Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Quà Tặng Đầu Xuân

Collapse
X

Quà Tặng Đầu Xuân

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Quà Tặng Đầu Xuân



    Đã gần mười một giờ khuya rồi mà thằng bé Thịnh vẫn chưa ngủ được. Trên chiếc giường tre cũ kỹ, nó cứ trở mình qua lại. Giữa đêm khuya thanh vắng, hòa trong tiếng côn trùng rên rỉ là tiếng rao hàng của những người bán rong. Xa xa, vẳng lại đâu đó, là tiếng gõ nhịp đều đặn của những người bán mì đêm. Âm thanh vắng vẻ về khuya càng làm cho thằng bé lo sợ. Một mình giữa ngôi nhà lá, cánh cửa chỉ được an toàn bằng một then chốt nhỏ, thêm vào là hai cái ghế đẩu ọt ẹt chặn lại cho chắc.Thằng Thịnh lắng tai nghe bất kỳ một tiếng động nhỏ nào bên ngoài cũng làm nó giật mình, nó lâm râm niệm Phật mong cho ba nó mau trở về bình yên. Mải mê cầu nguyện, nó thiếp đi lúc nàokhông biết.

    *******************************************

    Từ ngày bà Toàn mất đi vì căn bệnh ung thư hiểm nghèo, ông Toàn phải đạp xích lô thêm giờ để có tiền lo cho con ăn học. Ông muốn thằng Thịnh nên người, biết chữ nghĩa để ít ra sau này nó kkhông bị thua thiệt trong xã hội, nên ông thường căn dặn nó:
    “ Mình thà nghèo tiền nghèo bạc chứ nhất định không nghèo chữ” . Vì thế, dù ông làm việc vất vả khổ cực mấy cũng nhất định không để con thất học. Hơn nữa đó cũng là nguyện ước của bà Toàn trước lúc bà qua đời.
    “ Bánh mì nóng đây, bánh mì nóng hổi vừa thổi va ăn đây..y…y..y..”.
    Tiếng rao hàng của người bán bánh mì như là tiếng chuông reo của đồng hồ báo giờ đã đánh thức ông Toàn. Ông biết một ngày làm việc lại bắt đầu. Như thường lệ, công việc đầu tiên của ông là luộc nồi khoai lang, rồi ông chuẩn bị lại nệm xe, lau chùi chỗ ngồi cho sạch sẽ, lại phải xịt thêm một tí dầu thơm khắp xe nữa chứ. Thời buổi này đạp xích lô cũng phải cạnh tranh dữ lắm, không còn sức khoẻ như ông với chiếc xích lô cũ mèm. Tiếng Anh cũng chỉ lai rai thì khó mà kiếm ăn, nhất là từ ngày kinh tế ngày càng đi xuống, thanh niên, sinh viên thất nghiệp dài dài, họ cũng thay nhau đi mướn xích lô để hành nghề, thì việc kiếm sống qua ngày của ông càng thêm khó khăn. Cũng phải thôi, cạnh tranh mà, khách ai lại chẳng thích ngồi xe mới, xe đẹp, thêm vào đó là những thanh niên trẻ, biết chìu khách, cởi mở, biết nói chuyện vui, nghĩ đến đó ông Toàn lại thở dài.


    Sau khi gói vài củ khoai lang cho mình, ông Toàn cẩn thận sắp những củ còn lại lên dĩa để phần cho thằng Thịnh, ông còn dằn dưới đĩa khoai vài đồng cho nó để nó có thể mua bánh kẹo ăn với chúng bạn. Mỗi hành động của ông đều hết sức nhẹ nhàng, ông sợ sẽ làm mất giấc ngủ của thằng bé. Thằng Thịnh dù sao cũng là niềm an ủi duy nhất của ông, nhìn nét mặt ngây thơ đang say ngủ của con, ông Toàn cảm thấy chạnh lòng nhớ lại lúc ông bị xa con suốt ba năm ròng trong tù cải tạo khi nó mới lững chững biết đi. Thiệt là tội cho con quá! Ông rón rén bước lại gần con khẽ đặt một nụ hôn trên trán nó, rồi ông đẩy nhẹ cánh cửa bước ra ngoài. Đó là lúc gà gáy sáng canh năm, trời đang sáng dần.

