Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đà Lạt Thơ Mộng… Chìm Trong Biển Lửa - Tình Hoài Hương

Collapse
X

Đà Lạt Thơ Mộng… Chìm Trong Biển Lửa - Tình Hoài Hương

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đà Lạt Thơ Mộng… Chìm Trong Biển Lửa - Tình Hoài Hương

    Đà Lạt Thơ Mộng… Chìm Trong Biển Lửa
    (Nhớ về năm Mậu Thân 1968)
    Tình Hoài Hương



    Từng chòm thông cao vút mọc thẳng xòe táng lá xanh mướt um tùm trông cao lớn, phơi phới, tươi tốt mát mẻ lạ thường. Tiết trời quang đãng ấm dịu vừa xua tan đêm trừ tịch trong thành phố Đà Lạt an hòa có lắm mộng nhiều mơ. Muôn ngàn chim én xôn xao tưng bừng ríu rít chao lượn từng đàn đông nghẹt trên mái ngói lầu cao. Tự lúc nào không biết gió xuân về mát rượi, khiến tôi cảm thấy trong lòng dâng lên nỗi an thư ngọt ngào lâng lâng, xao xuyến ngất ngây vô vàn, niềm vui đọng lại trên ngàn giọt sương long lanh, rưng rưng đài hoa anh đào chúm chím e ấp buổi giao mùa.

    Ngày 23 đưa Ông Táo về Trời tấu trình với Ngọc Hoàng công việc làm ăn ở trần thế. Thì ngày xưa ở cung điện hoàng gia vua chúa nước ta, từ nhất phẩm đến cửu phẩm, họ sắp hàng thứ tự trước điện rồng làm lễ bái tạ Trời. Đất. Vua, quan chức quyền trong triều đình tới hàng dân dã đều làm lễ trừ tịch tống cựu nghinh tân. Các lễ trong triều thần quan trọng là: Nguyên Đán. Phất thức. Tịch điền rước thần nông. Tế xuân. Du xuân (hưởng: Xuân, Hạ, Thu, Đông). Cúng tam sinh: Trâu (hoặc, bò, dê). Ngoài ra còn có lễ tế cờ: Có ba bài vị gồm: một viên tướng cờ đi đầu. Sáu vị tướng cờ đi giữa. Năm vị thần cờ đi hai bên. Toàn dân đón xuân náo nhiệt, tưng bừng vui vẻ, linh đình. Người ta bày hương án bánh trái cúng gia tiên, mâm cổ đầy nhóc trên bàn: xôi, gà, vịt, heo, bánh trái, vân vân... Sau đó họ đi thăm mồ mả. Đi lễ chùa hái lộc đầu năm, thăm đình đài lăng miếu. Dân gian được tự do chơi bài Chòi. Tam cúc. Cờ tướng. Xóc dĩa. Bài tây: xì lát, đánh xì tố, vân vân... Xóc bầu cua. Sau ngày hạ cây nêu, thì có lễ hoá vàng, đốt vàng giấy, lúc giấy gần tàn đổ ly rượu cúng vào, là chấm dứt ngày Tết.

    Nay thì nghi thức nghinh xuân ấy được đơn giản rất nhiều. Nhưng vẫn theo phong tục cổ truyền Việt Nam, dù bận rộn, đa đoan với muôn vàn công việc chất chồng. Dù cách trở xa xôi đến đâu, thì ba ngày Tết người ta vẫn cố gắng tìm cách quay về mái nhà xưa, hầu gặp gỡ người thân tay bắt mặt mừng, hân hoan chúc tụng nhau, chuyện trò thân mật, hưởng Tết Nguyên Đán linh thiêng đầm ấm rất quan trọng. Ngày Tết là ngày hưởng lộc đầu năm, là ngày linh thiêng, ai ai cũng trân trọng, kiêng cữ không làm điều sai quấy, nói năng bậy bạ. Họ mong quay về với gia đình, thong dong vui hưởng những niềm vui, mừng ngày trọng đại của cả dân tộc. Cúng giỗ thờ kính tổ tiên, vui vẻ hân hoan chúc tụng nhau bao ý lành.

