Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nước mắt thầm lặng - Nguyên Huy

Collapse
X

Nước mắt thầm lặng - Nguyên Huy

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nước mắt thầm lặng - Nguyên Huy

    Thúy ngồi đó, im lặng nhìn Tân không một cảm xúc trên mặt. Tự nhiên, Tân thấy thật xa lạ với người vợ đã có hai mặt con với mình. Muốn đổi câu chuyện, chàng hỏi đến tình hình của hai đứa con mà Thúy cho biết chúng đã vượt biên và đã tới đảo.

    - Em có chắc chúng đã tới đảo không?

    - Sao lại không? Chỗ em nhờ là bà con bên nhà em mà. Họ đi cả gia đình và có điện về. Chuyện chúng nó, xin anh cứ yên tâm, bây giờ nên lo chuyện chúng mình.

    Lại trở lại câu chuyện cũ, câu chuyện mà từ phút Tân trở về đã được Thúy đề cập đến trước tiên. Chàng thấy thật cảm phục người đàn bà mà chàng đã lấy làm vợ. Sao Thúy lại có thể thản nhiên và nhẫn tâm đến thế! Có phải điều này Tân mới khám phá ra không? Trước ngày đi tù cải tạo, Tân chỉ mới ở với Thúy có 3 năm. Ba năm không liên tục với gia đình vì cuộc đời của một chiến binh. Có thể vì thế mà Tân chưa thấy được hết người bạn đời của mình. Những tháng năm xưa, Tân nhớ lại, khi ở đơn vị về đến nhà, hầu như Tân ít chú ý đến Thúy, đến các con mà có thể hiểu được đằng sau tấm thân ấy, đằng sau những con mắt ngây thơ của tuổi trẻ, là những suy tư gì, những mong muốn gì. Hình như cuộc sống của người vợ ngày trước, với Tân chỉ là một cái bóng, một cái bóng sự hiện diện của chàng.

    Tiếng nói của Thúy lại lôi Tân về với thực tế:

    - Em biết, anh mới ra khỏi cải tạo sau bao năm tháng cực khổ mà em đã nói ngay với anh những chuyện này là điều cũng thật tàn nhẫn, nhưng...

    Tiếng nói trong trẻo của Thúy bỗng nghẹn ngào. Tân thấy nàng ngưng lại, gắng sức đè nén sự nghẹn ngào ấy để tiếp tục câu chuyện một cách thản nhiên cố ý. Chàng nghĩ, người ta cứ coi đàn bà là đa cảm. Thật là một sự lầm lẫn lớn lao. Thúy lại thản nhiên tiếp:

    - Em cũng nói thật, gần bảy năm qua, ba mẹ con em sống quá vất vả. Chỉ từ ngày nhờ ông ta cuộc sống của các con mới khá hơn. Chúng được học...

    Không đè nổi cơn xúc cảm, Tân nói gằn giọng:

    - Học về chủ nghĩa Mác-Xít, học để trở thành cháu ngoan Bác Hồ, để xây dựng Chủ Nghĩa Xã...

    Thúy nhẹ cười cắt ngang:

    - Thời thế bắt buộc thôi anh, nhưng cuối cùng chúng cũng đi được với một chút vốn tiếng Anh...

    - Chúng đi chui cũng nhờ ông ta ư?

    - Ông ta bỏ tiền.

    - Ðể còn một mình em với ông ta.

    - ...

    - Thôi ! Em đừng ca tụng nữa. Anh bây giờ là kẻ thất thế. Ðồng bạc trong tay không có, nghề nghiệp thì biết làm gì, lại còn đang đeo cái án một năm quản chế nữa...

    Thúy vẫn thản nhiên:

    - Vì thế, nên em mới đề nghị với anh như vậy. Anh sẽ hoàn toàn làm chủ căn nhà này. Việc ăn uống, anh cũng không phải lo, dì Thu, cô ấy cũng ở gần đây thôi. Anh có thể sang bên đó ăn hoặc đến bữa dì Thu sẽ mang sang cho anh. Dì ấy cũng bằng lòng giúp mình thế!

