Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Từ Tự Do đến Tình Đời !!!

Collapse
X

Từ Tự Do đến Tình Đời !!!

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Từ Tự Do đến Tình Đời !!!

    ab. Tong thong 2 NGODINHDIEM.jpg

    1

    Từ Tự Do đến Tình Đời



    Đà Lạt. Thành phố mệnh danh là quê hương tình ái, nơi trai tài gái sắc lý tưởng hẹn hò. Thành phố ấy thơ mộng không kém phần thi vị lãng mạn cho bao cặp tình đắm đuối yêu nhau. Họ thích che chung một chiếc dù, dìu nhau đi thật chậm trên những con đường mòn vòng vèo vắng ngắt, quanh co uốn khúc cao thấp nhấp nhô như những lượn sóng. Đà Lạt muôn thuở trầm lắng nghe tiếng thơ trữ tình thì thầm thở khúc nhạc du dương trong suối mộng hồ mơ. Bên thác nước đỗ muôn trùng diệu vợi trôi lờ lững về nơi xa xăm. Bao gốc thông tuy già cỗi vẫn xanh ngắt ngút ngàn bốn mùa nhã nhạc reo vi vu, nhiều cành lá xôn xao gọi mời. Nơi có những luống hoa muôn màu rực rỡ, nhiều hoa dại, bụi sim rừng tim tím, cùng muôn thú và bầy sơn ca lả lướt tự do hoà ái uyển chuyển tấu khúc nghê thường.
    Đà Lạt tĩnh mịch quyến rũ đầy vinh sang với xe nhà bóng loáng lượn trên lưng đèo, có nhiều ngôi biệt thự xinh xinh thấp thoáng, ẩn hiện dưới bao đồi thông giao nhánh reo vui trong gió rì rào. Có những cỗ xe ngựa lóc cóc gõ nhip trên đường mỗi sáng trưa khuya chiều êm ả. Thành phố ấy chìm trong giếng mắt u hoài vẫy gọi tôi muốn quay về cùng với giấc mộng quan hoài. Nơi mẹ từng à ơi ru con từ chiếc nôi đời hồng hoang trinh nguyên, đong đưa muôn sợi nhớ, nghìn luyến thương gợn sóng lăn tăn dồn dập canh cánh bên lòng, dập dìu ríu rít níu con tìm về chốn cũ. Nơi ấp ủ một đời thúc giục đôi chân hải hồ tôi dừng bước bên thềm hoang sơ (dù tất cả những tiếng nhạc du dương từ tình yêu năm xưa, giờ chỉ rớt lại cái quá khứ còn nóng bỏng, nghẹn ngào, ngậm ngùi đầy chua xót).
    Ngày thứ Bảy, từ 26-10-1963 đến ngày thứ Hai, người dân thị xã Đà Lạt và ở trong nước hân hoan vui mừng, nô nức khánh thành Trung Tâm Nguyên Tử Lực Cuộc Đà Lạt. Rất đông đủ quan khách hiện diện. Đặc biệt nhất là có Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ông Bửu Hội. Đại Sứ Henry Cabot Lodge và các hàng Tổng Bộ Trưởng, đã quy tụ về Đà Lạt để tưng bừng khai hội. Ấy thế mà chỉ cùng giao thời nầy: thì tình hình chính trị sục sôi kỳ lạ. Nhiều vụ xuống đường rầm rộ đó đây. Những người cầm đầu cuộc cách mạng kêu gọi người khác vùng dậy đứng lên đập tan cuộc sống cũ. Họ dũng cảm muốn dành lại tự do no ấm cho con người thôi! Từ khoảng mùa mưa năm 1963 thượng tọa Thích Quãng Đức lên giàn tự thiêu giữa ngã tư Phan Đình Phùng và Lê văn Duyệt, đòi hỏi tự do tôn giáo. Thật tuyệt vời! Rồi bao nhiêu bàn thờ tiên sinh, ông bà, cha mẹ: do con cháu rầm rộ dọn ra ngoài đường. Sinh viên học sinh và một số dân cư xông xáo xuống đường biểu tình đòi tự do tín ngưỡng. Tự do báo chí. Tự do ngôn luận. Tự do đi lại suốt. Họ đã và đang làm một cuộc cách mạng như Littré nói: - “Cách mạng là gạch nối giữa trật tự cũ tan rã, và trật tự mới được dựng lên bằng những vết máu, thay vết son”.
