Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Không Quân Ngoại Truyện

Collapse
X

Không Quân Ngoại Truyện

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Không Quân Ngoại Truyện

    KHÔNG QUÂN NGOẠI TRUYỆN
    QUAN NGỰ SỬ ÁO LIỀN QUẦN PHỤ TRÁCH
    THƯ GỬI BẠN


    Cùi thân mến,
    Để mày khỏi ngạc nhiên, tao phải nói ngay cho mày biết rằng tao là Quan Ngự Sử Áo Liền Quần phụ trách tiết mục Không Quân Ngoại Truyện từ già một thập niên rưỡi qua trên giai phẩm Lý Tưởng và tờ đặc san Không Quân ở Bắc California.
    Trong Không Quân ta có ban Quân sử chuyên trách ghi chép những biến cố trọng đại để viết ra một cuốn sử của Quân Chủng. Đó là chính sử hoặc biên niên sử. Từ khi Miền Nam ta rơi vào tay quân thù phương Bắc, những tài liệu quí giá đó đều bị thất tán, tiêu hủy. Cho nên khi Hội Không Quân Houston giao cho tao trách nhiệm làm sống lại tờ Lý Tưởng, tao đã có sáng kiến đặt ra một tiết mục gọi là Không Quân Ngoại Truyện để cho bất cứ người Không Quân nào cũng tham gia được (không nhất thiết phải là nhà văn), vì mỗi một người trong chúng ta đều có ít nhất một người bạn để nói về... Các nhân vật trong Không Quân ta cũng chẳng kém những kỳ nhân dị sĩ trong "Truyền Kỳ Mạn Lục" hay "Nam Hải Dị Nhân". Tao lẩm cẩm nghĩ rằng nếu mình không làm công việc đó thì đời sau con cháu chúng ta sẽ không biết rằng vào hậu bán thế kỷ 20 đã có một loài đại bàng mang tên Không Quân Việt Nam Cộng Hòa.
    Bọn Không Quân mình bây giờ là những "sinh vật hiếm quí" (endangered species) mà không được một Hội Bảo Vệ nào đoái hoài tới sự diệt vong, thì chính chúng ta (chứ chẳng phải ai khác) phải có nhiệm vụ lưu truyền (dù là ngoại sử) cho hậu thế. Đó là một công việc hữu ích giúp các nhà khảo cổ của... mươi thế kỷ sau đỡ mất công đào xới kiếm tìm.

    Mày biết không Cùi? Tao không ngờ tiết mục ấy là "cái đinh" của giai phẩm. Mỗi một lần độc giả nhận được tờ báo mới ra lò, họ đều giở mục đó ra đọc trước tiên để xem kỳ này "ai viết về ai". Nói theo ngôn ngữ của nhà buôn thì tao có thể kết luận: "mầng chơi mà ăn thiệt"!
    Anh em chúng ta mỗi đứa một phương, một cảnh đời khác biệt, một giấc mộng tung hoành, tình cờ gặp nhau nơi quân trường như thể duyên tao ngộ để rồi tung ra khắp các nẻo đường mây, dọc ngang trên mọi miền đất nước, bỗng trở thành những kẻ yêu thương nhau hơn tình máu mủ ruột thịt. Vậy chúng ta đã là một đại gia đình mà khi có dịp thì hãy tìm về với nhau để dâng hồn mình cho Quốc Tổ thiêng liêng.

    Do cái tiết mục mang chủ đề Không Quân Ngoại Truyện, cho nên mỗi một nhân vật được đề cập đến trong bài viết đều nêu lên cả "ngoại hiệu" hay "hỗn danh" do đồng đội đặt cho. Dựa vào cái chức năng và vai trò của mình, tao đã ngang nhiên nhắc đến ngoại hiệu của các bậc đàn anh trong các buổi tập họp Không Quân mà anh nào anh nấy đều vui vẻ đón nhận; chứ không hề trách móc tao là thằng đàn em hỗn láo.

    Năm ngoái, tao tham dự buổi hội ngộ Hoa Anh Đào do anh em Không Quân miền Đông Bắc Hoa Kỳ tổ chức, thằng Đầu Bò tự nhiên cao hứng bốc tao lên làm MC. Trước cử tọa đông đủ, tao dám gọi đàn anh Nguyễn Cao Kỳ là ông Râu Kẽm, đàn anh Dương Thiệu Hùng là anh Hùng Cún, đàn anh Vũ văn Ước là anh Năm Ngắn. Anh Năm còn có biệt danh là William Short, là Astro Boy. Các đàn anh rất vui, chứ không hề khiển trách.
    Cùi ơi! Mày biết tại sao như thế không?

    Kể từ khi mất nước, đàn chim bỏ xứ lưu lạc muôn phương hễ có dịp tụm năm, tụm bảy, chén thù, chén tạc, trong lúc chuyện vãn bằng hữu thường nhắc đến thằng nọ, thằng kia, thằng còn, thằng mất, đứa tù tội, đứa phong ba. Mà những kẻ được đồng đội nhắc tên đều bằng cái "hỗn danh" không do cha mẹ đặt. Chẳng hạn, Vinh Gấu, Vinh L.T., Long Heo, Long Chà, Hùng Ống Nhổ, Hùng Xùi... Rồi bỗng nhiên có thằng trong bàn rượu chợt òa lên khóc bởi vì nó nhớ, nó thương một thằng bạn chẳng may bị đời đá lên đá xuống bầm dập. Tình nghĩa ấy, hỏi ai có được, ngoài chúng ta?

    Tao không biết thằng nào trong khóa đã đặt cho mày cái ngoại hiệu "Cùi". Tao đã cất công đi làm cuộc điều nghiên tìm hiểu mà không đứa nào trả lời cho tao một cách thỏa đáng. Tao bèn mở rộng cuộc thăm dò những sự hiểu biết ngoài Quân Chủng.
    Bên trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, tao nghe những anh em sinh viên xưng hô và gọi nhau là Cùi. Tao hỏi họ vì sao lại có cái danh hiệu đó thì họ giảng giải như sau: "Khi Đại tá Trần Ngọc Huyến về làm Chỉ Huy Trưởng Võ Bị Đà Lạt, ông ta gọi những sinh viên sĩ quan trong trường là Cùi. Chữ Cùi không có nghĩa là cùi hủi, mà là một lối xưng hô khiêm tốn nhún nhường ẩn dấu niềm tự hào và kiêu hãnh vì công phu trui rèn về trình độ văn hóa và thể chất do nhà trường đào tạo". "Cùi" dám dấn thân vào chốn gió tanh mưa máu để làm thăng hoa đời sống, để mang lại cho con người những giá trị nhân bản cao cả hơn. Tự xưng mình là "Cùi" giống như một kiếm sĩ danh gia vô địch thiên hạ mà khi xưng hô với mọi người thì dùng hai chữ "tại hạ".

    Nghe họ giải thích xong, tao mới vỡ lẽ và thấy thằng nào đặt cho mày cái ngoại hiệu "Cùi" quả là thâm thúy và chính xác không khác gì một sinh viên sĩ quan Đà Lạt. Mày là con người có trình độ nhận thức sắc bén và lại là người hết lòng tận tụy với công việc được cấp trên giao phó. Bề ngoài, mày cứ giả ngây, giả dại nhưng cái ngây dại ấy tiềm ẩn một sự cao ngạo và gan lỳ. Tao rất tâm đắc về cái ngoại hiệu hoặc hỗn danh của mày mà hiếm có người tinh ý nhận biết được như tao (sic!).
    Cùi ơi! Khi mày đọc tới đây thì mày đã thấy tao xứng đáng là thằng bạn tri kỷ của mày chưa?

    Nhiều năm qua, tao thường hỏi thăm anh em về mày. Chúng nó cho tao biết mày quanh năm đầu tắt mặt tối với công việc hãng, nên rất ít khi gặp gỡ anh em. Tao biết tính mày, bất cứ việc gì mày nhúng tay vào, mày cũng muốn đạt được thành quả thượng hảo hạng. Tao không một chút ngạc nhiên mà lại mừng cho ý chí đã kiên định của mày. Mày đã hết lòng phụng sự cho nền thịnh vượng của bản quốc. Những đóng góp của mày thật là to lớn, tao xin ngã nón cúi chào. Người Mỹ đã may mắn tìm ra một nhà quản trị xí nghiệp tài ba và tận tụy. Có lẽ trong bản khai lý lịch xin việc mày đã ghi "một cựu sĩ quan an phi"?

    Trái lại, từ ngày mất nước, không có một công việc nào tao làm mà tao cảm thấy... "enjoy". Tao xem các công việc mà tao đã và đang làm là chỉ để trả nợ áo cơm, chứ không phải là lý tưởng phục vụ xứ sở như thời gậm bánh mì hay nuốt vội nắm xôi để đi bay. Hồi ấy sống trong hoàn cảnh nghèo khó mà vui và tự hào. Nay mang tâm bệnh phục vụ bao tử nên lúc nào tao cũng cứ cảm thấy tủi thân, vì vậy tao chưa làm cho một hãng nào lâu quá năm năm. Hễ làm lâu một chút là tao chán. Ai hỏi tao đang làm nghề gì để sinh nhai thì tao đều trả lời làm phất pha phất phơ, rồi tìm cách nói lảng sang chuyện khác. Tóm lại, tao là đứa thất chí đang sống trong một môi trường cạnh tranh cật lực để đạt những thành tựu về vật chất. Vợ tao luôn luôn chê tao là kẻ viễn mơ, thiếu thực tế. Nhưng nàng làm sao hiểu được tâm trạng của một kẻ đào ngũ trước địch quân như tao? Mặc cảm ấy đeo đuổi tao hơn hai mươi mấy năm trời. Tuy nhiên, tao rất vui sướng khi nhìn thấy những thành tựu về mọi mặt của anh em, chứ không hề đem lòng đố kỵ, ghen ghét.

    Năm nay anh em trong Hội Không Quân tại Houston cử tao làm Trưởng ban Tổ chức Đêm Không Gian. Sở dĩ tao dám nhận lời là vì tại Houston may mắn có những anh em Không Quân rất hăng hái và nồng nhiệt với tình gắn bó Quân Chủng. Thật là kỳ lạ, Cùi ạ! Những anh em này chưa từng hưởng ân huệ mưa móc của Không Quân, thế mà họ lại tận lực giương cao màu cờ sắc áo, chứ không như những người "cố quên" quá khứ. Tao nghe những anh em Không Quân của mình bị tù đầy như đàn anh Nguyễn Quang Tri (và nhiều anh em khác nữa) từng lén lút tổ chức làm lễ kỷ niệm Ngày Không Quân hằng năm trong lao xá. Họ cùng nhau hát Không Quân Hành Khúc, chia nhau ngụm trà ôi, miếng bánh hẩm, bất chấp những hình phạt dã man của bọn quản giáo. Tao rất thán phục sự dũng cảm của họ và vô cùng cảm động đến ứa nước mắt.

    Với việc kiếm kế sinh nhai thì tao chểnh mảng, nhưng khi được giao công tác làm sống dậy tình nghĩa anh em thì tao rất phấn kích và hăng hái lạ thường, vì đó là niềm hãnh diện duy nhất tao có. Tao đề nghị chủ đề của Đêm Không Gian năm nay là "CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ..." và được toàn thể anh chị em trong Hội tán thành. Cái chủ đề gợi cảm lắm đấy chứ, phải không Cùi? "CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ..." không phải là để nhớ một thời huy hoàng, dọc ngang ngang dọc, mà để nhớ những ngày vất vả khốn khó nhưng tình nghĩa anh em sống chết tràn đầy. Và, đặc biệt, để nhớ rằng bên kia bờ Thái Bình Dương còn tám mươi triệu đồng bào ruột thịt đang sống dưới sự đè nén mất tự do của chế độ độc tài.

    Thằng Dâm (khóa mày) là anh chàng nặng nợ với tình Quân Chủng. Nó bèn "chụp" ngay cơ hội ấy để phát động lập tức cuộc họp mặt khóa song hành với việc tao viết thư, điện thoại mời gọi anh em bốn phương. Nó đào xới tung tích của anh em trong khóa để gửi đi một bức "thư tình" nặng ký mà chỉ có gỗ đá (theo lời nó nói) mới trơ gan cùng... tuế nguyệt. Nó quyết định thực hiện một tờ báo mang tên "LỐI MỘNG" của Khóa 61 để làm món quà tinh thần cho bằng hữu về dự Đêm Không Gian. Nó bảo tao viết bài đóng góp vào đặc san. Không biết viết gì phù hợp với nội dung tờ báo, tao bèn viết thư cho mày dưới tựa đề "THƯ GỬI BẠN" với hy vọng nó sẽ không chê sự mộc mạc của tao.

    Nói cho mày hay, thằng Dâm bây giờ là một nhà thơ nổi tiếng khắp bốn biển năm châu. Nếu nó lấy tên đặc san là "LỐI MỘNG" thì mày phải hiểu đó là ngôn ngữ đặc thù của thi sĩ. Ý chừng nó muốn thổ lộ rằng mỗi một anh em trong chúng ta chọn vào Không Quân là do tự đáy tâm hồn đã mang chất thơ. Mà Thơ với Mộng đều cùng một nghĩa như nhau, nên người ta mới gộp lại thành từ kép "Thơ-Mộng" (thi sĩ không ấp ủ giấc mộng thì làm thơ thế quái nào được?).

    Thú thực với mày, trước khi vào Không Quân, tao đã từng đọc vài tác phẩm của Saint Exupéry như Vol de Nuit (Bay Đêm), Le Petit Prince (Hoàng Tử Bé)... và Đời Phi Công của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Tao mê lắm, nhưng tao không hề có ý nghĩ đi Không Quân, chỉ vì cái thành kiến "Đi Lính" là do thất bại của sĩ tử trên con đường học vấn khoa cử. Thế mà cuối cùng tao trở thành người lính Không Quân, chỉ tại cái tính... bốc đồng. Số người "bốc đồng" như tao không ít đâu nghe Cùi!

    Một hôm, đang ngồi học trong giảng đường, mấy thằng bạn ới nhau lên Tân Sơn Nhất nộp đơn đi Không Quân. Vì hiếu kỳ, tao theo chúng nó chơi cho vui. Thấy chúng nó điền đơn, tao cũng điền đơn như cái máy, chứ không có một tí ti ý niệm gì cả. Mấy hôm sau nhận được giấy báo đi khám sức khỏe, tao cũng đi để xem sức khỏe của mình tốt xấu thế nào; không ngờ tao lọt qua vòng tuyển lựa, trong khi mấy thằng bạn rủ rê lại trượt. Tao tự thấy tao... ngon lành. Tại Trung Tâm Giám Định Y Khoa, tao gặp mấy thằng sinh viên khóa mày từ Nha Trang về Sài Gòn khám sức khỏe đi du học Hoa Kỳ như thằng Nguyễn Duy Khoa Khôi là thằng cùng học với tao khi ở Huế. Tao mừng rỡ vì gặp lại bạn cũ một phần; phần quan trọng hơn, tao ngầm ngưỡng mộ nét rắn rỏi phong trần, nước da sạm nắng khác hẳn một Khoa Khôi bạch diện thư sinh ngày nào. Tao thấy những nét hiên ngang trong bộ quân phục màu vàng kaki, trên túi áo trái gắn nửa cánh bay, của các đồng đội nó,rồiợ tao bỗng sinh lòng thèm khát trở thành những chàng trai tuấn tú như họ. Thế là tao đặt bút ký hợp đồng với Quân Chủng. Thật tiếc cho một kẻ tài hoa như Khoa Khôi mà mệnh bạc.

    Ngày tao xuống tóc, lãnh quân trang về nhà để sửa soạn hôm sau vào quân trường, mẹ tao ngất xỉu vì tao đã làm một quyết định táo bạo mà không cho bà hay trước. Kể từ hôm đó, mẹ tao không thèm nói chuyện với tao suốt mấy năm trời. Thế nhưng thương con, đêm nào bà cũng thắp nhang trước bàn Phật và cầu nguyện cho tao tai qua nạn khỏi. Tao đau đến đứt ruột vì đã làm buồn lòng mẹ.

    Ban đầu, trải qua những ngày huấn nhục vất vả, đôi khi tao đã than thầm mình chọn nhầm nghề. Nhưng rồi ngày tháng dần dà trôi, tình bạn, tình đồng đội nẩy nở làm cho tao quên đi những nhọc nhằn thể xác. Viết đến đây tao chợt đến bạn Nguyễn Kiển Tiên có nước da bóng lưỡng như bức tượng đồng đen, mặt mày bậm trợn dữ dằn mà bản tính hiền lành như ông Bụt. Vinh "Chó Lửa" có chiếc răng vàng sáng chói huấn luyện khóa tao về môn tháo ráp vũ khí. Chẳng biết bây giờ anh ta sống chết ra sao? Con Hùm Xám Quách Thanh Dần nổi danh "hắc ám" ở quân trường, nhưng lại là người anh em điệu nghệ khi cùng học bay với nhau. Nói tóm lại, khóa mày, khóa tao hay bất cứ khóa nào đều có một đôi ba anh "Pilot Thái Bình" như nhân vật được Dương Hùng Cường mô tả. Hoặc những tay nghịch ngợm như Lê Nguyên Hải. Mình nhớ đến những nhân vật đặc biệt như Khoa Khôi, Dũng Mặt Đỏ, Phạm Đăng Cường, Lê Như Hoàn, Phong Say, Được "Cai Dù" đã đành mà còn nhớ đến cả những anh biết lái máy trước khi biết đi... xe đạp. Chẳng hạn, anh Nguyễn Quang Khọa (tên anh là Khóa được phát âm theo giọng Huế) ngoài dân sự "nể" tao lắm, nhưng hắn "đì" tao tận mạng để thị uy quyền hành "ma cũ"; bây giờ nhớ đến nó tao vẫn thương.

    Để tao thử điểm danh những thằng khóa mày cùng về Liên Phi Đoàn Vận Tải một lượt với tao xem có sót ai không nhé: Phạm Bích, Phạm văn Cần, Từ Bộ Châu, Đặng Ngọc Hiển, Phạm văn Hiệp, Nguyễn văn Kiểm (Mập hoặc Heo), Phan văn Lộc (Thận), Nguyễn Tấn Minh (Móm), Nguyễn văn Nhân, Hoàng Nuôi, Nguyễn văn Tổng... và mày. Tao còn nhớ những nhân vật trong khóa mày nhưng khác ngành như Cao Minh Châu, Hồng văn Tý, Lê Trai (Đá Khéo), Phan Trừng, Phạm Vũ Thành, Đỗ văn Hiếu, Đặng Kim Quy (người cùng quê xứ Nghệ với tao)... Hoàng Nuôi là người hào sảng, ủng hộ công việc tao làm từ nhiều năm qua. Hôm mồng 8 tháng 7 ở nhà Luyện Cầy, hắn đã rút ra năm tờ trăm giúp Ban Tổ Chức Đêm Không Gian "Còn Chút Gì Để Nhớ". Tao đã mang số tiền ấy về nộp cho cô thủ quỹ.

    Như trên đã nói, tao không mấy "mặn" khi dấn thân vào đời quân ngũ chỉ vì định kiến. Hai chữ "ở lính" khiến tao có cảm tưởng như đi... "ở đợ". Lâu dần, tự nhiên lòng yêu quê hương, yêu đồng bào tiệm tiến phát triển. Phải chăng tình yêu ấy nẩy nở là do những đêm bay túc trực trên bầu trời Vùng III và Vùng IV, tao thấy những đốm lửa cháy lập lòe của đạn đạo pháo binh; những khi bay chở thương binh hoặc quan tài, tao bỗng nghe lòng chùng xuống vì quê hương rách nát? Tao nhìn những vành khăn tang trên đầu thiếu phụ trẻ, con thơ hoặc nghe tiếng nấc của người cha già, mẹ yếu bỗng nhiên tao xót xa cho thân phận mình. Giả như người đang nằm xuống đó là mình thì mẹ tao chắc sẽ chết ngất theo?