    - Còn em...

    - Cứ coi như em đã chết.

    - Làm sao coi như vậy được khi mà anh còn gặp em đi với ông ta.

    - Tại anh muốn em nói, dồn em phải nói. Anh phải nhìn nhận một sự thật. Chúng ta bỏ nhau.

    Tân muốn vớt vát trước sự sống sượng của người đàn bà đã từng là vợ mình:

    - Vì thời thế!

    Thúy thản nhiên:

    - Anh cho là vì gì cũng được. Cái quan trọng là cuộc sống của anh và của em lúc này.

    Câu nói của Thúy làm Tân suy nghĩ. Thúy đã bỏ mình sao còn nghĩ đến mình. Một chút lương tâm còn lại ư? Hay nàng muốn yên ấm trong cuộc tình mới và sợ mình phá đám. Cũng chẳng phải nữa. Ðối với Thúy bây giờ, nàng thật tự do bởi khi xưa lấy nhau Tân không làm hôn thú với nàng. Chỉ một đám cưới mà không cần tờ giấy vô tri. Chỉ là một tờ giấy vô tri mà Tân phải nộp đơn xin hết cấp này đến cấp khác khi lấy vợ thì Tân dẹp. Khi xưa chàng kiêu hãnh về tình yêu của hai người. Tình yêu tuyệt vời ràng buộc nhau chứ không phải tờ giấy vô tri với một lô “kính chuyển với hảo ý” phê trên tờ đơn xin cưới vợ theo hệ thống quân giai mà ràng buộc được hai người. Và 3 năm chung sống với Thúy, Tân đã thấy mình có lý. Một cuộc tình thật đẹp, một mái ấm thật êm đềm, hạnh phúc và hai đứa con ngoan xinh.

    Bỏ mặc Tân ngồi ngoài phòng khách, Thúy trở vào buồng trong. Nàng nói vọng ra:

    - Anh thay quần áo đi tắm rửa đi. Quần áo mặc trong tù ra, người ta nói cần đốt phong long cho khỏi xui.

    Tân suýt phì cười. Chàng lẩm bẩm “cho khỏi xui”. Chàng nói to:

    - Phải. Nếu em rảnh em đốt phong long hộ anh, cho khỏi xui.

    Chàng nhấn mạnh cuối câu. Thúy đã đứng ở cửa buồng, tay xách chiếc vali nhỏ. Nàng cười lớn và nói:

    - Chắc cũng chẳng cần đốt nữa vì anh đã gặp xui rồi.

    Tân cũng cười, cái cười bàng hoàng:

    - Em đi ngay à?

    Thúy gật đầu yên lặng, hơi cúi xuống tránh cặp mắt của Tân. Nàng nói thật nhỏ:

    - Em qua nói dì Thu nhờ cô ấy sang phụ anh cơm tối nay và dọn dẹp nhà cửa. Hay là, hai người ra tiệm ăn cho tiện. Anh đừng ngại em đã đưa tiền dư cho dì ấy rồi. Anh tiêu gì cứ nói... Thôi em đi.

    Thúy lướt nhẹ qua mặt Tân. Chàng chỉ cảm nhận thấy một cái hôn thoáng trên môi chàng rồi hút đi như một cơn gió lốc. Và tâm hồn Tân cũng tan hoang như cảnh vật trong cơn lốc ấy.

    ***

    - Báo cáo anh Mười, chị đã tới.

    Thúy đặt vali xuống nền nhà, nhìn người cán bộ bảo vệ cảm ơn, rồi quay nhìn người đàn ông đứng tuổi đang luống cuống ra khỏi bộ ghế xa-lông bằng gỗ chạm trổ.

    Người đàn ông, tóc hoa râm, tươi cười giơ hai tay nói:

    - Thúy! Thúy! Mọi việc đã xong cả ư. Tôi biết! Tôi biết! Tôi cũng xong cả. Thúy thấy không? Căn nhà này, căn biệt thự này từ nay là của chúng ta, của Thúy, toàn quyền của Thúy, Thúy muốn...