    Ngày mồng Một Tết, (tức là ngày 30, tháng Giêng, năm 1968, Mậu Thân). Gia đình tôi đi chúc tết ông bà Cương, và bà con thân nhân bên nội ở trong Hà Đông. Ai nấy chúc nhau:

    Năm mới Tết đến
    Rước hên vào nhà
    Quà cáp bao la
    Mọi nhà no đủ
    Vàng bạc đầy hủ
    Gia chủ phát tài
    Già trẻ gái trai
    Sum vầy hạnh phúc
    Cầu tài chúc phúc
    Lộc đến quanh năm
    An khang thịnh vượng.
    Đong cho đầy hạnh phúc
    Gói cho trọn lộc tài
    Giữ cho mãi an khang
    Thắt cho chặt phú quý…
    Cung chúc tân niên,
    Sức khỏe vô biên,
    Thành công liên miên,
    Hạnh phúc triền miên,
    Túi luôn đầy tiền,
    Sung sướng như tiên. (1)


    Xế trưa vợ chồng tôi chạy xe lên trên Couvent thăm hai gia đình anh chị Thái, Thiệu, rồi đến khu nhà Bò (Đào Duy Từ), qua bên Nhà Chung gần nhà thờ con gà thăm anh chị bên họ ngoại. Chúng tôi lại ra phố thăm hỏi anh chị, bạn bè xóm làng thân thương. Đâu đâu pháo cũng nổ dòn: đùng... đùng... đùng... thật vui vẻ rộn rã tưng bừng. Người người hớn hở tay bắt mặt mừng, muôn câu chúc tụng hân hoan ấm nồng luyến thương hoài nhớ. Nhà nhà người nào người nấy: lớn tụm lại gây sòng đánh xì phé, đánh chắn, xóc dĩa. Trẻ con chơi lắc bầu cua ở góc hiên nhà. Lại chúc:

    Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
    Phúc lộc đưa nhau đến từng nhà
    Vài lời cung chúc tân niên mới
    Vạn sự an khang vạn sự lành
    Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN,
    Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG.
    Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC
    Công thành danh toại chúc VINH QUANG.
    Các cô tuổi Tý chưa chồng.
    Năm mới sẽ hết nằm không một mình.
    Còn riêng các bạn học-sinh.
    Tương-lai sáng-lạng, quang-vinh một đời. (1)


    Cận khuya chúng tôi mới trở về nhà. Trong tận cùng im vắng của đêm trường đầu xuân mát rượi, lẫn ngọt ngào hương vị ngày Tết, bỗng nhiên tôi nghe từ nơi xa xa đạn réo vù vù trên không trung. Súng lớn súng nhỏ, đại bác đồng loạt khạc đạn, làm rung chuyển mặt đất, tung tóe lửa dữ dội. Khu đồi Domain yên tĩnh ở phía bên kia vực thẳm sau lưng nhà tôi dội lại tiếng gầm thét dị kỳ xì xì, xẹt xẹt… ùm… ùm… pằng… pằng…, tạch tạch…, cắt bụp, cắt bụp… xè! Đạn rạch đêm tối vút vút bay qua bay lại, đan chéo qua chéo lại. Những đóm mắt sáng đục hỏa châu lơ lửng trên không trung nở vàng bầu trời khuya. Quả sáng tụt nhanh xuống mặt đất, tắt đột ngột, trả lại bóng đêm tối thui, như khi nó chưa nở rực ra trên bầu trời khuya quạnh vắng đẫm uớt sương mù.

    Ban đầu Lâm ngỡ là mình nằm mơ ngoài trời đốt pháo Tết, nhưng sau khi chàng thấy trái sáng rợp trời, súng đạn rạch không khí bay chíu chíu xịt...xịt, có cả thứ súng “cắt, bụp, xè”, nên chàng tỉnh hẳn người. Lâm gọi mẹ, vợ con dậy ngay. Nhanh chớp nhoáng trong giây lát tôi và chàng kéo nệm xuống gầm giường, lò mò trong bóng tối, giăng mùng cẩn thận, rồi Lâm bế hai đứa con mắt nhắm mắt mở chui vào. Chúng tôi nằm sát bên vách gỗ, đắp kín mền mà vẫn cảm thấy lạnh giá run cầm cập. Tôi run sợ lạnh toát cả người, bủn rủn tay chân, gần như nghẹt thở. Trong màn đêm đầy sương mù dày đặc, bị xé rách bởi lằn đạn tóe lửa. Mặt đất phả ra làn hơi sương nhút nhát e dè lởn vởn bên mấy bụi cây. Súng nổ dập dồn, hung hăng tống vào ngọn đồi thưa, nơi có mấy công xưởng, ty Hiến Binh hồi xưa (nay là chi nhánh của Ty Công An, nằm về phiá tay phải nhà tôi) nghe rát ù tai không lúc nào ngơi. Thật ghê hồn. Nhà tôi ở tại ngả Tư Trần Bình Trọng và Mai Hắc Đế, cạnh bên trái hông nhà tôi là khu bệnh viện, ngược về hướng dòng Domain (là đi xuống trường Đa Nghiã và Khu số Bốn).