    Cùi ơi! Tao xin bắt chước lời De Amicis trong Le Grand Coeur để nói rằng "Lúc trước Mẹ ta còn, nay Người đã khuất núi, chỉ còn lại một mình ta. Bây giờ các Ngươi là gia đình của ta, nên ta ví các Ngươi như anh em ta...". Dù từ ngày cất bước lưu vong, tao chưa hề gặp lại mày; nhưng tao biết ở một phương trời nào đó đã có lúc mày châm điếu thuốc rít một hơi dài và chợt nhớ tới anh em. Qua màn khói thuốc, tao còn đoán biết mày đã nghĩ gì. Vì mày là thằng Không Quân chính hiệu, nên mày cũng không thể thoát mối hệ lụy... nòi tình. Tao dám quả quyết như vậy là vì hôm Thứ Bảy vừa rồi, nói chuyện với mày qua đường dây điện thoại viễn liên, nghe tiếng cười sảng khoái của mày làm cho tao có cảm tưởng đấy là tiếng cười của Kiều Phong cất lên khi nâng chén rượu uống với quần hào trước khi bước qua Nhạn Môn Quan để trở về Khiết Đan. Tiếng cười của mày là tiếng cười sửa soạn trở về sum họp với anh em. Mày nói mày sẽ về với anh em nếu mày thu xếp được công việc của hãng. Tao thì tin mày sẽ làm được cuộc hành trình nếu mày hạ quyết tâm. Cái quyết tâm của mày có khả năng vá biển lấp trời.

    Thằng Già, thằng Xoăn thách đố tao rằng nếu tao "vực" mày về Houston kỳ này được thì chúng nó sẽ nghiêng mình bái phục. Còn vợ tao giục dã tao mời mày về để mày hát cho bà nghe lại bài La Feuille Morte, Autumn Leaves mà ngày xưa mày hay ngân nga tại Mây Bốn Phương. Tao không chờ đợi sự nghiêng mình bái phục của bọn thằng Già, thằng Xoăn; tao chỉ mong sao vợ tao được nghe tiếng hát ngày xưa của mày thì bà ta sẽ hết phàn nàn, kêu ca, than thở vì có anh chồng ưa làm chuyện trời ơi đất hỡi.

    Sau khi nói chuyện trên điện thoại với mày xong, tao gọi Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Tần, cựu Tư Lệnh Sư Đoàn IV Không Quân. Tao gọi để vấn an, vì mới nghe tin ông mổ tim làm "by-pass", mà bị nước tràn vào phổi. Bấy lâu nay ông hành Thiền để tự chữa bệnh. Nghe tao gọi, ông bắt chước giọng Nam bông đùa: "Chào nhà dăng! Lúc này nhà dăng diếc tới quá hả?". Nói giỡn xong rồi ông cười một cách thống khoái, hồn nhiên. Đó là bản chất đích thực của người KQ dù đang đứng bên bờ tử sinh. Thấy ông vui, tao liền ngỏ ý mời ông về tham dự Đêm Không Gian. Ông hứa hẹn sẽ về với anh em, nếu từ giờ đến ngày đó sức khỏe của ông tiến triển.

    Chuẩn Tướng Tần sống ẩn dật từ ngày di tản tị nạn. Nay nếu tao mời được cả Tướng Tần, Tướng Lượng về tham dự Đêm Không Gian thì rõ ràng cái chủ đề "CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ..." đã hấp dẫn được anh em Không Quân bốn phương.
    Thư này tao viết cho mày, nhưng sẽ đăng trên đặc san LỐI MỘNG, kỷ vật của khóa 61 nhằm đánh dấu đoạn đường đời của 40 năm qua. Mày hãy về đây mà nhận lãnh kỹ vật với anh em.

    Thân ái chào mày.
    QUAN NGỰ SỬ ÁO LIỀN QUẦN

  • #2
    Không Quân Ngoại Truyện
    BÀ TƯỜNG MỰC

    MỖI NĂM NHÂN DỊP HÈ, các Hội AHKQ khắp nơi trên nước Mỹ thường tổ chức picnic cho hội viên, gia đình & thân hữu cùng gặp gỡ vui chơi với nhau trên bải cỏ xanh tươi trong không khí trong lành dưới bóng cây râm mát tại một công viên nào đó trong thành phố.

    Theo năm tháng chất chồng, hỏi ai không được Ông Lão Thời Gian ưu ái biếu không mấy thứ quờ quạng và lãng đãng chứ? Phương chi, chúng tôi lại ở cách xa Quận Cam cả tiếng lái xe, nên thật tình mà nói, không mấy để ý đến các dịp hội hè do Hội AHKQ Trung Cali tổ chức, nếu như không có người mời gọi thúc giục. Người bỏ công làm cái việc bao đồng nầy (mời gọi khuyến khích chúng tôi và những bạn bè thân quen khác) không ai khác hơn là bà...Tường Mực.

    Vâng, cũng nhờ bà mời gọi thúc giục nên chúng tôi mới có dịp tham dự picnic hè 2011 do Hội AHKQ tổ chức hôm hạ tuần tháng 9 vừa qua tại công viên Westminster miền Trung Cali, qua đó chúng tôi được gặp lại nhiều đồng đội thân quen mà đã lâu không có dịp gặp gỡ.

    Trải qua bao thu quạnh quẽ mà cánh không quân vẫn yêu thương gọi bà là “bà Tường mực” dù bà vẫn trắng trẻo xinh tươi, là tại làm sao? Hỏi ra mới biết, vào chuyện ngày xưa, lúc cô nữ sinh Gia Long Anh Nguyễn mới 15 xuân xanh, đã bị hớp hồn bởi một hiệp sĩ...trong chuyến theo Mẹ từ Sàigon ra Nha Trang nghỉ mát, nhân thể thăm một người anh đang làm việc tại Căn Cứ Không Quân Nha Trang.

    Đến ngày hẹn, những bạn bè của ông anh rủ nhau ra sân ga đón mẹ và em gái của bạn, trong số các ông không quân trẻ trung khỏe mạnh và vui nhộn đó có một anh chàng sao mà kỳ quá, cứ nhìn cô bé Anh như...thôi miên!

    Bà Cụ dự trù nghỉ ngơi hai tuần để thưởng thức biển đượm nắng hồng và các món đặc sản của Nha Thành, nhưng chỉ sau một tuần nhộn nhịp đông vui, bà Cụ phải lo thu xếp về Sài gòn ngoài dự trù, vì đã hết ...tiền xài!

    Năm năm sau, năm 1960, chàng hiệp sĩ không gian kỳ cục khi xưa đã trang trọng rước cô bé Anh lên xe hoa về dinh của chàng và đổi tên thành bà Nguyễn Văn Tường từ dạo đó. Sau hơn 10 năm xông pha khắp các vùng trời lửa đạn, kinh qua các chức vụ Phi Đoàn trưởng, Không Đoàn Trưởng, đến năm 1972, Đại tá Tường Mực là Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 3 Không Quân. Có thể vì nước da của ông ngăm đen nên được đồng đội gọi thêm tiếng Mực cho dễ nhận diện chăng? Hầu hết các nhân vật đặc biệt trong không quân đều được đồng đội đặt cho một tên gọi thích hợp. Có thể nói nick name như là cái gương soi bóng dáng con người mà đồng đội yêu thương đặt cho.

    Quả thật, sự yêu thương đã thể hiện trong những lúc Căn Cứ KQ Biên Hòa có lệnh cấm trại, và KQ Nguyễn Văn Tường đã hành sử như một đàn anh, rất thông cảm với các đồng đội đã liều mạng xuất trại dông về Sàigon, để sáng hôm sau bị chận ngay cổng vào Căn Cứ. “... Lúc đó “Cổng số 2” (Dốc Sỏi) đã đóng mà quân cảnh thì gác chặt chẽ! Thế là cả lũ chúng tôi đậu xe dài dài bên lề đường, cách cổng Căn Cứ khoảng 50 thước, tập trung ở đó chờ “Vị Cứu Tinh” của chúng tôi: Trung úy Nguyễn Văn Tường, tức “Tường Mực”. Ông chạy một xe Lambretta cũ, phành phạch đến cổng – chúng tôi cũng nổ máy phóng xe theo - và lẽ tất nhiên quân cảnh chận tất cả lại, hỏi (giấy) phép hay Sự vụ lệnh. Lần nào cũng vậy, Trung úy Tường lại kể cho anh em quân cảnh nghe rằng ngân quỹ của gia đình quân nhân rất eo hẹp, phải về nhà ăn cơm tối, nhưng gia đình thì ở xa (mãi Sàigon đặng!) nên trở lên không kịp, chờ sáng đi cho an toàn. Và lần nào thanh ngang tại cổng vào cũng được kéo lên, Trung úy Tường từ từ chạy xe vào , như cố tình để chúng tôi đủ thì giớ chạy ùa theo sau...” (Đặc San KQ Bắc Cali, June 2011. Không Quân Và Tôi. Nguyễn Quí Chấn, trang 112).

    Cái đức độ nầy của cố Niên trưởng KQ Nguyễn Văn Tường còn được thể hiện qua nghệ thuật Lãnh đạo Chỉ huy khi ông là Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 3 KQ. Trung úy Lương Đức Thành, phi công gunship và là test pilot của Phi Đoàn 245, hiện ở Vannuys, CA, cho biết như sau: Vào khoảng năm 71-72, anh có dịp bay chung với Đ/T Tường trên trực thăng của PD 245, và ghi nhận 3 điều về vị Niên trưởng khả kinh. Một là, ông là một hoa tiêu giỏi (chỉ số chính của ông là Khu Trục), hai là, ông rất tự tin và bình tĩnh trong mọi tình huống, và ba là, ông rất yêu thương đồng đội.

    Ông bà ta có câu Nồi Nào Vung Đó. Cả vung cả nồi đều chung một tấm lòng với đồng đội anh em. Và cái tên thân thương Tường Mực còn dính với bà Tường đến ngày nay là vì thế!.
    Sau tháng 4/1975, ông bà và 4 người con vượt thoát khỏi chế độ cộng sản và định cư tại Cali. Hai năm sau, năm 1977, ông Tường bay vút vào cõi hư vô, bỏ vợ con ở lại trần gian. Bà Tường một tay vừa chống vừa chèo để nuôi dạy các con thành nhân nơi đất khách quê người.

    Bà nghỉ hưu năm 2002. và thật là hên, vào năm đó, bà phát hiện mình bị binh: hai dây thần kinh sau cổ bị nghẽn, máu không lên tới đầu, làm bà thấy khó thở, thường hay bị chóng mặt, hoa mắt. Đã có lần cùng đi shopping với người con dâu, bà bị ngã té mà con dâu không hay biết. Cũng may nhờ mấy bà Mỹ tốt bụng dừng lại hỏi han chăm sóc một đổi lâu bà mới tỉnh lại. Ngày nay, chứng nghẽn động mạch coi như không còn, nhưng không phải là không có “căn bệnh ngặt nghèo khác” đang rình rập đe dọa bà. Nhưng niềm lạc quan yêu đời là thang thuốc thần giúp bà sống khỏe dù bà đã vượt qua giới hạn thất thập cổ lai hy. “Đó là “une veuve joyeuse”, một quả phụ mang trong lòng nhiều tâm sự buồn nhưng vẫn giữ nét vui tươi, yêu đời bên ngoài để đem lại nguồn vui cho bạn bè”...(KQ Nguyễn Cầu, Thư Riêng, Oct, 02/2011).

    Được hỏi về những năm tháng “đi cày” tại các hãng xưởng ở xứ tạm dung, bà kể lại với một tâm trạng thật hưng phấn. Lòng tôi cũng rộn lên niềm hãnh diện khi biết bà là người Việt Nam duy nhất giữ trọng trách “kiểm phẩm” trong Quality Assurance Department của một hãng xưởng ở Quận Cam miền Trung Cali. Mỗi khi có phái đoàn đến hãng để audit sản phẩm, bà Tường được chỉ định đại diện hãng để làm việc với phái đoàn. Được sư tin cậy như thế, rõ ràng uy tín và khả năng chuyên môn của bà là thượng thừa!

    Bà Tường còn là một huấn luyện viên dạy lái xe được học viên tin cậy. Tôi cũng quen thân vài đồng đội làm job nầy từ ngày qua Mỹ, nhưng khi biết một phu nhân chỉ biết lái phi công ngày xưa mà nay lại dám làm nghề dạy lái xe ở Mỹ, thì thật là quá...liều mang! Ái ngại trước những ràng buộc về luật lệ, về trách nhiệm nếu có bề gì xảy ra và những lề thói hay thưa gởi của người bản xứ, tôi e dè hỏi “thế madame hành nghề có ba tăng không” thì câu trả lời đã làm tôi thở phào nhẹ nhỏm: “Phải có license chứ anh, ở Mỹ chứ đâu phải ở Việt Nam mà “làm chui” được?”

    Số là, bà làm công cho một Trường Dạy Lái Xe Dan's Driving School ở địa phương. Học viên của bà đa phần là các em học sinh Trung học. Kể từ khi có chương trình HO, nhiều đồng hương đến tị nạn ở Cali, muốn lấy driver license, do trở ngại về ngôn ngữ ban đầu nên thường yêu cầu được học lái xe với “bà thầy” Tường Mực! Bà cho biết job dạy lái xe từng mang lại cho bà hạnh phúc diệu vợi cũng như niềm hãnh diện dạt dào.

    Bà hãnh diện khi một em học viên pass dễ dàng kỳ khảo hạch lấy bằng lái và phụ huynh của các em lại yêu cầu bà dạy các đứa con khác hoặc những người quen thân của họ.

    Còn bà cảm thấy hạnh phúc dạt dào vì bà đã có dịp giúp đở trong khả năng của mình, những đồng hương mới chân ướt chân ráo đặt chân đến Mỹ. Bằng cử chỉ ân cần và lời nói dịu dàng khích lệ, các học viên dù lớn tuổi hoặc hoặc phản ứng chậm chạp, trước sau gì cũng lấy được bằng lái qua sự hướng dẫn tận tụy của bà thầy Tường Mực!

    DÙ LÀ VỢ KQ, nhưng từ khi chồng mất, bà Tường ôm nỗi buồn một mình và lo làm ăn nuôi con chứ không để ý gì đến các sinh hoạt của các Hội đoàn. Hơn chục năm sau, bà mới có dịp gặp gỡ bạn bè trong gia đình KQ ngày xưa. Bà là hội viên từ thập niên 90 trong nhiệm kỳ của Hội trưởng KQ Phạm Đình Khuông. Bà chánh thức đảm nhận trách nhiệm Ban Xã Hội của Hội AHKQ trong các nhiệm kỳ Hội trưởng của các KQ Trần Việt Hưng, Ngô Giáp và Bùi Trí Dũng (1998-2010).

    Bà đã nhập vai và thể hiện xuất sắc vai trò một ủy viên xã hội, là cảm thông thực sự và chia xẻ thực sự những mãnh đời kém may mắn trong Quân chủng tại Mỹ cũng như tại quê nhà. Khi biết một KQ hoặc gia đình KQ nào đó ở quê nhà đang trong cơn ngặt nghèo thì với tư cách Trưởng Ban Xã hội, bà xin Hội trích Quỹ Lá Lành Đùm Lá Rách (1) để gởi ngay cho họ, gọi là chút tình KQ không bỏ anh em không bỏ bạn bè. Còn những KQ già yếu bệnh hoạn tại quận Cam, thì bà tìm cách đến thăm viếng ủy lạo và giúp đở họ tùy hoàn cảnh.

    “Thăm hỏi, an ủi, giúp nâng cao tinh thần các Niên Trưởng KQ đang bệnh hoạn, chị Tường một mình lái xe 2, 3 tiếng đồng hồ đến thăm các Lão Ông hay Lão Bà (2) Chị thường rủ chúng tôi cùng đi, như đi thăm NT KQ Phùng Văn Chiêu tại El Monte, các NT KQ Võ Dinh, Lê Trung Trực*...Chị rất thân thiết tới mức độ, có chuyện gì ai cũng gọi tới chị Tường Mực, điển hình nhất là chị đã trợ giúp cho NTKQ Hoàng Ngọc Bào (NHB, 84 tuổi) và NT KQ Nguyễn Văn Tích (hơn 90 tuổi *). Tôi biết rõ trường hợp Cụ NHB, tứ cố vô thân, không con cái thân thích, trước kia ở trên Los Angeles, sau khi về hưu, thường ốm đau và trí nhớ không còn minh mẫn. Lúc đó không biết lý do gì mà bệnh viện đã đưa Cụ vào một nơi như là “nhà thương điên”. Sau khám nghiệm, được xuất viện và về trú ngụ tại Little Saigon. Chúng tôi và chị Tường phải đi kiếm phòng thuê cho Cụ. Nhưng vì tình trạng tâm thần của Cụ không bình thường nên không ở đâu lâu được. Sau cùng, chị Tường đã dìu Cụ lên tận Sở Xã Hội để xin và được chấp thuận hưởng Quy chế Nursing Home, cuộc sống của Cụ được bảo đảm và an toàn hơn. Có lần Cụ đi lang thang khỏi Nursing Home và không biết lối về, chị Tường phải nhờ Police cùng đi kiếm và đã thấy Cụ đang đứng cười bên vỉa hè, ngơ ngẩn không biết đang ở đâu!!!” (KQ Nguyễn Cầu, Thư Riêng, 10/02/2011).

    Vào năm 2003, chúng tôi ở tận thành phố Saint Louis miền Trung Tây hẻo lánh, chưa từng quen biết chị Tường Mực. Vậy mà khi chúng tôi có ý nhờ Hội AHKQ miền Trung Cali bảo trợ cho buổi ra mắt (RMS) tác phẩm đầu tay, chị Tường đã vận động Ban Chấp Hành vote OK và buổi ra mắt tập truyện Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo tại Santa Ana đã thành tựu viên mãn. Rất đông các chiến hữu không quân đã đến ủng hộ. Riêng chị Tường đón nhận cả chục thùng sách do xe đò Hoàng từ San Jose chở về và lưu giữ trong nhà và chị lại chở ra Hội Trường trong ngày RMS. Chúng tôi nhắc lại sự việc nầy như một lời cám ơn “Tấm lòng vì KQ” của chị đối với bất cứ một KQ nào, chứ không riêng gì các hội viên của Hội AHKQ miền Trung Cali.

    Nhắc lại “Tấm lòng vì KQ” không phải là lời nịnh đầm, lời tăng bốc, cái kiểu “mặc áo thụng vái nhau”, mà là một sự kiện, một điều có thật: (…) “Ở đâu có chị Tường, ở đó có tiếng cười nổ ran. Chị thích nói chuyện “tếu” thoạt nghe như “tếu tục”, nhưng suy nghĩ kỹ ra thì đó lại là “tếu thanh”. Có lần anh em đã gọi Chị là Hồ Xuân Hương của Không Quân. (…) Môt đức tính tốt của Chị là “đam mê trong công việc”, khi Chị đã nhận lời hứa với ai để thực hiện một việc gì, Chị làm hết mình đôi khi quá cả tầm tay của Chị nhưng chị vẫn làm. Ở điểm nầy, đôi khi Chị bị thiên hạ hiểu lầm” (…) (KQ Nguyễn Cầu, Thư Riêng, 10/02/2011).

