Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Giữ Ngọn Cờ Vàng

Collapse
X

Giữ Ngọn Cờ Vàng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Giữ Ngọn Cờ Vàng

    Bạn Là Ai? Người hay Cá?


    Gần đây,truyền thống thông thường chào cờ và hát quốc ca Việt Nam (không cộng sản) trong những đại hội của các nhóm thân hữu người Việt hải ngoại bỗng nhiên trở thành những đề tài tranh luận nóng bỏng tại một vài đại hội. Trong những trường hợp hy hữu nầy, tình thân hữu của họ thoái biến thành những mối oan gia nan giải. Kỳ quặc nhất là ngay giữa những nhóm thân hữu vốn mang tiếng trí thức, có trình độ đại học và đã được huấn luyện về khả năng suy tư.

    Trong thiên nhiên, cũng có những loài sinh vật thích nhóm “đại hội” nhưng kết quả của những liên hoan, đại hội của chúng thì bi thảm hơn.

    Hằng năm, bắt đầu từ tháng 5, loài cá hồi (Salmon) “hồ hởi phấn khởi,” băng suối vượt ngàn thành “đại hội” về lại nơi chôn nhau cắt rốn; đàn ca xướng hát, tay bắt mặt mừng, sinh con đẻ cái và cuối cùng làm mồi ngon cho các động vật khác hay biến thành phân bón cho thiên nhiên.

    Xác cá hồi chết đỏ cả trời.

    Cũng hằng năm, tại hải ngoại, có nhiều hội đoàn, đoàn thể, nhóm cựu học sinh, sinh viên phấn khởi tổ chức đại hội; có nhiều nơi quy mô hơn, tổ chức “đại hội thế giới” mà tham dự viên đến từ nhiều nơi khắp năm châu bốn bể.

    Một thiểu số trong các nhóm nầy nhất quyết khẳng định rằng họ gặp nhau chỉ để bạn bè hàn huyên tâm sự, để học trò gặp lại thầy cô, vừa du ngoạn, vừa ăn nhậu, hả hê vui thú vật chất; phi chính trị, phi tôn giáo và phi ngay cả biện luận.

    Rất tiếc, có lúc họ biến thành nạn nhân của nhau vì sự bất đồng quan điểm về căn cước (identite, identity) của mình.

    Những lời cãi vã của họ đỏ cả trời.

    Như vậy, có phải chăng cá và người chẳng có gì khác nhau?

    Xét cho cùng,trên phương diện hội ngộ để hàn huyên, tay bắt mặt mừng, ôn lại những kỷ niệm huy hoàng của thời xưa hay để thuần vui chơi, ăn nhậu, nhảy đầm thì bản năng “đại hội” của loài cá xem có phần mặn nồng hơn của loài người.

    Tuy vậy, nếu đào sâu để đi tìm nguyên nhân và mục đích -- ngoài ăn chơi, mua vui nhất thời – thì cái bản chất văn minh, văn hóa mà qua đó căn cước, nhân cách (khác với ngư cách) của người tham dự và khả năng ý thức về căn cước, vận mạng và tương lai của mình là những yếu tố giúp phân biệt được loài vô tri, vô giác CÁ và loài hữu tình, hữu lý trí NGƯỜI.

    Đối với người Việt đang sinh sống ngoài Việt Nam, đại đa số có mang cùng một căn cước chính trị giống nhau: những người Tỵ Nạn Cộng Sản. Hơn thế nữa, mổi người Việt là một nhân chứng sống trong cái tổng hợp Nạn Nhân (Victimization) của ý thức hệ Cộng Sản.

    Nếu đã là Tỵ Nạn Cộng Sản và đồng thời cũng là Nhân Chứng Nạn Nhân của ý thức hệ Cộng Sản thì những người nầy phải có hay phải chọn một thực thể nào đó -- thực thể nầy phải hội đủ những điều kiện lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ -- để đại diện cho chính mình.

    Nếu chúng ta chịu khó đọc lại lịch sử Việt Nam nhất là giai đọan tiền VNCH (1945 trở đi) thì lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đương nhiên là đại sứ trên nhiều phương diện cho người Việt hải ngoại.


    Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ qua những thăng trầm của lịch sử Việt Nam

    Gần đây, tại những thành phố và tiểu bang lớn của Hoa Kỳ, lá cờ vàng ba sọc đỏ đã được chính thức hoá là lá cờ tiêu biểu cho người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản và di sản của họ.

    Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy đã và đang có một thiểu số -- hoặc vô tình hoặc cố ý - quên đi căn cước nầy và họ đã khăng khăng viện nhiều lý do vô thưởng vô phạt từ chối những biểu hiệu về căn cước của mình.

    Khi một nạn nhân từ chối bản chất nạn nhân của mình, họ chắc chắn đã trở thành hoặc người đồng lõa với kẻ gây ra tội ác hoặc là một kẻ dững dưng. Cũng có thể, họ đã trao đổi bản chất nạn nhân của mình cho một hứa hẹn về quyền hay lợi cho chính cá nhân mình hay cho thân nhân của mình.

    Khi một người Việt Nam tỵ nạn khước từ dấu chứng tỵ nạn của mình (không chào lá cờ truyền thống của mình) họ nghiễm nhiên chấp nhận vai trò cai trị của thể chế đã từng biến họ thành người tỵ nạn. Nói theo kiểu bình dị, họ là những người vô tổ quốc, là những kẻ tha phương cầu thực không hơn và không kém.

    Như vậy, chào hay không chào cờ vàng ba sọc đỏ phải được xem là thái độ để xác định bản chất tỵ nạn cộng sản hay chấp nhận thể chế chính trị đã biến mình thành kẻ tỵ nạn chính trị. Đây cũng là thái độ để xác định vai trò nạn nhân hay đồng lõa với những tên tội phạm CS Việt Nam.

    Hãy nhìn vào trong gương và hãy trả lời cho những thế hệ con cháu của bạn sau nầy: bạn là con người hay chỉ là con cá hồi đội lốt làm người tỵ nạn?


    Hà Lê Bích Thủy
    Last edited by hung45qs; 03-29-2011, 02:52 AM.
    Hung45HTQS


  • #2
    CHUYỆN LÁ CỜ VÀNG, 100 NĂM NỮA


    Từ đầu tháng 3 năm nay, những thư qua lại giữa cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt tại Âu châu (viết ngắn gọn là "Thụ nhân") đều xoay quanh "thái độ" của anh Lê Đình Thông, Trưởng Ban Tổ Chức ĐẠI HỘI THỤ NHÂN THẾ GIỚI 2012 tại Paris, đối với đề nghị TREO CỜ VÀNG của chị Lê Khánh Thọ, khóa 8 Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt.

    1- DIỄN TIẾN SỰ VIỆC

    Phiên họp ngày 6-3-11, sau khi đã bàn thảo một số việc khác, chị Trần thị Diệu Tâm, khóa 2 Chính Trị Kinh Doanh, nhắc đến bức thư đề nghị TREO CỜ VÀNG (chứ không phải CHÀO CỜ, xin xác nhận) của chị Lê Khánh Thọ (viết ngày 27-2-11), thì anh Lê Đình Thông tỏ thái độ gay gắt, quyết liệt gạt qua một bên, không cho nói đến LÁ CỜ.

