Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đằng sau từ và cách dùng từ ở trong nước

Collapse
X

Đằng sau từ và cách dùng từ ở trong nước

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đằng sau từ và cách dùng từ ở trong nước

    ĐẰNG SAU TỪ VÀ CÁCH DÙNG TỪ


    Chúng ta đã, đang xử dụng và hầu như vừa lòng với tiếng Việt đã có mấy trăm năm, nếu không muốn nói là rất tự hào với ngôn ngữ Việt, thế nhưng những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến một tiếng Việt biến thái đến thảm hại từ kết cấu kỹ thuật đến nội dung ý nghĩa, đôi khi làm cho các bạn phải giật mình, khó chịu, khi phải đọc, phải nghe một chữ ngây ngô, một câu tối nghĩa. Ngôn ngữ là phương tiện để diễn tã, truyền đạt, thông tin..., và làm sao để cho mọi người tiếp nhận những thông tin đó càng dễ dàng chừng nào hay chừng đó, như vậy thứ ngôn ngữ ngổn ngang đang xử dụng trong nước đã không làm tròn thiên chức đó.

    Thật ra sự xuống dốc này cũng có nhiều nguyên nhân mà dễ nhận ra nhất là bởi sự yếu kém về chuyên môn, tùy tiện của từng cá nhân, tổ chức, và sự thả lỏng vô trách nhiệm của nhà cầm quyền, nguyên nhân thứ đến cũng là nguyên nhân chính, là họ muốn thay đổi, làm ngược lại thứ tiếng Việt đã thấm nhuần tinh thần dân chủ, tự do của miền Nam, trong ý đồ xoá mọi dấu tích của xã hội miền Nam.

    Ngoài ra với tinh thần nộ lệ ngoại bang, mà nô lệ Tàu là chính, nên nhiều chữ Việt, chữ Hán Việt được thay thế hẳn bằng từ Hán, hậu quả đã làm cho tiếng Việt lủng củng, mơ hồ, nước đôi, pha trộn, khôi hài, rối rắm, bí hiểm…, từ trước đã có nhiều thức giả báo động, phê phán đến các hậu quả này, nay tôi chỉ xin góp một phần nào trong thiển ý của mình về cách dùng lươn lẹo, đầy ác ý của những từ bí hiểm ở trong nước hiện nay.

    Xin nêu một số từ ngữ mới mà chúng ta thường gặp và tạm phân loại theo từng nhóm như sau:


    Kinh tế thương mãi:

    - Đường tiểu ngạch: Trong thương mại, đặc biệt là buôn bán trao đổi qua biên giới phía Bắc, Việt Nam bị thiệt thòi quá nhiều bởi hàng lậu thuế và hàng hóa độc hại từ Trung quốc, nên để giảm nhẹ sự bất lực và yếu kém này nên nhà cầm quyền mới đẻ ra chữ “tiểu ngạch”, hàm nghĩa đi chui lẻ tẻ không đáng kể, như cấu tạo của chữ này, để che mắt dư luận đừng rêu rao lớn chuyện, thực ra không ai biết được có bao nhiêu đường mòn băng qua biên giới, bao nhiêu phu khuân vác, số lượng bao nhiêu và vác những gì? Trong khung cảnh vô luật pháp này có từ “cửu vạn” để gọi người khuân vác, một chử Tàu hoàn toàn, do người Tàu đặt ra, vì hầu hết phu khuân vác là người Tàu, họ vào ra VN như nhà vô chủ và ở lại luôn nếu muốn.

    - Nợ khó đòi: Phải hiểu là nợ không thể đòi được hay không dám đòi, như phát biểu của một nhân vật chóp bu: “mình mượn lâu rồi mà không thấy ai đòi nên mình mượn tiếp…” không có ngân hàng hay phòng tài chính chủ nợ nào dám đòi nếu không muốn bị mất ghế, có khi còn bị vu khống những tội khác. Nếu khi bên mượn là một công ty, một cơ quan chính phủ đã giải thể thì coi như xóa nợ vì không ai “núm được người trọc đầu”, vậy “nợ khó đòi” xem như nợ đã bị quỵt, khác hẳn với “nợ dễ đòi” là phía người dân, đến khi đáo hạn mà chưa kịp trã, sẽ có công an ập tới xiết nhà, vì khi mượn đã phải nộp sổ “đỏ” (sổ xử dụng đất) cho ngân hàng. Trên báo chí khi nói “nợ khó đòi” như một từ trấn an dân chúng.

