Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tết ! Tết ! Tết đến rồi !

Collapse
X

Tết ! Tết ! Tết đến rồi !

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tết ! Tết ! Tết đến rồi !

    TẾT ! TẾT ! TẾT ĐẾN RỒI !!!


    Hồi còn ở Việt-Nam, trong một năm có biết bao là cái Tết như Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng năm), Tết Trung thu(rằm tháng 8), Tết Dương lịch. Song chả có cái Tết nào có thể sánh bằng Tết Nguyên Đán.

    Thuở còn ấu thơ trên đất Bắc, cho đến năm 4 tuổi. Tôi chưa biết Tết là gì . Đến khi di cư vào miền Nam, lúc gia đình bố mẹ tôi đã sống trong trại định cư Gia-định, năm đó khoảng 5 hay 6 tuổi, tôi mới cảm nhận được những cái Tết đầm ấm nơi miền Nam tự do, thanh bình và trù phú (Dưới thời cố Tổng thống Ngô-đình-Diệm). Từ đó trở đi, vừa qua tết Dương lịch được vài tuần, bọn trẻ con chúng tôi thấy người lớn trong xóm bấm đốt ngón tay, rồi nói chuyện với nhau:

    -Này các ông, các bà. Hôm nay tôi tính ra là còn vài ngày nữa là đến tháng chạp rồi đấy! Sao mà nhanh đến vậy!

    Thế là cả bọn nhảy cẫng lên, vì biết là Tết gần về. Tôi nghĩ thầm là các ông các bà ấy tính sao mà nói là nhanh, chứ tôi ngong-ngóng được ăn Tết nữa, từ sau Tết năm ngoái cơ. Đến nay thì đã chờ dài cả cổ,vậy mà còn nói là nhanh! Đúng là người lớn, có nhiều cái chả hiểu nổi họ nghĩ gì nữa !!!

    Tháng Chạp ở Việt-Nam được coi như là tháng Tết. Những ngày chuẩn bị, sửa soạn đón Tết mới là...dzui ơi quá xá là dzui!!! Chúng tôi rủ nhau rảo quanh khắp xóm, đi từng nhà xem họ đón Tết ra sao? Trước hết là nhà ông Hai đầu xóm, năm nào cũng gói bánh chưng rồi chất đầy vô hai thùng phuy làm nồi để nấu suốt đêm. Bọn chúng tôi thi nhau vác củi đẩy vào bếp, để sáng ra khi vớt bánh, thế nào cũng được ông ta thưởng cho vài cái bánh chưng be-bé, xinh-xinh là thích chí chạy về đem khoe với Mẹ. Đến nhà ông đội Xếp thì treo truyện tranh kể về các sự tích:nhị thập tứ hiếu, ăn khế trả vàng, Phạm Công-Cúc Hoa, Thạch Sanh-Lý Thông ....Tôi mê mẩn đứng xem và nghe ông kể chuyện đến thuộc lòng. Mấy hôm sau, lần lượt từng nhà mang toàn bộ chăn, mùng mền ra giặt nơi cái giếng công-cộng. Tôi thấy họ xả nước ra đen ngòm như cà phê đen hay cao hổ cốt vậy. Ở Việt-Nam mình cũng có cái ngộ là cứ chờ đến Tết mới làm. Ngoài việc dồn chăn màn ra giặt thì quét vôi, sơn cửa, tu sửa hàng rào, vườn tược...để năm mới thì cái gì cũng phải mới. Ai ai cũng mong mỏi có một cái Tết tràn đầy may mắn, phúc lộc vẹn toàn.

    Phần nhà cửa, Bố Mẹ tôi cũng phải làm các công việc tương-tự như hàng xóm . Đến ngày cận Tết, tôi theo Mẹ xuống chợ để mua quần áo mới .Tôi thấy họ chất đống các loại quần áo trên các tấm nhựa Ni-lông hai bên lề chợ rồi rao bán inh-ỏi....Mùi quần áo, đủ màu, đủ sắc làm tôi cứ nôn-nao và hoa cả mắt. Cuối cùng thì tôi cũng có được một bộ đồ rất kẻng đề mặc vào ngày Tết. Đó là cái áo sơ mi ngắn tay hoa hòe, hoa sói cùng cái quần tây màu xanh con két nổi nhất chợ, với hai cái ống quần dài thậm- thượt. Khi về nhà, Mẹ tôi gấp lên 3 lai rồi kẹp kim băng dấu vào bên trong. Mẹ tôi dặn:

    -Mẹ mua cho con cái quần này là đẹp lắm đấy! Mỗi năm con lại nhổng giò lớn như thổi, nên Mẹ phải trừ hao. Con mặc phải giữ gìn cho sang năm có mà mặc với chúng bạn.