    Anh Thông khẳng định là các Đại Hội Thụ Nhân ở hải ngoại từ trước đến nay đêù KHÔNG CÓ TREO CỜ, kể cả Đại Hội đầu tiên. Vì sắp hết giờ họp nên mọi người chuẩn bị ra về. Vấn đề tồn đọng chưa giải quyết xong, nên biên bản của chị Diệu Tâm không đề cập đến. Biên bản này được anh Phạm Trọng Khoát, Chủ Tịch Ban Chấp Hành, phổ biến khắp Thụ Nhân Âu châu.

    Ngày 16- 3-11, chị Lê Khánh Thọ viết thư xác nhận các bạn đồng học của chị ở Việt Nam, sau khi đi dự Đại Hội Trường xưa ở Hoa kỳ (có treo CỜ VÀNG) đều trở về nước bình an. Và chị nêu lên câu hỏi: "Tại sao anh Thông lại sợ LÁ CỜ VÀNG?"

    Ngày 15- 3-11, chị Diệu Tâm trong bức thư "Một Vài Cảm Nghĩ Gửi Các Anh Chị Thụ Nhân", và ngày 17- 3-11, chị Lê thị Hảo, khóa 1 Chính Trị Kinh Doanh, qua bức thư "Về Đại Hội Thụ Nhân 2012", đêù tỏ ý ngạc nhiên, lạ lùng về thái độ nóng nảy, áp đặt của anh Lê Đình Thông ngày hôm đó, đồng thời đưa bằng chứng rằng các Đại Hội Thụ Nhân Hải Ngoại ĐỀU CÓ TREO CỜ, chứ không phải "không có treo cờ " như anh Thông đã nói trong buổi họp.

    Mọi người chờ đợi anh Trưởng Ban Tổ Chức Lê Đình Thông lên tiếng. Nhưng anh im lặng.

    Ngày 20- 3-11, chị Trần thị Châu, khóa 8 Chính Trị Kinh Doanh gửi thư đề nghị BỎ PHIẾU trong hạn định từ ngày 20- 3-11 đến ngày 27- 3-11: không đặt vấn đề treo cờ, NÓI TRẮNG RA, LÀ KHÔNG TREO CỜ .

    Ý kiến cá nhân, tự mình đề xướng, không có sự biểu quyết của toàn thể (và không có sự đồng ý của các chị Diệu Tâm, Khánh Thọ, Lê thị Hảo và các
    anh Ngô Thanh Tâm, Huỳnh Tấn Tài v v v.) rồi chị Trần thị Châu tự mình thực hiện, là một việc trái quy tắc, nếu không muốn nói là "trái phép". Đưa ý kiến là một việc, biểu quyết thuận hay không thuận là một việc khác. Bỏ phiếu không phải là một trò chơi!

    Thư chị Trần thị Châu mở đâù bằng câu: "Châu ĐƯỢC BIẾT Ban Chấp Hành đã SOẠN SẴN thông báo giải tán Ban Tổ Chức, nên việc biểu quyết này là cần thiết...".Từ bao giờ chị Châu là "phát ngôn viên" chính thức của Ban Tổ Chức? Sao không ai hay biết cả, mà chị Châu ĐƯỢC BIẾT?

    2- MÀN ĐẤU TỐ CÔNG KHAI

    Trong khi chị Châu điêù khiển kế hoạch BỎ PHIẾU thì có một số nhân vật xuất hiện liên tục. Đó là chị Võ Quỳnh Mai với anh Trần Trí Tường ( Đan Mạch) và anh Nguyễn Ngọc Quang( Đức quốc ).Ba nhân vật này viết thư phỉ báng các chị Diệu Tâm , Khánh Thọ và Lê thị Hảo với giọng điệu khiêu khích rất "đại học"

    Anh Nguyễn Ngọc Quang viết cho chị Diệu Tâm thế này: "Hãy đứng ra thẳng thắn nói lên sự sai trái của mình rồi xin lỗi..." Rõ ràng là MỘT CUỘC ĐẤU TỐ CÔNG KHAI trước mắt mọi người. Chúng ta có cảm tưởng đang ở Bắc Việt vào thời điểm ĐẤU TỐ ĐỊA CHỦ 1955- 1956, chung quanh là búa liềm. Phải XIN LỖI toà án nhân dân vì đã dám ủng hộ đề nghị TREO CỜ VÀNG?

    Nhân vật Võ Quỳnh Mai xác nhận trong thư rằng "sau khi CÓ LIÊN LẠC với anh Lê Đình Thông và anh Phạm Trọng Khoat... nên Quỳnh Mai đã lên tiếng bỏ phiếu ngay!"

    MỘT DẤU HỎI LỚN:

    Vì sao anh Trưởng Ban Tổ Chức Lê Đình Thông không lên tiếng để trấn an dư luận, để cùng tìm một giải pháp?

    Vì sao không tham khảo ý kiến của quý vị giáo sư cố vấn?

    Vì sao không thông tin để các nơi được biết "chiêù hướng Đại Hội" hầu mọi người lo liệu tham dự hay là không?

    2- VẤN ĐỀ LÁ CỜ VÀNG

    LÁ CỜ VÀNG là biểu tượng của người Việt lựa chọn TỰ DO trong cuộc sống lưu vong ở hải ngoại, kể từ năm 1975. Không phải do hoàn cảnh đưa đẩy, tự nhiên mà LÁ CỜ VÀNG được xuất hiện ở nơi công cộng. Mà đó là kết quả của cuộc đấu tranh kiên trì, sắt son của rất nhiêù người, đủ mọi thành phần trong xã hội, có bằng cấp đại học hay là không.

    Đối với họ, ĐƯỢC CHÀO CỜ, hay ĐƯỢC TREO LÁ CỜ VÀNG LÀ MỘT VINH DỰ. Tại Paris, phải đợi đến khoảng năm 1982- 1983, người VIỆT tỵ nạn cộng sản mới được giưong cao LÁ CỜ VÀNG, trước đó họ không được phép, cờ bị cảnh sát tịch thu!

    Quý mến lá cờ là một biểu hiện tình cảm, từ đó mong mỏi được thấy lá cờ trong các buổi lễ hội quy tụ nhiêù người.

    Mới đây có người viết "chuyện lá cờ vàng sẽ còn bàn cãi vài trăm năm nữa".

    Đại Hội Thụ Nhân Hải Ngoại đang được CHÀO CỜ, được TREO CỜ, bỗng nhiên từ bỏ, năm 2008, viện cớ "phi chính trị"... đã manh nha muốn dẹp bỏ lá cờ. Lá cờ bị dập vùi, bị che mặt tránh xa, có phải vì nó có thể làm phiền nhiễu, gây cản trở những dự tính, kế hoạch trao đổi gi đó có tính cách riêng tư…

    Dễ lắm, hãy tổ chức Đại Hội Thụ Nhân ở Việt Nam, bạn sẽ thoải mái vì không thấy LÁ CỜ VÀNG nữa.


    Lê thị Hảo, khóa 1 Chính Trị Kinh Doanh
    Last edited by Luctuan; 04-05-2011, 05:15 AM.

    Comment


    • #3
      Lá Cờ Vàng

      Nền Cộng Hòa Tổ Quốc Việt Nam Là Một


      Cờ bay!
      Cờ bay!
      Giữa vũng lửa
      Trầm trầm dân, lính nước mắt ứa
      Một lần Cờ bay Vàng thành xưa
      Bao phần máu xương Người Việt đổ...


      Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là chung của tất cả Chúng Ta - Dân Tộc nơi Phương Nam dựng phận nghiệp Khổ Đau nhưng Siêu Việt.
      Cờ Vàng Ba Sọc đỏ là mối biễu tượng thuần thành, chính thống nhất. Bởi Cờ đã dựng lên uy nghi suốt giải quê hương từ Ải Nam Quan, miền núi cực bắc Đồng Đăng, Cao Bằng, Lạng Sơn, đến Mũi Cà Mâu, vùng đầm lầy Quản Long, An Xuyên, cuối nguồn Cửu Long, Sông Cái.
      Dẫu Cờ mất đi quyền hiện diện chính trị.
      Nhưng Cờ vẫn linh thiêng vĩnh hằng tồn tại nơi trái tim, và hơi thở chúng ta.
      Cờ bay không ngừng như máu chảy tự thân.
      Lá Cờ Vàng - Nền Cộng Hòa - Tổ Quốc Việt Nam là Một.

      Ngày 26 Tháng Mười, Năm 1955, nền Cộng Hòa khai sinh ở Thủ Đô Sài Gòn với danh hiệu chính thức: Việt Nam Cộng Hòa thay thế danh hiệu Quốc Gia Việt Nam, thể chế chính trị thành hình từ 8 tháng Ba, 1949, ngày Hiệp Ước Elysée ký kết giữa Tổng Thống Cọng Hòa Pháp Vincent Auriol và Quốc Trưởng Bảo Đại chấm dứt 65 năm thuộc Pháp (1884-1949). Chức vụ nguyên thủ quốc gia, "Tổng Thống thay thế danh xưng Quốc Trưởng". Ngày 8 tháng 3, 1956, Quốc Hội Lập Hiến Việt Nam Cộng Hòa chính thức công bố Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là Quốc Kỳ, Quốc Huy của nước là hình Cây Trúc biễu tượng Tinh Thần Chính Nhân, Đại Nghĩa của Dân Tộc Việt Nam.

      Chúng ta hôm nay cần nhắc lại những sự kiện, thời điểm lịch sử kể trên để cùng nhau xác chứng lại một điều hiễn nhiên: Lá Cờ Vàng, danh hiệu Việt Nam Cộng Hòa là một Thực Thể Chính Trị- Biễu Tượng Quốc Gia- Lý Chính Nghĩa- Sức Chiến Đấu của vạn, triệu Người Việt dài theo cùng Thế Kỷ 20 và trước đây, lẫn mai hậu. Dẫu hôm nay có những âm mưu đê tiện, thâm độc đòi xoá bỏ đi biễu tượng cao quý nhiệm mầu trên vì nại cớ chúng đã có liên hệ với những nhân sự, vụ việc gây nhiều lầm lỡ của giai đoạn từ sau cuộc đại chiến thế giới lần hai (1945) đến ngày thiên thu uất hận 30 tháng 4, 1975. Chúng ta phải vô cùng sáng suốt cảnh giác trước mưu hiễm của kẻ nghịch cùng đồng lõa và kiên trì giữ vững niềm tin, sức chiến đấu: Bởi máu của anh em ta, của cả dân tộc khổ nạn đã tô thắm thêm ba đỏ vạch sắc son nầy. Và Cộng Hòa không chỉ là danh xưng về thể chế chính trị, nhưng là mục đích tối thượng của toàn khối Người Việt luôn kiên tâm thực hiện Sống xứng đáng Giá Tri. Con Người, giữ gìn bền bỉ Phẩm Tính Dân Tộc.

      Nền Cộng Hòa, Cờ Tam Tài "Xanh-Trắng-Ðỏ" luôn là biễu tượng huy hoàng, vĩ đại của Dân Tộc Pháp, và cũng của toàn nhân loại về nỗ lực thực hiện ý niệm "Cộng Hòa-Tự Do Dân Chủ", dẫu Cách Mạng 1789 phải trả bằng giá máu kinh hoàng của bao người vô tội do tay những kẻ khủng bố tàn nhẫn.
      Mao Trạch Đông đã không tùy nghi vô cớ liên kết cách mạng vô sản với cuộc Chiến Tranh Nha Phiến 1884 giữa Triều Đình nhà Thanh với những đại cường Tây Phương trong buổi lễ vĩ đại ngày 1 tháng 10, 1949 nơi Quảng Trường Thiên An Môn mừng lần thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân - Bởi đấy là Truyền Thống chiến đấu giữ nước của Dân Tộc Trung Hoa.

      Chúng ta không thể tạo dựng nên điều vô cớ, bởi lá Cờ Vàng quả thật đã thấm đẫm lượng máu vô hạn của lớp lớp Người Việt quyết tử để Dân Tộc tồn sinh. Giòng máu oanh liệt của nhị vị Trưng Nữ Vương hòa xuống Hát Giang năm 43 lúc nước vừa mới tượng hình được tiếp nối với lượng sóng sông Bạch Đằng của kỳ giữ nước quang vinh, Thế Kỷ 13 quân Nhà Trần đánh tan ba lần đạo binh bách thắng Nguyên Mông. Từ bậc quân vương, đến người lính đầu bạc, cũng như ngựa đá phải chồn chân, hãn huyết xông lên trận tiền giữ nước. Đấy cũng là giòng máu kiên trung, hiến thân cho mệnh nước hằng tuôn chảy không ngừng khi Chiến Hạm Nhựt Tảo-Hải Quân 10 chìm xuống, hòa lẫn màu biển Hoàng Sa ngày 19 tháng 1, 1974, cùng thân xác Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà, và những Người Lính Hải Quân Quân Lực Cộng Hòa giữ gìn trời, biển phương Nam.

      Thế nên, Cờ không chỉ giới hạn là biễu hiện của riêng những chế độ cầm quyền, với Quốc Gia Việt Nam hay hai nền Cộng Hòa. Và Cộng Hòa là ý niệm tối thượng của cuộc sống- chiến đấu bất tận trên vùng đất lửa phương Nam. Dẫu sống vô cùng nguy biến đau thương như hằng hằng những đoàn người chạy loạn cộng sản-Từ cuộc di cư vĩ đại năm 1954 rời bỏ Miền Bắc; lần chạy nạn Tổng Công Kích Mậu Thân 1968; cảnh Mùa Hè Đỏ Lửa suốt ba vùng đất nước năm 1972, và lần oan khốc uất hận khi mất Cao Nguyên từ ngày 10 tháng 3, 1975 để đến hôm nay hiện thực với hai triệu người có mặt ở hải ngoại ố Những NGƯỜI VIỆT TY. NẠN CỘNG SẢN ĐỂ THỰC HIỆN Ý NIỆM CỘNG HÒA.

      Vậy, chúng ta phải khẳng định lại thêm một lần: Lá Cờ Vàng - Danh Hiệu Cộng Hòa là sức mạnh chuyển giòng đấu tranh xuyên suốt lịch sử từ những lần vị quốc vong thân sáng ngời trung liệt của Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương khi thành mất; của Trương Công Định, liệt sĩ Vàm Láng, Gò Công; của Nguyễn Trung Trực với chiến công vang động giòng Vàm Cỏ, Long An: "Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa. Kiếm bạc Kiên Giang khốc quỷ thần", cho đến lần Cờ lên trên Kỳ Đài Cố Đô Huế, sáng Mùa Xuân Mậu Thân, 24 tháng Hai, 1968..

      Quân dân ta nên một lần bật khóc
      Khi lá Cờ Vàng Ba Sọc
      Lừng lững lên cao
      Giữa mờ sương xứ Huế sáng Xuân nào!

