Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Dòng nhạc Cung Tiến

Collapse
X

Dòng nhạc Cung Tiến

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Dòng nhạc Cung Tiến








    Sinh tiền, Vũ Hoàng Chương là thầy dạy Việt văn của Cung Tiến. Ông sinh năm 1916, trước người nhạc sĩ tên tuổi này 22 năm. Nhưng với thói quen khoáng đạt của một nhà thơ, ông không hề câu nệ, vẫn coi Cung Tiến như người bạn vong niên hơn là một đứa học trò.

    Có lần ông nói đùa. Rằng Cung Tiến phổ thơ biết bao người mà chưa từng phổ thơ Vũ Hoàng Chương! Cung Tiến không quên điều ấy nhưng biến cố 1975 đã ụp trên cả nước và người nhạc sĩ thì lưu vong ra ngoài, còn nhà thơ kẹt lại ở bên trong với những Mai Thảo, Phạm Ðình Chương, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Xuân Ninh, Phan Lạc Phúc, v.v....

    Trong nỗi bi phẫn về cảnh bạn bè tán lạc, Vũ Hoàng Chương đã cảm dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu, rồi nhờ bạn bè chuyển được ra ngoài, đến tay Cung Tiến khi ấy còn ở Canberra bên Úc... Thôi Hiệu là nhà thơ khét tiếng thời Thịnh Ðường vào đầu thế kỷ thứ tám. Bài thơ của ông khiến một người như Lý Bạch còn nghẹn lời không dám viết về lầu Hoàng Hạc nữa và được Kim Thánh Thán ngợi ca là “bút pháp tuyệt kỳ, tác phẩm đệ nhất cổ kim trong thơ Luật”.

    Ðấy cũng là bài được người mình dịch sang Việt ngữ nhiều nhất. Có người đếm ra hơn bốn trăm bản dịch khác nhau, từ Tản Ðà, Ngô Tất Tố đến Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Nguyễn Ðức Hiển, v.v... Với Cung Tiến và nhiều bằng hữu thì bài cảm dịch của Vũ Hoàng Chương là một sự tuyệt mỹ vì tâm cảnh mọi người vào lúc đó..

    Từ bên ngoài, nhận được bản dịch, Cung Tiến nhớ thầy, nhớ bạn và nhớ lại cung cảnh xa xưa nên đã xuất thần phổ nhạc rất nhanh và tìm cách gửi về ngay năm sau. Nhưng không kịp nữa. Vũ Hoàng Chương bị cầm tù và bị kiệt sức mới được thả ra và tạ thế sau đó năm ngày nên không bao giờ được nghe ca khúc này. Bây giờ nhớ lại thì xin ghi bài cảm dịch của ông để chúng ta khỏi quên và cùng thưởng thức:

    “Xưa hạc vàng bay vút bóng người
    Ðây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
    Vàng tung cánh hạc đi đi mãi
    Trắng một màu mây vạn vạn đời
    Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
    Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
    Gần xa chiều xuống nào quê quán
    Ðừng giục cơn sầu nữa, sóng ơi...”


    Khi còn sống, ông Nguyễn Ðức Hiển tại Houston Texas cho rằng bản dịch Vũ Hoàng Chương “còn hay hơn nguyên bản, mà nguyên bản vốn đã hay tót vời”. Ông Hiển có thể nói không ngoa vì bản thân đã dịch đi dịch lại mười mấy lần bài thơ của Thôi Hiệu! Ông còn dụng công so sánh hai câu thực của nguyên bản, gồm sáu thanh trắc liên tiếp:

    “Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
    Bạch vân thiên tải không du du”


    Với câu “thực” do Vũ Hoàng Chương để lại mà ông cho là ảo diệu hơn:

    “Vàng tung cánh hạc đi đi mãi
    Trắng một màu mây vạn vạn đời...”


    Khi đọc lại, làm sao mình không ngậm ngùi với những chữ tuyệt diệu như “vút” bóng người, hay chút “thơm” rơi...? Và câu kết, “Ðừng giục cơn sầu nữa, sóng ơi!”, nghe thê thiết hơn vần lục bát của Tản Ðà:

    “Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
    Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!”


    Cung Tiến đưa Hoàng Hạc Lâu vào nhạc với phần hòa âm soạn cho dương cầm và viết trên cung Ré giáng Trưởng, nhịp 4/4 chậm rãi tha thiết - andantino - và ý nhị. Piano mở đầu bằng hai ô nhịp, hai mesures, viết lối Arpège chùm hai nốt, thánh thót, êm đềm. Rồi lời ca cất lên bồi hồi day dứt như một truyện kể, mà dùng phép tả cảnh để tả tình:

    “Xưa hạc vàng bay vút bóng người...
    Ðây lầu Hoàng Hạc chút (ứ ư ) thơm rơi...”


    Ðàn piano lại rải, nghe như tiếng chim hót, và cứ thế ca khúc dẫn người nghe vào một bức tranh cổ, với cánh hạc vàng ẩn hiện sau vầng mây bạc có nắng chiếu, có cây bến Hán Dương u buồn và cỏ bờ Anh Vũ vắng vẻ, chẳng còn ai chơi...
    Ðoạn nhạc chuyển tiếp nỉ non đan lượn những ngậm ngùi rồi chợt mở ra tâm sự kẻ tư hương, nhớ quê, nhớ bạn...

    “Gần xa chiều xuống nào quê quán
    Ðừng giục cơn sầu nữa (ư ứ), sóng (à à) ơi...”


    Rồi đàn lại buông arpège hai nốt nhẹ nhàng, lãng đãng chìm khuất, mơ hồ như cánh hạc vàng tan trong khói sóng...
    Toàn bài, Cung Tiến dùng âm giai ngũ cung đầy chất Ðông phương với nét nhạc thanh thản, nhuốm vẻ Lão Trang và phảng phất giai điệu Claude Debussy trong bài “Clair de Lune”. Cung Tiến rất chuộng Debussy khi nhạc sĩ người Pháp này khám phá nhạc Á Ðông vào đầu thế kỷ trước. Debussy cũng dùng hợp âm ngũ cung và cũng lấy “Arpège” rải tay trái và đưa ra một hợp âm lạ tai mà hài hòa êm ái.....

    Bài “Hoàng Hạc Lâu” là viên ngọc quý của thơ Ðường. Bản dịch Vũ Hoàng Chương là bài chuyển ngữ mang tâm sự của một thi hào trong hoàn cảnh bi đát của đất nước. Ca khúc Cung Tiến là sự kết hợp lạ kỳ của tình cảm và nhạc thuật để nối liền ngần ấy nét đẹp của thơ, của nhạc. Ðiều hơi tiếc là ít người biết hoặc trình bày ca khúc trác tuyệt này để đời sau còn nhớ Vũ Hoàng Chương và dòng nhạc quý phái của miền Nam chúng ta khi mình đã mất hết...

    Lần cuối mà miền Nam tự do có buổi sinh hoạt để vinh danh Vũ Hoàng Chương là vào Tháng Ba năm 1975, tại phòng trà của Khánh Ly, do Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền tổ chức. Ðã 35 năm tròn rồi. Sau đó là cảnh chia ly tan tác. “Vàng tung cánh hạc”... như ánh chớp chợt lóe rồi vụt tắt.

    Dư âm còn lại là tiếng nhạc lãng đãng trong chiều tà. Sau đấy là cõi tối đen của thơ và nhạc...
    (Quỳnh Giao)

    Last edited by chimtroi; 06-08-2022, 12:41 PM.

  • #2

    Hoàng Hạc Lâu còn là tên một tuyển tập bao gồm nhiều ca khúc nổi tiếng của Cung Tiến từ trước như Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa, Nguyệt Cầm… cho đến một số ca khúc viết sau này tại hải ngoại như Hoàng Hạc Lâu, Vết Chim Bay, Khói Hồ Bay…
    Trong tuyển tập này, đều có phần đệm piano, đa số do chính tác giả soạn rất công phu cho từng bài hát. Một vài bài do Walther Giger, một nhạc sĩ lục huyền cầm cổ điển người Thụy Sĩ.





    Mắt Biếc - Lệ Đá Xanh - Nguyệt Cầm - Hương Xưa - Đêm - Thu Vàng -
    Thuở làm Thơ Yêu Em - Kẻ Ở - Hoài Cảm - Đi Núi - Khói Hồ Bay -
    Đôi Bờ - Vết Chim Bay - Bản Tango Cuối - Hoàng Hạc Lâu


    Nói đến Cung Tiến thì người nghe nhạc ít nhiều cũng đã từng nghe qua ca khúc nổi tiếng "Hoài Cảm", sáng tác năm 1953 khi tác giả còn rất trẻ. Ông đã từng thố lộ:
    ...Đây là ca khúc đầu tiên viết từ năm 1953 lúc đó tôi mới 14 tuổi, lúc tôi mới học đệ lục nó là công an khúc hoàn toàn trữ tình của một học sinh ảnh hưởng thơ mới lãng mạn của Huy Cận, Xuân Diệu .... Riêng với tôi nó là đứa con đầu lòng vẫn còn được thính giả yêu thích tôi vẫn thích vì nó giản dị và là một thời học trò của mình...
    …"Hoài Cảm" không phải là tác phẩm quan trọng lắm, bởi vì ở cái tuổi 14, 15 thì đâu có nghĩ sẽ viết một tác phẩm quan trọng đâu.
    …Hoài Cảm là bài hát mà tôi viết ra trong tưởng tượng. Tưởng tượng ra là mình nhớ một người nào mình yêu mến thôi, chứ không có ý nghĩ sâu xa gì đằng sau cả. Ðó chỉ hoàn toàn là trí tưởng tượng trong âm nhạc cũng như trong lời ca. Lời ca bị ảnh hưởng từ những bài thơ mình học ở trường, như thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, những nhà thơ lãng mạn của Việt Nam hồi đó...
    … bài “Thu Vàng” của tôi ngày xưa, chẳng hạn, thì nó có tính cách phổ thông, dễ nghe, nhưng không có nghệ thuật mấy…


    "Thu vàng” viết về mùa thu Hà Nội của những ngày ấu thơ nhặt lá vàng. Ca khúc trở thành một bản nhạc của những người di cư luôn nhung nhớ quê hương đất Bắc của mình rất được thính giả ưa thích qua phần trình diễn trẻ trung sống động của Tâm Vấn, Đỗ Tuấn, Kim Tước, Mai Hương,... toàn là các ca sĩ trẻ trong giới sinh viên học sinh.

    "Hương Xưa” là bài nhạc viết vào năm 1955 đề tặng Khuất Duy Trác, một người bạn thân thiết của ông. Và cũng từ chính giọng hát của Duy Trác đã đem “Hương Xưa" và tên tuổi Cung Tiến đến đài phát thanh và các tiền trường sân khấu của các trường trung học hoặc đại học và trở thành một hãnh diện của những người trí thức trẻ say mê văn nghệ.

    (nguồn www.phusaonline.free.fr
    http://www.nguoi-viet.com)










    Last edited by chimtroi; 03-12-2018, 12:15 AM.

    Comment


    • #3
      Năm 1969 Cung Tiến phổ nhạc “Thuở Làm Thơ Yêu Em”,
      một bài thơ của thi sĩ Trần Dạ Từ sáng tác vào năm 1962.






      Last edited by chieutim; 06-03-2021, 08:41 PM.

      Comment


      • #4







        Ngoài những ca khúc khi mới bắt đầu sáng tác như Hoài Cảm, Hương Xưa, Thu Vàng và về sau này nữa có bài Mắt Biếc, Bản Tango Cuối… đa số tác phẩm của Cung Tiến được phổ từ thơ của những nhà thơ nổi tiếng.

        … Hồi nhỏ học trung học thì tôi chỉ biết âm nhạc tôi viết là "popular song", tức là những ca khúc phổ biến, phổ thông. Trong âm nhạc có nhiều khía cạnh, nhiều thứ, nhiều những trật tự mình phải theo, như hòa âm, đối điểm, tổ khúc, phối âm... mà hồi đó ở Việt Nam tôi chưa được học. Lúc học xong trung học, năm 1956, được học bổng sang Úc học về kinh tế. Trong thời giờ rảnh, tôi đi học thêm âm nhạc ở Nhạc Viện Sydney, từ đó tôi mới khám phá ra những khía cạnh khác của âm nhạc, không phải chỉ một melody, một làn điệu mà còn nhiều yếu tố khác tạo nên âm nhạc.

        Từ đó trở đi, tôi rất ý thức việc phổ thơ, phổ nhạc vào thơ vì thơ đứng một mình đọc cũng được, nhưng nếu có nhạc đi kèm vào, phụ họa vào thì nó có một chiều kích (dimension) khác, một kích thước khác, gọi là ca khúc nghệ thuật, "art song", tức là lấy một văn bản có giá trị như thơ viết thành nhạc và cho vào bối cảnh hòa âm hoặc là bằng piano, hoặc bằng một cái đàn ghita hoặc một ban nhạc.

        Riêng đối với tôi, những ca khúc nghệ thuật, nhất là những bài thơ mà tôi phổ nhạc của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, Xuân Diệu, Phạm Thiên Thư, Trần Dạ Từ, v.v., đó là những bài thơ tôi đọc và tôi thích. Tự nhiên, mình mường tượng ra phong cảnh âm thanh (soundscape). Một thí dụ rõ ràng nhất trong tập nhạc là bản “Khói Hồ Bay” (trong Tuyển Tập Ca Khúc “Hoàng Hạc Lâu”), thơ của ông Nguyễn Tường Giang, người bạn tôi rất thân. Bài thơ đó có tựa ban đầu là “Thu ở Vermont”. Tôi đọc bài thơ, tôi khoái ngay. Vừa mường tượng ra cái cảnh đi mùa thu ở Vermont, đi trên đường gập ghềnh, nhìn thấy lá rơi, rồi tất cả, cả một chân trời màu vàng hết. Thế rồi, sực nhớ đến một người tình hồi xưa... Trong đầu tôi tưởng tượng ra tất cả những cảnh đó. Tôi dùng bài thơ đó để tôi lồng vào một giai điệu. Thế nhưng, cái đó chỉ là một phần nhỏ. Phần lớn là phần piano dùng làm bối cảnh, để tả lại hình ảnh chập chùng đồi núi, mà nhà thơ đã đi lên Vermont, trong mùa thu, để ngắm lá thu, nhớ đến tình nhân.

        … nhịp tiết còn tùy khung cảnh, tùy lời thơ… Nhịp tiết trong bài “Khói Hồ Bay” thay đổi tùy theo tình cảm của người làm thơ, cũng như cảnh vật bên ngoài. Nếu đọc lời thơ đó và nhìn phần piano, thì quý vị sẽ thấy nó trùng hợp như thế nào. Thí dụ như đoạn cuối cùng, khi nhắc đến khói hồ bay, cần đến kỹ thuật viết nhạc như thế nào để làm cho người nghe có cảm tưởng là khói hồ đang bay thật. Đó là một kỹ thuật thôi, nhưng mà cũng phải phù hợp với lời thơ...
        (nguồn http://viendongdaily.com)
        Last edited by chimtroi; 06-08-2022, 05:44 PM.

