Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Con Cắc Kè Bông

Collapse
X

Con Cắc Kè Bông

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Con Cắc Kè Bông

    Xin phép giới thiệu một truyện ngắn thật ý nhị về tuổi già của tác giả Đỗ Thành. Một chuyện đơn giản nhưng lại phản ảnh một sự thật đau lòng của nhiều người cao tuổi trong chúng ta, nhất là những người đã một thời vang bóng, nay ngồi gặm nhấm nỗi buồn già và một thời quá khứ mà lòng tê tái. Biết đâu mai nầy cũng đến lượt chúng ta chăng? Người trong câu chuyện với mảnh vườn nhỏ hàng ngày ngồi nói chuyện với cây cỏ, hay như nhiều người già với bàn phím ngồi gõ chuyện trên trời dưới đất cho qua ngày đoạn tháng, có gì khác nhau?
    chimtroi




    Tác Giả: Đỗ Thành

    Nếu có ai nhìn thấy ông chiều nao cũng rị mọ ra sau vườn nhà, ngồi nhâm nhi bát chè xanh to bự, hẳn đã nghĩ là ông muốn trở thành bực thức giả, triết gia. Còn ai có chút óc hài hước hơn tí lại e hèm ông giờ đã làm phận “ lão gia an chi “ nên rửa tay gác kiếm, mặc cho thời thế xảy ra bên ngoài đường sá, không màng gì đến nữa.
    Riêng với ông, sự việc dản dị vô cùng. Tuổi ngoài 70 nào còn đâu ra sự nhanh nhẹn, tháo vát, có muốn góp lời nào với đời cũng bị chê hủ bại, bi quan. Tiếp xúc với đám trẻ, chúng líu la líu lo nói tiếng người như gió, ông ngần tò te chẳng hiểu được mảy may.
    Đến cả bà lão nhà ông nữa. Hễ ông mở miệng có tí ý kiến ý càng là y như bà chê ỏng chê eo: ối ông dở hơi dở hám, đừng đem đi kể lại với ai, kẻo họ cười đến tóc không còn mọc được. Ông rờ lên đầu thì quả tóc ông đi chơi ráo trọi, lơ thơ chỉ còn tí ở đỉnh đầu, soi gương thấy cả mảng sau nhẵn thín, ôi quá nản.
    Không tự ty cũng phải tự ty, khí phách còn đâu mà phân bua phải trái. Thời huy hoàng của ông tàn lụi rồi, giờ chỉ còn lấy bóng cây mây gió làm bạn. Bà lão biết ông buồn nên sửa sang chăm sóc cái vườn, chỗ này dặm vài bụi hồng, chỗ kia gieo ít rau, vừa có tí hương, vừa có tí vị thêm vào cho bữa ăn nuốt vô được dễ.
    Ông nghe ở đâu cái ý cây cối nếu được người tiếp xúc chuyện trò thì chúng cũng lớn nhanh, quả nhiều, hoa ngọt, nên khi lẩn thẩn ra vườn ông cũng nhăng cuội với chúng cho vui. Ông ghé cây này “ he lô, mày vui chứ “, lại xìa qua hoa kia vồn vã “ chóng lớn nghe cưng “. Lắm hôm lão bà bất chợt bắt gặp, ôm bụng cười ngả nghiêng và diễu ông mãi: gớm, hết gái để tán lại đi tán hươu tán vượn với hoa.
    Mặc, bà ấy nói gì thì nói, việc ai người ấy làm. Ông ngồi trên ghế, nhích tránh dần khi bóng nắng liếm đến. Ông nghĩ bụng phải sắm cái dù che cho giống patio mà ông vẫn thèm thuồng, nhưng dành dụm mãi vẫn chưa đủ. Ông uống từng ngụm trà xanh, nghe chất tanin chầm chậm “ chảy vào hồn “. Cụm từ này ông cuỗm từ một bài ca nào đó, chứ chính ông cũng chẳng đẻ ra nổi lời hay ho bóng bẩy đến vậy.