      Danh hiệu Cộng Hòa bao gồm trong lời hô uy dũng của mười ba Liệt Sĩ Quốc Dân Đảng "Việt Nam Độc Lập Muôn Năm" nơi Yên Bái, sáng sông núi gờn gợn đau thắt, 17 tháng 6, 1930, không khác ý niệm quyết tử "Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm" của trung đội lính Nhảy Dù do Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái chỉ huy, đã chọn giây phút báo đền ân nghĩa quê hương với chính xác thân mình nỗ tung bởi trái lựu cuối cùng, buổi sáng 30 tháng Tư, 1975 nơi bùng binh Ngã Sáu, Chợ Lớn. Danh hiệu Cộng Hòa linh thiêng kia đã bừng lên soi rạng khoảng trời đất u tối sáng 29 tháng 4, 1975 khi chiếc Hỏa Long C119 của Trung Úy Nguyễn Văn Thành bốc cháy trên không gian Tân Sơn Nhất, Gia Định. Và giá trị Cộng Hòa mải mải tồn tại trong thanh âm quyết liệt của Hồ Ngọc Cẩn, Trần Văn Bá khi đối diện với nòng súng của trung đội hành hình.

      Chúng ta hôm nay cũng tương tự tình cảnh của những người Việt lưu vong đầu thế kỷ ở Sa Khôn, Thái Lan, với tất lòng đau xót như đã một lần được Tú Tài Đặng Thúc Hứa, đồng chí của nhị vị tiền bối Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh diễn dạt khi nhớ về quê nhà đang trong cơn điêu linh nhục thãm:
      Vùng Quê Hải, gió tanh mưa máu, án ba đào vì tình thế xui nên.
      Cõi Viêm Bang, núi thịt cồn xương, nỗi bi thảm xưa nay chưa có.
      Ngoài ngàn dặm trông về cố quốc,
      Non sầu bể thảm, quặn ruột gan chín khúc tơ vò.
      Cuộc trăm năm tưởng tới đồng tâm,
      Cỏ úa hoa dàu, dẫu sắt đá cũng hai hàng lệ nhỏ.

      Nỗi Đau cào xé nầy luôn bừng bừng cùng mối Ước Nguyện sắc son - Lần dựng lên trong nắng Miền Nam mầu uy nghi rực rỡ Cờ Vàng, và câu hát đã một lần vang động núi sông lẫm liệt cảm động ánh sáng vĩnh cửu Cộng Hòa.
      Cờ bay! Cờ bay!
      Trên thành phố thân yêu
      Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu!!

      CHÚNG TA PHẢI HÁT LẠI THÊM MỘT LẦN CÂU HÁT BI HÙNG NẦY TRÊN TOÀN CÕI QUÊ HƯƠNG

      Viết để nhắn nhở, vững tin
      Nghĩa Lớn - Việt Nam Cộng Hòa


      26 Tháng Mười, 1955 -- 26 Tháng Mười, 2002.
      Phan nhật Nam
      Last edited by hung45qs; 04-04-2011, 06:08 AM.
      Hung45HTQS

      Comment


      • #4
        Hung45HTQS

        Comment


        • #5
          Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tung bay tại Chiến Trường Afghanistan

          Tác giả: Võ Đức Tường Lân
          Dịch giả: Trần Thị Ngọc Lan


          Sau đây là những cảm nghĩ của một chiến sĩ trong quân đội Hoa Kỳ gửi về một người bạn về hình ảnh lá cờ Quốc Gia anh đã treo tại Afghanistan.


          Trung Úy Võ Đức Tường Lân đang ngưỡng mộ lá cờ Quốc Gia tại Afghanistan

          Tôi rất sung sướng khi biết rằng Bố tôi thích hình lá cờ Quốc Gia được kéo lên tại Afghanistan. Thoạt đầu, khi tôi mới nghĩ đến việc treo cờ vàng ba sọc đỏ, tôi chỉ nghĩ rằng đó là một cái gì có ý nghĩa riêng đối với cha tôi, và cho những ai đã dành tuổi thanh xuân của mình phục vụ cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Đối với tôi lúc bấy giờ, đó chỉ là một lá cờ không hơn, không kém, và càng không phải là một việc làm lạ thường gì cả. Thế mà khi tôi nhìn thấy lá cờ treo trên cao, phất phới tung bay trên bầu trời cùng với lá cờ Hoa Kỳ, một cảm giác lạ kỳ khó tả tràn ngập trong lòng tôi mỗi lần tôi đi ngang qua.

          Lá cờ này đã thật cao đẹp và thiêng liêng đối với cha mẹ tôi, và giờ đây, tôi lại làm cho nó được tự do tung bay trên bầu trời một đất nước khác. Không hiểu vì lý do gì ngày hôm đó tôi thấy mình đã đứng cao hơn, đã trưởng thành hơn và đã được nâng cao lên một tầm vóc mới. Tôi đã hiểu được cảm giác của cha mình khi nhìn ngắm lá cờ Quốc Gia 35 năm trước đây và bỗng nhiên, tôi nghiệm ra lý do tại sao cha tôi và các chiến sĩ trong QLVNCH đã đổ biết bao nhiêu thời gian và công sức để tranh đấu cho lá cờ hơn 30 năm sau khi chúng tôi bỏ nước ra đi để tìm tự do. Ý niệm tự do và dân chủ sẽ không bao giờ bị dập tắt mặc dù chúng ta không dành được chiến thắng trong cuộc chiến năm xưa. Ý niệm đó sẽ luôn tồn tại mặc cho những gì đã và đang xảy ra. Bảo tồn và biểu dương lá cờ ba sọc đỏ đồng nghĩa với việc bảo tồn và xiển dương niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta.

          Thật đáng ngạc nhiên khi chỉ một mảnh vải màu có thể làm nên điều kỳ diệu đó. Và như một lẽ tự nhiên, tôi muốn giương cao ngọn cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu của chúng ta trước bọn khủng bố, cũng như Cha Ông ta đã anh dũng làm việc đó trước bọn Cộng Sản hung tàn đã cuỡng đoạt miền nam Việt Nam. Tôi có cảm giác rằng tôi đã góp tay phần nào đó giúp họ đứng vững để chống lại những kẻ đàn áp tự do và công lý. Cái cảm giác đó tuyệt vời làm sao!

          ****


          I am very happy to hear that your father liked the photos of the Freedom and Heritage Flag raised in Afghanistan. Initially, I thought that flying the flag was just a nice thing to do for my father, your father and those who served in the South Vietnamese military. To me at the time, it was just a flag and it was a novel thing to do. But when I saw the flag flying high in the sky along with the American flag, I had chills down my spine each time I walked by it. This flag has meant so much for our parents’ generation, and now I get to fly it over a country that is involved in a similar situation. For some reasons, that day, I stood a little bit taller and held my head a little bit higher. I kept imagining standing in my father’s shoes and gazing at the flag some 35 years back. Suddenly, I understood why our fathers and the members of the QLVNCH continue to spend so much time preserving the flag and its image even thirty years after the country it represented ceased to exit. Democracy and freedom can never die, even with the losing of a war and a country. These ideals always be there, regardless of whatever happened and preserving the flag means preserving hope. It is amazing that a colored piece of cloth can embody such great things. And I realized that I get to fly this flag in the face of terrorism, very much like our fathers who flew this flag against the terrorism of North Vietnam. I felt that I had somehow carried on their cause and had helped them stand some ground against an oppressor of freedom and liberty. It was a great feeling.


