Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tưởng Nhớ Vị Anh Hùng Khu Trục Cố Tr/Tá Phạm Đăng Cường

Collapse
X

Tưởng Nhớ Vị Anh Hùng Khu Trục Cố Tr/Tá Phạm Đăng Cường

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tưởng Nhớ Vị Anh Hùng Khu Trục Cố Tr/Tá Phạm Đăng Cường

    Tưởng Nhớ Vị Anh Hùng Khu Trục Cố Tr/Tá Phạm Đăng Cường.
    ---oo0oo---

    Lời giới thiệu (KhongQuan2): Nhân ngày 11 tháng 3 là ngày giỗ của vị Anh Hùng Khu Trục cố Tr/Tá Phạm Đăng Cường, sinh năm 1940 tại Gò Công. NT Phạm Đăng Cường thuộc dòng dõi Phạm Đăng Hưng, một quan đại thần nhà Nguyễn. Quê NT Cường ở Gò Công là nơi có nhiều nhạn hiếm qúi. Bởi thế, lấy bút hiệu “Người Nhạn Trắng”, là một trong những cây bút trụ cột của đặc san Lý Tưởng của Hội Ái Hữu Không Quân Việt Nam tại Houston.
     
    NT Phạm Đăng Cường gia nhập Không Quân Khóa 61 SVSQKQ, NT Cường theo học các khóa hoa tiêu tại Naval Air Station Pensacola, Florida. Sau khi mãn khóa NT Cường về phục vụ PD514, KD23CT dưới quyền chỉ huy của Th/Tá Võ Xuân Lành CHT/PD514. Sau đó NT Cường về phục vụ tại Khối Đặc Trách Khu Trục/BTLKQ lúc đó Trưởng Khối DTKT là Tr/Tá Lê Như Hoàn. Năm 1974 NT Cường được biệt phái về Bộ Quốc Phòng để nhận nhiệm vụ Sĩ Quan Tùy Viên Quân Lực của VNCH. Sau đây tôi xin post bài “Người Lính Kỹ Thuật - Người Nhạn Trắng” và hình ảnh của NT Phạm Đăng Cường để nhớ đến vị anh hùng Khu Trục của Không Quân VNCH.


    Người Lính Kỹ Thuật
    Người Nhạn Trắng
     
    Một toán sinh viên sĩ quan, trong đó có tôi, vui mừng, hớn hở đi làm thủ tục xuất ngoại du học. Người thì hãnh diện ra mặt bằng lời nói; người thì bằng ánh mắt sáng ngời, riêng tôi cũng thích thú lắm nhưng không dám tỏ vẻ quá vui, vì một số bạn thân chưa được xuất ngoại, hoặc phải học tại Việt Nam. Cầm tờ I.T.O trên tay là cầm chắc định mệnh và lẽ sống của cả cuộc đời. Được lựa chọn một cách may rủi, đi thụ huấn ngành nào như quan sát, trực thăng hay vận tải… là sẽ gắn liền mãi mãi với loại phi cơ đó.



    (Từ phải) NT Dan Hoài Bữu, NT Lê Như Hoàn, NT Phạm Đăng Cường. NT Vũ Hiệp. NT Nguyễn Văn Phong.

    Phượng Hoàng Kim Cương viết:

    "khôngquân2 lấy đâu ra di tích bất hủ này của Người Anh Hùng Nhạn Trắng Gò Công. Thật là hay, hay vô cùng. Bài này nói lên được cái tình đồng đội của người phi công khu trục, trong những lúc lâm nguy, cái tình cảm gắn bó giửa Khu trục và FAC trên chiến trận, tình thương của người khu trục chỉ huy đoàn kỹ thuật yểm trợ, cũng như cái trách nhiệm cao cả đối với quân bạn dưới đất, nhất là khi trực đêm và mục tiêu rất xa xôi. Phượng Hoàng Kim Cương xin dựa hơi vào đây cái hình chụp chung với người Anh Hùng Phượng Hoàng Kaki Phạm Đăng Cường, Phượng Hoàng Rosa Lê Như Hoàn, ở bãi biển Pensacola, FL hồi 1962, trong đó người đứng giửa là Anh Hùng Phạm Đăng Cường, qua phải là Tr/tá Lê Như Hoàn, kế đến là tôi."


    Đọc tên trường bay trong I.T.O là US Naval Air Training Command (NAS Pensacola, FL.), chúng tôi sững sốt. Có mấy anh học trường Tây còn gọi là Air Naval, nghe thật là quí phái. Nhưng, lại chữ nhưng quái ác, khi sang đến Florida, làm thủ tục nhập trường, thì không phải trường bay, mà là trường quân sự với mấy anh Thủy Quân Lục Chiến, cứ làm như đã từng đổ bộ lên bờ biển Normandie vậy. Sau khi quan sát tận mắt, không phải cái Air Naval như trong mơ tưởng, mà thực tế là Indotrination với “menu” sơ khởi mười ngày huấn nhục, làm các nhà quí phái “choáng váng” mặt mày. Sau huấn nhục tới phần quân sự thật nặng nề, riêng phần ăn chơi nào là đoạn đường chiến binh, bơi lội đủ kiểu, an sinh thoát hiểm ba ngày tự túc trong rừng… Tất cả vị chi bốn tháng mới được chuyển qua trường bay vỡ lòng, với loại phi cơ T-34 sơn đỏ trắng thật đẹp mắt.