    Lâm để ngón tay lên miệng anh, và khèo vào hông tôi ra dấu cho tôi bò theo. Chúng tôi mò mẫm lồm cồm bò từ phòng ngủ ra phòng khách tối đen, Lâm nhón người nhẹ vén bức màn voan nhìn ra đường quan sát. Đường phố im lìm vắng lạnh. Nhà nhà đều cửa đóng then cài cẩn thận. Tuy vậy tôi thấy nhiều tấm màn bên những ngôi nhà ấy khẽ lay động. Do tôi mãi nhìn đường phố vắng lạnh, thì Lâm vội bụm miệng tôi, anh kéo tay vợ nép vào góc tường. Khoảng tám tên đội nón cối, mặc đồ đen, đồ xanh rêu cháo lòng rộng thùng thình, lụng thụng, lưng đeo đạn, quanh thân dắt cành lá, họ cúi đầu lom khom chạy nhanh về phía đồn Công-an trên đồi. Tiếng kêu lách tách lạch cạch do súng đạn cặp bên hông va đập vào nhau lộp độp theo mỗi bước đi. Họ mò đi đêm thành thạo, hình như họ thích hợp quen thuộc với bóng tối, hay do ý tất thắng chiếm đoạt, muốn vượt qua trở ngại, hầu đạt đến khát vọng xâm lăng điên cuồng? Tôi nghe rõ, rùng rợn, hoảng sợ và ớn lạnh kinh khủng!

    Hỏa châu đỏ nở rộ trên trời như những đôi mắt hung thần soi rõ cảnh vật liên tục bừng sáng và rơi xuống chìm lẫn vào bóng đêm. Giây lát sau, đạn nhỏ súng lớn đồng loạt bay vèo vèo Pằng… pằng… pằng… Đùng… Đùng… Đùng… Oằng… Ùm… vút vút bay tới tấp trên đầu người dân. Đạn nổ lốp đốp, rơi rào rào loảng xoảng, ào ạt rớt xuống mái tôn nhiều nhà lân cận, nghe sắt và lạnh.

    Khi chiến cuộc bước vào con đường an cư hòa ái xứ lạnh hiền hậu nầy, dân cư ngơ ngáo và bàng hoàng lo sợ ghê lắm (ở nơi nầy họ ít có kinh nghiệm về chiến tranh). Vài phút trước đó trong xóm kêu gọi nhau chui xuống gầm giường, gầm bàn trốn đạn inh ỏi. Tiếng kêu rú khóc la, xen lẫn tiếng súng bắn, mìn nổ thật gần, nghe rợn xương sống, đinh tai nhức óc, tức ngực qúa chừng. Ôi lạy Chúa! Trẻ con bên hàng xóm cứ khóc thét toáng lên từng hồi, giống như có người nào ngắt nhéo chúng, hay cắt tay chặt chân chúng nó vậy. Còn đàn ông con trai thì im thin thít. Bây giờ có tiếng của đàn ông, càng làm người khác lo sợ gấp ngàn lần. Người ta lo sợ sự giao tranh súng đạn ngoài kia, và tiếng đàn ông núp ở trong xó nhà lắm. Có khác nào mấy ông tự tố cáo "lạy ông tui ở bụi nầy". Việt-cộng sẽ chĩa súng vào ngực mà bắt đàn ông thanh niên đi, làm bia đỡ đạn. Hay bị bắn cái đùng. Thì khốn. Thành phố Cao Nguyên Lâm Viên truyền cảm xiết bao bị xâm lăng, thành phố Đà Lạt nổi danh là thành phố thơ mộng hiền hoà thực sự đã đi vào binh đao, và bùng lên ngọn lửa chiến tranh hung tàn rồi!