          Võ Đức Tường Lân

          Comment


          • #6
            Trận Chiến Dựng Lại Cờ Vàng


            Trận chiến ‘Dựng Lại Cờ Vàng’ là một trong những trận chiến quan trọng hiện nay của chúng ta tại hải ngoại, góp phần phát huy sức mạnh của Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn cộng sản, đồng thờì góp phần hỗ trợ công cuộc dân chủ hoá trên quê hương Việt Nam đang trên đà thuận lợi.

            1. Quốc Kỳ Việt Nam trên Hy Mã Lạp Sơn.
            Ngày 17 tháng 5 năm 2004, quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ chúng ta được cắm trên đỉnh núi Everest của dãy Hy Mã Lạp Sơn. Đây là đỉnh núi cao nhất thế giới, cũng là nơi mà nhiều người trên thế giới mong muốn thực hiện cuộc hành trình gian khổ để được chinh phục đỉnh núi nổi tiếng này.


            Qua địa chỉ San Jose, bắc California, xin tóm lược bài viết trong tờ Thời Báo số 117 ngày 25/6/2004 phát hành ở Portland, Oregon, như sau: Kỹ sư Huỳnh Lương Vinh quen biết với ông Craig Van Hoy, 46 tuổi. Ông có vợ người Lào tên Malysone. Có thể do mối liên hệ với quê hương bên vợ mà ông Craig dễ thông cảm với các dân tộc trên bán đảo Đông Dương, cùng trong hoàn cảnh bị chế độ cộng sản độc tài cai trị. Nhận ra tình cảm đó, ông Huỳnh Lương Vinh tâm sự với ông Craig về những thành công ngoạn mục của Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn tại Hoa Kỳ, về cuộc vận động các địa phương chánh thức công nhận quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ. Kỹ sư Vinh mong muốn ông Craig, với tư cách Trưởng Đoàn chinh phục đỉnh núi Everest, mang theo quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ và cắm trên đỉnh núi.
            Ông Craig vui vẻ chấp nhận và ông nói thêm rằng: Ông cắm quốc kỳ này trên đỉnh Everest, không chỉ dành riêng cho ông Huỳnh Lương Vinh và Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn trên thế giới, mà là ông dành danh dự này cho hơn 80 triệu dân trên đất nước Việt Nam nữa. Xin nói thêm là trong đoàn leo núi này, ngoài ông Craig Van Hoy, còn có 1 người Đài Loan và 4 người Hoa Kỳ. Và ông Craig Van Hoy đã thực hiện đúng lời ông đã hứa với kỹ sư Huỳnh Lương Vinh.

            2. Quốc kỳ Việt Nam tại Iraq.


            Từ địa chỉ e-mail của bạn Tuyến Nguyễn ngày 1 tháng 10 năm 2004, cho biết là đơn của Trung sĩ Quân Cảnh Bùi Thanh Thảo, công dân Mỹ gốc Việt, trong quân chủng Lục Quân Hoa Kỳ đang chiến đấu tại Iraq, xin được cắm quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ tại đơn vị của Anh, đã được cấp trên của Anh chấp thuận. Và anh Bùi Thanh Thảo đã cắm quốc kỳ Việt Nam chúng ta cùng với quốc kỳ Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 9/2004 ngay trước đơn vị mà anh đang phục vụ tại thủ đô Iraq. Trong ảnh kèm theo e-mail cho thấy, anh Thảo đứng giữa 2 quốc kỳ Việt Nam-Hoa Kỳ. Trong thư anh Thảo gởi cho tòa soạn báo Người Việt ở California, có đoạn anh viết: Dù là một quân nhân đã phục vụ hơn 7 năm trong quân đội Hoa Kỳ, nhưng tôi vẫn không quên mình là người Việt Nam. Một đoạn khác: Nhân danh cá nhân tôi và các người lính Mỹ gốc Việt đang tham dự vào công cuộc chiến đấu chống khủng bố trên thế giới, tôi sẽ không bao giờ quên truyền thống Việt Nam của tôi, và tôi sẽ theo bước của các thế hệ ông cha, tôi tiếp tục chiến đấu cho lý tưởng tự do và dân chủ. Anh Thảo cho biết là đoạn này anh viết trong đơn gởi cấp trên của anh để xin phép treo quốc kỳ Việt Nam.

            3. Những tượng đài kỷ niệm và kỳ đài.
            Tại những tượng đài kỷ niệm đều có kỳ đài, và trên kỳ đài là quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ chúng ta chánh thức tung bay trong gió với quốc kỳ của quốc gia sở tại.
            Ghi nhớ đến tượng đài, tuy có muộn màng nhưng rất cần tuyên dương Liên Hội Người Việt tại thành phố San Jose, tiểu bang California. Giữa những năm 80, một công viên văn hoá Việt Nam được xây dựng tại thành phố này, và trong dự án có kỳ đài có quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ sẽ phất phới trên đó. Hội Đồng Quản Trị Công Viên thành phố San Jose hỏi ý kiến Bộ Ngoại Giao về việc Cộng Đồng Việt Nam treo quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa trước kia trên kỳ đài trong công viên. Trong một văn thư đề ngày 22 tháng 9 năm 1986 của Bộ Ngoại Giao, theo đó thì ‘Bộ Ngoại Giao không thấy trở ngại nào, về việc quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa cũ treo trên kỳ đài của đài tưởng niệm những chiến sĩ Việt Nam và Hoa Kỳ, đã dũng cảm hi sinh cho dân chủ tự do trong cuộc chiến tại Việt Nam’.
            Cũng cần tuyên dương Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn tại Ottawa, thủ đô Canada, đã long trọng khánh thành Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1995, với sự tham dự của nhiều nhân vật của thành phố. Hai bên bức tượng đồng Người Mẹ Bế Con Thơ đang chạy trốn cộng sản, là quốc kỳ Canada và quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ tung bay trong gió. Viên đại sứ cộng sản Việt Nam tại Canada, đã phản đối mạnh mẽ về tượng đài này, nhưng chúng ta đã thắng một cách vẻ vang, và việc này đã dẫn đến sự lạnh nhạt trong bang giao giữa Canada với cộng sản Việt Nam trong một thời gian.
            Tại thành phố Houston tiểu bang Texas chúng tôi, Bác Sĩ Trần Văn Tính và ông Ly Công Vinh, Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại Houston, từ năm 1994 đến năm 2000, với sự hỗ trợ tích cực của ông bà Trần Minh Tâm, chủ nhiệm chủ bút Tuần San Đẹp, cựu Đại Tá Trương Như Phùng, Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Vệ Chính Nghĩa Quốc Gia, và bà Nguyễn Thị Hoan, Thủ Quỹ của Cộng Đồng, đã vận động bà con thực hiện được 8 kỳ đài tại các khu phố thương mại sầm uất của bà con trong thành phố Houston và ven ngoại ô. Tại mỗi kỳ đài có 3 lá cờ ngang nhau: quốc kỳ Hoa Kỳ, quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ, và cờ tiểu bang Texas. Khá đặc biệt là kỳ đài thứ 9 do ông Minh, chủ nhân shop sửa xe tự thực hiện trên phần đất của ông ở vùng tây nam Houston. Tất cả tuy chưa phải là qui mô như tên gọi, nhưng điều quan trọng là quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ của chúng ta, cùng với quốc kỳ liên bang Hoa Kỳ và cờ tiểu bang Texas tung bay trên các vùng Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, và Tây Nam của thành phố.
            Cũng không quên tuyên dương Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn chúng ta tại Australia nói chung và miền tây Australia nói riêng, đã thực hiện và khánh thành Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt - Úc đã hi sinh vì dân chủ tự do vào ngày 7 tháng 12 năm 2002 tại thành phố Perth (miền Tây Australia). Tại đó, quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đã chánh thức phất phới trên kỳ đài, dù rằng đại sứ cộng sản Việt Nam tại Australia đã phản đối mạnh mẽ, nhưng họ đã thất bại như đã thất bại tại Canada.
            Sự kiện long trọng hơn hết là ngày 27 tháng 4 năm 2003, một tượng đài tưởng niệm Chiến Sĩ Việt Nam-Hoa Kỳ, đã được long trọng khánh thành tại công viên tòa thị sảnh thành phố Westminster, tiểu bang California, nơi được xem là ‘thủ đô’ của Cộng Đồng tị nạn chúng ta. Cũng nơi đây, tháng 2 năm 2003, Hội Đồng Thành Phố đã thông qua Nghị Quyết công nhận quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ là biểu tượng dân chủ tự do của Cộng Đồng chúng ta, và được chánh thức ngang hàng với quốc kỳ Hoa Kỳ trong các lễ hội công cộng. Và đây là thành phố mở đầu cho trận chiến dựng lại cờ vàng của Cộng Đồng Tị Nạn chúng ta.
            Ngày 25 tháng 4 năm 2004, một kỳ đài với 2 cột cờ cao 36 feet được khánh thành trong buổi lễ trang trọng tại khuôn viên đài phát thanh Sài Gòn SRBC ở thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Rất đông đồng hương tham dự.