    T-34C NAS Corpus Christi, Texas

    Giờ đây mới được sờ vào thân phi cơ, ngửi mùi thủy điều và chạm trán với người lính kỹ thuật. Người đầu tiên là cơ trưởng (Crew Chief), họ có vẻ tự tin và chuyên nghiệp. Họ không sửa chữa nhưng họ hiểu biết tổng quát về phi cơ rất tường tận. Họ ăn nói rất lễ phép và rất có kỷ luật.
     
    Trong lần đơn phi đầu tiên, người cơ trưởng đã sẵn sàng từ phòng kỹ thuật, trước bảng ghi số phi cơ, để đón tiếp người sinh viên sĩ quan phi công. Anh ta thuyết trình đầy đủ về chiếc phi cơ do anh chịu trách nhiệm. Sau khi sinh viên ký xong mẫu kỹ thuật, anh ta vội ôm hộ cái nón bay, trong khi người sinh viên đeo dù và cùng nhau bước ra bãi đậu. Anh theo sát bên người sinh viên, để cùng tiền kiểm soát xung quanh phi cơ, và anh vui mừng khi được sinh viên ghi điểm khen thưởng. Anh đứng ngoài phòng lái, nghiêng người giúp chàng phi công đội nón bay, cài dây nịt an toàn. Cử chỉ không những chu đáo, mà còn như muốn bày tỏ mối dây liên hệ tình cảm vô hình giữa hai người. Xong đâu đấy, anh xuống đứng đàng trước phi cơ, phía bên cánh trái, ra hiệu cho người sinh viên quay máy. Sau khi liên lạc vô tuyến với đài kiểm soát, người sinh viên phi công ra hiệu di chuyển. Phi cơ vừa lăn bánh, anh cơ trưởng liền đứng nghiêm và chào kính. Hai tay đều bận điều khiển cần ga và cần lái, người sinh viên phi công chỉ gật đầu rất nhẹ để chào lại.

     
    Đời người lính tàu bay và người lính kỹ thuật dính liền từ dạo ấy. Đặc biệt ở VT-30, NAS Corpus Christi, ngoài người lính kỹ thuật, phi công còn khắn khít với người lính cứu hỏa.
     
    Về Việt Nam, bay phi vụ đầu tiên trên sân nhà, phi cơ sơn màu cờ Viet Nam, đuôi sơn màu đơn vị, người phi công chợt cảm thấy bồi hồi xúc động. Anh cơ trưởng gầy ốm xanh xao, nhưng nụ cười luôn nở trên môi và cái chào xã giao thông lệ làm người phi công không mấy yên tâm.


    Phi cơ thì bị vá nhiều chỗ, phòng lái thì ướt cả thủy điều, bụng phi cơ dính đầy dầu. Hai bánh đáp một bên vừa mới thay, một bên mòn tới 50% làm người phi công vừa bay vừa lo ngại. Tiếng động cơ nổ nghe khác lạ, phòng lái thì xông lên mùi bất thường, nhưng ngày này qua ngày khác, vẫn không có điều bất trắc kỹ thuật sảy ra. Người phi công dần dần thu hoạch nhiều kinh nghiệm, với số giờ bay chồng chất theo năm tháng. Người phi công giờ đã thấy an tâm.
     
    Những phi vụ yểm trợ tiếp cận quân bạn chở đầy bom đạn đủ loại, từ bom nổ, bom xăng đặc, hỏa tiễn trĩu nặng đôi cánh, nhưng hàng ngày hai, ba phi vụ vẫn an toàn. Phi cơ có bị hư hại, bể ống dầu, ống thủy điều, lủng cánh bể đuôi là do súng phòng không địch gây ra.
     
    Người phi công bắt đầu chú ý và cảm phục người cơ trưởng nhỏ con, xanh xao từ đo. Tuy họ không chào kính mình như những người lính kỹ thuật Hoa Kỳ, nhưng trong ánh mắt họ hiện rõ nét lo âu trìu mến cho số phận người phi công và con tàu của họ. Họ tài tình, khéo léo, rất có khiếu về kỹ thuật. Họ sửa chữa, thay động cơ và khung phòng rất nhanh chóng, dù phương tiện kỹ thuật cơ hữu thô sơ. Kiểm kỳ I rồi kiểm kỳ II, họ làm việc liên miên, nhưng không bao giờ phàn nàn, hay sao lãng công việc một cách vô trách nhiệm, để gây nguy hại đến sinh mạng người phi công.