    Căn nhà gỗ của bác Thao bị sập một bên, càng khiến cư dân trong khu xóm hoảng hốt la to, kêu rống, hét tướng lên réo gọi tên nhau, kêu khóc ồn ào huyên náo bội phần. Bảy căn nhà vách ván đơn sơ ở xóm nầy đã đứng chênh vênh, lẻ loi, cô độc trong địa bàn giao tranh, bất lợi từ mọi phía, không ai có một tấc sắt để tự vệ. Biết lấy gì chống đỡ! Họ vẫn phơi bộ mặt cơ hàn, giơ cái bụng lép xẹp ra trước thời gian và ở nơi lằn đạn mũi tên thế! Trốn tránh thế nào được! Khu xóm nhà nầy cao chênh chếch như một cù lao đứng giữa hai lằn đạn thì... có mà chạy trốn lên đằng trời. Chưa việc gì mà! Phải! Phải! Nhưng lạy Chúa! Sao tôi run lẩy bẩy, lo sợ tột cùng, miệng lưỡi co cứng, cổ họng đắng chát khô khốc, hai bờ môi khô lông lốc dính chặt vào nhau, không một giọt nước miếng, không thốt được một âm!

    Bầu trời lặng như tờ, im ắng rùng rợn còn bao trùm cả sự đe dọa chết chóc. Sương mù và bóng tối không đồng ý với bình yên, nó bốc đồng và phản bội con người lúc nào. Chẳng rõ. Bây giờ không còn dòng suối mát, không ao hồ thác nước thơ mộng đầy quyến rũ mang vẻ duyên dáng nên thơ, danh lam thắng cảnh xứ hoa đào rồi. Biết đâu sẽ diễn ra “mê cung ám khí chiến tranh”, đạn bom chằn chịt theo khói lửa bay về thành phố nổi danh là quyến rũ nên thơ nầy? Đạn bom sẽ xoắn tít hình trôn ốc ghim vào lòng đất, khiến địa hình trở nên xấu xí, nhăn nhúm biến dạng lởm chởm hẳn đi. Nhìn thấy nó mình mất cả hồn cả vía, chứ thơ mộng duyên dáng, gợi cảm cái nỗi gì nữa không biết.

    * * *

    Ánh nắng rực rỡ bừng lên. Lớp sương mù dày đặc đọng lại trên các cành hoa anh đào, chạy suốt con suối cạn mọc đầy lùm dã qùy to lá, vàng hoa, nhụy nâu, hoa nở dọc theo bờ đất lỡ cuối vườn nhà, gần khu Domain de Marie. Nước rỉ rả chảy xuống hố, rồi uốn lượn quanh co trong nhiều đám sậy nhấp nhô. Một ngày mới lại bắt đầu trong cuộc sống bất trắc âu lo. Phiền muộn. Hãi hùng âm thầm mà đau, đầy băng giá, mang mùi vị tởm lợm chết chóc và chiến chinh. Cái chết đe dọa từng giờ trên đầu mỗi người, ở trong thành phố Đà Lạt nổi tiếng hiền hòa thơ mộng xinh đẹp đang bị vây hãm. Súng đạn khiêu khích từng ngày, từng đêm, từng giờ, tệ mạt hơn là người dân phải chịu đựng những cơn xoáy lốc, bốc lửa rít lạnh tê người khôn nguôi. Không vì trận gió từ đỉnh đồi Lâm Viên thổi về. Mà vì nhiều loạt súng đùng đùng đùng… Pằng pằng pằng… Tạch tạch tạch… Cắt bụp cắt bụp… Xè xè… vang lên tứ phía liên tục luôn mãi nhức nhối tai, tim đập thình thịch không ngừng.

