Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những người điên

Collapse
X

Những người điên

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những người điên

    Những người điên


    Thành phố xơ xác, đói nghèo và nổi ưu tư, lo lắng hằn trên từng nét mặt những người qua lại. Quảng trường giữa trung tâm thành phố sừng sững lá cờ đỏ tươi màu máu và hình ảnh tươi cười, phương phi của người cha già dân tộc. Những ca khúc với âm điệu cao và nhanh được phóng ra từ chiếc loa to đùng trên một góc nóc nhà cao gần hình ảnh lá cờ và lâu lâu nhạc dừng lại cho người xướng ngôn viên bằng giọng nhát gừng nêu lên những thành tích, những dự tính, những phương cách để xây dựng cho đất nước ngày thêm giàu mạnh. Những người dân qua lại hình như chẳng chú ý gì đến những lời nói kia. Còn những ngưòi xướng ngôn viên thì có chắc chắn là họ biết hay hiểu những gì họ đang nói không nhỉ? Nhưng dù sao thì họ cũng cứ nói, nói từ ngày này qua ngày nọ, dù nói mà chẳng có người nghe! Bởi một lẽ rất giản dị: nói để có tiền thì dại gì mà không nói, nói để được mua gạo, mua thịt bằng giá nhà nước dù sao vẫn còn rẻ chán so với thị trường tự do!
    Vậy mà cũng có người nghe, ít nhất là cũng có một người nghe. Đó là ông già điên quần áo tả tơi, rách nát hay qua lại, lẩn quẩn xung quanh quảng trường giữa trung tâm thành phố. Hình như mọi người ai ai cũng biết ông già này, một người điên lúc nào cũng có mặt ở đây từ sáng sớm đến tối mịt. Nghe nói ông ta cũng có gia đình con cái hẳn hoi, nhưng từ khi vợ chết thì ông ta hóa điên, mới đầu con cái cũng lo lắng, chữa trị cho cha nhưng không có kết quả và sau này từ khi đất nước được giải phóng mọi người trong đó có con cái ông phải làm việc cật lực để xây dựng đất nước( hay ít nhất cũng để lo nuôi chính cái thân thể gầy ốm của mình) nên họ cũng chẳng có thì giờ mà để tâm đến ông nữa. Cũng chẳng có gì đáng trách vì dù sao ông cũng đã điên rồi, vả lại lúc ấy cũng có khá nhiều người điên trong thành phố này nên con cái ông cũng chẳng cần ái ngại chi cả. Có một điều khá ngộ nghĩnh là mỗi người điên một cách và biết tìm cho mình một nơi chốn riêng biệt và hình như chẳng bao giờ đụng độ nhau cả (hay là có đụng độ mà ta không biết!)
    Có một người đàn bà hay thiếu nữ mỗi ngày có mặt ở tam cấp xuống chợ từ sáng sớm đến tối mịt, mặt luôn hướng về phía mặt trời. Cô ta khá đẹp với thân hình dong dỏng cao, chắc chắn, những ngày mới xuất hiện cô ta trắng trẻo, hồng hào nhưng sau nhiều ngày tháng dầm mưa, dang nắng cô trở nên đen dòn và man dại với mái tóc dài, rối nùi vàng cháy Cô có đôi mắt buồn xa vắng của một minh tinh màn bạc, cô ngồi đó im lặng, không chửi bới, không la hét từ ngày này qua ngày khác. Khi đói thì xuống chợ, khu hàng ăn bốc đại vào những khay thức ăn đang bày ra trên sạp, những người chủ luôn luôn có sẳn một một cây que để đuổi ruồi và để đánh mạnh vào tay cô. Họ la hét, chửi bới nhưng sau đó thế nào cô cũng được bố thí cho cái ăn để qua ngày, qua tháng mà ngồi hướng mặt trời. Cô chịu đựng và lặng câm dù bị đánh đau, hiền lành với đôi mắt buồn xa vắng.