    Tôi nhớ mãi một lần được biệt phái, làm biệt đội trưởng ở Tân Sơn Nhất cho Không Đoàn 33, thời Trung Tá Lưu Kim Cương làm Tư Lệnh, tôi rất quan tâm đến số khả dụng hành quân của 6 chiếc A-1 tăng phái. Mới hoạt động không bao lâu thì có một chiếc phi cơ bị hư hỏng, không biết nguyên do vì đâu mà cứ bị nằm ụ mãi. Tôi bèn phái một chiếc AD-5 về Biên Hòa, rước một ông Thượng sĩ già kỹ thuật xuống giám định. Đến nơi, vừa mới vào phòng hành quân biệt đội, ông bắt gặp các phi công đang ngồi “binh” xập xám chướng, ông liền sà vào ngay và còn xin được chơi một cửa. Tôi hết sức bực mình liền hỏi:
    - Sao lại ngồi xuống đây xếp?
    Ông trả lời:
    - Tôi đã bảo thằng nhỏ quay máy ngoài ấy rồi!
    Nghe ông già kỹ thuật trả lời khơi khơi như vậy, tôi hơi khó chịu bèn bỏ đi ra ngoài bãi đậu xem người cơ khí làm ăn ra sao? Anh cơ khí viên loay hoay sửa tới, sửa lui một hồi vẫn không được. Chợt tôi nhìn thấy ông Thượng sĩ già chậm rãi tiến về phía phi cơ. Ông đến ra hiệu cho người cơ khí thử đủ các cơ chế, để ông nghe tiếng động cơ nổ. Chừng năm phút, ông ta đưa tay lên cứa cứa vào cổ ra hiệu cho người cơ khí tắt máy, xong ông tới nói lí nhí gì đó với người cơ khí mà tôi không nghe rõ. Rồi ông lại lững thững đi vào xây sòng. Tôi hết kiên nhẫn hỏi gằn ông ta:
    - Tôi rước ông xuống đây sửa phi cơ chớ bộ tôi rước ông xuống đây đánh bài à?
    Ông cười có vẻ thản nhiên như không:
    - Tôi đã chỉ cách cho nó chữa rồi, Trung úy cứ yên trí vào nghỉ cho khỏe. Nghe ông ta trả lời với vẻ tự tin, tôi cũng hơi an tâm. Tôi theo ông ta vào ngồi chờ. Ông già còn mặn canh bạc lắm. Chốc chốc ông lại đứng lên, đi ra chỉ bảo cho người cơ khí sửa chữa. Một lát sau, người cơ trưởng nhễ nhại mồ hôi vào báo cá
    - Thưa Trung úy, tàu sửa xong rồi. Nhờ Trung úy ra bay thử.
    Tôi kinh ngạc hỏi lại:
    - Giỡn hoài sao cha, cả tuần nay anh sửa không được, ông Thượng sĩ này mãi ngồi sồng bài, chưa đụng tay vào động cơ mà sao tàu đã tốt được?
    Anh ta trả lời:
    - Tốt thực sự rồi Trung úy, ông già nghe máy cũng đủ biết phi cơ hư ở đâu, thay “bu-gi” thử máy, không cần đọc phi kế phi cụ gì cả. Tôi đáp “OK”. Nhưng trong bụng tự nhủ thầm rằng nếu tôi bay thử mà vẫn thấy phi cơ hư như cũ thì đừng có trách tôi sao làm báo cáo quá đáng. Nhưng lạ thay, tôi bay thử trong tất cả cơ chế, cao độ, các phi kế đều chỉ trong giới hạn an toàn. Về đáp, tôi đưa hai tay bắt tay ông già và ngỏ lời thán phục sát đất. Tôi muốn đích thân lái máy bay đưa ông về Biên Hòa nhưng ông từ chối. Ông còn nán lại binh xập xám với mấy anh phi công trẻ và chiều về Bien Hòa bằng xe đò.


    Về sau, tôi là chuyên viên bay thử kiểm kỳ II cho công xưởng. Phi cơ A-1, sau khi bay một số ngàn giờ, phải đem vào công xưởng tháo tung ra để rọi X-ray để tìm chổ rạn nứt hay hư hại, sửa chữa rồi ráp lại. Ngoài ra, những phi cơ đáp khẩn cấp hay tai nạn nặng, cũng phải đem vào công xưởng sửa chữa cẩn thận, rồi sơn lại như mới. Mỗi lần bay thử, những người lính kỹ thuật đưa tôi ra tận phi cơ, xem tôi mở máy, di chuyển và cất cánh được an toàn, rồi họ mới trở vào phần sở của họ. Họ thương yêu người phi công bay thử các tác phẩm của họ. Người lính già, người lính trẻ lo âu cho người phi công lúc cất cánh, giống như chính họ đang ngồi trong thân tàu. Họ thở phào nhẹ nhõm khi tác phẩm của họ mang người phi công trở về an toàn. Họ vui mừng và ghi nhận những điều còn thiếu sót của họ. Họ gầy ốm, người xanh xao, người xạm nắng, chịu nhiều thiệt thòi và lắm khi bị bỏ quên, nhưng họ vẫn cố gắng, nhiệt tâm, chịu đựng, không bao giờ than vãn, có lẽ nhờ tấm lòng yêu Không Quân và Tổ Quốc.
     