    Thế là tôi răm-rắp nghe lời Mẹ. Cứ mỗi lần tôi cao lên thì Mẹ tôi lại thả ống quần xuống một tí. Tôi nhớ 3 hay 4 năm sau, Mẹ mới phải mua cho tôi cái quần khác, cũng vừa lúc tôi nhận ra cái màu xanh két nó quê ơi là quê! Vậy mà trước đó tôi không hề biết, cứ tưởng mình là chơi nổi nhất xóm!

    Về phần Bố tôi khi Tết đến, ông chỉ thích gói bánh chưng biếu bạn bè, họ hàng và để ăn trong gia đình. Riêng về giò thủ thì phải nói là Bố tôi gói rất ngon: trước hết ông xẻ cái đầu heo ra , xắt nhỏ hình sợi hai cái lổ tai heo, cắt thành từng miếng hai cái má, nọng cổ, lưỡi, thêm ít thịt đùi.... song bỏ vào một cái chảo bự xào đều tay nêm muối, nước mắm tiêu hột cho vừa ăn rồi để nguội . Sau đó ông bó vào nhiều lớp lá chuối, buộc lạt tre xoắn cho thật kỹ, rồi nẹp chặt vào hai thanh gỗ dẹp mang treo lên, bên dưới để 1 cái tô hứng nước mỡ. Khoảng 1 tuần sau cắt ra ăn, từng khoanh hình bầu dục thịt nén chắc nịch, kèm củ hành muối, bỏ vô miệng mà nhai thì thật là tuyệt vời!

    Thời gian cứ vùn-vụt trôi qua, càng những ngày cận kề Tết thì sự căng thẳng lại càng tăng cao! Từ trong nhà, sang hàng xóm, ra đến ngoài đường... thiên hạ như chạy đua với cái Tết. Ai cũng hối hả, lo toan đủ điều. Chỉ có bọn tôi là nhởn-nhơ nô đùa. Được cái là thời gian Tết, tụi tui có phá phách hay sai phạm gì thì người lớn họ cũng bỏ qua và hiền như...Maseur!

    Chả mấy chốc là đến ngày 23 tháng Chạp, cúng ông Táo về Trời cũng là ngày không khí Tết sôi nổi hơn. Ai ai cũng thấy là Tết! Tết! Tết đến thật rồi... lúc này nhạc Xuân, pháo nổ đì-đẹt làm mọi người lại háo-hức, tăng tốc chạy chợ cho đủ những thứ cần dùng trong 3 ngày tết. Sáng 30 Tết, hai Mẹ con tôi ra đón những cành Mai mới chặt từ làng Nam mang ra chợ bán . Những cành Mai mua vào lúc này là cây nhà lá vườn, có sao bán vậy nên giá rất mềm, nhiều khi lại vớ được cành nhiều nụ, tươi rói! Coi như là cái hên cho năm mới.