    TÔI LIÊN LẠC KQ Trần Việt Hưng cốt để hỏi tại sao trong nhiệm kỳ Hội Trưởng, anh lại mời chị Tường tham gia vào Ban Xã Hội, thì được trả lời: “Chị Tường là người có lòng, cởi mở, hay nghĩ đến người khác. Vai trò xã hội rất thích hợp với Chị, nhất là những lúc Hội đi thăm viếng ủy lạo các KQ đau yếu bịnh hoạn hoặc từ Việt Nam mới qua, rất cần một nàng Tiên có tấm lòng từ ái như Chị Tường để mang lại an ủi tươi vui cho cuộc đời...”

    Quả vậy, chị Tường là nàng dâu rất nặng tình với KQ nên bất cứ khi nào bên chồng có lễ lạc hội hè đều có chị phụ giúp một tay đắc lực, nhất là trong các dịp Không Gian Hội Ngô, Tất Niên, Tân Niên, Tiệc Gây Quỹ, Picnic, Count Down, hoặc Họp Mặt Bô Lão..., chị luôn đảm nhận công tác mời gọi, bán vé và tiếp tân. Nhờ lịch duyệt khéo léo và thân tình nên dịp nào, chị Tường vẫn là người dẫn đầu về số vé tiêu thụ.

    Chị Tường cũng là thành viên của Ban Tổ Chức Họp Mặt Bô Lão KQ hằng năm. “Chị đã đóng góp nhiều ý kiến hay cũng như tích cực “dồn bàn” trong tiệc họp mặt. Thoạt nghe công tác “dồn bàn” có vẻ đơn giản và dễ dàng, nhưng trái lại là một công tác đòi hỏi sự khéo léo trong lời ăn tiếng nói làm sao cho các Cụ đừng phật ý và vui vẻ nghe theo sự hướng dẫn của Chị. Nếu không dồn bàn, BTC sẽ lỗ vốn vì phải chi trả nhà hàng một số bàn cao hơn nhu cầu” (…) (KQ Nguyễn Cầu. Thư Riêng, 10/02/2011)

    Một cô dâu khác, cô Tâm, nội tướng của KQ Lương Đức Thành, coi như là một trong những người thân cận nhất của chị Tường, ghi nhận như sau: “Chị Tường là một người tư cách, bên ngoài thì Chị rất dịu dàng, nhưng khi làm việc thì Chị là người rất nguyên tắc. Về tiền bạc thì Chị rất đàng hoàng”.

    Nói gì thì nói, chị Tường Mực là một nàng dâu rất nặng tình với Không Quân. Mấy chục năm qua, kề từ ngày anh ấy mất, chị vẫn sống như thể ảnh vẫn còn quanh quẩn đâu đây, nên cái tên bà Tường (hoặc chị Tường) mà huynh đệ vẫn gọi Chị, đã nói lên lòng thủy chung quý hiếm của Chị trong thời lưu lạc.

    Một quả phụ cả một đời gắn bó với KQ, cả một đời cống hiến tâm huyết của mình cho KQ như Bà Tường Mực, là một điều đáng được trân trọng. Chúng tôi được biết, Hội AHKQ, trong nhiệm kỳ KQ Hội Trưởng Phạm Đình Khuông, 1994-1998, đã tặng Bà Nguyễn Văn Tường một tấm plaque khắc bằng tiếng Anh, để “in appriciation your suport”, vì lúc đó chị Tường là Hội viên chứ chưa là thành viên trong Ban Chấp Hành.
    Còn một KQ bình thường như tôi khi biết được tâm huyết của một nàng dâu sống chết vì KQ như Chị Tường , tôi xin bày tỏ chút lòng ngưỡng mộ qua bài viết Không Quân Ngoại Truyện thô thiển nầy.


    Bắc Đẩu võ ý
    Corona, CA, Thu 2011

    Chú Thích
    (1) Quỹ “Lá Lành Đùm Lá Rách” được hình thành dưới thời KQ Hội trưởng Trần Việt Hưng.
    (*) Đã quy tiên.
    (2) Theo KQ Nguyễn Cầu, thì Quý Bô Lão KQ đề nghị cách xưng hô như sau:
    Lão Nhi: từ 65-69 tuổi.
    Lão Trượng: từ 70-74 tuổi
    Đại Lão Trượng: từ 75-79 tuổi
    Đại Đại Lão Trượng: từ 79-84 tuổi
    Tam Đại Lão Trượng: từ 85-89 tuổi
    Tứ Đại Lão Trượng: từ 90-94 tuổi
    v.v...

    Comment


    • #3
      KHÔNG QUÂN NGOẠI TRUYỆN
      Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn


      I Đừng Đợi Ngày Mai...

      RẤT NHIỀU NGƯỜI có thể không biết nhạc sĩ Trần Duy Đức là một quân nhân từng phục vụ tại Sư Đoàn 6 Không Quân Pleiku trước 1975. Nhưng ngày nay, tại hải ngoại cũng như quốc nội, hầu như ai cũng biết lời ca “Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ, đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời”(1), mà tác giả là nhạc sĩ Trần Duy Đức phổ thơ Ngô Tịnh Yên

      Câu hát như một lời kinh, ai nghe cũng đồng tình. Mà đúng vậy, không lẽ đợi đến ngày mai, lúc nghĩa tận, mới rủ rê thăm viếng, nói lời yêu thuơng, đặt vòng hoa phúng điếu, thậm chí còn sưu tầm tướng mạo quân vụ, làm lễ phủ cờ, gác quan tài, đọc điếu văn nữa thì ích lợi gì ? Đến lúc đó thì đã muộn màng vì “cát bụi làm sao mà biết mỉm cười?”(1), cát bụi làm sao biết nói lời tạ ơn những biểu hiện của tình cảm trân quý đó?
      Cho nên, nếu “có tốt với tôi thì tốt với tôi bây giờ”(1). “Tôi” trong lời ca là nói chung cho con người, cho dân tộc hay gia tộc, cho bằng hữu hoặc đồng bào đồng đội cùng màu cờ sắc áo...

      Trong Không Quân, có Ban Quân Sử ghi chép những sự kiện liên quan đến hoạt động của Không Quân. Đặc San Lý Tưởng, các Đặc San KQ khác và các Trang nhà KQ có mục Không Quân Ngoại Truyện (KQNT) ghi lại những nhân vật đặc biệt của Quân chủng. Những bài viết về KQNT không hẳn là dã sử nhưng những tình tiết trong câu chuyện hoàn toàn dựa trên người thật việc thật, được viết với giọng văn kể chuyện đôi khi pha một chút hóm hỉnh, như là đặc tính của KQ mà người ngoài cuộc có khi không thấm để mà...cười!.

      Trong hơn một triệu chiến sĩ phục vụ trong Quân Lực VNCH trước kia, rất ít người biết đến con số 6000 nữ quân nhân (NQN) hiện diện dưới cờ. Và trong 64 ngàn chiến hữu đệ huynh Không Quân (KQ) (2), rất ít người biết đến con số trên 300 NQN (?) phục vụ trong toàn Quân chủng mà người đứng đầu là Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn.
      Chúng tôi cũng nằm trong số “rất ít người” đó.

      Trong cuộc chiến giữ nước khốc liệt trước kia, mỗi một quân nhân đều nhận một nhiệm vụ và ngày đêm lo hoàn thành nhiệm vụ do cấp trên giao phó, không ai rãnh rổi để đi tìm hiểu hoạt động của các đơn vị bạn, nhất là đơn vị bạn lại là...Nữ Quân Nhân! (trừ trường hợp cá nhân đặc biệt!).
      Trải qua bao dâu bể, do cơ duyên, chúng tôi gom góp được ít điều chưa biết trước kia và muốn chia sẻ cùng quý vị, ngay bây giờ, vì chúng tôi e rằng nếu để đến ngày mai có khi muộn màng. Điều tôi muốn chia sẻ là, bóng dáng một Trưởng Phân Đoàn Nữ Quân Nhân Không Quân, Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn.

      II- Một Mảnh Nhung Y Điểm Má Hồng

      CHÚNG TÔI THẬT SỰ ái ngại khi muốn tiếp cận với chị. Phải bay lòng vòng thám sát mục tiêu, dọ hỏi quân bạn (các NTKQ Bồ Đại Kỳ kỹ thuật, Nguyễn Cầu radar, Nguyễn Văn Ức trực thăng, Nguyễn Quí Chấn khu truc...), cho đến khi đã nắm chắc một số dữ kiện (là chị Hạnh Nhơn thật là hiền lành chứ không chằn ăn trăn quấn đâu), chúng tôi mới quyết định gởi điện thư để xin được tiếp chuyện với chị qua điện thoại.

      Nhìn chị trên TV qua các lần Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh...thì tôi vẫn nghĩ trong đầu, cao lắm thì chị Hạnh Nhơn hơn tôi vài niên kỷ và vài năm thâm niên quân vụ là cùng, (tôi nhập ngủ 1960). Nhưng không phải thế, chị thuộc loại Đại Niên Trưởng của tôi rồi. Năm 1950, chị gia nhập Việt Binh Đoàn ở Huế thì tôi đang học tại Trường Nam Tiểu Học Đà Nẵng. Năm 1952, chị trúng tuyển ngành Nữ Phụ Tá (P.A.F. =Personnel Auxiliaire Féminin), mang cấp Chuẩn Úy và năm 1957, thăng cấp Thiếu Úy đảm nhiệm chức vụ Sĩ Quan Tiếp Liệu Quân-Y-Viện Nguyễn Tri Phương - Huế, thì tôi vẫn còn vật lộn với sách đèn dưới mái trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng!

      Ngày nay, không phải loại lão nhi như tôi mới có cái nhìn lệch lạc về dung nhan của chị Hạnh Nhơn, mà ngay cả lão trượng Vũ Văn Lộc, Đại Tá, tức nhà văn Giao Chỉ cũng mắc phải bé cái lầm một cách thật thà và dễ thuơng, như: “(…) Vâng, cả chị Hạnh Nhơn nữa, Giao Chỉ tôi lâu nay vẫn cậy mình ở tuổi cao niên nhưng bây giờ thì đã biết rằng vẫn còn thua các thuyền quyên xứ Huế về cả tuổi tác lẫn thâm niên quân vụ”. (Đặc San Cựu Nữ Quân Nhân QLVNCH, Hội Ngộ Kỳ IV, 08/2007. Niên Trưởng Hồ Thị Vẻ, Giao Chỉ, trang 9).

      Quý Bô Lão Không Quân tại miền Trung Cali thường họp mặt vào đầu tháng 7 hằng năm. Ban Tổ Chức phát quà lưu niệm cho các Bô Lão đạt đến tuổi 70 trở lên, (cứ cọng thêm 5). Buổi họp mặt năm 2007, sau khi nhận quà lưu niệm có khắc tên và số 80 niên kỷ, KQ Nguyễn Cầu trong BTC bất ngờ phỏng vấn chị Hạnh Nhơn: “Xin Lão Trượng vui lòng cho biết, bằng bí kíp nào mà ở tuổi nầy trông Lão Trượng vẫn trẻ đẹp như Lão Nhi 70 vậy?”. Dù bất ngờ, nhưng chị đã ứng khẩu: “Bí kíp là tôi trường chay, xả bỏ mọi chuyện vô ích và làm việc thiện!”

      Bi kíp mà chị công bố, mới nghe có vẻ dễ, khi nghĩ lại thì chỉ có thánh nhân mới thực hành nỗi, còn người phàm như chúng tôi thì...bù trất!
      Người xưa bảo, coi mặt mà bắt hình dong, vào thời thanh niên, chị Hạnh Nhơn chắc hẳn là một Sĩ Quan đầy ắp sáng kiến và năng lực. Từ Việt Binh Đoàn, phụ trách kiểm soát lương bổng, chuyển qua Nữ Phụ Tá, vẫn làm việc tại Sở Hành Chánh Tài Chánh, sau đó chị được bổ nhiệm về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương - Huế. Tại đây, ông Y Sĩ Trưởng Quân Y Viện thấy chị còn “sữa” quá nên chưa dám giao việc. Mãi sau khi nhận nhiệm vụ mới, Thiếu Úy Hạnh Nhơn mới chứng tỏ khả năng và óc tháo vát của mình bằng cách nổ lực chỉnh trang lại Quân Y Viện (QYV) chỉ trong vòng 3 tháng, đã đưa sinh hoạt vào nề nếp quy củ và tô điểm QYV đẹp đẽ và khang trang từ bên trong đến bộ mặt bên ngoài. “Chị xin Quân Nhu kệ, bàn, tủ, máy đánh chữ..., xin Kho Y Dược thuốc, y cụ, giường nệm, chăn gối để thay thế những vật dụng củ, và cho sơn lại 300 giường bệnh lâu ngày đã rỉ sét. Chị còn xin Phái đoàn Viện trợ Hoa Kỳ cung cấp máy X Ray và dụng cụ Nha Khoa cho QYV nữa, làm cho vị Y Sĩ Trưởng phải ngạc nhiên về tài năng của Thiếu Úy Nguyễn Thị Hạnh Nhơn!” (Thư riêng. KQ Nguyễn Phúc Tiến, 10/28/2011)

      Thời bấy giờ, KQ chưa bành trướng mà chị đã có sáng kiến đầy ắp tình đồng đội là, thực hiện một bãi đáp trực thăng trong QYV để đưa các thương binh từ mặt trận về hoặc chuyển các thương binh nặng vào Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng, “để rút ngắn sự đau đớn cho anh em nếu di chuyển bằng xe Hồng Thập Tự”.

      Chị thân hành nghiên cứu sân bay Thành Nội rồi từ đó xin Công Binh cung cấp vỉ sắt để hoàn thành một bãi đáp đủ an toàn cho trực thăng tải thuơng.
      Tôi nghe chị kể lại sự việc môt cách hào hứng bằng giọng Huế ngọt lịm mà lòng dâng trào một niềm cảm phục về sự năng nổ và tấm lòng từ ái của một bậc đàn chị đáng kính.


      Năm 1964, Trung Úy Hạnh Nhơn thuyên chuyển về Sàigon, cùng các Nữ Sĩ Quan khác, thành lập Đoàn Nữ Quân Nhân & Trung Tâm Huấn Luyện NQN vào năm 1965 với chức vụ mới là Trưởng Phòng Hành Chánh Tiếp Vận. Thú thật, nếu không đọc Đặc San Nữ Quân Nhân số 08/2007 , thì chúng tôi không hề biết rằng, Quân Đội ta còn có một Trung Tâm Huấn Luyện NQN như thế !

      Một lần nữa, cô gái đất Thần Kinh cao ráo (chị cao 1, 65m đấy!) lại có dịp thi thố tài năng và trách nhiệm của một Sĩ Quan Tham Mưu bằng cách ngày đêm theo dõi việc xây cất phòng ốc, các phòng học, kho quân trang, nhà ăn, nhà bếp...cho một Trung Tâm Huấn Luyện. Song song với việc xây dựng cơ sở, Trung Úy Hạnh Nhơn còn nghiên cứu soạn thảo các Chương Trình Huấn Luyện, thiết lập các Phiếu Huấn Luyện Sĩ Quan và Hạ Sĩ Quan NQN sao cho kịp thời gian khai giảng. Chị liên lạc Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để xin tài liệu căn bản, bỏ đi những phần thuôc về nam quân nhân, thêm phần hướng dẫn tư cách cho Sĩ Quan và Hạ Sĩ Quan NQN. Với bao bề bộn như vậy, mà công trình cũng hoàn tất sau một tháng quyết tâm!

      Sáng kiến tháo vát và sức làm việc bền bỉ của chị đã gây thán phục và ngạc nhiên cho các nữ Cố vấn Mỹ bấy giờ. Họ thán phục là phải, vì từ nước lã chị (và các vị Nữ Sĩ Quan khác) đã khuấy nên hồ. Từ một bãi đất trũng nước với nhiều cây cỏ rác rưới mà Trung Úy Hạnh Nhơn, qua giao tế đã làm chạnh lòng các đơn vị Công Binh bạn nên họ hăng hái đến giúp đở san bằng mặt nền cũng như cung cấp các vật dụng xây dựng khác để hình thành một Trung Tâm Huấn Luyện đẹp đẻ khang trang.

      Công trình quy mô như rứa mà không thán phục sao được, có vậy thi nhân mới xưng tụng là...một mảnh nhung y điểm má hồng (3) chứ?!

      Năm 1967, Đại Úy Hạnh Nhơn thuyên chuyển về Bộ Tổng Tham Mưu, Văn phòng Đoàn Nữ Quân Nhân, chức vụ Trưởng Phòng Nghiên Cứu. Ở đây, chị hoàn tất một Bản Quy Chế của Nữ Quân Nhân QLVNCH.
      Năm 1969, Thiếu Tá Hạnh Nhơn thuyên chuyển qua Bộ Tư Lệnh Không Quân, chức vụ Phân Đoàn Trưởng NQN, phụ trách tuyển mộ, lưu trữ hồ sơ, giám sát NQN thuộc Bộ Tư Lệnh KQ và các Sư Đoàn trực thuộc. Lúc bấy giờ các NQN rất cần nơi ăn chốn ở. Chị Hạnh Nhơn xin thượng cấp giúp lo cư xá cho họ. Chị tranh đấu về chuyện nầy quyết liệt đến nỗi “sau buổi họp, Đại Tá Phùng Văn Chiêu, Không Đoàn Trưởng Yểm Cứ Biên Hòa (sinh năm 1928, 84 tuổi, hiện ở El Monte, Cali) phải trốn luôn trong phòng (vì ông chưa giúp được cho vụ cư xá NQN) trong khi chị vẫn đứng chờ ông ngoài cửa phòng để nhắc ông giúp đỡ”. (KQ Nguyễn Phúc Tiến. Thư Riêng, 10/28/2011).

      Nghĩ cho cùng, các NQN nào phục vụ dưới quyền Thiếu Tá Hạnh Nhơn là vô cùng...lucky !
      Năm 1972, chị thăng cấp Trung Tá cho đến tháng 4 năm 1975.

      Tính ra, Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn đã cống hiến tuổi thanh xuân và năng lực của mình trong 25 năm (1950-1975) cho Tổ Quốc và Quân Đội. Để bù lại, chị đã được tưởng thưởng nhiều huy chương cao quý trong đó có Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ Đẵng.
      -Tôi, KQ võ ý, xin được trân trọng chào kính tấm huy chương mà chị xứng đáng đón nhận!

      III- NQN & Nỗi Truân Chuyên
      SAU 30 THÁNG TƯ, như hầu hết các chiến sĩ QLVNCH, chị Hạnh Nhơn phải chịu nhiều khổ nhục trong tù ngục cộng sản cho đến năm 1979, qua các trại giam Long Giao, Quang Trung, Hóc Môn, Hàm Tân (Z30D) và Long Thành.
      Là một nữ tù, lại là một cấp chỉ huy, Trung Tá Hạnh Nhơn phải tỏ ra chịu đựng và can trường gấp bội so với nam tù nhân trước đòn lao động khổ sai và nhục mạ của cai tù, thì mới mong tồn tại.

      “Làm lụng thì vất vả mà ăn thì bo bo với muối trường kỳ nên sức khỏe ngày càng kiệt quệ. Chị em thay nhau bệnh tật triền miên...(...) Những căn bệnh của tù cải tạo đa số là:
      - “Bệnh bao tử (vì ăn những thức ăn mà chỉ bao tử của súc vật mới nghiền nát được).
      - “Bệnh tê thấp (vì phải nằm đất năm này qua năm khác).
      - “Các bệnh gan, phổi, thận (có thể đi đến lao và ung thư vì lao động quá sức).
      - “Bệnh tim và bịnh tâm thần (do quá tuyệt vong và bị mất sạch)”.(4)
      ((4) Đặc San Nữ Quân Nhân Kỳ IV-2007. Nữ Tù Nhân. Nguyên Hạnh, trang 82)

      Trại nào cũng có những trò hú tim như thỉnh thoảng vào lúc nửa đêm, khi tù nhân đang say giấc, bổng nhiều tiếng kẻng tiếng phèn la inh ỏi nổi lên, rồi vệ binh theo nữ cán bộ cai tù vào trại giam ra lệnh thức dậy, xếp hàng điểm danh, khám xét, xong lại cho về...ngủ tiếp (4). Chúng hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Trò hú tim nầy cũng là thủ phạm gây nên căn bịnh yếu tim mà cánh tù NQN thường phải lãnh đủ.
      Đã là tù nhân, ai ai cũng phải nếm mùi chuyển trại. Chuyển trại là một cực hình. Mỗi một xáo trộn đương nhiên phải kèm theo biết bao lo lắng mà nếu tinh thần sa sút thì rất dễ bị ngã quỵ.