        Comment


        • #5






          Last edited by chieutim; 06-03-2021, 09:07 PM.

          Comment


          • #6







            Bài thơ này có chút nghi vấn về tiểu sử. Bài thơ được coi là của Quang Dũng vì nó xuất hiện trong một cuốn sổ tay của ông. Tuy nhiên, Quang Dũng chưa bao giờ nhận đó là tác phẩm của mình cả.

            Khi Cung Tiến phổ bài thơ tại St Paul MN vào năm 1977, ông cũng ghi rõ:
            “Theo Trần Tuấn Kiệt thì tác giả là Quang Dũng. Nhưng theo một nhà thơ khác, thì tác giả bài thơ này dường như là một người bạn của Quang Dũng”.
            Xét cho cùng, tứ thơ, phong cách và nhạc điệu của bài thơ cũng rất... Quang Dũng.

            Gần đây, theo tự điển Bách khoa toàn thư Wikipedia thì Kẻ ở (Mai chị về) là thơ của Nguyễn Đình Tiên và có tên là Dặm về. Toàn bài có vài chữ thay đổi, xin ghi lại nguyên bản:

            Dặm về

            Mai chị về, em gửi gì không?
            Mai chị về nhớ má em hồng
            Đường đi không gió, lòng sao lạnh?
            Bụi vượt ngang đầu mong nhớ mong.

            Quê chị về xa tít dặm xa
            Rừng thu chiều xao xác canh gà
            Sương buông khắp lối đường muôn ngả
            Ngựa lạc cành hoang qua lướt qua.

            Ngựa chị dừng bên thác trong veo
            Lòng chị buồn khi nắng qua đèo
            Nơi đây, lá rạt vương chân ngựa
            Hươu chạy theo đàn, theo ngó theo.

            Rừng đêm nhoà bóng nhớ hoang mang
            Ngựa chị vừa qua thác trăng vàng
            Sao trôi đáy nước, rơi chân ngựa
            Buồn dựng đôi mi, ngàn lại ngàn.

            (Thu 1945)
            NXB Lao động - 2001



            Last edited by chimtroi; 06-08-2022, 05:52 PM.

            Comment


            • #7

              Lệ Đá Xanh

              tôi biết những người khóc lẻ loi
              không nguôi một phút
              những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
              em biết không
              lệ là những viên đá xanh
              tim rũ rượi

              đôi khi anh muốn tin
              ngoài trời chỉ còn trời sao là đáng kể
              mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
              đến ngày cuối
              đôi khi anh muốn tin
              ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
              mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
              nguồn sữa mật khởi đầu

              đôi khi anh muốn tin
              ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
              mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
              vòng ân ái
              đôi khi anh muốn tin
              ôi những người khóc lẻ loi một mình
              đau đớn lệ là những viên đá xanh
              tim rũ rượi

              (Thanh Tâm Tuyền, 1955)








              Last edited by chieutim; 07-02-2021, 11:08 PM.

              Comment


              • #8
                Cung Tiến, một chân dung nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu



                Có người hỏi thơ và nhạc có gì liên quan với nhau không? Hình như trong sự gợi ý, thơ và nhạc có tác dụng hỗ tương với nhau, nhạc tháp cánh cho hồn thơ và thơ làm nồng nàn hơn cho ý nhạc. Một người đã học âm nhạc từ nhỏ, đã làm thơ, đã dịch thơ và yêu thơ, đã có những lời nhạc đầy chất thơ lại có lúc liên tục phổ nhạc những bài thơ của các thi sĩ nổi tiếng và đã tạo thành những sáng tác độc đáo đầy chất sáng tạo. Ông lấy cảm hứng từ các thi sĩ khác dù những ca từ của những bản nhạc đầu tay đẫm chất thơ. Người ấy là nhạc sĩ Cung Tiến tác giả của những Hương Xưa, Thu Vàng, Hoài Cảm, những bản nhạc sáng tác từ thuở còn học trò nhưng lại có đời sống âm nhạc trường cửu.

                Cung Tiến là một vóc dáng nghệ sĩ đa diện. Là dịch giả, người viết truyện ngắn, người phê bình văn học giới thiệu các trào lưu văn học thế giới, với tên tuổi là Thạch Chương. Là người viết ca khúc, soạn hòa âm, viết nhạc giao hưởng với tên tuổi Cung Tiến. Ông cũng là một nhà phân tích và nghiên cứu kinh tế, đã du học ở Úc, rồi sau du học và tốt nghiệp tại trường đại học danh tiếng Cambridge ở Anh. Ông cũng còn là một người hoạt động rất tích cực của phong trào tranh đấu cho nhân quyền International Federation of Human Rights. Trong thập niên 1980, ông đã gửi tên tuổi những văn nghệ sĩ Việt Nam bị cầm tù bởi chính quyền Hà Nội đến các tổ chức, các phong trào quốc tế để thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam phải thực hiện đúng những cam kết trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc là trả tự do cho những người làm văn học nghệ thuật của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

                Với tên tuổi Thạch Chương ông là người đã chuyển dịch sang Việt ngữ hai danh phẩm văn chương quốc tế, Một ngày trong đời Ivan Denisovitch của Alexander Solzhenitsyn và Hồi ký viết dưới hầm của Fyodor Dostoyevsky.
                Dostoyevsky là một trong những đại gia của tiểu thuyết Nga trong thế kỷ 19, đã mang những triết lý từ cảm xúc trong những tác phẩm mổ xẻ và phân tích làm nổ bùng ra những luận đề sâu sắc về tâm lý chính trị, tôn giáo và xã hội. Hồi ký viết dưới hầm là một tác phẩm viết về chủ đề của con người phải chịu đựng những thống khổ nội tâm, của những nỗi u uẩn của kiếp nhân sinh. Tác phẩm này là một bắt đầu của sự nghiệp văn học lừng lẫy của Dostoyevsky và cũng là cao điểm của văn chương Nga và được coi như là một tác phẩm “classic” của nhân loại.
                Còn Alexander Solxhenitsyn, giải Nobel Văn Chương năm 1970, người đã bị tống xuất khỏi Nga đi lưu vong vì chống đối lại chính sách của Stalin, với Một ngày trong đời Ivan Denissovitch, đã lột trần chế độ toàn trị ở Nga Xô Viết dưới thời độc tài Stalin với tất cả những kỹ thuật và chính sách nhằm hạ thấp giá trị con người xuống hàng súc vật...

                Ông cũng thường dịch thơ và đăng rải rác trên các tạp chí văn học. Thí dụ bài dịch thơ từ Federico Garcia Lorca, Bài ca khóc Ignacio Sanchez Mejias có những câu thơ gợi nhiều liên tưởng và cảm xúc. Federico Garcia Lorca được tôn xưng là một nghệ sĩ vĩ đại của Tây Ban Nha trong thế kỷ 20 sống trong thời kỳ của tướng Franco. Còn Ignacio Sanchex Mejias là một bạn thân của ông, là một người đấu bò nổi danh của xứ Andalusian. Bài thơ gồm 4 đoạn và trong đó có những câu được dịch bởi Thạch Chương:

                Tôi muốn họ chỉ cho tôi những con đường nào ra thoát
                cho vị tướng soái mà tay chân thần chết đã trói buộc
                Tôi muốn họ chỉ cho tôi những giọt lệ nào như một giòng sông
                Có những sợi mây hiền lành và những bến bờ sâu thẳm
                Để ẵm đi thể xác của Ignacio và để chàng chìm xuống
                Không còn nghe bên tai những hơi thở trùng điệp của con bò rừng
                Để xác chàng chìm sâu vào đấu trường tròn của vầng trăng...


                Với Thạch Chương, người viết truyện ngắn? Truyện ngắn của Thạch Chương có vóc dáng về những nhân vật được phác họa khá lạ lùng, của một không gian thời gian nào lửng lơ giữa cảm giác và đời sống thực. Cảnh vật, dường như có chất biểu tượng và con người như có gắn liền để tạo thành một tổng hợp văn chương rất riêng. Thí dụ như truyện ngắn Tinh Cầu trong Tuyển Truyện Sáng Tạo. Một truyện ngắn mà theo tôi có chiều sâu của một suy tư khác lạ với đời thường...

                Thạch Chương trên các tạp chí văn học như Sáng Tạo, Nghệ Thuật, Văn, Vấn Đề, trước năm 1975 và Đặng Hoàng trên các tạp chí văn học hải ngoại sau 1975 có những bài khảo luận công phu. Ông đã viết về nhà nhân chủng học nổi danh người Pháp Claude Levi- Strauss cha đẻ ra Cơ Cấu Luận (Structuralisme), về nữ tiểu thuyết gia người Anh Virginia Woft tác giả của những tiểu thuyết như The Waves hay Between the Acts và đã tự tử trên giòng sông và không tìm được thi thể...

                Cung Tiến cũng là người giới thiệu Club De Rome gồm một số đông các khoa học gia thuộc đủ mọi ngành trên thế giới họp ở thành phố La Mã nêu ra những vấn đề cấp thiết của con người trên hành tinh trái đất mỗi ngày một chật hẹp. Ông đã dịch cuốn sách The Limits of Growth thành Giới hạn phát triển, là tiếng kêu cảnh báo loài người trước những hiểm họa sắp tới. Trong cuốn sách này, những mục tiêu cũng như cơ cấu của một nền kinh tế toàn cầu của cuối thập niên 60 được phác họa. Vào những năm của thập niên 70, Cung Tiến còn dịch một tác phẩm khác tiếp theo của Club De Rome, cuốn The Turning Point of Mankind (Chỗ rẽ của nhân loại). Đây là những ý kiến có ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng thế giới. Bản dịch của Cung Tiến, được đăng trên tập san Quốc Phòng, được coi như một tài liệu cần thiết để nghiên cứu về chiến lược áp dụng cho quốc gia Việt Nam.

                Nhà văn nhạc sĩ Cung Tiến có tham chính và là một thành viên của nội các Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Ông là Thứ trưởng kiêm Tổng Giám đốc Kế Hoạch cho ông Tổng trưởng Kế Hoạch Nguyễn Tiến Hưng.
                Sau năm 1975, ông là chuyên viên kinh tế nghiên cứu và phân tích của Department of Economic Security của tiểu bang Minnesota. Hiện ông đã về hưu.

                Cung Tiến là người yêu thơ và sống với thơ. Trong vai trò của một người nhận định văn học ông có viết nhiều về đề tài thi ca. Tôi chỉ đọc được một vài bài. Thí dụ như bài viết Sự chán chường trong phê bình văn nghệ đăng trên Sáng Tạo bộ mới số 1. Từ những nhận định của nhiều người, kẻ chê người khen, về thơ Thanh Tâm Tuyền, ông muốn đi tìm một khuôn mẫu phê bình và nhận định vượt qua được những thiên kiến chủ quan.
                Cung Tiến viết: “Và cuối cùng, câu hỏi quan trọng hơn cả là đâu là tiêu chuẩn của những tiêu chuẩn đó (và ta sẽ hỏi đến mãi vô cực)!
                Đó là những câu hỏi cực kỳ quan trọng. Chỉ khi nào trả lời được, ta mới có quyền đặt bút phê phán giá trị. Cho nên tất cả những công trình đặt định giá trị của mọi nhà phê bình xưa nay Đông Tây, đều theo ý tôi, là những công việc vô lợi, đẫm màu chủ quan, hay là có một thứ khách quan hư ngụy, vô nghĩa. Chúng không cho lòng tin về sự đẹp của ta một lý do vững chắc nào. Chúng giống như những loại mệnh đề tuyên truyền của tôn giáo, những thứ mệnh đề ngầm ẩn những quan niệm tiên thiên, siêu việt toàn phi lý (irrationnel). Đau khổ hơn là nếu những từ ngữ đánh giá (termé evaluateurs) đó có thể chỉ là những tiếng hiệu triệu đẫm xúc cảm thì có thực chúng ta đã muôn đời tự lừa dối chúng ta mỗi khi dùng chúng (Mà giây phút nào không đúng). Thế nào là giá trị? Thế nào là chân, là thiện, là mỹ? Đâu là một vài lý do cho lòng tin, một lòng tin nho nhỏ của ta? Câu hỏi ném lên không trung, chỉ sóng gió thầm thì trả lời. Đó là nỗi chán chướng trong việc phê bình văn nghệ hôm nay”.

                Nhà văn nhạc sĩ Cung Tiến ở ngoài đời thường có nhiều giai thoại lý thú. Như một người bạn thân của ông, nhà văn Phan Lạc Phúc, đã kể lại trong Tuyển Tập Tạp Ghi một giai thoại khá vui vui về nhà văn nhạc sĩ Cung tiến. Ông Phan Lạc Phúc kể:
                “Ngày thường gặp Cung Tiến, anh trang nhã thận trọng pha một chút lạnh lùng kiều Ăng-lê Cambridge. Nhưng trong những lúc phùng trường tác hí, nhất là khi đã nhậu dăm ba consommation rồi là Cung Tiến phừng phừng bất cần đời. Chúng tôi có thói quen ăn nhậu rồi vào khoảng 10 giờ, 11 giờ đêm là kéo đến Đêm Màu Hồng. Chủ quán Phạm Đình Chương đã dành sẵn một chỗ ngồi riêng giá biểu riêng cho bạn hữu như đã thành lệ khi Cái Bang đến là Phạm Đình Chương hay Thái Thanh chuyển hướng đề tài. Bữa ấy “cổ kim hòa điệu” diễn ra hơi dài. Cung Tiến khật khưỡng bước ra sân khấu, gạt người đánh piano ra một bên, rồi ngồi xuống dạo Senerade. Cổ kim hòa điệu với nhạc Schubert thì không thể nào “đi” với nhau được, nó ngang phè phè. Một khán giả mặc quân phục dù, mũ đỏ chợt bước lên. Anh tiến lại chỗ Cung Tiến đánh đàn và nắm lấy tay. Cung Tiến không nhìn lên, hất tay ra, vẫn tiếp tục dạo đàn và nói “đi chỗ khác chơi”. Chủ quán Phạm Đình Chương biết là có chuyện vội đứng ra xin lỗi. Nhưng không kịp nữa rồi. Một vài tiếng nổ xé tai của chai la de vỡ nổi lên. Một vài người bạn dù cùng đi đã nắm cổ chai la de vỡ kéo lên sân khấu. Tất cả khán phòng im bặt - một sự im bặt bất thần và rùng rợn - chỉ còn một mình Cung Tiến vẫn mê mải đánh đàn. Vũ Khắc Khoan vội bước ra. Dù đã nhậu sương sương nhưng Vũ Khắc Khoan vẫn còn đủ tỉnh táo để nắm lấy vai người sĩ quan dù mũ đỏ mà nói khẽ “Anh học trò tôi có phải?” người sĩ quan dù đang hầm hầm sắc giận vội vàng nhìn lại rồi đổi giọng “Thưa thầy...” Người sĩ quan ấy là môn sinh của họ Vũ, không biết ở Chu Văn An hay ở Văn Khoa. Họ Vũ khoác vai người sĩ quan dù và nói: “Thôi... anh em cả”. Người đánh đàn say không nhận được việc gì đã xảy ra sau lưng anh. Nếu không có Vũ Khắc Khoan đêm ấy... sự việc sẽ không biết còn diễn biến thế nào...”
                Nhà văn Phan Lạc Phúc nhận xét: “Có hai con người trong một Cung Tiến. Một con người duy lý, muốn đi đến cùng lý luận, một con người khác duy cảm - muốn thỏa mãn ngay những đòi hỏi của mình. Con người nào ưu thắng trong Cung Tiến? Tôi vẫn nghĩ là con người duy lý. Cung Tiến chỉ “bốc đồng” khi uống rượu say. Bình thường, như đã nói ở trên, Cung Tiến trang nhã và thận trọng. Ở trong địa hạt Cung Tiến yêu thích nhất: âm nhạc, Cung Tiến cũng rất là duy lý. Những bài hát đầu tay như Thu Vàng, Hương Xưa, Nguyệt Cầm, Hoài Cảm... dù được yêu thích đến thế nào chăng nữa, đối với Cung Tiến, vẫn chỉ là bài tập - một giai đoạn cần phải vượt qua...”