    Cuộc cách mạng đảo chánh “gia đình trị” đưa quan niệm tự do hạnh phúc đi sâu vào lòng người dân. Chính nghĩa vong yểu như xứ sở thân yêu từng mang dấu tích hùng sử ca diễn ra ác liệt tại thủ đô Sài Gòn, bị lên án gắt gao, bị tiêu diệt, đã xoá nhoà dấu vết cũ dưới rừng cờ hoa phất phới tung bay trong nền trời xanh bao la, để chào mừng ngày đại thắng. Trước cửa ngỏ cuộc chiến mới, người ta say sưa hoan ca men chiến thắng túy lúy với nhau. Họ háo hức kể cho nhau nhiều tin thổi phồng rất giựt gân. Đồng thời đồn đại những tin huyễn hoặc thất thiệt. Dù chỉ hàng tít nho nhỏ chạy trên nhật báo, cũng khiến người dân giật nẫy mình, hoang mang, kích động tính, hăng say nổi máu anh hùng lên. Người ta nức lòng mong chờ từng giây phút hoà bình tự do đến, nơi mà các vị tiền bối cha ông chúng ta đã dày công dựng xây, đã làm, vẫn được thực thi. Dẫu rằng có ảnh hưởng sâu sắc ít nhiều đến cư dân thị thành, cùng tất cả dân quê trên toàn lãnh thổ Việt Nam thăng trầm qua bao thế kỷ.
    Đúng là Ý Trời! Nền Đệ Nhất Cộng Hoà Việt Nam hoàn toàn sụp đỗ rồi đó! Giấc mộng cũ, chế độ cũ cùng chiến tranh tàn khốc đã từng theo đóm ăn tàn, mang bạn bè người thân ông bà chú bác anh em ra đi biền biệt, gieo đau thương tang tóc khổ sầu cho hàng ngàn gia đình vừa cáo chung. Tôi chua xót nghĩ thầm: {Tôi thấy mặt trời mặt trăng, chưa hẳn là mắt sáng. Tôi thấy sóng vỗ, gió gào rền vang đó đây; chưa hẳn tôi đã thấu hiểu hết mọi điều. “Các ông” có thể chế ngự đời sống của tôi bằng mọi hình thức, nhưng không thể khống chế sự tự do trong tư tưởng của tôi. Dù các ông có đi đêm với ai thành công. Đi với Tàu. Với Tây. Với Mỹ hay với Ta. Thì có lẽ đất nước nầy cũng thất bại. Vì hàng rào Ấp Chiến Lược (Strategic Hamlets) đắc sách kiên cố kia: thừa nước đục thả câu, bị nhổ phăng đi, nay bị sụp. Không thể sàng lọc trắng đen ra môn ra khoai - Thì tiêu tùng cả đời nhà họ “Mạt” ấy chứ chả chơi!} Thiện tai!
    “Ông” đắc thắng nào (lên thay thế “ông” chiến bại), cũng vỗ ngực tự hào ta là nhất. Rồi căn cứ vào điều luật cũ, tái lập điều chỉnh nên dự luật mới. Có khi sáng tạo, thêm bớt, sửa đổi, vá víu lại cho hợp tình hợp lý với thời cuộc. Như người cỡi con lừa tay cầm cây roi, có bó cỏ khô với củ cà rốt móc lủng lẳng ở trước càng xe. Họ đang quay lưng về phía trước, một tay túm lấy đuôi lừa. Họ ung dung nhìn lại nơi đã toàn thắng mỹ mãn vừa đi qua. Chả cần chung vai đấu cật, góp sức an hoà, đoàn kết vạch định tương lai sẽ cam go, hay cùng nhìn về một hướng phải đưa dân tộc đến. Nếu họ chịu khó nhìn về dĩ vãng để cùng nhau hướng tới tương lai: xây dựng một quốc gia hùng mạnh, thì quá tốt. Họ sẽ cai trị muôn dân như Đường Minh Hoàng vương quốc đời Tần. Hay sẽ như Thiers lãnh tụ Cộng Hoà Pháp đàn áp đẫm máu Công Xã Paris? Nào ai biết được ngày mai sẽ ra sao? Còn con lừa già thì cứ gồnh mình lên ra sức cố lôi chiếc xe thổ mộ cọc cạch, nó mở to đôi mắt bò trợn trừng mà lết tới trước, nó chỉ mong ước và hy vọng “tợp” được bó cỏ hay củ cà rốt, ăn đỡ lòng.