      “(…) Tất cả ở Z30D nầy đều quá mới lạ một cách hãi hùng đối với chúng tôi. Trong trại không có nước, không có giếng, không có bể nước. Tắm giặt đều ở cái khu suối thật xa sau giờ lao động trên đường về. (…) Đặc biệt nhất với chúng tôi là phải tắm suối. (…) Lần đầu tiên chúng tôi tắm suối thật kinh hãi, không thể tưởng tượng nổi có ngày phải như thế! (…) Thẹn với cả trời đất cỏ cậy! “ (4). Câu chuyện tắm suối mới đọc qua thấy buồn cười, nhưng là cười ra nước mắt như tác giả nói. Theo chúng tôi, câu chuyện “kinh hãi” tự nó đã nói lên nhân cách, lòng tự trọng, khí tiết và giấy rách giữ lấy lề của người chiến binh miền Nam nói chung, với quý vị NQN nói riêng.

      Truyện “Nữ Tù Nhân” của tác giả Nguyên Hạnh (tức Hạnh Nhơn) đã trúng giải ba trong kỳ thi viết về “Chuyện Người Tù Cải Tạo” do Nhật Báo Viễn Đông tổ chức. Câu chuyện là một khúc phim bi hài được chiếu lại và chúng tôi như thấy rõ “một đám phụ nữ xinh đẹp trước kia được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” nay đầu bù tóc rối, áo quần rách rưới, hì hà hì hục xúc, đẩy bột than, bụi tung mù mịt, mặt người nào người nấy đen xì chỉ trừ cặp mắt và hàm răng trắng toát như những người da đen cùng khổ (4).

      Khúc phim quét qua mọi góc cạnh của cuộc sống trong ngục tù, từ sáng tinh mơ xuất trại, lao động khổ sai ở ruộng ở rừng, đến chiều tối vào “chuồng”, từ cảnh bị khám xét, lên lớp, nhục mạ đến cảnh thăm nuôi trong dòm ngó dở khóc dở cười, cảnh biệt ly do chuyển trại hoặc được thả về nhà tù lớn hơn...

      “Nơi đó là “trại cải tạo Long Thành”, mà chúng tôi lại phải tiếp tục những ngày lao khổ khốn nạn nhất với công việc chăm lo một vườn táo rộng lớn. Quanh năm suốt tháng lam lũ đi xúc phân người ở các hố lớn khiêng cáng về vườn táo để bón cây, dẩy cỏ, cấm không được mang khẩu trang vì làm như thế là “ngại khó ngại khổ”. Suốt ngày áo quần lem luốc hôi hám từ đầu đến chân, chiều mới được về tắm gội ở một bể nước lớn chung với một số nữ tù hình sự đông đảo giam riêng gần đó (…) (4)

      Có một điều kỳ diệu là, dù trải qua bao nghiệt ngã như vậy, dù chủ trương thâm hiểm là tiêu diệt lòng tự trọng của người tù qua các thủ đoạn trong đó có thủ đoạn “khẩu phần ăn”, tình đồng đội vẫn nở hoa trong tủi nhục và cay đắng. “Thời gian nầy tôi bị bệnh tê thấp nặng gần liệt cả hai chân, đi đứng rất khó khăn đau nhức, phải vịn tường lần đi từng bước, ở trong nhà, không ra lao động được nữa. Các anh từng đi ngang qua để xuống thung lũng trồng trọt, thấy tôi trong tình trạng đó, thế là hằng ngày các anh thay nhau lén ném thuốc vào cửa sổ giúp tôi chữa bệnh.” (4)
      Hoặc là “Những lần chị (Hạnh Nhơn) thăm hỏi, săn sóc tận tình đến các em nữ tù ốm đau trong trại như tình chị thuơng em ruột thịt của mình”(Đặc San NQN kỳ IV-2007. Giấc Mơ. Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy, trang 41)

      Vì ai gây dựng cho nên nỗi nầy? (Chinh Phụ Ngâm Khúc). Không phải đợi lịch sử trả lời, đợi như vậy lâu lắm. Ngày nay, người dân trong và ngoài nước đều biết là “AI” đã gây nên thảm cảnh khốc liệt nầy rồi!.

      IV- Cám Ơn Anh, Người Thương Binh...
      SAU CƠN MƯA trời lại sáng. Sau những năm tù đày, cuối cùng, gia đình Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn đã đến bến bờ Tự Do và định cư tại miền Trung Cali, Hoa Kỳ năm 1990 theo diện HO2.

      Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. (Kim Vân Kiều). Nghiệp ỡ đây là nghiệp...Nữ Quân Nhân, là hy sinh và phục vụ. Vừa đến Mỹ, chân còn chưa ráo, một năm sau, năm 1991, chị Hạnh Nhơn lăn xã vào công việc cộng đồng, vác cái ngà voi, đảm nhận chức vụ Phó Chủ Tịch Hội Tương Trợ Cựu Tù Nhân Chính Trị (TT/TNCT). Hội chủ trương chăm lo giúp đở bước đầu các anh chị em cựu tù đến Cali mà không có thân nhân bảo trợ. Chị cũng là Chủ Bút “Nguyệt San Hội Ngộ” của Hội Tương Trợ nầy.

      “Ngày Quân Lực 1992, có 7 cựu tù HO ở nam Cali có quyết định thành lập Hội HO Cứu trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ VNCH. Trong lần họp nội bộ, họ đã nghĩ đến việc mời Trung Tá Hạnh Nhơn tham gia. Nhưng bà quá bận với Hội TT/TNCT và với tờ Đặc San Hội Ngộ, nên không có mặt từ khởi thủy. Cho đến khi Hôi TT/TNCT ngưng hoạt động, và đó là cơ duyên đã đưa chị về với Hội H.O Cứu Trợ TPB & QP/VNCH” (Trích “Đôi Điều Về Cựu Nữ Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn”, Cựu Mủ Nâu Đại Úy Nguyễn Phán)
      Năm 1996, chị Hạnh Nhơn giữ chức vụ Tổng Thư Ký Hôi H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ VNCH. (TPB & QP/VNCH)
      Năm 2006, chị đảm nhận chức vụ Hội Trưởng do đa số tuyệt đối anh chị em trong Hội bầu lên từ đó cho đến nay và không biết cho đến bao giờ!

      Để có ngân khoản hoạt động cứu trợ như tên gọi, Hội tổ chức gây quỹ tại các Nhà Hàng. Số tiền kiếm được chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu ngày càng tăng, chị Hạnh Nhơn nẫy ra ý định mời MC nhạc sĩ Nam Lộc tiếp tay (5). Anh Nam Lộc vui vẻ nhận lời, dù gì anh từng có kinh nghiệm tổ chức Đại Hôi Nhạc Trẻ ngoài trời từ trước 1975. Và anh Nam Lộc mời thêm nhạc sĩ Trúc Hồ, Giám Đốc Đài Truyền hình SBTN và MC ca nhạc sĩ Việt Dzũng. Các nghệ sĩ có lòng nầy đã lôi kéo hầu hết các ca sĩ nỗi tiếng tại Hải Ngoại tham gia vào Chương Trình cứu trợ qua các Đại Nhạc Hôi Cám Ơn Anh, Người TB VNCH...

      Mới biết, đàn bà như chị Hạnh Nhơn dễ có mấy tay! Công việc cứu trợ xem ra quá đơn giản phải không thưa quý vị? Thưa, không hẳn vậy mà nhiêu khê rắc rối vô cùng. Nếu không có tấm lòng nhân ái thực sự, không trầm tĩnh, thông cảm và chịu đựng thì rất dễ...phủi tay! Tôi đã ghé nhà trước là thăm chị sau là muốn tìm hiểu qua về việc điều hành của cái “Cơ Quan Trung Ương” (6) trong việc cứu trợ TPB và QP ra sao.

      Điều tôi ngạc nhiên là cơ cấu tổ chức điều hành của Hội thật khoa học và thiết thực, phù hợp với luật pháp và nhu cầu cứu trợ. Ngoài những nhân sự và chức vụ thông thường của một Hội Đoàn, tôi thật bất ngờ và thán phục đến sự phân chia rành mạch các trách vụ để giúp việc cứu xét và gởi quà chính xác và hiệu quả. Đó là: Ủy viên Tài chánh. Thủ quỹ. Thư tín-Phân phối-Lưu trữ Hồ sơ. Phụ trách TPB Vùng 1 &2 CT. Phụ trách TPB Vùng 3 & 4 CT. Phụ trách Quả phụ. (Tài liệu do KQ Nguyễn Phúc Tiến, Data Entry của Hội cung cấp)

      Chị Nguyễn Thị Hoàng, Phụ trách TPB Vùng 1 & 2 CT có cho chúng tôi xem một hồ sơ tại Quãng Ngải không được cứu xét, lý do, môt TPB có hai tấm hình, kiểu dáng và thương tật giống hệt nhau, cùng một quê quán mà có đến hai tên, hai số quân, hai địa chỉ hoặc ngược lại, v.v...
      Do kinh nghiệm và cách làm việc chu đáo, Hội đã phát hiện ra một số hồ sơ như vậy và dĩ nhiên việc cứu trợ được xếp lại để chờ phối kiểm cho chính xác. Trước sự việc đáng tiếc, dù tôi nghĩ đến 4 chữ Từ Bi Hỉ Xã của Phật Giáo mà lòng vẫn cứ man mác buồn...

      Vào Thứ Tư mỗi tuần, các thành viên trong Hội HO tập họp tại tư gia của chị Hạnh Nhơn ở Garden Grove, CA , để giải quyết các hồ sơ liên quan và nhận hồ sơ mới đem về nhà làm việc. Công việc thật bề bộn đòi hỏi nhiều công sức và thời giờ, nhưng trách nhiệm chính vẫn đè nặng hai vai chị Hội trưởng, nên ngày đêm, chị sống vì...uy tín và công tác của Hội!

      (...) Được làm việc chung với Chị hơn mười mấy năm qua, nay tôi lại có nhận xét thêm về Chị: Chị Nguyễn Hạnh Nhơn trong thân xác người thường như chúng ta, mang một “trái tim Bồ Tát” (…) Làm việc không lương từ sáng sớm đến tận khuya (chúng tôi gọi đùa là Chị làm việc không chỉ “full time”, không chỉ làm “overtime”, mà còn làm “doubletime” quanh năm suốt tháng – với Chị, không có ngày nghỉ Chủ Nhật, không có “weekend”, không có “Holiday”, ngoài những lúc cần phải đi ra ngoài). Chị lúc nào cũng “trực ba phone” trong lúc làm việc, ngay cả khi ngủ, lúc đi vào rest room. Chị tâm sự: “để mất một cú phone, nếu họ gọi đến Hội cho tiền, mà mình không bắt phone, họ hiểu lầm, đổi ý, thì uổng quá” (Đôi Điều Về Cựu Nữ Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn. Mủ Nâu Đại Úy Nguyễn Phán).

      Từ 2006 đến nay, Hội đã tổ chức được 5 kỳ Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh với thành tựu thật đáng đồng tiền bát gạo. (Xin xem chi tiết phần chú thich 7)
      Tổng kết trong “4 Kỳ Đại Nhạc Hội, gởi được 20,000 lượt giúp.(Kỳ 5 chưa tổng kết) . Chưa kể những số tiền ân nhân đã gởi đến Hội từ năm 1993 đến nay, Hôi đã gởi được 18,500 lượt giúp. Tổng cộng từ ngày thành lập Hội đến nay: 38,500 lượt giúp” (*) (Đây là tổng kết 4 kỳ ĐNH, kỳ V chưa tổng kết*)

      (*) Theo Tâp giới thiệu “ĐNH Cám Ơn Anh Kỳ 5”, Sunday, 7 Tháng 8-2011)
      Những con số đã nói lên được một phần nào lòng biết ơn chân thành của tất cả đồng hương, quân dân cán chính hải ngoại đối với TPB và QP đã hy sinh một phần thân thể của mình để bao người được sống còn đến ngày hôm nay.

      Những con số cũng đã xoa dịu một phần nào những cơ cực, lầm than, những khổ đau tủi nhục trong uất hận, trống vắng, hiu quanh suốt 36 năm từ ngày nước mất nhà tan.

      Những con số như tiếng phi cơ quan sát bao vùng, tiếng trực thăng tải thương, tiếng vận tải thả dù...Những con số như hỏa châu soi sáng niềm tin và dường như có tiếng quân xa hối hả mở đường tiếp tế chia xẻ hiểm nguy, bên thương phế binh và quả phụ cô nhi, vẫn còn chúng tôi quan hoài...

      Trên 36 năm tan đàn xẩy nghé, tưởng mọi sự đã vùi vào quên lãng, bặt âm vô tín. Nhưng hôm nay, anh TPB húp một ngụm trà ấm lòng, trên bàn thờ di ảnh, chị quả phụ thắp sáng một nén hương tưởng niệm cho chồng, cháu cô nhi mơ màng suy nghĩ, đồng đội của bố vẫn còn thương tưởng đến bố thật sao?

      Xin hãy lắng lòng mà nghe, tiếng nghĩa tình từ cõi bất hạnh vọng về:
      “...Thưa quý vị, tôi đã nhận được $200 USD của quý vị thương gởi về giúp đở. Tôi là thương phế binh Nguyễn Văn Toàn, số quân 74/425.623 thuộc Sư Đoàn 5 BB. Ngày 22/08/1974 trong một trận đánh tại An Điền, Bến Cát, Bình Dương, tôi bị đạn xuyên qua cổ, nên bị tê liệt toàn thân, đưa về điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Biến cố 30/4 xảy ra, tôi bị đuổi khỏi Tổng y viện Cộng Hòa. Cuộc sống thật vất vả, nên khi nhận được tiền của quý vị, tôi biết ơn quý vị nhiều. (Nguyễn Văn Toàn – Ban Mê Thuột)
      *
      “...Ba con đã nhận được tiền là 100usd vào ngày 27/03/2011. Gia đình chúng con xin cám ơn các bác chú và cô có tấm lòng vàng trong Hội từ thiện đã giúp đỡ ba con trong cơn túng thiếu, ngặt nghèo. Ba con nay đã già mà nhận được tiền cứu trợ cho ba con, cũng là niềm an ủi, trong những ngày còn lại của cuộc đời bất hạnh, ba con mừng lắm vì trong cuộc đời ba con chưa từng có số tiền nhiều như vậy...” (Nguyễn Thị Lệ con của Nguyễn Văn Ngoan – Bến Tre)
      *
      “Vào ngày 06/01/2011 tôi có nhận được 50USD từ Hội Cứu Trợ TPB&QP/VNCH. Tôi rất mừng và hạnh phúc, không sao cầm được nước mắt. Vì quí Hội đã quan tâm đến các anh em tử sĩ, những TPB hy sinh vì đất nước và những quả phụ còn lại sau chiến tranh. Số tiền mà quí Hội đã gởi cho tôi, đã đủ cho tôi sinh hoạt và uống thuốc được 2 tháng so với căn bệnh cao huyết áp, tai biến mạch máu não trong 10 năm qua. Một lần nữa xin chân thành cám ơn quí Hội”. (Quả Phụ Nguyễn Thị Tuyết – Sài Gòn).

      Những thành tựu nầy, Hội HO Cứu Trợ TPB & QP/VNCH xứng đáng nhận được lòng quý trọng và tin cậy của tất cả đồng đội đồng bào ở Hải ngoại cũng như trong nước.

      Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, Địa Hạt 34, Tiểu Bang California, đã tuyển chon để vinh danh các phụ nữ mà ông quý trọng vì họ đã đóng góp công sức khả năng của mình cho cộng đồng và cho đất nước Hoa kỳ, trong số 5 phụ nữ Việt, có chị Hạnh Nhơn.
      (…) “Thật sự ra tôi muốn làm việc trong im lặng thôi, không có muốn đến những chỗ như thế này. Mình làm, mọi người vui là được rồi nhưng mà mấy anh bên Liên Hội Cựu Chiến Sĩ nói, ông Lou Correa nói với mấy anh đề nghị một phụ nữ, mấy anh thương quá, mấy anh đề nghị tôi, chứ thật sự ra đâu phải một mình tôi mà làm được. Bao nhiêu thiện nguyện viên, bao nhiêu các anh, rồi Asia, rồi SBTN, bao nhiêu người phụ với mình mới làm được, thật ra mình tới đây chỉ là đại diện thôi, chứ đâu phải cá nhân mình mà làm được. Tuy nhiên, dù sao đi nữa tôi cũng rất là vinh dự được đến đây hôm nay nhận cái phần thưởng nầy. Xin cám ơn tất cả” (Trích Viễn Đông, A9, TNS Lou Correa Vinh Danh 80 Phụ Nữ, 5 Người VN. Thanh Phong, Thứ Bảy 26 Tháng 3, 2011)

      Thưa chị Hạnh Nhơn, chúng tôi rất cảm phục và trân quý tính nhân hậu và đức khiêm cung của chị qua phát biểu nêu trên. Chúng tôi cũng học được tinh thần tập thể (team work) là working together winning together, nhưng thưa chị, tập thể nào cũng vậy, muốn winning together đều phải cần một vị lãnh đạo tài đức vẹn toàn chị ạ.

      Hội HO ngày nay không là một Đơn vị Quân Đội mà chị là Đơn Vị Trưởng. Hội cũng không là một Công Ty mà chị là Tổng Giám Đốc. Nếu là Đơn Vị Trưởng hay Tổng Giám Đốc thì...dễ thôi. Đằng nầy là một Hôi Thiện Nguyện vô vị lợi mà nếu người Hội trưởng thiếu hòa nhã nhỏ nhẹ, hăng hái kiên trì, phân minh, khiêm tốn và vị tha (8) thì Hội không dễ gì đạt những thành quả khích lệ và tồn tại đến ngày nay.
      “Có những lúc Chị đã khóc khi nhận những cú phone “đay nghiến”, “kết tội” mà không có bằng chứng từ một vài đồng hương vì cố ý hay vô tình (!). Nhưng nghĩ lại tình cảnh của các TPB về cuối đời, tưởng tượng những giọt nước mắt mừng vui trên những khuôn mặt nhăn nheo, tiều tụy của các Quả Phụ khi nhận được tiền..., chị lại hăng say cùng anh chị em thành viên của Hội, cặm cuội bên những chồng hồ sơ mỗi ngày một dày hơn...”(9). Vâng, chị Hạnh Nhơn đã thực hành đức hỉ xã của nhà Phật, và “chúng tôi rất sung sướng, hãnh diện, đã biết và làm việc chung với chị” (KQ Nguyễn Phúc Tiến. Thư riêng, 10/29/2011).

      Trong một thư riêng cho chúng tôi, có đoạn chị viết: “Anh Ý ơi, Đôi khi tôi thật tức cười cho tôi. Với cái tuổi nầy mà chưa rút chân ra được Hội HO để...dưỡng lão, vì không ai chịu thay thế, cứ bắt làm việc hoài. Vậy thì có bất công không chứ!”

      Chị Hạnh Nhơn ơi, không bất công đâu chị à, vì sinh hoạt của Hội bây giờ là không khí và là nguồn sống đó chị à, nếu thiếu chúng, e rằng chị sẽ trống vắng và...hụt hơi ngay thôi! Phương chi, “sau khi anh chị em trong Hội nói “nếu Chị thôi vai trò đó thì các anh chị em khác khó có thể có được uy tín như Chị để kiếm tiền cho các TPB/QP...”(9).