    Vài hôm nữa là tết rồi, lượng người đi chợ mua sắm thật là nhộn nhịp, không khí tết náo nhiệt, khắp nơi đâu đâu cũng bày những mặt hàng tết, nào là bánh chưng, bánh tét, lá dong, củ kiệu , hành mứt…trái cây cũng thật là phong phú, dưa hấu, xoài, bưởi,thơm , dừa… Mọi người đổ xô đi mua sắm cho ba ngày tết, trong không khí đó, ông Toàn hy vọng sẽ chở được nhiều khách để có tiền mua cho con bộ đồ mới kịp đón xuân.

    Thằng Thịnh đã mười tuổi, nó đang theo học ở một ngôi trường nghèo đầu ngõ. Khác với những đứa trẻ đồng trang lứa, thằng Thịnh có vẻ già dặn hơn, gương mặt trẻ con của nó lúc nào cũng đượm vẻ ưu tư, khắc khoải của người lớn. Đi kèm với gương mặt ưu sầu là thân hình ốm yếu, càng làm cho nó già dặn hơn. Vì vậy, chúng bạn vẫn thường trêu nó là “cụ Thịnh”. Từ ngày mẹ nó mất, Thịnh cảm thấy thương ba nó nhiều hơn. Trong đầu óc non nớt của nó, tình thương dành cho ba nó không ngoài việc ngoan ngoãn nghe lời ông và học hành chăm chỉ. Mặc dù học ở một trường nghèo, không đầy đủ điều kiện vật chất, nhưng lúc nào nó cũng là đứa học sinh đi học đều đặn nhất và học giỏi nhất. Ở trường thằng Thịnh rất giỏi môn văn, năng khiếu văn học của nó được phát triển một phần cũng nhờ cô giáo Hoa. Trong một lần thi học kỳ hai ở lớp năm, với đề bài: “Tả lại một người mà em yêu quí nhất”. Thằng Thịnh đã làm cả trường xúc động với bài viết tả về người cha kính yêu của nó. Cô giáo Hoa đã rơi nước mắt khi đọc đoạn văn kết luận thật ngây thơ, giản dị, nhưng chứa đầy tình cảm sâu sắc về hình ảnh một người cha trong mắt đứa con trai, đó là:
    “ Em đã được nghe học và nghe cô giáo giải thích câu ca dao: “ mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”, em nghĩ câu này thật sự không đúng,vì khi mẹ em chết, em vẫn được ba em lo cho cơm ăn áo mặc đầy đủ, vẫn đến trường học,và còn được cho tiền ăn bánh mỗi ngày nữa. Ba em đã làm việc chăm chỉ và lo cho em nhiều như vậy, ba em thật sự vĩ đại, và là một ngưởi cha hết lòng thương con. Ba em là một người hùng trong lòng em, em nguyện sẽ học thật giỏi để ba em được vui lòng và hãnh diện với bà con trong xóm.”
    Sau lần công bố điểm, nhà trường đã quyết định trao giải thường cho nó. Tất cả các thầy cô trong trường hình như hiểu nó và thương nó nhiều hơn. Lũ bạn cũng không còn gọi nó là “cụ Thịnh” nữa.

    Sáng nay sau khi ăn hết phần khoai, thằng Thịnh lôi dưới gầm giường ra một con heo đất. Kề từ ngày ông Toàn cho nó tiền, nó cảm thấy không cần xài tới. Hằng ngày thấy cha đạp xích lô giữa cơn nắng gay gắt như thiêu đốt da người mà đầu ông thì cứ phơi trần. Nó cảm thấy thương cha nó lắm nên nó quyết định sẽ để dành tiền mua cho ba nó một cái nón. Nghĩ đến lúc cha nó đội cái nón trên đầu, nó cảm thấy vui sướng.Thằng Thịnh cuộn tròn tiền nhét vào con heo đất, dấu kín dưới gầm giường, rồi nó xếp tập vở ngăn nắp vào cặp táp để chuẩn bị cho lớp học buổi chiều . Nó đóng cửa rồi ôm cặp táp ra quán hủ tiếu của bà Tám.