    Thế rồi cái gì đến nó phải đến. Đó là những giờ, phút, giây... chờ đến Giao thừa. Từ tối pháo đã râm-ran nổ, rồi đồng loạt nổ dồn dập, bắt đầu vào 5 hay vài phút trước Giao thừa, kéo dài đến nửa tiếng đồng hồ, xen kẽ là tiếng pháo đùng, nổ đinh tai nhức óc, sau hết là kết thúc những dây pháo 1 mét trở lên là tiếng pháo cối, nổ to như trái mìn... tôi phải cố bịt tai, tưởng chừng như lâm vào một trận chiến đang đến hồi khốc liệt nhất ...như trên phim ảnh. Tiếng pháo nổ, mùi khói và cảm xúc về Tết quyện chặt vào nhau.. thật khó mà diễn tả vào lúc này, khiến da tay tôi nổi gai ốc ! Hồi đó vùng Gia định nổi tiếng là Pháo hiệu Từ Châu miệt Xóm Mới, Gò Vấp , pháo nổ tan, xác hồng xòe ra như những cánh hoa đào. Nhưng rồi năm nào cũng vậy, đều có người chết vì pháo, nhưng thiên hạ nào ai sợ. Vì nghề làm pháo, vốn một lời mười, làm một mùa thì ăn cả năm. Nếu trúng thì chả mấy chốc mà giàu nên cửa, nên nhà. Nếu không thì ra bãi tha ma mà nằm. Tuy vậy ,99 người trúng thì mới có 1 người bị chết, và 10 người bị thương tật vì pháo. Tôi nhớ năm 1956, gần xóm tôi có một xưởng pháo rất lớn. Vào đầu tháng 10 hàng năm là vô mùa pháo. Họ tuyển nhân công rất đông và làm theo thời vụ, mọi người nô-nức rủ nhau đi làm. Để có được 1 bánh pháo phải trải qua nhiều công đoạn. Trước hết bọn trẻ con chúng tôi có thể phụ người lớn phết mầu đỏ lên mặt giấy bồi, mặt trong là màu giấy nguyên thủy (nâu vàng), nếu muốn xác pháo có màu hoa đào (thường sử dụng cho đám cưới) thì mặt trong phải phết lên màu hồng. Sau đó đem phơi khô. Kế đó là công đoạn vê thân pháo. Người ta dùng 1 cây tre tròn nhỏ hơn cây đũa 1 tí, dài khoảng 2 gang tay, đặt vào mặt trong của tờ giấy (màu đỏ phải ở ngoài là màu thân pháo) rồi vê tròn thật chặt, song phết hồ 1 đường ngang dài hết cây đũa, lăn thêm 1 tí-day qua, day lại cho thật dính, sau khi khô thì dùng cái bàn dao như trong tiệm thuốc bắc, có miếng chận để cắt phập xuống cho thân pháo chỉ dài đều bằng 2 đốt ngón tay. Khâu kế tiếp là khi xe ngòi song ( giấy mỏng + diêm sinh nên khá nguy hiểm), họ nhét ngòi vào đầu các viên pháo, rồi họ dùng 1 bàn dao có các lỗ khuyết khác kích cỡ (tùy là pháo chuột, pháo thường, pháo đùng) nhấn xuống chận ngòi (Gọi là cổ pháo). Đến lúc này là cần đến các bàn tay khéo léo của các bà, các cô kết ngòi các bánh pháo 100 viên, 200 viên hay dài 1 thước trở lên (trông giống như các cô kết các bím tóc để dài hai bên vai). Tùy theo kích cỡ và chiều dài của bánh pháo, họ ghép vào các khuôn với 4 cây ván dẹp đóng chung quanh,gọi là bành pháo (khoảng vài mét vuông). Cuối cùng là công đoạn trộn thuốc ( lưu huỳnh + diêmsinh + thuốc súng) rồi rải thuốc vô các đầu hở của thân pháo, cuối cùng là trét ciment dưới đáy. Đây là khâu rất nguy hiểm. Phòng trộn và vô thuốc thường là biệt lập, xa khu công nhân. Vì vậy lương họ trả cho các người này rất cao (Nhân công họ gọi là lãnh tiền tử chứ không phải là tiền lương). Tất cả các tai nạn về pháo đều bắt nguồn từ khâu xe ngòi (cháy) hoặc trộn thuốc, rồi nhét vô thân pháo (Nổ). Làm được vài năm thì hãng pháo bị cháy giữa đêm khuya , nên không ai bị gì. Chỉ tội cho nhân công là sau đó hãng đóng cửa vĩnh viễn, làm mọi người mất đi nguồn thu nhập để tiêu Tết. Từ đó miệt Xóm Mới trổ ra rất nhiều xưởng làm pháo gia đình cũng như các lò pháo lậu, vì vậy mà tai nạn chết ngưới cứ gia tăng hàng năm. Mặc kệ! Ai chết thì chết, mà ai làm thì vẫn cứ làm.
    ...................