      Đúng là chị bị triệt buộc rồi chị Hạnh Nhơn à! Mà cũng có thể hiểu đó là... ý dân, mà ý dân là ý...trời phải không thưa chị?

      V- Tạm Kết, Nếu Có Yêu Tôi...
      CHÚNG TÔI THẬT SỰ vinh hạnh được chị Hạnh Nhơn cho phép viết về chị như là...Không Quân Ngoại Truyện! Chị cứ dặn tới dặn lui là không nói chi nhiều về chị mà nên tập trung nói về Hội. Dĩ nhiên là chúng tôi phải...tuân lệnh ngoài mặt mà trong lòng vẫn cứ...hay quên! Chị Hạnh Nhơn sợ thiên hạ họ cười, họ bảo “mèo khen mèo dài đuôi” Chị sợ như vậy cũng phải, nhưng nếu mèo không có đuôi, hoặc cụt đuôi thì tôi lấy cái lý do gì mà khen đuôi dài cho được chứ? Phương chi, tâm huyết của chị, khả năng của chị ngày nay không còn giới hạn trong vòng đai Bộ Tư Lệnh Không Quân nữa mà chị là của Cộng đồng và của Tập thể Quân Cán Chính VNCH từ lâu rồi.

      Chị đâu biết rằng, chính tôi mới là người đang ganh tỵ với những cống hiến cho tha nhân của chị và của các anh chị em trong Hôi vì không có cơ duyên phụ một tay cho quý Hôi. Ganh tỵ nhưng trân trọng. Vì trân trọng nên tôi nguyện phát tâm tùy hỉ những công tác từ thiện vô vị lợi của bất cứ cá nhân hay đoàn thể nào.

      Không phải chị đã biểu hiện cách sống “mình vì mọi người” qua các trách vụ mà chị đã thực hiện cho Quân Đội từ thuở gia nhập Việt Binh Đoàn, rồi Nữ Phụ Tá, Nữ Quân Nhân, trong ngục tù cho đến Hội HO ngày nay đó sao? Thôi thì, chuyện cũ bỏ qua, nhưng mới đây, khi nhận giải thưởng cuộc thi viết về Chuyện Người Tù Cải Tạo, chị Hạnh Nhơn đã phát biểu: “(...) Do đó, với phần thưởng hôm nay, tôi sẽ chia sẻ một phần vào “Quỹ Tình Thương Nữ Quân Nhân” mà chúng tôi đã lập ra mấy năm nay để Nữ Quân Nhân Hải Ngoại cùng nhau đóng góp gởi về giúp đở các chị em bất hạnh ở quê nhà” (Đặc San Cựu NQN Kỳ IV, 2007. Phát Biểu Của Tác Giả Nguyên Hạnh (Nguyễn Thị Hạnh Nhơn) trang 92).

      Chị đã gieo nhân lành, đương nhiên sẽ nhận quả ngọt. Môt trong những hạnh phúc ấm áp khác là các con cháu trong gia đình đều hổ trợ công việc “bao đồng” của chị: “Trong những lần tổ chức “ĐNH Cám Ơn Anh”, có lẽ gia đình chị là một gia đình duy nhất mà người Mẹ là trưởng ban tổ chức, lo đôn đáo từ việc lớn đến việc nhỏ, ngày như đêm ròng rã mấy tháng trước cho ngày ĐNH, mà vào ngày ĐNH, tất cả các con cháu hơn một tá, đều phải mua vé để vào làm việc thiện nguyện”. (KQ Nguyễn Phúc Tiến. Thư Riêng, 10/29/2011).

      Các cháu mua vé không những để làm việc từ thiện mà còn là dịp để các cháu cảm nhận niềm hãnh diện và tự hào về người Mẹ người Bà tuyệt vời của các cháu. Chắc chắn ở tận cõi vĩnh hằng, phu quân của chị, anh Lý Nhựt Hướng, một Trưởng Hướng Đạo Việt Nam, cũng mỉm cười mãn nguyện vì họ đã tiếp nối bước đi của anh. Được biết, trước lúc lâm chung (2002) anh đã căn dặn thân bằng quyến thuộc, “thay vì mua vòng hoa, gởi tiền phúng điếu, thì nên dùng số tiền đó để cứu giúp cho Thương Phế Binh và các trẻ mồ côi ở quê nhà. Ước mơ của anh đã được người thân thực hiện trọn vẹn”. (KQ Phạm Đình Khuông, Thư riêng, 10/21/2011 Bản Tin Hội HO Cứu Trợ TPB/QP. Một Bông Hồng Cho Người Nằm Xuống, Nguyễn Phán)

      Xin nhắn các bạn trẻ thế hệ nối tiếp, nếu tình cờ đọc bài Không Quân Ngoại Truyện nầy, mong các bạn sẽ tự hỏi lòng mình, là tại sao các bạn và bà con thân thuộc của mình lại có mặt ở Mỹ, để rồi các bạn thử suy nghĩ là có nên góp môt bàn tay cho Việt Nam ngẩng mặt với đời, góp một nhịp tim cho quê hương và đồng bào của của mình thoát cảnh đọa đày? Thực tiễn hơn, nếu các bạn muốn tìm cho mình môt cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc thì cũng đơn giản thôi, đó là ta sống cho ta ta sống cả cho đời, cho đồng bào đồng đội bất hạnh của mình, như thế hệ chúng tôi đã từng, cách riêng qua bài viết. Thế hệ chúng tôi sắp tàn, chúng tôi kỳ vọng ở thế hệ các bạn đó.

      Có bao giờ các bạn dám mơ ước sẽ là những Cánh Chim Tự Do của Việt Nam ngày mai không? Sao lại không được nhỉ?

      Thưa chị Hạnh Nhơn,
      Tôi rất tâm đắc với lời ca trong bài hát Nếu Có Yêu Tôi của nhạc sĩ Trần Duy Đức, cho nên tôi rất mong khi có dịp thì chị thử lắng lòng mà nghe khúc ca ngọt ngào như ca dao, thanh thoát như lời kinh và cần thiết như nước và không khí nầy.
      Rât tiếc tôi không biết ca, nhưng không sao, tôi biết nói. Và lời tôi nói, sẽ là,

      -Thưa chị Hạnh Nhơn, tôi thật sự quý mến chị qua nhân cách, tinh thần phục vụ và tính nhân bản thủy chung của một quân nhân QLVNCH. Tôi hãnh diện là đồng đội của chị, cùng chung vối chị một bầu trời, một màu cờ trước kia và một ước vọng về một Việt Nam Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền hiện nay.

      Chị là bậc đàn chị khả kính của tôi đó chị Hạnh Nhơn à.
      Thân kính chúc chị sức khỏe thật an khang, Phúc như biển Thái Bình, Thọ như ông Bành Tổ, nghe chị!

      Kính thư,
      Bắc Đẩu võ ý
      Corona, CA. Thu 2011



      Chú thích
      (1) Nếu Có Yêu Tôi, nhạc Trần Duy Đức & thơ Ngô Tinh Yên
      (2) Chữ của nhà văn Trần Văn Minh, cố Trung Tướng Tư Lệnh Không Quân.
      (3) Thơ của Đinh Hùng
      (4) Đặc San Nữ Quân Nhân Kỳ IV-2007. Nữ Tù Nhân. Tác giả Nguyên Hạnh (Hạnh Nhơn, trang 82. Bài viết được trúng Giải Ba trong cuộc thi viết về Chuyện Người Tù Cải Tao do Nhật Báo Viễn Đông chủ trương. Chị Hạnh Nhơn đã chia một phần giải thưởng cho Quỹ Tương Trợ của Hội Nữ Quân Nhân VNCH
      (5) Tiết lộ của KQ Phạm Đình Khuông. Thư riêng, October, 21, 2011.
      (6) Tiếng của các Hội Tương Trợ khác tại Hải ngoại cũng như của các TPB & QP tại quê nhà gán cho Hội HO Cứu Trợ TPB/QP/VNCH, trong khi đó, Hội do chị Hạnh Nhơn điều hành trên pháp lý là một Hội vô vị lợi và bình đẳng với các Hội cùng chủ trương. Hội được cho là Trung Ương có lẽ Hội được đồng hương và đồng đội tin cậy nên ủng hộ dồi dào qua các kỳ Đại Nhạc Hôi...
      (7) *Tập Quảng Cáo “DNH- Cam On Anh Ky V”, Nam Cali, 2011, có ghi:
      - Kỳ 1, Ngày 25-06-2006 tại Nam Cali (*)
      Thu được $426,000.00. Chi $47,391.00. Còn lại $379,085.00.
      Giúp được 3,000 gia đình TPB &QP (tính tròn)
      - Kỳ 2, Ngày 03-08-2008 tại Nam Cali (*)
      Thu được $1,013.000.00. Chi $55,534.00. Còn lại $958,308.00
      Giúp được 7000 gia đình TPB & QP (tính tròn)
      - Kỳ 3, Ngày 17-05-2009 (Cùng với San Jose, Bắc Cali)(*)
      Thu được $688,619.00. Chi $82,679.00. Còn lại $599,938.00
      Nam Cali nhận: $378,812.00. giúp được 2383 gia đình.
      Bắc Cali nhận: $208,700.00. giúp được 1568 gia đình.
      Cộng 4000 gia đình (tính tròn)
      - Kỳ 4, ngày 01-08-2010 tại Nam Cali (*).
      Thu được $828,040.00. Chi $55,000.00. Còn lại $773,040.00
      Giúp được 6000 gia đình TPB & QP.
      - Kỳ 5, Ngày 01-08-2011 tại Nam Cali
      Thu được $830,000.00 (chưa tổng kết chính xác)
      Tiêu chuẩn giúp đỡ hiện nay*)
      - TPB thương tích nặng (cụt 2 chân, cụt 2 tay, mù 2 mắt, liệt,: $200/người. (*)
      - TPB thương tích nhẹ hơn: $100/người
      - Qủa phụ tử sị: $50/người
      (8) Chữ in đậm là nhận xét của KQ Phạm Đình Khuông trong Thư Riêng, 10/21/2011.
      (9) Bài viết “Đôi Điều Về Cựu Nữ Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn” của tác giả Mủ Nâu Nguyễn Phán.

      Comment


      • #4
        “ Không Gian Hội Ngộ 11-11-2011.”

        “ Không Gian Hội Ngộ 11-11-2011.”
        Cái đêm hôm ấy mới thật là đêm ....




        Hiên ngang anh giơ súng ngay tim: Bang! bang!
        ........Tiếng súng khi xưa: bang! bang!
        Ta sẽ không quên bao giờ

        Bài viêt này quý mến tặng tât cả các bạn hiền LK/ 72 & 73 trong BCH/HAHKQ/trung CA đã dấn thân vào công việc hữu ich cho tập thể anh em Không Quân

        Chúng tôi đã từng tham dự bao nhiêu lần Hội Ngô của bao nhiêu hội đoàn tập thể đã qua, mà chưa lần nào vui vẻ, hào hứng so sánh với đêm hội ngộ V/v. Đó chỉ là lời ca tụng thường tình của một số quý anh chị, quý bạn bè khi được tham dự tiệc liên hoan hội ngộ vừa lòng khách đến vui lòng khách đi.
        Cuộc vui liên hoan hội ngộ đêm không gian Veterans day USA vừa qua đúng vào ngày 11-11-2011, ngày mà toàn thể nhân loại mong muốn điều may mắn xẫy đến cho họ, một ngày trùng hợp rât hiêm có trong niên lịch thế kỷ 21- 11.11 2011.
        Tât cả mọi sinh hoạt do con người tin vào ngày may mắn, hình như hay không bằng hên... thì phải ?
        Việc tổ chức cho đêm Không Gian Hội ngộ 11-11-2011, vừa qua có phải chăng BCH có nghỉ đến cầu âu là Ngày may mắn 11-11-2011" để mong dành được phần thưởng thành công.... ? Chúng ta hảy tìm xem BCH đã làm như thế nào, và dựa vào điều chi để mong rằng anh em Không Quân và Thân Hữu sẽ tham dự tích cực đông đủ?Hai tháng quá ngắn , sau ngày Picnic tháng 9 -2011 để thực hiện một cuộc mạo hiểm hội ngộ cho mục tiêu 400 người tham dự quả là một cuộc phiêu đầy thử thách. Chưa nói đến bao nhiêu công việc khác mà anh em BCH chưa có sẵn trong tay.

        Kết quả cho chúng ta thấy: Niêm tin tưởng vào cách làm việc có kêt quả của anh em trong BCH mà sô vé ủng hộ đã bán "hết sạch" trên 430 vé trước 2 tuần lễ... và nêu như chổ ngôi còn trống thời gian này cũng có thể con sô tham dự sẽ lên nhiều hơn nửa.

        Hảy tiêp tục phân tích về đêm Không gian hội ngộ:

        @Trong phẩn lễ nghi quân cách khai mạc có lẽ đây là tuyệt chiêu của đêm hội ngộ do BCH xếp đặt anh em toán HK/LK đã được tân trang vũ khí mới Gagrant M1 , nhịp nhàng với 'Khâu lệnh "rât hùng mạnh của MC phần nghi lễ .Quá sống động với ban hợp ca vừa thành lập.Quá hào hùng qua bản quôc ca Hoa Kỳ do Lâm vĩnh Hiên phụ trách. Phút mặc niệm tât cả lặng im như tờ anh thủ Quân Kỳ Ng Tấn Thành chậm chậm hạ Quân Kỳ xuống theo timing của nhạc ưu sầu truy điệu 45 độ.
        Bâu không khí ,lung linh, mờ ảo, trang nghiêm, linh thiên... cảm động chưa từng thấy.

        @Ban hợp ca 'áo dài xanh' do BCH vừa thành lập rât hăng say trong bản Quôc Ca Việt Nam Cộng Hoà. Do trưởng ca đoàn Lê ngọc Long 73C điều khiển
        @Ban hợp ca PD 110 Phi công lái bà già và các chị áo tím đồng khánh Huế.
        @Ca sĩ Thanh Lan đến với BCH và đêm Không Gian một cách điêu luyện tuyệt vời ... đã làm nổ tung thật sự lúc bây giờ trên sân khấu.

        @Thời gian :
        9 giờ là lúc khai mạc đêm dạ vũ hôm nay
        9 anh hùng Không Quân đại lễ trắng
        9 nàng dâu Không Quân áo dài xanh
        . Trận đấu bò “Paso” quyện lấy nhau trên sàn nhãy. Quân phục Không Quân đêm hôm nay với đại lễ trắng, lã lướt với áo dài cô dâu Không Quân xanh.
        Hình ảnh đẹp mắt ngoạn mục này đã khắc sâu tình nghĩa biêt bao nhiêu mà nói..... dành cho anh em Không Quân& Thân Hữu, cũng như BCH tham dự tiệc vui Không Gian Hội Ngộ đêm hôm nay.
        Tât cả là khả năng, là thiện chí của anh chị em BCH/HAH-trung CA( 2011-2013) "Làm tới nơi chơi tới bến " trong đêm vui Không Gian Hội Ngộ vừa qua, thật xứng đáng cho câu chuyện vào Không Quân Ngoại truyện lắm.



        Tuy nhiên có những trở ngại kỳ thuật rât nhỏ ngoài ý muốn, đó chuyện thường tình cho bao nhiêu cuộc hội ngộ. Hy vọng rằng BCH sẽ update, học hỏi thêm tránh đi mọi trở ngại, cho những lần sắp đến trong công việc xây dựng có thay đổi theo chiêu hướng tích cực, sẽ là điều tiến bộ cần thiết có lợi cho tât cả mọi người.
        Chứng nhân đêm Không gian hội ngộ HAHKQ-trung CA 11-11-2011.
        PS-72G

        Comment


        • #5
          Phút Mặc Niệm-KQHN 11-11..11



          HQPD gởi đến quý Anh Chị và bạn bè tấm ảnh rât hiếm trong đêm Không Gian Hội Ngộ 11-11-..11 vừa qua,
          (do phu nhân anh 72A Nguyễn hữu Đức chụp được.)

          Nhìn kỷ tấm ảnh trong phần nghi lễ "Phút Mặc Niệm -Súng Truy Điệu" .Quý anh chị và bạn bè nhìn thấy hình ảnh các nàng dâu K/Q áo dài xanh chia sẻ cùng lúc, mà tât cả A/E cũng như Thân Hữu trong đêm này đã dành trọn tâm lòng "Tri Ân" tưởng nhớ đến:
          Cha Ông chúng ta, Quân, Dân, Cán, Chính, Việt Nam Cộng Hoà đã quên mình hy sinh cho lý tưởng Tự Do &Dân Chủ
          .

          Comment


          • #6
            Bóng Dáng Một Không Quân

            Bóng Dáng Một Không Quân
            Qua Gương Soi Chữ Nghĩa (*)
            Bắc Đẩu võ ý




            Sau khi ra mắt sách tạp ghi Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo vào năm 2003 cho đến nay, tôi không còn hứng để viết Không Quân Ngoại Truyện (KQNT) được nữa. Không hẳn đã hết đề tài mà cái kiểu lần lữa như là...khất nợ vậy! Mà nếu là nợ thì trước sau gì cũng phải trả. Nếu mình không trả được thì biết đâu, trong đồng đội cũng có người đồng điệu, sẽ trả món nợ thay cho mình, sao cho xứng hợp với câu “hào hoa nhất lính không quân”...

            Món nợ KQNT âm ỉ bấy nay tôi muốn trả là các hiệp sĩ không gian, các nữ quân nhân KQ và các bà vợ KQ mà tôi biết, đã ít nhiều làm rạng danh Quân chủng, như KQ Nguyễn Quí Chấn, bà Trung Tá Hạnh Nhơn, các chị Tường Mực, Nhã Dung v.v....

            Ngày nay nói đến Trung Tá Hạnh Nhơn thì ai cũng biết công tác xã hội rất ý nghĩa của bà qua 5 lần “Đại nhạc hội Cám Ơn Anh, Người Thương Binh QLVNCH”. Còn chị Tường, phu nhân cố Đại Tá Nguyễn Văn Tường mỹ danh “Tường Mực”, Tư Lệnh Phó SĐ3KQ, là người từng đảm nhận Ủy viên Xã Hội nhiều năm trong BCH Hội AHKQ Miền Trung Cali, chị Nhã Dung, phu nhân Thiếu Tá Vũ Ngô Dũng “đầu bạc”, cựu Hội Trưởng Hội AHKQ Bắc Cali hai nhiệm kỳ liền, là người lái phi công F5 nhuần nhuyễn và là cây bút Tạp Ghi xuất sắc, đã giúp chồng đắc lực trong việc tuyển chọn bài vở và phát hành Đặc San Không Quân Bắc Cali (ĐSKQ-BC) đều đặn bốn năm liền.

            Tôi đang thu nhặt chất liệu cho món nợ vô hình và mong sớm gặp thuận duyên để trang trải những gì còn đang trong dự tính....

            Tuy nhiên, món nợ KQNT mà tôi ấp ủ gần hai thập niên vẫn là...KQ Nguyễn Quí Chấn. (KQ NQC - Quí với chữ “i” mặc quần sọrt rất gọn nhẹ chứ không phải chữ “y” mặc quần dài nghiêm chỉnh đâu).