    - Giải thể: “thể” tức “thể thức”, “hình thể”, nên khi “giải thể” là chỉ thay đổi cái hình thức thôi, cái nội dung vẫn còn nguyên, tức là phần nhân sự vẫn còn đó, chỉ khác cái tên, cũng như cái đảng, cái mặt trận bao nhiêu lần đổi tên và biến thái liên tục, như một con bạch tuộc, không ai biết được cái “hình” của nó cách đây mấy giây đồng hồ. Khác với từ “giải tán” từ trước, có nghĩa cái đó đã “phân tán”, “tán loạn”, không tồn tại nửa, vậy từ “giải thể” là để chạy tội, thoát nợ, đó chỉ là bình mới, rượu củ.

    - Kim loại màu vàng, đá màu trắng: Nhóm chữ ghi vào biên bản để chỉ vàng và hột xoàn sau khi nhà nước lục soát và tịch thu của dân chúng trong mọi trường hợp, mọi thời, sau nầy nếu có ai khiếu nại thì cứ dùng những miếng kim loại gì có màu vàng vàng, những hột gì trắng trắng trong trong, chẳng hạn như ve chai mà trả lại.

    - Hạt cao lương: Một tên mới của hạt “bo bo” cho ngựa ăn được dùng thay gạo trong kế họach bỏ đói người dân, gọi “cao lương” để đánh lừa bằng tên gọi để dân chúng nghe cho có vẻ cao sang và khó ai tìm ra gốc gác thứ hột “cao lương” này từ đâu, thật ra Việt Nam đổi gạo lấy bo bo của Ấn Độ, một gạo bằng bốn bo bo.

    - Sai phạm trong quản lý kinh tế: Đó là tội danh mà tòa án trong nước chỉ tuyên bố cho tất cả mọi hình thức khiến tiền của chui vào túi riêng cán bộ, tài sản thất thoát, hư hao tẩu tán… mà không bao giờ tuyên bố trước công chúng cụ thể chi tiết, ví dụ như đã thụt két bao nhiêu, ăn hối lộ thế nào, bán vật liệu cái gì, thông đồng với bên thi công nào, mua máy móc lổi thời của ai, hư rét rỉ mức độ nào… mà đã gây thiệt hại lớn lao cho đất nước. Cách tuyên bố mơ hồ này nhằm khiến dân chúng khỏi xót ruột, bất mãn.

    - Chuyên gia: Từ gọi bất cứ người nước ngoài nào đến Việt Nam làm việc thời chiến tranh hay sau chiến tranh, bao gồm lính tráng, gián điệp, công nhân, lái xe, gác cổng, đầu bếp..., đây là một cách gọi tâng bốc người nước ngoài để che mắt dân chúng là nước ta rất được nhiều người tài giỏi, kỹ thuật cao, của các nước cùng chủ nghĩa anh em hỗ trợ, nhiều chuyên viên như vậy nước ta sẽ phát triển…


    Chính trị, xã hội:

    - Việt Nam là một cường quốc chính trị: Sau khi cướp được chính quyền toàn cỏi Việt Nam, ngưới dân từng nghe một câu đầy tự hào của nhà nước VC: “Liên Sô là cường quốc số một về quân sự, Mỹ là cường quốc về kinh tế, Việt Nam là cường quốc về chính trị”, không ai hiểu “cường quốc chính trị” là gì nhưng cũng là một loại cường quốc.

    - Tàu lạ: Một cách gọi hèn nhát để chỉ tàu kẻ xâm lược, ở đây là tàu Trung Cọng.