    Qua giao thừa, tiếng pháo vẫn còn nổ lai rai, đến vài tiếng đồng hồ sau mới thật sự im ắng một cách lạ thường! Tôi nhớ người ta nói đêm 30 tối đen như mực, hoặc là đêm trừ tịch... Mọi người đều rút vào trong nhà, cửa đóng then cài. Bố mẹ tôi giục mọi người đi ngủ để mai còn dạy sớm. Sau một ngày chạy nhảy như giặc, tôi vừa nằm xuống là lăn ra ngủ như chết . Đến sáng hôm sau, may mà Bố tôi gọi dậy, chợt nhớ đến Tết là người tỉnh ra như sáo. Tôi vội nhảy xuống giường, rồi cùng mọi người trong nhà đi thay quần áo mới, cứ y như là chuẩn bị đi ăn cưới. Mẹ tôi được bà chị thoa cho tí phấn hồng vào hai bên má, trông cũng điệu đàng ra phết! Đến khi Bố tôi chăm chú nhìn lại nói lảng đi:

    -Cái nhà ông này, làm gì mà nhìn kỹ thế? Bộ không sợ mấy đứa nhỏ nó cười cho à?

    Nói thì ra vẻ như vậy, sau đó tôi thấy Mẹ cũng e thẹn chạy xuống bếp, lấy cớ là xem con mèo có nhảy lên vồ cái giò thủ của Bố tôi không?
    Thấy Bố Mẹ hạnh phúc, tôi cũng thấy vui trong lòng. Sau khi mọi người đã sẵn-sàng, Bố tôi có tiếng là người hiền lành, đạo đức nên được cử mở cửa ra ngoài, rồi bước trở vô. Đây là động tác (Tự xông nhà đầu năm mới lấy hên). Xong-xuôi đâu vào đấy, tôi được bê mâm lễ sang tết ông bà Ngoại (cùng ở trong xóm). Vừa bước qua cửa, ông bà Ngoại, các cậu các dì tôi đon đả đón chào, cứ như cả bao nhiêu năm mới gặp. Ai cũng khen thằng cháu có bộ quần áo mới, đẹp giai, chóng lớn...chả bù với ngày thường,mặt mày luôn nghiêm-nghị, đe nẹt đủ điều. Có lẽ vì là mùa Xuân nên trong lòng ai cũng nở hoa!!! Sau khi Bố Mẹ tôi chúc tết Ông bà, đến màn bọn con nít chúng tôi thích nhất là được lì xì những đồng tiền mới cứng. Hồi đó chưa có bao lì-xì, nên ai cho bao nhiêu là biết liền. Sau đó dù Mẹ không dặn, tôi cũng đưa hết cho Mẹ(gọi là gởi) song cũng là để lấy điểm với bà. Thấy mọi sự đều tốt đẹp, ông bà Ngoại giục các Dì tôi dọn đồ ăn sáng đặc biệt cho ngày tết như: Bánh chưng (dùng 4 cây lạt tre cắt ra làm 9 miếng) cùng vài đĩa nhỏ dưa món, củ kiệu ngâm chua, vài khoanh giò thủ... bánh mứt đủ loại. Vừa ăn song, Bố Mẹ tôi xin phép Ông Bà Ngoại ra về , để còn chia nhau đi chúc Tết hàng xóm, có khi tôi đi theo để kiếm thêm tiền lì-xì. Nếu không thì đi lượm pháo bị xì ngòi. Thiên hạ đốt pháo vào sáng mùng 1 Tết cũng không thua gì lúc giao thừa (Xứ pháo mà lỵ!). Đi đâu cũng ngập xác pháo chỗ hồng, chỗ vàng... chúng tôi quấn giấy vào cổ pháo, đốt...rồi ù té chạy. Trưa mùng 1 tết, gia đình chú tôi xuống chúc Tết nên mở tiệc đãi. Bữa ăn trưa rất là xôm tụ: bia con cọp, nước ngọt xá-xị, thịt gà luộc, miến xào lòng gà, giò thủ, giò lụa, canh sáo măng, thịt đông, củ hành muối, bánh chưng xanh. mứt các loại... Buổi chiều, trong lúc Bố tôi đi chúc Tết thì Mẹ tôi sang nhà Ông Bà Ngoại đánh tam cúc cùng các cậu các dì, mỗi khi có được 4 lá bài Tứ Tử Trình làng là Mẹ tôi cười lên khanh-khách. Riêng tôi cùng bọn trẻ trong xóm chạy nhảy khắp nơi, có khi chạy lên chợ xem người lớn đánh bầu cua cá cọp, sóc đĩa..... Riêng tôi, chưa đánh đã sợ thua, nên không bao giờ đánh bài, đánh bạc.

