yếu kém hẳn.

    Bây giờ giả sử bà già, chìa khóa của cái hầm này đã chết thật thì gã phải làm gì đây? Cuộc hành quân hẳn đã đi qua. Bọn gã sống dưới cái hầm này đã hơn hai ngày đêm. Gã cảm thấy sốt ruột. Bỗng một ý nghĩ thoáng qua hãy đội nắp hầm và vượt thoát. Chỉ có chết và sống. Gã hoàn toàn không bận tâm về điều đó nữa. Sống hay chết chỉ là một.

    Bàn tay người đàn ông mò mẫm trong bóng tối tìm mấy quả lựu đạn. Chợt bàn tay gã chạm vào chân người thanh niên. Gã vội rút tay về, nhưng thanh niên đã nhận ra. Hắn cảm thấy ái ngại vì cảm giác hốt hoảng của người đàn ông để lại trên da thịt. Hắn hỏi:
    - Ông Sửu đấy hả?
    Im lặng. Thanh niên hỏi tiếp:
    - Ông tìm gì đấy ?
    Giọng người đàn ông bối rối:
    - Không.

    Thanh niên chợt nghĩ đến sự phản trắc. Hắn bắt đầu đề phòng. Hắn vội vàng di chuyển mấy quả lựu đạn sang một vị trí khác. Giữa lúc đó thiếu nữ thức dậy.
    - Chú Sửu à.
    Người đàn ông :
    - Cô Liên gắng ngủ đi. Đừng gọi lớn quá.
    Trong bóng tối thiếu nữ cảm thấy chới với khi nghe tiếng nói của người đối diện. Tiếng nói, chỉ có tiếng nói thôi. Ma quái quá sức. Tiếng nói. Trong căn hầm chỉ có tiếng nói và tiếng nói thôi. Thiếu nữ nghĩ mình cũng không còn nhận ra mình. Tiếng nói không biết có phải là của mình không nữa?
    - Chú Sửu à.
    Thiếu nữ muốn nghe tiếng mình nhưng người đàn ông không hiểu.
    - Cô đừng gọi mãi như thế.
    Thiếu nữ nuốt nước miếng và thở hổn hển:
    - Chú ra lệnh cho tôi đi, khi sắp lên cơn thì tôi phải làm gì?
    Người đàn ông:
    - Tôi đã trả lời cô rồi. Cố gắng ngủ thêm một chút để lấy sức.
    Thiếu nữ dựa lưng vào thành đất, hơi lạnh thấm qua lưng làm nàng cảm thấy dễ chịu.
    - Chú có biết chuyện ngày trước cha tôi điên như thế nào không nhỉ? Ông ta uống rượu cắn luôn ly. Ông ta nhai mẻ chai giữa hai hàm răng và máu chảy ra đỏ cả khóe miệng...

    Người đàn ông hốt hoảng khi nghe thiếu nữ kể đến đây. Gã sợ câu chuyện sẽ làm nàng lên cơn thật sự.
    - Cô Liên, tôi bảo cô gắng ngủ đi. Dạo đó ông cụ uống rượu say, chứ đâu phải điên khùng gì. Tôi biết rồi. Cô ngủ đi, phải ngủ đi cô Liên.
    Thanh niên xích vào gần thiếu nữ. Hắn chuẩn bị đối phó nếu nàng có hành động làm lộ mục tiêu. Sự im lặng kéo dài một lúc lâu. Sau đó thiếu nữ vẫn lên tiếng:
    - Chú Sửu, cả anh Tâm nữa... Các người phải cho tôi biết khi tôi lên cơn thì chúng ta sẽ làm gì?
    Người đàn ông:
    - Không bao giờ cô lên cơn cả. Tôi tin vậy mà.
    Thiếu nữ:
    - Chú tin vậy hay chú đang nghĩ tới cách bóp cổ tôi chết, lấy dao găm đâm lút tim tôi? Còn cách nào nữa không nhỉ?
    Người đàn ông sợ hãi. Gã cố trấn an thiếu nữ nhưng giọng gã trở nên lúng túng:
    - Cô đừng nói vậy. Xin cô hãy gắng ngủ đi...
    Thiếu nữ giận dữ:
    - Ngủ, ngủ, ngủ...
    Người đàn ông chồm tới. Gã muốn tỏ phản ứng để thiếu nữ hiểu nhưng trong bóng tối dày đặc không còn cách biểu lộ nào khác ngoài tiếng nói. Mò mẫm một lúc mới nắm được tay thiếu nữ, gã dịu dàng.
    - Cô đừng giận. Phải biết rằng chúng ta đang ở đâu. Sự sống của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc vào nhau. Sự sơ hở của một người sẽ giết chết cả bọn...
    Thiếu nữ lạnh lùng:
    - Tôi biết như vậy. Nhưng tại sao chú không nói thẳng điều chú đang nghĩ. Tôi đâu sợ hãi gì. Tôi chấp nhận mà. Chết để cứu những người khác sống là một bổn phận. Tôi biết chú, anh Tâm sẽ giết tôi ngay khi cơn điên của tôi bộc phát. Chú hãy nhận đi. Tôi không bao giờ làm phiền các người cả... À, tại sao bây giờ mẹ tôi chưa xuất hiện nhỉ... Đầu đêm hình như chú bảo có thể mẹ tôi đã chết.

    Thiếu nữ nói nhỏ đủ nghe làm người đàn ông yên tâm. Gã nói:
    - Cô suy nghĩ nhiều quá. Tốt nhất là bây giờ chúng ta nên im lặng. Bà cụ... Trong một phút tuyệt vọng quá bọn tôi nghi ngờ vậy thôi. Sự thực, như cô biết... không có gì chắc chắn khi ta còn ở dưới này... Chỉ toàn phỏng đoán... Có thể mấy ngày qua bọn lính dừng quân trên đầu ta...
    Thanh niên mệt mỏi ngồi gục đầu xuống hai đầu gối ngủ thiếp từ lúc nào. Người đàn ông trả lời thiếu nữ xong, cũng ngã lưng vào thành đất. Gã nghĩ tới bà già, mẹ Liên và tự hỏi một lần nữa bà ta chết rồi chăng?