            Lần đầu tiên chúng tôi gặp KQ NQC, Trưởng ban tổ chức Đại Hội Không Quân Hải Ngoại tháng 10 năm 1992 tại San Jose vì anh đã nhân danh Hội gởi tặng tôi một vé máy bay mời tham dự Đại Hội sau 17 năm lạc đàn và sau một tháng đặt chân lên thành phố Saint Louis tiểu bang Missouri. (1)

            Rồi qua tin tức trên Đặc San, chúng tôi được biết Hội AHKQ Bắc Cali vẫn thường tìm mọi cách gởi chút ân tình về trợ giúp các đồng đội đang xơ xác ở quê nhà và lập hồ sơ bảo lảnh không quân Nguyễn Quý An qua Mỹ định cư, thì cái tên Nguyễn Quí Chấn không còn xa lạ đối với chúng tôi nữa.

            Ý muốn viết KQNT của tôi càng thôi thúc nhân chuyến du hành bằng đường bộ do 4 thành viên trong Hội AHKQ-BC thực hiện để gây quỹ pháp lý hổ trợ Cơ quan LAVAS có điều kiện tranh đấu cho đồng bào thuyền nhân trong các trại tỵ nạn được tái cứu xét định cư. Phái đoàn ghé thăm “Nhóm Không Gian Thân Tình” tại thành phố Saint Louis, (mà chúng tôi là Trưởng Nhóm), đã mang đến cho chúng tôi niềm hãnh diện với đồng hương tại địa phương và lòng cảm phục tâm huyết của phái đoàn, trong đó có KQ Hội Trưởng Nguyễn Quí Chấn.

            Mọi việc xảy ra trên đời đều tùy thuộc vào cơ duyên. Cơ duyên thường rất đỗi tình cờ. Tình cơ như khi tôi đọc lại tuyển tập “Không Quân Ngoại Truyện - Mùa Thu Năm 2003”, qua bài viết “Tuổi Ấu Thơ 1939-1951” (TAT) của tác giả Nguyễn Quí Chấn, thì ý định viết KQNT không còn âm ỉ nữa mà đã biến thành...hành động cụ thể. Chúng tôi bắt đầu lục lại chồng ĐSKQ cũ, như thể “đập vỡ kính ra tìm lấy bóng”.

            Khi đã thu thập được chút tài liệu và cơn hứng nỗi lên thì chúng tôi lao đầu vào mà viết...

            Một Sơ Yếu Lý Lịch
            KQ Nguyễn Quí Chấn (NQC), xuất thân trong một gia đình được gọi là khá giả ở miền Bắc. Ông cụ là nhà giáo, bà cụ là con ông chủ đồn điền giàu sang, lại hấp thụ tây học. Ông bà hạ sinh 3 cô con gái liền tù tì hai năm một, bèn đi cầu tự, xin Trời Phật cho một thằng cu để nối dõi tông đường. Không ngờ, người con thứ tư chào đời vẫn cứ là... con gái! Năm sau, năm 1939, cậu quý tử Quí Chấn chào đời không phải do cầu tự, cho nên cậu nói “tôi sinh ra không phải con Trời, chẳng phải con Phật mà chỉ là con...trai” (TAT, trang 218). Con trai ở đây là thằng cu, là đàn ông, chứ không phải con trai cùng họ hàng với những con sò con nghêu con ốc con hến đâu!. Đây quả là một biến cố trọng đại trong gia đình làm cho song thân của cậu út quá đỗi vui mừng bèn tổ chức đại tiệc có cả “nhảy đầm suốt đêm” để chia sẻ nỗi hân hoan cho cả mấy trăm người tham dự. (TAT, trang 218)

            Không lâu sau đó, đệ nhị thế chiến bùng nỗ. Chiến tranh như trận cuồng phong cuốn hút cả dân tộc Việt Nam vào cơn giông tố của lịch sử, trong đó có gia đình cậu ấm Quí Chấn. Tuổi thơ của cậu (1939-1945) đã giăng mắc biết bao ký ức về “chạy loạn” (TAT, trang 221) từ Hà Nội đến Phú Thọ, đến Vĩnh Yên rồi trở về Hà Nội bán hết nhà cửa cơ nghiệp dọn lên Tam Đảo để tránh bom đạn chiến tranh. Rồi lại về Hà Nội sinh sống.

            Trong giai đoạn hỗn loạn giữa Việt Minh, Việt Nam Quốc Dân Đãng, Pháp, Nhựt, Tàu, mạng sống của người dân quả thật đầy bất trắc. Một biến cố không kém phần trọng đại vào năm 1951, lúc đó cậu út Quí Chấn đã lên 12, gia đình cậu từ biệt Hà Nội bay lên Đà Lạt định cư, vì ông cụ được bổ nhiệm dạy học trên đó, và đó cũng là ước muốn của ông bà muốn che chở các con trước bao hiểm nguy của cuộc chiến trong đó có cả nỗi lo sợ bị Việt Minh hãm hại. “...bố mẹ tôi được người bạn ở Sở Công An Cảnh Sát (ông K và ông N ĐT) cho biết là Việt Minh đã có kế hoạch thủ tiêu bố mẹ tôi”. (TAT, trang 237).

            Tại Đà Lạt, cậu Quí Chấn theo học trường Tây, trường Yersin. Về Sàigon cậu học Trung học Jean Jacques Rousseau. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Triết tại Sàigon, NQC gia nhập Không Quân Việt Nam Cộng Hòa năm 1962 (KQ VNCH) dù thầy đang là Giáo sư dạy Pháp văn tại các trường nỗi tiếng ở Sàigon bấy giờ, trong đó có trường nữ Trung Học Marie Curie. (Bất ngờ giả từ phấn trắng bảng đen và đám học trò như quỷ, chả lẽ không có những giọt lệ âm thầm vấn vương nhỏ xuống cho ông thầy trẻ tuổi đẹp giai Quí Chấn sao ta?)

            Sau tháng 4/1975, KQ NQC đi tù. Gia đình anh cũng lênh đênh theo vận nước, cố vùng vẫy thoát khỏi chế độ hà khắc tham tàn. Cuối cùng, những người còn lại trong gia đình cũng tới bến bờ tự do. Sau 6 năm lao nhục, Quí Chấn ra tù vào năm 1981 và tìm mọi cách để đoàn tụ với những người thân yêu còn lại vào năm 1986 tại Lausanne, Thụy Sĩ, là thành phố núi thứ ba mà gia đình anh đã lánh nạn. Hai thành phố núi trước kia là Tam Đảo (năm 1945, để tránh bom đạn Mỹ & Đồng Minh) và Đà Lạt (năm 1951, để tránh Việt Minh khủng bố). (TAT, trang 215)

            Chưa đầy một năm sau, năm 1987, theo tiếng gọi cháy bỏng ruột gan của bầy chim bỏ xứ đang họp đàn tại Mỹ quốc, KQ NQC tung cánh để tìm một tổ ấm bay về, và anh đã tìm được tổ ấm tại San Jose từ năm 1987 cho đến hiện nay.

            Hai Nghiệp Bay Thay Nghiệp Giáo
            Phải Là Thân Chim thì mới khắc khỏai tiếng chim gọi đàn. Ngay từ ấu thời, “thời Việt Minh”, cậu bé Nguyễn Quí Chấn đã chứng kiến bao cảnh loạn lạc chết chóc chia lìa của bom đạn chiến tranh. Một trong những hình ảnh ăn sâu trong trí tưởng của cậu bé 6 tuổi là “một máy bay thả dù xuống một người và một kiện hàng” (TAT, trang 225). Sau nầy Bố Mẹ cậu cho biết đó là một người Mỹ đang tìm đường liên lạc với Việt Minh. “Nhưng đối với tôi, điều đáng ghi nhớ nhất là máy bay không những thả dù người mà còn thả dù thêm một chiếc xe jeep để làm phương tiện di chuyển!”. Cậu Út Quí Chấn thổ lộ: “Tôi không biết tôi bắt đầu “mê” Không Quân từ ngày đó, hay là từ ngày tôi được cùng với mẹ tôi đáp máy bay đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng”. (TAT, trang 225).

            Dù mê với cách nào đi nữa cũng thể hiện khát vọng bay bổng sâu kín trong lòng, và hình ảnh chiếc phi cơ đã in sâu trong tâm tưởng cậu bé 6 tuổi cho đến khi trưởng thành. Đang là Giáo sư Pháp văn vào đầu thập niên 1960, cuộc sống ổn định và đầy hứa hẹn, bỗng thầy Nguyễn Quí Chấn từ giã nghiệp giáo để chọn nghiệp bay. Thầy quyết định gia nhập KQ Việt Nam Công Hòa (VNCH) vào năm 1962, giấc mơ thành sự thực và nghiệp bay đã bám sát đời KQ NQC từ đó cho đến nay.

            Năm 1963, Sinh Viên Sĩ Quan KQ (SVSQ) Nguyễn Quí Chấn du học Hoa Kỳ. Anh là một trong số ít SVSQ học bay trên hai loại phi cơ, là Khu trục T-28 một động cơ và Vận tải C-47 hai động cơ. Mãn khóa tháng 7 năm 1964 với chứng chỉ tốt nghiệp “outstanding”. (ĐSKQ Bắc Cali, Chào Mừng Đại Hội Khu Truc, 06/2011, trang 101, 104, 116). Có thể dịch outstanding như là ngoại hạng, cũng giống như thủ khoa chứ chẳng phải bình thường đâu nhá!

            Để đáp ứng nhu cầu của chiến trường ngày một leo thang khốc liệt, Quân Đội nói chung và Không Quân nói riêng cũng tăng trưởng theo, nên vào năm 1971, KQ Chấn lại du học Hoa Kỳ để theo học một khóa xuyên huấn trên phi cơ vận tải C-123 vừa được Hoa Kỳ viện trợ cho Không Lực VNCH.

            Kể ra, KQ VNCH rất ưu đãi những KQ tài năng trong đó có phi công Nguyễn Quí Chấn. Vì mang hai chỉ số bay, nên đúng như sự mong muốn, KQ NQC đã được phục vụ trong Ngành Khu Trục (Biệt Đoàn 83 Khu Trục, P Đ 520, 518 và 522), Ngành Vận Tải (các Phi Đoàn 817, 421 và 425) và Phòng Sở Tham Mưu (Phòng An Phi KĐ53CT, Phòng Phụ Tá An Phi Sư Đoàn 5 KQ)

            Tính ra, KQ NQC phục vụ Quân Chủng trên một thập niên. Sau tháng 04/1975, anh cùng chung số phận “cải tạo” với đa số đồng đội anh em.

            Ba Tổ Ấm Bay Về
            Đã Biết Bản Chất dã man của Việt Minh ngay từ tuổi ấu thơ, đã nếm đòn thù nham hiểm của Xã Hội Chủ Nghĩa trong các trại tù cải tạo nên ngày nay, KQ NQC mong muốn tiếp tục cống hiến những ngày cuối đời mình vì “mục tiêu chung” (2) của những cánh chim Tự Do bỏ xứ.

            Ngày nay, phi cơ bom đạn không còn nhưng lý tưởng bảo quốc an dân vẫn âm ỉ trong lòng người phi công chiến đấu Nguyễn Quí Chấn năm nào.... và anh mong muốn góp phần mình vào công cuộc xoa dịu nổi đau của đồng đội ở quê nhà và đồng bào trong các trại tị nạn đang thoi thóp trông chờ được đi định cư. Từ mong ước đó, KQ Nguyễn Quí Chấn gia nhập Hội Ái Hữu Không Quân Bắc Cali (AHKQ-BC) kể từ khi anh đến thung lũng hoa vàng San Jose, 1987.

            Năm 1990, Nguyễn Quí Chấn đắc cử Hội trưởng Hội AHKQ Bắc Cali, và anh đã giữ trách vụ Hội trưởng 4 nhiệm kỳ trong 8 năm. Đây là cơ hội để anh thực hiện “tâm huyết” của mình:
            1- biến Hội Ái Hữu thành một tổ ấm;
            2- hổ trợ đồng bào đồng đội tại quê nhà hoặc trong các trại tị nạn;
            3- cùng nhau nói lên sự thực cuộc chiến đấu vì lý tưởng quốc gia của QLVNCH đã bị đồng minh và kẻ thù xuyên tạc, qua đó cần phải cố gắng phát hành một Đặc San để làm phương tiện truyền thông.
            4- nâng niu tuổi trẻ và quan tâm thế hệ nối tiếp.

            Thử điểm qua những thành tựu cũng như những sự kiện nỗi bật xuyên qua những mục tiêu ấp ủ mà Hội trưởng NQC đã thực hiện qua các nhiệm kỳ của anh xem sao.


            @Nhiệm kỳ 1990-1992 và 1992-1994
            Đặc San Không Quân & Yểm Trợ LAVAS (3)


            Trong hai nhiệm kỳ liên tiếp 4 năm, Hội trưởng Nguyễn Quí Chấn đã hoạch định “mục tiêu” hoạt động của Hội, cụ thể là:

            1- Tổ chức Đại Hội Không Quân Hải Ngoại tháng 10 năm 1992 tại San Jose để bầu Tổng Hội Trưởng KLVNCH nhiệm kỳ 1992-1994 mà cá nhân chúng tôi lần đầu tiên được mời tham dự sau 01 tháng đặt chân đến Mỹ. (1)

            2- Vận động cứu giúp đồng bào và đồng đội đang trông chờ cứu xét trong các trại tị nạn, cụ thể là chuyến đi 17 ngày xuyên qua 28 Tiểu bang, ghé thăm 14 thành phố trong tháng 9 năm 1993 để vận động gây quỹ tiếp tay với cơ quan LAVAS có đủ tiền đài thọ luật sư tranh đấu cho đồng bào thuyền nhân trong các trại tị nạn sớm được định cư tại các nước tự do (4).

            Lý do thôi thúc KQ Nguyễn Quí Chấn dấn thân vào công việc khó khăn nầy được thể hiện qua câu trả lời trong một bài phỏng vấn: (…) “vào thời điểm đó – đầu thập niên 90, thế giới đã mệt mỏi với vấn đề tỵ nạn (....). Hội AHKQ Bắc Cali cùng với một số Hội đoàn Quốc gia, một số tổ chức thiện nguyện đã vận động đấu tranh bênh vực và cứu vớt người tị nạn. Một tờ báo trở nên hết sức cần thiết, (…), trên phương diện nào đó, là phản ánh nỗi quan tâm, lòng thương xót của toàn thể người Việt Hải ngoại- trong đó có người linh Không Quân- đối với đồng bào đang kẹt ở các trại tỵ nạn Đông Nam Á và Hồng Kông.” (ĐSKQ 04-2006. Thay Cho Lá Thư Tòa Soạn)

            3- Tháng 10 năm 1990, “Đặc San Không Quân Bắc Cali” (ĐSKQ-BC) lần đầu tiên ra đời đã được đồng đội không quân và thân hữu chào đón nồng nàn. Đặc San có vóc dáng trang nhả nhỏ gọn “có thể giữ lại được, bỏ vào tủ sách gia đình. Ngoài ra, đối với Đặc San, đở phải lo hình bìa mỗi lần phát hành”. (Thay Cho Lá Thư Tòa Soạn, ĐSKQ Bắc Cali, tháng 4, 2006, trang 07).

            Ngay cái tên gọi “ĐSKQ” cũng mang một ý nghĩa hết sức toàn diện, hết sức thuyết phục, hết sức Quân chủng. KQ NQC cho biết lý do lấy tên “Đặc San”: “Anh em thấy rằng thường nói đến KQ là nói đến “pilot”, nói đến bay bổng, và quên đi một phần rất quan trọng của Quân chủng: bao nhiêu những ngành nghề khác không-phi-hành của KQ (…). Đặt một cái tên “Trăng Sao, Trời Mây” gì đó thì vô tình như muốn gạt bỏ anh em không phi hành ra ngoài. Còn hai chữ Không Quân thì nó bao gồm tất cả: phi-hành, không-phi-hành, lính, quan...” .(ĐSKQ 04-2006. Thay Cho Lá Thư Tòa Soạn).

            Nội dung của ĐSKQ phong phú và bổ ích. Đặc San không có đất cho sư bôi nhọ, chụp mũ và gây chia rẽ trong nội bộ không quân. KQ Nguyễn Quí Chấn là cha đẻ của ĐSKQ Bắc Cali. Anh quan niệm: “Nếu Hội là mái nhà ấm cúng thì Đặc San là mãnh vườn bé nhỏ để muôn ngàn bông hoa đua nở hương sắc (…). Đây là nơi mà tâm sự người không quân cũng như những người bạn không quân gửi gấm đến nhau”. (Lá Thư Hội Trưởng, ĐSKQ, 09-2005)

            ĐSKQ-BC là một loại vũ khí còn lại (hay còn gọi là vũ khí mềm theo nhà thơ KQ Cung Trầm Tưởng) của tập thể KQ Hải Ngoại, khả dụng trên mặt trận dư luận truyền thông và báo chí.


            @Nhiệm kỳ 1998-2000
            Kế Hoạch Chim Non, Tái Phát Hành ĐSKQ


            Từ 1994 đến 1998, Hội AHKQ Bắc Cali được điều hành bởi hai Hội trưởng Nguyễn Quý An và Vũ Ngô Khánh Truật. KQ Nguyễn Quý An được định cư tại San Jose năm 1994, một phần cũng nhờ sự vận động Hội AHKQ Bắc Cali nói chung và KQ Nguyễn Quí Chấn nói riêng. (5)

            Có người tưởng lầm rằng Nguyễn Quí Chấn và Nguyễn Quý An là bà con, nhưng không phải vậy. Vào năm 1961-1962, trong khi Nguyễn Quí Chấn là giáo sư Pháp Văn tại Trường Trung Học Chu Văn An Sàigon thì Nguyễn Quý An là học sinh tại trường nầy. Hai người không hề gặp nhau mặc dù đều phục vụ tại Biệt Đoàn 83, nhưng KQ NQC thì bên Khu Trục đồn trú tại Sàigon và KQ NQA thì bên Trực Thăng đồn trú tại Đà Nẵng.

            Được biết KQ An bị thương mất cả hai cánh tay, phải giải ngủ 10/1974. Sau 30/04/75, anh đi tù 9 tuần lễ vì thương tật, nên không đủ điều kiện đi HO. Bạn bè ở Mỹ tìm cách giúp đở anh và câu chuyện KQ An đến tai KQ Chấn. KQ Chấn liên lạc được ông Noboru Masuoka, cựu Đại Tá Không Quân Mỹ gốc Nhật. Qua nhiệt tình của ông Noboru Masuoka, và của nhiều chiến hữu, thân hữu và các quan chức khác, cuối cùng, KQ An được định cư Mỹ ngày 15-01-1994, theo diện PIP (5). (Xin đọc ĐSKQ, 06-1994, KQ Nguyễn Quý An, tác giã Tạ Thượng Tứ, trang 125 để biết rõ tình nghĩa không quân diệu kỳ nầy).

            ĐSKQ Bắc Cali không thấy phát hành trong nhiệm kỳ của Hội trưởng Nguyễn Quý An (1994-1996), có thể do anh mới qua còn lạ nước lạ cái và nhiệm kỳ Hội trưởng Vũ Ngô Khánh Truật (1996-1998), có thể do Hội không có nhu cầu nên chỉ phát hành Bản Tin KQ mà thôi. (Theo thiển ý cá nhân).

            Tháng 4/1998, chúng tôi tham dự buổi họp khoáng đại bầu Tân Hội Trưởng nhiệm kỳ 1998-2000 với tư cách hội viên (6). KQ Nguyễn Quí Chấn lại được Đại Hội tín nhiệm với đa số tuyệt đối. Trong Đại Hội, Niên Trưởng (NT) Nguyễn Hồng Tuyền đưa ý kiến là có nên cấp “học bỗng” cho các con em của Không Quân ở quê nhà đang gặp khó khăn về tài chánh trong việc học? Ý kiến sau đó biến thành “Kế Hoạch Chim Non” và được Đai Hội xem là một trong hai mục tiêu của Hội Ái Hữu. Mục tiêu thứ hai là “tái phát hành ĐSKQ Bắc Cali”.