    Người đàn ông có tên là “anh Mười” nói huyên thuyên như không ngăn được nỗi vui mừng đang trào nơi khóe miệng. Thúy nhẹ nhàng hỏi:

    - Có ai trong nhà không?

    - Không, không có ai. Chỉ có chú bảo vệ và chị Ba phục vụ. Cả hai đều ở dưới dãy nhà ngang. Thúy, em cứ tự nhiên... Ðây là nhà của em.

    - Cảm ơn anh đã “chiếu cố” tới em quá nhiều.

    - Ðừng nói như vậy nữa em nhé. Mình sẽ là vợ chồng thì của chồng mà công vợ...

    - Từ từ đã. “Dục tốc bất đạt”. Anh không nghe các cụ nói thế à. Còn một vài việc cần giải quyết gấp.

    - Em nói ngay đi. Việc gì anh cũng lo được cả. Em muốn cho chồng cũ của em có việc làm hả? Ðược thôi! Dễ thôi! Hay ghép một người vợ mới vào cho anh ta?

    - Như thế không phải là giải quyết tận gốc.

    - ?

    - Anh có muốn anh và em sống hoàn toàn hạnh phúc, không có ai làm phiền mình không.

    - Ðiều đó thì đã hẳn. Nhưng ai có thể làm phiền tới được anh. Ðảng tin yêu anh. Anh lại được ngoài đó...

    - Em biết rồi, khỏi nói nữa.

    Người đàn ông tiến đến bên Thúy, nhẹ nhàng dìu nàng ngồi xuống bộ xa-lông rồi quay sang mở tủ lạnh lấy đồ uống.

    Thúy yên lặng theo dõi rồi lựa lời nói:

    - Em muốn anh ta đi khỏi Việt Nam.

    Người đàn ông quay nhìn sững Thúy. Trong con mắt ấy, Thúy hiểu là ông ta đang mừng rỡ vì nghĩ là Thúy muốn rũ sạch quá khứ. Thúy dồn:

    - Anh không muốn thế à?

    - Anh muốn chứ. Ðiều gì Thúy muốn mà anh lại không làm. Nhưng việc này cũng khá khó khăn, đòi hỏi phải có thời gian.

    Thúy giận dỗi :

    - Tùy anh. Ðám cưới của mình sớm hay muộn là ở anh ta đi sớm hay muộn.

    Ðưa ly nước cam đến trước mặt Thúy, người đàn ông tên “anh Mười” nhấp một ngụm rượu nhỏ rồi thận trọng nói:

    - Anh không hứa chắc, nhưng anh sẽ cố gắng lo giấy tờ cho anh ta đi sớm.

    - Một tuần được không?

    Người đàn ông quay nhìn Thúy nghiêm nghị. Thúy vội nắm lấy bàn tay đang cầm ly rượu của ông ta, đưa lên miệng mình, nhoẻn miệng cười nói nhỏ:

    - Em muốn uống rượu hợp cẩn sớm...

    Ðược thể, người đàn ông ghé sát má Thúy:

    - Thì mình cứ làm đám cưới trong khi anh cố lo giấy tờ cho anh đi sớm mà.

    Thúy hơi né người đáp :

    - Không nên, mình nên nhân đạo đúng như chính sách của Ðảng và Nhà nước ta. Ðừng để cho anh ta phải đau lòng quá thế.

    Người đàn ông đứng dậy, đến bên chiếc điện thoại:

    - Thôi được. Ðể anh thử xem.

    Thúy mỉm cười :

    - Khoan đã. Chưa hết. Em có một cô em... cái bà cô lắm chuyện, con Thu đó... nó ghét anh, nó không muốn cho mình lấy nhau...

    - Thì cũng cho nó đi luôn, phải không? Nhưng làm sao nó có đủ điều kiện xuất cảnh?

    - Thì cho nó là vợ anh ta.

    Người đàn ông cười nhạo báng:

    - Ghê nhỉ! Không ghen à?