    Hồi mới mãn khóa bay thử và sang bay cho công xưởng, tôi đã biết người lính kỹ thuật Không Quân Việt Nam rất giỏi, có trình độ hiểu biết kỹ thuật rất cao và họ đã chứng minh điều đó trong bao nhiêu năm trời, nhưng tôi hơi ái ngại vì sự làm việc quá độ của họ. Biết đâu vì kiệt lực mà họ vô ý bỏ sót, không vặn kỷ một vài con ốc. May mắn thay điều lo nghĩ của tôi không bao giờ xảy ra. Họ vẫn chu toàn công tác một cách tốt đẹp. Khi viết những dòng này, tôi vẫn thấy thấp thoáng hình ảnh người kỹ thuật Không Quân Việt Nam thân yêu của tôi đâu đó trong từng ngăn ký ức.


    Không Quân trên đà bành trướng, tổng số phi cơ tăng vọt quá nhiều, mà sự đào luyện không thể cấp bách được. Thế mà họ vẫn nhẫn nại, vừa sửa chữa phi cơ, vừa dìu dắt những người trẻ mới bước chân vào ngưỡng cửa đơn vị. Công xưởng Biên Hòa về sau càng đông khách hàng. Nào phi cơ khu trục, phi cơ quan sát, trực thăng..v..v.. Càng làm việc lâu với nhau, tình thân thuộc càng nẩy nở ví như anh em sinh trưởng trong một gia đình. Tôi tin tưởng nơi người lính kỹ thuật và thích thú bay những phi vụ bay thử, giống như bay du hành hay bay hành quân vậy.


    Nói đến khu trục, tôi không quên nhắc đến các anh vũ khí. Các anh hùng hục làm việc dưới nắng mưa không sờn lòng. Xem các anh vận chuyển, gắn bom nổ, bom xăng đặc hay hỏa tiễn vào phi cơ mau lẹ, chính xác không chê vào đâu được. Tuy thân thể, sức vóc, điều kiện sinh sống không bằng người lính Mỹ, các anh vũ khí dãi dầu sương gió, nắng mưa của vùng nhiệt đới, mà vẫn tươi cười, ngày này qua tháng nọ giỡn mặt với tử thần “chất nổ”. Đặc biệt toán tháo gỡ đạn dược, mìn nổ chậm mới khủng khiếp. Chỉ một phút sơ sẩy là đời các anh tan tành như xác pháo đêm giao thừa. Các anh đã xem sinh mạng của mình nhẹ như lông hồng, để mưu cầu sự an toàn sinh mạng của đồng đội. Các anh cao cả quá! Dầu đất nước ngày nay đã mất vào tay kẻ thù nhưng sao ai quên được các anh? Những người con yêu âm thầm của xứ sở! Hỡi những người lính kỹ thuật Không Quân Việt Nam! Chúng tôi, những người tung mây lướt gió ngoài ngàn dậm, được hưởng những hào nhoáng thế gian, nhưng trong thâm tâm, chúng tôi không bao giờ quên được những người bạn, người anh em, đã hằng chuyên tâm lo lắng cho sự an lành của chúng tôi, bao nhiêu năm trường nơi chiến địa. Đặc biệt là những người bay những phi cơ quá cũ kỹ từ thời đệ nhị thế chiến như A-1, C-47, đầy những đắp vá khắp thân tàu, ngay cả kim loại cũng đã phải mỏi mòn!


    Giờ đây, sau mười mấy năm lưu lạc, viết vài kỷ niệm gởi đến các anh, những người kỹ thuật Không Quân ưu tú của đất nước, như những lời tri ân chân thành nhất.

    Phạm Đăng Cường
    Người Nhạn Trắng
    Last edited by khongquan2; 03-11-2017, 07:38 AM.

  • #2

    Comment


    • #3
      ngày 11 tháng 3 là ngày giỗ của vị Anh Hùng Khu Trục cố Tr/Tá Phạm Đăng Cường

      Người Nhạn Trắng!
      (Để tưởng nhớ về Người Nhạn Trắng, cố Trung-Tá Phạm-Đăng-Cường.)

      Trần Ngọc Nguyên Vũ
      *****

      Anh sinh ra giữa thời ly-loạn
      Đất nước tang-thương tự thưở nào
      nối gót tiền-nhân cơn quốc biến
      “Đầu bút nghiên hề sự cung đao”. (1)

      Không-gian một cõi trong tầm mắt
      Nhìn quanh nhân-thế thoảng mây bay
      Hai vầng nhật nguyệt trên vai gánh
      Ngạo-nghễ mang theo những tháng ngày.

      Xưa kia tráng-sĩ trên lưng ngựa
      Múa kiếm xông-pha chốn lũng ngàn
      Anh cũng tung-hoàng trong bão lửa
      Một thời hứng trọn những nguy nan.

      Anh vốn chẳng màng chi danh lợi
      Một đời trĩu nặng những ưu-tư
      Cho dù định-mệnh còn cay-nghiệt
      Lòng vẫn bùng lên khúc tạ từ.

      Chỉ thương phận bạc hồng nhan ấy
      Vẫn mỏi mòn trông chiếc bóng mờ
      Hiu-hắt đèn khuya soi ảnh gỉa
      Chập-chờn cánh nhạn trắng trong mơ.

      Nhớ anh một nén nhang lòng thắp
      Tưởng-niệm người trai của độ nào
      Coi nhẹ thân mình lo đại-cuộc
      Tấm lòng vằng-vặc với trăng sao.