            Chúng tôi nhận trách nhiệm giới thiệu một KQ tin cậy ở Sàigon để giúp thực hiện kế hoạch là tìm học sinh nghèo và trao học bỗng cho họ. Thiếu Tá Lư Thái Hưng, nguyên Phụ tá An Phi Sư Đoàn 6 KQ Pleiku, vui vẻ nhận lời. Chúng tôi giới thiệu KQ Hưng với cố KQ Trần Văn Toàn, người được Hội đề cử phụ trách Kế Hoạch Chim Non, để hai bên tiện việc liên lạc với nhau.

            Kế hoạch đang xúc tiến thì một tin không vui đưa đến: “KQ Lư Thái Hưng đang bị công an Bình Thạnh điều tra về vụ “nhận tiền đế quốc Mỹ để phân phối cho không quân Ngụy tại Sàigon và vùng phụ cận”. “Tiền đế quốc” là tiền của Nhóm Không Gian Thân Tình do KQ Trần Dật đại diện ở Cali quyên góp và gởi về giúp các KQ khốn khó ở quê nhà.

            Dù “Kế Hoạch Chim Non” không thành nhưng kế hoạch đó đã nói lên mục tiêu cao cả mang tính đùm bọc Không Bỏ Anh Em Không Bỏ Bạn Bè của những người Không Quân có tấm lòng tại San Jose.

            Rất nhiều HO và những người vượt biên vượt biển liên tục nhập cư vào Mỹ trong giai đoạn nầy, đã góp khí thế đấu tranh chống độc tài cộng sản vốn sôi nổi lại càng thêm rầm rộ ở thung lũng Điện Tử San Jose.

            Cùng một mục tiêu, nhưng hình thành hai khuynh hướng sinh hoạt là...ái hữu và...lực lượng tranh đấu, từ đó nẫy sinh lục đục và gây phân hóa trong cộng đồng và cánh KQ cũng bị văng miểng!

            Với sự cổ vũ hỗ trợ của một vài cơ quan truyền thông và hội đoàn, một hội Không Quân lấy tên là “Lực Lương Chiến Sĩ Không Quân” (LLCSKQ) đã ra đời. Tổ chức nầy chỉ xuất hiện trong các sinh hoạt có sự tham dự của cơ quan truyền thông hoặc hội đoàn đã yểm trợ họ. “Theo Tuần báo Quê Hương số 189 phát hành ngày 14-12-1999, buổi lễ ra mắt (LLCSKQ) được tổ chức vào ngày 11-12-1999 tại Khu hội Cựu Tù Nhân Chính Trị San Jose, Cali”. (ĐSKQ, 02-2000, Trả Lời Thư Tín, trang 233). Sau đôi ba tháng, dường như không còn nghe thấy tổ chức nầy hoạt động nữa.

            Trước những rắc rối của cộng đồng và sự phân hóa của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ và trước sự việc ĐSKQ ngưng phát hành mấy năm liền, đã đặt Hội trưởng NQC trước một một thử thách gai góc, không ít thì nhiều, đã giúp cho mấy sợi lưa thưa trên cái đầu vốn hói của anh có cơ hội có nhiều sợi sầu rụng rơi...

            Là phi công khu trục lại mang cá tính của một ông giáo, nên NQC lúc nào cũng điềm đạm bình tĩnh và cân nhắc trước mọi khó khăn. Có thể nói (không quá lời), KQ NQC là người có đầu óc lãnh đạo, biết suy luận và biết tiên liệu, nhất là tiên liệu về đường lối sinh hoạt của một Hội Ái Hữu KQ. Tiên liệu đó hình thành từ 1994, còn hữu hiệu đến nhiệm kỳ Hội trưởng 1998-2000, trước bao rắm rối của Cộng Đồng: “và ngày nào cộng sản còn thống trị đất nước thì người cựu quân nhân tỵ nạn còn tự trọng, còn danh dự chưa thể “giả từ vũ khí”(...). Chọn con đường, phương hướng và hình thức đấu tranh lại là một quyết định hoàn toàn riêng tư. Nó tùy thuộc vào khả năng, sở thích, và quan điểm chính trị của từng người. Không ai có quyền xâm phạm tới quyền tự do căn bản nầy (…). Thế nhưng, khi đến với Hội AHKQ, thì người KQ đến với tư cách một KQ thuần túy. Các Hội AHKQ, mặc dầu có lập trường chính trị rõ ràng, nhưng không được thành lập với mục đích hoạt động chính trị (…). Cho đến nay, Hội KQ vẫn giữ được lập trường chính trị độc lập không theo và không đả phá bất cứ một xu hướng chính trị đảng phái quốc gia nào. Trong hiện trạng phân hóa cực độ của cộng đồng hải ngoại, giữ được bình tĩnh, thận trọng trong lời nói và việc làm là thái độ đứng đắn của các Hội AHKQ trong suốt thời gian qua”. (ĐSKQ 07-1999, Qua Một Cơn Mê, Đoạn Đường Còn Lại, NQC)

            Hội AHKQ Bắc Cali vẫn giữ được tư thế độc lập như vậy từ lâu nay không phải là chuyện bình thường, mà cái phi thường là sự đoàn kết một lòng của tất cả hội viên ủng hộ đường lối do BCH vạch ra.

            Nhờ sự đoàn kết một lòng, nên: “cuối tháng 5 năm 1999, anh chị em trong BCH vẫn nhất quyết thực hiện Đặc San nhân dịp Ngày Không Lực 1 tháng 7 năm nay”. (7)

            Và tháng 7 năm 1999, ĐSKQ-BC đã tái ngộ bạn đọc sau 5 năm “khuất núi” không một lời cáo biệt. “Hôm nay đây, lại một lần ân cần gửi đến quý Anh Chị cuốn Đặc San Không Quân Bắc Cali, tôi tha thiết mong quý Anh Chị cho nó được nhập trở lại tủ sách gia đình, với tất cả sự mến thương trước đây đã dành cho nó, như đón nhận một người thân yêu đã lở vắng mặt mà không tin tức một thời gian thật lâu”. (ĐSKQ 07-1999, Thư Hội Trưởng, NQC)

            @Nhiệm Kỳ 2004-2006
            Trung Dung - Phục Hồi Danh Dự QLVNCH – Thế Hệ Tiếp Nối


            Ai cũng biết, ĐSKQ-BC tái phát hành là nhờ quyết tâm của Hội trưởng, BCH và toàn thể hội viên của Hội AHKQ-BC nhiệm kỳ 1998-2000. Hai nhiệm kỳ sau đó (2000-2004) dưới thời Hội trưởng Vũ Ngô Dũng, ĐSKQ tiếp tục phát hành cho đến hết hiệm kỳ.

            Vào mùa xuân năm 2004, anh em không quân miền Bắc Cali lại bầu KQ NQC vào chức vụ Hội trưởng nhiệm kỳ 2004-2006 sau bốn năm nghỉ xả hơi. Sự lựa chọn nầy là tình cờ hay cố ý? Ai cũng biết vào thời điểm nầy đã nẩy sinh một biến cố vô cùng tế nhị trong toàn Quân Chủng. Giả dụ sự bầu chọn trên là cố ý thì anh em đã chọn đúng người có khả năng đối phó với những đổ vỡ do sự va chạm trên thượng tầng Quân chủng, biến bầu trời một thể trong xanh bỗng tan tác thành mấy tảng mây u ám.

            Trên 20 Hội AHKQ trên toàn thế giới đã chọn cách hành xử theo...đa số! Riêng Hội AHKQ-BC chọn cách đi riêng, không bênh không bỏ bên nào, bên nào cũng là cấp chỉ huy xưa. Tất cả hội viên đã một lòng hổ trợ đường lối trung dung mà KQ NQC được xem như là thuyền trưởng trước phong ba: “Miền Bắc California chúng ta không vui nhưng yên tâm là tại đây tinh thần đoàn kết, tình đồng đội của tất cả Không Quân, gia đình KQ, cũng như thân hữu của KQ , không lúc nào sứt mẻ, hoặc là đặt thành vấn đề”(...) “Và để lại ngoài cửa những gì của ngoài đường. Tôi chân thành cám tạ các Niên trưởng và các chiến hữu trong và ngoài quân chủng, đặc biệt là các thân hữu KQ đã thông cảm nỗi khó khăn và hoàn cảnh tế nhị của Hội AHKQ Bắc California, đã kiên nhẫn tin tưởng và cổ võ tinh thần để giúp tôi bình tĩnh giữ vững tay lái và điều khiển con tàu tránh cơn sóng gió”. (ĐSKQ 01-2006, Lá Thư Hội Trưởng, KQ NQC).

            Hội AHKQ-BC không muốn xen vào chuyện cá nhân “và để lại ngoài cửa những gì của ngoài đường”(ĐSKQ-BC 01/2006). Thay vào đó, Hội dồn nỗ lực vào mục tiêu khác, thiết thực hơn, là "phục hồi danh dự cho QLVNCH".

            Nhận thấy, sau tháng 4-1975, QLVNCH không những đã bị kẻ địch (kẻ thắng) làm nhục mà ngay cả đồng minh cũng coi như forget thực thể nầy. E ngại sự tráo trở sẽ gây hiểu lầm, thất vọng cho thế hệ con cháu nên Hội AHKQ-BC kêu gọi Quân Cán Chính đã đổ máu để bảo vệ tự do và mạng sống cho người dân miền Nam, hãy cùng nhau lên tiếng để nói lên Sự Thật của cuộc chiến tự vệ.

            Chúng ta là chứng nhân cũng là nạn nhân, nếu chúng ta không nói lên Sự Thật thì ai nói giúp cho ta?: “Danh dự của QLVNCH, niềm hãnh diện của chúng ta, đó là cái gia tài mà con cháu chúng ta mong muốn: sự hãnh diện về nguồn gốc của chúng. Đó là gia tài mà chỉ có chúng ta mới trao lại được, vì chúng ta đã sống và đã chết vì cái “sự thật” đó. Nếu chúng ta không nói lên, nếu chúng ta không tìm cách trình bày nó ra, hay là nếu chúng ta cố tình quên nó đi, thì không khác gì chúng ta xác nhận là đúng những điều bịa đặt hay thiên vị của truyền thông Mỹ”.(ĐSKQ 10-2004, Lá Thư Hội Trưởng, KQ NQC)

            Để thực hiện mục tiêu nầy, Ban Biên Tập ĐSKQ ra sức mời gọi những cây viết trong và ngoài Không Quân cùng góp một tay. Lời mời gọi đã được hưởng ứng. Ngoài các cây viết Không Quân còn có sự tiếp tay của các chiến hữu trong Quân Đội, các viên chức trong Chánh phủ VNCH và cả các bạn Mỹ có cái nhìn trung thực đối với cuộc chiến tự vệ của quân dân miền Nam Việt Nam trước đây. (8)

            Theo thiển ý, “mục tiêu” phục hồi danh dự cho QLVNCH là rộng lớn và cấp thiết cho toàn thể Quân Cán Chính của VNCH, thì một Hội Ái Hữu không thể kham nổi. Cộng đồng người Việt hải ngoại, hay ít nhất là tập thể QLVNCH cùng góp tay vào, soạn ra kế sách sao cho khoa học hợp lý để thu phục báo chí truyền thông và chính giới của nước sở tại, thì may ra sẽ giúp họ hiểu được sư thật về cái gọi là “Chiến tranh Việt Nam” trước đây: (…) “Người ta đã nói, đã viết rất nhiều – quá nhiều – về cái mà người Mỹ gọi là “Chiến Tranh Việt Nam”. Nhưng người ta đã vô tình hay cố ý bỏ xót, không nói đến một phần của sự Thật, mà quên rằng thiếu cái phần đó, dù nhỏ chăng nữa, sự “Thật” không đầy đủ, và không còn là sự “Thật” nửa.”(ĐSKQ 06-2005. Thư Hội Trưởng, KQ NQC)

            Những lời lẽ trong “Thư Hội Trưởng” đã thể hiện một phần tâm tình của KQ NQC, là anh mong làm một cái gì dù nhỏ, để tỏ lòng biết ơn những hy sinh vì chính nghĩa của đồng đội anh em: “...chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm, vì chúng tôi tin rằng con cháu của chúng ta không phải là con cháu của “một đám dân quân ươn hèn”, vì đó cũng là điều tối thiểu chúng ta có thể làm được cho những đồng đội của chúng ta đã hy sinh cho đến ngày cuối” . (ĐSKQ 06-2005. Thư Hội Trưởng, KQ NQC)

            Song song với mục tiêu phục hồi danh dự người chiến sĩ Cộng Hòa là mục tiêu “với tay tới Thế Hệ Sau, khuyến khích các cháu nghiên cứu và tìm hiểu thêm về cuộc chiến chống Cộng Sản của người Việt Quốc Gia”(ĐSKQ 07-2004, Thư Hội Trưởng).

            Chúng ta có cơ sở để trông cậy vào thế hệ sau, vì nói chung, con cháu chúng ta trưởng thành và tài ba, như Khoa Do, thanh niên Úc gốc Việt, sinh năm 1979, đã đoạt giải “Young Australian of the Year 2005”(ĐSKQ 03-2005), như Phạm Xuân Quang, tác giả quyển “A Sense of Duty” mô tả nhiều khía cạnh trung thực về “Chiến tranh Việt Nam” (9).

            KQ NQC tham dự buổi ra mắt sách nầy: “Đầu tháng 5 vừa qua, tôi tham dự buổi ra mắt cuốn “A Sense of Duty” tại thư viện chính San Jose. (…) Người giới thiệu tác giả là một giáo sư Mỹ của Đại Học San Jose. Ông mừng là đã có một người Việt Nam “đại diện” cho cộng đồng người tỵ nạn Việt Nam viết lên sự thật về chiến tranh Việt Nam, về vai trò và điều kiện chiến đấu của người lính Việt Nam. Năm 75, tác giả là một cậu bé tỵ nạn không biết gì về cuộc chiến VN. Lớn lên tại Hoa Kỳ, anh đã phải nghe, phải chịu những lời lẽ, những cử chỉ miệt thị của một số dân bản xứ đối với đám quân dân bại trận. Sau khi chiến đấu tại Iraq (Desert Storm) với tư cách một phi công của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, tác giả đã bỏ hết công sức của mình trong 10 năm để đi tìm sự thật về chiến tranh Việt Nam, và đã viết lên trong cuốn sách. Điều quan trọng là tác giả, ông Phạm Xuân Quang, con trai của cựu Trung Tá KQ Phạm Xuân Hòa (quá cố), đã viết cuốn sách bằng Anh ngữ”(ĐSKQ 06-2005)

            Nhân đây, xin cám tác giả Phạm Xuân Quang đã thay chúng tôi để nói lên “sự thật” về cuộc chiến tranh tự vệ của quân dân miền Nam mà chúng tôi trực tiếp tham dự.

            Bốn Chuyện Tình Không Quân
            Sau 8 Năm Cống Hiến tâm huyết cho Hội AHKQ-BC, KQ Nguyễn Qúi Chấn đã góp phần tạo được những thành quả đáng kể sau 33 năm thành lập Hội là sự đoàn kết tin cậy giữa các hội viên và sự ra đời của Đặc San KQ Bắc Cali từ 1990 cho đến nay.

            Thông thường, các Hội KQ được thành lập với mục đích ái hữu tương trợ, vui buồn có nhau, mỗi năm một lần picnic mùa hè, mỗi hai năm một lần Không Gian Hội Ngộ, ngày Tết ngày Lễ họp mặt tiệc tùng, gây quỹ, phát học bỗng cho con em xuất sắc....Đại loại như vậy là đã mãn nguyện rồi!

            Rất ít Hội được thành lập để hoạt động sao cho “hy vọng và mộng ước được nuôi dưỡng” (10) (Diễn Văn Kỷ Niệm 30 Năm) với mục tiêu có ý nghĩa thiết thực lâu dài như Hội AHKQ Bắc Cali, mà KQ NQC là một trong những nhà thiết kế.

            Để kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội tháng 10/2008, KQ NQC được mời đọc diễn văn trong dip lể nầy. Theo thiển ý, BTC đã có lý do chính đáng để mời anh, vì họ tin rằng, KQ NQC “sẽ lắng nghe trái tim của anh để viết lên câu chuyện 30 năm của Hội”(10) , vì dù sao, giữa anh và Hội như chung một nhịp thở: “Vì là chuyện Không Quân, nên lẽ tất nhiên nó là một câu chuyện Tình: Một câu chuyện về Tình Đồng Đội, Tình Đồng Bào, Tình Người và Tình Quê Hương” (10).

            Bản thân KQ NQC và các chiến hữu cùng trang lứa, đã đáp lời sông núi, gia nhập QLVNCH, trong đó có Quân chủng Không Quân, trực diện với cuộc chiến giữ nước, đã nói lên Tình Quê Hương.

            Qua việc tương trợ, bảo lãnh, cứu trợ những đồng đội và đồng bào ở quê nhà cũng như trong các trại tị nạn, đã thể hiện Tình Đồng Đội và Tình Đồng Bào của Hội AHKQ-BC sau 04/1975. Nếu suy nghĩ cạn cùng, việc làm tuy mang tính tương trợ nhưng tiềm ẩn ý thức chính trị, có khác gì lời tố cáo trước dư luận thế giới là, tại sao người dân Việt Nam dưới chế độ cộng sản lại liều chết vượt biển vượt biên để đi tìm Tự Do cho sự sống?

            Còn Tình Người trong bài Diễn Văn, là: “trong vòng 3 tuần lễ, Hội AHKQ-BC đã quyên góp trên $11,000.00 để góp phần cứu giúp nạn nhân cơn bão Katrina tháng 8 năm 2005” (10).

            Đã nói chuyện tình, thì không ít người muốn tìm hiểu về “chuyện tình trai gái” của KQ NQC. Trên 70 năm qua, hầu như mọi bạn bè thân quen đều biết KQ Chấn vẫn cuki một mình. Anh là môn đệ của chủ nghĩa độc thân hay có điều gì bí ẩn khác? Hiện chưa có giải đoán nào được công chứng tại tòa kể những góp nhặt của chúng tôi sau đây.

            Trong thời gian tạm trú San Jose năm 1998 (6), bỗng một hôm, KQ NQC khoe với tôi tấm hình “cố nhân” của anh. Tôi còn nhớ “cố nhân” mặc áo dài, tóc “phi-dê”, gương mặt phúc hậu đoan trang, dáng người xinh tươi thanh tú. Tôi hỏi, bây giờ cố nhân ở đâu, thì được trả lời lâu quá không liên lạc nên không biết. Rồi cười hồn nhiên...

            Chúng tôi gặp KQ Châu Đức Tánh, cùng phi đoàn vận tải với KQ Chấn trước 1975, có hỏi, anh biết gì về con đường tình của NQC không, thì được trả lời là không biết gì, chỉ nhớ một lần vào năm 1972, hai người cùng bay qua Đài Bắc, tại đây có một ái nữ con của một quan chức VNCH gọi điện hỏi thăm, nhưng anh Chấn không muốn bắt phôn!

            Thật tình tôi không tin KQ NQC, người từng học trường “Đầm” mà lại phớt lờ lời thăm hỏi của “Đầm” như vậy. Chắc hẳn trong tim anh đã in sâu hình bóng và anh muốn một đời tôn thờ hình bóng đó mà thôi: “Trong trí nhớ tôi, Tam Đảo chỉ còn là rừng núi chìm trong sương mù. Lúc đó tôi còn quá nhỏ. Nhưng Đà Lạt, Đà Lạt của trên một nửa thế kỷ trước đây, vẫn còn làm trái tim tôi rung động mỗi khi nghĩ tới. Chẳng gì thì cũng tại Đà Lạt mà trái tim tôi đã biết rung động lần đầu tiên”(TAT, trang 216).