    Một người đàn ông với đôi kính cận thị trông rất trí thức, ông đi vòng vòng trong chợ từ sáng đến chiều nhìn hàng nọ, ngắm chỗ kia nhưng không bao giờ ăn cắp. Ở chợ ai cũng biết ông, ông cũng chẳng nói chẳng rằng với ai đến giờ trưa thì xách bao ni lông xuống đứng ở khu hàng ăn nhưng chẳng bao giờ thò tay ra bốc. Mấy bà chủ kêu ông lại cho vài miếng thịt nướng cháy, dăm ba miếng xôi, vài cọng bún, ông bỏ tất cả vào bao ni lông vậy cũng xong một ngày, người ta nói trước kia ông là thầy giáo.
    Đại khái là thế, ồn ào nhất chỉ có ông già điên trên quảng trời cờ đỏ. Ông lắng tai nghe thật kỹ những lời phát ra từ chiếc loa phóng thanh rồi bắt đầu phân tích, chửi bới với loại từ ngữ thô thiển, bình dân nhất đại loại như:
    - Tổ cha tụi bây chứ giải phóng, tụi bây là quân giết người cướp của. Tụi bây đói rách vào đây ăn cướp của dân miền Nam.
    - Ông nội tụi bây chứ lúa hè thu, đông xuân, đói lè lười cóc ra mà nói dóc, nói dóc ai thèm nghe! (Nói thật ra thì ông già điên có lắng nghe)
    Khi thấy đám thiếu niên quàng khăn đỏ đi qua, ông ngứa mắt la to:
    - Tụi bây xúi trẻ ăn c.. gà hả, đồ quân trời chu đất diệt, trẻ không tha già cũng chẳng từ.
    Có lần ông còn dơ bàn tay ra ngoắc vị cha già của dân tộc xuống:
    - Ê, thằng già râu có ngon xuống đây chơi với tao, thử mầy có chịu nổi cú đấm của tao không? Sao làm thinh, đồ thằng hèn.
    Vị cha già dân tộc chỉ là một tấm hình được phóng lớn chứ có thật sự hiện hữu đâu mà nghe lời thách đấu của lão già điên (có người nói trước kia ông là một người võ nghệ cao cường từng nốc ao bao nhiêu địch thủ). Thách đấu không có kết quả, ông đi qua, đi lại đưa của quý cho bác kính yêu. Thật là hết chỗ nói.
    Mấy người đi đường cũng lạ thật, nghe ông già điên chửi lại xúm lại coi và tủm tỉm cười, ông tưởng là hay nên càng chửi tợn hơn, ông la to vang dậy một góc quảng trường như con heo bị chọc tiết. Ông rủa, ông nạp, tiếng ông át hẳn cái loa phóng thanh với những khúc nhạc hùng đẫm máu quân thù một thuở nào đó. Ai cũng biết ông điên nên chẳng ai chấp ông, nhưng khi ông làm già quá, chửi nhiều quá thì các anh em công an đầy tớ của dân chịu không nổi, lại thêm thái độ cợt cười, khích lệ của những người chung quanh làm mấy anh nổi giận đỏ bừng cả mặt. Họ bước tới gần lão già điên và rít lên:
    - Vừa thôi nghe ông, tại sao ông giám xúc phạm đến bác của chúng ta! Ông đừng ỷ điên rồi muốn nói gì thì nói nghe, coi chừng đi vào tù mọt gông, ông muốn vào nhà đá hả?
    Lão già điên cũng chả vừa bèn hỏi lại:
    - Chúng ta là ai? Bác của mầy chứ đâu phải là bác của tao. Vào nhà đá à, ở đây ai cũng đang ở nhà đá cả: khó thở, khó ăn, khó nói chỉ có tao điên là dám nói.
    - Đừng giả điên khùng mà gây mất trật tự công cộng nghe chưa? Pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh nghe chưa, ông già điên.
    Ông già cười lên sằng sặc:
    - Mầy điên hay tao điên. Mầy vừa nói tao giả điên bây giờ gọi tao là già điên.
    Rồi ông phân bua:
    - Tao chửi là chửi thằng kia chứ có nói động gì đến ông sơ, ông vải mày đâu mà mày ngứa miệng.