            4. Những địa phương không đón cộng sản Việt Nam.
            Ngày 29 tháng 5 năm 2004, Nghị viên thành phố Westminster và thành phố Garden Grove, tiểu bang California, đã thông qua hai Nghị Quyết với nội dung tương tự nhau là ‘không đón tiếp các viên chức hay các phái đoàn cộng sản Việt Nam đến thăm chánh thức thành phố này’. Thành phố Westminster được xem là ‘thủ đô’ của Cộng Đồng Tị Nạn chúng ta, và Garden Grove là thành phố láng giềng thân thiết của Westminster.

            Hai Nghị Quyết này càng tạo thêm niềm tin trong Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn cộng sản trên khắp thế giới và ngay cả dư luận trên quê hương Việt Nam. Ngược lại, lãnh đạo cộng sản Việt Nam càng thêm tối tăm mặt mũi.


            5. Những địa phương đã công nhận quốc kỳ Việt Nam chúng ta.
            Chỉ với những chiến thắng trong 22 tháng qua, những phái đoàn cộng sản Việt Nam đến thành phố nào trên đất Mỹ mà có Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn, thì họ thấy cả rừng cờ nền vàng ba sọc đỏ của chúng ta, chớ chẳng có bóng dáng lá cờ máu nào của họ. Cho nên họ sợ, thậm chí là rất sợ. Thêm nữa, Cộng Đồng chúng ta khắp nơi liên tục vận động với các cơ quan thẩm quyền địa phương, chúng ta tin tưởng đến ngày nào đó không xa, quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ của chúng ta ngang hàng với quốc kỳ Hoa Kỳ, sẽ rực rỡ tung bay trên bầu trời của các tiểu bang trong những lễ hội, mà nơi đó có Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn.

            Khởi đi ngày 19 tháng 2 năm 2003 từ thành phố Westminster, tiểu bang California, vòng qua các tiểu bang theo thứ tự mẫu tự là Colorado, Florida, Georgia, Hawaii, Indiana, Kansas, Louisiana, Massachussetts, Mississippi, Michigan, Minesota, Nebraska, New York, New Jersey, Oklahoma, Oregan, Pennsylvania, Texas, Utah, Virginia, và tiểu bang Washington. Đến ngày 7 tháng 11 năm 2004, quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ của chúng ta đã được các đơn vị hành chánh địa phương và các tổ chức đảng Cộng Hòa, chánh thức công nhận theo thứ tự thời gian như sau:

            1. Ngày 19/2/2003, thành phố Westminster, tiểu bang California. Nghị Quyết 3750.
            2. Ngày11/3/03, thành phố Garden Grove, tiểu bang California. Nghị Quyết 8486-03.
            3. Ngày 14/4/03, thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia. Nghị Quyết TR-03-07.
            4. Ngày 5/5/03, thành phố Milpitas, tiểu bang California. Nghị Quyết 7300.
            5. Ngày 3/6/03, quận hạt Santa Clara, tiểu bang California. Quận Hạt này bao gồm 15 thành phố, kể cả thành phố San Jose, với dân số toàn Quận là 1.700.000 người.
            6. Ngày 4/6/03, thành phố Hooland, tiểu bang Michigan.
            7. Ngày 18/6/03, thành phố Houston, tiểu bang Texas. Nghị Quyết 17-2003.
            8. Ngày 24/6/03, thành phố Saint Paul, tiểu bang Minesota. Nghị Quyết 03-502.
            9. Ngày 7/7/03, thành phố Pomona, tiểu bang California. Nghị Quyết 2003-140.
            10. Cùng ngày 7/7/03, quận hạt Fairfax, tiểu bang Virginia.
            11. Ngày 15/7/03, tiểu bang Louisiana. Luật số 839. Đây là tiểu bang đầu tiên.
            12. Ngày 30/7/03, thành phố Sacramento, thủ phủ tiểu bang California.
            13. Ngày 30/7/03, thành phố Boston, thủ phủ tiểu bang Massachussetts. Nghị Quyết 03-1104.
            14. Ngày 8/9/03, thành phố Springfield, tiểu bang Massachussetts.
            15. Ngày 12/9/03, thành phố Oklahoma, thủ phủ tiểu bang Oklahoma.
            16. Ngày 16/9/03, thành phố El Monte, tiểu bang California. Nghị Quyết 8384.
            17. Ngày 16/9/03, thành phố Garland, ngoại ô thành phố Dallas, tiểu bang Texas.
            18. Ngày 16/9/03, thành phố Tumwater, tiểu bang Washington. Nghị Quyết R2003-013.
            19. Cũng cùng ngày 16/9/03, thành phố Malden, tiểu bang Massachussetts.
            20. Ngày 17/9/03, thành phố Rowley, tiểu bang Massachussetts.
            21. Ngày 30/9/03, thành phố Grand Rapids tiểu bang Michigan.
            22. Ngày 9/10/03, thành phố Lacey, tiểu bang Washington
            23. Ngày 8/10/03, thành phố Quincy, tiểu bang Massachussetts.
            24. Ngày 20/10/03, thành phố Doraville, tiểu bang Georgia.
            25. Ngày 21/10/03, thành phố Olympia, tiểu bang Washington.
            26. Ngày 28/10/03, thành phố Rainier, tiểu bang Washington. Nghị Quyết 461.
            27. Cùng ngày 28/10/03, thành phố Lowell, tiểu bang Massachussetts.
            28. Ngày 3/11/03, thành phố Norcross, tiểu bang Georgia.
            29. Cùng ngày 3/11/03, thành phố Clarkston, cũng tiểu bang Georgia.
            30. Cùng ngày 3/11/03, thành phố Dekalb, tiểu bang Georgia.
            31. Cũng ngày 3/11/03, thành phố Gwinnett, tiểu bang Georgia.
            32. Ngày 4/11/03, thành phố Lawrence, tiểu bang Massachussetts.
            33. Ngày 11/11/03, thành phố Arlington, tiểu bang Texas. Nghị Quyết 03-E-555.
            34. Cùng ngày 11/11/03, thành phố Port Arthur, tiểu bang Texas.
            35. Ngày 18/11/03, thành phố Marina, tiểu bang California. Nghị Quyết 2003.
            36. Ngày 1/12/03, thành phố Puyallup, tiểu bang Washington. Nghị Quyết 1834.
            37. Ngày 6/12/03, thành phố Worcester, tiểu bang Massachussetts.
            38. Ngày 8/12/03, thành phố Lakewood, tiểu bang Washington. Nghị Quyết 2003-29.
            39. Ngày 16/12/03, thành phố Fort Worth, tiểu bang Texas. Nghị Quyết 3017.
            40. Ngày 13/1/2004, thành phố Lincoln, tiểu bang Nebraska.
            41. Cùng ngày 13/1/04, thành phố Dupont, tiểu bang Washington. Nghị Quyết 04-279.
            42. Cùng ngày 13/1/04, thành phố Wichita, tiểu bang Kansas.
            43. Ngày 14/1/04, thành phố San Diego, tiểu bang California. Nghị Quyết R-2004-670.
            44. Ngày 27/1/04, quận hạt Pierce, tiểu bang Washington.
            45. Ngày 29/1/04, thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania.
            46. Ngày 3/2/04, thành phố Grand Prairie, tiểu bang Texas. Nghị Quyết 3975.
            47. Ngày 9/2/04, tiểu bang Hawaii. Nghị Quyết số 22. Đây là tiểu bang thứ hai.
            48. Ngày 10/2/04, thành phố South El Monte, tiểu bang California.
            49. Ngày 17/2/04, thành phố Stockton, tiểu bang California.
            50. Ngày 19/2/04, tiểu bang New Jersey. Đây là tiểu bang thứ ba.
            51. Ngày 24/2/04, thành phố Centralia, tiểu bang Washington.
            52. Cùng ngày 24/2/04, thành phố University Place, tiểu bang Washington.
            53. Ngày 16/3/04, thành phố Biloxi, tiểu bang Mississippi.
            54. Cùng ngày 16/3/04, thành phố Orlando, tiểu bang Florida.
            55. Cũng cùng ngày 16/3/04, thành phố Fort Wayne, tiểu bang Indiana
            56. Ngày 24/3/04, thành phố Honolulu, thủ phủ tiểu bang Hawaii. Nghị Quyết 04-72.
            57. Ngày 1/4/04, thành phố Tampa, tiểu bang Florida.
            58. Ngày 12/4/04, thành phố Syracure, tiểu bang New York.
            59. Ngày 15/4/04, tiểu bang Virginia. Đây là tiểu bang thứ tư. Luật 1457 ER.
            60. Ngày 20/4/04, thành phố Kent, tiểu bang Washingon. Nghị Quyết 1667.
            61. Cùng ngày 20/4/04, thành phố Tacoma, tiểu bang Washington. Nghị Quyết 36154.
            62. Ngày 4/5/04, thành phố West Valley, tiểu bang Utah. Nghị Quyết 04.
            63. Ngày 11/5/04, thành phố Bonney Lake, tiểu bang Washington.
            64. Ngày 3/6/04, thành phố Seaside, tiểu bang California.
            65. Ngày 7/6/04, thành phố Vancouver, tiểu bang Washington.
            66. Ngày 12/6/04, tiểu bang Colorado. Đây là tiểu bang thứ năm.
            67. Ngày 15/6/04, thành phố Coral Springs, tiểu bang Florida.
            68. Cùng ngày 15/6/04, thành phố Carrollton, tiểu bang Texas.
            69. Ngày 19/6/04, tiểu bang Georgia. Đây là tiểu bang thứ sáu. Nghị Quyết 1866.
            70. Ngày 28/6/04, thành phố Beaverton, tiểu bang Oregon.
            71. Ngày 19/7/04, thành phố St. Cloud, tiểu bang Minesota.
            72. Ngày 20/7/04, thành phố Portland, thủ phủ tiểu bang Oregon.
            73. Cùng ngày 20/7/04, thành phố Eagle Mountain, tiểu bang Utah.
            74. Ngày 24/8/04, thành phố Sugar Land, tiểu bang Texas.
            75. Ngày 7/9/04, thành phố Missouri, tiểu bang Texas.
            76. Ngày 29/10/04, tiểu bang Florida. Đây là tiểu bang thứ bảy.

            Về dự thảo Nghị Quyết 1866 do bà Jill Chambers, Dân Biểu tiểu bang Georgia bảo trợ. Sau đó, Nghị Quyết đã do chính bà Jill Chambers trao cho Cộng Đồng Tị Nạn chúng ta vào ngày 19/6/2004 tại trụ sở Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ ở số 5879 đường New Peachtree, thành phố Doraville.

            Sơ kết 76 địa phương đã công nhận quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ, gồm: 7 tiểu bang, 3 quận hạt, 66 thành phố. Và 76 địa phương này thuộc 22 tiểu bang sau đây: California 12, tiểu bang Colorado, tiểu bang Florida và 3 thành phố, tiểu bang Georgia và 5 thành phố, Indiana 1, tiểu bang Hawaii và 1 thành phố, Kansas 1, tiểu bang Louisiana, Massachussetts 8, Michigan 2, Minesota 2, Mississippi 1, Nebraska 1, New York 1, tiểu bang New Jersey, Oklahoma 1, Oregon 2, Pennsylvania 1, Texas 9, Utah 2, tiểu bang Virginia với 1 quận hạt và 1 thành phố, và tiểu bang Washington 14.
            Ba tin vui sắp tới.
            - Từ địa chỉ e-mail của Cộng Đồng Houston, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết, Chủ Tịch Cộng Đồng thông báo nhân ngày Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ 11 tháng 11/2004, Thống Đốc Tiểu bang Texas Rick Perry sẽ trao Nghị Quyết công nhận quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ cho đại diện Cộng Đồng chúng ta tại Austin, thủ phủ tiểu bang Texas. Cộng Đồng Houston và Cộng Đồng từ vài thành phố lân cận sẽ đến Austin tham dự lễ tiếp nhận Nghị Quyết này. Thành công này do công sức của Cộng Đồng tị nạn tại Austin, đặc biệt là ông Đào Văn Tiến và cựu quân nhân Việt Nam Hoa Kỳ tại thành phố thủ phủ này. Đây là tiểu bang thứ 8 công nhận quốc kỳ chúng ta.
            - Ông Nguyễn Đình Khánh, từ Sydney (Australia) xa xôi cho biết rằng: Hội Đồng thành phố Fairfield (Sydney) chánh thức cho phép Cộng Đồng Việt Nam tị nạn Úc Châu xây 4 trụ cờ ngay trước đài tử sĩ Úc-Việt trong công viên Cabra-Vale, trung tâm khu vực Cabramatta. Cộng Đồng Úc Châu sẽ tổ chức lễ thượng kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ chúng ta cùng với quốc kỳ Australia vào ngày chủ nhật 28 tháng 11 năm 2004. Cabramatta được xem là thủ đô tị nạn của Cộng Đồng Úc Châu. Chi phí cho 4 trụ cờ cao 6 thước (2 Việt Nam và 2 Australia) ước tính khoảng 12.000 Úc kim, Cộng Đồng Việt Nam một nửa và Hội Đồng thành phố Fairfield góp một nửa. Chỉ trong hai tuần lễ, đài phát thanh Việt Nam Úc Châu đã vận động bà con chung góp được 12.000 Úc kim. Số tiền thặng dư sau khi chung góp chi phí, Cộng Đồng sẽ sử dụng trong buổi tiếp tân nhân lễ thượng kỳ.
            - Từ địa chỉ e-mail Buiquangnghia, Phó Chủ Tịch Cộng Đồng New Jersey cho biết: Ông Nghĩa sẽ mail cho tôi những văn bản của Thống Đốc, Thượng Viện, và Hạ Viện tiểu bang New Jersey liên quan đến việc công nhận quốc kỳ chúng ta ở cấp tiểu bang (để xác nhận), cùng với hai Nghị Quyết của thành phố Camden và Jersey (tiểu bang New Jersey) cũng đã công nhận.