    Mỗi ngày, khoảng ba giờ chiều, bà con cô bác từ các đường: Hoàng Diệu, Trần Bình Trọng, Mai Hắc Đế, Yết Kiêu, Số Bốn, Số Sáu, Hai Bà Trưng, vân vân… lại ùn ùn chạy lên xin các bà dòng tu cho tạm trú dưới từng hầm của nhà thờ Domain De Marie. Họ mong tìm đến với nhau cho vơi sợ hãi và quên âu lo. Họ mong xích lại gần nhau tìm chút hơi ấm qua đêm, (từ khi chiến tranh về trên dòng đời cuồng điên giàu hận thù). Sáng sáng họ lại lục tục kéo nhau về nhà. Căn nhà đêm trước bỏ hoang, mở toan cửa ngõ, chẳng cần cửa đóng then cài làm chi! Vì đã có súng đạn giữ gìn hộ rồi chả lo gì mất của cải! Thời buổi nầy, lo giữ gìn bản thân chưa xong, chả an toàn, hơi sức đâu ai mà thèm đi giữ gìn của chìm của nổi, và hôi của người khác không nữa biết.

    Từ trên dòng Domain về nhà, tôi nhìn trước ngó sau dáo dác như kẻ trộm. Mấy ngày đầu năm mới (trong cuộc chiến Mậu Thân), người ta mang theo vào tầng hầm trú ẩn nào là: bánh chưng, bánh tét, xôi, thịt, cơm gà cá gỏi. Đủ loại mứt, trái cây, hạt dưa, vân vân... Hương vị ba ngày Tết chưa kịp ăn. Nhà nhà đều có dư thừa thức ăn ê hề, không thiếu món gì! Sau đó thực phẩm ứ đọng, thiu thối, hư hại sạch. Mọi người hồi hộp lo sợ, do băn khoăn ngao ngán, không nuốt trôi, nhịn đói mà khóc, không thể ăn, nên đồ ăn hư thối hết. Họ đem ra vứt sau sườn đồi cạnh khu trường học, tha hồ cho lũ chuột cống và ruồi bọ tranh nhau lúc nhúc loi nhoi giành ăn. Tôi nấu vội nồi cơm thật lớn cho cả nhà ăn đôi ba ngày, tôi thấp thỏm tất tả chạy ra chợ xép ở đường Hoàng Diệu bòn mót đủ thứ đồ uống thức ăn cho có chất rau tươi, ăn qua loa chén cơm, với lọ mắm tương chao cà ghém, rau luộc, để cầm hơi. Tôi giành giật ở ngoài chợ mua nhặt từng chục trứng vịt, vài bó rau, dăm ba ký gạo. Thịt, cá, thì mắc như vàng! (còn khu chợ lầu Đà Lạt to lớn là thế, mà nay leo teo mươi hàng rau đậu héo uá, dập nát). Có bao giờ người dân phố núi nghĩ ra: nơi thành phố thơ mộng quyến rũ nầy, lại có bộ mặt chiến tranh khuấy nhiễu, hầu tích trữ thực phẩm khô, trong mùa xuân dồi dào nhựa sống chứ! Các tay đầu tư cất dấu thực phẩm thật kỹ, cửa đóng then cài kín mít. Thỉnh thoảng có vài tiệm buôn lớn he hé cửa ra, họ “bố thí” nhỏ giọt từng ký gạo cho đồng bào. Tôi rớ vào muốn phỏng tay với giá tiền cao cắt cổ kinh khủng. Đại lý gạo Sơn Hà lớn nhất thành phố, tuyệt nhiên không thấy xuất đầu lộ diện, không có một hột gạo nào thoát ra khỏi khe cửa. Người ta đồn tiệm nầy “kinh tài” cho Việt Cộng (!?) Ô hô... gạo thơm để nuôi dân lành cần cù lam lũ làm ăn, hay nuôi ong tay áo nuôi khỉ đốt nhà hử!