      Trần Ngọc Nguyên Vũ
      (Mùa tưởng-niệm!)

      Chú-Thích:
      (1) Chinh-Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn


      (Bên phải đứng) cố Tr/Tá khu trục Phạm Đăng Cường
      Last edited by khongquan2; 03-11-2013, 05:44 AM.

      Comment


      • #4
        Để tưởng nhớ về Người Nhạn Trắng, cố Trung-Tá Phạm-Đăng-Cường

        Tác Giả: Người Nhạn Trắng - Phạm Đăng Cường

        Lời Gíới Thiệu (Khóa 3/69 & 69B): NT Phạm Đăng Cường, vị anh hùng Phi Công Khu Trục A-1 và F-5. NT Cường là người cùng khóa với NT Lê Như Hòan trong thời gian huấn luyện bay trong trường Phi hành Hải Quân Hoa Kỳ. NT Cường đã vinh viễn ra đi vào ngày 11 tháng 3 năm 1988. Trong bài "Lang Thang Đến Bao Giờ", NT Cường nhắc lại cuộc hành quân biệt phái của Biệt Đội Khu Trục tại Biên Hòa yểm trợ cho chiến trường Pleime, Kontum năm 1965. NT Hòan lúc đó là Thiếu Úy Biệt Đội Trưởng Khu Trục Tại Pleiku. NT Cuờng đã gặp gỡ các SVSQ Khóa 69B vào năm 1969. NT Cường vẫn hay đề cập đến "duyên nợ" của NT Hòan với Khóa 69B.


        1965 những người hùng Không Quân tham dự cuộc oanh kích Vĩnh Linh - Bắc Việt

        Lang Thang Đến Bao Giờ
        Người Nhạn Trắng
        ---&&&---

        Hôm nay ngồi nhìn cửa sổ, thấy lòng rộn rã, nghe như có tiếng gọi của Không Trung, hay là tại cái chuởng của anh chàng Đầu Bếp: "Không Bỏ Anh Em, Không Quên Bạn Bè" làm anh em khổ sở vì câu này. Nay lại tung thêm một chưởng nữa: "Những cây bút chủ lực", nghe qua thật là hay nhưng xét lại thì cũng ... suớng thật! Bởi vì nói theo kiểu bình dân thì đây là một cái "lai-xên" (license), còn theo kiểu qúi phái thì đây là "tai-tồn" (title) chứ bộ. Đành phải cố gắng, tan hàng rồi, mà cứ còn phải ... cố gắng!

        Chắc cũng phải có tiếng gọi của Không Trung, của bạn bè đồng ngũ, của những người cùng ăn chung mâm, ngủ cùng phòng, chia sẻ hiểm nguy và trách nhiệm.

        Vẫn những đám mây quen thuộc ấy ngòai cửa sổ, nhưng còn đâu những mây đen vần vũ giăng đầu núi, những mưa sa bão táp, tôi cùng anh Trát "dìu" nhau về đáp. Anh không còn thấy tôi, tôi không còn thấy anh, chỉ chập chờn nhận ra nhau qua hai đóm đèn đầu cánh; đèn xanh là tôi, đèn đỏ là anh. Chúng mình chỉ cách nhau có một thước, anh nhẹ tay là sống, anh mạnh tay là chết, đó là luật khu trục, phải tin tưởng lẫn nhau, không được tin tưởng vào một cái gì khác ngòai tình đồng đội.

        Còn đâu những buổi trời xanh bao la, mây trắng như sữa, trải thảm đến tận chân trời, anh Tập và tôi lướt chơi trên thảm mây như trượt tuyết. Chán rồi lại ngâm cả phi cơ vào trong mây, chỉ còn ló thắp thóang cái "canopy" (nắp đậy phòng lái) ra ngòai như hai cái bong bóng.

        Còn đâu những lúc hành quân đêm, lấy ánh hỏa châu của anh Sơn làm tình cầu dẫn lộ để đến mục tiêu tận mãi ven biển Hà Tiên. Tụi tôi không liên lạc được với tiền đồn, anh vừa thả trái sáng vừa làm FAC (điều không tiền tuyến) chỉ dẫn tụi tôi giải vây tiền đồn. Anh thả hỏa châu rồi giải tỏa về phía tay mặt; tụi tôi thả bom rồi giải tỏa về phía tay trái. Anh thả it lại, mỗi "pass" còn hai qủa thay vì bốn qủa để tụi tôi còn rộng không gian để xoay trở. Địch rút, quân ta giữ được đồn.

        Sợ trên đường về vân dâm dễ buồn ngủ, tụi tôi bay hợp đòan với anh. Tới không phận Sài Gòn, anh lấy hướng Tân Sơn Nhất, tụi tôi lấy hướng về Biên Hòa. Lúc ấy không được hân hạnh biết mặt anh, nhưng mỗi lần gặp anh trên tần số trong đêm vắng, tôi thấy thật qúi mến.