    Bà Tám là một người đàn bà góa đã già. Bà không còn họ hàng thân thích. Chồng bà đã mất trong tết Mậu Thân, bà đã thất lạc gia đình trong một lần chạy loạn. Bà Tám sống qua ngày chỉ nhờ vào gánh hủ tiếu nhỏ của bà. Hằng ngày, thằng Thịnh giúp bà lau dọn tô, bưng hủ tiếu cho khách. Quán hủ tiếu của bà thuộc loại bình dân, khách của bà đa số là tầng lớp lao động nghèo như những người bán vé số, đạp xe ba gác, xích lô. Không cần biết là thành phần nào, tất cả khách của bà đều mang lại cho bà niềm vui không ít. Bà Tám thông cảm với số phận của họ, chia xẻ với họ những câu chuyện vui buồn trong đời sống hằng ngày, vì thế, họ rất thích bà Tám, và không chỉ có họ mà cả ba thằng Thịnh cũng thường gọi bà Tám là: “Má Tám”.
    Để bù lại công sức của thằng Thịnh, bà Tám cho nó ăn hủ tiếu hai bữa. Ngày nào Thịnh cũng được ăn hủ tiếu của bà trước khi đi học. Đôi lúc bà còn cho nó thêm vài cái bánh hay kẹo nữa. Bà tám thương nó lắm, bất kỳ một người khách nào đến quán của bà đều được bà giới thiệu về lai lịch của nó, kèm theo đó là câu mà có lẽ ai cũng thuộc nằm lòng: “Tội nghiệp, thằng bé mất mẹ sớm nhưng học giỏi và được việc lắm.” Khách của bà dần dần cũng cảm thấy thương nó như bà.

    Chiều nay là ngày học cuối cùng của Thịnh, học sinh sẽ được nghỉ tết, và trường học nó sẽ được các bà soeur trong nhà thờ Thanh Thịnh quyên góp để sửa chữa. Sau năm 1975, ngôi trường bị nhà nước tiếp quản nhưng vì nó quá cũ kỹ, diện tích lại không lớn lắm, nên nó được trả lại cho các soeur để duy trì việc học. Trần nhà đã bong hết, rong rêu mọc dầy các chân tường. Lớp học thô sơ, bàn ghế xiêu vẹo, bảng đen cũng đã tróc hết sơn, lổm chổm chỗ đen chỗ trắng. Đã nhiều lần các cô giáo đệ trình lên sở giáo dục để xin tu sửa nhưng chờ hoài, chờ mòn mỏi vẫn không nhận được sự giúp đỡ nào từ phía chính quyền. Phần lớn ngôi trường tồn tại là nhờ vào sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm. Giáo viên trong trường hầu hết là làm việc thiện nguyện với đồng lương ít ỏi. Họ đến với ngôi trường bằng tấm lòng yêu thương trẻ em. Cô giáo Hoa là một trong số đó, ngoàỉ giờ làm việc ở cơ quan cô đến trường để dạy cho các em nhỏ học, những lúc rảnh rỗi cô còn đi đến các cơ quan xin giấy trắng xài hết một mặt về đóng tập cho các em học sinh nghèo không có tiền mua vở. Cô là một người nhân hậu và tận tụy với học sinh, vì vậy mà thằng Thịnh yêu cô giáo Hoa nhất trong suốt những năm nó học ở tiểu học.
    Hôm nay cô giáo Hoa có tổ chức cho học trò ăn tất niên trong lớp. Lũ trẻ có thể vừa ăn, vừa nói chuyện vui vẻ, không khí vui nhộn thoải mái khác với không khí im phăng phắc của lớp học ngày thường khiến lũ trẻ cảm thấy phấn chấn trong lòng. Chúng reo hò, la hét, cười nói huyên thuyên không dứt. Cô Hoa cũng cảm thấy vui lây trước sự hồn nhiên ngây thơ của chúng. Sau buổi liên hoan, lũ trẻ còn nán lại trường một hồi. Bọn con trai cứ ôm nhau mà vật lộn, chúng reo hò, rượt đuổi nhau vòng quanh sân trường cho đến khi quần áo ướt đẫm mồ hôi mới thôi. Mải mê chơi, thằng Thịnh không để ý đến chiếc dép của nó đã nứt toạc ra từ bao giờ, đến lúc ngừng chơi nó mới nhận ra và giật mình lo lắng.
    Thằng Thịnh tần mần suy nghĩ nó không biết có nên đập bể con heo đất đề lấy tiền mua dép mới hay không. Nó không muốn xâm phạm đến số tiền mà nó dự định sẽ mua một món quà bất ngờ cho ba nó, vì nó biết ông Toàn cũng khó khăn lắm mới kiếm được tiền nuôi chính bản thân ông và lo cho nó ăn học. Càng nghĩ thằng Thịnh cảm thấy ân hận về sự vô ý của mình, đưa tay gạt nước mắt, thằng Thịnh quyết định sẽ làm ngay một việc trước khi ba của nó phát hiện ra.