                Có một bài thơ của một người bạn viết về Cung Tiến với sự chia sẻ lớn lao. Tình cờ tôi được đọc một bài thơ của tác giả Phạm Nguyên Vũ. Ông là bạn thân với Cung Tiến, đi du học ở Úc thuộc thế hệ đầu tiên và có đăng thơ trên tạp chí Sáng Tạo bộ cũ. Thơ của ông có nét hồn nhiên của tuổi trẻ, có nét khai phá của những bước chân bước đến đầu tiên, nhưng ít có chất làm dáng trí thức mà lại có sự chân thực của người hăm hở đi tìm kiếm nét mới lạ cho thi ca của mình. Bài thơ của ông viết tặng bạn là Và Cung Tiến:

                Nhạc của hồn ta phải không
                Hay của những đêm
                xa gia đình nhớ điên cuồng
                mỗi một bóng cây là
                tiếng thì thầm bạn hữu
                nhạc của hồn ta hay nơi đây
                của đêm sao đầy mắt
                đầy linh hồn
                ôi đêm tỉnh dậy nghe
                trong khuya yên lặng nên
                giọng lời nghe từng tiếng
                em nào có biết đâu
                mỗi giòng nhạc của anh hay của bạn anh
                đều nói những ngày mai chưa đến
                em nào tin sự êm đềm
                và đau khổ ngày qua
                như chẳng tin đời ta
                có hai kẻ đọa đầy
                bằng lên tiếng thay cho người khác.


                Có nhà văn đã phát biểu rằng ca khúc của Cung Tiến đều là những bản dịch từ thơ sang nhạc. Nhà văn nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã có nhận xét ấy. Ông còn nói đó là rượu cất từ trái nho chứ không phải là rượu ngang. Nhạc sĩ Cung Tiến là người có kiến thức sâu rộng về nhiều mặt, ngoài viết nhạc ông còn là một dịch giả văn chương và là một chuyên gia kinh tế nhưng ông yêu thơ. Lời ca của ông có một vẻ gì đó như được chiết ra từ thơ, thơ của những người ông đã đọc, thơ của trời đất và của chính tâm hồn ông. Tôi nghĩ điều đó hiển nhiên và nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã có một nhận xét chính xác về nhạc sĩ nhà văn Cung Tiến.

                Chúng ta đã tản mạn về chân dung văn chương Cung Tiến qua bút hiệu Thạch Chương và Đăng Hoàng. Vóc dáng nghệ sĩ của ông thật đa dạng và ở bất cứ một địa hạt nào cũng đều là kết quả của sự học hỏi khổ luyện từ khởi đầu của một bộ óc suy tư và nhạy cảm. Chúng ta sẽ cùng bước chân vào cõi khai phá của một người nghệ sĩ luôn tìm tòi mong đạt được đến đỉnh cao nhất của những sáng tác để đời.

                Nếu có người hỏi suy nghĩ thế nào về nhạc Cung Tiến. Câu hỏi ấy có khó cho người trả lời không? Có lẽ không. Nhưng trả lời thì phải dài dòng. Chúng ta như đi vào một khu rừng và chỗ nào cũng muốn bước đến, chỗ nào cũng đầy mùi thơm của hương hoa, của đất trời. Nếu trả lời thật giản dị là yêu thích nhạc Cung Tiến nhất cũng xong, nhưng nếu đi tìm những kỳ hoa dị thảo thì có lẽ cũng tốn hao thời giờ nhiều lắm. Nhưng nếu nói một cách thành thật nhất thì tôi yêu thích một vài bản nhạc Cung Tiến vì có một vài kỷ niệm với nó.
                Không hiểu tại sao cứ mỗi lần nghe lại bản nhạc Hương Xưa là tôi lại nhớ đến một người bạn đã chết trên chiến trường Tây Nguyên năm 1972. Lúc đó tôi ở Pleiku và có một người bạn là phi công trực thăng thường hát luôn miệng hai câu nhạc đầu của bản nhạc Hương Xưa và chỉ láy đi láy lại hai câu ấy mà thôi, “Người ơi! Một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa. Người ơi! Đường xa lắm con đường về làng hồn có mơ xa...”. Những buổi chiều nhạt nắng, ngồi ở thảm cỏ đầu hiên barrack chờ đi ra phố ăn cơm, nhìn trời nhìn đất mà nghe những câu hát ấy thì quả là buồn nẫu ruột. Có lần tôi hỏi anh bạn sao hát hoài chỉ có một câu hát ấy thôi thì anh hồn nhiên trả lời “Vì câu hát mà tôi gọi người ơi là để nhớ tới em bé của tôi”. Tôi bực mình kê nhẹ, “Nhớ gì mà nhớ lắm thế? Cứ nhè mỗi buổi chiều hiu hắt như thế này mà nhớ thì thiệt là hại bạn vô cùng!” Anh cười trừ và đánh trống lảng. Nhưng rồi một ngày, con tàu của anh tan vỡ trên không và anh đã ra đi trong phi vụ ấy. Lúc nghe tin dữ, tôi lạnh buốt cả người. Và tự nhiên câu hát ấy cứ lởn vởn trong tâm trí tôi. Buổi chiều về cư xá, hình như tôi vẳng nghe câu hát. Những câu người ơi của tha thiết tự tình. Những chữ người ơi của một mối tình đã tử biệt sinh ly. Tôi hình dung lại vóc dáng của người bạn và thấy khao khát vô cùng làm sao nghe được câu hát xưa. Nhưng người bạn đã ra đi và không hiểu tại sao cứ mỗi lần nghe bản nhạc ấy là như sống lại một thời thuở đó, của những ngày tuổi trẻ tưởng như mới đây mà đã hơn mấy chục năm. Nhạc để nhớ bạn và tôi đã từ những ca từ ấy để trở về nỗi niềm của hoài vọng xa xưa...

                Thật là một kỷ niệm buồn! Nhưng chẳng lẽ yêu nhạc Cung Tiến chỉ vì lý do ấy thôi sao? Mà vì có nhiều lý do. Một trong những lý do là nhạc của ông tượng hình cho những bước chân suốt đời đi tìm kiếm. Luôn luôn thay đổi, từ phong cách đến ngôn từ, nhất là nhạc của ông dường như gắn liền với thơ, với những khung trời thơ mộng lãng mạn. Trong hành trình sáng tác, từ nhạc có lời sang nhạc không lời, từ những bản nhạc đầu tay như Hoài Cảm, Hương Xưa như những bài thơ văn xuôi trữ tình sang cả đến những bản nhạc về sau vượt qua cửa ải ngôn ngữ. Nhạc không lời có âm vực riêng và có phong cách diễn tả dễ làm người nghe xúc động.

                Nhạc của Cung Tiến liên quan thế nào với thi ca? Năm 1987, Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh Phụ Ngâm soạn cho 21 nhạc khí được trình diễn tại San Jose với dàn nhạc thính phòng. Chinh Phụ Ngâm của Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm là một áng thi ca nổi danh của dân tộc Việt Nam viết về một giai đoạn chiến tranh của đất nước. Theo lời phụ dẫn của tác giả thì thi phẩm này vô cùng súc tích về cảnh, về cách sử dụng ngôn ngữ cũng như nhạc đệm của tiếng Việt. Vì thế không ai dám nghĩ đến việc phổ nhạc cả tập thơ để hát mà chỉ dùng nó như một cảm hứng cho sáng tác của mình. Do đó, nhạc tấu khúc này cũng chỉ là một cố gắng “minh họa” chấm phá bằng nhạc một số tình, ý, và cảnh chính yếu trong tập thơ mà thôi. Theo đúng thứ tự xuất hiện trong thi phẩm của bà Đoàn Thị Điểm thì tập nhạc gồm 4 phần:
                Phần giáo đầu, với sự phụ họa của các nhạc khí, sẽ được ngâm giọng sa mạc mười hai câu thơ mở đầu cho tập Chinh Phụ Ngâm: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên...”
                Phần thứ hai: Chuyển động I – Nước thanh bình – Cơn gió bụi. Minh họa 2 câu: “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Chuyển động chấm dứt bằng cảnh tiễn biệt, chia tay của chinh phu chinh phụ.
                Phần thứ ba: Chuyển động II: Nhạc đề chính từ 4 câu thơ: “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi/ Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi/ Chinh phu tử sĩ mấy người/ Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn”.
                Chuyển động III – Mộng khải hoàn. Chủ đề chính là 2 câu thơ: “Bóng kỳ xí giã ngoài quan ải / Tiếng khải ca trở lại thần kinh”, và 2 câu thơ: “Giở khăn lệ chàng trông từng tấm / Đọc thơ sầu chàng thấm từng câu”.
                Phần bạt: từ 4 câu chót của Chinh Phụ Ngâm: “Cho bõ lúc xa sầu, cách nhớ? Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình/ Ngâm nga mong gửi chữ tình/ Dường này âu hẳn tài lành trượng phu”.

                Năm 1982, nhạc sĩ Cung Tiến lấy 12 bài thơ của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền để soạn thành ca khúc lấy tên là Vang Vang Trời Vào Xuân. Năm 1992, ông hoàn thành tập Nhạc Ta Về -thơ Tô Thùy Yên cho giọng hát, nói, ngâm và một đội nhạc cụ thính phòng. Năm 1993, ông soạn Tổ Khúc Bắc Ninh cho dàn nhạc giao hưởng với sự tài trợ của The Saint Paul Companies để nghiên cứu nhạc Quan Họ Bắc Ninh và các thể loại dân ca Việt Nam khác. Năm 2003, ông hoàn thành một sáng tác nhạc đương đại Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành dựa trên một đoạn dân ca Quan Họ.

                Trường hợp nào mà ông phổ nhạc thơ của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền. Chính nhạc sĩ đã kể lại về trường hợp sáng tác này:
                “Năm 1991, họa sĩ Duy Thanh từ San Francisco gửi cho tôi tập văn/ thơ/ nhạc Tắm Mát Ngọn Sông Đào, do nhà Lá Bối mới in ở Paris, gồm những sáng tác của một số văn nghệ sĩ miền Nam gửi lén ra từ các trại tù cải tạo. Trong tuyển tập này có một số bài thơ của một Trần Kha nào đó. Duy Thanh, bằng thư tín với gia đình Thanh Tâm Tuyền còn ở Sài Gòn, bảo rằng ấy là thơ “bạn ta” đấy. Quả nhiên khi đọc tôi nghe thấy đúng là ý và lời của Thanh Tâm Tuyền. Sau này được hỏi: “Sao lại Trần Kha? Muốn làm Kinh Kha chăng?” Thanh Tâm Tuyền đáp “Tôi đâu có đặt cái tên kỳ cục ấy! Giá như “Trầm Kha” thì nghe còn đỡ hơn”...

                Ông đã phổ nhạc rất nhiều. Như bản “Nguyệt Cầm” ý thơ Xuân Diệu. Như bản “Hoàng Hạc Lâu” từ bản dịch thơ của Vũ Hoàng Chương. Như “Vết Chim Bay” phổ thơ Phạm Thiên Thư. Như “Thuở Làm Thơ Yêu Em” phổ thơ Trần Dạ Từ. Như “Đi Núi” phổ thơ Xuân Diệu. Như “Đường Hoa” phổ từ hai bài thơ “Đôi Bờ” và “Đôi Mắt Người Sơn Tây” của Quang Dũng. Như “Khói Hồ Bay” phổ từ bài thơ “Thu ở Vermont” của Nguyễn Tường Giang. Như bài “Lệ Đá Xanh” và “Đêm” phổ thơ Thanh Tâm Tuyền...

                Hình như nhạc sĩ Cung Tiến có một biệt nhãn nào đó với thơ Thanh Tâm Tuyền? Phải nói thơ Thanh Tâm Tuyền rất khó phổ nhạc, bởi vì thơ của ông có âm điệu khá đặc biệt, hay sử dụng vần trắc và diễn tả ý nghĩa cũng theo một cung cách âm vực riêng. Nhưng nhạc sĩ Cung Tiến đã phổ nhạc thành công có lẽ nhờ tình tri âm tri kỷ với nhau. Sau này, nhạc sĩ đã hỏi nhà thơ khi ông đang định cư tại Minnesota “Ông làm bài này trong tâm trạng nào?” về bài thơ “in trong tập Liên, Đêm Mặt Trời Tìm Thấy. Thanh Tâm Tuyền trả lời: “Tức là... dạo ấy mình đã chán làm thơ quá rồi. Miền Nam thì coi tôi như là thi sĩ tả phái, và miền Bắc thì coi tôi là thi sĩ hữu phái. Thế thì tôi là kẻ untouchable rồi, là hủi rồi chứ còn gì nữa? Thì làm thơ thêm làm quái gì cho mệt?” Thành ra, bài hát ấy muốn lấy nhạc minh họa cho tâm trạng chán chường day dứt của cái ông thi sĩ lúc nào cũng thấy mình cứ vẫn “còn cô độc” này”.

