Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nếu không thể trở thành thi sĩ, hãy là bài thơ

Collapse
X

Nếu không thể trở thành thi sĩ, hãy là bài thơ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nếu không thể trở thành thi sĩ, hãy là bài thơ


    Nếu không thể trở thành thi sĩ, hãy là bài thơ




    If you cannot be a poet, be the poem.
    David Carradine



    Nếu không thể trở thành thi sĩ, hãy là bài thơ. Câu nói của David Carradine đã mở ra một chân trời rộng cho người thưởng ngoạn và đời sống như thơ. Chính bản thân của thi sĩ cũng là người thưởng ngoạn. Đối với thi sĩ, câu nói của Carradine có thể hiểu rằng, những lúc không làm thơ, hãy là bài thơ.

    Nói một cách khác, thưởng ngoạn thơ là một cách sống yêu chuộng cái đẹp đa dạng đang hiện diện trên mặt cũng như ẩn dưới lòng sâu của cuộc đời. Làm thơ là một cách sống với cái đẹp đa dạng nhưng đam mê đi tìm cái đẹp duy nhất và tinh ròng dù chưa hề thấy nhưng biết nó hiện hữu và không bao giờ đến được nơi đó.

    Nếu bản chất hoặc số mệnh của một người là thi sĩ thì sức hút của thơ cũng giống như hấp lực của tình yêu sẽ lôi cuốn con người đang lớn lên này, dang tay ôm lấy tình nhân cho dù nhân quả ra sao. Rồi điều khó hiểu nhất là tình nhân lại không phải là tình yêu.

    Bất cứ một người nào đều có thể là người thưởng ngoạn thơ và đem cái đẹp, cái thơ (không phải là thi ca) vào đời sống hàng ngày. Ít đẹp nhiều đẹp, thơ cao thơ thấp, là tùy vào duyên sống và trình độ thu thập.

    Lúc còn học lớp nhì, lớp nhất trường tiểu học Giu Se ở Xóm Mới Nha Trang, tôi thường lang thang những ngày cuối tuần, đi sâu vào sau lưng nhà thờ Qui Hải. Lúc bây giờ, nhà thờ này là điểm cuối của đường cái Nguyễn Hoàng. Tiếp theo là vài đường con, chạy xa lắc về những chốn thôn quê. Dọc con đường đất có nhiều hoa cỏ dại, hoa Trang, hoa Mồng Gà, hoa Vạn Thọ, hoa Lài, hoa Lý . . . và trên hàng rào có đủ hoa Kèn, hoa Bông Giấy, hoa Sứ, hoa Dâm Bụt, hoa Bìm, hoa Bầu, hoa Bí, hoa Ti Gôn, hoa Tường Vi . . . Tôi thường dừng chân trước nhiều loại hoa để ngắm nghía cách tạo dựng của thiên nhiên và màu sắc buồn vui của hoa. Cảm giác lạ lùng, tò mò, thán phục về hoa mãi mãi là cảm nghiệm về tài năng sáng tạo của thiêng liêng. Dấu ấn mạnh nhất trong tôi là hoa Cứt Chó. Không biết có phải là hoa Cứt Lợn không? Tôi không rõ. Nghe người xóm gọi tên Cứt Chó, tôi rất hiếu kỳ để ngắm nghía. Gọi là cứt nhưng không có mùi. Bụi hoa dại thấp. Cao nhất là đến vai cậu bé. Hoa màu xanh dương lợt có xen lẫn màu trắng, mọc chùm. Bẻ chảy nhiều mủ trắng đục. Lạ lùng nhất là trong nhụy hoa: năm con chó ngồi vòng tròn, chụm mặt vào nhau, xoay lưng ra ngoài. Nhìn thấy mỗi con có hai tai, cái lưng và cái đuôi cong lên của con chó lông xù. Sao không gọi là hoa Ngũ Cẩu, hoa Năm Chó mà gọi là Cứt Chó?

    Những thao thức vụn vặt của thời niên thiếu đã có một hôm đưa trung niên trở về. Đường Nguyễn Hoàng thay tên, kéo dài mút chỉ, đi bộ không hết. Những con đường nhỏ biến dạng, mập mạp, phấn son. Không còn biết đâu là Lài là Lý là Trang là Vạn Thọ là Sứ là Dâm Bụt . . . Hoa Cứt Chó biến mất, cứt chó thì nhiều.