        Hình ảnh cựu Tr/Tá Hoàn xưa và nay

        Còn đâu những lần thăm viếng nhau, anh Hòan biệt đội trưởng Pleiku, tôi đặc trách khu trục Biên Hòa thừa dịp huấn luyện du hành Biên Hòa - Đà Nẵng - Biên Hòa, lấy cớ cho khóa sinh đáp sân lạ, tôi ghé thăm anh, thăm núi rừng âm u. Anh kể cho tôi chuyện hành quân nơi đất đỏ xa xôi này của quê hương. Phi đội anh và những người lính kỹ thuật làm việc 200%. Anh nói: "Với tao, ba chiếc A-1 vừa đáp xong, một tiếng đồng hồ sau là phải báo cáo tình trạng khả dụng, xăng nhớt, bom đạn để sẵn sàng cho những phi vụ kế tiếp, ngày cũng như đêm". Anh luôn luôn có mặt ở phi đạo để đôn đốc và góp mặt với anh em. Rồi anh còn nhắc tôi thay phiên biệt phái đúng ngày vì tụi nó ăn cơm tay cầm (bánh mì thịt) riết sẽ không chịu quá 15 ngày. Anh em nhìn anh vừa phấn khởi, tự nhiên có một sự tin tưởng mãnh liệt vào anh, một vị chỉ huy trẻ hăng say và nhiệt huyết, một thế hệ mới của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Có anh đây thì vùng trời và vùng đất này của quê hương sẽ được bảo vệ (không yểm) tối đa mà sức người có thể làm đuợc. Giữa núi đồi cao nguyên, hình bóng in trên nền phi đạo là cả một sự kết tụ huyết thống đất Thần kinh nơi anh sinh trưởng, của sự độc đáo và hào hùng của Không Quân VNCH, Quân chủng mà anh đã chọn, và sự kiêu hãnh của Hải Quân Hoa Kỳ, nơi mà anh được đào tạo. Anh mặc áo bay mầu cam, mang giầy Navy mầu "bơ-găng-đi". Những lúc vui chơi với anh em, anh cũng hết tình hết nghĩa, cũng "Càn khôn ơi, Xin rót rượu giùm ngay" lia lịa, cũng quay cuồng trong điệu nhạc, cũng nghiêng mình trước mỹ nhân. Anh đã đem cái tinh thần trên truyền lại cho các đàn em, khi anh trông nom sinh viên sĩ quan ở quân trường Nha Trang. Và tôi cũng có dịp ghé ngang thăm anh và được anh giới thiệu với các sinh viên sĩ quan: "Đây là nguời phi công khu trục của Biên Hòa". Và còn đâu:

        "Em là gái bên song cửa,
        Anh là mây bốn phuơng trời.
        Anh theo cánh gió chơi vơi,
        Em vẫn nằm trong nhung lụa."


        Giờ đây cảm thấy thiếu thốn một cái gì, một cái gì đó đã hòan tòan mất hẳn. Càng ở trong Quân Đội, trong Không Quân càng lâu càng thấy thấm thía, càng thương nhớ và càng thấy mất mát một cái gì. Đi Không Quân mà được du học bay bổng ở Hoa Kỳ là cả một ân huệ lớn được Quân Đội dành cho. Huấn luyện một quân nhân trở thành phi công tốn kém rất nhiều. Nào là tiền trả lương cho cả tháng để về Sài Gòn làm thủ tục xuất ngọai. May áo đại lễ trắng, đại phục xanh, quân phục thường, những thứ vải đặc biệt, áo lạnh chòang, áo lạnh cụt nganh lưng, ôi đủ thứ. Nào là vừa được trả tiền phụ trội du hoc bằng đô-la hàng ngày, còn thêm tiền bay phản lực trong lúc thụ huấn tại Hoa Kỳ trong khi vẫn lãnh lương ở Việt Nam đều đều. Tất cả tính vào ngân quỹ quốc gia. Đã vậy, Không Quân còn ưu đãi, cho quân nhân đi tu nghiệp để trau dồi kiến thức và cập nhật hóa thường xuyên. Phi hành trau dồi thêm khả năng về phi cụ, xuyên huấn các lọai tầu bay tối tân hơn, về an ninh phi hành, học cả chiến thuật không chiến, học về tham mưu và chỉ huy. Không phi hành thì tu nghiệp các ngành chuyên môn, kỹ thuật, quân báo, an ninh dưới đất, mưu sinh thóat hiểm v... v... Người nào du học ít nhất cũng một hai lần. Càng nghĩ càng thương Quân Đội.

        Trong những buổi Đại hội của các Hội Cựu Quân Nhân có những biểu ngữ:

        "Anh có thể lấy tội ra khỏi Quân Đội, chứ anh không thể lấy Quân Đội ra khỏi tôi".

        Hay:

        "Hỡi những người lính một thời ngang dọc,
        Mầy lang thang đất lạ đến bao giờ ..."


        Và còn được anh cả Trường Sơn giảng giải chữ "mầy". Ông nói: "Tiếng Việt Nam thật là phong phú, chữ mầy ở đây thực sự là đặc sắc, không có ý thô tục, nó thật dễ thương nghe thật là gần gũi và hiên ngang và v... v..."

        Càng nghe, tôi càng nhớ Quân Đội lại càng thương mến Không Quân.

        Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, cái lon, cái chức vụ là ân huệ của Quân Đội. Thụ huấn ở quân trường Nha Trang hay xuất thân từ những trường danh tiếng Hoa Kỳ, Không Quân hiện dịch vẫn mang Chuẩn Úy, anh em vẫn vui mừng và hãnh diện, nhưng đôi lúc cũng khóa nhau là "thượng sĩ gân".

        Nhưng so với những nguời cùng lứa, cùng tuổi ở tiền đồn xa xôi, hẻo lánh như bị bỏ quên vì yểm trợ khó khăn. Không Quân chúng ta còn suớng hơn nhiều. Những anh em Bộ Binh đã chiến đấu hết sức anh dũng cho Tổ Quốc và sự sinh tồn của chính họ. Có nơi, người vợ phải bò lên nạp đạn phụ với chồng, cố gắng cùng ngăn cản địch, không than vãn, không thắc mắc, rồi cùng chết yên tĩnh cam chịu. Vì thấu hiểu như vậy, có những đêm trực bay, ngủ trong trailer, lạnh bị cảm sổ mũi nhưng khi điện thọai reo lúc một hai giờ sáng, gọi đi giải vây tiền đồn, khi chấm tọa độ trên bản đồ thấy Hà Tiên, Năm Căn hay Cà Mâu xa mịt mù, tôi đã phải vội vã cố gắng co giò co cẳng chạy ra phi cơ, may ra còn kịp giờ.

        Có những người lính ngồi trên bãi đậu, đợi phi cơ không vận ra tiền tuyến. Thấy nguời chiến binh da sạm nắng, người có vẻ khỏe mạnh nhưng gầy ốm, trên người mang hành trang đạn dược quá nhiều, tôi vội hỏi: " Sao anh không mang theo đồ ăn, đồ tẩm bổ nhiều để đề phòng khi bị vây hãm?". Anh trả lời: "Đụng trận không đủ đạn để bắn, đâu có thì giờ để ăn".

        Mặc dầu tôi đã chiến đấu hết sức mình trong cuộc chiến, tôi vẫn cảm thấy đã nợ quá nhiều ân huệ của Quân Đội, của Không Quân.


        Từ phải ngồi: Người thứ hai, NT Lê Như Hoàn.
        Từ phải đứng: Người thứ tư, NT Phạm Đăng Cường.


        Người Nhạn Trắng
        Phạm Đăng Cuờng
        Last edited by khongquan2; 03-12-2015, 06:52 AM.

        Comment


        • #5
          Nhân ngày 11 tháng 3 là ngày giỗ thứ 29 của vị Anh Hùng Khu Trục cố Tr/Tá Phạm Đăng Cường, khongquan2 tôi xin thắp một nén hương lòng tưởng nhớ đến vị anh hùng khu trục của KQVNCH.




          (Hàng đứng bên phải) cố Tr/Tá Phạm Đăng Cường
          Last edited by khongquan2; 03-11-2017, 08:56 AM.

          Comment


          • #6
            Nhân ngày 11 tháng 3 là ngày giỗ thứ 30 của vị Anh Hùng Khu Trục cố Tr/Tá Phạm Đăng Cường, khongquan2 tôi xin thắp một nén hương lòng tưởng nhớ đến vị anh hùng khu trục của KQVNCH.




            (Hàng đứng bên phải) cố Tr/Tá Phạm Đăng Cường

            Comment


            • #7
              Nhân ngày 11 tháng 3 là ngày giỗ thứ 31 của vị Anh Hùng Khu Trục cố Tr/Tá Phạm Đăng Cường, khongquan2 tôi xin thắp một nén hương lòng tưởng nhớ đến vị anh hùng khu trục của KQVNCH.


              Last edited by khongquan2; 03-11-2022, 03:54 PM.

              Comment


              • #8
                Nhân ngày 11 tháng 3 là ngày giỗ thứ 34 của vị Anh Hùng Khu Trục cố Tr/Tá Phạm Đăng Cường, khongquan2 tôi xin thắp một nén hương lòng tưởng nhớ đến vị anh hùng khu trục của KQVNCH.

                Đọc lại một bài báo cũ:

                UẤT-ỨC VÌ BỊ CHỤP MŨ CỘNG SẢN HAY DƯỚI ÁP LỰC THẢM KHỐC NÀO?

                Một Vị Cựu Trung Tá Nguyên Chủ Tịch Hội Ái Hữu Không Quân QLVNCH tại Houston Tự Tử Chết.

                . Tướng Kỳ và tướng Minh sẽ bay sang Texas dự "Đêm Không Gian" tưởng niệm đồng đội.

                . Sự thật sẽ được phơi bày trước dư luận, luật pháp và công lý.



                * Kim Hà. đpv Làng Văn tại Hoa Kỳ .

                Cựu Trung Tá Phạm Đăng Cường 47 tuổi, nguyên phi công phản lực cơ F5, cựu hội trưởng Hội Ái Hữu Không Quân VN tại Houston đã nhảy cầu xa lộ tự tử chết lúc 10 giờ sáng ngày 11.3 vừa qua.