            Những tổ chức không thuộc đơn vị hành chánh địa phương công nhận quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ chúng ta, nhưng dù sao thì quốc kỳ Việt Nam chúng ta cũng được chánh thức ngang hàng với quốc kỳ Hoa Kỳ trong một khoảng không gian nhất định tại đó, vì vậy mà tôi xin ghi vào danh sách này:
            1. Ngày 7/4/03, đảng Cộng Hòa thuộc Khu Vực 48.
            2. Ngày 17/5/03, đảng Cộng Hòa tiểu bang Washington.
            3. Ngày 9/6/03, đảng Cộng Hòa quận hạt Pierce, tiểu bang Washington.
            Nhìn lại lịch sử thế giới, hầu như hiếm có trường hợp một quốc gia không tồn tại mà quốc kỳ của quốc gia đó vẫn tồn tại trong những trường hợp khác nhau trên thế giới như quốc kỳ Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ của chúng ta.
            Và những chiến thắng của Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn cộng sản trong ‘Trận Chiến Dựng Lại Cờ Vàng’ đã lan rộng đến 22 tiểu bang tại Hoa Kỳ, trong số này có 7 đơn vị hành chánh cấp tiểu bang (sẽ chánh thức là 8). Đây là trận chiến chính trị có tầm ảnh hưởng quan trọng đặc biệt, góp phần làm cho lãnh đạo cộng sản Việt Nam thêm tối tăm mặt mũi, mà điển hình là Nguyễn Đình Bin, Thứ Trưởng Ngoại Giao cộng sản Việt Nam, một đoạn trong bài phát biểu ngày 13/6/2003 tại trụ sở Ngân Hàng Thế Giới, với nhóm người Việt hải ngoại do họ chọn mời, như sau: “Hiện nay có hai vấn đề nổi cộm và xúc phạm không thể chấp nhận được, và đã cản trở sự phát triển quan hệ với Hoa Kỳ. Đó là dự luật Nhân Quyền và sự kiện một số thành phố hay thị trấn của Hoa Kỳ đã đưa ra nghị quyết công nhận cho treo cờ 3 sọc của chế độ thân Mỹ từ 28 năm qua vẫn còn tồn tại. Vấn đề này rất là phức tạp, nhưng mà những điều này đã gợi lại quá khứ, gợi lại đau thương”. Cộng với tình trạng đầu tư ngoại quốc ngày càng sút giảm, viện trợ ngoại quốc cũng trong tình trạng như vậy, thế giới nhất là Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu liên tục lên án nhân quyền tồi tệ. Tháng 9/2004, ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố là Hoa Kỳ liệt kê nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vào danh sách “cần theo dõi đặc biệt về nhân quyền”.

            Trong khi đó, Cộng Đồng tị nạn hải ngoại ngày càng vững mạnh về các mặt tại các quê hương thứ hai, nhất là có khối lượng trí thức trên dưới 400.000 tuổi trẻ tốt nghiệp từ những nền giáo dục khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới. Điển hình là thống kê năm 2000, dân số toàn liên bang Hoa Kỳ là 281 triệu (tháng 7/2004 là hơn 291 triệu), trong số đó cộng đồng Việt Nam là 1.122.528 người, chiếm 0.4%. Nếu bình quân một gia đình Việt Nam chúng ta có 5 người thì ta có 224.000 gia đình, nếu chúng ta chấp nhận bình quân mỗi gia đình có một người tốt nghiệp đại học thì ta có ngay con số 224.000 trí thức, cộng với các cộng đồng ở Châu Âu, Canada, và Châu Úc, chúng ta dễ dàng có 300.000 trí thức. Nếu chúng ta chấp nhận là cứ 2 gia đình Việt Nam có 3 người tốt nghiệp bậc đại học trở lên, thì riêng tại Hoa Kỳ con số trí thức là 336.000 người, và rất có thể chúng ta có 500.000 trí thức trên toàn thế giới, đó là con số trong tầm tay chúng ta mà lãnh đạo cộng sản Việt Nam rất thèm muốn khống chế và cai trị chúng ta như đang cai trị 82 triệu dân trong nước. Cộng với sự thèm muốn nắm khối tài chánh trong Cộng Đồng tị nạn cộng sản, để bù đắp vào lỗ hổng sụt giảm từ các tổ chức cũng như các doanh gia ngoại quốc, vì vậy mà họ chánh thức mở cuộc tổng tấn công vào Cộng Đồng chúng ta tị nạn tại hải ngoại bằng Nghị Quyết 36 của họ. Vậy, với đà chiến thắng này, mong rằng Cộng Đồng chúng ta khắp nơi liên tục vận động với chánh quyền địa phương, để nhanh chóng mở rộng diện tích mà quốc kỳ chúng ta chánh thức tung bay trên bầu trời liên bang Hoa Kỳ. Và những chiến thắng trong trận chiến này, trong một mức độ nào đó, đã thể hiện nhản quan của những nhà chính trị trong những cơ quan lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ cấp địa phương, vì những bài học kinh nghiệm trong sinh hoạt chính trường cho thấy sự kiện chính trị nào cũng mang theo nét nhìn riêng của nó.

            Xin được góp lời vinh danh quí vị và quí bạn trẻ, đã vận động thành công với các cơ quan chánh quyền địa phương cho “trận chiến dựng lại cờ vàng” của Cộng Đồng chúng ta tị nạn cộng sản tại hải ngoại. Và xin cám ơn quí vị quí bạn đã góp phần tạo nên bản tổng hợp này.

            Rất mong quí vị quí bạn, nếu biết tin tức thành phố, quận hạt, tiểu bang, hay tổ chức nào đã công nhận quốc kỳ chúng ta, vui lòng thông báo trên diễn đàn, hoặc e-mail , Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Hải Ngoại sẽ trích dẫn nhật tu và phổ biến lại trên các diễn đàn, đồng thời phổ biến trong hệ thống Tổng Hội Cựu SVSQ/TB Thủ Đức hải ngoại.

            Trân trọng cám ơn.
            Thân kính.
            Houston, Texas, 7 tháng 11 năm 2004.
            Phạm Bá Hoa tổng hợp.
            Last edited by Luctuan; 04-05-2011, 05:13 AM.

            Comment



            Hội Quán Phi Dũng ©
            Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




            website hit counter

            Working...
            X