    Ông đảo mắt một vòng. Khóm rau dền đã cao lênh khênh, chỉ mai kia là có mớ về luộc hay nấu canh bỏ bụng. Ông chuyển cặp mắt sang cành hoa, nụ vàng kia chắc là loại hồng lớn, hương phải biết là sực nức. Chưa gì, ông ngả người ra lưng ghế để tưởng tượng mùi thơm thơm chui tọt vào khứu giác của ông. Hai tay ông xòe ra sau gáy như cánh phi cơ, mà thằng cháu nội diễu là ông làm phi công giả tạo.
    Chợt có tiếng lẹt xẹt ở mấy bụi lá trong vườn. Ông nhỏm lên, một con cắc kè bông đang chong ngóc nhìn ông không chớp. Nếu thoáng qua chắc là ông không thấy, vì con cắc kè đang phủ lên da nó cái màu xanh lẫn với lá xung quanh. Ông suỵt đuổi nó, con cắc kè chạy ra cái gốc lớn màu xù xì, da nó chuyển ngay sang màu tương hợp khác liền. Ông để mặc không làm nó sợ nữa. Thấy ông im, con cắc kè nhâng nháo nhìn. Bây giờ ông mới nhận thêm là người nó nổi lốm đốm hoa, thứ cắc kè bợm nhậu khoe ngâm rượu, ông uống vô bà chết giấc.
    Ông mỉm cười thầm, thiên hạ bá vơ đặt lời xàm bậy, rặt toàn tính chuyện ăn chơi. Ông lẩm bẩm một mình: thì ra là mày, cái quân cả đêm làm tao mất ngủ. Chỉ mới tối qua thôi, tự dưng ông trằn trọc quá cỡ, nhớ giăng giăng mà chẳng biết nhớ chi. Đang nghĩ đến nhà là cái chốn bên kia nửa địa cầu thì đột nhiên lây sang nhớ bán đảo Cam Ranh, những ngày tù tội, đêm giữ đồn. Ở đâu cũng đều quyện vô tiếng con cắc kè ột ột.
    Đêm qua, ông cho đó là tiếng kêu thống thiết của người xa xứ. Nó như nhắc nhở tâm hồn người lưu vong nỗi nhớ quê hương. Giọng nức nở “ nhớ nhà, nhớ nhà “ chẳng khác vết dao khoét sâu vào trái tim đau khổ, nó làm nước mắt ông ứa ra, đọng vũng lên mặt gối, rồi tim ông se thắt lại.
    Ông nhớ hồi di cư 54, người ở “ oải “ theo nhau vô đông hết nói. Tàu há mồm xình xịch chuyển ngày đêm. Dân Nam kháo nhau: người Bắc Kỳ kéo nhau bỏ xứ dữ quá. Đi đâu, cũng nghe họ trêu Bắc Kỳ ăn rau muống, vài kẻ quá khích lại muốn cà khịa đánh nhau.
    Buổi đó, cắc kè đâu ra lắm thế, đi đâu cũng nghe kêu “ cắc kè, cắc kè “. Đến thành phố cũng đầy tiếng kêu của con vật nỡm này, người Sè Gòn nói vui: mấy ổng mấy bả vô còn đem theo cả con vật để nhớ tới quê. Ông được sinh ra ở trong Nam, nhưng bố mẹ Bắc Kỳ chay nên nghe bị sốc nặng. Mấy thằng nhỏ bên nhà lại trêu khi thấy vài người Bắc đi qua. Ông cáu chửi cho chúng một trận: chúng mày ăn phải bả thực dân chia rẽ dân tộc.
    Bọn nhóc nghĩ ông là dân Nam lại đi binh dân Bắc nên phân bua: thì họ là Bắc Kỳ chớ tao có đặt ra để kêu họ đâu. Ông vênh mặt lên: tao cũng Bắc Kỳ ở với tụi bay lâu có làm điều gì sai đâu mà sao tụi bay lại dị ứng với người Bắc mới tới. Bọn nhóc bí, nhưng vẫn gỡ: mày Bắc Kỳ khác, họ Bắc Kỳ khác, họ Bắc Kỳ 54, con mày Bắc Kỳ cũ.