    - Vùng nhạy cảm: Nghĩa đơn giản của nhóm chữ này là chỉ một vùng nào đó của cơ thể người ta mà thần kinh khu vực đó rất nhạy, dễ bị kích thích, không thể có một vùng nước biển tự nó nhạy cảm, chẳng qua là con người đã nhạy cảm đến lo sợ khi nhắc đến vùng đó, vậy “vùng nhạy cảm” trên biển được dùng trên báo chí VN hiện nay là vùng biển đã dâng cho Tàu.

    - Việt Kiều: Chỉ người Việt sinh sống nước ngoài, được xem là người ngoại quốc và được nhà nước VN đối xử như người ngoại quốc, như Pháp Kiều, Ấn Kiều…, chỉ khác là Việt kiều có yếu tố di tryền (YTDT, gene) là Việt Nam. Đối với nhà nước, YTDT là không quan trọng, không làm nên sự kết dính cho đất nước hiện nay, ví dụ như các lãnh tụ người nước ngoài, không cùng YTDT nhưng vẫn được tôn thờ hơn các anh hùng dân tộc. Có lẽ người Việt tỵ nạn hải ngoại đã cảm thấy khó chịu khi bị gọi Việt Kiều.

    - Làm việc: Trong giấy mời của công an chỉ ghi hai chữ “làm việc” chứ không bao giờ nêu lý do cụ thể, như vậy phải hiểu rằng có thể là đương sự lên đó sẽ được hỏi han, viết kiểm điểm vài giờ đồng hồ rồi cho về, có khi nhốt vài ngày, có khi bị tra khảo đánh đập, bỏ đói, có khi bị mang đi biệt tích mà không cho gia đình biết tin tức, có khi được thông báo lên nhận xác… đó là công an “làm việc”.

    - Tập thể, quần chúng, bà con, nhân dân, nhà nước, đồng bào, quê hương, đất nước, dân tộc, chính phủ, quốc hội, trên…: là những từ biến thể của từ đảng, nên khi nghe nói “tập thể đã thống nhất” tức là đảng đã cho phép, một tờ tạp chí có tên “tôn giáo và dân tộc” tức tôn giáo và đảng…, “ban giám hiệu nhà trường đã thuận” tức đảng uỷ nhà trường đã đồng ý…, “quốc hội đã bỏ phiếu thuận” tức đảng đã cho kết quả bốc thăm từ trước, chờ xin ý kiến “trên” tức là chờ đảng …, chỉ sự nhập nhằng của những chữ này mà biết bao kẻ đã bị lừa.

    - Bản chất, hiện tượng: Những gì sai trái của đối phương, của miền Nam là thuộc về “bản chất”, không sửa đổi được, phải trừng trị, trấn áp. Những gì sai phạm của cán bộ phe ta, dù có thụt két bạc tỷ, lập đường giây mua gái tơ… chỉ là “hiện tượng”, xử lý nội bộ là sửa chữa được. Chúng ta luôn luôn nghe: “bản chất” của bọn chúng là "bóc lột, ngoan cố” nhưng chỉ nghe “lãnh đạo và đoàn thể đã giáo dục uốn nắn những sai phạm và phê bình các “hiện tượng” tiêu cực trong cơ quan”…

    - Khai trừ khỏi đảng: Đây là một hình thức kỷ luật trong nội bộ của tập thể cái đảng đó, khai trừ hay không khai trừ thì đất nước, xã hội có lợi lộc gì thêm đâu, có chắc thu hồi được cái đã mất đâu, đương sự có bị trừng phạt, tù tội gì không?, nhưng khi nghe “bị khai trừ khỏi đảng” hầu như người dân xem ra có vẻ được xoa dịu, mơ hồ đương sự đã bị một hình thức xử phạt của luật pháp gì đó. Thật oái ăm, vi phạm luật pháp xã hội mà xã hội không chắc có biện pháp chế tài.