    Tôi rất ghét và thù chiến tranh hay chuyện “chính chị chính em”, xin cúi đầu an phận làm phó thường dân nam bộ thấp hèn. Tôi cũng không bao giờ dám mơ tưởng mình sẽ là một người đẹp nổi tiếng viết văn, làm thơ. Càng không bao giờ tôi dám tự hào mình sẽ cầm cây bút chiến: để viết văn nghị luận hùng biện hay ho. Chữ đẹp tốt, văn thơ giỏi mà làm chi!? (mặc dù chữ viết cuả tôi khá đẹp). Tôi muốn thực tế ghi lại những điều quá thật: càng không vì thù giận ai, không chỉ trích, không bon chen, không a dua lừa dối ai. Chỉ vì cuộc sống ấy có phần gián tiếp ảnh hưởng sâu sắc đến số phận riêng mình, vì những sự kiện thật, khiến tôi đau lòng khổ sở không ít. Tôi rất đồng ý: quân tử trọng danh khinh tử, thì họ và các ông không cùng quan điểm là lẽ thường. Thân cây thông tuy cứng cáp chắc chắn và tròn trịa, thẳng đứng, nhưng khi ta róc hết vỏ, trau chuốt, bào láng coi thật đẹp, mà chỉ có ba cây thông chôn ở ba góc, thì không thể chống nỗi một mái nhà. Trong gia đình cũng thế, nếu cha muốn làm gì, đi đâu, là quyền tự do của cha, rất có thể các con không ai cản. Phần con, nếu cha thấy con có chỗ nào không tốt, là có thể chứng minh một phần cha giáo dục con có chỗ sai. Đời người như một ván cờ lớn, chưa biết sự lựa chọn đặt để của cha và con đúng hay sai. Thì cũng ví như căn nhà ấy có hai cửa sổ xoay nhìn về hai hướng: Hướng đông và hướng tây. Đứng ở cửa sổ nhìn về hướng tây: con thấy vườn hoa dưới ráng hoàng hôn bảng lảng rất đẹp. Còn nơi ô cửa kia khi mở rộng ra, chưa chắc hợp với suy tư và nhãn quan mình.
    Vậy thì phạm trù cách mạng riêng đối với tôi, nào có ích gì! Phe chế độ cũ có sụm bà chè. Phe cách mạng mới có “phừng phưng” đứng lên - Có quật khởi. Trường tồn. Tiêu vong; thật chả là gì khi đa số dân chúng vẫn chạy ăn từng bữa một. Mồ hôi và nước mắt chan hoà trên bát cơm, biết bao khuôn mặt hãi hùng âu lo thời tao loạn. -Chiến tranh, chết chóc, đau khổ và cơm áo- Những thứ nầy cứ quyện chặt vào nhau, thì lấy đâu ra có ngày giờ nghĩ đến việc hó hé chống đối ai kia chớ! Chiếc cầu vồng bảy sắc sinh động nối mạch tình quyến luyến giữa con người và con người, mà tôi thân thiết gọi là “lòng nhân ái đùm bọc chí tình yêu thương nhau xiết đỗi” – đã nhạt phai trong tôi ít nhiều. Không còn đậm đà như những năm tôi sống trong vùng khói lửa chiến tranh liên miên, từ: Quảng Trị. Mộ Đức. Minh Long. A Sao. A Lưới. Sa Huỳnh. Tà Biên... nữa rồi. Do đã từng chứng kiến cảnh chiến tranh đau thương vô