    Nói lý, nói luật với người điên thì mình cũng hóa rồ thôi, mà đem giam ông già vào khám thì cũng mất công săn sóc, cho ăn tốn khoai, tốn sắn. Hơn nữa, cả thành phố này ai không biết lão già điên, bắt lão đi tù đánh đập lỡ sẩy tay lão chết thì ai cũng sẽ hay, còn đem lão ra tòa án nhân dân nổi cơn khùng lão rủa xả lung tung thì còn thể thống gì nữa. Nói tóm lại, không có luật pháp cho một người điên cho nên từ đó có hai cái loa phóng thanh trên quảng trường cờ đỏ. Một ca tụng ngợi khen và một chửi bới mạ lỵ, hai đài phát thanh thi nhau mà nói. Thính giả thích đài nào hơn thì chỉ có mình mình biết hay gia đình mình biết, thời buổi khó khăn mắt dứa, tai bèo sơ hở một tiếng chỉ có nước thiệt thân mà thôi.
    Ông già điên, càng ngày càng già nhưng không bao giờ ngưng tiếng vì ông được nói những lời ông thích nói, ông chửi cho đã miệng mà không bằng bài bản, nguyên tắc nào. Khán giả và thính giả của ông lúc nào cũng nở nụ cười với ông dù ông là một lão điên. Có người còn ước ao được là ông (thật là một xã hội kỳ lạ khi mà con người muốn biến thành một kẻ điên). Sau một ngày dài khốn khổ cho áo cơm, có lắm người đã nói với vợ chồng, con cái rằng:
    - Trời ơi! Ước chi tôi là ông già điên trên quảng trường cờ đỏ để được nói thực những gì tôi nghĩ, tôi chán lắm rồi! Chán lắm rồi!
    Chiếc loa vẫn nói: nói như con vẹt vì có bài, có bản, nói vì cơm gạo, thịt cá. Nó chỉ ngừng nói trong những ngày cúp điện để tiết kiệm ngân quỹ cho nhà nước. Mọi người thấy khỏe khoắn vì lỗ tai được yên nghỉ, nói cho cùng nghe lão già điên rủa nạp vẫn dễ chịu hơn dù rằng đời sống vẫn vậy, vẫn đói rách triền miên, vẫn đau khổ triền miên.
    Một ngày kia, có một đám cỏ lìa bờ trôi nổi trên mặt hồ của thành phố. Đám cỏ chỉ là một đám cỏ vậy mà mọi người cũng tung tin lên là sắp có cuộc đổi đời, họ xầm xì với nhau:
    “Cỏ nổi đổi đời”. Hàng ngày, có nhiều người bỏ công ăn việc làm ra bờ hồ nhìn đám cỏ và cầu nguyện và đã có những nụ cười làm sáng những khuôn mặt từ lâu vướng mắc tối tăm, sầu thảm. Sống trong nổi đọa đầy, tuyệt vọng đã lâu nên mọi người phải cố gắng tạo cho mình những niềm vui dù họ biết là không thật. Lại có tin đồn là một ông Tướng nào sẽ trở về khôi phục đất nước và lá cờ ngày xưa đã bây phất phới ở một nơi nào đó. Mọi người lại bắt đầu bàn ra, tán vào đủ thứ chuyện và họ thưởng thức thứ hạnh phúc có giá trị như ngửi lấy mùi thơm của một con gà quay khì bụng đang đói nghiến (có còn hơn không!)
    Lão điên, không biết bằng cách nào cũng theo dõi được tiến trình tư tưởng của thế sự, lão bắt đầu ê a câu sấm trạng Trình:
    Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về
    Nguyễn đến bồ đề rồi Nguyễn lại lui.
    Họ Nguyễn là cái họ thông thường và chiếm đa số trong dân gian. Nói đến người Việt Nam là người ta nghĩ đầu tiên họ Nguyễn rồi mới đến Lê, Trần, Phan, Lý, Đặng vân vân và vân vân. Bao nhiêu nhân vật nổi danh, nổi tiếng mang họ Nguyễn đã ra đi mà sao nói đến Nguyễn trở về họ lại cứ khăng khăng tin là sấm ký đã ám chỉ ông Tướng kia. Có phải chăng vì ông tương đối trẻ với những câu tuyên bố hào hung, với đôi chút ngông cuồng, coi trời bằng cái vung hồi còn tại chức. Nói cho cùng ông cũng đã ra đi như những người khác ra đi nhưng những lời tuyên bố quyết liệt, sống chết của ông đối với quân thù vẫn còn sống trong lòng những kẻ ở lại.