                Có một bản nhạc của Cung Tiến được giải thưởng của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa. Giai điệu ca khúc Mùa Hoa Nở được soạn tại Sài Gòn năm 1955 đáp ứng thông cáo về cuộc thi của Đài Phát Thanh Quân Đội bấy giờ đang kiếm một ca khúc nào nói về cuộc di cư lịch sử vào Nam của những người miền Bắc để tránh chế độ Cộng sản. Ca khúc Mùa Hoa Nở được chấm giải nhất của Tổng Thống VNCH và được hai đài phát thanh Quốc Gia và Quân Đội trình diễn nhiều lần trong nhiều năm với hòa âm và phối khí cho dàn nhạc của nhạc sĩ Hoàng Trọng. Nội dung lời ca của ca khúc này nói về giấc mơ khải hoàn của những đoàn chiến sĩ quốc gia tiến về giải phóng Hà Nội...

                Có những bài nhạc Cung Tiến hoàn thành rất sớm khi còn tuổi thanh thiếu niên nhưng lại có giá trị trường cửu. Thu Vàng và Hoài Cảm là những bản nhạc mà Cung Tiến đã sáng tác sớm nhất khi vừa 15 tuổi còn học ở trung học. Thu Vàng viết về mùa thu Hà Nội của những ngày ấu thơ nhặt lá vàng. Ca khúc trở thành một bản nhạc của những người di cư luôn nhung nhớ quê hương đất Bắc của mình, rất được thính giả ưa thích qua phần trình diễn trẻ trung sống động của Tâm Vấn, Đỗ Tuấn, Kim Tước, Mai Hương,... toàn là các ca sĩ trẻ trong giới sinh viên học sinh. Tiếp theo, ông viết Hoài Cảm để tặng Đỗ Đình Tuân (tức ca sĩ sinh viên Đỗ Tuấn) và cũng được ái mộ ngay từ buổi trình diễn đầu tiên. Theo nhạc sĩ Cung Tiến thì “đó là hai trong số những bài hát sớm nhất được viết năm 1952 hồi tôi đang học năm thứ ba bậc trung học. Người đầu tiên đem phổ biến hai bài này trên Đài Phát Thanh Quốc Gia dạo ấy là Đỗ Tuấn rồi tới ca sĩ Tâm Vấn, nhất là bài Thu Vàng. Giai điệu và hòa âm của hai bài này đơn giản cấu trúc và nhạc thể rất chân phương và lời ca mang ảnh hưởng nặng của các nhà thơ lãng mạn Xuân Diệu, Huy Cận”.

                Hương Xưa là bài nhạc Cung Tiến gửi tặng Khuất Duy Trác, một người bạn thân thiết của ông. Và cũng từ chính giọng hát của Duy Trác đã đem Hương Xưa đến đài phát thanh và các tiền trường sân khấu của các trường trung học hoặc đại học và trở thành một hãnh diện của những người trí thức trẻ say mê văn nghệ. Nhưng tại sao, chính nhạc sĩ lại coi những ca khúc này như những bài tập (exercise) mà thôi? Đó là một cá tính của nhạc sĩ Cung Tiến. Trong sự nghiệp âm nhạc của ông có nhiều giai đoạn phải tự vượt qua. Cung Tiến viết nhạc đầu tay ca từ trữ tình lãng mạn. Cung Tiến không sử dụng ca từ thi ca của mình mà lại phổ nhạc những bài thơ mà ông ưa thích và quý trọng. Rồi sau đó ông không viết nhạc có lời nữa mà viết nhạc không lời. Có lẽ ông nghĩ rằng nếu đích thực là âm nhạc thì nhạc có ngôn ngữ riêng và cũng có những quy luật diễn tả tự nhiên như trời đất vẫn hiện hữu.

                Với niềm say mê âm nhạc, ông đã học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng, Chung Quân và Thẩm Oánh, ở bậc trung học. Du học qua Úc, tuy môn học chính là Kinh tế nhưng ông cũng đã theo học các lớp về dương cầm, hòa âm, đối điểm và phối cụ tại Âm nhạc viện Sydney. Rồi khi du học bậc cao học về kinh tế học phát triển tại viện đại học Cambridge ở Anh, ông cũng theo học thêm các lớp về nhạc sử, nhạc học, nhạc lý hiện đại. Và về sau này, ông cũng là người tự học rất nhiều nên trong các tác phẩm của ông đã bày tỏ sự gắng công dù ông có thiên khiếu về âm nhạc. Và hình như, ông vẫn tự coi mình là một amateur trong âm nhạc, một nghệ sĩ tài tử coi bộ môn này như một thú tiêu khiển làm đẹp cuộc đời...

                Nhà văn Phan Lạc Phúc đã nhận xét khá xác đáng khởi từ những bài hát đầu tay của Cung Tiến từ khi xuất hiện tới nay, trên 40 năm, không lúc nào ngừng tỏa hương thơm. Một hương thơm dịu dàng sâu kín, có để ý tìm mới thấy. Nó không gây ồn ào như một số nhạc thời thượng, tiền tuyến, hậu phương, du ca, về nguồn, thân phận nhưng có một sức sống riêng bền bỉ. Đó là một khu vườn Cung Tiến không lẫn với ai, nhạc “xưa” nhưng không cũ bao giờ, nghe càng lâu càng thấm. Nó chịu được sự thử thách của thời gian...

                Nguyễn Mạnh Trinh


                (http://www.thoibao.com)
                Last edited by Hoanghac; 05-12-2013, 08:07 PM.

                Comment


                • #9
                  Nghe Nguyệt Cầm của Cung Tiến - Đọc Nguyệt Cầm của Xuân Diệu




                  Nguyệt Cầm - Anh Ngọc




                  Nghe “Nguyệt Cầm” của Cung Tiến

                  Ngày xưa khi học đến phong trào thơ mới, tôi rất yêu thích những bài thơ tình của các tác giả như: Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hồ Dzếnh, Tế Hanh, Thâm Tâm, Quang Dũng… Trong đó Xuân Diệu được mệnh danh là “ông hoàng của thơ tình”, có những bài thơ làm run rẩy con tim của biết bao thế hệ. Thế nhưng, lúc ấy tôi đã bỏ qua "Nguyệt cầm", có lẽ ý tứ bài thơ già quá so với lứa tuổi học sinh và không ngờ mình đã bỏ qua một tác phẩm thuộc hàng đỉnh của thi nhân, như ông và nhiều nhà phê bình đã nhận định như thế.

                  Rồi một ngày khi đang lục lọi tìm tư liệu về Cung Tiến để làm một entry nhạc chủ đề của ông, thì mới biết đến một "Nguyệt cầm" của Cung Tiến. Hồi nào giờ, thiệt ra nhắc đến Cung Tiến tôi chỉ biết: Thu vàng, Hoài cảm, Hương xưa và Mắt biếc…"Nguyệt cầm" được chú thích lấy ý từ bài thơ của Xuân Diệu, thế là phải lần giở lại thơ Xuân Diệu để xem "Nguyệt cầm"… và tôi đã ngộ được một điều, ở "Nguyệt cầm" có một sự giao thoa đến mức tuyệt đỉnh của thi ca và âm nhạc… Đúng như một nhà phê bình đã viết: “thi ca cũng đã dùng đến âm - nhạc - của - ngôn - ngữ làm phương tiện để diễn tả ngôn - ngữ - của - âm - nhạc” (Chu Văn Sơn).

                  Xuân Diệu nói: "Thơ hay lời thơ chín đỏ trong cảm xúc - đó là một chân lý vĩnh cửu". Và "Nguyệt cầm" đã thực sự “đánh thức mọi giác quan” của người nghe… tôi dùng từ “nghe” vì từng chữ từng câu trong bài thơ đã tự nó ngân nga lên một điệu nhạc trong một không gian huyễn mộng mơ hồ, tràn đầy ảo giác:

                  Nguyệt Cầm

                  Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
                  Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần,
                  Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm,
                  Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.

                  Mây trắng, trời trong, đêm thủy tinh.
                  Linh lung bóng sáng bỗng rung mình,
                  Vì nghe Nương Tử trong câu hát
                  Đã chết đêm rằm theo nước xanh.

                  Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời;
                  Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!
                  Long lanh tiếng sỏi vang vang hận.
                  Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người…

                  Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê
                  Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề…
                  Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
                  Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.

                  (Rút từ tập “Gửi hương cho gió”, 1945)


                  Tôi không dám “bình” về "Nguyệt cầm", xin đưa vào đây vài đoạn của tác giả Chu Văn Sơn trong bài viết rất dài của ông về thi phẩm này.

                  "Cái hồn của bài thơ ở ngay mấy câu dẫn nhập:

                  Trăng nhập vào dây/ cung nguyệt lạnh

                  Câu thơ dựng lên một ngữ cảnh huyền hoặc, bí ẩn không dễ tường minh. Ta hãy bắt đầu bằng chữ “nhập”. Vì mọi chuyện cũng khởi sự từ chữ này. Thế giới nhạc của "Nguyệt cầm" bắt đầu từ sự sống động của nhạc khí. Nhưng cây đàn ấy bắt đầu sống cái sinh mệnh đàn từ bao giờ? Từ lúc trăng nhập vào dây cung vậy! Đây là động thái huyền nhiệm, diễn tả sự nhập hồn, nhập thần… Nó xui ta nhớ đến nghi lễ hô thần nhập tượng khi hoàn thành những pho tượng Phật giáo. Nguyên là: tượng được tạc xong, chưa linh, bởi mới chỉ có phần thân xác tượng; phải sau khi được thần linh nhập vào, tượng mới là hiện thân của đức Phật. Cũng như thế, trong hình dung theo lối thi ca của Xuân Diệu, đàn vừa được làm ra, mới chỉ có thân xác. Phải khi trăng nhập vào dây cung, mới có hồn đàn. Từ cái khoảnh khắc mầu nhiệm ấy, đàn mới bắt đầu sống cái thân phận "Nguyệt cầm". Tự bấy giờ, mỗi nốt "Nguyệt cầm" tấu lên sẽ là cộng hưởng của âm thanh và ánh sáng. Mỗi nốt nhạc sẽ sinh thành từ sự giao duyên kỳ bí đó của Nguyệt và Cầm.

                  Sau chữ “nhập” như thế, Trăng và Đàn đã đồng thể. Nhưng cái điểm giao tình của chúng là đâu? Ở nơi chữ “cung” vậy. Sự giao thoa ngôn từ cũng chính thức bắt đầu từ chữ đó. “Cung” vừa thuộc về đàn vừa thuộc về trăng. Ở đây, vị trí của nó là bắc cầu, ngữ nghĩa của nó là giao thoa. Nếu ngắt theo nhịp 2-2-3, thì đó là “cung nguyệt lạnh” (nghiêng về “cung trăng”), mà ngắt theo nhịp 2-3-2 thì sẽ là “dây cung” (nghiêng về “cung đàn”). Thi vị độc đáo của nó chính là sự giao động bất tuyệt giữa hai bề ngữ nghĩa ấy. Phải chăng cung nguyệt cầm chính là sự cộng hưởng của cả cung trăng lẫn cung đàn? Hai hình ảnh nhập vào một hình thể? Nhập thành một duyên phận?

                  Hòa điệu với nhịp thơ, còn phải kể đến một yếu tố khác là âm thanh. Câu thơ là một chuỗi âm thanh gây thành một ấn tượng rõ rệt. Không phải ngẫu nhiên, cả câu có 3 thanh trắc, thì cả ba đều là thanh nặng: nhập, nguyệt, lạnh. Nhất là hai dấu “nặng” liền nhau trĩu xuống ở cuối câu, cảm giác lạnh từ thanh âm của các nốt “nặng” ấy toát ra đã làm lạnh suốt cả chuỗi âm thanh của câu thơ, mở đầu cho cả gam lạnh rồi đây sẽ trùm lên khắp cả "Nguyệt cầm".
                  Như vậy, bằng chữ “nhập” và câu thơ nhập đề kỳ lạ, Xuân Diệu đã ngầm lý giải (hay khám phá ra) cái tính linh kỳ bí của "Nguyệt cầm". Câu thơ đã chính thức dẫn dụ người đọc vào cái thế giới huyền diệu của "Nguyệt cầm".
                  Cái vía của bài thơ ở hai từ: linh lung (Linh lung bóng sáng bỗng rung mình).

                  Bước vào "Nguyệt cầm" là bước vào một thế giới linh lung. Mọi ảnh hình đều rợn sáng. Cả ánh sáng của âm thanh, cả âm thanh của ánh sáng đều tan ra trong từng làn sóng âm tê buốt, tưới lên da ta, len lấn vào tâm trí ta. Cả trăng sao, sóng nước, mây trời, sỏi đá, cả sương bạc, cả canh khuya, cả nàng Nương Tử, cả bến Tầm Dương, cả hồn ta… tất tật đều vừa hiển hiện vừa tan ra trong biển nhạc trong suốt của Nguyệt Cầm không bờ không bến. Tất cả đều diễm ảo, hư huyền, chơi vơi, vô định. Không còn cõi này, không còn cõi khác, không còn hiện tại, không còn quá khứ, không còn hữu thể, không còn vô thể… chỉ còn có "Nguyệt cầm". Cả thương, nhớ, hận, sầu đều phổ vào trong ánh nhạc tê ngời. Vĩnh cửu tan cùng khoảnh khắc, phù du giao ứng vĩnh hằng. Tất cả đều rợn ánh khơi vơi trong đêm nhạc "Nguyệt cầm". Âm nhạc đến từ trăng lạnh, gieo từng chấm lạnh, từng dòng giá lạnh trong suốt vào hồn ta, để rồi khi đã dâng tràn, âm nhạc lại cuốn hồn ta trôi dạt mãi vào vô biên, đến tận bến bờ của của sao Khuê. Từ hư không, âm nhạc đã cất tiếng và tiếng nhạc lại mang hồn ta phiêu diêu về lại cõi hư không. Nối cái nhỏ nhoi hữu hạn với cái vô tận vô cùng. Đó chẳng phải là sự thăng hoa huyền diệu vào bậc nhất của hồn người ư?" (Chu Văn Sơn).