    Đứng giữa cảnh ngổn ngang xe cộ, còi kèn dọa nhau, người hò kẻ hét . . . tưng bừng phố chợ, cái gọi là tang điền bể dâu nào có ăn thua gì. Cảm giác lạc lõng, một chút bỡ ngỡ, một chút bùi ngùi, một chút chấp nhận, một chút xâu xé, trung niên tận hưởng cơn mưa rào kéo qua. Nhanh mà đủ ướt nhẹp quần áo. Tôi chợt hiểu ra cái đẹp của sự đổi thay, cái hay của qui luật thiên nhiên. Cái đẹp xưa phải ra đi, không phải vì hết đẹp. Cái đẹp nay phải đến, không phải là không đẹp. Chẳng đẹp nào đẹp hơn đẹp nào. Cái đẹp đã định phải theo cái đẹp đổi thay để trở thành cái đẹp xác định. Đổi thay là thời gian. Đẹp xưa của người này là đẹp mới của người kia hoặc ngược lại. Tùy vào vị trí của người đó trong thời gian. Còn không gian thì sao? Hoa Cứt Chó không tìm thấy ở vùng nhiệt đới Costa Rica mà chỉ thấy hoa Cứt Chuột, một chùm tim tím, đen đen. Đẹp ở nơi này, đẹp ở nơi kia, chưa thấy, làm sao biết. Đố các nhà trồng hoa chuyên nghiệp ở Hoa Kỳ biết được hoa Cứt Chó?

    Thơ đã dẫn tôi vào thú vị với cuộc đời. Gặp cái đẹp đa dạng của đời thì thơ không còn nữa. Như một người bạn thiếu thời đã dẫn tôi đến gặp em trên Đà lạt năm Đệ Tứ. Sau đó, bạn tôi đi đâu? Về đâu? Thỉnh thoảng gặp nhau, đôi khi nghe tin nhau. Nhưng em đã là vợ của tôi 37 năm rồi. Thưởng ngoạn thơ là để thơ giới thiệu, dẫn đưa hồn người đến cái đẹp, cái hay. Khác với mỹ nhân, gặp cái đẹp từ thơ, thích cái nào thì cặp cái đó. Yêu quá thì cưới bao nhiêu cũng được. Không có giới hạn. Không bị ghen tuông. Không bị nguyền rủa. Đặc biệt là li dị lúc nào cũng không bị oán hận, không bị chê bai.

    - Đó là vì sao “hãy là bài thơ”.

    - Thưa, chưa được rõ lắm. Cách trình bày của nghệ thuật tuy hay mà mơ màng. Thiếu căn bản xác thực của khoa lý luận.

    Thôi thì bắt đầu bằng luận lý toán triết học, phương pháp lý luận của các triết gia và các nhà toán học. Nếu đã là A thì không thể là B, không là C, không là D. . . Nếu đã là nghệ thuật thì không thể là khoa học, không là việc làm, không là giao tế, không là . . . E, không là F. . . Nhưng nếu A = X + Y + Z còn B = X thì A = B + Y + Z. Nếu C = Y thì A = B + C + Z. . . Nếu A là nghệ thuật, thì rõ ràng con người đã có: Nghệ thuật khoa học, nghệ thuật giao tế, nghệ thuật làm việc, nghệ thuật Kama Sutra, nghệ thuật giải phẫu, nghệ thuật. . . cuối cùng là nghệ thuật sống đẹp. Chẳng phải nhà văn Trung quốc Lâm Ngữ Đường đã ca tụng đẹp là một cách sống?

    Bản thân của thơ cưu mang nhiều cấp bậc và trình độ nghệ thuật và tri thức khác nhau. Từ trình độ bình dân lên đến trình độ bác học. Bất cứ ở cấp bậc văn hóa, văn chương nào, cũng có thơ tương ứng. Nói một cách khác, thơ có khả năng rộng lớn chia sẻ với người đọc đủ hạng đủ loại đủ tầng lớp.

    Như bữa cơm, có người ăn cơm với canh rau đã thấy ngon. Có người ăn cơm với sơn hào hải vị mới thấy ngon. Ăn món ăn rẻ tiền cũng ngon. Ăn món đắt tiền cũng ngon. Tựu trung là cơm cộng với . . . ? Còn khẩu vị thì tùy mỗi người. Thơ mang cơm tới còn những món đẹp khác sẽ được cộng hưởng để đời sống là những bài thơ hoặc là một trường ca thú vị.