    Qua ngày mùng 2 Tết là ngày tôi thích nhất. Năm nào cũng vậy, cả gia đình kéo nhau về quê Nội ở thành phố Biên Hòa. Sáng tinh mơ, gia đình tôi đã lục đục kéo nhau ra bến xe lam chạy lên ngã ba cây thị (Bình Hòa) để đón xe đò Liên Hiệp (lúc đó chưa có xa lộ Biên Hòa). Xe qua cầu Ông Cộ, cầu Bình Lợi chạy thẳng qua cầu Gò Dưa bằng Ciment màu trắng là vô thị trấn Thủ-Đức, bên trái là chợ ,bên phải ngã tư là nhà thờ. Xe lên một cái dốc đất là trông thấy quán Con Nai Vàng Ngơ Ngác với món nem Thủ Đức thật là tuyệt chiêu! Xe chạy qua ngã tư Động đình Hồ, qua suối Lồ Ồ, Thị trấn Dĩ An, băng qua 2 cái cầu sắt đen nối liền nhau nhờ một cái Cồn dưới sông Đồng nai là vô Thành Phố Biên-hòa. Gia đình tôi xuống xe trước cửa rạp hát Biên-hùng, lên xe thổ mộ (sau này có xe lam) chạy qua ngã ba vườn mít một khúc rồi quẹo phải vô cổng nhà máy cưaTân-mai (Nay là Nhà máy giấy Đồng nai COGIDO). Trước hết, gia đình tôi vô chúc Tết Bà Cô (Em ông Nội) là chủ của dãy nhà phố mười căn cho các gia đình công nhân mướn,ngay sát cổng và chạy dọc theo tường nhà máy. Nhà có lối kiến trúc khá lạ, mái lợp bằng các tấm ván vuông vức như người ta lợp ngói, chung quanh thì vách ván, quét nhớt cũ chống mối, mọt nên có màu nâu đen. Trước nhà là hàng rào trồng bằng cây dâm bụt trổ hoa màu đỏ, đài hoa thì dài thòn-lòn, trên đầu điểm vài đốm màu vàng, trông cũng đẹp mắt. Bà Cô ở độc thân từ thời con gái, theo ông Nội di dân vào Nam từ những năm 1945, rồi chắt bóp để dành mới có được cơ ngơi như ngày nay. Vì vậy, tánh bà rất khó chịu. Chẳng hạn nói to tiếng, trả lời lí nhí, dựa lưng vào ghế kêu cót két là bị la .Hôm nào Bố Mẹ tôi phải ở lại ăn cơm trưa xong, đến chiều mới được vô nhà Ông Nội là mặt tôi xị ra, giống như chiếc bánh bao chiều không nhân! Thấy vậy là Bà Cô la tôi:

    -Mỗi lần đến là đòi vô nhà ông Hai (Tên gọi theo thứ của ông Nội) cho lẹ. Thôi lo ăn hết chén cơm rồi đi. Lần sau mà vậy thì cứ đứng ngoài cửa.