    Sự phân biệt này chỉ hây hây cơn gió nhẹ thoảng qua, vài năm sau cuộc sống ổn định, chợ búa làm ăn chung đụng với nhau thì Bắc Nam đề huề êm ả ngay. Xuất xứ 54 nhạt dần và hóa tan đi nhanh chóng. Cắc kè cũng rủ nhau đi đâu hết, thành phố chỉ còn tiếng ve kêu. Mỗi lần hoa phượng nở báo hiệu hè về là nghe sang sảng bài ca “ mỗi năm đến hè lòng man mác buồn “ vang lên.
    Báo chí đăng khen công lao đồng bào Bắc vào mở mang, sinh sống với lời trang trọng. Địa danh Hố Nai, Gia Kiệm, Phương Lâm, Cái Sắn vùn vụt được đánh giá về sự cần cù và tài năng của dân Bắc khiến người trong Nam cũng hòa theo mà chung sống.
    Đất lành chim đậu, miền Nam trù phú, đất rộng, làm chơi ăn thiệt, nên tình người cũng bao la bát ngát với sông nước bình nguyên. Dù chiến tranh có vỡ ra lớn hơn thì niềm vui xẻ chia cũng không vì thế mà bị cụm co lại. Những mối duyên Nam Bắc làm cho đông con, nhiều cháu, anh Bắc Kỳ đã lọt vào mắt xanh người Đồng Nai, Bến Lức, Thị Nghè. Cô gái Bắc về làm dâu bà má Hậu Giang, Cà Mau, đất Vãng, sự đon đả, chăm chút của cô lo cho “ giang sơn nhà chồng “ khiến nhiều bà mẹ bên chồng cũng khen tới khen lui.
    Đùng một cái, nhà tan nước mất. Trời làm một cuộc bể dâu, người ở “ oải “ lại ùn ùn vô nữa. Lần này họ vô bằng U-át, Mô lô tô va, bò Ma, lết bết dép râu, mũ tai bèo và AK, súng máy. Họ đi tới đâu gây ra bao nỗi kinh hoàng. Cũng là Bắc, nhưng Bắc Kỳ 54 sợ họ ra mặt. Chả là vừa vào đến nơi họ đã hăm he: đứa nào chạy hồi 54 kỳ này trị hết.
    Lại một phen thành phố ồn ào. Chẳng có cắc kè, nhưng đi đâu cũng nghe dân ghẹo trêu “ Ắc ì “ ỏm tỏi. Anh bộ đội, chị cán cuốc giận vặc: mày làm gì “ ắc ì “ như đánh rắm. Người trong Nam ngửa bụng cười phè, họ bảo họ bắt chước tiếng cắc kè chứ có ghẹo trêu ai. Những đấng cán mới vỡ ra là họ xỏ, họ dám kêu tiếng Bắc Kỳ để châm chọc cánh ta.
    Những nắm tay vung lên, không phải để đấu tranh mà để xỉ xói vào dân Nam liệu hồn rồi xem. Mà kinh táng thực, nhà bị đuổi, đất bị lấn chiếm, ruộng bị tịch thu, tất cả đều được đưa về vùng kinh tế mới giữa đồng không mông quạnh. Lời nói láo trầm tĩnh mà ngặt nghèo, ai nhẹ dạ hăng say, hoặc kháng cự không đi là y như tan nhà nát cửa. Họ hứa đủ thứ, nhưng trật lất chẳng có một tẹo: trường sẵn, giếng sẵn, bệnh viện sẵn, chợ búa đàng hoàng, đến nơi trần trơn chẳng có gì hết, dân tự è cổ làm ứ hơi.
    Thế mới biết tài năng của họ đúng là từ Không nói Có, giả dối, đánh lừa. Trước dân còn sợ, sau nản kéo nhau về lê la đầy thành phố, ngậm ngùi nằm nhờ ngoài hàng hiên chính ngôi nhà họ đã bị đuổi ra tay không. Bao nhiêu lời hứa ngon giờ dân mới thấy là lời xạo, xạo từ trên đến dưới. Ai cũng ớ ra.
    Bọn ông cũng nếm mùi hứa hão của họ. Vào trại tù rồi, mới biết ngày về thăm thẳm chiều trôi. Lắm anh thất vọng, người mòn dần và lăn đùng ra chết. Có người nghĩ rằng sống cũng như chết, nên trốn trại phiêu lưu. Thoát cũng khổ, mà bị bắt lại cũng khổ, vì một chút lương tâm ở bọn cai tù hoàn toàn không có. Thậm chí có người nản chí, không thấy đâu ra một bóng đường về, nên liều lĩnh vượt rào giữa đêm. Bọn vệ binh bắn theo truy kích, có người chỉ bị thương, cầu xin cứu, họ dửng dưng thí cho một băng vào đầu chết tuốt.