    Những ý nghĩ buồn thảm hiện ra trong đầu thiếu nữ. Nàng nghĩ tới người mẹ rồi ứa nước mắt. Kể từ ngày cha chết đi, mẹ đã kéo dài chuỗi sống hẩm hiu với anh Ba và nàng trên mảnh vườn nhỏ với hoa lợi mỗi ngày chỉ đủ sống. Bà thường ái ngại nhìn hai con với nỗi lo lắng duy nhất, bệnh thần kinh di truyền. Hình ảnh của người chồng trước khi chết đã làm bà hãi hùng tưởng không bao giờ nguôi. Sau này vì cuộc sống bất ổn ở quê, anh Ba bỏ lên tỉnh đầu quân vào lính. Người mẹ bề ngoài tỏ ra phàn nàn, nhưng tự thâm tâm bà hài lòng. Dù sao nó cũng yên được một bề, còn hơn ở quê để chịu không biết bao nhiêu áp lực. Thời buổi chiến tranh lòng nhân đạo thường vắng mặt, chỉ thấy có áp bức, đe dọa và tàn sát. Sau khi vào lính thỉnh thoảng anh Ba có về thăm nhà. Da anh đen, thân thể cường tráng ra làm mẹ hài lòng lắm. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, làng trở nên bất an, anh Ba chỉ ghé thăm nhà trong những dịp hành quân qua. Anh khuyên mẹ và em hết lời, nên bỏ làng lên tỉnh sống nhưng mẹ suy nghĩ mãi rồi không nghe. Mẹ không quen sống ở thành thị, hơn nữa ra tỉnh sống có nhiều vấn đề đặt ra quá. Từ cuộc hành quân qua làng lần đó anh Ba không bao giờ trở về. Làng bị oanh tạc thường xuyên. Hai mẹ con sống giữa gọng kìm. Hãi hùng tất cả. Họ sống giữa nỗi hoài nghi của mọi người. Và chỉ còn một cách duy nhất để tồn tại là trốn. Người mẹ nhận làm cái chìa khóa của căn hầm bí mật này từ đó. Người đàn ông giữ thiếu nữ như một con tin. Không còn cách nào hơn. Mọi thủ đoạn chỉ có tính cách tạm thời, cố gắng thoát chết từng ngày, cố gắng vượt qua từng chặng nguy hiểm.

    Thiếu nữ nhớ lại những lời của người đàn ông và thanh niên vào lúc đầu đêm. Bà già có thể bị lạc đạn chết rồi. Nàng cũng linh cảm thế. Nếu không tại sao hai ngày qua mẹ không xuất hiện. Mẹ chết rồi chăng? Thiếu nữ nhủ thầm rồi nuốt nước mắt xuống cổ. Nàng cắn môi để khỏi bật khóc thành tiếng.
    Trong góc hầm người đàn ông cựa mình. Bàn tay gã mò mẫm trên mặt đất một lúc rồi dừng lại. Gã cất tiếng gọi:
    - Tâm à.
    Thanh niên cũng vừa tỉnh.
    - Gì thế?
    - Có lẽ trời sắp sáng.
    - Đồng hồ tôi chết máy từ hôm qua rồi.
    Người đàn ông thở dài. Một lát sau gã rụt rè hỏi:
    - Anh có nghĩ gì không?
    Thanh niên lạnh lùng:
    - Ông muốn tôi nghĩ gì ?
    - Nghĩ bà già chết rồi chẳng hạn...
    - Sao nữa ?
    - Nghĩ cô Liên sẽ lên cơn điên...
    Thanh niên nghe lạnh tận đáy lòng. Hắn đưa hai bàn tay lên áp má.
    - Ông đã chuẩn bị cả rồi mà.
    Người đàn ông:
    - Vâng.
    Thanh niên:
    - Cô Liên cũng nghĩ ra những gì ông sẽ áp dụng khi cơn điên đến....
    - Anh nghĩ còn cách nào hơn ?

    Thanh niên im lặng. Người đàn ông nhìn sửng vào bóng đêm. Trong khi đó thiếu nữ vẫn tỉnh táo. Nàng nghe cuộc đối thoại giữa hai người đàn ông một cách dửng dưng. Nàng cảm thấy tâm hồn bỗng sáng láng lạ lùng. Còn cách nào hơn. Nhưng họ sẽ giết mình bằng dao găm hay với hai bàn tay siết cổ?
    Bằng dao găm hay bóp cổ? Thiếu nữ choáng váng. Nàng nghĩ tới mẹ tới anh Ba, rồi lẩm bẩm trong trí, có lẽ mình sắp lên cơn thật.

    Lúc đó thanh niên mở mắt, hắn thấy ánh sáng lờ mờ hiện ra ở lỗ thông hơi. Hắn ngồi yên mải mê nhìn lên chút ánh sáng nhỏ nhoi đó. Hắn cảm thấy nhớ thứ ánh sáng đầu ngày lạ lùng. Hắn nghe bức rức trong lòng. Một chút nắng, chỉ một chút nắng của trời mà hắn cũng thèm khát. Hắn nhìn người đàn ông đang ngủ say trong góc tối. Không biết trong đầu gã trong những ngày qua đã nghĩ những gì? Có nghĩ tới chuyện vượt thoát khỏi căn hầm này không? Bà già có lẽ đã chết thật rồi. Hắn nhìn người đàn ông ái ngại, không cách nào hiểu nổi con người đó.