    Đã hơn chín giờ sáng rồi mà bà Tám vẫn không thấy thằng Thịnh ra quán giúp bà như mọi ngày. Bà cảm thấy lo lắng, nhưng vì quán quá đông và bà không được rảnh chân nên không thể bỏ quán để kiếm nó. Bà định bụng khi quán vắng khách một chút thì bà sẽ ghé qua để xem. Bận bịu bán hàng, bà quên bẵng đi thằng Thịnh trong tiếng kêu rối rít của khách hàng:
    “Cho một tô hủ tiếu đi má Tám”
    Sáng nay, thằng Thịnh chỉ ăn một củ khoai lang, còn một củ nó để dành cho buổi trưa, nó biết hôm nay không ra phụ bà Tám thì nó sẽ không được ăn trưa.Thằng Thịnh quyết ở nhà một bữa để chữa đôi dép hư của nó, công việc này nó thấy ba nó đã làm nhiều lần lắm rồi nên nó không xa lạ gì cho lắm. Nhắc chiếc ghế đẩu cao, nó cố với tay bưng chiếc đèn dầu nhỏ xuống khỏi bàn thờ mẹ nó. Nó cẩn thận lấy trong bọc đồ nghề của ông Toàn ra một cây kim to và một cuộn chỉ cước. Xỏ kim đâu vào đó, thằng Thịnh bắt đầu làm cái việc mà ba nó thường hay làm. Cầm cây kim trong tay, thằng bé hơ hơ trên ngọn đèn dầu cho thật nóng, rồi từ từ đâm vào chỗ rách của đôi dép và đế dép để vá dính lại. Tuy thằng Thịnh đã nhiều lần thấy ba nó làm, nhưng vì chưa làm qua lần nào, hơn nữa đôi dép thật cứng hơn đôi tay của nó, nên loay hoay mãi gần hết nửa ngày mà nó vẫn chưa hoàn tất được.