    Bạn tù sống sót thấy mà ứa máu căm hờn. Đêm đêm nằm nhìn chiếc võng của anh bạn hẩm hiu bỏ lại mà khóc với nhau. Lại thêm tiếng cắc kè như chọc vào tai “ hết về, hết về “ , tay nào cũng nhão cả người. Làm quần quật, của cải bị chặn hớt tay trên, họ đem bán chia nhau, bảo tù phải trả nợ máu nên bụng luôn bị đói, thèm mọi thứ linh tinh. Đi lao động, hái rau tàu bay, sâm đất, tai tượng, cải trời, lá giang mà dấu như mèo dấu cứt. Bẻ trộm cái ngô hay lấy củ khoai cũng nhai ngấu nhai nghiến ăn sống vì sợ bị bắt ăn đòn.
    Bọn vệ binh hầm hầm chực giết, chúng hục hặc vì bom B-52 đã giết sạch gia đình chúng nên giờ trút oán hận lên nhóm tù. Ở lâu, thằng nào cũng vêu vao, xanh oặt xà lai, gặp gì chộp ăn nấy: chuột, bọ, cắc kè, thằn lằn, dế nhũi, mong có chút chất nhầy để nuôi sống bản thân.
    Bọn tù sống giữa nhau âm thầm, chịu đựng. Có anh chẳng biết bằng cách nào nhận được tin vợ yếu, con đau, anh bạn làm đơn xin về thăm nuôi con vợ và lấy danh dự sẽ trả lại sống đời tù tiếp. Những người nhân danh rất nhân đạo song từ khước lời xin. Anh bạn nổi điên giữa tối la hét, lôi từ tên trưởng trại đến tất tật ra chửi và thách bắn chết anh đi. Nỗi tuyệt vọng đã làm cho anh không còn nhận ra e sợ gì nữa.
    Cả trại nhốn nháo lên, ai cũng lo anh sẽ bị đưa đi cùm và vứt vào conex để trưa trưa bọn vệ binh đi ăn cơm về thi nhau nhặt đá xanh ném đùng đùng vào cho nhĩ tai vỡ bung, mắt nhỏ máu mới hả giận. May sao anh không bị bắn, mà cả trại đã bị bắt phải đâu nằm yên đó, nếu nhà nào chạy ra thì súng sẽ xả vào vô tội vạ. Bọn cán gáo hò vài nhà cử một người, phải mặc toàn áo lá và quần đùi, dù trời vào lúc cuối năm lạnh nứt thịt, hợp cùng với vệ sinh vũ trang súng AK, xông vào anh bạn trói lại để được tiêm một mũi thuốc mê cho ngủ và khiêng anh về nhà lán chia nhau giữ lấy anh suốt đêm.
    Người chiến binh bại trận nằm nấc lên từng chặp và tỉnh dần chỉ có khóc tỉ tê. Anh em tù khuyên răn mãi, anh mới thuyên giảm và dĩ nhiên tối sau cả trại bị tập trung để nghe kiểm điểm và nhận lời chửi trùm chửi lớp của các cấp chỉ huy tù. Anh em cảm thông nỗi đau của từng người mà mơ hồ tin sẽ có một ngày đến phiên mình cũng nổi khùng như anh bạn.
    Từ đó cái tiếng cắc kè nhại bọn tù “ hết về, hết về “ coi như là bản án tử hình cho chủng loại nó. Bọn tù đói quá, thiếu chất sơ, nên gặp đâu là ví bắt lột da, nướng sơ và ăn ngon lành. Cắc kè trốn mất tiệt, phần để bảo toàn sự sống, phần không dám nhạo kêu “ Bắc Kỳ, Bắc Kỳ “ vì sợ AK của bọn vệ binh, phần lại e các bố tù tóm được làm món ăn cải thiện.