    Thanh niên đưa tay mò mẫm mấy quả lựu đạn mà đêm qua hắn vùi dưới cát. Hắn nghĩ đến cách thoát khỏi căn hầm. Không còn cách nào hơn. Hãy chấp nhận trước mọi rủi ro, sống hoặc chết. Hắn chợt nghĩ đến số tuổi hai mươi của mình. Số tuổi mà chiến tranh đã tước đoạt mọi ý nghĩa, đã cướp hết thời gian để sống của hắn Hai mươi tuổi, hắn không có một chọn lựa nào hết. Sinh ra và lớn lên giữa chiến tranh, hắn thụ động trước mọi áp lực. Hắn như con thú sợ hãi trước họng súng của người thợ săn. Ai cũng có thể bắn ngã, và suốt cả một phần đời hắn chỉ biết chạy trốn. Hắn cảm thấy cay đắng và nước mắt chực trào ra khi nghĩ đến cái chết như côn trùng của mình. Một cái chết tẻ lạnh như nỗi tình cờ.

    Người đàn ông cựa mình rồi choàng mở mắt. Bấy giờ ánh sáng đã giúp thanh niên nhìn rõ gã:
    - Lại một ngày mới.
    Giọng gã đặc sệt.
    Thanh niên không nói gì. Hắn chăm chú nhìn lên lỗ thông hơi. Người đàn ông đảo mắt khắp mặt hầm với ánh mắt đầy mưu toan. Bỗng gã dừng lại ở thiếu nữ. Nàng nằm sấp, một phần thân thể chệch ra ngoài đất, mặt úp xuống im lìm. Gã chăm chú nhìn. Khuôn mặt gã mỗi lúc càng tái, rồi như không kìm nổi sự hốt hoảng gã gọi:
    - Cô Liên, cô Liên !
    Nhưng thiếu nữ không cử động. Người đàn ông chồm tới băng qua người thanh niên, đặt tay lên bàn chân nàng. Bàn chân lạnh ngắt. Lúc đó thanh niên cũng vừa kịp hiểu, hắn giúp gã đỡ nàng dậy. Nhưng thiếu nữ đã mềm nhũn. Một vết cắt trên cổ tay trái, máu đọng đen dưới một khoảng đất ướt.

    Không khí trong căn hầm đã đổi khác. Trong ánh sáng còn nhạt nhòa bóng đêm, người đàn ông nhặt chiếc ly vỡ từ một góc hầm. Gã im lặng ngồi ngắm mớ thủy tinh trong tay. Thanh niên thì mân mê quả lựu đạn mà hắn lấy ra dưới cát từ lúc nào. Hai người nhìn xác thiếu nữ. Họ không nói với nhau một lời.

    Có lẽ trong đầu họ bây giờ bóng đêm là thứ ánh sáng duy nhất, là niềm hy vọng cuối mà họ chờ đợi.


    (tập truyện Cát Vàng, nxb Ý Thức, Sài Gòn 1971)

    Comment


    • #3
      Cuộc Chơi



      1.

      Người đàn ông đứng dựa lưng vào quầy hàng, tay vo tròn hai miếng giấy nhỏ, tay nâng ly rượu lên ngang tầm mắt, nói với người con trai đang ngồi duỗi chân trên thành cửa sổ đối diện.
      - Nếu điều tôi nghĩ là đúng, chú có dám cùng tôi chơi trò này không? Tôi sẽ ném hai viên giấy này ra giữa phòng, trong một viên giấy có ghi dấu, còn viên kia để trắng – dĩ nhiên chú hiểu ý nghĩa của mảnh giấy trắng kia rồi. Trắng là zéro. Trắng là mất – bây giờ chú hãy cạn ly.

      Người con trai nãy giờ im lặng, khuôn mặt thật dịu dàng, chú ý nghe người đàn ông. Chàng giơ cao ly rượu lên nhìn, trước khi uống một hơi cạn.
      Người đàn ông :
      - Như vậy là chú đã bằng lòng. Chú hãy nhặt một viên giấy nhé.
      Người con trai :
      - Hãy xem như tôi đã nhặt rồi. Tôi mở đúng mảnh giấy trắng, không ghi gì hết. Không có gì hết. Tôi nhận con số không. Chúc ông ở lại vui vẻ.
      Người đàn ông chỉ kịp thốt :
      - Ô hay…
      Trong khi đó người con trai mở cửa, bước nhanh vào đêm mưa.


      2.

      Người đàn ông bây giờ ngồi trên chiếc ghế cao, lưng vẫn dựa vào quầy hàng. Hắn cúi nhìn hai viên giấy tròn nhẵn trong bàn tay mở ngửa. Những sợi tóc bay trước trán. Hắn ngồi như không nghĩ ngợi gì hết trong vài phút. Căn phòng im lặng ngoài tiếng mưa rả rích trên mái.
      Người đàn ông :
      - Chủ quán à…
      Có tiếng dạ sau bức màn bằng vải dày.
      - Có khi nào quán vắng như đêm nay không…
      Chủ quán trả lời :
      - Thường lắm ông ạ. Quán tỉnh lẻ mà. Chỉ ồn ào trong dịp người ta nghỉ hành quân thôi. Chắc ông cũng là lính…