    Thúy chớt nhả:

    - Anh muốn Thúy ghen với anh ta ư?

    Biết lỡ lời, người đàn ông vội khỏa lấp:

    - Nhưng tên tuổi cô Thu thì sao hợp với hồ sơ của anh ta, là vợ...?

    - Cho nó đội tên em, lấy hình của em. Hai chị em giống nhau lắm, anh khỏi lo.

    Người đàn ông nhấc điện thoại quay số rồi còn say đắm nhìn người yêu nói:

    - Chịu mưu sâu của các bà.

    - Ðâu có qua mặt nỗi cách mạng của các anh.

    ***

    Phi trường Tân Sơn Nhất từ ngày có chương trình Ra Ði Trong Trật Tự, như đã hồi sinh phần nào sau ngày 30 tháng 4 chết lịm các phi đạo. Một khu dành riêng cho người xuất cảnh được bao vây bởi các bàn giấy công an, bảo vệ chính trị. Nhưng không vì thế mà làm giảm được nỗi xôn xao, mừng vui của người được có mặt ở phi trường, kể cả người đi lẫn người ở lại.

    Thúy đứng bên Tân và Thu. Nàng nhìn Tân đắm đuối. Tân vẫn giữ vẻ thâm u trầm uất thường ngày. Thúy nắm tay Thu, nước mắt bỗng trào dâng:

    - Chị cảm ơn em vô tận.

    Thu không nói gì, nước mắt rạt rào:

    - Chị yên tâm đi, với em, chẳng có gì thay đổi cả.

    Tân chợt thấy lạ lùng về câu chuyện của hai chị em thì tiếng loa vang lên:

    “Ðồng bào xuất cảnh đi Mỹ xin khẩn trương vào phòng cách ly. Ðồng bào...” Không khí sôi động hẳn lên. Tiếng cười, tiếng khóc, tiếng la, tiếng chúc tụng, từ giã hòa vào nhau dâng lên bóp nghẹn tim ba người. Tân muốn ôm choàng lấy Thúy một lần chót, nhưng chưa kịp thì Thúy đã nắm tay chàng theo dòng người tuôn qua cửa kiểm soát. Ngạc nhiên Tân quay nhìn Thúy thì thấy nàng đã lấy tấm bảng đeo trên ngực người xuất cảnh của Thu từ lúc nào. Tân há miệng định hỏi Thúy, nhưng nàng đã lôi Tân đi, chen lấn không kể gì đến lịch sự. Mọi thủ tục vừa xong là Thúy kéo Tân ra nơi cổng “Departure”, không nói một lời.

    Tân im lặng đi bên Thúy, thỉnh thoảng liếc nhìn nàng thấy vẻ mặt Thúy xanh rờn. Chàng đã hiểu ra sự thật.

    Ðến khi máy bay cất cánh, ở tình trạng an phi rồi, Thúy cởi chiếc giây an toàn, ghé sang vai Tân, gục đầu vào ngực Tân nói trong nước mắt:

    - Tân ơi, bao giờ em cũng vẫn là của anh.

    ***

    Nhìn hút theo chiếc phi cơ vừa cất khỏi phi đạo, Thu bồn chồn thấy sao nó như bị sức hút chì lại. Bay đi. Bay cao đi. Bay mau đi. Rút khỏi hấp lực quê hương đi. Nàng thẫn thờ bước từng bước xuống khỏi sân thượng. Nàng quay nhìn cái chấm đen trên nền trời trong xanh. Trong cái chấm đó, có hai tâm hồn đang hòa nhịp lại. Và nhịp tình yêu muôn thuở ấy, Thu thấy kiêu hãnh là nàng đã góp phần tạo dựng nên.

    Ðường vào thành phố gập ghềnh, bụi mù tung và xe cộ chạy hỗn loạn, Thu đi trong đó, nước mắt thầm lặng cứ thấm mãi trong tâm hồn.

    Nguyên Huy

    (Nguoi Viet Daily News )


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X