                  Và nhà viết nhạc tài ba Cung Tiến đã đưa "Nguyệt cầm" của Xuân Diệu vào đúng cái không gian âm nhạc chơi vơi của trăng huyễn hoặc, của mộng thực không phân định, của ảo ảnh mà rờn rợn đến tận cùng xúc cảm… Từng thanh âm u uẩn, màu trăng úa mà làm vỡ nát hồn người như bóng trăng dưới một khúc sông vỡ vụn theo những đợt sóng lăn tăn, miên man dát vàng dát bạc cả một miền chiêm bao mộng mị…

                  Nhạc của Cung Tiến có những bài rất khó nghe như: Nguyệt Cầm, Lệ Đá Xanh, Hoàng Hạc Lâu, Thuở Làm Thơ Yêu Em... Nhưng khi đã "nghe" được rồi thì có lẽ độ thẩm thấu âm nhạc của người nghe đã được nâng cao chút ít… Nhưng thú thật đến lúc này tôi cũng chỉ mới nghe được Nguyệt Cầm thôi! Nghe để rồi thấy có những đêm thật trong vắt, thật yên ắng mà hồn mượt mà chợt vỡ tan từng mảnh… chẳng bởi vì đâu, chỉ vì một màu trăng úa, một đàn trăng úa… thế thôi! Vừa buồn đến nao lòng vừa thấy sao mà đẹp đến nao lòng cái tâm hồn lúc tan tác!

                  Bởi vì con người yêu trăng, hạnh phúc với trăng, chiêm ngưỡng và tận vắt hết cái đẹp của trăng thì con người cũng phải bị "hành" tơi tả vì trăng… đó là lẽ công bằng của trời đất. Khi cuộc sống ban tặng cho con người quá nhiều hạnh phúc thì số phận cũng thò tay ngắt lại chút ít. Trong hạnh phúc luôn có bóng dáng của khổ đau và ngược lại trong khổ đau người ta có khi tìm được chân hạnh phúc của mình dù không còn nguyên vẹn, dù có khi chỉ là một rẻo hạnh phúc rách bươm…


                  Đàn Tỳ Bà có hai giây, hình dạng như trái lê, đầu dưới to, đầu trên nhỏ. Đầu nhỏ cũng là cần đàn. Đàn Nguyệt (hay Nguyệt Cầm) như tên gọi của nó cho thấy có bầu đàn hình tròn như mặt trăng (nguyệt) cần đàn nhỏ và dài. Đàn Nguyệt có bốn giây. Về hình dạng, đàn Tỳ Bà đẹp hơn đàn Nguyệt và cũng là đề tài cho các họa sĩ khi vẽ người đàn bà ôm đàn, một nửa cần đàn che một phần hay nửa khuôn mặt người nữ nghệ sĩ. Có lẽ họ lấy ý ở câu thơ trong Tỳ Bà Hành: “Tay ôm đàn che nửa mặt hoa.”

                  Trong văn học nước ta, Tỳ Bà Hành là một tác phẩm văn chương rất nổi tiếng. Tỳ Bà Hành là một bài hành, nguyên tác bằng Hán văn của Bạch Cư Dị, được Phan Huy Vịnh dịch ra thơ Nôm. Từ khi có chương trình giáo dục Hoàng Xuân Hãn (chính phủ Trần Trọng Kim, thời Nhật) đến năm 1956, Tỳ Bà Hành được đưa vào chương trình Việt Văn lớp Đệ Tứ. Khi đi học, tôi may mắn được học tác phẩm nầy. Tuy Tỳ Bà Hành không sánh được với truyện Kiều nhưng rất nhiều người mê Tỳ Bà Hành còn hơn truyện Kiều. Sách Văn Đàn Bảo Giám viết:

                  “Tỳ Bà Hành là một bài hành của Bạch Cư Dị đời Đường, gồm có một bài tự và tám mươi tám câu hát. Dưới đây là nguyên văn bài tự và bài dịch của Phan Huy Vịnh (xem phụ lục)

                  Bản dịch bài tự:
                  “Niên hiệu Nguyên Hòa thứ mười, ta phải đổi ra làm tư-mã quận Cửu Giang. Mùa Thu năm sau, đi tiễn khách ở bến Bồn. Đêm nghe thấy người gảy đàn tỳ-bà ở trong một chiếc thuyền kia, những giọng đàn lanh lảnh có tiếng ở kinh kỳ. Hỏi ra mới biết là một người xướng nữ ở Trường An, thường học đàn ở hai nhà thiện tài họ Mục và họ Tào, đến khi tuổi cả sắc suy mới gởi thân làm vợ một anh lái buôn. Liền bảo đặt rượu và gảy mấy khúc đàn chơi. Gảy xong, người ấy buồn bã, tự kể khi trẻ trung thì vui thú chừng nào, nay phải lưu lạc tiều tụy ở nơi giang hồ. Ta ra làm quan ở ngoài đã hai năm, vẫn thường lẵng lặng tự dưng, đêm ấy cảm mấy lời nàng nói mới để ý đến nỗi mình bị giáng trích, nhân làm bài ca trường thiên để tặng. Cả bài có sáu trăm mười sáu lời, đặt tên là “Tỳ-bà hành”.


                  Ngay bài tự, Bạch Cư Dị cũng không nói thật. Ông vì lòng ngay thẳng, lời nói thật mà bị bọn nịnh thần xàm tấu với vua nên bị biếm ra đất Giang Châu. Điều đó không làm cho Bạch buồn sao? Vậy mà Bạch viết: “Ta ra làm quan ở ngoài đã hai năm, vẫn thường lẵng lặng tự dưng. Không, ông không thể “lẵng lặng tự dưng” được, mà chính lòng ông ôm một mối u hoài vì lòng ngay thẳng của ông không được vua thấu rõ, lại còn đày ông ra nơi nầy. Ông không thể “đêm ấy cảm mấy lời nàng nói mới để ý đến nỗi mình bị giáng trích.” Câu thơ sau đây mới là nỗi lòng thật của ông:

                  Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai

                  Và:

                  Chốn cùng tịch lấy ai vui thích
                  Tai chẳng nghe đàn địch suốt năm
                  Sông Bồn gần chốn cát lầm
                  Lau vàng trúc võ âm thầm quanh hiên
                  Tiếng chi đó nghe liền sớm tối
                  Quốc kêu sầu vượn nói véo von
                  Hoa xuân nở nguyệt thu tròn
                  Lần lần tay chuốc chen son ngập ngừng
                  Há chẳng có ca rừng địch nội
                  Giọng líu lo nhiều nỗi khó nghe


                  Trong chế độ phong kiến độc đoán Tống Nho, một lời oán trách, buồn phiền nhà vua cũng là một trọng tội, “khi quân” thành ra chữ “lẵng lặng tự dưng” ông nói ở trên chỉ là lời nói khéo để khỏi bị triều đình bắt tội mà thôi. Các nhà phê bình văn học cổ cho rằng bản dịch chữ Nôm của Phan Huy Vịnh còn hay hơn cả bản chính chữ Nho của Bạch Cư Dị, chứng tỏ tài năng của nghệ sĩ nước ta.

                  Câu chuyện người kỹ nữ ôm đàn sang thuyền của Bạch đàn ca bị người đời sau chê nàng là người thiếu thủy chung với người chồng đi vắng. Trong truyện Kiều, Thúy Kiều thề ước với Kim Trọng “Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai” cũng là muốn nói lòng thủy chung của cô với chàng Kim vậy. Vậy mà cuối cùng, vì gia biến, Kiều phải bán mình chuộc cha. Than ôi! Xưa cũng như nay, vì hoàn cảnh hay tự lòng mình không vững bền, mấy ai giữ được một tấm lòng chung thủy!

                  Bài thơ Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị do Phan Huy Vịch dịch, có ảnh hưởng rất lớn trong văn học Việt Nam, không chỉ trong cổ thi mà còn cả trong thi ca lãng mạn tiền chiến. Rõ nhất là ở bài thơ “Nguyệt Cầm” của Xuân Diệu. Một đêm trăng, Bạch Cư Dị (BCD) tiễn bạn ra bến sông Bồn (Tầm Dương). BCD viết: “Thuyền không đổ bến mặc ai, Quanh thuyền trăng dãi nước trôi lạnh lùng. Hoặc: “Nước mênh mông đượm vẻ gương trong”. Hoặc: “Thuyền mấy lá đông tây lạnh ngắt, Một vầng trăng trong vắt lòng sông”, v.v... Như thế, nói chung, người ta có thể hiểu là đêm tiễn bạn ấy trăng nước mênh mông và lạnh lẽo. Từ ý đó. Xuân Diệu (XD) viết: “Trăng lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời, Đàn ghê như nước lạnh trời ơi”. Và: “Mây trắng trời trong đêm thủy tinh, Lung linh bóng sáng bỗng run mình”.

                  Về chỗ bến sông Bồn (Tầm Duơng), BCD viết: “Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu.” Xuân Diệu như linh cảm, nghe được cả tiếng sỏi kêu dưới chân kẻ đưa, người tiễn: “Long lanh tiếng sỏi vang vang hận.” Chính XD cũng xác nhận bài thơ Nguyệt Cầm của ông mô tả tiếng đàn đêm nào trên bến Tầm Dương: “Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người...”

                  “Người” XD nói ở đây là ai? Bạch Cư Dị và người bạn Bạch đưa tiễn? Không! “Người” XD nói đó chính là người ca kỹ già trong Tỳ Bà Hành. Ở một câu khác, XD nói rõ người đó hơn:

                  Vì nghe nương tử trong câu hát
                  Đã chết đêm rằm thu nước xanh.


                  Về người kỹ nữ đó, BCD mô tả:

                  Tay ôm đàn che nửa mặt hoa

                  Về sắc đẹp khi còn trẻ thì:

                  Ả Thu nương ghen lúc điểm tô,

                  Cũng giống như cô Kiều: “Hoa ghen sắc thắm, liễu hờn kém xanh” vậy.

                  Những câu khác của XD dùng để tả tiếng đàn của kỹ nữ:

                  Mỗi giọt rơi tràn như lệ ngân.

                  Bạch Cư Dị thì viết:

                  Khắp tiệc hoa tuôn nước lệ rơi
                  Lệ ai chan chứa hơn người


                  Xuân Diệu viết một câu khá hay và nghe khá “ớn lạnh” có vẻ ghê rợn như trong “Bài Thơ Chiêu Niệm” của Đinh Hùng:

                  Vì nghe nương tử trong câu hát
                  Đã chết đêm rằm thu nước xanh


                  Từ bài thơ nầy của Xuân Diệu, nhạc sĩ Cung Tiến soạn bản nhạc Nguyệt Cầm. Nhìn chung, lời ca trong bài hát Nguyệt Cầm không khác với thơ Xuân Diệu, tuy ở vài câu, Cung Tiến có phát triển thêm ý thơ của Xuân Diệu mà thôi. Tôi ghi lại lời ca trong bài hát “Nguyệt Cầm” như sau đây để độc giả có thể thấy tài năng nhạc của Cung Tiến và luôn cả tài năng thơ của ông. Quí vị nào đã xem Paris by Night 58, tất có nghe Nguyễn Ngọc Ngạn phỏng vấn Cung Tiến về việc phổ nhạc bài thơ nầy.

                  Nguyệt cầm, Cung Tiến (phổ thơ “Nguyệt Cầm” của Xuân Diệu)

                  Đêm mùa trang úa làm vỡ hồn ta...
                  Ngập ngừng xa...suối thu dồn lá úa trôi xa
                  Sầu thu, sầu lên vút mịt mù
                  Mà e nhớ, huong mùa thu
                  Trăng Tầm Dương lung linh bóng sáng
                  Từng thoáng lệ ngân
                  Mà hồn phân vân cuồng điên nhớ
                  Long lanh tiếng nguyệt cầm, tiếng đàn trầm
                  Ai nhớ Nương Tử một đêm nao trăng thanh trong lời hát...
                  Chết theo nước xanh...Chết theo nước xanh...
                  Ôi đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh...

                  Long lanh long lanh, trăng chiếu một mình
                  Khơi vơi khơi vơi, nhắc lòng tỏ ngời
                  Nguyệt cầm ôi tiếng lệ ngân. Chết từng mùa Xuân...

                  Đêm ngời men nhớ... Nhắc tên người thủa xưa
                  Trăng sầu riêng chiếc... Trăng sầu riêng chiếc
                  Sầu cho đến bao giờ?
                  Hồn ghê bến bờ sao, ngập hồn xanh biếc trời cao
                  Kìa thuyền trăng, trăng nhớ Tầm Dương
                  Nhớ nhắc lòng đêm ấy thuyền neo bến ấy

                  Nguyệt Cầm nghe nức từng câu...
                  Có hàng mây trắng về đâu... mặt chìm sâu
                  Đêm lắng đợi sâu
                  Nguyệt Cầm khơi mãi tình sâu.
                  Khơi mãi nguồn đêm

                  ...Mùa trăng úa làm vỡ hồn ta...
                  Ngập ngừng xa suối Thu dồn lá úa trôi qua.
                  Sầu Thu sầu lên vút mịt mù, mà e nhớ hương mùa Thu .
                  Trăng Tầm Dương lung linh bóng sáng từng thoáng lệ ngân
                  Mà hồn phân vân cuồng điên nhớ long lanh tiếng Nguyệt cầm tiếng đàn trầm.
                  Ai nhớ nương tử một đêm nao trăng thanh trong lời hát
                  Chết theo nước xanh. Chết theo nước xanh.
                  Ôi đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh.


                  Người ta có thể thấy một giòng trôi của thơ, hay thi ca, hay văn học, từ Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị bên Tàu, sang Việt Nam, Phan Huy Vịnh dịch thành thơ Nôm, tới Nguyệt Cầm của Xuân Diệu và ngày nay, Nguyệt Cầm của Cung Tiến bằng Quốc Ngữ.

                  Tuy nhiên, tôi vẫn có một thắc mắc mà chưa giải đáp đươc. Tại sao từ cây đàn Tỳ Bà của Bạch Cư Dị bên Tàu nay biến thành Cây đàn Nguyệt của Xuân Diệu và Cung Tiến? Quí vị nào từng nghiên cứu thơ văn, các nhà nghiên cứu âm nhạc, nhứt là nhạc cổ của ta như Giáo Sư Trần Văn Khê, và Trần Quang Hải, và cả Cung Tiến nữa, người đã phổ nhạc bài thơ của Xuân Diệu, nếu có chút thì giờ, xin trả lời câu hỏi nầy?

                  hoanglonghai/tuechuong
                  Mass, cuối mùa lạnh.
                  Nguyệt Cầm - Mai Hương








                  Phân tích bài Nguyệt Cầm của Xuân Diệu


                  Nguyệt Cầm

                  A Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
                  Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
                  Ðàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
                  Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.
                  *
                  B Mây vắng, trời trong, đêm thủy tinh
                  Lung linh bóng sáng bỗng rung mình
                  Vì nghe nương tử trong câu hát
                  Ðã chết đêm rằm theo nước xanh.
                  *
                  C Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời,
                  Ðàn ghê như nước, lạnh, trời ơi ...
                  Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
                  Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người ...
                  *
                  D Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê,
                  Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề.
                  Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
                  Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.
                  Xuân Diệu

                  Bài Nguyệt Cầm của Xuân Diệu, ảnh hưởng Tỳ Bà Hành, hòa hợp với thuyết giao ứng (correspondance) của Baudelaire, là một bài thơ mới, âm hưởng cổ điển và lãng mạn.