      Người đàn ông đánh diêm đốt thuốc thổi khói trên bàn tay hai viên giấy lăn lăn chạy vòng rồi dừng lại. Hắn cảm thấy cay mắt.
      - Chủ quán à… có khuya quá không? Tôi có làm phiền…
      Chủ quán vén tấm màng bước ra, vội vã trả lời:
      - Không, không. Quán vẫn thường mở khuya.
      Rồi chợt nhìn vào bàn tay người đàn ông, chủ quán có vẻ ngạc nhiên hỏi:
      - Cái gì trong bàn tay ông thế?
      Người đàn ông :
      - Thử đoán xem…
      Chủ quán chăm chú nhìn rồi lắc đầu :
      - Chịu, tôi chịu. Đối với các ông, tôi không thể đoán được – Không thể trả lời như điều mình có thể trả lời được. Chắc chắn trên bàn tay ông, không phải là hai mảnh giấy được vo tròn lại…
      Người đàn ông cười khà khà :
      - Cho tôi thêm rượu.
      - Dạ.
      Nhưng người đàn ông chờ mãi vẫn không thấy chủ quán trở vào.
      - Ông ta thật tế nhị. Dĩ nhiên trên bàn tay ta không phải… Không phải, nó chính là người con trai đã bước ra khỏi quán, là tâm trạng ta bây giờ, là những tình cờ tiếp nối như một định mệnh sắp tới.
      Người đàn ông nghĩ ngợi, rồi buột miệng :
      - Chủ quán…

      Im lặng. Tiếng mưa rả rích cùng tiếng gió kéo lê ngoài những cánh cửa. Lát sau chủ quán trở vào với những giọt mưa lóng lánh trên mái tóc hoa râm. Người đàn ông :
      - Tôi vừa gọi chủ quán.
      - Xin lỗi, vì tôi không có ở đây.
      - Trước đó tôi có gọi ông cho thêm rượu.
      - Xin lỗi, bấy giờ tôi bỗng nghe có tiếng chân người như muốn gặp…
      Người đàn ông bỏ ghế đứng dậy, hai tay vòng lại trên quầy hàng:
      - Ai mà không vào trong này?
      Chủ quán nhìn người đàn ông đăm chiêu :
      - Gã con trai lúc nãy. Hắn trở lui nhờ tôi trao cho ông mảnh giấy này. Hắn từ giã tôi – Thì ra hắn cũng là lính…
      Người đàn ông :
      - Là lính thì sao… Tôi thấy ông như có vẻ nghẹn ngào…
      Chủ quán :
      - Lính có nghĩa với buồn không ông nhỉ?
      Người đàn ông :
      - Không, ông ạ. Xin cho tôi thêm rượu đi. Tôi ít nghĩ đến điều đó. Tôi nghĩ đến đời sống và những quyết định của mình hơn. Giá trị đời sống không phải…

      Chủ quán vừa rót rượu ra ly, vừa vội vã ngắt lời:
      - Tôi hiểu. Lẽ ra tôi phải nói khác đi. Tôi phải nói để ông hiểu nỗi buồn trong tôi chẳng hạn…
      Người đàn ông ngậm ngùi :
      - Chắc ông có những người con đi lính…
      - Có, nhưng bây giờ thì không còn nữa.
      - Họ đã giải ngũ rồi.
      - Không. Chết.
      Chủ quán vén cao tấm màn bước vào phía trong. Người đàn ông hớt hãi nói theo:
      - Xin lỗi ông. Tôi xin lỗi ông.
      Rồi vói tay nhặt mảnh giấy của người con trai gửi lại đặt dưới chai rượu.


      3.

      Thiếu nữ mời người đàn ông ngồi vào nghế.
      - Không, tôi không ngạc nhiên. Vì tôi biết ông là bạn của anh ấy. Trời bên ngoài chắc lạnh lắm ông nhỉ?
      Người đàn ông tiếp tục vuốt những giọt nước mưa trên áo:
      - Lạnh… Cũng không lạnh lắm cô ạ. Buổi chiều cô không đi đâu?
      - Chiều nay tôi hẹn anh ấy đến mà.
      Người đàn ông ngẩng mặt lên, vẻ ngượng ngập:
      - Xin lỗi. Tôi đãng trí quá. Và anh ấy đã không đến được.
      Thiếu nữ :
      - Tôi biết điều đó từ khi ra mở cửa. Anh ấy đã làm phiền ông đến đây.
      - Không đâu. Tôi không coi như vậy là một sự làm phiền. Cô có mảnh giấy này.
      Người đàn ông trao thiếu nữ mảnh giấy mà người con trai gửi lại cho hắn đêm ở quán rượu.
      - Tờ giấy hẳn bị ướt quá nhiều?
      Thiếu nữ :
      - Cám ơn ông, không. Tờ giấy của tôi viết hẹn chàng lại.
      - Vâng, tôi biết, vì nhờ nó mà tôi tìm đến đây được.
      Thiếu nữ thoáng ngơ ngác :
      - Ông muốn nói địa chỉ tôi hẹn chàng trong đó?
      Người đàn ông cúi xuống nhìn bàn tay mình, trả lời :
      - Tôi không biết nữa.
      Thiếu nữ đứng dậy, vẻ bối rối đã xuất hiện trên hai bàn tay run run.
      - Xin lỗi ông, nãy giờ tôi quên pha trà. Có lẽ ông còn lạnh…
      - Cám ơn cô, không hề gì.
      Người đàn ông nhìn thiếu nữ loay hoay châm trà, bỗng dưng cảm thấy ngọt ngào trong đáy cổ. Hắn nói:
      - Trà thật thơm.
      Thiếu nữ ngồi xuống, hai bàn tay lồng vào nhau bóp chặt.
      - Mưa thật buồn, mặc dù có tăng thêm vẻ ấm cúng trong những giờ gia đình họp mặt. Nhưng chắc ông, cũng như anh ấy, đều không thích mưa… Thưa ông, mà tôi nghĩ ông có thể cho tôi biết…
      - Quả thật có những thắc mắc cần thiết, nhưng thường những thắc mắc không dễ trả lời. Cô có hay nghĩ tới những tình cờ. Tình cờ, có khi đến với mình như một định mệnh. Cô còn nhớ bữa ăn tối hôm đó…