    Ở lại thì khổ lắm, khổ này có viết ra hàng trăm, hàng ngàn quyển sách chắc gì đã đủ. Ông đi rồi, họ nào để ông yên, đêm nào họ cũng kêu tên ông ra mà mạt sát, phê bình, họ bắt những người tuổi trẻ phải gọi ông là: tên này, thằng nọ.
    Một ngày kia có một cô gái gọi ông là “ông” trong một buổi họp đêm tại phường ấp đã bị đem ra kiểm điểm. Cô cứng đầu cãi lại:
    - Dù gì ông ta cũng là bậc cha, bậc chú mà gọi bằng thằng nọ, tên kia thì không đúng với lễ nghĩa con người, không hợp với đạo đức của người Việt Nam.
    Họ gằn giọng:
    - Đối với đạo đức cách mạng những tên buôn dân bán nước, cúi đầu làm nô lệ cho ngoại bang thì chúng ta phải gọi chúng là thằng, là tên vì chúng có nợ máu với dân tộc.
    Nói cho cạn cùng, ông hay thằng trong lúc này thì có nghĩa gì đâu, vì xã hội đã đảo lộn, tan hoang, chỉ tội nghiệp cho cô gái đã quen với câu cách ngôn treo trên tường lớp thuở còn đi học:
    - Tiên học lễ, hậu học văn!

    Thời gian trôi qua như một dòng sông tràn đầy rác rưới, nhọc nhằn. Mọi người đều bỏ ra đi bằng cách này hay cách nọ, những người điên năm xưa cũng không còn nữa, họ đã chết ở một góc đời nào cũng chẳng ai cần biết. Lá cờ đỏ trên quảng trường vẫn lì lợm bên người cha già dân tộc ngó xuống đám đông qua lại mỗi ngày và cái loa vẫn rả rả như tự ngàn ngày xưa nào đó. Vẫn bài, vẫn bản nhưng ngày nay cái loa không còn nói cho cơm, cho thịt cá mà nói cho xe hơi, nhà lầu, cho ngân hàng, cho công ty. Con vẹt không còn chửi bới những người ngày xưa nó từng chửi bới mà lại ca tụng, vuốt ve mới là kỳ lạ. Lâu lâu người xướng ngôn viên cũng ngừng cho ca nhạc trổi lên, nhạc bây giờ cũng là loại nhạc mà ngày xưa người ta kết tội, truy lung như một thứ tàn dư của chế độ cũ. Đám trẻ không còn quàng khăn đỏ nữa mà mặc áo bày nửa ngực, quần ngắn đến độ không thể nào ngắn hơn được. Nghĩ cũng lạ thời buổi này vải vóc tương đối rẻ và dễ mua hơn những ngày xa xưa đó mà sao người ta lại hà tiện vải thế nhỉ?
    Rồi lại có một gã tóc dài, áo quần tuy cũ kỹ nhưng khá sạch sẽ lại thay thế cho lão già điên thuở nọ. Mọi người nói gã hơi tàng tàng nghĩa là điên không ra điên, khùng không ra khùng, mà tỉnh cũng chẳng ra tỉnh. Gã loanh quanh, vòng vòng giữa quảng trường mỗi ngày, gã chẳng chửi bới, chẳng văng tục mà cứ ngếch mặt nhìn lá cờ, nhìn người cha già dân tộc rồi cười lên sằng sặc. Cười chán gã lại ngồi im lặng, mặt buồn thỉu như cha chết, mẹ chết. Khác những người điên ngày trước gã chẳng bao giờ thèm ăn cuả bố thí của ai, chắc gã có một nơi để nương dựa, để được tà tà dạo phố phường và để được gàn dở, cười khóc vu vơ mỗi ngày. Có người nói ngày xưa gã là một người có học yêu nước, đã từng viết lách, đã từng chống chiến tranh, gã đã từng có những giây phút ngất ngây trong hạnh phúc khi cuộc chiến chấm dứt trên quê hương này. Gã đã từng phấn khởi, phát biểu lung tung trong những ngày đầu đổi mới và nhất là gã đã chọn nơi này làm quê hương. Bây giờ thì gã ở đó với cái loa phóng thanh ồn ào thi gan cùng tuế nguyệt, gã có lắng nghe như ông già điên ngày nọ, nhưng phản ứng cuả gã là nụ cười khinh bỉ hay tràng cười giễu cợt. Khi nhìn gã buồn bã ngó vu vơ có người lắc đầu ái ngại, họ nói gã là một người thất chí và bị lường gạt. Ai lường gạt gã thì chỉ có tự gã biết mà thôi.