                  Xuân Diệu nghe đàn trên sông Hương, trạnh nhớ hận tình Trương Chi - Mỵ Nương mà làm nên Nguyệt Cầm. Cảm xúc lời thơ, Cung Tiến sáng tác Nguyệt Cầm, tình khúc lãng mạn giá trị, mang những cung bậc Tây phương.

                  Bài thơ Nguyệt Cầm thể hiện sự giao cảm giữa hương sắc và thanh âm, giữa đất trời và cỏ cây, giữa vũ trụ và con người, giữa trần gian và âm cảnh. Nói như Baudelaire: Bởi thơ và qua thơ, bởi nhạc và qua nhạc mà tâm hồn thoảng thấy những ánh hào quang ẩn sau cõi chết. Người thi sĩ bằng trực giác mẫn cảm nắm bắt giây phút hội ngộ thiêng liêng giữa thực tại và siêu hình, giữa nội tâm và ngoại giới để đạt tới thăng hoa trong tác phẩm nghệ thuật.
                  Chúng ta tìm thấy cấu trúc nội dung trên đây qua sự phân tích cấu trúc hình thức.

                  Bài Nguyệt Cầm mang những tính chất cơ bản của thi ca. Nguyên lý song song xuất hiện liên tục dưới nhiều dạng:

                  - Về mặt hình thức, thơ 7 chữ, 4 câu, 4 khổ. Trong 112 chữ, có 5 trăng, 2 nguyệt, 4 đàn, 3 lạnh, 3 nhạc, 2 nước v. v.... Ðặc biệt, khổ một (A) có tới 4 trăng, 1 nguyệt, 3 đàn, và trăng là nguyệt, nguyệt là đàn: cả ba đều có thể chung một nghĩa. Toàn bài gồm ít nhất 9 nhóm từ song song tương đồng ngữ nghĩa:

                  thủy tinh - pha lê - trong
                  lặng-vắng
                  buồn-hận-sầu
                  ghê-rợn
                  hỡi-ôi-trời ơi
                  tàn-chết-nhập-hồn
                  thương-nhớ
                  lung linh-long lanh
                  lệ-giọt-sương

                  - Về mặt nội dung, khổ một (A) song song với khổ ba (C): bầy ra sự đối diện (hay nội cảnh) giữa trăng và đàn. Khổ hai (B) song song với khổ bốn (D): dàn phần ngoại cảnh (thiên nhiên, trời đất), và tâm cảnh người nghe hoặc người ngắm nguyệt cầm.

                  Trước hết, nguyệt cầm là gì? Ngay tựa đề đã vô cùng hàm súc. Nguyệt Cầm. Nguyệt và cầm: hai yếu tố tương đồng ngữ nghĩa, trùng phùng hình ảnh. Từ vừa đơn, vừa ghép, tuy hai mà có thể trở thành một, hoặc biến hoá đến vô cùng: Trăng là nguyệt, là đàn (đàn hình tròn như trăng), mà còn có thể là người kỹ nữ, là thi sĩ, là anh, là em, là tôi, là ta, ....

                  Trên bình diện phân tích hình vị thì như thế. Nhưng nếu xét nguyệt cầm trên bình diện cấu trúc thi ca, sự đối xứng và tương đồng ngữ nghĩa giữa nguyệt và cầm có thể mở ra những giải thích sau đây:

                  1. Nếu nhìn nguyệt cầm như một cấu trúc tỉnh lược chủ từ và hư từ, thì Nguyệt cầm là đàn trăng: đàn trăng mở ra ít nhất ba bối cảnh:

                  - (đánh) đàn (dưới) trăng
                  - (nghe) đàn (dưới) trăng
                  - đàn (ngắm) trăng

                  Nguyệt cầm còn là trăng đàn: trăng đàn mở ra ba cảnh khác:

                  - trăng (đánh) đàn
                  - trăng (nghe) đàn
                  - trăng ( ngắm) đàn


                  2. Nếu nhìn nguyệt cầm dưới dạng cấu trúc ẩn dụ, thì Nguyệt có thể là em: Nguyệt cầm = em đàn. Nguyệt cũng có thể là anh, và đàn là em:

                  - Anh (nghe) đàn
                  - Anh (nghe) em (đàn)
                  - Anh (ngắm) đàn
                  - Anh (ngắm) em (đàn)

                  Tóm lại mười một bối cảnh trên đây có thể hàm ngụ trong hai chữ nguyệt cầm.

                  Bước vào bài thơ, câu đầu:

                  Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh

                  Hai chữ dây cung mập mờ ý nghĩa, làm môi giới cho tình và ý. Dây vừa là dây đàn mà cũng là dây tơ. Cung vừa là cung Hằng, vừa là cung tơ. Câu thơ đưa ra nhiều hình ảnh chập trùng: Trăng nhập vào trăng? Trăng nhập vào dây đàn? Trăng nhập vào cung tơ? Mà trăng là ai? Nếu trăng là anh: Anh nhập vào cung trăng? Anh nhập vào cung đàn? Hay anh nhập vào em? Nguyệt còn đồng âm với huyệt. "Trăng - nguyệt" -ẩn dụ cổ điển- nhờ sự táo bạo và mãnh lực của chữ nhập, vướng mắc vào dây, vương tơ (ngầm). Trăng đắm trong ẩm ướt của vùng nguyệt lạnh, gợi lên hình ảnh nồng nàn đầy nhục cảm mà cũng vô cùng dịu dàng, tế nhị, thanh khiết, mà cũng có thể là cõi chết, nơi hội ngộ của những âm hồn.

                  Chuyển sang câu hai:

                  Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần

                  tính cách đối xứng giữa trăng thương và thương trăng, trăng nhớ và nhớ trăng, tạo nên sức tương ái nhớ thương - thương nhớ giữa đôi bên. Sự kết hợp với chữ hỡi - là tiếng gọi xa, gọi mà không chắc người nghe có nghe tiếng mình không (Trời hỡi! làm sao cho khỏi đói. -Hàn Mạc Tử) - tạo nên khoảng cách muôn trùng giữa hai đối tượng: trăng và đàn.

                  Nếu "Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh" mở ra bối cảnh gần gụi da diết "Trăng nhập đàn" thì "Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần" dẫn đến niềm nhớ thương đòi đoạn, và sự phân chia nghìn trùng xa cách giữa đôi bên. Vì thế hai câu thơ trên trở thành cặp phạm trù song song đối đẳng. Tiếp đến: "Ðàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm" và "Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân" có sự chuyển đề: đàn đang từ vị trí khách thể ở hai câu thơ đầu:

                  Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
                  Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần


                  bỗng chuyển sang vị trí chủ thể ở câu 3, câu 4:

                  Ðàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
                  Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân
                  (1)

                  Nhận xét thứ nhì: Tuy "Ðàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm" vẫn giữ nguyên cấu trúc hình thức như "Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần", nhưng ở đây tĩnh từ buồn và lặng đã thay thế động từ, biến trạng thái tĩnh thành động, khiến cho mệnh đề đàn buồn trở nên đa nghĩa: tiếng đàn buồn? người đánh đàn buồn? hay đàn đang gẩy khúc nhạc buồn?... và đàn lặng cũng mang những ngụ ý: tiếng đàn lặng đi? người kỹ nữ ngưng đàn? hay khúc nhạc bỗng dưng im bặt? ... cho thấy cách tạo hình ở "Ðàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm" khácvới cách tạo hình của "Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần". Câu thơ kế tiếp "Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân" tiếp tục mô tả tiếng đàn và tâm cảm người gẩy đàn. Chữ tàn gieo vào giữa câu thơ như nỗi trớ trêu của định mệnh. Tàn: Tàn cung? Tàn canh? Tàn phai? mà cũng có thể là tàn nhẫn, rơi vào chính giữa câu thơ, chia loan, rẽ thúy, tạo nên những tác dụng:

                  - Phân chia câu thơ làm hai vế so sánh: Mỗi giọt rơi = như lệ ngân.
                  - Chia rẽ chủ ngữ "giọt lệ" ra làm hai nhân cách khác, hai hình ảnh khác: giọt rơi, lệ ngân.
                  - Hai hình ảnh này và dư âm này tác động một lần nữa xuống nỗi đau thương ly cách giữa trăng và đàn.
                  - Tàn còn có nghĩa tàn cung là bặt tiếng đàn, là tàn tạ như tiếng đàn rơi xuống, tan đi, vỡ ra ... như khối hận tình mang xuống tuyền đài chưa tan...
                  - Và tàn còn có thể là tàn phai, như nhan sắc người kỹ nữ trong khoảnh khắc tàn canh, rỏ mỗi tiếng đàn như ngân một giọt lệ.

                  Toàn bộ bốn câu thơ có cấu trúc song song, đối đẳng, nhà thơ tận dụng sự đối xứng giữa những cặp phạm trù (trăng - đèn), (gần - xa), (ngoại cảnh - tâm cảnh), dùng những ngụ ý, hàm ngôn tạo mối tương quan giữa những điều nói và những điều không nói, giữa thực và hư, giữa tĩnh và động, để mở ra đến vô cùng, sự gần gụi và xa cách giữa trăng và đàn.


                  Sang tiết đoạn B, tác giả đổi thay phong cách:

                  B Mây vắng, trời trong, đêm thủy tinh
                  Lung linh bóng sáng bỗng rung mình
                  Vì nghe nương tử trong câu hát
                  Ðã chết đêm rằm theo nước xanh.


                  B mang cấu trúc văn xuôi, với những mệnh đề tiếp cận có tính cách giải thích, bổ nghĩa cho nhau (vì... đã...). Sự bắc cầu trực tiếp bằng một mệnh đề xé hai (enjambement avec rejet mà Xuân Diệu(2) mượn trong thơ Pháp) liên kết chặt chẽ câu thơ trên với câu thơ dưới, kết hợp bốn câu thành một phát ngôn có trình tự nhất định:

                  "Mây vắng, trời trong, đêm thủy tinh lung linh bóng sáng bỗng rung mình vì nghe nương tử trong câu hát đã chết đêm rằm theo nước xanh"

                  Tuy nhiên, câu trên vẫn là thơ vì những mệnh đề tuy liên tục và có trình tự trong ý, nhưng thiếu chủ ngữ và vị ngữ nên không "thành văn": Mây vắng, trời trong, đêm thủy tinh là ba hình ảnh độc lập, dị biệt nhưng song song về nghĩa: Mây vắng = trời trong = đêm thủy tinh.

                  Nhịp cầu thứ nhất liên kết đêm thủy tinh với lung linh bóng sáng, bật ra hai khả năng diễn nghĩa:

                  - hoặc là có hai cảnh tượng song song: Ðêm thủy tinh lung linh và bóng sáng bỗng rung mình.
                  - hoặc là cả cái "đêm thủy tinh lung linh bóng sáng" đó bỗng rung mình.

                  Giải thích thứ hai này ngụ ngầm ý nghĩa: Mây vắng và trời trong cũng rung mình như đêm thủy tinh vì ba yếu tố trên cùng một chức năng ngữ nghĩa và cấu trúc trong câu.

                  Tại sao rung mình? Vì tất cả đều nghe nương tử trong câu hát. Ðến đây sự bắc cầu trở nên huyền nhiệm: Ðộng từ "đã chết" bơ vơ, buông lỏng, không có chủ ngữ. Ai đã chết? Nương tử đã chết? Câu hát đã chết? hay là tất cả những nhân vật: mây, trời, đêm thủy tinh, bóng sáng kia, vì nghe nương tử hát mà cùng tự tử trong đêm rằm dưới nước xanh, như huyền thoại Lý Bạch ôm trăng nhẩy xuống dòng Dương Tử?

                  Tiết đoạn B kết hợp hài hòa khái niệm thẩm mỹ giữa Ðông -Tây, trong cấu trúc hình thức và nội dung thi ca.


                  Tiết đoạn C trở lại cuộc tương kiến giữa Ðàn và Trăng:

                  C Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời,
                  Ðàn ghê như nước, lạnh, trời ơi ...
                  Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
                  Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người...


                  Âm hưởng và giai điệu trong tiết đoạn này ngẫu hứng từ tiếng đàn của người kỹ nữ trong Tỳ Bà Hành, nhất là "Ðàn ghê như nước, lạnh, trời ơi ..." và "Long lanh tiếng sỏi vang vang hận":

                  Nước tuôn róc rách, chẩy mau xuống ghềnh
                  Nước suối lạnh, dây mành ngừng đứt

                  Uyết tuyền lưu thủy hạ thán
                  Thủy tuyền lãnh sáp huyền ngưng tuyệt


                  và chính dư âm tiếng đàn đã làm cho thiên nhiên âm nhạc và con người tương tư nhau: Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người làm cho hiện tại luyến lưu dĩ vãng, làm cho sự cách biệt giữa không gian và thời gian, nghệ thuật và tình người ngắn lại, nhưng cũng lại trải ra biền biệt đến vô cùng, và mở đường cho bốn câu thơ cuối:

                  D Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê,
                  Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề.
                  Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
                  Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.


                  Tiết đoạn D, song song với tiết đoạn B, trở lại quang cảnh vũ trụ và tâm cảnh người nghe đàn, ngắm trăng: Câu 1 mở ẩn dụ thành ấn tượng so sánh:

                  Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê,

                  Thi sĩ giao hòa âm nhạc với ánh trăng thành một biển sáng có âm thanh pha lê.

                  Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề.

                  Lần đầu tiên, nhân xưng tôi xuất hiện trong thơ. Sự hiện diện của thi sĩ, đơn côi tuyệt đỉnh. Ẩn dụ "chiếc đảo hồn tôi" và tâm cảm "rợn bốn bề" phù trợ nỗi hoang lạnh cho hai đoản ngữ "chiếc đảo" và "hồn tôi", kèm thêm bốn hình vị độc lập chiếc - đảo - hồn - rợn đều mang ẩn nghĩa đơn chiếc, hoang vắng, âm hồn, ghê rợn, ... nói lên sự lạc lõng gây gây của thi nhân trong cõi trần âm u hoang lạnh. Niềm tâm sự ấy đắm trong khung cảnh:

                  Sương bạc làm thinh, khuya nín thở

                  Tình huống "Sương bạc làm thinh, khuya nín thở" trên đây nối tiếp với "Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề", như để giới thiệu thiên nhiên "Sương bạc" với không và thời gian "khuya", những nhân tố mới này cùng "làm thinh" và "nín thở" để:

                  Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.