      Thiếu nữ cắn môi gật đầu. Người đàn ông ép tách cà phê giữa hai bàn tay, im lặng một lúc.
      - Cô có nhận ra người ta đã sống quá nhiều bằng những ngụy biện, những chống trả vô ích… Sống như một đính chính thường trực về cuộc đời mình. Tôi nghĩ đó là một cách tự tử.
      Thiếu nữ :
      - Tôi không hiểu ý ông.
      - Chưa đến lúc cô bày tỏ sự đồng ý thì đúng hơn…
      - Ông vừa nhắc tôi về bữa tiệc tối hôm đó…
      Người đàn ông đặt chiếc tách xuống khay trà:
      - Vâng, hôm đó tôi ngồi đối diện cô. Tôi nhìn ngọn đèn phía sau cô, và chẳng hiểu sao tôi có thể mải mê với thứ ánh sáng bấy giờ.
      Thiếu nữ :
      - Hôm đó ông nói với tôi: phía sau cô có một ngôi sao thật lạ…
      Người đàn ông lúng túng:
      - Thì ra cô có nhớ.
      - Vì bấy giờ anh im lặng quá. Sự im lặng thường không nên có trong mọi sum họp trên hai người.
      - Cô nghĩ như vậy ?
      - Vâng, và tôi còn nghĩ khác nữa, nhưng điều này quả khó nói ra…
      Người đàn ông nhìn thiếu nữ thật lâu, bấy giờ nàng bối rối hẳn.
      - Có những điều quả khó nói ra. Người ta có thể câm nín, nhưng người ta không thể không nghĩ tới chuỗi sống hạn hẹp của đời mình, vì thế…
      Người đàn ông ngập ngừng, trong khi thiếu nữ thì mất bình tĩnh.
      - Sáng mai tôi đi rồi, đi như anh ấy vậy.
      Thiếu nữ :
      - Tôi cũng buồn.
      Người đàn ông nói nhanh, nhưng giọng hơi run :
      - Còn tôi thì vì yêu cô… vì vô cùng yêu cô.
      Thiếu nữ hốt hoảng, đứng phắt dậy :
      - Ông, ông…


      4.

      Chủ quán cầm chiếc khăn lau một đường dài trên mặt quầy hàng. Người con rai ngồi duỗi chân trên thành cửa sổ hút thuốc. Tiếng mưa rả rích, đều đặn trên mái nhà. Chủ quán nhìn người con trai rồi quay lưng vào phía trong. Người con trai ném mẩu tàn thuốc xuống nền nhà, có vẻ chán nản:
      - Sao quán vắng mãi thế này ông nhỉ.
      Tiếng chủ quán vọng ra :
      - Không đâu, tại ông tới khuya. Họ vừa về hết… Ông dùng cà phê?
      - Vâng.
      Khi chủ quán mang tách cà phê ra đặt trước mặt, người con trai hỏi:
      - Ông có nhớ người đàn ông đến đây với tôi tháng trước…
      Chủ quán buột miệng ngay :
      - Tôi nhớ. Tôi nhớ đêm đó ông ta ngồi hút thuốc, thổi khói trên bàn tay có hai viên giấy nhỏ… ông ta thật lạ…
      - Ông nhớ thật rõ. Chúng tôi thích chơi trò trẻ con như thế đó.
      Chủ quán mở tròn mắt, trong khi người con trai giải thích.
      - Trò chơi may rủi ấy mà. Bọn lính mỗi khi nhậu nhẹt xong vẫn hay bốc thăm trả tiền. Còn người đàn ông thì yêu một người con gái, con gái thì nghĩ rằng tôi yêu…
      Chủ quán mỉm cười.
      - Tôi hiểu rồi. Mà sao ông…
      - Tôi nghĩ khác. Tôi quen ở chiến trường. Chúng ta không quyết định được gì hết. Tôi tin ở những tình cờ, do đó trong cuộc sống tôi thích tình nguyện…
      Người con trai uống một ngụm cà phê, đốt điếu thuốc mới.
      - Tôi thích được trẻ lại, chơi trò con nít. Tôi biết chiến tranh còn, thì cuộc chơi nào cũng không thể dài lâu. Tôi đã nói với ông rồi, vô nghĩa lắm. Tôi làm gì cũng được…
      Chủ quán bước lại góc phòng tắt ngọn đèn ngoài hành lang. Bóng mờ trùm xuống. Cảnh trí trong phòng trở nên hiu hắt. Tiếng mưa rả rích trên mái nhà, buồn dai dẳng.
      - Tháng này mưa nhiều quá ông nhỉ. Tôi không thích mưa. Có lẽ khuya lắm rồi…
      Chủ quán nhìn lên chiếc đồng hồ treo :
      - Cũng khuya.
      Người con trai đứng dậy. Chủ quán như sực nhớ ra điều gì, quay vội hỏi:
      - Còn người bạn ông sao không đến…
      Người con trai cầm điếu thuốc giữa hai ngón tay cái và trỏ, cúi mặt nhìn nền nhà im lặng một lúc mới trả lời.
      - Ông ta hả? Chết rồi, ông ta đạp phải mìn.
      Chủ quán hốt hoảng, hai bàn tay run run và đôi mắt mở tròn nghe người con trai buồn buồn tiếp:
      - Có lẽ vì trước đó người đàn ông đã ngẩng mặt nhìn trời. Trời thì bao giờ mà chẳng đẹp, chỉ có sự chết chóc trên mặt đất…/.