    Nghe vậy tôi lùa vội chén cơm, khoanh tay chào bà rồi dọt thẳng, vậy mà phải mất đến nửa tiếng đồng hồ lội bộ, qua một cái bãi tha ma rất lớn, với các ngôi mộ xây bằng đá ong đỏ từ thuở kiếp nào, nhìn giữa ban ngày mà còn ớn da gà! Khi đến một vùng gò đất cao (Gò Cát) có chừng 20 căn nhà gỗ thì nhà ông Nội tôi ở mãi cuối dãy. Sở dĩ tôi thích nhà Ông Bà Nội và Cô út là vì mọi người rất chiều chuộng tôi, ngoài ra nhà Nội còn có hai cái vườn rất rộng.Vườn trên trồng đủ loại cây ăn trái. Tôi thích nhất là cây mít dai, đổ nghiêng là-là trên mặt đất (Sau một cơn bão nào đó hồi xửa, hồi xưa). Vậy mà nó vẫn còn sống và rất sai trái, tôi thích trèo lên hái những dái mít non đem xuống chấm với muối ớt, ăn đến đặc ruột! Trong vườn ông Nội còn trồng những cây xoài tượng, cô út thường gọt vỏ thật mỏng, cắt ra thành những miếng dài, dầy rồi chấm vô nước mắm ớt mặn, ngào đường cát trắng, bỏ vô miệng nhai dòn-dòn...chua-chua, ngòn-ngọt thì thật là tuyệt cú mèo! Nhưng tôi thích nhất là những trái Na (Mãng cầu dai) chín cây rất to và no tròn, màu ửng vàng. Khi ăn phải cắn một miếng thật lớn, nhai song phun những hột đen tuyền ra tứ tung, thiên địa mới đã cái miệng...Ôi chao nó thơm, ngon lạ thường. Ăn chả biết no là gì. Nếu thả dốc xuống mé ruộng ở vườn dưới, thì có một cái giếng nước trong veo. Mỗi buổi chiều cô út thường kéo những gầu nước mát lạnh xối cho tôi tắm. Bên cạnh giếng,s át bìa ruộng là cái đìa cá, với nhiều loại cá khác nhau như: cá lóc, cá trê vàng , cá rô, cá sặc...Vì vậy đến nay, tôi vẫn nhớ mãi món Cá lóc kho tộ bằng cái niêu đất sứt quai của bà Nội kho khi xưa. Biết gia đình con cháu lên, Bà Nội chuẩn bị rất chu đáo các đồ ăn Nam Bộ như: bánh tét treo đầy trong nửa gian bếp, bánh ú, thịt kho dưa giá....Sáng-sáng là ông Nội đánh thức tôi dậy, pha cho 1 ly sữa hột gà nóng hổi, có chút xíu cà phê của Tây.. với khúc bánh mì, quyệt chút bơ chấm đường,thật là ngon miệng. Điều đặc biệt là cả nhà Nội đều nói tiếng Nam, trong khi chúng tôi lại nói tiếng Bắc đặc sệt, khiến mọi người trong xóm cứ thắc mắc. Đến khi hiểu ra thì mọi người đều cười xòa, vì vậy khi đi chúc Tết hàng xóm , tôi thường được Nội dẫn theo, rồi họ hỏi này nọ cho tôi phải nói... thế là họ cười rất là thích thú. Cả cái Xóm người Nam của ông Nội đều nói rằng cái giọng Bắc của tôi sao nó trong trẻo và lanh-lảnh như tiếng chim hót. Đến khi tôi ra ngoài sân chơi với bọn trẻ trong xóm, thì lại bị chúng nó chọc:

    -Bắc kỳ con, bỏ vô lon kêu eng-éc!!!

    (Câu nói này, đến nay lại là kỷ niệm đẹp đối với tôi khi nhớ về mảnh đất Biên-Hòa thời thơ ấu).

    Ngày mùng 3 Tết , Bố Mẹ và các em tôi trở về Sài-Gòn. Riêng tôi thì Ông Nội giữ lại cho hết mùng rồi sai Cô út đưa về bằng xe lửa. Chính vì vậy, từ khi lên 5 đến lúc 10 tuổi, tôi thường ăn tết và được Ông Nội dẫn đi chơi ở Biên Hòa nhiều hơn ở Sài-Gòn .

    Ngày mùng 4 Tết, Ông Nội dẫn tôi ra chợ Biên-Hòa, sắm cho vài bộ đồ lụa 3 túi áo và cái nón phớt bằng Nilon, giống như của mấy ông tài xế ưa đội, gọi là lì-xì năm mới. Sau đó hai ông cháu đi dọc theo các dãy phố trong chợ, ghé thăm chúc Tết mấy ông bạn già thời Tây của Ông Nội. Đến nhà nào cũng vậy, cứ nghe nói tôi là cháu nội từ ngoài Bắc mới di cư vô Nam là họ rất quí, xoắn-xuýt hỏi này nọ và lì-xì rất nhiều tiền. Câu nào tôi nói họ không hiểu, thì đã có ông Nội thông dịch. Khi hiểu ra họ lại phá lên cười, làm tôi cũng vui lây.