    Bất kể lúc nào, hễ nghe tiếng súng dồn dập, xa xa, về hướng Cam Ly. Khu Số 6. Khu Số 4. Dòng Chúa Cứu Thế. Lạc Dương. Là bà con trong xóm tôi tê tái, hoảng hốt, ơi ới gọi nhau, sẵn sàng tay ôm tay xách, cổ đìu lưng cõng con cháu, chúng tôi chạy nhanh lên ngôi nhà thờ kiên cố trên đỉnh đồi, cần sự xích lại tương thân tương trợ ấm áp, cần sự lân mẫn tự nhiên của người đau đồng cảnh ngộ. Khoảng hai ba giờ chiều, người người lục tục kéo nhau đi đến các nơi kiên cố và đông đúc, mong xích lại gần nhau, tìm chút an tựa. Trong khu hầm trú mỗi gia đình "xí phần" một góc, vừa đủ trải vuông chiếu ngả lưng sơ sài. Trên manh chiếu nương thân, họ dùng làm chỗ ngồi, ngã lưng nằm, và ăn uống. Cũng tại trên vuông chiếu nầy, người ta chồng chất đủ thứ lặt vặt cần thiết đã vội vàng mang theo. Giống như những ngày hôm trước, sáng sáng tản mác mỗi người về mỗi nhà. Họ gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, đủ khuôn mặt già trẻ lớn bé, xấu đẹp, ốm mập, đen trắng. Đặc biệt giữa đa số khuôn mặt bình dân thảng thốt ưu phiền, lo sợ, thì có bảy tám thanh niên thiếu nữ náo nhiệt, xinh tươi ở đâu tập họp lại. Trước đó quần áo các cô cậu coi hợp thời trang, họ ung dung lượn quanh hầm vui vẻ cười nói huyên thuyên, móng tay móng chân các cô đỏ chót. Vài ngày sau tôi dòm họ xộc xệch, túi vải đựng đầy gia tài, lịu địu máng trên vai có tô thêm đất bùn lem luốc. Họ mệt mỏi cố vơ vét tất cả gia tài nhét trong xách da căng cứng, bung hết dây kéo. Họ luôn mang kè kè bên hông tán loạn kinh hồn. Họ không khóc được vì sự kinh sợ đã kéo dài khá lâu, vượt quá tầm mức chịu đựng của con người. Họ hãi hùng kêu tên nhau, i ỉ thút thít, nước mắt cạn khô, ráo hoảnh, ngơ ngáo bất động thì thôi.

    Riết rồi ngày ngày chung đụng, người ta biết mặt, biết tên nhau, biết biết, quen quen, thân thân, hỏi hỏi, nói nói, ồn ào như vỡ chợ, nhưng nét mặt mọi người mỏi mệt bần thần băn khoăn đầy ngao ngán buồn thiu. Người ta mất ăn từng ngày, mất ngủ từng đêm âu lo tột độ. Sự đông đúc đầy dị hợm bắt đầu tẻ ngắt trong căn phòng chen chúc chật cứng, ngột ngạt như lò hồ quang, thiếu ánh sáng, thiếu không khí, thiếu mọi tiện nghi. Cảnh di tản có đủ thứ chuyện vui buồn. Tin tức nóng bỏng nhất được truyền khẩu trong ngày, trong tuần lan từ đầu nầy đến đầu kia, nhanh như chớp.

    Không gian và thời gian im lặng tẻ ngắt đầy ghê rợn suốt buổi, trong căn phòng chứa khoảng hơn ba ngàn người. Họ chen chúc, ngột ngạt, nơi thiếu không khí, thiếu ánh sáng. Đôi lúc trên đầu loé lên tia lửa rạch không khí, bay vù vù trong không gian. Lằn đạn xẹt qua. Hai ba chiếc phi cơ không nhìn thấy rõ, bay vút trong bầu trời, qua khung kính trên vòm mái cao. Giây lát sau đó là tiếng rền rú uồm uồm uồm… ghê rợn. Hàng loạt đại bác trút xuống đỉnh đồi, vào khe suối xa xa…

    Tôi xiết bao kinh hoàng lo lắng, và bồn chồn sợ hãi, vì Lâm đi trực về báo tin nhà ba mẹ tôi ở tại một Villa trên đường Pasteur, đối diện với Tiểu Khu Đà Lạt bị đốt cháy mất ¼ , nay ngôi nhà đồ sộ chỉ còn bức tường gạch (ở mặt trước đường Yersin), và bên mặt tiền phiá phải cuả ngôi nhà về hướng Pasteur) còn mấy hàng cột trơ trẽn (!?). Sau tiếng súng cắt, bụp, xè… thì mọi thứ bị đốt tan tành. Phố xá hỗn độn, khói lửa hừng hực bốc cao, khét lẹt bao ngày chưa dập tắt, kể từ khi cơn binh biến hùng hổ đến vỗ mãi một âm buồn. Nghe mà thật buồn và lo âu xiết đỗi. (2)

    *
    (1) Sưu tầm đó đây
    (2) Kính mời qúy độc giả xem tiếp chương sau

    Trân trọng

    Tình Hoài Hương


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X