    Thưởng ngoạn thơ là dễ nhất vì thơ ở đâu cũng có. Trong báo chí, sách vở, trên internet, gần kề và thuận tiện. Không phải đi bảo tàng viện, phòng trưng bày. Không phải mua vé tốn tiền. Không cần phải sắp đặt trước nhiều thời giờ. . . Và người thưởng ngoạn thơ thông thái là người biết quên thơ, chỉ giữa cái đẹp, cái hay để mang vào đời sống hàng ngày. Nói chung, nếu có thể dùng nghệ thuật như một phương tiện thu hút Đẹp và Hay để sử dụng trong thực tế là một cách sống đẹp. Đó cũng là một lý do mà chúng ta thấy được sự khác biệt của người sống chung quanh. Cùng một ngôi nhà, người chủ ở trước trông rất đẹp, mỹ nghệ cao. Trong khi người mua lại, dọn vào trang trí quê mùa và bừa bãi. Cùng là người đẹp, sao có người hợp thời trang, có người càng làm đẹp trông càng sến. Trình độ thẩm mỹ do đâu mà có?

    Có thể nói rằng cái Đẹp và cái Hay trong lòng của mỗi người sẽ hiện ra trong quan niệm, tiêu chuẩn và khả năng làm đẹp làm hay trong hành vi hoặc công việc hàng ngày của họ. Nếu là người nghệ sĩ, có thể nhìn vào những đẹp những hay trong đời sống của họ như nhìn một “nghệ bản,” thì có thể biết được trình độ và bản lãnh nghệ thuật của họ ở mức độ nào.

    Nhưng nếu đã làm được thi sĩ thì có cần là bài thơ không?

    Câu trả lời này thuộc về vế trước, tức là “If you cannot be a poet.”

    Cách sống đẹp hay là phần thưởng cho người nghệ sĩ. Cho dù có sáng tác hay không thì cuộc sống thú vị như một bài thơ hay là điều mong ước. Vì mỗi nghệ sĩ đều là người thưởng ngoạn, e rằng còn bị đòi hỏi cao cấp hơn, kỹ lưỡng hơn, thâm thúy hơn, thường xuyên hơn là người không nghệ sĩ.

    Người nghệ sĩ tiếp xúc, cận kề, thao thức, yêu mến nghệ thuật do đó họ thể hiện cái đẹp cái hay vào đời sống như một bài thơ khác hơn người thưởng ngoạn bình thường. Đời sống như thơ của họ cần phải nhìn từ một góc độ “khác thường” hơn. Thơ chỉ là một trong nhiều con đường sáng tác dẫn đưa nghệ sĩ đến giá trị của hành trạng sống. Đời sống như tranh họa đẹp cho họa sĩ. Đời sống như bức tượng đẹp cho nghệ sĩ tạo hình. Đẹp như tấm ảnh chụp cho nhiếp ảnh gia. Đẹp như. . . tác phẩm của người sáng tạo. Những đời sống này chỉ đúng cho những nghệ sĩ thật.

    Nhận định này đưa ra một câu hỏi liên hệ:

    - Có nghệ sĩ giả sao?

    - Dù biết hay không biết; dù tự biết hay cảm nhận mơ hồ, có những người nghệ sĩ không thật.

    - Không thật ở đây có nghĩa nào? Hoặc là tác phẩm không thật? Hoặc là tâm sự và ý thức của tác giả không thật khi sáng tác tác phẩm?

    Hai phần nêu trên đều thứ yếu. Thật hay không thật ở đây, chủ yếu là phần tâm lý. Có thể gọi là tâm lý sáng tác. Qua mấu chốt này, phân tích và phê bình có thể nhìn thấy rõ hơn những tác phẩm, những chi tiết trong tác phẩm; những bài thơ, những câu thơ trống rỗng và kêu to, phát ngôn cho những giá trị khác không phải là nghệ thuật.

    Khi một người vợ nghi ngờ lòng chung thủy của chồng, hỏi rằng: Anh có phản bội em không? Hoặc, anh có yêu ai khác không?. . . Một trăm người chồng, sẽ có 99 câu trả lời rằng: KHÔNG. Câu trả lời này không mấy liên quan đến lòng chung thủy mà tương quan mật hệ với sự lợi hại sau khi trả lời.

    Về một người nhận CÓ, hoặc anh ta thuộc về nhóm người hiếm hoi bảo vệ sự thật hoặc anh ta đang muốn xác nhận con đường để cao bay xa chạy về một chân trời mới. 99 người KHÔNG, có lẽ theo chủ thuyết tâm lý phụ nữ: Nếu nói CÓ, có thể được tha thứ (forgive) nhưng án tội này sẽ không bao giờ được xóa bỏ (forget). Khi trời trở, khi giông bão, bản án này sẽ được tái xử và người chồng thất thế này mãi mãi mang tội treo, không phải là tội đồ thiên cổ mà là tội nhân tình sự. Nếu nói rằng KHÔNG, sẽ bị nghi ngờ. Khi bị nghi ngờ, quyền lợi dành cho người bị tình nghi (benefit of doubt). Câu chuyện tiếp theo không quan trọng cho nội dung bài viết. Câu hỏi cần thiết là chuyện này liên quan gì đến thơ, nói riêng và nghệ thuật, nói chung?