            Nhưng mới đây, chúng tôi lại tìm thấy “nàng” qua bài viết “Không Quân & Tôi, Những Năm Đầu” của tác giả Nguyễn Quí Chấn đăng trong ĐSKQ 06-2011, trang 111, như sau: “Chúng tôi không bỏ lở cơ hội để mỗi chiều phóng (vespa, lambretta, v.v...) về Sài Gòn với “Nàng”, với gia đình, với cuộc sống tấp nập của Sài Gòn ban đêm”.

            Có thể chàng đã bị tiếng sét (của nàng) đánh cho mê mẩn đời tại Đà Lạt, và khi chàng đã là phi công khu trục đóng tại phi trường Biên Hòa thì nàng về Sài Gòn để đi học hoặc đi làm...

            Sẽ là chuyện bình thường đối với bất kỳ một không quân nào, không chỉ có một cố nhân mà có thể có đến 2 hoặc thậm chí 3, 4, 5...cố nhân, một Đà Lạt một Sài Gòn một Cần Thơ một Nha Trang một Đà Nẵng...

            Nhưng sẽ là điều bất bình thường đối với KQ NQC. Vì sao? Soi rọi vào gương chung thủy của bố mẹ anh và nền giáo dục “ở trường các bà Mẹ” mà 4 chị em anh theo học (TAT, trang 230), đã gieo vào tâm trí cậu Quí Chấn từ ấu thời, lòng tôn trọng con người nói chung và tôn trọng phụ nữ nói riêng. Ghi nhận trên có thể giúp chúng tôi hiểu tại sao KQ NQC không muốn bắt phone người đẹp ở Đài Bắc.


            Năm Soi Gương Tìm Bóng – Hãy Mơ & Hãy Dám
            Khi Muốn Than Phiền về tâm tính khác thường của một người con khó dạy, các bậc phụ mẫu thường bảo, Cha Mẹ sinh con, Trời sinh tính để phủi tay về sự bất lực của mình. Nhưng ca dao ngạn ngữ cũng có những ý tưởng đề cập đến sự liên hệ giữa cha mẹ con cái rất...chí lý như: con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, mẹ nào con nấy, hổ phụ sinh hổ tử v.v...

            Áp dụng những ca dao ngạn ngữ trên vào trường hợp của cậu út Nguyễn Quí Chấn, thì chúng ta sẽ hiểu ngay ảnh hưởng của cha mẹ đối với cậu thật đáng kể: “Thời gian 4, 5 năm đó (1947-1951), chắc chắn bố mẹ tôi hoạt động rất nhiều về mặt xã hội. Như bố mẹ tôi cảm thấy cần phải làm cái gì để giúp đồng bào. Từ việc bảo lãnh đón tiếp những người “tản cư” trở về, rồi tổ chức “Quán Cơm Bình Dân”, rồi thành lập “Hội Bảo Trợ Phụ Nữ và Trẻ Em V.N, v.v...”.(TAT, trang 230).

            Phải chăng, những “mục tiêu” mà KQ NQC cố gắng thực hiện cho đồng bào và đồng đội trong 4 nhiệm kỳ Hội trưởng, là sự kế thừa nếp nhà? Chúng tôi tin như vậy vì khi đề cập đến những việc làm vì tình nghĩa đồng bào của bố mẹ, là anh viết với tất cả tấm lòng yêu thương tôn kính dạt dào, nhất là đối với mẹ anh.

            KQ Châu Đức Tánh lại có nhận xét: “…, đi bay chung một thời gian với nhiều người, tôi có nhận xét là đi bay với anh Chấn thú hơn là đi với nhiều người khác. Thí dụ như, những gì không hiểu trong “nghề”, hỏi, anh Chấn chỉ vẻ rất rõ ràng; đi bay đêm, anh chia giờ, hai người thay nhau lái và nghỉ rất công bình...Khoảng hơn năm sau, có dịp ghé nhà anh ấy chơi, tôi hơi ngạc nhiên là rất nhiều lần thấy anh ấy hỏi xin tiền bà Cụ, hoặc bà Cụ hỏi: “Chấn có cần tiền không Măng đưa?”...Thì ra, dù là “Quan Ba Tàu Bay”(?) nhưng mỗi tháng lãnh lương về, anh đều đưa hết cho Mẹ và khi cần thì lại xin...” (tanhchau@hotmail, August 31, 2010, Thư riêng).

            Mẹ là vô cùng tận.
            “Con vẫn nghĩ lòng con như tấc cỏ
            Sao sánh bằng tình Mẹ ngút tầng mây.” (Cung Trầm Tưởng)

            Với KQ NQC, nỗi niềm nầy còn sâu đâm đến tận ngàn sau: “Và nay, Lausanne, nơi an nghỉ của Mẹ tôi, và có lẽ của chúng tôi, những đứa con còn sống sót”. (TAT, trang 216).

            Bài học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày nào Trai thời Trung Hiếu làm đầu vẫn còn vang vọng trong trái tim và khối óc của chúng tôi. Chúng tôi đoan chắc rằng, hầu hết những người con hiếu kính với Cha Mẹ, sẽ là những chinh nhân sắt son một dạ với quốc gia dân tộc.

            Cha là con út một gia đình nho giáo thanh bạch, học giỏi, được học bổng từ tiểu học đến đại học, rụt rè nhút nhát. Mẹ là một thiếu nữ trẻ đẹp, “tân thời”, “Tây học”, con một chủ đồn điền giàu sang, tự tin cởi mở và xông xáo. Cả hai ông bà thường binh vực cho những người bị cô thế, kể cả người Pháp lúc bấy giờ. (TAT, trang 217). Máu cha huyết mẹ đã hun đúc nên cá tính KQ NQC: thanh bạch học giỏi, thương người, cởi mở và tự tin.

            Xét cho cùng, KQ NQC cũng là con người, cũng thất tình lục dục như ai: “Một kỷ niệm đặc biệt giữa hai chúng tôi là Marcel đã giới thiệu tôi với mối tình đầu của tôi...Mà mối tình đầu bao giờ cũng tuyệt vời lãng mạn...bao giờ cũng không thành. Vì không thành nên khó quên”. (ĐSKQ 04-2002. Dĩ Vãng Tìm Về, NQC).

            Cái khó quên và bị dày dò đến mãn kiếp vẫn là...trách nhiệm không thành của một công dân đối với Tổ Quốc. Trong diễn văn đọc trong Đêm Không Gian Giả Từ Thế Kỷ tháng 10 năm 1999, KQ NQC đã can đảm nhìn thẳng vào sự nghiệp không thành của thế hệ của anh (và của chúng ta) là: “(...) Chúng tôi có lỗi với tổ tiên và các thế hệ đàn anh và có lỗi với các thế hệ đàn em (…). Dù mang mặc cảm u buồn nơi đất khách, nhưng vẫn nuôi hy vọng trong lòng: “Hy vọng một ngày rất gần, trong đầu thiên niên kỷ mới, đàn chim Việt từ muôn phương lại sát cánh bay về quê hương VN yêu dấu” (ĐSKQ 02-2000. Diễn Văn/ ĐKG/GTTK, KQ NQC, trang 241)


            Nhưng còn một điều bao la hơn, vô tận hơn mà một đời phi công Nguyễn Quí Chấn sẽ không bao giờ quên là, Tình Đất Nước, Nghĩa Đồng Bào. Đang là giáo sư, anh quyết định gia nhập không quân. Theo tôi, đã in sâu trong tâm trí thuở ấu thời của anh, ngoài hình ảnh chiếc phi cơ còn có cả bản chất tàn bạo của Việt Minh cộng sản. Và đó cũng là lý do thôi thúc anh gia nhập không quân để đáp lời sông núi trước kia và tiếp tục chia xẻ với đồng đội đồng bào sau tháng 4/1975, dù cả gia đình anh đều vượt thoát khỏi chế độ hung hiểm.

            Chúng tôi như thấy bóng dáng của Cánh Chim Tự Do Nguyễn Quí Chấn qua Tình Nghĩa cao cả nêu trên: “Trong đời thành bại là phù du, công danh, sự nghiệp, của cải và ngay cả tình yêu cũng còn có thể bị mất hoặc bị cướp đi – ít nhất theo tôi nghĩ – nhưng sẽ mãi mãi trong tôi, niềm hãnh diện là Phi Công của Tổ Quốc Việt Nam!”(ĐSKQ-BC 06-2011. Không Quân Và Tôi, Những Năm Đầu..., NQC)

            Thư Không Niêm
            Trân Trọng Kính Mời
            Quý Niên Trưởng, Quý Chiến hữu và Quý Thân hữu,


            Qua hồi ký “Không Quân và Tôi, Những Năm Đầu...”, khi nhắc đến thời gian chờ đợi lệnh bổ nhiệm về các Phi Đoàn Khu Trục gần Sàigon, KQ Nguyễn Quí Chấn hình thành một quan niệm sống là, Hãy Mơ và Hãy Dám.

            Chúng tôi tâm đắc với suy nghĩ nầy và muốn áp dụng vào cuộc sống tị nạn bằng cách sẽ đứng ra tổ chức Mừng Lể Sinh Nhật thứ 100 cho KQ NQC vào tháng 10 năm 2039 tại San Jose, Bắc California USA.

            Buổi lể chọn tháng 10 để phù hợp với Đêm Không Gian Hội Ngộ (KGHN) truyền thống của Hội, ngoài ra, cũng sẽ là dịp kỷ niệm 49 năm ngày ra mắt Đặc San Không Quân Bắc Cali 10/1990 - 10/2039.

            Ngày cử hành lể Đại Thọ dự định trước ngày KGHN, để có nhiều chiến hữu từ xa về tham dự cho đông vui.

            Vì là một Tiệc Sinh Nhật của một phi công của Tổ Quốc Việt Nam, ngoài nghi lễ chào cờ mặc niệm, bài Không Quân Việt Nam Hành Khúc sẽ được khuyến khích hợp ca trong dịp hiếm hoi nầy.

            BTC sẽ chào mừng tất cả quan khách tham dự, các KQ từng du hành yểm trợ LAVAS và các vị Chủ Bút ĐSKQ cùng các phu nhân của Hội, đặc biệt là thế hệ con cháu của quý vị.

            Sẽ không có diễn văn rườm rà, nhưng BTC khuyến khích thế hệ thứ hai trình bày những thành tựu ý nghĩa trong cuộc sống tị nạn như công cuộc vận động Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền cho Việt Nam, phục hồi Danh Dự cho QLVNCH...

            BTC cũng xin đề nghị quý quan khách và KQ Nguyễn Quí Chấn cùng thảo luận để tìm ra những mục tiêu mới cho Việt Nam chung quanh học thuyết “Hãy Mơ và Hãy Dám”.

            Thân kính mời quý Niên trưởng, quý Chiến hữu và quý Thân hữu từng quý mến KQ NQC cũng như KQ NQC hằng quý mến quý vị, vui lòng sắp xếp thời giờ để chuẩn bị tham dự Lể Đại Thọ.

            Đề nghị ghi tên bây giờ, “đừng đợi ngày mai, ôi muộn màng làm sao...” (11)

            Chúng tôi sẽ công bố những thay đổi nếu có. Còn bây giờ, xin ghi danh tham dự tại:

            Bắc Đẩu võ ý
            Corona, CA, Chớm Thu 2011,

            Chú Thích:

            (*) Xin đọc những bài viết của KQ NQC như: Tuổi Ấu Thơ (Không Quân Ngoại Truyện, Mùa Thu 2003); Dĩ Vãng Tìm Về (ĐSKQ 04-2002); Qua Cơn Mê Đoạn Đường Còn Lai (ĐSKQ 07-1999); Không Quân Và Tôi, Những Năm Đầu...(ĐSKQ 06-2011); và các Thư Hội Trưởng được trích trong ĐSKQ trong 4 nhiệm kỳ Hội Trưởng của KQ Nguyễn Quí Chấn.

            (1) Tôi nhận vé khư hồi Saint Louis-San Jose-Saint Louis từ KQ NQC, Hội trưởng Hội AHKQ-BC gởi để mời tham dự Đại Hội KQ Hải Ngoại 10/1992.
            “...biết vc họ đa nghi như thế nào, biết luật lệ bên đó rừng như thế nào, tôi nghĩ anh phải can đảm đến mức liều lĩnh để nhận làm công việc đó ngay trong lòng đất địch. (tức là việc chuyển tiền của Nhom Không Gian Thân Tình ở Cali để giúp đở cac KQ tại Saigon va phụ cận, voy). Cho nên trong dịp tổ chức Đại Hội Không Quân ở San Jose, Cali năm 1992, tôi đã quyết định mời anh về tham dự và cho anh em biết vế tình hình về phương diện xã hội, cứu trợ anh em KQ ở Việt Nam. Tôi nghĩ không ai “nắm” vấn đề rõ hơn anh....”
            (Thư riêng, NQC , Oct 04, 2010)

            (2) Mục tiêu chung là tranh đấu cho một Viêt Nam Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền Đa Nguyên Đa Đảng

            (3) LAVAS = Legal Assistant for Vietnamese Asylum Seekers, tức Chương Trình Hổ Trợ Pháp Lý cho Thuyền Nhân Việt Nam.
            “...Theo sự hiểu biết giới hạn của tôi (NQC trả lời phỏng vấn) LAVAS là một hôi tư nhân tinh nguyện do các đoàn thể và các cá nhân người Việt Nam tại Canada, Mỹ va Âu châu đứng ra thành lập để giúp đở hay tranh đấu cho đồng bào tị nạn Việt Nam đang còn trong trại tị nạn trên phương diện pháp lý. Trong thời gian qua, hội đã âm thầm làm việc và đã thành công trong việc chuyển 80 hồ sơ của người Việt tị nạn bị rớt thanh lọc được cứu xét lại....chúng tôi thấy LAVAS làm được việc nên chúng tôi yểm trợ họ...”
            “...ít nhất một năm phải là 8 ngàn thì mới đủ chi phí cho một luật sư của LAVAS không lấy tiền thù lao, họ tình nguyện hoàn toàn”.
            (ĐSKQ, 06-2004. Nghĩ Về Một Chuyến Đi, Trường Sơn Lê Xuân Nhị, trang 96, 97)

            “....Đường lối của Hội trưởng và BCH tiền nhiệm là Không Bỏ Anh Em Không Bỏ Bạn Bè. Với cach làm nầy, chúng ta đã yểm trợ LAVAS hoạt động với kết quả khích lệ là trong thời gian qua đã có một số anh em cựu quân nhân, dù bị rớt thanh lọc ở các trại tỵ nạn Đông Nam Á, đã được cứu xét lại và đã định cư ở quốc gia thứ ba”.
            (ĐSKQ 06-1994, Lá Thư Hội Trưởng, H T Nguyễn Quý An, trang 04)

            (4) Bốn KQ tình nguyện chuyến du thuyết LAVAS là các KQ: Nguyễn Quí Chấn, Dương Hồng Phúc, Nguyễn Bảy & Vũ Từ Hanh. Họ đã đóng cửa hãng xưởng (Nguyễn Bảy), xin nghỉ phép và bỏ tiền túi ra chi phí cho chuyến đi nầy.

            Cac thanh phố ghé qua: Santa Ana, San Diego (CA), Phoenix (AZ), Houston (TX), Oklahoma (OK), New Orleans (LS), Orlando (FL), Charlotte (N. Carolina) Atlanta (GA), Washington DC, Saint Louis, (MO), Denver, (Colorado), Seattle (WA), Porland (Oregan), San Jose (CA).

            (5) ĐSKQ 09-1994 - Không Quân Nguyễn Quý An, Tác giả KQ Tạ Thượng Tứ, trang125.

            (6) Năm 1998, tôi nhận job tại Hayward, bắc San Jose, và tạm trú lâu dài tại lâu đài do KQ Nguyễn Quí Chân thuê vừa để ở, vừa đặt trụ sở BCH Hội AHKQ, vừa làm Tòa Soạn ĐSKQ.

            (7)ĐSKQ 07-1999 tái phát hành sau 5 năm đình chỉ. “ĐS phát hành số đầu tiên vào tháng 10 năm 1990, 800 cuốn. Những năm kế tiếp, phát hành 4 lần/năm, 1000 cuốn. Tạm ngưng phát hành năm 1994. Tái phát hành tháng 7 năm 1999. Tháng 01/2006, in 1200 cuốn. Ngoài San Jose và Miền Bắc Cali, ĐS được gởi tới độc giả Hoa Thịnh Đốn và 36 Tiểu bang Hoa Kỳ cùng 6 quốc gia trên thế giới như Canada, Úc, Pháp, Đức, Na-Uy và Thụy-Sĩ. Đặc biệt là ĐS đã đến tay các chiến hữu đồng bào thuyền nhân trong các trại tị nạn vào thập niên 90”. (ĐSKQ 07-1999 & 04-2006)

            (8) Những Tác giả đóng góp bài vở nói lên Sự Thật về sự hy sinh chiến đấu của QLVNCH, được trích dẫn qua các DSKQ trong nhiệm kỳ Hội trưởng của KQ NQC:
            @ĐSKQ 07/2004:
            KQ Nguyễn Gia Tiến: Giới Trẻ Hải Ngoại và Cuộc Chiến Việt Nam. The Vietnam War: A History To Be Rewritten.
            @ĐSKQ 01/2005
            KQ Trần Đỗ Cung (Robert C. Trando): The Saga of a Vietnamese Immigrant.
            Đại Tá Phạm Bá Hoa: Đôi Giòng Ghi Nhớ.
            @Đ9SKQ 03/2005
            Keith W. Taylor: How I Began To Teach About The Vietnam War
            Ô Hoàng Đức Nhả, Cựu Tổng Trưởng Thông Tin Chiêu Hồi: Có Bạn Như Vậy, Ai Cần Kẻ Thù.
            Đại Tá Phạm Bá Hoa: Đôi Giòng Ghi Nhớ.
            CSCH Mai Hữu Dzị: Tôi Theo Chuyến Bay Bắc Phạt
            @ĐSKQ 06/2005
            Dr Lewis Sorley: Remembering Vietnam.
            Đại Tá Phạm Bá Hoa: Đôi Giòng Ghi Nhớ.
            KQ Thái Ngùng: Tinh Long 7.
            Bác Sĩ KQ Nguyễn Gia Tiến: Bổn Phận Phải Nhớ.
            @ĐSKQ 09/2005
            Đại Tá Phạm Bá Hoa: Trận Chiến Dựng Lại Cờ Vàng
            KQ Trần Bá Hợi: Realpolitic & Vietnamese War
            KQ Hàn Phú: 30/04 Một Vài Hồi Tưởng
            Thiên Lôi Ngô Đức Cửu: Chuyện 30 Năm Về Trước
            @ĐSKQ 04/2006
            KQ Nguyễn Gia Tiến: Tự Do Phải Mua Phải Có.
            KQ Hà Minh Đức: Trầm Tĩnh Bay Vào Lữa Đạn

            (9) A Sense of Duty, My Father, My American Journey. Quang X. Pham
            Category: History – United States - 20th Century; History – Military – Vietnam War; Biography & Autobiography
            Imprint: Ballantine Books (Random House)
            Format: Hardcover, 340 pages
            Pub Date: April 2005
            Price: $24.95
            ISBN: 0891418733
            Visit the author's website at www.asenseofduty.com (DSKQ 01-2005)

            (10) trích vài ý chính trong “Diễn Văn Kỷ Niệm 30 Năm Thành Lập Hội AHKQ-BC” của KQ NQC (10/1978-10/2008). Diễn văn không phổ biến.

            (11) Ý trong bài hát “Nếu Có Yêu Tôi” của Trần Duy Dức & Ngô Tịnh Yên.

            Comment



            Hội Quán Phi Dũng ©
            Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




            website hit counter

            Working...
            X