      (Ý Thức số 1, ngày 1 tháng 10 năm 1970)

      Comment


      • #4
        Mùa Xuân Hư Vô


        Mặt trận Q.Ng. trở nên sôi động trong mấy ngày qua. Đó là điều chập chờn mãi trong đầu lão Lang, nhưng lão giữ im lặng. Trời mưa thật nhẹ, những hạt mưa bụi tưởng không làm ướt áo người đi đường, lại làm se da thịt lão. Sân cỏ xanh mướt trước mặt, những lá cỏ dài vươn cao lay động dịu dàng trong gió. Mùa Xuân khí trời như thế nầy thì phải lắm, nhưng lão Lang vẫn cảm thấy ái ngại khi nhìn những chiếc trực thăng tản thương lên xuống vun vút ở cuối sân cỏ. Với những người bị thương thì mùa nầy lại làm họ phải chịu đựng thêm một lần đau đớn nữa, điều mà mỗi khi lão nghĩ tới, thường kèm theo nhiều tiếng xuýt xoa. Tiếng trực thăng nổ lụp bụp trên cao, tiếng máy nghe thật buồn. Mấy ngày nay âm thanh đó như thường trực trong không gian nhỏ bé nầy. Mặt trận Q.Ng. vẫn còn tiếp diễn, người ta đang giành nhau từng ngọn đồi, và nghe đâu có nhiều thương binh bị kẹt dưới hỏa lực địch, chưa đem về được. Lão Lang xoa hai bàn tay vào nhau đứng dậy, khi nghe tiếng chân thằng Kiên chột mắt đi ăn cơm trưa về. Kiên phủi chân lên bậc cửa.
        - Có lẽ nội chiều nay người ta sẽ chở đi mấy quan bác à. Tôi thấy thân nhân họ ngồi thật đông trong phòng Xã hội.

        Lão Lang loay hoay ở một góc nhà. Một lát, lão kéo ra chai rượu đế chỉ còn một phần ba. Lão đưa chai rượu lên tầm mắt nheo nheo nhìn.
        - Họ chở đi mấy quan có thấm gì. Tao nghe trận nầy đánh ác quá. Có thể chết tới cả trăm.

        Thằng Kiên xé bao hương, thổ thổ nắm hương trên lòng bàn tay cho bằng nhau, rồi ghé vào ngọn nến trên nắp chiếc quan tài, đốt. Mùi hương tỏa khắp căn phòng, nhưng cả lão Lang và Kiên không để ý tới. Bụi mưa lọt qua những song sắt cuối bức tường bay xuống làm ẩm mấy tờ giấy điều nằm ngổn ngang trên nền xi măng. Lão Lang đi về phía tủ ướp xác khổng lồ có rất nhiều ngăn dài sâu vào trong như một cái hộc bàn có quai cầm. Lão khom lưng nhìn vào tấm phiếu bằng bìa cứng cột sẵn ở mỗi ngăn. Lão xem hết một lượt, rồi quay lại nói với Kiên:
        - Có lẽ chiều nay thân nhân họ không tới thì mình liệm. Mày nhớ mua thêm ít rượu đế nữa đi. Đêm qua có mấy cái xác tao đổ rượu nắn hoài mà suýt không bỏ vào quan được . Chúng bắn loại súng gì mà chết lạ quá.


        Tiếng trực thăng lại nổ lụp bụp trên nóc nhà xác. Những chiếc xe hồng thập tự chạy nhanh ra sân bay. Lão Lang không buồn nhìn theo. Trời lạnh làm lão luôn miệng hít hà. Thằng Kiên nhìn cái ảnh trên bàn thờ đặt trước chiếc quan tài có phủ lá cờ mới. Người trong ảnh thật trẻ, chụp lúc còn là sinh viên sĩ quan. Chiếc mũ cát-két với vành lưỡi trai che ngang chân mày, chiếc cà vạt đen phần đuôi được nhét vào ngực áo, cặp an-pha làm đôi vai thật ngang. Hình như sĩ quan nào cũng có hình chụp lúc làm sinh viên sĩ quan cả. Những tấm ảnh đó như một sự trùng hợp, thường được người ta chọn lồng vào khung kính đặt ở bàn thờ. Nhìn mãi rồi quen mắt. Mấy ngày trước có một chuẩn úy tử trận được đưa về đây. Người mẹ có mặt ngay vào buổi chiều.Bà khóc thét lên, hai bàn tay đập xuống nền đất. Nhưng đến tối thì bà hết nước mắt. Kiên nhìn bà ngồi ủ rũ bên quan tài con. Mái tóc rũ trên đôi vai áơ trắng. Bà bắt đầu kể lể về những ngày còn sống của con, về người vợ sắp làm lễ cưới… Bấy giờ lão Lang ngồi rót rượu rhum ra chiếc ly nhỏ xíu trên tay ực từng ngụm, còn Kiên nhìn ngọn đèn chớp đỏ trên đài quan sát bên phi trường. Ngày hôm sau, đứa em trai người chuẩn úy tử trận cầm tờ báo, cùng một thiếu nữ mặc áo đầm trắng đi vào. Đứa con trai ngồi xuống cạnh quan tài anh, chỉ cho mẹ xem ở trang cáo phó. Người đàn bà nhìn, đôi mắt chớp chớp, rồi bật khóc nức nở khi thấy thiếu nữ đang cúi đầu chào mình. Bà dày vò khuôn mặt trong hai bàn tay khô nám. Đứa con trai bỏ ra ngoài hiên. Thiếu nữ đứng yên, lặng lẽ chảy nước mắt. Lúc đó Kiên định ra ngoài ăn cơm trưa, nhưng hắn dừng lại. Nước mưa loang ra một góc nhà. Hắn nhìn vũng nước sóng sánh bùn loang đến chân thiếu nữ. Đôi giầy cao gót dính đầy đất. Kiên ngại ngùng nhìn cặp chân trắng nõn, những sợi lông măng dài mơn mởn. Thiếu nữ im lặng chặm nước mắt. Nàng còn trẻ quá. Kiên nghĩ thầm, rồi bước ra sân cỏ. Lão Lang ngồi dựa lưng vào tường, hai cánh tay tì gối, ung dung vấn thuốc hút. Bầu trời hừng nắng nhưng những bụi mưa vẫn còn lất phất nom thấy rõ.