    Nơi ngày xưa cô gái ngồi hướng mặt trời có một người lính cụt chân thay thế với cây đàn từng tưng hát những bài ca ngày cũ. Điệu nhạc Boléro đều đều nghe mới não nề làm sao. Người qua kẻ lại bỏ vào chiếc nón vào ba đồng tiền lẻ, anh thương phế binh cũng lặng lẽ, hiền lành như cô con gái ngày nào, anh chỉ hát, hát hoài, hát mãi mà thôi. Vậy mà có một buổi sáng một điều lạ đã xảy ra: người qua lại thấy anh uống rượu và la lối òm sòm, anh không còn là người thương binh hiền lành cuả ngày nào nữa. Anh chửi thề như một người điên:
    - Về làm chi, về như vậy thì thà đừng về còn hơn!
    Ai về, anh chẳng nói, sự trở về của nhân vật nào đã gây xúc động cho người lính cụt chân như thế? Một tờ báo bị xé rách, vo tròn bên cạnh chiếc nón dơ bẩn, bụi đời. Anh đang giận dữ như bị xúc phạm nặng nề, dù rằng với kiếp sống đầu đường xó chợ như anh thương phế binh thì bị xúc phạm đâu phải là một điều hiếm có. Mọi người nói với nhau:” anh ta phát điên rồi!”
    Thành phố bao giờ cũng có những người điên, ở đâu cũng có những người điên, người khùng. Nhưng phải công nhận những người điên trên quảng trường cờ đỏ này có cái gì lạ lạ. Khi người thương binh chửi thề, gã tóc dài mon men lại nhìn và bất chợt cười lên khằn khặc, đó là lần đầu tiên trong kiếp sống lang thang gã chú ý đến người bạn láng giếng. Tiếng cười châm biếm cuả gã làm anh thương binh nổi cơn tam bành:
    - Mẹ, cười gì thằng kia, mầy cười tao hả thằng trí thức dõm.
    Gã tóc dài vẫn cười, cười chảy nước mắt rồi lần đầu tiên cóc mở miệng:
    - Đồ điên, đồ điên, điên cả lũ, điên cả bọn!
    Anh thương binh gầm lên:
    - Mầy nói ai điên?
    - Tôi không nói anh, không ai nói anh cả. Tôi nói cái nầy!
    - Cái gi?
    Gã tóc dài chỉ xuống tờ báo bị xé nát, vo tròn dưới đất:
    - Nó đó, tờ báo kia, chính nó là thủ phạm. Tôi đã đọc rồi, tối hôm qua. Tôi đã đọc rất kỹ những lời ông ta phát biểu! Ha, ha, vui quá, vui quá …
    Mắt anh thương binh dịu xuống một chút. Gã tóc dài quay lưng và tiếp tục cười. Cười chảy nước mắt. Trên cao người cha già dân tộc cũng mỉm cười, cái loa cũng rộn ràng tiếng cười của một cuộc phỏng vấn nào đó.
    Một cô gái quàng khăn đỏ thời đại, áo hở ngực, quần hở rốn nhún vai giọng chua như dấm:
    - Đồ điên, điên cả lũ!
    Cô nhún nhảy bước đi bằng những bước chân của nàng hoa hậu. Một cậu con trai tóc dựng đứng như bờm ngựa, nham nhỡ nhìn cô gái bằng hai con mắt ốc nhồi rồi phán một câu:
    - Anh điên, anh phát điên, phát rồ vì em đó!

    Mimosa PHƯƠNG VINH
    Berryhill – TN- USA


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X