    - Sài Gòn hay Thành Phố HCM: Cũng một thành phố đó, khi thì dùng chữ Sài Gòn, khi thi dùng Thành Phố HCM, chúng ta sẽ nghe báo chí, đài phát thanh trong nước nói: “Thành phố HCM đã khánh thành khu văn hóa du lich, chào mừng…” nhưng sẽ không bao giờ nghe: “nạn đĩ điếm tại Thành phố HCM đã gia tăng một cách đáng quan ngại…” chúng ta chỉ nghe tên Sài Gòn khi đề cập đến những chuyện xấu xa, hư hỏng, ngầm đổ lổi do “tàn dư” trước đây để lại…Chúng ta thường thấy những bãng hiệu Sài gòn tourist, Sài Gòn massage nhưng không bao giờ thấy Tp HCM massage…

    - Công hay ơn: “Công” là cái cụ thể đo lường được, ví dụ nói “một công hai công”, “công thợ chính cao hơn công thợ phụ” và “ơn” là cái trườu tượng, cái không giới hạn, thường là ở trên ban xuống, vậy cái “ơn” phải lớn hơn “công”, vậy mà khi đồng bào, binh lính chiến đấu và hy sinh cho tổ quốc, anh hùng lịch sử cũng chỉ được ghi “công”, còn ai ai cũng phải ghi “ơn” chủ tịch, đúng là quá thần thánh hóa lãnh tụ.

    - Thương binh, phế binh: Nhà nước VC gọi binh lính miền Bắc bị thương tật không chiến đấu được là “thương binh” và gọi ‘thương phế binh” của quân đội VNCH là “phế binh”, họ đã bỏ chữ “thương” trong chữ “thương phế binh”. Như vậy khi đọc lên từ “thương” người ta sẽ liên tưởng đến “thương cảm, thương tích”…nghe dễ xúc động trong từ “thương binh”, và khi đọc chữ “phế” trong “phế binh”, người ta sẽ nghĩ đến một cái gì đã bỏ đi, bị loại ra như trong từ “trúc phế, phế liệu”…cùng một hình tượng nhưng chúng ta đã thấy sự hóc hiểm của vấn đề.

    - Tù tàn binh: Ở bất cứ cuộc chiến tranh nào, binh lính thua trận bị phe địch bắt giam gọi là “tù binh”, nhưng VC thêm chữ “tàn” để gọi tù binh Miền Nam là “tù tàn binh” trong các trại tù cải tạo, cũng như in trên các mẩu đơn khai báo, nghe rất bi thương, để đánh vào tinh thần người tù, theo tôi nó còn như một sự hăm dọa, “đời các anh đã “tàn”, bỏ rồi, đừng có ý tưởng chống lại”.

    - Khiếu kiện đông người: Hòan cảnh xẩy ra như từ “biểu tình” trước năm 1975 nhưng nhà cầm quyền trong nước tránh dùng vì “biểu tình” thường được chính phủ Miền Nam thỏa mản cho người dân, nhóm chử này mục đích là làm dịu đi nội dung của sự bất mản, oan ức, “khiếu kiện” thì có thưa trình, có xét xử, từ từ hẳn hay, nhưng khốn thay tòa án, luật sư… cũng ở trong tay nhà cầm quyền.

    - Cưỡng chế: Một cách nói giảm khác của chính quyền, khi dùng mọi phương tiện bạo lực để tước đọat, mà ngang trái, đau thương nhất là đất đai, nhà cửa của người dân, không ngoại trừ xử dụng cảnh sát, an ninh, quân đội, băng đảng, chó, xe cơ giới…đối với người dân chỉ có hai bàn tay.


    Về Tâm lý

    - Bức xúc: Có thể được ghép bởi hai từ “bức rức” và “xúc động”, từ này đã được báo chí trong nước dùng để diễn tả cho tất cả mọi trạng thái tâm lý, tình cảm như: bất mản, nóng giận, tức tối, khó chiụ, phản đối, thương cảm, buồn bả, nghẹn ngào, đau đớn, căm hờn, hối tiếc… tất cả đều là “bức xúc”, thật ra phản ứng của con người khác nhau tùy theo nguyên nhân đưa đến cùng một thảm họa, chứ không phải đơn điệu là chỉ “bức xúc”. Chúng ta không bao giờ thấy chữ “phẫn nộ, tức tối, căm hận…” trên truyền thông cộng cộng ở trong nước, chẳng qua dùng từ “bức xúc” là để dìm sự phẩn uất của dân chúng trong các trường hợp oan khiên của cá nhân, gia đình, các sự kiện thua thiệt, mất mát về lảnh thổ, thất thoát tài nguyên của đất nước…