    Chẳng mấy chốc toàn trại tù không còn một dạng sinh vật nào cả, kể luôn rắn rít, bọ ngựa, cào cào hay chuột nhà, chuột đồng, gián… Ông nghĩ lại kỷ niệm cũ mà thấy còn ghê. Chờn chợn như vừa mới đây thôi, có khi chợt thấy đuôi mắt ngân ngấn nước. Ông thương bè bạn đã vùi thây bên ngoài vòng rào khu tù cải tạo, vợ con lên cũng không cho ra thăm, những người chết tủi chết nhục mà đến vợ con cũng tủi phận buồn lòng.
    Chuyện con người ăn hầm bà lằng các con vật đâu có gì lạ, hồi ở bán đảo Cam Ranh, dù gạo sẵn, thịt nhiều, bọn lính của ông vẫn dùng cọng dừa làm thòng lọng đi bắt cắc kè, kỳ nhông. Các em đua nhau đem về chọn loại rượu độ cao ngâm để làm món đưa cay với ý tưởng là uống vào để được làm bậc vua “ nhất dạ lục giao sinh ngũ tử “. Chỉ tội các chị vợ lính, đã mệt nhoài người vì lũ nhóc mỗi ngày lại còn gặp cảnh “ đang khi lửa réo cơm sôi, con thì đòi bú chồng đòi tòm tem “. Có chị gặp ông đã sụt sịt kể tội anh, ông phải gọi đàn em lên để khuyên họ đừng dớ dẩn nghe lời bàn mà hành hạ vợ con nhà.
    Bây giờ, cuộc cờ đã ngả nghiêng, chông chênh tất cả rồi. Kèn thua trận rầu rĩ thổi lên, những gì thân yêu đều mất sạch. Người ngày xưa bị văng đi các nơi, kẻ về quê, người kinh tế mới, lại có anh chết chị què, nháo nhác như bầy gà mất ổ, loạn xạ như bầy ong bị phá mật. Ông nghĩ không biết bao giờ lại có một lần sống với nhau như dạo xưa.
    Gia đình ông lại bỏ quê hương đi ăn nhờ ở tạm. Đêm năm canh thao thức nhớ nhà. Nhớ về một nơi đồng bằng có con kinh lượn lờ chảy manh, nước phù sa đỏ quạch dưới chân vịt con đò. Nhớ mỏm núi cao chiều sương mù giăng che kín. Nhớ con đường sáng tinh sương bóng áo trắng đến trường. Nhớ kinh đô mù mù giọng hò Nam Ai rặc Huế. Nhớ Nha Trang song biển dập dềnh, núi cô Tiên nằm dài ra tận mép nước. Nhớ vô cùng, nhớ da diết buồn tênh.
    Đã vậy, cái con quỉ cắc kè lại khua ông với lời cầm canh “ nhớ nhà, nhớ nhà “ tê buốt. Ông không có can đảm giết nó đi, nhưng ông mong sao nó đừng khơi lại nơi ông về những tình nghĩa cũ. Ông muốn biện bạch với nó: cắc kè ơi, nếu mày có thương tao thì mày làm ơn đừng nhắc với tao nỗi khổ xa quê. Vì mày nhắc tới quê, tao lại nhục nhã vì không giữ được nước. Chúng mình có khác gì nhau, giờ đều đổi màu bông để mong được sống còn. Mày làm bạn với cỏ cây còn tao vùi đầu vào luyến tiếc.
    Đó là lý do ông cứ thích chọn sau vườn để thủ thỉ thù thì với khóm rau, cây cảnh cho quên. Ông âu yếm nói năng, thăm hỏi cọng rau hay đóa hoa, tựa như tâm sự với người tình. Vì ông thấy ít ra những thứ đó còn thực hơn nhiều món khác. Và chiều nay ông lại ra vườn sau rất sớm. Bà vợ thấy ông đăm đăm, đem vội ra bát chè xanh to ụ và ngồi bên cạnh ông.
    Lần đầu tiên, ông trịnh trọng rót ra tách con mời bà uống để nghe chất chát ngấm vào hồn, rồi sau đó là vị ngọt của trà thấm đượm nơi cổ họng. Buổi chiều qua dần, loạt xoạt con cắc kè chạy vội chui vào đám lá vương vãi dưới sân…


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X