        Đám lính trực bỏ chỗ ngồi ở dưới những tàn cây cạnh sân trực thăng, tản mác vào các phòng. Tiếng các loại xe chạy vút qua báo hiệu giờ làm việc, và giờ giấc chung của mọi người thường cũng ảnh hưởng đến lão. Lão cảm được sự nghỉ ngơi ơ hờ của mình qua từng hơi thuốc, từng ngụm rượu nhỏ giữa đám xác chết được kéo fermeture cẩn thận trong các túi ni lông. Gió thổi bay những tàn hương xuống mặt bàn. Lão đứng dậy, nhìn qua các chiếc quan tài sắp thành hàng một lượt, rồi đưa tay lần trong túi áo tìm hộp quẹt. Lão thắp lại những ngọn nến đã tắt, gắn lại vài ngọn mới. Lão khom lưng kê mặt sát bàn thờ thổi bụi, những tàn hương rơi nhẹ xuống nền nhà ẩm ướt.

        Thằng Kiên từ trên phòng Xã hội đi xuống, bước chân dẫm lên đất nhão kêu lép bép. Hắn nhìn lão Lang, rồi nhìn vào các ngăn tủ ướp xác.
        - Chắc không còn chỗ nào, bác?
        Lão Lang đứng sửa lại một vài thứ trên bàn thờ, đưa tay nạy những khoanh bạch lạp chảy thành vũng trên nắp áo quan.
        - Hết rồi. Tình trạng nầy không thể chờ thân nhân họ được nữa. Chiều nay phải liệm cho xong mấy cái túi ni lông đó. Hình như đã có mùi rồi. Tao mong trời đừng nắng lên…

        Thằng Kiên nhìn ra bãi cỏ xanh mướt:
        - Tui nghe chiều ni còn về nữa đó. Họ vẫn còn đánh nhau mà. À, chuẩn úy Xuân đem chai rượu xuống bác chưa? Ông ấy nói để thưởng bác…
        Lão Lang càm ràm:
        - Chưa. Có rượu uống cho át bớt mùi cũng đỡ. Mà sao không trình xin thêm người làm nhỉ. Không lẽ chỉ có tao với mày?

        Tiếng trực thăng đột ngột vang lên, rồi cả đám cỏ sát sân bay bị thổi rạt xuống. Những xe hồng thập tự chạy vụt ra. Kiên đưa mắt nhìn theo. Hắn không thấy những chiếc cáng được khiêng xuống như mọi lần, mà chỉ thấy người ta đang chuyển những túi ni lông nặng nề. Mấy người lính chạy tới chạy lui dưới cánh trực thăng, thỉnh thoảng ngừng lại nhìn nhau lắc đầu .
        Lão Lang khom lưng sắp những chai rượu ở góc phòng. Những cây vải trắng toát cũng được dựng đầy một góc đối diện. Kiên quay vào thở dài:
        - Làm sao đây bác? Trực thăng đang đem xác về nữa đó. Hòm, chắc chắn không lấy kịp rồi.
        Tiếng lão Lang khuất sau mấy chiếc quan tài vọng qua:
        - Mày khỏi lo, cứ bó xác bằng vải để đó…
        Chợt lão im lặng. Tiếng một người đàn bà đang khóc nấc trước sân cỏ. Thằng Kiên bước ra đứng ở hiên nhìn. Người đàn bà đang vùng vẫy trong tay một thanh niên trẻ.
        - Hãy cho tôi thấy mặt chồng tôi.
        Thanh niên nói gì bên tai người đàn bà. Đôi mắt y cũng đỏ hoe. Người đàn bà khóc tức tưởi:
        - Các ông đừng có dối tôi, tội nghiệp lắm,. Xác chồng tôi có về tới đây không? Anh ơi, các con đang đợi anh ở nhà…
        Thằng Kiên nhăn mặt. Hắn ghét nghe những lời khóc kể lể như vậy. Những âm thanh quen thuộc đến nhàm chán mà hắn phải nghe mỗi ngày, chẳng hiểu sao vẫn làm lòng hắn xao xuyến đến không chịu nổi. Hắn nói với người lính đang canh chừng mấy bao xác:
        - Cho bà lại nhìn mặt chồng đi mày.
        Người lính quay lại sừng sộ:
        - Xúi ẩu nghe mày. Ổng còn mặt mũi đâu mà cho nhìn với không?
        Người đàn bà thoáng thấy Kiên và người lính như đang nói chuyện gì liên quan tới mình lại khóc to thêm, mong tiếng khóc đó như một trợ lực có thể thúc đẩy hai người quyết định giúp bà toại nguyện. Người lính hiểu ý, nói như quát:
        - Bà đừng khóc nữa nghe khổ lắm. Tôi đã báo cho bà biết, chồng bà đây rồi.
        Người lính lại cúi xuống bao xác, lật cái etiquette đọc lớn một lần nữa:
        - Đây nè, Hạ sĩ nhất Nguyễn Văn Đ. số quân…, đại đội…
        Người đàn bà vùng thoát khỏi tay thanh niên, nhào tới bên bao xác:
        - Trời ơi, số quân là chi tôi đâu biết. Cho tôi nhìn mặt chồng tôi một tí thôi mà…
        Người đàn bà bỗng ngừng khóc, nói bằng giọng thật tỉnh táo; nhưng không dấu được nổi hớt hãi:
        - Tội anh, anh lật mặt cho tôi thấy một giây thôi mà.
        Người lính lúng túng không biết phải làm gì. Thằng Kiên bước ra đở người đàn bà dậy.
        - Thôi bà à, bà hiểu cho tại sao chúng tôi không giúp bà được… Chúng tôi cũng khổ lắm!
        Tiếng một vài người xì xầm chung quanh. Người đàn bà chợt hiểu ra, khóc nức nở, hai bàn tay vổ xuống nền sân lấm bùn đỏ.
        Bây giờ không khí quanh nhà xác đã sôi động rõ. Thân nhân các tử sĩ đang kéo đến ngồi đứng la liệt ngoài bãi cỏ. Tiếng máy xe hồng thập tự nổ đều ở đầu sân đang chờ bỏ xác xuống. Thằng Kiên đi vào phòng lão Lang thấy lão đang khó nhọc kéo một cái xác ra khỏi túi ni lông. Giọng lão buồn bã:
        - Mỗi người đến tìm xác chỉ khóc một lần, chỉ khổ cho tao phải nghe đến mãn đời.
        Người nầy bị một viên ở ngực đây. Chết trận mạc như thế nầy thì cũng phước lắm. Kiên à, phải làm ngay cho xong mấy cái xác còn lại hôm qua. Mày chịu khó ăn cơm tối một chút cũng được. Hôm qua còn mấy nhỉ?
        - Bốn, bác à.
        Kiên trả lời, hai tay cuốn tròn túi ni lông ném vào một góc. Lão Lang đặt xác chết lên bàn đá, gọi thằng Kiên cầm chai rượu đổ vào hai bàn tay chụm lại của lão. Lão nắn cho cái xác nằm ngay ngắn. Kiên đưa bàn tay vuốt cẩn thận cặp mắt đã lạnh cứng, chợt nghĩ tới trận đánh mà hắn từng tham dự cách đây mấy năm. Hồi đó đâu đánh lớn như bây giờ. Thế mà hắn vẫn bị thương, bị mù một mắt, rồi được đưa ra hội đồng miễn dịch. Kiên nhớ những đứa bạn cùng chia nhau nửa điếu thuốc, thường dựa lưng vào nhau những đêm ngồi kích ngoài đồng. Có thể trong đám bạn đó, bây giờ có đứa không còn nữa. Chết dễ quá mà. Kiên nhìn xuống lổ đạn tròn vo đen thẳm trên ngực cái xác, thở dài. Lão Lang đang lấy vải quấn quanh xác chết, bó lại như một hình người bằng thạch cao, xong cùng thằng Kiên khiêng xuống đặt cạnh những cái xác khác đã liệm rồi. Lão Lang làm việc không vội vã. Mấy lít rượu đã vơi gần hết. Tiếng trực thăng vù vù rồi nổ lụp bụp trên mái nhà. Tiếng xe hồng thập tự thắng rít trước sân cỏ, cùng tiếng người lao xao sụt sùi nước mắt vọng tới tai lão.