    Chẳng mấy chốc đến ngày mùng 9 tết, cô út phải đưa tôi về đi học, nhân tiện xuống Sài-Gòn đi chơi Tết. Trong lòng tôi chẳng muốn về. Tôi chỉ muốn thời gian đứng dừng lại, để những ngày Tết kéo dài bất tận!!! Hai cô cháu dắt nhau băng ngang qua cánh đồng trũng bên dưới, đi trên các bờ ruộng khô nước, mất khoảng gần 1 tiếng đồng hồ sau mới đến được ga xe lửa Biên- Hòa, cũng chỉ vì tôi mỏi chân phải nghỉ mấy chặng.

    ........

    Hôm nay, ngồi nhớ lại những ngày Tết thuở xa-xưa, mà lòng bồi hồi xao-xuyến... Biết bao là kỷ niệm đẹp đã qua đi. Gần hai chục năm trên đất Mỹ, tôi chưa một lần có dịp được về Việt-Nam. Bấm ngón tay tính ngày, thì đúng 1 tuần nữa là đến mùng 1 Tết. Như ở Việt-Nam lúc này thì TẾT! TẾT! TẾT ĐẾN RỒI! TẾT ĐẾN KHẮP MỌI NHÀ....Còn trong nhà tôi, sao lúc này rất là trống vắng? Bà xã đi làm, con cái thì đi học ở các tiểu bang khác không về được. Tết năm nay lại rơi vào ngày đầu tuần (thứ hai) vô hãng nếu gặp bạn Việt-Nam thì chỉ chúc gỏn-lọn 1 câu (Chúc Mừng Năm Mới) rồi thôi! Việc ai người ấy làm.Tối về nhà thui-thủi chỉ có hai vợ chồng, ngồi bày bánh chưng, các loại mứt...(có đầy đủ cả) ra ăn, để nhớ lại những ngày Tết xa-xưa. Chúng tôi nhớ về Tổ tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, họ hàng, bạn bè....người còn, người mất, mà nghe sao khi nhai trong bánh lại có vị quá mặn! Phải chăng tại họ bỏ quá nhiều muối? Đến khi thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má, mới biết mình đang ăn bánh trộn lẫn với những giọt lệ nhớ về quê hương Việt- Nam, nơi những người thân, trong giây phút này cũng đang ngóng chờ mình để lấy một lần gặp mặt, ôm chặt vào lòng nhau......

    Biết đến bao giờ, chúng ta mới có thể cảm nhận được không khí Tết như ngày xưa, đầm ấm tình gia đình, họ hàng, chòm xóm láng giềng...ngay chính trên quê hương của mình???


    PHỤ CHÚ:

    -Nhân dịp Tết Nhâm Thìn 2012, Thân Chúc các bạn trong Hội Quán Phi Dũng cũng như các bạn Liên Khóa 72-73 một Năm Mới An Khang-Khỏe mạnh-Mọi sự như ý.
    -Thân tặng các bạn từng sinh sống và làm việc tại TP.Biên-Hòa, Tỉnh Đồng- Nai,q uê hương thứ hai của gia đình tôi, từ những ngày đầu mới di cư vào miền Nam Tự Do -Thanh Bình -Trù Phú.

    TẾT NHÂM THÌN 2012


    DZUNGUYEN

  • #2
    Chào anh Dzumg72C,

    Tôi lớn lên ở Thủ Đức "Tam Hà" đoạn đường tôi đi hàng ngày (Thủ Đức - Tân Sơn Nhứt - SD3KQ) tôi không nhớ hết, bái phục anh luôn, anh còn nhớ từng tên cây cầu đoạn đường từ ngã ba Cây Thị "đi đường trong" lên Biên Hoà,

    Chúc anh va quý quyến một mùa Xuân đầm ấm, hạnh phúc.