vàn để lại trong đời. Cảnh người dân chất phác nghèo khó và người lính vô tội vì quê hương và dân tộc, họ phải chết bờ chết bụi thảm thiết vùi nông một nấm mộ vội vã bên đường. Cảnh con người ốm đau bệnh tật lê lết không thang thuốc đầy nhóc ở xó xỉnh mấy thôn làng hẻo lánh, họ cố kéo lết cuộc đời thấp hèn, đớn nghèo luôn bám riết sau lũy tre xanh quê hương. Tôi đã biết thế nào là lễ độ, khi mặt trời ở phương đông vẫn hào phóng tỏa những vầng hào quang tuông chảy xuống vạn vật, lóng lánh trên những tàng cây xanh um bóng mát, tạo thành những dòng sáng lung linh rực rỡ trường tồn miên viễn rạng ngời. Trái lại, trong tôi bùng lên cuộc tình buồn kèm theo nỗi hận căm cuộc chiến đấu mưu cầu cho tự do! Dù rằng đối với tôi tự do vẫn tuyệt vời thoải mái hơn tù tội, gò bó, o ép... Hoà bình vẫn sung sướng trân quý hơn chiến tranh. Chiến tranh đem lại giết hại, thù hận huynh đệ tương tàn điên cuồng, tàn ác thẳng tay chém giết lẫn nhau. Vết xe cũ đã lăn và đang lăn trên con đường gian khó. Khiến lòng ta thêm đau đớn xót xa hơn.
    Tự do! Hai tiếng nầy vang lên nghe dạt dào quyến rũ, thân thương, truyền cảm, trìu mến, bao dung, ngọt ngào, thú vị, hay hay, lý tưởng, hoài bão, dấn thân, tha thiết mời gọi thế nào ấy! Vai trò “Cách mạng, đảo chánh” hay đỉnh đạt hơn: “Dành lại quyền tự do thống trị” không hàm hậu ý chế nhạo ai, nghĩa là chung vai góp sức làm sao cho đời sống cũ tốt đẹp hơn, ngỏ hầu nâng cao con người cùng khổ lên cao, họ sẽ có cuộc sống ấm no và hạnh phúc, mong cho đất nước mau thoát ra cảnh chiến tranh tương tàn, vì chiến tranh luôn đè nặng lên lương dân vô tội. Tự do rất trân quý và đầy kính trọng, ngưỡng phục.
    Chuyện tình đời và hai chữ tự do ấy đã quá xưa, cũ rích như trái đất rồi. Tôi và có thể hầu hết mọi người Việt Nam thân thương đều thiết tha bao dung và độ lượng; khi định nghĩa tổng quát về danh ngữ hay tính ngữ “Tự Do”: Đó là phạm trù triết học, biểu hiện một quy luật nhịp nhàng, có tự do trong quy định trật tự, ôn nhu, tiết độ vững bền của một quốc gia. Sự phát sinh tự do qua lập trường, hoài bão, suy tư, ý chí, hành động của con người và xã hội, nhân quần. Tôn trọng các quyền phát huy tự do cụ thể rất căn bản (nghĩa là không bị cấm đoán, cưỡng ép, hay bị ràng buộc khắt khe bởi: những quy chế độc tài: hiến pháp, lập pháp, luật pháp, tư pháp, hành pháp gắt gao; nói chung chung). Tự do -nhưng phải tôn trọng quyền công dân trong một quốc gia có căn bản rất trật tự, có đạo đức mềm dẽo tiết chế ôn nhu, phải hành xử chính xác và hợp lý. Không được thoát ra ngoài cương lĩnh và cương vị cuả một quốc gia độc lập. Thế thôi.


    _ * _


    tìnhhoàihương
    Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau:
    Nói về ngày Tổng Thống Ngô Đình Diệm & bào đệ bị mưu sát.
    Trân trọng
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X