    Bà Tám thấy khách đã thưa dần, liền múc tô hủ tiếu nhỏ cho thằng Thịnh như thường lệ, cất hết tiền vào túi áo, cài kim băng cẩn thận, bà Tám lật đật bê tô hủ tiếu tiến về căn nhà của thằng bé. Căn nhà lá nằm trơ trọi giữa khu đất trống, từ khi bà Tân bị bịnh, ông Toàn đã phải bán đi những thứ đồ quí giá trong nhà, kể cả căn nhà của mình, nhưng vẫn không cứu nổi bà khỏi bàn tay của tử thần. Căn nhà lá này dựng được cũng là nhờ sự giúp đỡ của bà con làng xóm, họ cảm thương cho hoàn cảnh của ông Toàn, nên chung góp cho cha con ông chút đỉnh. Bà Tám dừng lại trước căn nhà im ắng, qua những lỗ thủng trên cánh cửa, bà nhìn thấy hình ảnh gầy guộc của thằng Thịnh bên ngọn đèn dầu leo lét đã gần cạn. Bàn tay nhỏ bé của nó đang vật lộn với từng mũi kim, bà nghĩ có lẽ nó đau tay lắm. Bà Tám cảm thấy tội nghiệp thằng bé vô cùng, bà thở dài, tuy cha nó vẫn lo cho nó đầy đủ, nhưng bà cảm nhận được một sự thiếu thốn ở thằng bé, đó là tình thương yêu và chăm sóc của một người mẹ.
    Bà đằng hắng:
    “Thịnh ơi ! Cháu đang làm gì đó?” Rồi bà đẩy cửa bước vào. Thằng Thịnh lúng túng khi bí mật của nó đã bị phát hiện dưới mắt của bà Tám. Nó không muốn bà biết cũng như không muốn chia xẻ những ưu tư của chính bản thân nó cho bà, nó sợ bà sẽ kể cho ba nó biết, như vậy sẽ làm ông Toàn lo lắng thêm. Nghĩ tới đó, nó vội ngồi bệt lên chiếc dép, để che đi, rồi nó mỉm cười với bà: “Xin lỗi bà Tám, hôm nay cháu không ra phụ bà được”. Tất cả những hành động của nó không lọt qua được đôi mắt của bà Tám. Bà cười hiền lành:
    “ Có sao đâu, cháu bận thì cứ ở nhà, bà làm một mình cũng được nhưng tại sao bận mà không nói với bà, làm bà lo tưởng cháu bị bịnh. Thôi rửa tay đi rồi ăn hủ tiếu nè, để dép đó bà khâu tiếp cho.” Ánh mắt thành khẩn và động viên của bà Tám đã động viên thằng Thịnh, nó cảm thấy không thể dấu bà, nên đã kể cho bà nghe việc đôi dép và số tiền nó để dành để mua quà cho ba nó. Thằng Thịnh cứ bắt bà phải hứa là không được kể lại với ba nó. Nó còn nhờ bà dắt nó đi chợ để mua cho ba nó cái nón.
    Bà Tám sống đến gần tuổi này mới chứng kiến một câu chuyện cảm động như vầy. Một câu chuyện mà bà nghĩ chỉ có có thể trong cổ tích để khuyên răn các trẻ em phải biết ơn và yêu thương cha mẹ. Nhưng không ngờ thằng Thịnh đã nêu một tấm gương hiếu thảo sống động trước mắt bà đây, bà cảm động ôm thằng bé vào lòng: “Cháu là một đứa bé ngoan, biết thương cha, cha cháu nhất định sẽ hãnh diện về cháu lắm.” Ngồi trong lòng bàTám, thằng Thịnh cảm thấy thật ấm áp, nó cầm lấy đôi bàn tay nhăn nheo của bà, chưa bao giở nó thấy thương bà Tám như lúc này. Nó nghĩ bắt đầu từ ngày mai, nó sẽ giúp bà Tám nhiều hơn và phụ bà bất cứ công việc gì mà nó có thể làm được.
    Ngoài sân, ánh nắng gay gắt đã nhạt dần, tiếng gà gáy về chiều đã vang rền khắp mọi nơi, thằng Thịnh dắt tay bà tám trở lại quán, nó phụ bà dọn hàng để bà có thể về nhà sớm kịp chuẩn bị trái cây, hương hoa cúng giao thừa.

    Thằng Thịnh bị thức giấc bởi tiếng pháo nổ liên hồi, nó thầm nghĩ không biết nhà nào mà đốt pháo nhiều thế! Và rồi bước chân ra khỏi giường, nó cảm thấy khoan khoái làm sao. Hôm nay là mồng một tết, nó đã thêm một tuổi rồi, cha nó bảo thêm một tuổi nữa, nó sẽ khôn hơn, học cũng sẽ giỏi hơn. Tuy nhiên nó vẫn lo rằng, cứ mỗi năm nó lớn khôn thì cha nó lại già hơn, và ông sẽ không còn sống lâu với nó nữa. Càng suy nghĩ, nó càng buồn lắm. Rồi như sực nhớ ra điều gì, nó vội vàng xếp mùng lại, đi xúc miệng rửa mặt.