    Như một người yêu vợ, yêu chồng, người làm thơ vì yêu thơ nhưng thường “không thật” với thơ. Rất nhiều bài thơ ra đời không vì giá trị nghệ thuật hoặc giá trị nhân sinh mà vì những lợi ích khác. Một trong những lợi ích có hấp lực mạnh chính là danh tiếng.

    Trước khi bước lên con đường say mê một người khác, ít ai cho rằng mình không chung thủy. Đặt câu hỏi lúc này sẽ có nhiều câu trả lợi biện bác cho lợi ích của tình ái bên lề. Hãy đợi sau khi có chiến lợi phẩm, có bằng cớ rồi hãy hỏi. Miễn là chiến lợi phẩm đừng quá lớn. Hãy đợi sau khi làm xong bài thơ. Từ chứng cớ này, hãy tự hỏi mình, có nhu cầu để viết bài này không? Có đạt đủ mức độ nghệ thuật diễn đạt không? Nhu cầu ở đây không phải là điều gì hệ trọng, lớn lao, có khi chỉ là một nỗi buồn lan man. Nếu không hội đủ hai đòi hỏi này, hãy tự hủy bỏ bài thơ. Nếu không thật sự có nhu cầu yêu và sống với người tình khác, nếu không có đủ điều kiện “nghệ thuật, kỹ thuật” với người mới để làm đẹp cuộc đời thì hãy nhanh chóng hủy bỏ và quay về. Ta về ta tắm ao ta, nhờ em lượng thứ, ao nhà dễ bơi.

    Cho dù đã có nhiều lần tôi tự trả lời nhưng hình như chưa thỏa mãn. Vì đâu thiên nhiên lại tạo ra năm con chó ngồi quanh bàn tròn trong một nhụy hoa? Ngẫu nhiên chăng? Hoặc sắp xếp một thông điệp gì? Bao nhiêu năm tôi vẫn không quên năm con chó ngồi chấu mặt vào nhau, xoay lưng ra ngoài, đuôi cong lên, năm cái đầu đội một chiếc mâm năm cạnh. Trên mặt mâm, năm chấm đen rải ra năm góc. Tôi tạm cho là năm cái ly. Đều đặn và như tượng có công phu điêu khắc. Có người cho rằng thiên nhiên là một nghệ sĩ tài ba, quả không sai.

    Nhưng năm con chó bị nhốt vào nhụy hoa và năm con chó chạy nhảy, tung tăng, sủa lớn, cảnh ngộ nào hay hơn? Phải chăng đây là một câu hỏi của sáng tác?

    Nghệ thuật khởi thủy phát xuất từ thiên nhiên. Bước đầu tiên là bắt chước thiên nhiên. Bước thứ hai là phối hợp thiên nhiên. Bước thứ ba, áp dụng những qui tắc đã khám phá từ thiên nhiên. Bước tiếp theo chưa phải là bước cuối là sử dụng tùy nghi những gì đã thu thập từ cái đẹp của thiên nhiên để biến thành cái đẹp của cá tính.

    Nghệ sĩ giả chỉ biết chép lại sẽ khó mà nghĩ ra phương pháp nhốt năm con chó vào nhụy hoa. Nghệ sĩ bảo thủ sẽ cho năm con chó ngồi đội mâm một cách hoàn hảo theo qui tắc học hỏi từ thiên nhiên. Nghệ sĩ đương đại sẽ cho năm con chó chạy nhảy tùy nghi trong nhụy hoa.

    Nếu không quan tâm đến người không phải là nghệ sĩ, để xác định là nhân vật thật hay nhân vật giả, thì đa số người làm nghệ thuật, dọc đường sáng tác có lúc là nghệ sĩ thật, có lúc là nghệ sĩ không thật, có lúc là nghệ sĩ giả. Vì vậy, những lúc không là thi sĩ thật, hãy là bài thơ hay, đời sẽ thú vị hơn. If you cannot be a real poet, be the good poem.

    (Houston, ngày 4 tháng 9 năm 2012)
    Ngu Yên


    nguồn: damau.org


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X