                  Thi sĩ đã đem nội tâm của con người hòa cùng âm nhạc, ném vào vũ trụ hành tinh. Còn lại một mình đối diện với cõi chết, âm u, hoang lạnh. Bềnh bồng ngoài thực tại, trong vị trí giao tiếp giữa không gian và vũ trụ. Lưỡng lự, nửa thăng thiên về một hành tinh lý tưởng, nửa hạ huyệt về cõi độc dược, Ác Hoa. Sự đối chất giữa Lý tưởng (Idéal) và Nỗi sầu (Spleen, Ennui) trong Baudelaire, không chỉ truyền sang Xuân Diệu, thấm vào Huy Cận, mà còn thông suốt cả một thế hệ thi nhân, biến thành nỗi sầu nhân thế, tận diệt thế nhân trong cảm giác nghẹt thở, bất lực, hoang mang, muôn đời buồn bã.
                  (Paris 3/1995)


                  Chú thích:
                  (1) Tỳ Bà Hành:

                  Ngưng tuyệt bất thông thanh tạm yết

                  Ngừng đứt nên phút bặt tiếng tơ
                  Biệt hữu u sầu ám hận sinh Ôm sầu mang giận ngẩn ngơ
                  hử thời vô thanh thắng hữu thanh Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay.

                  (2) Theo lời Xuân Diệu kể trong Confession d'un poète, thì Huy Cận là người đầu tiên sử dụng enjambement avec rejet:

                  Thức dậy nắng vàng ngang mái nhạt
                  Buồn gieo theo bóng lá đung đưa
                  Bên thềm - Ai nấn lòng tôi rộng
                  Cho trải mênh mông buồn xế trưa.

                  Thực ra, trong Kinh Thi, người xưa "tình cờ" cũng đã "bắc cầu":

                  Khiêu hề thoát hề
                  Tại thành khuyết hề.

                  dịch:

                  Em nhẹ nhàng nhẩy lên
                  Lầu trên thành.

                  và Thế Lữ là người đầu tiên sử dụng bắc cầu như một kỹ thuật du nhập từ phương Tây, trong thơ mới:

                  Trời cao xanh ngắt - ô kìa!
                  Hai con hạc trắng bay về bồng lai
                  Như khua động nỗi nhớ nhung thương tiếc
                  Trong lòng người đứng bên hồ.




                  Thụy Khuê
                  Last edited by chieutim; 06-05-2022, 10:38 PM.

                  Comment


                  • #10
                    Vết Chim Bay











                    Last edited by chieutim; 02-10-2020, 10:59 PM.

                    Comment


                    • #11
                      Hiện tượng Cung Tiến trong tân nhạc Việt

                      Trong lịch sử tân nhạc Việt, dường như không có một nhạc sĩ nào nổi tiếng ngay với sáng tác đầu tay, ở tuổi niên thiếu, khi chỉ mới 14, 15 tuổi, như trường hợp Cung Tiến. Có dễ chính vì thế mà, có người không ngần ngại gọi hiện tượng Cung Tiến là thiên tài của bộ môn nghệ thuật này.

                      Nói vậy, không có nghĩa chúng ta không có nhiều nhạc sĩ (cũng như thi sĩ), bước vào sân chơi VHNT rất sớm. Thậm chí có người chỉ ở độ tuổi lên 9, lên 10…Nhưng để được đám đông biết đến hay, được những người cùng giới công nhận thì, chí ít cũng phải nhiều năm sau. Ở đây, chúng ta cũng không nên loại trừ trường hợp, nếu có những nhạc sĩ (hay thi sĩ) thành danh chỉ với một bài duy nhất thì, cũng có những người viết nhạc (làm thơ) trọn đời vẫn không được dư luận biết tới!

                      Đề cập tới những trường hợp kém may mắn này, sinh thời, đôi lần nhà văn Mai Thảo cho rằng, không phải tất cả những người bị định mệnh quay lưng đó, là những người không có khả năng hoặc, không có tài mà, chỉ vì họ không có “duyên” với văn học, nghệ thuật.

                      “Nếu mình chẳng may vô duyên với sự nổi tiếng thì chỉ có nước… chịu chết thôi. Chẳng thể làm gì được…” Tác giả “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền” nhấn mạnh.

                      Như đã nói, nhạc Cung Tiến là một hiện tượng ngoại lệ. Phần tiểu sử của ông, trên trang mạng Wikipedia-Mở có thể tóm tắt như sau:

                      Nhạc sĩ Cung Tiến tên thật Cung Thúc Tiến, sinh ngày 27 tháng 11 năm 1938, tại Hà Nội, là một nhạc sĩ được dư luận liệt kê vào hàng ngũ những nhạc sĩ theo dòng nhạc Tiền chiến. Ông được xem như nhạc sĩ trẻ nhất có 2 sáng tác sớm được phổ biến rộng rãi là “Thu vàng” và "Hoài cảm". Cả hai bài này được họ Cung viết năm 14, 15 tuổi. Mặc dù xem âm nhạc như một thú tiêu khiển nhưng Cung Tiến đã để lại những nhạc phẩm rất giá trị như "Hương xưa", "Hoài cảm".

                      Trang mạng Wikipedia-Mở cũng cho biết, thời trung học, Cung Tiến đã học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng là Chung Quân và Thẩm Oánh. Trong khoảng thời gian 1957 tới 1963, Cung Tiến du học tại Úc, ngành kinh tế. Nhân cơ hội này, ông ghi tên tham dự các khóa về dương cầm, đối điểm, và phối cụ tại Âm nhạc viện Sydney.

                      Trong những năm từ 1970 tới 1973, khi Cung Tiến nhận được một học bổng Cao học về Kinh tế, của British Council để nghiên cứu kinh tế học phát triển tại đại học Cambridge, Anh quốc; ông cũng đã ghi tên tham dự các lớp về nhạc sử, nhạc học, và nhạc lý hiện đại…

                      Vẫn theo trang mạng kể trên thì, về ca khúc, Cung Tiến sáng tác rất ít và phần lớn các tác phẩm của ông đều viết sau 1954, trừ bài “Thu vàng”, “Hoài cảm” ông viết năm 1953 khi mới 14-15 tuổi. Tuy nhiên, các ca khúc này lại thường được xếp vào dòng nhạc tiền chiến bởi chúng có cùng phong cách trữ tình lãng mạn…

                      “Ra hải ngoại Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh phụ ngâm năm 1987, soạn cho 21 nhạc khí, trình diễn lần đầu vào ngày 27 tháng 3 năm 1988, tại San Jose, California, với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn Học nghệ thuật quốc khánh 1988…” Trang mạng kể trên viết. (1)

                      Theo dõi sinh hoạt sáng tác của Cung Tiến, kể từ sau biến cố 30 tháng 4-1975, ở hải ngoại, người ta được biết, ông dành nhiều thì giờ hơn cho việc sáng tác - - Từ phổ nhạc thơ, cho tới những công trình nghiên cứu dân ca Việt, nghiên cứu hình thái đặc thù của truyền thống Quan Họ Bắc Ninh v.v…

                      Bên cạnh lãnh vực âm nhạc, Cung Tiến cũng đóng góp nhiều cho lãnh vực văn học thuộc giai đoạn 20 năm Văn học, Nghệ thuật miền Nam. Với bút hiệu Thạch Chương, ông từng cộng tác với các tạp chí Sáng Tạo, Quan Điểm, và Văn. Hai trong số những bản dịch thơ văn của Cung Tiến dưới bút hiệu Thạch Chương, được nhiều người biết tới thời trước 1975 ở Saigon là “Hồi ký viết dưới hầm” của Dostoievsky, và cuốn “Một ngày trong đời Ivan Denisovitch” của Solzhenitsyn.

                      Cách đây nhiều năm, khi được một ký giả hỏi về ca khúc “Thu vàng” viết từ thời niên thiếu, nhạc sĩ Cung Tiến đã tiết lộ, đại ý, sự thực, đó chỉ là một bài tập trong thời gian ông mới bước vào khu rừng nhạc thuật mà thôi.

                      Tiết lộ này của họ Cung, từng gây nên nhiều nguồn dư luận thuận / nghịch. Nhưng không vì thế mà “Thu vàng” có thể ra khỏi ký ức rộn rã những bước chân tung tăng, nhảy nhót thương yêu của rất nhiều thế hệ. Đó là những bước chân tung tăng đuổi theo không chỉ những chiếc lá vàng rơi mà, còn đuổi theo cả một mùa thu thơ dại trên đường phố nữa:

                      “Chiều hôm qua lang thang trên đường
                      Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương
                      chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
                      Có mùa thu về, tơ vàng vương vương

                      “Một mình đi lang thang trên đường
                      Buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng
                      Lòng xa xôi và sầu mênh mông.
                      Có nghe lá vàng não nề rơi không

                      “Mùa thu vàng tới là mùa lá vàng rơi
                      Và lá vàng rơi, khi tình thu vừa khơi
                      Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi
                      Nghe chừng đâu đây màu tê tái

                      “Chiều hôm qua lang thang trên đường
                      Nhớ nhớ, buồn buồn với chán chường
                      Chiều hôm nay trời nhiều mây vương
                      Có mùa Thu Vàng bao nhiêu là hương.
                      (2)

                      Mặc dù trong ca từ “Thu vàng” của Cung Tiến, có câu “Nhớ nhớ, buồn buồn với chán chường”, nhưng toàn cảnh vẫn là một trong rất ít những ca khúc viết về mùa thu không bi lụy hóa, hoặc sầu thảm hóa như nội dung của hầu hết những ca khúc viết về mùa thu, đã thành khuôn sáo từ hơn nửa thế kỷ trước. Thí dụ ca khúc “Lá đổ muôn chiều” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh:

                      “…Thu đi cho lá vàng bay,
                      lá rơi cho đám cưới về
                      Ngày mai, người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa

                      tình duyên đành dứt
                      Có những đêm về sáng

                      đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi
                      đã vội chi men rượu nhấp đôi môi
                      mà phung phí đời em không tiếc nhớ

                      “Lá đổ muôn chiều ôi lá úa,
                      phải chăng là nước mắt người đi
                      Em ơi đừng dối lòng
                      dù sao chăng nữa không nhớ đến tình đôi ta?

                      “Thôi thế từ đây anh cố đành quên rằng có người
                      Cầm bằng như không biết mà thôi
                      Lá thu còn lại đôi ba cánh
                      đành lòng cho nước cuốn hoa trôi…”
                      (3)

                      Khuôn sáo hay ước lệ này, theo tôi nó vẫn đeo đẳng, xuất hiện trong rất nhiều ca khúc viết về mùa thu của những nhạc sĩ ở thế hệ sau! Làm như, nếu mùa thu trong ca khúc (cũng như thơ) của họ, không bi lụy, không tan tác, đổ vỡ, chia ly thì nó sẽ là một… mùa nào khác, chứ không phải là mùa thu vậy!?!


                      Hồn tính đông phương trong ca khúc Cung Tiến

                      Nhiều người cùng giới với nhạc sĩ Cung Tiến cho rằng đa số ca khúc của họ Cung được viết trên căn bản bán cổ điển tây phương, nên giai điệu rất sang trọng. Theo tôi, chúng ta có không ít nhạc sĩ xây dựng sáng tác của mình trên khung, nền bán cổ điển tây phương. Nhưng rất ít người cho phần ca từ của họ nhiều hồn tính đông phương như Cung Tiến.

                      Ngay ca khúc thứ hai, họ Cung viết khi còn ở độ tuổi 15 là ca khúc “Hoài cảm”, từ dòng chữ đầu tiên tới kết thúc, tính hoài cổ đã lồng lộng trong từng con chữ của ông. Mặc dù nội dung toàn thể ca từ, cho thấy tấm lòng thiết tha, trông ngóng về một tình yêu, vắng mặt. Nhưng, từ một góc độ nào khác, hay ở mặt bên kia, phía khuất lấp của tấm lòng thiết tha, trông ngóng một tình yêu, không nhất thiết phải là một người nữ (đối tượng cụ thể). Nó cũng có thể là một thứ tình yêu hướng về thiên cổ. Tựa những tiếng gõ thiết tha lên cánh cửa trăm năm, của một tâm hồn sớm cảm nhận được sự lạc lõng, bơ vơ của mình, trước hiện cảnh:

                      “Chiều buồn len lén tâm-tư
                      Mơ hồ nghe lá thu mưa
                      Dạt dào tựa những âm xưa
                      Thiết tha ngân lên lời xưa
                      “Quạnh hiu về thấm không gian
                      âm thầm như lấn vào hồn
                      Buổi chiều chợt nhớ cố nhân
                      Sương buồn lắng qua hoàng hôn
                      “Lòng cuồng điên vì nhớ
                      ôi đâu người, đâu ân tình cũ?
                      Chờ hoài nhau trong mơ
                      Nhưng có bao giờ, thấy nhau lần nữa
                      “Một mùa thu xa vắng
                      Như mơ hồ về trong đêm tối
                      Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa?
                      “Chờ nhau hoài cố nhân ơi!
                      Sương buồn che kín nguồn đời
                      Hẹn nhau một kiếp xa xôi,
                      nhớ nhau muôn đời mà thôi!”
                      (3)

                      Tôi muốn gọi ca từ của “Hoài cảm” của người nhạc sĩ tài hoa sớm phát tiết này là “thi sĩ của hoài niệm quá khứ”. Cụ thể khi ông dùng những chữ như “thấm” và “lấn” trong “Quạnh hiu về thấm không gian / âm thầm như lấn vào hồn...” Hoặc động tự “che” trong câu “Sương buồn che kín nguồn đời...”

                      Về phương diện tu từ học (rhetoric) thì những con chữ kể trên của họ Cung, không chỉ được đặt đúng vị trí mà, nó còn cụ thể hóa những túc từ trừu tượng đứng ngay sau nó nữa. Cũng thế, với “Hương xưa”, tính chất “vạn cổ sầu” của tác giả còn rưng rưng nỗi niềm lạc loài, mất dấu hơn nữa. Tôi không biết tác giả sáng tác ca khúc này, bao lâu sau “Hoài cảm”? Nhưng trong cảm nhận của riêng tôi, nó vẫn những tiếng gõ thiết tha lên cánh cửa trăm năm hoặc, như những ngọn lửa khêu thức niềm bơ vơ “thất thổ”:

                      “Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao
                      Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao
                      Còn đó tiếng khung quay tơ,
                      Còn đó con diều vật vờ
                      Còn đó, nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa
                      “Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi
                      Buồn sớm đưa chân cuộc đời
                      Lời Đường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa
                      Dù có bao giờ lắng men đợi chờ
                      Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
                      Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô-tô
                      Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ
                      Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó
                      “Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ
                      Dù đã quên lời hẹn hò
                      Thời Hoàng Kim xa quá chìm trong phôi pha
                      Chờ đến bao giờ tái sinh cho người
                      “Đời lập từ những đêm hoang sơ
                      Thanh bình như bóng trưa đơn sơ
                      Nay đời tan biến trong hư vô,
                      chết đầy từng mồ oán thù.
                      máu xương tơi bời nhiều mùa thu...
                      (4)

                      Ở phân khúc 6, để làm nổi bật thời “hoàng kim” – thanh bình thuở xa xưa, tác giả nhắc tới cuộc kháng chiến tháng mùa thu 1945 của đất nước, từ đó dẫn tới những thảm kịch thương đau, nhấn chìm sự sống của cả một dân tộc, với câu “...Nay đời tan biến trong hư vô / chết đầy từng mồ oán thù / máu xương tơi bời nhiều mùa thu...”