    Ông Toàn rất ngạc nhiên khi thấy thằng con ông dậy sớm hơn thường lệ, hôm nay trong nó có vẻ là lạ, rất bí mật. Cái bí mật này không giống như cái bí mật mà bà Tám đã kể cho ông về đôi dép đứt của nó. Thằng Thịnh sau khi rửa mặt sạch sẽ, nó len lén lấy từ trong cái thùng giấy cát tông cũ ra một gói giấy báo. Nó trịnh trọng mang đến chỗ ông Toàn ngồi. Ông Toàn còn đang nghi ngờ thì đã nghe nó nói:
    - Ba, con có quà lì xì cho ba nè, năm mới con chúc ba thật nhiều sức khoẻ để sống lâu với con.
    Khó khăn lắm nó mới nói lên được những điều mơ ước thầm kín trong lòng nó. Kể từ ngày chứng kiến cảnh má nó bị bệnh chết, thằng Thịnh lúc nào cũng lo sợ một ngày nào nó sẽ mất luôn ba nó. Lúc đó nó sẽ thành đứa trẻ côi cút đơn độc, không nơi nương tựa.Vì thế, lúc nào nó cũng cầu mong cho ba nó được khoẻ mạnh hết.
    Ông Toàn quá đỗi ngạc nhiên và xúc động, rõ ràng là bà Tám đã dấu ông chuyện này, chỉ câu chuyện nó tự vá đôi dép thôi cũng đã làm ông đau lòng lắm rồi. Ông biết, dù có cố gắng ông cũng không thể nào chăm sóc nó chu đáo được như vợ ông hồi còn sống, vậy mà bây giờ nó lại làm cho ông cảm động hơn bằng chính sự quan tâm của nó đối với cha. Ông không ngờ thằng con ông lại có thể trưởng thành nhanh như vậy.
    Nhận gói quà từ tay con, ông Toàn run rẩy mở ra xem. Đó là một cái nón mới toanh màu rêu đậm mà chắc hẳn bà Tám đã giúp nó lựa chọn. Thằng Thịnh cho biết nó đã bỏ heo để dành tiền mua quà này cho ông. Ông Toàn cảm thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng của mình, không biết từ lúc nào hai dòng lệ đã tuôn rơi trên gương mặt khắc khổ chai sạn của ông. Đây thật sự là một niềm vui bất ngờ lớn trong năm cũng như trong cuộc đời ông.

    Ông Toàn cũng có quà cho con, ông chậm rãi đi vể phiá tủ thờ, lấy ra một bọc nylon to đưa cho thằng bé. Quà của ông cho nó là một bộ đồ mới và một đôi dép mới. Ông Toàn đã được nghe bà Tám kể về câu chuyện nó vá dép. Ông nghĩ cũng đã đến lúc mua cho con một đôi dép mới rồi. Ông còn dự định mua cho con thêm nhiều thứ nữa, nhưng túi tiền của ông không cho phép ông có thể đi xa hơn, vì vậy ông chỉ có thể mua cho nó những thứ thật cần thiết trước. Ôm gói quà trong tay, thằng Thịnh cảm thấy vui mừng lắm, nó không ngờ ba nó đã biết đôi dép của nó đã đứt, chắc hẳn là bà Tám đã không nói lại chứ, vì bà là người lớn mà. Tuy nhiên, sự vui mừng trước món quà đã xoá tan đi những nghi ngờ trong tâm trí của nó đối với bà Tám. Nó ôm ông Toàn thật chặt, và lí nhí nói cám ơn.

    Mặt trời đã lên cao, những tia nắng lung linh đã rọi qua khe cửa tạo thành những vệt dài trên vách lá, ôm con trong lòng ông Toàn cảm thấy vui sướng vô hạn. Ông thầm cám ơn Thượng Đế đã trao tặng cho ông một món quà vô giá trong mùa xuân năm nay và mãi mãi trong cuộc đời còn lại của ông. Đó là thằng con trai hiếu thảo, những tia nắng nóng gay gắt chiếu lên gương mặt của hai cha con ông Toàn cho biết trời cũng đã trưa. Đợi thằng con diện bộ đồ mới xong, ông dắt tay nó qua nhà bà Tám. Hôm nay bà Tám mời hai cha con nó ăn tiệc đầu xuân, thằng Thịnh cảm thấy rất nao nức, trên đường đi nó ráng nghĩ trong đầu nó một câu chúc tết thật hay để có thể chúc cho bà Tám nhân dịp năm mới.

    Một năm nữa đã trôi qua, nhưng năm nay ông Toàn cảm thấy vui hơn kể từ sau ngày vợ ông mất. Thằng con ngoan đã làm vơi đi biết bao nhiêu phiền muộn chất chứa trong lòng của ông. Ông tự hứa sẽ cố gắng làm việc nhiều hơn để vun bón tương lai cho con, nhất định con ông phải được nên người, nghĩ tới một ngày mai sáng lạn của nó, đôi môi khô héo của ông nở một nụ cười dưới ánh mặt trời.
    Bích Hằng
    (Utah tháng 1 năm 2000)
    Last edited by Ha Vo; 12-31-2011, 06:48 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X