    - Bức bối: Một từ ngây ngô, có lẽ được ghép bởi hai từ kép “bức rức” và “bối rối”, được dùng trong ngữ cảnh tương tự như từ “bức xúc”, có lẻ từ “bức xúc” được dùng lập đi lập lại quá nhàm chán nên từ “bức bối” được ra đời, nếu từ hai “bức xúc”, “bức bối” được đổi ra “tức tối” thì còn có ý nghĩa hơn và đúng tâm trạng của người bị nạn hơn, không lẻ tàu đánh cá bị húc chìm, ngư dân bơi lổm ngổm giữa biển đêm mà đồng bào, thân nhân chỉ “bức bối”, còn chính quyền trong nước thì chỉ bức rức , bối rối.

    - Não trạng: Nghiã bình thường là nói về tình trạng của não bộ, nhưng nay là cách dùng tỏ vẻ cay cú ở trong nước để chỉ ý chí của những người khác chính kiến, những nhà dân chủ, những người không chịu khuất phục, không cải tạo được, “Việt kiều” tỵ nạn…

    - Đánh giá cao: Có những phát minh khoa học, kỹ thuật rất giá trị, đựơc các nhà lãnh đạo “đánh giá cao”, không hiểu qúy vị này có trình độ ở mức nào để dùng đánh giá.

    - Chấp thuận lời đề nghị: Trước khi có những cuộc thăm viếng của các nhân vật cao cấp của nước ngoài đến việt Nam, báo chí trong nước hay mở đầu bằng câu “Chấp thuận lời đề nghị của …” như thể là nhà nước ta không mời mà chỉ vì họ cần đến ta mà thôi!

    - COCC, CCCC: Xin lập lại ý nghiã “COCC” trước năm 1975 là “con ông cháu cha”, hàm ý chế diễu bọn con cháu mấy ông lớn cậy quyền cậy thế, không lo học hành, ăn chơi…, sau 1975 cũng lập lại như thế, thời nào cũng có nhưng “CCCC” là viết tắc của “con cháu các cụ”, không mang ý chế diễu mấy mà còn có vẻ nể trọng vì gọi lớp quyền thế bây giờ là các “cụ”, chữ “cha” có ý châm biến hơn chữ “cụ”. Khen thay đám bồi bút đẻ ra từ mới mà không làm phật ý các “cụ”.

    - Cơ địa: Từ mới khó hiểu trong y khoa, có lẻ đồng nghĩa với từ “cơ thể”, một bác sĩ trong nước đã nói với bệnh nhân: “…tùy cơ địa của anh”.

    - Osin: Tên của một nhân vật truyện tranh, được dùng để tránh chữ “người giúp việc nhà” như là xã hội này không có vụ ”giúp việc” hay rất tôn trọng tầng lớp này, nhưng thực tế tầng lớp này gia tăng khủng khiếp đến nỗi phải xuất khẩu và bị đối xử tàn tệ ngay cả ở trong nước…


    Trên đây chỉ xin nêu một số trường hợp tiêu biểu, có lẻ những từ ngữ và lối xử dụng méo mó, lệch lạc còn nhiều vô số, xin bạn đọc bổ sung để làm sáng tỏ hơn vấn nạn này và chân thành đón nhận mọi góp ý xây dựng.

    Điều đáng ngạc nhiên là chữ nghiã rối rắm, khôi hài này đã lan ra đến hải ngoại, do vậy khi nói hay viết rập khuôn như trong nước, dù vô tình hay cố ý chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm, vì điều này sẽ ảnh hưởng cho sự thịnh suy của ngôn ngữ giống nòi. Điều tối quan trọng là tùy sự xử dụng tiếng Việt của quý giới truyền thông báo chí và giới cầm bút, xin giao cho họ trọng trách lớn lao và cao quý này, trong việc vun bồi cho tiếng Việt thăng hoa, theo đúng giòng văn chương chữ nghiã bác học, đã êm đềm trôi chảy từ lâu.

    11/ 2011
    Phan V Dinh
    Last edited by chieutim; 01-22-2015, 01:25 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X