        Kiên và một người lính khiêng vào một bao ni lông mềm nhủn nhưng có vẻ nặng ký. Lão Lang chăm chú nhìn theo, những nếp nhăn trên trán lão nhíu lại. Lão nói với Kiên và người lính, giọng trầm xuống:
        - Để đó cho tao làm một mình cũng được. Tụi mày ra ngoài giúp đưa mấy xác còn ngoài trời vào trong.
        Kiên hiểu ý lão, kéo người lính đi ra. Lão Lang thường muốn một mình liệm những xác không toàn thây. Lão tránh để người khác thấy nỗi xúc động của mình. Nhiều lúc đứng trước những hình ảnh quá thê thảm của đời người, lão đâm ao ước được chết ngay tức khắc, để cảm thấy tâm hồn không đau đớn quá nổi đau đớn về những cái chết mà lão phải chịu đựng hằng ngày.

        Kiên ra đứng trước sân cỏ. Bụi mưa bay bay thật nhẹ trong không gian. Hắn nhìn vẩn vơ những bao đựng xác nằm ngổn ngang dưới hiên, nghĩ đến những ngày Tết êm đềm đã qua, cùng những người bấy giờ không nghĩ tới mình đang hưởng một mùa xuân cuối cùng. Kiên cảm thấy nỗi hư vô thấp thoáng trong bụi nước, trong từng lá cỏ, trong cả một mùa xuân. Những bữa cơm trưa khô khan như rơm rạ. Nỗi u buồn như muốn thay hết ý nghĩa của cảnh vật. Làm sao để sống được phần đời còn lại của những kẻ đang nằm bất động trong các túi ni lông đó? Kiên quay trở vào đứng cạnh một chiếc quan tài. Hắn rút nắm hương thổ thổ trên lòng bàn tay, rồi châm vào ngọn nến.

        Chuẩn úy Xuân từ phòng Xã hội đi xuống. Anh ngừng lại trước hiên cởi áo mưa. Cổ chai rượu rhum lòi ra giữa hai hạt nút áo. Anh đứng nghiêm chào mấy cái quan tài, rồi bước ra phòng lão Lang. Kiên chột mắt phủi hai tay vào nhau bước theo sau. Gió lạnh làm hắn cảm thấy se se ở gáy.

        Đến khung cửa, người sĩ quan ngừng lại. Anh im lặng nhìn lão Lang đang ngồi ngã lưng vào tường, hai mắt nhắm nghiền. Chung quanh lão, những xác chết vừa liệm xong, bó gọn gàng bằng vải trắng như những pho tượng thạch cao. Kiên đưa tay cầm cổ chai rượu trong áo chuẩn úy Xuân rút ra, đặt nhẹ nhàng xuống cạnh lão. Lúc đó Kiên không nghĩ gì. Còn người sĩ quan thì có vẻ buồn ngủ./.


        (Tạp chí Bách Khoa số 316, 1970)
        Last edited by chimtroi; 02-04-2013, 02:06 PM.

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X