                Nhân chứng vụ tự tử là vợ chồng ông L.H. bạn ông Cường, cũng là một phi công F5 trước đây.
                Theo lời khai của ông H. trước cảnh sát cuộc. Vào sáng hôm ấy ,ông H. lái xe cùng vợ đi chợ qua xa lộ 59, khúc Southwest Freeway, chợt trông thấy chiếc Oldsmobile đời 1979 của ông Cường tông vào những thùng làm vật cản trên xa lộ. Ông H. dừng xe lại, hỏi ông Cường có cần giúp gọi xe kéo không. Ông Cường rất bình tỉnh, băng qua xa lộ tới gần vợ chồng ông H. Ông Cường nói với đôi vợ chồng bạn: "Họ chụp mũ tôi là Cộng sản, trong khi suốt đời tôi chống Cộng, xin anh minh oan cho tôi". Nói xong, ông Cường leo qua thành cầu và lao người xuống mặt đường tự tử chết tốt trước trước sự sững sờ của ông bà L.H.

                "Họ "là ai, ông Cường không nói rõ, và cảnh sát cũng không tìm thấy thư tuyệt mạng hay giấy tờ liên hệ lưu lại.


                Ông Phạm Đăng Cường, bút hiệu Người Nhạn Trắng, là một trong những cây bút trụ cột của đặc san Lý Tưởng của Hội Ái Hữu Không Quân VN tại Houston.

                Trước đó, đặc san nầy trong số xuân Mậu Thìn đã đăng bài Vàng Rơi Không Tiếc của nhà văn Đào Vũ Anh Hùng, bàn về vụ Phó Đô Đốc Hoàng Cơ Minh "chết". Bài báo này khiến thành bộ Houston của Mặt Trận QGTNGPVN bất bình gửi văn thư tới Hội Ái Hữu Không Quân để phản đối, cho rằng việc cho đăng bài báo nói trên chỉ có lợi cho bọn văn hóa vụ và tay sai bạo quyền VC tại hải ngoại.

                Theo các người còn sống, ông Cường là một trong những người chủ trương cho đăng bài Vàng Rơi Không Tiếc của nhà văn, cũng là cựu phi công Đào Vũ Anh Hùng .

                Sau khi bài báo ra mắt đọc giả, tư gia của ông Cường (cựu hội trưởng) và ông Trần Văn Nghiêm, đương kim Hội Trưởng đều bị đột nhập, lục soát, nhưng chỉ mất vài món lặt vặt không đáng giá.

                Trong thời gian trước khi tự tử, ông Cường thường than trách với bạn bè rằng "người ta" chụp mũ ông là CS, trong khi ông là thành viên hoạt động trong Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, và trước kia ông từng vào sinh ra tử bảo vệ lý tưởng và danh dự quân chủng.

                Dưới bầu trời ảm đạm hôm 16 khoảng 200 chiến sĩ Không Quân Việt Nam và gia đình, thân hữu đã tiễn đưa di cữu ông Phạm Đăng Cường về nghĩa trang Forest Park ở phía tây Houston. Sau đó lễ cầu siêu đã được tổ chức tại chùa Linh Sơn trong vùng.


                Để tưởng niệm một chiến hữu, vừa là sáng lập viên, vừa là cựu Hội Trưởng. Hội Ái Hữu Không Quân Việt Nam tại Houston tổ chức chương trình "Đêm Không Gian" vào đầu tháng 4, 1988 để gây quỹ giúp gia đình người quá cố. Cựu Trung Tướng Trần Văn Minh, nguyên Tư Lệnh Không Quân từ San José, Cali, bay sang khai mạc chương trình "Đêm Không Gian " này.

                Báo Ngày Nay tại Houston loan báo, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư Lệnh Không Quân tiền nhiệm, trước TT Minh cũng sẽ có mặt trong "Đêm Không Gian". Tờ báo còn loan tiếp "một cựu Tư Lệnh Không Quân sẽ công khai hóa vụ án giết hại Trung Tá Phạm Đăng Cường".

                Ông Tướng Cựu Tư Lệnh Không Quân tuyên bố, sẽ "nói hết sự thực" về vụ ông Phạm Đăng Cường, một thuộc cấp cũ của ông đã bị áp lực đến nỗi phải tự tử chết thảm khốc. Đồng thời ông nói, sẽ tổ chức lại tờ Lý Tưởng làm cơ quan ngôn luận chính thức cho Không Lực Việt nam Cộng Hòa, chứ không còn là báo riêng của Hội Ái Hữu Không Quân VN tại Houston nữa.

                Bàn về bài báo của Đào Vũ Anh Hùng, ông Tướng Cựu Tư Lệnh Không Quân nói "Đâu có gì đáng để họ áp lực ông Cường tự vẫn. Đây chỉ là trường hợp hai người bạn phi công chơi thân với nhau, sau một người đi lầm đường thì người kia cố gắng cảnh tỉnh bạn, đồng thời cảnh giác các thanh niên khác để khỏi lầm đường lạc lối mà thôi".



                (Từ phải) NT Dan Hoài Bữu, NT Lê Như Hoàn, NT Phạm Đăng Cường. NT Vũ Hiệp. NT Nguyễn Văn Phong.

                Comment



                Hội Quán Phi Dũng ©
                Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                website hit counter

                Working...
                X