                      Nhưng, tôi vẫn thấy được tố chất thi sĩ, với nhiều câu thơ đẹp trong ca khúc. Như những câu: “Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao...” Hoặc: “Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi / Buồn sớm đưa chân cuộc đời...” Hay (lập lại): “Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ / Dù đã quên lời hẹn hò...” Tôi cho đó là những câu thơ mà, không ít người làm thơ mơ ước viết được một lần trong đời mình. (5)






                      Tóm lại, những ca khúc của Cung Tiến nằm trong khoảng thời gian 20 năm VHNT miền Nam, thủy chung, vẫn là nỗ lực tái hiện không gian nghìn năm trước, cho đời sau cơ hội sống lại, dù mơ hồ, sương khói...

                      Tuy nhiên, Cung Tiến không chỉ đem được vào cõi-giới tân nhạc của ông hồn tính đông phương, như một con bài chủ, một dấu ấn của riêng ông mà, họ Cung còn là nhạc sĩ đầu tiên(?) phổ nhạc thơ tự do.

                      Bằng vào tình thân giữa ông và cố thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến đã rất thành công khi soạn thành ca khúc bài thơ “Lệ đá xanh” của tác giả “Tôi không còn cô độc”: “Đôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin ngoài đời chỉ còn trời sao đáng kể, mà bên vì sao lấp lánh đôi mắt em, và đôi mắt em lấp lánh không thôi đến ngày cuối... / Đôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin, ngoài đời thơm thơm, cỏ hoa ươm hương dịu hiền / mà bên trái cây ngọt ngào đôi môi em, ngọt ngào đôi môi em, ngọt ngào đôi môi em ... / Nguồn sữa mật khởi đầu / Đôi khi anh muốn tin ngoài đời cỏ hoa tinh khiết, mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em, vòng ân ái, vòng âu yếm / Đôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin... / Ôi những người, ôi những người khóc lẻ loi một mình / Đau đớn lệ, đau đớn lệ là những viên đá xanh / Tim rũ rượi...” (6), (7)

                      Đề cập tới lãnh vực thơ phổ nhạc, những người yêu cõi-giới âm nhạc Cung Tiến, hẳn sẽ không quên ca khúc “Thuở làm thơ yêu em”, thơ Trần Dạ Từ hay; “Vết chim bay” thơ Phạm Thiên Thư... Tất cả những bài thơ này, đều được ông soạn thành ca khúc trước biến cố 30 tháng 4-1975 ở Saigòn.

                      Du Tử Lê
                      (Garden Grove, Sept. 2014)

                      ________

                      Chú thích:

                      (1) Do MTQGTNGPVN (Hoàng Cơ Minh) chủ xướng.
                      (2), (3), (4), (6) Nđd.
                      (5) Tôi không đề cập tới ca khúc “Nguyệt cầm” của họ Cung, mặc dù sáng tác này vẫn nằm trong mạch chảy “...nỗ lực tái hiện không gian nghìn năm trước” vì ca từ của bài này, vốn là thơ của nhà thơ Xuân Diệu.
                      (7) Tưởng cũng nên nói thêm, sau Cung Tiến, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng đã cho thấy tài hoa của ông, khi phổ nhạc 2 bài thơ tự do cũng của Thanh Tâm Tuyền. Đó là các bài “Dạ tâm khúc” và “Bài ngợi ca tình yêu”. Riêng cố nhạc sĩ Phạm Duy, đã bước thêm một bước nữa, khi phổ nhạc bài thơ xuôi “Khi tôi về”, của nhà thơ Kim Tuấn.

                      Last edited by Hoanghac; 06-03-2020, 04:54 PM.

                      Comment


                      • #12
                        Đường Hoa







                        Đôi mắt người Sơn Tây

                        Em ở thành Sơn chạy giặc về
                        Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
                        Cách biệt bao lần quê Bất Bạt
                        Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

                        Vừng trán em vương trời quê hương
                        Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
                        Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
                        Em có bao giờ em nhớ thương

                        Từ độ thu về hoang bóng giặc
                        Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
                        Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
                        Em có bao giờ lệ chứa chan

                        Mẹ tôi em có gặp đâu không
                        Những xác già nua ngập cánh đồng
                        Tôi cũng có thằng em còn bé dại
                        Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông

                        Đôi mắt người Sơn Tây
                        U uẩn chiều lưu lạc
                        Buồn viễn xứ khôn khuây

                        Cho nhẹ lòng nhớ thương
                        Em mơ cùng ta nhé
                        Bóng ngày mai quê hương
                        Đường hoa khô ráo lệ

                        Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
                        Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
                        Sông Đáy chậm nguồn quanh phủ Quốc
                        Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

                        Bao giờ tôi gặp em lần nữa
                        Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
                        Đã hết sắc mầu chinh chiến cũ
                        Còn có bao giờ em nhớ ta?

                        Quang Dũng
                        (1921 – 1989)


                        Last edited by chieutim; 07-02-2021, 09:06 PM.

                        Comment


                        • #13
                          Cung Tiến Art Songs








                          Last edited by chieutim; 07-21-2017, 10:35 PM.

                          Comment


                          • #14
                            Đêm







                            Last edited by chieutim; 06-03-2021, 09:01 PM.

                            Comment


                            • #15


                              (Nhạc sĩ Cung Tiến (1938-2022). Nguồn ảnh: Nhạc xưa)


                              Nhạc sĩ Cung Tiến – Cây đại thụ trút lá trong lặng lẽ

                              Những người thân cận với gia đình của nhạc sĩ Cung Tiến đều biết ông đã qua đời ngày 10 Tháng Năm, nhưng đến ngày 4 Tháng Sáu 2022, sau khi hậu sự hoàn tất, gia đình mới đăng cáo phó. Những người thân biết ngày qua đời của nhạc sĩ cũng được dặn dò là “xin hãy giữ yên lặng cho đến khi hoàn tất tang lễ.”

                              Khi mất, nhạc sĩ Cung Tiến hưởng thọ 83 tuổi, và lễ hỏa táng thực hiện vào ngày 2 Tháng Sáu, ở Nam California. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm quý giá như bài học mở đường của tân nhạc Việt Nam, đồng thời đóng góp nhiều công sức của mình cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nơi ông giữ chức tổng giám đốc Kế Hoạch và Dự Án, hoạt động như kinh tế gia, giúp cho Bộ Tài Nguyên và Thiên Nhiên Minesota nhiều năm, sau khi tỵ nạn từ 1975.

                              Với giới chức cũ của Việt Nam Cộng Hòa, nhạc sĩ Cung Tiến được nhớ đến như là một trong ba tổng giám đốc trụ cột của Bộ Kế Hoạch trước năm 1975. Còn với giới văn nghệ, ông được đánh giá không khác gì một “thần đồng âm nhạc”.

                              Từ khi đi di tản sau 1975, nhạc sĩ Cung Tiến chưa có lần nào về Việt Nam, cũng như được biết ông từ chối mọi lời mời phỏng vấn từ Việt Nam hoặc về nước tham dự biểu diễn.

                              Ngoài sáng tác, ông còn là nhà hòa âm, soạn khí nhạc, hợp xướng… và chơi được các nhạc cụ như sáo, mandolin, guitar và piano.

                              Tài năng âm nhạc của nhạc sĩ Cung Tiến bộc phát trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật. “Cụ thân sinh tôi là một nhà thơ, một nhà cách mạng. Ông theo Việt Nam Quốc dân Đảng, không có ai dính vào âm nhạc nhất là âm nhạc mới, không có ai cả”, nhạc sĩ Cung Tiến lưu bút.

                              Trong lớp nhạc sĩ đầu thế kỷ, với những khúc tân nhạc hoàn chỉnh như Đặng Thế Phong, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, nhạc sĩ Cung Tiến là người hiếm hoi viết hoàn chỉnh ca khúc ở năm 14 tuổi (1953). Bài Hoài Cảm – cũng là ca khúc đầu tay của ông, mà theo tâm tình lúc sinh thời là lúc đó, ông mới học đệ lục và là một học sinh chịu nhiều ảnh hưởng thơ mới lãng mạn của Huy Cận, Xuân Diệu… ”Riêng với tôi, nó là đứa con đầu lòng vẫn còn được thính giả yêu thích tôi vẫn thích vì nó giản dị và là một thời học trò của mình,” lời của nhạc sĩ Cung Tiến.

                              Nhạc sĩ Cung Tiến cũng là người dùng từ ngữ mô tả mãnh liệt nhất, và đầu tiên “lòng cuồng điên vì nhớ” cho một nỗi nhớ nhung của một thiếu niên về tình yêu đầu đời. Vào lúc bài hát ra đời cũng có nhiều người không quen và cảm thấy khó chịu với sự mô tả hết sức dữ dội này. Nhưng rồi dần người ta nhận thấy rằng, đó là cách diễn đạt chân thành và không kém phần tinh tế khi hoán đổi “điên cuồng” thành “cuồng điên” – khiến khung cảnh bài hát cũng nhẹ nhàng, bay bổng hơn. Nhà thơ Du Tử Lê từng gọi đó là “cách sắp xếp đầy mỹ cảm về phương diện tu từ học (rhetoric).”

                              Nhiều người khi biết về ông đều ngạc nhiên, vì sao có một kinh tế gia và một nhạc sĩ xen lẫn trong cuộc đời một con người. Thế nhưng, khi tìm hiểu sâu thêm về bối cảnh xã hội và cuộc đời của nhạc sĩ Cung Tiến, người ta lại càng thán phục.

                              Là một nhạc sĩ và có tinh thần hiếu học, ông chỉ muốn mình được học sâu và cao hơn về âm nhạc. Song, lúc đó các con đường du học và cấp học bổng chỉ có cho kinh tế. Vì vậy, nhạc sĩ Cung Tiến quyết định thi lấy học bổng kinh tế để đi nước ngoài du học, rồi bên cạnh đó sẽ tìm hiểu và học thêm âm nhạc ở xứ người. Và từ đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa có thêm một nhạc sĩ và một kinh tế gia tài giỏi.

                              Nhưng không phải ai cũng biết rằng nhạc sĩ Cung Tiến còn là một nhà văn và là một dịch giả. Ông có thời gian cộng tác chặt chẽ với nhóm Sáng Tạo, một nhóm tiền phong về văn hóa nghệ thuật của những người miền Bắc di cư vào Nam sau năm 1954.
                              Nhiều người trong nhóm Sáng Tạo đã dựng nên một góc trời văn chương cho người Việt, trong đó có Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền … Bút danh của nhạc sĩ Cung Tiến lúc đó là Thạch Chương, ông tham gia cả mảng sáng tác, nhận định và phê bình văn học.

                              Ông có dịch hai đại tác phẩm của hai văn hào Nga là Fyodor Mikhailovich Dostoevski và Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn ra Việt Ngữ. Đó là Hồi Ký Viết Dưới Hầm (bản dịch tác phẩm của M. Dostoievski, 1969) và Một Ngày Trong Đời Ivan Denissovitch (dịch từ A. Solzhenitsyn, 1969). Riêng về Một Ngày của Ivan Denissovitch kể về những gì xảy đến cho một người tù cải tạo tên Ivan Denissovitch trong một ngày dưới chế độ bạo ngược cộng sản Stalin.

                              Năm 1956, nhân 200 năm ngày sinh của thiên tài âm nhạc Mozart, Tổng Thống Ngô Đình Diệm có tổ chức một buổi hòa nhạc, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Lúc đó, nhạc sĩ Cung Tiến chỉ mới gần 18 tuổi, nhưng vì nghe danh tiếng của ông, đích thân Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã viết thư mời ông tham dự.

                              Trong tâm tình với báo chí về sau, nhạc sĩ Cung Tiến nói lúc đó ông tràn ngập niềm vui sướng vì được tham dự chương trình hòa nhạc về một tài năng âm nhạc thế giới, mà ông vô cùng hâm mộ. Và kế đó là ngỡ ngàng là vì sao một cậu bé như mình lại được tổng thống mời đích danh.

                              Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông có viết cho một số báo với bút danh là Đăng Hoàng. Nhưng với âm nhạc, nhạc sĩ Cung Tiến vẫn nối dài các sinh hoạt của mình. Ngoài chức vụ Ủy Viên Diễn Đàn Các Nhà Soạn Nhạc Hoa Kỳ, ông vẫn sáng tác và sinh hoạt âm nhạc thính phòng để quảng bá tinh thần âm nhạc Việt Nam.

                              Năm 1987, Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh Phụ Ngâm, soạn cho 21 nhạc khí Tây Phương, được trình diễn lần đầu vào năm 1988 tại San Jose, với dàn nhạc thính phòng San Jose và đã được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh 1988.

                              Vào đầu thập kỷ 1980, Cung Tiến phổ nhạc từ 12 bài thơ trong tù cải tạo của Thanh Tâm Tuyền mang tên “Vang Vang Trời Vào Xuân,” tập nhạc này được viết cho giọng hát và piano và được trình bày lần đầu tiên tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào năm 1985.

                              Năm 1992, Cung Tiến soạn tập Ta Về, thơ Tô Thùy Yên, cho giọng hát, nói, ngâm và một đội nhạc cụ thính phòng. Năm 2003, Ông đã thực hiện một tác phẩm nhạc đương đại Lơ thơ tơ liễu buông mành dựa trên một điệu dân ca chèo cổ. Ông cũng là hội viên của diễn đàn nhạc sĩ sáng tác Hoa Kỳ.

                              Hầu hết người yêu nhạc biết đến một Cung Tiến là đều tìm về kho tàng của 20 năm văn hóa vàng son của miền Nam. Trong một phát hiện mang tính sử nhạc của nhà thơ Du Tử Lê, một dấu ấn đặc biệt của riêng ông, là nhạc sĩ đầu tiên phổ nhạc từ dòng thơ tự do.

                              Từ giã nhạc sĩ Cung Tiến là một lần nghiêng mình trước một con nguời tài hoa, trầm lặng và cũng là nghiêng mình trước một thế hệ tiền nhân đã cống hiến cho văn hóa Việt có được những điều đẹp đẽ và quý báu như hôm nay.


                              Tuấn Khanh

                              (https://www.nguoi-viet.com)

                              Comment



                              Hội Quán Phi Dũng ©
                              Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                              website hit counter

                              Working...
                              X