    KQ2
    Last edited by khongquan2; 01-15-2012, 12:02 AM.

    Comment


    • #3
      Cám ơn Dzung72C .
      cam ơn Dzung72C đã nhắc lại chuyện xưa, nhưng làm nhớ lại thời oanh liệt ở SĐ3KQ.

      Comment


      • #4
        Tết!tết!tết đến rồi...

        Nguyên văn bởi khongquan2 View Post
        Chào anh Dzumg72C,

        Tôi lớn lên ở Thủ Đức "Tam Hà" đoạn đường tôi đi hàng ngày (Thủ Đức - Tân Sơn Nhứt - SD3KQ) tôi không nhớ hết, bái phục anh luôn, anh còn nhớ từng tên cây cầu đoạn đường từ ngã ba Cây Thị "đi đường trong" lên Biên Hoà,

        Chúc anh va quý quyến một mùa Xuân đầm ấm, hạnh phúc.

        KQ2
        Chào Anh KQ2!

        Tôi không ngờ anh lớn lên tại Giáo Xứ Tam Ha của Cha Đào(Ngài đã qua đời từ lâu).Lần đầu Bố tôi dẫn lên Thủ Đức là vào năm 1955-1956 lúc đó Thủ Đức rất hoang vu.Tôi nhớ người Bắc di cư 54 khi lập Giáo xứ Tam hà ,họ có xây 14 Đàng Thánh Giá rất lớn sơn trắng dọc theo đường dẫn đến nhà thờ.Sau này làm nhà chắc họ phá bỏ dần đi.Trước 1975 tôi thường lên Giáo xứ Tam hà vì có đến 20 gia đình là người cùng làng ở loanh quanh nhà thờ Tam Hà và thỉnh thoảng tôi có lên picnic trên khu nhà nghỉ ở Thủ Đức( của dòng Tên ở quận 3 Sai-Gon)Đường vô dòng Đồng Công và dòng Sơ Ana.Nếu gia đình Bố Mẹ của anh cũng là người Bắc Công-Giáo di cư 54 thì không chừng anh với tôi có thể là người cùng làng(Hy vọng vậy).
        Nhân dịp năm mới thân chúc anh và gia đình được dồi dào sức khoẻ,mọi sự may mắn và bình an

        DZUNGUYEN

        Comment


        • #5
          Nguyên văn bởi Dzung72c View Post
          Chào Anh KQ2!

          Tôi không ngờ anh lớn lên tại Giáo Xứ Tam Ha của Cha Đào(Ngài đã qua đời từ lâu).Lần đầu Bố tôi dẫn lên Thủ Đức là vào năm 1955-1956 lúc đó Thủ Đức rất hoang vu.Tôi nhớ người Bắc di cư 54 khi lập Giáo xứ Tam hà ,họ có xây 14 Đàng Thánh Giá rất lớn sơn trắng dọc theo đường dẫn đến nhà thờ.Sau này làm nhà chắc họ phá bỏ dần đi.Trước 1975 tôi thường lên Giáo xứ Tam hà vì có đến 20 gia đình là người cùng làng ở loanh quanh nhà thờ Tam Hà và thỉnh thoảng tôi có lên picnic trên khu nhà nghỉ ở Thủ Đức( của dòng Tên ở quận 3 Sai-Gon)Đường vô dòng Đồng Công và dòng Sơ Ana.Nếu gia đình Bố Mẹ của anh cũng là người Bắc Công-Giáo di cư 54 thì không chừng anh với tôi có thể là người cùng làng(Hy vọng vậy).
          Nhân dịp năm mới thân chúc anh và gia đình được dồi dào sức khoẻ,mọi sự may mắn và bình an

          DZUNGUYEN

          Bà cụ tôi di cư 54, thì anh biết từ chợ Thủ Đức lên Tam Hà. nhà tôi ở chính giữa gần trại TD5 nhảy dù, sau này là TD2 TQLC Trâu Điên gọi là trại "Lê Hằng Minh".
          KQ2
          Last edited by khongquan2; 01-15-2012, 01:47 PM.

          Comment



          Hội Quán Phi Dũng ©
          Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




          website hit counter

          Working...
          X